CHƯƠNG VI
GIÁO HỘI VÀ CÁCH MẠNG
I. QUY CHẾ HỢP PHÁP CỦA GIÁO HỘI VÀ NHU CẦU CẢI CÁCH.
Có một điểm mà lịch sử phổ thông thường bỏ quên. Nếu cách mạng Pháp đã trở nên chống đối Giáo Hội, tôn giáo và hàng giáo phẩm thì ban đầu không thấy có ý hướng đó (1). Các nhà lãnh đạo, kể cả những người đã hết tin tưởng vào Mạc khải, vào hạnh phúc hay thưởng phạt đời sau mà chỉ nghĩ cái cải tiến cuộc sống trần thế, họ đều không nghĩ phải đả phá tôn giáo. Việc triệu tập Hội nghị toàn quốc vào mùa xuân 1789 không dính líu gì với những ám định chống đạo và Giáo Hội xuất hiện đây đó. Mọi người đều đương nhiên cho rằng phải khai mạc Hội nghị bằng một lễ nghi tôn giáo. Ðấy là cuộc Kiệu Mình Thánh Chúa do đức cha Juigné, tổng giám mục Paris chủ sự, theo sau có nhà vua, đi trước có các dân biểu. Mọi người, kể cả Mirabeau và Robespierre (2) đều cầm nến trong tay. Sau cuộc kiệu là thánh lễ đại trào. Khó mà có thể cho đó chỉ là cuộc biểu diễn vô nghĩa, đạo đức lấy lệ và giả tạo. Cũng thế, người ta không khỏi ngạc nhiên khi hay rằng tại thôn trại Ferney, Voltaire đã cho xây nguyện đường và xin lễ thường xuyên và giữ lễ buộc Phục Sinh mỗi năm. Thực vậy, nhân ngày 4 tháng 5 năm 1789 này, ngay cả những người sẽ trở thành nhóm Jacobins nổi tiếng sau này cũng không hề nuôi ý định đả phá Giáo Hội. Ðàng khác cũng nên nhắc lại nhận xét say đây: những lý thuyết mà Cách mạng Pháp đã tìm cách áp dụng cho Giáo Hội và tôn giáo, tất cả đều là con đẻ của người trong Giáo Hội, của các nhà thần học, chứ không phải do các nhà chính trị. Ý kiến cho rằng có những bậc quan thầy ác ý đến từ ngoài để đả phá Giáo Hội là ý kiến sai lầm, lẫn lộn và xuyên tạc lịch sử. Thực vậy, các bậc quan thầy đều xuất thân từ lòng Giáo Hội.
Nếu quả thực, các ông tổ cách mạng không hề có ý định tấn công Giáo Hội, điều đó cũng không có nghĩa là nói cách tổng quát, họ có gắn bó với giáo huấn và lề luật giáo hội, hoặc sẵn lòng nhìn nhận địa vị Giáo Hội trong quốc gia là bất khả xâm phạm. Trong các tập “điều trần” được viết vào các năm 1788 và 1789 theo lệnh của nhà cầm quyền để tùy tiện xử dụng thì khắp nơi đều có lời thỉnh nguyện như sau: xin xét lại qui chế các tài sản của các họ đạo và dòng tu và dành ưu tiên cho sở hữu chung. Ðây là các lời thỉnh nguyện giống như các điều đã được đệ lên các nhà ”độc tài sáng suốt” ở các nước khác và đã hướng dẫn luật pháp của Hoàng đế Joseph II liên quan tới các tu viện. Những chỉ trích ghi lại trong các bản điều trần dựa trên những lý do xác thực. Tùy theo phương pháp ước lượng, chúng ta có thể biết ít nhất một phần sáu lãnh thổ nước Pháp, dưới hình thức này hay hình thức khác, là tài sản của Giáo Hội (3). Trên tổng số dân cư khoảng 25 triệu người, số các giám mục lên tới 135 vị, các linh mục triều khoảng từ 60 tới 70 ngàn, các nam tu sĩ khoảng 30 ngàn, các nữ tu gần 40 ngàn người. Trên nguyên tắc, thì từ trên xuống dưới, tất cả họ đều được miễn thuế, giống như giai cấp quí phái. Tuy thế theo một khế ước ký kết vào thế kỷ XVII giữa triều đình và hàng giáo phẩm, hội đồng giáo sĩ hằng năm nộp cho nhà vua một số tiền tính theo đầu người. Năm 1561 số thuế này được qui định là hơn 7 triệu quan; năm 1786, con số đó vẫn còn được giữ, mặc dầu các mặt thuế khác đã tăng vọt. Ngược lại, hàng giáo sĩ có quyền thâu thuế trên dân để lo việc phụng tự, tức là thuế thập phân. Thực tế thì không phải như tên gọi, không phải luôn luôn là 10 phần trăm trên sản phẩm đất đai; có khi cao hơn nhiều, như ở miền Bretagne lên tới một phần tư, phần nhiều thì ít hơn, trung bình là 5,5 phần trăm. Trong thời đó thuế này kể là nặng, nên ai cũng oán ghét. Ðể thẩm định các số thống kê trên, chúng ta nên ghi nhớ điều sau đây: chính Giáo Hội, hầu như không được trợ cấp của nhà nước, mà phải tự đảm trách lo cho các bệnh nhân, các người nghèo và gánh vác việc giáo dục. Chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc công này qua ít con số thống kê sau đây. Ngay trước cách mạng, Giáo Hội Pháp phải tài trợ cho 2200 bệnh viện và những tổ chức tương tự. Tổn phí hằng năm ít nhất là 30 triệu quan. Một ngân quĩ tương đương như vậy được dành cho ngành giáo dục mà chúng ta gọi là trung cấp. Mặc dầu giáo dục có nhiều thiếu sót, đặc biệt trong các khoa toán học, vai trò giáo dục này phải được coi như một trong các công trạng lớn của Giáo Hội thời kỳ đó.
Một sự lạm dụng trầm trọng của tài sản Giáo Hội là sự chênh lệch về lợi tức của các họ đạo và các cha sở, cộng thêm sự cách biệt rất lớn giữa hàng giáo sĩ thượng lưu và hạ lưu. Ða số các giám mục được hưởng lợi tức cao: vài giám mục, như tại Paris và Strasbourg, hưởng lợi tức khổng lồ, hưởng cả trăm ngàn quan mỗi năm. Các vị đan phụ hưởng lộc, đôi khi sống trong cảnh nhung lụa đầy khiêu khích; trong khi đó họ lại không phải nộp thuế theo đầu người; thuế má đè nặng trên các linh mục có trách nhiệm mục vụ. Những người này, cách riêng ở các miền quê, chỉ được lương bổng rất nhỏ. Nhờ có thập phân, nên họ cũng không túng thiếu, lợi tức trung bình từ hai tới ba ngàn quan. Chiếu theo con số trung bình đó mà Quốc hội lập hiến đã qui định lương bổng hàng năm, sau việc niêm ấn tài sản Giáo Hội.
Ngay trước ngày Cách mạng, tổng số khoảng 130 giám mục đều thuộc các gia đình quí phái, có tới phân nửa không ở tại nhiệm sở, nhưng thường xuyên lai vãng chung quanh triều đình Versailles. Việc mục vụ bị sao lãng. Trừ vài trường hợp hiếm hoi, các giám mục ít tiếp xúc với những kẻ thừa tác hay các giáo dân. Cũng chính vì thế mà họ không được kính nể, có ít vị bị khinh bỉ và làm gương mù gương xấu, chẳng hạn như hồng y Loménie de Brienne, một người không có bản lãnh và chỉ biết chạy theo chính trị, đến nỗi chính vua Louis XVI đã thực tình tự hỏi không biết vị hồng y đó có tin Chúa hay không. Còn hồng y Rohan, kẻ vô cùng hoang phí, có dính líu đến vụ hạt xoàn năm 1785-1786. Và sau cùng phải kể đến giám mục Talleyrand, giáo phận Autun người vô liêm sỉ và không có chút nguyên tắc đạo đức. Hàng giám mục như trên thật sự là loại giám mục của triều đình, hầu như chỉ biết lo đẹp lòng nhà vua và các quân thần, ngay cả những phần tử thối nát nhất. Ðàng khác bắt đầu xuất hiện giai cấp trưởng giả, những người này chiếm những chỗ then chốt trong tổ chức kinh tế, nhưng bị đẩy ra khỏi các chức vụ cao, chỉ dành cho người quí phái. Sự thăng tiến này càng ngày càng làm giảm uy tín của loại giám mục kiểu trên. Uy tín lại còn giảm thêm vì trong giai cấp trưởng giả phong phú đó có rất nhiều người là thành phần chủ nghĩa hoài nghi sáng suốt, họ hội họp trong các phòng tiếp tân, nói về tôn giáo một cách khinh miệt và nhiều khi tục tĩu.
Chắc phải có sự xa rời Giáo Hội và tôn giáo thì mới giải nghĩa được phần nào sự suy đồi dần dần của các tu viện, trong khi chờ ngày chấn hưng muộn màng. Hiện tượng quan sát được ở đây thuộc cái vòng lẩn quẩn: càng ngày người ta càng bớt thiện cảm - không còn tha thiết như xưa - đối với các dòng tu, nhân số trong các cộng đoàn tu cũng giảm dần. Tình trạng đó làm mất quân bình giữa các lợi tức của tổ chức dòng, diện tích đất đai, nhà cửa quá rộng lớn. Một đàng, có nhiều công việc phải cáng đáng cộng đoàn tu thêm già nua và hao mòn dần. Nói chung đã gây ra óc yếm thế thất bại, càng dễ bị người ta chỉ trích. Do đó Hội nghị hàng giáo sĩ năm 1770 đã tìm biện pháp để ngăn chặn sự suy đồi nhanh chóng của các dòng tu (4). Các biện pháp này ít hiệu nghiệm, nên nhà cầm quyền, dựa vào ý kiến của một vài linh mục, đã quyết định đóng cửa hơn 450 tu viện và bãi bỏ tại Pháp 8 dòng tu. Sự suy đồi có vẻ thuyên giảm và bị chặn lại. Phải nhận là có những nhà dòng bị biến mất, hoặc có nơi khác chỉ còn là những nhà dòng xác xơ. Chẳng hạn, năm 1768, có hơn 600 tu viện Xitô, thế mà năm 1790 chỉ còn lại 301 nhà, mà hầu hết đều thưa thớt người. Tu viện nào có được 7 người thì được coi là khá đông, ngoại trừ dòng khổ tu Chartres và dòng Trappe, cũng như hầu hết các dòng nữ, cách riêng những dòng lo việc giáo dục và chăm sóc bệnh nhân. Ðàng khác phải nhận là sự chấn hưng thành công tốt đẹp trong những năm cuối trước ngày Cách mạng: điều này đã được minh chứng trong trường hợp các tu sĩ tại Paris. Trường hợp các miền khác của nước Pháp cũng tương tự, nếu chúng ta dựa theo các công trình tham khảo: số ơn gọi tăng dần, mức độ trí thức và tinh thần cũng cao hơn. Nhưng Cách mạng đã chận đứng cuộc chấn hưng này. Trong cơn thử thách, sự kiên trung của lớp người mới này thật đặc sắc.
