CHƯƠNG VIII
TÂY BÁN CẦU
CHƯƠNG VIII
TÂY BÁN CẦU
I. CHÂU MỸ TÂY BAN NHA VÀ BỒ ÐÀO NHA.
Việc khám phá ra những phần đất mới của thế giới, kể từ cuối thế kỷ XV, ban đầu hầu như là độc quyền của Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha : Từ lâu điểm chuyên biệt danh dự của hai nước này là có chung những sứ mệnh đem các lương dân nguyên thuỷ trở lại đạo. Bà Isabelle de Castille, đại bảo trợ của Christophe Colomb, đã ghi rõ trong chúc thư của bà (1504) là phải hoán cải ngừơi da đỏ trong các phần đất thuộc địa của Tây Ban Nha (1). Các vua Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, cũng như các những người thừa kế bà, đã cương quyết thi hành ngay lệnh bà để lại. Bằng những sắc lệnh ban hành năm 1493 và 1494, đức giáo hoàng Alexandre VI, người Tây Ban Nha, đã phân giới hạn (2) chia thế giới làm hai phần, một nửa cho Tây Ban Nha và một nửa cho Bồ Ðào Nha. Từ đó bắt đầu một phong trào bành trướng kéo dài hàng mấy thế kỷ. Phong trào này tự hợp thức hóa với sứ mệnh ”truyền giáo”, và chắc chắn không hoàn toàn phi lý, cho dù chẳng bao lâu cái mục đích thánh thiện và đáng ca ngợi đã mang nhiều bất công. Ðối với hai dân tộc, cũng như ít lâu sau, đối với dân Pháp, và dù có những mâu thuẫn hiển nhiên với dân Anh và Hoà Lan, việc bành trướng của đạo Kitô vẫn luôn là phần nguyên vẹn của việc khai hoá (colonisation): Công trình phúc âm hóa theo liền với sự nghiệp chinh phục hay xâm nhập ôn hoà nhiều hay ít. Người ta cũng có thể nói rằng đó là việc của Quốc Gia hơn là việc của Giáo Hội.
Ðể biện minh cho lập luận này, người ta có thể nại đến các sắc lệnh nói ở trên của đức giáo hoàng Alexandre VI, và đến các Giáo Hoàng kế tiếp vẫn y theo các sắc lệnh; Các ngài nhìn nhận cho các vua của hai nước mãi mãi vừa có trách nhiệm thiết lập các Giáo Hội mới, vừa có quyền hành trên các Giáo Hội ấy. Chính họ đã tổ chức những phái bộ truyền giáo đầu tiên và hầu như chỉ ký thác cho các tu sĩ Phanxicô Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Chẳng bao lâu, họ cũng thâu nhận thêm các tu sĩ khác, kể cả các tu sĩ chiêm niệm, nhất là tu sĩ Biển Ðức cho thiết lập các tu viện tại chỗ. Quãng giữa thế kỷ XVII, các vua đã khởi công thiết lập các giáo xứ và hàng giáo phẩm. Mọi bổ nhiệm đều nằm trong tay các vua. Quyền dành ”thiết lập theo giáo luật” dành cho Ðức Giáo Hoàng, trong thực tế chỉ là giả tạo bề ngoài, bởi vì, người ta không có lý để nói, ”Giáo Hội chính là Vua”. Chính nhờ các vua trong cả thế kỷ XVI và XVII, đã xúc tiến việc xâm nhập dần dần vào sâu các phần đất mới, mà đến thế kỷ XVIII, các thừa sai đã đạt tới việc cải hoá người Indiens. Sự kiện này được coi như một thành công tuyệt đối. Ðó là sự nghiệp trước tiên của các tu sĩ dòng Phanxicô, rồi đến các tu sĩ dòng Aucơtinh, dòng Ða minh, dòng thuyết giáo, dòng Ðức Bà Tạ Ơn (Notre Dame de Merci) chuyên chuộc kẻ làm tôi (3), và sau cùng, đặc biệt dòng Tên. Việc trở lại ồ ạt này là một thành quả chưa bao giờ đạt được ở phương trời nào trên thế giới. Tuy nhiên việc trở lại đại chúng như thế vốn bị coi là hời hợt và còn rớt lại nhiều dị đoan. Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, người ta đã thấy hai đặc điểm của thổ dân là ưa thích vẻ hào nhoáng bề ngoài và không biết gì về tôn giáo. Dầu vậy, việc tổ chức mục vụ, nhất là thừa tác vụ của các tu sĩ dòng Tên tại xứ Paraguay, diễn tả một vài nét cho phép giả thiết đà tiến triển đã dần dà đi vào những con đường lành mạnh hơn.
Tai ương trầm trọng hơn còn tồn tại mãi, chính là chế độ cố chủ hòang gia. Ðúng như vậy, bởi vì nó vững bền và vào thế kỷ XVIII, như chúng tôi đã trình bày, nó đã cung cấp cho lớp người cuồng tín của các nhà chuyên chế mưu lược những thể thức thao túng, gây nên bao nhiêu tổn thương nặng nề cho Giáo Hội và cho tôn giáo. Ðứng trước chế độ chuyên quyền này, Toà Thánh bấy giờ bất lực. Vào năm 1622, Toà Thánh thiết lập thánh bộ Truyền Giáo với hai mục đích : Không những là truyền bá đức tin trên những vùng đất vừa khám phá, nhưng cũng để củng cố quyền hành riêng của Toà Thánh tại các xứ truyền giáo và để hạn chế quyền hành của chế độ cố chủ hoàng gia chuyên chế. Nhưng đối với Nam Mỹ và Trung Mỹ thì mục tiêu thứ hai không đạt được kết quả nào. Trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, chế độ cố chủ hoàng gia đã tuyệt đối ngăn cản sự can thiệp của Roma trong những công việc của Giáo Hội trong phần đất của thế giới này, kể cả khi các chủ ông chuyên chế có những hành động bách hại Giáo Hội. Tai hại không kém, việc Giáo Hội địa phương, vì ở trong tình trạng hoàn toàn lệ thuộc, mỗi ngày một không thể chu toàn sứ mệnh che chở dân bản xứ chống lại những tệ lạm của chế độ thực dân. Trong thế kỷ XVIII, hoàn cảnh ấy đã khiến một phần lớn dân chúng lìa xa Giáo Hội. Bị đồng hóa vơi chính phủ thuộc địa, Giáo Hội bị coi như hiện thân của chế độ thực dân. Ðang khi đó, vào thế kỷ XVIII, nhiều ý tưởng mới về quyền lợi của con người được phổ biến rộng rãi (4).
