CHƯƠNG IV
LÝ THUYẾT VÀ SỰ SỐNG
CHƯƠNG IV
LÝ THUYẾT VÀ SỰ SỐNG
I. CÁC LINH MỤC DÒNG TÊN
Công đồng Trente đã đặt các cha dòng Tên lên hàng đầu, và các ngài đã giữ được địa vị đó trong Giáo Hội thời Phản-Cải cách. Vì đã cương quyết bênh vực và áp dụng lý thuyết ”lạc quan” của ơn thánh, cũng như đã đề cao quyền tuyệt đối của giáo hoàng, nên các ngài đã ghi một nét sâu đậm trong đời sống Giáo Hội và trong việc đạo đức vào thế kỷ XVII. Là cha giải tội cho các vua chúa có đạo, ít ra, các ngài cũng đã gián tiếp gây ảnh hưởng đến đường lối chính trị của Âu châu, các ngài đã chiếm được địa vị độc tôn về giáo dục làm cho các ngài nắm được ảnh hưởng trên giới trí thức công giáo của nhiều nước. Các ngài đã không ngừng chiến đấu chống các sự sai lầm và những cái mới lạ đầy nguy hiểm, và nói chung, các ngài thường đã thắng cuộc.
Tất cả các việc đó càng đáng được nêu lên, vì dòng Tên không hề thiếu những đối thủ tên tuổi trong Giáo Hội. Nhất là các vị đó thường lớn tiếng tự phụ, tuy không phải là không có nền tảng, là theo truyền thống. Phần đông họ thuộc về các dòng cổ truyền thời Trung Cổ, nhất là các dòng cùng trào như Biển Ðức và Citeaux. Trong số những đối thủ về sau, đáng chú ý hơn cả là các cha dòng Oratoire người Pháp và Bỉ, thường hay chọn một lập trường hoàn toàn đối lập với dòng Tên. Nhiều khi phải nhìn nhận là các cha dòng Augustin cũng thế, nhất là ở Ý. Chính các cha dòng Tên đã đem lại cho việc tu đức công giáo một nền tảng hợp lý và một tổ chức có hệ thống mà không thấy có ở thời Trung cổ, hoặc có mà rất ít. Lòng đạo đức do các cha dòng Tên thi hành và giảng dạy, nổi bật ở khía cạnh thực tế và nhiều hy vọng đạt tới mục tiêu, cũng như trong việc cương quyết tìm cách để trở nên hữu ích cho Giáo Hội về phẩm trật cũng như về xã hội. Chính nhờ các ngài mà sau công đồng Trente, người ta mới thấy Giáo Hội có vẻ tích cực hơn, hiện diện thường xuyên hơn, quả cảm hơn thời Trung cổ. Trong đời sống Giáo Hội thời tân tiến, lối sống chiêm nghiệm đã nhường bước cho đời sống hoạt động. Một sử gia người Ðức đã tìm được một định thức hay ho để diễn tả sự đổi thay đó: nhịp điệu thiêng liêng dành cho các cha dòng thánh Benoit đã lỗi thời, và nói chung, trong việc đạo đức đã được thay thế bởi dáng đi cứng cát hơn của các cha dòng Tên (1).
Có thể nói đó là một ơn lạ nếu sự thay đổi nhịp điệu kia đã được thực hiện mà không có va chạm hay bị phản đối. Nhất là việc tông đồ của các cha dòng Tên có chiều hướng phổ biến giữa quần chúng, cố tình nhắm vào đa-số, để cho cả thế giới được thông dự vào hoa quả Ơn Cứu Chuộc. Người ta trách các ngài đã quá lo lắng làm cho thật đông người trở lại, hầu như chỉ nhắm đến lượng hơn phẩm. Lối chinh phục thế giới một cách ồ-ạt như thế, các hình thức tân-kỳ về lòng sùng kính của người công giáo như các hội Con Ðức Mẹ và đủ loại hội đoàn khác, lòng sùng kính các thánh dựa trên tình cảm, lại thêm các bức tượng sơn son thếp vàng... Tất cả những hình thức tấn công động trời như thế, đã bị nhiều người chỉ trích dữ dội và bày tỏ mối âu lo, phẫn nộ. Người ta trách các cha dòng Tên đã làm cho lòng sùng kính càng ngày càng chú trọng vào hình thức bề ngoài, càng ngày càng ít dựa vào Thánh Kinh. Người ta nói một cây đã che lấp cả khu rừng, lòng sùng kính các thánh đã lấn át Thánh Lễ (2). Công cuộc ấy của các cha dòng Tên được gọi là để giúp san bằng đời sống tôn giáo, nhất là bởi việc ban phát rộng rãi ơn thánh và bởi việc nới rộng luân lý để tôn giáo được thực hành dễ dàng hơn. Vì thế mà phái Baianisme hoặc Jansénisme khởi sự chống đối. Dầu vậy, dòng Tên đã thắng được hết mọi đối lập kia. Vào đầu thế kỷ XVIII, vị trí của các ngài ở trong Giáo Hội hình như không ai chống đối được. Nửa thế kỷ về sau, tình thế đã hoàn toàn thay đổi, và dòng Tên ở vào thế kẹt, phải chiến đấu để sống còn.
Uy tín và ảnh hưởng cuả các cha dòng Tên trong mọi công trình sinh hoạt đã bị giảm sút một cách kinh khủng! Người ta thường nói đó là do âm mưu quỷ quái của phái Janséniste và các triết gia. Nhưng âm mưu như thế không phải tự nhiên mà có, cần phải có vài lời giải thích. Vả lại, sự hận thù mù quáng không dựa trên một lỗi lầm nào của nạn nhân, là một lời giải thích không làm cho sử gia hài lòng, giống như những việc sát hại kẻ vô tội trong các vở kịch thường diễn tả các nhà bảo trợ. Ngay những người cho là vô lý khi nghĩ rằng các cha dòng Tên đã là nạn nhân về các lỗi lầm của chính các ngài, cũng phải nhìn nhận rằng: nếu muốn cho lịch sử có một ý nghĩa, thì lịch sử phải tìm nguyên nhân cho các biến cố ấy. Làm như thế, lịch sử sẽ khám phá ra được hơn một lý do về sự mất uy tín của dòng Tên. Có một lý do rõ ràng hơn cả: dòng Tên thề quyết trung thành với quyền tuyệt đối, quyết chống đối với mọi đường lối ”dân chủ”, với một loại truyền thống phong kiến bảo thủ của thế kỷ XVI và XVII, với truyền thống công dân thành phố và với ”ý muốn chung của toàn dân” vào thế kỷ XVIII. Những chống đối đó làm cho dòng phải chia sẻ chung sự suy sụp và ngay sau đó, sự tàn lụi của chế độ quân chủ chuyên-chế. Với tư cách là cha giải tội cho các vua chúa, là kẻ giáo dục các hoàng tử và các nhà chính trị cao cấp, các cha dòng Tên chiếm một chỗ ngồi quan trọng trong chế độ mà quyền hành ở trong tay một người. Nhưng khi ở Pháp, vua Louis XV bó buộc ”tay bắt mặt mừng” với các nghị sĩ thiên về Pháp giáo, khi ở Tây Ban Nha, ở Bồ Ðào Nha và ở Napoli, các vua chúa, phần đông không còn có thế lực, phải chấp nhận ý kiến của các cố vấn độc tài và mưu lược, thì đương nhiên các cha dòng Tên bị gạt ra ngoài. Còn những gì sót lại về ảnh hưởng xa xưa của các cha dòng Tên, thì chỉ thúc đẩy những kẻ mới lên cầm quyền đi đến ham hố muốn ”diệt trừ ô nhục”. Có thể nói, từ lâu các cha giải tội dòng Tên đã biết hướng dẫn phe Pháp giáo hoàng gia Pháp và vương quyền Tây Ban Nha đi đúng đường. Nhưng làm như thế, các ngài cũng đã vô tình giao phó Giáo Hội cho tài phán quyết độc đoán của các hoàng tử, mà rồi đây các ngài sẽ là nạn nhân.
Người ta không lầm khi quả quyết rằng: trong việc chiến đấu với các lực lượng liên hiệp của phe Pháp giáo theo chiều hướng Richer và Jansenius, ban đầu là một chiến thắng vẻ vang của các cha dòng Tên, nhưng về sau, theo Quesnel, là hồi chuông khai tử của các ngài. Vì khi phái Janseniste ở Pháp liên kết với các nghị sĩ thiên Pháp giáo, thì các cha dòng Tên chỉ còn dựa vào ngai vua. Sự biến chuyển đó khởi sự từ khi vua Louis XIV qua đời, năm 1715. Bắt đầu là nhiếp-chính-vương rồi đến vua Louis XV, (+ 1774) đã không kình địch với phái Janséniste như thời vua trước nữa. Ðức hồng y Fleury (+ 1743) dĩ nhiên, tùy hoàn cảnh, vẫn tiếp tục chống đối phái Janséniste, nhưng cũng chính ông dần dà về sau, giữ thái độ dè dặt đối với sắc lệnh Unigenitus, Sau ngài, trong vòng ba mươi năm, các bà quyền thế, từ bà Pompadour cho đến bà Barry, đều đồng loạt ác cảm, muốn tiêu diệt dòng Tên. Phe thiên Pháp giảo hay nghị hội đã âm thầm tiến triển, và làm tiêu tan các niềm xác tín của triều đình. Người ta cho rằng: đã gần một thế kỷ qua, dòng Tên làm xáo trộn sự duy nhất của Giáo Hội thiên Pháp giáo. Do đó, bắt đầu vào khoảng 1760, các cha dòng Tên ít tìm được nơi nương tựa tại Pháp và không bao lâu, khi vua chúa dòng họ Bourbons lên ngôi vua ở Pháp, ở Tây Ban Nha và ở Naples, thì dòng Tên bị xua đuổi không chút thương tiếc.
Trên đây là lý do chung, chúng ta còn có thể kể đến các lý do riêng. Một trong những lý do riêng mà tôi dám gọi là mặc cảm Narcisse của các cha dòng Tên: họ coi bất cứ một công kích nào cũng là tội phạm thượng, và tự coi mình như tập đoàn tinh anh của Giáo Hội. Thực tế, chúng ta phải nhìn nhận rằng: chỉ trong một thời gian vắn, các môn đệ của thánh Ignace đã chiếm được chỗ cao nhất trong mọi lãnh vực về khoa học, tranh luận, giáo dục, truyền giáo... Sự việc đó cắt nghĩa thái độ quá tự tín là nhược điểm để hiểu, nhưng cũng là nguyên nhân phát sinh mọi ghen tương và thù ghét. Cuối cùng chúng ta có lý khi nói: việc các cha dòng Tên tranh đấu chống phái Jansénistes có hại hơn có lợi.
