CHƯƠNG VIII A
SỰ SỐNG DẬY CỦA SỨC MẠNH TINH THẦN
CHƯƠNG VIIII A
SỰ SỐNG DẬY CỦA SỨC MẠNH TINH THẦN
Ít lâu trước khi trở lại, hồng y Newman đã viết cho một người bạn, linh mục công giáo: “Cha không thể thuyết phục chúng tôi về Giáo Hội Công Giáo cho đến khi nào chúng tôi quan sát được Giáo Hội, không phải trong những hoạt động chính trị, nhưng trong những công tác giảng thuyết, giáo huấn và hướng dẫn” (1). Ðáng tiếc, quả thật lịch sử đã chú trọng một cách quá đặc biệt đến những cục diện bề ngoài của đời sống Giáo Hội, mà quên đi đời sống sâu xa là lý do hiện hữu của Giáo Hội. Ðây là lãnh vực huyền bí những điều kỳ lạ dành riêng cho Clio, nữ thần lịch sử. Khung cảnh thời gian và những giới hạn vật chất áp đặt cho công cuộc khảo nghiệm này đã làm gia tăng sự khó khăn: Chỉ trong vòng nửa thế kỷ mà phải coi như nắm vững tất cả những gì vĩnh cửu trong cấu trúc và hoạt động của Giáo Hội, nói cách khác, tất cả cái gì là cốt lõi; trong lúc đó, cũng phải nắm bắt những hình thức mới lạ mà nền văn minh của thời đại đã đặt ra. Vả lại, trái với những thực tế quan yếu hiện hữu trong cả cộng đoàn, các cục diện này cũng là những điều thường thay đổi nhất từ nước này đến nước khác, từ vùng nọ đến vùng kia. Một sự mô tả toàn mãn phải cụ thể và phải mang tầm vóc uyên bác. Vả lại, để thực hiện một công trình như vậy, thường rất thiếu những công tác cơ bản, những tổng hợp cần thiết và vững chắc. Vì thế, cho dù cách đề cập vấn đề còn nhiều thiếu sót, người ta cũng phải chấp nhận một số nhận định tổng quát, được nêu lên như những giả thuyết để làm việc.
Có một sự mâu thuẫn kỳ lạ: trong lúc xã hội ngoài đời có vẻ tách rời khỏi Giáo Hội, trong lúc phong trào vô tín ngưỡng đang thắng thế và bắt đầu dìm những phần tử ưu tú xuống hàng đại chúng, thì chính lúc đó, đã khởi sự một nghịch trào mạnh mẽ tung ra những phản luận nặng nề chống lại những tên tiên tri đầy ác ý, đang tưởng rằng có thể đem đức tin Công Giáo bỏ vào viện bảo tàng như những di tích man rợ. Hiện tượng này khó mà hiểu được từ bản chất, nhất là vì nhịp độ và phương cách của nó khác biệt từ nước náy sang nước khác, từ giai cấp này tới giai cấp kia. Tuy nhiên, nó hiện thực đến nỗi nhiều nhà đương thời đã ghi nhận được. Chỉ nêu lên một nhân chứng, ít bị mang tiếng là có viễn mộng lạc quan, chính công tước Beugnot, tổng giám đốc công an của vua Louis XVIII, ngày 10.9.1814, đã viết cho người bạn ông là Lezay-Marnésia: “Tôi dường như thấy tại Âu Châu và ngay cả tại nước Pháp, một con dốc nào tôi cũng không biết nữa, đang đổ tới những tư tưởng tôn giáo và ngay cả những tư tưởng huyền bí. Anh biết là những tư tưởng đó tiếp nối cơn sốt chính trị. Chúng ta mới cảm thấy sự rung chuyển, nhưng chúng ta đã chưa đũ bình tĩnh, và có thể, đây là thời điểm mà tinh thần, băn khoăn bởi thực tế, sẽ tìm tới lý tưởng” (2). Sự rung chuyển cách mạng, nỗi lo âu xâm chiếm tâm hồn trước sự sụp đổ của những khung cảnh quen thuộc và an toàn, những nỗ lực phối hợp của các chính phủ bảo thủ, khung cảnh lãng mạng, những giải thích này có thể thỏa mãn những nhà xã hội học thực nghiệm, nhưng vẫn còn thiếu sót dưới con mắt người kitô hữu.
Dù người ta nghĩ thế nào đi chăng nữa, thì những yếu tố đã làm nẩy sinh phong trào vẫn là những dấu chỉ còn nhan nhản trước mắt. Chúng nêu bật về chiều sâu và tầm vóc của phong trào: Ðó là sự tăng cường cán bộ của Giáo Hội, niềm hăng say mới của hàng giáo phẩm, tinh thần giác ngộ của giáo dân về một đức tin hoạt động hơn, làm sóng trở lại của người ngoại giáo và vô tahán, sự phát triển những công trình bác ái và giáo dục, những cộng đoàn sốt mến, những nhà dòng, đà phát triển của lòng sùng đạo, sự bành trướng truyền giáo…
Hãy coi những cấu trúc của cơ chế Giáo Hội. Trên bình diện này, tiền bán thế kỷ XIX, coi như là thời gian chuyển tiếp : Những cơ chế và lề thói cổ hủ vẫn còn tồn tại, trong lúc người ta cố gắng tu bổ lại những gì đã bị phá hủy bởi cơn khủng hoảng của cuộc cách mạng, người ta vẫn chưa phân biệt rõ ràng những yếu tố căn bản và những điều thêm thắt quá trớn. Nhưng, qua những chỉ dấu khác, người ta cảm thấy một trang sử mới đã được lật qua.
Giáo triều vẫn bám víu vào quốc gia của mình tại Ý Ðại Lợi, quốc gia đã bị án treo mà vẫn còn gây trở ngại cho những cơ quan trung ương của Giáo Hội. Cũng như trước cuộc Cách Mạng, đức giáo hoàng vừa là nguyên thủ thế tục, vừa là nguyên thủ tinh thần, và sự lẫn lộn này đã ảnh hưởng trên các nhân sự của Tòa Thánh roma, thúc đẩy ưu tư và hoạt động của họ nhiều khi hướng về những chuyện xa vời với chức năng rao giảng Phúc Âm. Chính quyền trung ương của Hội Thánh là một bộ máy cồng kềnh và cũ kỹ, với 25 “giáo bộ”, một số tương tự tòa án thụ lý hỗn độn cả việc đời lẫn việc đạo, những trách vụ hoàn toàn pháp lý, những trách vụ hành chánh, với các văn phòng (Tòa Chưởng Ấn, Tòa Công Vụ, Tòa Tông Ðồ), với 5 Tòa Bí Thư chuyên biệt hoạt động bên lề Bộ Ngoại Giao trở thành cơ quan tối cao của giáo truyền (3). Nếu còn thêm vào đó những ban ngành của giáo triều, những bộ phận của nền hành chánh quốc gia về mặt thế tục, thì có đến hàng ngàn kẻ ăn bám, có lợi lộc trong những vụ lạm dụng đang làm giáo dân bất bình, và nuôi dưỡng những sự nhạo báng của kẻ thù Giáo Hội. Năm 1822, một quan sát viên người Áo viết: “Tại đó, người nào cũng có quyền chỉ huy, và chẳng có ai tuân theo, ai cũng có quyền làm luật lệ để rồi bị khinh thường ngay tức khắc, tranh chấp triền niêm mà không có ai gục ngã, ai cũng có tay để vơ vét mà chẳng có ai ban phát; ở đó, không có gì được phép bán nhưng người ta mua gì cũng được; ở đó, có điều hôm nay người ta lên án, nhưng ngày mai lại được ca tụng là tốt lành, nơi đó người ta rao giảng Phúc Âm nhưng lại phụng sự Coran của Hồi giáo, nơi đó, tất cả đều là mâu thuẫn mà guồng máy vẫn tiếp tục chạy và không thể nào làm nó ngừng lại được” (4). Dầu thế, mặc dù một số hình thức bề ngoài, Roma của các giáo hoàng Pie VII và Grégoire XVI hết còn là Roma của thế kỷ thứ XVIII, cái ốc đảo nơi mà tôn giáo và thế tục kết hợp với nhau một cách hòa nhã để «dễ sống». Sự thử thách của cuộc Cách Mạng, những đe dọa ngày càng nặng nề trên thế quyền, những khó khăn tài chánh, ý chí cải tổ của các giáo hoàng đã áp đạt một bầu không khí khắc khổ; không còn là cái thời của những vị hồng y lộng lẫy, không có gì khiêm nhường bằng toán tùy tùng của một trong những tân vương tước của Giáo Hội nữa: một chiếc xe cũ kỹ, kéo bởi một con ngựa già, 2 người hầu cận, áo quần nhéch nhác (5). Nếu những bất trắc của chính quyền thế tục vẫn liên tiếp cản trở công tác cai quản của đức giáo hoàng, sự độc hại của chúng được nhiều người biết tới hơn. Nhất là vai trò thiêng liêng của đức giáo hoàng được rõ ràng hơn trước mắt giáo dân.
Ðây chính là những thành quả to lớn của cơn khủng hoảng cách mạng: những nhà hữu trách của xã hội trần thế, xã hội đang bị xáo trộn, đã nhìn nhận sự quan trọng của các thế lực tinh thần để có trật tự xã hội; những nhà tiên tri của chủ thuyết Phục Hưng, những ông Maistre, Haller, Bonald, Lamennais đã đặt giáo triều vào trung tâm hệ thống của họ. Những vị quân vương, trước đây thường lúc nào cũng sẵn sàng lấn át giáo quyền, thì nay lại kính cẩn hướng về Roma, để cầu xin sự hậu thuẫn của thần quyền cao cấp nhất; và những kẻ chần chờ lại không phải là những vị vua tin lành hay ly giáo. Dĩ nhiên là sự liên kết giữa giáo triều và vương triều có những nguy hại trong tương lai – một số người sáng suốt đã nhìn ra rõ ràng (6) – nhưng, trong khi chờ đợi, trạng thái mới này đã giúp cho giáo quyền chiếm lại được những mất mát trong thế kỷ XVIII dưới sự tấn công của các thuyết Pháp giáo bảo hoàng hay Josephisme. Nó cũng đòi hỏi và nhận được sự tham gia hữu hiệu hơn trong việc bổ nhiệm giám mục, nó lợi dụng được tình trạng hòa bình tổng quát, sự cải thiện về chuyên chở, để thông tin tự do hơn, thường xuyên hơn với tất cả mọi thành phần của Hội Thánh.
Tình hình hàng giáo sĩ tại nhiều nước đã góp phần tăng cường uy quyền của Tòa Thánh: Tại Ðức, Pháp, Bỉ, các giám mục đã bị tước đoạt hết phần còn lại của thế quyền, chỉ có thể chống lại áp lực của chính quyền dân sự bằng cách quay về với Tòa Thánh; hàng giáo phẩm, mất đi những bảo đảm của chế độ lợi tức lãnh sở trước đây, phải chạy đến Roma xin bảo trợ chống lại sự độc đoán của giám mục. Ðối với những giáo dân sống trong các quốc gia ly giáo, Tòa Thánh cũng là uy quyền giám hộ duy nhất. Như vậy, người ta đã thấy xuất hiện những điều kiện thuận lợi cho phong trào tập quyền bất khả kháng đang phát triển trong hậu bán thế kỷ; thuyết Pháp giáo và những hóa thân khác cấp quốc gia đã phải rút lui trước thuyết độc tôn Roma.
Trên bình diện tổ chức giáo phận, những năm xây dựng đã dẫn tới, trong hầu hết các nước, sự điều chỉnh những địa giới cũ trùng với ranh giới chính trị; trong một số nước, như nước Pháp, con số ghế giám mục đã giảm bớt, trong lúc một sự quân bình hóa đã xóa bỏ những bất công. Tổng số Tổng Giáo Phận và Giáo Phận, vào năm 1800 còn là 788 đã trụt xuống 723 vào năm 1823, lúc đức giáo hoàng Pie VII băng hà, vào năm 1846 nó lại tăng lên thành 740 (7). Nhân số tu sĩ, bị sút giảm trầm trọng trong cơn khủng hoảng cách mạng, đã nhanh chóng được bổ sung. Ngoài trừ nước Pháp (8), đáng tiếc, không thể nào đưa ra được ở đây những điều chính xác như mong muốn. Tỷ lệ giữa các linh mục triều và linh mục dòng đã thay đổi hoàn toàn với ưu thế về phía tu sĩ triều bởi hiện tượng bỏ dòng dưới chế độ của Pháp, và mãi đến sau năm 1850, tỷ lệ này mới có chiều hướng trở lại như trước cuộc Cách Mạng.
