CHƯƠNG I
GIÁO HOÀNG VÀ HOÀNG ÐẾ
CHƯƠNG I
GIÁO HOÀNG VÀ HOÀNG ÐẾ
"Pie VI, và là người cuối cùng.."; đó là lời những người ở bên Pháp nói về vị giáo hoàng bất hạnh qua đời ở Valence-sur-Rhône ngày 29 tháng 8 năm 1799, mà có lẽ họ coi điều mình mong muốn là thực tế. Tuy nhiên phải nói là cuộc bầu người kế vị hiện ở trong trường hợp đặc biệt khó khăn, làm sao mà tập họp được trong thời hạn dự kiến, các vị hồng y hiện tản mác khắp nơi do biến cố chiến tranh ở Ý quốc lúc bấy giờ? Họp ở đâu để có thể tìm thấy những điều kiện cần thiết về an ninh và bình tâm, không bị điều gì chi phối cho một cuộc hội họp Mật Nghị Hồng Y đây? May thay vị giáo hoàng quá cố, đã tiên đoán những hiểm nghèo đó, nên đã ban hành những văn kiện chính thức sửa đổi nhiều quy luật truyền thống. Nhờ thế, hồng y Albani, vị niên trưởng hồng y đoàn được tự do chọn nơi và ngày họp, và lại có thể chấp nhận lời mời của hoàng đế Áo quốc: là Hội nghị có thể họp ở Venise, tại tu viện dòng Biển Ðức trên đảo Saint Georges, đã được bố trí, sắp xếp dưới sự bảo trợ; đài thọ chi phí của hoàng đế.
Mật Nghị Hồng Y khai mạc ngày 1 tháng 12 năm 1799 tại Venise; trong số 46 vị hồng y còn sống, thì chỉ có 36 vị có thể tới dự được. Sau đấy, các vị hồng y tập hợp lại thành 2 phái: phái Politicanti được Tây Ban Nha ủng hộ một cách kín đáo; phái Zelanti do hồng y Herzan người Áo khích lệ. Cũng vì hai phe khăng khăng giữ lập trường của mình, nên trải qua ba tháng hội họp cũng không tìm được một giải pháp nào. Sau hết, một giải pháp được ra đời nhờ sự cố gắng của hai nhân vật thứ yếu: đó là giám mục Ercole Consalvi Bồi Thẩm Tòa Thượng Thẩm ở Vatican, người phụ trách tổ chức mật nghị về mặt vật chất; và giám mục Antonio Despuig, vị đại diện không chính thức của nhà vua Tây Ban Nha. Hai vị giám chức luôn luôn tỏ ý mong muốn là hồng y Chiaramonti, giám mục Imola được bầu, tuy rằng vị này bị các cử tri gạt ra ngay từ lúc đầu vì một vài trở ngại: như tương đối quá trẻ 58 tuổi, lại còn là một nhân vật của vị giáo hoàng quá cố Despuig và Consalvi hết sức kiên tâm tranh đấu ngầm, tìm đúng lúc gạt bỏ những dự tuyển viên khác. Sau hết, tên hồng y Chiaramonti được đưa ra trên hàng đầu và thật là một phép lạ được toàn thể cử tri chấp thuận. Ngày 14 tháng 3 năm 1800, vị tân giáo hoàng nhận chức và lấy danh hiệu là Pie VII để tưởng nhớ ơn vị ân nhân của mình.
Nhiều công trình đáng khen mới đây (1) đã làm sáng tỏ tiền sử của vị mà Chúa Quan Phòng đã sắp đặt để lèo lái Giáo Hội trong tình thế rất nguy kịch này. Barnabé Chiaramonti thuộc một gia đình quý tộc, sanh tại Cesena, một thành phố nhỏ vùng Romagne. Ngay từ hồi mới 14 tuổi Barnabê Chiaramonti đã hướng về đời sống tu sĩ, nên đã vào dòng Biển Ðức tại tu viện Sainte Marie de Cesena. Là sinh viên, rồi làm giáo sư thần học, Chiaramonti đã lần lượt qua các tu viện Sainte Justine ở Padoue, rồi Saint Jean de Parme và Saint Paul ngoại thành Roma. Qua học vấn và những bài giảng dậy, ngài tỏ cho thấy ngài là một người có trí óc đặc biệt cởi mở. Giáo hoàng Pie VI cũng sinh quán ở Cesena, đã sớm nhận thấy con người đó, nên vào tháng 12 năm 1782 đã phong Chiaramonti làm giám mục một giáo phận nhỏ ở Tivoli, rồi đến tháng 2 năm 1785 được làm giám mục một giáo phận lớn là Imola, cùng một lúc, được trao cho tước vị hồng y.
Tài đức lỗi lạc của hồng y Chiaramonti đã nổi bật lên trong thời điểm quân đội Pháp quốc xâm lược năm 1797 và thôn tính sáp nhập địa phận Imola vào nước Cộng Hòa bên này núi Alpes (République Cisalpine). Ðứng trước một chế độ chống đối thù nghịch, vị hồng y đã cương quyết bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội; nhưng cùng lúc, ngài lại khuyên nhủ nên phục tùng về phương diện chính trị. Hơn thế nữa, trong một bài giảng nổi tiếng (vào dịp lễ Noel 1797) với lời lẽ rất cân nhắc, đắn đo, không ai có thể chê trách được về mặt học thuyết, vị hồng y đã tuyên bố là hình thức dân chủ của chính phủ không có gì trái ngược với Phúc Âm, mà trái lại, hơn cả mọi hình thức khác là đề cao những đức tính của Kitô giáo. Hoàng đế Bonaparte đã đọc văn bản nổi tiếng trên, và chắc ông không quên tác giả của nó.
Hình dáng vị tân giáo hoàng với khuôn mặt khắc khổ nhưng tế nhị, với một ánh mắt hiền từ hấp dẫn đã được họa sĩ Louis David ghi lại những nét không gì sánh kịp. Về nhân cách của tân giáo hoàng, xin nghe một lời bình luận: "Với ngài, sự hiền từ hòa hợp với sức mạnh; cử chỉ, thái độ của ngài đầy nghị lực, có cân nhắc đắn đo, có ý thanh tao, đôi khi tỏ nét hóm hỉnh và tế nhị một cách quyến rũ; Ngài luôn luôn tỏ ra mình thẳng thắn, đơn giản, hiểu biết người và chân thật, có từ tâm, kiên gan không nản chí, có lòng nhân hậu không gì cản được...(2).
Tính minh mẫn, sáng suốt của vị tân giáo hoàng đã thể hiện ngay cho thấy là việc chọn người thân cận, giúp ngài trong suốt triều đại là giám mục Ercole Consalvi, trước hết được phong làm quyền thư ký của ngài, sau đó vào tháng 8 năm 1800 được bổ nhiệm làm Quốc Vụ Khanh kiêm hồng y. Sự cương quyết của giáo hoàng Pie VII đã thể hiện ngay trong những hành động đầu tiên của ngàøi. Mặc dù dưới nhiều áp lực của hoàng đế Áo quốc muốn giáo hoàng đến ở Vienne, hay ít nhất chịu sự bảo trợ của nhà vua, vị tân giáo hoàng quyết định trở về Roma, và ngài đã tới đây ngày mồng 3 tháng 7. Ngay sau đó, hồng y Consalvi đã ra công lập lại nền hành chánh của giáo hoàng trong một thành phố đã bị tàn phá suy sụp về vật chất, và xáo lộn về tinh thần sau 30 tháng bị quân đội Pháp, rồi đến quân đội thành Naples chiếm đóng.
Tuy nhiên, một vấn đề đại sự chợt xuất hiện, làm lu mờ cả các quan điểm khác của vị lãnh tụ Giáo Hội: đó là vấn đề chính sách tôn giáo của vị tân quốc trưởng Pháp. Sau cuộc đảo chính đã đưa Bonaparte lên nắm chính quyền, những tháng đầu của chính phủ ông ta tất nhiên có đem lại một vài sự an ủi cho tình thế các người công giáo Pháp.
Nhưng thái độ của các nhà cầm quyền trong mọi cấp bậc, nhất là thái độ của Fouché bộ trưởng công an có thế lựccho thấy không có một chút thay đổi triệt để nào trong chính sách tôn giáo của nước Cộng Hòa.
Phương hướng mới, chớm nở vào mùa hè năm 1800 là hoàn toàn do ý muốn của vị đệ nhất Tổng Tài. Những lý do nào đã thúc đẩy vị này đây? Dù tâm hồn của ông còn vương vất lại một chút đức tin do nền học vấn Kitô lúc ban đầu, chắc chắn là các quyết định của ông hoàn toàn do chính trị mà ra. Vốn là con người hết sức thực tế, Bonaparte biết chắc chắn là sự nghiệp của mình chỉ tồn tại vững chắc nếu ông làm toại nguyện những mong muốn của đa số dân Pháp, vốn còn gắn bó với Giáo Hội. Ông tuyên bố trước Hội Ðồng Nhà Nước như sau: "Chính sách của ta là cai trị nhân dân theo như số đông nhân dân mong muốn". Cho người công giáo Pháp tham gia vào chính phủ của mình là thanh toán hết thành phần cốt cán của phe bảo hoàng; và lại lợi thế biết bao về chính sách quốc tế, vì mình tỏ ra là đồng minh với Tòa Thánh! Với những lý do rút ra từ tình thế cụ thể, lại còn có những lý do về triết lý của chính phủ như sau: "Những kẻ nào không tin ở Thiên Chúa, người ta không cai trị chúng mà đem bắn bỏ" Với một giới giáo sĩ trung thành, người ta sẽ có một đám nhân dân dễ bảo và Giáo Hội Công Giáo vẫn như cũ, vậy chỉ cần bàn bạc, điều đình với vị thủ lãnh không ai tranh cãi được như giữa hai đại tướng với nhau vậy.
Với những ý kiến dứt khoát như thế, Bonaparte lợi dụng uy thế do thắng trận trên đất Ý vào mùa xuân năm 1800, vội vàng thi hành đường lối chính trị của ông. Ngay từ ngày 5 tháng 6, ông làm cho hàng giáo sĩ thành Milan ngỡ ngàng, sửng sốt, khi ông đọc bài diễn văn trong đó ông tuyên bố không úp mở ý muốn của mình, là giải hòa về mặt tôn giáo. Trên đường về, ông dừng lại ở Verceil và hội đàm với hồng y Martiniana về ý kiến của ông muốn mở cuộc thương thảo với giáo hoàng Pie VII càng sớm càng tốt. Thử tưởng tượng giáo hoàng bị xúc cảm thế nào khi nhận được tin trên? Trong tình hình Âu Châu vào lúc đó, số phận của đạo Công Giáo tùy thuộc hoàn toàn vào lập trường của nước Pháp, do đó đức giáo hoàng tỏ ý hết sức muốn hòa giải trong cuộc đàm phán.