Ðây là một hiện tượng đáng chú ý, cũng như thái độ dân mộ mến hàng giáo sĩ lo mục vụ, ta gặp được những chứng tá ngay trong thời Cách mạng. Lý do là nhờ mức độ cao của đời sống tu trì và công việc giảng dạy, kèm thêm đời sống đức độ và lòng tốt của các ngài. Chính vì thế chúng ta không nên vội có cái nhìn quá bi quan về Giáo Hội Pháp trước ngày Cách mạng. Các tập ”điều trần” đã được nhắc tới trên đây làm chứng cho lòng yêu chuộng chung đối với Giáo Hội và tôn giáo, nếu ta cứ chiếu theo cách diễn tả và những lý do khiến dân phải than phiền. Như vậy ta có thể nghĩ rằng các biện pháp được đề nghị là nhắm lợi ích cho Giáo Hội. Nếu những cố gắng tương tự như thế đã được hoàn tất thì chắc chắn đã có thể tránh được nhiều thảm họa về sau. Nhưng các thảm họa đó đã không thể tránh được vì thái độ của cấp giáo sĩ thượng lưu khăng khăng bám chặt vào các đặc ân và khước từ mọi nhượng bộ. Phần đông dân chúng, ngay cả ở thành thị, rất tha thiết với tín ngưỡng cũng như với hàng tư tế, nên không hề có tư tưởng khoan dung tôn giáo. Giáo Hội Pháp giáo là Giáo Hội của quốc gia chiếu theo thỏa ước ký năm 1516 giữa Léon X và Francois I: cũng vì thế mà dân tộc Pháp cho tới ngày giáp Cách mạng, mặc dầu giới trí thức đã chịu ảnh hưởng của thời Ánh Sáng, không có quan niệm nào khác về thiên tài của mình. Cho tới năm 1787, mọi người Pháp đều thấy có bổn phận tuyên xưng và giữ đạo công giáo. Mãi vào giữa các năm 1598 và 1685 mới có chỉ dụ Nantes ban chuẩn cho một vài địa chấn. Cuối năm 1787, vị hồng y tổng giám mục Toulouse là Lomenie de Brienne, một người có ít nhiều tư cách cuả một nhà độc tài sáng suốt, đã xin Louis XVI ra một nghị định ban hành tự do lương tâm: các tòa án được nhận là có thẩm quyền để đăng sổ khai sinh và cưới hỏi cho những ai vì lương tâm không muốn đến với các cha sở, cho đến lúc đó, là những người độc nhất có thẩm quyền. Tuy thế chỉ có Giáo hội quốc gia mới được quyền cử hành việc phụng tự công khai. Dầu thế, cũng đã có nhiều thành thị và làng mạc trong nước Pháp chống đối biện pháp cởi mở nói trên. Cũng có thể chỉ vì lý do bảo cổ vô ý thức hơn là do một xác tín dựa vào sự hiểu biết vững chắc về tôn giáo. Tất cả đời sống quốc gia tại Pháp đều có tính cách công giáo: ngay những người không muốn được coi là sùng đạo, cũng không thể mường tượng ra một cuộc sống vắng bóng Giáo Hội và các bí tích cùng các thứ phép lành. Các bậc thầy của Cách mạng, không hề nghĩ tới việc chia biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước cho bằng muốn củng cố sự phối hợp (5). Chắc không có gì là liều lĩnh nếu kết luận rằng: đa số dân Pháp vẫn gắn bó với đạo Công Giáo, là thể chế độc nhất được ký thác kho tàng ơn cứu độ, giữa lúc mà có một số phần tử khác đã xa lìa Kitô giáo. Những người này xuất thân từ giai cấp trung lưu và giới trí thức, đã bắt tay khai thác sự quẫn bách của những kẻ nghèo khổ để chống đối Giáo Hội. Rất tiếc là Giáo Hội đã ngộ nhận trước tình trạng ấy.
II. TỤC HÓA VÀ LY GIÁO.
Một hệ thống thuế vụ lỗi thời, cộng thêm những lạm dụng cố hữu, một thứ pháp lý dựa trên độc đoán và đặc ân của giai cấp, các chính quyền kém hiệu lực, triều đình thì phung phí tiền bạc, hành chánh thì tham nhũng, tất cả các yếu tố trên đã đưa nước Pháp đến chỗ phá sản vào năm 1780. Hơn nữa, một vụ khủng hoảng nông nghiệp và kỹ nghệ khiến sự bất mãn tăng lên mức tuyệt vọng. Bằng chứng là có những cuộc dấy loạn nhỏ và những cuộc cướp phá trong nội thành Paris; hàng trăm ngàn người khốn cực, bị cảnh đói rét đe dọa, chen chúc sống trên một khoảng đất chật chội. Họ bị kích thích vì các bài bút chiến. Các chính phủ cứ nối tiếp nhau với những thí nghiệm vô hiệu chỉ làm tăng thêm công nợ đã nặng sẵn và lãi xuất cũng tăng vọt lên. Khi không còn thể vay nợ được nữa, thì năm 1787, ông Calonne đã nghĩ cách chống lại thảm họa phá sản bằng cách lập ra ”hội nghị các viên chức”, gồm những người thuộc quí phái và thượng lưu có tài sản lớn và muốn họ đồng trách nhiệm. Nhưng kế hoạch thất bại, ông Calonne bị lật đổ, nhường chỗ cho Loménie de Brienne, ông này chỉ thấy còn cách là triệu tập Hội nghị toàn quốc. Năm 1788, nhiều tập báo tranh luận sôi nổi về thành phần, về hệ thống bầu phiếu, và về quyền đại diện dân. Ngày 5 tháng 5, 1789, Hội nghị toàn quốc họp lần đầu tiên kể từ năm 1614.
Cuộc họp diễn ra trong Phòng ”Menus Plaisirs” tại Versailles. Có 1200 đại biểu: hàng giáo sĩ có 300 người, quí phái cũng số tương tự, còn lại gần 600 là giới cấp ba. Như đã đề cập trên đây, cuộc họp được khởi sự bằng một thánh lễ đại trào. Phần đa số giới giáo sĩ cảm thấy mình liên đới với giai cấp đệ tam. Ðiểm này thấy rõ trong rất nhiều bài bút chiến do các giáo sĩ lên tiếng bênh vực quyền lợi của người dân bị bóc lột, chẳng hạn bài mang tựa đề ”Giai cấp đệ tam là gì?” của Emmanuel-Joseph Siéyès, cha chính địa phận Chartres. Ðiểm này cũng thấy rõ qua thành phần đại diện: gồm 208 cha sở, đa số là họ đạo miền quê, trong khi đó chỉ có 47 giám mục và 35 viện phụ. Chính vì yếu tố ”bình dân” này mà hàng giáo sĩ đã làm nghiêng cán cân khi phái đệ tam cấp đưa ra dự án hội nghị chung, chứ không theo giai cấp và bầu cử theo đầu người chứ không theo giai cấp. Hàng giáo sĩ đã chấp nhận hai dự án đó với 148 phiếu thuận và 136 phiếu chống: 145 cha sở và 3 giám mục đối nghịch với tất cả các giám mục, viện phụ (6). Dù bị áp lực của quí phái, nhà vua cũng không hủy bỏ được những quyết định trên. Sau việc ”tuyên thệ tại phòng chơi bóng quần”, nhà vua đành đầu hàng, trước phản ứng mù quáng và bực tức như qua câu chửi của nhà bút chiến quí tộc đệ Antraigues: ”chính là các tên...cha sở đã làm ra Cách mạng” (7). Dẫu sao thì có sự kiện là phần đa số hàng giáo sĩ Pháp đã không ngần ngại đứng ra bênh vực quyền lợi của dân. Ðiểm này đáng được nêu ra, khi xét những biến cố sẽ diễn ra, đây là điểm khiếm khuyết nơi phần lớn các nhà bình luận.
Trong ”quốc hội lập hiến” đó, theo ý nhà vua, quí phái và giới giáo sĩ tiếp tục hội nghị. Các giáo sĩ đã hăng hái cộng tác và nhượng bộ nhiều. Trong khi đó họ không nghĩ tới việc có được Roma đồng ý hay không, đây đúng là truyền thống ”người Pháp tự trị”. Có một số giám mục đã đứng hàng đầu, sẵn sàng đại độ từ bỏ những đặc quyền được hưởng tới nay, có tính cách phong kiến như thuế thập phân hay quyền săn bắn, hoặc có liên hệ tới chức vụ như quyền “giây choàng” (droits d'étole). Là điều dễ hiểu khi các vị có phần hăng hái muốn hủy bỏ thuế ”niên liễn” do Tòa Thánh định cho giám mục mới được bổ nhiệm phải nộp trong năm đầu. Nhưng điều khó hiểu là tại sao các ngài lại có thể quá tin tưởng vào nghĩa cử của dân tộc Pháp - nói theo từ ngữ của tổng giám mục Paris - để trong đêm 4 tháng 8 năm 1789, các ngài đã trao lại tất cả quyền lợi. Cử chỉ thiếu suy tính này chỉ có thể hiểu được là do bầu khí hốt hoảng khi đó, do ”quá sợ hãi” (8), nhất là sau vụ tấn công Bastille ngày 14 tháng 7. Ít lâu sau, đa số các vị chính xứ có nhiều lý để hối tiếc sự đại độ mù quáng, thiếu đắn đo đến độ đã tin vào lời hứa mơ hồ: là dân tộc sẽ tìm ra phương cách để đài thọ việc phụng tự, giúp các linh mục, giúp người nghèo, lo bảo trì các nhà thờ, nhà chung, chủng viện, trường học và nhà thương cũng như các cơ sở từ thiện, tất cả, cho tới nay đều nhờ vào thuế thập phân, nay đã bị nha thuế trưng dụng. Chỉ trong một đêm, Giáo Hội đã từ bỏ hết gia tài và hàng giáo sĩ nay chỉ còn mong ở lòng quảng đại của quần chúng. Thêm một sự hy sinh thứ hai vào cuối tháng 9: để giúp ngân khố thực sự đang kiệt quệ, theo lời yêu cầu, hàng giáo sĩ đã chịu nộp hết các bình thánh, các vật trang trí bằng vàng bạc không cần thiết cho việc phụng tự.
Sự đại độ của hàng giáo sĩ một phần là vì sợ sệt! Có lẽ đây là nguyên nhân khiến các phần tử cấp tiến cứ đòi hỏi thêm mãi, nhất là từ tháng 10, khi Quốc hội bỏ Versailles về Paris, ảnh hưởng nhóm Jacobins càng tăng thêm. Việc ngả về hướng tả cách mạng càng mạnh thêm khi càng ngày càng vắng bóng hàng giáo sĩ: các giám mục và viện phụ phần nhiều vì muốn giữ đúng nguyên tắc, các cha sở thì không thể xa họ đạo lâu ngày được. Nhờ vậy dự án của Talleyrand đề lên ngày 10 tháng 10 năm 1789 mới có thể thành công. Dự án này nhằm trưng dụng tất cả tài sản của Giáo Hội. Lần này đề nghị đã do một giám mục, nhưng gặp nhiều chống đối; các cuộc tranh luận gay gắt kéo dài 3 tuần, nhưng cũng đủ cho thấy là người ta lấy lại quyền suy nghĩ. Tuy thế, đa số vẫn cao: ngày 2 tháng 11, dự án được chấp thuận cách rộng rãi (568 phiếu thuận và 386 phiếu chống (9). Hậu quả là Nhà nước có nhiệm vụ phải lo cho việc phụng tự và các khoản phục vụ khác. Nhà nước phải trả lương cho các cha sở một cách xứng hợp: 2400 quan mỗi năm, tức là lợi tức trung bình thời đó. Ðối với một số người thì đây là một sự cải tiến đáng kể, còn đối với một số người khác thì có sự thoái hóa. Ðể hiểu được tại sao một phần khá đông đảo các giáo sĩ và nhiều giáo dân còn trung tín với đạo lại đi cộng tác vào việc tịch thâu tài sản này, thiết tưởng ta đừng quên là dân Pháp đã từng quen với việc nhà vua đã thường dùng đặc quyền xử dụng tài sản của các tu viện và nhà thờ: hiệp ước 1516 đã mở đường mà dự án của Talleyrand chỉ như một thứ hậu quả tự nhiên.
Do một nghị định độc nhất của Quốc hội Lập hiến mà một gia sản ước lượng tới ba tỷ quan đã được chuyển vào ngân khố quốc gia. Tình trạng nguy cấp của ngân khố đã buộc Quốc hội phải khởi sự bán đi một phần lớn tài sản trên. Người ta đã lo phát hành trước tiền giấy trị giá 400 triệu, còn các tín phiếu sẽ rút ra sau. Các thủ tục này chỉ chấm dứt khi ký hiệp ước 1801: đấy là chuyện bán các ”của cải đen”, theo từ ngữ thời đó, do các nhân viên Nhà nước và các thị xã. Trong vòng 10 năm, Nhà nước sống dựa vào nguồn lợi này. Ai cũng xác tín rằng không còn giải pháp nào khác để giải quyết khủng hoảng kinh tế, nên đa số người công giáo đã không ngại cộng tác vào việc bán tài sản này, đấy cũng là cơ hội để mua bán có lời. Trong ít năm, phần lớn giới trưởng giả đã có thể trở thành gia chủ của nhiều đất đai và bất động sản mà không phải tốn phí nhiều. Vô tình hay hữu ý, biện pháp trên đã biến nhiều người thành các kẻ bênh vực trật tự mới. Bởi vì các gia chủ mới không muốn có sự phản động tước đoạt của cải họ vừa đoạt được.
