CHƯƠNG VI
GIÁO HỘI MỸ CHÂU
CHƯƠNG VI
GIÁO HỘI MỸ CHÂU
I. HOA KỲ
Trong khi tại Âu Châu và các nước thuộc địa của Âu Châu, đời sống của Giáo Hội khắp nơi đều lệ thuộc trước tiên vào ý chí xấu xa hoặc tốt lành của các Quốc Gia, thì bên kia bờ Ðại Tây Dương, các nhà hiền triết của cựu địa lục kytô giáo, dù mới thoáng nhìn và tìm hiểu, đã thấy ngay một kinh nghiệm đổi mới. Lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ nổi bật những đặc tính thật độc đáo đến nỗi không thể không dừng lại mà chiêm ngắm.
Ðường nét thứ nhất trong tình thế hoàn toàn mới mẻ này là sự tự do tổ chức giáo hội trong mỗi Tiểu Bang. Chính quyền tiểu bang muốn giữ thái độ trung lập trước những tôn giáo khác nhau. Ðối với những thành phần của hàng giáo sĩ hoa kỳ, đã được giáo dục dưới gông cùm của các chế độ thiên chấp về tin lành anh giáo, thì tình thế này cho họ nhìn thấy một ích lợi lớn lao, và một sức mạnh đặc biệt.
Họ qúy chuộng sự tách biệt Giáo Hội với Nhà nước. Họ coi đó là sự đảm bảo quyền tự do truyền giáo của họ. John Carroll, giám mục Mỹ tiên khởi, đã bày tỏ một thái độ lạc quan, khiến ai cũng nhận ra ngài là người con của thế kỷ Ánh Sáng. Năm 1784 ngài viết: “Hoa Kỳ có thể cung ứng cho thế giới một bằng chứng lớn lao về tinh thần khoan thứ bình đẳng và phổ cập , khi cho phép phổ biến tự do những cuộc thảo luận chân thành. Ðó là một phương pháp hữu hiệu nhất để dẫn người kytô hữu đi từ sự phục tòng trọn vẹn đến sự hiệp nhất đức tin” (1). Bốn mươi năm sau, John England, vị giám mục thời danh của Charleston, đã viết cho O'Connell, người đồng hương của ngài: “Tôi thâm tín rằng việc tách rời hoàn toàn với chính phủ thế tục là một tình thế rất tự nhiên và vững chắc cho Giáo Hội, trong những nơi không có chính phủ toàn tòng công giáo như trong các lãnh thổ của giáo hoàng” (2). Theo nhận định của hai giám mục, thì trong bối cảnh của Hoa Kỳ, việc tách rời Giáo Hội với Nhà Nước không có nghĩa là hằn thù, tục hóa xã hội... như đã có ở Âu châu và như ở Roma người ta tưởng. Ở Hoa Kỳ hoàn toàn trái lại. Ông Torqueville đã phải nhận định: “Hoa Kỳ là nơi duy nhất trên thế giới mà kytô giáo bảo toàn được cái thực quyền trên các linh hồn (...) Tại Hoa Kỳ, tôn giáo không bao giờ trực tiếp pha mình vào chính phủ của xã hội; tôn giáo phải được nhìn nhận như là hiến pháp đầu tiên trong các hiến pháp chính trị của Hoa Kỳ” (3). Trong những điều kiện đó, sự tách biệt Giáo Hội với Chính Quyền mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với những chương trình tự do của Âu Châu. người ta nghĩ rằng, Giáo Hội Hoa Kỳ coi cái máy chiến tranh chống lại tôn giáo ở bên kia bờ Ðại Tây Dương là một “kinh nghiệm ân phúc cho họ”.
Bầu khí tôn giáo, xã hội kytô giáo, nhưng không phải công giáo. Ở đây chúng ta đề cập đến “xã hội kytô giáo” mà ngay từ đầu Giáo Hội phải chấp nhận. Vì Giáo Hội chỉ là một tổ hợp thiểu số. Việc thành lập liên bang có thể nhìn nhận cho Giáo Hội quyền tự do bành trướng. Nhưng Giáo Hội không thể thay đổi cái gì nơi xã hội mỹ đã bị đầu độc quá nhiều bởi những thành kiến của người anh đối với Giáo Hoàng Roma (Papisme: giáo-hoàng-thuyết, tiếng dùng của Tin Lành Anh giáo để chế diễu Giáo Hội Roma). Cho nên ngay trong môi trường đã thấm nhuần về tôn giáo, Giáo Hội vẫn không gặp được những thuận lợi, và bất lợi hơn khi môi trường đó còn là xã hội ngoại giáo. Ở Hoa Kỳ, Giáo Hội Công Giáo còn phải giữ một thời gian lâu dài cái hình ảnh của một thứ cây nhập cảng, sống èo ẹt khổ sở, vì không tìm thấy những yếu tố có thể tiêu hóa trong mảnh đất mà cây ấy được bứng trồng vào.
Khi không thể mộ thêm các phần tử mới ngay trong dân bản xứ, công giáo phải lo tìm kiếm từ các nước khác tới. Người ta ước lượng, năm 1840 ở Hoa Kỳ có 663.000 công giáo, thì ít nhất 370.000 người là di dân tới Hoa Kỳ từ 30 năm trước. Con số càng gia tăng cho tới khi làn sóng di dân ồ ạt bị đóng chặn lại. Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ chỉ là tôn giáo của các sắc tộc thiểu số Ái Nhĩ Lan và Ðức, rồi cuối thế kỷ XIX, có thêm người Balan và người Ý. Một sự kiện nặng chĩu hậu quả, làm tăng thêm sự khác biệt giữa người công giáo: thêm vào những ngăn cách về tín ngưỡng, còn có những chướng ngại về phong tục, tập quán, về ý thức quốc gia, về mầu sắc ngoại lai trên đất mỹ, và không kể người Ái Nhĩ Lan, còn có sự khác biệt về ngôn ngữ. Những người di dân có khuynh hướng muốn ở chen chúc tại các hải cảng, nơi tàu đổ xuống những đám người cùng khổ. Vì thế Giáo Hội Công Giáo lớn mau trong các thành phố miền Ðông-Bắc, trong khi công giáo không thể chen vào các Tiểu bang miền Nam vì ở đó người ta không chấp nhận những kiều dân mới tới làm công việc tay chân của ngừơi đen. Chen chúc nhau ở thành phố không tốt, nhiều giáo sĩ muốn phân tán tín hữu ra các vùng quê. Nhưng lại có mối nguy: vì thiếu nhà thờ và linh mục, nhiều người công giáo bỏ theo tin lành. Sau cùng, vì sự thể tự nhiên, người di dân ở bậc thấp nhất trong nấc thang xã hội: công giáo Hoa Kỳ là tôn giáo của dân chúng. Là tôn giáo bình dân, công giáo Hoa Kỳ chú trọng về hành động hơn về tư tưởng, đến việc lãnh nhận các bí tích hơn đến đời sống tu đức. Hơn thế, trong một xã hội mà bậc thang giá trị thường trùng với bậc thang tài sản đắc thủ, thì những thể hiện vật chất trong xã hội đó xuất hiện như ấn tích của thành công, như lý chứng cho niềm tin. Sự biến chuyển dân chủ không tạo nên cho xã hội hoa kỳ mối nguy cơ, như ở nhiều nước Âu Châu nơi mà đà tiến dân chủ thừơng gắn liền với với đà tiến của giới lãnh đạo độc tài. Nhưng trái lại, đó là yếu tố thuận lợi cho xã hội Hoa Kỳ. Những người công giáo hoa kỳ đem lại cho thế giới một bằng chứng gương mẫu về cái mà năm 1797 đức Pio VII đã nhận thức trước rằng: “Dân chủ và công giáo không phải là thù địch tự nhiên, trái lại vô cùng am hợp”.
Dầu sao cũng cần ghi nhận rằng bầu khí dân chủ chỉ có những hiệu quả ân huệ. Lòng qúy chuộng tự do đã dễ dàng thoái hoá thành hỗn loạn. Nhất là những di dân, họ bị lôi cuốn vào việc lạm dụng sự tự do hỗn loạn đó. Bởi lẽ họ đến từ những nước có chế độ cữơng bách, nay được tự do, họ đâm ra buông thả, muốn làm loạn. Lịch sử của những thời gian đầu tiên của Giáo Hội tại Hoa Kỳ lại có rất nhiều câu chuyện ồn ào : Linh mục chống đối giám mục, giáo dân cự lại các chủ chăn. Và tương tự, giám mục bất bình với Roma, viện lý do khó liên lạc với trung ương của Giáo Hội để tự do hành động. Phải nhận một sự thật : nhiều khi Roma rất đáng trách, là không biết gì đến những chuyện xẩy ra ở Hoa Kỳ và dễ dàng để cho những người gian lận lợi dụng. Như trường hợp thiết lập giáo phận mới trong tiểu bang Virginia, năm 1819, hồng y bộ Truyền Giáo đề nghị lập toà giám mục tại Hartfort, cách khu hành chánh mới hơn 500 cây số!