Một cuộc thương thuyết khó nhọc: nó kéo dài gần mười ba tháng, trải qua bao thăng trầm, thật khó mà đi vào chi tiết được. Trong buổi đầu, phía Tòa Thánh, người đứng ra đàm phán là giám mục Spina, một giám chức của giáo triều, người đã đi theo giáo hoàng Pie VI sang Pháp, Phụ tá là cha Caselli nguyên là Bề Trên Tổng Quyền dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ. Hai vị phái viên của giáo hoàng tới Paris ngày 5 tháng 11, và ngồi đàm phán với thương thuyết do Ðệ Nhất Tổng Tài chọn: đó là cha Etienne Bernier, một linh mục vùng Angers, trước đây đã giúp bình định các tỉnh miền tây, vị này là một người khôn ngoan, khéo léo, nhưng có nhiều tham vọng để có thể coi là con người hoàn toàn lương thiện, ngài phục vụ chính nghĩa của Giáo Hội với những đức tính cũng như với những tật xấu.
Trải qua 2 tháng, hai bên trao đổi cho nhau hết dự án này đến dự án kia. Nếu đôi bên dù có đồng ý với nhau chăng nữa, thì công việc cũng không hề tiến triển vì một lẽ là giám mục Spina đã được chỉ thị rõ ràng là cấm không được ký kết gì.
Vào đầu tháng 2, đột nhiên Bonaparte nhận ra điều ấy; ông ta áp đặt luôn theo ý mình một dự án thỏa hiệp gửi ngay đi Roma, cùng lúc cử nhà ngoại giao Cacault đi theo với toàn quyền ký thỏa hiệp cho Pháp quốc. Nhưng khi đó lại đến lượt các ủy ban của hồng y đoàn hội họp chậm trễ. Lại hai tháng nữa qua đi. Bonaparte sau nhiều lần cảnh cáo, đâm sốt ruột: Ngày 28 tháng 4, Cacault nhận được một tối hậu thư làm choáng người lên: dự án của Pháp phải được chấp thuận y nguyên trong vòng năm ngày, nếu không, nhà ngoại giao Pháp phải rút lui ngay với ý đe dọa đem quân chiếm đóng nước Tòa Thánh, và Giáo Hội Pháp sẽ ly khai. Ðúng vậy, Cacault phải ra về, nhưng dẫn theo chính ngài Consalvi về Pháp. Nhờ sáng kiến này, cuộc đàm phán lại nối tiếp ở Paris, và có khả hy vọng đi tới kết quả.
Giai đoạn thứ ba của cuộc đàm phán này khó khăn nhất, nên phải là người vừa thật tế nhị vừa thật cương quyết như Consalvi mới đánh đổ được ý kiến nhiều giới thân cận Bonaparte vẫn còn muốn đả phá thỏa hiệp. Sau cùng, vào hồi nửa đêm 15 tháng 7 năm 1801, sau 12 giờ liên tiếp thảo luận, văn bản chung cuộc đã được ký kết.
Văn bản thỏa hiệp thật hết sức ngắn gọn, tuy quyền lợi liên quan thật bao la: một lời mở đầu và mười bảy điều khoản. Vì lời văn quá súc tích nên kể ra ngay hơn là tóm Lời Mở Ðầu. Chính phủ Cộng Hòa công nhận là đạo Công Giáo tông truyền và thuộc Roma, là tôn giáo của đa số công dân Pháp. Ðức giáo hoàng cũng công nhận tôn giáo này đã rút ra được nhiều điều tốt, và còn chờ đợi hơn nữa qua việc thiết lập sự phụng tự đạo Công Giáo trên đất Pháp và qua lời tuyên bố đặc biệt của các vị Tổng Tài của nước Cộng Hòa.
Ðiều 1 - Ðạo Công Giáo được tự do hoạt động trên đất Pháp. Việc phụng tự sẽ được công khai theo đúng các qui định của công an mà chính phủ xét là cần thiết cho sự an bình công cộng. Ðiều quy định trên mở cửa cho nhiều lạm dụng của chính quyền dân sự, đã bị hồng y Consalvi hết sức bác bỏ; sau cùng, ngài chỉ chấp nhận nếu chịu cho thêm câu "… cho sự an bình công cộng", ít nhất nó hạn chế được sự độc đoán. Ðiều 2 - Tòa Thánh sẽ cùng với chính phủ quy định lại ranh giới cho các giáo phận Pháp. Ðiều 3 - Ðức giáo hoàng tuyên bố cho các vị chủ trì các tòa giám mục Pháp (các giám mục của chế độ cũ đã bị cách mạng tước quyền) là ngài trông chờ ở các vị đó mọi điều hy sinh, ngay cả địa vị mình; nếu từ chối hy sinh này vì quyền lợi của Giáo Hội thì sẽ có những vị chủ trì mới đến cai quản các tòa giám mục theo giới hạn mới và theo thể thức sau đây: Ðiều 4 - Ðệ nhất Tổng Tài của nước Cộng Hòa sẽ chỉ định (…) các tòa tổng giám mục và tòa giám mục (…) đức thánh cha sẽ tấn phong, chiếu giáo luật, theo những hình thức được thiết lập đối với nước Pháp, trước khi có sự thay đổi chính phủ… Ðiều 6 - Các giám mục trước khi nhận chức sẽ tuyên thệ trung thành trước Ðệ Nhất Tổng Tài... Ðiều 9 - Các giám mục sẽ đặt giới hạn cho các giáo xứ trong giáo phận của mình, và việc này chỉ có hiệu lực sau khi có sự chấp thuận của chính phủ. Ðiều 10 - Các giám mục sẽ bổ nhiệm các cha sở, và chỉ được chọn những người đã được chính phủ chấp nhận. Ðiều 11 - Các giám mục có thể có một kinh sĩ đoàn ở nhà thờ chính tòa của mình, và một chủng viện trong giáo phận, mà chính phủ không có bổn phận phải trợ cấp. Ðiều 12 - Tất cả các giáo đường (…) không bị hủy bỏ, cần thiết cho việc phụng tự sẽ được dành để các giám mục xử dụng. Ðiều 13 - Ðức giáo hoàng vì lợi ích hòa bình… tuyên bố là chính ngài cũng như các vị thừa kế, không vì lẽ gì quấy rối những người thủ đắc những tài sản của các giáo sĩ đã bị chuyển nhượng… Ðiều 14 - Chính phủ Cộng Hòa Pháp sẽ đảm bảo lương bổng thích ứng cho các giám mục và các cha sở mà giáo phận và giáo xứ nằm trong những giới hạn mới... Nhiều điều không được nói đến trong văn bản trên nhưng sẽ có nhưng hậu quả trầm trọïng, nhu những điều sau đây: Không có điều khoản nào nói về việc tái thiết các dòng tu; cấp giáo sĩ dòng đã biến mất; không thấy có sự phản kháng nào chống lại việc tự do phụng tự của các đạo ngoài Công Giáo, chống lại chính sách thế tục của Nhà Nước, chống lại luật lệ phản công giáo về hôn nhân. Ðệ Nhất Tổng Tài bỏ lửng, không nói gì đến các Giáo Hội có hiến chế ly khai.
Trên đây là cái Thỏa Ước đáng ghi nhớ, nó mở một kỷ nguyên mới trong sự quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nước. Tuy nhiên việc áp dụng Thỏa Ước không kém khó khăn như việc cấu tạo nó. Tại Roma, tất cả mọi cái đều xẩy ra tốt hơn sự mong muốn của là Consalvi. Trong hồng y đoàn có nhiệm vụ quyết định chung cuộc, chỉ có 14 trên số 28 vị công bố hoàn toàn chấp thuận; Pie VII không kể đến việc đó, và ngày 15 tháng 8 năm 1801 Thông điệp Ecclesia Christi được ban hành đem lại cho giới công giáo một tin mới, cùng lúc báo tin giáo hoàng chấp thuận Thỏa Hiệp ngày 16 tháng 7.
Còn việc Ðệ Nhất Tổng Tài phê chuẩn thì đó chỉ là một việc hình thức và đã được ký ngày 8 tháng 9. Nhưng Hiến Pháp năm VIII còn đòi buộc các Thỏa Hiệp phải được đưa ra trước viện Dự Luật (Tribunat) và viện Lập Pháp, trong các viện này, thành viên phần lớn là các nhà cựu cách mạng, rất chống đối Giáo Hội. Bonaparte bắt buộc phải hoãn công bố Thỏa Ước, nhưng trước định làm vào ngày kỷ niệm ông lên nắm chính quyền; ông đành theo như vậy: ông lợi dụng thời gian gia hạn này, để đặt nền móng cho tổ chức đã dự kiến; như thế, đến ngày đã chọn trước, nước Pháp sẽ đón nhận một Giáo Hội sẵn sàng dấn thân hoạt động.
Nhưng, trong khi chờ đợi cuộc chuyển biến bất ngờ này, thì một công việc bao la phải hoàn thành trong hậu trường để cụ thể hóa và xác định những điều quy định đại cương của Thỏa Ước. Ðây là một thời cơ tốt để Bonaparte lấy lại trong chi tiết một phần nhượng bộ của ông khi trước. Trước hết, để tránh cho công việc khỏi bị chậm trễ, ông muốn, như người ta nói, có "giáo hoàng tại nhà" Pie VII chấp thuận cử một hồng y đặc nhiệm đến Paris và có toàn quyền; đây là một con người được chọn rất thích hợp cho mục đích: đó là hồng y Caprara, một cụ già ốm yếu, rụt rè, sợ sệt có tiếng khi làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Vienne, là người nhu nhược đối với chính quyền dân sự. Ðến Paris vào đầu tháng 10 năm 1801, hồng y Caprara được đặt dưới quyền người mà Bonaparte đã chọn trước, để áp đặt sự giám hộ của chính phủ trên Giáo Hội Pháp: đó là ông cố vấn Nhà Nước Jean Etienne Portalis được cử làm giám đốc phụng tự. Ông là một luật gia lỗi lạc, một tín đồ công giáo thuần thục. Trong công việc ông làm, ông tỏ ra hết sức tận tâm đối với Bonaparte như vị thần tượng, và có khuynh hướng truyền thống thiên về Pháp giáo theo giới luật gia.
