CHƯƠNG III
NHỮNG BIẾN CHUYỂN VỀ THUYẾT
THƯỢNG TÔN GIÁM-MỤC ÐOÀN
CHƯƠNG III
NHỮNG BIẾN CHUYỂN VỀ THUYẾT
THƯỢNG TÔN GIÁM-MỤC ÐOÀN
I. TẠI NƯỚC PHÁP
Vào đầu thế kỷ XVIII, Giáo Hội bị lung lay dữ dội bởi những cuộc tranh luận về thuyết Jansénisme, nhất là bởi Pháp giáo (Gallicanisme) và Hội Thừa Sai Hòa Lan. Nhưng chính vào những thập niên đầu của thế kỷ ấy, ý nghĩa của thuyết Jansénisme đã bị thay đổi rất sâu đậm. Cuộc tranh luận về bản tuyên thệ đức tin của Alexandre VII, sự phân biệt một cách tinh vi giữa vấn đề pháp lý và vấn đề thực tế đã là triệu chứng tiên khởi cho sự biến chyển đó.
Ðối tượng của những cuộc tranh luận không còn phải là lý thuyết về tội nguyên tổ và ơn tiền định về đại ân (gratia magna) và tiểu ân (gratia parva), cho bằng việc tự hỏi xem có phải các lý thuyết bị lên án đều nằm trong cuốn sách nhan đề là Augustinus của Jansenius hay không, có phải đức giáo hoàng có thẩm quyền quyết định về vấn đề đó, và buộc lương tâm các giám mục và các nhà thần học phải tuân theo.
Năm 1669 đức giáo hoàng Clément đã khoan hồng mà bãi bỏ các hình phạt cho nhiều người Pháp theo thuyết Jansenisme, nhất là Antoine Arnaud và các nữ tu ở Port Royal làm cho mọi cuộc tranh luận hình như đã chấm dứt. Nhiều hay ít, người ta đã mặc nhiên bỏ qua vấn đề. Nhưng phải nhìn nhận rằng, tán thành việc lên án, không có nghĩa là người ta đã hoàn toàn bỏ mọi ý kiến về ơn thánh và các hậu quả ơn thánh gây nên. Nhiều nhà thần học và luật học ở Sorbonne và Louvain vẫn còn luôn luôn binh vực những ý kiến bị lên án. Ngược lại, trong nhiều dòng tu cựu trào, như dòng thánh Benoit, nhất là tu viện ở Saint Maur, dòng Citeaux, dòng thánh Norbert, dòng Khổ tu và một vài dòng Kín, người ta vẫn khăng khăng cho dòng Tên có quan niệm và hành động theo chủ trương buông thả; cho nên người ta đã không ngại công kích các ngài một cách kịch liệt. Vả lại trong việc giảng dạy và mục vụ, người ta vẫn bất đồng ý kiến với nhau, có khi thật dữ dội. Nhất là cuộc tranh luận giữa những kẻ chủ trương ăn năn tội vì sợ hình phạt (attritio), hoặc vì lòng mến Chúa (contritio), đã ảnh hưởng đến việc hướng dẫn con chiên, hay việc dạy giáo lý. Ðến nỗi, giáo dân đã tham dự vào các cuộc tranh luận đó, càng ngày càng nhiều.
