CHƯƠNG II
QUYỀN CHỨC VÀ QUỐC GIA CỦA
GIÁO HOÀNG TỪ 1814 TỚI 1846.
CHƯƠNG II
QUYỀN CHỨC VÀ QUỐC GIA CỦA
GIÁO HOÀNG TỪ 1814 TỚI 1846.
Cuộc thắng trận ngày 24 tháng 5 năm 1814 không có nghĩa là khôi phục toàn bộ quốc gia của Giáo hội. Chắc chắn mọi người công nhận rằng sự độc lập tinh thần của chức vị Giáo hoàng liên hệ với chủ quyền trần thế. Nhưng đàng khác, những người thắng trận không hề có ý thiết định lại bản đồ Âu châu như trước năm 1792. Nước Áo có thể nghĩ rằng: phải giữ lãnh thổ của những Công Sứ Tòa thánh, lý do vì phần đất ấy đã bị chiếm trên lãnh thổ Pháp, và Pháp đã chiếm cứ lãnh thổ đó theo hòa ước ký với Giáo hoàng năm 1797. Ðể tiếp tục chiếm giữ vùng Marches, vua thành Naples đã nhắc tới lời hứa tích cực hàm ngụ trong hòa ước ông đã ký ngày 11 tháng giêng năm 1794 với nước Áo. Nước Pháp không thể trù liệu trong một lúc trả lại vùng đất trái độn của công tước Venassin, sát nhập từ 22 năm do lời giao ước của dân chúng. Ðức Pie VII rất ý thức về nguy hại này, nên đã không đợi tới khi về lại Roma mới vận động. Từ Cesena, ngày 6 tháng 5 năm 1814, ngài đã phái tới Paris đức cha Annibal della Genga, sau là giáo hoàng Léon XII. Chính Consalvi đã theo sát ông này. Ngày 2 tháng 6, tới thủ đô Pháp, ngài rụng rời thấy rằng Della Genga, đã không tới kịp thời để nêu lên những đòi hỏi của Tòa Thánh trong những cuộc thảo luận giữa các nước đồng minh, nên hậu quả tai hại là ngày 30 tháng 5, hòa ước Paris được ký kết nhìn nhận nước Pháp có chủ quyền trên công thổ Venaissin và Avignon.
Consalvi trách cứ người bất hạnh Della Genga và trao phó cho ông trách nhiệm cứu vãn lại tình thế. Trong khi chờ đợi khai mạc hội nghị dự trù tại Vienne, ông qua Londres để thảo luận sơ bộ với những lãnh chúa và các tùy viên của họ mà ông hoàng Régent đã mời. Những cuộc thảo luận này xác nhận những lo âu của Consalvi. Ðiều nghịch thường là chỉ có nước Anh, lực lượng tin lành, xem như thuận chiều đối với Tòa Thánh. Cũng tại Vienne, bắt đầu từ tháng 9 năm 1814 Consalvi đã phải đương đầu với một cuộc đấu tranh ngoại giao vất vả, trong khi khoa trương những nguyên tắc đẹp, những kẻ chiến thắng đã quyết định theo tham vọng của họ. May cho Tòa Thánh, những tham vọng đụng độ nhau. Thí dụ cả hai nước Pháp và Anh đều không muốn nước Áo thống trị toàn thể lãnh thổ Ý. Cũng may: quos vult perdere Jupiter... Chính ông Murat đã điên khùng đề nghị một giải pháp cho vấn đề Marches. Ðược tin Napoléon đã trở về vào tháng 3 năm 1815, ông chủ trương cắm cờ của ông trên toàn lãnh thổ Ý. Ðức Pie VII bị đe dọa tại thủ đô, đã tạm thời lánh nạn tại Gênes. Ngài đã nói với vị đại sứ của Louis XVIII: ”Ðừng nghi ngờ gì cả. Ðó chỉ là vấn đề trong vòng ba tháng”, và ngài đã bịt tai trước tất cả những lời kêu gọi của Napoléon từ Paris gởi tới. Ngay cả trước Waterloo, số phận của Murat được giải quyết bằng những vũ khí của Áo, và từ ngày 7 tháng 6 Ðức Pie VII đã trở về Roma. Việc chỉnh lý của Napoléon tại Ý cho phép nhà Bourbons phục hồi ngai vị tại Naples, và những người này không có lý do gì phản kháng Tòa Thánh về việc chiếm cứ các tỉnh một cách trái phép.
Về các địa hạt công sứ Tòa Thánh là phần giàu có nhất của tài sản Giáo Hội, vị trí của Consalvi theo pháp luật rất yếu do hòa ước Tolentinô. Rốt cuộc, người ta chấp nhận rằng những lãnh thổ chưa trả lại, sẽ phải trả lại cho Ðức Giáo Hoàng theo hai điều kiện: nước Áo giữ lại những tỉnh phía Bắc sông Pô, lãnh thổ mà Áo đã sát nhập vào vương quốc Lombardo - Venitien, tùy thuộc quyền bính của nhà Hasbourg; Giáo hoàng sẽ trả công thổ Venaissin cho Pháp và chỉ phản đối cho có lệ.
Consalvi hãnh diện về các kết quả đã đạt được. Nếu Tòa Thánh tỏ ra yếu kém trước những nhà thương thuyết tài giỏi, thì sự tái lập nước Ðức Giáo Hoàng đã gia tăng sức mạnh tinh thần mà quốc gia này là biểu hiện.
Trong khi Consalvi cố gắng phục hồi quốc gia cho Giáo Hội, thì hành chánh sách của Giáo hoàng ngay tại Roma, lại cung cấp những luận chứng cho những người muốn loại bỏ nước giáo hoàng: Vị thư lại Rivarola được bổ nhậm để tái tạo thẩm quyền giáo hoàng trước khi ngài tới; đồng thời hồng y Pacca, đại diện thư ký Tòa Thánh, trong thời gian Consalvi vắng mặt, muốn xóa bỏ tận gốc chính thể Napoléon. Sắc lệnh đầu tiên của Rivarola (ngày 13 tháng 5 năm 1814) bãi bỏ tất cả các luật lệ của Pháp và bộ luật của Napoléon phục hồi lại luật lệ cũ và sắc lệnh của Giáo hoàng, đồng thời gạt bỏ quyền chức của tất cả các thẩm phán dân sự và hình sự. Những vụ kiện đang dở dang lại trở về tình trạng cũ của năm 1808; người ta duyệt lại những quyết định của các tòa án Pháp. Vào những tháng tiếp theo, bộ Thánh vụ được sửa đổi, thẩm cứu hơn 700 vụ rối đạo, ngang nhiên đánh vạ tuyệt thông tất cả những bản văn chính trị. Những hộ tịch được trao cho hàng giáo sĩ, những vụ bán tài sản của Giáo Hội bị hủy bỏ, các dòng tu được phục hồi. Phong trào phản cách mạng đã tới mức điên khùng: các hệ thống đèn thành phố, thuốc chủng, những luật lệ chống ăn xin, đều bị phế bỏ vì bị coi là xấu xa và nguy hại.
