CHƯƠNG V
”AUFKLARUNG” CÔNG GIÁO
(Thời đại Ánh sáng Công giáo)
CHƯƠNG V
”AUFKLARUNG” CÔNG GIÁO
(Thời đại Ánh sáng Công giáo)
I. AUFKLARUNG VÀ VIỆC CẢI TỔ BÊN TRONG GIÁO HỘI
Cho đến thế kỷ XX, chưa có nước nào và vào thời đại nào mà Giáo Hội và tôn giáo đã bị người ta đòi xét lại cho bằng ở nước Ðức dưới ảnh hưởng của phong trào Aufklarung (Phong trào Ánh sáng). Ðem từ ngữ tương tự như thế áp dụng cho một nước khác, chúng ta không thấy có điều gì là thực tế cả. Ở nước latinh, ai không đồng ý với Giáo Hội thì tách ra và cứ ở ngoài mà chống đối với tất cả lòng ác độc của kẻ bội giáo. Ở Ðức, ai thấy phải chỉ trích Giáo Hội và hàng giáo sĩ thì chuẩn bi cuộc chiến từ trong lòng Giáo Hội, theo châm ngôn: ”Yêu cho roi cho vọt”. Ðó là sự khác biệt lớn lao giữa Aufklarung của các nước thuộc Ðức với nhóm Les Lumières ở Pháp, và ở các nước latinh khác. Từ đó cho thấy rằng trừ trường hợp địa phương lẻ tẻ, Giáo Hội ở các nước latinh chỉ có thể áp dụng thái độ trơ như đá giữa các làn sóng vỗ, thì ở Ðức, Giáo Hội lại tự vấn lương tâm và nhờ thế người ta đẩy mạnh việc học hỏi Sách Thánh, là một đặc điểm của thế kỷ XVIII.
Mọi sự đều bị lay chuyển: các khoa thần học và việc học sách thánh, khoa luân lý và mục vụ, việc đào tạo các linh mục và nề nếp viện tu, mục vụ áp dụng vào các vấn đề xã hội và kinh tế, phụng vụ, việc thực hành đạo đức và những gì người ta gọi là thói quen của lòng đạo đức bình dân, cải cách việc giảng dạy đạo đức, cải cách toàn khoa giáo dục và khoa sư phạm theo những nhu cầu thời đại. Với lòng đạo đức và tôn trọng, tất cả những môn học đó đều trở nên những đối tượng của mọi nghiên cứu và mọi thảo luận nghiêm chỉnh. Ở Áo, ở Bavière, trong các địa phận bầu cử, Giáo Hội đã sống hơn nửa thế kỷ náo động bởi nhiều cuộc tranh luận hăng say và nhiều khi còn dữ dội nữa. Vì muốn có những cải cách toàn diện, người ta đã gây động chạm với Tòa thánh, với những chính phủ có tham vọng tổ chức Giáo hội quốc gia và với thể chế thượng tôn giám mục đoàn. Bàn giải về thuyết Josephisme và Fébronianisme mà tách họ ra khỏi bối cảnh trên, là bóp méo ý chí của họ.
Vào cuối thế kỷ XVIII, những hiện tượng tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác. Có lẽ điều đó chứng minh rằng thần khí muốn thổi đâu tùy ý, nhưng chỉ là những ngọn lửa rơm. Và trong trường hợp điển hình nhất, phải nhìn nhận là có liên hệ với sự biến chuyển xảy ra tại Áo: chúng tôi muốn nói đến Hội Ðồng Giám Mục ở Pistoie, miền Toscane vào năm 1786. Miền Toscane bấy giờ là thí điểm về những khó khăn trong cách ứng xử với Giáo Hội và tôn giáo mà giòng họ Habsbourg phải đối đầu. Các sử gia khi nói đến Hội đồng ở Pistoie, thường chỉ nêu những nhược điểm, những tham vọng kếch xù của các giám mục và những kiểu nói cường điệu, như ”đây ông bạn coi nhà thờ của tôi” (mon frère le sacristain). Họ không để ý đến những cố gắng quan trọng về việc cải tổ trong nhiều ngành khác nhau của đời sống Giáo hội. Những lời khuyên dạy về phụng vụ của Pistoie bắt nguồn từ ước muốn nâng cao lòng sùng kính Thánh Thể lên trên việc cầu khẩn các thánh, vì bấy giờ người ta quá chú trọng đến việc tôn sùng này (1). Họ cũng có cái nhìn đúng, cũng có ước vọng lành mạnh về việc cải tổ đã âm vang trên nước Ðức, nhất là giữa những người ”ưa dùng từ ngữ mới” (les néologues) mà người ta thiếu cân nhắc khi phê phán những cố gắng của họ. Nhưng là cả một trời xa cách: ở Ý, các nghị phụ Pistoie không gây được một tiếng dội nào, trái lại Aufklarung đã đem lại sự cải tổ về đời sống tu đức trong nhiều trung tâm học hỏi bình dân, đã gây được một phong trào còn ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống Giáo Hội cho tới ngày nay. Aufklarung Công giáo đã cải tiến và hệ thống hóa khoa thần học, đã phân chia ra thành nhiều môn chuyên biệt. Họ đã gặp nhiều sự chống đối dữ dội đến nỗi cho tới ngày nay tại các nước latinh, vẫn còn nhiều tang chứng về sự hận thù và khinh chê. Dẫu vậy, về sau, các nước trên thế giới đã múc lấy nhiều bài học từ đường hướng cải tổ của họ.
Còn đối với những vấn nạn (gravamina) mà họ nêu lên về phụng vụ và lòng sùng kính của giới bình dân thì ngày nay ta chỉ còn nói là: theo Công đồng Vatican II, những sự chống đối kia đã được một đa số người công giáo tán thành. Về những điều mà Aufklarung công giáo bênh vực hoặc thi hành, ta có thể trích dẫn lời nhận định của một nhà thần học tân tiến sau đây: ”Người ta chỉ có thể phê bình một cách hợp lý những điều vừa nói trên, khi người ta ý thức được những điều thái quá mà những kẻ đó chống đối” (2).
Những người được gọi là ”ưa dùng tử ngữ mới” (néologues), thì từ ban đầu họ thuộc giới tin lành, như các ông Jérusalem, Spalding, Semler. Phần đông họ công nhận: ngoài đạo tự nhiên bẩm sinh nơi con người, còn có đạo mặc khải, nhưng đạo mặc khải là chỉ để chứng minh cho đạo tự nhiên, vì thế, đạo mạc khải hoàn toàn vô ích. Cho nên không lạ gì khi thấy thế hệ sau tiến dần về một thuyết lý thần luận đơn giản. Trong bối cảnh đó, nhiều người nghĩ rằng người công giáo liên lạc với họ là chuốc lấy nguy hiểm. Những kẻ tiên phong trong nhóm Aufklarung đã liều mạng đặt chân vào những lãnh vực đầy cạm bẫy, lâu nay đã bị các nhà chép sử trách cứ hơn là tán thưởng. Nhất là họ mạnh dạn dấn thân trong phạm vi dung thứ, liên tôn, phong trào hợp nhất: phái độc tôn Roma (ultramontain) ở thế kỷ XIX đã cho đó là những ảo vọng điên cuồng và phản bội. Vả lại, có lẽ phong trào đó đã cho thấy nhược điểm của họ. Cả đến bây giờ, hằng ngày người ta còn có thể nhận định là phải khó khăn lắm mới giữ được thế quân bình trong việc liên tôn. Biết bao tác giả, linh mục hay giáo dân, cũng khó chấp nhận điều đó. Dẫu sao đi nữa, ngày nay người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, lúc hào hứng, lúc chán nản, khi đọc lại những tờ báo chính yếu của Aufklarung, như tờ báo cứng rắn Oberdeutsche Literaturzeitung hay tờ Linzen Monasts, hoặc tờ báo chết yểu Beitrage zur Verbesserum ausseren Gotttesdienstes của hai nhà thần học vùng Mayence, có khuynh hướng cấp tiến, là Blau và Dorsch. Hoặc một vài tờ truyền đơn in ra hàng trăm bản và những sách mà ngày nay người ta để vào một góc trong các thư viện. Người ta nhận thấy những sách đó đề cập đến những ý kiến không theo thứ tự lớp lang nào, tuy nhiên ngày nay lại được tung ra như những điều mới mẻ và táo bạo. Chẳng hạn như lời phê bình về việc giáo dục theo truyền thống, chống việc tôn sùng các thánh một cách thái quá, chống việc đi hành hương và ban các ân xá, chống việc cho chịu lễ ngoài thánh lễ, chống việc cử hành thánh lễ mà không ai hiểu lời đọc, chống việc cử hành thánh lễ cùng một lúc ở hai ba bàn thờ trong một thánh đường; những biện hộ cho việc đạo đức dựa theo Thánh Kinh hơn, có phần dè dặt trong việc tôn sùng Mình Thánh Chúa lưu trữ trong Nhà Tạm và trong việc tôn sùng các thánh; tán dương việc cử hành phép Rửa tội trong dịp lễ nghi của giáo xứ, các buổi hội họp liên tôn, các buổi đàm thoại về việc đạo đức, các khóa đào tạo chung dành cho các linh mục Công giáo và các mục sư, hỗ trợ phát hành Sách Thánh, dùng tiếng địa phương trong phụng vụ. Ước nguyện cuối cùng này, dĩ nhiên là do hướng chiều dân chủ, quốc gia và dung thứ, cũng là một cách biểu lộ khuynh hướng đề cao quyền của giám mục, đi tới chỗ tự lập hầu như toàn diện trong thể chế ”Giáo hội quốc gia”.
