CHƯƠNG VII
TƯ TƯỞNG CÔNG GIÁO
TỪ 1800 – 1846
CHƯƠNG VII
TƯ TƯỞNG CÔNG GIÁO TỪ
1800 – 1846
Cơn khủng hoảng của thế kỷ cách mạng có tàn phá các cơ cấu giáo hội một cách thê thảm như vậy không, nếu tư tưởng kitô giáo đã giữ được sự nghiệp của nó trên văn minh tây phương như trong những giai đoạn hùng vĩ của thời Trung Cổ? Ðặt câu hỏi tức là đã trả lời. Ðiều quá hiển nhiên là những lực lượng cách mạng đã tìm được một mảnh đất dọn sẵn bởi sự du nhập, từ thế kỷ XVI, những ý thức hệ xa lạ hay thù nghịch với kitô giáo nói chung và với công giáo nói riêng. Mọi công việc phục hưng sau 1815 đã có thể bình thường hóa tạm thời sự diễn tiến của các chính biến, nhưng không thể chặn lại được đà tiến của một tư tưởng mỗi ngày một thoát khỏi những ưu tư về tôn giáo.
Vào những năm đầu thế kỷ XIX, tất cả đều tán thưởng việc phục hưng trí thức: Hòa bình được vãn hồi sau 20 năm sôi động vì chiến tranh; có những tiếp xúc mới giữa các lực lượng quốc gia của Tây Phương; sự đoạn tuyệt với những nề nếp cũ xưa của xã hội, khích lệ mọi khí lực cá nhân; sự tự do tư tưởng và phát biểu được bảo đảm theo khuôn khổ của các nguyên tắc cách mạng năm 1789 đã thắng thế tại nhiều Quốc gia; có sự tiến bộ về kỹ thuật truyền thông tư tưởng. Thực tế, những năm đầu của thế kỷ XIX không sáng sủa mấy về bình diện lịch sử chính trị và quân sự, nhưng lại rất phong phú về lịch sử các chủ thuyết: Khởi xướng những hình thức diễn ý văn chương mới mẻ; hình thành những hệ thống triết học thế giá, mà cho tới nay nhiều nhà tư tưởng vẫn còn âm hưởng; các khoa học về chất thể và về sự sống đã đẩy lui ranh giới của vô minh trên mọi chiến tuyến; vững chắc về phương pháp, khoa sử học làm sáng sủa thêm những thế kỷ đã qua; những xáo trộn về chính trị còn đậm mực và việc khai sinh các chế độ nghị viện khuyến khích người ta suy tư nhiều về chính trị; khoa kinh tế chính trị đang thành hình, chế độ tư bản kỹ nghệ và thương mại vừa chào đời đã thúc đẩy những người muốn đổi mới suy tư nhiều về tương lai của xã hội.
Thế mà sự kiện phải lưu ý trước tiên, là tất cả bầu khí lên men rộng lớn ấy đã phát triển bên lề Giáo Hội công giáo; còn tư tưởng tin lành, may mắn đã cố gắng thích ứng nhiều ít vào bầu khí ấy. Thật thế, rất nhiều nhà bác học công giáo đã cố gắng lấy những hoạt động chuyên môn của mình để minh chứng rằng giữa khoa học và đức tin không có sự xung khắc. Thí dụ Cauchy, Gauss, Thénard, Le Verrier, Fresnel, Ampère... Trong lãnh vực khoa học xã hội, và lãnh vực văn chương sự kiện ấy còn xác thực hơn nữa. Nhưng số người của Giáo Hội, và các dòng tu trong Giáo Hội tham gia vào mọi lãnh vực trí thức nhân bản thì rõ ràng là yếu kém hơn các thế kỷ trước. Cũng vậy, trên bình diện chính trị thấy có một sự tách biệt giữa xã hội tôn giáo với xã hội dân sự đã bị tục hóa. Có thể nói, trong lãnh vực tinh thần, trí thức công giáo rút lui khỏi trào lưu chung, tự khép mình lại, chỉ dồn sức bảo vệ và truyền bá giáo lý bất biến mà không quan tâm đủ đến khía cạnh khác cần thiết cho sứ mệnh của mình, là phải tuyên chứng khắp nơi sự hiện diện của Giáo Hội, phải rửa tội trong Chúa Kitô tất cả những gì thuộc về con người, phải đồng hóa trong cái tổng hợp trổi vượt mọi đắc thủ trí thức của nhân loại.
Phải nói thật, nếu biết lưu ý đến những hoàn cảnh, người ta khó có thể sống ngoài những hoàn cảnh ấy. Sau cơn bão báo trước “có lúc bất thần sẽ đắm tàu”, chắc chắn người ta chạy mau hơn. Toà Thánh nhiệt thành lo những trách nhiệm thiết yếu, là phải xây dựng lại các cơ cấu của Giáo Hội và bảo vệ mọi tự do của Giáo Hội tại các quốc gia. Các cơ sở lớn của Giáo Hội (như các đại học công giáo, các dòng lớn, các viện tu) xưa nay vốn là những kho tàng và những cơ sở trí thức kitô giáo, nay đã tan vỡ hết. Số giáo sĩ làm việc trong các họ đạo giảm sút quá nhiều, không còn đủ cung ứng vào các trách nhiệm chính yếu về phụng tự và về việc huấn giáo căn bản. Cũng vì thế, việc đào tạo trí thức của giáo sĩ thiếu sót cách thê thảm. (1) Như người ta thường nói, đời sống khó nghèo có thể giúp giáo sĩ thêm nhân đức, nhưng cũng đừng quên, đời sống nghèo khó nhiều khi làm giáo sĩ mất sự độc lập và mất luôn những hứng thú cần thiết để làm việc trí thức.
Sau cùng nếp sống lãng mạn nổi tiếng vào những năm đầu của thế kỷ đã nên cớ chống báng trào lưu trí thức. Cuộc tấn công tôn giáo mạnh mẽ nhất vào thế kỷ XVIII đã bùng lên nhân danh lý trí và những kẻ thù của Giáo Hội luôn tự xưng mình là “theo lý trí”. Nhưng trong thế kỷ XIX người ta đã khám phá ra sức mạnh của tình cảm và của trực giác. Những người bênh vực đức tin, phấn khởi thấy nhiều linh hồn đến với mình vì đã thất vọng với cái triết lý của ánh sáng. Những cái khó hiểu về đức tin không còn là những lý do cản trở, nhưng là những yếu tố lôi cuốn người ta thêm. Ông Chateaubriand đã kêu lên: “Không có gì đẹp đẽ, dịu dàng, cao cả trong cuộc sống bằng những yếu tố nhiệm mầu”. Và ông Schleiermacher phụ thêm: “Tôn giáo của tôi là tôn giáo của trái tim. Trong tôi không còn chỗ cho một tôn giáo nào khác”. Vậy, có tốt lành gì việc đi theo mấy người dị tín vào nữ thần Lý Trí trên những mảnh đất khô chồi? Ðức tin đủ cho tất cả: hồ nghi điều đó, thật đáng tội. Phải mang mã giáp đức tin để chống lại những mũi tên của phường gian ác. Muốn lôi kéo những người ngay lành cần thích ứng cách bày tỏ đức tin theo thị hiếu của thời đại, nói khác, phải biết đánh động con tim. Như vậy trong việc truyền bá tôn giáo của thời đại, khoa minh giáo đứng hàng đầu, có kỹ thuật, thông sáng, nhiều hình thức, nhất là đánh động tâm hồn... nhưng thường khi nó lại thiếu căn bản khoa học.
Ít lâu sau, vào quãng năm 1840, người ta mới nhận ra điều đó khi có việc xuất bản thành công cuốn “Ðời sống Chúa Giêsu” của David-Frédéric Strauss, tổng hợp tất cả công việc phá hoại tung hoành từ một nửa thế kỷ trong các đại học Ðức quốc. Không chỉ bị các nhà trí thức chỉ trích, Thánh Kinh còn bị lay động bởi những thành công của khoa địa chất và khoa thiên văn (Hai ngành học này đặt lại vấn đề về sự khai sinh vũ trụ trong sách Sáng Thế); bởi các khoa học thiên nhiên (với ảnh hưởng thuyết biến hoá của Darwin, Jean-Baptiste de Lamark), bởi khoa Ai-Cập học (Égytologie) (khoa này nói ngược lại hết niên kỷ học về Moise), bởi Ðông Phương thuyết (muốn táo bạo coi Thánh Kinh gần như các truyện thần thoại của các tôn giáo cổ truyền miền Trung Ðông).
Không hiện hình trước mắt dân chúng kitô giáo, nhưng có lẽ nguy hại lâu dài hơn, chính là ngay trong thời đó, thành hình toàn bộ những triết thuyết mà theo lời phát biểu của cha Lubac, đều đổ dồn về “thuyết nhân bản vô thần”. Duy tâm thuyết của Kant, sau khi đã khai sinh những hệ thống của Fichte và Schelling, đã cô đọng lại trong tổng hợp sâu sắc của Hegel, vì trong tổng hợp này, thực tại siêu nhiên đã bị thu nhỏ lại chỉ như một thời điểm trong bứơc tiến hóa của Thượng-Ðế-Thiên-Nhiên (Dieu-Nature). Từ đó thai sinh thuyết duy vật tàn nhẫn của Feuerbach (Theo ông này, Thượng Ðế chỉ là sản phẩm của những khuynh hướng ích kỷ của con người) và thuyết thực nghiệm của Auguste Comte (ông loại bỏ tận gốc mọi ưu tư tôn giáo bằng cách cắt nghĩa tôn giáo như một sắc thái riêng biệt của giai đoạn lịch sử đã lỗi thời).
