CHƯƠNG VII
ÂU CHÂU PHÁT TÁN.
I. CHẾ ÐỘ PHÁT TÁN. CÁC TỈNH LIÊN HIỆP.
Sự liên hiệp giữa Giáo hội và Quốc gia trên toàn thế giới cho đến cuối thế kỷ XVIII tạo ra một loại luật pháp. Ở thế kỷ XVII đã có các công thức: cuius regio, illius est religio (miền nào đạo nấy), nguyên tắc ấy đã có từ hội nghị Augsbourg năm 1555. Nó được công bố cho đế quốc Ðức trong Hoà Ước Westphalie năm 1648, nhưng hoàn toàn được áp dụng vào tình thế năm 1624, tình thế này xem ra kéo dài vô tận. Ngoài đế quốc cũng thế, một tiền đề cho rằng dân phải lệ thuộc vào tín ngưỡng của ông hoàng, và chỉ có tổ chức tôn giáo nào được chấp nhận mới là quốc giáo. Quân chủ chuyên chế vào thế kỷ XVII đạt mức độ hoàn toàn tại đa số các quốc gia, đã tăng cường mối liên hệ giữa Giáo hội và Quốc gia, và việc phụng tự cũng trở nên công việc của Quốc gia, cùng một danh hiệu như công lý và quốc phòng. Có những luật trừ, đây đó được nhìn nhận những tổ chức tôn giáo ngoài quốc giáo: chẳng hạn chỉ dụ Nantes được Henri IV phổ biến năm 1598. Nhưng các tổ chức này không tồn tại được bao lâu. Chỉ dụ Nantes đã chấp nhận cho phái tin lành tại Pháp một quy chế mà không một ông hoàng thệ phản nào đã chấp nhận cho người công giáo. Chỉ dụ ấy bị chỉ dụ Nimes hạn chế lại từ năm 1629. Bắt đầu từ năm 1661, càng ngày càng bị vi phạm, chỉ dụ ấy được thâu hồi năm 1685, do đó tại Pháp cũng vậy, quốc giáo duy nhất có độc quyền tuyệt đối. Bắt đầu từ lúc này, thệ phản không thể tồn tại trong nước Pháp một cách hợp pháp.
Ðó chính là trường hợp của công giáo tại phần lớn Bắc và Tây Âu. Tuy nhiên, thiểu số công giáo được hiện diện trong các quốc gia tin lành, đôi khi bằng giá hy sinh mạng sống và an ninh bản thân. Nhiều khi họ bị tước quyền công dân và phải đóng thuế phụ, thật là những cưỡng bức tận gốc. Họ là những con cháu của những người đã cương quyết sống đạo, hoặc của những người di cư trong thế kỷ XVI. Chương VII này sẽ đề cập đến các nhận định quan trọng nhất về những người thiểu số này. Bài tường thuật về cách họ chiến đấu để sống còn có giá trị tiên báo về nhiều phương diện, nhiều sáng kiến của thế kỷ XIX: đó là Giáo hội tự do trong quốc gia vô tôn giáo. Phát sinh từ cuộc cách mạng Mỹ và nhân dịp này, tình thế ấy đã trở nên như quy luật từ cuộc cách mạng năm 1848; Ðức Pie IX đã dựa vào đấy để tái lập hàng giáo phẩm tại Anh quốc (1850) và tại Hoà Lan (1853); ngày nay, mọi người đều coi việc đó là đương nhiên.
Những Giáo hội của thời phát tán này còn ở trong tình trạng truyền giáo. Giáo triều Roma nhìn họ với tâm trạng lẫn lộn vừa cảm thương vừa nghi ngờ. Tầm quan trọng lịch sử của những Giáo hội này là mở đường cho một nền tự do dựa trên bình đẳng giữa các tôn giáo khác nhau. Những thành phần của các Giáo hội này là những người đầu tiên làm chín mùi một tư tưởng chỉ được nẩy mầm từ thế kỷ XIX trong tinh thần và tâm tư những người công giáo đã quen lệ thuộc vào Giáo hội quốc gia của họ: dần dần người ta nhìn nhận Giáo hội chỉ là một tổ chức tôn giáo giữa các tôn giáo. Trước mặt nhà nước, các tôn giáo khác cũng có những quyền lợi như Giáo Hội Công Giáo. Từ tâm cảm chịu đựng, dần dần người ta đã chấp nhận thể chế này. Hơn nữa các Giáo hội của các xứ truyền giáo đã sớm có bộ mặt tân tiến, do các nhóm tôn giáo đem lại: đó là Giáo hội tự lực tự cường và chỉ xin nhà nước để họ yên thân, cũng như đừng tước bỏ quyền công dân của họ. Do đó những Giáo hội này mang Thánh Giá riêng của họ, đó là những Giáo hội thực sự khó nghèo. Hơn thế, những Giáo hội này không được chính quyền nâng đỡ tinh thần như các Giáo hội quốc gia trong chế độ cũ. Thời ấy, nhà Nước ban hành những luật lệ quy định việc thực thi ngày Chúa nhật, Phục sinh, Rửa tội trẻ em, Hôn phối tôn giáo; theo sự khiếu nại của Cha sở hữu trách, toà án đời phạt tiền hoặc hình phạt thể xác (1). Tại xứ truyền giáo, đã không có sự bảo trợ chính thức, các Giáo hội lại thường bị nhà nước chống đối dã man, chủ đích làm sa sút về số lượng. Nhưng nhờ tinh thần cương vững các Giảo hội ấy đã khắc phục mọi khó khăn và tăng triển cả về nhân số.
Ðược thanh lọc bằng những truy nã, đè nén, quen tiếp xúc với dị giáo trong cuộc sống chung hằng ngày, những người công giáo của thời phát tán này, vào thế kỷ XVIII, đã coi sự khoan dung đang lan rộng như một ân huệ; trong cuộc cách mạng sẽ được củng cố vào thế kỷ XIX, họ chào mừng tự do đã đạt được, thứ tự do mà các người đồng đạo tại Pháp và Ý cho là ghê tởm. Họ vui mừng đón tiếp và mong ước có sự tách biệt giữa Giáo hội và quốc gia. Sự tách biệt này đã làm cho các Giáo hội thệ phản mất độc quyền, và Giáo hội công giáo truyền giáo được giải phóng, không bị đàn áp nữa. Thể chế hoà đồng, theo nguyên tắc, đối xử với mọi tôn giáo trên một bình diện hoà đồng, hình như đã tán dương niềm hy vọng và lời cầu xin của họ, đang khi những người cùng tín ngưỡng tại các nước Latin lại coi đó như một xỉ nhục và nguy cơ diệt vong. Mãi vào thế kỷ XIX, người công giáo các nước kỳ cựu mới đón nhận quan niệm mà người công giáo phát tán đã sống từ lâu năm trong lời nói và hành động của họ. Sự chia rẽ nội bộ, gieo rắc giữa người công giáo Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Áo, về vấn đề khoan hồng, và sự tách biệt Giáo Hội với quốc gia, sắp làm xuất hiện một phong trào chống đối giáo sĩ rất hiểm độc, và thậm chí một thù hận cuồng bạo đối với mọi tôn giáo. Những quốc gia trước đây là tin lành không giống như thế, chỉ vì người công giáo, giáo sĩ cũng như giáo dân, đã đứng vào đúng thời điểm về phía người cổ động cho tự do tư tưởng. Vai kề vai với người thệ phản ”tiến bộ”, họ chủ trương một chiến dịch chống phe tin lành thủ cựu, phái này đòi duy trì độc quyền như trước đây, hay ít ra một thứ ưu tiên nào đó. Như thế, chỗ đứng tự nhiên của người công giáo phát tán thường là ở giữa những người bênh vực cho nền tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa Giáo hội và quốc gia. Ngược lại, tại những nước công giáo là quốc giáo, những người cùng tôn giáo chiến đấu để ngăn cản những luật lệ công nhận các giáo phái tin lành, họ cương quyết tuyên bố rằng sự sai lầm không có quyền đứng bên sự thật. Họ chủ trương rất lâu và rất mạnh về quan điểm đó đến nỗi ngày nay những người dị giáo khó lòng tin rằng người công giáo cổ động cho tự do tôn giáo lại không có hậu ý gì.