Công việc truyền bá đức tin thành hình tiếp theo chính sách thực dân. Chính sách này chỉ kết thúc trên lãnh thổ Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ XVII; tại Brésil, ”Bồ Ðào Nha thứ hai” như người ta quen nói, vào khoảng năm 1775. Việc mở rộng các cơ cấu của hàng giáo phẩm đã theo sát sự bành trướng về hành chánh. Chẳng hạn khi thiết lập, các giáo phận của Brésil cũng là giáo phận thuộc hạt của các giáo phận Bồ Ðào Nha. Như vậy, việc thiết lập hàng giáo phẩm khởi sự năm 1640 với việc thành lập tòa giám mục Bahia vẫn còn là giáo phận thuộc hạt của Lisbonne cho tới năm 1676. Phải đợi tới triều đại đức Giáo Hoàng Benoit XIV (1740-1758), việc thiết lập hàng giáo phẩm mới hoàn tất và rồi cứ ở nguyên tình trạng, không thay đổi gì cả, cho tới thế kỷ XIX, khi quyền lực của Bồ Ðào Nha bị sụp đổ. Trong cả thế kỷ XVIII, các giám mục đều là người Bồ Ðào Nha, cách chung là sinh ra và được đào tạo tại Bồ Ðào Nha. Các linh mục triều thuộc quyền các ngài, phần lớn cũng sinh ra ở Bồ Ðào Nha, giữ liên lạc mật thiết với các chủ đồn điền Bồ Ðào Nha chính cống hay Bồ Ðào Nha sinh ra tại đất thuộc địa, qua chức vụ là tuyên úy hay giáo viên của gia đình họ. Họ bảo đảm cho đời sống của các linh mục bằng cách lập nên các ân bổng và lợi bản. Tuy có vài khác biệt, đồ biểu trên đây cũng áp dụng cho các nước thuộc địa của Tây Ban Nha tại Nam Mỹ và Trung Mỹ.
Những mối liên hệ với các chủ ông thực dân đã tạo nên sự lệ thuộc chồng chất bao nhiêu bất lợi, đặc biệt về đời sống luân lý và đạo đức của giáo sĩ trước những tập tục đồi bại của giới chủ ông. Phải đau khổ nhiều mới chu toàn được những nghĩa vụ của linh mục. Ngay từ thế kỷ XVI, trong công cuộc truyền giáo ở Trung Mỹ và Nam Mỹ đã có những dấu hiệu lây nhiễm sự thoái hóa mà một thế kỷ trước đã làm tổn thương Giáo Hội Âu Châu: lấy sự hào nhóang bên ngoài che đậy sự khô khan nguội lạnh về đời sống thiêng liêng. Trong Tân Thế Giới cũng vậy, mọc lên như nấm những nhà thờ chính toà, những hội đoàn và các trụ sở kinh sĩ hội mà từ hậu bán thế kỷ XVII, các thành viên đã nổi tiếng là ”các linh mục lười biếng” và không có hạnh kiểm tốt.
Việc truyền giáo thực thụ, nghĩa là việc làm cho dân da đỏ trở lại và lo mục vụ cho họ, là công việc đặc biệt của các tu sĩ. Trước tiên chỉ có các tu sĩ dòng Phanxicô, bởi lẽ họ có những liên hệ gần gũi với các gia đình quyền thế của Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Trong thế kỷ XVII, trên khắp các đất thuộc địa, đều có nhà của các tu sĩ Biển Ðức, Camêlô, Aucơtinh, Capucinô, Thuyết Giáo (Oratoriens) và nhất là dòng Tên. Vào thế kỷ XVIII, các tu sĩ dòng tên giữ vai trò chủ yếu. Chính các tu sĩ dòng Tên đã dấn thân truyền giáo vào sâu trong các nội địa. Vừa lo truyền giáo cho người da đỏ, vừa tranh đấu bảo vệ họ trước những gánh nặng thuế má do thiểu số dân da trắng đặt ra, các ngài đã lập được nhiều công phúc. Quả thật, trước mắt dân da trắng, xứ thuộc địa phải làm giàu cho ”mẫu quốc”. Cho đến giữa thế kỷ XIX, đó là chân lý phúc âm đối với tất cả các dân tộc âu châu, kể từ người Anh, Hòa Lan và Pháp cũng như người Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Tại hầu hết các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ, người bản xứ bị cưỡng bách lao động trong các trang trại và hầm mỏ. Ðặc biệt vào cuối thế kỷ XVIII, việc khai phá hầm mỏ phát triển mạnh, và chính sách cưỡng bách lao động này đôi khi thật vô nhân đạo. Về công việc đồng ruộng, cách chung tình hình khả quan hơn : Ngay từ đầu, giới cầm quyền đã thiết lập hệ thống ”phát triển kinh tế” (Encomienda), tương tự với ”manor system” của người Anh hay chế độ thôn dã của Tây Phương. Hệ thống lao động này còn cho giới nông nô có nhiều tự do hơn.
Vào thế kỷ XVII, trong mọi lãnh thổ, nhất là những lãnh thổ thuộc Tây Ban Nha, các hoạt động của dòng Tên được mở rộng về mọi mặt, đem lại thật nhiều ích lợi cho cả dân da trắng lẫn dân bản xứ. Họ thiết lập các trường trung học và đại học theo hệ thống Tây Ban Nha ( vào thế kỷ XVIII đã có 5 đại học cho Mỹ châu Tây Ban Nha : Lima, Mễ Tây Cơ, Saint-Domingue, Bogota và La Paz). Nhờ đó người da trắng có nền giáo dục tôn giáo và văn hóa cách chung là tuyệt hảo. Riêng cho những người da đỏ, cho đến cuối thế kỷ XVIII, các cha dòng tên trụ trì ngay trong các trang trại của họ và đôi khi là những người bảo vệ anh hùng cho những quyền lợi của họ. Như đã nói ở trên, việc phát triển mạnh mẽ các hầm mỏ và buổi đầu việc kỹ nghệ hoá đã gây nên cho các tu sĩ dòng Tên những hậu qủa trầm trọng. Phải nói thật, việc các ngài che chở dân da đỏ, xét về lâu về dài, đã quá nặng mầu sắc ”của người giám hộ”, ôn hoà nhưng tuyệt đối, với một thể thức ”phụ hệ” ở thôn quê, hầu tồn tại mãi cả khi cơ cấu kinh tế và xã hội đã thay đổi. Nhưng việc các ngài cương quyết chống lại các chủ ông Bồ Ðào Nha tìm bắt nô lệ đã là nguyên nhân lớn trong các vụ đụng độ, khiến các ngài sau cùng bị khu trừ. Và đó chính là hào quang bất diệt đối với các ngài. Phá hủy mọi công trình, giảm thiểu số nhân sự của các tu sĩ dòng Tên và việc bãi bỏ Hội dòng ngay sau đó đã tạo nên cho Giáo Hội và cho thừa tác mục vụ trên toàn lãnh thổ Trung Mỹ và Nam Mỹ một sự thiệt hại mà ngay bấy giờ đã thấy là không thể đền bù lại được.
Dĩ nhiên, đây cũng vậy, không phải là cuộc bách hại thuần túy và đơn giản những người vô tội. Số là từ giữa thế kỷ XVII, bất cứ ở đâu, các tu sĩ dòng Tên đã nổi tiếng về ”cái đường lối chấp nhất độc đáo”. Chính đường lối này đã dần dần phá hoại mọi tương quan giữa các ngài với hàng Giám mục, linh mục triều và các dòng tu khác. Sự cạnh tranh giữa các dòng đã trở nên một thánh giá rất nặng cho công việc truyền giáo tại Mỹ Châu vào thế kỷ XVIII. Ðến nỗi, mọi hình thức mà chính quyền dân sự đã dùng để chống lại các tu sĩ dòng Tên, lại được sự yểm trợ của các tu sĩ dòng Ðaminh và dòng Phanxicô. Như chúng ta đã thấy, tu sĩ hai dòng này là đối thủ không đợi trời chung của các tu sĩ dòng Tên trong vụ cãi lộn đau xót về các nghi lễ.