Những chức sắc Roma, được huấn luyện trong bầu khí nhung lụa của điện giáo hoàng, không thể hiểu nổi thực chất của giáo hội Hoa Kỳ xa lạ này. Ở đây quá xa, đối với Roma, hoàn cảnh sống ở Hoa Kỳ là hoàn cảnh sống của một hành tinh khác. Bấy giờ, Roma chưa dám coi Giáo Hội Hoa Kỳ như một cô gái đã được huấn luyện chu đáo, có khả năng lãnh trách nhiệm trong khuôn khổ bình thường. Vì thế, giáo hội Hoa Kỳ còn ở dứơi quyền bảo trợ của Bộ Truyền Giáo. Hoa Kỳ là xứ truyền giáo? Phải, nếu người ta nhìn vào các tỉnh vùng biên giới, nơi những nhà truyền giáo gan dạ đang dấn thân vào những phần còn lại của các bộ lạc da đỏ. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh ngoài lề của xã hội mỹ. Về những phạm vi khác, tình hình của giáo hội mỹ đã gần như tình hình của người công giáo Anh hay Hòa Lan. Hơn thế, có một hiện tượng hoàn toàn mới : Những nhóm công giáo ngoại quốc tăng lên thật mau ngay giữa dân tộc gốc tin lành. Diện tích của Hoa Kỳ quá mênh mông, còn một nửa chưa khai thác, chưa có người cư ngụ, nên dân chúng lưu động, thay đổi chỗ ở rất nhiều. Tất cả những điều đó, cộng thêm những điều kiện pháp lý còn quá mới mẻ đối với Giáo Hội, đã tạo nên một hỗn tạp về chính trị và xã hội hoàn toàn riêng biệt (sui generis). Vì thế không lạ gì, đôi khi thấy Toà Thánh đã nhượng bộ khôn khéo khi phải có những quyết định. Tòa Thánh nghĩ rằng có thể chấp nhận nhiều chuyện xẩy ra ở Hoa Kỳ vì có thể nói đó là những chuyện xẩy ra ở một thế giới khác. Một câu bông đùa cổ điển muốn chứng minh điều đó: Ngày kia, đức Pio IX đã trả lời cho một người muốn xin Ngài một ân huệ đặc biệt: “Rủi là Cha không thể cho con, nhưng con hãy về xin điều đó với một giám mục mỹ ”.
Hướng đi của Giáo Hội Hoa Kỳ có thể là rất khác với hướng đi vừa lược dẫn. Vậy đừng quên rằng công giáo đã được ươm trồng tại Bắc Mỹ dưới những ”cái dù che chở” đối lại với những “cái dù thiên chấp” của người Anh. Bắt đầu từ Mễ Tây Cơ, các cha Phanxicô Tây Ban Nha, làm việc dưới sự che chở của các vua công giáo, đã mở rộng vòng tuyến truyền giáo trên các lãnh thổ hiện nay của California, Nouveau Mexique, Texas, Florida. Trong vùng Tây Bắc, khởi điểm từ miền Grands-Lacs, các thừa sai Pháp (Dòng Tên, Capucins, Augustins) cũng đã thiết lập những địa điểm truyền giáo thường trực, mà ngày nay là tên của những thành phố quan trọng. Về phía Nam, như ở tiểu bang Louisana, số người công giáo Pháp và Tây Ban Nha, từ 1793, đã đủ biện minh cho việc thành lập một giáo phận ở Louisana và hai ở Florida. Giáo Hội trẻ Hoa Kỳ đã có thể phát triển như “phần phụ” của Giáo Hội Pháp và Tây Ban Nha. Nhưng nước Mỹ lại chào đời từ phía Ðông và cái trung điểm nhỏ bé của người công giáo thời đó đã có ở Maryland-Kentucky. Trong thực tế, trung điểm công giáo này hoàn toàn khép kín, không có một liên lạc nào với các vùng truyền giáo xa xôi của Pháp và Tây Ban Nha, nên đã phải tự tạo cho mình những tập quán riêng. Khi mà thủy triều thuộc địa bên trong Hoa Kỳ đã chiếm được các vùng thuộc địa cũ của Pháp và Tây Ban Nha, thì công giáo thuần túy hoa kỳ đã qúa vững chãi đến nỗi những tập quán kỳ cựu hơn trở thành lỗi thời đối với những tập quán quốc gia còn trẻ trung hơn.
Trong việc xây dựng Giáo Hội thuần túy Hoa Kỳ này, không ai giữ vai trò quyết định hơn là Jonh Carroll, giám mục tiên khởi của Baltimore. Sinh 1735, từ một trong những gia đình lập nghiệp lâu đời nhất tại Maryland, Jonh Carroll được gửi qua Âu Châu học tại tiểu chủng viện của các cha dòng Tên người Anh tại Saint-Omer. Hết chương trình cổ điển, Carroll xin vào nhà tập của dòng Tên, chịu chức linh mục và dạy học tại nhiều nơi của Dòng. Sau khi dòng Tên bị giải tán, năm 1773, cha Carroll trở về quê quán và hợp sức với các linh mục bạn cũ lập nên hàng giáo sĩ của tiểu bang Maryland, giúp họ dấn thân, thích ứng đời sống giáo sĩ vào những hoàn cảnh mới do Cách Mạng và chiến tranh Ðộc Lập tạo nên. Cho tới khi ấy, hàng giáo sĩ mỹ, theo giáo luật phải thuộc quyền vị Ðại Diện Tông Toà ở Luânđôn. Một liên hệ như vậy đã không hài lòng còn làm liên lụy cho người công giáo Hoa Kỳ vốn hăm hở tranh đấu cho nền độc lập. Toà Thánh đã mau hiểu điều đó. Cho nên ngay từ tháng sáu 1784, Toà Thánh bổ nhiệm John Carroll làm “trưởng ban truyền giáo trong các tỉnh của Tân Cộng Hoà Hiệp Chủng Quốc Bắc Mỹ”. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để đảm bảo nền độc lập thực sự cho giáo sĩ Hoa Kỳ: Vị Phủ Dõan Tông Toà có thể ban hành bí tích Thêm Sức, nhưng chưa có quyền truyền các chức thánh. Những cuộc vận động và điều đình được tiến hành tại Paris giữa đức Khâm Sứ và Benjamin Franklin. Bấy giờ Toà Thánh muốn Quốc Hội đề cử chính thức cho Toà Thánh một ứng viên. Nhưng Quốc Hội từ chối không pha mình vào phạm vi ở ngoài thẩm quyền của Quốc Hội. Ðức giáo hoàng đã lợi dụng ngay cơ hội để chứng tỏ Toà Thánh độc lập trong việc bổ một giám mục. Không phải chiều theo các yêu sách của vua chúa như đã có từ nhiều thế kỷ, đức giáo hoàng ra tự sắc cho hàng giáo sĩ mỹ tự lựa chọn lấy người làm giám mục tiên khởi thiết lập tại Baltimore. Ngày 25.03.1789, các linh mục đã nhất trí dồn phiếu bầu Cha John Carroll làm giám mục. Ngày 15.08.1790, Ngài qua nước Anh thụ phong và tháng 12 trở về Baltimore nhậm chức.
Không ai được chuẩn bị kỹ càng hơn John Carroll để gánh trách nhiệm đang chờ đợi ngài. Ngài đã xác định trách nhiệm ấy bằng lời lẽ sau đây: “...Nỗ lực thành lập những cộng đoàn, không phải Ái Nhĩ Lan, Anh, hay Pháp, nhưng là những cộng đoàn công giáo Hoa Kỳ” (4). Vì đã sinh ra tại chỗ, ngài đồng tuổi với các người sáng lập Cộng Hoà và được họ tín nhiệm. Người bà con của ngài là Charles Carroll, một trong những người đã ký Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Anh ruột ngài, ông Ðaniel, đã đại diện cho Maryland trong điều ước 1787 là khởi thảo của bản hiến pháp thời danh, rồi tiếp theo ông là nghị sĩ khóa đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc. Có trình độ cao về văn hóa cổ điển, giầu kinh nghiệm về thế giới và con người, ngài qủa là một công dân ưu tuyển. Cho dù khôn ngoan và cương quyết đứng ngoài chính trị, ngài cũng đã giữ một vai trò quan trọng trong lãnh vực đó. Một bằng chứng về sự qúy chuộng trọng kính mà những người công dân dành cho ngài là họ đã bàu ngài làm chủ tịch “Ban Quản Trị” (Board des Trustees) của các trường đại học Annapolis và Baltimore do tiểu bang Maryland xây cất. Có lòng đạo vững chắc, dịu dàng dễ thương, rất nhiệt thành và đắn đo khôn ngoan, lại biết xử dụng quyền hành và bao dung đối với những yếu hèn của con người, đó là những đức tính nổi bật của giám mục John Carroll, con người quan phòng, xứng đáng là cha của Giáo Hội Hoa Kỳ.
