LỜI DẪN NHẬP PHẦN THỨ HAI
G. De Bertier de Sanvigny
PHẦN THỨ HAI
CÔNG TRÌNH PHỤC HƯNG
(1800-1848)
LỜI DẪN NHẬP
Sau đại hồng thủy, khi ra khỏi tàu, ông Noe không thấy thế giới thay đổi hơn một người ở thế kỷ XVIII lúc hắn lọt vào cái thế giới khởi sự năm 1800 (1). Một thế giới, một nền văn minh trong nhiều thế kỷ đã che chở tòa nhà tôn giáo đang sụp đổ, và qua những tàn tích, người ta đoán lờ mờ là xã hội mới sẽ như thế nào. Giáo Hội của Ðấng Kitô liệu có tìm được chỗ đứng trong đó hay không?
Thoạt tiên có những cách mạng chính trị. Các tai biến mới càn quét chế độ cũ tại Pháp đã đánh một đòn chí tử vào những nguyên tắc từ trước vốn làm hậu thuẫn cho các chính phủ: lý tưởng dân chủ lên thay thế cho chế độ quí tộc và bảo hoàng; thay vì quyền Thượng Ðế chuyển nhượng qua thừa tự thì có tự do lựa chọn của đại chúng. Vào tiền bán thế kỷ XIX, lịch sử chính trị của các chính phủ là phải tranh đấu giữa hai nguyên tắc, giữa hai hệ thống. Như thế liệu các Giáo Hội có giữ được trung lập hay không? Dĩ nhiên là các Giáo Hội theo nguyên tắc, sẽ và phải chấp nhận mọi đường lối chính trị giúp Giáo Hội thi hành chức vụ của mình, và chế độ dân chủ có thể đi đôi với Giáo Hội. Hơn nữa, đa số các cộng đồng Tin Lành đã từ lâu thi hành chế độ ấy trong lối tổ chức địa phương. Nhưng đối với Giáo Hội Công Giáo Roma, đã từ lâu bám víu với nguyên tắc quân chủ và hơn nữa, lối tổ chức riêng biệt của Giáo Hội dựa theo nguyên tắc ấy, làm cho Giáo Hội rất khó chấp nhận nguyên tắc đối lập của xã hội trần thế. Tháng 9 năm 1820, hồng y Consalvi đã viết: “Cái nguyên tắc căn bản về lối cai trị lập hiến là một nguyên tắc dị giáo nếu đem nó áp dụng vào đường lối cai trị của Giáo Hội. Nếu chấp nhận nguyên tắc ấy trong lối cai trị của các quốc gia công giáo, thì trước sau người ta cũng muốn đưa nó vào lối cai trị của chính Giáo Hội” (2). Hơn nữa, ít là tại Âu châu, cách mạng tự khắc đã có chiều hướng phản công giáo: như vậy mọi cái đều thúc đẩy Giáo Hội Công Giáo đứng vào hàng ngũ phản kháng, và việc liên minh ấy chẳng những nguy hiểm cho tương lai một khi hệ thống mà Giáo Hội đả kích sẽ thành công, mà ngay trong lúc hiện tại, Giáo Hội đã phải nhân nhượng đối với các giới liên minh.
Cuộc cách mạng cũng đã gây ra hiện tượng mới này là chính phủ dân sự theo định nghĩa không lệ thuộc vào hệ thống tôn giáo nào. Hợp Chúng quốc Mỹ châu đã làm gương mẫu và sau này nước Pháp cách mạng đã đi vào đường ấy. Thế mà Giáo Hội Công Giáo Roma, một đàng đã quen lệ giàn xếp với các lãnh chúa công giáo để tránh việc đùm bọc có tính cách lấn át, một đàng với các lãnh chúa Tin Lành để họ đừng bắt bớ. Làm sao Giáo Hội có thể chấp nhận bị gạt ra ngoài đời sống xã hội? Làm sao thích ứng các phương pháp làm việc của mình vào quyền lợi chung của các cá nhân và của các đoàn thể?