Một lỗi lầm mà các tu sĩ dòng Tên phải chịu chung nhiều hay ít với các tu sĩ các dòng khác và với giáo sĩ triều, một lỗi lầm khiến việc truyền giáo phải trả một giá đắt, đó là các ngài đã không tích cực tiến cử dân bản xứ vào thừa tác vụ. Ngay trong nhiều văn kiện nhằm chỉnh đốn tình hình cách nghiêm chỉnh, cho đến phút chót, người ta cũng lơ là việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ. Không một nơi nào biết xử dụng đến các nguồn lực của dân da đỏ để duy trì lâu dài những công việc giáo huấn và từ thiện. Chỉ trong hàng giáo sĩ triều mới dần dần có một số người da trắng sinh ra tại các xứ thuộc địa được tuyển chọn, và mãi đến hậu bán thế kỷ XVIII họ mới đạt tới đa số giữa các linh mục triều. Nhưng phải nói cách vô tư là hiện tượng này thật ra không phải là vinh dự cho hàng giáo sĩ, bởi lẽ phần dân chúng này bấy giờ gần gũi với dân da trắng hơn với dân da đỏ. Họ còn tối mắt phục vụ quyền lợi của các chủ ông thuộc địa da trắng. Ðó là điều rất rõ ràng.
”Mutatis mutandis”, phải nói như vậy về các dòng nữ. Trên các lãnh thổ Bồ Ðào Nha cũng như Tây Ban Nha, trong phần lớn thế kỷ XVIII, các nữ tu viện đã chiêu mộ ơn gọi cho các cộng đoàn của họ nơi những người da trắng chào đời tại xứ thuộc địa, mà không đoái hoài đến những người nữ da đỏ. Còn các nữ đan viện, thường phải có nhiều của hồi môn, thì đa số là chiêm niệm, chỉ có một số nhỏ dấn thân dạy học hay công tác từ thiện giúp đỡ dân da đỏ.
II. MỸ CHÂU THUỘC PHÁP
Chính sách thuộc địa của Pháp tại Mỹ Châu bắt đầu từ nửa thế kỷ XVI, nhưng mãi nửa thế kỷ sau mới có tầm mức quan trọng. Lãnh thổ đầu của chế độ thuộc địa Pháp là bán đảo mà ban đầu người Pháp đặt tên là Acadie và nay gọi là Nouvelle-Ecosse. Từ địa điểm này, người Pháp chiếm lần sang các đảo chung quanh như Cap-Breton, Prince-Edouard. Rồi mở rộng về phía Tây, liên tục mãi cả thế kỷ XVII, suốt thời Colbert nắm quyền (1662-1684). Bấy giờ họ đã bắt đầu theo dòng sông Ohio vượt mọi gian nguy, khai thác lưu vực sông Mississipi và Missouri.
Acadie, lãnh địa kỳ cựu nhất của Pháp tại châu Mỹ từ 1604, đã rơi vào tay người Anh năm 1654, nhưng được hoàn lại cho Pháp năm 1670. Sau đó, vì chiến tranh kế vị nước Tây Ban Nha, Pháp lại mất bán đảo Acadie: theo hoà ước Utrecht (1713), Pháp phải dứt khoát nhường cho Anh quốc. Vào thời đó dân cư còn thưa thớt, cả đảo chỉ có mấy trăm gia đình chuyên nghề trồng tỉa, mà đa số người gốc Normandie và tất cả là công giáo. Lo mục vụ cho họ là các tu sĩ dòng Tên, rồi Phanxicô và Capucins. Tất cả các linh mục này đều tận tâm lo truyền giáo cho dân da đỏ. Ða số, dân này sống đời du mục. Công việc mục vụ này rất nguy hiểm, đặc biệt vì những mối thù truyền kiếp giữa các bộ lạc đối nghịch nhau. Tuy nhiên công trình của các ngài đem lại nhiều thành qủa. Ngay từ cuối thế kỷ XVII, tuy ít, người ta đã bắt đầu xây cất trường học cho con em da đỏ.
Kể từ khi đảo Acadie thuộc trọn về người Anh, năm 1713, các phái bộ truyền đạo của công giáo đã không còn độc quyền như trước nữa, mà dần dần lại bị hồ nghi và hạn chế không được hoạt động tự do nữa. Ðiều đó cắt nghĩa thêm , ít ra một phần, bởi những liên hệ chặt chẽ giữa tâm tình quốc gia và việc tuyên xưng đức tin công giáo của người Pháp. Trong suốt nửa thế kỷ, bán đảo thuộc địa này là một sân khấu tranh chấp không ngưng giữa các nhóm thực dân Pháp và Anh. Lý do chính là tranh dành ranh giới giữa đất Acadie đã nhượng cho Anh và phần đất còn lại của Pháp. Các linh mục công giáo và các tu sĩ phải chịu khổ cực nhiều nhất về các vụ tiểu chiến này. Ngoài ra tình hình truyền giáo còn bị xáo động trầm trọng bởi sự kiện phải thuộc quyền của vị Ðại Diện Tông Toà tại Québec.
Năm 1754, tình trạng chiến tranh bùng nổ thực sự giữa hai cường quốc và kéo dài bảy năm (1756-1763). Sau cùng, năm 1763, hoà ước Paris đã nhượng cho Anh cả đất Gia Nã Ðại. Ban đầu, có nhiều lý do khiến người ta lo sợ đạo công giáo sẽ nhất loạt bị đàn áp. Hàng ngàn người công giáo Pháp ở Acadie bị đầy qua các khu thuộc địa của Anh, nhất là vùng Massachusetts kế cận. Kế hoạch này đã làm tan rã hoàn toàn việc truyền giáo trong khoảng từ 1756 đến 1763. Bấy giờ mọi người đều phấp phỏng nghĩ rằng tình trạng tan rã này kéo dài còn lâu. Tuy nhiên, một lối thoát đã tới ngoài sức tưởng tựơng: với hòa ước Paris năm 1763, chính phủ thuộc địa Anh chấp thuận cho Acadie hưởng quyền tự do tôn giáo như những người công giáo Gia Nã Ðại. Những bảo đảm này đã chính thức ghi vào ”Văn kiện Québec” ngày 22.06.1774. Chúng ta sẽ trở lại điểm này.