Ðức cha John Carroll tỏ ra thật khôn ngoan trong việc chuẩn bị cho Giáo Hội Mỹ có những cán bộ vững chắc về mọi phạm vi. Làm giám mục vừa chẵn 10 năm, ngài tha thiết xin Roma lập thêm các toà giám mục mới. Roma nhận lời ngài. Năm 1808, Baltimore được nâng lên toà tổng giám mục với các giáo phận phụ thuộc Boston, Bardstown (Kentucky), New York và Philadelphia, và Louisiana (một giáo phận đã có trước). Ba trong số những giáo phận mới, giám mục là những người đức John Carroll đã xin đích danh: Hai người Pháp là Jean Cheverus và Benoit Flaget; một Ái nhĩ Lan là Michel Egan, cha dòng Phanxicô. Nhưng giám mục của giáo phận New York, Bộ Truyền giáo đã chỉ định một cha Ðaminh, người Hoà Lan, vốn ở Roma, mà không hỏi ý kiến Baltimore. Nhưng cha Ðaminh đã chết trước khi nhậm chức. Ðức cha John Carroll vừa kính cẩn vâng lời, vừa cương quyết nói lên rằng cách khéo hơn cả là trong tương lai các giám mục Mỹ được quyền đề nghị các ứng viên. Nhưng Roma trả lời bằng cách lại bổ nhiệm cho giáo phận Newyork một giám mục dòng Ðaminh, người Ái Nhĩ Lan là nước đang có chiến tranh chống lại Hoa Kỳ. Roma còn làm lại như vậy khi bổ nhiệm giám mục, năm 1819, cho giáo phận Delphia, và 1830 cho các địa phận mới Charleston và Richmond. Ðức cha Ambroise Maréchal, giám mục thứ ba của Baltimore đã cực lực phản đối. Cũng như ngài, các giám mục khác đều nôn nao thấy rõ bộ Truyền Giáo muốn tìm cách kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của các giáo phận. Trong cơn bực dọc, John England, giám mục Charleston đã viết: “Trên thực tế, hiện nay các giáo phận Hoa Kỳ là thuộc địa của giáo hoàng” (5). Năm 1833, khi các ngài họp công nghị giáo tỉnh, các giám mục đã gợi ý rằng trong việc bổ nhiệm các giám mục, Toà Thánh phải lưu ý đến các quan điểm của các giám mục. Duy trì nguyên tắc Tòa Thánh hoàn toàn tự do bổ nhiệm, nhưng bộ Truyền Giáo đã chấp nhận rằng từ nay danh tánh các ứng viên sẽ do các giám mục đệ lên. Hệ thống này được tiếp tục cho tới 1866.
Không gì khiêm tốn hơn nhịp sống của các giám mục đầu tiên của Giáo Hội Hoa Kỳ : Mổi vị chỉ có quyền trên một nhóm nhỏ linh mục. Vị tổng giám mục thứ hai của Baltimore, Leonard Neale, đã sống nhiều năm tại trường trung học Georgetown trong một căn phòng nhỏ vừa là bàn giấy vừa là phòng ngủ. Ðức cha John England, giám mục giáo phận Charleston, phải dạy nhiều môn trong chủng viện, kể cả môn toán. Tại Boston, đức cha Cheverus làm việc như một cha sở.
Ðối với đức cha John Carroll và các giám mục khác, nhiệm vụ khẩn cấp là phải lo cho có linh mục coi sóc các nhóm nhỏ công giáo rải rắc trên diện tích bao la của giáo phận. Có bao nhiêu người công giáo? Theo bản tường trình đầu tiên đức cha John Carroll gửi về Toà Thánh, năm 1785, thì có chừng 16.000 ở Maryland, 7.000 ở Pennsylvania, 1.500 ở Newyord, 200 ở Virginia, và một số nhỏ rải rác các miền bên kia Appalaches. Chỉ có 24 linh mục đảm nhiệm đời sống bí tích của các tín hữu này. Bởi vậy, cho dù người công giáo đã gia tăng dần dần nhờ các cuộc di dân, người ta cũng phải phủ nhận ý kiến của một sử gia cho rằng năm 1820 đã có 225.000 người công giáo bỏ Giáo Hội vì không chịu nổi sức chèn ép của tin lành (6). Trong khi đức Giám Mục Baltimore sang Anh cầu viện mà không thành, thì năm 1790 ngài lại được sự giúp đỡ bất ngờ khác : Bề trên cả hội Xuân Bích, cha Emery, muốn có một nơi bảo đảm việc trú ẩn cho Hội trước làn sóng cách mạng, đã tình nguyện bỏ tiền xây một chủng viện tại Baltimore. Chính nhờ thế, năm 1791, bốn cha Xuân Bích Pháp đã tới Baltimore với 5 chủng sinh. Nhưng chương trình của Xuân Bích lúc đầu gặp khó khăn : Vì không nhận các “thanh niên dự tu”, nên chủng viện Baltimore thời gian đầu chùng lại bởi “học viện dành cho giới trẻ công giáo”. Và sự việc này nhùng nhằng mãi với trường trung học Georgetown do đức Carroll xây 1791 và các cha dòng Tên điều khiển. Sau 10 năm chờ đợi vô ích, cha Emery mất can đảm: Tại sao cứ phải khăng khăng nâng đỡ tại Mỹ một chủng viện không có chủng sinh, trong khi phong trào phục hưng Giáo Hội tại Pháp đang đòi hỏi nhân lực? Cho dù đức Carroll hết sức năn nỉ, bề trên Xuân Bích nhất định gọi các các linh mục về và đóng cửa chủng viện. Tuy nhiên để yên lương tâm, ngài đã đặt vấn đề với đức Pio VII, nhân dịp vị này ghé thăm Paris. Ðức giáo hoàng trả lời: “Hỡi con, đừng nản chí, cứ duy trì chủng viện, vì sẽ đến thời kỳ nó trổ sinh hoa trái”. Quả thật, chẳng bao lâu, chủng viện Xuân Bích Baltimore đã giữ một vai trò ươm trồng hàng giáo sĩ hoa kỳ. Từ 1800 đến 1810, chủng viện thu nhận 50 chủng sinh mà 23 đã tiến tới chức linh mục.
Vẫn chưa đủ, còn cần con số gấp 10 lần hơn... Vì thế đức cha Carroll, những người kế vị ngài và các giám mục khác đã buộc lòng phải tận dụng hết cỡ: Trong thời gian đầu, hàng giáo sĩ hoa kỳ gồm phần lớn là những người có máu mạo hiểm, không quân bình, những thày dòng phiêu bạt, những phần tử mà các giám mục và các bề trên ở Âu châu lấy làm sung sướng “gẩy” đi với một lá thư chứng nhận khen lao giả dối. Những yêu sách và những cạnh tranh quốc gia ngay giữa các giáo sĩ cũng là một mối khó khăn lớn trong suốt mấy chục năm. Trong số các linh mục đến từ Âu Châu, các linh mục Ái Nhĩ Lan là đông nhất. Các ngài nói dễ dàng tiếng bản xứ, và thường có tài lợi khẩu tự nhiên của dân Celtes. Vì thế, tại một xứ tin lành như ở Mỹ, nơi mà bài giảng là phần chính yếu của giờ phụng tự, các ngài rất được ái mộ. Dĩ nhiên, các ngài còn được nâng đỡ và qúy mến bởi lòng thiện cảm tự nhiên của dân gốc Ái Nhĩ Lan, mỗi ngày một di tản qua thêm đến độ thành đa số trong cộng đoàn công giáo Hoa Kỳ. Vì thế các linh mục Ái Nhĩ Lan bất mãn, và than phiền chua cay là bị coi thường, không được “bề trên” trọng dụng như các linh mục Pháp. Số các linh mục Pháp ít ỏi hơn nhiều. Sự kiện đó cắt nghĩa tại sao các linh mục Ái Nhĩ Lan đã coi như một “âm mưu lũng đọan của linh mục Pháp” khi thấy sau ngày từ trần của dức cha Carroll, 5 trên 6 toà giám mục đã ở dưới quyền quản nhiệm của linh mục Pháp (7). Lý do dúng về việc bổ nhiệm như trên mà các linh mục Ái Nhĩ Lan không thể nhìn ra, chính là các linh mục Pháp có trình độ trí thức và sống luân lý trổi vượt hơn. Những lý do di tản của các linh mục Pháp chứng tỏ họ là những thành phần ưu tuyển. Còn các linh mục Ái Nhĩ Lan đôi khi chỉ là những “thành phần cặn bã” (déchets), “những người Celtes hay gây gỗ và nhiều tham vọng” (8), như một sử gia cùng mầu da với họ đã nhận định. Ở trên chúng ta đã nói đến những khó khăn đã xẩy ra liên tiếp giữa các tổng giám mục Baltimore và Toà Thánh trong việc bổ nhiệm các giám mục. Trong nhiều trường hợp, sở dĩ Roma đã nghe theo lời khiếu nại của người Ái Nhĩ Lan tại Hoa Kỳ là vì những phản ảnh và ủng hộ của các giám mục và giáo dân Ái Nhĩ Lan sống tại Roma.