Dân chúng yêu cầu trừng trị những người đã cộng tác với chính quyền tiếm vị, nhưng với lòng nhân hậu tự nhiên, đức Pie VII xoa dịu các mối gay gắt bằng một sắc lệnh ân xá ra ngày 27 tháng 7 năm 1814. Trên 900 người bị cầm tù trong thời gian đầu, 600 người được tha ngay. Nhưng tất cả những ai đã tuyên thệ với Napoléon đều bị giải nhiệm và mất mọi ân huệ.
Consalvi lo âu về những biện pháp cứng rắn trên có tiếng đồn đại ra ngoại quốc, làm ngài gặp thêm khó khăn trong khi thương thuyết với các quốc vương đồng minh. Trong thư gửi cho Pacca, ngài yêu cầu nên có thái độ ôn hòa. Thái độ ôn hòa này còn cần thiết hơn để tái lập quyền bính giáo hoàng tại các tỉnh miền Bắc, nơi đây từ gần 20 năm đã nhìn nhận một thể chế khác. Ngày 12 tháng năm 1815 đức Consalvi đã viết như sau: “Nếu không đi đúng đường thì những quốc gia đã lấy lại được sẽ không tồn tại hơn sáu tháng... Tôi có ý nói là không thể thành lập một chính quyền vĩnh viễn giống như ngày trước, mà cần phải có một chính phủ lâm thời ...” (1).
Với quan điểm sáng suốt này, đức Consalvi đã thắng thế khi trở về Roma. Ngày 6 tháng 7 năm 1815, ngài ra sắc lệnh điều chỉnh tạm thời số phận những tỉnh mà nước Áo phải trả lại cho Tòa Thánh theo quyết định ở Vienne. Ngài bình tĩnh, không tỏ vẻ khó chịu khi nước Aó chậm trễ trả lại và còn đòi tiền bồi thường.
Tuy nhiên không thể để hai chính thể khác nhau song hành trong một lãnh vực quốc gia giáo hoàng. Sau nhiều hiệu chính tỉ mỉ, ngày 6 tháng 7 năm 1816, Ðức Giáo hoàng công bố một tự sắc, xác định một tình trạng cố định cho các quốc gia của Giáo Hội. Ở đây, chúng ta không thể đi vào chi tiết trong các khía cạnh hành chánh, luật pháp, kinh tế và guồng máy chính quyền Tòa Thánh. Sau nhiều thế kỷ sống dưới chế độ bảo trợ, quốc gia giáo hội trở thành một nước có tổ chức chặt chẽ, thống nhất và tập trung quyền bính. Vào những năm kế tiếp, công cuộc này còn được bổ túc bởi nhiều hoạt động khác.
Dù sao người ta cũng lưu ý (2) rằng, trong phần dân luật, nhất là trong những khoản hình luật tự sắc xem ra còn nặng lòng với những quan niệm và tập quán đã lỗi thời. Nhất là Ðức hồng y đã không nghe hoặc không dám theo lời khuyên của những người ao ước phải lợi dụng thời cơ để tách biệt hẳn đường lối giảng dạy tinh thần của Giáo Hội với chính quyền thế tục. Như vậy, những nhiệm sở cao cấp của hành chánh dân sự chỉ dành cho các giáo sĩ.
Trong khi cố gắng củng cố và canh tân quốc gia này, đức Consalvi đã một trật đương đầu với những kẻ thù nội bộ và với những tham vọng ngoại bang. Hai vấn đề luôn liên đới với nhau, vì nếu thiếu quyền lực riêng để bảo vệ nền an ninh nội bộ, chính quyền giáo hoàng sẽ rơi vào sự bảo hộ nhục nhã của vua Áo.
Cách mạng và lối thống trị của Napoléon đã để lại đằng sau vô kể những cá nhân nghịch thù với ”chính quyền linh mục”. Những yếu tố này phát xuất từ giai cấp quân đội và trưởng giả, đôi khi từ nhóm quý phái. Họ không phải chỉ là những người bất mãn thông thường vì nuối tiếc những chỗ làm và danh dự, nhưng còn là những người lý tưởng, mong muốn một nước Ý thống nhất, độc lập và tự do. Vì thiếu khả năng biểu lộ rõ rệt, họ thành lập những tiểu tổ bí mật, có những hệ thống chằng chịt khắp nước Ý. Ðặc biệt là trường hợp của nhóm người Carbonari, gốc tích tự vương quốc Naples. Trong khi chờ đợi phát động một cuộc nổi dậy thật sự, họ tổ chức ám sát các công chức của giáo hoàng hoặc những người phản bội họ. Các thẩm phán lo sợ không dám trừng trị tội phạm, và chính cảnh sát bị đầu độc cũng giả điếc làm ngơ. Chính quyền Áo, trong khi phải chống lại các bè phái trong vương triều Lombardo-Venitien, tỏ vẻ lo lắng về những mưu phản trong quốc gia giáo hoàng không bị trừng phạt, cũng làm bộ can thiệp đàn áp qua loa. Ðức hồng y Spina sứ thần tại Bologne, nghi ngờ chính quyền Áo muốn bí mật ủng hộ biến động cách mạng trong vùng để có cớ lấn chiếm các tỉnh mới này.
Tuy không đi xa như vậy, Mettenwich đã ước mong rằng chính quyền giáo hoàng liên kết tích cực hơn với liên bang các lực lượng bảo thủ. Nhưng Consalvi đã quyết định duy trì quyền bính của Tòa Thánh trên tất cả những tranh chấp chính trị của thời đại. Cuộc cách mạng năm 1820 làm khó dễ chính sách mập mờ này. Cuộc nổi dậy của người Carbonaristes trong vương quốc Naples, đã thành lập một chính phủ đòi hỏi phải cho người dân quyền tự do thiết lập và hoạt động theo đảng phái. Các cường quốc họp nhau tại hội nghị Troppau, sau đó chuyển về Layback, trao phó cho quân đội Áo nhiệm vụ dẹp loạn. Ðể làm công việc này, quân đội Áo phải đi qua quốc gia giáo hoàng, Consalvi không thể chống đối việc này, nhưng ngài tuyên bố lớn tiếng là giáo hoàng trung lập. Tại hội nghị Layback rồi tại hội nghị Verone, đức hồng y Spina đại diện Tòa Thánh góp phần đẩy lui những dự định của thủ tướng nước Áo, tạo nên một loại bàn giấy cảnh sát trung ương cho các quốc gia Ý. Ðó là một hình thức khai mào nền đô hộ Áo trên toàn lãnh thổ bán đảo.