Ngay đến việc bầu giáo hoàng cũng không thoát ra khỏi những sự tương phản quan trọng này : người ta cho rằng, ít nữa vào giữa thời kỳ 1670 và 1680, có một số hồng y, nhất là đức Colonna và Casanata, có thiện cảm với phái Jansénisme: họ đã giúp và khen ngợi đức Innocent XI (Odescalchi), con người nghiêm khắc, trúng cử năm 1676. Hình như ngài tiêu biểu trọn vẹn cho lòng đạo đức theo lối hồng y Bérulle; nhưng người ta lại thấy vào buổi đầu triều đại ngài, thuyết Jansénisme đã thắng thế, hay ít nữa, các cha dòng Tên đã thất bại. Năm 1679, dựa vào lời Antoine Arnauld chỉ dẫn, ngài đã lên án 65 luận đề theo chủ thuyết buông xa rút trong các tác phẩm của các cha dòng Tên. Ngài đã cấm dòng Tên, trong một thời gian, không được nhận tập sinh, vì dòng đã chủ trương thuyết cái nhiên. Hai sự kiện đó chứng tỏ cái cảm tưởng trên đã không phải là thiếu nền tảng, ít nữa về vụ các cha dòng Tên. Có thể là, dưới triều đại Innocent XI không có chuyện nâng đỡ phái Janrenisme; Dầu vậy, vào năm 1680, khi vị giáo hoàng ấy thực sự đã có ý định phong chức hồng y cho Arnauld (1), thì sự việc đã khá rõ. Dưới triều đại ngài, ai cũng có quan niệm lạc quan như đã thấy vào năm 1670, do đức Bargellini, khâm sứ Toà Thánh ở Paris, trình bày trong bản phúc trình gửi về Toà Thánh : ”giansenismo estinto” (2). Cũng trong ý hướng đó mà vào năm 1686, Antoine Arnauld cho xuất bản một tập sách nhan đề là Le Fantôme du Jansénisme (Hồn ma của thuyết Jansénisme) để chứng minh rằng thuyết Jansénisme chỉ là do các cha Dòng Tên đã ác ý bịa đặt ra.
Ðiều làm cho người ta nghĩ rằng thực đã có hoà giải là khi vua Louis XIV và Toà Thánh bất đồng ý kiến với nhau. Những mối bất đồng kia càng ngày càng lớn, thì hình như các kẻ theo thuyết Jansénisme ở Pháp, nhóm mà Vua ghét nhất, không nổi lên chống đối Roma, mà cùng Roma chống Pháp giáo kiêu căng.
Ðều làm cho người ta lầm tưởng là thế cờ liên minh đã đảo ngược, đó là sự xung đột về đắc quyền quốc vương giằn co giữa Toà Thánh và Vua nước Pháp từ 1673, và chỉ kết thúc bằng một giải pháp dung hoà vào năm 1693. Thực thế, hai người theo thuyết Jansénisme là Nicola Pavillon, giám mục thành Alet và Francois-Etienne de Caulet, giám mục thành Pamier, cả hai đều chống đối về vấn đề thực tế, là phần tử độc nhất trong hàng giám mục còn tiếp tục chống đối việc vua Louis XIV đã ngang nhiên chiếm đoạt nguồn lợi các thánh chức khuyết tịch. Họ đã trở thành nạn nhân của chính lòng can đảm của mình, trong việc chống đối nhà vua. Mỗi lần chống đối triều đình như thế, họ không ngớt kêu cầu đến Toà Thánh và đã được giáo hoàng khen ngợi việc họ làm. Vì thế, trước con mắt triều đình và các kẻ nịnh thần, nhất là các giám mục lụy thuộc nhà vua, thì sự liên kết giữa giáo triều Roma và môn đệ Jansenius là một liên minh quái đản phản quốc, cố công hiệp sức chống đối quyền tự do của phái-giáo. Ðể phản ứng lại, vua Louis XIV khởi sự đối phó một cách cứng rắn với đồ đệ của thuyết Jansénisme.
Trong thời gian ”khoan hồng”, Antoine Arnauld, đi sát với Toà Thánh, đã ra một tác phẫm gồm ba cuốn La Perpétuité de la loi de l'Eglise catholique touchant l'Eucharistie (Ðức tin trường tồn của Hội Thánh Công Giáo về Thánh Thể) 1669-1673), để tặng đức Clément IX, Antoine Arnauld, đã công khai bênh vực hai giám mục bị vua bắt bớ, nên sợ liên lụy đến bản thân, đã trốn qua Hòa Lan thuộc Tây Ban Nha. Nhiều cha dòng Oratoire đón tiếp người như một nạn nhân cao cả vì trung thành với Toà Thánh. Sau đó, người ở Hòa Lan, và thể theo lời khâm sứ toà thánh Van Neercassel mà người, với tư cách là cố vấn chính thức, đã dành thời giờ đào tạo một vài cha trẻ tuổi. Vài năm sau, người trở về miền Nam Hoà Lan và qua đời năm 1694 tại Bruxelles, được mọi người tôn kính như một người tử đạo của Pháp-giáo.
