CHƯƠNG IV
BẮC ÂU VÀ CÁC ÐẢO ANH
CHƯƠNG IV
BẮC ÂU VÀ CÁC ÐẢO ANH
Quyết định sáng lập vương quốc Hòa lan của Ðồng minh, ngay từ tháng sáu 1814, qui tụ dưới vương quyền của một hoàng thân Tin lành, Guillaume d'Orange, những miền mà tôn giáo cũng như chính trị từ hai thế kỷ, đã tạo nên những khuôn mặt rất khác nhau. Tuy nhiên, những xáo trộn của những năm cuối cùng đã đóng góp nhiều để san bằng những sự khác biệt ấy. Trong lãnh thổ của những Tỉnh Thống nhất cũ theo tôn giáo Tin lành, sự thống trị của Pháp đã nâng địa vị thiểu số Công giáo lên bằng cách đem lại cho họ sự tự do và sự bình đẳng về tôn giáo. Ngược lại, trong những miền đất Hoà lan thuộc Áo cũ và trong công quốc Liège, Giáo hội Công giáo, xưa kia rất được ưu đãi, đã phải chịu tất cả các nỗi thăng trầm như các nhà thờ Pháp. Rốt cuộc, Giáo Hội ấy ở dưới chế độ thỏa ước 1801, chỉ còn lại hàng giáo sĩ coi xứ, bị tước đoạt của cải, và chịu chèn ép của nhà cầm quyền thế tục. Lợi thế duy nhất còn lại của họ là sự gắn bó của quần chúng với tôn giáo truyền thống được tăng cường bởi sự oán hận đối với nền hành chính của Pháp, ít ra là trong miền Flandre. Tuy nhiên, triết lý vô tôn giáo của thế kỷ XVIII đã tìm được ở đó, ngay từ trước 1789, những vị trí chắc chắn, nhất là trong giới tư sản ở Liège, giới này rất thích đọc những sản phẩm của Paris. Sau 1815, giống như khắp nơi ở Âu châu, sẽ có một đảng tự do hoạt động, đảng này chống đối cả Giáo hội Công giáo và chế độ quân chủ chuyên chế. Sau khi tấn công Giáo Hội, cuối cùng họ đã liên minh với Giáo hội này, đó là điểm độc đáo và lý thú của lịch sử Tôn giáo nước Hoà Lan và nước Bỉ sau 1815.
Vị vua mới chắc không đến nỗi có ác ý với Công Giáo như Lịch sử truyền thống của Bỉ đã cho thấy. Chính sách tôn giáo của nhà vua được gợi ý bởi tính chuyên quyền hơn là bởi khuynh hướng tin lành của nhà vua. Vả lại, những người tin lành còn phàn nàn về chính sách ấy hơn là những người công giáo. Vua Guillaume đã phải cam kết bảo đảm với tất cả các tôn giáo sự che chở và ân huệ ngang nhau, và những việc làm đầu tiên của nhà vua để trấn an những người công giáo, là gởi một đại diện ngoại giao đến Toà Thánh, ra sắc luật giữ các ngày chúa nhật và ngày lễ, tăng 30% tiền lương giáo sĩ v.v. Nhưng chẳng bao lâu việc tuyên thệ giữ hiến pháp làm xáo trộn bầu không khí. Luật cơ bản, ban bố vào tháng năm 1815, chứa đựng những điều qui định mà hàng giáo phẩm công giáo thấy là không thể chấp nhận được, nhất là điều khoản 133 cho phép chính phủ cấm hành lễ trong “trường hợp việc hành lễ này có thể làm xáo trộn trật tự và sự yên tĩnh”. Các Giám mục công bố một “bản án theo phương diện giáo lý” trong đó họ lên án hiến pháp và cấm việc tuyên thệ mà công chức và các thành phần của Quốc hội bị bắt buộc phải thi hành. Vua Guillaume đệ nhất chống trả bằng cách truy tố Giám mục ở Gand, Ðức cha de Broglie, vì ngài được xem như người đứng đầu phe chống đối. Ngài phải lánh nạn qua Pháp và bị xử bằng án lưu đày vắng mặt. Toà Giám mục của ngài bỏ trống cho đến khi ngài mất vào năm 1821. Vào lúc đó, nam tước Goubeau, một người lạc phái Josephiste được đặt lên lo việc phụng tự công giáo. Ông này lại cho áp dụng những qui định trái tâm lý nhất trong luật Napoléon, đặc biệt là phải có biểu dâng lên vua để xin phép trao đổi thư từ với Toà Thánh.
Tuy nhiên cần thiết phải điều đình với Roma về một qui định chung về những việc thuộc Giáo Hội. Người ta không thể để cùng tồn tại mãi mãi hai chế độ khác nhau đến như vậy, chế độ thoả ước của Napoléon ở phương Nam và chế độ những giáo phận truyền giáo ở phương Bắc. Phần nhiều các Giáo phận ở Bỉ không có người được bổ nhiệm chính thức. Phải sửa lại các ranh giới giáo phận cho hợp với biên giới mới. Sau hết, Toà Thánh không thể nhượng cho một vị quốc vương tin lành quyền bổ nhiệm ở các Giáo phận như đã nhượng cho các vị quốc trưởng công giáo. Chính thoả ước ký kết năm 1801 đã tiên liệu vào trường hợp mà một người kế vị Quốc trưởng Pháp không phải là công giáo thì vấn đề này sẽ được giải quyết bằng một thoả ước mới. Sự khai mạc những cuộc điều đình bị chậm lại do sự khăng khăng của nhà vua cứ bổ nhiệm vào toà giám mục Malines vị hoàng thân - Giám mục ở Liège cũ là đức cha de Méan. Nhân vật này được bổ nhiệm vào Quốc hội đã không do dự tuyên thệ, điều mà các giám mục khác đã lên án. Consalvi ít thích tính cố chấp của đức giám mục de Broglie; trong trường hợp này ngài tỏ ra rất mực mềm mỏng. Sau khi khẳng định nguyên tắc, ngài bằng lòng, với một sự giải thích tế nhị, làm cho sự tuyên thệ, ra như chỉ có một tầm vóc thế tục. Vậy là đức cha de Méan được nhiệm mệnh và được thụ chức (7-1817).
Những cuộc bàn cãi về thoả ước vấp phải ý muốn giữ quyền bổ nhiệm vào các giáo phận của nhà vua. Trong lúc ấy một chính sách nắm lấy nền giáo dục công giáo được tiếp tục. Chính sách này đã dẫn tới một điểm rất nguy hiểm: nghị định ra ngày 14.6.1825 đặt các tiểu chủng viện dưới sự kiểm soát của nhà nước và lập lên ở Louvain một trường dạy Triết. Những người có ý nguyện trở thành giáo sĩ bị bắt buộc phải theo học trường này. Lần này, đức cha de Méan tỏ ra cương quyết một cách bất ngờ. Ðó là vì bây giờ ngài được hai người sẽ đóng một vai trò hàng đầu trong Giáo Hội Bỉ làm cố vấn ủng hộ và thúc đẩy: đó là vị Tổng đại diện Engelbert Sterckx và Tu viện trưởng Cornélis van Bommel, ông này thúc đẩy chống lại chính sách học chính của nhà vua. Các giám mục quyết định không chấp nhận vào các chủng viện giáo phận của họ những sinh viên đã tốt nghiệp ở trường Louvain. Sự khuấy động của hàng giáo sĩ và một số giáo dân được đáp lại bằng những biện pháp bắt bớ các tu sĩ giảng dạy và truyền giáo. Áp lực của công luận thêm vào áp lực của các cường quốc - kể cả nước Anh - cuối cùng đưa nhà vua đến một thái độ hoà giải hơn. Nhà vua chịu nhượng bộ để cứu vãn tình thế, bằng cách chấp nhận rằng việc tham dự các buổi giảng dạy tại trường triết lý của nhà vua không có tính cách bắt buộc. Ngày 18.6.1827, một thoả ước tổng quát đã được ký kết ở Rome, giữa vị đại sứ của nhà vua và hồng y Cappelari người đã đàm phán nhân danh đức giáo hoàng Léon XII. Ba giáo phận mới được thành lập. Những điều qui định tổng quát của thoả ước 1801 được áp dụng cả cho các tỉnh phía Bắc đặc biệt về việc chu cấp cho hàng giáo sĩ. Vấn đề bổ nhiệm các giáo sĩ được giải quyết bằng thỏa hiệp sau đây : những giám mục được các hội đồng kinh sĩ và những linh mục quản nhiệm giáo xứ sẽ được các giám mục bổ nhiệm, nhà vua chỉ có quyền phủ quyết mà thôi.