Có thể nói là tình trạng xuống cấp vật chất của hàng giáo sĩ sẽ kéo dài hơn. Tại đa số những cộng đoàn Tây Phương, Giáo Hội đã mất một lúc những sản nghiệp đất đai tích lũy từ nhiều thế kỷ, và những lợi nhuận cần thiết để giúp cho các tu sĩ chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ tu trì mà không phải lo lắng về mặt tài chánh. Quả thật, sự nghèo khó mới mẻ này có tính cách Phúc Âm hơn là sự giàu sang thuở trước; nó bảo đảm cho những ai lựa chọn nó một sức mạnh tinh thần cao hơn. Nhưng nó cũng có những bất tiện: vị linh mục nhàn hạ không phải đã là thiếu lòng hăng hái, ít ra ngài được độc lập với chính quyền dân sự; trong hệ thống thỏa ước Giáo Hội – Chính Quyền xuất tích từ cuộc Cách Mạng, vị linh mục lãnh lương nhà nước có hình ảnh một nhân viên công chức về mặt tinh thần. Ngoài ra, người ta còn thấy những dấu chỉ về sự xuống cấp về giáo dục tu sĩ. (9) Có thể nói thêm là hiện tượng này càng đáng chú ý vì nó tương phản với những nỗ lực khôn ngoan mà người ta nhận thấy trong đạo Tin lành ở Ðức và trong Anh Giáo thời ấy: họ muốn đào tạo một cách đứng đắn hơn những người dự bị trở thành mục sư. Sự tuyển chọn tu sĩ cũng bị ảnh hưởng: ngoài Ðế quốc Áo và Tây Ban nha, những chức sắc cao cấp của Giáo Hội không còn được các vương tôn công tử con nhà giàu coi như những địa vị có lợi nhuận; việc lựa chọn giám mục đã được dân chủ hóa, sự lựa chọn ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thế tục. Những điều đó không có nghĩa là chính trị không xen vào, trái lại. Trong một cuốn sách nhỏ khá ly kỳ tựa đề “Delle cinque piaghe delle Santa Chiesa”, (10) cha Rosmini đã tố giác như một trong những điều xấu của Giáo Hội là sự kiện lựa chọn giám mục bị bỏ mặc cho chính quyền dân sự, do đó đưa đến kết quả là chức giám mục đã trở nên một quan chức chính trị. Cũng có thể một số gia đình khá giả miền quê, khi xưa hướng dẫn con cái vào ‘nghề tu trì’, nay có xu hướng tách chúng ra khỏi cái cuộc đời đã trở nên khó khăn về mặt vật chất mà cũng chẳng vinh hiển gì về mặt xã hội. Song song, những người có ơn gọi từ giai cấp quý tộc và giàu có đã thấy khó chịu đứng chung trong hàng ngũ giáo sĩ triều mà đại đa số xuất thân từ những giai tầng khiêm nhượng nhất của quần chúng thôn dã; tầng lớp duy nhất mà chức linh mục còn là một thăng tiến xã hội; từ đó, những thành phần trưởng giả có xu hướng vào một số nhà dòng đang thời phục hưng, như dòng Tên chẳng hạn.
Sau hết, tòa giám mục chỉ có lợi khi hệ thống lợi nhuận địa sở bị mất đi; từ đó, nơi nào không còn chế độ lợi nhuận địa sở, linh mục triều ở đó hoàn toàn bị giám mục thao túng. Ngoài ra, sự vắng mặt tạm thời của hầu hết các giáo sĩ được miễn trừ, sự triệt tiêu những thẩm quyền tài phán phần đời và phần đạo, từ trước đến nay vẫn bảo vệ các linh mục chống lại sự lạm dụng quyền thế, sự truyền nhiễm chủ thuyết quân phiệt hành chánh kiểu Napoléon, tiền bán thế kỷ XIX, dường như, ít là tại Tây Âu; đã đi đến tột độ của quyền độc tài giám mục, trước khi có những điều chỉnh mới mẻ do giáo luật phục hồi và những tiến bộ trong việc tập quyền về Roma. Trong khi chờ đợi, sự khó chịu của hàng giáo sĩ cấp dưới đã được thể hiện bởi những phong trào phản đối được tung ra song song tại Ðức với các anh em Theiner và tại Pháp với các anh em Allignol; trong hàng giáo sĩ Hòa Lan cũng phát lên những tiếng nói ủng hộ một hệ thống bầu cử giám mục bởi hàng giáo sĩ.
Trong những Giáo Hội ly khai, một phong trào đòi độc lập của giáo sĩ cũng được phát động chống lại sự can thiệp quá trớn của Nhà Nước. Mục sư Schleiermacher và những người khác đã muốn thấy những giáo phận (landeskirchen) biến thành những cộng đồng giáo dân (volkskirchen), trong lúc những người lãnh đạo phong trào Oxford phản đối phái Erasme đặt Giáo Hội Chúa Kitô dưới Quốc Hội dân sự.
Trong cuốn sách nhỏ của ngài, cha Rosmini than phiền về hố chia rẽ ngày càng to lớn giữa giáo sĩ và giáo dân. Phải chăng đây là một hậu quả “thế tục hóa”đương nhiên của những xã hội trong những nước chịu ảnh hưởng chủ thuyết cách mạng của Pháp hay không? Ông Custine đã viết “Ðiều mà các linh mục Tây Ban Nha lo ngại nhất cho tôn giáo ra khỏi cửa một cách cung kính và cúi đầu chào như ở Pháp” (11). Cái tư tưởng người linh mục phải sống xa thế gian đã được đẩy mạnh bởi nền giáo dục hà khắc trong các chủng viện Pháp; nó phù hợp với hiện trạng là không còn đủ dòng tu để đón nhận những người đi trốn thời đại, nó cũng phù hợp với quan niệm “linh mục công chức” của hệ thống thỏa ước chính quyền và Giáo Hội, họ là nhân viên Nhà Nước chuyên ban các phép bí tích, quán xuyến những công việc từ thiện; là đại diện cho chính quyền vì được phát lương. Ðối với nhân dân, linh mục đứng bên kia hàng rào. Từ đó nẩy sinh sự bất tín và tình trạng chia rẽ, hay ‘kính nhi viễn chi’: ai ở vị thế nấy, ông thị trưởng trong tòa thị chánh, ông cảnh sát trong ty cảnh sát và ông cha sở trong nhà xứ của mình. Chính giáo dân cũng sẵn sàng chấp nhận một tình trạng thúc thủ như vậy. Văn hào Lamartine, trong bài mang tựa đề “Những nhiệm vụ trần thế của một cha xứ” (12), chủ trương cha xứ phải sống ẩn trong nhà xứ với bông hoa và con chó của cha; sự huyền ảo bao quanh cuộc sống của cha sẽ đóng góp cho uy tín gần như thần thoại của cha. Xu hướng đặc biệt về sự sống cô lập, thật ra ít quan trọng bên ngoài nước Pháp, đã được biểu hiện bề ngoài bằng việc mặc chiếc áo ‘chùng thâm’, trước đây chỉ bắt buộc trong phạm vi nhà xứ, và trong nhiều trường hợp chỉ trong khi thi hành chức năng Giáo Hội, nay có chiều hướng trở nên phổ quát và thường xuyên (13). Ngay tại Roma, áo dòng chỉ bắt buộc từ năm 1851 (14).
Cũng cần nhấn mạnh đôi chút về hiện tượng chia cách này trong các Giáo Hội Tin Lành và Anh Giáo; hiện tượng này không phải là không có, nhưng nó có phần hạn chế hơn vì tình trạng có gia đình của các vị mục sư tin lành hay linh mục anh giáo, các hiền thê của họ đảm bảo sự tiếp xúc với cộng đoàn, nhất là những giáo xứ miền quê.
Liệu bây giờ có thể đánh giá tổng quát về hoạt động mục vụ của hàng giáo phẩm trong tiền bán thế kỷ XIX hay không? Sự hăng say của hàng giáo phẩm, nói chung, không thể chối cãi được, cuộc khủng hoảng cách mạng đã làm họ tỉnh ngộ, và một luồng tư tưởng mới đã đi từ các đức giáo hoàng cho đến những vị quản hạt nhỏ bé nhất. Ôn lại quá khứ, người ta không khỏi hối tiếc là vào thời buổi đó, giáo triều không tìm ra được một nhân vật thiên tài để nhìn ra trong những cơn sốt thời đại một cái gì khác hơn là cái khuôn mặt phá hoại của nó, để thay vì nhìn về quá khứ mà khăng khăng xây dựng lại toàn diện, thay vì lên án hết thảy thành quả của cuộc Cách Mạng, thì mạnh mẽ xốc tới trong trào lưu của thế kỷ để phát huy, dưới sự hướng dẫn của nó, những tiềm năng của kitô giáo. Nhưng đó chỉ là những giấc mơ, không kể số gì đến bối cảnh con người. Từ năm 1800 đến năm 1814 đức giáo hoàng Pie VII đã phải đấu tranh ngay cho sự sống còn của cơ chế Giáo Hội, và như thế ngài đã có công lắm rồi; từ năm 1815 đến năm 1831, ngồi trên ngai thánh Phêrô là những vị quá già; sau cùng, đến đức Grégoire XVI, do quá khứ của ngài và do những cuộc đấu tranh ngài bắt buộc phải tham gia chống lại nhà nước thế tục, ngài cũng không được chuẩn bị là bao nhiêu để làm quen với những xu hướng nổi bật của thời đại ngài. Thật không phải là muớn xúc phạm đến các đức giáo hoàng quá vãng đó, khi nhận xét là ngoài lòng sùng đạo, sự hăng say thực sự của các ngài, hoạt động của các ngài thường vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu của cảnh huống đặc biệt, nó vẫn còn quá gắn chặt với những lề thói cổ truyền, mà do sự thâm niên, yếu tố con người đã lạm dụng mang một giá trị tuyệt đối.
Người ta cũng có thể nhận xét tương tự đối với hàng giám mục. Cứ nghe các ngài triển khai dài giòng về các tiêu đề ‘cách mạng là hình phạt từ trời’, ‘Bảo vệ Giáo Hội’, ‘Bảo vệ Ðức Tin chống lại sự tấn công của bọn vô thần’… người ta có cảm tưởng các ngài là những nạn nhân của một mặc cảm bị cô lập, thủ thế, bi quan. Tuy nhiên, vì các ngài gần với thực tế hơn nên đôi khi nhận thấy nơi các ngài một tinh thần cảnh giác hơn về những sự thích nghi cần thiết. Không kể đến những giám mục bắc Mỹ, vốn tự do và táo bạo trong những quan tâm không để mình bị tách ra khỏi xã hội đương thời, người ta cũng phải kể đến đức cha Sailer tại Ðức, Affre và Devie tại Pháp, Sterckx tại Bỉ. Dù vậy, điển hình nhất trong các giám mục là đức hồng y Astros mà sự nghiệp mục vụ của ngài tại Toulouse đã được nghiên cứu một cách tuyệt vời bởi cha Droulers (15): ưu tiên quan tâm đến việc phổ biến giáo lý hơn là nghĩ những phương thức mới để thực hành giáo lý đó, ưu tiên quan tâm đến việc đối phó với những mối nguy trước mắt, hơn là thiết kế lâu dài, nghi kỵ mọi cái mới, vô ý thức về những ảnh hưởng có thể có của những thay đổi ngoài xã hội trên đời sống tôn giáo. Ngược lại, người ta có thể kể đến một vị giám mục Dijon, đức cha Rivet, ngay từ năm 1839, ngài đã gởi đến tất cả các cha quản hạt một bảng câu hỏi rất tỷ mỷ, với 277 điều, bao gồm mọi lãnh vực, kể cả kinh tế, về đời sống giáo dân của mình. Người ta thường trách cứ các giám mục đã không đáp ứng một cách hữu hiệu hơn những nhu cầu tôn giáo của giai cấp công nhân mới được hình thành trong những vùng tập trung kỹ nghệ, nhưng cũng không nên quên rằng hoạt động của các ngài trên mặt này đã bị cản trở cách đặc biệt bởi ‘hệ thống thỏa hiệp Giáo Hội – chính quyền’, bởi việc thiết lập thờ phượng mới hay sự tạo dựng những địa sở mục vụ mới tùy thuộc vào sự cộng tác của chính quyền dân sự, không mấy khi có thiện cảm.
Các Giáo Hội Tin Lành có vẻ năng động hơn. Có lẽ sự uyển chuyển trong cơ cấu tổ chức của họ đã cho phép họ hoạt động dễ dàng hơn. Nhưng dù vậy: Giáo Hội Anh Giáo, bị ngăn trở cho đến năm 1843, bởi sự cần thiết phải có phép của Quốc Hội mới được tạo lập các địa sở mới. Họ đã thành công trong việc tránh chướng ngại bằng cách thành lập những nguyện đường phụ; Giáo Hội cũng không từ nan cộng tác với những người ngoài Anh Giáo để tung ra trong năm 1835 một trung tâm truyền giáo thường trực để giảng đạo và giúp đỡ quần chúng nghèo khổ trong vùng ngoại ô Londres. Ðoàn Truyền Giáo thành phố Londres, với hơn 60 nhà truyền giáo hoạt động khoảng năm 1840, đã phụ trách một hệ thống từ thiện và giáo dục. Tại sao các giám mục công giáo không noi theo tấm gương đó? Dù sao thì trên hai điểm then chốt là tuyển chọn và đào tạo một hàng giáo phẩm có kỷ luật, giáo dục công giáo cho thanh niên, sự hăng say của hàng giám mục đương thời rất đáng ngưỡng mộ và những thế hệ về sau vẫn được gặt hái thành quả của những nỗ lực của các ngài.
Về hàng giáo phẩm cấp dưới, cũng có nhiều nơi như ở Ý, Tây Ban nha, Áo, có thể có những vị chủ chăn bằng lòng với cuộc sống mục tử an nhàn của một vị ‘linh mục gương mẫu’ theo hình ảnh thế kỷ XVIII, chỉ lo sao sống trong hòa bình với bổn đạo. Nhưng cũng có rất đông những vị đã đáp lại lời kêu gọi của đức cha Sailer năm 1801: “Các linh mục thế kỷ XIX phải hiểu biết hơn, phải mong muốn hoạt động hơn và có thể chịu nhiều đau khổ hơn các linh mục ở những thế kỷ khác, cần hiểu biết, hoạt động và chịu đựng”. (16) Mẫu người linh mục hoàn hảo đó, đương nhiên là vị cha sở khiêm nhường của họ Ars, Jean Marie Vianney, mà Giáo Hội đã phong thánh. Nhưng mỗi quốc gia đều đã có những vị linh mục thánh thiện, nhiệm tín hay những vị hoạt động, hay cả hai cùng một lúc: Ý Ðại Lợi với các cha Cottolengo, Rosmini, Bruno Lanteri, Cafasso; Ðức với các cha Hofbauer và Overberg; Tây Ban Nha với cha Balmès; Hòa Lan và Bỉ với một Henry Thyssen và một Pierre Joseph Triest, vị thánh Vincent de Paul của thành phố Gand. Người ta cũng có thể tìm thấy nhiều vị tương tự trong phía tin lành, như mục sư Johann-Konrad Lohe phái Luther với ngôi thánh đường nhỏ bé tại Neuendettelsau, vùng Bavière, đã thu hút hàng đoàn người giống như ở Ars.