Với người công giáo thiểu số - trong một vài trường hợp, danh hiệu này đúng hơn là danh hiệu người công giáo phát tán - nhược điểm là bỏ mất tình tự quốc gia, và hậu quả là những lời chỉ trích của phía tin lành. Những lời chỉ trích này thường là quá đáng, nhưng không phải hoàn toàn do tưởng tượng. Tại nhiều quốc gia, Roma dùng vạ tuyệt thông cấm người công giáo không được tuân lệnh chính quyền: như tại Anh quốc với sắc lệnh bất hạnh Regnans in excelsis của thánh Pie V, ra ngày 25 tháng 2 năm 1570 (2), và tại các tỉnh Liên-hiệp với đoản sắc của đức Grégoire XIII ký tháng 7 năm 1578 (3). Tại các tỉnh Liên Hiệp, người công giáo bị coi là những người phản bội tổ quốc, là mối nguy cho an ninh quốc gia. Vào thế kỷ XVIII tại Anh quốc cũng có một hiện tượng tương tự như vậy: người công giáo bị liệt vào số những người phò nhà Stuard đang ngấp nghé lên ngôi. Tại các tỉnh Liên hiệp, sắc lệnh của đức Grégoire XIII từ lâu không có hiệu quả gì. Tại tất cả các nước có quốc giáo cải cách, hoặc ít ra là một Giáo hội nắm đặc ân, nguyên việc lệ thuộc vào một Giáo hội khác, đương nhiên bị coi là cố ý đứng tách biệt khỏi đời sống quốc gia. Một người Anh tốt phải là thành viên của Giáo hội hiện hành, một người Hoà Lan tốt phải là thành viên của Giáo hội cải cách có ưu tiên, một người Phổ tốt, Ðan Mạch hay Thụy Ðiển đều thuộc Giáo hội Luther. Ai đứng ngoài giáo hội của nước mình, không những chỉ mất quyền lợi luật quy định, đôi khi rất quan trọng trong phạm vi chính trị, mà còn mất những dịp tốt có thể gây ảnh hưởng trên đời sống quốc gia, và trên thực tế họ bị đặt ra ngoài cộng đồng quốc gia. Cả đến thời đại chúng ta, tại những nơi không còn những đặc ân và những loại trừ tương tự, vẫn còn sót lại như tại như tại Anh quốc, tại Thụy Ðiển, cái tâm trạng ngạc nhiên và đôi khi chống đối khi một người công giáo được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, hay khi có một công chúa Thụy Ðiển, Ðan Mạch hoặc Hoà Lan trở lại đạo Công Giáo. Họ ngạc nhiên, coi đó là điều chướng mắt khó coi!
Thêm vào đó, còn một điều mà Giáo hội đã cưu mang trong nhiều thế kỷ nơi những người công giáo phát tán (đôi khi còn giữ tới ngày nay) như là điểm độc đáo của các xứ truyền giáo. Ðó là khi quốc giáo có hàng giáo sĩ được huấn luyện kỹ càng trong các trường trung học và đại học quốc gia, làm đại diện, thì sứ vụ công giáo bị giảm thiểu và phó thác cho các linh mục được huấn luyện ở ngoại quốc. Trong khi thi hành chức vụ và trong việc phụng tự, các vị này đã thiên về một vài lối sùng kính, rồi khi đặt tên rửa tội hay tên cho nhà thờ hoặc cho một hội đoàn tôn giáo, hình như các ngài chủ trương dùng tiếng latinh và coi đó là hình thức duy nhất mang lại ân sủng. Ðặc biệt tại Hoà Lan thói quen này xem ra không thể xóa bỏ được, nó còn lấn át mọi tập quán quốc gia đã có trước, và cả mọi truyền thống công giáo thời Trung cổ.
Những thói quen như vậy khó dung hoà được với sự kiện: trong các quốc gia nói ở đây, người công giáo đã mang ít nhiều dấu tích phát tán giống như tại các tỉnh Liên Hiệp, một miền khoan dung nhất của chế độ cũ. Sự khoan dung này tương quan đến đa số người công giáo, chắc chắn trên bốn mươi phần trăm dân số ở thế kỷ XVIII. Xét lần lượt các nguyên nhân, người ta không biết đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả. Trong những phần khác của tập sách này, khi nói về phái Jansénisme và Cách mạng Pháp, chúng tôi đã đề cập đến những phiêu lưu của việc truyền giáo tại Hoà Lan, ở đây chỉ cần lưu ý đặc biệt đến mấy sự việc trong lãnh vực xã hội. Luật pháp về tôn giáo của các tỉnh Liên hiệp, theo nguyên tắc, là kính trọng tự do lương tâm và làm ngơ trước sự tự do tôn giáo. Trong những điều kiện này, phương pháp tin lành hóa loại trừ tất cả những phương tiện cưỡng bức, không bao giờ cần đến máy chém và ngục tối. Hình như vào thế kỷ XVII, đa số người công giáo trong các từng lớp thượng lưu, nhất là giữa giới trưởng giả tại thôn quê, không hề được kính trọng. Qua thế kỷ XVIII, tỉ lệ này hạ xuống dần: phần lớn giới trưởng giả trở lại tin lành, phần công giáo còn lại di cư sang Nam Hoà Lan và Tây Ðức, dần dần họ trở nên nghèo khổ. Các nghiệp đoàn tiếp tục loại trừ người công giáo, và do đó phần dân công giáo chậm tiến hơn phần dân tin lành. Ngược lại, việc di dân vẫn tiếp tục, làm đông thêm số người công giáo, họ tới từ Tây Ðức, nhất là từ vùng sông Ems, Lingen, vùng Munster và sông Rhin. Ða số những người này rất thành công, họ miệt mài chế tạo và bán những sản phẩm mới, những đồ này không được các nghiệp đoàn chấp nhận, như rượu bách xù và thuốc lá. Sự thăng tiến xã hội của họ bù đắp cho sự thụt lùi vật chất của những người khác.