Thần học công giáo phản ứng làm sao trước những triết thuyết đang phá hoại các nền tảng duy lý của mình? Một nghịch lý kỳ lạ: Trong một thời gian thật lâu, thần học công giáo giữ thái độ mù quáng về công việc làm của thời đại liên quan đến các nguồn suối của Mạc Khải, thế nhưng khi suy tư về đức tin, thần học lại chỉ biết đến kỷ nguyên của mình, chỉ tìm cách thích ứng dụng các hệ thống mới mẻ, mà bỏ qua những thánh truyền chính thực nhất, tức là thánh truyền của các nhà kinh viện thời Trung Cổ. Ðiều ai cũng thấy, là không những Descartes mà cả Locke và Condillac đều tiếp tục soi dẫn mọi thủ bản triết học dùng trong các chủng viện Pháp. Thủ bản triết học được dùng nhiều nhất là cuốn “Những bài học căn bản về triết lý” (Les Lecons élémentaires de Philosoiphie) của linh mục Flotte (1812). Ðức hồng y Gerdil ứng dụng hệ thống triết học của Malebranche. Nhiều người trẻ lại cả gan chấp nhận tập truyền thuyết của Bonald và Lamennais, như linh mục Gerbet trong cuốn “Những triết thuyết về sự xác thực tính trong những tương quan của chúng với triết học”, xuất bản 1826 (Des doctrines philosophiques sur la certitude dans leurs rapports avec la Philosophie, 1826). Tại Ðức, các nhà thần học còn cố gắng sống với thời đại của họ hơn nữa. Ðó là trường hợp Hermes tìm cách xây dựng lại một nền thần học khởi đầu từ Kant và Fichte, Dobmaier; và Sailer bắt đầu từ Schelling; chính Mohler có lúc lại lấy hứng từ Hegel và từ Schleiermacher. Như vậy, tư tưởng công giáo bấy giờ tan biến vào mọi khuynh hướng, vì thế, hơn khi nào hết, cần có một căn bản duy lý vững chắc và phổ thông.
Căn bản này đã có : Ðó là học thuyết thánh Thomas. Bị khinh rẻ như mọi triết thuyết kinh viện thời trung cổ, học thuyết thánh Thomas không hoàn toàn bị mai một. Trong ít nhiều chủng viện, nhất là ở Mayence, tại Bỉ và Tây Ban Nha, bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) vẫn là thủ bản giáo huấn. Ðiều phải ghi nhận (2): Chính não trạng truyền thống và lãng mạn khi đưa tâm trí con người về lại thời trung cổ, đã có thể gây một hứng khởi mới cho học thuyết thánh Thomas. Người khởi xướng việc phục hưng học thuyết thánh Thomas trong Giáo Hội hoàn vũ là cha Buzetti, linh mục Lazariste, thuộc học viện Alberoni, vùng Plaisance. Kể từ 1850, các đồ đệ của cha Buzetti là Taparelli và anh em Sordi dòng Tên, đã nhiệt tình hoạt động cho phong trào “muốn trả lại danh dự cho học thuyết thánh Thomas d'Aquin”.
Trong khi chờ đợi, phần lớn những nghiên cứu về suy lý thần học đều xoay quanh những tương quan giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên, vấn đề đã được đặt ra từ cuộc tấn công của phái duy lý. Dưới khía cạnh lý thuyết, đó là vấn đề của những tương quan giữa lý trí và đức tin; dưới khía cạnh thực tế, đó là vấn đề của những tương quan giữa Giáo Hội và Quốc gia. Trên cả hai quan điểm, quyền giáo huấn tối cao buộc phải can thiệp hầu điều chỉnh một số điểm lệch lạc.
Trong phạm vi thần học luân lý, sự kiện quan trọng là việc lùi bước của thuyết Jansénisme nghiêm nhặt. Năm 1803, đức Pie VII đã trang trọng nhìn nhận những nguyên tắc nhân bản hơn của thánh Alphonse Ligori. Nhờ sự phát triển của dòng Chúa Cứu Thế, học thuyết của thánh nhân phổ biến mau lẹ bên Ý, trong các xứ Ðức và Bỉ. Với truyền thống chống lại thuyết Jansénisme, dòng Tên, được tái lập 1815, đã ủng hộ học thuyết của thánh Alphongse. Nhưng luân lý theo thánh Alphonse không được đón nhận dễ dàng tại Pháp. Người đầu tiên dám dạy theo học thuyết thánh Alphonse là linh mục Gousset; Năm ấy, 1832, ngài là giáo sư chủng viện Besancon. Năm 1844, ngài cho xuất bản cuốn “Thần học luân lý tiện dùng cho các cha sở và các cha giải tội” (Théologie morale à l'usage des curés et des confesseurs). Một thành công bất ngờ, cuốn sách bán rất chạy, 17 lần tái bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng, chứng tỏ đã có một sự tiến triển sâu xa trong quan niệm chung.
Theo bản tổng kết, cho dù còn sơ bộ, về sự đóng góp trí thức của các nước công giáo thì tư tưởng thần học của Ðức xem ra trổi trang hơn cả. Họ làm việc cần mẫn, đôi khi táo báo, hầu hướng dẫn hai trào lưu tư tưởng đang chi phối thế giới đại học, vào việc phục vụ tín lý công giáo: trào lưu duy tâm triết học luận (philosophie idéaliste) và trào lưu khoa học lịch sử (science historique).
Một sự phong phú như vậy chắc chắn không phải là thành quả của sự ngẫu nhiên thuần túy. Người ta thóang nhận ra mấy động lực đã khích lệ những nỗ lực này: Nhiều tiểu vương đã thi nhau, như ở thế kỷ XVIII, mở mang các trung tâm văn hoá. Các đại học là những thành phần chính yếu của các trung tâm ấy. Hơn thế, các lãnh chúa, dù là tin lành, cũng cố gắng mở phân khoa thần học công giáo và, theo tinh thần Josephiste, đòi buộc các sinh viên muốn tiến tới chức linh mục phải dành ít ra một phần chương trình huấn luyện, đi theo các phân khoa thần học. Nhờ đó các cựu đại học công giáo Fribourg, Wurtzbourg và Munster được duy trì và biến thành đại học nửa đời nửa đạo (unniversités paritaires). Ngược lại, đại học Landshut được thuyên chuyển về Munich và có thêm phân khoa thần học tin lành. Những phân khoa thần học công giáo được thiết lập trong các đại học tin lành như tại Tubingen trong vùng Wurtemberg, tại Bonn và tại Breslau bên Prusse, tại Giessen bên Hesse-Damstadt. Toà Thánh và các giám mục có lý khi sợ rằng các giáo sĩ trẻ có thể phải theo học với các giáo sư vô tín ngưỡng hay tin lành. Nhưng chính sự tiếp xúc ấy lại khích lệ các giáo sư công giáo. Vì họ là những người phải đối diện với các trào lưu tư tưởng mà tư tưởng công giáo có trách nhiệm phải thanh lọc. Trong chính các đại chủng viện, hoặc người ta bó buộc chỉ đón nhận các sinh viên xuất thân từ các đại học rồi cho họ có thêm một nền giáo dục thuần túy giáo hội, hoặc phải duy trì một lớp học đầy đủ về thần học. Bó buộc phải tranh đua với đại học như vậy, người ta tránh được chứng lười biếng, là chứng bệnh đang ngự trị trong các chủng viện Pháp và Ý. Chính nhờ vậy mà Bruno-Franz-Leopold Liebermann, giám đốc chủng viện Mayence, với sự giúp đỡ tận tình của Andreas Ras, học trò của ông và là tác giả thời danh của cuốn “Thủ Bản Tín Lý” (Lehrbuch der Dogmatik), đã biến đại chủng viện thành trung tâm chói sáng tư tưởng với tờ báo “Người Công giáo” (Der Katholik) phát hành 1821. Tại Munster, vị bề trên nổi tiếng của chủng viện giám mục là cha Bernard Overberg, càng nổi tiếng hơn nữa nhờ nhóm bạn hữu của người con gái thiêng liêng là công chúa Amélie von Gallitzine; Người nữ đáng thán phục này đã quy tụ nhiều anh tài cùng cầu nguyện và làm việc chung theo tinh thần cộng đoàn, như lãnh chúa Furstenberg, cha chính địa phận, bá tước Stolberg, triết gia Kirstemacher, anh em Drote-Vischering và nhiều người khác. Riêng bá tước Stolberg là người trở lại đạo Công Giáo và là tác giả của bộ “Lịch sử Ðạo Chúa Giêsu” (Histoire de la religion de Jesus) gồm 15 cuốn.
Một động lực thuận lợi khác là phong trào lãng mạn. Trường phái mới về văn chương và nghệ thuật, phản ứng chống lại Aufklarung (thông tin, chỉ dẫn) từ Pháp nhập cảng qua, trở lại thời Trung Cổ và khám phá ra ở đó đạo công giáo như một nguồn hứng qúy giá của thi phú và thẩm mỹ, như một diễn tả thuần nhất của tâm hồn người Ðức. Nhờ sự kiện ấy, tư tưởng tôn giáo lại có thêm những thú vị và uy lực, nở rộ như mùa xuân mới. Phong trào lãng mạn cũng đem lại một sự đóng góp tích cực cho việc xây dựng thần học: Nhờ phong trào người ta biết rõ hơn các giá trị huyền diệu của tư tưởng: nhờ phong trào, lịch sử học khám phá lại được những nguồn phong phú của truyền thống.
Sau cùng tư tưởng công giáo được khích lệ đặc biệt bởi nguồn phong phú trí thức tuyệt vời của tin lành Ðức trong thời kỳ ấy, ngang với thế kỷ XVI. Tự do hơn các bạn đồng nghiệp công giáo, những nhà tư tưởng tin lành tìm cách dung hoà giáo lý cổ truyền với tất cả những dữ kiện vừa cách mạng vừa nguy hiểm mà các triết thuyết hiện đại, những tiến bộ của các khoa học lịch sử và của các phương pháp ngôn ngữ học đã đem lại. Không có gì bỡ ngỡ khi không còn một ai sai lạc đến độ làm nguy hại sự tinh tuyền của sứ điệp mà họ có sứ mệnh dấn thân để bảo vệ.
Bậc thầy lớn nhất của thời đại là ông Friedrich Schleiermacher (1769-1839), giáo sư đại học Berlin. Tác phẩm thời danh của ông là ”Phương pháp trình bày đức tin công giáo theo những nguyên tắc của Giáo Hội Tin Lành” (Der christlich Glaube nach den Grundsatzen der evangelischen Kirche im Zusammenhange dargestellt) có thể được coi là sự đóng góp quan trọng nhất vào thần học tin lành kể từ cuốn “Ðịnh Chế” (Institution) của Calvin. Ðiểm chính yếu mà ông muốn trình bày là ý niệm về tâm tình (Gefuhl), kinh nghiệm tôn giáo, việc con người ý thức về sự lệ thuộc tuyệt đối trước Thượng Ðế. Nếu cốt yếu của tôn giáo là như thế, thì tôn giáo sẽ sinh động trong một phạm vi hoàn toàn tách biệt khỏi phạm vi triết học và không cách nào tranh luận với nó được. Trách nhiệm của nhà thần học không phải là xây dựng một hệ thống phù hợp với lý trí, cũng không phải mòn mỏi tìm kiếm một chân lý khách quan có giá trị cho mọi thời đại. Chức vụ của nhà thần học là chứng minh rõ ràng và xếp đặt gọn gàng cái nội dung của kinh nghiệm tôn giáo của các tín hữu Ðức Kitô. Tín lý không diễn tả một thực tại có sẵn, ở bên ngoài các tín hữu. Tín lý là sản phẩm của một sự tinh luyện lịch sử. Việc trình bày tín lý không nhằm củng cố một xác tín trí thức cho bằng để nuôi dưỡng lòng đạo đức và tâm tình lệ thuộc vào Ðấng Tạo Hóa.
