CHƯƠNG IX
GIÁO HỘI CẬN ÐÔNG
(1715-1800)
Tác giả: Joseph HAJJAR
CHƯƠNG IX
GIÁO HỘI CẬN ÐÔNG
(1715-1800)
Tác giả: Joseph HAJJAR
I. HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople (1453) đã chấm dứt thiên niên kỷ của đế quốc Byzantin. Sự mai một của thực tại diệu kỳ về chính trị và tôn giáo của đế quốc này không ảnh hưởng gì đến thực tại lịch sử của Giáo Hội. Ðể diễn tả sự phong phú muôn mặt của nền văn minh, người ta có thể nói về ”một thành Byzance sau Byzance”, người ta có thể áp dụng câu nói này vào những định mệnh của Kitô giáo trong đế quốc mới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người hùng chinh phục Constantinople, vua Mohammed II, đã thấy ngay sự cần thiết phải liên minh với giáo phụ byzantin. Lập tức ông chọn Georges Scholarios đứng đầu vùng chính thống mới chiếm đóng. Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đã đích thân trao gậy mục vụ cho giáo chủ Gennadios và long trọng công bố bằng tiếng hy lạp nghi thức lên ngôi: ”Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, Ðấng đã ban cho trẫm đế quốc này, chính Người cắt đặt khanh làm tổng giám mục Constantinople, thành Roma mới, và giáo chủ đại kết”. Nhà thờ thánh nữ Sophia, trái tim của chính thống giáo, đã bị biến thành thánh đường Hồi giáo. Ðể thế vào, từ nay nhà thờ các Thánh Tông Ðồ được coi là nhà thờ chính toà. Vị giáo chủ trở thành thủ lãnh tối cao và đại diện duy nhất của các tín hữu trước hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ. Như một quan chức, Patrice có bằng cấp dân sự, vị trưởng lão của Giáo Hội hưởng nhiều đặc ân về lập pháp, tư pháp và hình luật. Từ cái chết lịch sử của thành Byzance, giáo phủ Byzantin không những được tái sinh mà lại còn được nâng lên và thêm quyền lực. Thật nghịch lý! Ngài đã thiết lập một cơ quan dân sự trong cơ chế của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1461, hoàng đế lại ban cho tổng giám mục Arménien thành Brousse, mà ngài đã thuyên chuyển về thủ đô, những quyền hành như vậy trên dân tộc Arménien trong đế quốc của ngài.
Hành động thống nhất này củng cố sự tồn tại hợp pháp của Kitô giáo vùng Cận Ðông, nhưng thực tế chỉ mình Giáo Hội Chính Thống hưởng lợi. Nhờ sự tính toán khéo léo, Hồi Giáo đã tự thiết lập giáo hội quốc gia, và chống đối Giáo Hội Roma. Phải chăng, từ đó Giáo Hội Roma đã luôn luôn cổ xúy các liên minh quân sự nhằm cản ngăn bước tiến của đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ trên lục địa? Quy chế của Giáo Hội Chính Thống tồn tại mãi cho tới thời đại canh tân vào thế kỷ XIX.
Có nhiều nguyên do cắt nghĩa sự hiện hữu hay việc phát triển của các nhóm kitô giáo khác. Các hòa ước nổi tiếng, cố gắng mở rộng truyền giáo của Giáo Hội Roma, nỗi khắc khoải triền miên về tôn giáo của Kitô giáo địa phương, quan niệm rộng rãi của mấy vị lãnh chúa hay của mấy tiểu vương có quyền tự quyết đều là những yếu tố có thể hạn chế hoặc yểm trợ Ðạo Công Giáo tại vùng Cận Ðông.
Các Hòa ước, được khởi thảo năm 1530 giữa Francois I và Soliman II, không luôn là sự độc quyền ngoại giao của Pháp. Vì trong thực tế, sứ mạng của Pháp ở Ðông Phương và hoạt động của Giáo Hoàng liên hệ chặt chẽ và định hưởng cho đà tiến triển lịch sử. Các nước âu châu khác tha thiết đến Ðông Phương sẽ rạp theo đường lối chung làm cho triều đình Versailles thành công mỹ mãn.
Vào thế kỷ XVIII, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu những thất bại quân sự đầu tiên: Năm 1686, quân đội Ðức đã chiếm lại Buda là thành lũy thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hung Gia Lợi đúng 145 năm. Belgrade cũng thất thủ năm 1688. Cuộc chiến thắng này khích động Âu Châu trục xuất người Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi lục địa. Liên tiếp, các giáo hoàng Innocent XI (1676-1689) và Clément XI (1700-1721) luôn kêu gọi các vua chúa phản công chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Hòa ước Carlowitz (20.01.1699) nói lên thế yếu rõ rệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau nước Pháp, vua Léopold nước Áo đã dành được quyền bảo vệ người công giáo Roma trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và cách riêng tại các thánh địa. Ngày 13.6.1700 nước Nga cũng đòi được những đặc quyền ấy đối với các tu sĩ và tín đồ nga đi hành hương Jerusalem. Ðại sứ Pháp, hầu tước Ferriol, ngày 13.6.1703, đã nhận được những lời khen ngợi của đức Clement XI về những hoạt động bênh vực người Kitô giáo Ðông phương. Lịch sử của Kitô giáo tiến triển theo đà ấy suốt cả thế kỷ.
Với hoà ước Passarowitz (21.7.1718) nước Áo đã lấy lại Belgrade và củng cố quyền lợi của họ theo hoà ước Carlowitz, nhờ sự trung gian của Anh và của Hoà Lan còn rất nhiều ảnh hưởng tại Istanbul. Dấu chỉ thời đại : Thổ Nhĩ Kỳ mất hết uy quyền và ảnh hưởng tại các vùng đất chiếm đóng xa xăm; các thủ lãnh Syri-liban đòi hỏi quyền tự quyết rộng rãi, trong khi nước Pháp điều đình trực tiếp với thị trưởng Alger năm 1719; Anh quốc và Hoà Lan hòa đàm với quân man ri bất chấp quyền của lãnh chủ. Lập tức hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng dữ dội. Năm 1720, vua nước Nga là Pierre I đòi lại những quyền bảo vệ tôn giáo như trước. Thổ Nhĩ Kỳ mất ”quyền sáng kiến tối cao” về chính trị.
Năm 1737, nước Áo tiếp tay nước Nga tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Quân Thổ Nhĩ Kỳ toàn thắng quân Nga. Tháng chín 1739, hòa bình Belgrade được vãn hồi dưới sự bảo trợ của Pháp : Uy thế của Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm và vua Louis XV ký những điều ước đầu hàng quan trọng ngày 28.5.1740. Ðức Giáo Hoàng ủng hộ việc nước Pháp bảo vệ tôn giáo, đồng thời ra những quy tắc về nghi thức danh dự dành cho các vị Lãnh Sự tại Ðông Phương kể từ năm 1724. Cũng từ đó, có sự thỏa thuận mặc nhiên nhìn nhận các phân bộ ngoại giao và lãnh sự của Pháp có quyền bảo vệ đạo công giáo Roma bên Cận Ðông. Lại bị đe dọa, hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ nhượng thêm cho nước Phổ những quyền lợi theo như Hàng Ước ký ngày 23.3.1761. Những chiến thuyền Của Catherine II lần đầu tiên đã dám liều chạy vào Ðịa Trung Hải. Tháng bảy, năm 1770, chiến thuyền của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy trong vịnh Tchesmé. Các cường quốc khác sợ một cuộc tấn công bất ngờ vào Istanbul. Nước Pháp đề nghị liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ dứơi nhiều điều kiện. Trong khi đó, nước Nga tha thiết yêu cầu Venise và Ordre de Malte hợp lực tấn công, nhưng lời yêu cầu không được nghe theo. Mặc dầu bị thôi thúc tư bề, Hy Lạp vẫn không nổi dậy. Không thể khai thác cuộc chiến thắng về hải quân, quân đội Nga xông vào tạm chiếm Beyrouth (1773-1774) nhưng từ chối không tấn công Istanbul. Quân đội Anh cũng bắt đầu xâm nhập vào các yếu điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt hải cảng Saint-Jean d'Acre, là yếu điểm canh chừng cả Ai Cập và Syri-Palestine. Hoà ước Kutchuk-Kainardji (22.7.1774), hoàn toàn giống như Hàng Ước ký với Pháp năm 1740, đã thừa nhận đường lối chính trị của Nga tại Ðông Phương, mở cửa cho Nga đi vào Ðịa Trung Hải qua eo biển Dardanelles và nhìn nhận cho Nga quyền bảo vệ Chính Thống Giáo.
Miền Cận Ðông lại một lần nữa trở nên miếng mồi của lục địa Âu châu và Á châu. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tự thấy mình bị dồn ép vào thế tự vệ và bó buộc phải bỏ thái độ ngoan cố về tôn giáo. Họ lại tìm cách tựa vào Prusse, vì Prusse đang có thế hùng mạnh và được Ðông Phương chú ý. Một hòa ước liên minh phòng thủ và tương trợ được ký kết vào ngày 31.1.1790 giữa Salim III và Frédéric-Guillaume II. Là đối thủ trước áp lực của Nga và Áo, Prusse đã đắc thủ những đặc ân mà quân Pháp và quân Anh đã từng thụ hưởng trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những nhượng bộ mỗi ngày một nhiều đều có lợi cho Kitô giáo dưới nhiều hình thức bảo trợ khác nhau. Sau cùng hoà ước Sistovo (4.8.1791) khẳng định lại những đặc ân của nước Áo và hoà ước Jassy (9.1.1792) minh xác lại những đặc quyền của Nga Sô. Kỷ nguyên này được kết thúc với cuộc mạo hiểm của Bonaparte qua Ai Cập tháng 7. 1798. Cho dù thất bại, đó cũng là trận đánh bất thần nhằm khai thông một giai đoạn mới.
II. CÁC VÙNG TRUYỀN GIÁO LA TINH
Lịch sử tôn giáo không thể tách rời khỏi vấn đề Ðông Phương, bởi vì vấn đề Ðông Phương phác họa các điểm chính yếu của lịch sử. Không biết đến hay bỏ quên điều đó là bóp méo sự thực. Chính Thống giáo được Nga Sô nâng đỡ, công giáo Roma được Pháp và Áo che chở, đã hưởng thụ nhiều thuận lợi cụ thể. Riêng những người chính thống quy phục quyền giáo hoàng vốn là thần dân của hoàng đế, lại rất ít được hưởng những thuận lợi ấy. Nếu ngoại giao Pháp lợi dụng cơ hội để khoe khoang về những công trạng trong việc bảo vệ chính thức, thì cũng chính ngoại giao Pháp lại rất ý thức về những giới hạn quyền hành của họ. Ðại sứ Saint-Priest đã quả quyết như vậy tại Paris năm 1785: ”Không bao giờ người Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng đế vương Pháp đã tưởng mình có quyền can thiệp vào tôn giáo của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu tước Bonnac đã nói cách khéo léo trong bản tường trình của ông về vấn đề này rằng: không hề có một ông hoàng nào dù liên hệ chặt chẽ đến đâu với một tiểu vương khác lại được phép dây mình vào tôn giáo của dân chúng thuộc tiểu vương ấy. Những người Thổ Nhĩ Kỳ cũng tinh khôn như những người khác về điểm ấy”
Cùng với các thương gia và những ”người được lãnh sự che chở”, thì đặc biệt các tu sĩ được hưởng nhiều ân huệ theo hàng ước cho chính bản thân và cho hoạt động truyền giáo của họ.