Ranh giới các giáo phận mới được ấn định sau: một cuộc nghiên cứu nghiêm túc, căn cứ theo các đơn vị hành chính của nước Pháp mới: theo chế độ cũ, đáng lẽ có 139 giáo phận, thì nay chỉ còn 60, trong đó có 10 tòa tổng giám mục. Việc thiết lập các tòa giám mục mới là một vấn đề khó xử hơn. Trước tiên là phải đuổi hết mọi người về. Giáo hoàng Pie VII ban hành đoản sắc Tam Multa (15 tháng 8 năm 1801) yêu cầu các vị giám mục hợp pháp sự hy sinh có ghi trong điều khoản 3 của Thỏa Ước. Với lòng căm thù cách mạng của các vị đó, vốn trung thành với nhà vua đã bổ nhiệm mình, và truyền thống theo về Pháp giáo, với tất cả các lý do đó, người ta lo sẽ có sự chống đối; thật vậy, trong số 83 vị còn sống sót của thể chế giám mục cũ, thì 36 vị từ chối không chịu từ nhiệm. Như vậy, Pie VII chỉ còn cách "tự hủy sứ vụ" của mình (Apostolicide) bằng cách ban hành sắc chỉ Qui christi Domini Vices (29 tháng 11 năm 1801) bãi bỏ các giáo phận cũ, làm cho trên thực tế, các vị ngoan cố hết đất hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó có 2 vị, tên là Thémines giám mục thành Blois và Coucy giám mục La Rochelle, vẫn tự cho mình có quyền hành trong giáo phận cũ của các ông; tại các tỉnh khác cũng thế như ở tỉnh Lyon, nhiều nhóm các linh mục và giáo dân không chịu công nhận Giáo Hội Thỏa Hiệp; và họ lập ra nhiều cộng đoàn ly khai có tính cách lén lút. Người ta gọi những nhóm này là Tiểu Giáo Hội và nhiều nhóm còn tồn tại đến đầu thế kỷ sau.
Về phía các giám mục hiến chế, mới đầu giải pháp xem ra có ít điều bất ngờ; áp lực của chính phủ làm họ không có lối thoát; ngay vào giữa tháng mười, Portalis đã có trong tay đơn từ chức của 59 giám mục còn tồn tại sau cuộc chia rẽ quốc gia hồi năm 1791. Tuy nhiên ông này cũng chưa khai thác hết tính độc hại của mình. Bonaparte định áp dụng cho Giáo Hội cái chính sách đại cương của mình về hòa giải và tập hợp nên yêu cầu phải cho 12 vị đã tuyên thệ trước đây, gia nhập vào hàng giám mục theo Thỏa Hiệp mới. Thế nhưng, nếu vị đặc sứ giáo hoàng có đủ tư cách phong chức chiếu luật Hội Thánh, mà bình thường chỉ dành riêng cho giáo hoàng được quyền thôi, thì theo những chỉ thị chính thức rõ ràng, ông lại bắt buộc phải tiến hành trước cuộc hòa giải những vị giám mục cũ theo hiến chế bằng một công thức chối không nhận những điều đã làm trước. Ðây thật là một điều hạ nhục không thể chấp nhận được đối với các đương sự và ngay cả với chính vị Ðệ Nhất Tổng Tài. Làm sao tiến hành để lừa ông già khốn quẫn Caprara đây, thật là một tấn hài kịch: quá khiếp sợ vì một cơn thịnh nộ của Bonaparte dọa tuyệt giao vào giờ chót, vị đặc sứ cuối cùng phải chấp thuận cho thi hành công thức chối bằng lời khai miệng và trong sự kín đáo; ông Bernier được giao phụ trách nhận lời khai và trao cho các đương sự sắc lệnh xá tội, và ông đem trình đặc sứ Caprara một văn bản do ông ta tự ký, và xác nhận 6 vị có liên quan còn lại đã thi hành điều mong muốn. Sau này, nếu các vị theo hiến chế phản đối và nhất định tố cáo cách hành xử như trên là một sự lừa lọc dối trá, thì mọi sự đã quá muộn rồi.
Nếu Bonaparte tỏ ra cố chấp trong việc này vì về phía ông ta, phải kể đến phe chống đối rất mạnh trong các viện Lập Pháp như đã nói trước đây, và ngay ở chính trong chính phủ của ông, phải kể đến các Bộ trưởng Talleyrand và Foucheù. Nhờ dùng mẹo mà vị Ðệ Nhất Tổng Tài đã đưa ra được Thỏa Ước ngày16 tháng 7 dưới hình thức có nhiều bất lợi cho Tòa Thánh. Ông ta trao cho Portalis và Hội Ðồng Nhà Nước thảo ra một số điều quy định lấy tên là "Những điều khoản cơ cấu" cho sát nhập vào dự án về "Luật tổ chức các việc Phụng tự ". Với 77 điều khoản, đây thật là một quy chế đầy đủ, áp đặt cho Giáo Hội Pháp bị lệ thuộc vào Nhà Nước theo đúng truyền thống vương quyền cũ, và theo chủ nghĩa Pháp giáo. Mưu mẹo này cũng không làm cho phe chống đối nản lòng; vì trong cuộc bỏ phiếu chung cục ngày 18 tháng 4 năm 1802, người ta còn nhận thấy 21 phiếu phủ định, và 51 phiếu trắng. Dù thế nào đi nữa, thì các việc bịp bợm nguyên lai này làm cho không thể thi hành Thỏa Ước một cách trung thực được, vì luật của Pháp lại các điều khoản thêm vào đó có ngang giá trị như các điều khoản trong Thỏa Ước; trong khi đó thì Tòa Thánh, theo lẽ công bằng, chỉ có thể theo đúng văn bản mình đã ký kết thôi. Ðức Pie VII đã nhấn mạnh về điều này, bằng lời lẽ cũng vừa cương quyết vừa ôn hòa, trong một diễn văn trước Hội Nghị Giáo Triều ngày 27 tháng 5 năm 1802.
Nhưng lúc đó không có thể quay trở lại được nữa. Ngày 18 tháng 4 năm1802, ngày lễ Phục Sinh, tại nhà Thờ Chính Tòa Ðức Bà ở Paris có cử hành trọng thể lễ lập lại phụng tự đạo Công Giáo tại Pháp, trước sự hiện diện của các vị Tổng Tài, đoàn ngoại giao và tất cả các nhà cầm quyền. Trong khi các giới quân nhân và các Viện Sĩ của Hàn Lâm Viện tỏ tâm trạng bực bội một cách công khai, vì bó buộc đến thánh đường theo lệnh trên, thì dân chúng ở ngoài lại tỏ ra hết sức hoan hỷ vui sướng. Một vài năm trước, Louis de Bonald đã viết: "Cuộc Cách mạng đã khởi đầu bằng Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền, và nó sẽ kết thúc bằng bản Tuyên Ngôn Thiên Quyền". Hình như Bonaparte đã thực hiện câu sấm trên và giáo hoàng Pie VII vẫn sẵn sàng thứ lỗi cho ông rất nhiều.
Cùng với tình thế dân công giáo, đạo luật ngày 8 tháng 4 năm1802 cũng quy định luôn cho giới tin lành. Cách mạng đối với giáo dân tin lành, rút cục, có khi còn tai hại hơn so với người công giáo "đoàn mục sư nhân số sút kém.... phẩm chất nghèo nàn, Giáo Hội không triệu tập được Công Nghị, bất hòa chia rẽ về mặt chính sách cũng như mặt xã hội, luôn thấy tâm trạng hững hờ, lạnh nhạt ....", đó là những lời lẽ nhận thấy trong bản tổng kết của một sử gia mới đây nói về Giáo Hội Tin Lành (3); Bonaparte dễ dàng áp đặt một chế độ có sự kiểm tra của Nhà Nước trong mọi hoạt động, ngay cả về mặt giáo lý nữa. Nếu phe Luther vẫn giữ được các "thanh tra" tương đương chức giám mục theo như tổ chức truyền thống của họ, thì bên phe Cải Cách bị mất đi một bộ phận thiết yếu của tổ chức các giáo sĩ theo phe Calvin là không có Công Nghị. Cả hai phe muốn công cuộc mục vụ được trợ cấp đều bắt buộc phải tập hợp cách giả tạo thành những khu đạo độ sáu nghìn tín hữu... Tất cả những sự việc trên gây ra nhiều khó khăn không lường trước được, và việc khôi phục lại những Giáo Hội Tin Lành còn chậm trễ hơn phía Giáo Hội Công Giáo nhiều.
Sau hết, phải nhận ra rằng đạo luật ngày 8 tháng 4 năm1802 đặt ra một quy luật song song cho hai tôn giáo. Công Giáo và Tin Lành, là một điểm canh tân rõ rệt, nguyên tắc khoan dung được thể hiện, không phải như ở Hoa Kỳ bằng sự chia cách tuyệt đối giữa Nhà Nước và các tổ chức tôn giáo, nhưng là một sự công nhận chính thức hai tín ngưỡng được đối xử ngang hàng nhau. Cái tổ chức lưỡng hợp này phải kể là quá lạ thường, quá trái với tinh thần hiệp nhất của chế độ Napoléon, do đó ta sẽ thấy luôn xẩy ra, từ các giới khác nhau, những đề nghị hay gợi ý với khuynh hướng phối hợp các Kitô giáo và thiết lập một "Quốc giáo" duy nhất, hay ít nhất thì cũng hợp nhất hai ngành tin lành Pháp. Một vài lời nói của Napoléon, đặc biệt là trong bản: "Ký sự tại đảo thánh Hélène" làm người ta có thể cho là ông ta muốn đồng ý với giới tin lành để thiết lập một Quốc giáo hoàn toàn đặt dưới chính quyền dân sự; nhưng người ta cho là đôi khi ông ta đưa ý kiến đó ra khuấy động, cốt ý là làm giáo hoàng và các giám mục thành dễ bảo thôi.