Hoạt động mục vụ của hàng giáo phẩm cấp hai này dĩ nhiên là giống như trong mọi thời đại, bị ảnh hưởng trong việc áp dụng bởi tất cả những đặc điểm đa dạng địa phương. Trong những quốc gia có sự canh tân tôn giáo mạnh mẽ nhất như ở Ðức và Pháp, sự hăng say của các vị quản hạt trong việc giảng dạy giáo lý đã dẫn tới một số những thử nghiệm đáng chú ý. Người ta có thể tin rằng, trên cả lãnh vực này, những nỗ lực của người tin lành, với các lớp học ngày chúa nhật, sự hăng hái và óc sáng tạo của họ để phổ biến Thánh Kinh, đã có một tác dụng cứu nguy làm gương cho nền giáo dục công giáo. Các sách giáo lý từ cha Borderies đến thánh Thomas d’Aquin, từ 1801 đến 1816, từ cha Dupanloup tới giáo đường Madeleine, từ 1826 đến 1836, do những thành công đạt được, đã là những khuôn mẫu của nhiều giáo xứ. Nhiều tác giả sách giáo lý như đức cha Devies ở Belley, đức cha Feutrier ở Beauvais, Bernard Overberg ở Munster, đã không ngần ngại tách xa khỏi mô thức của công đồng Trente. Một vị khai phá nổi tiếng trên lãnh vực này là cha Jean Baptiste Hirscher (1788-1865), giáo sư thần học luân lý và mục vụ Ðại Học Ðường Tubingen và Fribourg-en-Brisgau. Ngài là tác giả mười lăm tác phẩm quan trọng, có một số đã được dịch sang tiếng Pháp. Sau phần phê bình những phương pháp hiện hành trong việc giảng dạy giáo lý và phần giải thích quan niện của mình, cha đã kết hợp thực hành với giáo huấn, xuất bản một cuốn giáo lý lớn và một cuốn nhỏ; cuốn nhỏ này đã được xử dụng cho đến năm 1865 trong giáo phận Fribourg-en-Brisgau. Ngài cũng cố gắng, qua những luận đề lý thuyết và cuốn tập lục ứng dụng những bài giảng, để nhắc lại những bài thuyết giảng, gạt đi những luận đề trừu tượng của nền luân lý tự nhiên và kéo gần lại với sự dẫn giải thuần túy Phúc âm. Ngoài ra, có thể nói là hơi phiêu lưu khi đưa ra một phê phán về giảng thuyết đương thời. Nếu đem sự giáo huấn trong các chủng viện và những thí dụ ghi nhận được ra mà xét, sự giảng thuyết này dường như còn khá phụ thuộc vào những nhà giảng thuyết thế kỷ XVIII; nó phản ảnh những ưu tư biện hộ của thời đại (17), nó được tô điểm bởi tính cách đại hùng biện và tình cảm lãng mạn. Nét tình cảm lãng mạn này rất rõ ràng trong các bài giảng của cha Lacordaire; ngài còn mạnh dạn vượt ra khỏi những lề luật cổ điển, trong những bài giảng thuyết nổi danh tại nha thờ Ðức Bà Paris, khởi sự vào năm 1835. Ngoài giáo lý, hai công cụ được ưa chuộng nhất trong công tác mục vụ là các giáo xứ truyền đạo và các hiệp hội giáo dân. Các giáo xứ truyền giáo đã rất thịnh hành tại Pháp, nhất là từ 1815 đến 1830, tại Savoie và cả tại Bỉ, sau năm 1830 (18). Giống như trong sự “phục hồi” của Tin Lành cùng thời, các sứ giả truyền giáo tìm cách khơi động một sự kích xúc tâm lý “trở lại”. Nhưng trong lúc ở môi trường không Công Giáo, sự“phục hồi” chỉ được thể hiện bằng một vài công trình từ thiện nào đó, thì ở phía Công Giáo, nó được nối dài bằng sự hình thành những hiệp hội giáo dân sùng đạo. Các hiệp hội này đã hiện hữu đông đảo từ trước cuộc Cách Mạng, nó đã phát triển trở lại như hoa nở rộ sau đó, giống như những mầm non trổ ra từ một thân cây bị chặt cụt. Một viên tổng trấn vùng Ardèche đã ghi nhận rằng: vào năm 1805, chỉ nguyên các hiệp hội “Sám Hối” trong trấn của ông đã quy tụ khoảng 6.6000 người (19).
Thành quả của tất cả nhiệt tâm này ra sao?: Nó dẫn tới tiến bộ hay thụt lùi của việc hành đạo? Như đã nói, không có những thống kê giúp ta giải đáp câu hỏi này. Vì thiếu những dữ kiện định lượng, liệu có thể căn cứ vào những đánh giá từ những phát biểu có thẩm quyền được hay không ? Bức tranh được tạo ra bởi những phát biểu này phác họa ra, quả thật là đen tối, dù là ý kiến của đức sứ thần Macchi đối với Pháp (20), của thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Capaccini đối với Ðức (21), hay của đức tổng giám mục Malines đối với Bỉ (22), đó là không kể đến những tiếng kêu lo âu xuất phát từ những đấng chăn dắt nhiệt tình. Phía Tin Lành, sự tan rã của khung cảnh xã hội cũ, sự bành trướng thành thị khẩn cấp cũng có những hậu quả tương tự. Giảng sư Friedrich Krummacher thuộc Giáo Hội Luther, khi tới Berlin, năm 1847, đã ghi nhận là trên nửa triệu dân số, chỉ có 30.000 người hành đạo đều đặn, và đại đa số là phụ nữ. Một cuộc kiểm kê tại Anh Quốc năm 1851, cho thấy trên toàn lãnh thổ, một tỷ lệ là 40% hành đạo ngày chúa nhật, điều này có nghĩa là tại nhiều nơi tỷ lệ còn thấp hơn nữa. Nhưng mặt khác, người ta ghi nhận những điều hiển nhiên là các công trình cứu trợ và giáo dục đã phát triển mạnh mẽ, là lòng quảng đại của giáo dân có vẻ như vô bờ bến khi cần đóng góp để xây nhà thờ, đài thọ những đoàn truyền giáo ở nước ngoài, là hàng giáo phẩm gia tăng cả về lượng lẫn về phẩm, là các dòng tu đã ra đời và phát triển một cách tuyệt vời. Tất cả những thứ ấy có thể nào phát sinh ra từ một cộng đồng kitô giáo xuống giốc? Làm sao giải thích được những cuộc diện mâu thuẫn này? Phải chăng việc hành đạo đã suy thoái khi nó bị điều kiện bóa bởi những sức ép ngoài xã hội, trong lúc nó được tăng cường tại những nơi nó là sự diễn đạt của một đức tin chân chính? Phải chăng hoa trái chỉ trở nên ngon ngọt khi cây cối được cắt tỉa.
Dù sao đi nữa, phong trào không thể chối cãi được là đã thâu hồi về với Thiên Chúa Giáo một số các phần tử ưu tú mà thuyết duy lý của thế kỷ XVIII đã tách họ ra. Sự phản hồi có lẽ đã khởi sự trước cả năm 1789, dưới những luồøng gió đầu tiên của phong trào lãng mạn; nó đã trở nên hiện thực ngay trong lòng tầng lớp thượng lưu Pháp mà cuộc cách mạng đã xua đuổi trên đường lưu vong, mất hết của cải và bị tổn thương ngay trong những tâm tình tha thiết nhất? Sự bất tín kiểu Voltaire và nếp sống vô luân sang trọng đã để lại những hậu quả đắng cay; những tấm gương anh dũng của hàng giáo phẩm trung thành, lời ca tụng trong cuốn “Génie du Christianisme”, tác phẩm của những người như Bonald và Maistre, chính sách của giòng họ Bourhons trung hưng, đã thành toàn trong việc thâu phục về với Giáo Hội những phần tử ưu tú nhất của quý tộc nước Pháp. Theo gương hoàng tử Artois, vua Charles X tương lai, nay đã trở nên mẫu mực của sự thanh liêm và sùng đạo, sau khi đã từng gây tai tiếng trong triều đình Versailles, những người như Montmorency, Rohan, Noailes, La Rochefoucauld, khi trước cha họ nhạo báng đức tin bao nhiêu thì nay họ mang hết nhiệt huyết phục vụ đức tin bấy nhiêu. Sau cuộc Cách Mạng năm 1830, phong trào phục hồi đã lan đến giới trưởng giả, và ngay cả cái giới thanh niên, trước đây ít năm đã từng bị coi như là hoàn toàn vô tín ngưỡng: Ðây chính là thành quả của những tác động liên hợp của các tông đồ như Lacordaire và Ozanam, cũng có thể, trong một mức độ nào đó, thành quả của qui luật tự nhiên đối đầu thế hệ con cái với bậc cha ông trong thái độ luân lý; và sau cùng, cũng có thể là sự phản ảnh của cái hiện tượng xã hội: sự hợp nhất đang trên đà thực hiện giữa giai cấp trưởng giả và giai cấp quý tộc cũ.
Tại Ðức, phong trào song hành đã xuất hiện như một phân lực của làn sóng lãng mạn và quốc gia cực đoan, đã loại bỏ ảnh hưởng của Pháp mà tư tưởng của Voltaire là độc hại nhất. Sự vô tôn giáo sỗ sàng của binh lính Napoléon, nói cho cùng, đã làm lợi cho Giáo Hội sự trở về với tôn giáo của giới thượng lưu trí thức Ðức có cái đặc điểm là lôi kéo theo sự trở lại đạo Công Giáo của những người tin lành: Các thành viên trong những gia đình quyền quý, như Adolphê Frédéric de Meckiembourg-Schwerin, Frédéric và Ferdinand de Cobourg-Gotha, những quý tộc thứ hạng như Friedrich von Stolberg, Friedrich von Senfft-Pilsach, các văn hào như Adam Muller, Friedrich von Schlegel, Joseph Gorres, các nghệ sĩ như Elinkowsfrom và Overbeck. Ðiều đã động viên rất nhiều những sự trở lại này đã được Haller diễn tả trong bức thư ông viết cho cha mẹ, năm 1821, để thông báo việc ông trở về với Giáo Hội: “Con đã nhìn thấy rất rõ ràng (…) cuộc Cách mạng hồi thế kỷ XVI, mà chúng ta gọi là Cải Cách, trong bản chất, trong các phương tiện và trong những thành quả của nó, là hình ảnh và là tiền nhân của cuộc cách mạng chính trị thời nay”. Ðối với những kẻ khác, sự rung động ban đầu đã được khởi xướng bởi sự lãng mạn và ngưỡng mộ nền văn minh Trung Cổ đang được phục hồi danh dự. Cuối cùng, đây có thể là đại đa số trường hợp, những kẻ trở lại vì những lý do thần học và tôn giáo; đó chính là trường hợp ông Newman và bạn bè ông. Trong những năm 1840, Giáo Hội Công Giáo Anh Quốc đã ghi nhận mỗi năm từ 2 đến 3 ngàn người trở lại đạo. Tại Hoa Kỳ, người ta không có con số thống kê, không thể không kể tên bà Elisabeth Seton (1774-1821), mà Giáo Hội mới phong thánh. Sự thâu hoạch của Giáo Hội Công Giáo không chỉ có tính cách thuần túy con số, vì những người trở lại, phần đông là những tinh hoa, đã mang lại những ưu tư của môi trường nguyên thủy của họ, và còn gắn liền với nó bằng những mối quan hệ có tính cách làm phong phú cho Giáo Hội Công Giáo. Dĩ nhiên sự chuyển động này không phải một chiều, có người công giáo cũng sang đạo Tin Lành, nhất là những người di dân sang Hoa Kỳ. Nhưng vì không có cơ quan ghi nhận, nên không thể đưa ra bất cứ một con số nào được.
Ðức tin không thể không có công việc từ thiện: các tín hữu sùng đạo thường có xu hướng đảm nhận trong đời sống Giáo Hội những vị trí tương ứng với những trách nhiệm của họ ngoài xã hội. Sự ra đời của việc giáo dân, bổ túc cho nhiệm vụ của hàng giáo phẩm, là một trong những điểm son của thế hệ. Người ta đã biết đến nhóm Munich, do Gorres hướng dẫn, hoạt động của nhóm này đã vượt ra khỏi lãnh vực trí thức; nhưng không thể nào không nhắc đến nhóm tiền thân của nó là nhóm Munster, thành lập năm 1800 chung quanh công chúa Galitzine, và có các thành viên trong hàng giáo phẩm như francis de Furstenberg và Bernard Overberg, cũng như giáo dân như Stolberg. Những vị như Mérode ở Bỉ, d’Azeglio ở Piémont, đều là những người sáng lập các công trình bác ái, đồng thời cũng là những câu lạc bộ trí thức. Tại Anh Quốc, ngài Shrewsbury đã cống hiến cả gia tài để xây thánh đường, và Ambrose Philips đã cho xây dựng dòng khổ tu Trappistes đầu tiên trên lãnh thổ giáo phận Grâce-Dieu của ngài ở Leicestershire.
Hoạt động giáo dân cũng được ghi nhận, nếu không muốn nói là mạnh mẽ hơn, trong các Giáo Hội Tin Lành, vì tại một số nơi, giáo dân có quyền ngồi trong các cơ cấu lãnh đạo. Trong Anh Giáo, ông Wiberforce, ông Coleridge, quý tộc Ashley; tại Berlin, bá tước von Kottwitz; tại xứ Poméranie (Bắc Âu), ông Adoif von Tradden đã đóng góp lớn lao cho việc phục hưng tôn giáo trong các quốc gia của họ.