Ðồ đệ của Schleiermacher quá đông đảo đến nỗi không tài nào kể tên hết được. Nhưng ít ra có thể đề cao ông Johann-August Neander (1789-1850), người Do Thái trở lại, và cũng là giáo sư dạy tại Berlin. Như ông viết, lịch sử Giáo Hội trình bày kitô giáo không như thành quả của hành động nhân loại, nhưng như một sức mạnh đến từ Ðấng Trên Cao, như một nguyên tắc sống hơn là một bản kê các điều tin. Trong viễn tượng này, lịch sử của các định chế và lịch sử của những đóng góp của Giáo Hội vào văn minh nhân loại xem ra ít quan trọng hơn lịch sử của những thay đổi được thể hiện trong các tâm hồn của mỗi người.
Sau đại học Berlin, đại học Erlangen thuộc tiểu vương Bavière chắc chắn là một trung tâm sống động nhất về thần học tin lành. Tại đó, Adolf von Harless (1806-1879) đã cố gắng phục hồi thuyết mộ đạo trong giáo lý tin lành Luther đã bị duy lý hóa quá nhiều trong thế kỷ XVIII. Thần học tu đức và luân lý của ông đã đào sâu những quan niệm thuần túy luthero về sự công chính hoá nhờ đức tin và về sự tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Các đồ đệ của ông họp lại thành “trường phái Erlangen”, nhấn mạnh tính cách độc đáo không thể giản lược của giáo thuyết Luther. Ðang khi đó, các nhà thần học Berlin lại cố gắng thực hiện trên bình diện tín điều sự hiệp nhất do quyền dân sự du nhập vào trên bình diện các định chế.
Trong phạm vi nghiên cứu Thánh Kinh, công việc bổ sung các bản văn nguyên thủy đã tạo được những huân công sáng giá nhờ ông Tischendorf khám phá ra thủ bản thời danh “Bản 10 điều răn núi Sinai” (Codex Sinaiticus) vào năm 1846. Những phương pháp sử học phê bình, do ông Ranke và trường phái của ông áp đặt, đã được áp dụng vào Cựu Ước và Tân Ước, mà kết quả là đặt lại vấn đề về hầu hết các quan điểm truyền thống trong việc quy định tác giả, thời gian và lịch sử tính của Thánh Kinh. Người ta bảo công việc nghiên cứu này kết thúc vào năm 1835 khi ông David-Frédéric Strauss xuất bản cuốn “Ðời Sống Chúa Giêsu”, như một tiếng sét làm chấn động dư luận. Nhưng thực ra nó không ngừng lại ở đó. Ảnh hưởng của biện chứng pháp Hégel bày tỏ rõ ràng trong một toan tính kỳ khôi của Ferdinand-Christian Baur, người được coi là ngôi sao của phân khoa tin lành tại Tubingen. Ðối với ông, lịch sử của những nguồn gốc của Giáo Hội là cuộc cạnh tranh giữa một kitô giáo cổ truyền theo phong tục do thái, được nhập thể bởi tông đồ Phêrô (luận đề) và một kitô giáo theo Phaolô, được mở ra cho dân ngoại (giả thiết). Luận đề được trình bày trong Phúc Âm thánh Matthêu, giả thiết được trình bày trong Phúc Âm thánh Luca. Kết quả tổng hợp của hai khuynh hướng nằm trong Phúc Âm thánh Marcô. Dấn thân vào con đường này, Baur từ chối việc gán ghép cho Phaolô tất cả những gì viết trong các lá thư nhưng không nằm vào khuôn khổ của giả thiết.
Dĩ nhiên mấy điều khái quát trên đây chỉ cho ta một hình ảnh thiếu sót về nguồn phong phú sôi động của tư tưởng tôn giáo tin lành thời bấy giờ. Nhưng ít ra chúng cũng cho phép chúng ta cảm thấy trước những hoạt động và những phản ứng sẽ hướng dẫn những nỗ lực của người công giáo trong cùng thời đại. Chẳng hạn, người ta có thể hoài nghi tất cả những cái mà tư tưởng của Mohler đã nhận lấy từ quan điểm của Schleiermacher và Neander, những quan điểm đối nghịch mà Dollinger tấn công ác liệt.
Khuynh hướng thần bí rõ ràng nhất nơi Johann-Michael Sailer (xem trang 367, chương V). Phản ứng lại “thần học duy tâm” (Vrenunfttheologie), những điều ông giảng dạy đã có một tầm mức quan trọng hầu như quá đáng đối với bản năng tôn giáo nguyên thủy.
Trường phái Tubingen rất hoạt động với bận tâm chung là muốn hội nhập thần học vào đời sống thực tế, nhưng theo chiều hướng lịch sử nhằm nghiên cứu truyền thống từ các giáo phụ cho đến hết thời kinh viện. Ông Johann-Sébastian Drey, người sáng lập ra trường phái này, đã xác định chương trình từ 1819 trong cuốn Kurze Einleitung in das Studium der Theologie. Cũng năm ấy, ông đã phát hành nguyệt san Theologische Quartalschrift. Ông nói, các tín điều chỉ được hiểu ở trong và bởi môi trường sinh hoạt riêng của chúng. Ðặc tính về cơ cấu và năng động của Mạc Khải đã được đưa ra ánh sáng cách lộng lẫy nhờ ông Johann-Adam Mohler, vinh quang của trường phái Tubingen. Cuốn sách đầu tiên của ông, Die Einheit der Kirche oder das Prinzip des Katholizismus, đã gây sôi nổi vì ông trình bày các luận đề của thuyết Febronianisme cách vụng về. Vì thế, ban kiểm duyệt của nước Áo đã liệt kê cuốn sách vào sổ sách cấm (Index). Nhưng tác phẩm chính của ông là Symbolik (1832), một công trình nghiên cứu và đối chiếu các giáo lý của tin lành và của công giáo về Giáo Hội. Ông chứng minh rằng kitô giáo là một giáo thuyết cứu độ trước khi là một triết lý; việc nghiên cứu về truyền thống làm nẩy sinh nhu cầu hiệp nhất cụ thể của Giáo Hội và của quyền giáo hoàng Roma. Từ đó khai sinh một khoa giáo hội học mới. Tác phẩm của ông đã làm cho nhiều người tin lành hoán cải. Tại Tubingen còn có ông Staudenmaier, người bình luận sâu sắc về phiếm thần thuyết của Hegel (Der Geist des Christentums) và là tác giả cuốn Enzyklopadie der theologischen Wissenschaften.
Thời ấy, trừơng phái Munich được hướng dẫn bởi một nhân vật có nhiều bản lãnh là ông Joseph Gorres (1776-1848). Ông trở thành anh hùng quốc gia kể từ khi ông ra tờ báo “Reinische Merkur”, kêu gọi những người Ðức ái quốc đoàn tụ lại chống đối quyền thống trị của Napoléon. Với ngòi bút sâu sắc và đáng sợ, con người uyên bác này đã nghiên cứu các chuyện thần thoại Á châu. Rồi năm 1820, ông bị chính phủ Prusse xử đối hà khắc và bị đầy qua Strasbourg. Trở lại công giáo, ông đem hết tài năng phục vụ Giáo Hội, và năm 1827, vua Louis I nước Bavière bổ nhiệm ông làm giáo sư sử học tại đại học Munich. Chẳng bao lâu, ông quây quần lại quanh ông tất cả những nhà trí thức công giáo, kể từ những người nổi tiếng bên miền Nam nước Ðức: Các thi sĩ, nghệ sĩ, luật sĩ, thần học gia. Giữa 1830 và 1840, hội Bàn Tròn này gây được ảnh hưởng quốc tế, đồng thời tờ báo Historisch-Politische Blatter của họ khích động người công giáo Ðức chống lại sự đàn áp của chính quyền dân sự.
Năm 1826, giáo sư trẻ tuổi Dollinger bắt đầu dạy tại đại học Munich. Xuất bản cuốn “Thánh Thể trong ba thế kỷ đầu”, ông được coi là thầy dạy về lịch sử các tín điều. Về sau, khi xuất bản cuốn “Lịch Sử Giáo Hội” (1836) và cuốn “Lịch Sử của Canh Tân Tin Lành” (1846-1848), ông đã cống hiến cho khoa minh giáo một vốn liếng thật uyên bác nhưng gây hấn và đôi khi bất công. Bị lôi cuốn bởi các ý tưởng của Lamennais, có lúc ông làm trung gian giữa nhóm Chesnaie và nhóm Munich. Nhờ sự giúp đỡ của nhà xuất bản Georg-Joseph Manz, ở Ratisbonne, ông đã khéo léo phổ biến cho quần chúng Ðức những cái hay trong văn chương tôn giáo Pháp.