Ngoài những yêu sách quốc gia như trên còn nhan nhản nhiều tai ương khác. Sự kiện này được coi là một trong những điểm đặc thù của lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ : Chế độ hợp tác quản trị (Trusteeisme). Luật pháp của Hoa Kỳ thoát thai từ công luật (common law) của Anh quốc, chỉ thừa nhận quyền tư hữu của các thực nhân (personnes physiques) thôi, vì thế phải làm sao bảo đảm quyền chấp hữu và quyền chuyển nhượng các tài sản của Giáo Hội, vì theo giáo luật, những tài sản này có thể và phải thuộc về các pháp nhân (personnes morales) như các giáo xứ, các giáo phận, và các cộng đoàn tu sĩ ? Chính đây lại là một vấn đề sinh tử quan trọng cho tương lai của Giáo Hội Hoa Kỳ. Bởi vì không được sự bảo vệ của chính phủ, bị loại trừ bởi “quy chế tách biệt giữa chính phủ với Giáo Hội”, nên chỉ còn quyền tư hữu là thành trì bao đảm tự do và an ninh cho mọi hoạt động tôn giáo. Những giải pháp khác nhau đã thí nghiệm, đều cho thấy nhiều bất lợi thực tế. Những đảm hiệu tài sản mang tên cha sở, đã xẩy ra rằng khi một linh mục bất bình với giám mục, ngài có thể chiếm cứ hợp pháp cả nhà thờ lẫn nhà xứ. Những đảm hiệu tài sản đặt hết vào tay giám mục, chẳng may có kẽ hở gì trong tờ di chúc, những người thừa kế của giám mục có thể chiếm hết tài sản của giáo phận. Sự vỡ nợ của một hội tổ chức tư có thể vì tình liên đới tài chánh, gây đổ vỡ cho mọi hoạt động khác của giáo phận. Từ đó, người ta đã mau mắn nghĩ rằng chắc chắn nhất là lập nên cho mỗi nhà thờ một “hợp tác xã” (corporation) mà những người có trách nhiệm trước pháp luật mang danh là“Ban quản trị” (trustees). Họ là những giáo dân được tuyển chọn, như các xử lý viên (Marguilliers) trong hệ thống kinh tài được thực hành tại Âu Châu và về sau được áp dụng trong giáo phận Louisiana và Florida. Nhưng lại xẩy ra là ban quản trị, một khi đã nhiệt tâm thi hành phận vụ, lại tự cho mình có quyền dùng tiền bạc để xen vào những công việc thuộc thẩm quyền giám mục và nhất là trong việc bổ nhiệm các cha sở. Chung quanh họ, họ thấy anh em tin lành hành động như vậy, và nếu đã có lúc các linh mục có quyền trong việc chọn giám mục đầu tiên, thì tại sao họ không có quyền tương tự trong việc tuyển chọn cha sở? Và khi yêu sách này gắn liền vào những yêu sách quốc gia nói ở trên, thì đó là một mảnh đất dọn sẵn cho những toan tính ly giáo. Nhiều vụ cạnh tranh ôi ác đã bùng nổ. Người ta thấy ở New York, một cha sở làm loạn, được các ban quản trị ủng hộ, buộc đức cha Carroll phải ra khỏi nhà thờ sau khi đã công khai tuyên bố treo chén cha sở. Người ta thấy những ban quản trị hăm he buộc các giám mục phải đi xin tiền theo ý của họ. Tại nhiều nơi, cha sở đã được giám mục bổ nhiệm hợp pháp lại bị trục xuất khỏi nhà thờ để nhường chỗ cho một linh mục ngoại quốc không biết từ đâu đến nhưng được ban quản trị o bế. Năm 1817, ban quản trị giáo xứ Norfork (Virginia) cũng nghĩ kế nâng đỡ một nhà thờ độc lập với thẩm quyền của Tổng giám mục Baltimore, bằng cách gửi một linh mục Ái Nhĩ Lan đi lãnh chức giám mục với một giám mục thuộc phái Janséniste của ly giáo Utrecht. Ðức Pio VII rất khó chịu. Trong một chiếu thư gửi tổng giám mục Baltimore, Toà Thánh lên án các yêu sách của ban quản trị. Năm 1826, đức cha Henry Conwell, giám mục Philadelphia, đã nhu nhược, nhượng cho ban quản trị quyền quy định mức lương cho giáo sĩ và quyền can dự vào việc bổ nhiệm các cha sở, đức giáo hoàng Leo XII cực lực phản đối. Ðức cha Conwell bị triệu qua Roma và buộc phải nhường quyền lại giám mục phó lên thay.
Nhờ có trí tưởng tượng thực tế, đức cha England là người đầu tiiên đã tìm ra giải pháp. Vào năm 1822-1824, Ngài yêu cầu giáo sĩ và giáo dân giáo phận Charleston chấp thuận một nội quy mới. Theo đó, quyền tư hữu các tài sản của giáo xứ có thể được tổ chức thàh một hợp tác xã được chính phủ nhìn nhận và có một ban quản trị mà thành viên gồm giám mục, cha chính địa phận, năm linh mục và 12 giáo dân được bầu ra; nếu ai trong những người này bỏ đức tin hay không giữ luật giáo hội đương nhiên là mất tư cách là ủy viên quản. Nhưng trong những giáo phận khác, nhất là ở New York, những vụ đụng độ giữa ban quản trị và giám mục cứ tiếp tục xẩy ra, gây nên những khó khăn trầm trọng. Mãi tới năm 1832 mới tìm ra được một giải pháp thỏa đáng. Ðó là khi cơ quan lập pháp của New York thông qua “luật về hợp tác xã tôn giáo” (Religious corporations law). Theo luật đó, các nhà thờ công giáo chấp nhận quy chế “hợp tác xã”, ban quản trị chiếu luật là giám mục giáo phận, cha chính địa phận, cha sở và hai giáo dân trong họ đạo. Ðể có giá trị, mọi văn kiện liên quan đến tài sản, phải được giám mục hay cha chính địa phận xác nhận. Luật này đã cho giám mục nắm hết quyền hành về tài sản của giáo hội. Dần dà các Tiểu Bang khác cũng rạp theo luật pháp trên.
Thêm vào những vấn đề có tính cách nội bộ (những khó khăn tuyển chọn linh mục, những cạnh tranh mầu sắc quốc gia, những đụng độ của chế độ quản trị tài sản), kể từ năm 1820, lại nổi lên một phong trào chống công giáo. Thực ra, ngay từ 1787, trong 13 tiểu bang tiên khởi của Hoa Kỳ thì bảy tiểu bang đã có những khỏan luật kỳ thị đối với công giáo. Cho tới 1822 tiểu bang Massachusetts và New York mới bỏ luật “buộc công chức phải thề chống công giáo”. Nhưng nguyên tắc khoan thứ được ghi trong hiến pháp và các nhà Sáng Lập Hợp Chủng Quốc đã bày tỏ mối thiện cảm chân thành đối với người công giáo. Tháng 3, 1790, tổng thống Washington đã ca ngợi lòng trung tín của người công giáo như sau: “Tôi thâm tín rằng những người (tin lành) đồng hương của các bạn sẽ không bao giờ quên những phận vụ mà các bạn đã đảm nhận, với tinh thần yêu nước, trong sự thành công của cuộc cách mạng toàn dân; họ cũng không quên sự giúp đỡ quan trọng của một nước mà đa số dân chúng theo công giáo Roma” (9). Trong những thập niên tiếp theo, uy tín của đức Carroll, nỗi nguy khốn của chiến tranh thứ hai chống Anh quốc từ 1812-1815, và tiếp đến nhu cầu cấp bách về nhân công trong kỷ nguyên an bình (Era of good feeling) đã giúp cho những tâm tình nhậy của người tin lành có một âm hưởng nhẹ nhàng. Sau năm 1820, làn sóng di dân của người Ái Nhĩ Lan đổ vào Hoa Kỳ, tăng cường cho người công giáo và làm thức tỉnh những tâm tình mẫn cảm của tin lành. Nhiều giáo phái tin lành xuất hiện, họ sốt sáng tìm học Thánh Kinh. Từ 1827, có tới 30 nguyệt san tin lành, đặc biệt ảnh hưởng phái Baptiste, tố cáo Giáo Hội Roma là vô luân, phạm thượng, hung dữ, phản kytô giáo. Năm 1830 tại New York, tờ báo The Protestant ra đời với mục tiêu duy nhất được viết lên trong bản tuyên ngôn, là ”bám sát lấy giáo lý của Phác âm để chống lại mọi thối nát của Roma..., bảo toàn sự tinh tuyền và toàn mãn của Thánh Kinh chống lại mọi truyền thống của các dòng tu” (10). Cũng cùng một mục đích ấy, Protestant Association ra đời, hung hăng mở rộng chiến dịch chống công giáo bằng những buổi diễn thuyết, hội họp, tranh luận công khai, thư ngỏ đăng lên báo. Hội này không ngần ngại dùng đến những khí giới bỉ ổi nhất: Những tờ quảng cáo tục tĩu vẽ các linh mục giải tội phóng đãng, cục cằn; những nữ hối nhân diêm dúa và quyến dũ; những lối đi ngang về tắt giữa nhà xứ và nữ tu viện; những xác chết của trẻ thơ sinh tìm thấy trong vườn của các dòng tu... Chiến dịch bôi nhọ và thóa mạ này, năm 1834, đã ghi thành tích: Một nhóm người vũ trang đã xâm chiếm một tu viện các nữ tu Ursulines, gần Boston; Giữa nửa đêm, chúng đuổi các nữ tu và học sinh ra vườn rồi châm lửa đốt hết nhà cửa. Vào những năm sau, những vụ phá hoại chống các nhà thờ trong các thành phố xẩy ra thường xuyên, khiến các tín hữu phải lập chòi canh giữ ngày đêm. Năm 1836, dư luận người tin lành sôi nổi về trường hợp của một cô Maria Monk nào đó, mà những cuộc mạo hiểm của cô được xuất bản dưới tiêu đề thật ăn khách: “Awful Disclosures of Hotel Dieu of Montreal” (Những vụ vạch mặt khủng khiếp của Tòa đô chính Montreal). Ðó là một chuỗi những chuyện xấu thật khó tin.