Nhưng vua Guillaume vừa mới phê chuẩn hoà ước thì chính phủ của nhà vua lại tìm cách làm cho hoà ước mất hiệu lực với những biện pháp áp dụng một chiều. Như vậy, một cách gián tiếp, người ta lấy lại cho nhà vua quyền bổ nhiệm các giám mục, bằng cách kiểm soát sự bổ nhiệm các vị tu sĩ cử tri. Lúc ấy những người công giáo, giáo dân và linh mục, càng ngày càng đông, muốn liên kết yêu sách của họ với các yêu sách của những đối thủ khác của chế độ, trên bình diện tự do trong hiến pháp. Quả thật, chính sách của Guillaume đệ nhất, những xúc phạm đến tự do báo chí, tự do cá nhân, đã làm cho những người theo chủ nghĩa tự do tại các tỉnh ở Bỉ xa rời nhà vua. Những người này trước kia đã ủng hộ việc nhà vua tấn công chống lại Giáo Hội. Tình cảm của quần chúng, không phân biệt đảng phái hay tôn giáo, đã được kích thích bởi những biện pháp kỳ thị: muốn hy sinh căn tính của dân Bỉ vì lợi ích của dân tộc Hoà Lan. Ý tưởng về sự liên minh giữa những người công giáo với những người theo Tự do chủ nghĩa, khởi xướng từ một vài tờ báo Bỉ, tiếp nhận một sự khuyến khích mạnh mẽ từ các tác phẩm của Lamennais, vào đầu năm 1829, tác giả xin Giáo Hội tách rời quyền lợi của mình ra khỏi quyền lợi của những chính phủ quân chủ áp bức. Từ Rome, đức Hồng y Albani tố cáo sự đoàn kết giữa những người công giáo và những người theo tự do chủ nghĩa là quái gở. Vô hiệu. Vị đặc sứ Toà thánh ở Hoà Lan là đức cha Capaccini, cố gắng dập bớt nhiệt tình hiếu chiến của hàng giáo sĩ Bỉ. Cũng vô hiệu. Nhiều linh mục khởi xướng một phong trào thỉnh nguyện rộng rãi, lôi cuốn quần chúng theo bước những phần tử ưu tú. Một vài nhượng bộ được nhà vua ưng thuận vào giờ chót không làm cho làn sóng dừng lại được; cuộc cách mạng 1830 ở Paris chắc đã làm cho làn sóng ấy trở nên một sức mạnh không chống lại được. Sự nổi dậy của quần chúng ở Bruxelles ngày 25.8.1830 đã đưa đến, trước cuối năm ấy, sự tách rời nước Bỉ ra khỏi nước Hoà Lan.
Trong khóa họp của Quốc hội soạn thảo hiến pháp của nước Bỉ độc lập, những người công giáo đã được đặt vào các vị trí tốt để làm cho các yêu sách của họ được chấp nhận. Những yêu sách ấy, gần như tất cả đều được ghi trong những điều khoản luật cơ bản. Ðó là những quyền tự do đầy đủ về việc thờ phụng, về việc giáo dục công giáo, về những hội đoàn tức là những dòng tu. Và sự bổ nhiệm các giám mục được dành cho đức giáo hoàng, sự bổ nhiệm các linh mục đứng đầu các giáo xứ được dành cho các giám mục, không có sự can thiệp của chính quyền dân sự. Thêm vào đó là quyền tự do liên lạc với Toà Thánh, sự trả lương cho giáo sĩ được duy trì. Những người tin lành cũng được hưởng những sự tự do ấy. Ngay từ 1839 họ đã khá đông để lập một khối Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành truyền giáo ở Bỉ.
Hệ thống ấy đề cao tự do chủ nghĩa đến nỗi ở Rome người ta lo lắng tự hỏi để những người công giáo tuyên thệ tuân theo hiến pháp ấy có thích hợp hay không. Và làm thế nào đặt lòng tin cậy vào một chính phủ tuyên bố rằng từ rày về sau sự hiện diện ở Bruxelles của một vị đại diện cho Toà Thánh là không cần thiết, bởi vì chính quyền không can thiệp vào đời sống của Giáo Hội ? Nếu những thành kiến của đức giáo hoàng Grégoire XVI cuối cùng được vượt qua, ấy là nhờ phần lớn ở sự khéo léo của người sẽ trở thành, trong hơn ba mươi năm, người đứng đầu Giáo Hội Bỉ : đức cha Sterckx. Tổng đại diện của đức cha de Méan (1827), đại diện kinh sĩ hội (1.1831), rồi tổng giám mục ở Malines (4.1832) và hồng y (1838), vị giám chức ấy đã khuyên, ngay trước 1830, nên có một chế độ trung gian giữa chế độ tôn giáo quốc gia với chế độ phân chia hoàn toàn. Ngài cố gắng chứng tỏ cho Rome thấy rằng quyền tự do, mà những người công giáo Bỉ đã đạt được, không phải là một sự phân chia thật sự, bởi vì quyền tự do ấy không loại trừ một sự cộng tác thực tế với nhà nước trên nhiều địa hạt; bằng chứng là sự duy trì lương bổng của hàng giáo sĩ.
Trên một mặt trận khác, đức cha Sterckx phải tránh khéo những tham vọng của vị vua mới, Léopold I. Mặc dù theo Tin lành, vị quốc vương ấy ưu đãi một cách công khai đạo Công Giáo, được xem như là thành lũy tốt nhất chống lại những khuynh hướng dân chủ cực đoan và xã hội. Ảnh hưởng của nhà vua giúp kéo dài sự tồn tại của liên minh công giáo và phe tự do chủ nghĩa, nền tảng của các chính phủ cho tới năm 1847. Nhưng, bù lại, nhà vua muốn có thể kiểm soát sự hoạt động của hàng giáo sĩ công giáo, hàng giáo sĩ mà nhà vua không còn quyền bổ nhiệm, và nhà vua toan dùng vị đại diện của Toà Thánh ở Bruxelles để chỉ huy các giám mục. Các vị này không để cho nhà vua làm như thế. Họ họp lại theo định kỳ chung quanh đức hồng y Sterckx, họ quyết định độc lập trong lối xử sự và ra chỉ thị cho những người lãnh đạo công giáo trong các viện, một cách kín đáo.
Dưới chính thể thuận lợi ấy, hàng giáo sĩ bảo đảm được nhà nước ủng hộ mà không phải chịu ở dưới ách của nhà nước, Giáo hội Bỉ phát triển mạnh và được coi như là một kiểu mẫu cho những người công giáo các nước khác. Một ví dụ : nam nữ tu sĩ vào năm 1829 chỉ có 4.790 người, sẽ lên đến 12.000 người vào năm 1846. Trong khoảng thời gian ấy, dòng Tên đã có thể lập tám trường trung học và dòng Prémontrés đã có thể xây dựng lại bốn trên sáu tu viện lớn của thời chính thể cũ. Hàng giám mục để hết tâm trí vào công trình giáo dục kitô giáo một cách có kết quả. Những trường tiểu học công giáo được tăng lên với một nhịp độ nhanh chóng, đến nỗi vào năm 1840, trên 5.189 trường khắp cả nước, mà 2.284 trường thuộc về Giáo Hội. Vả lại, theo một sắc luật ban hành năm 1842, việc giảng dạy giáo lý trong các trường tiểu học công lập trở nên bắt buộc và đặt dưới quyền giám thị của hàng giáo sĩ. Về việc giảng dạy ở bậc trung học, người ta được tự do xây trường học khắp nơi, dưới quyền điều khiển của hàng giáo sĩ triều hay giáo sĩ dòng. Sau cùng, công trình được hoàn thành nhờ việc phục hưng Ðại học Công giáo tại Malines năm 1834 và Louvain năm 1835. Phương án dành cho đại học một tư cách pháp nhân đã gây nên một cơn khủng hoảng chính trị vào các năm 1840-1841, bởi vì những người trong phái tự do cương quyết chống lại, trong khi những người công giáo lại đòi phải thực hiện phương án. Ðức cha Sterckx và các giám mục khác không đồng ý với vị Sứ thần Toà Thánh Fornari, vì ngài ủng hộ chính sách hoà giải của nhà vua. Vị sứ thần mất tín nhiệm của hàng giáo sĩ Bỉ và người đến thay thế vào năm 1843 là đức cha Pecci, tức là đức giáo hoàng tương lai Léon XIII. Thận trọng và khôn khéo, ngài chọn một thái độ dè dặt hơn nhiều đối với vị tiền nhiệm của ngài. Thái độ này rất làm phật ý đức hồng y Lambruschini, vị này trách ngài đã có một thái độ tiêu cực, trong sự bảo vệ quyền lợi của Toà Thánh. Tóm lại, người ta có cảm tưởng rằng đức Grégoire XVI và vị Quốc vụ khanh của ngài bị Giáo Hội Bỉ nghi kỵ. Bởi lẽ Giáo Hội này đã chứng minh mình có khả năng xử dụng đúng những quyền lợi chung của mọi công dân hầu phát triển mạnh mẽ trong một chính thể tự do.