Nhưng chính tại Pháp là nơi đã có những thí dụ điển hình về tông đồ giáo dân, giáo dân đã có địa vị danh dự trong đời sống trí thức. Dưới thời Phục Hưng, các linh mục quản hạt đã đọc tin tức trên tờ “Người Bạn Tôn Giáo” (Ami de la Religion), một tờ tuần báo do ông Michel Picot, một giáo dân, điều khiển, và vào cuối thời đại “Quân Chủ tháng Bảy” (Monarchie de Juillet); trên tờ “Vũ Trụ” (Univers) của ông Louis Veuillot, một tân tòng. Trong lúc đó, ông Montalembert, quan quyền nước Pháp, đã muốn đoàn ngũ hóa hàng giám mục để bảo vệ chính nghĩa tôn giáo trên bình diện chính trị, nhưng không thành công. Dù sao đi nữa, tông đồ giáo dân đã rất thành công trên phương diện bác ái và xã hội. Trên lãnh vực này, người ta ghi nhận đoàn thể nổi danh tại Paris là Hiệp Hội, thành lập bởi một linh mục dòng Tên năm 1801. Sau năm 1815. Hiệp Hội được điều khiển bởi một nhóm quý tộc khu Saint-Germain, trong đó có ông Mathieu de Montmorency, vị “bá tước công giáo đầu tiên”, và ông Jules de Polignac, chủ tịch Hội Ðồng Thành Phố. Bản chất hội này chỉ là một hội tôn sùng Ðức Mẹ nhằm củng cố đời sống thiêng liêng của các hội viên bằng những phiên họp cầu nguyện, một tháng hai lần. Nhưng hội viên đã tạo dựng và điều hành cả một hệ thống công trình bác ái và tông đồ như: Hội Từ Thiện đặc trách thăm viếng bệnh viện và nhà tù, Hội Học Thiện, tiền nhân của các nhóm sinh viên ngày nay, Hội Công Giáo Thiện Thư để quảng bá sách báo công giáo, ở Piémont cũng có một hội tương tự, dưới sự điều khiển của hầu tước d’Azeglio, Hội Huấn Nghệ Cô Nhi, Viện Trẻ Em Khiếm Thị, Hội Tế Bần, Hội Thánh François Régis để giúp điều chỉnh hôn nhân. Một Hiệp Hội bảo vệ đạo Công Giáo, ra đời năm 1822, có tham vọng thực hiện một cách thực tế điều đã được tiến hành trước đây bởi hội kín “Các Dũng Sĩ Ðức Tin”, được thành lập cuối triều Napoléon bởi các Hiệp Hội Viên Ferdinand de Bertier, Alexis de Noailles và Mathieu de Montmorency (23). Bàn tay của các hội viên cũng được ghi nhận trong Hội Saint Joseph, thành lập năm 1882, bởi một linh mục khá đặc biệt, cha Lowenbruch: Hội nhằm tạo công việc làm cho công nhân trong những nhà công giáo, cung cấp cho họ chỗ tạm trú trong khi chờ đợi có nhà cửa, giúp họ giải trí lành mạnh, cho họ theo học những khóa huấn luyện hoặc bồi dưỡng nghề nghiệp. Hội này có khoảng một ngàn hội viên thuộc giới kỹ nghệ và thương mại, và có đến 7.000 thợ ghi danh.
Tại nhiều thành phố ở Pháp, có những hội chi nhánh của Paris. Hội hoạt động nhất là tại Lyon, thật ra hội làm việc độc lập với Paris. Hội được điều khiển bởi một nhân vật tích cực, ông Benoit Coste, và hoạt động hết sức kín đáo. Hoạt động của hội đạt tới tột đỉnh khi ông cho ra đời Hội truyền Bá Ðức Tin (24). Cuộc Cách mạng năm 1830 đã khiến nhiều cơ quan từ thiện khánh tận vì không còn được hậu thuẫn của chính quyền và vì các thành viên bị phân tán đi các nơi, nhưng dù vậy, trong hàng ngũ các hội này, giới tinh hoa trí thức đã học được cách phục vụ Giáo Hội và phục vụ những giai cấp nghèo kém hơn. Ðó là một trong những nguồn gốc của đạo Công Giáo xã hội ngày nay. Giữa một bên là các Hiệp hội trong thời kỳ “Phục Hưng”, một bên là thế hệ của Albert de Mun và Patrice de la Tour du Pin, sự kế thừa đã do Armand de Melun đảm trách, và người ta đã thấy thể hiện trong những công trình từ thiện và xã hội từ cuối thời kỳ“Monarchie de Juillet” cho tới năm 1871. Bởi vậy, hội Saint François Xavier, thành lập bởi chính ngài năm 1840, đã tiếp nối mục đích của hội Saint Joseph đã bị cuộc Cách Mạng 1830 làm tan rã.
Vào thời buổi đó, không phải chỉ có giới quý tộc bảo thủ mới tranh đấu; họ đã được tiếp nối bởi “đợt sóng mới” khi giới trẻ thượng lưu, có học thức phóng khoáng, cũng tìm được con đường Damas, nhờ sự khai phá của nhóm báo “Tương Lai”. Frédéric Damas là khuôn mặt điển hình của loại giáo dân mới đã tận hiến cho công tác tông đồ và xã hội. Quê quán tại Lyon, ông đã lên Paris làm nghề dạy học; mới 30 tuổi ông đã là giáo sư của trường đại học Sorbonne. Không những ông đã mạnh dạn tuyên xưng Ðức Tin của mình trong lúc giảng dạy và trong các tác phẩm của mình, ông còn mong muốn cho Ðức Tin lan tràn ra thành hành động phục vụ những anh em thấp hèn nhất trong Chúa Kitô. Ông đã nói với bạn bè “Chúng ta hãy đến với người nghèo kitô”! Vì vậy, tháng 5.1833, hội thánh Vincent de Paul đã ra đời, và những cơ sở địa phương còn tiếp tục mang tên “hội thảo” (chi hội), để nhớ lại cái thời giới trẻ họp nhau bàn thảo về lịch sử, triết lý và tôn giáo. Hoạt động chính đầu tiên của ông Ozanam và bạn hữu là thăm viếng tận nhà những người nghèo khó, bắt đầu từ khu phố Mouffetard trong Paris, khu phố này, cho đến nay, vẫn còn giữ tính chất bình dân của họ. Trước khi các ông làm công tác, tại đây đã có một vị nữ tu dòng thánh Vincent de Paul hoạt động, chị Rosalie Rendu. Chị cũng là người gợi ý cho ông Armand de Melun. Chính chị đã hướng dẫn, lúc đầu, các thành viên của hội mới này. Ít lâu sau, chính họ cũng đã trở thành những tấm gương cho các tâm hồn thiện chí: các “hội thảo” đã phát triển nhanh trong Paris, tại các tỉnh và ở ngoại quốc. Từ năm 1848, tại Pháp có 262 chi hội và bên ngoài biên giới Pháp có 106. Thêm vào cộng tác căn bản là thăm viếng người nghèo, hoạt động của hội được bành trướng ra tất cả những lãnh vực cứu trợ đặc biệt khác nữa.
Sự sùng đạo của các nhóm giáo dân trong các công trình từ thiện và tông đồ thường hay biến dạng để trở thành những dòng tu.Chính trong giới tin lành cũng đã xuất hiện những hiệp hội các bà phụ phó tế và các thày giảng dạy, như là những hội được mở ra tại Hambourg bởi mục sư Johann-Heinrich Wichern, một Don Bosco thứ hai trong các nỗ lực giành cho thanh niên. Ðà phát triển của đời sống tôn giáo vào đầu thế kỷ XIX, có thể là những triệu chứng của sự phục hưng đời sống thiêng liêng trong lòng Giáo Hội, trước sự suy đồi của các dòng lớn hồi thế kỷ XVIII, sự giải tán các tu viện bởi các chính phủ công giáo tại Pháp cũng như tại Áo, sự bãi bỏ dòng Tên. Làn sóng chống đối đã lên đến tột đỉnh tại nước Pháp của cách mạng, muốn tiêu diệt tất cả các dòng tu, dưới chiêu bài là những lời khấn trong dòng đi ngược lại với Nhân Quyền. Hàng giáo Phẩm dòng đã bị tan hoang đến nỗi bản hòa ước chính quyền và Giáo Hội của Napoléon không thèm để ý đến nữa. Nhưng liệu người ta có thể xiềng xích tâm linh được chăng? Ngay khi Quốc Hội lập hiến của Pháp mới tuyên bố bãi bỏ đời sống tu trì, thì có thể nói, sát bên thềm Quốc Hội, đời sống đó đã tái sinh: ngay tại Paris, một linh mục cựu dòng Tên, cha Picot de Clorivière, đã bí mật thành lập dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu cho phái nam và dòng Con Cái Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho phái nữ. Dòng này, vào năm 1798 có 254 nữ tu và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay trong sự thầm lặng như thói quen lúc ban đầu để bảo vệ sự tồn tại của dòng; trong lúc đó, vào năm 1789, dòng nam có 71 người và đã sát nhập với dòng Tên sau khi dòng này được tái lập.
Hầu như cùng lúc cha de Clorivière lập dòng, hai linh mục di tản là các cha Tournely và Broglie, đã dựng nên dòng các Linh Mục Thánh Tâm, nhằm để làm sống lại tinh thần thánh Ignace. Trong lúc đó, tại Spolète, vào năm 1797, cha Nicolas Paccanari, thành lập dòng Ðức Tin Chúa Giêsu. Hai nhóm nhỏ này đã sát nhập lại với nhau năm 1799, và “các cha Ðức Tin”, như thiên hạ vẫn gọi các ngài, đã mở các trường trung học và những trường sở khác trong các tiểu bang bên Áo; đức hồng y Fesch đã du nhập vào Lyon. Tuy nhiên, dòng Tên cũng đã tồn tại một cách hi hữu, nhờ sự che chở của một vị quân vương ly giáo: hoàng hậu nước Nga, Catherine đệ nhị đã từ chối không cho phép phổ biến và áp dụng trên lãnh thổ của bà, quyết định của đức giáo hoàng Clément XIV. Tới năm 1801, do lời yêu cầu khẩn thiết của nga hoàng Paul I, đức Pie VII đã hợp thức hóa tình trạng bất thường này bằng một văn kiện hủy bỏ giáo lệnh 1773 trên toàn thể nước Nga. Quyết định này, ngày 30.7.1804 đã được áp dụng trong tiểu bang Naples, nhưng sự xâm chiếm của Pháp xảy ra ngay sau đó đã khiến không lợi dụng được gì. Ðức Pie VII, lúc mới đăng quang đã nghĩ ngay đến việc sửa chữa sai lầm của đức Clément XIV. Ngài đã thực hiện công việc này ít lâu sau khi ngài trở về Roma. Ngày 7.8.1814, nhân lễ Ignace, giáo lệnh Sollicitudo omnium eccleslarum đã được công bố trước sự hiện diện của ngài. Giáo lệnh này phục hồi dòng Tên trong toàn thể Giáo Hội, đồng thời hoàn trả lại dòng những cơ sở chính trong các tiểu quốc thuộc Roma. Sau bốn mươi năm trời đã trôi qua từ khi dòng bị giải tán; chỉ còn sót lại 800 linh mục dòng Tên già yếu. Nhưng dòng đã phát triển nhanh chóng dưới quyền tư lệnh của các bề trên Fortis (1820-1829) và Roothan (1829-1853): Ngay từ năm 1820 con số các cha dòng Tên đã lên đến 2.000 vị và đến năm 1850 con số này là 6.000 vị.
Các tu viện cũ khác phục hồi chậm hơn; nhiều khi chính Tòa Thánh phải đích thân buộc họ phải cải tổ. Dòng bị tổng hại nhất là dòng thánh Benoit, đã bị tan rã ngay từ thời Aufklarung trước khi có cuộc Cách Mạng: Trên tổng số 1500 đan viện hiện hữu vào giữa thế kỷ XVIII, chỉ còn sống sót chừng ba chục tu viện vào lúc Napoléon sụp đổ. Sự quan tâm của đức Pie VII đối với chính nhà dòng của ngài, sự che chở của vua Louis I xứ Bavière, đã khiến các cha dòng Bénédictins mở cửa lại được một số đan viện tại Ðức và tại Ý. Tại Pháp, sự phục hồi là nhờ ở một đồ đệ của cha Lamennais, linh mục Prosper Guéranger, đã mua lại tu viện Saint Pierre de Solensmes, vào năm 1832. Sự quan tâm đặc biệt của đức Grégoire XVI đã giúp vượt qua sự chống đối của giám mục địa phận Mans. Bằng văn kiện đề ngày 1.9.1837, Tòa Thánh đã đặt Solesmes lên đầu dòng Bénédictin mới. Dòng đã phát triển và tiếp nối công nghiệp vãn hồi nghi thức tế lễ của đấng lập dòng. Cũng chính một người bạn của cha Lamennais, cha Henri Lacordaire, nhà thuyết giảng lãng mạn lừng danh, đã khôi phục lại dòng Ðaminh tại Pháp; sự hăng say phóng khoáng của ngài đã du nhập một lề lối mới vào trong toàn dòng khi đồ đệ của ngài, cha Jandel, được cử làm bề trên cả.