Trái lại, một sự thất bại có khi biến thành một việc tử đạo. Việc hủy bỏ Port Royal là sự việc đã làm cho tu viện nổi tiếng hơn cả. Từ đó lại sinh ra việc châm biếm: coi dòng Tên như một con quái vật lừa bịp. Phái Janséniste không bao giờ ngừng trách móc dòng Tên đã mưu mô rình mò và tố giác họ, thậm chí dùng cả đến những lời úp mở xiên xẹo làm hại họ. Nhưng bằng quyền bính nào? Những thủ lãnh của họ, kể cả Quesnel (3), cũng không kém quỷ quyệt trong vụ việc này.
Một điều không thể chối cãi, là việc giảng dạy của dòng Tên đã bị giảm giá. Họ dựa theo Ratio studiorum (chương trình học) ra năm 1599, và trong các học đường của Dòng, các ngài đã nhiều năm tháng bưng tai trước ước muốn của một thời đại chờ đợi phần rỗi của mình qua việc thực thi nghiêm chỉnh những khoa học vạn vật và thực nghiệm. Trái lại, nhiều cơ sở mới mẻ hơn, như các trường trung học của dòng Oratoire và dòng thánh Eudes, đã biết uốn theo thời đại rất nhiều. Nhờ sự thúc bách của Colbert, việc học hỏi các môn khoa học chính xác, đã nẩy nở rất tốt đẹp, bằng chứng là tác phẩm của Christiaan Huygens, của Gérard Desargues, của Denis Papin và các tác giả khác nữa. Ngay đến sư phạm của dòng Tên trong việc giảng dạy ở đại học về thần học, triết lý và giáo luật, càng ngày càng bị công kích. Giữa thế kỷ XVIII, dòng Tên lại quá khép kín, khiến việc thích nghi cần thiết thêm khó khăn. Không thể chối cãi được, là ngay trong dòng Tên, vào thế kỷ XVIII, việc học về các môn thuần túy thần học, tu đức không có sự đổi mới nào đáng kể. Nói chung các ngài thu mình vào việc bút chiến và hộ giáo, đến nỗi trong lãnh vực khoa học, Giáo Hội trở thành xa lạ với thời đại của mình.
Sau nữa, vào thế kỷ XVIII, dòng Tên đã gặp một vài thất bại nặng nề làm giảm thế giá. Trước hết là việc tranh chấp đáng tiếc về lễ nghi hoặc về sự thích nghi, kéo dài hơn một thế kỷ, đã được giải quyết phản lại các ngài. Cuộc tranh chấp bùng nổ ở bên Trung Hoa, khi cha Mateo Ricci, dòng Tên, đã vào được nước Trung Hoa một cách tốt đẹp, và được triều đình Bắc Kinh trọng đãi. Cha Mateo và vài người đồng bạn đã thi hành việc giảng đạo hòa hợp với đạo Khổng. Ngài có ý tưởng đặc biệt là cho phép những người trở lại, được giữ bàn thờ tổ tiên và các thần trong gia đình. Nhờ thế, vào khoảng nửa thế kỷ, bên Trung Hoa đã có đến hàng trăm ngàn người theo Công Giáo, nhất là trong giới quan liêu. Nhưng đến năm 1633, đức giáo hoàng Urbain VIII đã chấm dứt quyền độc tôn của các cha dòng Tên ở bên Trung Hoa và sự chia rẽ đáng tiếc đã khởi sự. Các cha dòng Ðaminh và Phanxicô đã gia nhập vào các xứ truyền giáo và không được các cha dòng Tên, phần đông là Bồ Ðào Nha, không nồng nhiệt đón tiếp họ. Các thừa sai mới đến, càng ngày càng quyết liệt chống đối một thể thức giảng đạo mà theo ý họ, nhắm thâu đạt cho được nhiều sỉ số, nhưng đã phải đổi lại bằng việc nhượng bộ nhiều điều nguy hại.
Chính quyền Trung Hoa, do các cha dòng Tên thúc đẩy, đã can thiệp vào, và khởi sự bắt bớ các cha dòng Ðaminh và Phanxicô. Các bề trên của hai dòng đã trình lên Tòa Thánh về vụ tranh chấp. Năm 1645, đức Innocent X (1644-1655) đã kết án lối thích nghi của các cha dòng Tên, nhưng năm 1656, đức Alexandre VII kế vị, lại vô hiệu hóa việc lên án đó. Sự tranh chấp tiếp tục một cách rất dữ dội khi các giáo sĩ thừa sai Pháp, phần đông từ giới thân dòng Oratoire de Bérulle mà đến, được gởi tới truyền giáo tại Trung Hoa. Cách riêng đó là các linh mục mà phần đông thiên về phái Janséniste hay ít ra có chủ trương khắt khe trong việc giảng Phúc Âm là chống mọi thích nghi. Vì thế sự tranh chấp tệ hại về lễ nghi đã trở nên việc đối lập giữa các cha dòng Tên và phái Janséniste, giữa những người cởi mở và những người khắt khe. Thái độ của Roma thì thay đổi theo từng triều đại giáo hoàng. Ðức Clément X (1670-1676) ban hành một phán quyết mới, chấp thuận việc thích nghi, nhưng sự tranh chấp vẫn luôn bừng cháy, buộc lòng đức Innocent XII (1691-1700) thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt gồm các hồng y để nghiên cứu vấn đề. Nhưng phải đợi mãi tới triều đại của đức Clément XI (1700-1721), Ủy ban điều tra mới hoàn thành bản phúc trình. Kết luận là không tán thành đường lối thích nghi. Trước khi phán lời chung quyết, đức Clément XI phái đặc sứ của Tòa Thánh, là Charles de Tournon, giáo phụ chính tòa d'Antioche, qua điều tra tại chỗ, với nhiều quyền quyết định.
Ðương lúc ấy, một vấn đề tương tự đã xảy ra trong xứ truyền giáo Malabar, ở Ấn Ðộ. Ở đó cũng thế, đức Tournon cũng phải quyết định: năm 1707, ngài cũng phải đi đến giải pháp cấm mọi thích nghi. Ðức Clément XI tán thành quyết định đó bằng sắc lệnh năm 1710, nhưng ngài đã lùi bước trước bao lời phản đối và cảnh giác, nên ngài không cho công bố sắc lệnh. Dầu vậy, 5 năm sau, ngài đã công bố hiến chế Ex illo die (Từ ngày ấy) ngày 19.3.1715 buộc mọi thừa sai ở Trung Hoa phải tuyên thệ là loại bỏ mọi thích nghi. Ða số các cha dòng Tên có mặt ở Trung Hoa đều tuyên thệ. Tuy nhiên, bằng nhiều phương cách, nhiều vị vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nơi các giáo hoàng kế vị để hủy bỏ sắc lệnh trên. Nhiều người chờ đợi nơi đức Benoit XIV, vị giáo hoàng có tư tưởng cởi mở, một sự thay đổi chiến thuật truyền giáo. Nhưng đó là hy vọng hão huyền! Ngày 11 tháng 7 năm 1742, đức Benoit XIV, nói chung không thiện cảm với dòng Tên, đã ra sắc lệnh Ex quo singulari (Do trường hợp hy hữu), hoàn toàn xác nhận quyết định năm 1715. Thế là sự tranh chấp gây chia rẽ Giáo Hội đã chấm dứt, nhưng nó đã giáng một đòn chí tử cho các việc truyền giáo ở Á Ðông. Phải hai thế kỷ sau, Giáo Hội mới đổi ý, dưới đời Pie XI, qua sắc lệnh năm 1742, nhưng hậu quả đã vô cùng tai hại.
Một chuyện quan trọng khác đến với dòng Tên là việc tranh chấp về đất đai lạ kỳ ở Paraguay. Người ta gọi Paraguay vào thế kỷ XVII và XVIII là một lãnh thổ rộng lớn hơn nước Cộng Hòa mang tên nó ngày nay. Hầu như hết Argentine và gồm những phần đất quan trọng của Brésil, Uruguay và của Bolivie. Người Tây Ban Nha đã chinh phục lãnh thổ đó vào giữa thế kỷ XVI, và các cha dòng Ðaminh, Phanxicô, Augustin và sau cùng là dòng Tên, đã đến đó giảng đạo. Chính các cha dòng Tên đã làm cách chấm rứt việc các người thực dân khai thác người da đỏ và việc bắt các kẻ làm nô lệ một cách dã man. Vua Philippe III, được cha tổng quyền dòng Tên là Aquaviva cho biết rằng việc truyền giáo sẽ vô hiệu vì các lạm dụng, và làm cho dân bản xứ chìm trong cơ-cực sâu thẩm, nên vào năm 1610 vua giao phó cho các thừa sai dòng Tên một lãnh thổ chạy dài theo con sông Parana. Người ta gọi đó là các khu hạn chế, các thửa đất và ốc đảo (enclaves et oasis) trong lãnh địa thực dân Tây Ban Nha. Vào giữa thế kỷ XVII, lãnh thổ kia có đến trên 30 ốc đảo. Các ốc đảo đó hoàn toàn do các cha dòng Tên cai trị: quân lính, công chức Tây Ban Nha không một ai được đặt chân đến; dân chúng chỉ nộp cho triều đình Tây Ban Nha một số cống vật vừa phải thôi.
Các khu hạn chế được bành trướng và trở nên một thứ thần quyền công sản mà các cha giữ việc hành chánh và luật pháp, nhưng cho ban cố vấn bản xứ được tham dự. Dân bản xứ ở trong những căn nhà hoàn toàn giống nhau, trong những làng xã được xây cất theo cùng một họa đồ giống nhau. Ðời sống dân cư được quy định tỉ mỉ như trường trung học của dòng Tên và đời sống tôn giáo cũng chiếm một chỗ quan trọng. Theo các bản tường thuật của nhiều sử gia dòng Tên thì đời sống tại đó trong vòng một trăm năm được coi như một bản tình ca đầy thi vị. Dĩ nhiên, việc cai trị có vẻ cha con như thế chỉ có thể thực hiện được đối với một dân còn bán khai, dễ dạy, chưa đạt tới trưởng thành. Nhưng đem so sánh phương pháp của dòng Tên với các phương thức mà các nhà thực dân áp dụng hầu như khắp nơi, thì quả thật dân da đỏ ở các ốc đảo có nhiều diễm phúc. Nhận định này không phải là một lời khen ngợi hoàn toàn các cha dòng Tên: các ngài đã xem việc truyền giáo như chuyện riêng của dòng, các ngài đã một mực gạt bỏ chính quyền dân sự và quân sự, không cho dính líu vào.