Ðiều không thể chối cãi được đó là sự nghèo nàn về văn hóa. Pháp luật loại người công giáo ra khỏi mọi công việc nhà nước làm cho nền học vấn cấp đại học ngưng đọng, không tiến lên được. Người ta nhận thấy các bác sĩ công giáo như Gérard Van Swieten (1700-1772), Anthonie de Haen (1704-1776) và Johan Igenhousz (1730-1799) đã hoàn tất nhiểu công trình nổi tiếng ở ngoại quốc chứ không phải ở trong nước. Vì thế thật hiếm hoi và qúy hóa khi có một người công giáo thực hành ngành khoa học trong các tỉnh Liên-hiệp vào cuối thế kỷ XVIII. Nếu ở thế kỷ XVII, thời vàng son của dân tộc Hoà Lan, tỉ lệ người công giáo đã khá cao trong giới nghệ sĩ và trưởng giả, như Frans Hals, Jan Steen, và những hoạ sĩ khác, kiến trúc sư Hendrick Keyser và Jacob van Campen, thi sĩ Vondel, thì tại đây cũng vậy, rất hiếm những người như họ vào thế kỷ XVII. Còn về sự đóng góp vào các khoa học thánh, thì không một người nào thuộc Bắc Hoà Lan đã làm được trong thế kỷ XVIII. Nhìn vào những khó khăn toàn diện thuộc phạm vi này, nếu không thấy ai xuất sắc thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng có một điểm phân biệt giữa công giáo Hoà Lan và công giáo của những miền phân tán khác: đó là sự thịnh vượng. Ðiều này nổi bật trong vẻ đẹp của đa số các nơi thờ phượng tư riêng, ít ra là tại các thành phố; rồi giáo dân quảng đại thường đón tiếp và phụng dưỡng các linh mục trong các nhà xứ giàu sang. Sự thịnh vượng này cũng thấy rõ trong việc thành lập các tổ chức bác ái. Tình trạng nghèo túng đáng thương là đặc điểm của đời sống Giáo hội công giáo khắp nơi trong thời phân tán, ngoại trừ phần lớn thuộc các tỉnh Liên hiệp. Không nhận một trợ giúp nào của chính quyền và không được xử dụng nguồn lợi đã được ấn định cho các cơ quan, ngược lại phải đóng thuế phụ trội nặng nề, để được nhà nước đối xử khoan dung với công đồng công giáo, cộng đồng này phải chịu tất cả những gánh nặng về nhà thờ, nhà xứ và những người nghèo của họ. Cộng đồng công giáo cũng thích như vậy, vì hoàn cảnh của họ có thể nói là gương mẫu mà Giáo hội khắp nơi tìm kiếm sau cuộc đại cách mạng Pháp. Thường thường sự tách biệt giữa Giáo hội và quốc gia là chuyện bị cưỡng bức, nên từ lâu đã bị coi như có gốc rễ lạc giáo.
II. ÐỨC QUỐC VÀ SCANDINAVIE.
Người công giáo có một địa thế vô cùng bất lợi: tản mát trong mấy quốc gia thuộc đế quốc Ðức và tại Scandinavie. Cuối thế kỷ XVI, Toà Thánh bắt đầu chú trọng đặc biệt đến phần đất bao la này, nơi mà chế độ Cải cách xem ra kiên cố và cứng rắn, nơi mà mục vụ cho người công giáo thiểu số càng ngày giảm bớt, bị hạn chế đến mức chỉ còn là công việc lẻ loi do một số nhỏ tu sĩ, nhất là dòng Tên, đảm nhận. Chức vụ sứ thần Toà Thánh tại Cologne năm 1584 được đặt ra để tổ chức mục vụ trên lãnh thổ, dưới hình thức truyền giáo. Tới thời hoà bình tại Westphalie “Trung tâm truyền giáo miền Bắc” này là nơi đi lại của Sứ thần tại Cologne; tới năm 1709, những vị đại diện tông toà được bộ truyền giáo bổ nhiệm. Nổi tiếng nhất là đức Niels Stensen (1638-1686). Là người Ðan Mạch, ngài học tại Leyde và rất sớm là một nhà giải phẫu nổi danh cờ quốc tế. Từ tin lành trở lại công giáo năm 1667, ngài được truyền chức linh mục năm 1675, tấn phong giám mục năm 1677, ngài điều khiển trung tâm truyền giáo rộng lớn này cho tới khi qua đời. Năm 1709 trung tâm truyền giáo này được chia thành hai tông toà: thượng và hạ Saxe, và tông toà miền Bắc. Thường là các vị phụ tá của Osnabruck, Paderborn hoặc Hildesheim điều hành. Hai tỉnh này sáp nhập lại với nhau năm 1780, nhưng từ năm 1783 Thụy Ðiển có riêng một vị đại diện tông toà là linh mục Louis-Nicolas Oster, người Lorrain. Ðó là một điều lạ: lập nên một đại diện tông toà tại Thụy Ðiển, một nước toàn tòng tin lành, theo lời đề nghị của ông vua thời danh Gustave III. Tạm thời bị thúc đẩy do tư tưởng mị dân một cách sáng suốt, ông vua này tuyên bố sắc lệnh khoan hồng vào năm 1779, ông ban hành sắc lệnh có lợi cho ba mươi ngàn dân công giáo, hầu hết họ là người ngoại quốc, thuộc giới thủ công nghệ người Ðức, thương gia Ý, nghệ sĩ Pháp. Trung tâm truyền giáo đầu tiên được thành lập tại Stockholm năm 1784. Những tranh chấp trầm trọng bùng nổ tức khắc giữa Oster và chính quyền Thụy Ðiển. Chính quyền đặc biệt yêu cầu ngài can thiệp vào những đôi hôn nhân dị giáo, mặc dầu ngài nài xin, Roma cương quyết ngăn cấm. Chính đây là nguyên nhân làm tê liệt trung tâm truyền giáo vừa phát triển, một trung tâm mà ban đầu người ta đặt nhiều kỳ vọng.
Trong toàn lãnh thổ truyền giáo phía Bắc, tổ chức bị giới hạn trong chừng vài chục trung tâm truyền giáo, thường được thiết lập tại các thành phố. Trong hai trung tâm, số tín hữu lên quá một ngàn người ngay từ cuối thế kỷ XVIII. Nơi khác, thường chỉ vài chục người, hầu hết là di dân hoặc thương gia, đến tạm cư một thời gian. Những trung tâm phát tán này, cộng cả lại với nhau, không đến một phần trăm dân số. Tại Scandinavie, không tới một phần ngàn. Như vậy, không thể tạo nên một ảnh hưởng nào trên đời sống văn hoá của xứ sở, cũng không thể trông đợi nơi họ một hành động nào trong khoa học thánh. Nhưng điều tạo nên sức mạnh và là nét nổi bật của những công đồng bé nhỏ này chính là sự thân mật của đời sống đạo đức không ồn ào, không bóng bảy. Người ta có cảm tưởng là mọi hình thức đàn áp tự bên ngoài gia tăng sức sống nội tâm và quy hướng mọi hình thức sùng mộ vào cộng đồng. Những du khách của thế kỷ XVIII tới tự các nước mà việc phụng tự được long trọng cử hành tại các nhà thờ chính toà, phơi bày những vẻ lộng lẫy của nghệ thuật Baroque, đã làm chứng mạnh mẽ cho tính chất xây dựng xuất phát từ những nghi thức cử hành trong các nhà thờ nhỏ của vùng phát tán; họ thường so sánh cái nghi thức đơn giản này với ngọn đèn nhỏ yên lặng canh thức bên nhà tạm.