Trước và sau cuộc cách mạng 1830, những người tin lành Hoà lan phải chịu một cái ách Nhà nước nặng hơn cái ách mà người Công giáo đã ta thán. Vua Guillaume I, ngay từ 1816, đã áp đặt trên những người Cải cách của Giáo Hội nhà nước cũ và trên những người tin lành Luther những thể chế cưỡng ép sự kiểm soát của những người đại diện nhà Vua. Những người Cải cách bị kiểm soát chặt chẽ hơn những người tin lành Luther. Hai cộng đoàn thiểu số khác đã được thừa nhận, cộng đoàn Ménnoliste và cộng đoàn Rémonstrants, để bù lại sự giúp đỡ của Nhà nước, cũng phải chấp nhận sự kiểm soát của họ. Nhưng “khí thế Thức tỉnh” xâm nhập vào các cơ cấu ấy, làm nổi dậy, cũng như ở những nơi khác, một sự trở về các nguồn gốc tôn giáo của Giáo Hội Cải cách, và một phong trào nghiên cứu thần học, nhất là trong một trường học được gọi là của Groningue. Việc chống lại “các tuần làm phúc định kỳ” trong khuôn khổ Giáo hội cải cách đã là nguyên cớ khiến một vài mục sư rời bỏ Giáo Hội này, sau 1820, để lập một Giáo hội Kitô “tái cải cách”. Giáo Hội này bị chính quyền bách hại cho đến lúc Guillaume II, vị vua có tư tưởng tự do, lên ngôi. Ông cho họ quyền được hành động và hưởng những đặc ân như mọi người trong nước.
Do việc ly khai của các tỉnh ở Bỉ, những người công giáo Hoà Lan, dù họ đại diện cho gần 40 phần trăm dân số, lâm vào tình trạng có thể gọi là thiểu số, trong một quốc gia có truyền thống tin lành. Vua Guillaume I thấy thoả ước này không được áp dụng trên thực tế. Nhưng nhà vua tránh làm tổn thương đến những tự do đã được thừa nhận. Hơn nữa, nhà vua trợ giúp về tài chính cho những người công giáo xây dựng nhiều nhà thờ mới. Không thận trọng, ngài đã gây ra một lý do bất mãn cho dân chúng những miền láng giềng của Bỉ, ở đó sự du nhập Công Giáo rất quan trọng trong thôn quê cũng như trong thành thị. Từ lâu giáo dân quen tự nguyện ủng hộ hàng giáo phẩm và những hoạt động của các ngài. Như trong mọi nước mà họ phải đối diện với một Giáo Hội Tin Lành đông đảo hơn, thì trong hàng ngũ của họ không có những người sống lãnh đạm hay chỉ là những người công giáo trên danh nghĩa. Như vậy, bằng sự nhiệt tâm và tinh thần đoàn kết chặt chẽ, các cộng đồng giáo xứ bổ khuyết những yếu kém về nhân số và về của cải. Vả lại, sự trung thành của họ đối với ngôi vua không có gì phải ngờ vực.
Vua Guillaume II nối ngôi vua cha vào năm 1840, muốn thi hành thỏa ước 1827, và trong mục đích ấy, bắt đầu những cuộc điều đình với Toà Thánh. Những người tin lành lo ngại về việc này, và chính những người công giáo cũng tỏ ý đừng dùng những cuộc bút chiến để gây xáo trộn sự bình an họ đang được thụ hưởng. Trực tiếp hay gián tiếp, họ đã thật sự ở dưới quyền tài phán của Rome. Bởi vậy, người ta buộc lòng đưa lên hàng giám mục ba vị Ðại Diện Tông Toà trong nước. Năm 1842, nhà vua cho họ quyền tự do mở các trường học. Một biện pháp tốt làm lớn mạnh Giáo Hội Hoà Lan dưới triều đại của Guillaume II (1840-1849), là việc thành lập trong mười năm bốn mươi tám tu viện. Nhờ ở lòng khoan dung của nhà vua mà, vào năm 1841, một Toà Ðại diện Tông Toà ở Luxembourg được thành lập. Trước đó, giáo phận mới này thuộc quyền những giáo phận của Ðức và Bỉ.
Ở phía cực Bắc của Âu châu, những nước Bắc Âu tiếp tục làm thành một khối tin lành thuần nhất. Họ không phải bận tâm đến những vấn đề gây nên bởi sự hiện diện của những thiểu số công giáo, như vốn có trong các nước theo Giáo Hội Cải cách. Ðó là trường hợp duy nhất từ cuối thế kỷ thứ XVIII. Giáo Hội Luter của Ðan mạch cũng như của Ðức phải đương đầu với sức phản ứng của phái sùng tín và phái lãng mạn. Phản ứng ấy, ở nơi một người như Kierkegaard, đi đến sự nổi loạn chống lại Giáo Hội đã thành lập. Họ bị buộc tội đã phản bội sứ mệnh đích thực của Ðấng Kitô. Ảnh hưởng của Nikolaj Grundtvig trên những người đồng thời với ông còn sâu xa hơn nhiều. Nikolaj Grundtvig là thi sĩ, sử gia, nhà mô phạm, đồng thời là nhà thuyết giáo, ban đầu bị chống đối, không được đánh giá đúng, vào cuối đời xuất hiện như một nhà thơ có thiên tài của quốc gia. Cũng như Mohler, Nikolaj Grundtvig tìm kiếm Chúa Kitô trong Thánh Kinh ít hơn là trong cộng đoàn những kẻ có đức tin, điều đó thúc đẩy ông lấy bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể làm trung tâm cho đời sống tu trì.
Nước Thụy Ðiển vào thời đó, không có may mắn có được một người như Grungdtvig. Phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý biểu lộ trong một nhóm “Thức tỉnh” địa phương bị những nhà thuyết giáo nổi tiếng xúi giục. Thuyết Moravinisme và thuyết thần bí của Swerdenborg đã chuẩn bị đất sẵn. Trong một dân số mà tỷ lệ mù chữ rất nhỏ, sự truyền bá bằng ấn phẩm được kiên trì xử dụng và rất thành công, do hội Truyền bá Phúc âm được sáng lập vào năm 1808, theo kiểu mẫu của hội Religious Tract Society ở Londres, và do hội Nghiên cứu Thánh kinh được nhà vua bảo trợ.
Dù sao người ta cũng gặp được một vài người Công giáo trong những nước này, mà trên nguyên tắc là những nước không chịu thần phục các vị giáo hoàng. Ở Ðan mạch những người công giáo gốc ngoại quốc được cho phép lưu trú và giữ đạo, nhưng những người tin lành Luther Ðan Mạch bị cấm theo đạo Công Giáo, không tuân sẽ bị tội lưu đày. Ở Suède cũng vậy. Tuy nhiên, sự lan tràn của các giáo phái ly khai, phái Giám lý, phái Trưởng Lão, phái Phục Lâm, phái Trưởng Tẩy, và nói chung là phái duy lý bắt đầu phá vỡ sự thống nhất của Giáo hội quốc gia. Vua Gustave III có tinh thần cởi mở, đã chấp nhận cho một số nhỏ dân công giáo người trong nước của nhà vua, được cầu cứu với vị Ðại diện Tông Toà phương Bắc thường trú ở Ðức. Bernadette, khi lên ngôi Thụy Ðiển, đã từ bỏ đạo Công giáo để theo tin lành Luther, nhưng người dâu của nhà vua, một công chúa của nước Bavière, trung thành với tôn giáo của bà và được cất một thánh đường công giáo tại Stockholm. Thánh đường này, rất lâu về sau, vẫn là Thánh đường duy nhất trong nước.