Ảnh hưởng của Thỏa Ước Pháp lan rộng dần như vết dầu trên các phần khác ở Âu Châu, tại những nơi Ðệ Nhất Tổng Tài nắm quyền hành và trước nhất là tại nướcÝ, đất xâm chiếm mà ông quí nhất. Chiến thắng năm 1800 đã cho ông tái chiếm vương quốc Piémont và lập lại nước Cộng Hoà ở bên này núi Alpes gồm có, như lúc trước, những tỉnh đã được sáp nhập vào nước Giáo Hoàng do hiệp định Tolentino. Về phía Piémont, vấn đề các giáo sĩ được giải quyết ngay, vì nó là một bộ phận của nước Cộng Hòa Pháp. Ðức Pie VII đành nghiêm ngặt rút bớt số các giáo phận: chỉ còn lại sáu trong số mười bảy. Ðại Hội Ðồng Cộng Hòa bên này núi Alpes nhóm họp ở thành phố Lyon vào cuối năm 1801 phải phê chuẩn một hiến chế, ngay trong điều khoản thứ nhất, công nhận đạo Công Giáo là Quốc Giáo. Cùng một lúc Cộng Hòa bên này núi Alpes trở thành Cộng Hòa Ý và Bonaparte là chủ tịch. Cuộc bỏ phiếu ngày 27 tháng 1 năm 1802 thông qua đạo "Luật cơ cấu cho Giáo sĩ trong nước Cộng Hòa Ý" đã thừa nhận nhiều quyền lợi hơn so với Giáo sĩ Pháp.
Mọi việc trở nên ứ đọng khi viên Phó chủ tịch Cộng Hòa Ý Francesco Melzi d'Éril vốn có tinh thần chống Roma, muốn cho kèm vào văn kiện đơn phương trên một bản Thỏa Ước. Ðức Pie VII, dưới áp lực mạnh mẽ của Bonaparte, bằng lòng mở cuộc thương lượng - chi tiết đáng chú ý - ở Paris, giữa hồng y Caprara và đặc sứ của nước Cộng Hòa. Thỏa Ước ra đời ngày 16 tháng 9 năm 1803, lại có lợi nhiều cho Giáo Hội hơn cả đạo luật 27 tháng 1 năm 1802, vì công nhận là các việc liên quan đến tôn giáo, những vụ tranh chấp sẽ được giải quyết "đúng theo tinh thần của Giáo Hội". Tóm lại, đó là một nguyên tắc ngược lại với điều mà Portalis đã công bố cho nước Pháp. Sau đó ít lâu thì thắng lợi này lại bị lu mờ đi vì ác ý của Melzi; ông bắt chước phương pháp của chủ Bonaparte, cho ban hành cùng một lúc với Thỏa Ước Ý "một sắc lệnh thực tiễn" nhằm xuyên tạc ý nghĩa của Thỏa Ước.
Tình hình chính trị ở Ðức quốc cũng bị đảo lộn, Cộng Hòa Pháp đem biên giới đến sông Rhin, và bồi thường các vương giả Ðức bị thiệt thòi, nhất là vua nước Phổ bằng cách hiến cho các vị đó những lãnh thổ cũ của các giáo sĩ (biên bản hội nghị Rastibonne, 25 tháng 2 năm 1803) Bonaparte đã quyết định là "việc các giáo sĩ có chủ quyền không phù hợp với Phúc Âm". Người duy nhất sống sót trong cuộc suy sụp này là hoàng tử - giám mục thành Mayence, Karl-Théodor Von Dalberg vốn là một cuồng tín tận tâm với Bonaparte, nên được sắp xếp cho ở Rastibonne với tước vị hoa mỹ là Tể Tướng Ðế Quốc và Thượng Giáo Trưởng Ðức Quốc (Primat de Germanie). Viên giám chức có nhiều tham vọng này, vốn thuộc hội Tam Ðiểm, có ý định cho tổ chức ký kết một Thỏa Ước tổng quát cho Ðức Quốc, nhưng không thành vì các quyền lợi tương phản nhau (coi chương năm). Chính Tòa Thánh cũng muốn cho việc đó kéo dài ra. Vắn tắt, những cuộc đảo lộn chính trị do cuộc chiến tranh liên lục địa hồi năm 1805 đã làm dự án vô hiệu trước khi ra đời.
Tại nước Áo, tàn dư của chế độ nhà vua Joseph II (muốn Giáo Hội phải lệ thuộc Nhà Nước) được duy trì qua một nền hành chính theo trường phái của vị cố vấn Franz Joseph Von Heinke; ông là một nhân vật không nổi bật lắm, nhưng rất có hiệu năng. Ông điều khiển Bộ Giáo Sĩ từ 1769 đến1792. Ông chính là tác giả của tất cả các biện pháp phiền nhiễu do Joseph II ban hành. Ông ta theo dõi chăm chú việc duy trì những chính sách đó, và khống chế giáo hoàng cho đến lúc ông chết năm 1803. Vua Léopold II cchịu mấy nhượng bộ tùy phụ. Nhưng ông lại từ chối không cho Sứ Thần Tòa Thánh Severoli quyền giám sát các vấn đề tôn giáo, và chỉ coi vị này như một đại diện ngoại giao của vương quyền thế tục Lamã thôi. Tất cả những tình hình trên đã ảnh hưởng nhiều đến quyết định của giáo hoàng là trả lời thuận theo lời mời lạ lùng của Napoléon mời đến Paris để làm lễ đăng quang cho ông lên ngôi hoàng đế. Ngày 18 tháng 5 năm 1804, Thượng Nghị Viện nước Cộng Hòa Pháp đã đổi chế độ chuyên chính độc tài do Bonaparte lãnh đạo từ 4 năm nay, thành chế độ quân chủ có thừa kế. Theo ý kiến của vị tân hoàng đế, thì một cuộc tấn phong theo lễ nghi tôn giáo sẽ bảo đảm cho ông thêm uy tín với dân chúng Pháp và ngoại quốc, nhờ vậy, củng cố thêm cho ngai vàng của ông và, đồng thời, có thể cho ông đối xử ngang hàng với các vị vua chúa ở các triều đại cũ; Làm sao từ chối cái đặc ân này đối với nhà vua, người nắm vận mệnh trong tay giới công giáo Pháp, ở Ý và cả Ðức nữa đây? Ngay lúc đầu Pie VII và Consalvi đã hiểu rõ như thế, nhưng hai vị cố ý tránh sao cho không có vẻ sốt sắng vồn vã, để đỡ gây ngộ nhận mất lòng, không thể tránh nổi, đối với các vương gia các nơi khác; và các vị không quên đưa ra nhiều lý lẽ bác bẻ, để sau cùng, đổi lấy nhượng bộ tối đa của hoàng đế.
Trên thực tế, trong suốt năm 1804; ông ta đã ban hành nhiều quyết định làm cải thiện tình hình Giáo Hội Pháp, nhất là việc thiết lập 10 đại chủng viện ở chính quốc do Nhà Nước trợ cấp (14 tháng 3 năm 1804) Nha phụng tự (Direction des Cultes) được trở thành một Bộ (10 tháng 7); một sắc lệnh ngày 13 tháng 7 đã sắp xếp lại thứ bậc tôn ti các vị hồng y, tổng giám mục và giám mục theo đúng nghi thức. Sau hết, ngày 17 tháng 7 đã được thành lập Tòa Tổng Tuyên Úy của triều đại do hồng y Fesch, tổng giám mục thành Lyon, và là chú của hoàng đế chủ trì. Lúc nhận được tước vị này, hồng y Fesch không có ở Paris, mà đang ở Roma do Napoléon cử ông làm đại sứ hồi tháng 4 năm 1803. Với phẩm tước trên, chính hồng y phải đứng ra điều đình mời giáo hoàng sang Pháp. Những lý do bác bẻ của Tòa Thánh tập trung vào 2 điểm chính. Trước hết là trong lời tuyên thệ, hoàng đế phải cam kết, ngoài những việc khác, là phải tôn trọng những "đạo luật của Thỏa ước và cho tự do tín ngưỡng" Vậy những đạo luật của Thỏa Ước.... phải chăng là có cả những điều khoản tổ chức gắn vào đó không? Tự do tín ngưỡng... phải chăng là đặt các tôn giáo ngang hàng nhau không? Với sự hiện diện của mình ở buổi lễ tuyên thệ này, giáo hoàng có vẻ như chấp thuận những nguyên tắc trái với học thuyết của Giáo Hội và những chứng thư, mà từ trước ngài vẫn luôn chống đối. Một điều trở ngại khác, là tình thế các vị giám mục hiến chế cũ mà trước đây đã không chịu thi hành công thức chối, tuy vậy, vẫn nắm giữ một giáo phận. Hồng y Caprara đã bị lừa dối, nhưng giáo hoàng Pie VII không thể bỏ qua cái hài kịch có ý lăng nhục vậy. Rút cục, giáo hoàng đành lòng nhận một cam kết lơ mơ, là vấn đề đó sẽ được kết thúc vừa ý giáo hoàng.
Ngày 2 tháng 11, Pie VII lên đường sau khi đã uỷ toàn quyền cho hồng y Consalvi. Cả 2 vị trong bụng đều e sợ. Khi giáo hoàng đi qua đất Pháp, thấy dân chúng tỏ vẻ ân cần vồn vã, ngài ngạc nhiên và cũng được an ủi; Nhưng hoàng đế lại sắp xếp làm sao tránh không cho giáo hoàng hưởng những nghi lễ cung kính thông thường dành cho các vị giáo chủ Kitô Giáo; Cuộc hội ngộ như bất thần vậy ở trong rừng Fontainebleau, và mãi tới đêm Pie VII mới vào tới thủ đô. Tuy vậy, giáo hoàng cũng chấp thuận một số sửa đổi quan trọng trong lễ nghi truyền thống, do yêu cầu của hoàng đế, đặc biệt là vương miện đáng lẽ do giáo hoàng đặt lên đầu hoàng đế, thì hoàng đế tự mình đặt lấy; vậy không có chuyện phủ phục cúi lạy và cũng không có rước lễ nữa. Song le, về vấn đề tuyên thệ, giáo hoàng vẫn giữ nguyên lập trường không lay chuyển, nên sẽ chỉ làm sau buổi lễ và giáo hoàng không có mặt. Về một điểm khác nữa, hoàng đế bị một vố phạm đến lòng kiêu hãnh của ông ta: hôm trước buổi lễ, hoàng hậu đến thú với giáo hoàng là bà mới kết hôn với Napoléon qua hôn thú dân sự thôi. Vậy Pie VII từ chối nhất định không làm lễ tấn phong một cặp vợ chồng sống bất hợp pháp dưới mắt Hội Thánh; Napoléon giận điên lên, nhưng đành phải chấp thuận ngay đêm đó cho cử hành lễ hợp thức hóa bí mật trước vị Tổng Tuyên uý là chú hoàng đế. Như thế Joséphine, với mưu mô xảo quyệt của phụ nữ, nghĩ rằng mình có thể tránh được việc nhà vua đòi ly dị vì không sinh đẻ được nữa. Trong cuộc cãi cọ ở gia đình này, không một tia nhỏ nào lọt ra trong ngày lễ trọng thể hôm sau (ngày 2 tháng 12 năm 1804). Dù thế nào đi nữa, thì buổi lễ, dù có tính cách hơi giả tạo và có vẻ đóng kịch đi nữa, nhưng đối với tất cả mọi người, nó có nghĩa là cuộc Cách mạng đã cáo chung, quốc gia Pháp lại tìm thấy sự ổn định tinh thần và chính trị dưới sự che trở của cái tôn giáo mà đã có lần họ từ bỏ. Chỉ với một kết quả này thôi, thì phải chăng cũng đủ giải thích được cuộc di chuyển của giáo hoàng! Với sự lưu lại lâu ngày của Pie VII ở Pháp - tới mồng 4 tháng4 năm 1805 - Ngài mới rời Paris - uy tín của ngài cũng được tăng thêm lâu dài. Nhân cách của giáo hoàng, lòng nhân hậu, sự thánh thiện trong sáng của ngài đã làm được trong lòng mọi người và gạt bỏ mọi thành kiến. Giữa ngài và quốc gia Pháp, nhiều mối dây tình cảm đã được gắn bó và rồi lâu ngày, nó sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn có lẽ cả những điều khoản của những pháp chế chống Roma.