Người ta chỉ có một ý tưởng phiếm diện về hành động của vị nguyên thủ quốc gia vĩ đại, nếu người ta chỉ cứu xét những khía cạnh chính trị và hành chánh. Cái nhìn của ngài vượt ra ngoài biên giới: nghĩa là ngài bảo vệ, củng cố tình trạng Giáo Hội trong những quốc gia mà Giáo hội hiện diện. Nhiệm vụ vô cùng phức tạp, hoàn cảnh rất khác nhau. Ðiều này sẽ được nghiên cứu trong các chương tới, và ở đây chỉ nói tới tinh thần của nhiệm vụ này. Cũng như tại khắp nơi, Consalvi tỏ ra thấu hiểu các thực tại, không do dự nhìn nhận những sự kiện đã hoàn tất, cương quyết bảo vệ những nguyên tắc: nhượng bộ trước những đòi hỏi của nhà vua tại các quốc gia, hy sinh những tư sản mà Giáo Hội đã bị mất tại các nơi, miễn là hàng giáo sĩ được tiếp tục hành sự. Nhưng ngài luôn thức tỉnh để đừng đồng hóa việc tái thiết tôn giáo với phong trào phản cách mạng chính trị.
Trong nhiệm vụ này, khi trở về Roma, đức Quốc vụ khanh được Thánh bộ Giáo vụ giúp đỡ. Thánh bộ này do đức Pie VII thiết lập. nói là 'được giúp đỡ', nhưng thực tế là 'bị làm khó dễ', vì giữa những anh em hồng y đoàn, họa hiếm mới có người hiểu được sách lược của ngài. Nhiều vị cho rằng: phải nhượng bộ và bồi thường hầu cứu vãn tình thế là mù quáng hay nói cho đúng hơn là điên khờ, ”điên khờ hơn là người ta có thể hiểu được”. Như Mittervich đã viết (3): đa số các hồng y chỉ nhìn thấy cải tổ bằng những nhượng bộ thì chỉ ích lợi cho tinh thần ma quái của thuyết tự do mà thôi. Tà ý của họ còn được tăng cường bởi những tình cảm tự ái bị tổn thương. Thật vậy, Consalvi đã không che giấu nổi những khó chịu về những cảm nghĩ và chính sách của các hồng y ấy. Sau những hồng y 'Zelanti' này, còn thêm một số đông chính khách bất mãn và nuối tiếc cái thời kỳ hiến chế bị đảo lộn và đòi sống buông thả để tha hồ cướp bóc. Bị bao vây trong cảnh hiềm khích, nhất là khi thấy các cộng sự viên chống đối thụ động, nếu chưa phải là chủ tâm phá hoại, đức Consalvi sau cùng đã tự quyết định lấy mọi công việc kể từ các chi tiết nhỏ. Vì làm việc quá nhiều, sức khỏe của ngài bị thương tổn. Ðiều đó cũng làm cho một vài người than phiền về tính chất chuyên chế của ngài.
Tuy nhiên, đức Consalvi luôn được đức giáo hoàng tín nhiệm. Ðó là sức mạnh cho phép ngài thắng vượt mọi khó khăn. Ðức Pie VII yếu nhược vì thử thách, chỉ còn như một chiếc bóng, nên phần lớn hoạt động của Ngài thu vén vào những phạm vi có tính cách tiêu biểu của chức vụ và vào công việc chỉnh trang thủ đô mà thôi. Thật vậy, lúc về già, nơi vị tu sĩ tốt lành này, tuy sống rất khắc khổ, lại nổi hứng ham thích nghệ thuật thời Phục Hưng của thế kỷ XVIII, thời đại xây cất và khảo cổ. Nhiều vị tiền nhiệm cũng đã lấy nghệ thuật làm nguồn giải trí. Ðức Pie VII ra lệnh tiến hành việc đào bới tại Forum và Ostie. Hí trường Colisée cũng được khai quật và trùng tu lại, những ngôi thánh đường thêm đẹp đẽ, những bảo tàng viện và thư viện được mở rộng và thêm phong phú. Về việc cai trị các quốc gia và cả Giáo hội, ngài yên trí phó thác mọi sự cho các bộ trưởng tài giỏi, luôn làm ngài hài lòng. Chỉ có một việc ngài bận tâm đặc biệt, là tuyển chọn giám mục.
Ngày 6 tháng 7 năm 1823, khi sắp tới 81 tuổi, vị giáo hoàng già nua bị té trong phòng và bị gãy xương hông. Chẳng bao lâu, những người thân cận biết rõ ràng ngài không thể bình phục. Thật vậy, ngài đã từ trần ngày 20 tháng 8 năm 1823. Theo nhiều người, triều đại ngài quá lâu dài và cái chết của ngài thay vì khêu gợi sầu thảm, lại đã gợi lên nơi hàng giáo sĩ Roma “một niềm vui có thể nói là tàn bạo” (4). Hậu lai sẽ công bằng hơn. So sánh tình trạng nhục nhã và sự rã rời của Giáo Hội khi đức Pie VII lên nhậm chức với tình trạng ngài đã để lại, thì thấy ngôi giáo hoàng được củng cố và sống động hơn, quy tụ chung quanh ngai tòa Roma; đàng khác, Giáo Hội được kính trọng và đã gây được uy thế như chưa từng thấy từ cuối thời trung cổ; người ta cũng nhận ra là cái triều đại hai mươi bốn năm này đã trải qua nhiều tủi nhục khác thường, đó là một trong những điểm chính yếu và ý nghĩa nhất của lịch sử.
Mật nghị mở ngày 2 tháng 9 năm 1823, tại lâu đài Quirinal, tương đối ngắn gọn. Tuy nhiên không phải không có những đột biến. Theo tất cả các quan sát viên thì lúc phe Zelanti mạnh hơn về số lượng, họ cố đưa ra một ứng viên vốn chống lại chính sách của Consalvi trong mọi phương diện: “Tinh thần nổi bật của mật hội là tham vọng, thiên kiến, oán ghét, hận thù... Xỉ nhục hồng y Consalvi, hủy bỏ mọi việc ngài đã làm, có thể nói đó là cái giá người ta đòi về chức vụ giáo hoàng” (5). Thế nhưng chính quyền của các lực lượng công giáo lớn, nhất là chính quyền Áo và Pháp, lại ước mong có được một giáo hoàng tiếp tục chính sách hòa giải và ôn hòa của vị quốc vụ khanh cũ. Metternich thương lượng với các đồng nghiệp ngoại quốc để lập một “nhóm mũ miện”, tức là với các hồng y Pháp, Naples, Tây Ban Nha và quận Piemont cùng một số người Roma trung thành với Consalvi. Nhưng sau những lần bỏ phiếu đầu, “nhóm mũ miện” tan rã vì chống đối với Áo, mấy hồng y Naples và Piemont từ chối không theo chỉ thị của hồng y Albani là người được hoàng đế Áo ủy quyền tại mật hội. Vì thế, trong những lần bầu phiếu từ ngày 17 đến 21 tháng 9, ứng viên của phái Zelanti là hồng y Severoli, đạt được nhiều phiếu đến nỗi người ta tưởng ngài chắc chắn sẽ được bầu. Trong những ứng viên có khả năng, ngài lại là vị nước Áo sợ nhất, nên Albani quyết định dùng quyền phủ định nhân danh Hoàng đế Áo. Phe Zelanti rất tức giận, nhưng Severoli, người gan lì, cám ơn hoàng đế Áo đã giúp ngài tránh được trách nhiệm nặng nề, và dựa theo lời yêu cầu của những người về phe, ngài xin dồn phiếu cho hồng y Delle Genga. Tinh thần độc lập công khai của ngài đối với nước Áo đã được chấp nhận, tình trạng sức khỏe bấp bênh của ngài đòi phải có một mật nghị ngắn gọn. Người ta nói rằng ngài đã nhận 17 lần bí tích bệnh nhân. Dầu vậy người ta đã dồn phiếu cho Delle Genga. Và ngày 28 tháng 9 vị này được chọn và lấy tên là giáo hoàng Léon XII.