Những người công giáo Aí Nhĩ Lan và những người công giáo Anh chắc chắn là có cùng một tiếng nói và cùng một đức tin, và họ đã cùng nhau đòi Nhà nước Anh giáo thừa nhận quyền công dân của họ, với đầy đủ quyền tự do để giữ đạo. Nhưng nên nhấn mạnh về sự khác nhau sâu xa giữa các hoàn cảnh của hai cộng đoàn. Ở Ái Nhĩ Lan, Công Giáo là tôn giáo của đa số dân chúng. Dân số ở đây gồm hơn sáu triệu dân. Mặc dù những sự bách hại tàn bạo, ở đó Giáo Hội đã bảo vệ hàng giáo phẩm và ảnh hưởng của mình đối với quần chúng dân quê. Trên thực tế, các giám mục được Nhà nước thừa nhận. Từ năm 1795, nhà nước góp phần cả vào việc đào tạo hàng giáo sĩ ở chủng viện Maynooth. Nhưng vì người Anh là kẻ chinh phục đã có tham vọng tước đoạt một lúc tất cả tôn giáo, đất đai và nền độc lập của dân tộc Ái Nhĩ Lan, nên những yêu sách về tôn giáo bị lẫn lộn vào những yêu sách chính trị và xã hội, rất khó gỡ. Hoàn toàn khác với hoàn cảnh tại Anh, nơi đây sự bách hại có hiệu lực đến nỗi vào cuối thế kỷ XVIII chỉ còn lại một nhóm nhỏ giáo dân, khoảng 60.000 người với 360 linh mục được phân tán mỏng giống như trong các nước truyền giáo, trong bốn tông toà (Luân đôn với hơn 25.000 giáo dân, khu phía Bắc 20.000, khu giữa 8.500, khu phía Tây chỉ có 3.000 người thôi). “Không còn là Giáo Hội Công Giáo trong nước nữa, tôi còn có thể nói, cũng không là một cộng đồng công giáo nữa, mà chỉ là một nhóm người theo tôn giáo cũ, bước đi lặng lẽ và buồn bã, giống như vết tích của một quá khứ đã qua hẳn rồi” (1). Việc thờ phượng chỉ còn cử hành trong vài nhà nguyện của các Toà Ðại sứ, trong vài nhà nguyện gần như lén lút khác, và nhất là trong các nhà nguyện tư của những gia đình quí phái từ 150 đến 200 người gắn bó với tín ngưỡng của họ vì danh dự cũng như vì đức tin. Ðã cứu đạo Công giáo thoát khỏi sự tiêu diệt hoàn toàn, một mình ủng hộ hàng giáo sĩ, những người thế tục ấy, trong công việc của Giáo hội, đã đóng vai trò của kẻ lấn át. Nếu họ đòi sự bình đẳng về chính trị, thì họ lớn tiếng tuyên bố rằng nhà vua không có dân nào trung thành hơn họ, và trái với những gì đã thấy ở Aí Nhĩ Lan, yêu sách tôn giáo của họ không có liên can đến vấn đề quốc gia hay xã hội. Người ta cảm thấy trước những rối loạn mà những người công giáo Ái Nhĩ Lan di tản, bình dân và hiếu chiến, đã gây ra trong khung cảnh quí phái, sẽ bị giập tắt mau lẹ. Cuộc di tản kéo dài từ 1800 đến 1840 đã nhập cảnh ít nhất 300.000 thợ thuyền Ái Nhĩ Lan, vào trong các vùng kỹ nghệ phía Ðông Bắc Anh quốc.
Văn kiện Thống Nhất năm 1800, đã lấy đi của người Ái Nhĩ Lan những quyền tự trị bề ngoài cuối cùng của họ, và cũng đã làm biến đổi sâu xa những dữ kiện của vấn đề giải phóng người công giáo, ở Ái Nhĩ Lan cũng như ở chính Anh quốc. Chừng nào ở Dublin chỉ còn một quốc hội đại diện cho thiểu số chinh phục, mọi sự nhượng bộ về công quyền cho người công giáo Ái Nhĩ Lan không bao lâu sẽ kéo theo việc loại bỏ những yếu tố tin lành Anh trong tập thể đắc cử. Trái lại, yếu tố Ái Nhĩ Lan Công giáo, một khi đã lẫn lộn trong quần chúng của các đảo Anh, sẽ còn là một thiểu số có thể kiểm soát được. Ðó là quan niệm của Pitt khi ông ta tìm cách dùng Văn Kiện Thống Nhất để chấm dứt một lượt, những khát vọng độc lập của người Ái Nhĩ Lan và sự chống đối bực bội của giới thượng lưu kiều dân Anh. Nhưng khi ông ta muốn đưa vào quốc hội Westminster mấy nhượng bộ đã hứa với các giám mục Ái Nhĩ Lan, ông Pitt gặp phải sự chống đối động trời của đa số trong chính phủ và của vua George III. Bởi thế, sự tranh đấu về tôn giáo ở Ái Nhĩ Lan, hơn bao giờ hết, gắn liền với sự tranh đấu về chính trị. Ðối với những người công giáo Anh, sự thay đổi còn triệt để hơn. Nếu họ vẫn còn là một thiểu số nhỏ nhoi, trong lòng quốc gia theo Tin lành, như trước 1800, thì cũng có thể quan niệm rằng, chỉ bởi sự tiến bộ của quan điểm tự do, mà dần dần họ sẽ đạt được sự phục hưng toàn vẹn các quyền công dân của họ. Bản Catholic Relief năm 1791 dường như báo trước một giải pháp như vậy. Do Văn Kiện Thống Nhất, số phận của họ bây giờ gắn liền với số phận những người Ái Nhĩ Lan đồng tín ngưỡng với họ, trong mọi hoàn cảnh vui, buồn. Những quyền lợi mà người ta có lẽ đã trao cho họ cách dễ dàng, vẫn còn bị từ chối lâu dài, một phần vì họ quá yếu kém không đủ sức tranh đấu và chỉ biết vâng phục, một phần vì những tiếng la ó cách mạng đến từ Ái Nhĩ Lan.
Lịch sử giải phóng người công giáo thuộc quyền vua Anh lần lượt cho thấy sức hoạt động của những yếu tố mà người ta có thể gọi là chiến thuật của người Anh, và của người Ái Nhĩ Lan. Trong giai đoạn đầu, sáng kiến đến từ yếu tố quí tộc và tự do của người Anh, nhưng tính cố chấp của người Ái Nhĩ Lan làm ngăn trở sự hoà giải. Trong giai đoạn thứ nhì, yếu tố Ái Nhĩ Lan dẫn dầu trận chiến, và sự chiến thắng đạt được nhờ những tranh đấu gay go, đã làm lợi cho cả những người công giáo Anh mệt mỏi vì các phương pháp khắc nghiệt và tinh thần quốc gia quá khích của chính quyền
Không khí ở Anh quốc đã trở nên thuận lợi một cách lạ lùng: năm 1808, trả lại quyền lợi của những người công giáo. Ðây không phải là chuyện bất ngờ, từ vài chục năm trước, những người Whigs và người cấp tiến đã có lập trường chung là tố cáo cách xử thiên vị và lỗi thời của nền pháp chế thiếu tinh thần khoan dung. Các linh mục Pháp được hưởng trước tiên “hoàn cảnh thuận lợi ấy”: họ bị cách mạng Pháp trục xuất nhưng được quyền cư trú ở Anh. “Hiển nhiên những người bị lưu đày và bị thử thách này, với phong tục lành mạnh và với sự biết ơn chân thành của họ, đã đem đến cho những người đồng hương quảng đại của chúng ta một lợi ích lớn lao. Họ đã làm nghiêng lòng những ân nhân của họ trong việc đánh giá tốt về Giáo Hội, mà từ nhiều năm, họ vốn khủng bố và chán ghét” (2). Ðàng khác, theo một quan điểm chính trị và thực tế đơn sơ, chính phủ dấn thân vào một cuộc chiến giai giẳng không thể duy trì mà không nguy hiểm, dân Ái Nhĩ Lan gồm hơn một phần tư tổng số dân dưới quyền của mình, trong một hoàn cảnh bất công, dễ bị xúi dục nổi loạn và phản bội. Cuối cùng thái độ của đức Pie VII trước những vụ bắt buộc của hoàng đế Napoléon, việc từ chối đóng cửa các hải cảng giao thương với Anh quốc, những ngược đãi mà ngài có thể là nạn nhân tiếp theo sự từ chối ấy, tất cả những yếu tố đó sẽ tạo ra một sự liên minh bất ngờ giữa vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo và vị lãnh đạo Giáo hội Anh quốc.