Nếu người ta có thể nghĩ rằng các biện pháp trên đây không chủ ý đả phá tôn giáo, thì phải nghĩ khác về việc Quốc hội tục hóa các dòng tu vào tháng hai năm 1790. Thực vậy, nghị định không những chỉ giới hạn vào việc bãi bỏ các dòng tu được coi là vô dụng, nghĩa là các dòng hoàn toàn chiêm niệm, nhưng còn cấm không được khấn trọn đời và chỉ định hội đồng thành phố đi thị sát các nhà dòng, tìm cách trả lại tự do cho các tu sĩ, nếu họ muốn, và lo tập trung các nhà dòng ít người, mặc dầu luật lệ khác biệt. Trên thực tế, các hiến pháp dòng kể như không thực hành được. Tuy quyền đời có lạm dụng trầm trọng, nhưng không gây phản ứng và chống đối. Nói chung, các giám mục và linh mục triều không che giấu sự đồng ý, nhất là sự chênh lệch giữa tỷ số các dòng tu và của cải đất đai đã từng gây bất mãn từ lâu. Có lẽ người giáo dân cũng cùng ý kiến: một khi các nam nữ tu sĩ làm việc trong các bệnh viện và trường học không bị làm khó dễ, không ai cảm thấy phải bận tâm về chuyện bãi bỏ các nhà dòng đang tàn lụi, không còn nêu gương tốt nữa. Ðàng khác, khi thẩm định sự việc đã diễn ra, người ta thấy rằng các hành động ấy phù hợp với tinh thần của thế kỷ Ánh sáng và với chính sách của Hoàng đế Josephe. Như vậy chúng ta không có thể cho rằng biện pháp hành chánh của chính quyền có tính cách bắt bớ tôn giáo. Một việc cũng đáng lưu ý: đã có từng loạt người bỏ đi khỏi dòng thánh Benoit, dòng Citeaux, kinh sĩ Augustin, dòng thánh Dominique, khiến nhiều tu viện bị hưng phế. Ngược lại cũng có nhiều người nhất loạt trung tín như trong các dòng khổ tu: Capucins, Chartreux, Trappistes, cũng như đa số các dòng nữ. Chúng ta phải tự hỏi có nên bảo tồn những dòng tu mà các sĩ tử chỉ muốn ra khỏi dòng. Tại Cluny, có 38 tu sĩ trên tổng số 40 xin hồi tục. Chính sách chống đối dòng tu cũng đã gây nên một sự thiệt thòi không cứu vãn được: đó là việc phá hủy nhiều tu viện có giá trị lớn về mặt nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ. Trong khi đó, người công giáo bị dẫn vào con đường nguy hiểm hơn do việc chấp thuận một cách thiếu đắn đo các điều khoản về ”quyền lợi con người và công dân”, được ban hành ngày 27.8.1789. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy họ hăng hái tuyên ngôn - dưới sự che chở của Ðấng tối cao - về việc con người sinh ra bình đẳng và tự do và không ai có thể bị phiền hà về tín ngưỡng của mình. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là qua việc tuyên ngôn trên, họ đã khước từ sự che chở của quyền đời mà vẫn không thoát khỏi quyền bảo trợ, bấy giờ rất thế lực theo truyền thống Pháp giáo (Gallican). Ðàng khác, ta cũng phải nhận rằng, vào tháng 8.1789, không ai có thể tiên liệu được các hậu quả. Ðối với nhiều người thì đương nhiên đạo công giáo vẫn giữ cái thế vốn có là tôn giáo được hưởng đặc quyền, và chỉ coi là có nhượng bộ ít nhiều cho bên Tin Lành và Do Thái giáo. Chính ông Mirabeau là người đã từng bênh vực tự do vô hạn cho hết mọi tôn giáo, cũng thường gọi đạo công giáo là ”đạo của dân chúng”. Khi tu sĩ Dom Gerle là người vừa hăng say đạo giáo, vừa chủ trương cộng hòa, có xu hướng thần bí và duy lý đã đề nghị vào tháng 4.1790 phải tuyên bố đức tin công giáo là Quốc giáo. Dự án đó không được bàn cãi, nhưng lại có kiến nghị đề cao sự gắn bó với đạo công giáo, Roma và Tông truyền. Tuy thế, đa số hàng giáo sĩ có mặt bác bỏ kiến nghị trên: đây là vết rạn nứt đầu tiên giữa Giáo hội và Cách mạng.
Vết rạn nứt thứ hai không đường cứu chữa: đó là bản Hiến pháp dân sự liên quan tới hàng giáo sĩ. Ðây là công trình của một ủy ban giáo sĩ do Quốc hội chỉ định để soạn thảo một dự án về việc thích nghi Giáo Hội với thời cuộc mới. Dự án này được bàn luận một cách lạnh nhạt trong thời gian từ 29.5 tới 12.7.1790, phe đối lập nhấn mạnh vào việc Thỏa ước 1516 đã bị hủy bỏ một cách đơn phương. Dự án trên được chấp thuận ngày 12.7. Hai ngày sau là ngày mừng kỷ niệm đệ nhất chu niên việc chiếm đánh Bastille. Ðấy là dịp tỏ tình huynh đệ rất tốt đẹp; chung kết là thánh lễ tại quảng trường Champ de Mars do Talleyrand chủ lễ, với sự hiện diện của nhà vua. Có tới nửa triệu người tham dự, từ mọi nơi trong nước đổ về. Nhà vua hứa trước là sẽ trung thành với Hiến pháp đang được soạn thảo. Tuy thế sau này sẽ phải cưỡng ép để nhà vua mới y chuẩn bản Hiến Pháp dân sự. Trong những năm khủng hoảng này, Louis XVII yếu nhược, lại thiếu các cố vấn khôn ngoan và vô vị lợi. Ông chỉ tìm được chút ít nương tựa nơi hoàng hậu Marie-Antoinette. Mỗi quyết định là dịp đặt nhà vua trước những cơn lo lắng về lương tâm. Sau khi đã tìm cách thoái thác trong 10 ngày, và dưới ảnh hưởng của hai giám mục là Champion de Cice và Le Franc de Pompignan, nhà vua đã đành phải ký bản nghị định mà thâm tâm ông cho là tồi tệ. Hôm sau, vua nhận được thư của giáo hoàng Pie VI, đề ngày 10 tháng 7, xin đừng ký vào bản Hiến pháp. Vua vội cấm chỉ không cho công bố Hiến pháp. Nhưng vì áp lực đến từ mọi phía, sau một tháng lo lắng, nhà vua đầu hàng và ban hành Hiến pháp ngày 24 tháng 8.
Hiến pháp dân sự, chia ra bốn đoạn, sẽ là thành phần của luật căn bản sau này của vương quốc. Ðây có thể coi được là kết quả của tài năng tổ chức pháp luật và hành chánh. Chúng ta phải nhìn nhận có nhiều khoản luật mang tính cách cải cách cần thiết. Chẳng hạn việc chia quốc gia thành các địa phận: thay vì 135 địa phận rất dị biệt về đất đai và tài nguyên, thì nay chỉ còn lại 85 địa phận, trùng hợp với các tỉnh; 18 tòa tổng giám mục được giảm xuống 10. Những giáo xứ quá đông được chia ra, những giáo xứ quá ít quy tụ. Ðó là phương thức hữu ích. Cũng thế, một quy chế lương bổng cố định được thiết lập cho mọi chức vụ trong Giáo Hội, từ trên xuống dưới. Tất cả những điều này nhắc lại ưu điểm của lạc phái Josephisme. Cả sự nghiêm khắc bắt buộc ở nhà nếu không sẽ bị trừ lương, điều này làm bớt đi những lạm dụng gây tai tiếng. Về việc hủy bỏ các bổng lộc không đi liền với chức vụ coi sóc các linh hồn, cùng các thứ bổng lộc khác như bổng lộc của kinh sĩ đoàn có lẽ không nên đương nhiên chấp thuận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, nó biểu lộ một sự hy sinh hữu ích. Ðiểm yếu là những điều khoản bổ nhiệm nằm trong đoạn hai. Từ nay, các giám mục sẽ được chọn từ mỗi tỉnh do toàn thể cử tri, gồm cả những người không công giáo. Trong cùng điều kiện, những cử tri của quận, xã sẽ chọn các linh mục quản xứ. Các linh mục quản xứ nhận chức danh từ giám mục, các giám mục nhận chức danh từ các tổng giám mục. Cấm không được cầu viện Toà Thánh, các giám mục chỉ bắt buộc thông báo cho đức giáo hoàng về các vụ bổ nhiệm đã được thi hành.
Ðể qua một bên chi tiết cuối cùng ở trên, chi tiết xem ra chỉ là một dấu tích xã giao, tất cả hiến pháp dân sự hoàn toàn gián đoạn với Roma, đó là hiệu quả cuối cùng của thuyết Pháp giáo đã được thay đổi theo yêu cầu của một cuộc Cách mạng đặt vào tay quần chúng những quyền lợi mà trước đây chỉ dành cho vua. Phải nhận rằng trong nhiều thế kỷ, các ông hoàng đã đặt giám mục cho vùng của họ mà không xúc phạm đến ai. Ðức Pie VI đã cho phép Nữ Hoàng Nga Catherine II, sửa đổi trọn vẹn việc chia cắt các giáo phận tại Balan mà không cần hỏi ý kiến ngài: trong những điều kiện ấy, ngài không thấy có gi buộc coi việc bầu cử của dân như một loại vấp phạm Thiên Chúa. Thể thức bầu cử trên rất thịnh hành trong Giáo Hội vào những thế kỷ đầu và không ai nghĩ đến việc nhận chức danh do Ðức giáo hoàng (10). Những luật gia được ủy ban giáo sĩ cậy nhờ để viết hiến pháp dân sự, đã có thể tin rằng họ sẽ đi tới chặng đường cuối cùng, trên đó thuyết giám mục của Zeger Bernard van Espen và thuyết Fébronianisme là những chặng đường trung gian, để trở về với Giáo Hội của thế kỷ đầu. Phải lưu ý rằng hầu như toàn diện hiến pháp được chấp nhận trong thoả ước 1801, chỉ trừ nguyên tắc về quyền bính thiết lập trong nước, và về chế độ của thể chế: thoả ước dành quyền này cho đức giáo hoàng. Thế nhưng khi thực hành thì nguyên tắc này bị thay đổi mau chóng, người ta không tuân giữ.
Không có gì phải ngạc nhiên khi thấy hiến pháp dân sự có sự va chạm với Roma về những lý lẽ bác bỏ không thể vượt qua. Một điều đáng tiếc là phải đợi một thời gian khá lâu Ðức Pie VI mới thông báo. Hai lý do chính: vào tháng 6 năm 1790 nước Pháp vẫn còn ở trong thể chế quân chủ chuyên chế; có những nhận định chính trị tế nhị. Thật vậy, vào thời này, lúc mà hiến pháp được chấp nhận, những rối loạn bùng nổ tại lãnh địa bá tước Venaissin, là phần đất của Giáo hoàng lọt vào giữa nước Pháp. Nơi đây dân chúng đòi được sát nhập vào nước Pháp. Vì vậy Giáo triều sợ rằng nếu Ðức giáo hoàng kết án Hiến pháp, phần đất này cũng như Avignon, sẽ bị sát nhập. Sự do dự này là dấu hiệu Roma thiếu sự cương quyết, nhưng cũng tại Roma người ta đã thấy rõ các giám mục Pháp một mực phủ nhận. Tháng 10 năm 1790, trong số ba mươi hai giám mục tham dự quốc hội, đã có ba mươi vị (hai vị ly khai là Talleyrand và Gobel) ra thông cáo bàn đến những nguyên tắc về hàng giáo sĩ của Hiến pháp dân sự. Trong thông cáo này các ngài chống lại sự thay đổi quy chế về Giáo Hội mà không tham khảo với Toà Thánh trước. Thực ra, với thông cáo này, các giám mục muốn biết ý kiến của ”Ðấng kế vị thánh Phêrô, đấng phát ngôn của toàn thể Giáo Hội” trước khi xác định lập trường của mình. Sau đó chín mươi ba giám mục khác công khai lên tiếng ủng hộ bản thông cáo của ba mươi giám mục dân biểu. Các giám mục phải kiên nhẫn chờ đợi gần 6 tháng, vì mãi tới ngày 10 tháng 3 năm 1791, đức Pie VI mới trả lời bằng đỏan sắc ”Quod aliquantum”,trong đó ngài lên án các giám mục đã ký trong Thông báo về các nguyên tắc. Người ta không quên rằng: một năm trước đó, trong huấn dụ đại hội ngày 29.3.1790, đức Giáo hoàng đã kết án những nguyên tắc của Cách mạng, đặc biệt là sự tự do tôn giáo, ngài đã tuyên bố là không hợp với tín lý công giáo. Nhưng trên những báo cáo của Hồng y Bernis, đại sứ Pháp tại Roma, lời kết án này hoàn toàn giữ trong bí mật.