Các tu sĩ Phanxicô đã lập nhà tại Ðất Thánh sau khi đoàn quân thánh giá chiếm thành Jerusalem. Ðức Grégoire IX (1.2.1230) đã chúc lành cho cơ sở này, và năm 1342 đức Clément VI đặt các tu sĩ Phanxicô làm ”quản thủ” muôn đời các thánh địa. Từ từ, các tu sĩ ấy đã đắc thủ quyền tư hữu hay quyền xử dụng các đền thánh kitô tại Palestine, thay thế người Georgiens hay các bộ hạ của hàng giáo phẩm địa phương Chính Thống. Hàng giáo phẩm này, thuộc Hy Lạp từ thế kỷ XVI, đã phản kháng mạnh mẽ và từ đó không ngừng tranh đấu. Giữa các năm 1615 và 1625, các tu sĩ Phanxicô phải bảo vệ quyền lợi độc hữu của họ, chống lại các tu sĩ Pháp, dòng Tên hay Capucins. Họ có chương trình lập nên chung quanh tu viện những cộng đoàn nhỏ với mầu sắc văn hóa Roma. Nhưng kết quả không được là bao. Các bản báo cáo gửi về các bề trên tại Roma cho thấy rằng con số các tín đồ thuộc giáo hội latinh từ 858 người vào năm 1702 tăng lên 2.900 vào năm 1761. Chính vào năm này, Bộ Truyền Giáo kiểm điểm chung lại các sinh hoạt của các tu sĩ Phaxicô tại Ðông Phương: Họ đã có 200 tu sĩ sống trong 7 tu viện và 15 cứu tế viện.
Trước kia, tu sĩ dòng Carmes đã biết Ðông Phương thời đạo quân Thánh Giá. Các Ngài trở lại đó, trước tiên ở Ba Tư từ 1592, rồi Alep, 1626. Năm 1630, họ dành lại được tài sản của dòng họ tại núi Camelô. Qua thế kỷ XVIII, họ hiện diện âm thầm ở Alep là nơi từ năm 1758, hai tu sĩ người Ðức đã quản trị một nhà nguyện. Các cơ sở của họ tại Bagdad và Bassora làm chứng về sự hiện diện của họ tại Ðông Phương.
Các tu sĩ dòng Tên có những hoạt động rộng lớn hơn. Năm 1553, Toà Thánh giao cho họ lập ba trường trung học tại Jérusalem, tại Chypre và Constantinople. Ðược đức Grégoire XIII ủy cho những công tác tạm thời bên cạnh người Maronites, các ngài đã chính thức lập nhà tại Istanbul năm 1609. Từ 1625, các ngài lập nhà tại Alep, rồi tại Damas (1644), tại Sidon và Tripoli (1645), tại Ain Toura (1657) và ít lâu sau tại Caire (1696). Nhưng nỗ lực lập nhà tại Jérusalem của các ngài không thành công. Vào đầu thế kỷ XVIII, các ngài đã khởi xướng các phong trào thật hữu hiệu nhằm hiệp nhất các tín đồ thuộc hai phái Melkites và Jacobites. Các ngài chinh phục được các tín đồ Maronites, vì họ ngoan tính. Liên hệ mật thiết với phái đoàn ngoại giao Pháp, các ngài đã có ảnh hưởng trực tiếp trên hàng giáo phẩm và các thành phần ưu tú trong các tu viện. Tuy nhiên, ta cần phải dè dặt về những Lá Thư đã góp in thành nhiều cuốn sách, để tường thuật lại công việc các ngài, vì nhiều bản văn đã được sửa chữa lại theo nhu cầu tố tụng. Tu viện Thăm Viếng thiết lập tại Ain Toura năm 1736, mở cửa đón các người Ðông Phương nhưng lại tuân giữ luật pháp La tinh và trực tiếp thuộc về Toà Thánh Roma. Ðiều đó nói lên đầy đủ phương pháp họat động độc đáo của dòng Tên. Cho dù các nhà ngoại giao Pháp không bằng lòng, năm 1774, người giữ Thánh Ðịa Alep báo cho các tu sĩ dòng Tên biết dòng của họ bị giải tán.
Các tu sĩ Lazaristes gặp nhiều khó khăn khi tiếp nối các hoạt động của dòng Tên. Cập bến 1783, các ngài khởi xướng một đường lối tông đồ có phần riêng rẽ và nhiều mầu sắc tây phương.
Các tu sĩ Capucins lập được nhà tại Cận Ðông là nhờ uy thế của mưu sĩ, linh mục Tremplay. Ðược phái đoàn ngoại giao của Pháp giúp đỡ, các ngài khởi sự lập nhà tại Alep (1625), rồi tại Sidon, Damas, Mossoul và Diabékir. Thánh Bộ Truyền giáo phải can thiệp vào vụ tranh chấp giữa họ và dòng anh em Phanxicô. Các ngài đã cộng tác với dòng Tên trong những hoạt động gây ảnh hưởng cho Pháp và tạo sự hiệp nhất là việc làm rất can đảm. Những bản tường trình hàng năm của các ngài là tài liệu quan trọng về lịch sử của thời đại ấy.
Còn các tu sĩ Ðaminh, các ngài tới Mossoul năm 1750, tiếp nối việc truyền giáo mà các tu sĩ Capucins bỏ lại từ năm 1726. Ðôi khi các đức Giáo Hoàng dùng các ngài trong những sự vụ tế nhị và kín đáo. Như trường hợp của đặc sứ Ðominique Blanza bên cạnh những người công giáo Melkites đã cưỡng ép tại công đồng Saint-Isaie (7.1761), phải thừa nhận giáo chủ Maximos Hakim đang hấp hối.
Sau cùng, để hiệp nhất hoạt động truyền giáo, đức Clément XIII, năm 1762, đã bổ nhiệm một cha Lazariste, Arnaud Bossu làm Ðại Diện Tông Toà tại Alep. Theo gương vị tiền nhiệm duy nhất là Dovara (1644), ngài đã từ chức năm 1774 vì quá nhiều việc.
III. TINH HÌNH ÐỊA PHƯƠNG.
Còn phải nhận định tình hình địa phương. Quyền tự quyết theo truyền thống của miền núi Liban giữ một vai trò quan trọng về tình hình địa phương. Ngay đầu thế kỷ XVIII, nhà Ma'nides nhường quyền lại cho nhà Chéhab. Những người này là liên minh chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ và hòa giải với các đại gia đình của chế độ phong kiến, nhưng lại ý thức về quyền lợi của mình, nên họ cai trị, khi cứng rắn, khi mềm dẻo. Từ năm 17II, trận chiến Aindata chính thức hóa quyền hành của họ. Nước Liban tân tiến thành hình và vững mạnh nhờ việc cải tổ sâu rộng chế độ phong kiến. Tình thế này kéo dài tới nửa thế kỷ XIX. Mà căn bản là sự hoà hợp giữa người kitô giáo và người hồi giáo Druses. Tuy lệ thuộc nhiều điều kiện, sự trung thành của nhiều thủ lãnh các đại gia đình phong kiến vừa chứng tỏ sự hiệp nhất vững bền, vừa bảo đảm nền an ninh và thịnh vượng của xứ sở. Vào cuối thế kỷ, Volney đã minh xác điều đó khi nói về ”nguồn sáng tự do chiếu xuống Liban”. Mãi về sau nhà Chéhab mới trở lại đạo Công Giáo.
Tình hình tương đối yên ổn và tự do của Liban đã làm cho nhiều người kitô giáo trong các vùng khác phải chú ý. Tình hình yên ổn ấy có ảnh hưởng nhiều đến những người Pachaliks sống kế cận Sidon, Tripoli và Damas. Gia đình 'Adm de Damas, nắm quyền suốt cả thế kỷ tại trung Syrie, cũng thực hiện một đường lối chính trị hoà giải về tôn giáo. Từ năm 1750, thành phố Acre và miền Galilée lại tái hiện trong lịch sử. Daher Omar thiết lập tại đó một vương quốc độc lập. Với tinh thần phóng khoáng, ông quy tụ được những người kitô giáo Melkites. Quãng năm 1770, khi chiến thuyền của Nga thả neo trong hải phận Syri-liban, ông đã đến Beyrouth tìm cách đòi chính trị quốc tế can thiệp. Chẳng bao lâu, ông bị đào thải và được thay thế bởi một nhà thám hiểm tài trí khác là ông Ahmad al-Jazar. Vừa khôn khéo vừa thế lực hơn Chéhab, ông hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ. Là lãnh tụ của Damas và cả bờ biển Liban-palestine, đến cuối thế kỷ, ông chỗm chệ là thủ lãnh của cả xứ. Sinh quán tại Boniaque, ông mộ lính người Albanie và người Barbarie, ông thông đồng với các cơ quan tình báo Anh, và khéo dùng các nhà kinh tài Melkites. Thấy thế, các thương gia Pháp lo lắng và bộ ngoại giao của vua Louis XVI đề nghị thanh trừng ông, nhưng không thành. Năm 1799, quyết tử trong chiến lược Acre, ông đã cầm cự chống lại Bonaparte cách hiển hách, rồi thần tốc đánh bại đoàn quân viễn chinh của Aicập.
Các biến cố thăng trầm lịch sử này tạo nên những làn sóng di dân trong nội địa. Quy chế căn bản về việc lưu đầy những người chính thống muốn trở về quy phục giáo hoàng, sự dung thứ theo xu thời của các lãnh tụ địa phương và tính nhã nhặn vốn có của các thương gia kitô giáo Ðông Phương phản ảnh rõ rệt hiện tượng xã hội bấy giờ. Cho tới hậu bán thế kỷ XIX, chính hiện tình xã hội này xác định tình hình nhân chủng của cả vùng. Cuộc di dân ra ngoại quốc vào thời ấy, hướng về Ai Cập. Dưới thời tướng kỵ binh Ali Bey (1763-1774), phong trào di dân mỗi ngày một lên cao. Từng đoàn người Maronites, nhất là Melkites syro-libano qua lập nghiệp tại Caire và tại các cửa quan thuế chính của thung lũng sông Nil.
Trên đây chỉ là bản tóm lược khung cảnh tự nhiên và lịch sử của một hiện tượng tôn giáo thật phức tạp và ít được biết đến. Người chính thống giáo quy phục Giáo Hoàng tại Cận Ðông không thể đặt ngoài cái hòan cảnh lịch sử này. Bước tiến triển của các giáo hội khác nhau cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử ấy.
IV. GIÁO HỘI MARONITES
Theo lịch sử thì Giáo Hội Công Giáo Maronites xuất hiện vào thời Nghĩa Binh Thánh Giá và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVIII. Nhiều khuôn mặt lịch sử chi phối đà tiến triển của giáo hội cho tới thời chúng ta. Nằm trong một địa thế (riêng ở Liban) có biên giới rõ rệt, Giáo Hội đã hưởng một sự tự do căn bản, một sự yểm trợ truyền giáo và sự che chở đặc biệt của Pháp.