Bao lâu Arnauld còn sống, tinh thần của sự ”khoan hồng” vẫn còn ở Hòa Lan và, đáng kể hơn cả, là còn ở giáo triều Roma, để có thể hy vọng chắp nối được sự hiệp nhất giữa người công giáo. Nhưng sau khi người qua đời mọi sự đã biến đổi. Pasquier Quesnel (1634-1719) lên thay thế, đã tỏ ra tệ hại trong nhiều mặt, lại đề cao chính bản thân. Ðó là giai đoạn thứ hai của thuyết Jansénisme giai đoạn mang tên ông ta, gọi là thuyết Quesnelisme. Giai đoạn này khác với giai đoạn trước, là ở hướng chiều muốn đổi thay đối thủ trong thảm kịch bộ ba chống đối nhau là Roma, Giáo Hội Pháp tự trị và thuyết Jansénisme. Quesnel đã phải mất rất nhiều thời gian mới thành công được phần nào trong dự án đó, nhất là khi vua Louis XIV cương quyết không chịu hòa giải; nhưng dưới thời Nhiếp chính, thuyết Jansénisme và thuyết pháp-giáo đã kết thành một tâm não chống giáo triều Roma một cách rất dữ dội. Dẫu vậy, vào những năm cuối cùng đời vua Louis XIV, thuyết Jansénisme cũng đã xâm nhập được vào hoàng cung và nền luân lý khắc khổ của thuyết đó đã gieo vãi ảnh hưởng sâu đậm nhờ nữ bá tước Maintenon. Dưới thời Nhiếp Chính, thuyết Jansénisme vẫn tiếp tục lan rộng một cách ngấm ngầm, ngay trong hàng ngũ Pháp giáo.
Riêng Quesnel, ông không được chứng kiến giai đoạn chót của sự biến chuyển đó. Dòng Oratoire, không theo quan niệm của ông về ơn thánh và những hậu quả trên đường mục vụ. Năm 1684, dòng đó bắt ông phải ký vào tờ tuyên-thệ chấp thuận bản tuyên-thệ đức tin của Alexandre VII, nên ông di-cư qua Hòa Lan Tây Ban Nha, về ở với Antoine Arnauld cho đến khi Arnauld qua đời năm 1694.
Trong thời gian ở Bruxelles cho đến 1703, Quesnel đã liên lạc chặt chẽ, hoặc trực tiếp hoặc qua thư từ, với các cha dòng Oratoire và các cha triều ở Hòa Lan Tây Ban Nha những người còn nhiều tình cảm với thuyết Jansénisme cũng như với nhiều linh mục Hội Thừa Sai Hòa Lan. Quesnel được Alphonse de Berghes, tổng giám mục thành Malines, chở che cho tới năm 1689. Người kế vị de Berghes là tổng giám mục Humsert de Précipiano, người Pháp, là kẻ công khai đối lập, nếu không nói là kẻ thù ác liệt, với mọi hình thức Jansénisme, và cho mình có nhiệm vụ khử trừ thuyết ấy ra khỏi Hòa Lan. Nhưng đường lối chính trị ấy không được sự nâng đỡ của Maximilien Emmanuel de Bavière, quan toàn quyền cuối cùng của Hòa Lan, cai trị thay cho vua Tây Ban Nha. Vào khoảng mười năm cuối cùng của thế kỷ XVII, miền Nam Hòa Lan là nơi dung thân chắc chắn cho rất nhiều người theo Jansénisme di cư đến.
Tình trạng đó chấm dứt, sau khi nước Pháp xâm chiếm Tây Ban Nha vào những năm đầu tiên của cuộc chiến dành quyền kế vị tại đó. Sau khi vua Louis XIV chiếm được miền Nam Hòa Lan cho cháu là Philippe V, người đã liên lạc với Precipiano và cam kết sẽ tiếp tay trong việc tiêu diệt kia. Từ đó, đức Tổng không để cho các đồ đệ của Jansénisme ở Pháp được yên thân. Người vào các viện tu buộc các dòng tu phải ký nhận toàn bản tuyên thệ đức tin của Alexandre VII, cất chức các cha xứ khả nghi, cho người đi bắt một số tác giả viết về những tư tưởng đã bị kết án và đưa họ ra tòa án Giáo Hội ở Malines. Nhờ một vài cha dòng Tên chỉ điểm, người ta mới có thể lùng bắt Quesnel ở Bruxelles hôm 30.5.1703 và tống ngục, cùng tịch thu giấy tờ của ông, trong đó có các tài liệu của Antoine Arnauld bấy giờ đã quá vãng. Ba tháng sau, nhờ có đồng lõa bên ngoài, Quesnel vượt ngục. Ông đi qua Liège rồi Maastrich và đến được miền Nam Hòa Lan. Ông định cư tại Amsterdam và qua đời tại đó, năm 1719 cho đến khi chết, ông là thủ lãnh của phái Jansénisme ở Hòa Lan.