Tuy nhiên vào tháng 11 năm 1790 các giám mục, linh mục và các chức vụ khác trong Giáo Hội bắt buộc phải tuyên thệ công dân, sự kiện này làm cho việc chống đối trở nên trầm trọng. Hàng giáo sĩ phải hứa trung thành không những với quốc gia, vua, nhưng với cả Hiến pháp chưa được viết ra, và trung thành với Hiến pháp dân sự của hàng giáo sĩ mà họ là thành phần. Nếu từ khước tuyên thệ có thể bị mất chức. Ðể qua một bên các điểm còn lu mờ: điều chắc là chỉ có 4 giám mục tuyên thệ. Giữa các linh mục, người ta có thể nhận rằng một nửa đã tuyên thệ, mặc dầu các ngài chỉ tuyên thệ trong những giới hạn nào đó. Bởi vậy, hầu như tất cả các giám mục và hàng ngàn cha sở bị mất chức. Trong nhiều tháng, trên toàn thể nước Pháp có những cuộc bầu cử vào các ngày chúa nhật, khi nơi này khi nơi khác. Những linh mục được nâng lên hàng giám mục theo thể cách này dần dần được tấn phong. Những vị đầu tiên do đức Talleyrand, giám mục Autun, truyền chức. Vào cuối tháng 4 năm 1791, sáu mươi giám mục được tấn phong như vậy, đã nhận chức: tới cuối tháng 5, tất cả cơ cấu được hoàn tất.
Sự thi hành mau chóng như vậy làm cho người ta phải suy nghĩ. Ít ra phải nhận rằng có những Giuđa, rất đông, trừ phi không lưu ý tới sự kiện Toà Thánh duy trì tại chức một số khá đông trong các giám mục ly khai năm 1801, và giữa các ngài có một số khá lớn có tiếng là đạo đức. Phải nhận rằng truyền thống Pháp giáo đã ăn sâu trong hàng giáo sĩ đến nỗi đối với một số đông, trong các lãnh vực không phải là tín lý thì thẩm quyền giáo hoàng không có lý do tồn tại nữa. Ðừng quên rằng lúc này Roma kiên trì trong thinh lặng.
Chỉ sau khi sự sắp đặt này đã hoàn tất, giáo triều Roma mới lấy quyết định. Như vậy đã quá trễ, không ngăn cản được mối nguy đã xẩy ra: quyết định sát nhập Avignon và Venaissin vào nước Pháp và gián đoạn ngoại giao giữa Roma và Paris. Ðại sứ Pháp là Hồng y Bernis, 75 tuổi, là một giám mục của chế độ cũ, một tâm hồn ít chiều sâu, ngài được lên chức là do ân huệ của bà Pompadour, trước kia ngài đã nhiệt liệt trong việc hủy bỏ dòng Tên. Khi ngài bị triệu hồi, ngài bất tuân lệnh. Ngài từ khước tuyên thệ với Hiến Pháp dân sự. Ngài ở lại Roma dưới sự bảo trợ của đức giáo hoàng, và chết tại đó tháng 11 năm 1794.
Ðiều trầm trọng hơn sự gián đoạn ngoại giao với Roma là sự nứt rạn của chính Giáo Hội Pháp: sự chia rẽ trầm trọng giữa Giáo Hội thuộc Hiến pháp và Giáo hội thuộc Roma, nói cách khác, giữa giáo hội trao phó cho hàng giáo sĩ tuyên thệ và giáo hội còn trong tay của hàng giáo sĩ không tuyên thệ mà bấy giờ nhà nước gọi là hàng giáo sĩ ương ngạnh. Những tác giả công giáo thuộc thế kỷ XIX đã coi các vị tuyên thệ như những người phản bội, hay ít ra là những người thiếu nghị lực. Nhận định này không đúng hẳn. Rất đông linh mục tuyên thệ với sự dè dặt này: ”Miễn là điều đó không mâu thuẫn với xác tín tôn giáo của tôi”. Các ngài liên hệ tốt với thẩm quyền địa phương, rất tận tâm với các giáo hữu đạo đức, cương quyết không bỏ đoàn chiên; các ngài xác tín về những hậu quả tai hại sau một vài năm gián đoạn phụng tự, đặc biệt về việc ban hành các bí tích rửa tội, hôn phối, giải tội và xức dầu bệnh nhân. Căn cứ vào những sự việc đã xẩy ra tại các nơi khác trong những hoàn cảnh tương tự, người ta thấy các ngài có lý trong những điểm này.
III. CHIẾN TRANH VỚI TÔN GIÁO.
Phần tiếp theo của lịch sử Giáo Hội Pháp cho tới hồi kết thúc với hoà ước năm 1801 chỉ là đường thánh giá, mặc dầu có vài chặng nghỉ xả hơi. Khi hiến pháp đã hoàn tất - Hiến pháp này với cuộc bàu cử theo mức thuế, đã mặc cho chế độ quân chủ lập hiến mới được chính thức thành lập, một tính chất trưởng giả. Không bao lâu, Hội đồng lập hiến bị giải tán và được thay thế bằng quốc hội lập pháp. Quốc hội này tồn tại từ tháng 10 năm 1791 tới tháng 9 năm 1792. Vào tháng 3 năm 1792, phe ôn hoà đã gây ảnh hưởng trong chính phủ: đó là nhóm Bảo hoàng lập hiến chủ trương một chính thể quân chủ lập hiến và một tôn giáo có tính cách lập hiến trong phụng tự, nhưng lại làm ngơ cho lối ”phụng tự ương ngạnh” bao lâu còn thiếu số các linh mục tuyên thệ. Giữa các giới lãnh đạo, có người đề nghị một tạm ước với Roma, nhưng họ lại đụng chạm với các cố vấn của vua, thiếu sáng kiến và hùa theo chính sách tàn nhẫn của Marie Antoinette, với hy vọng bà sẽ khiêu khích ngoại quốc can thiệp. Dự định tẩu thoát bất hạnh của vua vào tháng 6 năm 1791 đã là hậu quả của đường lối chính trị này. Bởi lẽ đường lối chính trị này càng ngày càng gieo rắc sự ngờ vực đối với ”Giáo Hội ương ngạnh” và gia tăng sự rối loạn trong nội bộ guốc gia.
Những ngờ vực và rối loạn chỉ như đổ thêm dầu vào lửa đối với những người thù ghét đạo. Họ luôn thúc đẩy những thành phần còn tương đối ôn hoà của nhóm Girondin chạy theo phe tả cách mạng. Từ tâm trạng thù ghét, họ quyết truy nã gắt gao những người ương ngạnh, bị tình nghi là xúi dục dân chúng chống lại những người chủ trương hiến pháp. Ám ảnh về một cuộc can thiệp ngoại quốc mà đứng đầu sổ là các giáo hoàng, người ta thấy tình thế càng ngày càng căng thẳng và nguy hiểm. Những va chạm giữa các thành phần thuộc hai loại Giáo hội gây nên nhiều xáo trộn, rồi chẳng bao lâu trở thành chiến tranh thật sự giữa làng này với làng kia. Những cuộc nổi dậy lớn tại vùng Vendée và vùng Flandre thuộc Pháp, những vụ ám sát kinh hoàng các linh mục chống đối, số người di tản mỗi ngày thêm đông. Tất cả những điều đó đưa đến đề nghị và bỏ phiếu một nghị luật chống lại các linh mục ương ngạnh. Nghị luật này chỉ định rằng những giáo sĩ không tuyên thệ trong vòng 8 ngày sau khi được tuyên bố, sẽ mất lương bổng và tiền trợ cấp, sẽ bị đuổi đi khỏi nơi cư trú, và nếu chống đối sẽ bị tống giam. Hơn nữa, ai trốn ra nước ngoài sẽ bị tử hình. Nhưng vua phản đối nghị luật này, vì ngài có quyền phủ quyết do hiến pháp nhìn nhận, nên nghị luật này bị đình lại hai năm.
Vào tháng 3 năm 1792, chức vụ trước đây do người phái Bảo hoàng lập hiến đảm nhận truyền tay sang người phái Girondin. Những người này ép vua tuyên chiến với Áo. Tại đây, Francois II đã lên ngôi trong cùng tháng này, đang chuẩn bị kỹ lưỡng một cuộc can thiệp quân sự. Vua Louis XVI và hoàng hậu sẵn sàng tuyên chiến, vì họ xác tín rằng phần thắng lợi sẽ về phía Áo, và họ tin cậy vào việc thành lập một liên hiệp chống Pháp do người Áo, Phổ, Anh, Tây Ban Nha, và được Toà Thánh ủng hộ. Thật vậy trong những tháng sau, đức Pie VI kêu gọi thống thiết những lực lượng công giáo cũng như nữ hoàng Nga Catherine II và Georges III Anh quốc tới tiếp trợ vua Pháp chống lại thần dân của ông và trả lại cho Toà Thánh lãnh thổ Avignon và Venaissin đã bị Pháp thu hồi trước đây. Sự lẫn lộn giữa quyền tôn giáo và quyền giáo hoàng như vương chủ trần thế đã gây ra những hậu quả trầm trọng: rõ ràng rằng do lời kêu gọi của đức Pie VI mà Vương quốc Pháp sớm sụp đổ.
Sau vài tuần lâm chiến, nước Pháp rơi vào sự thảm bại: trước ngày mồng một tháng 5, quân đội Áo đẩy lui những đoàn quân Pháp, trước đây đã xâm chiếm Hoà Lan. Vào tháng bảy, nước Phổ cũng khai chiến và cùng tháng này quận công Brunswick chỉ huy đạo quân Phổ, gởi thông cáo cho dân Pháp đưa tin rằng ông sẵn sàng tiến vào Pháp. Ðiều này làm mọi người kinh hoàng. Từ ngày 30 tháng 6 dân chúng nổi khùng tiến vào điện Tuileries, nhà vua bắt buộc phải ra chào mừng dân chúng và cầu chúc thắng lợi cho đạo quân Pháp. Tuy nhiên vẫn có tiếng đồn về liên lạc bí mật giữa vương thất và địch quân. Quận công de Brunswick tuyên bố sẽ hủy diệt Paris nếu dân chúng dám liều lặp lại cuộc tấn công ngày 20 tháng 6. Lời tuyên bố này như đổ dầu vào lửa: ngày 10 tháng 8 có lệnh tấn công Tuileries. Vài ngày sau vua bị cách chức và bị giam cùng với gia đình trong nhà nguyện điện Versailles. Những kẻ mị dân đứng đầu là Danton, một người không nguyên tắc, và Marat, người bị bịnh tâm thần, đứng ra tổ chức trong toàn lãnh thổ quy tụ những người bại trận, chống lại những người bị tình nghi phản bội, mà đầu sỏ là những linh mục ương ngạnh. Ðầu tháng 9 năm 1792 khoản 300 linh mục bị giết trong tù mà không có một hình thức xét xử nào. Trong tháng này quốc hội lập pháp bị giải tán và được thay thế bằng quốc hội đề cử theo nguyên tắc bầu phiếu phổ quát. Quốc hội này tuyên bố truất bỏ vương quyền ngày 22 tháng 9 năm 1792. Như thế là khai sinh chế độ Cộng Hoà Pháp. Vua Louis XVI bị trảm quyết ngày 21 tháng giêng năm 1793, Marie Antoinette tháng 10 sau đó.
Trong tám tháng đầu của Quốc hội đề cử, người Girondin, phái ôn hoà, giữ ưu thế. Do đó tình hình Giáo hội chống đối tuy mong manh nhưng không có gì thay đổi tới mùa hè năm 1793. Còn Giáo hội tuyên thệ theo hiến pháp có tên là Giáo hội Quốc gia, mặc dầu mối liên lạc với chính quyền càng ngày càng trở nên kém thân thiện, nhất là từ tháng 4 năm 1793, một ủy ban cứu quốc do Danton cầm đầu, được ủy thác quyền hành pháp. Càng ngày qui chế Giáo hội càng có tính chất một ảo tưởng hợp pháp (11). Rõ ràng là sự nghi kỵ và oán ghét Giáo Hội và tôn giáo càng ngày càng gia tăng, do tình trạng di dân mỗi ngày thêm đông của hàng quý tộc và giáo sĩ. Số này chẳng bao lâu lên tới mười ngàn người. Phần lớn họ cư ngụ tại Anh, và cũng tại các nước thuộc giáo hoàng tại Thụy sĩ, Tây Ban Nha, tại các lãnh thổ thuộc các ông hoàng giám mục miền Tây Ðức, và tại các tỉnh Liên Hiệp Hoà Lan. Nhiều người trong khối dân di cư cố gắng viết và phổ biến những lời kêu gọi toàn thế giới chống lại Cộng Hoà Pháp. Trong nước cũng có những xáo động, nhất là tại vùng Vendée, nơi nổi dậy liên tục, bắt đầu từ tháng 3 năm 1793, mối nghi ngờ tiếp tục tăng gia. Sự nghi ngờ này ảnh hưởng tới cả những linh mục đã tuyện thệ. Không còn dè dặt gì nữa, vào tháng 6 năm 1793 những người tàn bạo thuộc phái Jacob, được Marat và Robespierre dẫn đầu thực hiện cuộc cuộc đảo chính, bắt giữ những người phái Girondin, Marat bị ám sát vào tháng 7 sau đó. Sau đó, Ủy ban cứu quốc tái thiết biến thành chính phủ lâm thời. Do đó chế độ dân chủ nghị viện còn non nớt đã nhường chỗ cho chính sách độc tài bạo ngược hơn. Cách mạng đi tới chỗ vô nhân đạo, nhân danh tự do đè nén lương tâm và nhân danh tình huynh đệ xử trí độc ác thái quá. Cách mạng biến thành tổ chức khủng bố, chạy theo chính sách chuyên chế bạo ngược cực điểm, từ tháng 9 năm 1793 đến tháng 7 năm 1794.