Giữa các quốc gia thuộc Ðức có đa số là tin lành, thì tại nước Phổ các cuộc phục hưng công giáo được coi là nổi bật nhất. Từ thế kỷ XVII, những cử tri của Brandebourg đã chiếm được những lãnh thổ mà công giáo là quốc giáo. Bởi vậy, theo những điều khoản của hiệp ước Westphalie, công giáo phải được duy trì tại đây. Sau đó, vùng công giáo Silésie lệ thuộc vào Phổ. Theo đà tiến của thế kỷ XVII, vua Phổ đưa ra chương trình tập trung hành chánh. Những sự kiện này đưa nước Phổ tới chỗ thiết lập tại đây một tinh thần bình đẳng trước pháp luật giữa các tôn giáo, trong đó người công giáo phát tán được hưởng nhiều quyền lợi. Những nhu cầu quân sự luôn nắm phần quan trọng, vì vậy, số lớn binh sĩ công giáo cần phải có nhà nguyện tại Berlin và các nơi khác. Frédéric Guillaume I (1713-1740) đã đáp ứng nhu cầu này. Hơn nữa, với phép của ông, và thường nhờ ông giúp đỡ về tài chánh, nhiều nhà thờ công cộng được dựng nên cho việc phụng tự công giáo, tại các thành phố có đa số tin lành như Berlin, Magdebourg, Halle, Francfort vùng sông Oder, Spandau và Postdam. Cùng chiều hướng này, người kế vị ông tiếp tục chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo trên khắp đế quốc. Tuy nhiên, bạo quân sáng suốt Frédéric II (1740-1786) ít thiên về lý thần luận, lại tự ý đặt ra nguyên tắc: trong đế quốc của ông mỗi người có quyền chọn phương thế cứu rỗi riêng. Nhưng sự bình đẳng này bao gồm lối can thiệp tích cực của nhà nước. Frédéric Guillaume I (1713-1740) đã thành lập tại Berlin, một ”Ủy ban lãnh đạo giáo sĩ”. Ủy ban này đã trở nên nguyên mẫu cho bộ tôn giáo của nhiều quốc gia. Ðó là một cơ quan quản trị, tỉ mỉ và kiêu kỳ, gây nhiều khó khăn cho những nhà cầm quyền của các Giáo hội, nhất là tại Roma, vì họ hống hách và quanh co. Hơn thế, các vua nước Phổ còn lập ra giáo luật riêng của họ. Luật này cho phép thi hành công nhiên việc thờ tự công giáo, việc mục vụ của Giáo hội và giáo sĩ có đời sống thoải mái. Nhưng các vua hành xử như vậy vởi chủ tâm nắm quyền giám hộ Giáo hội, đó là điều sẽ gây ra nhiều tranh chấp.
III. TẠI ANH QUỐC.
Thiểu số công giáo tại Anh và tại Ecosse có một lịch sử đặc biệt. Cho tới nay, họ biểu dương nhiều nét đặc trưng nổi bật của những giáo hội phát tán. Thế mà không bao giờ họ bị liệt vào lớp người vô danh trong xã hội Anh. Do đó, họ giống nhóm công giáo thuộc các tỉnh Liên hiệp Hoà Lan, nhưng về số đông họ kém xa nhiều. Chúng ta thấy ở cuối thế kỷ XVIII tỉnh Hoà Lan đã đạt tới bốn mươi phần trăm dân số, tại Anh và Ecosse không tới một phần trăm. Về số tuyệt đối những người công giáo tại Anh kém xa tại các tỉnh Liên hiệp: năm 1780, tại Anh chỉ có 100.000 người công giáo, đang khi tại các tỉnh Liên hiệp, ít nhất, có sáu lần hơn.
Từ năm 1623, trung tâm truyền giáo Anh được nâng lên thành đại diện tông toà. Năm 1687 chia thành vùng Nam và vùng Bắc, năm sau lại được chia thành bốn đại diện tông toà: Londres, Middlands, Bắc và Ðông. Sau này số đại diện tông tòa lên tới tám, và được quản trị bởi các giám mục hiệu tòa (in partibus infidelium). Các trung tâm truyền giáo giữ cơ cấu đó cho tới ngày thiết lập hàng giáo phẩm, năm 1850.
Ecosse, đã trở nên phủ doãn tông toà từ năm 1650, năm 1694 là đại diện tông toà, với một giám mục hiệu tòa. Năm 1727 được chia thành 2 vùng là Basses Terres và Highlands; mỗi nơi có một đại diện tông toà, việc phân chia này được duy trì tới năm 1827.
Việc tái thiết Giáo hội tại Anh quốc năm 1688 nằm trong dự án của vua Jacques II Stuart (trị vì 1685-1689, sinh năm 1633, chết năm 1701), để điều chỉnh lại hoàn cảnh những người công giáo và đã góp phần vào cuộc ”cách mạng danh dự” nổi tiếng năm 1688. Tới lúc này, hiện trạng người công giáo tại Anh được xác định do ”luật hình” của thời Elisabeth. Ai từ chối không nhận vua là ”Vị Quản nhiệm tối cao” của giáo hội sẽ bị mất các tài sản và có thể bị kết án tù chung thân. Người nào chủ trương rằng phải trả lại cho giáo hoàng Roma một vài thẩm quyền đối với công dân Anh, có thể sẽ bị án tử hình, và ai bỏ lễ ngày chúa nhật theo Anh giáo sẽ bị phạt một bảng kim. Vì lương hằng tuần của một người thợ bấy giờ chỉ khoảng ba bảng kim, nên tiền phạt mỗi lần bỏ lễ có thể làm người ta đau đớn đến chết được. Hơn nữa, mỗi công dân có thể bị kêu ra kiểm thảo về những điểm đó. Thật vậy, chắc chắn rằng một công dân không mưu cầu làm công chức, thường được để yên, kết cục trong thực tế, người công giáo bị đặt ngoài vòng pháp luật, để mặc cho bất cứ ai muốn ám hại họ. Về quan điểm này, ngay đối với người công giáo, ”Cách mạng vinh dự” đem lại hiệu lực giải phóng. Chắc chắn đó là thắng lợi của tin lành, nhưng cũng là khuynh hướng khoan hoà, mặc dầu ”Ðịnh ước khoan dung” năm 1689, đang khi chấp thuận cho những người ly khai được tự do tôn giáo, lại từ khước đối với người công giáo và người thuộc thuyết Socinisme. Hơn nữa Test Act (Luật về thuyết trung thành) vẫn còn được thi hành đến năm 1828, luật này buộc phải đi lễ anh giáo thì mới được làm công chức hoặc quân nhân. Có thể nói rằng: tất cả mọi luật được ban hành để chống công giáo dưới thời Guillaume d'Orange (1869-1702) và Marie Stuart (1689-1695), dưới thời nữ Hoàng Anne (1702-1714) và nhà Hanovriens, là những luật lệ kỳ thị tai hại nhất. Chúng chỉ nhẹ hơn ”luật hình” thôi. Sở dĩ có những luật khắt khe đó là vì có dư luận cho rằng người công giáo thiên về nhóm Stuart bị trục xuất, nhóm này là một đe dọa thường xuyên cho sự ”thừa kế tin lành”. Từ đó, năm 1688, có luật cấm những người từ chối ”tuyên thệ tối thượng quyền” không được mang khí giới, không được mua ngựa quá năm kim bảng, không được quyền bỏ phiếu bàu cử quốc hội, không được hành nghề y sĩ và chưởng khế, không được đi xa quá năm ngàn dặm nếu không có phép đặc biệt. Sánh với luật tù chung thân có trước luật này, thì chính thể mới này đã nới rộng nhiều rồi. Tuy nhiên tất cả những luật đặc biệt khác mang cùng một nhãn hiệu là có ý làm cho người công giáo trở nên bất lực trên bình diện xã hội. Một luật ra năm 1696 (4) cấm họ làm nghề luật sư trước bất cứ toà án nào. Một đạo luật ra năm 1700 (5) cấm người công giáo thừa tự tư hữu thổ điền hoặc mua tậu, và còn quy định rằng những người công giáo đã có đất đai phải đóng thuế nặng gấp đôi. Hơn nữa, tất cả các người thi hành chức linh mục có thể bị tù chung thân. Những luật này thường chỉ là những chữ chết, nhưng được đem ra thi hành bất cứ lúc nào.