Một cuộc thảo luận bắt đầu ngay từ 1808 ở Hạ viện, về những bảo đảm mà người ta có thể đòi hỏi ở những người công giáo, bù lại sự giải phóng chính trị. Cuối cùng ba điều kiện cần thiết xuất hiện, và ba điều kiện ấy được đưa vào trong một dự luật được trình lên Hạ viện, vào đầu 1813, do Castlereagh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao trong chính phủ của Liverpool. Thứ nhất: xin Toà Thánh thừa nhận quyền phủ quyết của nhà vua trong sự bổ nhiệm các giám mục. Thứ hai: yêu cầu các linh mục và những người công giáo nói chung, được kêu gọi đảm nhiệm các chức vụ công cộng, tuyên thệ trung thành theo một thể thức mà lương tâm của họ có thể chấp nhận được. Thứ ba: phải để chính phủ hoàng gia quyền kiểm soát sự liên lạc thư từ giữa Toà Thánh và những người công giáo ở các đảo Anh. Hơn nữa, cũng được dự liệu rằng hàng giáo sĩ công giáo từ đó trở đi sẽ được nhà nước trả lương. Và Castlereagh nhấn mạnh về điều kiện này, bởi vì ông ta nghĩ rằng như vậy sẽ làm cho hàng giáo sĩ thoát khỏi áp lực của phe quốc gia và biến họ thành một dụng cụ của chính phủ.
Những điều kiện ấy dường như có thể chấp nhận được đối với những nhà đại diện Công giáo Anh, những thành phần của Board of English catholics, gồm có các Ðại diện Tông Toà của bốn khu, các Thượng nghị sĩ Công giáo và khoảng bốn mươi vị thân hào khác. Nhưng đối với những người Ái Nhĩ Lan thì không thể chấp nhận được chút nào. Các giám mục Ái Nhĩ Lan họp tại Dublin vào tháng 5.1813 tố cáo dự luật ấy là một mưu toan để bắt Giáo Hội phải phục tùng nhà nước theo Tin lành. Và quan điểm ấy được bào chữa một cách mãnh liệt, ngay tại Anh, do John Milner, vị Ðại diện Tông Toà hăng say ở Midlands. Giữa hai bên, Cisalpinistes và Ultramontanistes, cuộc bút chiến hoành hành, tạo nên nhiều xáo trộn và nản lòng trong đầu óc của những đại biểu quốc hội tán thành sự giải phóng. Khi dự luật đã bị bác bỏ đến lần thứ ba, đức giám mục Poynter, Ðại diện Tông Toà khu Luân Ðôn, nghĩ rằng tốt hơn nên tham khảo ý kiến của Toà Thánh. Ðức Pie VII và các vị cố vấn chính của ngài lúc bấy giờ đang ở trong tay của hoàng đế Napoléon. Thư của đức giám mục Poynter được đệ trình lên vị phó Bộ trưởng của Bộ Truyền giáo là giám mục Quarantotti. Bức thư trả lời, đề ngày 16.2.1814, cho rằng quan điểm hoà giải của người Anh hoàn toàn có lý và khiển trách Milner và các giám mục Ái Nhĩ Lan về sự chống đối của họ. Tuy nhiên, những giám mục từ chối không chịu khuất phục và trực tiếp phó thác vào đức Pie VII, bấy giờ đã được tự do. Cùng lúc ấy, ở Luân Ðôn, Consalvi tiếp xúc với Castlereagh và bắt đầu điều đình với Bộ trưởng. Những cuộc điều đình này kéo dài, không liên tục, ở Vienne, vào mùa đông 1814-1815. Ngay lúc bắt đầu hòa đàm, vị Quốc vụ khanh của đức giáo hoàng đã tuyên bố không thể chấp nhận được điều kiện thứ ba mà Castlereagh đã đòi hỏi, l'exequatur về sự liên lạc thư từ của Toà Thánh. Tuy nhiên, ngài hy vọng đi đến một sự dàn xếp. Các cố gắng của ngài cuối cùng bị cả hai phía gây liên lụy cho ngài. Ở Rome, Giáo vụ ngoại thường bị hồng y Litta, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, quở trách, không tán thành với đức cha Quarantotti và bắt ký kết một thoả ước phải theo đủ thứ điều kiện hạn chế. Ðức hồng y Litta sẽ viết cho Poynter (4) rằng vấn đề exequatur không có thể là đối tượng của cuộc điều đình. Ðàng khác, ở Ái Nhĩ Lan phái cố chấp càng lớn tiếng chỉ trích. O'connell tố cáo sự mua bán hèn mạt giữa Castlereagh và những “kẻ nô lệ ở Rome”. Ông ta dám nói trong một bài diễn văn quan trọng rằng “người Ý Consalvi đã phản bội hay là đã bán Giáo Hội của chúng ta cho Bộ trưởng Anh ở Vienne. Người ta nói rằng giá tiền đúng là mười một trăm guinées... quá sung sướng, tôi cho là thế, đã có được một thứ gì quí giá như tôn giáo của Ái Nhĩ Lan để bán” (5). Ở Luân đôn, gió cũng đổi chiều: với nền hoà bình đã trở lại, ít có lý do để đối xử khéo léo với Toà Thánh và những người Ái Nhĩ Lan. Castlereagh bối rối vì những sự chia rẽ của những người công giáo. Nản lòng vì thái độ không rõ rệt của Rome, tháng 6.1815, ông tuyên bố: bây giờ ông ta không có thể làm cho các đồng nghiệp của mình và đa số trong Quốc hội ủng hộ các dự định hoà giải của ông ta. Ðể tránh một sự đoạn tuyệt công khai trong lòng chính phủ, người ta chấp nhận mỗi người được tự do xử dụng lá phiếu của mình về vấn đề công giáo, và như vậy việc này bị bác bỏ về thực tế, trên bình diện chính phủ. Vào năm 1821, một người trong phe Tory tự do William Plumlket đưa ra một dự luật mà nói chung, là sao lại những điều quy định của dự luật năm 1814. Luật này được Hạ viện bỏ phiếu thông qua... nhưng bị Thượng viện bác bỏ. Sự việc này làm cho phe Ái Nhĩ Lan rất hài lòng. Nói tóm lại, chính sách ngoại giao của đức giáo hoàng và những cố gắng của phe ôn hoà, người công giáo và người tin lành, đã thất bại trước sự nghi kỵ lẫn nhau và sự cố chấp của phe quá khích: những người Ái Nhĩ Lan và những người Tories cực đoan. Giữa hai đối thủ ấy, bây giờ sức mạnh sẽ quyết định. Giờ của O'Connell đã điểm.
Là hậu duệ của một dòng dõi quí tộc Ái Nhĩ Lan, được giáo dục ở Pháp và vào luật sư đoàn ở Dublin vào năm 1798, O'Connell tỏ ra rõ ràng là tiếng nói của dân tộc Ái Nhĩ Lan bị áp bức. Tài biện hộ của ông, ngay cả tiền bạc của ông cũng được dùng để giúp những người hèn mọn mà ông bào chữa trước các Toà án của Anh quốc. Sự hùng biện có tính cách bình dân, đầy hình ảnh, mị dân, làm kích động quần chúng, nhưng là một luật gia giỏi, ông rất điềm tĩnh, và sự khéo léo về chiến thuật của ông cũng lỗi lạc như thiên tài tổ chức của ông. Vào năm 1823, ông quyết định làm sống lại Hội Công giáo của Ái Nhĩ Lan cũ, một tổ chức mà cho đến lúc đó bị giam hãm trong các môi trường trưởng giả, vì lý do đóng góp nặng, 20 shillings. Bây giờ chỉ phải đóng góp 1 penny mỗi tháng, dân chúng sẽ có thể vào hội đông đảo, và những buổi hội họp tuyên truyền, do những người tình nguyện đi tuyển mộ tổ chức cho đến tận những làng nghèo, dùng để dạy về chính trị cho những nông dân vô học. Hàng giáo sĩ, ban đầu còn ngập ngừng, nhập vào phong trào và thành những người đề xướng Catholic Rent. Chẳng bao lâu, tất cả dân chúng công giáo được tổ chức chặt chẽ, đi theo, trong tinh thần thánh chiến. Người ta gọi ông là “vua không có vương miện của Ái Nhĩ Lan”. Ở Luân đôn, người ta lo ngại về sự động viên ấy, nhưng ban đầu người ta do dự hành động, bởi vì O'Connell cẩn thận, tránh gây nên một việc gì làm cớ cho chính quyền trấn áp. Trái lại, ảnh hưởng của Phong trào càng bành trướng thì những hành vi hung bạo và những tội ác có liên quan đến ruộng đất, càng ít dần đi. Vào tháng 3.1825 một đạo luật về sự hủy bỏ các hội đoàn bất hợp pháp ở Ái Nhĩ Lan được bỏ phiếu thông qua cấp bách. O'Connell trả lời lại, không phải là không hài hước, bằng cách biến tổ chức của ông ta thành một “hội từ thiện công hay tư và những hội khác không bị cấm bởi điều lệ 6 của George IV, chương 4”.