Những gì nói trong chương trình của Aufklarung không phải là đáng lên án cả đâu. Một trong những việc lớn lao của họ là đã nhiệt tình cộng tác để vận động cải tiến việc giáo dục giới bình dân, và phả vào đó một nền giáo huấn đạo đức có tổ chức quy mô. Vào thời kỳ mà Basedow, Salmann, Francke và Pestalozzi thiết lập một nhà trường bình dân mới, thì thật là tốt đẹp khi một người như linh mục Overberg, ở xứ Muster, đã biết trẻ trung hóa và thức thời hóa việc giáo dục về tôn giáo, bằng cách áp dụng một phương thức mới mẻ. Về sau, phong trào còn có công nghiệp rất lớn là duyệt xét lại toàn bộ chương trình môn học Kinh Thánh. Ðó là ý hướng chung của phong trào: muốn hoàn thiện hóa tất cả các ngành học về Kinh Thánh. Phong trào đã thổi sức sống mới vào một nền kinh-viện-học khô cứng và một giải-nghi-học hời hợt. Việc lên án thuyết an tịnh và thuyết Jansénisme hình như đã làm cho việc giảng dạy về thần học bế tắc, hay ít ra mất đà hăng say: việc dạy thần học hoàn toàn theo đường lối cổ truyền, không dám cải tiến hoặc chịu cho người ta bình luận. Chính Aufklarung đã khuấy động vũng nước ao tù đó: những kẻ đương thời trách họ như thế. Dầu sao, chúng ta không thể chối cãi được là phong trào đã gây nhiều tai hại: tất cả những lần đê vỡ không gây tai họa như thế sao? Ðó là cả một phần tư cuối cùng của thế kỷ XVIII đã biểu lộ ý muốn mạnh mẽ của một thế hệ muốn bẻ gẫy những giây ràng buộc quá chặt chẽ đã từ lâu làm họ bực mình. Về văn chương, thì các tác phẩm của văn hào Rousseau như cuốn Julie hoặc La nouvelle Héloise, và của Goethe như cuốn Les Souffrances de jeune Werther, và các tác phẩm của các đồ đệ của họ đã làm cho tình cảm phá vỡ bờ đê của một lối văn chương cổ điển khô khan. Cuộc Cách mạng là một hình thức chính trị của sự trả thù ồn ào đó. Cũng một thể như vậy, các nhà thần học cũng nhảy vào vòng chiến: không lạ gì khi thấy một vài người đã vấp ngã hoặc lạc lối. Vả lại, chính Aufklarung cũng chỉ bình dân hóa việc dạy thần học tín lý, và không thấy một người nào được lưu danh tên tuổi. Cho nên, mặc dầu họ có rất nhiều điều đáng khen, thuyết đó thiếu một phần nào chiều sâu.
Người ta có thể thấy nguồn gốc của sự biến chuyển đó trong việc tổ chức lại đại học ở Vienne năm 1753, tách khỏi quyền hành của các cha dòng Tên và hoàn toàn nằm dưới quyền bính của chính phủ. Trước hết đó là công trình của một người Hòa Lan tên là Gérard Swieten (1700-1772), bác sĩ riêng nổi tiếng của Marie-Thérèse. Người ta thường nghĩ ông theo Jansénius. Thực ra ở trong nước, ông không bao giờ dính líu với các đồ đệ của Jansénius. Ông chỉ là người thù ghét các cha dòng Tên và giáo triều Rôma mà thôi. Nếu những cải cách ông đã thực hiện cho Ðại học Y khoa thật đáng khen ngợi, thì những đường hướng mới cho Ðại học Luật lại bị nhiều người chỉ trích. Ðại học Luật ở Vienne trở nên nôi ươm trồng những phần tử theo Giáo hội Quốc gia Áo (Staatskirchentum). Trước tiên đây là sự nghiệp của giáo sư Paul Joseph von Riegger (1705-1775), người được bổ nhiệm giảng dạy Giáo luật.
Người thù số một của dòng Tên đó cho rằng bổn phận của mình là đem lý thuyết về luật tự nhiên vào luật Giáo Hội. Ðồng thời ông cũng bênh vực quyền phán quyết của vua (placet royal) đã có tại nước Ðức, ông là luật sư lớn tiếng bênh vực quyền đời trên các việc đạo. Lý thuyết ấy khá phức tạp, đã chấp nhận cho chính quyền các quyền sau đây: trước khi thi hành các quyết định, quyền đạo phải hỏi ý kiến quyền đời, để quốc gia khỏi bị thiệt hại; phải được quyền đời đồng ý (placet) trước khi phổ biến các tài liệu hay những quyết định của giáo hoàng; quyền đời bảo trợ toàn diện mọi bổng lộc; quyền đời được xử dụng mọi tài sản và mọi nguồn lợi của Giáo hội. Các môn đệ sau trở nên đồng nghiệp ở phân khoa là Charles Antoine de Martini (1726-1800) và Joseph von Sennonfels, gốc Do Thái. Ông Charles Antoine de Martini hành động theo châm ngôn ”Giáo hội phải lệ thuộc Nhà Nước”, chính ông là thầy dạy riêng của Joseph II và Léopol II người chủ xướng Thượng Hội Ðồng Giám Mục ở Pistoie, và của Maximilien-Francois nước Áo, tổng giám mục ứng cử cuối cùng của Cologne và ông hoàng giám mục cuối cùng của Munster. Với tư thế là ông hoàng giám mục, ông này đã trở nên người bênh vực sắt đá cho ”Punctation” ở Ems năm 1786.
Hơn mọi ngành khác, phân khoa Thần học còn giữ được ít nhiều độc lập đối với chính quyền. Nó hoàn toàn thuộc quyền các cha dòng Tên. Nhưng sau năm 1760, vì có sự hợp tác chặt chẽ của hồng y Migazzi, Tổng giám mục thành Vienne, nên các cha dòng Tên bị tước đoạt mọi đặc quyền và phân khoa Thần học cũng bị đặt dưới quyền của chính phủ. Nữ hoàng cắt cử một linh mục dòng thánh Benoit là Franz-Stephan Rautenstrauch (1734-1785) soạn thảo một dự án mới về việc dạy học ở phân khoa. Chương trình soạn xong năm 1774, được phát hành dưới tiêu đề ”Dự án cải tổ các trường Thần học trong lãnh địa thừa kế thuộc hoàng gia và vua chúa”. Dự án được đem ra thi hành ngay. Năm 1782, Joseph II còn ủy thác cho cha Franz-Stephan soạn thảo một chương trình học vấn chung cho các chủng viện mà ngài muốn thiết lập. Ðặc điểm của chương trình đó là tinh thần hoàn toàn khoa học. Khi thu hẹp khoa Thần học tân cổ điển có tính cách hoàn toàn lý thuyết, cha dành một phần lớn cho việc học hỏi về các nguồn Thánh Kinh và các Giáo Phụ. Cha đem phương pháp lịch sử vào khoa học thánh, nâng lịch sử các Tín điều và lịch sử Giáo hội lên hàng các môn học chuyên biệt, và nâng khoa thần học mục vụ lên như một môn học mới. Tất cả đều thích hợp với hướng đi mới mẻ của đời sống Giáo Hội. Nắm vững mọi vấn đề, cha Franz-Stéphan viết một cuốn sách mà các chủng viện phải dùng để giảng dạy, kể cả cuốn sách về giáo luật do cha soạn thảo nữa. Vị linh mục dòng thánh Benoit này là cố vấn tối cao của Joseph II về vấn đề giáo sĩ, được chỉ định làm chủ tịch ”Ủy ban nghi lễ” do hoàng đế thiết lập trong triều đình. Cha còn cho việc cải tổ cấp thời về chương trình đào tạo các giám mục như là ơn gọi riêng của mình. Nói chung, các cha dòng thánh Benoit, vốn đối lập với các cha dòng Tên từ thời kỳ khủng hoảng về thuyết Jansénisme và ít có thiện cảm với Tòa Thánh, đã cho thấy trong nước Ðức, phong trào Aufklarung được nhiều người hưởng ứng. Ngay trong số những người công giáo ”ưa dùng từ ngữ mới” (néologues) cũng có nhiều người chạy theo phong trào.
Trong những nước do giòng họ nhà Wittelsbach cai trị, là đất tuyển hầu của các bá tước Bavière, và cả miền Palatinat, Aufklarung đã xuất hiện dưới thời Maximilien III Joseph (1745-1777). Ông bộ trưởng của vua là Kreittmayr trước kia cũng theo học tại Ðại học Utrecht và Leyde. Trung thành triệt để với nhóm Ánh Sáng, ông đã cải tổ hoàn toàn nền hiến pháp miền Bavière theo ”tinh thần độc tài sáng suốt”. Như thế là kể từ đó, Giáo Hội dần dần lệ thuộc vào chính phủ. Các việc giáo hội bắt buộc phải được sự đồng ý của vua. Dần dần chính phủ lại nắm ngành giáo dục. Ðại học ở Ingolstadt được thiết lập năm 1572, phân khoa Thần học nằm trong tay các cha dòng Tên vào thế kỷ XVI, nhưng kể từ năm 1752, phân khoa lọt khỏi tay các cha. Và kể từ năm 1773, khi dòng Tên bị bãi bỏ, đại học Ingolstadt càng ngày càng trở nên một trung tâm Aufklarung Công giáo. Một cha dòng Tên kỳ cựu đã có nhiều ảnh hưởng trong việc biến chuyển này, là cha Benedikt Stattler (1728-1797). Khi dạy về triết lý, cha luôn chống đối triết lý của Kant, nhưng cha lại dạy thần học và giáo luật theo chủ thuyết của Febronius. Người học trò nổi tiếng hơn cả của cha là Sailer, chúng ta sẽ nói đến.