Vị giáo chủ thời danh, Etienne Al-Douwaihi (1670-1704) đã bận tâm nhiều đến những vận mệnh của Giáo Hội. Là sinh viên trổi trang ở Roma, người cộng tác đắc lực của các thừa sai tại Alep và chủ chăn tinh anh của giáo phận Chypre, qủa thật ngài đã có một quá khứ chuẩn bị cho việc lãnh nhận trọng trách giáo chủ. Tuy nhiên triều đại của ngài không hoàn toàn yên ổn: ngài phải dành nhiều thời giờ để giải quyết những khó khăn nội bộ. Nhờ hiểu biết Giáo Hội Công Giáo Tây Phương (latinh), ngài đã bảo vệ khôn khéo mọi đặc ân của giáo hội ngài. Ngài luôn đòi hỏi phải kính trọng dân tộc ngài. Trước tiên, phải mang ơn ngài về những tập Niên Biểu đã cho chúng ta biết đầy đủ và chính xác lịch sử của giáo hội Maronites từ khởi thủy. Những vị sáng lập dòng Antonin ở Liban, đôi khi cịng gọi là Alépin, đã được ngài nâng đỡ tận tình. Ngày 18.6.1700, ngài đã mau mắn phê chuẩn quy luật, được gọi là luật dòng thánh Antoine, mà các vị đã soạn thảo theo thể thức đời sống dòng của Tây Phương bấy giờ. Chính ngài còn khuyến khích lập dòng thánh Antonin de saint Isaie, mà hiến pháp được châu phê năm 1703. Nhiều vị cộng tác trổi trang đã nối dài họat động giáo chủ của ngài. Như giám mục giáo phận Chypre, đức cha Gabriel Hawwa và giám mục Beyrouth, đức cha 'Abdallah Qara'li đã đem về giáo phận của qúy ngài tinh thần hoạt động hăng say, và việc thiết lập nhiều tu viện mới. Tại Alep, bạn đồng môn của các ngài là Germanos Farhat đã làm sống lại mạnh mẽ phong trào phục hưng trí thức và tôn giáo.
Giáo chủ Yacoud 'Awad (1705-1733) thừa hưởng một di sản khó khăn và việc quản trị của ngài khá khổ ải. Ðã có lúc bị một âm mưu thê thảm phản trắc bôi nhọ chính thân thế của ngài (1710-1714). Nhưng rồi, vị giáo chủ đáng kính này lấy lại được sự tin tưởng sâu đậm của chính giáo quyền Roma và của dân tộc ngài. Ông Poullard, lãnh sự của Pháp tại Tripoli, rồi tại Sidon, được cái hãnh diện là đã phục chức lại cho ngài. Kể lại huân công ấy, ông Poullard đã diễn tả cách đơn thành niềm hân hoan của những người dân thượng chất phác và đã hô to ”Hoan hô hoàng đế nước Pháp !”. Ðó là thời đại, nhiều nhà thông minh trẻ tuổi Maronites nổi bật tại Roma và bên Tây Phương. Năm 1707, Elie Assémani đem tới thư viện Vatican tập đầu tiên của 34 bản thảo bằng tiếng Coptes của ông Wadi Natroun. Một Assémani khác, Joseph Simon, đã rảo khắp Ðông Phương trong những năm 1715-1717, và đã gửi sang Ðức Giáo Hoàng những kho tàng chính hiệu về văn hóa kitô giáo cổ thời. Chính ông đã xử dụng một phần những kho tàng này trongBibliotheca orientalis Clementina-Vaticana mà cuốn sách đầu tiên được xuất bản vào năm 1719. Trong suốt cả thế kỷ, anh em Assémani nổi tiếng trong việc điều hành thư viện Vatican hay trong ngành Ðông Phương học. Khủng hoảng hầu như thường xuyên trong nhiệm kỳ giáo chủ 'Awad là một trong những lý do phải tổ chức đại Công đồng quốc gia. Chính vị tân giáo chủ Joseph ai-Khazen và các giám mục đòi hỏi, nên Công Ðồng đã nhóm họp năm 1736, dưới quyền chủ toạ của Joseph-Simon Assémani, được đề cử làm đặc sứ của Ðức Giáo Hoàng. Ngay ở Roma, ngài đã soạn thảo đầy đủ bản hiến chương của Giáo Hội Maronite. Tại Liban, các thừa sai đã kín đáo đồng thanh ủng hộ vị Ðặc Sứ của Ðức Giáo Hoàng. Thực tế, chương trình nghị sự của công đồng từ đầu tới cuối đều trải qua những khó khăn trầm trọng. Trở về Roma, đặc sứ Assémani phải biện minh sự hợp pháp của việc ngài làm. Vượt được mọi chướng ngại, ngài đã thành công : Công nghị Núi Liban đã được châu phê dưới một thể thức đặc biệt (in forma specifica), ngày I.9.1741, bởi đức Benoit XIV, (Hiến Chế Singulari Romanorum). Tuy nhiên còn phải đợi một thế kỷ sau, pháp chế này mới được thi hành. Mang nặng mầu sắc giáo hội latinh, bản hiến chương này ít ra được coi như một nội quy đầy đủ và được trình bày khéo léo. Giáo Hội Maronite sinh hoạt theo nội quy ấy cho tới ngày gần đây, khi Toà Thánh công bố những tự sắc (motu proprio) mới về giáo luật đông phương.
Khi đức giáo chủ Yacoub 'Awad qua đời (1733), các giám mục chia thành hai khối tranh chấp giáo toà. Vượt tiếng nói của các giám mục, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Ðông Phương, Ðức Benoit XIV áp đặt đức Simon 'Awad (14.3.1743). Một vị canh giữ Thánh Ðịa cũ là cha Giacomo di Luca đã thi hành phán quyết của đức Giáo Hoàng. Ðể thi hành công việc, đức hồng y bộ trưởng Bộ Truyền Giáo đã gửi cho ngài hai thư giới thiệu, một cho lãnh sự Pháp tại Sidon và một cho đô đốc Molhem Chéab của Liban. Nhưng chẳng bao lâu, câu chuyện của một nữ tu, ”bị ảo tưởng”, tên là Hindié, đã lũng đoạn tâm trí của nhiều người. Câu chuyện kéo dài tới một phần tư thế kỷ trong miền núi xứ Liban. Hindié đã thử nhiều nếp sống tu trì, trước khi xây một tu viện riêng kính Thánh Tâm tại Bkerké, năm 1750. Những vụ xuất thần huyền bí và những tham vọng tiên tri của bà là nguyên nhân chia rẽ và gây hoang mang, ảnh hưởng cả đến giáo quyền địa phương và Roma. Giáo chủ Simon 'Awad từ trần trong thời gian ấy, để lại một trách nhiệm nặng nề cho người kế vị là Youssef Estéphane (1766-1792). Như nhiều vị kinh lược của Toà Thánh và nhiều nhà thừa sai, đức tân giáo chủ đã theo phe bà nữ tu ”bị ảo tưởng”. Vì thế, Tòa Thánh đã tạm rút lại mọi quyền tài thẩm của giáo chủ (1779). Sau cùng, tu hội Thánh Tâm bị giải tán ngày 21.9.1784, và an bình dần dần được vãn hồi. Ðức giáo chủ hăng say trở lại ông việc mục vụ, và những năm cuối đời giám mục của ngài mang nhiều thành quả phong phú. Việc thiết lập chủng viện Ain-warka (1789) đánh dấu một giai đọan quan trọng trong lịch sử văn hóa và tôn giáo của Liban. Chủng viện này thay thế cho học viện Maronite tại Roma, chẳng bao lâu đã bị tàn phá bởi cách mạng Pháp. Chủng viện đã đóng góp vào việc đào tạo lớp người kitô hữu ưu tuyển đầu tiên của xứ sở. Sau cùng công nghị Blerké (12.1790), do giám mục giáo hội Melkite, là Germanos Adam chủ tọa, đã phác hoạ một chương trình canh tân thật sự trong Giáo Hội. Người kế vị của ngài là đức cha Youssef Tiyran được công bố chính thức ngày 24.7.1797. Ngài nổi tiếng là nhà thần học lamã thông thái và là nhà bút chiến sáng giá. Trong chương sau, chúng tôi sẽ trình bày luận án của ngài bênh vực ưu quyền của Giáo Hoàng Roma, chống lại ”chủ trương giáo hội pháp tự trị” của Germanos Adam. Nhưng những khó khăn nội bộ và những can thiệp của đô đốc Béchir Chéab đã làm mất nhuệ khí hăng say của ngài. Bất đắc dĩ, Bộ Truyền Giáo đã chấp nhận việc từ chức của người mà Bộ tín nhiệm, ngày 19.11.1808.
Ngoài công trình kiến thiết tòa giáo chủ, còn nhiều việc thiết lập tu viện (chúng ta đã thấy, một số được thiết lập trong thời gian này) đã đánh dấu sâu đậm lịch sử của Giáo Hội Maronite. Các tu viện mọc lên sáng chói cả vùng núi xứ Liban. Các tu sĩ đông đảo, hòa đồng thân mật với nếp sống ruộng vườn, chia sẻ đời sống khá cực nhọc giữa giờ kinh nguyện và việc làm thôn dã. Ðầu thế kỷ, giáo chủ al-Douwaihi đã ủng hộ việc thiết lập hai dòng tu mới. Ðược đặt dưới sự bầu chủ của thánh Antoine và sống theo luật của ngài, hai dòng tu này lại sinh hoạt mục vụ theo gương các dòng tu tây phương sau công đồng Trente. Ngay tại Liban, cũng như các dòng tu khác, hai dòng tu này tọa lạc trên những khu đất rộng lớn. Muốn khai thác, họ phải khéo hòa hảo với các ”tộc trưởng” hay các ”lãnh tụ cao cấp” Maronite. Ở ngoại quốc, đức giáo chủ ủy thác cho các thày dòng lo mục vụ cho những người di dân qua Ai Cập, từ Âu Châu và Mỹ Châu. Tại Roma, tu viện thánh Phêrô mang xiềng (San Pietro in Vincoli) chuẩn bị các bề trên địa phương tương lai. Từ nguồn gốc nông thôn, việc chiêu mộ các tu sĩ luôn hướng về đồng quê. Các nhà bác học không đi tìm kho tàng văn hóa cổ thời của Syri và Ảrập trong các thư viện của tu viện maronites. Kho tàng văn hóa không có hân hạnh tọa lạc ở đó. Nhưng giáo hội Maronites mang ơn các thày dòng cũng như các linh mục có gia đình, về sự gắn bó bền chặt của dân chúng đối với đạo Kitô, với ruộng vườn và với ngôi vị giáo hoàng. Trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội, nếp sống tu viện Maronite đã thành định chế cơ bản. Trong thời ấy, các tu hội nữ còn giữ nếp sống kín cổng cao tường. Tuy nhiên, việc thiết lập các tu viện ”hỗn hợp”, mà người ta ưa gọi là ”bổ túc”, còn tồn tại cho đến đầu thế kỷ XIX.
Thời ấy, các thừa sai tây phương không gây được ảnh hưởng trên các tu viện Maronite. Các cha dòng Tên lập dòng Thăm Viếng tại Ain Toura, như một kiểu mẫu canh tân các dòng nữ cổ thời. Nữ tu thời danh Hindié đã thử du nhập một nếp sống mới mẻ dựa trên lòng sùng kính Thánh Tâm, đã thất bại một cách đau thương. Chúng ta đã thấy điều đó. Ðàng sau cái thảm trạng tinh thần này, ẩn tàng một sự cạnh tranh ảnh hưởng nào đó giữa hàng giáo phẩm và các thừa sai. Sự cạnh tranh làm cho người ta hoang mang về tinh thần.