Những dòng tương đối mới cũng tham gia trong việc lấy lại nhựa sống. Về phái nam, có thể kể đến dòng Chúa Cứu Thế: Lúc thánh sáng lập dòng, Alphonse de Liguori, qua đời vào năm 1787, dòng chỉ có 11 nhà, 200 tu sĩ và không ra được khỏi biên giới nước Ý. Nhưng khi thời kỳ cách Mạng vừa chấm dứt, thánh Clément Hofbaue đã gầy dựng ở Thụy Sĩ và Ðức. Người kế vị và cũng là môn đệ của ngài là cha Passerat, đã thành lập đến 44 nhà dòng, từ năm 1820 đến 1858, tại Ðức, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Anh và tới cả Hoa Kỳ nữa. Ðối với các dòng nữ tu, cũng có một sinh lực mới; Nữ Tử bác Ái của thánh Vincent de Paul, gia tăng nhân số từ 11600 lên 8000 người trong khoảng thời gian từ 1807 đến 1849. Nhiều dòng tu, trước đây chỉ thúc thủ trong một quốc gia hay một địa phận, đột nhiên đã có đà phát triển trên toàn cầu như dòng các nữ tu Saint Paul de Chartres, và các bà dòng Notre-Dame-de-Charité-du-Bon-Pasteur.
Vào lúc đó, đồng thời đã xảy ra sự phục hưng các dòng bị tan vỡ, sự phát triển các dòng cũ và mới, nhưng cũng có những dòng được hoàn toàn tân lập. Tuy thiếu những con số thống kê chính xác, người ta có thể khẳng định là không có thời đại nào trong lịch sử Giáo Hội lại được trăm hoa đua nở đến như thế. Sau đây là một vài nét cần được nêu lên về sự sáng tạo bộc phát này. Trước tiên, nó đã trổ mầm từ đất lành các cộng đoàn giáo dân: chính những sáng kiến khiêm nhượng nhiều khi lại khích động khơi mào và được giáo quyền, địa phương hay Tòa Thánh, can thiệp để công nhận, điều hòa, khuyến khích… và đôi khi ngăn chặn. Thứ đến là hầu hết các dòng tân lập đều có chung mục đích và hoạt động khiến nhiều khi người ta thấy chướng mắt về tình trạng hỗn loạn này: tuy ít dòng tu nhưng tổ chức cho mạnh mẽ và quy củ có phải là hữu hiệu hơn không? nhưng sự đa hóa này đã xuất phát từ chính đặc tính bộc phát để sản xuất ra, ở hàng trăm nơi, những dụng cụ thích ứng với những nhu cầu tương tự. Nhiều dòng tu bị thúc thủ trong khuôn khổ một giáo phận, không phải vì lý do cô lập về địa dư, nhưng phần lớn là do sự độc quyền của một số giám mục muốn giữ riêng trong tay các trợ tá của hàng giáo phẩm triều. Sự hằn học của vài vị giám mục nổi danh như đức cha Affre và đức cha Sterckx đối với các tu sĩ miễn trừ mang nhiều ý nghĩa. Nét thứ ba là đặc tính thực tiễn, và có thể nói là đa năng của những dòng tân lập, rất ít dòng chiêm niệm: việc chiêm niệm được giao cho các dòng cổ thời đảm nhiệm. Trái lại, mỗi nhu cầu của xã hội đòi hỏi một giải đáp: từ việc săn sóc người câm điếc đến việc hoàn lương gái mãi dâm. Trong phần lớn trường hợp, việc giúp đỡ kẻ nghèo và người bệnh tật, trong những mục tiêu mặt nổi ngoài xã hội, thường đi đôi với việc giáo dục quần chúng; và hiếm thấy dòng tu nào, tới một mức độ phát triển nào đó, lại không bị lôi cuốn vào lãnh vực truyền giáo. Ðiểm thứ tư, người ta rất chú ý đến con số các sư huynh giáo dục: bên cạnh dòng các sư huynh La San đã có từ trước và lúc đó cũng phát triển mạnh trên toàn thế giới (năm 1811, có 274 sư huynh và 42 tu viện; năm 1845, có 3.792 sư huynh và 469 nhà), đã nẩy sinh hơn hai chục dòng khác tương tự. Cuối cùng, chính tại Pháp, sự phong phú mới mẻ trong đời sống tôn giáo đã trội hơn tất cả mọi nơi: Tại đây đã khai sinh những dòng tu có chức năng phát triển quốc tế, như dòng Con Cái Ðức Mẹ Vô Nhiễm của đức cha De Mazenod (1816), các bà dòng Con Ðức Mẹ Maria của cha De Charimade (1816), các bà dòng Thánh Tâm của thánh nữ Sophie Barat, các bà dòng thánh Joseph Cluny của thánh nữ Anne-Marie Javouhey, các cha và các bà dòng Thánh Giá của cha Moreau; cũng tại đây đã thấy xuất hiện nhan nhản những cộng đoàn địa phương nhỏ: trong khoảng một trăm dòng tân lập do đức cha Heimbuecher kiểm kê trong khoảng thời gian từ 1800 đến 1850 (25), khoảng hai phần ba là của Pháp. Ðây là phản ứng đã đồng thời chứng minh tuổi xanh xuân vĩnh cửu của Giáo Hội và vai trò tối quan trọng của đời sống đạo đức trong lòng Giáo Hội.
Thật là khó mà biểu thị trạng thái tâm linh đã từng gợi ý cho biết bao giai phẩm, cho biết bao tác giả. Nơi đây, hơn chỗ nào hết, cũng đành phải mãn nguyện với những cảm tưởng bề mặt. Trong khối sách nhân đức được sản xuất tràn lan, nhờ những tiến bộ của kỹ nghệ ấn loát, người ta hoài công tìm kiếm những tác phẩm có tính cách cần thiết đối với người đương thời hay những thế hệ mai hậu: Chẳng có gì có thể so sánh được với các tác phẩm của những nhân vật thần bí trong thế kỷ XVI, của những nhà thần học tâm linh trong thế kỷ XVII, và do đó, thiếu hẳn những đỉnh cao trí tuệ hướng dẫn cho ta nhận biết những sức mạnh tôn giáo.
Ðương nhiên, người ta nhận thấy có những ảnh hưởng của thời cuộc; ví dụ ảnh hưởng bi quan của phái khắc khổ Janséniste, được lưu cữu bên Pháp bởi nền giáo dục trong các chủng viện, và được đưa lên đến tột độ vì những bách hại của cuộc cách mạng; nơi nhiều vị thánh nhân đương thời, nơi cha sở họ Ars chẳng hạn, lòng đạo đức dường như chỉ được diễn tả bởi những tiếng kêu âu lo trước Công lý Thiên Chúa, những tiếng khóc, than vì tội lỗi thế gian. Sự bi quan tương tự cũng còn tìm thấy trong lãnh vực ly giáo. Những bài giảng huấn quần chúng của họ gắn liền với sự gợi ý ghê tởm tội lỗi và sự sợ hãi hình phạt đời đời. Trên bình diện thực tiễn, điều này được diễn tả bởi một nền luôn lý khắc khổ, rất chú trọng đến những tập quán như ăn chay, hãm mình. Tại các họ đạo miền quê, các cha sở đã từ chối ban các phép bí tích cho các thanh niên, thiếu nữ can tội khiêu vũ, và như vậy, xô đẩy họ xa rời vĩnh viễn Giáo Hội. Người ta ít khi rước Thánh thể, và có rước thì vừa kính vừa sợ. Cũng may, trên điểm này, người ta đã thấy nhen nhúm một phản ứng; Công Giáo ở Ý, tươi cười hơn, đã nêu gương ở đây; cha thánh Cottolengo đã ấn định chịu lễ hằng ngày cho các nữ tu bệnh viện ở Turin và ngài đã ban Thánh Thể mỗi buổi sáng cho trẻ em và người bệnh nào yêu cầu. Năm 1846, cha Newman, lúc tới Milan đã ngạc nhiên về số người đông lên rước Thánh Thể trong các thánh lễ trong tuần. Cuốn sách của cha Gerbet, “Quan điểm về tín lý phát sinh ra lòng sùng đạo Công Giáo” (1829), mở ra tại Pháp con đường dẫn tới sự hiểu biết tường tận hơn. Dưới một dạng khác, sự sốt mến Thánh Thể đã được hưởng nhờ những sáng kiến như của đức cha Miollis, người đã du nhập vào Marseille, năm 1837, lệ chầu Thánh Thể liên tục. Riêng về sự khắc khổ theo phái Janséniste, nó đã thối lui trước sự tiến bộ của nền luân lý thánh Liguori (26), và có lẽ cũng vì dòng Tên, đối thủ của trường phái Port Royal, đã chinh phục lại được vị thế cũ của mình.
Một ảnh hưởng khác rất dễ thấy là thuyết lãng mạn: lòng mộ đạo thường mang những lối diễn tả bóng bảy, đầy tình cảm thời Thượng Cổ: khóc lóc thảm thiết, cảm hứng khó tả, bộc lộ dịu dàng, say mê tuyệt diệu… Xa hơn những ba hoa ủy mị, người ta nhận ra ít là có hai điểm có thể liên quan đến lãng mạn. Ðức cha Nédoncelle đã đưa ra nhận xét: “Bầu không khí lãng mạn đã khiến người ta gọi là đau khổ những cái đôi khi chỉ là bình thường, hơi khó khăn một chút của cuộc sống (…). Không thể chối cãi được rằng sự đề cao một cách mơ hồ nỗi đau khổ đã len lỏi (…) tới tận những tác giả tâm linh hồi thế kỷ XIX và đã làm sai lạc một số tư tưởng của các đấng ấy” (27). Cũng tác giả này đã khám phá ra xu hường cá nhân hóa lòng sùng đạo, đặt trọng tâm trên sự nghiệp tự cứu rỗi bản thân, hướng nội mọi kinh nguyện, đến nỗi liệt vào hàng thứ yếu khía cạnh cộng đồng của việc phụng vụ, giá trị hiển nhiên và thánh thiện của sự ca ngôi tôn thờ. Tuy nhiên cũng không chối cãi được là dưới ảnh hưởng của thuyết lãng mạn và của thần học mới, ít là tại Ðức, người ta đã tìm lại được một số khía cạnh cộng đồng trong phụng vụ, đã bị lãng quên trong thế kỷ trước.
Sau nữa, thuyết lãng mạn, có thể cũng là nguyên do của một đặc tính đáng kể trong đời sống đạo đương thời. Sự thu hút bởi sự kỳ lạ dưới đủ mọi hình thức, những vụ hiện ra, những thông điệp liêng liêng, những phép lạ, đó là không kể đến những hình thức dị đoan lố bịch, xuất phát từ tập tục địa phương có hàng thế kỷ tại những vùng quê (28). Trong cái thời buổi mà có nhan nhản những giáo phái kỳ bí (29), khi mà ma, quỷ là những diễn viên phụ trên sân khấu và trong tiểu thuyết, người công giáo có kiến thức nhất cũng rất bị nhạy cảm bởi những hiện tượng siêu nhiên. Ông Gorres đã viết hàng loạt bài học, ấn định sau đó thành 4 quyển với tựa đề Christliche Mystik (1836-1842). Newman đã mê mãi góp nhặt những lời tiên tri từ cửa miệng một nữ tu người Ba Lan lưu đày tại Roma. Những phép lạ mà người ta đồn là của hoàng thân Hohenlohe, đã khiến hàng đoàn người kéo nhau đến; Clemens Brentano tự nhận là người diễn giải những ảo tưởng của bà Catherine Emmerich có mang dấu thánh. Tại La Mã, người ta đã nghiên cứu một cách rất nghiêm túc hiện tượng xảy ra trên vùng trời Migné (Pháp): một hôm trong năm 1826, một cây thánh giá đã hiện hình rực rỡ trên không trung.
Sự sùng đạo khắc khổ, thầm kín, tình cảm đã tìm được môi trường phát triển trong việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc tôn sùng này không giống như thánh Gioan Eudes đã quan niệm hồi thế kỷ XVII, bắt nguồn sâu xa trong thần học của đứùc hồng y Bérulle về Ngôi Lời Nhập Thể, nhưng lại giống những gì đang phát triển trong vòng rào nhà dòng các nữ tu Ðức Mẹ Thăm Viếng, nhờ vào những tâm tình sốt mến và những thương tích của Thánh Tâm. Việc sùng mộ đã khơi dậy tình thương cứu rỗi, lòng cải hối đền tội, đề cao đặc tính con người, có thể nói gần như là đặc tính xác thịt, của sự tôn sùng đối với Thiên Chúa Làm Người. Thêm vào đó, như để lôi cuốn cả một khu vực của thế giới sùng đạo, hình ảnh Thánh Tâm được sử dụng như là biểu tượng chống cách mạng của nhân dân anh hùng xứ Vendée. Người ta không lấy gì làm lạ có rất nhiều nhà dòng, thành lập trong thời gian đầu thế kỷXIX, đã được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Tâm Chúa Giêsu hay Thánh Tâm Ðức Mẹ Maria, đôi khi cả hai.