Sau cùng, sản phẩm phụ của nguyên tắc dân chủ là quyền các dân tộc được tự do định đoạt về số phận của mình, nguyên tắc này được chấp nhận mau lẹ còn hơn là thuyết tự do lập hiến, bởi vì lòng ái quốc bồng bột có thể lấn át tất cả những phần tử đã từng là hậu thuẫn đương nhiên của trật tự cũ: đó là phái quí tộc và hàng giáo sĩ. Tại mấy nơi, như ở Ái Nhĩ Lan, hoặc trong các nước Slaves, hàng giáo sĩ đứng ra tổ chức dành độc lập quốc gia, đó là nguồn gốc nhiều vấn đề nan giải cho Giáo Hội. Làm thế nào để dung hòa thái độ kính trọng phải có đối với quyền bính đã được thiết lập cũng như tình cảm phải có đối với những ai đang bị chèn ép? Làm thế nào để khước từ sự ủng hộ của các nước Công Giáo đang coi việc tranh thủ độc lập chính trị như cuộc chiến đấu cho tự do tín ngưỡng? Giàn xếp thế nào với những chính phủ xuất phát từ những cuộc cách mạng dân tộc mà chính Giáo Hội đang cần đến thiện chí của họ để duy trì thể chế giáo triều? Chẳng may là trong phạm vi này, những khung cảnh lịch sử thường liên kết vận mệnh Giáo Hội với các lực lượng bảo thủ. Có thể là vị thủ lãnh một cộng đồng kitô cũng lại là ông chúa trùm của một chính phủ không đội trời chung với việc thể hiện những phong trào quốc gia hùng mạnh nhất, như phong trào Risorgimento Ý. Mọi hình thức ủng hộ phong trào quốc gia, ngay cả ngoài nước Ý đều động chạm đến quyền dân sự, và Giáo Hội bó buộc phải đi tìm hậu thuẫn từ bên ngoài, để đối phó với các công dân của mình.
Cách mạng kinh tế và xã hội. Trong giai đoạn thứ nhất, đã khởi sự trong thế kỷ XVIII, và được Cách mạng Pháp năm 1789 thúc đẩy, người ta thấy xã hội quí tộc cũ đang chết dần mòn, xã hội ấy vốn coi sự chênh lệch lúc sinh ra là luật của trời và tuân thủ một lối sống trong đó vinh dự trọng hơn tiền của. Với những tiến triển của thương mại và của những tư tưởng khoáng đãng, xuất hiện một xã hội tư bản không biết trật tự nào khác hơn là trật tự tiền bạc và chức vụ công cộng. Trong cái xã hội trục lợi hướng về vật chất, về việc chinh phục thế giới hiện đại, làm gì còn chỗ cho thông điệp Phúc Âm? Giáo Hội một đàng đã liên kết với phái quí tộc và đã rao giảng thứ luân lý ngược lại các định luật tư bản, liệu còn gây được ảnh hưởng gì không?
Và trong chiều hướng cách mạng xã hội thứ nhất này, thế kỷ XIX còn thấy xuất hiện một trào lưu mãnh liệt khác nữa. Xuất tích từ cuộc cách mạng kỹ nghệ mới chớm nở, trào lưu này đã xô đẩy phái quí tộc nông thôn vào chỗ suy vi và làm tiêu tan các cơ cấu làng mạc mà các Giáo Hội đã tổ chức từ nhiều thế kỷ. Nhiều nơi đã thấy xuất hiện phái lao động không có gốc rễ, không hy vọng, bó buộc phải chấp nhận cuộc sống vô nhân đạo. Liệu các Giáo Hội có lưu ý kịp thời đến tính cách mới mẻ của hiện tượng này hay không? Có chịu thích ứng các cơ cấu và những phương pháp cổ truyền hay không?