Ðời sống kitô hữu thời ấy lấy việc học giáo lý vững chắc làm nền móng duy nhất. Các trường làng (ở Liban chỉ có các thôn làng) được dựng lên dưới bóng của các tu viện hay các nhà thờ xứ đạo. Công đồng Mont-Liban (1736) khẳng định rằng các giám mục, các cha sở, các bề trên tu viện có bổn phận phải mở các trường học và hỗ trợ nhau bổ nhiệm những thày giáo chuyên dạy cho trẻ em :”Trước tiên đọc và viết tiếng Syri và Ả rập, học Thánh Vịnh, học giúp lễ, đọc Sách Kinh và Tân Ước”. Cũng chính Công Ðồng này truyền buộc các tu sĩ dòng thánh Antonin phải có trách nhiệm trong lãnh vực học đường :”Chúng tôi truyền cho các tu sĩ Liban của thánh Antoine phải lo mở trường trong tu viện của mình để giáo huấn tuổi trẻ”
Cảnh trăm hoa đua nở của dòng tu Maronite khuyến khích các giáo hội khác thiết lập ở Liban nhiều trung tâm tôn giáo. Giáo hội Melkite lập thêm tu viện Mẹ Ðấng Cứu Thế (1711) và hàng chục tu viện khác. Những người công giáo Syriaques ở miền tây bắc Syrie, từ 1705, đã có tu viện Mar Ephrem ar Rajm tại Schbénieh. Về sau, họ lập thêm tu viện Ðức Mẹ Sầu Bi gần Zouk-Mikael, năm 1763, và ở Scharfeh gần Berké, năm 1786. Người công giáo Arméniens cũng lập tại Liban một trung tâm cứu tế. Ðến năm 1748, trung tâm trở thành tu viện Bzommar.
Những cơ sở này, đôi khi được thiết lập trong vùng toàn tòng tín đồ Maronites. Hàng giáo phẩm Maronites đã lên tiếng về sự kiện này tại Công Nghị Mont-Liban (1736). Tuy nhiên các ngài không dám chống đối. Những tiếp xúc dè dặt giữa các phái kitô giáo đã được diễn tả trong một mục khá độc đáo (phần I, chương I, số 3). Có thể nói, người viết đã mô tả tâm trạng của các nhà lập pháp hay hơn mọi bài chú giải :” Nhiều người ngoại quốc bắt đầu di dân, từ nhiều nước khác nhau, tới Liban nơi mà đạo công giáo có ưu thế. Họ xác quyết, người này bảo ”họ theo đạo công giáo và đoạn tuyệt mọi lầm lạc”; người khác bảo ”họ bị bách hại bởi các cộng đoàn của họ và họ đành từ bỏ quê hương vì đạo Công Giáo”. Nhưng theo kinh nghiệm, chúng ta biết rằng việc người ngoại quốc đến lập nghiệp tại Liban đã đem đến cho người công giáo Liban nhiều tai hại hơn là lợi ích....”
”Vì lý do này, chúng tôi quyết định và truyền rằng, kể từ nay, không được xây cất tu viện, nhà nguyện, hay nhà ở cho các tu hội dòng hay triều của một cộng đoàn ngoại quốc, trừ khi giáo chủ của họ, giám mục của họ, linh mục của họ và giáo dân của họ hiệp nhất chặt chẽ với Toà Thánh Roma. Hơn thế, chúng tôi muốn rằng không một ai, dù có quyền hành, chức vụ hay địa vị nào đi nữa, được cho phép những người ngoại quốc lập nghiệp trong những địa phương toàn tòng người Maronites..”
Những Giáo Hội khác ở Cận Ðông, chỉ tồn tại được trong khuôn khổ chính thức của Chính Thống giáo, dưới quyền hành của các Lãnh Tụ dân sự Hy Lạp và Arméniens thuộc Istanbul. Việc khai sinh và gia tăng những ngành chính thống hiệp nhất với Roma (quen gọi Uniates) đôi khi cũng tạo nên những mạo hiểm thật anh hùng. Melkites, Jacobites, Nestoriens, hay Coptes mỗi cộng đoàn đều có một lịch sử riêng.
V. GIÁO HỘI MELKITES
Những người Melkites ý thức mạnh mẽ rằng họ thuộc về Chính Thống 'Byzantine-Greco-Slave'. Nếu có sự dị biệt về phương diện quốc gia, thì thế giới tôn giáo này vẫn nhìn nhận tòa giáo chủ Phanar (Istanbul) và Giáo hội Nga như hai cột trụ hợp nhất đức tin chính thống. Kitô giáo Melkites của các tòa giáo chủ Antioche và Jérusalem theo văn minh và nói tiếng Ảrập; Kitô giáo Melkites của tòa giáo chủ Alexandrie lại chịu ảnh hưởng của các thuộc địa Hylạp. Ngoài ra nếu hàng giáo phẩm Antioche còn là Ảrập, thì hàng giáo phẩm Alexandrie nhận đều hoà các vị giám chức từ Istanbul, và hàng giáo phẩm Jérusalem kể từ Germain de Péloponèse (1534-1570) lại trở thành phần tử của Giáo Hội Chính Thống Hylạp. Hàng giáo phẩm Jérusalem chính yếu gồm những thành viên của phụng hội Mồ Thánh. Những phần tử này mang nặng tâm tình quốc gia và mỗi ngày cố chiến đấu chiếm lấy các nơi thánh mà họ coi là những khí cụ sắc bén để đối nghịch với Roma. Tại Alexandrie, sự hiềm khích Roma không đến nỗi hung dữ như vậy. Nhưng trong lãnh thổ Antioche thì chí hướng muốn trở về hợp nhất với Giáo Hội Roma đã trở thành phong trào rộng lớn đến nỗi làm tan vỡ sự đoàn kết của hàng giáo sĩ Melkites.
Có hai khuynh hướng hiệp nhất đã xuất hiện vào đầu thế kỷ này. Khuynh hướng thứ nhất có tính cách xu thời, phát xuất từ các giám mục hay giáo chủ muốn củng cố địa vị của mình. Khuynh hướng thứ hai có mầu sắc truyền giáo theo kiểu tây phương, coi việc che chở của thế lực ngoại giao là ảo tưởng và các phong trào đại chúng là hàm hồ.
Hai vị giáo chủ tranh dành toà Antioche đã cãi cọ nhau suốt cả 25 năm cuối thế kỷ XVII. Cả hai đã hòa giải năm 1694. Một trong hai vị, có thời làm giáo chủ với danh hiệu là Athanase III, đã nhượng bộ nhận toà giám mục Alep với điều kiện sẽ lên giáo chủ khi ”vị đối thủ”, là giáo chủ Cyrille V, tạ thế. Cả hai hòa giải năm 1694. Nhưng năm 1697, Athanase III tuyên bố mình là công giáo và Roma không chấp nhận ngài rút lui và vẫn tiếp tục nhìn nhận là giáo chủ duy nhất của giáo hội Melkite tại Antioche. Năm 1718, khi gần chết, Cyrille V cũng gửi sang đức giáo hoàng bản tuyên xưng đức tin công giáo. Trong hoàn cảnh ấy, Bộ Truyền Giáo lại đổi ý đối với cựu giáo chủ Athanase III, và nhìn nhận vị giáo chủ cao niên đang tại chức. Nhưng Athanase III phản ứng, không bỏ danh hiệu giáo chủ và chống lại việc Roma hợp thức hóa Cyrille V. Vì thế, ngày 19.5.1718, cả hai ”cựu đối thủ tòa giáo chủ Antioche”, đã cùng tuyên xưng đức tin theo giáo hội công giáo Roma, lại một lần nữa cạnh tranh nhau chỉ vì lời thề trung thành này. Sự việc chỉ chấm dứt sau khi Cyrille V từ trần (5.1.1720) và Athanase III nhận lại chức vụ giáo chủ.
Giữa thời đó, phong trào truyền giáo tập trung về chung quanh mấy khu vực tôn giáo và được vài giám mục ủng hộ. Ngay từ năm 1682, giám mục giáo phận Sidon là Euthyme Saifi hết mình lo cho sự hiệp nhất. Năm 1697, một nhóm thày dòng của tu viện Balamend, tọa lạc gần Tripoli, đã bỏ cộng đoàn chính thống và lập tại Choueir, vùng trung Liban, một tu viện Melkite công giáo. Nhiều giám mục khác gửi về Roma bản tuyên xưng đức tin của họ. Phong trào ”quy chánh” (uniate) này xem ra có nhiều hứa hẹn. Ðể mở đầu việc thiết lập một tòa giáo chủ Melkite ”quy chánh”, ngày 6.12.1701, Bộ Truyền giáo bổ nhiệm đức cha Euthyme Saifi làm Giám Quản Tông Toà của các tín đồ Melkite đã quy thuộc Roma và hiện rải rác trong cả lãnh thổ của giáo chủ, nhưng không thuộc quyền một giám mục chính thống. Ðược Roma nâng đỡ và lãnh sự Pháp tại Sidon ủng hộ, năm 1711, Saifi biến tu viện Ðấng Cứu Thế thành dòng truyền giáo. Nhưng lòng nhiệt thành của ”người quy chánh chân tình” đã lôi cuốn ngài đến chỗ hy sinh tập tục chính thống, đổi mới phụng vụ và cải tổ kỷ luật theo kiểu tây phương. Do đó, ngài bị Roma cảnh cáo nghiêm khắc và gặp nhiều phản ứng khắt khe của hàng giáo phẩm địa phương. Ngài chùng lại, không dám tiến thêm nữa.
Trở lại chức vụ giáo chủ, Athanase III đối lập với phong trào do Euthyme Saifi và các thừa sai chủ xướng. Ðến dự công nghị tại Phanar là toà giáo chủ hy lạp, ngài kết án những sai lầm của giáo hội Roma, rồi ngày 14.9.1722, ngài nhận lệnh của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ phát lưu giám mục Saifi và chặn đứng lòng nhiệt thành của các thừa sai tây phương. Vua Louis XV thúc đẩy bộ ngoại giao Pháp tìm cách ngăn cản việc thi hành án lệnh này, nhưng vô hiệu (30.10.1723). Trong bản tường trình gửi về Paris, đại sứ Bonnac cắt nghĩa rằng : Thâm ý của người Hy Lạp là đuổi các thừa sai ra khỏi các nước của Hoàng Ðế. Saifi bị giam tù, nhưng được trả tự do nhờ sự can thiệp và bênh vực của các lãnh sự và chánh quyền địa phương. Ðiều cần phải nói lên, là các thừa sai bấy giờ không dám lên tiếng về thái độ của giáo chủ Athanase III.
Có nhiều do dự hay mờ ám hiện hình trong thời gian tòa giáo chủ bị chia rẽ bi ai. Cái chết của giáo chủ Athanase III (5.8.1724) càng làm cho giáo hội Melkite Antioche khủng khỏang hơn nữa. Nhóm thân công giáo tưởng rằng đó là lúc thuận lợi để vận động chọn một giáo chủ thực sự theo giáo hội Roma. Nhưng chỉ có một giám mục chính tòa đồng ý dự tính này. Cùng đồng ý với Ngài, có vị giám chức thuộc tu viện Ðấng Cứu Thế. Cả hai, nhân dịp này, lại truyền chức thêm một vị đồng nghiệp thứ ba. Lập tức cả ba giám mục này lại truyền chức và thiết lập cho tòa Ðamas, ngày 20.9.1724, đức cha Séraphim Tanass, cháu ruột của giám mục Euthyme Saifi, dưới tước hiệu Cyrille VI. Vị tân giáo chủ này lập tức được ba vị giám mục chính toà khác nhìn nhận. Một tuần sau, ngày 27.9, giáo chủ Phanar, theo lời yêu cầu của giáo dân Melkite giáo phận Alep, tấn phong Sylvestre, người đảo Chypre, và là cựu đồ đệ của cố giáo chủ Athanase, làm giáo chủ Antioche. Ðương nhiên, hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhìn nhận vị giáo chủ Constantinople bổ nhiệm. Nhưng với sắc lệnh thụ chức, Sylvestre được cả toà giáo chủ nhịn nhận là hợp pháp.