Khi chính quyền nhắm mắt làm ngơ và dư luận quần chúng biểu đồng tình, số phận người công giáo tại Anh thường thường có thể dễ chịu. Nhưng ở đây cũng như tại các nơi khác, nói chung vào thế kỷ XVIII, là thời kỳ suy sụp ngấm ngầm và lâu dài bởi đường lối chèn ép tôn giáo. Việc cấm đạo đẵm máu đã ngưng, để làm người công giáo, không đòi hỏi phải khinh thường cái chết, nhưng phải nhẫn nại chịu đựng những thiệt thòi về chính trị và xã hội, những biểu lộ hận thù giáo hoàng của các vua chúa của một vị bộ trưởng có thế lực như William Pitt (6), phải đóng thuế gấp đôi, và chịu đựng những lời mỉa mai kiêu kỳ trong dư luận quần chúng. Sự bách hại phát sinh các bậc anh hùng. Nhưng lối khoan dung cường điệu có tác dụng ru ngủ hoặc tạo nên sự chán nản, thấy mình bất lực, đang bị bóp chẹt. Khi tất cả viễn tượng xã hội khép lại trước giới trẻ, khi mỗi chúa nhật họ đau đớn nhìn thấy tình trạng thảm thương của nơi hành lễ, thiếu hẳn màu sắc phụng vụ, người ta thèm muốn ra khỏi bàu khí này. Quả thật, đời sống buồn thảm giống như một ngày mưa tại Anh quốc. Không làm gì hơn được, vị Anh quốc của nữ hoàng Anne, cũng là Anh quốc Defoe, nghĩa là của Robinson Crusoé và của Moll Flanders, là thời thai nghén của cái mà người ta gọi là ”một kỷ nguyên đắc ý” (7), nghĩa là tự mãn. Một tuổi trẻ đầy tham vọng, chẳng bao lâu sẽ trở nên chán chường tại đây. Nhưng khi từ bỏ Roma, người ta đã thoát ly được nhiều chuyện và đạp đổ những hàng rào ngăn chặn bước lên đường danh vọng và lợi lộc. Vì thế chúng ta thấy trong thế kỷ XVIII, nhiều gia đình công giáo cũ chuyển qua giáo hội nhà nước, nhiều công tước như Norfolk, Shrewsbury, Beaufort, Bolton và Richmond, nhiều bá tước, tử tước, nam tước, những gia đình trưởng giả có thế giá, như Swinburne và Shelley. Do sự phản bội của họ, trình độ xã hội công giáo trở nên suy sụp, chỉ còn là một tập thể những người tầm thường. Sau này, những người trở lại sẽ là một sức mạnh lớn lao, họ không ngừng đổi mới đạo Công Giáo Anh: thế kỷ XVIII không đem lại gì cả. Như thế công giáo bị suy vi và tan rã.
Một điều hiển nhiên, là ngay cả giữa những người công giáo của thế kỷ XVIII cũng có luật trừ. Trường hợp nổi danh nhất là Alexander Pope (1688-1744). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo cổ, làm chủ quán tại Londres, người thấp bé, bệnh tật và dị dạng, yếu nhược thần kinh và khó tính. Dầu vậy ông đã được huấn luyện kỹ lưỡng trong một trường công giáo bí mật, gần Winchester, rồi ông đã vượt thắng mọi trở ngại, trở nên vẻ vang, sang trọng, và được nhìn nhận là văn sĩ lớn nhất của đương thời. Ông nổi tiếng thế giới nhờ cuốn ”Tiểu luận về con người” (Essai sur l'homme), là một loại sử thi anh hùng của tiền thuyết hữu thần, nhưng không phải là một chứng từ của đức tin công giáo sống động (8). Thật ra, ông như muốn trả lẽ với ”Ðấng Tạo Hoá” về việc ông làm, về lối ông diễn tả lịch sử. Ðiều đáng chú ý là ngay cả làng văn cũng như giới trí thức đã luôn coi ông như một tín đồ tiêu biểu cho công giáo, và khi đã sống đạo suốt đời, ông đón nhận các bí tích cuối cùng trên giường chết.
Nhưng nói chung, công giáo không ngừng mất chỗ đứng. Phải nhỉn nhận rằng vào đầu thế kỷ XVIII, tín đồ công giáo chỉ còn được năm phần trăm dân số; rồi khi được ổn định vào cuối thế kỷ, họ không còn được một phần trăm (9). Ðiều đó đủ nói lên tính cách tất yếu của sự suy sụp thầm lặng. Giáo hội công giáo Anh rất có thể đi tới diệt vong nếu không có cuộc di dân của người Ái nhĩ Lan bành trướng trong những năm cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX: đây là thời điểm cộng đồng công giáo Anh và đời sống đạo đức của họ trổi bật về số lượng cũng như về phẩm chất. Những báo cáo về các cuộc nổi loạn gây ra bởi Lord Gordon - chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này - cho thấy rằng ít ra tại Londres, từ năm 1780, tỉ lệ Ái Nhĩ Lan đã lên tới hai mươi hoặc ba mươi phần trăm trong cộng đồng công giáo Anh. Tuy nhỏ hơn, nhưng không thiếu tầm quan trọng, đó là ảnh hưởng trong cả thế kỷ XVIII, của những tập đoàn khá đông nhạc sĩ, nghệ sĩ, điêu khắc, họa sĩ, người Pháp và nhất là người Ý. Nhờ họ, những nơi phụng tự tại Londres trở nên lộng lẫy (10).