Trên thực tế, việc làm hài lòng thực sự ngay sau đó, là giáo hoàng được 6 vị giám mục theo hiến chế trước đây, cho đến lúc này vẫn ngoan cố, thì nay xin được hòa giải. Trước đây, mấy vị đó bị Bộ Trưởng bộ Phụng Tự, và ngay cả Fouché, người ủng hộ mấy vị đó hết mình, đã làm áp lực không ngừng, nên các vị đó phải ký vào những công thức rắc rối luẩn quẩn; Cuộc hòa giải được thi hành kín đáo, trong một buổi hội kiến với giáo hoàng; cái mà người ta được biết là nhiều nước mắt đã đổ ra giữa đôi bên tiếp xúc. Nhưng về mặt khác, Vị giáo chủ nhìn thấy hy vọng trở nên hão huyền. Ðó là việc giới tin lành nghi ngờ ngài muốn cho đạo Công Giáo được hưởng quy chế một "đạo thống trị", nên làm ngài rất lo âu; nhưng hoàng đế đã trấn an họ, và việc Pie VII đến thăm viếng Mục sư Paul Henri Marron ở Paris chỉ là một cử chỉ lịch sự nhã nhặn đơn thuần.
Napoléon đã hứa sẽ chăm lo đến Giáo Hội Ý khi ông đến Milan làm lễ đăng quang lên ngôi vua Ý vào tháng 5 năm 1805. Thật vậy, ông sẽ ký những sắc lệnh cải tổ sâu rộng tổ chức giáo sĩ của tân vương quốc này vào 8 và 22 tháng 6, rút bớt số các giáo xứ để bảo đảm việc tài trợ, bãi bỏ một số tu viện, giới hạn số tu sĩ trong các nhà dòng khác, lập những lợi tức thu nhập của giám mục thành hiện kim của Nhà Nước (nay thành công trái) trợ cấp cho các chủng viện và các xưởng thợ v.v… Giới giáo sĩ địa phương thì có vẻ hài lòng về những biện pháp đó, vì nó củng cố tình hình vật chất của họ; nhưng giáo triều Lamã thì nhận thấy, không phải không có lý do, là những quyết định ban hành đơn phương bởi chính quyền dân sự, là một sự xâm phạm đến tinh thần và nghĩa đen của thỏa hiệp Ý quốc, là một tái bản trầm trọng thêm lên của những sắc lệnh Melzi, và là một sự khuếch trương tai hại của hệ thống Pháp giáo (muốn Giáo Hội lệ thuộc Nhà Nước Pháp).
Cuộc tranh chấp mai đây giữa giáo hoàng và hoàng đế cũng không làm cản trở việc phục hồi Giáo Hội Pháp; trái lại, hình như dưới mắt Nã Phá Luân đó là một lý do bảo đảm cho ông được giới giáo sĩ gắn bó với mình, hay ít nhất, thì họ cũng giữ trung lập, nhờ vào những đặc ân vật chất. Giáo Hội mới theo kiểu Pháp giáo này xuất từ việc thi hành thỏa hiệp vào năm 1801, tỏ ra hoàn toàn khác hẳn Giáo Hội thời chế độ cũ. Trước hết là trong phạm vi địa lý: bản đồ cũ của các giáo sĩ Pháp, trước đây vốn là kết quả của một quá trình lâu đời, thì nay bị xóa bỏ một cách tàn nhẫn; thay vào đó là một cơ cấu rõ ràng, minh bạch và hợp lý, được sắp xếp cho ăn khớp với các đơn vị hành chính của nước Pháp mới, ngõ hầu thuận tiện cho tất cả mọi người. Các tòa giám mục cũng có một chiều hướng khác: nếu trước kia, công cuộc tuyển lựa chỉ lấy duy nhất trong giới quý tộc, thì nay phần lớn chức vị đó dành cho các thành phần ở các giới khác. Không còn loại giám mục ăn chơi đàng điếm, thích xa hoa và luôn chủ trương vắng mặt nữa. Các vị giám mục không được bỏ đi ra khỏi giáo phận, nếu không có phép của bộ Phụng Tự, và với đồng lương ít ỏi 15.000fr cho Tổng Giám Mục, và 10.000fr cho giám mục - thêm vào trách vụ đủ loại đổ lên đầu - các vị đó chỉ có thể có một cách sống khiêm tốn thôi; vả lại, các vị đó đã chấp thuận sống như thế một cách cao thượng, khiến các tín hữu phải tôn kính. Nhà Nước thì thuận cho các vị đó một vị trí vẻ vang trong tôn ti thứ bậc các quan chức Nhà Nước, nhưng vị Bộ Trưởng Phụng Tự - vốn là một giáo dân - lại kiểm soát chặt chẽ mọi hành vi trong cơ quan của các giám mục, còn quấy rầy các vị này bằng những thông cáo hống hách, bắt các vị đó làm kiểm tra luôn, rồi lại có tham vọng áp đặt cả chiều hướng giáo dục tôn giáo của các giám mục nữa. Trước chính quyền dân sự, giám mục bị cô lập, vì không có một tập hợp giám mục, không có hội đồng giới giáo sĩ, không có một tổ chức thường trực đại diện họ; người ta chăm chú để ý không cho các giám mục gặp nhau ở thủ đô, và các vị đó cũng không dám cả bàn tính với nhau qua thư từ. Ngoài ra luật lệ trong các điều khoản tổ chức đã làm giảm bớt tối thiểu những quan hệ với Tòa Thánh. Sự gò bó trên lại có một hệ luận - và là để bù trừ - được quyền gần như tuyệt đối trên giới giáo sĩ phụ tá; thật vậy, chỉ có các cha sở hàng tổng - độ 3000 vị - được hưởng quyền không thể bãi miễn (chức vị vĩnh viễn) và ngay cả những vị này cũng không có thể cầu viện ai chống lại những sự trừng phạt độc đoán. Những Kinh sĩ đoàn (chapitres) rút lại chỉ có mươi thành viên, và cũng không có vai trò độc lập đối với giám mục, vì họ chỉ được thảo luận với sự hiện diện của giám mục thôi. Sau hết, vì hủy bỏ hoàn toàn tất cả các tu viện miễn trừ (Monastères exempts) nên các giám mục một mình chủ trì đời sống tôn giáo ở trong giáo phận của mình.
Sự nghiệp các giám mục thời Nã phá Luân hoàn thành trong vài năm thật là bao la. Phải đòi lại những Thánh Ðường mà chính quyền cách mạng đem sử dụng vào những công việc phàm tục khi những công trình đó không bị hủy mất. Phải khôi phục lại đồ đạc động sản và những đồ thờ trang trí. Phải đưa tất cả vào khuôn khổ của kỷ luật giáo sĩ, và cho hòa lẫn nhau những thành phần hết sức tạp nham trong giới giáo sĩ thuộc quyền; nào là những linh mục ở các giáo phận cũ đến, các cựu tu sĩ triều, các kẻ lưu vong trở về, những thành phần ngang ngạnh, bướng bỉnh trước đây sống lén lút với thói quen độc lập, cựu linh mục theo hiến chế mà vẫn bị người khác nghi ngờ. Sự hòa giải của các vị này đặt thành một vấn đề tế nhị, được thảo luận kịch liệt giữa Bonaparte và hồng y đặc sứ Caprara. Trước hết vị này đòi hỏi phải làm thủ tục rút lại việc mình làm một cách chính thức, sau phải bằng lòng cho làm một chứng thư gia nhập thỏa hiệp (Concordat) mà dưới mắt Giáo Hội thì thật là thiếu sót; các vị giám mục sẽ bổ khuyết bằng cách xá giải bí mật: một công cuộc kiên nhẫn và từ bi. Còn đối với các vị linh mục đã có vợ, thì hồng y đặc sứ đã nhận được ngay từ tháng 8 năm 1801 những quyền hạn cần thiết để điều chỉnh tình trạng các vị đó: Việc Tòa Thánh tỏ ra độ lượng, khoan dung trong vụ này đã làm nhiều giám mục coi là quá đáng. Vào năm 1808, giới giáo sĩ giáo phận được phục hồi tính tổng cộng là 40.000 linh mục; trong số đó 2976 là các cha sở hàng tổng - những vị duy nhất được hưởng lương tháng từ 1000 đến 1500fr - 29.680 các linh mục phụ trách các giáo xứ thứ yếu mà ngân sách Bộ Phụng Tự chỉ cho một trợ cấp nghèo nàn là 500fr một năm; 6255 cha phó không được trả công gì cả.