Cùng thời với việc thám hiểm và chiến lược Acadie, các thủy thủ Pháp, và tiếp theo họ là các thương gia và các chủ đồn điền đã đến lập nghiệp trên các hòn đảo Antilles, Guadeloupe, Martinique và Saint-Christophe. Về sau đảo Saint-Christophe lại rơi vào tay người Anh. Sau năm 1763, các tu sĩ dòng Phanxicô, Ðaminh và dòng Tên lần lượt đến truyền giáo trên các đảo ấy. Từ năm 1642 đến 1646, Thánh Bộ Truyền Giáo bổ nhiệm một cha Capucin làm Ðại Diện Toà Thánh. Nhưng rồi vì sự cạnh tranh của các dòng đã khiến ngài phải từ chức và đi khỏi vùng truyền giáo. Từ đó, cả vùng truyền giáo được chia ra nhiều phủ doãn. Mỗi phủ doãn trao về cho một dòng tu và được điều hành bởi một Phủ Doãn Tông Toà thuộc dòng tu ấy. Tất cả các Phủ Doãn Tông Toà đều trực tiếp thuộc quyền Bộ Truyền Giáo và không liên hệ gì với nhau. Về sau còn có thêm Phủ Doãn Tông Toà thuộc dòng Camêlô. Các tu sĩ dấn thân lo mục vụ vừa cho người da trắng, vừa cho dân bản xứ, dân Caraibes và dân nô lệ nhập cảng từ Phi Châu. Vào thế kỷ XVIII, hầu như cả dân trên các đảo đã tòng giáo. Nhưng, ở đây cũng vậy, các tu sĩ dòng Tên đã bị trục xuất. Mọi thất bại của cha Lavalette tại Martinique không những đã làm tổn hại mà còn phá hoại dòng Tên cách mau lẹ, ít ra là tại Pháp. Các dòng khác, nhất là Ða Minh và Capucins đã thay thế dòng Tên. Việc truyền giáo vẫn được tiếp tục. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, vùng truyền giáo Antilles chưa có cơ cấu giáo xứ hay giáo phận thông thường. Số linh mục quãng 150 : Một phần ba là Ðaminh, một phần ba là Capucins, hơn 20 linh mục triều, số còn lại thuộc các dòng khác. Tất cả có chừng 100 địa điểm truyền giáo.
Lịch sử Gia Nã Ðại, Tân Pháp quốc, có thể nói, đã khởi đầu bằng việc thành lập tỉnh Québec trên bờ sông Saint-Laurent năm 1608. Ðất thuộc địa này mở rộng mãi. Ðầu tiên được điều hành bởi ”Tổ Ðoàn Trăm Hội” (Compagnie des Cent Associés). Năm 1665, Tổ Ðoàn được thuộc quyền các công chức hoàng gia. Vị công chức đầu tiên rất khôn khéo là Jean Talon, những công chức kế tiếp ông cũng vậy, như ông Frontenac và ông De la Salle, nổi tiếng là những người biết hành động và có kế hoạch. Thi hành đúng huấn thị đến từ Paris, họ theo dõi từng bứơc việc xâm nhập vào nội địa và việc thiết lập các địa điểm truyền giáo. Nhất là ông La Salle, ông rất lưu tâm đến việc vẽ bản đồ các lãnh thổ phụ thuộc. Vì thế, ông là người khởi xướng nhiều địa điểm truyền giáo.
Các tu sĩ dòng Tên đầu tiên đến Gia Nã Ðại năm 1611. Những vị tiên phong này đã hoàn tất cách anh hùng, giữa bao gian nguy, công việc rao giảng đầu tiên cho dân da đỏ. Giữa các ngài có nhiều đấng tử đạo vì đức tin. Ðặc biệt, từ 1640 đến 1653 là những năm tiêu điều nhất cho vùng truyền giáo sơ khởi này. Những người Iroquois cố chấp hằn thù Kytô giáo, đã gây nên nhiều cuộc tàn sát các thừa sai và các bộ lạc da đỏ tòng giáo. Ðể đối phó với tình hình đó, và những biến cố khác tương tự, các thừa sai đã cộng tác chặt chẽ với các nhà cầm quyền dân sự và quân sự, áp dụng phương pháp tập trung : Cho đến thời ấy, các bộ lạc da đỏ vốn sống du mục, nay đây mai đó, bó buộc phải tập trung lại trong các trang trại hay chung cư lớn để thực hành một hình thức cộng sản kitô giáo dưới quyền điều khiển khắt khe của các thừa sai. Kế hoạch này đem lại nhiều thành công.
Không kể các tu sĩ dòng Tên, còn có các linh mục Xuân Bích đến làm việc tại Gia Nã Ðại. Sau cùng, vào khoảng năm 1640, có các nữ tu Urselines tới, chuyên chăm lo các bệnh nhân, dưới quyền của Mẹ Marie de l'Incarnation. Về sau, Robert de la Salle ủng hộ đặc biệt việc truyền giáo của các tu sĩ dòng Phanxicô. Giữa các ngài, có mấy vị, đặc biệt Louis Hennepin, người Bỉ, một nhân vật có nhiều khía cạnh hơi lu mờ, đã có nhiều công nghiệp trong việc khai phá và vẽ bản đồ địa dư của lưu vực sông Mississipi (5)
Cho tới năm 1658, xứ truyền giáo Nouvelle France, trên danh nghĩa, vẫn thuộc về tổng giám mục Rouen. Nhưng mọi liên hệ với ngài không có gì gần gũi. Các tu sĩ dòng tên lại coi quyền hành của ngài là không hợp pháp. Hơn nữa, các tu sĩ dòng Tên dần dần bất hoà với các linh mục Xuân Bích, nên ước nguyện thiết lập một Ðại Diện Tông Toà mỗi ngày một sôi nổi. Bởi đó, một khi Thánh Bộ Truyền Giáo chấp thuận ứơc nguyện đó, thì lập tức mối liên hệ với Giáo Hội Pháp bị cắt đứt hoàn toàn, và nhóm chủ trương ”Giáo Hội Pháp độc lập” (Gallicanisme) cũng bị gạt ra khỏi Gia Nã Ðại. Chính ra các tu sĩ dòng Tên phải là những người đầu tiên đón nhận việc thiết lập ấy. Thế nhưng, vì những kinh nghiệm đã có ở Âu Châu và tại các xứ truyền giáo khác, các ngài lại e sợ rằng việc thiết lập một Ðại Diện Tông Toà trực thuộc Roma sẽ giảm bớt rất nhiều các quyền lợi cho đến bấy giờ họ đang được hưởng. Vì thế trong nhiều năm, các ngài cố vận động để một linh mục dòng Tên được bổ nhiệm vào chức vị Ðại Diện Tông Toà. Tiếp đến, họ ra sức ủng hộ một linh mục triều người Pháp, mới 35 tuổi, là cha Francois de Montmorency-Laval. Ðược bổ nhiệm Ðại Diện Tông Toà Nouvelle-France năm 1658 và giám mục hiệu tòa , đức cha Francois bị các linh mục Xuân Bích khinh khi, nhưng lại được các cha dòng Tên bao che.