Ở Pháp, vào cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, các cuộc bàn cãi về thuyết Jansenisme có chiều hướng vượt ra ngoài phạm vi các nhà thần học và các nhà chuyên môn, phạm vi trước kia dành cho họ, để lan rộng trong giới tín hữu và các mục sư phó. Nhưng bấy giờ thần học của thuyết Jansénisme đã ảnh hưởng tới đâu về mục vụ và tu đức học? Những sách đáng kể thì giữ nước đôi: Cuốn Traité de l'Oraison (1679) (Bàn về Nguyện Gẫm) của Pierre Nicole thì nặng tính cách chủ-trí và phản thần bí cảm nghiệm. Còn cuốn Essais de Morale (Tham luận về Luân lý) được phổ biến sâu rộng vào thế kỷ XVIII, thì tác giả lại trình bày một thuyết về luân lý và một tinh thần đứng đắn, trên căn bản không có gì là theo thuyết Jansénisme cả. Về thần học, tác giả không bênh vực lý thuyết ”ân sủng tổng quát” (grâce générale) mà môn đệ đích thực của Jansénisme đã phủ nhận sao? Một cuốn khác đáng kể là cuốn Miroir de la piété chrétienne (Tấm gương của lòng đạo đức kitô giáo) của cha Dom Gerberon, rất đúng như người ta nói, là một cuốn ”giáo khoa dạy về sự tuyệt vong”? Nói thế là đơn giản hóa tinh thần đạo đức của linh mục dòng thánh Benoit, người muốn bênh vực đức cha Fénelon.
Cuốn Réflexions Morales sur le Nouveau Testament (Suy nghĩ vể luân lý trong Tân Ước) của Quesnel, bốn tập in octavo, xuất bản năm 1693, là phần quảng diễn cuốn khái luận ra đời năm 1671 dưới tựa đề Abrégé de la morale de l'Evangile (Tóm lược về luân lý của Phúc âm). Dưới hình thức mới đó, người ta có thể tìm thấy trong cuốn sách xuất bản được sự chấp thuận của Louis Antoine de Noailles, giám mục ở Châlon và về sau là tổng giám mục Paris, rồi lên hồng y, một vài nguyên tắc thần học và luân lý của phái Jansénisme. Nhưng nó đã trở nên viên đá vấp ngã cho một số đông, là vì khi lấy lại thuyết xưa cũ của Edouard Richer, hình như tác giả đã tán dương một vài khái niệm về dân chủ hóa trong Giáo Hội, và nhấn mạnh thêm tư tưởng đó bằng cách biện hộ cho việc dùng ngôn ngữ bình dân trong phụng vụ và việc giáo dân đọc Sách Thánh. Năm 1697, Hội Ðồng Giáo Sĩ lên án một vài luận đề trong cuốn sách đó.
Những viễn tượng giáo-hội-học và mục vụ hình như lấn át viễn tượng thuần túy thần học. Vì thế, đã thấy lan tràn một tu đức học và một lòng đạo đức có tính cách nặng nề, trang nghiêm, một loại luân lý khắc khổ, đó là thuyết Jansénisme được nới rộng, đó cũng là những nguyên tắc của nó bị suy giảm. Vào cuối thế kỷ XVII, tại vùng Paris, một vài cha xứ đã tự ý khởi xướng một vài điều mới lạ về mục vụ và phụng vụ, mà người ta không nói được là ”của phái Janséniste”. Một thế hệ về sau, nhiều ”người chống án” (appelants) sẽ phát sinh từ nhóm này, không phải vì trung thành với một quan niệm nào đó về ơn thánh, cho bằng một phần nào về giáo-hội-học. Cũng thời đó, ở Lorraine chẳng hạn, người ta thấy phát triển các hệ thống liên kết các đan-viện với các giáo-xứ của phái Janséniste: nhiều khi người ta đã nhận thấy được mối thiện cảm kia nơi giáo dân, dù người ta chưa định nghĩa được một cách chính xác trong một phần nào, những mối thiện cảm kia chi phối việc hành đạo và các hình thức đạo đức.