Nhưng đến năm 1809, một phần ba các linh mục phụ trách các giáo xứ đều quá 60 tuổi, và cứ mỗi năm, số các nhiệm sở thiếu người phụ trách càng tăng lên, vì số người chết đi mà không thể có ai bổ sung. Muốn cứu chữa tình thế hiểm nghèo, các giám mục buộc phải phục hồi lại các chủng viện, cả đại và tiểu chủng viện. Nhưng những cố gắng đó bị cản trở, trước hết là thiếu tài chính vì thỏa hiệp không dự trù việc tài trợ của ngân sách, và cũng bởi sự chống đối của các nhân viên cao cấp Bộ Giáo dục; nào là vẫn bắt đi nghĩa vụ quân sự, tình trạng nghèo khó cùng cực của giới tu sĩ ở các giáo xứ; nhiều chướng ngại trong công cuộc giáo dục theo Kitô giáo; Tất cả những khó khăn trên đã gây trở ngại cho công cuộc tuyển lựa bình thường. Viện đại học thì lo đến việc phục hồi các tiểu chủng viện, và vào tháng 3 năm 1811, viện được phép cho các tiểu chủng viện sát nhập vào mình, và các học sinh tại đây phải vào theo học tại các trường trung học Lycée và trường trung cấp công. Tóm lại, trên toàn thể nước Pháp, tổng số lễ truyền chức, dưới thời chế độ tổng tài (Consulat) và đế chế (Empire) không quá số 6000, nghĩa là một con số tương đương với số các linh mục được truyền chức chỉ trong một năm vào những năm trước 1799.
Các tu sĩ dòng có thể bổ sung cho sự thiếu hụt trên được, nhưng Nã Phá Luân không muốn như vậy; ông nói: "giới giáo sĩ triều của tôi là cũng tốt lắm rồi, cần gì đến những tên điên khùng mà tôi không biết rõ căn nguyên". Hội các Cha Ðức Tin, một hội thành lập trước thời thỏa hiệp (concordat) một ít lâu đã lợi dụng sự bao dung xẩy ra vào thời thỏa hiệp du nhập Pháp, và mở được vài trường trung cấp, nhất là trong giáo phận Lyon được hồng y Fesch che chở; nhưng Fouché cảnh giác: ông tố cáo việc này, và hoàng đế ban hành một sắc lệnh, (23 tháng 6 năm 1804) ra lệnh giải tán tất cả các hội đoàn không có giấy phép. Lẽ nào ông lại mù quáng mà không biết những dịch vụ các nhà truyền giáo có thể giúp ông được, ông nói một cách vô sỉ như thế này: "Ta sẽ cử họ đi nắm tình hình của các nước, áo nhà tu sẽ bảo vệ họ cùng che đậy các ý đồ chính trị và thương mại". Bởi vậy, những tu sĩ dòng thánh Vinh Sơn (Lazaristes), các linh mục của Hội Thừa Sai Truyền Giáo tại nước ngoài, và các cha của Thánh Linh đều được phép ra đi; Hai hội khác lúc đầu cũng được các đặc ân trên - đó là tu sĩ hội Xuân Bích và tu sĩ dòng Trappe - nhưng lại bị giải tán vào tháng 2 năm 1810, và vào tháng 7 năm 1811. Riêng trong giáo giới, sư huynh các trường công giáo được lòng chúa tể, vì đã mở lớp bình dân dậy miễn phí; nhưng vào năm 1811, số 42 trường của họ cũng bị đặt dưới quyền kiểm soát của Viện Ðại Học.
Nã Phá Luân vốn đa nghi, ngờ vực đối với các nam tu sĩ, nhưng không nghĩ như vậy với các dòng nữ tu.... tuy nhiên, với điều kiện là họ phải "hữu ích", nói một cách khác nghĩa là họ phải là nhân viên bệnh viện hay trong giáo giới; vì vậy, nên các dòng nữ tu, dưới thời Ðế chế (Empire) đã hồi phục một cách lạ lùng; thống kê của Bộ Phụng Tự - không kể đến những tổ chức ít nhiều lén lút - ghi là vào năm 1814 có 12426 nữ tu và 1776 tu viện. Tổng kết, phải nói là thỏa hiệp Concordat đã gíúp cho chính nghĩa của tôn giáo, và một sử gia gần đây, đã coi việc khôi phục Giáo Hội Pháp là một "phép lạ". Nhưng có một phương diện không được lý thú lắm, là tất cả việc trên chỉ do hoàng đế muốn củng cố địa vị, quyền hành của mình thôi. Giáo Hội đối với ông chỉ là một công cụ để thống trị như quân đội và cảnh sát. Trong một thông tri gửi cho các giám mục, Fouché cứ thản nhiên viết như sau: "có nhiều sự trùng hợp giữa những chức vụ của ngài và của chúng tôi". Trong tất cả các giáo xứ, đều phải giảng dậy cùng một sách giáo lý, mà khi soạn thảo, chính Nã Phá Luân cũng nhúng tay vào, và trong đó, điểm quan trọng bậc nhất là những bổn phận đối với hoàng đế: ngoài những điểm khác, có việc phải đóng thuế, và đi nghĩa vụ quân sự. Các vị giám mục buộc phải ca tụng hoàng đế, biểu dương các cuộc chiến thắng của ngài, và làm lễ ngày 15 tháng 8, mừng thánh Nã Phá Luân được lôi ra đúng lúc từ cuốn Tử Ðạo danh lục; vả lại các vị đó cũng không để phải được yêu cầu, mà moi lục để làm đẹp lòng quan thầy, đến hết kho tàng hồi ức trong lịch sử và trong Kinh Thánh: như những tên các vị Cyrus, Alexandre, Constantin, Charlemagne; Nã Phá Luân đã trở thành "Con người ở phía hữu Thiên Chúa", là "Chúa Cứu Thế quan phòng"; là "Ðấng được xức dầu của Thiên Chúa" Không còn có giao ước giữa nhà vua và tôn giáo như dưới thời chế độ cũ nữa, mà chỉ còn tôn giáo phục tùng nhà vua; Nã Phá Luân đã thiết lập ra một loại Giáo Hội Nhà Nước mới, một Giáo Hội có thể nói là thu nhỏ đến trơ xương, vì bị bãi bỏ hết các dòng tu và tất cả các công trình xã hội ngoại giáo xứ; một Giáo Hội mà chắc chắn giới giáo sĩ phải ngoan ngoãn, dễ bảo, vì lệ thuộc về vật chất tài chính và bị kiểm soát hành chính.
Vậy Nã Phá Luân còn thiếu cái gì để cho thực hiện chủ nghĩa bất diệt, độc tài, tôn sùng mình như giáo hoàng mà ông mơ mộng? Một hôm, chính ông ta, trong một buổi ngồi tâm sự với viên quan đại giám mã tại Caulaincourt, đã nói: "Ta đã lầm lỡ, ta lý luận với các linh mục như đối với các người khác (....) Ðây là một quốc gia riêng biệt ở giữa những quốc gia. Ðối với các linh mục, chính Rôma mới là Tổ quốc của các vị đó, chúng ta vì thế phải đồng lòng vậy". Tóm lại, giữa Nã Phá Luân và việc chế ngự hoàn toàn tâm hồn của thần dân ông còn có đức giáo hoàng. Cuộc đấu tranh đối lập hai quyền lực kể từ 1805, hẳn là có vẻ trần tục vì là Nhà Nước và Giáo Hội. Nhưng Nã Phá Luân lại không muốn giáo hoàng chỉ giam hãm trong vai trò thuần túy tôn giáo - như thế, thực ra thì cũng chấp nhận được - nhưng ông ta lại muốn vị giáo hoàng đó là thần dân của mình, và lấy quyền thiêng liêng của giáo hoàng để phục vụ chính chính sách của ông ta. Nếu chấp thuận tình trạng này thì Pie VII có lẽ phải từ bỏ sứ mệnh toàn năng của Giáo Hội; và cũng vì thế mà Pie VII vốn rất hiền lành và ôn hòa; đã phải tỏ ra cương quyết bất ngờ.
Cuộc đụng độ đầu tiên xẩy vào cuối năm 1805; Lúc đó Nã Phá Luân phải từ bỏ ý định xâm chiếm Anh Quốc, và đổ đại quân của mình đóng ở Ðức Quốc, tiến gập lực lượng liên minh Áo và Nga. Tin tình báo làm ông nghĩ là quân Anh định mở một tuyến tác chiến nghi binh trên bờ biển Adriatique; vì thế ông ra lệnh chiếm đóng hải cảng Ancône ở Ý, Pie VII viết một bức thư riêng cho Nã Phá Luân, để phản kháng với giọng rắn rỏi làm hoàng đế ngạc nhiên và nổi giận. Ðầu năm 1806, Nã Phá Luân yêu cầu giáo hoàng phải trục xuất ra khỏi những quốc gia của ngài, tất cả những nhân viên các cường quốc đang tranh chấp với ông, và cấm các tầu bè của các nước đó cập bến nước của ngài. Ông viết cho giáo hoàng như sau: "Ðức thánh cha ngài là tối thượng ở Rôma, nhưng ta lại là hoàng đế ở đó. Tất cả những kẻ thù của Ta cũng là của ngài". Giáo hoàng bác bỏ lời yêu cầu của hoàng đế;
Nã Phá Luân cho triệu hồi ngay hồng y Fesch ở Rôma về, và cho thay thế bằng Alquier, một cựu đại biểu Hội Nghị Quốc Ước, và là người trước kia bỏ phiếu giết vua Pháp. Tuy nhiên, ông này lại tỏ ra lịch sự, nhã nhặn và thận trọng hơn vị tiền nhiệm có tính nóng nẩy dữ dằn kiểu Nã Phá Luân. Về mặt khác, hồng y Consalvi bị Fesch chỉ rõ là linh hồn của sự chống đối, kháng cự, nên phải xin từ nhiệm (17 tháng 6 năm 1806). Cuộc chiếm đóng Civita - Vecchia (tháng 5 năm 1806) cho thấy rõ nét ý định vây hãm cụ thể Rôma. Cuộc bao vây này trở nên cần thiết hơn cho chính sách của hoàng đế, hơn nữa, là vì vào cuối năm 1806, ông này mở cuộc phong tỏa lục địa chống Anh Quốc; vậy việc giáo hoàng đứng trung lập sẽ gây ra một kẽ hở trong hệ thống. Trong suốt năm 1807 nhiều trát lệnh nối tiếp nhau gửi đến mỗi ngày một khẩn thiết hơn. Pie VII vẫn không lay chuyển. Ngày 2 tháng 2 năm 1808, quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của Tướng Miollis chiếm đóng thành phố bất diệt, không gặp sự chống cự nào. Phải chăng chính quyền thế tục đã cáo chung? Chưa hẳn thế, vì Nã Phá Luân lúc đó đang dấn vào một cuộc chiến tai hại ở Tây Ban Nha nên ông ưa chờ thời hơn, và cho chuẩn bị dò tình thế bằng một chế độ chiếm đóng trên thực tế. Trong khi chờ đợi, các tỉnh của Ancône và Urbino bị sáp nhập vào vương quốc Ý, và tướng Miollis được ủy thác làm giáo hoàng yếu thế đi bằng cách để cho ngài bị cô lập. PieVII không để bị hăm dọa và khẳng định ý chí chống đối của mình bằng cách chọn hồng y Bartolomeo Pacca làm bộ trưởng, ông này là người cầm đầu giỏi của phe Zelante (phe thân Áo).