Phân khoa Luật trở nên nơi ươm trồng tư tưởng chống đối hàng giáo sĩ dưới ảnh hưởng của giáo sư Adam Weishaupt, kẻ thù quyết liệt của các cha dòng Tên. Vào năm 1776, ông ta lập hội những người ”Giác ngộ” (les Illuminés) mà người ta có thể coi là tương tự với bè Tam điểm ở Anh, nơi đây ông cảm thấy thích thú về những hoạt động bí mật và những lễ nghi trọng thể. Hội có mục đích chống lại sự ngu dốt và cuồng tín, đồng thời cổ võ sự trong sáng và dung thứ. Việc ông ngưỡng mộ văn hào Rousseau với những quan điểm đề cao việc trở về với thiên nhiên, cho chúng ta thấy đó cũng là một trong những hướng đi của Aufklarung, thường dành ưu tiên cho tình cảm. Trong các vương quốc (Etats) miền Nam và miền Tây nước Ðức, hội đã thu nhận nhều thành viên thuộc các giới hoàng tử, thượng lưu và giáo sĩ cao cấp. Nicolai, Herder, Goethe, Novalis và Metternich thuộc số những phần tử đó. Theo nhiều người nói: còn có Sailer nổi tiếng nhất và chúng ta sẽ bàn đến. Từ năm 1777, công tước Charles Théodore (+ 1799) cai trị miền Palatinat, là người phá sản, thiển cận, sống buông thả ngoài đạo lý. Ban đầu ông theo gương các vị tiền nhiệm ủng hộ nhóm Giác ngộ, nhưng từ năm 1785, ông đổi ý và ra lệnh cấm đoán. Cùng năm ấy, ông đồng ý cho Tòa Thánh thiết lập tòa Sứ Thần tại Munich. Sở dĩ hành động như vậy, là ông muốn dùng Sứ thần gây áp lực trên các giám mục ngoại quốc hiện diện trên lãnh thổ công tước của ông. Với cách hành xử này, chính quyền can thiệp nhiều hơn vào sinh hoạt của Giáo Hội.
Các phân khoa thần học ở Bamberg và ở Wurtzbourg nằm trong phần đất của tổng giám mục cử tri Mayence, đã trở nên những trung tâm thần học của Aufklarung. Cử tri Freidrich Karl von Erthal có viên phụ tá là Karl Theodor von Dalberg và thủ tướng là Friedrich Stadion; cả ba đều thấm nhuần tinh thần đó: ông thủ tướng thuộc nhóm soạn thảo tờ Punctation ở Ems, ông phụ tá là thành viên của nhóm Giác Ngộ, là môn đệ trung tín của Frébronius. Ðại học ở Wurtzbourg còn là nơi gặp gỡ thường xuyên của nhóm ”Thượng tôn giám mục đoàn”, dưới ảnh hưởng của J.K Barthel là người khéo dùng ghế giáo sư về giáo luật để đóng vai trò như von Riegger ở Vienne. Môn đệ hăng say nhất của Barthel là Gregor Zallwein, dòng thánh Benoit, đã giảng dạy về giáo luật ở Salzbourg theo tinh thần của Espen.
Có một môi trường đặc biệt khác mà ảnh hưởng của Aufklarung nổi bật rõ rệt là trong chính việc phụng tự. Nhưng cũng chính nơi đó người ta nhận thấy những lỗi lầm của họ. Quan niệm về tôn giáo của họ đạt tới hình thức tột điểm là nằm gọn trong công thức được Kant khai triển trong cuốn Religion dans les limites de la simple raison (Tôn giáo trong những giới hạn của lý trí đơn thuần). Theo họ, để làm đẹp lòng Chúa, con người không cần làm gì hơn là chu toàn nhiệm vụ tự nhiên của mình. Những gì người ta thêm thắt vào đó đều là ảo tưởng thứ thiệt và là tôn giáo giả tạo. Ðối với những người nghĩ như thế, danh từ ”cử hành lễ nghi” đều trở nên lỗi thời. Có những người công giáo, như vị cựu dòng Tên Sébastian Mutschelle (1749-1800) hình như đã giải thích được tư tưởng của Kant và kêu gọi người công giáo chấp nhận tư tưởng trên. Nhưng nhiều người khác nhận thấy không thể chấp nhận được và đã chống lại thuyết của Kant. Tuy chống đối, nhiều hay ít họ cũng đã bị ảnh hưởng, muốn hay không họ cũng gần gũi với tâm não của những người theo tư tưởng Kant. Sự gần gũi này đã bày tỏ ra trong nhiều điểm: chính họ có khuynh hướng đồng hóa đạo giáo với luân lý, đề cao và chỉ nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc chủ nghĩa và hạ tôn giáo xuống hàng thứ yếu; riêng về mầu nhiệm và hậu quả của ơn sủng bí tích và á bí tích, họ đề cao opus operantis (việc do nhân) mà hạ thấp opus operatum (việc do sự). Làm như thế, họ chỉ nhìn Giáo Hội như một tổ chức giáo dục luân lý. Còn đối với thừa tác viên của Hội Thánh, họ không còn nhìn nhận vai trò môi giới giữa Chúa và con người: cũng như các mục sư trong Giáo Hội cải tổ, linh mục chỉ là nhà đào tạo và ông thầy dạy dỗ dân chúng. Trong nhãn giới đó, bài giảng quan trọng hơn thánh lễ. Vị linh mục là nhà dạy luân lý hơn là kẻ ban ơn thánh và thừa tác viên bí tích. Trong bài giảng, phải bỏ tính cách tín lý và chỉ thu gọn trong việc dạy dỗ, nhiều khi phàm tục. Lúc đó, đức tin không còn là giáo lý dạy về phần rỗi linh hồn, ấn định mối liên lạc giữa con người và Thiên Chúa cho bằng là sự liên kết con người trong xã hội và bảo đảm cho luân lý và đời sống vật chất được phát triển. Việc giảng đạo trở nên việc dạy dỗ. Người ta nhận ra chân dung của một mục sư ”thông suốt”. Dĩ nhiên đây là điều hài hước, nhưng khá đúng sự thật: ông ta nhắc đi nhắc lai việc khẩn cấp phải chủng ngừa đậu mùa, làm cách nào để bón phân cho ruộng tốt, dùng cách ngăn ngừa sét đánh nóc nhà, về khoa chiêm tinh, việc nước bốc hơi và làm thành mưa, việc cho con bú sữa mẹ, về trọng lượng và máy chạy bằng hơi nước. Những chỉ trích trên đây cũng có thể áp dụng cho các linh mục. Sailer nêu ra bằng chứng, khi ông van nài các bạn đồng nghiệp đừng dùng bài giảng để cắt nghĩa ”phải xay bột làm sao”, ”phải làm bánh, nướng bánh và bán bánh thế nào” hay ”người nông dân cày cách nào” (4).
Còn về phụng tự, họ dần dần loại bỏ việc chính yếu là ca tụng Thiên Chúa. Việc tế tự phải loại bỏ ý tưởng gây ảnh hưởng với Chúa bằng việc dâng của lễ hay lời kinh. Việc tế tự không nhất thiết quy về Chúa là trung tâm, mà hầu như hoàn toàn quy về con người, làm cho họ biết mình hơn. Cứ nhìn vào các giám mục Ðức, họ tự tiện cải tổ theo ý họ, ngay cả trong những vấn đề lớn, họ còn ra lệnh nữa. Các linh mục có khuynh hướng quá khích, quả quyết hay khuyên răn trong các tác phẩm xuất bản được giáo quyền chuẩn y, thì phần lớn họ không quan tâm đến các ý kiến của Roma và quyền hành của Tòa Thánh. Thực vậy, rất nhiều sách do Tòa Thánh ấn hành, không được mấy ai để ý. Hơn thế, rất nhiều sách xuất bản làm Thánh bộ Ðức tin điên đầu, chẳng hạn như Franz Berg (1753-1821), linh mục và giáo sư Ðại học ở Wurtbourg, không còn tin vào tính cách siêu việt của Thiên Chúa giáo nữa, nếu căn cứ vào nhiều từ ngữ ông dùng; trong các bí tích, kể cả bí tích Thánh Thể, ông chỉ nhìn thấy những giá trị tượng trưng mà thôi. Ông nói thẳng: tôn giáo chỉ là ”một phương cách thúc đẩy sống nhân đức”. ”Công ích” là lý do duy nhất của tôn giáo. Ông chỉ phân biệt giữa sự hiểu biết do ”bí truyền” (ésotérisme) dành cho một hạng người có học, và học thuyết ”công truyền” (exotérique) dạy cho đại chúng nhìn nhận thánh lễ, các bí tích và á tích (5).
Không nên dựa vào Berg mà phê phán Aufklarung như một phong trào quá khích, cho dù nhiều tác giả bày tỏ những quan điểm kỳ lạ. Philippe Joseph Brunner (1758-1829), người được giám mục ”sáng suốt” von Delberg che chở, và là người ”giác ngộ”, có tài khuyến dụ, nhiệt tình với chí hướng muốn cải tổ toàn diện, ví như bãi bỏ luật độc thân của hàng giáo sĩ. Ông đã viết cuốn Nouveau livre de Prières pour les chrétiens éclairés (sách kinh mới, dành cho tín hữu thông suốt) đã được tái bản nhiều lần và phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, và là cuốn sách được trọng dụng một thời gian khá lâu trong thế kỷ XIX. Thế nhưng, ông đã viết ở Lời Tựa: ”Lời cầu nguyện chỉ nhằm mục đích làm cho đời sống luân lý của ta hoàn thiện hơn”; Trong một đoạn khác, ông lại tuyên bố cách táo bạo: con người có thể dùng lời cầu nguyện mà tôn thờ Thiên Chúa, mà gây ảnh hưởng trên ý định của Thiên Chúa. Theo lời cắt nghĩa của tác giả đáng kính Philippe Joseph Brunner, thì lời cầu nguyện của chúng ta không có nghĩa lý gì đối với Chúa, nhưng chỉ cho ta mà thôi. Qua những lời nguyện cầu trong cuốn sách, ông không hề nói đến ơn thánh; trong đoạn nói về việc xưng tội, ông không hề đả động đến ơn tha tội; trong các lời cầu nguyện khi chịu lễ, ông không nói gì đến việc Chúa hiện diện thực sự. Việc xưng tội là một phương thức cực nhọc để biết mình và để thấy rằng phạm tội là điều rất phi lý. Còn việc tôn sùng các thánh, ông đã diễn giải trên mười lăm trang của cuốn sách kỳ lạ đó; lời diễn giải có mầu sắc tấn công hơn là khuyến khích, mà khuyến khích chỉ với chủ yếu nêu gương lành thôi. Tác giả đã công kích kịch liệt việc tôn sùng các thánh không có nền tảng lý trí và không đủ lý do thể hiện thực tế. Tác phẩm trình bày cho ta thấy một lối sùng kính đã loại bỏ những gì là chính yếu, không nhìn nhận opus Dei, lễ hy tế và chầu Thánh Thể liên tục.