Giáo chủ Cyrille VI và những người ”quy chánh” kế vị ngài phải lẩn trốn và sau cùng tị nạn qua Liban, sống lén lút cho tới năm 1833. Lúc ban đầu có nhiều ý kiến khác nhau trong hàng giáo phẩm, giữa giáo dân và giữa các thừa sai : người này ủng hộ cá nhân của giáo chủ Sylvestre nhưng không chấp nhận việc ngài vẫn trung thành với chính thống giáo; người khác đồng ý về tinh thần công giáo của Cyrille VI, nhưng phủ nhận cá nhân của ngài. Tại Istanbul, tòa đại sứ Pháp, xưa nay vốn bênh vực đạo công giáo, cũng ủng hộ giáo chủ theo chính thống. Ông đại sứ Andrezel đã tuyên bố điều đó với ông bộ trưởng M. de Maurepas trong thư gửi ngày 6 và 23.7.1725. Tại Roma, người ta không mau mắn tìm hiểu hồ sơ của toà giáo chủ Antioche. Mãi tới 8.7.1728, đức Benoit XIII mới quyết định công nhận Cyrille VI, với điều kiện rõ rệt, là vị này phải tuyên xưng đức tin theo mẫu đức Urbain VIII đã ra và phải thề không thay đổi các tập tục phụng vụ và quy luật byzantin và phải vãn hồi những cái mà đức Euthyme Saifi hay chính ngài đã sửa đổi trong phạm vi phụng vụ và quy luật. Giáo chủ hứa tuân theo những điều đó trước mặt đại diện của Toà Thánh Roma, cha Dorothée de la Sainte-Trinité, dòng Capucin. Ngày 20.4.1730, Roma chính thức công nhận giáo chủ ”quy chánh” Melkite này.
Mãi tới ngày 3.3.1744, đức Cyrille VI mới nhận được ”áo choàng tước vị” (Pallium d'investiture). Tuy nhiên, kể từ ngày 11.11.1731, ngài đã triệu tập công nghị tại Joun, bên Liban, mục đích kiểm điểm lại ít nhiều những canh tân, về phụng vụ và kỷ kuật đã có trước. Nhưng ngày 22.1.1732, việc làm của ngài lại bị Roma kết án vì các thày dòng của ngài tố cáo ngài. Như vậy, mọi ý định và dự án của giáo chủ đều bị chống đối, xuyên tạc bởi các tu sĩ dòng thánh Basile, rồi bởi Bộ Truyền Giáo Roma. Tại công đồng Ðấng Cứu Thế (4.1736) những người tham dự đã quyết định xin giáo quyền Roma phủ nhận những dự án ấy. Chính vì cách thế đó mà đức Benoit XIV phải tự thân quán xuyến các vấn đề của giáo hội Melkite. Hiến chế Demandatam, ra ngày 24.12.1743 đề cập đến những khó khăn nội bộ của giáo hội Antioche và về việc tây phương hóa kỷ luật. Rồi trong tông thư Decretalem nostram, đề ngày 10.3.1746, đức giáo hoàng khẳng định những điều ngài đã quyết định trước và ngài còn cương quyết nhắc lại trong hiến chế mới Praeclaris Romanorum Pontificum, ban hành ngày 18.3.1746. Cho dù có sự can thiệp của đức giáo hoàng, giáo chủ vẫn có ý dùng công nghị ngài triệu tập, sửa đổi kỷ luật hầu giải quyết những nhu cầu cấp bách của Giáo Hội ngài. Vì thế một công đồng Ðấng Cứu Thế khác được triệu tập ngày 5.5.1751, đã chỉ thị những biện pháp ứng dụng ngay mà không đối chiếu với các quyết định của Roma. Ðiều đó làm cho tình hình rắc rối thêm. Mỏi mệt, năm 1759, Cyrille VI truyền ngôi lại cho cháu là Ignace Jauhar.
Nhưng việc thừa kế giáo chủ đã gây chia rẽ hàng giáo phẩm Melkite. Ðức Clement XIII, chiếu quyền quy thuộc, bổ nhiệm một người cao niên hầu như tàng tật, là Maximos II Hakim. Ngày nhậm chức của giáo chủ, 23.7.1761, đã gây ra một cuộc ly giáo trầm trọng bởi việc Roma ra vạ tuyệt thông cho Ignace Jauhar, ngừơi tranh quyền với Maximos II Hakim. Chẳng bao lâu Maximos II từ trần, Théodose V Dahhan lên kế vị cũng không hàn gắn được sự xung đột. Mãi sau, sự thần phục của Jauhar, năm 1768, mới tái lập lại sự hiệp nhất của giáo hội.
Theo lời xin của Theodose V và để chấn hưng giáo hội công giáo Melkite, ngày 13.7.1772, Bộ Truyền Giáo nới rộng quyền tài thẩm của giáo chủ đến mọi tín hữu công giáo sống trong lãnh thổ giáo chủ Giêrusalem và Alexandrie. Lý do, vì Thánh Bộ thất vọng không thể làm cho các giám mục chính toà hiệp nhất với nhau; vì muốn tăng cường chính sách tập trung quyền bính về toà giáo chủ Antioche; và hơn nữa, vì muốn đưa giáo dân Melkites ra khỏi quyền tài thẩm của tây phương. Về sau, giáo chủ Maximos III Mazloum cũng như các vị thừa kế, đều nhận được quyền tài thẩm của các tòa Melkites tại Alexandrie và Jérusalem (1838).
Sau cùng năm 1788, Ignace Jauhar được chọn và nhìn nhận là giáo chủ với danh hiệu Athanase IV. Lập tức ngài truyền lệnh họp công nghị chung vì nhu cầu cấp bách. Ðồng ý với giáo quyền Roma, ngài muốn soạn thảo ngay ở công nghị một quy luật toàn túc; Chính Bộ Truyền giáo đã gửi cho ngài những huấn thị đầy đủ chi tiết (19 mục). Nhưng một thành viên lỗi lạc của giám mục đoàn lại phản đối : Ðó là Germanos Adam, giám mục Alep. Mặc dầu đầy công nghiệp, ngài có đầu óc bướng bỉnh, có nhiều tham vọng và nhiều tư kiến không tinh thông về giáo lý. Dầu sao, Công nghị Ðấng Cứu Thế kéo dài hai tháng (10 và 11.1790), ít ra đã thành tựu và thiết định tiêu chuẩn quan trọng cho việc biến chế luật pháp thực tế trong Giáo Hội Melkite. Tuy nhiên, giáo chủ không gửi các văn kiện của Công Nghị về Roma, dù có những lời yêu cầu của đức giáo hoàng.
Tuy chính thức được thiết lập và được củng cố vào thế kỷ XVIII, giáo hội ”quy chánh” Melkite không thành công, và không phát triển mạnh mẽ như người ta tưởng, nhất là tại Liban. Có lẽ thịnh vượng hơn cả là hai miền Saint-Jean-d'Acre và thượng du Gallilée. Riêng phong trào ”quy chánh” phát sinh vào giữa thế kỷ XVIII, tại Bethléem và vùng lân cận đã chết yểu, không có ngày mai, chỉ có kết quả là đi theo nghi lễ latinh. Những ý kiến manh nha hiệp nhất nẩy sinh từ Ai Cập với Samuel Capasoulès (1710-1723) và Cosmas III (1737-1746), xem ra chỉ là một thứ chính trị tôn giáo xu thời cá nhân.
Giáo Hội Melkite, tuy không bị hạn chế tại Liban, cũng chỉ hưởng một sự tự do tôn giáo tương đối. Giáo Hội Chính Thống tìm mọi cách bảo vệ miền Syri-Palestine khỏi rơi vào tay hàng giáo phẩm hoàn toàn quy chánh. Các linh mục không được hoạt động công khai, chỉ lén lút đi từ gia đình này tới gia đình khác để cử hành phụng vụ và dạy giáo lý. Ngay tại Liban, hai hội dòng thánh Basile phát triển tương đối mạnh mẽ, với mục đích độc quyền về ứng viên giám mục, cho thấy rõ là có những căng thẳng nội bộ suốt cả thế kỷ XVIII. Các tu sĩ Basiliens tại Choueir, thường nguyên quán tại bắc Liban, trung Syrie và Alep, chịu ảnh hưởng các cha dòng Tên suốt tiền bán thế kỷ XVIII. Họ được Roma ủng hộ cách dễ dàng để chống lại khuynh hướng latinh hóa và phong trào ”thích ứng kỷ luật” của những giáo phụ đầu tiên và những người theo khuynh hướng của các giáo chủ ấy, tức là các tu sĩ Basiliens ở Salvator. Chẳng bao lâu, các tu sĩ Basiliens ở Choueir được Roma cấp cho cơ sở Santa Maria della Navicella và từ đó, họ là những người báo cáo bán chính thức cho Roma về tình hình Giáo Hội Melkite, nhất là dưới thời đức Benedictô XIV.
Bên Ðông Phương, mặc dầu có những căng thẳng nội bộ lâu dài, hàng giáo phẩm luôn giữ thế phòng thủ, nhằm thóat khỏi quyền giám hộ của các thừa sai tây phương. Các vị này có một lá bài đặc biệt : Chỉ mình các nhà nguyện của họ mới được dùng vào việc phụng tự cho những người chính thống ”quy chánh”. Lệnh cấm không được ”hiệp thông phụng sự” (Communicatio in Sacris) với tín hữu chính thống, từ năm 1717, làm cho người chính thống quy chánh mất quyền liên hệ tôn giáo với những anh em ”không quy chánh”. Những xung đột giữa các thừa sai và hàng giáo phẩm Melkite là chuyện thường xuyên. Văn khố của Bộ Truyền Giáo tại Roma, từ 1739, còn tàng tích nhiều khó khăn xẩy ra ở Alep. Những tài liệu ngoại giao của Pháp là tiếng vang của nhiều vụ xung đột đã xẩy ra tại Damas.
Thực tế, lòng đạo đức của dân chúng được ảnh hưởng nhiều bởi những sinh hoạt phụng vụ hay lối mộ đạo tại các nhà nguyện tây phương. Những canh tân ”tây phương hóa” của giáo chủ Tanass và cậu ngài là Euthyme Saifi, hiện thân cho một đường hướng thích ứng của các thừa sai thuộc giáo hội latinh. Không nguyên giảm bớt việc ăn chay và kiêng thịt (1733), người ta còn biết tại Alep, ngày chúa nhật, có tới chín lễ Thánh Thể được cử hành trong một nhà nguyện (1746). Ðức giáo hòang Benoit XIV chấp thuận như vậy, nhưng ngài truyền lệnh chỉ được cử hành một thánh lễ tại bàn thờ chánh theo thói tục của Chính Thống giáo. Về sau, tại công nghị Ðấng Cứu Thế (1751) người ta lại thêm chữ ”Filioque” vào kinh Tin Kính để chứng tỏ hoàn toàn gắn bó với La Mã. Lễ kính Thánh Giuse của giáo hội latinh được cử hành tại Alep từ năm 1760. Về sau, lễ ấy được cử hành tại nhiều địa phận khác và mau ăn sâu vào lòng đại chúng.