Giáo triều của đức Annibal Della Genga chói sáng lúc ban đầu, sau đó gặp một chuỗi rủi ro. Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1760, gần Spolète, trong một gia đình thuộc dòng tộc Médicis, khi còn là thanh niên ngài đã được gia nhập hàn lâm viện Roma của những giáo sĩ quý phái. Ðức Pie VII cưng chiều ngài và đã đưa ngài rất mau lẹ lên những địa vị cao. Năm 1794 được phong tổng giám mục Tyr và được bổ làm sứ thần tại Cologne, từ lúc này và tới năm 1807 hầu như liên tục ngài được ủy thác những sứ vụ nơi các triều đình khác nhau tại Ðức, cũng như tại các hội nghị chính trị tại Rastatt (1799) và tại Ratisbonne (1807). Vì nhiều hoàn cảnh, tất cả các hoạt động của ngài xét chung không đem lại kết quả gì, sau cùng bị sa thải với lệnh của Napoléon. Ðức Della Genga rút lui về tu viện Monticelle, gần Spolète. Ðức Pie VII hồi hương vào năm 1814, cho phép ngài hoạt động lại. Giáo Hoàng cử ngài qua Paris để bái yết vua Louis XVIII và bênh vực quyền lợi của giáo hoàng trước các nước đồng minh. Người ta biết điều đã xẩy tới cho sứ mạng bất hạnh này (6). Della Genga trở về hưu trí, lâm bịnh vì buồn nản. Ðể an ủi và khích lệ, đức Pie VII thăng ngài lên chức hồng y và giám mục Sinigaglia, năm 1816, sau cùng giáo hoàng lại triệu ngài về Roma năm 1820, thăng ngài chức hồng y trưởng và thành viên của nhiều thánh bộ.
Ðức giáo hoàng mới 63 tuổi, xem ra yếu sức và mệt mỏi. Một thân vóc cao lớn, với những dáng điệu trưởng giả tinh tế, vẻ mặt “đồng thời vừa trong sáng, vừa u buồn” (Chateaubriand) tạo nên một phong cách oai nghi. Nếu trong thời thanh niên, ngài có nhiều năng khiếu trần tục nhất là thú săn bắn, thì bệnh tật và cái chết luôn hiện hình đã đưa ngài tới một đời sống siêu thoát khắc khổ.
Những hoạt động đầu tiên của ngài dường như đúng với câu phương ngôn Roma: “La regola di ogni Papa è il rovescio di quella del suo predecessore” (Quy luật của mỗi giáo hoàng là phải làm ngược lại quy luật của vị tiền nhiệm). Vậy để ghi dấu sự đoạn tuyệt, Ðức Léon XII đã rời nhiệm sở giáo hoàng từ Quirinal về Vatican. Consalvi bị cách chức không nể nang, lui về biệt thự riêng tại Porto d'Anzio, và giáo hoàng chọn hồng y Giulio Maria Della Sonaglia thay thế. Ðây một cụ già 80 tuổi, rườm rà và do dự, hình như không có tước hiệu nào khác hơn là chức cao quyền trọng ngài đã đợi trông từ lâu. Hơn nữa, một trận mưa ân sủng xuống làm nguôi dịu những người lớn nhỏ của giáo triều, những người cho rằng đã đau khổ vì “bạo chúa” Consalvi.
Ðể tán tụng đức Léon XII, phải thêm rằng ngài đã không trì hoãn tưởng thưởng người có công lớn phục vụ Giáo Hội. Cuối năm 1823, tình trạng sức khỏe của đức giáo hoàng trở nên trầm trọng, do một ý nghĩ bất ngờ, ngài triệu tới gần ngài một cựu bộ trưởng của đức Pie VII, cũng đang bệnh nặng. Trong một cuộc nói truyện dài, Consalvi đã trao tặng giáo hoàng một bài học lớn về chính trị. Ðức Léon XII bày tỏ công khai sự ái mộ của ngài và xin đức Consalvi đảm nhiệm chức bộ trưởng Bộ Truyền Giáo. Rủi thay, đức hồng y qua đời vài ngày sau (24.1.1824). Không còn trông cậy vào đức Della Sonaglia, đức Léon XII muốn tự lo lấy nhiều công việc. Do đó, thật là bất hạnh, chính quyền hợp thức bị qua mặt bởi một loại “cận thần lộng quyền” gồm những cộng sự viên hạ cấp. Vào năm 1828 vì quá tuổi tác, đức Della Sonaglia không thể đảm nhiệm chức quốc vụ khanh, đức Léon XII đặt một vị hồng y tương đối còn trẻ, là đức Tommaso Bernitti (1779-1852) thay thế. Vị này đã là một trong những cộng tác viên trung thành nhất về những nguyên tắc hành động của đức Consalvi. Việc này chứng minh sự biến chuyển trong tư tưởng của giáo hoàng. Thật vậy, trong mối tương giao với những lực lượng ngoại quốc, đức Léon XII sau một vài lỡ lầm, đã trở về với chính sách hòa hoãn của Consalvi.
Nhưng tại nội tâm, luồng gió phản động đã biến thành giông bão trên mọi cấu trúc của giáo triều và của quốc gia giáo hội. Trên nhiều điểm, nhất là trong tổ chức tòa án và những luật lệ về tố tụng, người ta trở lại tình trạng trước năm 1800. Sự lẫn lộn giữa quyền dân sự và quyền tôn giáo, mà đức Consalvi đã muốn tránh, được lập lại một phần. Một chuỗi sắc lệnh cải tổ theo sáng kiến của đức giáo hoàng đương kim đang bị tử thần ngấp nghé, đã được ban hành dồn dập như muốn chạy đua với thời gian. Người ta tán tụng nhiệt huyết của giáo hoàng, cho dù đôi khi thấy ngài như không còn đủ minh mẫn. Thí dụ, nếu hạnh phúc của dân đã thúc đẩy ngài hủy bỏ hay giảm bớt nhiều khoản thuế, thì chính sự quảng đại này mau gây nên những khó khăn cho ngân sách. Ðức Léon XII lấy làm vinh dự tiếp tục công việc chỉnh trang thành phố Roma, sự nghiệp của đấng tiên nhiệm. Lòng quảng đại của ngài không giới hạn khi nói về việc nâng đỡ những công cuộc cứu trợ hoặc tạo lập những hình thức từ thiện khác.