Aufklarung đã ý thức rằng mình phải phản ứng lại: chống đối thường trực lối sùng kính ”baroque” của thời phản cách mạng, chống việc tôn sùng các thánh cách thái quá, chống nhìn nhận quá mức các đồ vật thánh, chống những gì gây ra hoặc dung túng dị đoan. Phải nhận rằng việc chống đối dị đoan mê tín, nhất là hiểm họa chạy theo các thầy phù thủy là một trong những công nghiệp của Aufklarung. Họ thanh lọc các nhà thờ là nơi thường dự trữ nhiều loại sùng kính, vừa đáng công kích vừa bị coi là xúc phạm đến những di sản đẹp đẽ cổ xưa. Do đó, họ đã dùng những phương thức đôi khi quá táo bạo, để loại bỏ khỏi nhà thờ những tượng ảnh các thánh, những bức họa và các khung kính đựng xương thánh, nói tắt, tất cả những gì làm cho người ta quên bàn thờ và tòa giảng. Ðồng thời, họ cố gắng phát hành các sách kinh nguyện để có thể thay thế sách vở của dòng Tên, dòng Phanxicô và dòng Ðaminh xuất bản trong thế kỷ XVII và bấy giờ vẫn còn thịnh hành. Các sách này đề cao lòng sùng kính các thánh và đầy dẫy những thực hành đạo đức và lòng sùng kính riêng tư. Có lẽ không có thời đại nào mà người ta thấy xuất bản nhiếu các sách kinh nguyện cho bắng cuối thế kỷ lạ lùng của Aufklarung, là thời kỳ họ lên mặt mô phạm đặc biệt. Chính vào thời điểm này, khoa sư phạm nẩy sinh và máy hơi nước được phát minh. Mặc dù có rất nhiều khác biệt, tất cả các sách đó đều đồng quy vào một điểm là luôn kêu gọi đến lý trí. Nhóm cực hữu có các cuốn ”Sách kinh cầu nguyện đầy đủ cho tín hữu công giáo” (Le livre de prières complet pour chrétiens catholiques), xuất bản lần đầu vào năm 1784, được tất cả miền Tây Bắc Âu Châu biết đến nhờ các bản dịch, và cho tới nửa thế kỷ XIX, vẫn còn được xử dụng tốt trong nhiều miền thuộc nước Ðức và Hòa Lan. Tác giả cuốn sách đó là ông J.M. Sailer (1751-1832), xưa kia bị nhiều người phỉ báng, nay được một số người tôn kính như ”vị thánh của khúc quặt lịch sử” (6). Ông đã có thời cơ để trở nên một cha dòng Tên, không lâu trước khi dòng này bị bãi bỏ. Là môn đệ của Benedikl Stattler ở Ingolstadt, cha Sailer cảm thấy có ơn gọi làm kẻ bênh vực cho thuyết nội tại tính là một trong những đặc điểm của Aufklarung công giáo. Làm giáo sư về môn 'Tân mục vụ thần học' ở Ðại học Ingolstadt, rồi ở Landshut là nơi Ðại học được dời đến năm 1800, ngài điều khiển một nhóm được người ta gọi là nhóm Sailer. Nhóm đó gồm cả công giáo lẫn tin lành, những người ”thông suốt” và dung thứ, phần đông là các nhà thần học trung thành với mạc khải và truyền thống kitô. Từ trong nhóm đó, đã phát sinh ra, không kể nhiều thứ khác, một 'Hội học hỏi Kinh Thánh liên tôn', nhóm đã làm cho nhóm bảo thủ nghi kỵ và tức giận đủ điều và đã bị bộ Ðức Tin can thiệp. Sailer đã tỏ ra cao thượng trong khi bị nhục mạ nhiều năm., Về sau, ngài trở nên một trong những kẻ hướng dẫn nổi bật của phong trào 'Thức Tỉnh Ðạo Ðức' (Réveil religieux) theo thuyết lãng mạn. Ðem so sánh cuốn sách kinh nhiều lần được tái bản, mà chính ngài tự tay sửa chữa lại, thì thấy sự biến đổi từ Aufklarung qua tính cách lãng mạn. Sự biến đổi này là một trong những điều đáng chú ý và bổ ích của lịch sử tôn giáo và văn minh. Thế nhưng trong bản in đầu tiên, cuốn Sách Lễ hoàn toàn theo chính thống đó lại cho thấy một chí hướng ngắm thẳng vào lý trí. Ngay từ lúc Sailer còn trẻ tuổi, ngài chỉ nhấn mạnh đến luân lý, còn tác động của ơn thánh do bí tích mang lại thì không được ngài chú trọng bao nhiêu.
Thanh lọc việc cử hành phụng vụ là một trong những chủ trương chính yếu của Aufklarung Công giáo. Họ khoác cho việc tế tự một bộ mặt rất tân tiến, khi họ đòi hỏi Bàn thờ phải là một cái bàn đơn sơ để dâng lễ, đặt giữa bàn thờ, trên đó có Nhà Tạm, khi họ muốn bãi bỏ các bàn thờ cạnh và chấm dứt với ý tưởng thánh lễ là một cuộc đối thoại đơn độc của riêng linh mục. Trong các người ”thông suốt”, có một số nghiên cứu kỹ lưỡng về đời sống Giáo hội sơ khai và họ hiên ngang đòi trở lại tính cách đơn sơ như buổi ban đầu. Ðó là những người như Beda Pracher, JB Graser, Blau, Dorsch và cha dòng Biển Ðức Léonhard Werkmeister, và nhất là Guy Antoine Winter, người xuất sắc hơn cả. Họ chống đối hình thức dâng lễ đọc kinh nhỏ tiếng, và luôn ước ao luôn đọc lớn tiếng, kể cả kinh nguyện thánh thể. Còn đối với việc dâng lễ cùng một lúc ở các bàn thờ, họ cho là điều lạm dụng. Ði xa hơn, họ đòi loại bỏ hoàn toàn việc dùng tiếng latinh, dẹp hết các pho tượng và hòm đựng xương thánh trong nhà thờ, dẹp bỏ hoàn toàn việc chầu Thánh Thể và dùng Mặt nhật để ban phép lành. Họ còn đòi rút bớt một phần lớn các kinh trong Thánh Lễ và làm sao cho thích hợp với những đòi hỏi của con người thời đại. Một số đông còn công kích việc đọc kinh nhật tụng mà họ cho là dư thừa hoặc nguy hiểm, vì chỉ đọc theo thói quen, chỉ lặp đi lặp lại các lời thánh vịnh một cách máy móc. Tất cả còn quyết chí đòi phải bớt các ngày lễ buộc, và chống đối những cuộc hành hương thiếu xây dựng, như đi viếng các pho tượng làm phép lạ được đặt khắp nơi.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Giáo Hội không để ý nhiều đến các vấn đề đó. Phần lớn các tòa giám mục lại do các ông hoàng hoặc những người quí tộc chiếm giữ, là những người không hề được đào tạo về chức vị linh mục, hoặc không hề được bổ sung vào mục vụ, nên họ giao các việc đó cho những người thuộc quyền. Chỉ trừ giám mục Karl Theodor von Delberg (1774-1860) đã nói ở trên, giữ chức giám mục phụ tá các tòa Mayence, Worms và Constance, cũng như vị tổng đại diện của ngài là Konstanz Ignaz Heinrich von Wessenberg (1774-1860). Vì cuối cùng này lại quá thiên về phong trào độc tôn chức giám mục. Sinh sau đẻ muộn, và với chức vị hiện có, ngài đã đi quá xa trong việc cải cách mà ngài chủ xướng. Ngài là môn đệ của Sailer, người khôn ngoan, nhưng lại không biết nhận thức, không biết mềm dẻo cần thiết để đi theo phong trào của thời đại là phong trào đã làm cho thầy mình trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng của ”khúc quặt lịch sử”. Những tư tưởng mà Wessenberg trình bày trong bài bình luận năm 1801 là ”Tinh thần của thời đại” ( Der Geist der Zeit) đã cho thấy ngài không nhận định đúng các hoàn cảnh. Không đạt được ảnh hưởng của nhóm ”Thức tỉnh Ðức tin”, Wessenberg, giám quản các tòa trống ngôi, khư khư giữ lấy những quan niệm cũ xưa của mình, cả sau thời Phục hưng, khi làn sóng của Aufklarung đã hoàn toàn bị lùa trở lại. Bởi vậy, Tòa thánh đã ép ngài rút lui, không cho thi hành chức vụ nào mới.
Là người đóng vai chủ yếu không biết mệt trong việc cải cách, trước tiên Wessenberg gây hậu thuẫn bằng cách lập một hàng giáo sĩ hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng của mình. Hàng giáo sĩ này phải hiểu biết thời đại mình sống và các khoa học tân tiến, hầu đủ khả năng giữ chỗ đứng trong giới trí thức đại học. Ngài bật mí cho các chủng sinh biết trước là luật độc thân của hàng giáo sĩ sẽ được bãi bỏ. Ngài thành công trong việc nâng cao trình độ học vấn của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, các linh mục được đào tạo theo tiêu chuẩn của ngài, chỉ là những kẻ khinh rẻ lòng đạo đức của dân quê, bài bác việc trang hoàng baroque trong các nhà thờ, việc đua tranh lập các nhà nguyện nhỏ dọc đường, việc sùng kính các bức tượng làm phép lạ, việc say mê rước kiệu hoặc đi hành hương. Vì thế, các linh mục ấy không thu hoạch được nhiều kết quả trong mục vụ tại các giáo xứ, và ngược lại, họ thấy xẩy ra trước mắt nhiều hậu quả tai hại do việc làm hấp tấp của họ. Chính Wessenberg cũng đã cho công bố một loạt nghị định bãi bỏ nhiều việc đạo đức theo truyền thống bình dân như việc đi kiệu thống hối và ngày cầu nguyện cho mùa gặt. Ngài chống đối việc năng xưng tội, việc lần hạt Mân Côi, việc tổ chức các hội đoàn đạo đức. Ngài công kích các tu viện, nhất là các dòng Khất Thực. Vả lại, nhóm Auflarung không tín nhiệm đời sống tu trì của nam tu sĩ, nhất là những tu sĩ sống chiêm niệm. Một số người còn hận thù ngấm ngầm. Thậm chí một tác giả, dĩ nhiên là rất thông suốt, đã định nghĩa người đan sĩ như sau: ”một con khỉ đột đói khát, mặc áo cà sa và tru trếu ban đêm” (7).