Lòng tôn sùng Thánh Tâm Ðức Maria chỉ là một khía cạnh của phong trào rộng lớn, lúc đó đang hướng lòng sùng đạo Công Giáo về Ðức Mẹ Ðồng Trinh. Quả thật, lòng tôn sùng này quá quan trọng trong lịch sử Giáo Hội để người ta có thể cho rằng phong trào này cũng lại là một trường hợp ảnh hưởng lãng mạn. Tuy nhiên, người ta có thể nghĩ rằng phản ứng tình cảm chống lại thuyết duy lý, cộng với một sự đánh giá hoàn hảo hơn về kitô giáo thời Trung cổ, đã đóng góp phần nào trong sự canh tân việc tôn sùng Mẹ Maria. Bất luận là vì lý do gì, sự kiện tự nó đã rất rầm rộ: đại đa số các nhà dòng mới được thành lập lúc đó, đã được đặt dưới sự cầu bầu của Mẹ Maria, tại các dòng nam (30) và đặc biệt là dòng nữ, người ta đã chú trọng đến việc tôn vinh tất cả mọi giai đoạn trong cuộc đời Mẹ Maria, từ lễ Giáng Sinh đến lễ Mông Triệu Thănh Thiên, với mọi danh xưng về Ðức Mẹ (31), trong đó danh xưng Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được ưu tiên chọn lựa. Người ta ghi nhận không dưới 23 nhà dòng đã lấy danh xưng này từ năm 1805 đến năm 1854, là năm tín điều này được tuyên bố. Có 2 sự kiện đã khiến cho việc tôn sùng Ðức Mẹ trở nên phổ biến. Sự kiện thứ nhất là vụ Ðức Trinh Nữ hiện ra, năm 1830 với một chị tập sinh dòng Nữ Tu bác Ái, là chị Catherine Labouré, trong nhà nguyện của dòng mẹ, đường Rue du Bac, tại Paris. Từ đó xuất phát xu hướng mạnh mẽ của lòng tôn sùng được cụ thể hóa bằng mẫu ảnh ‘Hay làm phép lạ’ và các hội Con Ðức Mẹ. Sự kiện thứ hai là việc thành lập, năm 1837, dòng Trái Tim Cực Thanh Cực Sạch Ðức Mẹ Maria, bởi cha Desgenettes, chánh xứ nhà thờ Ðức Bà Chiến Thắng, tại Paris; “Hiệp hội cầu cho tội nhân trở lại” này đã ghi nhận nhiều đặc ân thiêng liêng đến nỗi không bao lâu, có hàng trăm ngàn người gia nhập ở khắp mọi nơi trên thế giới Công Giáo.
Rất tiếc, những hình thức sùng đạo trên đây, không chuẩn bị gì cho một sự thông hiểu nhiều hơn của quần chúng về phụng vụ, về kinh nguyện chính thức của Hội Thánh. Phản ứng thuận lợi cho việc sốt sắng trong các công tác phụng vụ đã được khơi mào bởi cha Dom Guéranger, nhưng phải tốn nhiều thời gian sau đó, công trình mới mang lại kết quả cụ thể. Ngoài ra, những quan niệm của cha sở Solesme đầy nhiệt huyết, tự nó không phải là không có khuyết điểm: giống như những phần tử lãng mạn đương thời, ngài đã đầu tư quá nhiều trong việc tái thiết lập lại những tàn tích về phụng vụ của thời Trung cổ mà sự trung thực lại rất đáng nghi ngờ. Ngài đã hết sức dè dặt trong việc cho phép cộng đoàn giáo dân tham gia phụng vụ, đến nỗi không đồng ý cho phiên dịch những kinh nguyện trong thánh lễ, trong sách lễ dành cho giáo dân. Mặt khác, khuynh hướng độc tôn Roma nơi ngài đã có tham vọng áp đạt mọi nơi phải đồng loạt theo phụng vụ Roma (32), bằng cách hạ bệ không những tất cả phụng vụ thuộc Giáo Hội ly khai Pháp, và điều trầm trọng nhất, là phụng vụ khả kính của Giáo Hội phương Ðông. Tại các quốc gia khác, đã có sự chú trọng hơn để thông hiệp giáo dân trong kinh nguyện chính thức của Giáo Hội. Ðức cha Sailer đã yêu cầu các linh mục của ngài hướng dẫn giáo dân thông hiểu tất cả những lời lẽ và cử chỉ trong thánh lễ. Năm 1821, một vị giáo sư ở Tubingen, J.-B. Hirscher, đã đưa ra ý tưởng táo bạo: bỏ thánh lễ riêng, bỏ thánh lễ mà trong đó không cò sự hiệp thông của giáo dân, cho chịu lễ với bánh và rượu, dùng ngôn ngữ thông thường để có sự thông hiệp tích cực hơn trong thánh ca và trong các kinh nguyện tế lễ. Ðó cũng là những yêu cầu của một linh mục người Anh, Joseph Berrington, vào cùng thời bấy giờ.
Nhưng, rất tiếc, trong khi chờ đợi ổn định dần dần cuộc cách mạng phụng vụ, đã được chuẩn bị sâu rộng bởi khoa Giáo Hội luận của cha Mohler trong thần học, và tương tự hoặc hơn nữa bởi khảo cổ học của cha Dom Guéranger, người ta còn phải chứng kiến trong những thánh đường lớn, những ‘buổi lễ gây tai tiếng một thời’ tại Ðức. Ông August Welby Pugin, người vô địch trong phái hồi sinh Trung cổ tại Anh đã viết: “Tôi còn nhớ, tôi đã bước chân vào dưới mái cao uy nghiêm của thánh đường Cologne, với tấm lòng sốt sắng tối đa, để tham dự một cái gì mà tôi tưởng tượng sẽ phải là một buổi lễ tương xứng với sự uy nghiêm của ngôi thánh đường. Tôi quỳ gối ngoài cung thánh, nơi tôi rất ngạc nhiên vì thấy một đám giáo dân chen lấn nhau và đứng dự lễ. Tiếng chuông lớn đã ngưng bặt, một nhóm nghèo nàn vài ba linh mục và đức ông bước vào hàng ghế trên cung thánh và cùng ngồi với một đám lẫn lộn đàn ông, đàøn bà, mà số đông, dựa trên thái độ bề ngoài, có thể là ly giáo tin lành”. Bỗng người ta nghe trổi nhâp khúc bằng đàn vĩ cầm, một danh ca xuất hiện theo kiểu một chàng Julien, tháp tùng là mấy bà ăn mặc thời trang, tay cầm sách hát. Giàn nhạc trổi lên một tiếng ghê hồn, bắt đầu cho một nhạc khúc, có lẽ là kinh Thương Xót. Những cây cột đá đồ sộ, những mái cong, những nóc cao, tất cả dường như biến mất, tôi không còn thấy đang ở trong thánh đường mà là ở một buổi hòa tấu vớ vẩn, hay trong một khu vườn mùa đông! (…) Tôi như muốn chết. Lúc thì như là một loại hợp xướng của kẻ cướp, lúc thì nghe những cung thảm não như tiếng sơn ca. Trong lúc người ta đang đóng tuồng làm lễ, phía dưới chỉ là một đám lộn xộn những kẻ đi lòng vòng (33). “Các thánh đường tại Paris cũng chịu chỉ trích không kém, nếu ta nghe đọc tới Montalembert: Cứ mỗi lần người ta thấy ghi trên chương trình tên ông M…, chắc chắn là sẽ được nghe những điệu opéra, những nhịp valses, nhún nhảy, những đường lả lướt… mà không bao giờ có một điệu thánh thót thấm nhuần tinh thần đạo đức” (34). Còn như các điệu thánh ca thông dụng, người ta thấy mượn rất nhiều từ những bài hát ngoài đời, mỗi điệu đều gợi lại ca khúc nguyên thủy rất lả lơi, thô tục. Phải công nhận là nền thánh ca tin lành, phong phú tuyệt vời tại Ðức cũng như tại lãnh vực Anh ngữ, đã sản xuất ra những tác phẩm mỹ thuật hơn. Nhạc của Haendel, bach, Mendelsson, quả thật, đã cung cấp một nguồn cảm hứng cao quý Ðể bù vào sự thiếu thốn một nền âm nhạc có thể nói là đặc tù của Giáo Hội, Beethoven, liszt, Schubert, Berlioz, đã ít ra là cống hiến thiên tài của mình trong những tác phẩm có nhã hứng về đạo, làm giàu cho kho tàng của nhân loại: các thánh lễ, các kinh nguyện, các thánh nhạc.
Ðối với nghệ thuật tượng hình như hội hoa và điêu khắc thì không dám nói như trên. Ngoại trừ hai tấm bích hoa lớn của Eugène Delacroix trong nhà thờ Saint-Sulpice ở Paris (cảnh vật lộn giữa ông Giacóp với Thiên Thần và cảnh Héliodore bị đuổi ra khỏi đền thánh), người ta không dám quả quyết, vào thời điểm đó, là những tư tưởng đạo giáo đã gợi hứng cho những tác phẩm nghệ thuật. Nếu quả thật lòng sùng đạo, lòng thiện chí, sự học tập chuyên cần của các bậc thày trong phái Quattrocento đủ để đạt được kết quả trên, chắc chắn đã có thể tìm thấy nó trong trường phái “Nazaréen” thành lập tại Roma bởi họa sĩ người Ðức tân tòng. Frédéric Overbeck (1789-1869). Nhưng tác phẩm của họ, dù đáng khen đến đâu trong việc tìm kiếm một nguồn cảm hứng tôn giáo đích thực, cũng chỉ là những bức phỏng họa thiếu tự nhiên và lạnh lẽo, bởi vì quá mâu thuẫn với khoa thẩm mỹ thời đại.
Ðó cũng là lời trách cứ đối với khoa kiến trúc tôn giáo, trong nỗ lực làm sống lại kiểu Gothique với những vòm nhọn. Chính tinh thần lãng mạn sau cách mạng đã là thủ phạm của hiện tượng này, nó đã vãn hồi danh dự cho một thời Trung cổ ít nhiều mang tính cách huyền hoặc. Phỉ báng trên những kiểu đền thờ ngoại giáo như thánh đường mang tên Madeleine tại Paris – “một khối không hình thù và không hiểu nổi”, theo lời nói của Montalembert; Chateaubriand, Victor Hugo, Montalembert, François Rio, Arcisse de Caumont, tại Pháp, Walter Scott, Pugin, tại Anh, Reichensberger và anh em Boisserée, tại Ðức, chủ trương kiến trúc “Kitô giáo” của thời Trung cổ, mà những người lạc hậu của phe tan cổ điển chỉ trích dưới danh xưng “kiến trúc tổ dơi”. Nếu người ta có thể phiền hà là sự thành công của những chiến dịch của họ đã cản lối diễn tiến tự nhiên của trào lưu nghệ thuật tân cổ điển, thì ít ra cũng phải ghi công cho họ đã cứu biết bao thánh đường khả kính khỏi bị những nhát cuốc của những kẻ phá hoại trong “hắc đảng”, hoặc làm ô uế bởi sự cuồng phá ngây thơ của một giáo quyền ngu dốt. Việc hoàn tất thánh đường Calogne, từ năm 1823, bởi Boisserée, việc trùng tu sau đó của các nhà thờ Vézelay, Saint denis, Ðức Bà ở Paris, bởi Viollet le Duc, cũng rất đáng được bênh vực. Nhưng khi nói đến xây cất những ngôi thánh đường hoàn toàn mới, sự ám ảnh bởi khuôn mẫu gothique đã dẫn tới những phỏng tác, giống như nhà thờ Saint Clotilde tại Paris, khởi công năm 1846, và sự lạnh lẽo cũng không thua gì nền kiến trúc tân cổ điển hay kiểu“vương cung thánh đường” đang vẫn còn tiếp diễn dưới bầu trời nước Ý.
Sự thất bại của một nền nghệ thuật thuần túy Thiên Chúa Giáo, có lẽ đã làm nổi bật một hiện tượng tổng quát hơn, đó là sự phân ly đang diễn ra giữa xã hội ngoài đời với Giáo Hội, sự thoái lui co rút của một nền Thiên Chúa Giáo đã không còn khả năng chủ đạo và thống hợp của nền văn minh mà ưu tiên đối với con người là khắc phục vũ trụ hơn là tìm kiếm Nước Trời.
Mối nguy hại tục hóa xã hội tân tiến chẳng phải là đã dọn đường cho những ai muốn trung thành với Chúa Kitô tiến gần lại với nhau đó sao? Ngay từ những ngày trước cuộc Cách Mạng lớn, Lavater, người Thụy Sĩ đã viết : “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà, ít hơn bao giờ hết, con người phải nói về công giáo và tin lành giáo như hai sự kiện đối nghịch, mà trái lại, các linh hồn chân thành của cả hai bên phải đoàn kết lại để bảo vệ cái tinh túy của Thiên Chúa Giáo là Ðức Tin vào Chúa Kitô, nguồn gốc của lòng bác ái kitô hữu” (35). Những biến cố hồi cuối thế kỷ quả đã mang tính chất làm nẩy nở tư tưởng này, và người ta đã thật sự nhận thấy là tư tưởng này mạnh mẽ lưu truyền trong những năm tái thiết Giáo Hội. Có thể, sự đoàn kết được một số người quan niệm như một sự liên kết thuần túy và đơn giản giữa những người ly khai, và theo người ta nghĩ thì ngày nay đã sáng mắt sau cơn thử thách. Ðó, có lẽ cũng là giấc mơ của Lamennais, trong những bài suy gẫm đầu tiên của ông năm 1807, trên những luận đề sẽ được triển khai về sau. Nhưng cũng có người tìm cách siêu việt hóa những dị biệt tín điều, trong một tinh thần gần gũi hơn với cái mà ngày nay người ta gọi là Phong trào Ðại kết. Chẳng hạn như ở Ðức có Michael Sailer (xin xem phần trên). Chẳng hạn nữa, và còn đáng ngạc nhiên hơn, như Louis de Bonald; trong hai bài báo đưa cho tờ Mercure de France vào năm 1806, ngài đã giải thích là cuộc Cách Mạng đã xóa đi những ta thán, nguyên nhân và lý do của cuộc Chấn Hưng thế kỷ XVI. Những quan điểm thần học của người ly giáo tin lành đã bớt cứng rắn hơn lúc nguyên thủy; hàng giáo phẩm của họ hàng thuyết những đề tài luân lý có tính cách đồng nhất giữa hai bên hơn là những tín lý riêng biệt của họ. Chính quyền có thể và phải được huy động để tiến tới một sự hợp nhất họ hằng mong muốn. Cha Tabaraud, một thành viên dòng Oeatoire, đã cho phát hành năm 1808 một cuốn lịch sử, “về sự hiệp nhất các thông công kiô hữu”, và kết luận một sự thống hợp có thể diễn ra nếu những người ly giáo tin lành chịu nhượng bộ trên lãnh vực tín lý, thật ra, họ đã chấp nhận những biến đổi, trong lúc những người công giáo phải duyệt lại một số đường lối nội bộ, đặc biệt là hôn phối của linh mục.