Ðể làm rạn nứt thành trì thù nghịch, ông ta dùng quyền bỏ phiếu được nhượng vào năm 1793 cho những người hưởng quyền sở hữu vĩnh viễn một khoảnh đất, được quyền chuyển nhượng với một số lợi tức trên lý thuyết là 40 shillings. Những đại địa chủ người Anh ở Ái nhĩ lan, lo lắng gia tăng số cử tri của mình, đã không thận trọng biến nhiều tá điền của họ thành sở hữu chủ, đến nỗi những cử tri Ái Nhĩ Lan bây giờ lên đến 216.000 người, thay vì 60.000 người vào năm 1793. Quần chúng lao động ở trong tay của O'Connell, người ta thấy ông ta ở cuộc bầu cử năm 1826, trong cuộc bầu cử ấy những người công giáo đã đánh bại nhiều đối thủ nổi tiếng chống giải phóng. Vào tháng 4.1827 George Canning kế vị Liverpool trong chức vụ thủ tướng. Từ lâu ông rất thiện cảm với người Công giáo. Ông chuẩn bị làm vừa lòng họ, nhưng ông mất vào tháng 8.1827 và quyền hành lại rơi vào tay của phe Tory, do Wellington và Peel cầm đầu. Ðể làm cho họ hết ngoan cố phải thuyết phục họ rằng họ có nguy cơ rõ ràng về một cuộc nội chiến. Ngày chủ nhật 21.1.1828, trong 1.500 cuộc biểu tình cùng lúc, có 1.500.000 người Ái Nhĩ Lan ký một kiến nghị hăm dọa. Vào tháng 6 xảy ra cơ hội một cuộc thử nghiệm khác: nam tước Vezey Fitzgerald từ năm 1818 là đại biểu của quận Clare, được bổ nhiệm chủ tịch của Board of Trade, và do đó, phải ứng cử lại. O'Connell dù không đủ điều kiện để được đắc cử, cũng ra tranh cử. Vào thời bình, sự việc này thường chỉ là một thể tục tốn kém, nhưng bây giờ nó trở nên một cuộc trắc nghiệm có tầm quan trọng quốc gia. Ðến ngày bầu cử, những người Công giáo đến từng nhóm, có tổ chức, có kỷ luật... tiết độ, như người ta chưa bao giờ thấy người Ái Nhĩ Lan vào cơ hội tương tự. Fitzgerald bị thất bại nặng nề trong vùng bầu cử của ông. O'Connell dĩ nhiên không có thể đến dự họp quốc hội ở Westminster được, nhưng ông ta đã giành được thắng lợi: Wellington và Peel biết rằng bây giờ O'Connell có thể, khi mà ông muốn, đưa vào quốc hội từ 50 đến 60 đại biểu cấp tiến. Tốt hơn nên chấp nhận đưa vào đó những người công giáo, Wellington kết luận như vậy và, không phải là không khó khăn, ông ta áp đặt quan điểm của ông ta cho vua George IV. Luật lệ mà ông ta trình ra Quốc hội vào năm 1829 có mục đích bẻ gãy sức mạnh bầu cử của nền dân chủ Ái Nhĩ Lan, đồng thời làm vừa lòng hàng giáo sĩ công giáo. Dự luật thứ nhất cho phép vị quan cai trị Ái Nhĩ Lan hủy bỏ mọi hội đoàn xem ra có vẻ phản loạn. Dự luật thứ nhì nâng lợi tức làm tiêu chuẩn cho quyền bầu cử từ 40 shillings lên 10 livres, điều này sẽ làm giảm bớt con số cử tri Ái Nhĩ Lan chỉ còn 26.000 thôi. Cuối cùng, dự luật thứ ba đem đến sự giải phóng được chờ đợi từ lâu: từ đó trở đi, người công giáo sẽ được quyền ứng cử và quyền được chấp nhận vào mọi công việc, chỉ ngoại trừ một vài nơi. Dự luật cuối cùng ấy, sau khi lưỡng viện quốc hội bỏ phiếu thông qua, đã được nhà vua phê chuẩn ngày 13.4.1829.
Ðó là một chiến thắng lớn lao của O'Connell, chiến thắng ấy có thể nói là đã đưa Giáo Hội Công Giáo vào trong hiến pháp của Nhà nước Anh, và việc này không phải trả bằng những sự nhượng bộ được dự định vào các năm 1813 và 1815. Hơn nữa, những tự do mà những người Ái Nhĩ Lan đã giành giật được, toàn thể những người công giáo dưới quyền vua Anh, trong các đảo Anh cũng như trong các nước thuộc địa, đều được hưởng. Ðối với tất cả mọi người, một kỷ nguyên mới bắt đầu.
Sau cơn động đất chính trị trong năm 1829 ấy, như Russell đã nói, số phận của Công giáo ở Anh quốc và ở Ái nhĩ lan sẽ đi theo những con đường khác nhau. Về phía những người Ái Nhĩ Lan trong câu chuyện này, người ta thấy rằng vấn đề tôn giáo càng ngày càng bị cuộc tranh chấp chính trị và xã hội đẩy lui. Trong những năm kế tiếp, chính phủ ở Luân đôn, hơn một lần, đã cố gắng xin Toà Thánh cấm hàng giáo sĩ Ái Nhĩ Lan tham dự vào phong trào độc lập, nhưng đức giáo hoàng Grégoire XVI từ chối, chỉ bằng lòng ngăn ngừa các giám mục Ái Nhĩ Lan bằng lời cảnh cáo riêng, không cho phép can thiệp quá công khai vào các vụ tranh đấu chính trị. Hàng giáo sĩ, nói chung, tiếp tục ủng hộ O'Connell. Vị này, sau khi vào Quốc hội, đã không có đủ số ghế để hành động một cách độc lập. Hệ thống bầu cử, ngay cả sau cuộc cải cách vào năm 1832, bị sai lệch một cách tàn nhẫn, thiệt thòi cho Ái Nhĩ Lan Công giáo. Một đàng, Anh quốc và Ecosse, với 13.900.000 dân, có được 473 ghế, đàng khác, Ái Nhĩ Lan với 7.800.000 dân, chỉ được 105, và trong số ghế này, yếu tố Tin lành đã chiếm lấy nhiều hơn phần dành cho họ, nhờ vào những xảo thuật bầu cử. O'Connell ban đầu đành phải bằng lòng với việc đạt được vài sự nhượng bộ bổ sung cho những người công giáo Ái Nhĩ Lan, đổi lại một sự ủng hộ những người trong phe Whigs. Như vậy, sự hủy bỏ mười toà giám mục Anh giáo, vào năm 1832 và sự bãi bỏ một sắc thuế, cho đến lúc ấy, áp đặt cho người công giáo để ủng hộ hàng giáo sĩ Anh quốc, vào năm 1838, đã đạt được. Hàng giáo sĩ ấy trong tương lai sẽ được chính phủ đảm nhận, bằng cách đánh một thứ thuế vào riêng những người địa chủ (6). Ðối với chính phủ Anh, việc cố gắng tách rời quyền lợi tôn giáo ra khỏi quyền lợi quốc gia là điều rất thích hợp, đến nỗi chính Peel, khi phe bảo thủ lên nắm quyền vào năm 1841, đã dùng lại chiến thuật ấy. Ông ta đề nghị, vào năm 1845, nâng số tiền trợ cấp hàng năm cho chủng viện Maynooth từ 9.000 livres lên 26.000 livres. Sáng kiến ấy đột nhiên khơi lại sự chống đối Toà Thánh: 10.000 kiến nghị, những cuộc biểu tình, những bài báo, tố cáo “sự trợ cấp cho các linh mục ở Baal”, sự khuyến khích “một nhà nuôi trẻ dị đoan, cuồng tín và không hoà đồng” . Peel cũng cứ thắng thế, mặc dù phân nửa đảng ông đã rút lui. Ông ta còn ít may mắn hơn về một điểm khác của chương trình hoà giải của mình : sự sáng lập ba trường đại học ở Belfast, Cork và Galway, ở đó người công giáo và người tin lành cùng tiếp nhận một nền giáo dục hoàn toàn không tôn giáo. Mọi người đều kinh khiếp gạt đi ý tưởng về một nền giáo dục không có Thiên Chúa. Các giám mục Ái Nhĩ Lan tham khảo ý kiến của Rome và thơ trả lời không tán thành của đức Pie IX, đề ngày 9.10.1847, khiến cho sự chống đối công giáo lại nổi dậy. “Lời tuyên bố mà đức giáo hoàng và một ban linh mục người Ý đã dám lên án một dự định đáng khen như vậy... là sự lạm quyền giáo hoàng táo bạo nhất đã được đem ra thử trên các đảo này từ phong trào cải cách” (7).