Từ tháng tám năm 1792, một sắc lệnh được ban hành kết án đày ải tất cả những linh mục không tuyên thệ, nhưng sắc lệnh này chỉ được thi hành trong những trường hợp đặc biệt. Vậy nên tháng 10 năm 1793 lệnh được ban ra cho mọi đương sự phải trình diện đi đày: những người không thi hành sẽ bị án tử hình. Hơn nữa người ta còn hứa thưởng cho những ai tố cáo các linh mục như vậy, và chẳng bao lâu phạt án tử hình cho những ai chứa chấp các ngài. Cuộc đày đi Cayenne phải bắt đầu vào cuối năm 1793, nhưng vì cánh quân Anh án ngữ bờ biển, các tàu chuyên chở các linh mục này phải đợi có khi từng mấy tháng mới có dịp thuận tiện ra đi. Từng ngàn linh mục qua đời, nạn nhân của cách đối xử tàn nhẫn và sự thiếu thốn, đôi khi bị xử bắn hay bị nhấn chìm tập thể.
Sự căm hờn đối với công giáo và các truyền thống của tôn giáo này đã đưa tới những quyết định thái quá. Vào tháng 10 năm 1793, lịch công giáo được thay thế bằng cách tính ngày lễ cách mạng. Cách tính này bắt đầu từ ngày 22 tháng 9 năm 1792, nghĩa là hôm sau ngày tuyên bố chính thể Cộng Hoà. Năm được chia ra thành những tháng mỗi tháng gồm ba thập kỳ (ba tuần mười ngày), mang những tên tưởng tượng như ”đâm chồi”, nở hoa, tháng nóng, tháng quả. Ðó là sáng tạo của một người mơ mộng nghiện thơ phú. Ngày thứ mười của mỗi thập kỳ trở thành ngày nghỉ, hủy bỏ ngày chúa nhật. Một bước tiến mới, giống bước tiến trước đây, trong cùng một chiều hướng tiên báo sự mù quáng man rợ của cách mạng đối với giá trị truyền thống, và thiếu ý nghĩa lịch sử mà thời đó biểu hiện. Bước tiến này là sự thành lập phái tôn thờ lý trí. Phái này khởi đầu với những câu lạc bộ Jacobin tại Paris và Công Xã Paris mà họ hoàn toàn điều khiển. Trong ý tưởng ngây thơ của một vài người cuồng tín, phái tôn thờ lý trí này phải có quyền triệu tập tín đồ thuộc mọi thành phần ít ra có tư tưởng lý thần luận là điều mọi người công nhận, tin vào một hiện hữu siêu việt, đấng khi trao ban cho con người lý trí, đã làm cho con người trở nên chủ tể trái đất. Nhưng những người này lại làm nổi bật tính chất vô thần khi nói về thần lý trí, và công khai tuyên bố rằng tôn giáo mới này được dùng để thay thế Kitô giáo. Kết cục, những người có mặt trong Công Xã mà đứng đầu là một người thoái hoá, Pierre Gaspard Chaumette, sẵn sàng hủy diệt Giáo Hội tuyên thệ. Họ công bố những huấn dụ kêu gọi tất cả giáo sĩ bỏ chức linh mục. Tổng Giám mục Paris là Jean Baptiste Gobel, tuyên thệ như một nô lệ, làm gương về sự từ bỏ chức linh mục. Ông tuyên bố rằng từ lúc cách mạng thành công, ông không cần một quốc giáo nào khác ngoài tôn giáo của tự do và bình đẳng, ông đặt trên bàn giấy Công Xã những thư tấn phong, Thánh Giá và nhẫn giám mục của ông và từ chức thừa tác viên công giáo. Ngay sau đó, hai giám mục và một số linh mục theo gương Gobel. Nhưng an ủi và gây cảm động là thái độ của giám mục Henri Grégoire hiện diện lúc đó. Trước và sau biến cố, ông này đã đi quá xa trong vấn đề cộng tác với Cách mạng. Ông luôn là đối thủ tàn bạo của đức giáo hoàng và Toà Thánh. Nhưng bấy giờ ông lại can đảm lăng mạ Gobel và từ khước việc chối bỏ chức linh mục, mặc dầu trước những đe dọa ghê sợ. Chúng ta biết, phần lớn các linh mục Pháp đã tuyên thệ phục tùng Cách mạng, trong đó một số lập gia đình để an thân và bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, trong số các linh mục tuyên thệ, chỉ một phần sáu tuyên bố ”từ bỏ chức linh mục”, số còn lại chừng ba mươi ngàn đã can đảm từ khước lệnh cách mạng, ”nhất định không từ bỏ chức linh mục”. Quả thật, việc Giáo Hội Pháp thoát nạn tan vỡ này đáng coi như một phép lạ.
Việc phụng thờ lý trí là sáng tạo đặc biệt của những người có tinh thần ngông cuồng thuộc thế hệ cách mạng, nhất là Jean Baptiste Cloots, bá tước vùng sông Rhin, gốc Hoà Lan, Hebert người tàn bạo hay đả kích, gốc người bình dân, và một người hung dữ khác, theo đạo Do Thái, gốc Bồ đào Nha, tên là Pereira, một kiểu như Nathan le Sage giữa những người thuộc phái Jacob tại Paris. Việc phụng thờ lý trí này đã khai mạc một cách long trọng ngày 10 tháng 11 năm 1793 tại nhà thờ chính toà Paris. Trong cung thánh người ta dựng lên một vật giống tảng đá và trên đỉnh là một ngôi nhà có hình đền thờ. Một đoàn thanh nữ sắp hàng dưới chân và trên sườn tảng đá, rồi từ đền thờ nhỏ xuất hiện một nữ diễn viên mặc áo dài trắng áo khoác màu thanh thiên và mũ chỏm đỏ. Cô tới ngồi trên ghế nhung xanh, trong khi các thiếu nữ đến chào nữ thần Lý Trí và hát quốc ca. Sau đó một diễn giả được hoan hô nhiệt liệt, đã tuyên bố rằng sự cuồng tín đã thực sự nhường chỗ cho công chính và chân lý, từ nay không còn linh mục, không còn Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa mà thiên nhiên đã tỏ lộ cho nhân loại. Sự phô diễn quê kịch này được lặp lại trong nhiều tháng kế tiếp tại các thủ phủ, tỉnh lỵ. Nhiều nhà thờ đã biến thành đền thờ Lý Trí, nhiều nhà thờ khác bị phá hủy, hoặc bị phá hoại một cách đáng sợ. Một vài nhà thờ chính toà, chẳng hạn tại Chartres, chỉ một chút nữa là bị phá hủy. Những kinh hoàng của thời đại này đã gây căm phẫn trên toàn Âu châu, và làm cho dân chúng xúc động. Sự quái đản càng gia tăng, tiếng tốt của nền cộng hoà càng bị giảm sút. Ðiều đó giải thích phần nào lý do khiến ủy ban cứu quốc quyết định can thiệp mau lẹ tại Pháp, truất phế Công Xã.
Chính Maximilien Robespierre, linh hồn của phái Jacob và ủy ban Cứu Quốc thời đó, đã dẫn đầu cuộc phản động. Người loạn thần kinh này là môn đệ cuồng nhiệt của Rousseau, một đạo sĩ, một người lý tưởng, bị ám ảnh hơn ai hết về một xác tín: mọi người sinh ra không những được tự do bình đẳng, mà còn thanh liêm nữa. Cũng như Rousseau, đây là một nhân vật đạo đức, luôn biện hộ cho thiên đàng tại trần thế nhưng vẫn kiên trung xác tin ”linh hồn bất tử”. Ðối với ông, lý trí không thể là một nữ thần, vì ông cho rằng vận mệnh của lý trí là phải tiêu tan trước huyền nhiệm. Chỉ một lý do ấy cũng đủ làm cho ông ghê tởm cuộc trình diễn thô kệch tại nhà thờ Ðức Bà. Những chống đối của ông trong hội Jacob, bó buộc quốc hội phải can thiệp. Quốc Hội đã ra sắc lệnh cấm tất cả mọi hình thức kiềm toả Giáo Hội theo Hiến Pháp, cấm việc đóng cửa nhà thờ, cấm mọi tuyên truyền vô thần. Sau đó Robespierre đòi đưa ra toà tất cả những người cầm đầu Công Xã. Kết cuộc, vào tháng 3 năm 1794, Chaumette và Danton bị xử tử cùng với những người khác, vài tuần sau đến lượt Gobel, cựu giám mục. Một tháng sau, ông giải thích tại Quốc hội dự án của ông về Quốc giáo đối với vị Tuyệt Ðối, dựa trên hai tín điều: tin vào Hữu Thể Tối Cao và linh hồn bất tử. Do sắc lệnh ngày 7 tháng 5 năm 1794, Quốc Hội thiết lập Quốc giáo: đó là thắng lợi của phái hữu thần. Vào cùng thời kỳ này quốc hội quyết định di chuyển linh cữu của Rousseau vào điện Panthéon. Quyết định này liên hệ tới quốc giáo. Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 8 tháng 6 năm 1794, khai mạc long trọng tôn giáo mới tại điện Tuileries. Nghi thức này không kém phần lố bịch hơn nghi thức ngày 10 tháng 11 năm 1793. Robespierre đã diễn thuyết tại đây như một linh mục thượng phẩm. Thật ra đó chỉ là một lối trá hình thảm thương. Nhưng tôn giáo thờ Hữu Thể Siêu Việt này được một số người đương thời công nhận như một khởi điểm cuộc trở về với Công giáo (12) và không thể chối cãi được rằng điều đó đã có trong ý hướng của tác giả nghi thức này. Nhưng sáng tạo của Robespierre cũng không lâu bền. Thật lạ lùng khi nghĩ rằng chính lúc này sự ghê sợ đạt tới tột đỉnh trong điên rồ đẵm máu. Giữa ngày 8 tháng 6 và ngày 27 tháng 7, ngày mà phản ứng của tháng nóng (thermidor) đòi Robespierre và gần bảy mươi đồng đảng phải chuộc lỗi bằng mạng sống, mỗi ngày khoảng chừng mười người bị hành quyết. Ngày 9 tháng nóng, tức 27 tháng 7 năm 1794, chế độ khủng bố chìm trong máu. Do đó Giáo hội và tôn giáo được một thời lắng dịu. Thời kỳ này kéo dài khoảng 3 năm, tới phản ứng của ngày 18 tháng kết quả (fructidor), ngày 4 tháng 9 năm 1797.
IV. SAU THÁNG NÓNG (Thermidor)
Ðể khởi đầu, không có thay đổi lớn. Ngay giữa những người chủ trương tháng nóng (thermidor), những đối thủ của Giáo Hội và tôn giáo, như Fouché, Fréron và Tallien, những người ra mẫu mực, họ nghi ngờ rằng Robespierre, con người bung xung của họ, đã trả lại vinh dự cho Giáo Hội một cách quá đáng. Thời bách hại kéo dài, nhiều người bị bắt giam, rồi máy chém liên tục hoạt động đẫm máu trên những người trốn tránh bị bại lộ. Thỉnh thoảng những người cuồng tín chủ trương một lối phụng tự dân sự, nơi này tôn thờ lý trí, nơi khác tôn thờ hữu thể siêu việt. Trên những lãnh thổ dần dần chinh phục được từ năm 1794, Hoà Lan phía nam, và tả ngạn sông Rhin, người ta áp dụng cùng một lề luật, và cũng có khi thực hiện một trong hai phụng tự nói trên: tại Anvers, thì tôn thờ lý trí, tại Maestricht, trong nhà thờ thánh Gervais, và tại Aix-la-Chapelle, trong nhà thờ chính toà, lại tôn thờ Hữu thể siêu việt. Hơn nữa, những người thuộc phái tháng nóng (thermidor) ước mong giải thoát quốc gia lụn bại khỏi những nghĩa vụ đối với Giáo Hội và giải phóng hàng giáo sĩ bằng việc tục hóa. Dự định này được thi hành ngày 18 tháng 9 năm 1794 bằng một sắc lệnh của quốc hội, sắc lệnh này xóa bỏ mọi ngân quỹ dành cho tôn giáo.