Dầu sao, những phương cách đó quá thấp kém, không thể lôi kéo giới tin lành có văn hóa và có lòng ngay. Lúc đó, họ lại đi tìm một lối lý luận khác ảnh hưởng hơn: Làn sóng di dân vẫn làm gia tăng số người công giáo, nào người Ðức, nào người Ái Nhĩ Lan. Những kiều bào này lại được giúp đỡ bởi các cơ quan như Hội Truyền Giáo, hội Léopoldine. Ông Samuel Morse, người sau này khám phá ra máy điện tín, năm 1834, đã xuất bản một loạt thư tố cáo cuộc nổi loạn kinh khủng mà ông đã khám phá ra: Giáo hoàng và các vua chúa trong Thánh-Ước (Sainte-Alliance) thề quyết tiêu diệt cái ổ tự do tại Hoa Kỳ, đã liên kết dùng mọi phương tiện họ có để nhận chìm dân tộc tin lành mỹ dưới những làn sóng di dân công giáo và biến xứ mỹ thành một thuộc địa sống theo luật pháp của họ. Ðề tài này còn được lập lại bằng rất nhiều bích chương. Rồi tháng 7.1837, tại Washington đã thành lập “Hội những người sinh ra tại Mỹ” (Native American Association), nhằm mục đích tranh đấu giảm bớt tối đa làn sóng di dân. Lẽ rất tự nhiên, hội ”những người sinh ra tại mỹ” (nativistes) này mang mầu sắc chính trị và đã thai sinh ra đảng Cộng Hoà Mỹ (American Republic party) năm 1843. Ðảng này thắng thế cả trên chương trình chính trị địa phương, và chương trình chính trị quốc gia. Thành công trong những cuộc bầu cử, đảng trở nên một thành phần quan trọng ngay trong sinh hoạt nội bộ của xứ sở. Một trong các mục chương trình của Ðảng là bảo đảm cho người Mỹ: “họ có thể thờ phượng Thiên Chúa của cha ông... mà không ép buộc phải có linh mục của Roma hay phải chịu những đe dọa của Pháp Ðình Tôn Giáo quỷ ma” (11).
Việc xử dụng Thánh Kinh là một mảnh đất khác giúp cho việc tuyên truyền chống công giáo có thêm hậu thuẫn nơi những người thiện hảo hơn trong giáo hội tin lành. Vì cấm tín hữu đọc các bản dịch Kinh Thánh của tin lành, hàng giáo sĩ bị tố cáo về tội cố chấp thù nghịch Thánh Kinh. Một vụ đụng độ gây cấn đã bùng nổ năm 1840, khi những người công giáo tiểu bang New York, được vị giám mục hiếu chiến John Hugues thúc đẩy, đã lên tiếng phản đối việc các nhà trường trong thành phố ép buộc các trẻ em công giáo xử dụng Kinh Thánh Anh giáo của vua James, và cả những sách giáo khoa thóa mạ các tín hữu. Tựa vào khối tín hữu gốc Ái Nhĩ Lan, đức giám mục đã đem nội vụ vào địa đồ chính trị. Nhưng không kể một vài thành công kỳ bầu cử và lòng hào hiệp của thống đốc Seward, ngài không đạt được ước nguyện là muốn đem trường học ra khỏi quyền kiểm sóat của quan chức tin lành.
Tại Philadelphia, một vụ đụng độ tương tự như trên đã đưa tới bạo lực và đổ máu. Tháng 5.1844, nhóm “Người sinh ra tại Mỹ” tổ chức biểu tình ngay trong khu phố của người Ái Nhĩ Lan. Những người này vốn sẵn sàng chiến đấu, đã nhảy sổ vào nhóm dẫn đầu cuộc biểu tình, thế là một cuộc ẩu đả bùng nổ và có người chết ! Ðể báo thù trận chiến “Saint-Barthelemy” mới này, trong những ngày tiếp theo, người tin lành đã đã đốt cháy hai nhà thờ, một chủng viện và nhiều nhà ở của người Ái Nhĩ Lan. Ðức giám mục phải trốn khỏi thành phố. Nghĩa quân của Tiểu Bang được huy động tái lập trật tự. Những vụ lộn xộn chống người công giáo lan tràn tới tiểu bang New York. Nhưng tại đây người tin lành phải đương đầu với một địch thủ mạnh thế: Giám mục huy động dân Ái Nhĩ Lan, tổ chức thành các nhóm quân vũ trang bảo vệ các nhà thờ. Ngài tuyên bố: “Nếu chỉ đụng đến một trong những nhà thờ thôi, lập tức New York sẽ trở thành tân Moscou”. Thái độ cứng rắn này đã chặn đứng những hành động phá hoại, nhưng lại khơi thêm mối thù óan. Bắt đầu từ đó, các giám mục dồn hết hết nguồn lực sẵn có để xây dựng một nền giáo dục thuần túy công giáo. Công việc này được biện minh bởi những hoàn cảnh kỳ thị mà các trẻ em công giáo đang gánh chịu trong các trường công, nhưng nó lại đào sâu thêm sự phân cách giữa cộng đồng công giáo với cộng đồng tin lành.
Như vậy, vết đen lịch sử của những năm 1840-1845 là những vụ gây rối chưa từng có của nhóm “nativistes” chống công giáo. Ít lâu sau, chiến tranh chống Mễ Tây Cơ và vấn đề nô lệ lại gây nên trong dư luận những mối bận tâm khác, những mối chia rẽ khác. Vì thế, vấn đề di dân xuống thành thứ yếu và sau đó mới đến vấn đề tôn giáo.
Trải qua nửa thế kỷ đầy khó khăn và tranh đấu, Giáo Hội non trẻ Hoa Kỳ đã phát triển một cách kỳ diệu. Kể từ khi đức Carroll tạ thế, năm 1815, người công giáo mới chưa đầy 150.000, và ở vùng đông sông Mississipi chỉ vỏn vẹn 92 linh mục. Ba mươi năm sau, tức vào năm 1852, Công đồng thứ nhất Baltimore, người ta đã vui mừng chứng kiến một biến thái hầu như phép lạ: Hơn 1.700.000 giáo dân, 1.421 linh mục, 31 tổng giáo phận và giáo phận (12), 4 đại diện tông toà, 1.411 nhà thờ, 681 địa điểm truyền giáo, 30 trường trung học hay đại học cho thanh niên, 74 cho thanh nữ, chừng 50 cộng đoàn nam tu sĩ (Xuân Bích, dòng Tên, Lazaristes, dòng Chúa Cứu Thế, Phanxicô, Ðaminh, Biển Ðức, Trapistes, Sư huynh...), 160 cộng đoàn nữ tu sĩ thuộc về 20 hội dòng mà một là được khai sinh ngay trên đất Mỹ, đó là dòng Các Nữ Tu Bác Ái Thánh Giuse, lập 1809, bởi một bà góa trở lại, nhũ danh là Elisabeth Seton.
Ðừng quên rằng thời đó Hoa Kỳ là một quốc gia mà đa số dân chúng theo tin lành. Phải nhớ điều đó để dễ hiểu trong môi trường nào Giáo Hội công giáo hình thành và phát triển. Rủi là rất khó định tính đại cương về tin lành hoa kỳ trong thời kỳ đó. Có lẽ một trong những nét nổi bật nhất là sự sinh sôi quá nhiều các “giáo phái” và “các danh xưng”. Ðó là hậu quả của chế độ hoàn toàn tự do về phạm vi tôn giáo, một thứ tự do được hưởng thụ và phát triển trong những hoàn cảnh xã hội lỏng lẻo chưa từng có. Những người tin lành thuộc nhóm Lutherô, Mêthodistes, Baptistes và nhiều nhóm khác... chia rẽ nhau và chia biệt thành rất nhiều chi nhánh cạnh tranh nhau. Các giáo hội tin lành kỳ cựu như Episcoapaliens, Presbytériens, Congrégationalistes trở nên yếu thế vì các nhóm ly khai như nhóm Unitariens, do ông Ralph Waldo Emerson dẫn đầu. Sau cùng còn có các giáo phái từ ngoại quốc tới như Adventistes, Mormons, Amish v.v. là những giáo phái chỉ liên hệ với kytô giáo bằng danh xưng thôi. Kết luận, đó là một bức vẽ muôn mầu phức tạp mà không tài nào diễn tả hết được.
Chỉ còn một yếu tố để duy trì trật tự chung, đó là ảnh hưởng lớn hơn của tôn giáo trên toàn diện xã hội. Sau Cách Mạng, Duy thần thuyết của người Anh và Duy lý thuyết của người Pháp thu hút được phần đông các nhà lãnh đạo tài ba. Nhiều người đã nói như ông Thomas Paine rằng: “Tinh thần của tôi là giáo hội của tôi” (My own mind is my own church). Ðến thế hệ sau, tự do tư tưởng như bị nhận chìm dưới cơn thủy triều vũ bão của thuyết “phục hưng bình dân” (revivalisme populaire). Chạy theo làn sóng của những nhà khai thác muốn thuộc địa hết vùng đất mênh mông về phía Tây, các nhà truyền giáo kiên trì và giai sức đã đem đến cho những người mất gốc một sứ điệp thiêng liêng đậm mầu luân lý nghiêm khắc và tình cảm cao thượng. Những tối lửa trại được hoạt náo bởi những lời tiên tri oai hùng của giảng viên, những bài thánh ca và những trình diễn nghệ thuật, nay chỉ còn là một trong các phong tục bình dân của “Giới Tuyến” (La Frontière). Những tổ chức mềm dẻo, như những tổ chức của giáo phái Baptistes hay Methodistes, thích nghi vào đường lối làm tông đồ như vậy dễ dàng hơn những tổ chức của các Giáo Hội đã được thiết lập lâu đời. Cũng vì thế họ tăng trưởng mau lẹ hơn. Kytô giáo hiện diện trong các Tiểu Bang đôi khi bị chê cười vì sắc thái cơ bản của nó. Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận rằng, trong một xã hội bị đe dọa nặng nề bởi thuyết duy vật và bởi việc kiếm sống tàn nhẫn, Kytô Giáo đã đem lại một thứ men lành mạnh cho nền luân lý và văn minh Hoa Kỳ.