Nên nhấn mạnh rằng những vụ rắc rối ấy, có nguồn gốc ở Ái Nhĩ Lan, giữa 1829 và 1850, là những cơ hội duy nhất mà hoàn cảnh của Giáo Hội Công Giáo Anh được Quốc hội đem ra bàn cãi. Mặt khác, một ít người Công giáo Anh đã vào được Quốc hội, chỉ có 5 người vào năm 1840, lẫn lộn trong số đông của phe Whigs và chủ ý không liên đới với “những kẻ hăng say điên loạn Ái Nhĩ Lan” bằng một sự phô bày lòng trung thành của họ đối với ngôi vua. Những người công giáo Anh, nói chung, khó trút bỏ được mặc cảm thiểu số và mặc cảm bị chèn ép: “Họ vừa mới ra khỏi hầm; họ được giải phóng khỏi gông cùm, nhưng chưa thoát khỏi sự uể oải và sự cứng ngắc, hậu quả của gông gùm ấy” (8). Số của cải ít ỏi của Cộng đồng Công giáo nhỏ bé chỉ cho phép đài thọ một cách khó khăn các nhu cầu càng ngày càng nhiều của việc phụng tự, do sự di tản của người Ái Nhĩ Lan. Khi mà số giáo dân tăng lên từ 452.000 người đến 679.000 người từ năm 1837 đến năm 1850, người ta chỉ có thể mở 155 nơi phụng tự mới, trong khi số linh mục tăng lên từ 536 người đến 713 người. Vào năm 1840 bốn Tông toà đại diện mới được thành lập - Eastern, Central, Welsh, Lancashire - vì làn sóng thợ thuyền Ái Nhĩ Lan đổ xuống trong các vùng kỹ nghệ ấy. Và người ta bắt đầu bàn cãi về khả năng khôi phục lại hàng giáo phẩm dòng.
Nói tóm lại, trong những năm tối tăm để thích nghi lại với hoàn cảnh, từ 1829 đến 1851, cũng là những năm chuẩn bị cho biến cố lớn về sự phục hưng hàng giáo phẩm công giáo Anh quốc, chỉ có ba biến cố quan trọng sau đây: cuộc di cư của người Ái Nhĩ Lan, sự xuất hiện của Wiseman và sự trở lại của Newman và các bạn của ông. Sự kiện thứ nhất đã được nhắc đến nhiều lần. Công Giáo Anh, cho đến lúc đó, chủ yếu mang tính cách quí tộc. Làn sóng thợ thuyền người Ái nhĩ lan đem đến cho họ nền tảng bình dân và dân chủ. Nền tảng này giúp họ bén rễ sâu vào xã hội mới sinh ra từ cuộc cách mạng kỹ nghệ. Nhưng đàng khác ảnh hưởng của những người mới đến đông đảo, về phương diện xã hội ở địa vị thấp kém và bị xã hội Anh theo Tin lành khinh khi, tạo nên nhiều bất lợi cho tương lai của Công giáo Anh. Rất may mắn, là để xóa bỏ tình trạng nặng nề, khép kin và mặc cảm của cộng đồng công giáo Anh và cả của hàng giáo phẩm công giáo Anh, Ðấng Quan phòng đã cho Wiseman xuất hiện. Công trình của ông là mở những cánh cửa sổ trong Giáo Hội Anh khép kín, là bắt buộc Giáo Hội Anh phải hít thở những luồng gió đến từ bên ngoài, là ngửng đầu lên, là nhắm cao hơn sự sống còn. Ðến Rome, vào năm 1818, với tư cách là một trong các chủng sinh đầu tiên của học viện Anh được phục hưng, sau đó được đặt vào vị trí chỉ huy của ngôi trường ấy, Nicolas Wiseman hoàn toàn thoát khỏi mặc cảm thiểu số và mặc cảm dân ở đảo của các đồng hương của ông. Hoàn cảnh cho phép ông không những có được một văn hóa cao, mà hơn nữa, được tiếp xúc với tất cả những gì nổi bật vào thời đó, trong Giáo Hội Công Giáo Âu châu. Trở về quê hương, dần dần ông sửng sốt và đau đớn về lối sống uể oải và buông thả của phần đông người công giáo Anh. Ông tự thấy có bổn phận dấn thân vào việc làm cho công chúng Anh hiểu biết về mọi khía cạnh canh tân đang diễn ra trong Giáo Hội Công giáo trên lục địa Âu Châu. Những buổi diễn thuyết công cộng của ông ở Luân Ðôn làm xôn xao dư luận. Với sự giúp đỡ của O'Connell, ông lập ra tờ Dublin Review, trong đó ông đề nghị, về phương diện Công giáo, nên theo dõi những trào lưu trí thức của thời đại. Việc ra tờ báo đem lại nhiều thành quả, và vào năm 1840, đến lượt Luân Ðôn có tờ báo Công giáo mang tên là “The Tablet”. Mọi kinh phí được bao quản bởi lòng quảng đại của một người Tin lành thuộc phái Quaker trở lại Công Giáo, là ông Frederick Lucas. Cùng năm ấy, Wiseman trở về Anh vĩnh viễn với tư cách là phụ tá của Central District. Ông có tinh thần lạc quan dễ làm xiêu lòng người khác. Phương pháp hoạt động cuả ông đụng chạm đến nhiều thói quen cũ và làm phật ý nhiều bạn đồng nghiệp, vì họ thấy ông quá “lý tưởng” và quá “trí thức”. Người ta cũng phiền trách ông về những cái mà ngày nay làm cho ông được vinh quang: ông thấy rất sớm những ích lợi lớn lao mà phong trào Oxford có thể đem đến cho Công giáo Anh, ông đã chuẩn bị một cách say mê con đường trở lại đạo của Newman cũng như của các môn đệ ngài, ông chống lại sự nghi kỵ và sự ganh tị của những người công giáo gốc. Những người này chủ trương không đề cao hay coi trọng những kẻ vốn chống đối Giáo Hội.
Ðể thấy rằng Wiseman có lý để lạc quan, chung ta phải nhìn sơ qua những lãnh vực khác của đời sống tôn giáo tại Anh. Ở đó, cũng như ở trên nội địa, nổi lên một lòng sùng đạo mới. Sự thức tỉnh này trước tiên có lợi cho những người thuộc giáo phái Méthodisme, con cái tinh thần của John Wesley. Việc tông đồ của họ trước hết nhắm vào tầng lớp trung lưu mà số người cũng như ảnh hưởng trong xã hội được tăng lên nhanh chóng, nhờ vào cuộc cách mạng kỹ nghệ. Họ hoạt động có phương pháp và rất mềm dẽo: với những nhóm nhỏ, thường được điều khiển bởi những người đời, nhiều nhà thuyết giáo lưu động đến giúp các nhóm. Họ nhấn mạnh về sự hoán cải, sự trở về với Chúa Kitô. Cá nhân được tác động bằng một kinh nghiệm tôn giáo dễ xúc cảm và huyền bí. Trong việc phụng tự, phái Méthodiste xử dụng rất nhiều thánh ca. Có cần phải nhấn mạnh rằng mấy nét độc đáo ấy có tìm thấy lại trong phong trào canh tân Công giáo trên nội địa không ?
Sự thức tỉnh thúc đẩy và làm phát triển những tôn giáo ly khai khác : phái Trưởng Lão, phái Giáo Ðoàn, phái Trưởng Tẩy. Những giáo phái mới ra đời: giáo phái Darby, giáo phái Irvingiens. Nhiệt tình của những người không theo Anh giáo làm cho hàng ngũ của họ tăng lên nhanh chóng, so với hàng ngũ của những người trong Anh giáo. Vào năm 1800, người ta ước tính rằng tỷ lệ những người ly giáo là một phần năm dân số, vào năm 1851, con số những người sống “đạo ly khai” đông hơn những người giữ “đạo Tin Lành Anh”.