Công việc ”tây phương hóa giáo dân” xuất phát từ một đòi hỏi của các cha Phanxicô canh giữ Thánh Ðịa : Phải ban lại Bí Tích Thêm Sức cho những người Ðông Phương đã được Thêm sức bởi các linh mục của họ ngay sau khi Rửa Tội. Các thừa sai cũng đoàn ngũ hóa giáo dân vào các hội : Áo Ðức Bà, Con Ðức Mẹ, Dòng Ba; và nhiều hội đoàn khác hoàn toàn xa lạ đối với người Kitô giáo Ðông Phương. Những can thiệp thường xuyên của đức Giáo Hòang nhằm chống lại mọi lạm dụng đều không có kết quả.
VI. PHÁI JACOBITES
Theo nguồn gốc, phong trào hiệp thông của những tín đồ thuộc giáo phái Jacobites ở bắc Syrie và Mésopotanie là công trình chung của những tín đồ Maronites và của ông ãnh sự Pháp, Francois Piquet. Vị giáo chủ đầu tiên được các thừa sai đề cử và Roma công nhận, là André Akidjan. Lúc ngài chết (1677), các đối thủ của sự hiệp nhất đã ra sức ngăn cản không cho bổ nhiệm người kế vị ngài. Các thừa sai được ngoại giao Pháp yểm trợ, phải đương đầu với vị giáo chủ ”lạc đạo” đứng ra tranh quyền là Abd'el-Massih al-Rahhawi. Vị này được các đồng minh Arméniens và Hy Lạp ủng hộ.
Cũng phải nói đến thời vận thăng trầm của 'Vấn Ðề Ðông Phương', vì chúng ảnh hưởng nhiều đến số phận của tân giáo chủ ”quy chánh” Ignace-Pierre IV. Nhiều lần ngài bị truất phế rồi lại phục chức, và sau cùng chết trên đường lưu đầy, ngày 4.3.1702, với bản án ”làm tình báo cho Pháp”. Ðể kế vị ngài, người ta đã chọn một cựu học sinh của các cha Capucins và quen biết Roma, là Isaac ibn Joubeir. Ðức Clement XI ủy thác cho đại sứ de Ferriol trao cho tân giáo chủ sắc chỉ thừa nhận, nhưng tân giáo chủ chờ đợi mãi vẫn không có kết quả của những vận động ngoại giao ấy. Thư của ông đại sứ cho chúng ta biết về số phận rủi ro của ngài. Ngày 16.12.1704, ông Ferriol đã viết thư cho đức Giáo Hoàng, xin đừng tuyên bố công khai việc bổ nhiệm Isaac ibn Joubeir, vì tính mệnh ngài đang bị đe doạ. Bằng chứng, ngày 28.3, ông đại sứ đã viết về Paris rằng ứng viên giáo chủ tương lai đã trú một tháng trong dinh thự của Pháp, có chỗ ăn ngủ tử tế. Ibn Joubeir không chờ đợi mãi được. Ngài chọn đến cư ngụ trong nhà của một người la mã, hoàn toàn thiếu an ninh. Ferriol đã thú ra như vậy trong thư gửi cho đức hồng y Sacripanti. Isaac tự nguyện đi đầy và đã gặp lại tại Roma một bạn học cũ là Athanase Safar, giám mục Mardine bị truất phế; Trong khi đó, nhiều giáo sĩ trốn đến Liban và năm 1705, xây cất gần Schbénieh tu viện Saint Ephrem.
Bị mất người cầm đầu ngay từ lúc sơ khai, phong trào ”quy chánh” trong giáo hội Jacobite không có giáo chủ cho năm 1783. Dionysios Chokrallah ihn Sani'ah mà năm 1709 Ibn Joubeir đã tấn phong làm giám mục Alep với hy vọng cứu vãn phong trào quy chánh, lại trở về với thuyết ”nhất tính” (Monophysisme). Năm 1723, được chọn làm giáo chủ của Giáo Hội Jacobite, ông bách hại những cựu tín đồ công giáo. Tuy nhiên phong trào hiệp nhất lại bắt đầu từ từ. Mar Hindi Zona, bề trên của tu viện nổi tiếng ở Mar Behnam gần Mossoul, trở lại công giáo năm 1767 với cả nhà dòng của ngài... Tại Mardine, năm 1785, Michel Jarweh cũng theo gương ấy. Nhưng ngài phải bỏ quê hương, trốn sang Liban. Ngài sống trong tu viện Notre Dame de la Délivrance, ở Charfeh. Ðược nhìn nhận là giáo chủ, ngài biến tu viện này thành trung tâm truyền bá đạo công giáo chống lại thành trì thế tục nổi tiếng của nhất tính giáo Jacobite tại Deir el-Za'faran. Ðức giáo hoàng Pie VI nhìn nhận công việc làm của giáo chủ Michel trong một sắc lệnh đề ngày 22.5.1797. Từ đó, đàn chiên nhỏ cư trú đặc biệt ở Alep và trong vùng Mossoul. Trong những hoàn cảnh như vậy, phong trào quy chánh vẫn tiếp tục như một núm men, một hy vọng. Cho mãi tới thế kỷ XIX, phong trào mới phát triển mạnh và thành một tổ chức vững chãi.
VII. PHÁI CHALDÉENS.
Giữa những người theo phái Nestorien, phong trào hiệp nhất đã phải chịu nhiều nỗi thăng trầm đau thương. Kinh nghiệm quá khứ không có nhiều hy vọng: Lần hiệp nhất đầu tiên với Roma của Soulaka, năm 1552, đã mai một. Lần thứ hai kết thúc cách vội vã giữa các năm 1607 và 1614, vẫn tiếp tục trong hàm hồ. Lần thứ ba nhờ nỗ lực chung của các cha Capucins và giám mục lãnh sự Francois Picquet năm 1681, khó bén rễ trong vùng Diabékir. Người vô địch về phong trào hiệp nhất là Joseph, giám mục Diarbékir, đã phải kiếm sống bằng nghề thợ may, tất tưởi với mọi thử thách, và sau cùng bị truất chức năm 1696, phải trốn qua Roma. Trong khi đó, người kế vị của ngài là Joseph II, được giáo quyền Roma công nhận với tước hiệu ”giáo chủ Babylone và dân tộc Chaldéen”.
Từ đó, tước hiệu Chaldéen được dùng để chỉ những người phái Nestorien hiệp nhất với Toà Thánh Roma. Ðức Joseph II chết sớm vì bệnh dịch năm 1713. Giáo chủ kế vị là Joseph III (1713-1757) phải dùng tiền để bảo đảm bản thân, mà vì luôn thiếu tiền, nên ngài phải qua Âu Châu lạc quyên. Có lẽ sự vắng mặt của ngài là lý do làm cho phong trào chậm trễ lại. Vì thế, cuối thế kỷ XVIII, các thừa sai và Roma đặt tin tưởng vào một trung tâm quy chánh khác được thiết lập tại Mossoul.
Năm 1750, các tu sĩ Ðaminh đã lập cơ sở tại Mossoul theo lời yêu cầu của một người phái Chaldien, là cha sở Lhodr. Ở đó, cháu của giáo chủ Elie XIII, là Jean Homez, tuyên xưng đức tin công giáo năm 1778 và không bao lâu đòi được chức vị giáo chủ chống lại thủ lãnh đã được thừa nhận của phong trào quy chánh Diarhékir, là Augustin Hindi. Giáo quyền Roma giải hoà hai thủ lãnh bằng cách nhìn nhận quyền tự trị trong lãnh thổ của mỗi người và chỉ trực thuộc Roma thôi. Homez làm tổng giám mục Mossoul, Hindi giữ phần đất Diarhékir. Mãi qua thế kỷ sau mới tìm ra biện pháp hiệp nhất. Bị đặt vào những đường lối cực đoan của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, giáo hội Nestorien và Chaldéen bị tản mát vào nhiều trung tâm, bám víu vào các bộ lạc Kurdes và Ảrập đang đòi quyền tự quyết. Chắc chắn rằng tình hình địa dư đã làm sáng tỏ những giai đoạn thăng trầm mà giáo hội Nestorien phải gánh chịu cho tới ngày nay.
VIII. PHÁI COPTES
Tình thế hoàn toàn khác đối với giáo hội Copte đã bén rễ lâu đời tại Ai Cập. Mặc dầu bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục từ năm 1517, xứ sở này vẫn hưởng quyền tự quyết chính trị. Mối liên hệ giữa giáo hội Copte và Roma tại công đồng Florence không có hiệu lực gì. Trước thế kỷ XVIII, người ta không thể nói đến phong trào hay xu hướng hiệp nhất với La Mã. Sáng kiến hiệp nhất mà các vị giáo hoàng Innocent XI và Innocent XII gióng lên, không nhận được một đáp ứng khích lệ nào. Dầu vậy, các ngài vẫn lặp đi lặp lại những lời mời đối thoại. Tuy nhiên giáo chủ Jean XVI không phải không biết rằng các cha dòng Tên đặt cơ sở tại Caire năm 1696. Triều giáo chủ lâu dài của ngài (1676-1718) thật phong phú về những sáng kiến hoà giải tôn giáo. Nhưng mọi sáng kiến đều bị chết yểu. Vào khoảng năm 1700, ngài lại đưa ra những sáng kiến mới nhằm xích gần tôn giáo lại với nhau. Trong khoảng năm 1702 và 1705, đức Clement XI cho hai linh mục Maronites là Ibrahim Hanna và Gabriel Eva cùng với các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxicô liên lạc lại với nhau để có thể tiến tới việc đối thoại. Một lần nữa các đại diện của Roma cực lực chống lại các đề kháng của giáo hội Copte. Tuy nhiên giáo chủ nói rõ với các thừa sai ý nguyện muốn điều đình. Triều đình Versailles tỏ ra tha thiết đến những huấn lệnh của giáo hội Copte. Còn ông Maillet, lãnh sự Pháp tại Caire, đã viết cho bộ trưởng ở Paris rằng: ”Những người Coptes chỉ mang tên là những Kytô hữu thôi!”. Cha Fleuriau, bề trên các cha dòng Tên, được yêu cầu gửi một vài tu sĩ trẻ qua Paris để thụ huấn, bởi vì đó là một việc làm sẽ nhiều thành quả hơn là đi truyền giáo bên Ethiopie. Tuy nhiên, cuộc vận động này có kết quả gì không, chẳng ai biết.
Về vùng thượng Ai Cập, các tu sĩ Phanxicô kín đáo thể hiện một sinh hoạt tông đồ đầy vị tha. Lịch sử biên niên của cha Ildefonso de Palermo, dấn thân làm tông đồ từ 1719 đến 1739, kể lại những chuỗi công tác tông đồ mà lịch sử phân tích không thể nào coi thường các giá trị. Cha dòng Tên, P. Fromage đã viết ngày 25.4.1730 rằng : ”Thật không ngờ mà người Coptes lại mở mắt nhìn nhận đức tin công giáo”.
Hầu chắc các liên lạc giữa giáo chủ Jean XVII với đức Clement XII trong các năm 1735 và 1738 không tạo nên một phong trào hiệp nhất. Những cuộc trở lại mà đôi khi người ta nói đến, có lẽ chỉ là những trá hình. Một bằng chứng nổi bật hơn cả là cuộc chinh phục Athanase người Jérusalem. Vị giám mục này cư ngụ tại Caire, gần giáo chủ của ngài. Ông tuyên xưng đức tin ngày 10.8.1739. Do đó, đức Benoit XIV đặt ngài đứng đầu các cộng đoàn công giáo nhỏ bé được các cha Phanxico chăm lo đặc biệt. Ngài khôngtheo chỉ dụ ngày 4.8.1721 đặt ngài làm đầu phong trào đang mong muốn, nhưng lại thích sống gần giáo chủ của ngài, dung hoà đức tin riêng của ngài với đức tin chính thức của giáo hội Copte. Chính từ sự kiện này mà người ta thấy phải có những quy luật vĩnh viễn trong vấn đề hiệp thông thánh sự (Communicatio in sacris): sau đây các giám chức Copte thỏa hiệp trực tiếp với các bề trên truyền giáo Phanxicô để cai trị và hơn nữa để phát triển phong trào quy chánh Copte.