Bầu khí bừng tỉnh của khoa học tôn giáo tại Ðức có nhiều khía cạnh thật hấp dẫn, tuy nhiên không tránh khỏi những đối phương. Nếu không nói đến việc giảng dạy ngoan cố thuyết Fébronianisme trong một số đại học, thì ít ra phải nói đến cái chương trình nguy hiểm của Georg Hermes, giáo sư thần học tại Bonn. Bị ám ảnh bởi các tác phẩm của Kant và Fichte, ông Hermes muốn dùng triết học phục vụ đức tin bằng cách đẩy mạnh công việc bình luận về tri thức nhân bản. Từ đó ông đã dám chủ trương rằng việc cảm nhận đức tin là một thành quả tất nhiên của việc minh chứng theo lý trí; việc cảm nhận này không cần đến ảnh hưởng của ân sủng, và chỉ coi hành động của đức tin thần học như một hành động hoàn toàn nhân bản không khác chi việc chấp nhận định lý toán học của Pythagore hay cái chết của Socrate vậy thôi. Hệ thống này có duyên may là vừa ý vua Prusse, bởi vì vua tìm thấy ở đó một tổng hợp căn bản giúp ông thực hiện giấc mơ “hiệp nhất các tuyên tín khác nhau giữa người kitô giáo”. Vì thế, sau khi Hermes chết (1831), vua trọng dụng tất cả các đồ đệ của ông. Chẳng bao lâu có tới 20 giáo sư đại học chuyên dạy học thuyết của Hermes và một tờ báo được phát hành để biện minh và phổ biến học thuyết của ông, mang tên là Zeitschrift fur Philosophie und Katholische Theologie. Ðược báo động bởi các nhà thần học Munich và Tubingen, Toà Thánh kết án học thuyết Hermes bằng chiếu thư ra ngày 26.9.1835. Ðức Spiegel, tổng giám mục Cologne, bênh vực cho học thuyết Hermes, đã ngâm tôm chiếu thư, 8 tháng sau mới công bố. Người kế vị đức Spiegel là đức Droste-Vischering. Trong cuộc đấu trí về các luồng tư tưởng mới tại Prusse, đức tân tổng giám mục có lập trường cứng rắn khác hẳn (3). Ai cũng thấy, bấy giờ, thuyết Hermes là một đối tượng đấu trí cũng quan trọng như vấn đề hôn phối khác đạo vậy.
Cho dù Toà Thánh đã kết án học thuyết của ông thầy Hermes, dụng ý đóng khung nội dung của Mạc Khải vào những phạm trù duy tâm vẫn còn lai rai trong thần học của Ðức. Tác phẩm của Anton Gunther, thành Vienne, viết vào những năm 1828 và 1843, với dụng ý đem vào thần học một sắc thái khoa học để những người có tín ngưỡng qúy trọng khoa thần học. Tác phẩm ấy cũng mang một số phận tương tự: ban đầu nhiều người hồ hởi chạy theo, đến độ tạo nên những cuộc tranh luận, bút chiến, chia rẽ trong nhiều đại học, nhưng sau các giám mục phải can thiệp nhiều lần và sau cùng Toà Thánh lên án năm 1857.
Trong những thành quả tư tưởng của Pháp suốt 30 năm đầu tiên của thế kỷ, cách chung lịch sử chỉ lưu ý đến bốn tác giả mà tư tưởng đặc biệt nổi bật về các quan niệm tôn giáo. Mà ba trong bốn tác giả đó là giáo dân: Chateaubriand, Maistre, Bonald, chỉ có một là giáo sĩ, Lamennais, nhưng sau cùng vị này đã bỏ Giáo Hội. Quả thật, thời gian này tình trạng trí thức của giáo sĩ Pháp rất nghèo nàn.
Quả thật, hơn những nơi khác, Cách Mạng đã phá hủy tận gốc mọi yểm trợ vật chất và cơ sở vốn dành cho khoa tôn giáo và còn cưỡng ép xuất ngoại khắp Âu Châu cho đến tận Mỹ Châu cả một thế hệ linh mục và tu sĩ đã được đào tạo vững chắc về trí thức. Trong hoàn cảnh ấy, những người đến thay thế họ, kể từ khi tổ chức lại theo hòa ước, là những người gương mẫu về lòng nhiệt thành và đạo hạnh, nhưng về phạm vi trí thức lại thua kém các bậc đàn anh của họ. Cả Chính Phủ và Hàng Giám mục phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém trí thức này. Theo tinh thần của Hoà ước và ngay cả trong việc áp dụng hòa ước, tôn giáo chỉ còn là việc phụng tự. Cho dù còn là một đạo lý, tôn giáo chỉ còn là một môn học, nghĩa là một cái gì đó mà Quan Tổng Tài (Premier Consul) và bộ hạ của ông không còn phải nghi nan nữa. Ðiều ngỡ ngàng hơn, chính là những người của Giáo Hội, những người có thế giá hơn, xem ra lại đồng ý về quan điểm này. Khi đó, dưới thời đế quốc, hồng y Fesch đã có dự án thành lập một viện cao học cho giáo sĩ, nhưng chính M. Emery đã chống đối. Napoléon dự định lập 10 chủng viện cấp tỉnh để bảo đảm việc giảng dạy cho có phẩm chất, nhưng chỉ thực hiện được một chủng viện ở Lyon thôi. Mãi về sau, các phân khoa thần học mới được thành lập trong khuôn khổ Ðại Học hoàng gia, nhưng thường lại không có giáo sư và sinh viên. Các giám mục, bị ám ảnh phải làm sao bảo đảm quyền hành của mình đối với các giáo sĩ trong giáo phận, nên chủ trương mỗi vị có chủng viện riêng. Như thế làm sao có đủ các giáo sư tài ba được? Ngoài ra, quá gấp rút về nhu cầu mục vụ tại các họ đạo, các ngài đành thu vắn ngần nào có thể thời gian huấn luyện các chủng sinh và không chấp nhận cho các chủng sinh có khả năng trí thức đi học thêm, dù là một thời gian vắn.
Chính phủ Charles X tỏ ra có nhiều thiện chí: Sắc lệnh hoàng đế ra ngày 20.7.1826, theo sáng kiến của giám mục Frayssinous, bộ trưởng Tôn Giáo Vụ, đã quyết định thành lập viện cao học cho các giáo sĩ, nhưng các giám mục phản đối, chống lại cách tiêu cực. Người kế vị Frayssinous là giám mục Feutrier, tháng 6. 1828, đã thú nhận với Nghị Viện rằng, ngân khoản 300.000F00 dành cho dự án thành lập này không được xử dụng đến. Dĩ nhiên, sau Cách Mạng 1830, ngân khỏan này không được biểu quyết lại nữa.
Ai nói được việc giảng dạy trong chủng viện bấy giờ đồi tệ đến chừng nào ? Năm 1828, ông Lamennais viết: “Ngày nay, trong phần lớn các chủng viện, thần học chỉ là một thứ kinh viện tồi tàn và thoái hóa. Nó khô khan đến độ làm nản chí các học sinh, không đem lại cho học sinh một ý niệm tổng quát về tôn giáo hay về những tương quan tuyệt diệu của tôn giáo với những gì mà con người tha thiết”. Cho đến 1830, người ta hài lòng với cuốn thủ bản thần học của Louis Bailly, đã có trước thời Cách Mạng. Cuốn thủ bản thần học của linh mục Bouvier được dùng thay thế tác phẩm của Bailly ngay từ 1819, cũng chỉ là một sọan thảo tao nhã, nhuốm màu thuyết “Giáo Hội Pháp tự trị” (Gallicanisme). Triết học, đựơc nói là “của Lyon” mà người ta lấy làm nền tảng cho khoa thần học thì chỉ là một món tạp lục giữa triết học của Descartes và triết học kinh viện. Môn Lịch sử Giáo Hội bị hạ xuống thành “loại sách nghe đọc ở nhà cơm”, mãi tới 1837 mới có 5 chủng viện coi Lịch Sử Giáo Hội là môn học thực thụ. Còn về Thánh Kinh lại chỉ được học vừa đủ để dọn bài giảng. Người ta không biết gì đến những công việc bình phẩm đang có của thời đại và người ta chống lại tất cả mọi vấn nạn thánh kinh do Voltaire và nhóm Bách Khoa (Encyclopédistes) đặt ra. Cha Bouyer, linh mục Xuân Bích, là ánh sáng của Giáo Hội Pháp thời đó, năm 1810, đã dụng công thảo luận về khả năng của chiếc tàu Noe và nhìn thấy một bằng chứng của đại hồng thủy trong sự kiện mà người ta tìm thấy ở khắp nơi những dấu vết thực vật và súc vật thời xưa bị chôn vùi và lẫn lộn trong các địa tằng (4). Năm 1825, ông Frayssinous tỏ ra gan dạ khi chấp nhận rằng “ngày” theo sáng thế luận của thánh kinh rất có thể dài như một thời đại.
Có sự ứ đọng ngay trong việc xuất bản sách tôn giáo: Theo thư mục của Pháp thì bấy giờ số các sách tôn giáo được liệt kê là từ 300 đến 600 cuốn mỗi năm, nhưng đa số chỉ là những sách phụng vụ, giáo lý, kinh tuyển, thánh ca và bút chiến. Các sách căn bản, hầu hết chỉ là những sách được in lại. Chẳng hạn, năm 1822, dứơi tiêu đề “thư viện thánh” (bibliothèque sacrée) người ta dành riêng cho giáo sĩ cuốn tự điển phổ thông cũ kỹ của hai linh mục Richard và Giraud, đã xuất bản lần đầu tiên năm 1760.
Một vài sáng kiến cá nhân nhằm lấp đầy lỗ trống còn để lại bởi thiếu những người có trách nhiệm. Sáng kiến đầu tiên đến nay vẫn còn lưu danh. Kể từ 1808, Jean và Félicité de Lamennais đã lên tiếng báo động qua tác phẩm: “Suy tư về tình hình của Giáo Hội Pháp suốt thế kỷ XVIII và về tình trạng hiện nay”(Réflexions sur l'état de l'Eglise de France pendant le XVIIIe siècle et sur la situation actuelle). Hai mươi năm sau, 1815, người trẻ hơn là Félicité chịu chức linh mục và tột bậc danh tiếng nhờ các tác phẩm ông viết. Cũng năm ấy, ông thấy có thể thực hiện giấc mộng vàng: Tại dinh thự riêng ở Chesnaie, ông đã qui tụ chừng 20 đồ đệ vừa giáo sĩ vừa giáo dân. Tất cả đã tạo nên cái nhân của một xã hội tôn giáo mới, tức tu hội Thánh Phêrô. Mục đích thứ nhất của tu hội là canh tân các môn học thánh cho giáo sĩ với sự cộng tác của các chuyên gia về tất cả các ngành tri thức nhân bản. Tháng 9. 1830, cả tu hội từ giã Bretagne, về tọa lạc tại Juilly gần Paris. Nhưng chẳng bao lâu, vị sáng lập đã bị kết án và bỏ đạo, các môn sinh bị phân tán, mỗi người đi theo ơn gọi riêng. Dầu vậy, mọi người đều công nhận tu hội đã đóng góp nhiều vào việc canh tân tư tưởng công giáo tại Pháp. Những vị thời danh phải kể đến là Lacordaire, Montalembert, Gerbet, Rohbacher và Guéranger.