Về phần Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương, nhiều hy vọng lớn lao đã được nhen nhúm bên phía người công giáo do thái độ của các Sa hoàng Phaolô đệ Nhất và Alexandre đệ Nhất, đồng thời với phong trào trở lại đang khởi sự trong lúc đó của giới trưởng giả Nga. Hiệp ước Saint Alliance, năm 1815, là sự thể hiện nổi bật giấc mơ lớn lao của Sa Hoàng là thống hợp trong một mối duy nhất tất cả các lực lượng kitô giáo, người ta biết rõ là lực lượng này sẽ hỗ trợ trong đế quốc của ông việc bành trướng các hiệp hội thánh kinh tin lành. Khía cạnh lãng mạn trong lý tưởng này đã được đề cao vì nó là một trong những mối quan tâm của Chateaubriand. Chúng tôi biết rõ là ông có thảo luận vấn đề này với Sa Hoàng Alexandre trong Hội nghị Verona, và ông đã biết, hồi tháng 11 năm 1823 cho bạn hữu của ông là La Ferronnays rằng: “Tôi muốn sống đủ để thấy hoàng đế Alexandre hoàn thành với chúng ta bốn việc lớn: sự thống hợp Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh v.v…”
Nhưng chính ngay trong thời buổi đó, những sáng kiến hiệp thông cũng bị khá lu mờ. Việc tổ chức lại hệ thống giáo quyền, sự canh tân trí tuệ và thiêng liêng của mỗi cộng đồng đã làm tái xuất lằn ranh chia cắt đã nhiều lần bị xóa nhòa. Nước Nga của Sa Hoàng Nicola I sẽ khép kín trong thuyết quốc gia của giống dân Slave và Chính Thống Giáo, và phía Công Giáo, những tiến bộ song song của phòng trào độc tôn Roma, và sự tập quyền Roma đã kích động sự hiềm khích của Tin Lành. Làm sao những người tin lành có thể thông hợp với người công giáo. Trong khi chính trong nội bộ của họ cũng đang có những rạn nứt? Trong lần tái bản cuốn sách của ông, năm 1824, Tabaraud, đã phải buồn rầu công nhận là thời điểm thuận lợi đã qua. Cuối triều đại giáo hoàng Grégoire XVI, Giáo Hội Công Giáo dường như, hơn bao giờ hết, tự cô lập mình trong một thái độ khép kín và cứng ngắc, loại bỏ mọi toan tính đối thoại. Trái lại, trong nội bộ ly giáo tin lành, một phản ứng cứu nguy, chống lại sự phân tán đã bắt đầu xuất hiện. Vua Frédéric-Guillaume IV nước Phổ, được trợ tá bởi bộ trưởng Bunsen, tìm cách hợp tác với Giáo Hội Anh: năm 1846, vua Wurtemberg đã đề xuất một cuộc họp đạo diện các “Giáo Hội địa phương” Ðức tại thành phố Berlin, và tại Londres, một Liên Minh Phúc Âm nhằm tạo sự liên kết những cộng đoàn kitô hữu không công giáo, khởi sự cho phong trào đại kết tôn giáo đương thời.
Những xu hướng hợp nhất nơi người tin lành, có lẽ đã được tăng cường bởi những đòi hỏi của hoạt động truyền giáo. Trên lãnh vực này, họ đã tiến xa hơn bên công giáo một bước rõ rệt nhờ vào sự hăng say đáng kính của những kitô hữu người Anh trong các cộng đồng. Những yếu tố có tính chất tổng quát đã cho ta thông hiểu vai trò trội hơn của người Anh trong việc bành trướng kitô giáo trong tiền bán thế kỷ XIX. Nước Anh lúc đó thống trị Tây Phương, nhờ vào của cải và uy thế vừa chiến thắng hoàng đế Napoléon. Họ đã trải ra toàn cầu mạng lưới thương mại, di chuyển dân số thặng dư của họ sang Mỹ Châu, Nam Phi, Úc Ðại Lợi, củng cố các cơ sở của họ ở các vùng đông và tây Ấn Ðộ. Trong lúc lục địa Âu Châu đang là miếng mồi cho các cuộc cách mạng và chiến tranh xâu xé, thì dưới là cờ Anh quốùc, đã xuất hiện những hiệp hội hỗ trợ công việc truyền đạo kéo dài cả thế kỷ: Hội Truyền giáo Báp-tít từ năm 1792, Hội Truyền Giáo Londres (1795) có sự hợp tác của nhiều Giáo Hội vùng Dissent, Giáo Hội Truyền Giáo (1799), thành phần của Giáo Hội tự trị, Hội Kinh Thánh Anh Quốùc và nước ngoài, hội này có tham vọng truyền đạt Kinh Thánh tới tất cả mọi dân tộc trên trái đất, và nhiều hội khác nữa, tại Anh Quốc cũng như tại Ecosse. Tinh thần truyền giáo đã lan nhanh tới những người tin lành tại Hoa Kỳ: từ năm 1810, đã ra đời tại Andover Bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ Của Những Ðặc Phái viên Cho Các Vùng Truyền Ðạo Ngoại Quốc, và năm 1816 Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ; trong những năm kế tiếp, các hiệp hội gia tăng nhanh chóng, và mỗi giáo phái đều có bộ phận truyền giáo của mình.
Từ năm 1794, những nhà truyền giáo người Anh đã đổ bộ lên Tân Tây Lan, và từ năm 1796, tức là 30 năm trước phía Công Giáo, họ đã đổ bộ lên Tahiti. Phi châu da đen hầu như còn chưa ai biết đến và Trung Hoa cho đến năm 1840 chưa có ai đặt chân lên, Nam Mỹ cũng chưa có ai, chỉ có tại miền tây Ấn Ðộ và vùng Ðại Tây Dương là có nhiều nỗ lực.
Tin Lành gốc Ðức tập trung vào các cộng đồng người Ðức định cư tại Bắc Mỹ, nơi đã thu hút các nỗ lực của các hội Norddeutche Missionsgesellschaft ra đời năm 1836 do sự thống hợp của nhiều hội nhỏ đã có từ lâu đời hơn, trong lúc hội Gustav Adolf Verein (1832) được thành lập để giúp đỡ những người tin lành tại các xứ công giáo. Những hoạt động của các đoàn truyền giáo Ðan Mạch và Thụy Ðiển bị chi phối bởi yếu tố quốc gia. Trái lại, các đoàn Thụy Sĩ và Hòa Lan, hội Evangelische Missonsgesellschaft thành phố Bâle (1815), Hội Phúc Âm Genève (1831), Nederlandsche Zadelinggenootschap thành phố Rotterdam (1797), đã gửi các nhà truyền giáo của mình hoạt động song song với các vị người Anh, tại Châu Á và Châu Phi.
Bắt đầu người ta thấy những nét dị biệt giữa các đoàn truyền giáo tin lành và công giáo: Nhân sự thuộc các đoàn tin lành hầu hết là giáo dân, và bao gồm cả một số phụ nữ; trung tâm đặt trên sự thông hiểu Kinh Thánh. Nhằm mục đích tác động trên cấu trúc xã hội và điều kiện sinh sống phần xác ngang với phần hồn, nên các đoàn truyền giáo được hỗ trợ rộng rãi xây xất nhà thương, trường học, đồng thời nỗ lực chống lại tật nghiện rượu, nạn đa thê, lười biếng. Hơn thế, họ có chiều hướng áp đặt ở khắp nơi nết đoan trang kiểu hoàng hậu Victoria và áp đặt trên tất cả các nền văn minh, những khuôn mẫu suy nghĩ và lối sống của người Anh.
Trong hậu bán thế kỷ XVIII, các đoàn truyền giáo công giáo đã chịu ảnh hưởng của sự ngưng trệ hay thối lui của việc hành trướng thuộc địa của các cường quốc công giáo, Tây Ban nha, Bồ Ðào Nha, Pháp, so với các nước không công giáo như Anh và Hòa Lan. Ngay giữa những vùng đất xa xôi thuộc quyền kiểm soát của các triều đình công giáo, chế độ Réal Patronato (hay Padroado), lúc đầu ích lợi bao nhiêu, thì khi chế độ này lọt trong tay những chính quyền thấm nhuần tinh thần duy trì lại trở nên nguy hại cho việc truyền giáo bấy nhiêu. Giải pháp vụng về được đưa ra đối với những tập tục Trung Hoa (36) cũng là một đòn giáng lên sự bành trướng Thiên Chúa Giáo tại cùng Viễn Ðông. Sau nữa, những nhạo báng đối với các dòng tu bởi một số chính quyền “cách mạng”, và hơn hết là sự giải tán dòng Tên, đã làm khô cạn ngay từ nguồn gốc con số các vị truyền giáo. Trên lãnh vực này, đã xảy ra sự xáo trộn lớn: giải thể toàn bộ các dòng tu, suy giảm nhân số và chia rẽ trong hàng giáo phẩm triều, tài sản Giáo Hội bị tịch thu. Trật tự Napoléon được thiết lập có tác dụng cứu giúp sự hiện hữu của Giáo Hội tại Tây Âu, nhưng vẫn không vãn hồi khả năng truyền giáo của Giáo Hội: các nhà dòng vẫn bị nghiêm cấm, giáo hoàng bị quản thúc, Bộ Truyền Giáo tại Roma đã bị bãi bỏ đột ngột và sau cùng, tình trạng chiến tranh đã làm gián đoạn phần nào sự liên lạc giữa Công Giáo Âu Châu và các nơi trên thế giới.
Mối tai hại đã sâu rộng đến nỗi những chấn hưng năm 1815 và sự thiết lập một trật tự Âu Châu mới, dù rất nhiều thuận lợi cho Công Giáo, dường như cũng không bù đắp nổi đà xuống dốc của việc truyền giáo. Tòa Thánh bị thu hút vào sự nghiệp khó khăn là tái thiết lại các Giáo Hội trong những bối cảnh mới tại Châu Âu. Khắp nơi, hàng giáo phẩm và cả giáo dân đều huy động những nguồn nhân lực và tài chánh đáp ứng những nhu cầu cấp bách của công trình truyền giáo. Trong lúc từ năm 1793 đến năm 1798, nghĩa là ngay giữa cuộc cách mạng, Hội Thừa Sai Paris đã gửi được 7 vị truyền giáo qua vùng Viễn Ðông, trong suốt thời kỳ đệ nhất Ðế Triều, chỉ có 2 vị thuộc dòng này được gửi đi mà thôi, trong chủng viện của dòng, năm 1822 chỉ có 7 chủng sinh, và đến năm 1830, tổng cộng có 53 người. Về phần dòng Lazariste, từ năm 1791 đến năm 1815, chỉ có 16 người được gửi sang Trung Ðông. Các sử gia của các xứ truyền giáo đã đánh giá, biểu đồ thấp nhất là vào khoảng năm 1820. Vào thời gian đó, người ta kiểm kê chỉ được hơn 500 linh mục trên toàn thể các lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Bộ truyền Giáo. Phải nhớ rằng, lúc đó, hầu như cả vùng Bắc Mỹ đều là các quốc gia thuộc Tin Lành. Tại Viễn Ðông, ngoại trừ Ðông Dương nơi có khoảng 60 thừa sai Pháp và Tây Ban Nha cùng làm việc chung, cộng với 180 linh mục bản xứ, và Trung Hoa với 116 thừa sai và 89 linh mục người Hoa, chỉ còn khoảng 100 vị khác cho tất cả các phần đất còn lại thuộc Á châu. Những thuộc địa của Bồ Ðào Nha tại Phi Châu có khoảng 40 linh mục. Những nơi khác trên lục địa này chẳng có ai. Một vài vị hoạt động lẻ tẻ trong vùng Caraibes, nơi những bộ lạc da đỏ thuộc Bắc Mỹ và tại miền Nam Mỹ. Tuyệt đối không có một vị thừa sai nào trong vùng mênh mông Ðại Tây Dương và nước Úc Ðại Lợi.
Công trình chấn chỉnh sẽ là thành quả của nhiều yếu tố mà chúng ta có thể đan cử: Trước tiên là cần phải có các phương tiện vận chuyển, có tình trạng hòa bình giữa các cường quốc hàng hải, có những nỗ lực của các nước này nhằm bảo đảm mọi căn cứ tại các vùng biển xa xôi, có những hoạt động khoa học của các nhà thám hiểm, các nhà đông phương học, các nhà nhân chủng học, có những hoạt động vì lợi nhuận của các nhà doanh thương, và sau cùng, có bầu không khí lãng mạn khơi động óc tò mò và phiêu lưu, có tác dụng quyến rũ một số người có ơn gọi đi làm thừa sai. Giáo quyền cũng có thể lo ngại là tại nhiều nơi các đoàn truyền giáo tin lành lấn át; các đoàn này lúc đó đang trên đà phát triển mạnh dưới sự thúc đẩy của Hội Truyền Giáo Luân Ðôn, được thành lập năm 1795 và những hội khác tương tự, được dựng lên cùng thời kỳ tại Hòa Lan, Ðức, Hoa Kỳ. Phía Công Giáo cũng vậy, phong trào truyền giáo phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XIX đã bắt nguồn từ đức tin của giáo dân. Cuốn sách đã đánh thức tình cảm đạo đức tại Tây Âu, “Le Génie du Christianisme” (Thiên Tài Kitô Giáo), đã có những chương hay nhất về các chuyện phi thường của các vị truyền giáo. Tác giả đã lấy ý trong một cuốn tạp chí ghi được phát hành hồi cuối thế kỷ XVIII bởi các cha dòng Tên, dưới nhan đề “Les lettres édifiantes et curieuses” (Những bức thư xây dựng và lạ kỳ), và đã được tái bản nhiều lần cho tới năm 1824. Vào lúc đó, một tập san xuất bản đều đặn đã tiếp nối: “Les Annales de la Propagation de la Foi” (Niên biên về Truyền Bá Ðức Tin).