Bản tình ca đó chấm dứt vào năm 1750, khi Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha ký kết về biên giới đã giao mười ba khu vực hạn chế cho chính quyền Bồ Ðào Nha. Chính quyền này cấp tốc lo đến đất đai và dân tình, nhất là với ý tưởng là các mỏ vàng chỉ còn chờ đợi để được khai thác. Cuộc nổi dậy của người da đỏ chống công chức và quân lính Bồ Ðào Nha, đã bị gọi là do các cha dòng Tên xúi giục. Tại đây nữa, các ngài bị trục xuất, các cha dòng Ðaminh và Phanxicô đến thay thế lo việc truyền giáo. Nhưng chính-thể mới đã áp dụng chính sách khai thác không nương tay. Trong vòng mấy chục năm dân da đỏ bị bóc lột hết, không còn sung túc như xưa kia nữa. Trong những khu vực hạn chế thuộc quyền Tây Ban Nha, việc trục xuất các cha dòng Tên đã gieo bao nhiêu tai họa cho dân bản xứ. Dòng Tên đã là nạn nhân của một công trình văn minh hóa theo tinh thần công giáo chưa hề thấy trong lịch sử: đó là vinh dự lớn lao cho các cha dòng Tên. Tuy nhiên, mặc dầu không phải lỗi của dòng Tên, mà chính do âm mưu thâm độc của thực dân, biến cố lịch sử trên đây đã đỗ xuống dòng Tên tại Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha nhiều tai hoạ thê lương!
Những mất mát tại Trung Hoa và Paraguay cũng ảnh hưởng nhiều đến vấn đề tài chánh. Người ta có thể liên hệ những vụ việc ấy với những thiệt hại trong vụ kinh doanh của cha de Lavalette để nói: khủng hoảng tiền tệ, đã giết chết dòng Tên. Ðể gây quỹ cho việc truyền giáo, cha Antoine de Lavalette, bề trên các cha Thừa Sai dòng Tên tại Martinique, đã chung vốn (có lẽ được các vị bề trên chấp thuận) với các tổ chức thương mại và độc quyền buôn bán trên đảo. Một phần nào đó, cần phải nói lên các trường hợp này mà người ta gọi là ”tình trạng thoái hóa về đời sống thiêng liêng” của các cha dòng Tên ở Châu Mỹ Latinh vào thế kỷ XVIII. Nhưng trong trận giặc biển từ năm 1755 đến 1763, điều rất tang thương cho nước Pháp, là quân Anh chiếm hết tàu bè với các đồ chuyên chở. Vì thế Pháp đã mất quá nhiều tiền bạc và dân chúng kinh hoàng. Những chủ nợ chính yếu là các chủ tàu ở Marseille, quy trách nhiệm cho tỉnh dòng Tên tại Pháp. Tỉnh dòng phản bác lời quy trách này, nên vụ việc được đem ra Nghị trường ở Paris, nơi đây đã phán quyết vào tháng 8 năm 1762, và cùng với tất cả nghị viên của Pháp, khởi sự tịch thâu tất cả cơ sở và của cải của dòng Tên tại Pháp. Trong một thời gian khá lâu, vua Louis XV tìm cách thoát khỏi áp lực của các nghị trường, nhưng cuối năm 1764, vua nhượng bộ trước áp lực của công luận đang bị kích thích, nghĩa là trước những mối hận thù lâu ngày chồng chất, nay nổi lên tứ phía mà trong đó có các nghị viên, các sinh viên, các ”triết gia” và các kẻ ”kháng tố”. Ngày 26.11.1764, vua ban hành sắc lệnh bãi bỏ dòng Tên tại Pháp và tại các xứ thuộc địa của Pháp. Biến cố bãi bỏ dòng Tên, làm lợi cho tài chánh đang suy sụp của Pháp, vì của cải tịch thu giá trị ít nhất trên sáu mươi triệu quan. Nhưng tai hại vô lường là việc giáo dục bị ngưng đọng. Dĩ nhiên, các cha Biển Ðức, Oratoriens và các cha triều tìm cách tiếp nối công việc các cha dòng Tên. Hơn nữa, có đến mấy trăm cha dòng Tên trong số ba ngàn tại Pháp xin hoàn tục bằng cách tuyên bố tuân phục sắc lệnh và nhận đồng lương của chính phủ và như thế họ vẫn có thể tiếp tục dạy học. Dầu vậy, không tránh khỏi những xáo trộn lớn lao. Trong một thời gian dài, việc thích nghi bị ngưng trệ, chương trình thích ứng theo những đòi hỏi mới, sau cùng lại lợi ích trong việc giảng dạy. Nhưng rồi tất cả công việc đó trở nên rất khó khăn, vì giữa năm 1765 và cuộc cách mạng, nhiều đan viện và dòng tu khác gặp nhiều khó khăn nội bộ, về việc tuyển mộ chủng sinh hoặc việc tuân thủ kỷ luật cho nghiêm chỉnh. Chính phủ thiết lập một ”Ủy ban các linh mục dòng” và được nhiều giám mục bình tĩnh hợp tác: trong mười năm, bằng cách hủy bỏ và bằng cách phối hợp, ủy ban đã thu nhỏ con số các tu viện vào khoảng mười lăm phần trăm, làm cho từ ba ngàn chỉ còn hai ngàn năm trăm tu viện.
Cùng lúc ấy, ở Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, cơn hấp hối bắt đầu. Tại Bồ, dưới đời vua Jean V, một người yêu đời và đạo đức, các cha dòng Tên gây được nhiều ảnh hưởng lớn, nhưng rồi mọi ảnh hưởng bị suy giảm thê thảm dưới triều của người con bất tài là Joseph I (1760-1777). Vua bị hoàn toàn chi phối bởi các bộ trưởng, nhất là bá tước de Pombal. Ông này cai trị từ 1756 đến 1777 một cách hết sức độc tài. Mặc dầu không phải hoàn toàn vô tài năng và là người cải cách đáng khen về mặt hành chánh. Trong số những người độc tài sáng suốt của Âu châu bấy giờ, ông là người ít thiện cảm hơn cả, một người độc tài không do dự xử dụng bất cứ phương thế nào, miễn đạt tới mục đích. Ông có tinh thần giống luật gia Tây Ban Nha Rafael Macanaz, ông dùng ”hoàng quyền bảo trợ” để bắt Giáo Hội lệ thuộc hoàn toàn vào chính quyền. Ông khủng bố các cha dòng Tên, và quyết chí tiêu diệt các ngài. Ông dựa vào sự cộng tác của một vài giám mục và một số các cha dòng Ðaminh. Các cha dòng Tên dần dà bị loại bỏ khỏi triều đình, khỏi trường học và khỏi các nhiệm vụ bán chính thức. Một cuộc mưu sát nhà vua đã xảy ra năm 1758, ông gán cho các cha dòng Tên là kẻ chủ mưu. Vào ngày lễ các Thánh năm 1765, đã có vụ động đất kinh khủng, phá hủy phần lớn thành phố Lisbonne và gây tử thương cho hơn ba mươi ngàn người. Trên tòa giảng, nhiều linh mục đã cho đó là Chúa phạt chính sách chống đạo của chính phủ. Các linh mục này đã bị ông phạt án tử hình. Tổng cộng, giữa năm 1757 và 1761, ông đã cho xử tử hơn 80 cha dòng Tên, có cha bị thiêu sống. Năm 1759, ông bãi bỏ dòng Tên, tịch thâu tài sản của dòng, tống ngục mấy trăm linh mục và đày bằng đường biển hàng ngàn vị về các nước thuộc Giáo Hội, bỏ đói các ngài trên bờ biển.
Về điểm cuối cùng này, Pombal là gương mẫu cho Tây Ban Nha. Ở đây, Ferdinand VI trị vị cho đến năm 1769, mặc dầu vua có lòng đạo đức, nhưng đã chịu ảnh hưởng của Macanaz, luật gia chống giáo sĩ. Theo chương trình của ông, vào năm 1753 vua cưỡng ép đức Benoit XIV ký một hòa ước rồi đây sẽ làm hại cho Giáo Hội Tây Ban Nha. Dưới đời vua kế vị Ferdinand VI là Charles III, người em cùng cha khác mẹ, trước kia cai trị ở Naples, ông bộ trưởng toàn năng của Aranda lại dấn thân vào việc chiến đấu với Roma và chống các cha dòng Tên. Năm 1766, ông tố cáo các cha là gieo rắc sự nổi loạn trong dân. Vì vụ tố cáo này, năm 1767, vua ban sắc lệnh bãi bỏ dòng Tên và trục xuất các ngài. Các cha dòng Tên cũng bị trục xuất khỏi các xứ thuộc địa nữa. Nói chung, các ngài được thay thế bởi các cha Dòng Phanxicô, dòng mà vua Charles III có thiện cảm, vì vua thuộc hội dòng Ba. Vào năm 1767, có tới năm ngàn linh mục dòng Tên Tây Ban Nha bị đày về các Nước thuộc Giáo Hội. Chính quyền ở Naples và ở Parme cũng theo gương đó. Việc các cha dòng Tên xâm nhập vào một lãnh thổ của Tòa Thánh, vừa nhỏ bé, nghèo khổ vừa đã quá nhiều tu viện, đã đặt Ðức Giáo Hoàng vào một tình trạng khó xử.
Vào cuối thế kỷ, thái độ của Tòa Thánh nói chung là có thiện cảm với dòng Tên, bấy giờ đã trở nên bấp bềnh, nhất là vì các âm mưu chính trị đã ghi dấu buổi họp của cơ mật viện. Các giáo hoàng có thiện cảm mà người ta gọi là ”theo khuynh hướng hồng y Bérulle”, như đức Clément IX, và đức Innocent XI, cũng thường tỏ ra dè dặt với dòng Tên. Vị thứ hai này thực sự đã có ý định bãi bỏ dòng Tên: khi cấm dòng Tên không được nhận tập sinh, ngài đã tỏ cho thấy là ngài muốn dòng Tên chết dần. Vào thế kỷ XVIII, sự dè dặt còn tăng thêm, và vài vị giáo hoàng khác còn tỏ rõ thái độ thù ghét.
Ðức Innocent XIII đã hơn một lần công khai trách móc các cha dòng Tên: cho các cha là hai mặt và bất tuân trong việc tranh chấp về lễ nghi. Ðức Benoit XIV cũng đã nhiều lần lớn tiếng chỉ trích các ngài, và vào cuối đời, ngài tỏ ra rất đồng ý với việc làm của các vua Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha trong việc chống đối dòng Tên. Trái lại, dưới đời đức Clément XIII (1758-1769), vấn đề các cha dòng Tên lại là vấn đề sống còn, nhưng giáo hoàng không nương tay chút nào. Trong thông điệp Apostolicum pascendi munus (nhiệm vụ chăn dắt của Tông Tòa) năm 1765, ngài đồng hóa một cách trắng trợn vấn đề các cha dòng Tên với vấn đề của Giáo Hội. Dầu vậy, lúc ngài qua đời, tình trạng không thể chịu đựng được: hàng ngàn linh mục dòng Tên dồn về các Nước thuộc về Giáo Hội. Hơn nữa, nước Pháp và Naples lại giở trò cưỡng bách, chiếm các phần đất của giáo hoàng để buộc ngài đi tới chỗ dung hòa. Ðức Clément XIV, con người thiếu nghị lực, được bầu lên do áp lực của những người Pháp và Tây Ban Nha, đã đầu hàng và làm theo ý của vua chúa. Tuy nhiên ngài cũng cố gắng, chần chừ mãi cho tới ngày 21 tháng 7 năm 1773, tức bốn năm sau ngày đăng quang, mới ban sắc lệnh Dominus ac Redemptor (Thiên Chúa và Ðấng Cứu Thế) bãi bỏ dòng Tên. Giáo hoàng đã hành động như vậy một phần do sức ép cuả các chính quyền, nhưng đồng thời cũng do sự xúi dục mạnh mẽ của cha dòng Ðaminh và Phanxicô của những nước do dòng họ Bourbons cai trị. Ngoài ra, còn nhiều lực lượng đối lập khác hoạt động ở Roma trong thời điểm ấy. Bấy giờ, hình như Giáo Hoàng chỉ sợ gặp phải sự chống đối của bà Marie-Thérsèse và của con bà là vua Joseph II. Nhưng về sau ngài nhận định ”ngài đã lầm”, bởi vì chính bà hoàng hậu tuyên bố: bà không làm gì để cản ngăn việc bãi bỏ dòng Tên (6).