Sự nghiệp của linh mục Louis Bautin không chói sáng bằng sự nghiệp của Lamennais, nhưng rất đáng chú ý. Vì đó là việc làm nghiêm chỉnh duy nhất tại Pháp bấy giờ, nhằm theo gương các nhà thần học Ðức. Là cựu học sinh của trường sư phạm, và giáo sư triết nổi tiếng tại đại học Strasbourg, Bautin trở lại đạo năm 1823, và làm linh mục cuối năm 1828. Ðược bổ nhiệm làm giám đốc chủng viện Strasbourg, cha quy tụ một số bạn hữu và môn sinh lập thành hội các linh mục Thánh Louis, với mục đích dấn thân đào tạo một hàng giáo sĩ trí thức và cởi mở hơn, đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại. Nhưng triết lý của Bautin vì ảnh hưởng quá nhiều thuyết duy tâm của Ðức (5), đã mang nhiều điểm đáng hoài nghi. Khi Bautin muốn gửi một số linh mục trẻ qua học bên Ðức, Lacordaire tuyên bố một câu ngộ nghĩnh: “Chính các đại học làm bại hoại Giáo Hội Ðức, còn các chủng viện của chúng ta lại cứu vãn Giáo Hội Pháp. Tôi thà bị treo cổ còn hơn giảng dạy thần học tại Sorbonne” (A Falloux, 15.8.1834). Bị đuổi khỏi Strasbourg mặc dầu nhiều lần tuyên bố thần phục mọi phán quyết về giáo lý của Giáo Hội, cha Bautain vẫn tiếp tục sứ mệnh của Ngài : Nhờ cha, trường Saint-Louis của người Pháp tại Roma trở thành viện nghiên cứu năm 1838. Nhưng ngài lại gặp thất bại mới khi muốn phục hồi công trình của Lamennais tại Juilly. Ngài thôi dạy thần học luân lý tại Sorbonne. Hoàn toàn như hội thánh Phêrô, hội các linh mục Saint-Louis chỉ là vang bóng một thời, nhưng thật danh dự, bảng kê những cựu thành viên của hội: Bonnechose, hồng y tổng giám mục Rouen; Ratisbonne, người sáng lập hội các linh mục và các nữ tu Sion; Gratry, người phục hưng Hội Oratoire; Level, bề trên viện nghiên cứu Saint-Louis tại Roma; Maricourt khoa trưởng khoa thần học công giáo miền Tây...
Nhưng mối ưu tư của cha Lamennais và cha Bautin, một cách gián tiếp, đã đem lại nhiều hoa trái khi chứng tỏ rằng công việc cải tổ chương trình học của giáo sĩ chỉ thành công dưới sự bảo trợ và hướng dẫn hữu hiệu của hàng giáo phẩm. Ðức Cha Affre, tổng giám mục Paris hiểu như vậy. Với ý chí cương quyết, năm 1845, ngài đã mở viện cao học dành cho giáo sĩ ngay trong những lầu nhà cổ xưa của dòng Carmes, đã được thánh hóa bởi máu các thánh tử đạo năm 1792. Viện cao học này thịnh đạt và còn tồn tại mãi tới nay.
Ngoài ra còn nhiều dấu chỉ khác làm thức tỉnh khoa học tôn giáo tại Pháp : Ngay 1836, linh mục Gerbert đã xuất bản một tạp chí mang tên thật ý nghĩa “Ðại Học Công Giáo” (L'Université Catholique), và Bonnetty, từ 1830, ra tờ báo “Biên niên Triết Học Kitô giáo” (Annales de Philosophie chrétienne). Với khuynh hướng bảo thủ, tập san đã trở thành một trong những động lực tiến bộ của khoa sử học đối chiếu giữa các tôn giáo. Dom Guéranger biến Solesmes thành trung tâm lịch sử phụng vụ. Sau cùng và nhất là cha Migne, một thiên tài lỗi lạc, đã bắt đầu xuất bản bộ bách khoa lớn lao với ít ra 2000 cuốn. Ðặc biệt 218 cuốn về Giáo Phụ Latinh, đã khởi sự từ 1844 với sự cộng tác của Dom Pitra, cho tới nay vẫn là vườn hoa rực rỡ trong các thư viện lớn trên thế giới.
Biết bao đọan đường đã vượt qua kể từ cuốn “Thiên tài của Kitô giáo” (Génie du Christianisme), mà Chateaubriand đã xuất bản năm 1802. Trong cuốn này, ông đã dựa vào các dữ kiện về địa chất học, sinh vật học, thiên văn học và khảo cổ học để có thể hiên ngang chứng minh rằng thế giới này phải được tạo dựng bởi một Thiên Chúa. Cho dù có những khuyết điểm, tác phẩm thời danh này đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử tư tưởng tôn giáo tại Pháp. Theo những từ ngữ được dùng riêng trong cuốn sách, tác giả muốn chứng minh rằng “Kitô giáo là một tôn giáo thi vị nhất, nhân bản nhất, cổ súy sự tự do, nghệ thuật và văn chương hơn cả”. Kể từ đó, những người có khả năng văn hóa ưu biệt có thể xác tín mình là kitô giáo hay công giáo mà không mặc cảm, sợ người ta bảo là giả hình hay đần độn. Nhưng cũng từ đó, văn chương lãng mạn hoàn toàn hướng dẫn về một tư chất tôn giáo mơ hồ, và thường là kém giá trị. Dĩ nhiên văn chương lãng mạn không đồng chiều với chủ trương duy tâm vừa khô khan vừa gay gắt theo tinh thần của Voltaire.
Lối minh giáo của Chateaubriand hoàn toàn theo tình cảm, còn lối minh giáo của Louis de Bonald lại mang hình thức lý luận áp phục một cách quyết liệt. Trong các tác phẩm của Bonald, từ cuốn “Lý thuyết về quyền chính trị và tôn giáo trong xã hội dân sự” (Théorie du pouvoir politique et religieux dans la société civile) ra 1796, đến cuốn “Các luận chứng triết học về nguyên tắc của xã hội” (Démonstrations philosophiques du principe de la société) ra 1830, ông đề cao khía cạnh xã hội của kytô giáo. Ông kết luận: Tôn giáo là cần thiết cho xã hội, bởi lẽ ngoài tôn giáo, quyền bính không có lý do tồn tại. Cũng như, hiến chương toàn hảo của xã hội dân sự là chế độ phong kiến, thì đạo công giáo là thể thức toàn hảo của xã hội tôn giáo. Nhưng cái mâu thuẫn kỳ khôi là người có thiên tài lý luận này cũng lại là cha đẻ của một học thuyết “truyền thống” (traditionalisme), luôn chủ trương lý trí cá nhân, tự nó không có khả năng đạt tới một chính xác tính nào.
Ông Joseph de Maistre, người Savoie, đã từng phục vụ vương quốc Piémont. Với tài hùng biện và tài sáng tác, ông là thiên tài về văn chương Pháp. Là tiên tri của phong trào Chống-Cách-Mạng, ông đã tìm thấy sự biện minh quan phòng cho những nền tảng vĩnh cửu của xã hội trong lịch sử của những nhiễu loạn đã xẩy ra từ thời Phục Hưng Tin Lành cho tới thời Cách Mạng Pháp. Vì sống nhiều năm trong cung điện hoàng đế Nga, ông có nhiều liên hệ với Kitô giáo Chính thống. Nhưng, thay vì nghiêng theo những quan điểm đại kết, thì ông lại tỏ ra cương quyết và cứng cỏi hơn trong những quan điểm của ông về công giáo. Ông đã kết luận: “Tôn giáo của Hy Lạp chỉ là sự hiềm ghét Roma”. Tác phẩm chính yếu của ông, cuốn “Về Giáo Hoàng” (Du Pape) xuất bản 1817, đã mở ra con đường chống cách mạng và ủng hộ quyền giáo hoàng. Theo nhận định của những người đồng thời, lối hành văn của ông nghèo nàn về lý chứng thần học, nhất là khi ông muốn chứng minh rằng “quyền vô ngộ của giáo hoàng Roma là yếu tố cơ bản để phục hưng trật tự tại Âu châu”. Dầu vậy, theo ông Friedrich von Gentz, suốt nửa thế kỷ người ta mới thấy một cuốn sách đầy đủ và quan trọng như vậy.
Khuynh hướng lãng mạn, khuynh hướng bảo thủ, và khuynh hướng ủng hộ quyền giáo hoàng, tất cả hội tụ trong tác phẩm sắc bén của Lamennais. Phần thứ nhất của thiên “Khảo luận về sự lãnh đạm trong vấn đề tôn giáo” của ông (Essai sur l'indifférence en matière de religion), xuất bản 1817, đã có một tiếng vang khác thường: chỉ trong một năm, bán 40.000 cuốn. Sau khi đã nhục mạ thuyết vô thần, trong cuốn thứ hai, xuất bản 1820, ông cố ý đem đến cho đức tin một căn bản triết lý theo con đường mà chính Bonald đã khai thông. Con người, nếu lấy lý trí cá nhân của mình làm quy luật cho mọi niềm tin, thì lần lần bị ép buộc phủ nhận mọi chân lý. Nếu người ta muốn tránh hoài nghi thuyết, nhất thiết phải nhận như một chân lý cái mà mọi người nhất trí công nhận ngay tự đầu, đó là sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một khi tin nhận chân lý cơ bản này, thì nhờ Chúa, người ta sẽ vững tin mọi chân lý tiên khởi khác. Bởi vì mọi chân lý đều do Thiên Chúa thông truyền đến cho loài người, bắt đầu từ mạc khải tiên khởi cơ bản. Triết lý về “lẽ phải thông thường” này được “khuynh hướng ủng hộ quyền giáo hoàng” mà ông Maistre bênh vực, bổ sung rất nhiều. Vậy, đâu là chỗ trình bày chính thức về mạc khải tiên khởi này nếu không phải là ở trong một tổ chức mà chính Thiên Chúa đã tiền định để bảo toàn mạc khải ấy? Như vậy, quyền vô ngộ của đức giáo hoàng là quy luật cho phán đoán cá nhân trong vấn đề đức tin, là cột trụ của đời sống xã hội: “Không có giáo hoàng, không có Giáo Hội; không có Giáo Hội, không có Kitô giáo,và không có xã hội”.