Năm 1659, ngài đặt toà tại Québec. Nơi đây, một đời sống đầy lo âu và thử thách chờ đợi ngài. Ngài gặp nhiều khó khăn với các linh mục Xuân Bích. Muốn làm khó dễ ngài, các linh muc Xuân Bích liên hệ chặt chẽ với chính quyền thuộc địa, với chính phủ ”mẫu quốc”, và với tổng giám mục Rouen, phủ nhận quyền hành của vị Ðại Diện Tông Toà. Bằng một thỏa ước chung, những người bất mãn vận động làm tiêu tan thế lực của đức cha Laval nơi thánh bộ Truyền Giáo. Sự thiếu mềm dẻo của ngài lại gây thêm nhiều khó khăn nữa. Thông đồng mưu kế với các cha dòng Tên, ngài nhất quyết đào tạo một hàng giáo sĩ triều truyền giáo theo chủ trương của dòng Tên, không lây vướng dấu vết của ”Giáo Hội Pháp tự trị”. Các linh mục Xuân Bích cương quyết chống lại dự án này. Bề trên của các cha Xuân Bích trước đây đã lãnh từ tổng giám mục Rouen mọi quyền hành của cha tổng đại diện. Nên các ngài dựa trên sự kiện này mà tuyên bố quyền hành của Ðại Diện Tông Toà là bất hợp pháp. Tuy nhiên các ngài không thể cản ngăn việc thiết lập tại Québec một chủng viện, vào các năm 1668 và 1670.
Từ năm 1674, chính phủ Pháp đã thành công trong việc vận động cho Gia Nã Ðại thoát khỏi quyền hành của Bộ Truyền Giáo. Ðức Giáo Hoàng Clémentê X, ông già ốm yếu, đã quá mủi lòng chiều ý của vua Louis XIV, năm 1674, đã chia Gia Nã Ðại thành địa phận và ban cho vua nước Pháp quyền bổ nhiệm. Kể từ đó, quyền hành của đức cha Laval dần dần suy yếu. Nản chí vì những chống đối mỗi ngày một thêm, ngài đã từ chức năm 1684. Những người kế vị ngài , cách chung đã tỏ ra qúa ”dễ bảo” đối với chính phủ hoàng gia và các viên chức. Tất cả, họ là những người sinh ra tại Pháp, và đã sống ở Pháp lâu hơn ở Gia Nã Ðại. Tuy nhiên, những hoàn cảnh bất lợi ấy hình như không gây hại nhiều cho Giáo Hội Gia Nã Ðại. Càng không nhiều hơn sánh với những tranh chấp về thẩm quyền và về các đặc ân, thường xuyên xẩy ra và tranh luận kịch liệt giữa linh mục triều với linh mục dòng, hay giữa các dòng khác nhau, nhất là giữa dòng Tên và Xuân Bích. Dòng Tên tố cáo Xuân Bích là Jansénime. Hơn nữa, có vụ tranh chấp giữa giám mục không quan tâm gì đến việc truyền giáo với hàng giáo sĩ nói chung. Các gia đình nông dân Pháp vẫn tiếp tục dến lập nghiệp, nên, trong thế kỷ XVIII, số người da trắng tăng lên gấp mười lần hơn. Những tín hữu này luôn tỏ ra ngoan ngoãn và khiêm cung trung tín với đức tin của họ, một đức tin chứng tỏ tuyệt đối không chịu ảnh hưởng ”Những Nguồn Sáng”. Chống lại đường lối ”tin lành hóa”, như lúc đầu chính phủ Anh đã muốn, họ kiên trì phản ứng lại, đôi khi thật gây cấn. (7)
Hình như chính cái tinh thần chiến đấu của người công giáo nhiệt huyết đã mau đưa các vị chủ mới suy nghĩ lại về những chương trình tin lành hoá mà lúc đầu họ đã muốn nghiêm chỉnh thực thi. Chắc chắn, việc chuyển quyền qua tay người Anh đã làm tổn hại cho Giáo Hội Gia Nã Ðại cả về vật chất lẫn tinh thần. Không còn sự yểm trợ chính thức của nhà nước, Giáo Hội mất đi một lúc nhiều đặc ân và lợi tức. Cũng vậy, việc ra đi của số đông các công chức và thương gia Pháp có thế lực, Giáo Hội mất mát rất nhiều, bởi lẽ từ lâu họ là như khung sườn chống đỡ Giáo Hội. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn đứng vững. Theo hòa ước Paris, tháng hai năm 1763, vua nước Anh thuận cho dân cư sinh sống tại Gia Nã Ðại quyền tự do theo đạo công giáo và thực hành các việc phụng tự, với một điều khỏan vừa mập mờ vừa mềm dẻo :”theo như luật anh quốc cho phép”. Chắc chắn rằng, dựa theo điều khỏan này mà viên thống đốc đầu tiên của Anh ở Gia Nã Ðại đã nhận được chỉ thị cản ngăn việc thực hành đạo công giáo và ủng hộ việc thiết lập các trường học tin lành để dần dần cưỡng bách dân chúng theo đạo tin lành (8). Nhưng khôn ngoan, ông để người công giáo yên ổn. Sau những lần điều đình lâu dài với kinh sĩ hội Québec, một tân giám mục đã được tuyển chọn, và được đức Giáo Hoàng bổ nhiệm. Quan thống đốc bảo đảm cho giám mục quyền tự do bản thân và tự do thi hành trách nhiệm mục vụ. Có nhiều vụ rối loạn trong các vùng cựu thuộc anh. Sau những năm đụng chạm và tiểu chiến, các vùng ấy đã được độc lập nhờ chiến tranh 1775-1785. Thấy những dấu hiệu ban đầu ấy, nhà cầm quyền Anh tỏ ra mềm dẻo đối với dân Gia Nã Ðại để họ khỏi liên minh với các dân thuộc địa nổi loạn. Ðó là những tâm trạng dẫn khởi văn kiện ký tại Québec ngày 22.6.1774. Văn kiện này dành cho người công giáo Gia Nã Ðại, bấy giờ là 65.000 người, ”quyền tự do sống đức tin theo Giáo Hội Roma” với một sự hạn chế là ”việc thực hành vẫn lệ thuộc quyền tối thượng của Vua”. Văn kiện còn thêm : ”Không người công giápo nào có thể bị bó buộc phải tuyên thệ nhận quyền tối cao của nữ hoàng Elisabeth Ie (9). Văn kiện chỉ buộc các công chức hay thành viên công giáo trong chính phủ một lời thề đơn giản về sự trung thành. Nếu cũng năm 1774, các tu sĩ dòng Tên bị trục xuất và tịch thu hết tài sản, thì phải coi đó là sự nối tiếp tự nhiên việc bãi bỏ hẳn dòng của các ngài. Tuy nhiên, người ta còn chống lại các dòng nam khác nữa, như Xuân Bích và Phanxicô, bằng những biện pháp dẫn đến việc tiêu diệt đi. Ngoài ra, đạo Công Giáo vẫn còn tạm thời ảnh hưởng trên các sinh hoạt của xứ thuộc địa. Số các linh mục lo mục vụ tăng thêm không ngừng. Hơn thế, từ 1791 đến 1802, còn thêm các linh mục Pháp di tản, được chính phủ giúp đỡ, đi qua Anh và đến sinh sống tại Gia Nã Ðại.