Một trong những lý do gây ra sự đào ngũ giữa những người công giáo cố cựu của Anh quốc, là sự bất đồng nội bộ. Tại trung tâm truyền giáo Anh quốc, những báo cáo cho thấy rằng giữa các vị đại diện tông toà và hàng giáo sĩ dòng tu thường có chuyện căng thẳng. Trong hàng giáo sĩ tại trung tâm truyền giáo năm 1716 có khoảng 400 linh mục, trong đó 250 triều, 70 thuộc dòng Tên, 40 Bénéđictins, 30 Franciscains, 12 Dominicains, và một vài vị thuộc Carmel (11). Tất cả được huấn luyện tại ngoại quốc: linh mục triều phần lớn, tại đại học Anh ở Douai, do William Allen (1532-1594) sáng lập, phần còn lại tại Saint-Omer và tại Roma; các linh mục dòng, tại các tu viện ở Nam Hoà Lan và ở Pháp. Còn một điều nữa phải nói tới, là quyền bính của các vị đại diện tông toà thường bị chống đối bởi các yêu sách của nhiều tu sĩ miễn trừ. Sau hơn một thế kỷ tranh chấp, đôi khi rất ác liệt và thiếu tinh thần xây dựng, đức Benoit XIV đã chấm dứt vào năm 1753 bằng một sắc lệnh quy định rõ ràng: để cử hành bí tích, các linh mục dòng phải lệ thuộc quyền tài phán thông thường của các vị đại diện tông toà (12). Mặc dầu kém hơn các linh mục Anh giáo về trình độ văn hóa, phần lớn những linh mục này là những người xứng đáng, có đời sống thánh thiện, có tinh thần vị tha trong khi hoàn thành một trách nhiệm bạc bẽo mà bên ngoài không hy vọng thành công.
Rất hoạ hiếm, nhưng có những người lớn ở vào luật trừ. Người đầu tiên là Richard Challoner (1691-1781). Không phải là công giáo kỳ cựu: xuất thân tự một tiểu trưởng giả, phái Presbytérien, trở lại đạo khi còn trẻ, cùng với mẹ goá, lo việc nội trợ trong những gia đình công giáo sang trọng (13). Ngài học ở Douai, được cấp bằng tiến sĩ thần học, dạy ở đây cho tới khi được bổ nhiệm tại trung tâm truyền giáo Londres, năm 1730, theo lời xin của ngài. Năm 1741, ngài làm phụ tá cho vị đại diện tông toà tại Londres, là Benjamin Petre, năm 1758 ngài kế vị và chu toàn nhiệm vụ tới khi qua đời. Ðó là một vị đại diện tông toà lớn nhất tại Anh quốc. Ngài quán xuyến nhiều công việc mục vụ nặng nề tại ngoại ô Londres. Ngài nổi bật về đời sống thánh thiện, về cách giao tiếp bật thiệp, và cách xử dụng ngôn từ. Ngài nổi tiếng vì đã xuất bản nhiều sách giá trị về hộ giáo như cuốn Nền tảng của đạo cũ (The Ground of Old Religion), về lịch sử như Britania Sacra và Lưu niệm của linh mục truyền giáo (Memoirs of Missionnary Priest), về tu đức như Vườn cây linh hồn (Garden of the Soul) hay cuốn Suy niệm mỗi ngày trong năm (Meditations for every day of the year). Các sách của ngài có ảnh hưởng và được lưu hành trong nhiều thế hệ giữa người công giáo Anh quốc.
Một người quan trọng khác là tu viện trưởng Hugh Tootell (1672-1743). Ngài làm việc như một vị truyền giáo tại lãnh vực thuộc Bá tước Worcester. Ngài soạn một cuốn sách trong nhiều năm và xuất bản năm 1737 với danh hiệu Charles Dodd. Cuốn này tên là Lịch sử Giáo Hội Anh quốc từ năm 1500 tới năm 1688, với đời sống của những người công giáo nổi danh nhất (Church history of England from the year 1500 to the year 1688 with lives of the most eminent catholics). Những tài liệu trong cuốn sách này đã trở nên một nguồn sử liệu quý giá về thời kỳ giao động và cam go của Giáo hội Anh ở thế kỷ XVI và XVII. Tác phẩm đã miêu tả thời kỳ đạo công giáo bị lăng nhục tột độ, với một tính cách khách quan khiến mọi người quý trọng. Nhưng ngài mất đặc tính khách quan này khi ngài nói tới sự đối nghịch giữa triều và dòng tu trong trung tâm truyền giáo Anh quốc: ngài tỏ ra là địch thủ công khai của dòng Tên.
Một khuôn mặt nổi bật khác là linh mục Walmesley, dòng thánh Benoit. Ngài nổi danh do những tác phẩm về thiên văn và toán học, ngài được danh hiệu là thạc sĩ với cuốn sách Người Bạn (Fellow) tại Royal Society; ngài được nâng lên đại diện tông toà của vùng Tây năm 1764.
Có một vài cơn bắt đạo, thường do những ngời chống Giáo hoàng cách cuồng tín gây nên, chẳng hạn William Payne, từ năm 1765 tới 1767 ông đã thua kiện nhiều linh mục công giáo (14). Nhưng cách chung, người công giáo càng ngày càng được an bình và hưởng một tự do (tôn giáo) hoạt động có giới hạn. Năm 1778 họ được nhượng bộ lần đầu tiên hợp pháp do sắc luật Catholic Relief Act (luật khôi phục quyền cho người công giáo). Luật này cho phép người công giáo gia nhập quân đội và hải quân: cuộc nổi dậy của Mỹ Châu cho thấy đó là công việc đáng làm. Chính vì vậy, sau khi thảo luận với giới chức công giáo, chính quyền đã đi tới một giải quyết đẹp đẽ: huỷ bỏ phần lớn những luật lệ chống công giáo vào thời Guillaume d'Orange và nữ hoàng Anne. Canada thuộc Pháp được sát nhập năm 1763 và một đạo luật đã công nhận tự do vô giới hạn cho người công giáo. Rất có thể là tình trạng này đã làm cho vua và quốc hội nhận rằng những luật trừ không thể duy trì tại chính quốc được nữa (15).
Giám mục Challoner và vị đại diện tông toà vùng Ecosse, tên là George Hay, đã ủng hộ sắc luật Relief act; tuy nhiên, đó chính là sự nghiệp của người giáo dân: một dấu hiệu thời đại. Tại Anh, cũng như hầu hết khắp nơi, phần cuối cùng của thế kỷ XVII là một thời giải phóng cho người giáo dân. Ðó cũng là thời chống giáo sĩ, trong nội bộ, đôi khi rất mãnh liệt, chẳng bao lâu sau đi tới tâm trạng chống giáo triều, tâm trạng này thuộc những phái như fébronianisme và josephisme, tại lục địa. Chính tâm trạng này làm cho đế quốc Anh mang danh hiệu ”tinh thần bên này núi Alpes”.