Trong lãnh vực luân lý, nhiệt khí của đức Léon XII đôi khi vượt quá mục đích của ngài. Tư tưởng nung nấu tinh thần ngài thực ra là tốt như ngài đã bày tỏ trong thông điệp đầu tiên ngày 5 tháng 5 năm 1824. Ðiều mà Giáo Hội cần, hơn là một canh tân vật chất, chính là sự đổi mới tinh thần, và điều này buộc các vị chúa chiên phải làm gương. Roma phải thực sự trở nên một thành thánh gương mẫu của Kitô giáo, thay vì như một gương xấu. Khởi điểm của cuộc đổi mới này phải là một năm đại xá (Jubile) hoặc năm thánh. Ðức Léon XII tuyên bố điều này ngày 27 tháng 5 năm 1824, mặc dầu nhiều hồng y chống đối và sợ rằng vấn đề tài chánh quá nặng nề và mối nguy trộm cắp và âm mưu xen vào môi trường hành hương. Năm đại thánh mở vào tháng giêng năm 1825, và không có ngày hội cải trang (carnaval) trong năm này. Thay vì những diễn hành vui nhộn, dân chúng Roma tấp nập tham dự các cuộc rước kiệu sốt sáng và những buổi giảng thuyết bình dân. Ðức giáo hoàng đích thân tham dự, đi chân đất thăm viếng các thánh đường. Chính tay ngài giúp đỡ các khách hành hương. Từng trăm ngàn tín hữu đổ về và theo lời thú nhận của những người chống đối chương trình này, đó là một thành công thực sự. Sau khi bế mạc năm thánh tại Roma, năm đại thánh đã mở rộng cho mọi dân tộc trên khắp thế giới công giáo.
Ðà trớn bên ngoài đã tung ra, đức Léon XII theo đuổi trách vụ này trong chiều sâu bằng cách phái các vị kinh lược có nhiệm vụ cải đổi mọi lạm dụng hoặc trễ nải tại các xứ đạo hoặc các tu viện. Công chức nhà nước và cả công chức của giáo triều phải chịu kiểm soát bí mật của hội “cảnh giác”. Hồng y giám quản tại Roma khuyến khích áp dụng hình phạt giam tù đối với những tín hữu không giữ luật phục sinh; cả những người ngoại quốc trú ngụ tại Roma cũng phải tuân phục những điều luật hiện hành này (7). Ðiều gây ác cảm nhất nơi dân tộc nhỏ bé Roma chính là sắc lệnh thời danh Cancelletti: từ nay các quán ăn không được bán rượu để uống tại chỗ, nhưng chỉ được bán để mang đi qua một cửa nhỏ.
Ðức giáo hoàng cũng nhìn nhận rõ rệt rằng ngài chống lại những người thuộc nhóm “Carbonari”. Ðức hồng y Rivarola được gởi tới Ravenne với quyền đặc biệt truyền bắt 508 thành viên của các hội bí mật, trong số đó có 7 người bị xử tử, 54 người bị kết án khổ sai và 59 người bị giam tù. Những thành viên Carbonari phản kháng bằng cách bí mật ám sát vị thư ký của hồng y. Do đó phát xuất một làn sóng bắt giam và treo cổ mới. Những vụ việc này bị mạng lưới tuyên truyền tự do ở ngoại quốc, nhất là tại Pháp và Anh lợi dụng và thổi phồng lên. Dựa vào đó, các địch thù của Giáo Hội bêu rêu giáo triều Léon XII như một hồi sinh của thuyết ngu dân và chế độ tòa án dị giáo.
Tóm lại, khi ngài qua đời ngày 10 tháng 2 năm 1829, mặc dầu tất cả những điều tốt ngài đã muốn làm, mặc dầu điều ngài đã thực hiện được, đức Léon XII đã bị mang tiếng là thất nhân tâm. Ðó là điều được biểu lộ một cách ngắn gọn trên tấm bia mộ hài hước: “Qui Della Genga giace. Per sua et nostra pace” (Nơi an nghỉ của Della Genga. Ðể cho ngài và cả chúng ta được yên thân!).
Những hồng y đã nhập mật hội ngày 23 tháng 2 năm 1829, chia thành hai phe như năm 1823, cũng lại những người thuộc nhóm Zelanti chiếm đa số. Nhưng lập trường của họ yếu hơn vì bao kinh nghiệm đau đớn mà đức Léon XII đã chịu về những đòi hỏi của họ, và họ thiếu keo sơn hợp nhất hơn khi họ hung hăng chống Consalvi. Trái lại, những người thuộc phe Politicanti được đức Albani hướng dẫn và được nâng đỡ từ bên ngoài bởi các đại sứ của các cường quốc công giáo, tạo thành một khối thiểu số nhưng khá đông để cản ngăn, không cho ứng viên của phe Zelanti là hồng y De Grégoire được số phiếu cần thiết. Sự loại bỏ gián tiếp này đã được thấy rõ qua một vài lần bầu vô hiệu. Người phe Zelanti chịu bầu cho ứng viên đã được đức Albani đề bạt trước, là hồng y Castiglioni, mà theo nhiều người, tình trạng sức khỏe của ngài cũng hứa hẹn một mật nghị mới trong tương lai gần kề.
Ðức Francois Xavier Castiglioni được bầu giáo hoàng ngày 31 tháng 3 năm 1829, nhận danh hiệu là Pie VIII. Sinh ngày 20 tháng 11 năm 1761 tại Cingoli, trong vùng Marches, ngài đã thụ huấn tại đại học Bologne, nơi đây ngài đã lãnh hội được một kiến thức lớn về giáo luật. Ngài đã điều khiển ba địa phận với tư cách là linh mục đại diện, rồi cai trị ba địa phận khác, Montalto, De Cesena và Frascati, với tư cách giám mục. Ở thời Napoléon cấm đạo, vì tính cách cứng rắn trong lời khuyên, can đảm chống đối, ngài đã phải đi lưu đày và bị giam giữ. Vì thế nhiều người nói: Xét về quá khứ của đức Pie VIII thì không ai xứng đáng mang mũ ba tầng hơn ngài. Ðức Pie VII đã nhìn thấy nơi ngài một khả năng kế nghiệp nên đã gọi ngài về Roma năm 1821, đức Consalvi thường hỏi ý kiến ngài và tin tưởng vào ngài như một nhà thương thuyết giỏi. Tại mật nghị năm 1823 ngài đã gần được chọn. Bây giờ, bất hạnh thay, vì yếu sức, ngài không thể đóng vai trò mà người ta có quyền chờ đợi nơi vị nguyên thủ Giáo Hội. Hiển nhiên nhất là vì cái mụn ở cổ, bắt buộc ngài luôn phải nghiêng đầu và quay về một bên; những đau đớn liên tục tạo cho ngài một tính khí bẳn gắt... Thêm vào đó là bộ mặt phụng phịu, đôi má xệ đong đưa, một thiên hướng dễ khóc trước bất cứ một lời nào, người ta hiểu được rằng: do đó dân chúng Roma không mấy nhiệt tình khi đón mừng vị nguyên thủ mới.