Cuộc cách mạng kinh tế và xã hội này đã làm thay đổi xã hội Tây phương và gây ra những hậu quả lớn lao trên bình diện thế giới. Nhờ sức thúc đẩy của cuộc cách mạng đó, Âu châu đã tiến lên một bước quyết liệt trước các châu lục khác trên thế giới, và sự mất quân bình đó đã thể hiện qua một sức phát triển đột ngột làm cho người da trắng thống trị khắp mặt đất: nào là đi thám hiểm, đi truyền giáo, mở đồn điền, khai mỏ, chiếm đất đai, đi cai trị. Thế kỷ XIX cũng là thế kỷ đế quốc và thực dân Âu châu. Thật là một cơ hội độc nhất và cũng là trách nhiệm nặng nề! Cái nền văn minh Âu tây sắp lan tràn trên thế giới, theo một nghĩa nào đó, là con đẻ của kitô giáo; các Giáo Hội có thể nhửng nhưng với các chinh phục này hay không? Các Giáo Hội há đã chẳng lợi dụng các dễ dãi trong việc chuyên chở, uy thế của người Tây phương để thực hiện mơ ước truyền giáo: hãy đi giảng dạy muôn dân? Ðây là công việc đầy cảm hứng, nhưng cũng không thiếu những nguy hiểm: nhà truyền giáo kitô liệu có phân biệt đủ mức phần đóng góp vật chất của Tây phương và Sứ điệp thiêng liêng hay không? Hay là vị truyền giáo cũng bị cám dỗ, như người Tây Ban Nha trong thế kỷ XVI, cưỡng ép người ta tin với ngọn giáo, làm hoen ố mức tinh tuyền của Ðức Tin bằng những giàn xếp với các thế lực tiền của và với các tham vọng quốc gia đang lôi theo chính sách thực dân?
Sau cùng đến cách mạng trí thức. Ðây là thứ cách mạng đã đi trước, đã gây thuận tiện và còn tiếp tay cho cách mạng chính trị, đã làm cho một số giáo dân xa lìa các Giáo Hội. Từ khi có cải cách Tin lành, chưa bao giờ Giáo Hội Công Giáo mất nhiều phần tử như vậy. Việc rút lui mới này bắt nguồn từ một sự tha hóa trầm trọng hơn nhiều. Các người tin lành đã nhân danh thứ Kitô giáo thanh lọc để tấn công Giáo Hội Roma; giữa họ và người công giáo có những niềm tin chung; hoạt động của họ đã thúc đẩy người công giáo đào sâu tư tưởng của mình và lành mạnh hóa kỷ luật. Trái lại, ý hệ cách mạng thế kỷ XVIII lại tấn công vào các nền tảng của đạo Kitô.
Trong thế kỷ XIX tính chất bài xích tôn giáo của phong trào tư tưởng vẫn có mặt nhiều ít trong phần lớn những cố gắng của trí óc con người. Nói chung, việc quảng bá nhanh chóng nhãn giới khoa học về mọi bộ môn đã đặt ra cho con người nhiều vấn đề phải suy tư, đã cưỡng ép các nhà tư tưởng kitô phải duyệt lại nhiều quan điểm. Chẳng hạn còn bám víu sao được vào lối cắt nghĩa Thánh Kinh theo nghĩa đen, sau khi đã có những khám phá của địa chất học, của cổ sinh vật học, của thiên văn học? Những tiến triển về ngữ văn học, về khoa bình luận lịch sử, cho phép tranh cãi giá trị của Tân ước. Người ta muốn đem áp dụng vào Kitô giáo những phương pháp đã được áp dụng vào các tôn giáo đông phương mà người ta biết rõ hơn và đem đối chiếu các kiến thức ấy với nhau để rút ra những kết luận nhiều khi nguy hiểm cho Ðức Tin. Nếu tư tưởng tôn giáo không có khả năng tiếp nhận nhanh chóng tất cả những đóng góp của các khoa học, nếu nó tự khép mình vào tư thế phòng thủ và tự vệ thụ động, thì sẽ có nguy cơ tách rời giữa lý trí và Ðức Tin, giữa Giáo Hội và thế giới tân tiến.