Ði xa hơn, Wessenberg còn cho đặt các bài hát và các kinh nguyện nặng phần lý trí khô khan. Ngài cấm dùng tiếng latinh lúc ban bí tích, đặt lời cho thánh lễ bằng tiếng Ðức, không những dịch từ bản tiếng latinh mà còn bỏ bớt đi. Hơn nữa, để thích nghi với thời đại, ngài cho soạn một sách nghi thức theo tinh thần đó. Hơn thế, ngài là tác giả một cuốn sách Kinh Nhật Tụng bằng tiếng Ðức, tang chứng hùng hồn cho tinh thần mến chuộng sự đơn giản và thích nghi. Ngài áp dụng các điều mới lạ ấy mà không liên hệ gì với Roma, cũng như ngài tự ý ban các phép chuẩn đặc biệt và cử hành lễ cưới ở nhà thờ cho các đôi bạn dị giáo, dù không có lời hứa là sẽ dạy dỗ con cái theo công giáo. Người ta cho rằng ngài đã tỏ ra khoan dung quá đáng, khi hăng say cổ võ xây cất các trường học và cơ sở tin lành, thiết lập các tổ chức tài trợ cho các mục sư.
Ðể kết thúc, chúng ta nói đến việc dạy giáo lý. Những gì đã nói về các sách kinh đều áp dụng cho các cuốn giáo lý. Nếu việc dạy giáo lý cho các tuổi trẻ tiến triển theo kịp nền học vấn quốc gia, thì đó là nhờ công nghiệp của Aufklarung Ðức, và như đã nói, đó là một hiện tượng hoàn toàn lành mạnh và tự nhiên. Cuốn giáo lý của thánh Pierre Canisius là cuốn sách giáo dục tuyệt tác trong suốt hai thế kỷ. Từ nửa thế kỷ XVIII, nó phải nhường chỗ cho những cuốn sách ra đời về sau, thích ứng với các đòi hỏi mới về khoa sư phạm: không nên xem đó như một triệu chứng suy giảm về đức tin.
Ngôn ngữ phải dùng để trình bày chân lý đức tin vào giữa thế kỷ XVIII là một vấn đề lớn cần thiết phải cải tiến, phải tự cải tiến để thích ứng với những thay đổi trong lối kết cấu các lời diễn tả, lối thích ứng ngôn từ bóng bảy theo từng ý nghĩa của mỗi tiếng. Trong các lãnh địa thừa kế của nước Áo, cũng như ở Silésie, một kinh sĩ dòng thánh Augustin, tên là Ignaz Felbiger (1724-1788) đã theo sự thúc đẩy của Marie Thérèse và Frédéric II nước Phổ, thích ứng việc dạy giáo lý trong các nhà trường hợp với nhu cầu sư phạm tân tiến. Ngài dựa vào cuốn giáo lý mang tên ngài, nhưng có lẽ ngài không phải là tác giả. Xuất bản năm 1765 và 1760, sách gồm ba tập nhỏ rút gọn, sách có điều hay là bỏ lối ”hỏi”, ”thưa” mà thời đó người ta rất chê ghét. Qua các lần tái bản liên tiếp về sau, cuốn giáo lý của Felbiger ngày càng mang màu sắc của Aufklarung, nhất là khinh miệt các danh từ tín lý là điều thịnh hành bấy giờ, và thiên về luân lý của đạo tự nhiên. Ðem so sánh các lần tái bản với nhau, ta có thể đọc thấy lịch trình tư tưởng và tâm tình tôn giáo của thời đại Ánh sáng. Còn hơn các lần tái bản cuốn sách của Felbiger, những nhược điểm của Aufklarung hiện hình trong nhiều cuốn giáo lý được xuất bản cuối thế kỷ XVIII, được xử dụng trong hầu hết các giáo xứ ở Ðức, được phát hành cả tại Thụy Sĩ, và được chuyển ngữ hoặc được mô phỏng tại Hòa Lan. Một yếu tố làm người ta bực mình, mà chúng ta đã bàn đến, khi nói về sách lễ, là quá thiên về vấn đề liên tôn. Người ta nhận thấy một số tác giả còn nhấn mạnh đến điều đó trong Lời Tựa: vì muốn soạn sách Giáo lý để trẻ em tin lành cũng dùng được, nên họ không nói đến việc tôn sùng các thánh, không bàn tới các bí tích và thánh lễ. Ðôi khi, có tác giả lại nói rằng: những ý kiến riêng của công giáo có thể thêm thắt vào lúc cắt nghĩa bài giáo lý. Ðiểm này biểu lộ ít hay nhiều ngay trong các sách giáo lý của các linh mục sáng suốt đã nói ở trên, như Mutschelle, Socher, Batz, Jais. Hướng thần học hòa bình đã đi quá xa trong cuốn giáo lý mà năm 1806 Wessenberg buộc địa phận Constance phải xử dụng. Còn thất thế hơn nữa khi bảo rằng: muốn trình bày tôn giáo cho giới trẻ, phải tựa vào cuốn Sách bổn hướng dẫn giáo lý của Eulogius Scheneider. Ông này đã lưu trú một thời gian trong triều đình Charles Eugène, bá tước công giáo của quận Wurtenberg là nước nhỏ theo Luther hoàn toàn. Trong triều đình của bá tước, lời giảng thuyết của vị cựu đan sĩ nhẹ dạ và nhà độc tài sáng suốt, được người ta đón nhận như lời sấm. Sau cuộc cách mạng Pháp, Schneider lưu ngụ ở Strasbourg, và nổi tiếng là một trong những người quyết liệt theo phái Jacobite.
II. THUYẾT GIÁO JOSÉPHISME
Chính sách tôn giáo mang nhãn hiệu Joséphisme là danh hiệu của hoàng đế Joseph II, nhưng không phải ông là người sáng lập. Lâu đời trước đó, các vua chúa nước Áo đã nuôi tham vọng nắm quyền trên Giáo Hội và cũng chịu ảnh hưởng của Erasme. Lập trường đó đã thấy nơi vua Ferdinand I (1556-1564) và vua Maximilien II (1564-1576). Cả hai đều theo thuyết vương quyền bấy giờ nổi bật tại Tây Ban Nha, tìm gây ảnh hưởng một cách có hệ thống trên việc bổ nhiệm giám mục.
Sau trận giặc Ba Mươi Năm, nhóm dung hòa tôn giáo (thuyết Irénisme) đã thúc đẩy một vài hoàng đế, nhất là Léopold I (1658-1705) muốn liên kết các giáo hội lại. Ðó là điều làm cho Roma lo ngại về sự toàn vẹn của đức tin: đã có lúc người ta nghĩ đến việc bỏ qua các sắc luật của Công đồng Trente. Những cuộc tranh chấp căm go với Tòa thánh đã diễn ra dưới đời vua Joseph I (1705-1711) và Charles VI (1711-1740). Dưới đời hoàng hậu Marie Thérèse, bấy giờ cai trị các lãnh địa thừa kế từ năm 1740 cho đến lúc bà qua đời năm 1780, mặc dầu con trai của bà là hoàng đế Joseph II đồng nhiếp chính từ 1765, mọi hành xử về những vấn đề giáo hội đều lệ thuộc vào quyền bảo trợ của hoàng gia: người ta muốn thành lập một giáo hội quốc gia tự trị, chỉ hiệp thông với Tòa thánh, nhưng hoàn toàn thuộc quyền tối cao của vua chúa.
Kể ra thì không đúng lắm, khi nói đến sự tương phản giữa đường lối chính trị của bà Marie Thérèse và của con bà là Joseph II. Dĩ nhiên tính tình của hai mẹ con rất khác nhau: bà mẹ, mặc dầu hãnh diện về sự độc tài của mình, lại là người dễ thương và biết lấy lòng người, người con trai lại là một người xoi mói, rất khó chịu. Cung cách hành xử của đôi bên cũng khác biệt: khi các công chức phải lo thi hành các sắc luật khắt khe, bà hoàng hậu ra sức lấy lòng họ trước, đôi khi còn dụ ngọt nữa, và sau khi thi hành kết quả, họ được ban thưởng. Trái lại, hoàng đế thường đặt công chức vào thế kẹt và nếu ai tỏ vẻ không ưng thuận, đều bị liệt vào số những kẻ ngăn cản công việc nhà vua. Nhưng xét tổng quát, đường lối chính trị của hai mẹ con không có gì khác biệt: đường lối của con là tiếp nối đường lối của mẹ một cách tất nhiên. Marie Thérèse không chỉ là người mẹ của Joseph II, mà còn là người khai sinh lạc thuyết Joséphisme. Không ai ngạc nhiên về sự tiếp nối đường lối cai trị giữa hai triều đại, đặc biệt về phương diện đối ngoại và về cách hành xử các vấn đề tôn giáo, cho dù có sự can thiệp của chưởng ấn Wenzel von Kaunitz Rietberg (1711-1794). Vì thế vào thời kỳ từ 1765 đến 1780, người ta thường nhắc đến một chính phủ ”tam đầu chế” gồm Marie Thérèse, von Kaunitz và Joseph II.