Tuy nhiên dư luận quần chúng ngoan cố chủ trương tinh thần chống Giáo hoàng, nhất là tại Ecosse. Ðó là điều mà phản ứng do sắc luật khôi phục quyền đã chứng minh và công nhận dưới danh hiệu Gordon Riots. Dưới sự lãnh đạo của quận công George Gordon, một thanh niên Ecosse, nghị sĩ quốc hội, hay âu lo và ít bình thường, ông đã thành lập tại Londres một Hội chống đối Tin Lành nhằm mục đích xin hủy bỏ Relief act. Vì nhà nước tỏ ra không ưng, nên người ta đã vận động quần chúng, chẳng bao lâu biến thoái thành cướp bóc, đốt phá và ám sát. Những ”nơi làm lễ” của công giáo bị phá hoại cùng với vài nhà nguyện tư của các đại sứ ngoại quốc. Nhiều nơi khác cũng thế, chẳng hạn tại Glasgow, Hull và Bath, những nhà nguyện bị đốt. Hơn nữa, nhiều nhà tư công giáo bị thiêu rụi. An ninh cá nhân của các giáo sĩ lâm nguy trong nhiều tuần lễ: Giám mục Challoner bị bịnh, gần chín mươi tuổi, phải ẩn trong nhà một thương gia công giáo tại Finchley. Nhưng sóng gió đã qua và sắc lệnh Relief act vẫn tồn tại.
Thành quả của sắc lệnh hồi phục quyền vào năm 1778 làm cho nhiều giới chức dân sự công giáo hy vọng một giải phóng toàn diện, để được thương lượng với chính quyền dân sự mà không qua hàng giáo phẩm. Từ năm 1782 xuất hiện một ”Ủy ban công giáo” do những đại diện của nhiều giáo khu khác nhau, đặc biệt gồm giáo dân. Ủy ban này cương quyết tìm mọi cách để khôi phục phẩm trật Giáo Hội, để cho người công giáo tại Anh quốc bớt lệ thuộc giáo triều Roma, và cũng được thiết lập một viện thần học tại Anh quốc, thay thế cho các chủng viện tại lục địa. Sau đó, dưới sự thúc đẩy của ba thành viên: Charles Butler, Robert Lord Petre và Sir Throckmorton, ủy ban này đã trực tiếp thương lượng với thủ tướng William Pitt, một người còn thanh niên. Từ cuộc thương thuyết này tạm thời đưa ra một lời hứa giải phóng qua tuyên cáo trung thành. Tuyên cáo này khởi đầu bằng sự từ khước quyền khả ngộ của Giáo Hoàng sau đó trút bỏ tất cả quyền trực tiếp của Giáo Hoàng trên Giáo Hội Anh quốc. Lúc đầu đa số các vị đại diện tông toà đồng ý với việc can thiệp của giáo dân và đành theo như tuyên cáo đã định. Nhưng chẳng bao lâu, những bổ nhiệm mới đưa tới sự thay đổi. Từ năm 1789 ủy ban giáo dân và những lãnh đạo giáo sĩ trở nên chống đối nhau. Tuy nhiên, đức cha Douglas, một trong các vị đại diện tông toà mới được bổ nhiệm, bắt liên lạc với một giám mục Anh giáo tên là Horsley, ông này trong những năm tiếp sau, đã thành công trong việc bênh vực những người công giáo tại Thượng viện. Hai vị này đã dọn đường cho một sắc lệnh mới Relief Act, sắc lệnh này được cả hai viện chấp nhận năm 1791. Luật này nhìn nhận, nhờ đăng ký, một quy chế hợp pháp cho các giáo sĩ công giáo, và cho phép các linh mục cử hành thánh lễ và ban hành các bí tích sau khi đã tuyên thệ. Lời thề này không làm ai bối rối lương tâm. Nhưng luật này chỉ định rằng những nhà thờ công giáo không được tỏ lộ bên ngoài như một nhà thờ, và cấm tất cả những nghi lễ tôn giáo cử hành tại các nhà thờ không được đăng ký, cũng như cấm việc mang áo tu sĩ trên đường phố (16).
Cuộc cách mạng Pháp không trực tiếp như ở Liên Tỉnh, nhưng đã gián tiếp góp phần cải thiện số phận người công giáo tại Anh, nhất là họ được kính trọng. Kết quả đầu tiên gián tiếp đem lại do sự phá hủy các trường trung học tại Douai và Saint Omer, là du nhập việc đào tạo các linh mục ngay tại Anh Quốc. Nếu sự di chuyển này có thể thực hiện được mà không gặp khó khăn, chính là nhờ sự hoà hợp với chính quyền dân sự. Ðó là điều mà Ủy Ban Công giáo đã đạt được, mặc dầu họ còn non yếu.
Phần khác, tư năm 1791, trong số những người Pháp di cư vào Anh quốc, có một giám mục, vài trăm nhân vật quan trọng, và một số linh mục. Trào lưu di cư lớn lại xẩy ra năm 1793, năm đen tối của Giáo hội Pháp. Tình trạng chiến tranh giữa Anh và Cộng Hoà Pháp, bắt đầu từ năm 1793 và kéo dài hơn hai mươi năm, đã làm cho Anh quốc thành nơi ẩn náu với nhiều điểm lợi cho những người bất mãn và bị bách hại tại Pháp. Năm 1797 có mười chín giám mục, gần sáu trăm linh mục và chừng sáu ngàn giáo dân Pháp di cư qua Anh. Sau chiến tranh, phần lớn giáo dân thuộc giới bình dân ở lại Anh, con cháu họ cũng thế. Vì vậy, vào thế kỷ XIX, cùng với bao nhiêu người nước khác di cư tới Anh, họ đã tăng cường Giáo hội công giáo Anh về con số. Nhưng theo cái nhìn của nhiều người, Giáo hội Anh bấy giờ đậm mầu sắc ngoại lai.
Ngoại trừ số người cuồng tín chống giáo hoàng, dân chúng Anh thuộc mọi tầng lớp xã hội, đã tỏ ra thiện cảm với người Pháp di cư. Những nhân vật có địa vị cao đã lập ra những ủy ban cứu trợ. Chính quyền cung cấp chỗ ở cho các giám mục và linh mục, cấp cho họ tiền viện trợ ăn ở. Ðại học Oxford phát không cho những người giáo dân di cư những ấn bản Thánh Kinh phổ thông (Vulgata). Nhiều giám mục và linh mục Anh giáo giao thân với các linh mục Pháp, mặc dầu tới lúc đó, họ còn đề phòng chưa dám tiếp xúc với các linh mục công giáo người Anh. Thực ra sự khác biệt về trình độ văn hoá nội tại và ngoại lai, nơi đây đã đem lại một vài điểm tốt.
Cũng có một vài cộng đồng tu sĩ và nữ tu lưu lại tại Anh quốc. Ít ra một trong những cộng đồng này là các nữ tu Biển Ðức tại Princethorp, cộng đồng này đã vĩnh viễn ở lại trên đất Anh (17). Giữa các linh mục triều di cư, hằng trăm vị đã làm việc cho người Anh trong nhiều năm, một vài vị ở lại hẳn. Riêng tại Londres, ít nhất bốn hay năm giáo xứ có một linh mục di cư. Sự biến chuyển đáng ghi này hình như đã đem lại ngay từ đầu thế kỷ XIX, sự giải phóng toàn diện người công giáo. Người thanh niên Pitt đã khởi đầu cuộc thảo luận về một chương trình trong chiều hướng này; nhưng ông không thể đánh tan được những bối rối của vua Georges III, vua này tuy rất sẵn sàng, nhưng cũng rất lo sợ, vì theo ông, biện pháp ấy sẽ trực tiếp vi phạm lời thề của ngày lên ngôi. Hơn nữa, giữa những người công giáo Anh, có những khác biệt, tạm thời còn chưa giải tỏa, về vấn đề không biết rằng nhà vua có được phép can thiệp chút nào vào việc bổ nhiệm các đại diện tông toà hay không. Vậy nên sự việc còn ứ đọng tại đây, cho tới cuộc giải phóng năm 1829.