III. HOA KỲ
Lỗi điểm đầu tiên của Hoa Kỳ là mười ba tiểu bang New-Hampshire, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvanie, Delaware, Maryland, Virginie, Caroline Bắc, Caroline Nam và Géorgie. Tại những tiểu bang này, người công giáo chỉ thực sự được hưởng tự do tôn giáo vào cuối thế kỷ XVIII. Nghĩa là mãi sau ”Chiến Tranh dành Ðộc Lập”, người công giáo mới được hưởng những quyền lợi mà trên nguyên tắc nước Anh vẫn từ chối. Tuy nước Anh luôn dành cho các xứ thuộc địa nhiều quyền tự trị, nhưng hoàng gia giữ quyền phủ quyết và các vua của nhà Hanovre thường dùng quyền phủ quyết ấy để làm khó dễ người công giáo.
Tuy nhiên, người ta có thể nói, tình hình của những người công giáo tại các xứ thuộc địa Anh, cách chung còn có phần thuận lợi hơn tình hình của những người công giáo ngay tại Anh quốc. Chắc chắn, quyền tự do tôn giáo của họ cũng bị lãng quên, nhưng tinh thần tương nhượng tại các xứ thuộc địa có phần cởi mở hơn tại chính nước Anh. Ðiểm đặc biệt làm nẩy sinh những tư tưởng dung thứ chính là ở các xứ thuộc địa có nhiều phái tin lành khác biệt nhau chứ không độc phái như tại Anh quốc. Các phần tử của Giáo Hội Anh sinh sống tại các xứ thuộc địa dần dần hoà hợp với những người không theo quốc giáo về khía cạnh này hay khía cạnh khác. Sự kiện đó ủng hộ quan niệm tôn giáo bao dung và tương đối. Tại các xứ thuộc địa, nhiều người đã nhận ra những bất lợi về sự độc quyền tôn giáo hay về tình trạng ưu đãi một Giáo Hội riêng biệt nhằm tiêu diệt các tôn giáo khác (10). Ngoài ra, việc trăm hoa đua nở này đã phát sinh cách hoàn toàn tự nhiên từ những động lực khiến nhiều người Anh, trong thế kỷ XVII, từ giã quê hương đất tổ, đi sinh sống tại các xứ thuộc địa. Họ qua Mỹ Châu với hy vọng tìm thấy ở đó cái họ đã bị từ khước hay ít ra khó được chấp nhận tại Anh : Ðó là khả năng tuyên chứng và thực hành niềm tin riêng của họ. Quả thật, trước tiên là những người Thanh giáo (puritains) thực thụ, kế đến là những người theo phái Tân giáo (quakers). Trong lịch sử giải phóng những người công giáo tại Hoa Kỳ, những người Tân giáo giữ một vai trò danh dự: Tiểu bang Pennsylvanie là tiểu bang duy nhất cho người công giáo ”sống đạo thoải mái” ngay trước cách mạng tại Hoa Kỳ (11).
Không nên phóng đại sự quan trọng về con số của người công giáo lúc khởi đầu Cách Mạng Hoa Kỳ. Bị lầm bởi tỉ số hiện nay (năm 1960, giữa 160 triệu dân Hoa Kỳ, có hơn 30 triệu người công giáo, tức gần 20%), chúng ta không hề nghĩ rằng có một cộng đoàn công giáo nhỏ bé đến như thế vào năm 1780 : Năm 1785 người ta ước lượng tất cả dân của 13 tiểu bang Hoa Kỳ là 4 triệu, mà dân công giáo chỉ có 25.000, nghĩa là chưa được 0,6%. Người công giáo lập nghiệp đông nhất quãng 16.000 ở tiểu bang Maryland, 7.000 ở Pennsylvanie, 1.500 ở New York, vài trăm ở Virginie và một nhóm lẻ loi tại chín tiểu bang khác. Một thế kỷ trước, tỉ số công giáo khả quan hơn. Tại các xứ thuộc địa ở Mỹ Châu cũng như tại Anh quốc, thế kỷ XVIII đối với đạo công giáo là thế kỷ bỏ đạo thê lương nhất. Như Tại nước Anh, giữa năm 1700 và 1800, dân công giáo từ 5% sụt xuống còn không đầy 1%, tại các xứ thuộc địa cũng mang một biến thái như vậy. Theo một số tác giả, việc bỏ Giáo Hội này đã dẫn tới sự tiêu diệt hoàn toàn đạo công giáo tại Hoa Kỳ, nếu như, cũng trong thế kỷ XVIII, không có làn sóng di dân, tuy ít ỏi nhưng liên tục, của những người công giáo Ðức (12).
Trong mười ba tiểu bang, tiểu bang Maryland có một quá khứ công giáo thịnh vượng nhất. Tuy không phải là nền móng công giáo, tiểu bang Maryland đã được thiết lập bởi một người công giáo, ông George Calvert, hầu tước đầu tiên của Baltimore, trở lại công giáo năm 1624. Như hầu hết các nhà sáng lập các xứ thuộc địa khác, ông George trước tiên là người mạo hiểm gan dạ, đi tìm kế hoạch thực hiện những dự án kinh tài lớn. Nhưng trong cách thực thi dự án, ông công khai bày tỏ ước nguyện tranh đấu cho những người đồng đạo với ông được quyền tự do họat động là quyền mà ngay tại nước Anh họ bị từ khứơc. Ðầu tiên ông định đưa dân công giáo vào tiểu bang Virginie, nhưng công việc không thành. Và từ đó, ông nghĩ kế hoạch thực hiện dự án ở Maryland. Con trai ông là Cecil, năm 1632, đã thảo ra hiến chương cho xứ thuộc địa này. Mưu ý của ông thật rõ ràng: Trước tiên phải bảo đảm cho mọi kitô hữu quyền tự do lương tâm và phụng thờ. Ðó là lý do khiến Maryland thành nơi nương thân của một số đông những người đã bị bách hại ngay tại các nguyên quán : người công giáo và cả gười tin lành thanh giáo. Thế rồi, chỉ mấy chục năm sau ngày thành lập tiểu bang, làn sóng của những người tin lành thanh giáo ồ ạt đổ tới, không may lại nên cớ làm hạn chế các quyền lợi của người công giáo.
Giữa đám người thực dân cập bến Maryland năm 1634, có bốn tu sĩ dòng Tên, hai linh mục và hai sư huynh, và ban đầu công giáo chỉ là thiểu số. Nhưng không bao lâu, theo cái nhìn của một số tin lành thanh giáo, người công giáo đã thành đa số. Ðó, là nhờ công lao nhiệt thành của các tu sĩ dòng tên làm việc giữa những người thực dân anh giáo (14). Nói thế, nhưng có lẽ không bao giờ đa số dân cư của tiểu bang Maryland là công giáo. Tuy nhiên, ít là 10 năm đầu tiên sau ngày thành lập tiểu bang, việc điều hành chính yếu của tiểu bang đã nằm trong tay người công giáo : Cho tới năm 1648, chức thống đốc vẫn do một người công giáo đảm nhiệm. Như người ta đã xác nhận cách chính đáng, thì chắc chắn rằng nhờ sự khoan dung, mà ngay từ đầu ban điều hành đã cương quyết đòi hỏi trên nguyên tắc, phần đất thuộc địa này đã có một chỗ đứng riêng trong lịch sử thuộc địa của Anh quốc (15).