Ðức Hồng y Albani được cử làm quốc vụ khanh. Theo lời Standal, mặc dầu 80 tuổi, ngài có tinh thần và hoạt động gấp 3 lần Bernetti. Vị này dễ thương và xa hoa, sắp đặt những công việc trần thế của Tòa Thánh trong tinh thần của Consalvi, và dựa vào nước Áo, coi thường đại sứ của vua Pháp là Chateaubriand. Ngài nhắc lại một vài biện pháp nghiêm khắc nhất của cố giáo hoàng. Tuy nhiên tất cả những phương án đức Albani đề ra để cải thiện hành chánh giáo vụ, không dập tắt được những xáo trộn đang bùng lên của các phe phái được các phong trào cách mạng ngoại quốc khuyến khích.
Còn phần giáo hoàng, ngài tự điều hành các công việc đạo đức, và người ta ngạc nhiên về hoạt động mở rộng của vị giáo hoàng kiệt sức này: ra thông điệp, bổ nhiệm hồng y và giám mục, tán thưởng và khuyến khích các tập thể tu sĩ, phong thánh, những biện pháp cổ động truyền giáo, giảng dạy giáo lý, không một khía cạnh nào thuộc chức vụ Giáo hoàng mà Ðức Pie VIII không đặt dấu tích của ngài, có khi chỉ là tạm thời. Hơn nữa, phải thán phục về tinh thần hòa giải và sự thận trọng của ngài trong những tương giao với các quốc gia bên ngoài, giữa lúc Âu Châu rơi vào cơn sốt cách mạng mới.
Bất hạnh thay, ngài không đủ thời giờ để theo đuổi và kiên vững những hoạt động tốt lành ngài chủ trương. Sự mệt mỏi và những ưu tư về tinh thần trách nhiệm làm trầm trọng thêm chứng bệnh nan y của ngài. Ngài tắt thở ngày 30 tháng 11 năm 1830, sau 20 tháng trị vì.
Một điều phải được soi sáng thêm về những vị Porporati tối cao, khi họ phải giam mình một lần nữa trong Quirinal, ngày 14 tháng 12 năm 1830: đức tân giáo hoàng không thể là một ông già đứng trước cửa mồ như 2 lần mới đây. Những biến chuyển cách mạng đã bắt đầu sôi nổi tại Âu Châu, tình trạng lên men tại các quốc gia Roma đột nhiên trở nên trầm trọng vì chính quyền trống ngôi, đòi hỏi một bàn tay vững chắc và có chương trình hành động liên tục hơn. Tất cả những bận tâm này đã thúc đẩy các cử tri phải hành động mau lẹ. Vậy mà đã phải gần 50 ngày và một trăm lần bỏ phiếu mới đi tới một kết quả. Có điều này nghịch thường là những lần phải tránh né nguy hại người ta lại không tìm đến một giải pháp mau lẹ, như tìm ngưới ngay trong phe Zelanti đang có ưu thế tuyệt đối, và hình như đức Albani đã liên hợp được với họ. Vì tình trạng này, mật hội đã tách ra thành nhiều nhóm, và nhiều tình bằng hữu cá nhân đã lấn át những vấn đề thuộc nguyên tắc. Họ loại bỏ hết ứng cử viên này đến ứng cử viên kia, sau khi bầu không xong một vị. Bấy giờ các phiếu bắt đầu dồn cả cho ứng cử viên tới lúc đó còn lại trên hậu trường, đó là đức hồng y tu sĩ Bartolomeo Alberto tên dòng là Cappellari.
Ngày 2 tháng 2 năm 1831 Ðức Cappellari lên ngôi giáo hoàng. Ngài lấy tên là Grégoire XVI. Sinh ngày 18 tháng 9 năm 1765 tại Bellune, trong lãnh địa Venise. Phần lớn đời ngài đã qua đi trong việc học hành và tu trì ẩn dật, theo luật dòng Camaldule, là ngành tu khắc khổ nhất của dòng thánh Benoit. Ðức Pie VII người đã gọi ngài ra, đặt làm cố vấn cho nhiều thánh bộ, và còn ủy thác cho nhiều sứ mạng. Ðức Léon XII đặt ngài làm hồng y vào tháng 3 năm 1826, rồi cử ngài làm bộ trưởng Bộ Truyền Giáo. Nơi đây người ta thấy ngài là một hình bóng đơn thuần của một tu sĩ tốt lành, không biết các dịch vụ. Chức nghiệp đã tách ngài ra khỏi thế gian, ngài không hề ra khỏi nước Ý và hầu như luôn luôn ở Roma, ngài không nói một ngoại ngữ nào, và không có một tương giao nào với các nguyên thủ quốc gia đương thời. Ngài chỉ biết sách vở, có óc thần học cứng đọng ngài luôn thấy cần tuyên giảng lớn tiếng và cương quyết về chân lý ngàn đời, duy trì những luật cổ truyền của Giáo Hội hơn là phải nghiêng mình nhượng bộ trên những thiên kiến và những yếu đuối của thời đại, để tìm cách thích nghi sứ mạng Phúc Âm.
Về bộ diện bên ngoài, Wiseman (8) và những người viết tiểu sử khác đã khéo đùa nhạo một cách kính cẩn, ám chỉ rằng đức Grégoire XVI có dáng mạo thô kịch, không xinh xắn. Nét nổi bật nhất trên khuôn mặt của ngài là cái mụn biếu gần mũi vừa to vừa có màu sắc đặc biệt làm cho những người chế nhạo bình dân rêu rao rằng: Ðức giáo hoàng có sở thích về rượu ngon. Thực ra đó là hậu quả tai hại của sự lạm dụng hít thuốc lá, khiến cho mũi sưng phồng, mang ít nhiều tính chất ung thư. May thay, mụn biếu mũi này không ảnh hưởng đến sức khỏe và nghị lực tinh thần, vì ngay trong thời gian cuối đời, ông già vẫn to béo khỏe mạnh, không làm mệt các người đồng hành đi dạo, ngài vẫn ngủ trên nệm rơm, vẫn thức dậy từ tinh sương và làm việc đều đặn cả ngày như một tu sĩ.