Giáo hội Anh không phải không tiếp nhận phong trào canh tân. Bối cảnh sống cùa hàng giáo sĩ Anh giáo vào đầu thế kỷ, không nêu cao gương đạo đức: vắng mặt thường xuyên, lợi lộc chồng chất, chính sách gia đình trị như ở Pháp dưới chính thể cũ. Những chức vụ nhàn rỗi thường dùng để bổ nhiệm những người con thứ của giai cấp đại tư sản, những kẻ ủng hộ trung thành của đảng Tory, và tôn giáo của những người đi săn và nghiện rượu ấy, có khuynh hướng tan loãng trong một thứ luân lý từ thiện mơ hồ. Những người đầu tiên có phản ứng chống lại là những người đời: nhóm Clapham, với Wilberforce và Hannah More, phong trào gọi là Evangélique do ở đó mà ra, và nhóm ”Phalange de Hackney, với Joshua Watson, một người buôn rượu trước kia. Chẳng bao lâu nhiều giáo sĩ Anh giáo đã hoạt động theo trào lưu đổi mới. Khả năng và thế giá của họ dần dần đưa họ đến những chức vụ quan trọng nhất của Giáo Hội, chẳng hạn John Sumner, vào năm 1848, được bổ nhiệm làm giáo trưởng ở Cantorbery, và trong 19 năm làm giám mục ở Chester, đã dựng lên 232 nhà thờ mới. Những trung tâm huấn luyện về thần học cho những người chuẩn bị vào các dòng, việc xuất bản sách báo tôn giáo, việc mở trường học ngày chủ nhật, các công trình từ thiện và tông đồ được chia ra nhiều ngành một cách khéo léo, chứng tỏ tinh thần mới đã làm tan vỡ thói quen lâu đời. Người ta đã có thể nhận xét rằng nếu Tin lành giáo Ðức đã đứng đầu phong trào trí thức lúc bấy giờ, thì trong lĩnh vực những công trình xã hội, người Anh thực tiễn hơn và phải đương đầu trực tiếp với những hậu quả của cuộc cách mạng kỹ nghệ hơn, đã thường có những sáng kiến độc đáo hơn hết và dồi dào hơn hết cho tương lai.
Không gì có thể lay chuyển được sự nghiệp của một nhóm giáo sĩ ngụ trú trong thành trì trí thức của Anh giáo là đại học Oxford. Giống như Lamennais ở Pháp, vào cùng thời, và với nhiều lý do hơn Lamennais, người ta than phiền về việc Nhà Nước xen vào trong lãnh vực tôn giáo quá nhiều. Sau 1830, có sự hăm dọa “sẽ có một sự cải cách áp đặt từ bên ngoài, do một chính phủ tự do”. Sự hăm doạ này đã gây nên một phản ứng mạnh: Giáo Hội phải tự đổi mới bằng cách tự giải phóng khỏi sự chi phối của Nhà nước. Ðó là đề tài bài giảng của John Keble, ngày 24.7.1833, đã làm chuyển động phong trào. Linh hồn của phong trào sẽ là Henry Newman, một người giảng dạy ở trường Oriel. Với vài người bạn, ông đem hết tâm huyết viết một loạt bài được phổ biến trong hàng giáo sĩ và gây sự chú ý của dư luận và báo chí. Như vậy, Newmann phải tìm hiểu kỹ càng hơn các Thượng phụ của Giáo hội, cũng như những nhà thần học Anh giáo vào tiền bán thế kỷ XVIII. Từ sự nghiên cứu đó thuyết Via Media ra đời: Ngay giữa đạo Tin Lành người ta đã đọan tuyệt với sự kế nghiệp các vị Tông Ðồ, riêng Giáo Hội La tinh còn bảo tồn sự kế nghiệp ấy nhưng bị lệch lạc vì những sự đổi mới đáng trách. Anh giáo là kẻ thừa kế thật sự của Giáo hội nguyên thủy và Giáo hội Trung cổ. Một quan điểm như vậy tự nhiên làm cho Newmann càng ngày càng quay về nguồn gốc của Kitô giáo. Và ông khám phá ra ở đó, với nhiều lo âu, tầm quan trọng của nguyên tắc công giáo mà thánh Augustin đã tỏ bày trong câu “Securus judicat orbis terrarum” (Trái đất yên hàn phán quyết). Như vậy, không phải đặc tính cổ đại của một truyền thống, cũng không phải sự kế nghiệp các Tông Ðồ bảo đảm cho những người tự tách rời ra khỏi tập thể Kitô giáo khỏi vấp phạm những sai lầm. Dù vậy, Newmann còn quá gắn bó với Giáo Hội Anh đến nỗi ông không chịu rút ra hết những thành quả ông đã khám phá ra. Ðáng lẽ chấp nhận rằng Anh giáo đã có thể bị sai lầm, ông lại cố chứng minh rằng Giáo hội ấy luôn luôn trung thành với giáo lý chung của Giáo Hội Công Giáo. Tờ báo số 90 của ông, xuất bản vào tháng 2 năm 1841, ông cố gắng chứng minh rằng 39 điều khoản của văn kiện năm 1571 - từ ngữ đích thực của Anh giáo - không xa những quan điểm của Giáo hội La tinh là bao nhiêu, không giống như người ta tưởng. Lần này ông đã đi quá giới hạn! Ở Oxford, hàng giáo sĩ Anh giáo rầm rộ lên tiếng bài bác. Newmann bị giám mục của ông cảnh cáo, phải chấm dứt việc xuất bản những bài bút chiến.
Ngay lúc ấy xảy ra một việc gây bối rối: Tổng giám mục ở Cantorbery đặt một giám mục Anh giáo ở Jérusalem, vị giám mục này có quyền tài phán trên tất cả những người theo Tin lành. Như vậy, trong khi từ chối Giáo Hội Công Giáo, Giáo hội Anh lại chấp nhận kết hợp với những Giáo hội mà giáo lý mâu thuẩn hiển nhiên với giáo lý của mình. Newmann phản kháng công khai, và lui về Littlemore, vùng phụ thuộc của giáo xứ Saint-Mary ở Oxford để suy nghĩ và cầu nguyện trong thầm lặng. Dần dần những chướng ngại trên đường tiến về Giáo Hội Rome bị tan biến. Những điều mà công đồng Trente thêm vào những tín điều của Giáo Hội nguyên thủy, và Newmann đã từng chỉ trích, đã được ông nhìn với một ánh sáng mới: Giáo hội xác định và phát triển dần dần những gì đã được ký thác cho mình, theo những qui luật chính yếu của đời sống, không phải là chuyện bình thường sao? Không phải đó là dấu hiệu của Thiên Chúa sao? Như vậy, những suy tưởng của Newmann theo kịp những suy tưởng của Mohler, và ông trình bày ra, vào năm 1845, trong tác phẩm Essay on the Development of Christian Doctrine, (Tiểu luận về sự phát triển của giáo lý Kitô giáo). Trong khi chờ đợi, vào tháng 2.1843, ông xuất bản một tác phẩm chối bỏ tất cả những lời buộc tội mà ông đã thốt ra chống lại Rome, và ông từ bỏ giáo xứ Saint-Mary, đồng thời trút bỏ hết các chức vụ giáo sĩ. Còn phải hai năm sống trong sự chờ đợi, ngờ vực, tàn lụn, để cuối cùng ông quả quyết không lùi bước: vào tháng 10.1845, ông từ bỏ chức vụ giảng dạy ở Oriel, và vài ngày sau, ông tuyên bố từ bỏ Anh giáo trong tay một tu sĩ dòng Thương khó, mà ông đã mời đến Littlemore.
Ở đây, chúng ta không có phận sự nói đến những gì mà Newmann đã đem lại cho tư tưởng công giáo. Trái với hy vọng của Wiseman, sự trở lại của ông không kéo theo nhiều phần tử ưu tú của Anh giáo trở về với Giáo Hội Công Giáo. Nếu gương của ông sẽ được một số người theo, trong đám những người ấy có Henry Manning, tổng giám mục Công giáo tương lai ở Westminster và hai người con của Wilberforce, thì ngược lại những người chủ chốt lỗi lạc của phong trào Oxford, John Keble, Edward Pusey, Charles Mariott và đa số các bạn của họ vẫn trung thành với Anh giáo. Những điều giảng dạy của họ sẽ đem lại trong phụng vụ và trong sự sùng đạo của Anh giáo nhiều nét độc đáo cho đến lúc bị bài xích là “quá thiên giáo hoàng”: việc lưu giữ Thánh Thể, việc rước lễ thường xuyên, sự xưng tội nghe được, việc thờ Ðức Mẹ và các Thánh, sự dùng đèn nến, hương, nước phép, áo lễ, và những đồ trang trí phụng vụ lộng lẫy. Như vậy, vừa làm hài lòng một số giáo sĩ và giáo dân vừa phục hồi bộ mặt của Anh giáo trước phong trào cải cách. Rốt cuộc phong trào Oxford ngăn cản hơn là cổ động cho nhiều người trở về với Giáo Hội Roma. Người ta cũng lấy làm tiếc: các cuộc tranh luận đã làm cho nhiều đầu óc lỗi lạc quá chú tâm đến những điểm tế nhị về lịch sử tín điều hay đến những cải cách phụng vụ hơn là hướng họ về những điểm cơ bản: làm thế nào để sứ điệp Kitô giáo thích hợp với xã hội kỹ nghệ hóa mới!.