Ưu thế về con số của những người không công giáo vẫn tăng lên mãi. Vào lúc nội chiến, trước cuộc chiến thắng của ông Cromwel, ưu thế này còn tăng hơn nữa nhờ việc những người tin lành thanh giáo trốn khỏi nước Anh đến định cư trên tiểu bang. Những người này cho đạo công giáo là một thứ dị đoan kinh tởm. Kết quả là vào thế kỷ XVII, tình hình xã hội, rồi tình hình chính trị của những nhà thực dân công giáo cứ yếu dần đi. Ðể chấm dứt những cuộc tranh đấu nội bộ bằng mạ lị, hiềm nghi và phá hoại kinh tế làm cho đời sống của tiểu bang Maryland bị tan rã dần dần, mấy quan chức công giáo đã khéo vận động cho Quốc Hội, nghĩa là Hội Ðồng Thuộc Ðịa, công nhận ”Văn Thư Khoan Thứ” (16) (Acte de Tolérance), tháng tư năm 1649. Do Văn thư này chính quyền đã có những biện pháp chế tài đối với những người xúc phạm đến quan điểm tôn giáo của người khác. Dầu vậy, ảnh hưởng của người công giáo trong cơ cấu chính quyền thuộc địa vẫn tiếp tục bị suy giảm. Có thể là, việc công bố Văn Thư Khoan Thứ còn làm bực mình thêm các đối thủ tôn giáo. Trong sắc lệnh tháng 10 năm 1654, Quốc Hội đã có những phản ứng bài xích Văn Thư Khoan Thứ. Và hậu qủa là bãi bỏ dần những quyền lợi chính trị của người công giáo (17). Việc truyền giáo cũng trải qua một thời gian bị chèn ép nặng nề. Sau đó, những bất công ấy được tạm hủy bỏ, nhờ ảnh hưởng của những người Baltimore còn thế lực. Nhưng đối với họ cũng vậy, ”Cuộc Cách Mạng Vinh Quang” đã tiêu diệt phần lớn gới qúy tộc công giáo tại nước Anh, thì nơi xứ thuộc địa này những người công giáo thế lực cũng mất hết ảnh hưởng. Năm 1691, tiểu bang Maryland đã trở thành thuộc địa của hoàng gia. Từ đó, một quy chế mới chính thức nhìn nhận quyền lợi của Giáo Hội Anh tại xứ thuộc địa này. Quy chế đó đòi buộc mọi người không theo quốc giáo tin lành và những người công giáo phải tuân theo.
Còn nhiều hạn chế tự do khác đi theo nữa. Tuy nhiên vào thời nữ hoàng Anne, những hạn chế tự do này chỉ còn rớt lại trong những phạm vi bé nhỏ. Tuy là một nữ tín đồ Anh giáo nhiệt tình, bà luôn kính trọng những người đồng đạo với thân sinh của bà và hết lòng bênh vực họ. Chẳng hạn, năm 1707, bà đã từ chối phê chuẩn một luật pháp Quốc Hội đã biểu quyết nhằm ngăn cản đà lớn mạnh của những người ”bênh vực giáo hoàng” (papisme) và hạn chế quyền chính trị của người công giáo. Qua thời các vua nhà Harnove, mọi sự hoàn toàn thay đổi: Năm 1718, Quốc hội biểu quyết sắc lệnh tước quyền bầu cử của người công giáo và cấm chỉ các trường công giáo (18). Tình trạng này kéo dài mãi cho tới cách mạng hoa kỳ. Vào thế kỷ XVIII xẩy ra một nội phản động trời làm điêu đứng số phận người công giáo, đó là một số gia đình công giáo nổi tiếng, như gia đình Calvert, đã đi theo đạo tin lành Anh (19).
Vào cuối thế kỷ XVII, ông William Penn với một số tín đồ thuộc Tin Lành Tân Giáo (Quakers) đã thiết lập xứ thuộc địa mang danh là tiểu bang Pennsylvanie, để tưởng nhớ ông. Tiểu bang này luôn nổi tiếng là khoan dung. Ðó là lý do khiến nhiều gia đình công giáo bỏ Maryland di tản sang Pennsylvanie. Các thừa sai dòng Tên lập cư ở đây từ 1706, đã có thể mở trường trung học năm 1734. Hội Tam Ðiểm đã ăn rễ vững chắc ở tiểu bang này ngay từ 1730. Khi chủ trương duy trì quyền tự do tư tưởng, họ gián tiếp ủng hộ quyền tự do truyền đạo của công giáo. Trong những tiểu bang khác của Hoa Kỳ cũng có một quan điểm như vậy.
Ở một tiểu bang thứ ba số người công giáo có phần quan trọng bởi họ được hưởng khá nhiều tự do, đó là tiểu bang New York. Khởi đầu đây là xứ thuộc địa của Hòa Lan, mang tên là Nouvelle-Amsterdam. Tiểu bang này được chinh phục bởi quận công York, sau là vua Jacques II (1633-1701, làm vua 1685-1689). Ít lâu sau, tiểu bang thành tư sản của vua và mang tên vua. Vua bảo vệ người công giáo yểm trợ việc truyền giáo của các Cha dòng Tên, và năm 1682, vua đã bổ nhiệm viên thống đốc là người công giáo. Ông này đã vận động thành công việc ban hành khoản luật ”hoàn toàn bình đẳng giữa các tôn giáo” từ năm 1683 (20). Nhưng rồi ở đây cũng vậy, cuộc ”Cách Mạng Vinh Quang” đã đổi ngược tình thế, khiến cho có lúc người công giáo phải hoảng sợ. May là không bao lâu, ”đường lối chính trị làm ngơ” thắng thế, cho phép các tu sĩ dòng Tên âm thầm tiếp tục truyền giáo trong an bình.
Tại các tiểu bang thuộc địa khác, người công giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay nên không có vấn đề cần các giáo sĩ.
Trên danh nghĩa là lệ thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo, nhưng việc truyền giáo tại các xứ thuộc địa của Anh, suốt hơn một thế kỷ rưỡi, chỉ là công việc của những người nghĩa dũng. Các tu sĩ dòng Tên quán xuyến việc truyền giáo tại Maryland từ 1634, tại New-York từ 1683, tại Pennsylvanie từ 1706. Cho tới năm 1773, cả hội dòng bị giải tán, các tu sĩ vẫn tiếp tục công việc cứu rỗi này. Kể từ năm 1688, theo nguyên tắc các ngài phải xin quyền tài thẩm với Ðại Diện Tông Tòa ở Luân Ðôn. Nhưng trong thực tế, hình như Cha Tổng Quyền dòng Tên ở Roma, nhân danh Bộ Truyền Giáo, cho họ các chỉ thị. Sau năm 1773, đa số các cha dòng Tên tiếp tục việc mục vụ như các linh mục triều. Từ lúc đó, tình hình bắt đầu biến chuyển thuận lợi hơn.