Cho dù đức Grégoire XVI đã hướng dẫn và theo dõi công việc sát hơn là đức Pie VII, đặc biệt với những cộng tác viên gần gũi như các quốc vụ khanh Bernetti và Lambruschini. Vị trước thi hành chức vụ này dưới triều Léon XII. Khi tiến cử ngài vào chức vụ này, đức Grégoire XVI muốn làm yên lòng các chính quyền ngoại quốc trong khi đặt trước mắt họ một nhân vật đã quen biết và là người được coi như môn đệ của đức Consalvi. Thật vậy, ngài đã thành công bằng cách vo tròn các góc cạnh của vấn đề, giới hạn những lối cứng rắn cần thiết và tránh tất cả vẻ bên ngoài vâng phục chính quyền Vienne. Ðiều đó không hợp với Metternich và những người thuộc phe Zelanti tại Roma. Sự ngờ vực của đức giáo hoàng nổi dậy khi ngài cho rằng vị quốc vụ khanh của ngài có vẻ nhu nhược đối với những người thuộc phái tự do. Tháng 2 năm 1835, ngài hủy bỏ chức điều hành quốc gia Tòa Thánh và đặt ra chức quốc vụ khanh thứ hai để lo nội vụ. Tháng giêng năm 1836, đức Grégoire XVI đặt một bộ trưởng theo ý ngài bằng cách thay thế đức Bernetti bằng đức hồng y Luigi Lambruschini. Vị này tức khắc thiết lập lại quyền kiểm soát trên những vụ việc nội bộ. Ðây là một kiến thức rộng ngài đã đạt được khi làm giáo sư tại đại học của dòng Barnabite, một kinh nghiệm mục vụ khi làm tổng giám mục Gênes từ năm 1819 tới năm 1826, một đường lối của giới ngoại giao khi làm sứ thần tại Paris từ năm 1827 đến 1831, có vẻ qúy phái và lạnh nhạt, một ý chí sắt đá và một sức mạnh hoạt động vĩ đại: đó là những thiên tài mà vị tân quốc vụ khanh đưa ra để phục vụ Giáo Hội. Những xác tín và tính khí của ngài đã đưa ngài tới chỗ chiến đấu thẳng tay, chống lại hậu quả của cuộc cách mạng, thái độ của ngài cũng giống như thái độ của đức giáo hoàng, đã làm cho triều đại của đức Grégoire XVI trở nên một thời phản cách mạng về hết mọi lãnh vực.
Phải thú nhận rằng cây pháo bông dâng làm quà mừng đức giáo hoàng Grégoire XVI ngày nhận chức không làm cho ngài có nhiều ưu ái đối với những hành động của phái tự do. Thực tế, chỉ hai ngày sau khi ngài được bầu lên, ngày 4 tháng 2 năm 1831, một cuộc nổi loạn tại Bologne do phái tự do chủ xướng, đã tước quyền vị đại diện Tòa Thánh, để lập một loại ủy ban hành chánh, và cuộc khởi nghĩa lan rộng trên các vùng Marches, Romagne và chính tại Ombrie. Ðể dẹp loạn, đức Grégoire XVI đã dùng lời thuyết dụ nhưng vô ích, ngài đành kêu gọi quân đội Áo. Trong vài ngày quân đội Áo đã chế ngự được cuộc nổi loạn. Nhưng khi Pháp và Áo tranh chấp nhau như truyền thống, Pháp không chịu đựng được Áo, lấy cớ bảo vệ Tòa Thánh để mở rộng vùng ảnh hưởng của họ trên đất Ý. Trước sự can thiệp quân sự của Áo, Pháp đáp trả bằng một hành động can thiệp chính trị. Pháp đưa sáng kiến mở cuộc họp tại Roma giữa các lực lượng chính yếu của Âu Châu. Hội nghị này thảo ra một Memorandum (Giác thư) về những đề nghị của đức giáo hoàng đưa vào chính phủ của ngài. Ðức Grégoire XVI chỉ chấp nhận một số giải pháp hầu xoa dịu tình thế, và đầu tháng 7 năm 1831 quân đội Áo đã vượt qua biên giới theo lời yêu cầu của đức giáo hoàng.
Hầu như tức khắc sau đó, quân đội Áo lấy lại vùng Romagne. Tháng giêng năm 1832, quân đội Áo trở lại chiếm cứ Bologne. Chính quyền Pháp lúc đó do người hùng Casimir Périer điều khiển, phản ứng bằng cách gởi một đạo quân viễn chinh chiếm hải khẩu Ancône (23 tháng 2). Ðức Grégoire XVI phản kháng mãnh liệt, chống lại việc hãm hại chủ quyền của ngài, những lực lượng khác lăng mạ toàn bộ hành động của Casimir Périer. Thủ tướng Pháp nhượng bộ một chút. Ðể tránh cuộc tranh chấp Âu châu, đức Grégoire chấp thuận sự hiện diện của quân đội Pháp và quyết định là họ phải rời bỏ Ancône ngay khi quân Áo rút khỏi Bologne. Cuộc rút quân song phương này chỉ được thực hiện vào năm 1838.
Còn về những sửa đổi căn bản mà những người phái tự do đã chờ đợi và yêu cầu khi thì bởi nước Pháp khi thì bởi nước Áo, Ðức Grégoire XVI và đức Lambruschini chẳng thèm quan tâm. Theo các ngài, Giáo Hội cần phải có chính phủ để thực hiện sứ mạng thiêng liêng của Tòa Thánh, vì chính phủ bảo đảm chủ quyền trần thế của giáo hoàng, đó là hiện tượng lịch sử đã chấp nhận, và là điều chúa quan phòng; còn tước bỏ một phần chủ quyền này vì lợi ích của dân chúng, bằng cách thiết lập một chính quyền lập hiến theo kiểu thời đại, cũng là một xâm phạm tự do hành động của giáo hoàng như là chấp nhận quyền bảo hộ của Napoléon. Hơn nữa, các ngài chủ trương duy trì bằng mọi giá các tỉnh phía bắc là Marches và La Romagne, vì thiếu những tỉnh này quốc gia của Tòa Thánh sẽ không tồn tại được về kinh tế, và sẽ bị sụp đổ.
Vì quan niệm này đụng chạm tới những nguyện vọng của quốc gia Ý, nên công trình sử liệu đầu tiền của Risorgimento đã cho Ðức Grégoire XVI là hiện thân của thuyết ngu dân và phản cách mạng. Những nghiên cứu mới đây đã điều chỉnh lại bức phiếm họa này. Ðể tuyên dương công trạng của đức Grégoire phải kể đến sự can đảm duy trì nền độc lập của Tòa Thánh trước mọi can thiệp của các lực lượng lớn, trật tự nội bộ được duy trì bằng bất cứ giá nào, lòng ân cần chăm sóc đối với những người bất hạnh đã được thể hiện trong bộ luật cứu trợ duy nhất tại Ý, nhiều đồ án xây cất tốt đẹp cho thủ đô, cải tiến và trang bị xứ sở với một loạt sửa đổi hữu ích về hành chánh, pháp luật và tài chánh.
Cần phải có một cái nhìn quân bình khi xét riêng về công việc đạo đức của đức giáo hoàng, mà những chi tiết sẽ thấy trong những đoạn sau. Chắc chắn đức Grégoire XVI đã cương quyết đứng vào hàng những người bênh vực trật tự đã sẵn có, nhưng ngài cũng cương quyết đòi hỏi những quyền lợi của Giáo Hội trước các quốc gia. Tùy theo nhu cầu, ngài biết chấp nhận những thỏa hiệp, và nhất là trong trường hợp các Cộng Hòa Nam Mỹ, ngài đặt như nguyên tắc, là Giáo Hội phải chấp nhận tất cả những thể chế có thể đứng được cho dù từ cách mạng mà ra và phải điều đình với những người chủ trương các thể chế ấy (9). Nếu ngài kết án Lamenais, Hermes và Bautain, thì ngài lại khoan hồng với Rosmini và ngỏ lời khuyến khích việc phục hưng học thuyết Thomiste. Sau cùng phải nhìn nhận đức Grégoire XVI đã thúc đẩy các công trình truyền giáo ngoại quốc và đồng thời phát triển hàng giáo phẩm công giáo tại khắp nơi trên thế giới.