Ngày 4.5.1745, đức Benoit XIV ban hành quy luật đại cương ”Eo quamvis tempore” về công việc vận động hiệp nhất giáo hội Copte. Sau khi đã trả lời một vài vấn đề chuyên biệt, đức Giáo Hoàng thảo ra những nguyên tắc căn bản cho việc cộng tác hữu hiệu giữa các thừa sai tây phương và các thẩm quyền địa phương. Lệ thuộc vào các giám mục đông phương, việc tông đồ của các thừa sai là phục vụ giáo dân đông phương ”in auxilium orientalium”, nhưng trước tiên phải nhằm hiệp nhất hàng giáo phẩm và giáo sĩ Copte về với Roma. Những chỉ thị ấy, tuy có vẻ thông thường, lại nêu lên một lý tưởng anh dũng. Cả hai thẩm quyền, tuy kết nạp lại (thẩm quyền của đại diện Copte và thẩm quyền của phủ doãn Phanxicô), vẫn xử dụng quyền lực riêng của mình trong những đụng độ thường xuyên. Ngày 22.4.1758, Bộ Truyền giáo dàn xếp để dành trách nhiệm cao nhất cho phủ doãn truyền giáo Phanxicô. Nhưng ít lâu sau, Bộ đổi ý và lập chức vụ Giám Quản Tông Toà, trao cho người Copte (17.1.1780), là Roccos Kudsi. Vị này thi hành chức vụ với tước vị ”giám mục thành Caire”. Không ngờ, việc tiến cử này lại khêu thêm các vụ đụng độ. Bằng một lá thư, đề ngày 29.9.1781, Bộ Truyền Giáo nhắc lại các chỉ thị của đức Benoit XIV, đồng thời nhấn mạnh rằng các thừa sai chỉ giữ vai trò phụ tá thôi. Vất vả mà vô ích, vị tân đại diện tông tòa Copte, đức cha Righet, được bổ nhiệm ngày 21.4.1788, không thể giải quyết được những khó khăn; và hiệp ước ký kết năm 1790, của phái đoàn Tòa Thánh theo lệnh của Bộ Truyền Giáo, cũng không ngăn cản nổi những vụ cãi bướng liên tục làm hao tổn nghị lực và sao nhãng mục tiêu chính yếu.
Phong trào quy chánh Copte chưa thể được gọi là một phong trào đúng nghĩa. Chỉ loay hoay vì nội bộ và phung phí nghị lực, phong trào đã chứng kiến những hỗn loạn trầm trọng xẩy ra sau khi Bonaparte đổ quân qua..
IX. NÉT ÐỘC ÐÁO CỦA PHONG TRÀO QUY CHÁNH
Như vậy, thế kỷ này chứng kiến sự bén rễ hay việc khai trương chính thức của phong trào quy chánh bên Ðông Phương. Hiện tượng tôn giáo này có nhiều khuôn mặt, nhiều tân tiến, ít cổ điển, luôn phải được đặt lại vị trí trong khuôn khổ biến chuyển của lịch sử với nhiều nét độc đáo. Nhận định tổng quát này minh xác qui luật và phẩm cách của Giáo Hội cũng như những dị biệt căn tính của miền Cận Ðông.
Hơn cả hoạt động tổng quát của ngành ngoại giao, ảnh hưởng truyền giáo xem ra thống nhất các kinh nghiệm ấy. Người ta muốn ra khỏi mọi ràng buộc chính yếu của luật pháp trong vấn đề hiệp thông giữa các giáo hội. Muốn hiệp nhất với Roma, cần phải thống nhất từ từ quyền lập pháp, tư pháp và các phép bí tích còn đang lệ thuộc nhiều vào các tập tục khác nhau ở Ðông Phương. Tất cả vấn đề là ở địa vị ưu thế của nghi lễ latinh, ở việc chấp nhận các nghi lễ Ðông Phương, và nói chung là việc ”tây phương hóa” các nhóm thiểu số Ðông Phương. Không thể quên rằng những bút chiến gây cấn giữa Giáo Hội Tây Phương và Ðông Phương, kể từ Charlemagne, đều bắt nguồn từ những khác biệt về kỷ luật và bí tích. Thời Nghĩa Binh Thánh Giá đã miễn cưỡng ”tây phương hóa tuyệt đối” những cộng đoàn kitô hữu Ðông Phương bị chinh phục. Ðức Innocent IV đã tỏ ra vô địch về lập trường này, còn ”triệt để” hơn cà đấng tiền nhiệm, đức Innocent III. Thời đó, phong trào quy chánh vùng Cận Ðông đã áp dụng một thể thức hoà dịu giữa việc tây phương hóa toàn diện và quyền tự quyết trọn vẹn. Nhưng qua thế kỷ XVIII sự che chở của nền ngoại giao và đôi khi trình độ trí thức của các thừa sai hoạt động trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp các ngài gây được nhiều thanh thế hiển nhiên. Không biết rõ các giá trị độc đáo của Ðông Phương Kitô và quá tự hào về giá trị riêng của mình, các thừa sai được ưu đãi muốn bắt ép hàng giáo phẩm của những thiểu số kitô quy chánh, yếu kém, bị bóc lột và thường chia rẽ, phải du nhập dần dần nhưng trường kỳ những quan niệm và tập tục của Giáo Hội latinh. Có những trường hợp cực đoan, trong đó các thừa sai không ngần ngại đứng ra thay thế Giáo Hội địa phương và bày ra những quyền tài thẩm mới để áp đảo các cộng đồng tân lập Ðông phương-Latinh ấy.
Phản ứng của giáo hội Maronite khá mãnh liệt vào đầu thế kỷ, sau nguội dần. Nhờ hoạt động của Assémani, đặc sứ của đức Giáo Hoàng, người ta đạt tới một thỏa hiệp làm tổn thương kỷ luật cổ kính của Anitioche. Công đồng Mont-Liban năm 1736 phê chuẩn nhiều quan niệm và tục lệ được ”latinh hóa”. Hơn thế, bằng một văn kiện ”in forma specifica”, Công Ðồng đã hợp thức hóa cái tinh thần biến chế luật pháp này. Kể từ năm 1739, bộ Truyền Giáo phải bận tâm về những đụng độ thường xuyên giữa hàng giáo phẩm Melkite và các thừa sai. Các cộng đồng quy chánh khác, Arménien và Copte, cũng than phiền về việc tây phương hóa con người và pháp luật này.
Không thể căn cứ theo số lượng để xác định tầm mức quan trọng của các cộng đồng quy chánh trong thời gian này, vì không có sổ thống kê chi tiết theo các nguồn tài liệu Ðông Phương. Trong những hoàn cảnh bất ổn của đời sống tôn giáo, người ta chỉ cố gắng để sống cho qua ngày. Mối tương giao giữa những người điều hành Giáo Hội địa phương và giáo quyền Roma thường va chạm vào những vấn đề của đời sống thường nhật. Tuy nhiên một bản phúc trình rõ ràng chi tiết của dòng Phanxicô Bảo Vệ Ðất Thánh, đã được nghiên cứu trong buổi hội khoáng đại của Bộ Truyền Giáo ngày 17.2.1761, cung cấp cho nhà viết sử một ý niệm chung về các trung tâm công giáo tại vùng Cận Ðông. Cha Paolo di Piacenza, người bảo vệ Ðất Thánh, đã trả lời một bản câu hỏi rất tỉ mỉ của Roma. Nhờ đó, người ta có thể so sánh tại mỗi thành phố lớn, lực lượng nhân sự giữa các thừa sai tây phương thuộc nhiều hội dòng khác nhau với hàng giáo sĩ thuộc các nghi lễ khác nhau bên đông phương, cũng như so sánh tỉ số các tín đồ thuộc mỗi Giáo Hội. Người ta nhận thấy tầm mức quan trọng tương đối của các thừa sai tây phương với con số tương đối nhỏ bé của các tín hữu và hàng giáo sĩ đông phương. Chẳng hạn, tại một vài trung tâm hay ở một cộng đoàn, người công giáo đông phương hiệp nhất với Roma có chừng 45.515 người và trong số đó chỉ có hơn 2.000 theo nghi lễ latinh (1)
Suốt cả thế kỷ, vấn đề này đã in hằn lịch sử vùng Cận Ðông. Ðức Benoit XIV chú trọng đến việc ”latinh hóa” người Ý-Hy lạp và người Albanie ở nam Ý, lại không chấp nhận phương pháp ấy ở vùng Cận Ðông. Ngài đã ra nhiều thư và tông huấn về vấn đề này. Luôn luôn và rõ ràng, ngài chống lại việc ”la tinh hóa”. Nhưng người ta lơ là về các văn thư của ngài, mà chỉ cố gắng tuân thủ những điểm quan trọng, có giá trị riêng cho hoàn cảnh xã hội Ý. Chính vì vậy mà, theo cái nhìn của Chính Thống Giáo đã bị thương tích cay đắng, vấn đề ”latinh hóa” đã làm chết yểu phong trào quy chánh. Tóm lại, nó đã tiêu ma quá nhiều sinh lực. Người ta ít bận tâm đến việc đưa anh em thân cận về hợp nhất với Giáo Hội trong bác ái và trong chân lý, mà chỉ lo cổ động một thứ chinh phục tôn giáo huyền nhiệm. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu cơ may cho tương lai của công giáo vùng Cận Ðông đã thành mỏng manh.
X. NHỮNG DỮ KIỆN TƯƠNG QUAN ÐẾN CÁC NHÓM KITÔ GIÁO ÐÔNG PHƯƠNG.
(Theo bản tường trình của Cha Phanxicô bảo vệ Ðất Thánh năm 1761)
Giêrusalem: Công giáo có 632 người, trong đó 342 người gốc Hy Lạp, 144 người gốc Maronite, 86 người gốc Syriaque; 89 người gốc Arménien, 13 người gốc Copte và 13 người gốc Chaldéenne. Họ rất nghèo nàn, sống nhờ sự bố thí của Thánh Ðịa. Họ theo nghi lễ la tinh, trừ người gốc Maronite giữ nghi lễ riêng của họ. Có hai cha xứ latinh và hai linh mục triều mà một là người Syriaque và một là người Chaldéen, có hai giáo viên, một tu sĩ Phanxicô, một linh mục người Ả Rập. Trong vòng 20 năm, có 23 người trở lại đạo. Tại Giêrusalem có nhiều người lạc giáo và ly giáo. Những người Hylạp, có 19 nhà thờ, 13 linh mục triều, 40 thày dòng và 6 giám mục. Người Arménien có 6 nhà thờ, 3 linh mục triều, 27 thày dòng và 4 giám mục. Người Syriaque có 2 nhà thờ và 4 linh mục. Người Copte có 3 nhà thờ và 3 linh mục.
Bethléem: Công giáo gần 1.000, khá nghèo khổ, theo nghi lễ latinh, tự do trong nhà thờ Thánh Catherine, là một giáo xứ duy nhất với 2 cha sở dòng Phanxicô. Lạc giáo và ly giáo có nhà thờ và giáo sĩ riêng. Có 12 thày dòng Hy Lạp, 8 thày dòng Arménien mà 3 là linh mục. Chính thống giáo có 6 linh mục lo cho tín hữu.