Từ lúc này, người ta cảm thấy có phần hoà hoãn. Một bằng chứng rõ rệt được nhận thấy trong bài tham luận của giám mục tuyên thệ là Grégoire, tại quốc hội ngày 21 tháng 12 năm 1794. Bài tham luận này đã không bị trừng phạt nhưng được một số người tán thưởng. Thuyết trình viên đã can đảm nhận định rằng tình hình thực hữu trái ngược với hiến chương nhân quyền: ông không ngần ngại tố cáo những đồng nghiệp muốn tìm mọi cách trừ tuyệt công giáo. Ông tuyên bố là có tự do tín ngưỡng tại Turquie, Maroc và tại Algerie, nhưng không có tại Pháp. Bài diễn văn can đảm này gây ra tại quốc hội những chống đối mạnh mẽ. Nhưng đó chính là dấu hiệu người ta mong đợi. Tại một vài nơi khác nhau, những linh mục lẩn trốn đã bắt đầu xuất hiện, nhờ đó, có thánh lễ đều đặn trong các nhà thờ không bị xâm chiếm. Chính quyền địa phương bề ngoài không còn can đảm và ý muốn chống lại các việc đạo đức ấy nữa.
Tình trạng này kéo dài tới tháng 2 năm 1795, khi quốc hội chấp nhận một đạo luật về sự tách rời Giáo Hội với Quốc gia. Mất hết các điểm tựa của quốc gia, Giáo Hội được quyền cử hành việc phụng tự trong nội vi thánh đường, nhưng tất cả những biểu lộ bên ngoài, ngay cả tiếng chuông nhà thờ đều bị cấm đoán. Ðiều này áp dụng cho Giáo hội thuộc người tuyên thệ cũng như Giáo Hội thuộc người không tuyên thệ. Nhưng cả hai Giáo hội đều bị thiệt thòi trầm trọng, một đàng vì các linh mục bỏ chức và lập gia đình một đàng vì nhiều linh mục bị giết chết, bị đày ải và di tản. Tuy nhiên, tai họa không làm đôi bên xích gần lại với nhau; đôi bên vẫn tiếp tục chia rẽ, không thể giải hoà được: có hai Giáo hội, hai hàng giám mục kình địch với nhau; mỗi Giáo Hội có cơ quan ngôn luận riêng. Tập san công giáo cho Giáo hội tuyên thệ, tập san công giáo cho Giáo Hội Roma, hai tập san này chống nhau kịch liệt. Nguyên những việc đó tiếp tục xẩy ra mà không bị trừng phạt, cũng là một bước tiến rõ rệt rồi.
Chỉ có một điều dễ dàng cho những giám mục tuyên thệ, nhất là đối với Grégoire, một giám mục can đảm nhưng không nhân nhượng đối với Roma, được giới cầm quyền che chở, còn những giám mục chống đối không được một nâng đỡ nào. Một bằng chứng là sắc lệnh ngày 30 tháng 5 năm 1795 cho phép các linh mục thu hồi các nhà thờ và nhà xứ với điều kiện phải tuân hành những luật lệ của nền Cộng hoà. Như Grégoire đã tiên đoán, phần lớn các linh mục không tuyên thệ từ khước thi hành sắc lệnh này, vì các luật lệ đương thời luôn có nhiều điểm trái nghịch với tín lý của Giáo hội hoặc với luật Hội Thánh. Một lần nữa lại có cuộc bút chiến chung quanh vấn đề này. Trong cuộc bút chiến này nhiều giám mục di cư, và cả vua Louis XVIII tham dự, ủng hộ sự chống đối non possumus (chúng tôi không có thể). Dù đang bị lưu đày, chính nhà vua đã tiên liệu một giao hoà bằng mọi giá giữa Giáo hội và nền Cộng Hoà, sự giao hoà này làm tổn thương quyền lợi riêng của nhà vua. Trong lúc đắng cay nghiệt ngã đối với nền Cộng Hoà, một số người không ngần ngại phổ biến những thư mạo danh của đức Giáo Hoàng Pie VI cấm không được tuyên thệ. Ðó chính là những đoản thư của các giám mục di tản, các vị này đã tỏ ra mù quáng trước những biến chuyển đang diễn ra trong nước Pháp. Tại đây, chính các linh mục và giáo dân, ngay trong vấn đề tôn giáo, cũng không hiểu được rằng những nhu cầu của các linh hồn có thể bào chữa cho một số hy sinh.
Tất cả những khó khăn này trở nên dữ dội hơn khi hàng ngàn người di cư hồi hương, họ tỏ thái độ khiêu khích đối với nền Cộng hoà, làm cho quốc hội cương quyết hơn về nghị định ngày 30 tháng 5 năm 1795. Nghị định ngày 29 tháng 9 năm 1795 bắt phải thề theo công thức: ”Tôi công nhận rằng toàn thể công dân Pháp có chủ quyền, tôi thề hứa vâng phục luật lệ Cộng Hoà”. Hơn nữa các giáo sĩ phải thề không cho đọc trong nhà thờ những thư luân lưu của các giám mục ở ngoài nước Pháp, điều này rõ ràng nhằm riêng các giáo huấn của những giám mục di cư.
Chính sách về tôn giáo của Ủy ban lãnh đạo đầu tiên (từ tháng 10 năm 1795 đến tháng 9 năm 1797), nhất là nhờ thái độ ôn hoà của Ban lập Pháp và Hội đồng Năm-trăm (Cinq-cents), và của thượng viện, là tiếp tục chính sách của Quốc Hội thời Thermidor. Tháng 12 năm 1796 Ủy Ban lập pháp ra lệnh bãi bỏ luật chống các linh mục không tuyên thệ. Tuy nhiên, từ lúc đó người ta thấy có sự dè dặt trong Ủy ban lãnh đạo, tiếc rằng thái độ chính trị của nhiều người không tuyên thệ đã tạo nên sự dè dặt này. Cách chung, ngay cả những người không tuyên thệ cũng được sống yên hàn và được cử hành mọi nghi lễ phụng tự, trừ những điều cấm nói ở trên và họ không được một nâng đỡ nào từ phía chính quyền.
Nhưng vì những bất mãn của phe cực tả bộc lộ ngày càng rõ rệt tại Paris, nhất là vì cuộc mưu phản đẵm máu theo thuyết ngàn năm cộng sản của phóng viên Gracchus Babeuf, tháng 5 năm 1796 (13), Ủy ban lãnh đạo phải cố gắng nhiều để xích gần lại với phe hữu. Nhờ những cố gắng ấy, bầu khí êm dịu được phục hồi, việc phụng tự công cộng được tái thiết, và sau cùng mọi sắc luật chống Giáo Hội dần dần bị hủy bỏ.
Biến chuyển chính trị tại Âu châu cũng đi tới ước vọng chung sống hoà bình, từ khi các đạo quân của Pichegru và của Jourdan đã bành trướng để thực hiện ước mộng của Louis XIV: nước Bỉ là phần đất bị chiếm và bị sát nhập vào Pháp. Miền Bắc Hoà Lan, được kịp thời thoát khỏi tay kẻ mà người ta gọi là Thống đốc tài phiệt, và trở thành: ”Cộng Hoà Hoà-Lan”, một lãnh thổ chư hầu của Pháp. Sông Rhin trở nên biên giới phía đông của Cộng Hoà. Một hoà ước được ký kết với Phổ và Tây Ban Nha. Những người ôn hoà nhất trong giới chính trị Pháp, do sự trung gian của Tây Ban Nha, đã bắt đầu thăm dò ý kiến Roma để đi tới việc tái lập liên hệ ngoại giao, và sau đó bồi thường danh dự cho Giáo hội và hàng giáo sĩ.
Nhưng những thành viên của Ủy Ban lãnh đạo xem ra chưa muốn làm hoà với Roma. Như đã trình bày ở trên, sau khi đại tướng Bonaparte làm chủ nước Ý, Paris mới sẵn sàng ký kết một tam ước. Trong những tương quan nội bộ, tam ước này hầu như đã được qui định do luật ngày 24 tháng 8 năm 1797: luật này chấp thuận cho các linh mục tuyên thệ hay không, được hoàn toàn tự do thi hành chức vụ của họ, bãi bỏ tất cả các bản tuyên thệ, và cho phép một vài biểu lộ bên ngoài, chẳng hạn điểm chuông nhà thờ. Vì tiên đoán có luật giải phóng này, hàng ngàn linh mục di cư đã trở về Pháp trong vòng mấy tháng trước đó. Vào tháng 6 năm 1797 người ta nói tới khoảng 12 hay 13 ngàn (14) linh mục, phần lớn từ Anh Quốc trở về. Tiếc thay một số trong các ngài, chẳng bao lâu sau đã làm tổn thương cho tôn giáo khi vì nhiệt tâm mù quáng, họ đã thông đồng với những người theo chủ nghĩa quân chủ.
Nhưng luật mới này lúc đầu không được thi hành, vì ngay ngày 4 tháng 9 đã xảy ra cuộc đảo chính tháng kết quả (Fructidor). Cuộc đảo chính này bùng nổ một phần vì sự bất mãn về chính sách ôn hoà đối với Giáo Hội. Nó tiêu biểu cho một khúc quanh lịch sử nguy hiểm cho phe tả. Guồng máy pháp lý chống tôn giáo trước kia được tái lập và một sắc lệnh mới trong cùng một tháng bắt buộc mọi linh mục thề 'hận ghét vĩnh viễn chế độ quân chủ'. Chính mối ”thù hận muôn đời” này đã gây ra những chia rẽ mới trong hàng giáo sĩ, từ trên xuống dưới. Có lẽ phần đông các cha xứ thôn quê, do kinh nghiệm đắng cay, cho rằng việc ngưng chức mục vụ là một tai hoạ lớn hơn hết cho xứ đạo. Vì thế, họ cho rằng tuyên thệ là hợp pháp và họ đã thi hành. Các giám mục di cư, trái lại, ngay từ rất sớm, đã tuyệt đối cấm thề, và trong các thư luân lưu, các ngài cho rằng lời thề đó là ”quái dị ghê tởm, vấp phạm và bội thề”. Nhưng các vị khác do dự, bá tước Von Franckenberg, tổng giám mục tại Malines, kiên nhẫn hy vọng một lời cứu vãn từ Roma tới; nhưng ngài đã thất vọng và quyết định không tuyên thệ. Linh mục Eméry, bề trên dòng Xuân Bích, người khôn ngoan, mực thước, hài hoà, tự cảm thấy không có bổn phận phải lựa chọn, vì ngài không có trách nhiệm mục vụ, và đây là điều ngài viết cho một giám mục: Về phần ngài, ngài không muốn tuyên thệ, nhưng ngài xin Thiên Chúa quan phòng giúp cho nhiều linh mục hiểu rằng họ được phép tuyên thệ, để đoàn chiên của họ không bị bỏ rơi (15). Người ta cho rằng đây là một lý luận kỳ dị, nhưng điều đó cho chúng ta hiểu rằng: bấy giờ có sự chiến đấu trong lương tâm của linh mục. Nhưng người tín hữu không được ghét bỏ một số giám mục hoàn toàn trung thành, như Belloy, Mercy và La Tour du Pin. Với hồng y Von Franckenberg, rất đông linh mục, trong lúc bối rối, hy vọng đức giáo hoàng sẽ giải quyết vấn đề đang gây khó khăn cho họ. Hy vọng vô ích, hơn 18 tháng sau tức là tháng 4 năm 1799, có tin đồn miệng lan tràn khắp nước Pháp, là tháng 2 năm 1798 đức Pie VI đã tuyên bố rằng lời thề đó ”tuyệt đối không được phép”. Người ta không ngạc nhiên về lối sử sự của đức giáo hoàng này khi biết rằng lúc thành lập ủy ban lãnh đạo đầu tiên, ngài đã khuyên người công giáo Pháp tuân phục quyền bính này, qua thông điệp ngày 5 tháng 7 năm 1796; nhưng dưới ảnh hưởng giáo triều, ngài đã không phổ biến một cách chính thức thông điệp ấy. Người ta không biết các linh mục nhận được tin muộn mằn như thế sẽ xử trí ra sao, tuy biết rằng một thông cáo truyền khẩu vẫn có một tầm quan trọng nào đó.