Một vài hồng y nhấn mạnh đến việc nên triệu tập công đồng chung, viện lý lẽ là giáo hoàng không có quyền bãi bỏ một dòng tu. Lập luận đó, vào thế kỷ XVIII đã thường thấy nhắc đến, nhưng đức Benoit XIV đã mạnh dạn tuyên bố là không thể chấp nhận được. Vả lại, hình như đức Clément XIV đã mỉm cười về ý tưởng ”muốn công đồng chung chịu trách nhiệm về một hành động nhất thiết phải làm”. Ðã từ lâu ngài để lộ ý muốn bãi bỏ dòng Tên. Bằng chứng là ngay trong những năm chần chừ, qua các thư từ trao đổi với các vua chúa giòng họ Bourbons, ngài đã có nhiều lời thóa mạ các cha dòng Tên. Tháng mười một năm 1769, ngài còn viết cho Charles III, vua Tây Ban Nha rằng: ngài sẽ cẩn thận khi ghi những lý do bãi bỏ dòng Tên, hầu cho thế giới thấy được sự khôn ngoan của các vua chúa khi trục xuất khỏi nước mình ”những linh mục dòng Tên nguy hiểm và phản động”. Tệ hơn, ngài còn dám hứa ”không bao lâu ngài sẽ thông báo cho vua bản thảo sắc lệnh” (7). Quả thực, vào tháng hai năm 1773, các vua nước Pháp và Bồ Ðào Nha đã nhận được bản dự thảo sắc lệnh để cho ý kiến. Thật khó mà đánh giá hành động ấy của vị thủ lãnh giáo hội nếu không nói là ngài ”tự xử như nô lệ”.
Sắc lệnh bãi bỏ là một tài liệu đã soạn thảo cẩn thận, đã dùng những danh từ vừa phải và đứng đắn để trình bày những lỗi lầm của dòng Tên, nhưng thiếu thành thực khi chỉ nói phớt qua những áp lực mà Tòa Thánh đã phải chịu. Ðiều đáng tủi hổ, là những hình phạt mà vị cha già tổng quyền Lorenzo Ricci (1703-1776) của dòng Tên và một vài cha cố vấn chính yếu của ngài đã phải chịu, chiếu theo lệnh của giáo hoàng. Những người đó bị mất ngay sự tự do, rồi bị nhốt trong lâu đài Saint-Ange vào cuối tháng chín. Trong việc đối xử đó, lồ lộ bàn tay của ngoại bang, nhất là của Tây Ban Nha. Một tòa án theo giáo luật được mở ra để xử họ, dựa trên nhiều điểm buộc tội, nhưng hoàn toàn không nền tảng. Sau cùng tòa tha bổng, nhưng cha tổng quyền đã chết trong tù.
Ðiều lạ là, trong nhiều nước công giáo, các chính phủ thi hành việc bãi bỏ có khi hung hãn có khi không. Người ta nói ”bà Marie Thérèse đã chảy nước mắt lúc thi hành lệnh”. Ðiều người ta kể đây là một huyền thoại, và phải nói là phi-lý. Nhưng có hai ông vua không công giáo, Frédéric II của nước Phổ và Catherine II của Nga, đã phản đối việc bãi bỏ. Hai vị này cấm không được phổ biến sắc lệnh trong nước của họ và ra lệnh cho các cha dòng Tên đang ở trong nước vẫn tiếp tục công cuộc của mình. Ta nên đọc lý do mà Frédéric đại nhân đã viết cho Voltaire; đó là một lối hài hước cay chua của ông, nếu không muốn nói là quỷ ma. Ông viết: ”Vua chúa nước Pháp ngoan đạo và trung thành với các tông đồ, nhưng đã đuổi các cha dòng Tên. Còn tôi, rất lạc đạo, tôi lại đón họ với hết khả năng của tôi. Như thế là tôi bảo tồn nòi giống dòng Tên. Rồi đây các vua có đạo sẽ đến hỏi xem tôi có một vị dòng Tên nào cho họ không. Nhưng bấy giờ, tôi sẽ bán với giá cắt cổ: một cha bề trên, không dưới ba trăm couronnes; còn một cha Giám tỉnh, tôi đòi ít là sáu trăm...”
Vả lại, không cần tìm lý lẽ đâu xa để cắt nghĩa cách đối xử của các vua chúa nước Phổ và nước Nga. Dòng Tên lập các cơ sở của họ trên hai nước đó chưa có lâu. Các ngài đến vào khoảng cuối thế kỷ XVII, khi bá tước de Saxe là Auguste II (1697-1733) trở lại công giáo, làm vua nước Balan. Trong nước ấy, đa số là người công giáo, nên không đầy ba phần tư thế kỷ, các ngài đã tạo được một vị trí vững chắc. Bản thống kê năm 1759 cho thấy, vào thời kỳ đó, một phần mười linh mục dòng Tên hoạt động tại Balan, vào khoảng hơn hai ngàn vị. Giữa năm 1710 đến 1750, số linh mục của mỗi tu viện dòng Tên tăng thêm từ hai mươi đến sáu mươi. Hoạt động của các ngài trổ sinh nhiều hoa quả. Trung thành với đường lối hoạt động của mình khắp thế giới, kể cả ở Trung Hoa, các ngài liên kết chặt chẽ với các vua chúa: việc liên kết được dễ dàng khi gặp các lãnh chúa độc tài. Vì thế, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, các ngài đã nâng cao nền văn hóa của giới quý phái Balan nhờ các trường trung học của Dòng mà họ đã hoàn toàn ”âu hóa”. Nước Balan bấy giờ mới bị phân chia: nhiều phần đất của Vương quốc đã bị nước Phổ và nước Nga chiếm cứ. Các vua chúa không có đạo liên hệ đã sáng suốt nhìn thấy tai hại biết bao nếu các cha dòng Tên có nhiều công nghiệp, phải rút lui. Trường hợp của Silésie cũng thế, bị nước Phổ thôn tính, và đa số cũng là người công giáo. Việc dòng Tên tiếp tục hiện diện và hoạt động tại các nước ấy đã được Ðức Pie VII xác nhận vào năm 1801. Ðó là khởi điểm của việc tái lập lại dòng Tên năm 1814.
Việc phá hủy dòng Tên một cách hung hãn, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, là một trong những biến cố tai tiếng nhất của lịch sử cận đại. Bởi lẽ người ta phá đổ một tổ chức lớn lao đã có từ nhiều thế kỷ, tàn phá hơn sáu trăm nhà dòng, trục xuất khoảng hai ngàn tu sĩ mà hơn một nửa là linh mục, đóng cửa hàng trăm trường học, bãi bỏ toàn diện nhiều vùng truyền giáo. Dầu vậy, chúng ta không nên trình bày biến cố đau thương này như một gương xấu. Thực sự, có những thiếu sót đã làm giảm giá dòng Tên. Nhưng điều đau buồn nhất chính là việc giáo hoàng tùng phục và thi hành theo các quyền đời đòi hỏi.
II. ÐỜI SỐNG ÐẠO.
Ðời sống đạo ở thế kỷ XVIII không cho ta có cảm tưởng là anh hùng và sốt sắng. Với lý thuyết tình yêu tinh tuyền, không trục lợi, chủ nghĩa an tịnh đã cho thấy nhiều hậu quả nguy hại; thuyết Jansénisme đã làm cho ngưới ta thêm thắc mắc lo âu, nghĩ rằng phải đến với Thiên Chúa trong sự sợ hãi và run rẩy. Tất cả các điều đó chứng tỏ rằng những lời nguyền rủa chống thuyết cấp tiến độc tôn đã khai mở một thế hệ tầm thường vộ vị, để tùy ý thích từng người, nêu ra ý tưởng ”mọi người đều đạt tới thiên đàng, mà không đòi hỏi mỗi người phải cố gắng và hãm mình ép xác. Ra như đạo Cống Giáo ở thế kỷ XVIII đã gạt bỏ mọi tiến bộ: vì sợ thuyết an tịnh, người ta cố ý tránh mọi lối sống huyền bí; để khỏi rơi vào thuyết khắc khổ, người ta buông theo chủ nghĩa khoái lạc. Một vài tác giả đã gán cho các triết gia cái trách nhiệm là đã làm phai nhạt tâm tình tôn giáo. Hình như đó là lối chơi chữ. Vả lại, khi óc hăng say thực hiện đời sống đạo đức giảm sút, khi ngọn lửa thiếu đốt lòng trí yếu đi, người ta đã đạt tới những điều kiện làm phát sinh một lối tự nhiên thần luận trống rỗng, một đức tin không hứng khởi và thiếu chiều sâu, vừa khoan dung vừa mông lung.
Với vẻ được chăm sóc bên ngoài, đời sống đạo đức ở thế kỷ XVIII làm chúng ta nghĩ đến những mảnh vườn của Le Nôtre. Ðời sống đó cho thấy có ngăn nắp, có sửa chữa, mãn nguyện với đời sống trưởng giả, cũng giống như phong trào tân cổ điển của Pháp về văn chương, đã sáng tạo những bi kịch vững chắc nhưng không gây hứng thú. Nó thích ứng với một lối kiến trúc đồ sộ và với nền hội họa của thế kỷ mà trong đó điểm trung bình thì cao nhưng thiên tài lại hiếm. Chỉ có lòng đạo đức trung dung và các bổn phận thông thường. Chúng ta không lạ gì khi thấy những tâm hồn sốt sắng hặm hở xa lánh lối sống đạo ấy. Theo lời thánh nữ Têrêsa, lòng đạo đức như thế không có gì để đáp ứng cho những ai nuôi mộng lớn về hận thù hay về tình yêu, cho tội nhân lút trời hay vị thánh lớn. Lòng đạo đức ấy nhắc cho ai nhìn lại dĩ vãng, lời sách Khải Huyền: ”Vì ngươi không nóng, không lạnh nhưng lại âm ấm, nên ta sẽ mửa ngươi ra...” (Kh 3,16). Còn tệ hơn nữa, dĩ nhiên là giữa giới thượng lưu, ở triều đình, trong giới trưởng giả, nhiều khi cả trong hàng giám mục và các giáo sĩ cao cấp, đời sống đạo chỉ có vẻ theo một tập tục trống rỗng; những người đó nhiều khi còn giống như những ”mồ mả tô vôi, bên ngoài trông đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy hài cốt và đủ loại hôi tanh” (Mt 23,27).