Beit-jala: 3 linh mục triều Hy Lạp công giáo có gia đình, được Giáo Chủ của họ sai tới. Họ theo nghi lễ riêng bằng tiếng Ảrập nhưng có một phụng vụ nghiêm khắc. Họ cử hành trong các hang động gần nhà thờ Giáng Sinh và trong các tư gia. Từ lâu, họ cho rước lễ bằng bánh dậy men cả cho tín hữu thuộc nghi lễ latinh, giải tội cho họ mà không xin phép giáo quyền latinh.
Saint-Jean-in-Montana (Ain-Karim): 95 người theo nghi lễ latinh, gốc hylạp-công giáo, nghèo và sống nhờ các đền thánh. Cha sở người Ảrập và phụng vụ cử hành bằng tiếng Ảrập.
Rama (cựu Arimathie): 78 người công giáo mà 27 người theo nghi lễ latinh, 20 Maronites, 30 Melkites hay Hy Lạp công giáo và I Améniens; có 7 người Pháp, là ông phó lãnh sự và 6 thương gia.
Jaffa: Chừng 40 người công giáo mà 20 melkites hylạp công giáo, theo nghi lễ riêng của họ; Số còn lại theo nghi lễ Latinh, trong đó có 2 người Âu Châu. Hai cộng đồng ly giáo, hylạp và Arméniens với nhà dòng, nhà thờ và nhà xứ. Người Chính Thống giáo Melkite có 3 linh mục, 3 phó tế và 1 nhà thờ. Người Arménien có 4 linh mục và 6 phó tế.
Nazareth: 652 người công giáo, tính tình tốt, nhưng ở trong hòan cảnh cùng khổ. Chỉ có 1 nhà thờ công giáo, 1 cha Phanxicô. Ở đây người ta tự do sống đạo công giáo, không sợ nguy cơ bách hại. Người Chính Thống có 2 linh mục triều và 1 giám mục. Không có ”communicatio in sacris” trừ khi có đám tang.
Saint-Jean-d'Acre: 125 người Ðông Phương theo nghi lễ latinh, đến từ Damas, Giêrusalem, Bethléem và Nazareth. Chừng 1000 người Hylạp công giáo; 190 Maronites; 6 Syriaques; 2 Coptes. 20 người Âu Châu mà 17 người gốc Venise. Tự do thi hành việc phụng tự.
Le Caire: Chừng 30 người Ðông phương theo nghi lễ latinh; quãng 1.500 người công giáo, đa số là Hylạp-Melkites công giáo, tiếp đến người Coptes, sau cùng Maronites. Những người Ðông Phương công giáo giữ nghi lễ riêng của họ. Những người Hylạp công giáo dự nghi lễ trong các nhà thờ của ly giáo và các linh mục đóng vai trò cha sở đối với tín đồ, không muốn nhìn nhận quyền tài thẩm của các cha Phanxicô. Có những khó khăn và bách hại của dân ngoại, của lạc giáo và của ly giáo, nhất là của người Hylap. Có 4 nhà thờ latinh, 2 của toà lãnh sự, 2 của dòng Tên và dòng Capucin. Phụng vụ theo nghi lễ Ðông Phương cử hành trong nhà nguyện thánh Phanxicô của người Vénitiens tại Mousky. Có 2 giáo viên, 1 giáo dân và 1 linh mục copte thay thế các cha dòng Tên để huấn luyện giới trẻ. 11 linh mục Ðông Phương công giáo và 15 thừa sai (trong đó có 8 Phanxicô, 3 người tin lành Ý, 2 dòng Tên và 3 Capucins Pháp. Các Cha Phanxicô có một tu viện; các tu sĩ khác sống trong những căn nhà xây theo kiểu nhà bản xứ. Chỉ các tu sĩ Observatins và Capucins mới mặc áo dòng, còn các tu sĩ khác mặc theo y phục tu sĩ Ðông Phương. Giảng bằng tiếng Ảrập. Các tu sĩ dòng Tên làm việc với các thương gia và ở trong nhà tư.
Alexandrie: 4 người Ðông Phương theo nghi lễ Latinh hoàn toàn; 1 nhà thờ cho nghi lễ Latinh và một nhà nguyện của tòa lãnh sự Venise; Tự do hành đạo. Không có ”communicatio in sacris” trừ khi có hôn phối hay an táng. Những người Coptes thì dốt nát, những người Hylạp lại hay giận ghét.
Rosette: 27 người Hylạp công giáo giữ lễ nghi riêng của họ. Một ghi chú thật hay, chúng tôi xin trích nguyên văn latinh :”Panem divini verbi arabico vel etiam italico idiomate fidelibus praebet et latinam liturgiam doctrinamque christianam in idiomate vulgari exsequuntur” (Người ta trình bày bánh lời chúa cho giáo dân bằng chính tiếng ảrập hay cũng bằng tiếng ý, người ta giàng dạy phụng vụ latinh và giáo lý kitô giáo bằng tiếng bình dân)..
Alep: 30.000 người công giáo. Kể từ tông hiến ”Demandatam” những người Ðông Phương giữ nghi lễ riêng của họ. Nhưng một số người đã thà chết không chịu các Bí Tích còn hơn là phải trở lại nghi lễ riêng. Những người lạc giáo và ly giáo có nhà thờ riêng. Người Hylạp chính thống có 1 giám mục và 7 linh mục; người Syriaques có 1 giám mục và 10 linh mục; người Arméniens có 2 nhà thờ, 1 giáo chủ, 1 giám mục và 20 linh mục. Trên nguyên tắc, có tự do tôn giáo, trừ trường hợp bách hại giám mục chính thống. 2 nhà thờ công giáo mở cửa, đó là nhà thờ các cha Phanxicô và nhà thờ người Maronite. Trừ người Maronites, tất cả người đông phương công giáo đều thông hiệp với lạc giáo và ly giáo, nhưng mỗi người giữ đạo của mình. 2 linh mục đông phương có những đặc ân của các thừa sai. Có 12 thừa sai, 1 dòng Carme de Bohême, 3 dòng Tên mà 1 là người Ðức, 3 Capucins Flamands, 5 Phanxicô Ý. Chỉ mình người Maronites dạy giáo lý công khai trong nhà thờ của họ. Các vụ đụng độ giữa Phanxicô với dòng Tên và Capucins là thường xuyên. Các cha Capucins dạy cho người Hylạp công giáo rằng ”họ có thể sống cả năm không cần đi lễ; họ không buộc đi dự lễ tại nhà các cha Phanxicô và đường Thánh Giá cử hành tại nhà các cha Phanxicô là một đổi mới có lợi cho lạc giáo. Không có những sai lầm về đức tin nơi những người Ðông Phương công giáo. Từ 20 năm nay, số người công giáo tăng lên rất nhiều. Nhưng phải thêm số thừa sai bởi vì các giáo chủ Ðông Phương công giáo bị bách hại, tuy nhiên mỗi thừa sai phải làm việc trong phạm vi được chỉ định.
Alexandrette: Chỉ có 12 người công giáo, cả tỉnh toàn tòng chính thống.
Tripoli: 200 Maronites, 7 Syriaques, 14 người Pháp và 3 người âu Châu. 1 giám mục chính thống và 5 linh mục rất trung thành với nghi lễ của họ, và gắt gao bách hại công giáo. Có 1 cha Phanxicô, 1 Carme, 1 linh mục và 2 thày dòng Tên, 2 cha Capucins người Pháp. Dòng Tên ăn mặc theo kiểu người bản xứ.
Sidon: Chừng 1200 công giáo mà 1.000 là Hylạp công giáo và 200 là Maronites. Tất cả đều theo nghi lễ Ðông Phương. Không có người Ðông Phương theo nghi lễ latinh. Người Âu Châu rất ít, có ông lãnh sự Pháp. Người Hylạp công giáo có tổng giám mục và nhiều giáo sĩ. Các thừa sai : 5 Phanxicô, 2 dòng Tên, 2 Capucins.
Lattaquié: Có chừng 100 người công giáo maronites, sống nghèo khổ. Họ buôn bán với người Pháp. Một giáo xứ Phanxicô. Người chính thống có 5 nhà thờ, 1 giám mục, nhiều linh mục, giữ lòng thù ghét khôn nguôi đối với giáo hội La Mã và người Pháp.
Damas: 300 người theo nghi lễ Latinh, 4.000 Hylạp công giáo, 170 Syriaques, 120 Maronites, 25 Arméniens. Trong các làng của Damascène còn có 4.000 Hylạp công giáo. Hiện nay, không có hoạt động truyền giáo vì đang có cuộc bách hại. Số linh mục hylạp công giáo là 12, và trong các làng quê còn có 5 linh mục mà 3 là Maronites và 2 là Syriaques. Trong thành phố, có 3 nhà nguyện theo nghi lễ latinh, là nhà nguyện của các cha dòng Tên, các cha Phanxicô và các cha Capucins. Trong vùng quê, có 10 làng công giáo, 7 trường học, trường các cha Phanxicô có 215 học sinh, trường các cha dòng Tên 150, trường các cha Capucins 70. Hai trường học cho người Maronites với 16 và 17 học sinh và 1 trường Syriaque với 20 học sinh. Trong quận Midan có 1 trường với 20 học sinh. Người Hylạp công giáo gia tăng mỗi ngày. Những người Ðông Phương theo lễ nghi latinh được công nhận kể từ sắc lệnh 8.3.1757. Có 6 cha Phanxicô. Các cha dòng Tên bỏ thành phố kể từ khi có bách hại. Không rõ con số các cha Capucins. Các cha Phanxicô và Capucins mặc áo dòng theo hiến pháp của họ, các cha dòng Tên ăn mặc theo lối Ðông Phương. Những người Hylạp công giáo không có nhà thờ, lý do vì cơn bắt đạo. Giáo lý dạy bằng tiếng Ảrập theo văn bản của Bellarmin.
Theo một bản tường trình khác của các cha Phanxicô từ thánh địa đệ về bộ Truyền Giáo ngày 3.3.1766, thì không có gì thay đổi đáng kể đối với bản tường trình trên đây, trừ ra khi nói về tình hình của Nazareth và của Palestine, người làm bản tường trình đã cho biết chi tiết nhiều hơn về người Hylạp công giáo và những khó khăn đầu tiên giữa họ với những người theo nghi lễ latinh : Những người theo nghi lễ latinh muốn bắt họ quy phục quyền tài thẩm của mình.
Xuất xứ của ghi chú trên đây : L. Lemmens, Acta S. Congregationis de Propaganda Fide pro Terra Sancta, t.II, p.175-257 và idem p.45-58.
Có thể tóm lược những điều nói trên đây về các người công giáo tại những trung tâm lớn miền Cận Ðông năm 1760
Jérusalem Bethleem St. Jean
in Montana Rama Jaffa Nazareth St. Jean D’Acre Le Caire Alexandrie Rosette Alep Alexandrette Tripoli Sidon Lattaquité Damas | Công giáo 632 1000 95 78 40 652 1323 1530 4 27 30.000 12 207 1200 100 8650 ------------ 45.515 | Nghi lễ la tinh 488 1000 95 27 20 ? 125 30 ? 300 ----------- 2.085 | Nghi lễ Ðông Phương 144 51 20 ? 1198 1500 4 27 30.000 ? 207 1200 100 8315 ----------- 43.430 |
Tổng số này không tính những người Maronites và các người Melkites, Chaldéens và Syriens sống tại những cộng đồng khác mà danh sách có tiánh cách độc phương.