Ðó chính là cơ quan ngôn luận của Hội mang cùng tên, được thành lập tại Lyon, tháng 5 năm 1822. Ðược sinh ra trong sự hợp tác giữa một thiếu phụ nhân đức, Pauline Jaricot và các “Ngài” trong Hiệp hội Lyon, hội này đã quyên góp cho các xứ truyền giáo theo một hệ thống mới lạ và rất tinh vi: các hội viên cam kết mỗi tuần đóng góp 1 xu, một “đội trưởng 10 người” có trách niệm thu nhặt những đóng góp khiêm nhượng đó và nộp cho “đoàn trưởng 100 người” có nhiệm vụ giám sát 10 đội. Tổ chức được du nhập vào bố cảnh họ đạo và địa phận đã phát triển một cách tuyệt vời, một phần nhờ ở Hiệp hội Paris lớn mạnh đã thành lập một Hội Ðồng Trung Ương thứ hai cho phía bắc nước Pháp, dưới sự chủ tọa của vị Ðại Tuyên Úy Triều Ðình. Các ngân khoản quyên góp được ngày càng gia tăng: 22.915 quan năm 1822, 300.659 quan năm 1829, 2.473.578 quan năm 1840, 3.233.486 quan năm 1846. Vào thời điểm này, Hội đã lan rộng ra đến khoảng 20 quốc gia. Báo Niên Biên truyền Bá Ðức Tin, xuất bản trên dưới 15.000 số năm 1830, đã được xuất bản dưới 9 thứ tiếng khác nhau, tổng cộng 178.000 số.
Sự thành công của hội này đã khuyến khích nhiều hội khác tương tự ra đời: Hội Thiện Thánh Nhi, thành lập năm 1843 bởi đức cha De Forbin Janson, để cứu giúp các trẻ em bị bỏ rơi trong Ludwigsverein (1833) ở Bavière. Hai hội sau này được tổ chức theo khuôn mẫu xã hội Pháp, vốn có nhiều mối quan hệ, đã đáp ứng sự mong muốn chính đáng của những nhà mạnh thường quân Ðức là thấy được những đóng góp của mình chắc chắn đến tay những nhà truyền giáo của nước họ; và có lẽ cũng để đối phó với phản ứng hoài nghi của một số chính quyền muốn nắm quyền kiểm soát tất cả các hội hè trong nước họ. Những hội thiện, và còn nhiều hội khác, đã cung cấp cho các xứ truyền giáo sự trợ giúp về vật chất mà thiếu đi thì không thể thực hiện được gì cả. Nhờ tính chất khiêm nhượng của việc đóng góp, tinh thần tham gia truyền giáo của giáo dân mỗi ngày một gia tăng tích cực. Các tài liệu do hội xuất bản, kích thích óc tưởng tượng của giới trẻ bằng những câu chuyện về lòng dũng cảm của các vị truyền giáo tử đạo, đã có tác dụng khơi dậy vào các dòng tu cũ cũng như mới.
Sự sống dậy của hoạt động truyền giáo, quả thật đã có quan hệ trực tiếp với sự sống dậy của đời sống đạo đức. Hai dòng mới, dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Ðức Bà Maria và dòng Con Ðức Mẹ (maristes), có thể nói là đã lãnh trách nhiệm về các xứ truyền giáo tại Ðại Tây Dương, và họ đã cập bến vào năm 1827 và 1837. Một dòng khác, dòng Thánh Tâm Maria, thành lập năm 1841 bởi cha Libermann, một người đạo mới, con của một tư tế do thái giáo, đã tận hiến đặc biệt trong việc truyền giáo cho người da đen, tại Phi Châu cũng như tại các phần đất khác thuộc Mỹ Châu, nơi họ đã bị đưa đến làm nô lệ. Vùng Viễn Ðông vẫn là vùng lựa chọn của hội Thừa Sai Paris và dòng Lazaristes; các vị dòng này cũng cố gắng để trở lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, không có dòng mới nào, có tầm vóc quan trọng, lại không sớm muộn gia nhập vào cánh đồng truyền giáo. Từ dòng các sư huynh giảng dạy đến các dòng linh mục. Noi gương các nữ tu Ursulines hồi thế kỷ XVII các bà cũng vui vẻ đương đầu với mệt nhọc, nguy hiểm. Ít ra phải kể đến bà Thánh Bề Trên Jahouhey, sáng lập dòng nữ Saint Joseph Cluny. Dòng của Mẹ chưa thành lập được đầy hai năm, Mẹ đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu, thể theo lời mời của toàn quyền đảo Bourbon xa xôi (nay là đảo Réunion), rồi tới Sénégal (1822); và sau nữa, bất chấp mọi mặc cảm tự nhiên và con người, Mẹ đã tới Guyane dựng lên ở đó một cộng đoàn 36 nữ tu cùng với một số cộng sự viên giáo dân. Dưới sự lãnh đạo cứng rắn và sáng suốt của Mẹ, đã nẩy sinh trong cái xứ khắc nghiệt này, một ốc đảo của đời sống kitô hữu và cần cù. Hết sức ngưỡng mộ khi được nghe kể về những điều Mẹ đã thực hiện, vua Louis Philippe đã phải thốt lên “quả là một Ðại Trượng Phu”.
Cũng như trong các thế kỷ trước, chính các cha dòng Tên là những người đã cống hiến nỗ lực rộng lớn nhất. Dòng đã phải bỏ ra ít năm để bổ sung quân số tại Âu Châu. Năm 1833, cha Roothan, được đức Grégoire XVI thúc đẩy, đã quyết định đưa dòng trở lại những vùng đất mà trước đây họ đã cầy xới. Tiếp theo thông tư đáng nhớ “De Missionum Exteriorum desiderio excitando et favendo”, hơn phân nửa các cha dòng Têân đã đứng lên tình nguyện đi truyền giáo. Vào năm 1853, dòng có 1.014 linh mục truyền giáo khắp nơi, tức là 19,5% tổng nhân số, trong lúc vào năm 1829 chỉ có 6%.
Lòng quảng đại của giáo dân, nỗ lực của các dòng tu, cũng không thể nào vĩ đại và có nhiều kết quả đến như thế, nếu không được khuyến khích, lãnh đạo bởi Roma. Trong lúc trên những địa hạt khác, hoạt động của Tòa Thánh dường như có vẻ dưới trung bình và không đáp ứng được với đòi hỏi của thời đại, thì phải công nhận. Tòa Thánh đã có hành động xứng đáng với tầm vóc sứ mạng truyền bá Phúc Âm của mình. Phương tiện chính là Hiệp Hội De Progaganda Fide, thành lập năm 1822 bởi đức giáo hoàng grégoire XV. Ðược khôi phục lại bởi đức Pie VII ngay khi ngài trở về Roma, hội đã có được các phương tiện vật chất ngày càng gia tăng. Ðức Léon XII đã thấy được sự quan trọng của Hiệp Hội to lớn đến nổi ngài đã bổ nhiệm đức hồng y Consalvi làm thủ lãnh. Ðấng kế vị vào năm 1826 là đức hồng y Capellari, lúc lên ngôi thánh Phêrô năm 1831, đã luôn luôn quan tâm đến Hiệp Hội. Người ta có thể nói, trong suốt 20 năm, các xứ truyền giáo đều là công nghiệp của đức Grégoire XVI. Kết quả của thời gian lãnh đạo đó quả là to lớn. Không thể kể ra cho hết được ở đây những sự khuyến khích đến từ đức giáo hoàng đối với các công trình truyền giáo, đối với sứ mệnh Truyền Bá Ðức Tin. Chính cũng bởi ý muốn của riêng ngài mà nhiều nhà dòng đã thêm vào các mục tiêu của đấng sáng lập, sự nghiệp truyền giáo. Chiến thuật của đức Grégoire XVI là gia tăng các giáo phận ở khắp nơi, đôi ngay cả trước khi con số giáo dân ở đó đòi hỏi: Ngài hy vọng một cách chí lý là các giám mục, các bề trên, một khi tại vị sẽ tìm cách tạo ra những gì còn thiếu sót tại chỗ. Trên tổng thể, người ta đã kiểm kê được không dưới 70 tòa giám mục, giám quản, giám quận truyền giáo được dựng lên từ năm 1831 đến năm 1846.
Có ba hành động mang tấm vóc rộng lớn, cho phép ta thấy rõ luồng tư tưởng chỉ đạo sự bành trướng cụ thể này. Trước hết, đức Grégoire XVI đã nhất định tách các công trình truyền giáo của Hội Thánh ra khỏi những liên hệ quốc gia, đã cản trở Hội Thánh trong những thế kỷ trước. Người ta đã công nhận là dưới sự gợi ý của ngài, chế độ Patronado của Tây Ban Nha tại Nam Mỹ đã bị tiêu hủy (37). Riêng về chế độ Padroado của Bồ Ðào Nha, sự tan vỡ của nó đã dẫn đến một trận đụng độ lớn. Chiến trường diễn ra tại Ấn Ðộ là nơi mà nhà vua Bồ Ðào Nha có truyền thống bổ nhiệm giám mục. Năm 1832, các ngài ở Cochin, Méliapor và Goa bị bỏ trống lâu ngày, đức giáo hoàng đã cho nhà vua Bồ Ðào Nha biết là sự thiếu hụt này bắt buộc ngài không thể nào tôn trọng sự bảo hộ của nhà vua nữa. Và, đúng như vậy, trong những năm sau đó, ngài đã dựng lên 3 tòa giám quản tách rời khỏi địa phận các tòa giám mục cũ; sau hết, bằng sắc lệnh “Multa praeclare” (24.4.1838). Ngài bãi bỏ quyền cai quản của tòa giám mục Goa đối với các tòa giám mục mới. Kết quả là đã xẩy ra một sự hiềm khích nặng nề với nước Bồ Ðào Nha, và ngay cả Goa, có cả hiện tượng ly khai, hàng giáo phẩm tại Goa đã từ chối không chấp nhận quyết định của Tòa Thánh. Sự cứng rắn của đức Grégoire XVI nói lên ý chí của ngài muốn thanh học sự bành trướng của Giáo Hội ra khỏi mọi màu sắc đế quốc tây phương. Hành động thứ nhì là Bức Tông Thư “in Supremo” (3.12.1839), kết án cách cư xử tàn nhẫn đối với người da đen và nhất là nguyên tắc đưa ra để biện hộ cho cách đối xử đó; sự bất bình đẳng giữa các chủng tộc. Ðức giáo hoàng đã nhắc nhở là: trước mặt Giáo Hội Chúa Kitô, mọi người bình đẳng về quyền hạn, hết thảy đều được mời gọi để hưởng chung một vận mệnh siêu nhiên. Và sau hết là văn kiện giáo huấn đáng ghi nhớ, “Neminem Profecto”, ngày 23.11.1845, dưới danh nghĩa Bộ Truyền Giáo, gửi cho tất cả các vị lãnh đạo các xứ truyền giáo. Ðức Grégoire XVI xác định là công cuộc bành trướng truyền giáo của Giáo Hội được đặt trên hai nền tảng: sự phát triển các Giáo Hội địa phương bằng cách thiết lập các tòa giám mục và việc đào tạo hàng giáo phẩm bản xứ. Ðể thực hiện được điều này, phải áp dụng những nguyên tắc sau đây: 1. Phân chia địa giới, đồng thời chuẩn bị việc thiết lập hệ thống giáo quyền và đặt giám mục ở mọi nơi điều kiện cho phép; 2. Tuyển chọn và đào tạo hàng giáo sĩ bản cứ bằng cách dựng lên các tiểu và đại chủng viện; 3. Hướng dẫn hàng giáo sĩ bản xứ lên ngôi vị giám mục bằng cách chuẩn bị họ trong các chức vụ như bề trên địa phận chẳng hạn; 4. Không được đối xử với các linh mục bản xứ như là hàng giáo sĩ phụ tá, nhưng phải dành cho họ vị thế ăn trên, ngồi trước, danh dự, quyền hạn và bổn phận giống như đối với người Âu, bình đẳng về tuổi tác và công đức; 5. Phải từ bỏ thói quen chỉ dùng người bản xứ như những thày giảng, nhưng trái lại, phải hướng những người trẻ và có khả năng lên chức tư tế; 6. Trong những giáo phận có nghi thức đông phương, không nên tạo áp lực bắt người ta theo nghi thức latinh; 7. Không được dính líu vào bất cứ chuyện gì liên quan đến chính trị và ngoài đời; 8. Trong lúc không lãng quên những hoạt động sùng đạo và hành thiện, phải chú tâm trước hết vào việc giáo dục trẻ em về đạo, vì không thể để các cộng đoàn mới cứ phải mãi mãi lệ thuộc vào yếu tố nhân sự ngoài đời tới (38).
Tài liệu này, và tất cả sự nghiệp truyền giáo của đức Grégoire XVI, đã cho phép chúng ta có thể minh oan cho vị giáo hoàng đôi lúc bị chỉ trích là hoài cổ. Trái lại, những linh cảm cao cả của ngài về việc truyền giáo, được diễn đạt một cách cứng rắn qua hành động và những điều hướng dẫn, đã mở ra cho Giáo Hội những cánh cửa của tương lai. Chu toàn sứ mạng nhận lãnh từ Ðấng Sáng Lập là Thiên Chúa, Hội Thánh sẽ trở nên thực sự Công Giáo.