Lời quyết đáp trên đây đọc thấy trong cuốn “Tương quan của tôn giáo với trật tự chính trị” (De la Religion considérée dans ses rapports avec l'ordre politique) xuất bản 1825. Lamennais công kích dữ dội khuynh hướng Pháp-giáo (Gallicisme) khi ấy được đa số giám mục Pháp tuyên chứng. Ông nói: “Ðó là thuyết dân chủ đã du nhập vào Giáo Hội, một vụ khủng bố chống lại hiến chế thần linh, một công trình ô nhiễm bởi lạc giáo và ly giáo và sẽ đưa tới chỗ đặt thần quyền phải lệ thuộc chính quyền một cách đê tiện. Mười bốn giáo sĩ cao cấp, hồng y, tổng giám mục và giám mục đã hội lại tại Paris, thề trung thành với nhà vua theo như lập trường của Bossuet về tương quan giữa Giáo Hội và Quốc gia. Ðược khuyến khích bởi giám mục Frayssinous, bộ trưởng giáo vụ, tất cả giám mục Pháp, trừ bốn vị, đều đồng tình làm theo. Lamennais bị đưa ra toà án về tội bất tuân luật pháp Quốc Gia, bị phạt tiền và hủy bỏ tác phẩm”.
Kể từ đó, làm sao Toà Thánh nghe được những tiếng nói mỗi ngày một gióng lên nhiều để chống lại triết lý “lẽ phải thông thường”? Người ta đã chẳng đồn thổi rằng, trong sự thán phục dành cho người hùng “bảo vệ quyền giáo hoàng”, đức Léon XII có lúc đã muốn nâng người hùng ấy lên chức hồng y? Sau cùng, để Roma quyết định kiểm trừng học thuyết đang đe dọa một trong những nền tảng cổ truyền của triết lý kitô giáo, điều cần thiết là Lamennais phải dứt khóat với khuynh hướng tự do.
Lại nữa, người ta coi Lamennais là nhà cải cách bởi vì người ta không biết những người đi trước kém xuất sắc hơn ông. Quả vậy, ngay từ 1818, giám mục Pradt đã viết trong cuốn “Bốn Hoà Ước” (Les Quatre Concordats): “Tách biệt Giáo Hội với Nhà Nước chính là trả lại cho Kitô giáo sự tinh sạch tiên khởi, cho Giáo Hội Pháp phẩm cách riêng, cho hàng giáo sĩ sự kính trọng và lòng yêu mến của dân chúng”. Lammenais đã không đi xa hơn như vậy đâu. Ðiều ông yêu cầu vào năm 1828, trong tác phẩm “Những tiến bộ của Cách Mạng và của chiến tranh Giáo Hội” (Les Progrès de la Révolution et de la guerre contre l'Eglise) là tách biệt Giáo Hội ra khỏi các vương quốc và gia nhập phong trào tất yếu hiện đang lôi kéo các dân tộc đến sự tự do. Tháng 8, năm 1830, số báo “Tương Lai” (L'Avenir) đầu tiên được phát hành với châm ngôn “Thiên Chúa và Tự Do” (Dieu et Liberté). Một nhóm cộng tác viên trẻ trung và sáng giá vây quanh Lamennais: Lacordaire, Montalembert, de Coux, Gerbet và nhiều thành viên khác thuộc nhóm Chesnaie. Chương trình của họ được tóm lược trong bản tuyên ngôn đăng trong số L'Avenir, 21.11.1831, gửi đến cho “các bạn hữu của tự do” trên cả thế giới:
”Cái phần tinh thần của xã hội phải hoàn toàn vượt ra khỏi quyền hành chính trị. Vậy thì:
1) Tự do lương tâm và tự do tôn giáo phải đựơc toàn vẹn, đến nỗi chính quyền không được can thiệp, với bất cứ dưới hình thức nào, lý do nào vào các phạm vi giáo huấn, kỷ luật và nghi thức phụng tự.
2) Tự do báo chí không thể bị trói buộc bởi bất cứ một thủ đọan phòng ngừa ngụy tạo nào.
3) Tự do giáo dục cũng phải được trọn vẹn như tự do của mỗi tôn giáo mà xét theo yếu tính, giáo dục là thành phần của tôn giáo ấy. Bởi vì, tự do giáo dục cũng như tự do tôn giáo, là hình thức của tự do trí năng và của việc phát biểu ý kiến.
4) Tự do lập hội trí thức, phong hóa, kỹ nghệ nằm trong chính những nguyên tắc ấy và cũng phải được kính cẩn theo những lý chứng ấy”.
Ðem hết tâm huyết bênh vực những ý tưởng trên, báo L'Avenir đã thu hút được số đông các giáo sĩ trẻ tại Pháp và cả ở nước ngoài. Những người công giáo Bỉ và nhiều nước khác, có thể nhận ra trong tờ L'Avenir một số tư tưởng đã nhiều năm hướng dẫn hành động chính trị của họ. Nhiều việc làm ngoạn mục đã củng cố hoạt động của tờ báo: Văn phòng trung ương để bảo vệ quyền tự do tôn giáo do Montalembert điều hành, được coi như một cách thế hoạt động chính trị. Nhưng các giám mục không khoan thứ cho một nhóm giáo sĩ trẻ được tán dương lại lên giọng dạy bảo các ngài những phận vụ phải làm. Tổng giám mục Toulouse, đức Astros, gửi qua Roma một bảng kê 50 sai lầm về thần học trong các bản văn của Lamennais. Nhiều giám mục cấm đọc báo L'Avenir. Ðể đi ra khỏi những bế tắc này, Lamennais đã quyết định làm một cuộc vận động vừa ngoạn mục vừa vụng về. Cùng với Lacordaire và Montalembert, Ông đi qua Roma. Phải chăng họ đinh ninh đức Giáo Hoàng sẽ cho họ có lý và chống lại các giám mục Pháp và chống lại tư tưởng của các chính phủ âu châu đang chạy theo thuyết của Metternich? Còn lúc nào thuận lợi hơn để khoa trương với giáo hoàng những việc làm bảo vệ tự do cho bằng lúc mà nước của Giáo Hội đang bị nhóm cách mạng tự do tấn công! Lamennais, được tiếp đón cách lạnh nhạt, đã phải trở về đầu tháng 7.1832, không được việc gì hết. Sau cùng bản tuyên cáo chờ đợi đã đến qua thông điệp Mirari Vos, ban hành ngày 12.8.1832. Văn kiện không nêu tên Lamennais, nhưng đã kết án, giữa bao sai lầm khác, những luận đề mà L'Avenir từng bênh vực: Tự do báo chí, tách biệt giữa Giáo Hội và Quốc gia. Ban đầu Lamennais tỏ ra tuân phục. Nhưng một sử gia (6) đã ghi chú cách tế nhị “Một người đã hoài nghi lý trí của mỗi người, cũng có thể nhận ra rằng người ta đã hoài nghi lý trí của mình”. Mọi phẫn nộ chèn ép trong tâm trí ông, sau cùng đã đổ vỡ ra trong cuốn “Lời nói của một người có niềm tin” (Les paroles d'un croyant). Với lối hành văn của sách Khải Huyền, tác giả mời gọi các dân tộc bị ức hiếp nổi dậy nhân danh Phúc Âm. Ðức Grégoire vội vã lên án cuốn sách này - libellum mole quidem exiguum, pravitate tamen ingentem (cuốn sách ít giá trị nhưng lại có nhiều điều xấu xa). Lần này, thuyết “lẽ phải thông thường” và, kèm vào đó, thuyết cổ truyền cũng bị kết án nữa (Singulari nos, 25.7.1834). Bị kìm hãm trong sự kiêu căng, Lamennais đã dứt khoát bỏ Giáo Hội. Nhưng luồng tư tưởng của thuyết ”tự do công giáo” phát sinh từ L'Avenir không mai một. Nhiều ít đã thay đổi, nhiều ít đã khôn khéo biến dạng, nó vẫn tiếp tục hướng dẫn những người công giáo từng mơ ước hoà giải Giáo Hội với “cái xã hội” do Cách Mạng khai sinh.
Sau nhiều tiểu luận, cuốn “Triết học Kitô giáo” (La Philosophie du Christianisme) của Bautain đã được xuất bản năm 1835. Tác giả có tham vọng trình bày thần học kitô giáo như một triết học duy nhất có thể thỏa mãn mọi ước vọng và suy tư của con người thời đại. Như Bonald và Lamennais, lại theo khuynh hướng của Kant, Bautain lượng giá rằng: Tự gốc rễ, lý trí hoàn toàn bất lực, không thể đạt tới một chủ đích siêu hình nào. Ðức tin vào Chúa Giêsu-Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, nguồn duy nhất về chân lý, cung ứng cho chúng ta cái khả năng căn bản là biết dùng lý trí tự nhiên đạt tới một quan niệm hữu lý về thế giới và về định mệnh của thế giới. Nhưng hệ thống tư tưởng của Bautain mà người ta gọi là “thuyết duy tín” (fidéisme), lại có nguy cơ giảm thiểu tối đa sự góp phần của lý trí trong tiến trình của hành động đức tin. Giám mục Strasbourg đã lên án gay gắt chủ thuyết đó. Tuy nhiên nhờ thái độ tuân phục toàn hảo về các chỉ thị của Toà Thánh, Bautain đã không bị quyền giáo huấn Roma công khai lên án. Như vậy, cắt bỏ những quan điểm bị phi bác, dần dần người ta đã đưa ra được một “trung tuyến hòa giải” (une ligne moyenne de conciliation) giữa đức tin và lý trí, như là công đồng Vatican I về sau đã định tín.
Phải nói thật, các nhà báo và độc giả của họ không thiết gì đến những vấn đề thuộc phạm vi triết lý. Bấy giờ, vấn đề làm tốn bút mực hơn cả chính là bảo vệ tôn giáo, bênh vực hàng giáo sĩ và các cha dòng Tên. Khoa minh giáo không hề được đổi mới tí nào. Người ta thường trách khoa minh giáo là hầu như chỉ lo tấn công Voltaire, Rousseau và nhóm Bách Khoa, và chỉ chạy theo các đối thủ trên lãnh thổ riêng của họ. Bởi vì phong trào “vô tín ngưỡng” được trang bị bởi chính kho tàng tư tưởng của thế kỷ XVIII. Từ 1817 đến 1824, 316.000 ấn bản các tác phẩm của Voltaire được tung ra bán và 240.000 ấn bản tác phẩm của Rousseau. Tổng cộng lại những ấn bản của các tác giả vô tín ngưỡng lên tới 2.741.000 cuốn (7). Ðiều mà người ta có lý để phiền trách khoa minh giáo, chính là trong tư tưởng cũng như trong cách trình bày, khoa minh giáo quá trung thành với tình cảm tính và với khoa hùng biện lãng mạn (Lacordaire là thí dụ tiêu biểu), cũng như với chiến thuật công kích nhục mạ quá đáng (theo kiểu Lamennais). Một khuyết điểm khác của văn chương tôn giáo là thường quá bị ô nhiễm chính trị. Ðây là đặc tính chung của văn chương Pháp thời bấy giờ. Bất cứ vấn đề nào có hệ đến tương quan giữa Giáo Hội và Quốc gia, nhất là vấn đề độc quyền đại học, đều trở thành đề tài bút chiến không cùng. Ngay chính giữa hàng giáo sĩ, các giáo sĩ pháp-giáo (gallican) và các giáo sĩ “bênh quyền giáo hoàng” (ultramontains), luôn nói xấu và chửi rủa nhau tàn tệ.