Nhà chính trị von Kautnitz trước đó thuộc hàng giáo sĩ và là kinh sĩ ở Munster. Sau đó, ngài học luật tại Vienne, Leipzig và Leyde. Trong tỉnh cuối cùng này, ngài gặp ông Gérard van Sĩeten. Vào năm 1745, ngài giới thiệu ông Gérard vào phục vụ triều đình với chức vụ là bác sĩ riêng của bà Marie Thérèse, được bà tin tưởng về khoa học và về huấn giáo. Giữa các năm 1740 và 1753, von Kautniz đã liên tiếp giữ nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao; năm cuối cùng ngài trở nên chưởng ấn quốc gia. Khi làm đại sứ ở Paris, ngài đã san bằng những âm mưu lật đổ các mối giao hảo, và sau đó biến đổi hoàn toàn chân trời chính trị âu châu, gián tiếp làm giảm uy tín của Tòa Thánh. Ở Paris, ngài chịu ảnh hưởng vừa bởi thuyết Gallicanisme đang có uy thế vững chắc trong Giáo Hội, vừa bởi thuyết thần giáo đang bành trướng ở ngoài Giáo Hội. Cả hai ảnh hưởng đó đã thúc đẩy ngài đi vào đường lối chính trị tôn giáo quốc gia mang danh là thuyết Joséphisme.
Nhưng von Kautniz không cần chinh phục nữ quốc trưởng theo ý kiến của mình. Khi còn trẻ, bà đã được giáo dục là không thể chấp nhận việc Tòa Thánh can thiệp vào các việc đạo của những lãnh địa thừa kế: lối giảng dạy lịch sử của nhà luật học Spannage đã nuôi dưỡng tinh thần đó của bà. Vì thế bà nhất quyết dùng quyền của mình mà hành động trong vòng 40 năm với niềm xác tín là giáo luật không thể được áp dụng trong các lãnh địa thừa kế. Lúc hai mươi ba tuổi, bất ngờ bà phải lên nối ngôi cha, lúc đó chế độ quân chủ hình như có phần lung lay. Trong số những vị cố vấn của bà, bà không thấy có người tài giỏi, kể cả người chồng mà bà đã đem vào hành chánh và sau trở nên Hoàng đế Francois I, cũng không giúp ích gì cho bà ta. Phải một vài năm sau, bà mới tìm được một ít người có giá trị, như ba nhà tài chánh tài giỏi von Haugwitz, von Kautniz và van Swieten. Trong khoảng thời gian đó, bà đã thắng được những khó khăn thực nặng nề, nhờ tin vào thần quyền, nhờ lòng đạo đức và nhất là nhờ bà có tim não đặc biệt. Do đó, sau Charles Quint, bà đã trở thành một hình ảnh cứng rắn nhất của nhà Habsbourg nước Áo. Vì quyền lợi của chính phủ, bà đã hy sinh cả đời sống yên ổn của mình, và nếu cần, cả hạnh phúc của các con bà nữa. Bà gầy dựng hôn nhân cho các con hầu như chỉ vì quyền lợi chính trị.
Bà sống theo nền đạo đức sâu xa và thực hành việc đạo theo lối cổ truyền, rõ ràng bà là người bảo thủ. Bà thực hành đủ các lối đạo đức riêng và không chấp nhận những việc đạo đức mới lạ trong nhà nguyện riêng của bà. Không bao giờ bà cho việc phụng vụ và việc đạo đức là quá dài. Về điểm này, Joseph II, tuy chưa trở thành vô đạo, lại có một thái độ rất khác hẳn. Nền giáo dục mà Joseph đã hấp thụ trước với các linh mục có khuynh hướng quá khích, đã ảnh hưởng nhiều đến các biện pháp ngài sẽ ban hành khi trở thành hoàng đế: lễ nghi không được kéo dài qua thời gian đã được ấn định, một vài trường hợp không được ban phép lành, không được trừ quỷ.
Nữ hoàng xác tín là chỉ trong đạo công giáo mới có ơn cứu rỗi, nên bà đã đi tới chỗ không khoan dung. Và đây chính là điểm khác biệt giữa bà với những quan niệm của chồng bà là người theo tam điểm, và với đường lối chính trị của các con bà là Hoàng đế Joseph II, Leopold II và tổng giám mục Maximilien Francois. Về điểm này, bà hành động theo đường lối của vua thân sinh bà là Charles VI, người đã bắt các tín đồ tin lành ở Bohême phải lựa chọn, hoặc trở lại đạo công giáo hoặc bị đầy ra khỏi xứ, đã biến các nhà thờ tin lảnh thành trại lính, và đã cấm không được mở trường học nào ngoài trường công giáo trên các lãnh thổ của mình. Marie Thérèse cấm người Do Thái lưu ngụ tại Vienne, cưỡng bách người theo Tin lành Carinthie và Syrie phải theo đạo Công Giáo. Tại nhiều nơi, bà dùng phương pháp gươm giáo để bắt ép những kẻ cứng đầu phải đi lễ ngày Chủ Nhật hoặc đi xưng tội mùa Phục Sinh. Ðối với những người Tiệp Khắc (Morave) theo tin lành, bà ra lệnh bắt giữ con cái của họ. Bao lâu nữ hoàng còn sống, Joseph II không thể thi hành các sắc chỉ về chính sách khoan dung được. Vì thế vừa khi nữ hoàng qua đời thì vua công bố sắc lệnh khoan dung, năm 1871. Trước hết, ngài cho họ tự do theo lương tâm một cách rộng rãi nhất; sau đó, ngài cho các tín đồ công giáo Hi Lạp không liên kết với Roma, cũng như các kẻ theo Luther hay Calvin được bỏ tiền xây nhà thờ không có tháp chuông và được quyền tập trung tại đó, nếu có ít nhất là một trăm gia đình cảm thấy cần thiết. Sau hết, ngài cho người Do Thái được tự do đi lại trong các lãnh thổ thừa kế, họ cũng được quyền làm một số nghề để sinh sống, nhưng không được xây cất Nhà Hội. Ðó là những dung thứ có giới hạn mà cho đến ngày tạ thế, bà Marie Thérèse cũng không chấp nhận. Dĩ nhiên, bà không hề chấp nhận việc người con trai trưởng của bà truyền lệnh cho hàng giáo sĩ cử hành hôn phối cho đôi bạn dị giáo mà con trai sẽ được giáo dục theo đạo của người cha, và con gái theo đạo của người mẹ. Nhưng ngược đời thay, trong lãnh thổ của mình, bà Marie Thérèse lại chấp nhận bè tam điểm, bè mà các hoàng tử công giáo ra lệnh cấm. Ai cũng hiểu, lý do là bà nhượng bộ chồng bà. Ðiều lạ thay, Joseph II là kẻ thù số một của bè Tam Ðiểm.
Vả lại trong lý thuyết và thực hành của các chính phủ độc tài sáng suốt, sự dung thứ chiếm một chỗ như con nai tơ trong chuồng ngựa. Ðúng lý ra nó không có chỗ đứng trong đó. Những thủ lãnh quốc gia, đi trước cả lý thuyết Hegel, cho rằng quốc gia là một loại ”thần thánh có mặt” tự nhiên cũng giống các nhà độc tài về tinh thần bắt ép các kẻ thuộc quyền mình ”phải suy nghĩ như mình”. Họ nghĩ rằng, để cho êm đẹp, kể cả về phương diện tôn giáo, mọi thuộc hạ phải hợp nhất chặt chẽ trong một Giáo Hội do chính quyền điều khiển và tài trợ. Kể cả việc tuyên xưng đức tin và việc thi hành đạo lý, việc giảng đạo và nghi lễ bên ngoài, Giáo Hội phải được quyền đời gìn giữ cho khỏi những hình thức cuồng tín. Một dung thứ hoàn toàn trong sự hiệp thông tôn giáo sẽ ngăn cản và làm tê liệt quyền tối cao dân sự. Trong bối cảnh đó, sự dung thứ của Joseph II được xem như là việc nhường bộ tốt đẹp, một luật trừ đối với chính sách nghiêm nhặt.
Có điều nên nói: Marie Thérèse rất sùng đạo công giáo và làm việc đạo đức rất chân thành, nhưng với tư cách là thủ lãnh quốc gia, bà không không tuân phục Giáo hoàng và Tòa thánh. Bà tự cho mình là giám mục tối cao trong nước, có toàn quyền cai quản Giáo Hội trong địa lãnh thổ thừa kế, có quyền bãi bỏ các tu viện nếu xét là hữu ích, có quyền tịch thu các trường học của các đan viện đang độc quyền nắm giữ. Từ những dữ kiện đó, người ta không thể bắt bẻ những tác giả cho rằng bà Marie Thérèse cũng thuộc vào những kẻ độc tài sáng suốt. Dĩ nhiên bà ta thuộc số những người đó, vì bà vừa là một người cải cách có quy củ về ngành tư pháp, tài chánh và giào dục, vừa là người đã can thiệp một cách nghiêm chỉnh trong các việc của Giáo Hội, trước cả việc đưa Joseph II vào chính quyền. Khi vạch ra đường lối chính trị tập trung quyền bính, bà không hề nghĩ đến việc nhượng bộ cho Giáo Hội một quyền ngoại lệ nào. Ngay cả khi Roma lên tiếng phản đối, bà cũng bất chấp và lương tâm bà không chút áy náy. Bà ban hành nhiều khoản luật hạn chế hoạt động của giáo hội trên lãnh thổ của bà, và giảm bớt việc bà phải lệ thuộc Roma. Năm 1750, bà thiết lập một ủy ban chính quyền có nhiệm vụ kiểm soát việc quản trị tài chánh của tất cả dòng tu. Năm 1756, các đan viện cũng bị ủy ban đó kiểm soát gắt gao.