2. GIA NÃ ÐẠI
Hoàn cảnh của người Gia Nã Ðại công giáo và gốc Pháp đã bị mẫu quốc bỏ rơi từ hoà ước Paris, 1763, có vẻ thất vọng từ buổi đầu. Với con số 65.000 đối lại 2.000.000 người tin lành gốc Anh, cư ngụ trên khắp các vùng thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ, làm sao có thể bảo vệ lâu dài tôn giáo và văn hoá của họ, chống lại sự chèn ép của một chính phủ, bất chấp những bảo đảm được ghi trong hòa ước Québec, 1774, và quyết tâm tiêu diệt phần tử dị chủng này? Họ có bị hạ xuống hàng nô lệ như những người Ái Nhĩ Lan không? Hoàn hoàn cảnh khác nhau xa: Nứơc Anh của George III không còn là nước Anh của Cromwell; Cánh tay chinh phục không còn mạnh sức tại Mỹ châu như tại Ái Nhĩ Lan; Nhất là ông còn phải đương đầu với những vụ nổi lọan của dân tin lành tại Mỹ Châu nữa. Từ biến cố phân tranh của Hoa Kỳ, cộng đồng Pháp-Gia Nã Ðại không phải là một thiểu số có thể coi thường được. Cái vị trí sát gần một Cộng Hoà mới đã khuất phục các nhà lãnh đạo Anh quốc lẫn các giáo chức phải hòa giải: Người Anh sợ chủ nghĩa phân ly (séparatisme), giáo quyền hoài nghi tinh thần tin lành và dân chủ đang lan tràn ở Hoa Kỳ.
Ngay buổi đầu cuộc nổi loạn tại các thuộc địa ở Hoa Kỳ, chính phủ Luânđôn đã vội vã mua chuộc dân gia nã đại nói tiếng Pháp bằng nhiều nhượng bộ lớn. Hoà ước Québec, 1774, bảo đảm cho họ quyền tự do tôn giáo, quyền duy trì mọi định chế theo truyền thống, về giáo hội cũng như về dân sự. Nhưng việc khai sinh nước Hoa Kỳ lại gây nên cho người Gia Nã Ðại gốc Pháp một đe dọa mới: Từ 1776 đến 1784, có từ 30 - 40.000 “trung quân mỹ” (loyalistes americains) đến tăng cường mạnh mẽ cho dân Gia Nã Ðại gốc Anh. Bản doanh chính của họ là vùng Ontario. Họ đến với định chế riêng của người Anh và lòng thù ghét công giáo Roma. Ðể xoa dịu mối căng thẳng vừa chớm nở, chính phủ Georges III, năm 1791, đã tách rời hai tỉnh Thựơng và Hạ Gia Nã Ðại, mỗi tỉnh có những định chế riêng và một phòng đại diện. Ðể có chân trong phòng đại diện, người công giáo chỉ buộc thề đơn sơ trung thành với vua, thay vì phải điền vào tờ khai “chống Công Giáo” như thường buộc tại Anh quốc. Nhưng rồi, người công giáo lại lo sợ về vấn đề tuyển mộ các linh mục. Kể từ khi chiếm được Gia Nã Ðại, chính phủ Anh cấm các linh mục Pháp nhập cảnh, xung công hoặc tịch thu hết tài sản của các cộng đoạn, Récollets, Xuân Bích, dòng Tên, đóng cửa các tập viện. Năm 1791, các chủng viện Québec và Montreal được phép mở lại và có 30 linh mục Pháp bị cách mạng đuổi, đã được nhận vào giáo phận Québec.
Tuy nhiên người tin lành không buông khí giới. Vừa khi tình hình chính trị được ổn định, một cuộc tấn công mới bắt đầu, do giám mục Anh giáo Mountain khởi xướng. Theo cái lý luận của ông, thì chỉ mình ông mới là giám mục chính thức của Québec, còn giám mục công giáo chỉ đáng một tước hiệu thấp kém là “viên giám thị hay quản lý của Giáo Hội Roma” thôi (superintendant of the Romish Church). Ảnh hưởng của Mountain trên quan thống đốc, Sir Jamas Craig, hợp với ảnh hưởng của viên thơ ký có thế lực và nhiều ác ý, Witzius Ryland, đã đủ mạnh để buộc đức cha Denault phải chấp nhận cho chính phủ kiểm soát việc bổ nhiệm các giáo sĩ và mọi hoa lợi của Giáo Hội. Con đường mờ tối này còn dẫn tới đâu? Lại một lần nữa người công giáo Gia Nã Ðại được giải cứu cách gián tiếp bởi Hoa Kỳ. Số là năm 1812, chiến tranh lần thứ hai giữa Anh quốc và các cựu thuộc địa của Anh bùng nổ, và Hoa Kỳ chuẩn bị tấn công Gia Nã Ðại. Lập tức quan thống đốc mới là Sir George Prevost, chỉnh đốn các “trung quân” của giáo sĩ công giáo bằng một loạt nhượng bộ: đức cha Plessis, kế vị đức cha Denault, 1806, chính thức được gọi là “Giám mục công giáo của Québec”, có lương hàng năm là 1.000 bảng anh, là thành viên chiếu luật trong hội đồng hành pháp của tỉnh,chính phủ không kiểm sóat việc bổ nhiệm các cha sở, và lương bổng của các ngài nữa.
Những đặc ân dân sự và tôn giáo mà người Gia Nã Ðại gốc Pháp được hửơng, luôn là cái gai chọc vào mắt những người Gia Nã Ðại gốc Anh. Những người này lại đông đảo hơn nhiều. Năm 1822, vì muốn bãi bỏ hết các đặc ân ấy, họ đã khui ra trong một buổi hội của hai tỉnh. Trong đại hội miền Bas-Canada, chính trị và tôn giáo lẫn lộn tùng phèo. Người tin lành Anh giáo do giám mục Moutain dẫn đầu, chỉ là thiểu số trong đại hội, nhưng lại muốn thành đạo quân vô địch bênh vực đại quyền của nhà vua Anh quốc. Trong khi đó người công giáo lại nại đến quyền tự do theo hiến pháp nước Anh để bênh vực những đặc ân của họ. Cuộc tranh đấu này đi vào khúc quẹo nguy hiểm: Năm 1819, ông Dalhousie, được bổ nhiệm làm thống đốc, đã chủ trương lấy lại đường lối chính trị của ông James Craig trước đây. Không kể chi đến những dè dặt khôn ngoan của hàng giáo sĩ, một giáo dân, ông Louis Papineau, đã dẫn đầu nhóm quốc gia và đã dần dần tổ chức cuộc cách mạng võ trang vào năm 1837-1838. Biến cố đưa tới một kết quả: bằng hòa ước 1841, chính phủ Luân Ðôn chấp nhận quyền tự trị thực thụ của Gia Nã Ðại. Nhưng đồng thời họ lại định tâm thắt cổ “dân tộc pháp-gia-nã-đại” mổt lần nữa, bằng cách đặt Québec ở dưới quyền của chính phủ trung ương, do những người Anh nắm giữ. Lấy lại dự án đã bị xáo động từ đầu thế kỷ, người ta chủ trương một hệ thống giáo dục duy nhất do Giáo Hội Tin Lành Anh kiểm soát. Ðiểm này không chỉ liên lụy đến một mình người công giáo, mà đến cả những người tin lành ly khai, presbytériens, baptistes, méthodistes. Họ không muốn chấp nhận “lối nắm đầu” của người tin lành anh. Sau cùng, để bảo đảm sự hòa bình trong nước, người ta phải chấp nhận một chế độ học đường đa nguyên. Nhờ đó, Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn tự do phát triển các trường học riêng theo đạo giáo của họ. Hơn thế, Hoà Ước Hiệp Nhất 1841 đem lại cho người công giáo nhiều thuận lợi, bởi vì nó lấy lại những bảo đảm về tôn giáo đã chấp thuận cho miền Bas-Canada năm 1791, và áp dụng cho cả Gia Nã Ðại. Sau cùng ông Elgin, người được ủy nhiệm thực thi chế độ mới này, đã tỏ ra rất tử tế với giáo sĩ công giáo.