Chính trong cái viễn tượng này mới hiểu rõ và cắt nghĩa ra được những cơn bão tố nổi dậy từ công trình cải tổ phụng vụ của Dom Guéranger. Nhà phục hưng dòng thánh Biển Ðức tại Pháp xuất bản năm 1840, cuốn đầu tiên trong bộ “Quy chế phụng vụ” (Institutions Liturgiques) và năm sau, cuốn đầu tiên trong bộ “Năm phụng vụ” (Année liturgique). Ý hướng của ngài đáng khen vì như ngài viết: “Ðã từ lâu, người ta mải miết tìm kiếm tinh thần cầu nguyện và chính sự cầu nguyện trong những cuốn sách chứa đầy những tư tưởng đáng ngợi khen thật sốt sáng, nhưng là những tư tưởng của loài người. Của ăn này trống rỗng, bởi vì nó không dẫn đến việc cầu nguyện của Giáo Hội, nó cô lập thay vì kết hợp người ta với Chúa”. Nhưng như người ta thấy ngay trong câu vừa trích dẫn, Guéranger dùng phương pháp tấn công để thuyết phục! Hơn thế, khi công kích chống lại các phụng vụ địa phương đã có trong các giáo phận Pháp từ thế kỷ XVII và XVIII, ngài thường đi quá giới hạn, va chạm đến lòng tự ái và tính mẫn cảm của các giáo sĩ thuộc khuynh hướng pháp-giáo. Nhiều giám mục đã viết bài bênh vực danh thơm của các vị tiền nhiệm và đặc quyền của các ngài trong vấn đề phụng vụ. Trong cuộc bút chiến đa diện vừa tôn giáo vừa chính trị này, người ta bỏ quên khía cạnh mục vụ, đang khi mục vụ mới là điểm phải quan tâm.
Bị ám ảnh bởi cuộc tranh đấu chống lại ý thức hệ duy tâm của thế kỷ XVIII, bị lôi kéo theo tinh thần của thời đại, chỉ để ý đến chính trị mà quên những vấn đề xã hội, hàng giáo sĩ pháp không nhận ra tầm quan trọng sống còn trong tương lai của những vấn đề mà việc khai sinh một nền văn minh kỹ nghệ mới đặt ra. Môn kinh tế chính trị xem ra còn quá lạ lẫm đối với sứ mệnh của các ngài. Dĩ nhiên, các ngài cũng nhận thấy nếp sống khốn cùng của giới thợ thuyền, nhất là vấn đề thoái hóa của kitô giáo. Từ 1823, Lamennais đã tố cáo việc bóc lột lớp dân vô sản bằng những lời nóng bỏng :”Chính trị tân tiến chỉ coi dân nghèo như một cái máy lao động, họ chỉ cần thu thật nhiều lợi tức trong một thời gian hạn định... Những người nghèo ấy có tự do không? Phải bình thản nói rằng “không”! Những con người bạc mệnh ấy không tự do... “Nhu cầu cuộc sống của họ lệ thuộc vào chúng ta, nhu yếu của đời sống biến họ thành nô lệ của chúng ta”. Nhưng sau khi lên giọng như vậy, nhà đại văn hào lại trở về với triết lý và chính trị của ông. Trong những xáo trộn xã hội bùng nổ tại Pháp, dưới thời Louis-Philippe, người ta chỉ nhìn thấy những vụ nổi dậy chống chính quyền. Những phương dược người ta đưa ra xoa dịu chỉ là những hoạt động bác ái cổ truyền: Kêu gọi lòng quảng đại của người giầu và khuyến khích sự nhẫn nhục chịu đựng của dân nghèo. Chỉ mấy giám chức biết can đảm nghĩ đến việc đặt lại vấn đề trật tự xã hội tư bản: Belmas và Giraud ở Cambrai, Fayer ở Rouen, Bonald ở Lyon, Affre ở Paris.
Tại sao có “sự mù loà” tập thể như vậy? - Xin thưa: Các giám mục xuất thân từ các gia đình quý phái, từ nếp sống phong lưu, lại hưởng thụ một nền giáo dục đóng kín, không thể biết đến cái hiện tượng lớn lao đang manh nha dưới mắt mình... Ðó cũng là tình trạng của phần lớn những người cầm quyền đồng thời với các ngài. Người ta ngỡ ngàng hơn khi thấy các giám mục không thức tỉnh trước bầu khí sôi động của các ý thức hệ xã hội lưu hành trong nước Pháp sau 1830.
May thay, một vài linh mục, một vài giáo dân ý thức vấn đề và cố gắng bù đắp lại sự thiếu sót của hàng giáo sĩ cao cấp. Những tác phẩm của họ, mới đây đã được cứu vãn không bị khoa biên soạn lịch sử quên lãng nữa, (8) là nguồn gốc cho một luồng tư tưởng vĩ đại của học thuyết xã hội công giáo tân tiến. Vả lại trong các tác phẩm ấy, hành động đã đi trước tư tưởng và tỏ ra thật phong phú. Trong phạm vi tư tưởng hay lý thuyết, mấy nhân vật sau đây đáng được ghi danh: Charles de Coux chủ bút nhật báo L'Avenir, về sau là giáo sư kinh tế chính trị của đại học Louvain, đả kích hệ thống chính trị “muốn gia tăng mãi cảnh khốn cùng của dân nghèo và tập trung tài sản vào tay một số nhỏ gia đình”. Tử tước Alban de Villeneuve-Bargemont, quận trưởng miền Bắc dưới thời Charles X, hốt hoảng trước cảnh cơ cực của dân thợ dệt vải tỉnh Lille, đã xuất bản cuốn “Luận về khoa kinh tế chính trị kitô giáo” (Traité d'économie politique chrétienne) năm 1834, trong đó ông tốL cáo sự thoái hóa về luân lý do văn minh kỹ nghệ gây nên và kêu gọi sống công bằng và bác ái. Philippe Buchez, cựu đảng viên đảng Cabonaro (đảng bí mật), cựu đảng viên xã hội phái Simonien (Saint-Simonien), trở lại sau 1830 trong một giáo hội công giáo hơi thủ cựu, đã lớn tiếng kêu gọi người kitô giáo hưởng ứng việc cải tổ các cơ cấu xã hội kinh tế và chính trị: Nhờ lời ông cổ động và những bài báo ông viết, ông đã gây được một nhóm đông linh mục và giáo dân biết làm việc chung với nhau. Sau cùng, Fredéric Ozanam, ngừơi đã dùng cái ghế giáo sư sử học tại đại học Sorbonne để bênh vực Giáo Hội, dấn thân hết mình vào hoạt động bác ái (10), và chỉ trích gay gắt chủ trương tự do kinh tế như “một học thuyết ô nhục” chỉ biết thu gọn cuộc sống vào việc tính toán ăn lời. “Vấn đề xáo động thế giới hôm nay... chính là cuộc tranh đấu giữa những người không có gì và những người có quá nhiều... Ðể tái lập trật tự, bác ái không đủ, bởi bác ái xoa dịu vết thương mà không khử trừ được những roi đòn đã gây nên vết thương”. Vì thế phải nhấn mạnh đến đức công bằng. Phải điều hoà thị trưởng nhân công bằng thiết lập các hiệp hội công nhân và bằng sự kiểm soát nghiêm chỉnh của Giáo Hội.
Quả thật, việc làm của những người tiên phong về học thuyết xã hội kitô giáo này thật hữu ích. Cách chung, người ta thích đan cử danh tánh của họ mỗi khi nói về thái độ của dân thợ Paris đối với hàng giáo sĩ vào thời cách mạng 1848, thái độ ấy tử tế, khác với thái độ của những nhà cách mạng 1830. Phải nói thật, tâm tình tôn giáo tiềm tàng trong học thuyết xã hội lãng mạn và tiền duy vật không tưởng (utopique prémarxiste), đã có ảnh hưởng phần nào trong thái độ tử tế ấy. Nhưng để có sự gặp gỡ, trước tiên đôi bên, giáo sĩ và thợ thuyền, phải chìa cho nhau những bàn tay huynh đệ.
Vương quốc Bỉ xem ra là mảnh đất thuận lợi cho tư tưởng tôn giáo đua nở: sánh với giáo sĩ Pháp, giáo sĩ Bỉ ít phải đau khổ vì những hậu quả của Cách Mạng; họ có một lớp người công giáo trung lưu vừa đông đảo vừa học thức; có sự tiếp xúc thật khích lệ của những luồng trí thức Ðức và Pháp; sau 1815, có một chế độ tự do báo chí nhất trên cả Châu Âu. Tuy nhiên, dưới chế độ của người Hoà Lan, các ấn phẩm công giáo, bằng tiếng Pháp cũng như bằng tiếng Hoà Lan, chỉ ở mãi trình độ bình dân với những tập sách nhỏ về lòng mộ đạo và minh giáo. Từ 1815, các học thuyết cổ truyền đã cổ súy một nhóm giáo dân làm việc quanh Henri de Mérode. Về sau, vì muốn hiệp nhất với những người phái tự do, họ đã chạy theo tư tưởng của Lamennais và trường phái của báo L'Avenir trong những vấn đề tương quan giữa Giáo Hội và Quốc gia. Giữa người công giáo tự do Pháp và Bỉ đã có một “sự thẩm thấu” đặc biệt đến nỗi đôi khi khó lượng được mọi cường độ của những ảnh hưởng hỗ tương.