Có nhiều sự kiện biện minh cho sắc luật bà Marie Thérèse ban hành để thực thi các biện pháp trên: có những khiếu nại về kế toán sai lầm của các bề trên tu viện, về nhiều tu sĩ ”quen thói ăn không ngồi rồi”, về nhiều gương xấu do một số tu sĩ gây nên. Bà không ngần ngại dùng vào mục tiêu chính trị và kinh tế, các nguồn lợi tài chánh của nhà thờ hoặc của tu viện. Người ta nghĩ: trong vấn đề này, bà còn đi xa hơn con của bà là Joseph II, vì Ông này cho ghi vào ”ngân quỹ chung của Tôn giáo” những nguồn tài sản tịch thu được, và dùng những nguồn tài sản ấy vào việc lập thêm nhiều giáo xứ hay nâng cao lương bổng cho cha xứ phục vụ ở đó. Bà lo lắng thực sự về ích lợi thiêng liêng của các tu sĩ, nên năm 1770, bà ra sắc lệnh cấm tuyên khấn trọng thể trước khi được 24 tuổi trọn. Năm sau, bà công bố án lệnh để giảm bớt thật nhiều nguồn lợi mà các lãnh chúa tiếp thu từ những nông nô qua đời. Bà ra quy luật về việc tu sĩ xuất viện, việc các linh mục dòng lưu trú ngoài tu viện, việc cử hành phụng vụ của nhà xứ lệ thuộc tu viện, bà cương quyết chấm dứt các lạm dụng đã thành kinh niên. Còn về chính trị học đường, chúng ta sẽ đề cập đến trong một đoạn khác của cuốn này. Ông Gérard van Swieten, người Hòa Lan, là linh hồn của đường hướng chính trị này, nhưng ông đã đi ngược lại điều người ta mong ước: ông tạo dịp cho nhiều tu sĩ thêm nhàn rỗi, đó là điều mà ngay bấy giờ người ta đã lên án gắt gao. Về điểm này, chúng ta không nên quên rằng việc bãi bỏ dòng Tên năm 1773, đã làm cho chính quyền biến nền giáo dục trung học và đại học thành trường công. Marie Thérèse nhất định không bắt tay với nhà Bourbons quyền thế trong chiến dịch chống dòng Tên; nhưng bà không muốn làm gì để cứu vãn dòng Tên và còn bác bỏ lời đức giáo hoàng yêu cầu bà can thiệp về vụ các cha dòng Tên với các vua nước Pháp và chính quyền của các nước liên hệ. Người ta nói bà vui mừng khi thấy dòng Tên bị bãi bỏ, ít nữa là theo lời các cố vấn thâm tín nhất của bà, nhất là von Kautniz. Ngày 13.9.1773 bà ra nghị định tuyên bố là đoản sắc Dominus ac Redemptor do đức Clément XIV bãi bỏ dòng Tên ngày 21.7.1773 sẽ được áp dụng trên toàn thể lãnh thổ của bà, và bà tịch thu mọi tài sản của các nhà bị bãi bỏ. Bà còn đòi hỏi táo bạo, là kể từ 1777, mọi điều Tòa Thánh công bố phải có sự phê chuẩn (placet) của hoàng gia.
Phải nhìn nhận rằng với đường lối chính trị tôn giáo độc đoán, Marie Thérèse đã để cho quyền đời càng ngày càng can thiệp nhiều hơn vào tôn giáo. Việc can thiệp đó, kể từ năm 1770, được giao cho Bộ Giáo vụ, rồi đây sẽ trở nên khuôn mẫu cho nhiều định chế tương tự ở các nước khác, tỷ như Bộ Tế Tự ở Hòa lan. Dưới quyền điều khiển gắt gao của luật gia F. Ivon Heinke, Giáo vụ mới này đã công bố gần 6000 chỉ dụ về đường lối chính trị tôn giáo dưới đời Joseph II. Nếu tập trung lại hết các chỉ dụ ấy, người ta có thể làm thành bộ luật khổng lồ của giáo hội nhà nước.
Joseph II (1741-1790) nắm quyền hành thực sự năm 1780. Là con người đơn độc, quyết tâm, ít cười ít nói, lại yếu kém về sức khỏe, Joseph II hình như tự cảm thấy không cai trị được lâu dài, nên đã vội vã hoạt động để thực hiện những gì ông ta cho là công việc của đời mình: hoàn tất việc tập trung quyền hành về trung ương đã khởi đầu dưới thời thân mẫu, và dưới góc độ ấy, Giáo Hội đã hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền. Các dòng tu là đối tượng đầu tiên mà ông nhiệt tình nắm lấy cho được. Ông bắt đầu cấm các tu viện không được liên hệ với các bề trên ngoài nước Áo. Vào năm 1783, ông còn cả gan dẹp bỏ dòng Kín mà ông cho là không có ích lợi. Vì thế trong lãnh thổ thừa kế tại Áo, không còn các dòng Chartreux, Carmes, Camaldules, Clarisses và Carmélites trong khi các dòng Biển Ðức, Prémontrés và Chanoines de St Augustin cũng như các dòng nữ liên hệ chỉ được phép còn lại một thiểu số, và phải có những việc làm gọi là hữu ích: mục vụ, giáo dục, nhà thương. Một điểm đáng nêu bật: tất cả những của cải bị tục hóa được bỏ vào quỹ tôn giáo. Những ai còn nhớ đến kỷ niệm của thế kỷ XVI, Henri VIII Tudor chẳng hạn, phải nhìn thấy sự khác biệt. Trong khi các vua chúa bấy giờ làm giàu quá cỡ bằng cách phá hủy các tu viện, thì Joseph II và cả đến chính quyền nước Áo hoàn toàn không tìm một nguồn lợi gì trong các biện pháp trên vào năm 1783. Tất cả đều làm lợi cho Giáo Hội và cho tôn giáo. Quỹ tôn giáo đã lập nhiều giáo xứ, xây cất nhiều nhà thờ mới, và nâng cao lương bổng của chủ chăn. Từ năm 1783 đến 1790, hơn 800 giáo xứ được thiết lập thêm do nghị định hoàng gia.
Ðức Piô VI đã cố gắng ngăn chận các biện pháp đối với tu viện bằng một vận động ngoại giao. Vào mùa xuân 1782, ngài đến tận Vienne để yêu cầu hoàng đế thay đổi thái độ. Ngài đã hội kiến lâu giờ với Joseph II, nhưng vua không chút nhượng bộ. Việc vua đón tiếp long trọng bên ngoài và thái độ cung kính của nhà vua đối với Giáo Hoàng trong chuyến công du đó lại có kết quả tai hại là làm cho hàng giáo sĩ và dân chúng lầm tưởng. Việc Vua qua Roma năm 1783 để thăm đáp lễ cũng vậy. Giữa hai lần gặp gỡ đó, vua đã ra nghị định chống các tu viện và nhiều quyết định các tế tự: người ta có cảm tưởng là mối liên lạc giữa giáo hoàng và nhà vua không bị tổn thương.
Những quyết định chúng ta vừa nói đến, hạn chế về việc tiêu thụ nến, ấn định được xông hương bàn thờ mấy lần trong lễ trọng và còn nhiều ví dụ kỳ cục khác nữa, do tật chen lấn vào những gì gây kích thích tính ưa châm biến của Frédéric II nước Phổ. Cùng một hậu quả như vậy, lúc vua ban hành nghị định năm 1781 chống sắc chỉ In Coena Domini đã được công bố năm 1697 để đọc hàng năm vào Thứ Năm Tuần Thánh trên đó có danh sách những người bị vạ tuyệt thông tiên kết (latae sententiae) dành riêng cho đức giáo hoàng. Từ năm 1770, đức Clément XIV đã bãi bỏ việc đọc hàng năm như thế, cho nên việc hoàng đế ra lệnh năm 1781 lấy giấy che trên các bài đọc trong các sách lễ nhạc là dư văn kỳ cục.
Còn tệ hại hơn nữa là nghị định của hoàng đế về việc đào tạo hàng linh mục và nhất là việc thiết lập vào năm 1783, bốn ”Chủng viện chung”, theo thứ tự là Vienne, Budapest, Pavie và Louvain. Về sau được kèm thêm tám ”Bán chủng viện”, ở Prague, Olmutz, Gratz, Innsbruck, Fribourg, Brisgau, Luxembourg và hai ở Lemberg, một thuộc nghi lễ latinh, một thuộc nghi lễ hy lạp. Tất cả các linh mục, kể cả các cha dòng, phải theo học ít là sáu năm. Các giáo sư do chính quyền bổ nhiệm, dĩ nhiên thuộc phe Nhà nước. Chương trình học được thiết lập rất tỉ mỉ; danh sách các cuốn thủ bản bắt buộc thì có nhiều loại khả nghi, trong đó có nhiều cuốn thuộc loại sách cấm, chẳng hạn những cuốn của Arnauld, Opstraet, Quesnel, van Espen và Fébronius. Không có biện pháp nào của Joseph II ấn định về đường lối tôn giáo mà không có nhiều kẻ chống đối khi ông còn sống và sau khi ông chết lại mang tai tiếng lâu dài cho bằng các nghị định về chủng viện. Ngoại trừ quan Tyrol, luôn luôn phản đối, Joesph II không gặp nhiều kẻ chống đối trong lãnh địa thừa kế, nhưng rất nhiều ở Hòa Lan và miền Nam. Ở đó, hoàng đế đeo đuổi một cách cuồng tín việc tập trung quyền hành trong tay, nhất là việc ông cai trị bằng cách ra các nghị định, can thiệp trực tiếp vào các tu viện, nhà thờ và các chủng viện, làm cho trong nước nổi lên chống đối đến nổi hầu như đi tới chỗ ly khai.