Những tư tưởng xã hội do ý thức chung mà thời buổi mới gợi ra đang dậy men, đó là khía cạnh của cuộc cách mạng trí thức, và về phạm vi này, tư tưởng kitô liều mình chậm lại cả hằng thế kỷ. Chỉ cần điểm lại các luồng tư tưởng của Bentham, Saint Simon, Auguste Comte, Karl Marx đã dư đủ để nhận định: những điều họ nêu lên hoàn toàn mới mẻ và rất nguy hiểm cho đạo Kitô.
Trong lãnh vực hoàn toàn thuần túy văn chương, phải kể đến óc tôn sùng cá tính và việc đề cao các dục vọng trong thuyết lãng mạn. Tất cả những yếu tố đó được phổ biến trên các báo chí càng ngày càng tăng ảnh hưởng trong đám quần chúng.
Sau cùng, chính những căn bản của tư tưởng, của nền triết lý Aristote mà Kitô giáo đã trừ tà và thu dụng, chính những căn bản ấy bây giờ bị đặt lại vấn đề. Descartes và Spinoza đã thành lỗi thời. Thuyết của Kant làm giảm sút lòng tin tưởng vào quá trình lý trí, chuyển dịch niềm tin vào Thiên Chúa từ lãnh vực lý trí thuần túy sang phạm vi lý trí thực hành, nơi đây niềm tin không còn là một định đề không thể chứng minh. Hegel đem tuyệt đối thay thế cho Thiên Chúa và danh từ mạo kitô của ông mở đường cho nhiều lẫn lộn rất tai hại. Sau cùng Fuerbach, được Auguste tiếp tay, đã tìm được cách thế thẳng thắn loại trừ Thiên Chúa tạo thành của các kitô hữu: ông chủ trương, chính nhân loại đã sáng nghĩ ra Thiên Chúa.
Từ nhiều thế kỷ, tư tưởng kitô đã được hướng dẫn một cách khéo léo và tế nhị trong cuộc tranh chấp thần học phản đối những con ”ma trơi” mà các tà giáo cổ xưa đã chấp nhận. Nhưng khoa minh giáo công giáo được dựng nên để tấn công những lực sĩ cứng rắn hơn của Cải cách Tin lành xem ra ít được chuẩn bị để đương đầu với những cuộc tấn công của quân đội phong kiến đối diện với Panzerdivision.
Sau khi đã rảo qua những mối nguy hại mà Giáo Hội phải đối phó trước thế kỷ XIX, người ta dễ hiểu hơn vì sao có một số người tưởng rằng cái thể chế cũ kỹ bị lên án suy sụp chẳng bao lâu sẽ mai một. Thật ra, xét về phương diện con người thì Giáo Hội rất ít hy vọng tồn tại.
Các Giáo hội Tin lành thì lại không va chạm trực tiếp với những lực lượng cách mạng và cũng không bị thương tích chí tử. Về phương diện chính trị, những miền đã được Tin lành ăn rễ sâu hơn cả, như Anh, Ðông Ðức, Scandinavie, Hoa Kỳ thì thoát được ách của Pháp; và trong những miền theo truyền thống công giáo, các người tin lành cảm thấy liên đới nhiều ít với phong trào cách mạng vì phong trào đã mang đến cho họ một thứ tự do mới. Về phương diện trí thức, phúc âm của Jefferson và những yếu tố cấu thành năm 1789 có nhiều tiếp xúc với cuộc Cải cách; tự do tư tưởng và viết lách trong cộng đồng tin lành có nhiều mối tương đồng với các triết gia tân thời. Tóm lại, nếu Kitô giáo còn ít nhiều may mắn tồn tại vào đầu thế kỷ XIX, các may mắn ấy xem ra đến từ các Giáo Hội Cải cách hơn là từ Giáo Hội Công giáo đang bị tấn công vào đầu não và các phần tử. Không cần nói thêm là nền kitô truyền thống đông phương, bị óc chuyên chế của Nga và của Ottoman cô lập hoàn toàn khỏi các miền Kitô khác, vẫn đứng ngoài thảm kịch, không bị nao núng bởi các lực lượng phá hoại và men đổi mới.