Trong Giáo Hội phản Cải cách, và nhất là dưới ảnh hưởng của các cha dòng Tên, điều đáng nói là đời sống chiêm niệm đã chuyển qua đời sống hoạt động. Do đó không bao lâu, người ta ít thích đời sống tu trì cổ điển, và đến độ không còn hiểu gì về đời sống ấy nữa. Vào thế kỷ XVIII, một cách chung người ta có cảm tưởng đời sống ở đan viện đã không thăng tiến lại còn thụt lùi thê thảm. Ở đây nữa, nguyên nhân quan trọng không phải tại các biện pháp do một vài vua chúa ban hành phản bội và phá đổ nếp sống đạo đang thịnh hành, nhưng chính đời sống thiếu nhiệt tình và thiếu kỷ luật trong các tu viện đã là một trong những nguyên cớ dẫn tới các biện pháp ấy. Một nửa phần đầu của thế kỷ XVIII đã cho mọi người thấy, trong khắp Âu châu và trong các nước truyền giáo, các linh mục dòng Tên đã bị tấn công dữ đội mà chủ mưu lại là các linh mục dòng khác. Sau đó là đến thời kỳ phân tán, kể cả những nơi không có một chính quyền nào can thiệp. Thế kỷ XVII còn cho thấy, ít nữa vào giữa thế kỷ, đủ loại đan viện và dòng tu được thành lập và đã giữ một vai trò trong việc giảng lời Chúa, thi hành thánh vụ, dạy học trong các trường hoặc dấn thân đi truyền giáo. Vào thế kỷ XVIII, cuộc hưng thịnh đó chấm dứt, các tu viện không đào tạo được những người nam hoặc người nữ có uy tín. Ơn kêu lại giảm sút.
Mãi vào những năm gần với Cách mạng, ít ra ở Pháp, mới thấy có sự nghiệp mới: công cuộc khảo cứu mới đây hình như chứng minh là ơn kêu gọi đã gia tăng trong nhiều đan viện và dòng tu nam nữ, cũng như lòng đạo đức được khôi phục. Cũng vậy, vào thời kỳ đó đã hình thành cái thế hệ những người sẽ giữ vững được đạo công giáo trong thời khủng hoảng cách mạng và sẽ làm cho thế kỷ XIX nẩy nở, hưng thịnh. Nhưng, rõ ràng là Cách mạng đã xảy đến trước khi công trình hồi phục mang lại kết quả và nó biến đổi sâu xa những vấn đề mà Giáo Hội phải giải quyết.
Vào cuối thế kỷ XVIII, nhiều linh mục dòng Citeaux muốn trở về với luật dòng khổ tu nhiệm nhặt, như tu viện Trappe, trong quận Orne, phía đông bắc Alencon, nhưng tu viện này chưa được bành trướng bao nhiêu. Sau khi được đức Clément XI phê chuẫn chính thức, năm 1705, thì vào thế kỷ XVIII, dòng chỉ có ba tu viện, không đông đan-sĩ bao nhiêu: nhà mẹ ở Trappe và hai nhà lập tại Ý vào năm 1705 và 1717. Vị sáng lập dòng là ông Armand de Rancé, một người yêu đời, đã trở lại và được gọi là ”abbé Tempête” (Viện phụ vũ bão), giống như một trong những vị thánh hung hăng và không đối thoại được với ai. Ông chống việc dạy các khoa học thánh trong đan viện. Bởi đó, dòng ông khó phát triển trong thế kỷ Ánh sáng. Ông đã tranh luận dữ dội với vị linh mục trí thức dòng thánh Benoit của tu viện St Maur là Jean Mabillon (1632-1707). Cho đến nửa thế kỷ XVIII, các linh mục thuộc hai dòng vẫn tiếp tục tranh luận, và do đó làm giảm mất uy tín của đời sống đan sĩ. Các đồ đệ của ”abbé Tempête” quá chú trọng đến đời sống thiêng liêng khắc khổ, làm cho đời sống tông đồ không được bành trướng. Cũng vậy, trong thế kỷ XVIII phần đông các dòng khổ tu nổi tiếng dần dần trở nên cằn cõi và thiếu thốn nhân sự. Một sự kiện hiển nhiên: ở Pháp vào năm 1770, có đến bốn trăm tu viện dòng thánh Benoit, có nhà thờ đồ sộ, nhà các cha ở tương tự các lầu đài và nhà cơm lộng lẫy. Nhưng trong mỗi tu viện thưa thớt không tới mười linh mục, sống lủi thủi qua ngày, với nguồn tài nguyên kếch xù. Ở các nước Latinh khác, kể cả ở Áo và Bavière, hiện tượng xuống dốc như trên không mấy lộ liễu, nhưng cũng đủ để hiểu được tại sao người ta càng ngày càng đối nghịch với các tu viện.
Trái lại, việc thành lập Dòng Chúa Cứu Thế, vào cuối thế kỷ XVIII, lại là một luật trừ tốt đẹp : nhưng vào thế kỷ XVIII, dòng chỉ ảnh hưởng tại nước Ý thôi. Vị sáng lập là thánh Anphonse-Marie de Liguori (1696-1787) một người quý phái miền nam nước Ý. Trước khi chịu chức linh mục, ngài đã hành nghề luật sư, ngài được bổ nhiệm giám mục vào năm 1762. Ngài nổi tiếng về khoa giảng thuyết, kể cả giữa các công trường ở Naples, và ngài cảm thấy được đặc sủng rao giảng Tin Mừng cho dân nghèo hèn, bấy giờ bị bỏ rơi rất nhiều tại ở Ý. Tại nhiều nơi, họ rất mê muội về đạo lý, hầu như rơi vào tình trạng vô đạo. Không chú trọng đến việc giảng đạo trực tiếp cho những người chất phác và nhất là các kẻ nghèo là một trong những thiếu sót lớn của Giáo Hội thế kỷ XVIII. Ngài giảng nhiều nhất tại Naples, nơi sinh quán, và các vùng lân cận thành Salerne. Ngài đã thu lượm nhiều tiến triển khả quan vào thập niên 1730. Ngoài việc thích nghi mục-vụ, ngài còn cổ võ người ta sống mật thiết với Thiên Chúa. Với ước vọng đó, ngài đã khởi xướng việc canh tân, ngài đã lập một dòng tu kín cho nữ giới năm 1721. Năm 1731, ngài được linh mục Tommaso Falcoja giúp ý và cộng tác, đã dựa vào bộ Luật mới lập thêm một dòng nam mang tên là Dòng Chúa Cứu Thế. Vào thế kỷ XVIII, dòng này chỉ có hai tu viện nhỏ bé tại Ý.
Ðể thực hiện lý tưởng linh mục của mình, năm 1732, thánh Anphonse đã quy tụ bốn linh mục tại Scala, gần Naples, lập một nhà dòng sống theo bộ luật mới, do ngài soạn thảo, và được Ðức Giáo Hoàng Benoit XIV phê chuẩn vào năm 1749. Từ năm 1752 đến 1755, việc bành trướng chỉ giới hạn vào bốn tu viện trong vương quốc Naples; từ năm 1755 đến năm ngài qua đời, 1787, bốn tu viện khác được thiết lập trong các Quốc gia thuộc Giáo Hội. Lý do hạn chế việc bành trướng dòng Chúa Cứu Thế là, Ferdinand IV trị vì từ 1759 đến 1825, đã bị ông bộ trưởng Bernado Tanucci chi phối, ông này vốn ghét hàng giáo sĩ và là kẻ thù số một của các cha dòng Tên. Ông ta cho các cha dòng Chúa Cứu Thế là các cha dòng Tên đổi lốt nên muốn tiêu diệt họ. Không thể tiêu diệt dòng được, ông tìm cách thuyết phục các tu viện ở Naples cắt đứt liên lạc với các Quốc gia thuộc Giáo Hội và với vị sáng lập. Dựa vào thế lực của mấy linh mục trong nhà dòng, ông còn có thể gây ảnh hưởng một cách tai hại trên các thái độ của các linh mục tại Naples về đường lối chính trị của chính phủ.
Chính các tu viện trong các Quốc gia thuộc Giáo Hội cũng gây bao rắc rối cho vị sáng lập. Những vụ cãi cọ đã trở nên trầm trọng đến nỗi năm 1780 Tòa thánh phải can thiệp để tách biệt các tu viện ấy ra khỏi quyền của thánh Anphonse. Vị sáng lập dòng qua đời tại vùng Naples ngày 1.8.1787, hưởng thọ 91 tuổi và không được ai biết đến. Nhưng chính đức Pie VI, vị giáo hoàng đã tách giám mục Anphonse ra khỏi con cái ngài năm 1780, lại yêu cầu lập hồ sơ phong thánh cho ngài, và đã phong ngài lên bậc chân phước năm 1816, rồi hiển thánh năm 1839. Nhiều người nghĩ, thánh Anphonse de Liguori được phong thánh một phần vì công nghiệp cải tổ khoa thần học luân lý hơn là những thành công lập dòng.
Mãi tới thế kỷ XIX dòng Chúa Cứu Thế mới phát triển mạnh, lúc bắt đầu có linh mục ngoài nước Ý gia nhập dòng. Vị đầu tiên là linh mục người Áo, cha Clément Maria Hofbauer, tu sĩ nhiệt thành không biết mệt, luôn thận trọng và giầu lòng bác ái. Năm cuối đời, thánh Anphonse lập tu viện đầu tiên ngoài nước Ý, tại Varsovie. Hơn mười năm sau, 1800 mới lần lượt có các tu viện khác tại các nước Ðức, Áo, Thụy Sĩ, Bồ Ðào Nha và Bỉ. Nhờ các tuần đại phúc sầm uất, cũng như các buổi cấm phòng đông đảo cho các linh mục, dòng Chúa Cứu Thế đã làm cho mục vụ dưới thời Phục Hưng thêm sống động.
Ngoài dòng Chúa Cứu Thế ra, không có dòng nào khác quan trọng và bền vững đánh dấu thế kỷ XVIII. Xuất hiện cùng thời đại nhưng ít ảnh hưởng hơn, thì có ba, dòng thánh Montfort, dòng Chúa Chịu Nạn và dòng Chúa Thánh Thần.