Những thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, cộng đoàn công giáo Gia Nã Ðại tăng lên rất mau. Một phần nhờ mức sinh sản cao của người Gia Nã Ðại gốc Pháp (14), một phần nhờ làn sóng di dân của người Ái Nhĩ Lan do chính phủ Luân Ðôn khuyến khích. Nhưng cũng như ở Hoa Kỳ, sự kiện thứ hai này đã gây nên ít nhiều căng thẳng ngay trong nội bộ công giáo. Chẳng hạn, năm 1816, đức cha Plessis đã xin Toà Thánh thiết lập các giáo phận mới, thì giáo sĩ Ái Nhĩ Lan tại các tỉnh duyên hải khiếu nại thẳng sang Toà Thánh và năm 1818 họ đã được phép lập một Ðại diện tông toà Nouvelle-Ecosse trực thuộc Roma, không thụ quyền giám mục Québec. Còn trên toàn lãnh thổ Gia Nã Ðại, việc thiết lập các giáo phận mới luôn bị ngăn trở bởi sự thiếu thiện chí của chính phủ Anh. Ðức cha Plessis phải chịu thua, không mang chức tổng giám mục mà Toà Thánh ban cho Ngài và phải chấp nhận tạm chia quyền cai quản giáo phận mênh mông của ngài cho 4 linh mục đại diện làm việc như giám mục ở các miền Haut-Canada, Nouveau-Brunswick, Montreal và Manitoba. Trên thực tế, việc phân chia giáo phận được thực hiện, nhưng phải chờ đợi lâu dài và vất vả vận động mới được nhìn nhận theo luật pháp. Lần lượt các giáo phận đã được chính thức thành lập: Kingston (1826), Charlottetown (1829), Montreal (1836), Toronto (1841), Halifax (1842). Sau cùng, năm 1844, đức cha Signay đã có thể mang tước hiệu tổng giám mục. Trong số các giám mục thuộc tổng giáo phận Québec, ít ra phải kể đức cha Bourget, giám mục thứ hai của Montreal (1840-1876) đã tô đậm đời sống tôn giáo của cả nước bằng những sáng kiến mục vụ của ngài. Nhờ ngài mà các cha dòng Tên đã có thể trở lại Gia Nã Ðại năm 1842, và sau đó, các dòng Tận hiến Ðức Mẹ Vô Nhiễm (Oblats de Marie Immaculée), các linh mục dòng Thánh Viateur (Clercs de Saint-Viateur), Các linh mục Thánh Giá (Pères de Saint-Croix), và đông đảo các hội dòng nữ.
Năm 1850, trong nước Gia Nã Ðại hùng mạnh, người công giáo đã trở nên một lực lượng không thể chu diệt nổi. Hơn 700.000 tín hữu, 6 toà tổng giám mục, gần 600 linh mục, 11 trường trung học, 50 cộng đoàn dòng tu. Sự phục hồi kỳ lạ và hãnh diện của một dân tộc nhỏ bé đã tìm thấy trong đức tin của họ một sự che chở tuyệt vời ngay từ cội nguồn văn hoá của họ.
3. CHÂU MỸ LATINH
Muốn biết đời sống của Giáo Hội bị ràng buộc bởi sự khác biệt về các môi trường nhân văn, hoa trái của lịch sử, đến mức độ nào, người ta chỉ cần nhìn thoáng qua từ Hoa Kỳ đến châu Mỹ Latinh là nhận ra. Tại Hoa Kỳ, một thiểu số công giáo đã có thể phát triển cách hồ hởi dưới chế độ hoàn toàn tự do, và cách chung không có sự trà trộn giữa chính trị và tôn giáo. Tại Mỹ Latinh, các quốc gia toàn tòng công giáo, nhưng lại có sự thâm nhập rối reng về chính trị và tôn giáo, một sự che chở phiền hà của các chính phủ độc tài và khó tính. Trong khi việc giải phóng các thuộc địa cuả Anh quốc đã không gây cho Giáo Hội một sự khó khăn lớn lao nào ngoài vấn đề mục vụ, thì mục đích của chế độ thuộc địa tại Mỹ La Tinh lại gây nhiều rắc rối cho việc ngoại giao của Toà Thánh và nhiều xáo trộn nặng nề cho đời sống của Giáo Hội.
Sự khác biệt về các hoàn cảnh địa phương, trải qua lục địa mênh mông, những chuyển biến mau lẹ của những chiến tranh đòi độc lập và tiếp theo là những tranh đấu nội bộ, tất cả đều cho chúng ta có cảm tưởng như đứng từ xa nhìn vào một tấm kính trăm mầu nhấp nháy loạn xạ. Dầu vậy, đây không phải là chỗ viết lại hết lịch sử của những hoàn cảnh hay chiến tranh ấy. Càng tóm tắt, càng khó hiểu. Do đó, chúng ta sẽ chỉ lược lại những nét chính và chỉ đi vào chi tiết khi nói về lập trường của giáo hoàng.
Thế nhưng hai chính phủ mới phải thích ứng một chính trị tôn giáo tự do hơn: Nước Argentine được giải phóng nhờ sự giúp đỡ hữu hiệu của người Anh; nước Brésil với chế độ quân chủ đã thấm nhiễm sâu xa tinh thần tự do và với hàng giáo sĩ bị ảnh hưởng sâu rộng ý thức hệ của tam điểm. Cả hai quốc gia tạo nên một bầu khí rất đặc biệt (15).
Nhưng hoàn cảnh biệt ân được Giáo Hội nhìn nhận lại có mặt trái của nó : Các chính phủ cộng hoà đòi hỏi quyền kiểm soát nghiêm nhặt không những mọi bổ nhiệm giáo sĩ, mọi thứ bổng lộc mà cả mọi kỷ luật nội bộ của Giáo Hội. Nhiều trường hợp xung đột với Toà Thánh và với các Giám mục đã xẩy ra. Khắp nơi, các dòng tu là những nạn nhân đầu tiên của thuyết áp chế và gây hấn này. Chính quyền vơ vét hết tài sản của các dòng tu và cấm dòng tu tuyển mộ các ứng sinh tu sĩ từ ngoại quốc tới. Tùy theo các làn sóng chính trị của phái cầm quyền khi là phái thủ cựu, khi là phái tự do, mà hàng giáo sĩ phải phục tòng một chế độ dễ thở hay nghẹt thở, nghĩa là khi được hưởng nhiều bổng lộc và ân huệ, lúc lại như bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Ðôi khi giáo sĩ còn bị nhà độc tài đối xử như tôi đòi, đến mức độ thật thương tâm: Chẳng hạn tại Paraguay, dưới triều Francia, các linh mục buộc phải giúp cảnh sát bằng cách lỗi ấn toà giải tội. Tại Argentine, người ta có thể thấy ảnh của nhà độc tài Rosas đặt trên bàn thờ giữa ảnh Chúa Giêsu và Ðức Mẹ...
Tóm lại, cho dù mọi con số thống kê đều thiếu sót, thì điều chắc chắn là đối với người công giáo, việc giải phóng các nước châu Mỹ Tây Ban Nha, là một phá sản về mọi tiềm lực tinh thần và vật chất. Trước tiên là những mất mát về của cải. Của cải ít ra cũng là yếu tố cho phép Giáo Hội độc lập đối với chính quyền. Nhưng cái mất mát thảm hại hơn, chính là hàng giáo sĩ bị giảm sút cả về số lượng lẫn phẩm chất bởi tình trạng hỗn loạn: nhiều toà giám mục bị trống ngôi lâu năm, nhiều linh mục Tây Ban Nha bị trục xuất, nhiều dòng tu bị tục hóa. Còn làm sao đo lường được những thiệt hại gây nên trong tâm hồn bởi những vụ tranh đấu chỉ vì những đam mê sống sượng không đúng Phúc âm: Tham quyền, báo thù, bám vúi vào của cải?
Ðối với Toà Thánh, việc giải phóng các nước Nam Mỹ gây nên một sự khó khăn thật lớn lao. Liên hệ với các tân chính phủ cộng hoà là công nhận tính cách hợp pháp của họ trong khi hầu hết các nước quân chủ Âu Châu đều phủ nhận. Nếu không, thì một cách nào đó Giáo Hội lên án nguyên tắc cách mạng. Còn vấn đề bổ nhiệm các giám mục mới thật gai góc: Trong khi vì hoàn cảnh nó đã thành khẩn trương, thì Toà Thánh còn phải điều đình giữa các yêu sách đối nghịch của vua nước Tây Ban Nha là người nhất định cố thủ đặc ân “patronato” theo truyền thống, và những đòi hỏi của các tân chính phủ vẫn khăng khăng cho rằng họ được hưởng những đặc ân ấy vì họ là những người thừa kế quyền của vua Tây Ban Nha. Nếu đức giáo hoàng chấp nhận phong chức những ứng viên giám mục do người Nam Mỹ châu đề cử, người ta có thể sợ những biện pháp báo thù cực đoan nhất của vua Ferdinand VII ngông cuồng, và có thể đi tới ly giáo. Ðàng khác, các giám mục được thiết lập theo sự đề cử của hoàng gia Tây Ban Nha chắc chắn sẽ không thể đặt chân lên đất giáo phận của các ngài được.
Ý thức rằng những hoà hảo đối với Toà Thánh đã nâng đỡ tinh thần của họ rất nhiều, các chính phủ cách mạng còn bày tỏ ước nguyện muốn có những hòa ứơc ký kết chính thức nhìn nhận họ là người thừa hưởng chế độ patronato. Nhưng cho tới 1815 điều đó vẫn không thể thực hiện được. Lý do vì đức giáo hoàng có nhiều ưu tư não nùng. Thế rồi, vừa khi giáo hoàng lấy lại được quyền tự do, thì vua Tây Ban Nha đem quân chiếm lại đế quốc thuộc địa và vua đã thành công một phần lớn. Vua nài nỉ đức Pio VII yểm trợ về tinh thần. Ðức giáo hoàng không thể từ chối. Ngày 30. 01. 1816, ngài đã viết một lá thư cho các giám mục Mỹ châu, khuyến khích họ trung thành với nhà vua. Ðó là điều tự nhiên, dễ hiểu. Ngoài ra đức giáo hoàng còn đề cao “những đức tính cao nhã và phi thường của người Con rất thân yêu là Ferdinand, vua công giáo nước Tây Ban Nha”. Ðiều này chứng tỏ đức Giáo Hoàng lạc quan quá lố.