Khi nhìn lại Giáo Hội Công Giáo, một người quan sát tinh vi có thể thừa nhận rằng: cuộc khủng hoảng lớn nào cũng có những hiệu quả tích cực, và những phá hoại, đã được chuẩn bị về phương diện nào đó, hầu có những đổi mới. Tại đa số các nước Công giáo, trước năm 1789, Giáo Hội Công Giáo bị lệ thuộc vào sở thích các vị lãnh chúa, đôi khi họ dùng Giáo Hội vào những mục đích hoàn toàn chính trị. Hàng giám mục hầu hết xuất thân từ phái quí tộc, thường có lối sống xa hoa không mấy thích hợp với ưu tư phúc âm, và nhất là duy trì hố chia rẽ với hàng giáo sĩ cấp dưới; nhất là tại nước Ðức, vẫn còn tồn tại một số ông hoàng giám mục có thái độ vua chúa hơn là chủ chiên. Các giáo hoàng, tuy không bị các ưu tư trần thế thu hút, cũng không có đủ phương tiện ép buộc các giám mục và giáo sĩ theo mệnh lệnh của mình. Cuộc Ðại cách mạng, sau khi tấn công vào các đầu não bảo hộ, sau khi hạ bệ các giám mục, đã thúc đẩy hàng giáo sĩ quay về với Tòa Thánh để tìm lại cảm hứng và một lối xử sự. Việc đả phá các chế độ chính trị cũ giải thoát tổ chức giáo sĩ khỏi những giàn xếp trần tục. Còn thử thách của cuộc bách hại và của đức khó nghèo thì loại trừ khỏi hàng giáo sĩ những yếu tố không được tinh ròng hay yếu đuối, khơi lại ý nghĩa ơn kêu gọi nơi những phần tử ưu tú, làm đua nở những bông hoa anh dũng và thánh thiện. Giữa lòng dân kitô cũng vậy, bù lại với sự bội giáo của một phần giai cấp tư bản vừa là động cơ vừa là phe thụ hưởng của cuộc Ðại cách mạng, người ta ghi nhận tinh thần trung tín rất xây dựng đôi khi anh dũng của cả một lớp người khiêm tốn như một hứa hẹn cho tương lai. Ðàng khác, nhiều người thuộc phái quí tộc vì thừa kế hay vì khả năng học vấn, trước kia tỏ ra vô tín ngưỡng, bây giờ quay trở lại. Huyền thuyết về sự tiến bộ, những uy thế của lý trí đã bị chà đạp điêu đứng vì những cảnh huống rùng rợn của Ðại cách mạng. Dưới sự xúc động của ảo tưởng, với lửa thử thách, nhiều người quay lại tìm yên ủi nơi Ðức Tin. Một số khác nhận thấy không có con đường nào khác để phục hồi chính trị và xã hội bằng cách liên minh chặt chẽ với Tòa Thánh Roma, là tượng trưng cho quyền bính và là giám thị về luân lý. Chính những người tin lành cũng đi đến kết luận ấy, như Ludwig von Haller chẳng hạn.
Trên đây là bộ mặt bề ngoài của Giáo Hội trước thềm thiên kỷ XIX: một pháo đài bị phá phách nhiều phía, mất nhiều cứ điểm tiền tuyến, ít phòng bị trước những cơn bão tố và những dụng cụ gây chết chóc đang rình chực Giáo Hội, nhưng Giáo Hội vẫn giữ phần cốt cán của các thể chế, và trên ngọn tháp phòng ngự vẫn còn ngọn lửa bất diệt chiếu sáng hơn khi nào hết, giữa cơn phong ba.