Dẫu vậy trong khi mà việc bình dân-hóa kia phát triển trên nhiều bình diện khác nhau, thì vua chúa lại càng cương quyết diệt trừ phái Janseniste.
Vấn đề ”Cas de conscience” (một nố lương tâm) đã gây rất nhiều tiếng dội. Một cha xứ theo thuyết Jansénisme giải tội cho một linh mục đang hấp hối, cha đã hỏi Sorbonne, vào năm 1701, có được phép giải tội cho một linh mục đã ký chấp nhận toàn bản công thức của đức Alexandre VII về sự việc: cho rằng ăn năn chẳng trọn không đủ để chịu phép giải tội, phủ nhận việc Ðức Mẹ Vô Nhiễm, và nói chung, chia sẻ quan niệm và cách thực hành của phái Jansénisme. Bốn mươi tiến sĩ ở Sorbonne, trong đó có Ellies du Pin và Petitpied, đã nói rằng, đã hẳn đây không phải là lần đầu tiên vấn đề đó được đặt ra, và không được phép từ chối ban phép giải tội. Ban đầu, ý kiến đó được giữ kín, về sau được lan rộng ra. Ðến nỗi nó đã trở thành đề tài cho nhiều người tranh luận như là Bossuet và Fénelon. Lần này cả hai vị lại đồng ý với nhau, bác bỏ ý kiến của các nhà thần học. Noailles bấy giờ là tổng giám mục Paris, cũng lên án lời Sorbonne giải đáp. Ðúng lúc ấy, nhờ một vài cha dòng Tên ở Paris xen vào, lời giải đáp kia đến tai Toà Thánh. Ðức Clément XI đã công bố chiếu thư vào ngày 12.2.1703 đòi hỏi bốn mươi tiến sĩ kia phải rút lui chữ ký. Tất cả, trừ hai người, đã tuân theo lời đức giáo hoàng đòi hỏi.
Hai năm sau, ngày 15.7.1705, do Louis XIV thúc đẩy, và do người cháu là Philippe V vua Tây Ban Nha, đức Clément XI đã công bế sắc lệnh Vineam Domini (Vườn nho của Chúa) lên án thái độ im lặng khả kính và buộc phải chấp nhận công thức của đức Alexandre VII một cách toàn diện. Một sự việc nhỏ sau đây chứng minh là thời đó, Toà Thánh, trong chiều hướng chính trị đeo đuổi, đã muốn lấy lòng vua nước Pháp đến mức độ nào! Trước khi chính thức hoàn thành và ban hành, văn kiện trên đã gửi cho vua Louis XIV duyệt xét trước. Vì thế không lạ gì khi hội đồng giáo sĩ đã không chấp nhận sắc lệnh một cách dễ dàng. Vào dịp đó, đã có cuộc đối lập thật rõ rệt giữa Giáo Hội Pháp thuộc nhà vua và Giáo Hội Pháp thuộc hàng giáo sĩ. Ðường lối của hàng giáo sĩ này cho thấy trước: rồi đây một phần lớn hàng giáo sĩ Pháp sẽ dè dặt, trở nên cứng cỏi vì ảnh hưởng của đa số nghị sĩ.
Mặc dù có khuynh hướng Giáo Hội Pháp tự trị, Quốc hội đã công nhận sắc lệnh, trong khi tu viện nổi tiếng Port Royal lại từ chối; và hậu quả là tu viện bị bãi bỏ năm 1709. Ðức tổng Noailles, trong dịp này lại ngoan ngoãn theo ý vua, dứt phép thông công cả tu viện. Ðức Clément XI lại cho phép các tu sĩ cứ ở lại trong tu viện, nhưng hồng y Noailles cương quyết cho thi hành những hình phạt cưỡng bách như sau : đuổi và đày các nữ tu của tu viện, phá hủy các cơ-sở, giải tỏa nghĩa trang. Biện pháp điên cuồng có tính cách bắt bớ và phá hoại đầy căm tức ấy đã làm cho tu viện thêm nổi tiếng hơn chính những kỳ công của họ.