Mùa xuân năm 1809, Âu Châu xẩy ra nhiều biến cố lớn lao. Nước Áo được khích lệ vì cuộc kháng chiến của Tây Ban Nha, nên đã hủy bỏ hiệp ước hòa bình. Một lần nữa, Nã Phá Luân đem quân đội tiến vào trọng tâm lục địa Âu Châu. Chính ở thành phố Vienne, một sắc lệnh được ký ngày 17 tháng 5 năm 1809 trong lâu đài Schonbrunn cho tập họp các nước của giáo hoàng vào đế quốc Pháp; chính thành phố Rôma nhận quy chế một thành phố thuộc đế chế tự do, được một hội đồng các thân hào gọi là Consulta đứng ra cai trị. Ngày 10 tháng 6 công văn được Miollis cho công bố; một loạt súng lớn nổ ran khi lá cờ Pháp được kéo lên trên lâu đài Saint - Ange, Pie VII sẵn sàng trả đũa đáp lại. Ngay trong đêm hôm đó, những người trung thành với ngài, đem niêm yết trên khắp các tường trong thành Rôma, văn bản của sắc chỉ giáo hoàng ra lệnh tuyệt thông "những kẻ tiếm quyền, kẻ xúi giục, kẻ khuyên bảo, kẻ tán đồng, kẻ thừa hành" của cuộc xâm phạm này. Những sự thi hành kỷ luật của Giáo Hội, chắc không làm bận lòng Nã Phá Luân; nhưng dân chúng công giáo họ sẽ nói thế nào đây? Vì ông khoe là mình cai trị dân như "đấng được Chúa xức dầu". Cơn giận của nhà vua bùng nổ khi ông viết thư cho em rể là Murat ngày 10 tháng 6, Murat là người kế vị Joseph trên ngai vàng ở Naples "Ta nhận được tin bị giáo hoàng rút phép thông công. Thật là một tên điên khùng cần phải nhốt lại". Rất có thể, đây chỉ là một lời nói cho hả cơn giận thôi, nhưng bộ hạ của ông ở Rôma lại tưởng như thật. Trong đêm 5 rạng ngày 6 tháng 7, điện Quirinal bị hàng trăm người tràn vào theo lệnh của tướng hiến binh Radet; họ lấy rìu phá cửa, và sau hết, vào được phòng tiếp kiến có Pie VII ngồi chờ sau một chiếc bàn, có hai vị hồng y Pacca và Despuig ở hai bên. Radet, bằng một giọng xúc động, tuyên bố cho giáo hoàng biết sứ mệnh của mình: giáo hoàng phải từ bỏ vương quyền thế tục của mình, hay sẽ bị đưa ra khỏi thành Rôma. Pie VII trả lời: "Chúng tôi không từ bỏ cái không thuộc của tôi; tài sản thế tục là của Giáo Hội Lamã; và chúng tôi chỉ là những người quản lý. Hoàng đế có thể xé xác tôi ra từng mảnh được, nhưng không bao giờ được cái mà ngài yêu cầu". Sau đó giáo hoàng cầm theo cuốn Kinh Nhật Tụng, và ngài cùng với Pacca lên xe, đã túc trực sẵn để bắt ngài đi.
Vì không có chỉ thị rõ ràng của hoàng đế, nên lúc đầu giáo hoàng bị đưa đi Florence, rồi Gênes, và sau hết là Grenoble và ngài ở lại đây từ 21 tháng 7 đến1 tháng 8. Mới đầu Nã Phá Luân không bằng lòng về việc này, mà ông gọi ngay là "một hành động đại điên rồ" nhưng sau, ông quyết định theo đà như vậy, và che đậy ý đồ của bộ hạ mình, sau cùng ra lệnh đặt nơi ở cho giáo hoàng ở Savone trên ven biển Ý cách Gênes 40 cây số. Pie VII ở đấy gần 3 năm đến ngày 9 tháng 3 năm 1812, hoàng đế nói rằng: "Ta không muốn giáo hoàng có vẻ như ở trong tù"; Pie VII làm âm mưu đó bị thất bại và ngài xử sự ngược lại như người bị cầm tù thực sự.
Theo ý nghĩ của Nã Phá Luân, thì sự lưu giữ giáo hoàng ở Savone chỉ là tạm thời thôi. Ông ta hy vọng làm cô lập giáo hoàng xa những "tên cố vấn độc ác" rồi quở trách cẩn thận, là ông già tội nghiệp đó sẽ yếu đi, rồi cuối cùng phải chịu không cưỡng lại ý muốn của người trên; Lúc đó sẽ sắp xếp làm lễ long trọng cho ông thụ chức ở Paris; như thế sẽ dễ điều khiển những đòn bẩy của giáo quyền, để giúp cho chính sách của hoàng đế. Trong khi chờ đợi 28 vị hồng y - dù vui lòng hay miễn cưỡng - đã đến ở thủ đô Pháp; những tài liệu lưu trữ cũng được đem đến đó. Còn về phần giáo sĩ của đế chế, thì họ phần nhiều không rõ điều kiện thật sự sinh sống của giáo hoàng ở Savone. Sắc chỉ tuyệt thông tuy được phổ biến, mặc dù sự cố gắng ngăn cản của cảnh sát, qua mạng lưới giáo sĩ và giáo dân bảo hoàng, nhưng truyền thống Pháp giáo vẫn còn ảnh hưởng mạnh trong hàng giám mục làm các vị này không bị xúc động thái quá về việc này.
Trong tình thế hầu như vô vọng, giáo hoàng phải dùng đến một phương tiện mà trước đây giáo hoàng Innocent XI đối với vua Louis XIV, trong cuộc tranh chấp về đặc quyền nhà vua. Vì không được tự do hành sử nhiệm vụ, thì ngài chỉ giản dị ngưng không làm trọn nghĩa vụ và từ chối không phong chức - chiếu theo giáo luật - cho các giám mục do hoàng đế đề cử. Sau đây có 17 nhiệm sở không có người, thực thụ hợp pháp.
Vào năm 1810, thêm vào vụ tranh luận về việc tấn phong, lại có một cuộc xung đột có tính chất riêng tư cá nhân hơn: hoàng đế vốn có ý muốn lập một triều đại để bảo đảm cho sự nghiệp mình lâu dài, nên quyết định hủy bỏ cuộc hôn phối của ông với nữ hoàng Joséphine. Giấy giá thú dân sự thì được thượng viện hủy đi; nhưng còn cuộc hôn phối đạo thì sao đây? Người ta còn nhớ lễ hôn phối đó được cử hành trong những điều kiện bất bình thường như thế nào. Tòa án giáo phận Paris đã thụ lý việc này, và tuyên bố cuộc hôn phối vô hiệu, vì xét rằng những thể thức do giáo luật định - tức là sự hiện diện của cha sở - không được tôn trọng và Nã Phá Luân chỉ "giả cách ưng thuận". Cho dù những luận chứng đó có giá trị mấy đi nữa, người ta vẫn còn nghi về cái thẩm quyền của tòa án, vì Tòa Thánh bao giờ cũng dành thẩm quyền xét xử việc liên quan đến hôn phối các vị quốc vương. Các vị hồng y giáo triều Lamã hiện diện ở Paris bị rơi vào một tình huống bối rối dữ khi được hoàng đế triệu tới dự lễ hôn phối lần thứ hai của ông với bà quận công nước Áo là Marie-Louise (ngày 1 tháng 4 năm1810). Mười ba trong số các vị ở Paris đã quyết định tránh không tới dự, Nã Phá Luân nổi cơn thịnh nộ về cử chỉ của các vị đó; thật vậy, gieo nghi ngờ vào tính hợp pháp của dòng dõi con cái hậu duệ hoàng đế mai sau. Những kẻ phạm tội trên đều bị tước hết huy hiệu và cả những quyền lợi vật chất gắn với tước vị, và bị đầy đến những thành phố nhỏ ở tỉnh lẻ, cùng bị quản thúc chặt chẽ.
Về vấn đề tấn phong, Nã Phá Luân đã khai thác vô hiệu tất cả các phương pháp hầu bắt giáo hoàng chiều theo ý mình. Một "Hội đồng Giáo sĩ" lần đầu tiên họp vào cuối năm 1809, tập họp các thân hào đã được chọn lựa kỹ lưỡng, và họ đã gỡ khó khăn bằng cách gợi ý cho tổ chức một công đồng toàn quốc. Nhưng tình hình lại trở nên trầm trọng vì hồng y Belloy già nua đã qua đời, làm bắt buộc phải bổ sung ngay một vị tổng giám mục ở Paris. hoàng đế chọn hồng y Maury, người trước đây phản lại phe bảo hoàng và có nhiều tham vọng, thiếu tư cách nên ít đáng kính. Pie VII tìm được cách trao cho vị linh mục tổng đại diện là cha D'Astros một bức thư, trong đó ngài không chịu nhận cho vị tổng giám mục mới được đề cử một quyền gì hết. Cảnh sát bắt được thư đó và cha Astros bị cầm tù. Các kinh sĩ ở Paris quá khiếp sợ, phải chấp thuận ủy quyền cho Maury để ông này tạm cai quản tổng giáo phận Paris với tước vị đại diện kinh sĩ hội (vicaire capitulaire) .