Cái vị trí quá đặc biệt này đã bắt đầu tan rã sau 1820. Một phần vì các phong trào đòi độc lập thắng thế ở khắp nơi và người ta có thể tiên đoán là cuối cùng họ sẽ thành công. Ðàng khác, ngay tại Tây Ban Nha, một chính phủ tự do ra đời, tấn công gay gắt các tài sản và các biệt ân của giáo sĩ. Roma không tha thiết ủng hộ việc mở rộng một chế độ như vậy bên châu Mỹ. Tháng 9.1821, tu sĩ Phanxicô, cha Pachero được chính phủ của tân cộng hoà Plata phái qua Roma. Cha đưa ra một dung hoà khéo léo mà sau cùng đức Consalvi đã chấp thuận để có một giải pháp tạm thời. Theo sát văn tự thì những nhượng bộ của đức giáo hoàng đã mặc nhiên chấp nhận chế độ “patronato real” trong vấn đề bổ nhiệm các giám mục; nhưng “quyền chủ ông” này chỉ áp dụng cho việc bổ nhiệm các giám mục chính toà. Như vậy người ta có thể không xúc phạm gì đến quyền lợi của vua Tây Ban Nha, khi bổ nhiệm qua Mỹ Châu các vị đại diện tông toà với tước hiệu “in partibus infidelium”. Vì thế, tháng 4. 1823 Toà Thánh công khai cử đức cha Juan Muzi sang Chili, đáp lại những lời xin tha thiết của nhà độc tài O'Higgins, và bí mật truyền cho ngài chọn lựa và tấn phong tại chỗ nhiều vị đại diện tông toà khác để cai quản các giáo phận còn trống ngôi tại Argentine và Grande Colombie. Ðức Consalvi đã viết: “Nếu chúng ta phải chờ đợi lâu hơn nữa, thì các vị đại diện tông toà đã thấy giáo phận của họ nghìn nghịt những người tin lành méthodistes, presbytériens, và những người thờ lạy mặt trời”. Muzi được tiếp đón cách rất nồng nhiệt tại Buenos-Ayres và Santiago, nhưng chẳng bao lâu vì những vụng về của ngài và những yêu sách của chính phủ Chili đã gây nên nhiều đụng chạm, khiến ngài phải đáp thuyền về lại Âu Châu năm 1824.
Vào lúc đó, chính trị của giáo hoàng đã mang sắc thái mới. Sự can thiệp của nước Pháp đã chấm dứt kinh nghiệm tự do bên Tây Ban Nha và người ta đối diện với một chính phủ bảo thủ chưa từng có. Ðức Leo XII quá thiên vị đối với Ferdinand VII, đã đi ngược lại chính trị của Consalvi. Trong một lá thư đề ngày 24.9.1824, Ngài yêu cầu các giám mục Mỹ Châu, như Pio VII đã làm năm 1816, bảo vệ quyền của vua Tây Ban Nha. Lá thư này công bố thật trái thời! Nhiều sử gia muốn coi đó như một thư giả mạo! Nhưng rủi là không ai có thể phủ nhận xác thực tính của nó. Không những tại Mỹ Châu mà ở Âu Châu, mọi người đều khó chịu về cách bày tỏ lòng nhiệt thành mù quáng này. Chính đức giáo hoàng cũng hối tiếc về sự nhỡ nhàng ấy. Ngài tìm cách làm giảm bớt hậu quả bằng cách kín đáo gửi cho tướng Victoria, tổng thống Mễ Tây Cơ một lá thư riêng. Mấy tháng sau, đức Leo XII lấy lại và thúc đẩy đi xa hơn trong chiều hướng chính trị của Consalvi. Ngài nhận tiếp đón một giáo sĩ do chính phủ Colombie phái qua, là Ignacio Sanchez de Tejada. Với tài ngoại giao kiên trì, vị này đã lay chuyển được đức hồng y quốc vụ khanh Della Somaglia, và trình bày cho Ngài hiểu tình hình không ổn của Giáo Hội tại Mỹ châu Tây Ban Nha: Tại Mễ Tây Cơ, tám toà giám mục trống ngôi; chính phủ Salvador, vì không thể liên lạc được với Roma, đã tự động bổ nhiệm một giám mục ly giáo, và sợ rằng trường hợp này sẽ lan ra nhiều nơi khác. Phương pháp bổ nhiệm các vị đại diện tông toà không hợp thời nữa. Chính phủ Mễ Tây Cơ nhất định từ chối đường lối đó và đòi bổ nhiệm các giám mục chính toà. Ngoài ra, kinh nghiệm của đức Muzi đã làm cản trở hệ thống đức Consalvi cổ xúy: Luật pháp của Mễ Tây Cơ chỉ công nhận các giám mục giáo phận, các vị đại diện tông toà không có quyền hành gì trên giáo sĩ và trên tài sản của giáo hội. Ðức hồng y tân tổng trưởng bộ Truyền Giáo, Cappellari, được bổ nhiệm tháng 3. 1826, đã đưa ra một giải pháp tận gốc: Xin đức giáo hoàng bổ nhiệm các giám mục bằng tự sắc (proprio motu), như vậy tránh được những khó khăn giữa những yêu sách cạnh tranh của vua Tây Ban Nha và của các chính phủ nam mỹ trong việc giới thiệu. Ngày 18.01.1827, thánh bộ về các Công việc Ngoại Thường đã theo quan điểm này và trong phiên họp với các hồng y, ngày 21.5.1827, đức Leo XII đã tuyên phong tổng giám mục cho hai tổng giáo phận Bogota và Caracas, các giám mục cho giáo phận Quito và Cuenca xứ Equateur, giáo phận Santa Marta và Antioquia bên Nouvelle-Grenade. Ðức hồng y quốc vụ khanh, vì sợ phản ứng của Tây Ban Nha, đã phản đối giải pháp của đức hồng y Cappellari, nhưng không thành. Vì thế, vua Ferdinand VII đã phản ứng bằng cách trục xuất khâm sứ Toà Thánh, rồi gửi đến Roma một vị đặc sứ, hầu tước Labrador, với sứ mệnh đòi Toà Thánh phải áp dụng triệt để chính sách “patronato real”. Trong những buổi điều đình khá gây cấn tại Roma, giữa đặc sứ của Tây Ban Nha và hai hồng y Della Somaglia và Cappellari, người ta đã nghiêm khắc nhận định rằng việc nhượng bộ cho vua Ferdinand VII quyền đề cử các ứng viên giám mục của các giáo phận Mỹ Châu trên một danh sách hoàn toàn bí mật là một giải pháp kỳ quái. Sau cùng, đức Leo XII, không kể đến những lời khuyên của đức Cappellari, đã quyết định, cứ tiếp tục bổ nhiệm các đại diện tông toà. Ðó là một giải quyết nửa vời mà người kế vị ngài là đức Pio VIII phải theo.
Lập trường mà đức hồng y Cappellari đã xướng lên khi còn là Bộ trưởng bộ Truyền Giáo, có thể là hiệu báo của lập trường ngài sẽ ứng dụng khi ngài lên ngôi giáo hoàng. Trong buổi hội hồng y đầu tiên, ngày 28.2.1831, đức Gregorio XVI đã bổ nhiệm bằng tự sắc sáu giám mục chính toà cho Mễ Tây Cơ. Mấy tháng sau, với thông điệp thời danh Sollicitudo Ecclesiarum (18.9.1831) ngài biện minh trên nguyên tắc hướng đi mới của Toà Thánh bằng cách xác quyết long trọng những bổn phận và quyền lợi của Ngài trong việc thương nghị với tất cả các chính phủ hiện hữu (de facto) về mọi lợi ích của Giáo Hội. Cái chết của vua Ferdinand VII, năm 1833, khai thông cho giải pháp chính trị: tháng 11.1835, đức Gregorio XVI chính thức nhìn nhận cộng hoà Nouvelle-Grenade; tháng 12.1836, cộng hòa Mễ Tây Cơ, và tiếp theo là các tân cộng hoà khác của Nam Mỹ. Vấn đề bổ nhiệm giám mục vẫn còn đụng độ. Dần dần đức Gregorio XVI nâng các đại diện tông toà đã được bổ nhiệm trước kia lên hàng giám mục chính toà. Ðồng thời, ngài ra lệnh cho các giám mục không được chấp nhận các yêu sách của các chính phủ muốn hành xử trọn vẹn quyền patronato. Bởi đó, tại một vài nước, những vụ đụng độ đã làm trì trệ việc bình thường hóa tình hình chung.
Tuy nhiên, khi đức Gregorio XVI tạ thế, những rối loạn do cách mạng đòi độc lập tạo nên trong những tương quan giữa thủ lãnh Giáo Hội và những người công giáo Mỹ châu Tây Ban Nha hầu như đã tan biến. Ðó là một trong những thành công lớn của đức Gregorio XVI: Ngay từ 1826, ngài đã nhìn ra một giải pháp cho vấn đề chính trị nhiêu khê và ngài đã bền chí thực hiện giải pháp ấy.