Dòng đầu tiên được thành lập năm 1712 tại Saint-Laurent sur Sèvre tại Vendée do một linh mục triều người Pháp là thánh Louis-Marie Grignion de Montfort (1673-1716). Ngài cũng được thúc đẩy bởi một ý hướng như thánh Anphonse : tại nhiều vùng người ta sống đạo lơ là, vì không có ai giảng dạy tích cực. Ðối với Cha Grignion, mục đích chính cũng là lo giảng đạo cho người nghèo, nhưng mức độ ảnh hưởng chưa lan rộng ra trong nhiều vùng.
Dòng Chúa Chịu Nạn được thành lập năm 1725 do người Ý tên là Francesco Danei, sau gọi là Cha Phaolô Thánh giá, được phong thánh bởi đức Pie IX. Các ngài cũng nhắm mục đích gia tăng việc giảng đạo cho dân chúng. Cho đến ngày vị sáng lập qua đời vào năm 1775, dòng vẫn chỉ nhắm hoạt động trong nước Ý, nơi đây dòng có mười bốn tu viện nhỏ. Vào năm 1781, dòng lập thêm tu viện ở Bulgarie và ở Valachie, mở đầu cho việc hoạt động thừa sai của dòng.
Dòng thứ ba, Dòng Chúa Thánh Thần, được cha Claude Poullart des Places sáng lập năm 1703. Ban đầu dòng có mục đích giúp đỡ các trẻ em nghèo đạt tới chức linh mục. Suốt thế kỷ XVIII, dòng chỉ đào tạo được mấy chục thanh niên tiến đến chức linh mục, trong các nhà huấn luyện của dòng tại Paris. Vả lại, một số hội viên của dòng điều khiển mấy chủng viện của địa phận Pháp. Dần dần, nhiều linh mục do dòng Chúa Thánh Thần đào tạo đã dấn thân đi truyền giáo. Và đầu thế kỷ XIX, đi truyền giáo là thừa tác vụ chính của Dòng.
III. NGƯNG TRỆ VỀ KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ VĂN CHƯƠNG.
Nếu thế kỷ XVIII có nét đặc thù và hăng hái trong việc khám phá thiên nhiên và bắt tay vào việc thí nghiệm các sức mạnh mới vừa khám phá ra, thì trên bình diện khoa học phần đời, nói chung, là thời đại hậu sinh khô cằn. Trừ một vài trường hợp hiếm hoi, chúng ta cũng phải nói như thế về khoa học tôn giáo. Ứ đọng, khô cằn và thoái hóa là ba đặc điểm của các môn khoa học thánh, chúng chi phối các đại học, các trường của dòng tu và các chủng viện. Thế kỷ XVIII ca ngợi người học rộng, có năng khiếu và khát khao tìm kiếm, biết mọi sự, giỏi trong mọi ngành, nhưng không đào sâu môn nào cả. Người hùng, người có thiên tài đều thiếu. Ðiểm đánh đầu thời đại đó là sự xuất hiện và sự nẩy nở lối hiểu biết bách khoa. Thế kỷ đó không sản xuất được Michel-Ange, Rembrandt, Shekespeare, cũng không có nhà thần học bất diệt nào, ngoại trừ thánh Anphonse, người đã có công lớn trong việc canh tân khoa thần học luân lý.
Prosper Lambertini đã nổi tiếng lâu dài nhờ việc xuất bản các sách về giáo luật có tính cách đặc thù và dưới một vài khía cạnh, có mầm mống cách mạng nữa. Chúng ta đã gặp ngài dưới danh hiệu là giáo hoàng Benoit XIV. Sau ngài, chúng ta có thể kể đến linh mục dòng Tên Francois Zaccharia (1714-1795), cũng là nhà giáo luật và là kẻ thù tài ba nhất và uy tín nhất của Fébronius. Hơn thế, cha dòng Tên này tiêu biểu cho nhiều thể văn, lại có nhiều sáng tác uyên bác đủ loại, nhiều đề tài uyên thâm về thần học và về lịch sử văn chương.
Linh mục dòng Biển Ðức người Pháp là Augustin Calmet (+ 1757) xuất bản nhiều sách giá trị về Thánh Kinh và một vài tổng hợp về lịch sử Giáo Hội, trong đó có bộ Histoire Universelle gồm 17 cuốn.
Suốt cả thế kỷ, người ta rất quan tâm đến Lịch Sử của Giáo Hội. Ðó là công trình của những người nối tiếp Jean Mabillon, dòng thánh Benoit (1632-1707), người sáng lập khoa ngoại giao và khoa cổ tự học. Người ta phát hành mọi ấn bản cội nguồn. Người có công lớn nhất trong vụ việc này là hồng y Giuseppi Orsi, dòng Ðaminh (+ 1761), hầu như suốt cuộc đời, ngài chuyên lo về lịch sử giáo hội thời thượng cổ. Về đề tài này, ngài đã xuất bản một bộ sách gần 20 cuốn, một phần được ấn hành sau khi ngài qua đời. Một số người khác cũng hoàn thành nhiều công trình đáng chú ý: Enrique Flovez (+ 1773), người Tây ban nha dòng thánh Augustin, tác giả bộ sách cổ điển Espana Sagrada gồm hai mươi chín cuốn; Bernhard (+ 1735) và Hieronymus Pez (+ 1762), người Áo, dòng thánh Benoit, đã sáng lập khoa viết lịch sử của các cha dòng thánh Benoit ở Ðức; hồng y Giovanni Mansi (+ 1769), tu sĩ dòng Mẹ Thiên Chúa đã xuất bản các văn kiện công đồng, in thành ba mươi mốt cuốn, một toàn bộ kếch sù, tuy không bình giải đầy đủ theo quan niệm tân thời; sau hết là hai anh em Pietro vả Girolamo Ballerini (+ 1783), linh mục triều, đã hy sinh cuộc đời cho việc phát hành những tài liệu cội nguồn của Giáo Hội thời thượng cổ; các ngài có công đặc biệt trong việc chứng minh những giáo lệnh ngụy-isidore là không xác thực.
Trong các lãnh vực khác, người ta lo về thần học, nhất là để biện hộ và tranh luận. Có nhiều người nổi tiếng. Trong số đó có linh mục người Pháp là cha Nicolas Bergier (+ 1790): trước tiên cộng tác với Diderot thực hiện cuốn Bách Khoa từ điển Encyclopédie, nhưng sau lại ra công bài bác những sai lầm của thời đại, tranh luận với Holbach, Voltaire và Rousseau. Cũng vậy, linh mục dòng Tên người Bỉ là Francois Xavier de Feller (+ 1802), tác giả nhiều thể văn, không biết mệt, kẻ thù số một của phong trào Ánh Sáng và của Cách Mạng, và vì thế, ông nổi bật trong số những người biện hộ của thế kỳ XIX.
Ngay trên lãnh vực sùng kính, tính cách đại chúng là đặc điểm lớn của thế kỷ XVIII. Cho nên người ta thấy hầu như khắp các nước rất nhiều sách về đường thiêng liêng, nhưng không mấy tác giả có những tư tưởng độc đáo. Giambattista Scaramelli (1752), dòng Tên, viết cuốn Directoire ascétique, (Kim chỉ nam về đời sống khổ hạnh) và Directoire mystique (Kim chỉ nam về khoa thần bí) được nhiều ngưởi dùng và dịch ra nhiều thứ tiếng. Thánh Léonard de Port-Maurice (+ 1751), dòng thánh Francois vừa giảng dạy vừa viết sách cổ võ lòng sùng kính Thánh Thể, nhất là việc dự nhiều thánh lễ và rước lễ nhiều lần trong tuần. Gaétan Marie de Bergane (+ 1753), dòng Capucins, tác giả một bộ sách đạo đức, và cổ võ lòng sùng mộ sự Thương khó. Thánh Anphonse, cổ võ việc sùng kính và đào sâu mầu nhiệm Thánh Thể, cũng như lòng yêu mến Ðức Mẹ.
Từ khi phái Quiétisme (An tịnh) đi lệch hướng, thì như ta đã thấy, phong trào thần bí cũng mất chỗ đứng. Người ta nghĩ thế kỷ của lý trí có khuynh hướng ”phản huyền nhiệm”. Chỉ trong một vài dòng tu, phong trào thần bí còn được tiếp tục một cách thầm lặng: chẳng hạn nơi các cha dòng Carmes, nơi các cha dòng Tên với cha Milley và nhất là với cha Caussade (người bị phản đối ngay trong dòng). Nơi các dòng nữ thì có dòng Carmélites và dòng Visitandines. Nhưng trào lưu nơi các dòng nữ lên xuống bất thường bởi một khái luận hay một cuốn sách nói về lòng sùng kính! Hầu hết các sách này được chuyển đi để viết bằng tay, hầu tránh nghi ngờ và kiểm duyệt. Nói chung, đời sống người công giáo trong thế kỷ XVIII không có gì là thần bí, và tình tự ấy kéo dài lâu năm.
Có thể chờ đợi gì nơi lòng đạo đức và lòng nhiệt thành của giáo dân trong một thế kỷ mà các ơn gọi tu sĩ giảm sút trầm trọng, và nhiều đan viện, nhiều dòng tu rơi vào tình trạng thoái hóa? Thực ra, rất ít tín hiệu bên ngoài. Dầu vậy, vào thế kỷ XVIII, còn sót lại ở Pháp, ở Ý và ở vài địa phương theo truyền thống Áo, những hội đoàn được điều khiển bởi các linh mục triều nhiều hơn bởi các linh mục dòng. Trong những hội đoàn này, nhiều giáo dân quá nhiệt tâm lo lắng đến lợi ích của Giáo Hội và đến đời sống đạo đức cùa từng giới, đến độ có nguy cơ vượt ra ngoài lòng đạo hạnh chân chính.
Tiêu biểu nhất cho các hội đoàn đó là Tổng hội Thánh Thể, một hội đoàn đáng thán phục và luôn mang mầu sắc huyền nhiệm, được nói nhiều đến trong các sách bàn về thời Phản-Cải cách. Tổng hội Thánh Thể đề cao việc nên thánh, nhiệt tâm bênh vực Giáo Hội và chủ trương phải chinh phục bằng cách thi hành công việc thiện, lòng đạo đức cá nhân, việc thánh hiến đời sống, bảo vệ nền luân lý công cộng, lo lắng bảo trì chính thống và tranh đấu chống thệ phản, tận tụy với công việc truyền giáo. Sau 1660, Tổng hội này bị quyền bính đạo và đời giải tán vì có nhiều hoạt động mập mờ, bí mật và nhiều vụ dính líu chính trị. Hiện hữu đồng thời với Tổng hội Thánh Thể còn có nhiều hội đoàn khác, như ”Les Bons Amis” hoặc ”Les Amis des Amis”. Vể sau, hội thứ hai này được gọi tắt bằng hai chữ ”A.A.” Hội A.A do hai linh mục, Vincent de Mur và Jean Bagot thành lập vào khoảng năm 1650 (11). Vào cuối thế kỷ XVIII, tại miền Trung và Nam nước Pháp, hội A.A. đã hoạt động hữu hiệu trong nhiều phạm vi, nhất là phạm vi truyền giáo. Nhiều người coi hội A.A. là tiền thân của hội thánh Vincent do Ozanam và các đồ đệ của ông thiết lập vào thế kỷ XIX, hoặc của các nhóm ”Ecclesia” ngày nay. Nhưng trong nhiều khía cạnh, hội A.A. gần giống như các tổ chức bảo thủ của thập niên 1910 (12).