Dầu sao, công trình phục hưng đại học Louvain (1834-1835) đã đánh dấu một hoạt động trí thức độc lập tại Bỉ. Kể từ 1840, đại học có 460 sinh viên. Việc giảng dạy triết học nổi tiếng nhờ Ardold Tits và Casimir Ubags. Thuyết lý của họ về những ý tưởng thiên bẩm là dấu chỉ sự bành trướng của thuyết cổ truyền. Cơ quan ngôn luận của trường phái này là tờ “Nguyệt San Công Giáo” (Revue Catholique), phát hành từ 1843. Nổi tiếng về Ðông Phương Học có Jean-Théodore Beelen, tác giả cuốn Crestomathia rabbinica et chaldaica (1841-1843), công trình nghiên cứu xuất sắc về các ngữ hệ Sémit. Ông Henri Waterkein, phó viện trưởng Ðại Học, đã can đảm trình bày vấn đề về “Ðịa chất học trong những tương quan của nó với các chân lý mạc khải” (De la Géologie dans ses rapports avec les vérités révélées). Ðược chính phủ giúp đỡ tài chánh, năm 1837, các cha dòng Tên đã có thể in lại tại Bruxelles các tác phẩm viết bằng tiếng hòa lan, bắt đầu bằng một loạt các “Văn kiện của Thánh nữ Têrêsa” (Acta Sanctae Theresiae), năm 1845. Hai cha dòng Tên phối trí công việc là Van Hecke và Van der Moere. Một trung tâm sinh hoạt trí thức khác bành trướng tại Liège với tờ báo “Nhật ký về lịch sử và văn chương” (Journal historique et littéraire) do ông Pierre Kersten thành lập 1834.
Giống như bên Ðức, đời sống trí thức tại Ý được khích lệ bởi một số các trung tâm văn hóa đã có lâu đời (11). Còn một thuận lợi khác, Ý là thủ đô của đạo công giáo. Phải nói thật, sự kiện này cũng có những bất lợi. Chẳng hạn, sự hấp dẫn của những chức vụ trong giáo triều đã hút hết các đầu óc giỏi giang của hàng giáo sĩ vào công việc quản trị. Rủi hơn nữa, tất cả những sản phẩm trí thức đều phải mang cái ách kiểm duyệt bần tiện mà tính cách độc tài của nó lại được bồi dưỡng bởi những dao động chính trị. Tại Roma, người ta sợ hãi mọi công trình đổi mới đến nỗi năm 1820, người ta đã từ chối không cho phép in thiên khảo luận về thiên văn học vì trong đó tác giả xác quyết như một định đề “Trái đất vận động quanh mặt trời”. Tuy nhiên đức Léon XII rất nhiệt tâm với việc phục hưng công trình nghiên cứu tôn giáo. Với sắc lệnh Quod divina Sapientia ra ngày 28.8.1824, ngài đã tổ chức lại toàn bộ việc giảng huấn cao cấp trong các tiểu quốc thuộc Roma, với hai đại học chính tại Roma và Bologne, năm đại học khác Perousa, Ferrare, Camerino, Macerata và Fermo. Năm 1824, Ngài đã giao cho các cha dòng Tên điều khiển Collegio Romano. Chính ở đây, cha Perrone dạy suốt gần 50 năm, ngài để ý theo dõi các phong trào triết lý và thần học của Pháp và Ðức. Nhưng tại Roma, thật quá nguy hiểm nếu chạy theo những đường hướng ấy. Thực ra, ở Roma người ta chuộng môn minh giáo, dĩ nhiên là để bênh vực Toà Thánh, hơn môn giáo luật, phụng vụ, và đặc biệt hơn những công việc khảo cổ và nghiên cứu. Trong lãnh vực sau cùng này, cha Angelo Mai quản thủ thư viện Vatican, đã đọat được một vinh dự quốc tế: Nhờ việc khám phá ra phương pháp đọc được các chữ chép trên những mảnh da cũ đã bị xóa nhòa, cha tìm lại được một số các bản văn mà người ta tưởng là đã mất, của các tác giả cổ điển, của các Giáo Phụ, các văn hào byzantins. Ngài hiệu chính lại các ấn phẩm của Vatican, rồi kể từ 1828, ngài cho in lại những bộ sách nổi tiếng như “Classici scriptores ex codicibus vaticanis” (Các văn sĩ cổ điển trong các bộ sách của Vatican). Ðể thưởng công nhà bác học này, Ðức Grégoire XVI đã nâng ngài lên chức hồng y, đồng thời với cha Mezzofanti, một nhà ngữ học xuất chúng, vì như người ta quả quyết, cha nói được 40 thứ tiếng.
Phải đi xa khỏi Roma để tìm thấy những nhà tư tưởng độc sáng. Antonio Rosmini-Serbati, linh mục gương mẫu, người sáng lập nhiều hội tôn giáo và viết đủ loại sách phong phú. Ngài sống trong ngôi nhà do ông bà để lại tại Rovereto, một tỉnh thuộc quyền cai trị của nước Áo. Trong khi đó Vincenzo Gioberti, người miền Piemont, là một thiên tài còn uyên bác hơn . Về vấn đề căn bản của trí thức, cả hai người ủng hộ những học thuyết tiếp cận với thuyết bản thể học. Theo Gioberti, trực giác nguyên khởi đạt tới Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên, cũng một lúc với các vật hữu hạn và mối liên hệ giữa Ngài với vạn vật hữu hạn là việc sáng tạo. Hữu thể vô hạn tuyệt đối nội tại trong linh hồn, và đó là cái hấp dẫn đối với các linh hồn thần bí; nhưng liệu như vậy có nguy cơ rơi vào thuyết phiếm thần không? Rosmini đã phiền trách Gioberti điều đó, và để tránh nguy cơ này, trong cuốn “Hệ thống triết học” (Systema filosofico) cha đã đặt vào giữa chính Hữu Thể thần linh và tâm trí con người một ý niệm thiên bẩm về hữu thể lý tưởng, từ đó phát sinh mọi ý tưởng khác nhờ sự phân tích và cách áp dụng. Triết lý này được quảng diễn trong một tổng hợp đại qui mô, và đã thành công trong các chủng viện miền Bắc Ý. Nhưng triết lý này bị các nhà tân-kinh-viện phản đối dữ dội, coi như một tội ác chống lại Aristote. Chỉ mình đức Grégoire XVI, vì tình bạn, đã coi Rosmini như một linh mục thông minh nhất nước Ý, và đã kịp thời cứu ông khỏi bị kết án theo pháp luật.
Ngoài những nước mà chúng ta vừa rảo qua, phần còn lại của thế giới công giáo cống hiến ít ỏi cho lịch sử thế kỷ những tư tưởng tôn giáo. Nước Áo có phân khoa thần học trong các đại học ở Vienne, Prague, Graz, Innsbruck, Lemberg, nhưng tư tưởng tôn giáo lại ở tình trạng suy nhược toàn diện. Vì ở đây mọi phát biểu trí thức có thể nói là “bị canh chừng tại gia”. Ðàng khác rất nhiều giáo sư đại học có một niềm tin chính thống khả nghi. Nước Balan công giáo nằm dưới ách thống trị của ngoại bang. Các sử gia dành hết thời giờ viết lịch sử Giáo Hội Balan, viết nhiều về đời sống khổ tu, nhưng không đặc sắc. Chỉ có một nhà bác học trổi vượt duy nhất là ông Ignace Holowinski, khoa trưởng phân khoa thần học Wilno, sau chuyển về Saint-Petersbourg, năm 1842. Ông có tinh thần nghiên cứu, một ngòi bút phổ thông về mọi vấn đề và một vốn trí thức thật rộng rãi. Tuy nhiên vấn đề ông lưu tâm nhất chính là lịch sử Giáo Hội thời sơ khai, như ông trình bày trong bộ 5 cuốn “Hành Hương Ðất Thánh” (Pélérinages en Terre Sainte) xuất bản 1841-1845.
Nước Tây Ban Nha còn cằn cỗi về trí thức hơn nữa. Thật đáng tiếc! Vì chính tại đây, trước kia bừng chói nhiều luồng sáng. Một luồng gió cháy nám của thế kỷ XVIII đã thổi mạnh trên hàng giáo sĩ, sau đó là những cuộc xâm chiếm của ngoại bang, những chiến tranh nhân dân, vụ đàn áp theo pháp đình của vua Ferdinand VII, những lần bách hại phái tự do... Tất cả không cho Giáo Hội có cơ hội phục hưng. Cảnh nghèo nàn của giáo hội công giáo Tây Ban Nha được vớt vát phần nào nhờ một văn hào nổi tiếng là ông Jaime-Luciano Balmes (1810-1848), cho dù sinh quán của ông là Catalogne, một thành phố hoàn toàn xa biệt với tư chất người Tây Ban Nha. Mãi tới 30 tuổi ông mới bắt đầu viết, thế mà sau 8 năm, ông đã hoàn thành nhiều bộ sách về minh giáo, sử ký, và triết học. Tất cả gồm 32 cuốn. Cuốn “Triết học căn bản” (Filosofia fundamental) in năm 1846 làm sống lại triết học Thánh Thomas. Ðặc biệt cuốn “Giáo Hội Tin Lành đối chiếu với Giáo Hội Công Giáo và về những tương quan với văn minh Âu Châu” (El Protestantismo comparado con el Catolicismo en sus relaciones con la civilizacion europea) in năm 1842 được cả thế giới biết đến. Về các nước Mỹ Châu thuộc Tây Ban Nha thì tình trạng thảm não của Giáo Hội đủ cắt nghĩa sự im hơi lặng tiếng trong phạm vi trí thức.
Văn chương công giáo tại các nước nói tiếng Anh, từ Hoa Kỳ cho đến các xứ thuộc địa khác của Anh, cốt yếu chỉ là minh giáo. Ðiều này rất tự nhiên trước mọi chèn ép của tin lành, và trong trách nhiệm ưu tiên là “bảo vệ giáo dân”. Hơn các nơi khác, tại đây các giám mục đứng hàng tiên phong: Ðức cha England tại Hoa Kỳ, các vị Ðại Diện Tông Toà Poynter và Milner, đức cha Wiseman bên Anh. Giữa các linh mục, trước hết phải kể đến John Lingard (1771-1851), người đã gây được nhiều ảnh hưởng trong các đại học của nước Anh qua cuốn “Cổ thời của Giáo Hội Anglo-Saxon” (Antiquities of the Anglo-Saxon Church) in 1806 và bộ “Lịch Sử Nước Anh” (History of England) viết từ 1819-1830. Ðiều thiếu sót hơi mâu thuẫn là ông không nói đến Tin Lành Anh Giáo, một “bà chủ” cạnh tranh và mưu lược của Giáo Hội Công Giáo.