Từ tháng 9 năm 1797, Ủy ban lãnh đạo khoá II chỉ đứng được nhờ việc xử dụng những bạo lực khả nghi, những cuộc đảo chính, những cuộc thanh trừng trong tháng hoa (floréal) (tháng 5) năm 1798 và tháng cỏ mọc (prairial) (tháng 6) năm 1799; chính vì lo sợ hão huyền những âm mưu đảo chính của nhóm bảo hoàng được nhiều giám mục hồi cư công khai cổ võ mà ủy ban lãnh đạo khóa II bắt đầu bách hại một cách có hệ thống và đẵm máu. Vào đầu năm 1798, lệnh bắt giữ và đày ải ban ra chống lại chín ngàn linh mục Bỉ, một nước đang chuẩn bị phản loạn, và hai ngàn linh mục Pháp. Nhưng phần lớn các trát lệnh này vô công hiệu, hoặc vì các tín hữu biết che giấu các vị chủ chiên của họ, hoặc vì thái độ mềm mỏng của chính quyền địa phương, và có lẽ cũng do sự thiếu thoả thuận ngay trong ủy ban lãnh đạo. Hình như không quá 10 phần trăm số người liên hệ bị bắt giữ, và trong những người bị giữ này không quá một phần tư, tức chỉ khoảng hai hay ba trăm, đã bị đày đi đảo Guyane. Trong khi chuyên chở bằng đường thủy, và trong lúc bị đày, quãng một nửa bị chết. Trong những phúc trình khác, người ta nói đến gần một ngàn người bị giam giữ tại đảo Ré và đảo Oléron. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 1798, ít nhất 40 linh mục bị xử bắn, nhưng thực ra những án tử hình và tù đày vì lý do chính trị nhiều hơn là vì lý do tôn giáo.
Trong những năm này, Giáo Hội Pháp yếu liệt và nghèo đi, nhưng được thanh lọc do việc tuẫn giáo, và càng ngày càng mang hình thức và bản chất một Giáo Hội truyền giáo, được kín đáo quản trị do các cha chính địa phận đang trốn tránh, các ngài ẩn danh lâu ngày đối với đa số linh mục. Giáo Hội này được các linh mục lưu động phục vụ, giữa các ngài, có những tu sĩ ra khỏi dòng, các ngài giả dạng khi đi lại để cử hành thánh lễ ban đêm, hoặc trong những giờ bất thường, trong các chuồng vật hay tại kho lẫm. Sau cùng tại một vài nơi, giáo dân duy trì đức tin sống động qua nhiều năm nhờ việc thực thi trộm vụng các nghi thức tại tư gia.
Giữa các linh mục, sự phân biệt tuyên thệ hay không tuyên thệ giảm dần, đa số những vị tuyên thệ cũng sống nghèo như các vị khác và đã nhìn nhận sự lầm lẫn của mình. Nhưng mối nguy hại là các linh mục không tuyên thệ đồng hóa sự nghiệp của nhà Bourbons với sự nghiệp của tôn giáo, họ cổ động chống cách mạng, họ kết án hàm hồ và công khai chống lại công trình xây dựng nền Cộng Hoà, chống lại tất cả những vụ chiếm hữu ”tài sản đen”. Tất cả những dữ kiện ấy tiếp tục làm tổn thương cho việc kitô giáo hoá, là việc hợp với nhu cầu thời đại, và hơn nữa, là việc ích lợi cho nền Cộng Hoà. Một số Giám mục hồi cư đã cho những chỉ đạo tai hại cho công việc này, khi họ phổ biến chui các thư luân lưu, chẳng hạn đức cha Nicolay tuyên bố rằng đạo Công Giáo không thể tồn tại nếu không có chế độ quân chủ, hay như đức cha La Fare cho là rối đạo khi tin rằng chế độ quân chủ không cần thiết cho sự cứu rỗi ở đời này.
Vả lại, người ta có thể nói rằng giữa tháng 8 năm 1797 và tháng 9 năm 1799, công giáo trở nên thịnh vượng, cho dù vẫn mang những nét buồn tê tái là tình trạng xã hội bỏ đạo. Lúc thất thế, Robespierre đã lôi kéo theo ông đạo thờ Hữu Thể Siêu Việt. Ðạo thờ Lý Trí cũng bị loại bỏ, không còn vết tích gì. Việc giữ ngày chúa nhật đã thay thế cho lễ tuần mười ngày Nhưng một đạo mới xuất hiện thế chỗ, đó là đạo của những người theo thuyết ”kiêm ái thần nhân” (Théophilanthropes). Sự hiện thân mới của tôn giáo tự nhiên này, trong phần cốt yếu không có gì khác với đạo thờ Hữu Thể Siêu Việt của Robespierre, là sáng tạo của một nhà quý tộc, ông lùn có bướu lưng, tên là Louis Marie La Révellière. Người mơ mộng này là thành viên của Ủy ban Lãnh đạo từ tháng 10 năm 1795 tới tháng 6 năm 1799, ông đặc biệt giảng dạy về tình yêu, một giảng viên hoà hợp nhưng cương quyết, không khôi hài, đúng tiêu chuẩn của những người làm cách mạng. Còn một đồng nghiệp của De La Révellière, một chiến thuật gia khiêm tốn là ông Laza Carnot, một hôm đã tuyên bố: ”Nếu không có tuẫn giáo, người ta không nhận ra một tôn giáo tốt, vậy, để đạo của ông có kết quả ông phải bắt đầu làm cho người ta treo cổ ông”. Nhưng thái độ trớ trêu này không dập tắt được ngọn lửa của La Révellière. Ông có người bán sách tại Paris tên là Jean Baptiste Chemin, như cánh tay phải để thực hiện dự định về tôn giáo của ông. Ông này sáng tác một loại thủ bản của tôn giáo mới và một cuốn sách kinh, có cả các nghi thức. Sau một thời gian đạo mới này đã thu hút được một số người có óc thi phú. Trong những tháng đầu năm 1798 tôn giáo mới này được thực thi tại mười lăm nhà thờ ở Paris. Các tín đồ tụ tập chung quanh một bàn thờ hình tròn, có trang hoàng hoa trái, một độc giả mặc áo dài trắng cất tiếng hát, cáo nhận tội lỗi và lời nguyện. Phần lớn các nghi thức được phỏng theo truyền thống công giáo, như nghi thức về phép rửa tội, tuyên xưng đức tin, hôn phối, an táng. Phần còn lại, người ta có thể nhận ra ảnh hưởng các nghi thức tam điểm. Không hơn gì nhóm Tam Ðiểm, thuyết kiêm ái nhân thần (16) (théophilanthropie) không thâm nhập vào quần chúng: trong một thời gian, đây chỉ là một thứ giải trí tinh hoa cho phái thượng lưu.
Cuộc đảo chính ngày 18 tháng sương mờ năm VIII (ngày 9 tháng 11 năm 1799) không mang lại một thay đổi nào cho tình thế rối loạn bấp bênh đang ngự trị. Giáo Hội theo Hiến Pháp đã và còn đang là một ảo tưởng tan biến dần. Ngay Công đồng quốc gia, họp vào cuối năm 1797, được Grégoire ngầm hướng dẫn cũng không thể làm Giáo Hội sống lại được, mặc dầu ông này hoạt động không ngừng. Trừ ở một vài tỉnh, giới hữu trách dân sự tiếp tục căm phẫn tôn giáo một cách điên khùng, khắp nơi, nếu ai thật sự muốn đi lễ và nhận lãnh các bí tích thì vẫn có thể làm, không sợ nguy hại đến tự do và an ninh bản thân, đó là trường hợp những người coi thường dư luận. Hậu quả tai hại do chiến dịch chống giáo sĩ kéo dài trong mười năm, và việc tuyên truyền chống tôn giáo, nhất là trong các trường học, người ta tuyên truyền một cách trơ trẽn và đầu đọc giới trẻ chống đối Giáo Hội và tôn giáo. Chỉ nhìn điều đó, ai cũng phải nhận thấy ”đức tin đã mất rồi”. Có lẽ đây là tình trạng chung của đa số: thiu ngủ giữa hy vọng và lo sợ, trong khi đợi chờ cái mà vị tổng tài đệ nhất đang nghiền ngẫm. Ông này đã ủy thác cho Fouché, một cựu khủng bố viên, chức giám đốc cảnh sát. Ông đặt giám mục thời danh Talleyrand làm bộ trưởng ngoại giao: tất cả những điều đó chỉ tạo nghi ngờ cho các linh mục và giáo dân.
Khoảng một tháng sau ngày nhậm chức, Bonaparte ban hành sắc lệnh bắt buộc các linh mục thề trung thành với hiến pháp: Một tranh luận mới bùng nổ về vấn đề lương tâm. Có những giám mục phần lớn tá túc tại nước ngoài, đã tuyên bố ”tuyên thệ là tội trọng”. Sự nghi kỵ còn khá lớn. Tại Paris cũng như tại thôn quê, đa số linh mục nhất quyết không tuyên thệ. Nhưng đầu năm 1800, tư tưởng đối nghịch lại thắng thế và vào cuối năm, tư tưởng này toàn thắng vì có hoà ước ký kết giữa đức tân Giáo hoàng với vị Tổng tài đệ nhất.
V. TRONG NHỮNG NƯỚC BỊ CHINH PHỤC.
Vào năm 1794-1795 các tướng Jourdan, Hoche và Pichegru đã xâm chiếm và sát nhập vào Pháp vùng tả ngạn sông Rhin thuộc Ðức và Nam Hoà Lan, do đó đã thành lập Cộng Hoà Batavie. Hiệp định La Haye, ký vào tháng 5 năm 1795, nhìn nhận quyền tự trị của Batavie, nhưng với điều kiện nặng nề: bị coi như một nước chư hầu. Cũng thế, những cuộc hành quân của Bonaparte trong bán đảo Apennins đã đưa đến việc thiết lập Cộng Hoà Ligure (Gênes), Cộng Hoà Cispadane (Romagne thuộc giáo hoàng) và Cộng Hoà Roma. Năm 1798 có những phương thức tương tự, đã đưa đến việc thành lập Cộng Hoà Thụy Sĩ, Cộng Hoà này quy tụ các quận Thụy Sĩ dưới một hiến pháp thống nhất, đặc biệt phụ thuộc vào Pháp, trừ một số phần đất sát nhập hẳn vào Cộng Hoà Pháp.
Tại các lãnh thổ sát nhập, những sắc lệnh liên quan tới Giáo hội và tôn giáo không hẳn tự động được công bố để thi hành. Ðó là một lợi điểm, nhất là trên lãnh thổ Ðức, thuộc tả ngạn sông Rhin. Thường thường người ta chỉ đạt tới điểm đó sau hoà ước năm 1801 với nhiều phiền hà cho Giáo Hội; chính vì thế mà những dòng tu được kính nể tới năm 1801, trừ những phiền nhiễu do sáng kiến của công chức chống giáo sĩ. Ở đây cũng thế, người ta bắt buộc các giáo sĩ phải thực hiện lời thề nổi danh ”muôn đời hận thù”. Do đó, các linh mục từ chối tuyên thệ bị cấm thi hành chức vụ và cư trú trong các xứ đạo. Nhưng trong thực tế, vụ việc đó không đưa tới đâu, nhất là trong các vùng sông Rhin, Moselle, và Sarre. Dân chúng chấp chứa các linh mục và trên cương vị rộng lớn, họ đã thụ động phản kháng chống lại những công chức Pháp. Ðồng thời những công chức vùng sông Rhin thường xuyên phản bác những sắc lệnh chống Giáo hội. Việc du nhập lịch cách mạng hầu như chỉ còn là những chữ chết trong toàn lãnh thổ.
Luật lệ của người Pháp gây ra những hậu quả trầm trọng hơn tại Nam Hoà Lan. Nước này thời đó gồm vương quốc dân sự hoá của giám mục vùng Liège, cũng như các miền tạo thành tỉnh Limbourg, ngày nay đã trả về cho Hoà Lan. Ðây là địa điểm đã chịu các hậu quả nền Cộng Hoà Pháp nhiều hơn cả. Cách mạng vùng Brabant lênh đênh giữa hai luồng tư tưởng đối nghịch, đã cho thấy rằng từ những năm 1787-1790 đạo công giáo đã ăn sâu vào lòng dân đến mức độ nào, và trong đời sống dân chúng, đạo có khả năng giúp cho một lớp người có bản chất hoà bình, mạnh mẽ chống lại tất cả những tấn công vào quyền lợi của Giáo Hội. Tới lượt những người chinh phục Pháp nhận ra các điều bất lợi cho họ. Bắt đầu từ ngày 1 tháng mười năm 1795 những lãnh thổ nói tới trên đây, bị sát nhập vào Cộng Hoà Pháp, chia thành 9 tỉnh, đứng đầu là một Ủy viên tại Bruxelles, một luật sư người Pháp tên là Bouteville. Nhưng người ta dành ưu tiên cho tổ chức hành chánh dân sự, hơn là cho các việc về Giáo Hội. Ðến mùa thu năm 1796 không còn thay đổi nào khác về tình thế, ngoài quy luật về việc kéo chuông nhà thờ. Ngoài ra chỉ có sự kiểm soát và tìm kiếm những người di cư Pháp, các linh mục và giới trưởng giả.