Vào hậu bán thế kỷ XVIII, các hội bí mật mọc lên như nấm. Hội AA và các tổ chức tương tự bấy giờ có những nét giống như một loại Tam Ðiểm trắng, ở ngoài nước Pháp nữa. Trường hợp đáng chú ý không ai ngờ: một cựu sĩ quan người Áo, làm việc tại Ý, sau vào dòng Tên, qúy danh là Nikolaus von Diessbach s.j,. Ðầu tiên người ta ngạc nhiên khi thấy có nhiều binh sĩ trở lại trong các phong trào có khuynh hướng quá khích. Về sau mới biết Diessbach đã lập một hội bí mật ở Turin là Amicizia Cristiana (Tình bạn kitô), nơi tụ tập một số linh mục và giáo dân sốt sắng để chống lại bè Fébronianisme và phái duy-lý. Họ làm việc trong vòng bí mật, thường tránh né các giám mục khả nghi là có thiện cảm với nhóm Ánh Sáng. Họ còn lén lút bành trướng bằng cách lập những tổ bí mật. Năm 1789, họ lập một chi nhánh tại Vienne, chi nhánh này đã trở nên tổng hành dinh cho kế hoạch đấu tranh với phái Josephisme. Chính thánh Clément Marie Hofbauer xuất thân từ nhóm này. Tại Pháp, nhất là ở miền Nam, hội AA cho việc chống đối các triết gia là sứ mệnh chính yếu của họ. Ðiều đáng tiếc là trong cuộc chiến đấu, nhiều khi họ thiếu khôn ngoan, thiếu nhận định đúng đắn và không kính trọng sự thật. Dầu vậy, họ đã nêu cao một điều đáng tán thưởng: trong những cuộc bắt đạo dữ dội thời cách mạng, họ đã là những tiểu tổ anh dũng trung thành với đạo giáo, và chẳng bao lâu nhiều người trong các tổ đã là những phần tử tinh hoa của nhóm Thức Tỉnh (Réveil).
Nếu Tổng hội nuôi dưỡng lòng sùng kính Thánh Thể, thì các hội đoàn khác lại phát huy lòng sùng kính Ðức Mẹ dưới nhiều nét đặc thù, nhưng thường là theo đường lối đã có sẵn. Ðiều được coi là mới lạ và độc đáo nhất của thế kỷ XVIII, là lòng sùng kính Thánh Tâm: không hẳn là do thế kỷ XVIII sáng chế ra đâu, vì theo tài liệu của thánh nữ Gertrude de Helte và Mechtilde de Hackebovn, lòng sùng kính Thánh Tâm đã có ngay từ thế kỷ XIII. Vào thế kỷ XVI, lòng sùng kính này được phổ biến rộng rãi. Ở Pháp vào thế kỷ XVII, thánh Jean Eudes là tông đồ nhiệt thành truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm. Vào cuối thế kỷ XVII, việc Chúa hiện ra với thánh Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690), nữ tu dòng Thăm Viếng tại Paray-le-Monial, đã làm cho việc bành trướng được mạnh mẽ và lan rộng ra hơn, nhờ những tài liệu của các cha giải tội kế tiếp nhau của thánh nữ, nhất là của cha dòng Tên Jean Croiset (+ 1738). Dầu vậy, trong nhiều thập niên, dòng Tên cũng thuộc về những lớp người phản đối việc bình dân hóa lòng tôn sùng Thánh Tâm. Những người này ban đầu rất đông, và ở trong nhiều nước. Nhưng vào giữa thế kỷ, chính nhờ các cha dòng Tên, lòng tôn sùng đã bừng sáng tại Balan. Lần lượt tại nhiều nơi khác, phong trảo chống đối bớt dần và lòng tôn sùng Thánh Tâm dâng cao. Sau cùng, vào thế kỷ XVIII, cha Tổng quyền dòng Tên, Lorenzo Ricci, đã cổ võ một cách công khai việc tôn kính Thánh Tâm. Thế rồi, có lẽ do lời yêu cầu khẩn thiết của các Giám mục Balan, đức Clément XIII đã chính thức công nhận việc tôn sùng đó vào năm 1675. Từ đó, lòng sùng kính Thánh Tâm được phổ biến mạnh mẽ ở khắp nơi; nhất là qua thế kỷ sau, dưới sự thúc đẩy của đức Pie IX và đức Léon XIII.
Cũng giống như các môn học riêng của hàng giáo sĩ, trong nghệ thuật thánh không có tác phẫm nào độc đáo về cảm hứng hoặc về tư tưởng, nhưng nói chung, người ta sành sõi trong nghề nghiệp. Ngoài nghệ thuật thánh cũng thế: có một vẻ đẹp trung bình của một kỹ thuật vững chắc đã diễn tả nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Không thấy có các thiên tài, nhưng trong mọi nước, tràn đầy các bực thầy giàu kinh nghiệm trong nghề. Cả đến ngày nay, còn nhiều tài nghệ của một vài người trong nhóm họ vẫn ghi dấu tại nhiều thành phố âu châu qua những thực hiện vĩ đại đầy giá trị, như chúng ta thấy ở Vienne và nhiều tỉnh của nước Áo và miền Nam nước Ðức. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa đã đạt tới đỉnh cao. Cho dù còn rất nhiều bất công về xã hội, thế kỷ XVIII là một kỷ nguyên phát triển và thành công lớn về kinh tế. Các giáo hoàng, vua chúa, giám mục và giới trưởng giả dư tiền của để thi đua xây cất. Các tiểu vương của Ðức và, cách riêng của Ý còn lôi kéo sự chú ý của chúng ta qua các dinh thự được xây cất và trang hoàng đầy những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có những bức tranh vĩ đại và nhiều tác phẩm chạm trổ lộng lẫy. Vào tiền bán thế kỷ, nổi bật những hình thức nghệ thuật kỳ quặc, cái gì cũng đổ sộ, hào hùng, vào hậu bán thế kỷ, nghệ thuật đạt tới chóp đỉnh với dáng điệu ủy mị, duyên dáng. Vì thế, phái tân cổ điển phản ứng lại với nhiều nét giản dị. Nhưng về nghệ thuật thánh đường, phản ứng đó không có ảnh hưởng, ngoại trừ ở Pháp. Kể từ thế kỷ XVIII, có nhiều nhà thờ ngày nay còn nổi tiếng ở Ý, như nhà thờ Saint Jean de Latran, Sainte Marie des Anges, mặt tiền của Sainte-Marie-Majeure. Tại Áo và Bavière, không kể nhiều nhà thờ, còn một số các tu viện đồ sộ, như Klosterneuburg, Saint Flovian và Melk. Về kiến trúc, điêu khắc và hội họa vào thế kỷ XVIII, nói chung là bình thường, nghệ thuật kỳ quặc ở miền Nam nước Ðức làm thành một thứ ốc đảo bột phát. Vả lại, bấy giờ ở Âu châu người ta ít xây cất nhà thờ. Những kiến trúc sư nổi tiếng như Consad Schlaun, người Ðức, lại dồn hết tài lực vào các dinh thự và lâu đài nghỉ mát kiểu barốc, thay thế cho các lầu đài thời Trung cổ. Vì vậy, về chạm trổ và hội họa, các chủ đề thần thoại dần dà thay thế các chủ đề tôn giáo.
Tuy nhiên, về âm nhạc, trong thế kỷ XVIII, nhạc đạo tạm thời chiếm hàng đầu: những bài hát thánh lễ, những bài hát nhiều bè, và những bài hát đạo đủ loại khác. Trong các nhà nguyện vua chúa, trong các thánh đường, trong các đền thờ tin lành Luther ở Ðức cũng vậy. Âm nhạc đạt tới tột đỉnh, các tác phẩm của Bach, Mozart và Beethoven là những tang chứng bất diệt. Nói thực ra, nhạc-kịch đời luôn luôn chiếm ưu thế. Ảnh hưởng của chúng trên giáo nhạc không những chỉ là một may mắn, nhưng còn là truyền cảm len lỏi vào trong các bộ hát lễ của Mozart và Beethoven, được coi là khuôn mẫu cổ điển cho các loại hòa tấu.
Sau hết trong lãnh vực văn chương, tôn giáo vẫn là nguồn hứng khởi cho loại thơ trữ tình, thơ lịch sử và cả cho thơ bi kịch. Nhưng bấy giờ không có những tác giả thiên tài như trong thế kỷ XVII. Ở Pháp, tài hùng biện trên tòa giảng, trước kia đã đạt tới tột đỉnh qua Bossuet, Fénélon và Bourdalone, về sau càng ngày càng giảm sút bởi khoa hùng biện của phái kỳ quặc. Loại văn chương ăn khách của thế kỷ XVIII là tiểu thuyết. Ở Pháp, nó đã trở thành một nghệ thuật với Lesage, Marivaux và linh mục Prévost, ở Anh với Defoe và Swift; vào hậu bán thế kỷ, nó được bành trướng rộng rãi qua các tiểu thuyết lãng mạn của Richardson, Rousseau, của Goethe và các đồ đệ của họ, ở miền Bắc Hòa Lan qua các bà Wolff và Deken. Trước tác phẩm của họ phản ảnh một xã hội kitô-giáo: cách chung, đạo giáo thường được nhắc đến trong câu chuyện tiểu thuyết, nhưng với luận điệu tự nhiên thần luận đơn giản và thông dụng, nghĩa là dưới hình thức tâm tình đạo đức không có căn bản tín điều. Ảnh hưởng sâu rộng của Fénelon vào thế kỷ XVIII cũng đi theo chiều hướng đó. Người ta thường giải thích các đề tài của Fénélon trong chiều hướng hữu thần và với một lòng mộ đạo mờ ảo, một sự phản bội mà trong đó thấy rõ tinh thần của thế kỷ. Về sau Chateaubriand đã đem lại cho đạo công giáo một loại sửa sai về văn chương của thế kỷ XIX. Cơn thức tỉnh sẽ bắt đầu từ đó.
IV. NƠI NHỮNG NGƯỜI CẢI CÁCH.
Trong thế kỷ XVIII, một thế kỷ ứ đọng, không phát đạt, thì nơi các Giáo Hội Cải cách cũng chẳng hơn gì nơi Giáo Hội Công Giáo, cỏ chăng bên ngoài ít cằn cõi, ít khô khan hơn. Vả lại, theo cốt tính của tin lành và theo nguyên tắc tự do lương tâm, chủ trương đa dạng và chiều hướng địa phương hơn là hiệp nhất, thì tất cả mọi hình thức đều có thể nẩy nở, tự do đưa ra trắc nghiệm, không bị ai cản ngăn, chỉ trích. Tuy nhiên, các cao trào địa phương ấy thường bị các Nước thuộc Giáo Hội hợp tác chặt chẽ với quyền dân sự tìm cách ngăn cản, có khi thẳng tay đàn áp. Trong thực tế và ở khắp nơi, họ luôn bị coi là những đối tượng chèn ép của cộng đồng kitô (13). Ðể bổ túc những gì đã nói về Tin Lành ở một vài đoạn khác trong sách này, chúng tôi nêu lên dưới đây một vài nhận định về sự biến chuyển của lòng đạo đức trong các cộng đoàn cải cách.