Thực vậy, tất cả những vụ việc đó không thể ngăn cản sự thoái lui hiển nhiên về quyền lực trần thế. Làm sao có thể giải thích được? những lạm dụng và những khiếm khuyết người ta kêu ca không phải là chuyện mới lạ, trái lại, nhiều điểm đã được sửa đổi từ năm 1815. Ðể chống đối tình trạng hiện hành, có hai yếu tố chủ chốt: một đàng là cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh và xã hội ngầm phá cấu trúc quốc gia, đàng khác là năng động mỗi ngày một gia tăng của các lực lượng cách mạng.
Trong một quốc gia bé nhỏ rộng 41.400 cây số vuông, dân số tăng lên đều, từ 2.354.000 vào năm 1816 đến 3 triệu vào năm 1848, nhưng điều kiện sinh sống lại không tăng theo cùng một tỉ lệ. Nông nghiệp chỉ chiếm 1/3 nhân công, và ưu thế của những điền chủ lớn không ngừng tăng triển, sự kiện quá đông con trong những gia đình ở nông trại và tá điền sắp làm lớn mạnh khối vô sản nông nghiệp đáng thương Braccianti. Thủ công nghiệp mới phát triển ở đầu thế kỷ, nay bắt đầu gặp khó khăn vì những cạnh tranh của các sản phẩm kỹ nghệ tối tân tại Bắc Ý. Ngăn cản cuộc cạnh tranh chỉ có những luật lệ cũ và buôn bán thì bị ngưng trệ bởi quan thuế làm khó dễ. Thuế má quốc gia đè nặng trên các tầng lớp bình dân, rồi những khoản thuế gián tiếp biểu trưng cho 2/3 ngân sách lại làm phiền hà hơn trong cách thu hoạch (10).
Thêm vào những khó khăn kinh tế, còn có một sức mạnh thuộc lãnh vực chính trị không ngừng hoạt động trên giới trưởng giả, từ khi giới này biết một thể chế thích hợp với nguyện vọng của họ hơn, dưới chế độ của Napoléon. Khi khắp nơi tại Âu Châu và nhất là trong quốc gia Piémont, giai cấp trung lưu nắm địa vị lãnh đạo, thì trong quốc gia giáo hoàng, họ bị phân cách bởi luật lệ dành riêng các hoàn cảnh thuận lợi về hành chánh cho hàng giáo sĩ, cho những Monsignori khả nghi “come abati troppo laici, e come laici troppa abati” (quá nhà tu đối với giáo dân, quá giáo dân đối với nhà tu) (Farini). Giới trẻ trong quốc gia Roma lâm vào tình trạng lười biếng sa đọa hoặc là tôi đòi nhục nhã cho phú quyền cố hữu của Vatican, “Chính quyền linh mục” chỉ là một thứ chính quyền gây phẫn nộ, lỗi thời.
Vì thế làm sao không ngạc nhiên về đường lối chính quyền này đối ứng với những xung động cách mạng đến từ bên ngoài? Thế quyền của Giáo Hội không những chỉ đáng ghét đối với công dân, mà còn cản trở những giấc mộng của thế hệ, của những người ái quốc, tự do và của nhiều phần tử khác trong nước Ý. Trong những năm 1840 và kế tiếp, phong trào lớn của Risorgimento chia thành 2 nhánh: nhánh thứ nhất thuộc phong trào Carbonatiste, vì người lãnh đạo Giuseppo Mazzini (1809-1872), gốc Gênes, đã tranh đấu trước tiên trong hàng ngũ của tổ chức này. Nhưng cái thất bại đã làm Mazzini phải duyệt lại chương trình và phương cách hành động của cuộc cách mạng giải phóng. Nước Ý phải được tự do khỏi ách ngoại quốc, hợp nhất dưới một lá cờ, nhưng là là cờ của một cộng hòa dân chủ và xã hội. Ông đã viết ngay từ năm 1832: “Ðã tới lúc phải nghiên cứu cỗi nguồn”. Nên thêm vào chương trình thuần túy chính trị, một số yêu sách xã hội, người ta chinh phục được những phe nhóm chỉ vì lừng khừng đã gây ra những thất bại của năm 1829 và năm 1831. Tổ chức tranh đấu cách mạng phải thích ứng với chiến thuật này. Thay vì phát triển những hội bí mật lẻ tẻ theo lối cổ thời và nịnh bợ phái trưởng giả, thì nay chỉ cần một tổ chức một nước Ý trẻ (11) trong đó những thành viên sẽ hoạt động bằng viết lách, giảng thuyết, với chủ đích soi sáng quần chúng, chuẩn bị cho du kích chiến nổi dậy. Phát động từ năm 1831, phong trào nước Ý trẻ lan tràn mau lẹ trong quốc gia giáo hoàng và khích động những cuộc nổi dậy liên tục.
Những chống đối giáo sĩ quá đáng của phái Mazzini, những lời kêu gọi nông dân nổi dậy, những thất bại liên tục, đương nhiên đã làm nản lòng một phần giai cấp trưởng giả thức thời. Họ thấy mình ăn khớp với phong trào Néo - guelfe là phong trào hô hào kính trọng Giáo Hội và dành cho giáo hoàng một chỗ đứng danh dự trong nước Ý mới. Người đứng đầu khuynh hướng này là linh mục Vincenzo Gioberti, gốc Piemont, có văn hóa rộng. Năm 1843, khi bị đày ở Bruxelles, ngài đã tung ra bản tuyên cáo Del Primato morale e civile degli Italiani, là bản văn được nhìn nhận có giá trị quốc tế. Ngài coi giáo hoàng như vị hội trưởng và nhà trọng tài của tổng hội các ông hoàng nước Ý.
Bị lung lay vì những tấn công dồn dập, mất uy tín từ bên trong cũng như bên ngoài, chỉ còn được nâng đỡ bởi tập quán và vũ lực, thì theo quan niệm của chính đức Grégoire XVI, thế quyền của giáo hoàng không thể tồn tại trong vị giáo hoàng già nua tuổi tác. Tình trạng sức khỏe của đức giáo hoàng vẫn còn cầm cự, tuy tuổi đã cao và nhiều đau đớn hiện trên khuôn mặt. Ngày 25 tháng 5 năm 1846, ngài nói với người thân cận trong khi thình lình ngã qụy xuống: “Voglio morir da frate non da sovrano” (tôi muốn chết như một tu sĩ, chứ không như một ông hoàng), và ngài xin chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 1 tháng 6 ngài can đảm phó linh hồn trong tay Thiên Chúa.