Nhưng tháng 9 năm 1796 tình hình trở nên căng thẳng khi đa số những sắc lệnh Pháp được thi hành đối với các dòng tu và các tổ chức của Giáo Hội, mặc dầu tại Pháp có sự ôn hoà đối với các chủng sinh, các dòng nữ chuyên ngành giáo dục, hoặc nhà thương hơn. Theo một ước lượng khôn ngoan, trên tất cả lãnh thổ Bỉ đã nói trên đây, gần 500 tu viện, đan viện bị bãi bỏ, và chừng 15 ngàn nữ tu và tu sĩ bị hồi tục và không có nơi cư trú, mặc dầu họ được cấp dưỡng lương thực. Do việc tịch thu này nhà nước đã có được từng triệu quan. Nhà nước bắt đầu bán những tài sản tịch thu, từ tháng 11 năm 1796, nhưng bán rất chậm chạp vì dân chúng Bỉ ít náo nức theo. Vì nền kinh tế của nhà nước quá túng quẫn, ban lãnh đạo (từ tháng 9 năm 1797 tới tháng 11 năm 1799) và chính quyền có khuynh hướng bán rẻ. Ðiều này làm dân chúng ham mua. Trong những năm đó, nhiều người Bỉ đã tậu được ”những tài sản đen” với những điều kiện rất lợi: do đó tạo nên một số người tận tâm với chế độ mới, những người này đa số thuộc cấp trưởng giả ở thành phố.
Khi áp dụng vào nước Bỉ, sắc lệnh buộc các giáo sĩ thi hành lời thề thời danh ”muôn đời hận thù”, thì phe tả thắng thế, gây ra cuộc đảo chính vào tháng kết trái (fructidor) làm xáo trộn và hỗn loạn. Các giám mục phải di cư, ngay cả những vị ôn hoà nhất, như đức hồng y Von Franckenberg và đức cha de Nélis, giám mục Anvers. Cùng với những luật lệ khác đặt ra tại Bỉ sau tháng kết trái, những luật chống Giáo Hội càng ngày càng làm tăng xáo trộn, bắt đầu từ tháng 9 năm 1797. Vào tháng 10, đại học Louvain, niềm danh dự và kiêu hãnh của cả nước, mặc dầu suy vi từ đầu thế kỷ XVIII, đã bị đóng cửa và giải tán. Sau đó người ta đóng cửa các nhà thờ, tiêu hủy những công trình kiến trúc tôn giáo và văn minh. Vấn đề phải tuyên thệ cũng gây chia rẽ giữa các linh mục Bỉ. Ở đây cũng thế, một thiểu số tin rằng có thể nhún nhường để lợi cho các linh hồn. Những thành phần trong thiểu số này gặp nhiều khó khăn khi thi hành chức vụ: mọi biểu lộ bên ngoài đều bị cấm, ngay cả việc mặc áo giáo sĩ. Sự xáo động của nước này không làm cho các công chức và chính quyền Paris suy nghĩ, càng ngày họ càng tỏ ra cứng rắn hơn. Vào tháng 11 năm 1797 người ta thành lập danh sách những người từ chối tuyên thệ; trong lục cá nguyệt đầu năm 1798, người ta xử dụng những biện pháp cưỡng bức để chống lại họ. Trước khi chiến tranh nông dân bùng nổ, chiến tranh mà chúng tôi sắp nói tới, gần 600 linh mục Bỉ bị kết án đi đày. Ðược dân chúng che chở, ít ra 500 vị trốn thoát được: từng trăm linh mục khác bị khám phá và trong mức độ có thể, các ngài bị đày sang Guyanne, và phần lớn chết ở đó.
Sự căm phẫn đối với chính sách tàn bạo chống tôn giáo này có lẽ là căn nguyên chính gây ra cuộc chiến tranh nông dân, mặc dầu lệnh tuyên bố động viên vào tháng 9 năm 1798 để báo hiệu chiến tranh này. Cuộc nổi dậy tàn sát trong vòng 3 tháng; điều làm cho chính quyền dân sự và quân đội Pháp rất ngạc nhiên là biến cố này đã làm tổn thương nặng nề cho thế giá của nền Cộng hoà. Do đó họ đã tàn ác dập tắt và trừng phạt những người nổi dậy. Họ còn canh chừng hơn khi việc áp dụng luật động viên đã đưa tới những xáo trộn mới và những phá hoại tại nhiều nơi. Nhiều địa phương hủy bỏ sổ hộ tịch để không thể bị kêu gọi nhập ngũ. Trong gần một năm, nước Bỉ đã sống trong tình trạng giới nghiêm: những đoàn quân lưu động rảo khắp vùng quê, bắt bớ khắp nơi, đến nỗi mùa xuân năm 1799 các nhà ngục đầy tràn tù nhân.
Không ngạc nhiên gì khi đa số những báo thù nhằm vào các linh mục chính xứ, vì trong cuộc chiến tranh nông dân, và chống động viên, các ngài thường nâng đỡ những người chống đối về phương diện tinh thần, và đôi khi, cả về phạm vi vật chất nữa. Chính điều đó giải thích tại sao một số lớn linh mục Bỉ bị bắt và bị đày: hơn 900 bị chỉ định đích danh đi đày. Nhưng cuộc săn bắt các linh mục tương đối ít thành công. Rất đông linh mục có tên đã trốn thoát nhờ sự che chở của giáo dân và nhờ sự mềm mỏng của chính quyền địa phương vì họ sợ dân chúng báo thù. Các ngài lẩn trốn tới cuối năm 1799, một năm rất xáo động tại Bỉ.
Cuộc đảo chính ngày 18 tháng sương mù (brumaire) cho phép các tỉnh nghỉ xả hơi. Chỉ một tuần lễ sau cuộc đảo chính, lời thề ”oán hận muôn đời” được tuyên bố hủy bỏ và được thay thế bằng lời thề trung thành với Hiến pháp. Biện pháp này đã làm cho từng ngàn linh mục đang lẩn trốn xuất hiện. Ít lâu sau những người bị đày tại đảo Ré và Oléron cũng trở về, sau cùng là ít người còn sống sót tại Guyane hồi hương. Các nhà thờ được mở cửa lại, từ tháng giêng năm 1800 các nghi thức tôn giáo được cử hành đều đặn, chỉ cấm những nghi thức cử hành ngoài nhà thờ. Tuy nhiên tất cả linh mục phải sẵn sàng tuyên thệ lời thề đã được cải đổi. Ðược hỏi ý, Roma vẫn giữ thái độ yên lặng. Các giám mục di cư, cả đức Von Franckenberg, cấm các linh mục tuyên thệ. Trong cuộc bút chiến mới, hai bên hăng say đâm xổ vào nhau. Giữa những người về phe chống đối với Cornelius Stevens, cha chính địa phận Namur giữ vai trò quan trọng. Sau này người ta đã gán ghép tên ngài cho giáo phái ”stéveniste”, giáo phái này đã cương quyết từ khước hoà ước ký năm 1801 giữa đức Pie VII và đệ nhất lãnh sự.
Tại những tỉnh Liên Hiệp, từ mùa Xuân năm 1795 được gọi là Cộng Hoà Batave, Cách mạng đóng một vai trò khác hẳn. Thay vì gây ra cho Giáo Hội những tổn hại lớn lao, thì ngược lại, trong vùng Bắc Hoà Lan, Cách mạng đã giải phóng những người công giáo mà trước năm 1795 đã được châm chước nhưng phải đóng thuế nặng và bị tước quyền công dân. Dầu không kém bốn mươi phần trăm dân số, người công giáo không được quyền giữ những chức vụ công cộng và chỉ có thể cử hành các nghi thức tôn giáo trong những ngôi nhà mà bên ngoài người ta không thể nhận ra là nhà thờ. Hơn nữa, những tỉnh Liên Hiệp không nhân nhượng cho các tu viện, và từ cuộc ly khai thời danh của Utrecht (1723) những tỉnh này không chấp nhận các giám mục. Nhưng suốt thế kỷ XVIII, trong giới trưởng giả sáng suốt, đã phát sinh những tâm tình nhân nhượng hơn. Những người này góp phần trong toàn bộ tư-tưởng được biết đến dưới danh hiệu Ánh Sáng, và những nhà in tại Hoà Lan đã đóng góp nhiều trong việc truyền bá. Hiến pháp đã dành những chức vụ quản trị cho những thành viên của nhóm người hạn hẹp có tên là tài phiệt ”nhiếp chính”, đa số là tham nhũng; và vị thống đốc Guillaume V vùng Orange-Nassau, đã thụ động để cho những lạm dụng này kéo dài. Những khuyết điểm của chế độ gia tăng, làm phát sinh một nhóm bất mãn mang tên là ”Ái quốc”, đa số thuộc thành phần trưởng giả giàu có và thuộc môi trường trí thức đại học. Họ có thiện cảm với những tư tưởng mà cách mạng Pháp đề cao, nhưng chỉ một cách chung chung, không đồng ý với cách thực thi những tư tưởng ấy. Ðại đa số người công giáo thuộc thành phần này: từ lâu họ mệt mỏi vì Hiến pháp dành cho họ địa vị thấp kém, và họ chán ngán về những người ”nhiếp chính” kiêu căng, và tính nhu nhược của vị thống đốc. Ðó cũng là trường hợp của đa số linh mục, họ tức giận vị sứ thần Toà Thánh tại Bruxelles, ngài đã nhân danh bộ Truyền Giáo, nắm quyền tối cao trên việc truyền giáo tại Hoà Lan. Năm 1792 khi giám mục Césare Brancadoro trốn khỏi Bruxelles, lúc các đạo quân Pháp tới gần, ngài đã xin tá túc tại nhà vị Thống đốc, ngài ngạc nhiên nhận thấy rằng những người công giáo Bắc Hoà Lan coi những người cách mạng Pháp như những vị cứu tinh tương lai của họ. Ngài đã cố gắng ngăn chận những sai lầm này bằng nhiều lá thư mục vụ: phần lớn các linh mục tuyệt đối từ chối không cho đọc.
Sự việc đã diễn tiến như những người công giáo Bắc Hoà Lan mong đợi. Tháng giêng năm 1795, đã xẩy ra cuộc cách mạng với sự giúp đỡ của người Pháp. Cách mạng này đã vĩnh viễn chấm dứt tình trạng nhục nhã của người công giáo. Tôn giáo của họ được hoàn toàn tự do, và chính họ được hưởng tất cả quyền công dân. Có lẽ chính quyền Cộng hoà mới của vùng Batavie bắt các linh mục tuyên thệ: ”Muôn đời oán hận chế độ Thống đốc”. Trừ một thiểu số không đáng kể trong tỉnh Hoà Lan, họ đã hăng hái tuyên thệ. Lúc đầu, những linh mục của ”vùng Phổ quát”, vùng nam Brabant, nơi được coi là đất chiếm từ thời cải cách, cũng được xếp ngoài lệ thường. Nhìn gần hơn những gì xẩy ra trong phần đất còn lại của vùng Brabant và Bỉ, các ngài có một thái độ rất dè dặt đối với cách mạng. Chẳng bao lâu kinh nghiệm sẽ cho họ thấy rằng ngay cả cách mạng cũng mang lại cho họ nhiều điểm lợi, và sự trung thành của họ đối với Cộng Hoà giúp họ khỏi bị truy nã, bách hại.
Tại Roma, thái độ của người công giáo Bắc Hoà Lan không hẳn được tán thưởng như họ mong ước. Không bao lâu, một vài người công giáo có địa vị cao thuộc Bắc Hoà Lan đưa ra vấn đề tái lập phẩm trật giám mục: Toà thánh, đã bị thử thách rất nhiều do cách mạng, không tán thành việc ấy. Tuy nhiên, thời cộng hòa Batavie, đối với người công giáo Hoà Lan, đã là thời kỳ giải phóng và tiến bộ, thời kỳ không bị xáo trộn bởi sai lầm nào, và cũng không có một bóng dáng bách hại. Ðó là mặt phải của cách mạng, đáng được đưa ra ánh sáng hơn là những điều người ta có thói quen tường thuật về thời ấy.