Âm mưu xoay sở này liệu có thể đem phổ cập ra được không? Một hội đồng các giáo sĩ lần thứ hai họp vào tháng 2 năm 1811, không dám lên tiếng về vấn đề này. Trước khi đi đến công đồng toàn quốc, Napoléon đưa ra một mưu toan cuối cùng với giáo hoàng. Ba vị giám mục tận tâm với chính nghĩa của hoàng đế được cử đi Savone, các vị này đề nghị với Pie VII, xin sửa đổi điều khoản trong thỏa hiệp nói về việc tấn phong như sau: Trong trường hợp mà giáo hoàng hoãn lại quá 6 tháng không gửi đi những sắc chỉ (Bulles) bổ nhiệm các giám mục, và vì những lý do khác ngoài lý do đương sự xấu xa không xứng đáng; cuộc tấn phong chiếu theo giáo luật có thể do tổng giám mục thi hành, Pie VII vì lo sợ nhìn thấy viễn ảnh một sự chia rẽ sẽ xẩy ra với công đồng toàn quốc, nên ngài, trong một lúc mềm lòng, đi đến chấp nhận nguyên tắc của một điều qui định, nó tước mất khí giới duy nhất còn lại của ngài. Nhưng sau khi phái đoàn ra về, giáo hoàng trấn tĩnh lại và cho biết ngài không chấp thuận gì hết.
Công Ðồng khai mạc ngày 17 tháng 6 năm 1811 trong nhà thờ Chính Tòa Ðức Bà ở Paris với sự tham dự của 95 hồng y, tổng giám mục và giám mục vừa ở Pháp và ở vương quốc Ý tới. Hồng y Fesch chủ tọa các buổi họp, lúc đầu tỏ ra có thái độ độc lập đáng để ý; chính hội nghị khẳng định trung thành với vị giáo chủ và yêu cầu trả tự do cho ngài; và bác đi một đề nghị về sắc lệnh sẽ trình cho hoàng đế ký, liên quan đến vấn đề mấu chốt là việc tấn phong. Nã Phá Luân nổi cáu, tức tối bắt đình chỉ các buổi họp, cho bắt bỏ tù, nhốt ở vọng lâu Vincenne ba vị giám mục cầm đầu cuộc chống đối: đó là các giám mục Hirn của thành Tournai; Broglie của thành phố Gand và Boulogne của thành phố Troyes. Sau đó, các thành viên của Công Ðồng được mời riêng từng cá nhân tán thành dự án mà hội nghị đã bác; đây là một phương pháp mà Maury, con người luôn vô sỉ gọi là "rượu vang để ở thùng không tốt, nên đóng vào chai" Bị thôi thúc, hăm dọa, lừa dối nên hầu hết các thành viên đều phải chịu theo; Công Ðồng họp lại và với 80 phiếu thuận cùng 13 phiếu chống, đạo sắc lệnh nổi tiếng này được chấp thuận. Nhưng không phải là đã thua mất hết, vì điều khoản cuối cùng lại dự trù là các văn kiện của Công Ðồng sẽ phải đưa giáo hoàng chuẩn y. Vì thế, lại một phái đoàn các giám mục mới nữa được tìm đến Savone. Các vị này, theo lệnh của hoàng đế, phải yêu cầu giáo hoàng không những chuẩn y sắc lệnh đã được Công Ðồng bỏ phiếu chấp thuận, mà còn - đây là một yêu sách tự phụ thái quá - phải nới rộng hiệu lực cho tất cả các nước đặt dưới quyền hoàng đế hiện nay và cả các nước khác trong tương lai nữa. Pie VII khéo léo lấy lòng nhà vua, nên chấp thuận ban hành một đoản sắc (Bref) lập lại những danh từ dùng trong sắc lệnh, nhưng với một vài hạn chế nhỏ: như vậy cuộc tấn phong chiếu giáo luật của vị tổng giám mục (métropolitain) phải là làm nhân danh giáo hoàng, và các giám mục ngoại ô Rôma vẫn là do vị giáo hoàng Roma bổ nhiệm. Thay vì hài lòng vì thắng lợi này, Napoléon lại muốn tăng bội cơ may của mình, nên ông ta yêu cầu phải chấp nhận toàn bộ dự án của ông ta. Đức Pie VII lúc đó lấy lại nghị lực; bảo cho biết ngài chẳng chấp thuận gì nữa; Một lần nữa, vị hoàng đế có quyền thế như vậy đã bị thất bại trước ông già ốm yếu; Napoléon chỉ còn một cách là khom lưng mình cố sức mà chịu vậy. Lòng tự hào của ông ta, làm ông tin chắc là việc mà các nhân viên của ông bị thất bại, thì ông sẽ thành công. Vào tháng 5 năm 1811, trước khi dấn thân vào một cuộc xâm phạm nguy hại chống nước Nga, ông ra lệnh đưa giáo hoàng đến Fontainebleau, viện cớ quân Anh dự tính bắt cóc giáo hoàng ở Savone. Cuộc hành trình này đi từ ngày 9 đến 19 tháng 6, thật khác hẳn với lần ra đi năm 1804: không còn là một vương gia, một giáo chủ tiến lên trước dân chúng quỳ gối cung kính, mà chỉ là một tù nhân tội nghiệp, đi với một toán hiến binh áp tải; đến khi lên đường, vì quá mệt nhọc, nên xẩy ra cơn đau ghê gớm vì bí tiểu tiện, có cơ nguy đến tính mạng; viên sĩ quan chỉ huy đoàn hộ tống không dám tự quyết định cho giáo hoàng nằm nghỉ, cuộc hành trình vẫn tiếp tục, nhưng ngài được nằm trên một cái giường tạm bợ để trên xe tải chở đi. Khi đến Fontainebleau, ngài trông như một người hấp hối sắp chết; nhờ khung cảnh nơi đây làm cho thoải mái nên Pie VII được bình phục, nhưng ngài vẫn tỏ ra khăng khăng bền bỉ như hồi còn ở Savone, và vẫn coi mình như một tù nhân; Tình hình vẫn cứ như thế trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1812. Trong giới giáo sĩ, từng nơi đã thấy xẩy ra ngấm ngầm một tình huống khó chịu nhất là ở Bỉ Quốc và Ý Quốc; nhiều mạng lưới lén lút tổ chức giữ việc liên lạc với các hồng y "trong sổ đen" để tung ra những tài liệu xuất bản có ý phản loạn cảnh sát trả đũa bằng cách bắt bớ, giam cầm, đầy ải: hàng trăm các linh mục Ý bị đưa đi đày ở đảo Corse. Trong khi những truyện phức tạp về vấn đề giáo sĩ như thế là đi đến điểm chết, thì cuộc chiến của Napoléon ở bên Nga đi đến bước thảm hại. Khi nhận được những tin xấu như thế, hình như hồng y Fesch có lên tiếng như sau: "Cháu tôi đã thất bại, nhưng Giáo Hội được cứu thoát". Riêng Napoléon chưa chịu thua, Trở về Paris vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 11, ông miệt mài vào công việc lập lại một đạo quân. Ngày 19 tháng giêng năm 1813, bất ngờ ông xuất hiện ở Fontainebleau, vào phòng của giáo hoàng và xin người che chở; trong suốt 5 ngày, hai nhân vật nói chuyện với nhau, mặt đối mặt. Napoléon đã dùng phương tiện gì để quyến rũ, dùng lời đe dọa nào, thật chẳng có thể bao giờ biết gì về truyện này cả. Cái kết quả là thấy một tài liệu do giáo hoàng ký tên "coi như dùng làm căn bản cho một cuộc dàn xếp chung cục" và phải giữ bí mật trong khi chờ đợi. Với ác tâm quá rõ rệt, Napoléon vội đem công bố văn kiện trên, và trình bầy coi như một thỏa ước mới, cùng ra lệnh làm lễ tạ ơn Thiên Chúa (Te Deum) mừng việc hòa giải giữa Giáo Hội và Nhà Nước.
Những nhượng bộ do Pie VII chấp nhận đã làm hài lòng hoàng đế về những điểm cốt yếu, trong đó, kể cả việc tấn phong các giám mục. Vừa mới đầu hàng hoàng đế xong thì vị giáo chủ đáng thương hại lại rơi vào một tình thế hiểm nghèo. Các vị hồng y nay được phép hội họp chung quanh giáo hoàng, đặc biệt là hồng y Consalvi và Pacca, các vị đã thuyết phục giáo hoàng và nói rằng muốn cứu vãn Giáo Hội thì cần phải chối rút lại những điều đã ký kết một cách chính thức rõ ràng; vì thế PieVII liền viết một lá thư dài cho Nã phá Luân, trong đó, bằng lời văn vừa khiêm nhường, vừa cương quyết, ngài bác bỏ văn kiện đã dành được trong một lúc yếu đuối của ngài. Bức thư của giáo hoàng gửi đến hoàng đế ngày 24 tháng 3 năm 1813, nhưng không đem lại kết quả nào rõ ràng hiển nhiên. Bức thư đó được cẩn thận giữ bí mật, và cái "thỏa hiệp Fontainebleau" mạo xưng đó được ban hành như luật của đế chế. Hoàng đế tự dành chi mình quyền coi lại hồ sơ, khi ông đã củng cố được tình thế bằng cách chiến thắng liên minh.
Người ta biết việc gì đã xẩy ra. Chiến dịch tại Ðức Quốc mới đầu có thắng lợi, nhưng kết thúc bằng thảm hoạ xẩy ra tại Leipzig (18 -19 tháng 10 năm 1813) Ðầu năm 1814, các đội quân của liên minh Âu Châu đã tiến sát vào ngay nước Pháp. Việc giáo hoàng còn ở Fontainebleau đã gây ra một trở ngại. Ngày 21 tháng giêng năm 1815, viên thiếu tá hiến binh Lagorsse, người coi giữ giáo hoàng nhận được lệnh đưa ggười trở lại Ý bằng một hành trình đổi hướng để kéo dài chuyến đi. Ngày 17 tháng 2, Pie VII lại được trở về Savone. Trong khi đó Murat, quốc vương thành Naples đã phản bội ông anh rể, đi điều đình với người Áo và định sát nhập các nước Lamã. Chỉ đến lúc đó, hoàng đế mới ra lệnh để cho giáo hoàng trở về Rôma: khó mà coi cái cử chỉ vào phút chót này là một động tác hào hiệp; vì thật ra, nó chỉ là ý muốn gây bối rối đói với kẻ phản bội thôi. Sau hết, ngày 24 tháng 5, dân chúng Lamã đã đón tiếp long trọng vị quốc vương của họ mới trở về.
Sau khi trải qua bao nhiêu đau khổ kéo dài, đức Pie VII đã trả thù bằng một thái độ cao thượng theo tinh thần Kitô giáo. Chính Roma là nơi các thành viên của gia đình Bonaparte đã đến ẩn náu, vì đối với các nước Âu Châu khác, họ đã trở nên những kẻ bị phát vãng, đầy nguy hiểm.