Vào thế kỷ XVII, Giáo hội cải cách Hòa Lan là nơi nung nấu một chủ thuyết Calvin vững chắc, là trưởng sở đấu tranh giữa nhóm Gomaristes dựa sát vào tín lý và nhóm Arminiens có hướng chiều nhân bản. Vì lý do đó, Giáo hội cải cách Hòa Lan là đối tượng quan tâm của Kitô giáo hoàn vũ. Sau khi khuynh hướng chính thống đã thắng thế ở hội nghị Dordzecht (1618-1619), Giáo hội Cải cách đã mất cái đà tiến vốn có từ trước và mất cả niềm hãnh diện thấy mình được cả thế giới công nhận như biểu hiệu cho đức tin và tư tưởng của phái Calvin. Mối liên lạc của họ với các đồng đạo hải ngoại càng ngày càng trở nên phai nhạt. Các phân khoa thần học không còn đào tạo được những anh tài có uy tín trên trường quốc tế. Những cuộc tranh luận xưa kia được người ta say sưa theo dõi, thì nay chỉ là những cuộc tranh chấp có tính cách địa phương không đáng kể. Trên nguyên tắc, năm 1619 đã cho họ đứng vào hàng ngũ cao nhất chưa bao giờ thấy, nhưng trong thực tế chưa bao giờ họ chiếm địa vị quốc giáo, họ còn bị các nhóm khác (như nhóm Luther, nhóm Tái-Thanh tẩy, và các nhóm đề kháng) công kích cách thậm tệ. Hơn nữa, trong các nhóm công kích này lại xuất thân nhiều nhân vật trổi trang hơn. Vì thế, họ bất chấp, họ coi thường Giáo hội cải cách chính thức, trước tiên trong lãnh vực văn chương rồi lan dần đến đới sống đạo đức.
Ðại học de Leyde thiết lập năm 1575, không hề làm cho khoa thần học đứng vào hàng đầu như các nhà sáng lập mong muốn. Trái lại, khoa thần học của đại học Utrecht thiết lập năm 1631, đã trở nên một trung tâm thế giới về thuyết Calvin, trước hết là nhờ nhà bác học uyên thâm Gisbert Voetius (1589-1686). Ông nổi tiếng, phần lớn là nhờ tài tranh luận chống công giáo và chống triết lý Descartes. Tuy là người nhiệt tâm bảo vệ thuyết Calvin chính thống, ông lại muốn làm một tổng hợp giữa nền tảng chắc chắn về tín lý với một lối sống đạo nặng về lòng sùng kính cá nhân. Ông cho rằng ông có sứ mệnh làm cho đời sống riêng tư cũng như công cộng, thấm nhuần tín lý và luân lý của Calvin, nhưng ông đã hoàn toàn thất bại. Sau khi ông chết thuyết Calvinisme đã bị đẩy lui vào thế thủ và giẫm chân như vậy suốt cả thế kỷ XVIII. Trước hết, họ phải hằng ngày đối phó với các giáo phái có khuynh hướng chiêm niệm và kitô-cộng sản (christo-communiste) phát triển mạnh nhất vào năm 1700. Về sau họ còn phải đối đầu với Tự nhiên Thần giáo (déiste) xâm nhập vào chính trong thuyết Calvinisme.
Quyền tự do lương tâm được pháp luật nhìn nhận đã giúp cho các giáo phái mới nói ở trên, tìm được tại các Liên tĩnh một môi trường rất thuận tiện. Những người theo nhà cải cách Socin và các nhóm chống đối tín điều Chúa Ba Ngôi của Ðông Ðức và Bohême đã tìm được ở đó một nơi nương náu chắc chắn, nhất là những người Ba Lan gốc Do Thái, Nga Sô và Bồ Ðào Nha và những người theo thuyết Jansénisme và thuyết Calvinisme ở Pháp. Jean de Labadie, cựu tu sĩ dòng Tên và Antoinette Bourignon, nữ tu phá-giới, cả hai từ Pháp di cư qua, và Christian de Cost, một nhân vật uyên bác thuộc dòng Oratoire, cả ba là tiêu biểu cho tinh thần liên đới giữa các môn phái mới ra đời với chủ nghĩa an tĩnh của các giới công giáo Pháp. Daniel Zvicker là hiện thân sự hiệp thông với các các nhóm chống tín điều Chúa Ba Ngôi ở Ðông Âu. Judith Zinspennicq, tiêu biểu cho nhóm Quakers Anh. Johannes Gichtel, Gertrand Tersteegen và những học sinh trung cấp de Rymsberg tụ họp quanh Spinoza, họ tiêu biểu cho lòng mộ đạo đã được lan rộng qua nhiều hình thức sáng chói trên lãnh thổ của thuyết Luther tại Ðức.
Ở Ðức và ở Scandinavie, tin lành Luther trở thành quốc giáo. Tình trạng này giống như trường hợp Anh-giáo, đã gây nên một mối nguy hiểm là nặng hình thức và cứng nhắc. Học thuyết Calvinisme trước kia mềm dẻo hơn. Từ phản ứng tự vệ chống nguy cơ đó, đã nẫy sinh từ thế kỷ XVII, một thứ chủ nghĩa tổng hợp mà Georg Calintus (+ 1656) được coi là người cha tinh thần. Nguyên tắc của ông về consensus quinque saecularis, là thu tóm gia tài chung của tất cả Kitô giáo vào các truyền thống của năm thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, là phá hủy tận gốc niềm xác tín ”nhất thiết phải có cải cách” và ”sự độc quyền của thuyết Luther sẽ có lợi ích”. Nguyên tắc hỗn hợp ấy đã được mục sư ở Leipzif, là Adam Bernd (1676-1748) truyền bá. Quan niệm chủ hòa về tôn giáo Leibniz (+ 1716) và của các đồ đệ của ông đã làm cho quan niệm tổng hợp nói trên có tính cách thời sự mới mẻ.
Chính sự bất mãn về những truyền thống tẻ nhạt của một Giáo Hội đã được thiết lập lâu bền là nguồn gốc phát sinh nhiều hình thức mộ đạo tại Ðức. Philippe-Jakop Ipener (+ 1705) được gọi là người truyền bá đầu tiên, chính bởi ông mà tdanh từ ”sùng tín”(piétisme) (14) được phổ biến trong dân chúng. Từ đó, cũng như hầu hết các danh từ khác, danh từ sùng tín được gán cho một hiện tượng hòa hợp mọi màu sắc giống như các mầu sắc cầu vòng. Có những người thực sự bảo vệ truyền thống, như Voetius, người Hòa lan, mà chúng ta đã nói đến, có thể được gọi là người sủng tín; nhưng trong thế kỷ XVIII lại có những nhiều tiên tri hăng say loại bỏ hầu hết các tín điều tôn giáo, chẳng hạn như bá tước Zinzendorf và Clavier.
Không có gì khó khăn hay bất công khi nói rằng trong số những người theo thuyết sùng tín hay mộ đạo của thế kỷ XVIII trong những nước tin lành Luther, có nhiều người bệnh hoạn. Ðó là hậu quả của những thái quá về ơn nói tiếng lạ thường kèm theo hiện tượng co dúm người lại, như chúng ta đã thấy từ đầu trong giáo phái Méthodiste của Anh và như có ghi trên ngôi mộ của một người Pháp theo thuyết Jansénisme. Ðó còn là hậu quả của một sự phối hợp giữa lòng sùng tín cuồng nhiệt với sự buông thả nhục dục là đặc điểm của một thứ huyền bí giả tạo. Nhiều khi lòng mộ đạo kiểu ấy đã rõ ràng trở nên một thứ bệnh dịch làm cho vài nơi có nhiều nạn nhân, đến nỗi các nhà chức trách đạo và đời đã phải thi hành những biện pháp phòng ngừa và trừng phạt hầu bảo vệ lòng đạo đức chân chính. Những hiện tượng như thế đã xảy ra nhiều ít ở Wurtemberg, ở Poméranie và trong thung lũng Wupper, cũng như rải rác ở Ba Lan, Ðan Mạch và Thụy Ðiển. Ở nước sau cùng này, vào giữa thế kỷ XVIII, một nhà vạn vật học là ông Emmanuel Swedenborg (1688-1772) tự xưng là người rao giảng thuyết mộ đạo mới, và từ đó thoát sinh một ”Giáo hội Jérusalem mới”. Ðó là một thứ hội phiếm thần lạ kỳ muốn cắt nghĩa Thánh Kinh theo lối phúng dụ và theo thuyết duy lý. Ngay ở Thụy Ðiển, hiệp hội đó tự tiêu diệt sau một thời vẻ vang ngắn ngủi, ngày nay chỉ còn tồn tại ở các giáo xứ nhỏ bên Anh, Mỹ và Úc.
Một mầm mống khác của thuyết mộ đạo còn tồn tại cho đến ngày nay và được thế giới rất kính nể qua những hoạt động bác ái đầy can trường, như săn sóc người cùi ở Suriname, và qua các việc truyền giáo giữa các thổ dân Bắc cực (Esquimaux). Ðó là phong trào của những người ”Herrnhuters” mà một bá tước người xứ Saxe là Nikolaus von Zinzendorf (1700-1760) đã tổ chức lại (chứ không phải sáng lập) cho những người theo thuyết Jan Huss bị bách hại (1727). Theo Newman, một phong do giáo sĩ đạo đức thuộc Anh-giáo tên là John Wesley (1703-1791) phát động trong thời ấy mang tên ”The shadow of a catholic saint”, (phản ảnh của một vị thánh công giáo), cũng như giáo thuyết Méthodisme, những người Herrnhuters hay Frères morares, tất cả đều có công rất lớn trong lịch sử: họ là những người đại diện xứng đáng cho những điều chúng tôi đã nói ở chương I về ”Những luồng tư tưởng chống đối phái mộ đạo của thế kỷ XVIII”. và may mắn thay, họ đã đánh bại thành quả của thuyết phiếm thần hoàn toàn duy-lý. Những sử gia công giáo có nền tảng để đánh giá một cách rẻ-rúng thuyết mộ đạo ”Schwarmerische Marsenerheburg” (phong trào thái quá nâng cao quần chúng) (15): không có một sự sai lệch nào, không có một thoái hóa nào ngăn cản chúng ta nhìn nhận công nghiệp lâu dài của luồng tư tưởng chống phái mộ đạo.