Trong các tỉnh thuộc quyền ở Hòa Lan, Marie Thérèse chú trọng đặc biệt đến các nguồn lợi của ngai báu và của kho bạc nước Áo: triều đại bà có khuynh hướng thúc đẩy chính quyền càng ngày càng lấn át các đặc tính của mỗi tỉnh, đó là điểm nóng từ trước tới nay ở Hòa Lan, tại miền Nam cũng như tại miền Bắc. Ðối với Giáo Hội cũng thế, hoàng hậu cố thủ ý định càng ngày càng giảm bớt các đặc ân và các miễn trừ của hàng giáo sĩ và loại bỏ việc can thiệp của Tòa Thánh. Bà ta áp dụng một cách dễ dàng đường lối đó, vì Thỏa ước năm 1559 chấp nhận cho vua chúa được bổ nhiệm các giám mục. Hơn nữa hoàng hậu xử dụng quyền bảo trợ trên nhiều nhà thờ và thâu hoạch một phần lớn các bổng lộc của lễ thụ phong các kinh sĩ đoàn. Bà bổ nhiệm một người Áo là bá tước Jean Henri Ferdinand ở Franckenberg (1726-1804) làm tổng giám mục thành Malines và là thượng giáo chủ của các nước Hòa Lan. Trong việc này, ta thấy rõ thâm ý của bà là làm cho giáo hội Hòa Lan cũng thuần thục như giáo hội nước Áo. Trong công việc này, bà không thành công như lòng mong muốn, cho dù tổng giám mục không phải là người độc tôn giáo quyền Roma như các sử gia người Bỉ vào thế kỷ XIX đã tưởng. Sau hòa bình Aix la Chapelle, hoàng hậu dần dần hủy bỏ các đặc ân của hàng giáo sĩ, nhất là biệt ân cho các ngài không lệ thuộc tòa án đời, và được miễn một vài loại thuế. Sau đó, bà ta áp dụng cho các nhà thờ, các tu viện và các cơ sở tôn giáo của Hòa Lan những luật của nước Áo về bất động sản. Năm 1771, bà không cho tu viện nhận hồi môn của các tập sinh lúc vào nhà tập nữa. Năm sau, bà áp dụng cho nước Hòa Lan luật ban hành năm 1770 ở các lãnh địa thừa kế là cấm không được khấn dòng khi chưa đến hai mươi lăm tuổi. Bà ta xếp một bên các đơn khiếu nại của hồng y von Franckenberg và các giám mục thuộc hạt của ông, bà không thèm trả lời cho họ.
Joseph II khai mạc triều đại của mình bằng một chuyến công du đi Hòa Lan. Lúc trở về, ông nhận định lại mọi dữ kiện thu lượm được hầu xúc tiến công việc cải cách theo đường lối độc tài sáng suốt. Việc cải cách đó đã gây ra nhiều bất mãn và chống đối tiêu cực. Trước hết vào năm 1781, ông ra lệnh cho các giám mục và các nhà đại diện tư pháp để cho người ngoài công giáo được tự do tín ngưỡng, và nâng đỡ họ trong việc tiến tới hôn nhân dị giáo. Những nghị định được chấp thuận ở Áo về việc bãi bỏ các dòng chiệm niệm và cải tổ toàn diện việc đào tạo các linh mục được đem ra thi hành ngay trong nước Hòa Lan thuộc Áo.
Chiến dịch đầu tiên mà hàng giám mục và các tiểu vương vùng Brabant ra sức chống đối, nhưng vô hiệu, là việc dẹp bỏ hơn một trăm năm mươi tu viện, đa số là tu viện nữ. Ở đây nữa, mọi của cải bị tịch thu và xung vào quỹ tôn giáo.
Riêng nghị định về các chủng viện, mãi tới năm 1786 mới được thi hành: lập một chủng viện chung ở Louvain và một bán chủng viện ở Luxembourg. Tất cả chủng viện địa phận đều bị bãi bỏ. Trừ giám mục Namur, tất cả giám mục đều hưởng ứng công việc cải cách, và gửi chủng sinh về học ở chủng viện Louvain. Chủng viện này được khánh thành ngày 1.12.1786 và một linh mục người Áo là Stoger được chỉ định để điều khiển. Khởi đầu có ba trăm chủng sinh, nhưng ngay vào các tuần lễ đầu, họ đã đình công, cướp phá cơ sở và buộc một vài giáo sư phải từ chức, vì bị tình nghi là theo thuyết của Frebronius. Ðức hồng y von Franckenberg yêu cầu Vienne giải chức các giáo sư đó, nhưng vô hiệu. Những cuộc biểu tình của các chủng sinh khai mào cho nhiều xáo trộn và chỉ chấm dứt khi joseph II qua đời. Vào tháng tư và tháng năm 1787, dân chúng Brabant nổi dậy. Không những đòi phải bãi bỏ chủng viện Louvain, họ còn yêu cầu thiết lập lại một số luật lệ địa phương đã bị hoàng đế cố tình dẹp bỏ. Hai vị thủ hiến, Marie Christine, chị của hoàng đế, và người chồng là Albert de Saxe đã muốn dẹp trừ nội loạn bằng cách nhượng bộ rất nhiều, kể cả việc đóng cửa chủng viện chung: nhưng hoàng đế không tán thành các quyết định đó, vì thế việc nổi dậy vẫn tiếp tục dữ dội. Chủng viện mở cửa vào tháng giêng 1788, hoàn toàn bị tẩy chay.
Với biện pháp đối phó mạnh mẽ, sự an ninh đã được tái lập năm 1788. Nhưng tháng bảy 1789, cách mạng Pháp bùng nổ, đã gieo ảnh hưởng qua Hòa Lan. Vì thế, để thoa dịu những vụ nổi loạn khác, vua chấp thuận việc theo học ở chủng viện chung hay không, là tùy mỗi người và các chủng viện địa phận được phép mở cửa lại. Hai tháng sau, chủng viện Louvain bị dẹp bỏ. Trong lúc ấy, cách mạng vùng Brabant cũng bùng nổ với hai cánh đối lập: cánh bảo thủ của Hein van der Noot đòi trở về với hiến pháp thời Joseph II, trong khi cánh dân chủ của Jan Frans Vonck chạy theo cuộc cánh mạng Pháp. Sự đối lập này dẫn tới nội chiến. Trong tình thế đó, Joseph II, vốn bị đau ngực từ lâu, đã ngã bệnh nặng và qua đời ngày 2.2.1790. Nhờ sự can thiệp của ba liên minh là Anh, Phổ và Các-tỉnh-liên-minh, rồi thái độ hòa hoãn của tân hoàng đế Léopold II, cuộc nổi loạn chấm dứt. Léopold II dần dà bãi bỏ những nghị định về tôn giáo mà vị tiền nhiệm đã ban hành.
Trái lại, trong các lãnh địa thừa kế tại Aó, Léopold II vẫn duy trì các luật lệ về hàng giáo sĩ mà Joseph II đã ra. Nhưng người con là Francois II, lên ngôi năm 1792 lại lấn át quyền của Giáo Hội hơn nữa. Hoàng đế Francois II này ít thông minh. Ông đã cho dựng một bức tượng để tỏ lòng ngưỡng mộ ông chú là vua Joseph II. Mãi đến sau năm 1820, nhờ Metternich hướng dẫn, ông mới bớt dùng quyền đời lấn át Giáo hội và hàng giáo sĩ. Dầu vậy, thỏa ước ký năm 1855 giữa Roma và hoàng đế Francois-Joseph còn nhìn nhận là chế độ quân chủ Danube vẫn có những quyền như hệ thống cũ còn sống sót. Ngay cả đến vị hoàng đế cuối cùng này, vào năm 1903, còn tìm cách, và đã thành công, gây ảnh hưởng trên việc chọn giáo hoàng bằng quyền phủ quyết của mình. Tính kiêu hãnh của thuyết Josephisme còn đè nặng lâu dài trên ngôi giáo hoàng và tòa thánh.
Thuyết Josephisme và con người của Joseph II đã được các sử gia phóng khoáng của thế kỷ XIX khen ngợi không hết lời. Trái lại, người công giáo hoàn toàn lên án cả hai. Nhưng vào đầu thế kỷ XX, nhiều người, như giáo sư Heinrich Schors và Sébastien Merkle, còn ngưỡng mộ thuyết Josephisme khi muốn phục hồi phái Aufklarung công giáo. Các tác giả về sau như E. Winter và F. Valjavec đã mô tả thuyết Josephisme như một phong trào cải cách, ra đời vì lợi ích của Giáo Hội, mà Tòa Thánh bấy giờ chưa sẵn sàng hoặc không đủ khả năng thực hiện. Một trong những người nghiên cứu nghiêm chỉnh và hiện đại nhất để viết về vấn đề đó là Cha F.Maass, dòng Tên. Cha lấy làm đắc ý và đi theo lối lập luận ở trên. Cha phản đối kịch liệt nhóm Habsbourg và những vị cố vấn của họ, vì họ đã đặt quyền lợi của Giáo Hội lên hàng đầu. Ðồng thời cha nêu lên nhiều điểm tiến bộ do thuyết Josephisme đem lại, mà một số còn tồn tại lâu dài: trước tiên là các giáo xứ được tăng thêm nhiều, đang khi đây là một chuyện khẩn trương mà tại nhiều địa phương hệ thống hành chánh của Giáo Hội không làm nổi; thứ đến, là nâng cao trình độ các môn học tôn giáo , cải tiến đời sống vật chất của các cha xứ chăm lo mục vụ, nâng cao trình độ học vấn và xã hội của hàng giáo sĩ... Nhưng khi đề cao thuyết Josephisme trong việc thanh lọc đời sống công giáo và cương quyết chống lại quyền tuyệt đối của giáo triều Rôma, thì quả nhiên cha F. Maass đã không phê phán đúng thực.
Ðể kết thúc, chúng ta phải nhấn mạnh đến một điểm tệ hại thường hay nghe nói, đó là việc cho rằng ”thuyết Josephisme do giáo dân khởi xướng”. Thuyết đó không do những kẻ ở ngoài Giáo Hội khởi xướng, nhưng chính trong lòng Mẹ thánh. Nó không thoát sinh bởi kẻ thù của Giáo Hội, nhưng bởi chính con cái của Người, không bởi chính quyền nhưng bởi các nhà thần học. Chính các nhà thần học đã nhiệt tình và đem hết tài năng đề xướng và thực hiện công trình cải cách rộng lớn, khiến các vua chúa và các vị cố vấn của họ phải quan tâm. Nhiều trường hợp cho thấy có những nhà thần học thực sự cấp tiến, không những theo cảm nghĩ của Marie Thérèse mà còn cả của Joseph II nữa. Ðằng sau mỗi án lệnh của thuyết Josephisme đều có một nhà thần học hay một nhà giáo luật làm cố vấn. Ðó là điều mà bấy lâu, vì thiên kiến, người ta đã phủ nhận.