Lịch sử những người công giáo tại Ecosse, cách chung, tương quan tới lịch sử của những người đồng đạo tại Anh, với một vài khác biệt: theo tỷ lệ, người Ecosse đông hơn. Vào thế kỷ XVIII, số người công giáo luôn chiếm mười phần trăm dân số. Trong giáo khu Highland cách riêng, mặc dầu cuộc bách hại đôi khi tàn nhẫn và vắng bóng các linh mục hàng chục năm, các trung tâm công giáo quan trọng vẫn tồn tại.
Thường thường, đời sống đạo đức của những người công giáo tại Ecosse có khuynh hướng cứng rắn. Có lẽ một phần do đặc tính quốc gia, một phần do mối tương giao chặt chẽ giữa thừa sai người Ecosse với người thuộc phái Janséniste tại Pháp. Thật vậy, chủng viện dành cho người Ecosse được thiết lập tại Paris và dưới sự điều khiển của các thành viên xác tín của Quesnel, nhất là Thomas Innes và Georges Innes. Trong một thời gian dài, có nhiều linh mục Ecosse trong phe “chống án” (appelants). Mãi cuối thế kỷ XVIII mới chấm dứt việc thực thi thuyết Janséniste và mới giảm bớt thịnh tình đối với thuyết này.
Lúc đầu, Ecosse được các vị thủ lãnh trung tâm truyền giáo Anh hướng dẫn, năm 1653 có vị phủ doãn tông toà riêng, và năm 1694 có vị đại diện tông toà với chức giám mục. Năm 1727 giáo phận được chia thành hai khu: Basses Terres và Highlands, mỗi khu có một vị đại diện tông toà. Việc phân chia này được duy trì tới năm 1827.
Trong tiền bán thế kỷ XVIII, những luật hình rất cứng rắn tại Ecosse không được áp dụng. Năm 1712, người ta có thể lập một chủng viện tại Ecosse. Nhưng chủng viện này bị phá hủy bởi cơn bão nổi lên chống công giáo tại Ecosse, sau cuộc nổi dậy thất bại của phái Jacob năm 1745. Nhiều người công giáo tên tuổi tại Ecosse nâng đỡ cuộc nổi dậy này và vị đại diện tông toà của giáo khu Highland, tên là Hugh Mac Donald, đã tuyên bố thẳng thừng rằng cuộc nổi dậy đó đẹp lòng Thiên Chúa. Vị đại diện tông toà này bị bắt và bị lưu đầy. Một số người tại Highland đã phục vụ Charles Edouard, người trẻ tham vọng, đã bị đày sang thuộc địa Bắc Mỹ. Trong một vài năm những ”luật hình” được triệt để áp dụng. Sự cứng rắn này giảm dần, nhưng tại Glasgow và nhất là tại Edimburg, chỉ cần một vài điều nhỏ nhặt cũng đủ khích động cơn thịnh nộ của quần chúng chống lại những người ủng hộ giáo hoàng; những cuộc nổi dậy nhỏ chống giáo hoàng đã xẩy ra nhiều lần, và các nhà nguyện tồi tàn là nạn nhân của họ.
Tuy nhiên, đối với cả những người công giáo Ecosse, hai mươi lăm năm cuối cùng của thế kỷ XVIII, là thời gian yên ổn. Một vài người đã tích cực đóng góp với tài năng quản trị hiền dịu và khôn ngoan, đó là Georges Hay, thượng phụ, trở lại công giáo, được đào luyện lên chức linh mục tại Roma, và từ năm 1778 đến năm 1805 là đại diện tông toà của giáo khu Basses Terres, và là giám mục hiệu tòa. Chính nhờ ảnh hưởng của ngài mà sắc lệnh Relief act được thi hành tại Ecosse năm 1793. Cuối thế kỷ XVIII, chừng mười ba ngàn người công giáo lưu ngụ tại Ecosse, với chừng bốn mươi linh mục mà đa số sống trong những hoàn cảnh đáng thương.
Ái Nhĩ Lan, trong một nghĩa nào đó, không thuộc loại phát tán, vì ngoài vùng Ulster, đa số dân là công giáo, mặc dầu bị nhiều bách hại. Nhưng phải xếp họ vào đây vì người ta để ý tới tình trạng truyền giáo của Giáo Hội, và nhu cầu huấn luyện linh mục tại lục địa, tại Roma, tại Nam Hoà Lan, tại Pháp, hoặc tại bán đảo Ibérique. Tình trạng này cốt yếu bắt đầu có từ tháng 10 năm 1690, lúc mà hoà ước Limerick sát nhập toàn cõi Ái Nhĩ Lan vào đế quốc Anh. Thực sự nền tự do tôn giáo tối thiểu được bảo đảm cho người công giáo tại đây, nhưng từ triều vua Guillaume III, quyền công dân chính yếu bị thu hồi đối với những người tuyên xưng đức tin công giáo. Nhưng càng ngày càng cần phải nương nhẹ người công giáo và phải nhắm mắt trước những nghi thức tôn giáo của họ. Những phúc trình chính thức cho thấy: năm 1732 có gần 900 ”nơi hành lễ” do 1500 linh mục (18) phục vụ, công nhận quyền bính của các giám mục, đã được bổ nhiệm bởi nhà Stuard, rồi bị truất ngôi. Nếu không kể đến những phiền nhiễu và chính sách cưỡng đoạt của các đại điền chủ Anh đã thi hành một cách triệt để, thì người ta có thể nói rằng: dầu sao, người công giáo nói chung được để yên.
Trong dòng hậu bán thế kỷ XVIII, giáo dân qui tụ thành ”Hiệp Hội Công giáo”, hăng say hoạt động để được chấp thuận một giải pháp giao hoà, trả cho người công giáo Ái Nhĩ Lan những quyền lợi đã bị thu hồi, nhờ sự tuyên thệ trung thành với triều đình Anh. Bắt đầu từ năm 1768 người ta cầu nguyện cho Georges III trong các nhà thờ công giáo tại Ái Nhĩ Lan, như là vị tối cao Hợp pháp, và năm 1774 một hoà ước thực sự được chấp nhận. Bắt đầu từ lúc này, người công giáo càng ngày càng tăng trưởng một cách rõ ràng. Người ta cũng bắt đầu thiết lập các dòng tu một cách kín đáo. Năm 1784 một đạo luật được đưa ra thi hành, đạo luật này cho phép việc phụng tự công giáo được hoàn toàn tự do với điều kiện là các nhà thờ không được có chuông hoặc tháp chuông. Từ lúc đó, không còn điều gì đáng phàn nàn về tôn giáo, nhưng về chính trị và xã hội sắp bung ra và đào sâu hố chia rẽ giữa Ái Nhĩ Lan và Anh Quốc.