Trái với ở Gia Nã Ðại, tại các xứ thuộc địa Anh, các quan điểm của phong trào ”Ánh Sáng” và những tư tưởng về dân chủ phổ biến dễ dàng và thuận lợi hơn. Giữa các luồng tư tưởng ấy, nổi bật quan niệm về tự do tôn giáo. Những tư tưởng tân tiến này đã có thể phổ biến sâu rộng nhờ sức mạnh của báo chí và các loại truyền đơn. Có mấy nhà văn công giáo rất ảnh hưởng. Ðặc biệt ông Charles Caroll, năm 1776, là một trong những nhân vật khởi xướng “Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập”, một trong những nhân vật công giáo hiếm hoi đã ký Bản Tuyên Ngôn ấy, và là thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ với tư cách là đại biểu của tiểu bang Maryland (21). Việc ký kết đồng minh với nước Pháp còn tăng thêm uy tín của những nhà ái quốc công giáo. Nhờ ảnh hưởng của họ, dần dần nhiều tiểu bang tuyên bố quyền tự do tôn giáo và quyền bình đẳng giữa các Giáo Hội. Ðầu tiên là tiểu bang Virginie năm 1776, tiếp theo cùng năm là tiểu bang Pennsylvanie và Maryland. Tiếp qua năm 1787, khoản thứ sáu trong bản điều ước của tiểu bang Philadelphie bảo đảm cho người công giáo quyền tự do hành đạo trên toàn đất Hoa Kỳ. Năm 1791, giữa các điều tu chính của Hiến Pháp được biểu quyết 1789, Quốc Hội Hoa Kỳ cũng biểu quyết quyền tự do ấy cho mọi người dân (22).
Trong thời ấy, việc truyền giáo đã cởi bỏ cơ cấu nguyên thủy vốn in hằn từ bấy lâu nay. Ðức cha Richard Challoner mà chúng ta đã nói đến ở chương trên, là người đã công khai vận động để có những thay đổi. Năm 1756, khi còn là phụ tá của đức Benjamin Peter, Ðại Diện Tòa Thánh tại Londres, và đặc trách về việc truyền giáo tại các xứ thuộc địa, ngài đã đệ về Roma dự án bổ nhiệm trên lãnh thổ thuộc địa một vị Ðại Diện Toà Thánh riêng biệt, với quyền chức giám mục. Phải đợi bảy năm sau, năm 1763, bị giao động mạnh mẽ bởi biến cố người Anh nắm quyền ở Gia Nã Ðại, Bộ Truyền Giáo mới cứu xét vấn đề cách nghiêm chỉnh. Trước tiên, Thánh Bộ định trao quyền tổng giám quản việc truyền giáo tại mười ba tiểu bang Hoa Kỳ cho đức cha Joseph Olivier Briand, giám mục Québec. Nhưng ý định này gặp phải sự chống đối của các linh mục cựu dòng Tên đã từng làm việc tại các tiểu bang. Do đó, công việc đình trệ lâu dài.
Năm 1783, với hoà ước Versailles, nước Anh phải nhìn nhận nền độc lập của Hoa Kỳ. Lúc đó, mọi người, kể cả Bộ Truyền Giáo, đều thấy không còn lý do duy trì mối tương quan chính thức giữa các xứ truyền giáo với Ðại Diện Tông Toà ở Londres. Nhờ trung gian của các nhà ngoại giao Pháp, Thánh Bộ liên hệ với ông Benjamin Franklin, đại sứ của Hoa Kỳ tại Paris. Chặng đường mới đã mở, tháng sáu 1784, cha John Caroll, cựu linh mục dòng Tên, bà con với Charles Caroll nói ở trên, được bổ nhiệm làm bề trên xứ truyền giáo. Linh mục giầu kinh nghiệm này (1735-1815) sinh ra tại Maryland, theo học rồi dạy học bên Âu Châu, năm 1774 về lại bản quán làm việc tông đồ. Ngài đóng vai trò quan trọng trong những người chuẩn bị cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, có nhiều ảnh hưởng trong việc soạn thảo ”Văn kiện Québec” (Acte de Québec) năm 1774 và và các ”Huấn Lệnh về Hiến Pháp” (Bill of Rights) năm 1791. Ngài liên lạc chặt chẽ với ông Benjamin Franklin và đã tháp tùng ông tới Gia Nã Ðại năm 1776. Một hoà ước tương giao giữa Giáo Hội và Quốc Gia được John Caroll ban hành năm 1784, là chính năm ông được bổ nhiệm. Do đó ông trở thành một trong những người công giáo đầu tiên đã tích cực ủng hộ phong trào đòi ”khoan dung bình đẳng và toàn diện” (Tollérance générale et égale), đòi tách rời Giáo Hội và Quốc Gia (23). Do đó, ngài thuộc vào số những người công giáo tha hương của Âu Châu.
Tháng ba năm 1785, cha bề trên mới gửi về Bộ Truyền Giáo bản báo cáo đầu tiên về tình hình của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài nói rõ rằng số chừng 25.000 giáo dân mà có 24 linh mục mà 19 ở Maryland và 5 ở Pennsylvanie. Không có linh mục nào lo cho giáo dân sống rải rác trong các tiểu bang khác. Tuổi già của nhiều linh mục cũng là một mối ưu tư lớn cho cha Bề Trên về tương lai. Ngài cũng không mấy hài lòng về đời sống đạo của giáo dân. Ngài xác quyết có nhiều người lơ là việc đi lễ chủ nhật, việc giữ mùa Phục Sinh, ít sốt sắng, ham khiêu vũ và các thú vui chơi khác; riêng thanh nữ còn mê đọc tiểu thuyết tình cảm. Người ta qúa coi thường việc giáo dục con cái. Ngài than trách nhiều nhất về việc giáo sĩ và giáo dân thiếu tận tụy lo cho người nô lệ da đen trở lại đạo. Mới chỉ có một số thật nhỏ da đen trở lại. Bản báo cáo còn cho hay đã có trường học công giáo ở tiểu bang Philadelphie (Pennsylvanie) và đang dự định xây hai trường khác trong tiểu bang Maryland. Tóm lại, bản báo cáo này nhẹ nhàng và minh bạch, cho thấy một hình ảnh rõ ràng và chắc chắn về tình hình truyền giáo ít khả quan tại Hoa Kỳ vào thế kỷ XVIII (24)
Tác giả của bản báo cáo đặc sắc này được bổ nhiệm giám mục Baltimore từ tháng 11.1789 theo lời yêu cầu hầu như nhất trí của hàng giáo sĩ thuộc quyền ngài. Với việc bổ nhiệm này, Giáo Hội Hoa Kỳ khởi đầu được quản trị bởi hàng giáo phẩm riêng, cho dù hàng giáo phẩm Hoa Kỳ vẫn thuộc Bộ Truyền Giáo cho tới năm 1908. Việc thiết lập tòa giám mục Baltimore mở ra cho giáo dân Hoa Kỳ một kỷ nguyên mới. Công trình khai sáng đầu tiên là năm 1792, lập chủng viện Baltimore và trao cho 4 linh mục Xuân Bích Pháp điều khiển. Cũng vào thời kỳ ấy, bắt đầu phong trào di tản (thường phải đi qua nước Anh) của các linh mục Pháp bị các mạng xua đuổi. Phần lớn các ngài đảm nhiệm mục vụ và lo việc dạy học. Nhiều nữ tu người Pháp đã tới Mỹ làm cho Giáo Hội Hoa Kỳ thêm phong phú bằng việc thiết lập tu viện chiêm niệm và xây cất trường học.