Ngày 13.7.1708, tu viện lại bị một đòn khác giáng xuống trên mình: Ðức Clément XI ra đoản sắc Universi dominici gregis (Thuộc trọn vẹn đàn chiên của Chúa) lên án cuốn Les Réflexions morales (Những suy tư về luân lý) của Quesnel. Chính hồng y Noailles, và về sau có thêm một vài giám mục khác, từ chối không chịu cho phổ biến đoản sắc. Ngài cho tài liệu có tính cách hạn chế các sự tự do của Giáo Hội Pháp tự trị. Cho nên, theo lời yêu cầu của nhà vua đức giáo hoàng công bố sắc chỉ Unigenitus Dei Filius (Con một của Thiên Chúa) hôm 8.9.1713, do một Ủy ban gồm các cha dòng Ða Minh và dòng Tên soạn thảo. Sắc lệnh đó lên án 101 đề án rút trong sách của Quesnel. Quốc hội chấp thuận sắc lệnh một cách dè dặt. Mười lăm giám mục trong số một trăm ba mươi hai vị, trong đó có hồng y de Noailles, từ chối không chịu công bố sắc chỉ. Sau khi vua Louis XIV qua đời, mười hai vị trong nhóm đó, cùng với một vài ngàn linh mục khác, phần đông thuộc các dòng và đại học Sorbonne, được Nhiếp Chính, Philippe d'Orléans thuận theo và bênh vực họ, đã công khai chống đối sắc chỉ đó và kêu gọi đến công đồng chung. Từ đó, hàng giáo sĩ Pháp chia làm hai nhóm không đồng đều : nhóm chấp thuận khoảng chín mươi lăm ngàn người, nhóm phản kháng lối ba ngàn. Ðức Clément XI lại ra sắc chỉ Pastoralis officii (Về trách nhiệm mục vụ) lên án nhóm phản kháng: Nhiếp chính để họ được yên, sau khi cấm công bố sắc chỉ đó. Khi vua Philippe d'Orléans qua đời năm 1723, Louis XV tuyên bố là đã trưởng thành, đã chọn con đường khác, vì chịu ảnh hưởng sâu đậm của hồng y de Fleury, thủ tướng của ông. Ða số Nghị viên có muốn bênh vực những người phản kháng đi nữa, những người này dần dà rồi cũng bị bắt buộc phải tuân theo. Ðến năm 1728, hồng y de Nouailles cũng phải tuân phục, một ít lâu trước khi qua đời. Trong các tu viện cũng bị thanh lọc. Cùng với một số linh mục triều bất phục, các nhóm linh mục dòng Citeaux, dòng khổ tu, dòng Capucins di cư qua miền Bắc Hòa Lan. Ở đó họ được hàng giám sĩ tân Giáo Hội chở che, còn chính quyền thì âm thầm làm ngơ cho họ. Nhờ thế họ sống sót được một vài mươi năm. Mãi đến năm 1730, sắc chỉ Unigenitus Dei Filius mới chính thức trở nên luật của nước Pháp.
Sắc chỉ Unigenitus, trước đó có mục đích chấm dứt những xáo trộn do thuyết Jansénisme gây nên; kỳ thực về sau đã trở nên dịp gây chia rẽ, còn tệ hại hơn công thức của đức Alexandre VII nữa. Công thức chỉ liên can đến các nhà thần học, còn sắc chỉ lại liên hệ tới đời sống giáo dân: cấm họ tham dự trực tiếp các nghi lễ phụng vụ do Quesnel chủ xướng và cấm dùng tiếng địa phương trong phụng vụ. Sắc chỉ Unigenitus đã giáng xuống trên Giáo Hội Pháp như một lời chúc dữ, cho đến ngày cách mạng Pháp bùng nỗ. Khởi đầu là một sự liên kết bán công khai giữa một phần của hàng giáo sĩ, chỉ đầu hàng bên ngoài, với những nhóm giáo dân trí thức và nhất là với các nghị viên. Sắc chỉ Unigenitus, do sự hợp tác giữa giáo triều Roma và Giáo hội hoàng-gia tự trị mà sinh ra, đã làm cho hạ tầng giáo sĩ là các cha chính xứ, và nghị viên Giáo Hội tự trị gặp nhau. Dần dà về sau, sắc chỉ đã làm cho quyền bính nhà vua bị lung lay và đã trở nên nguyên nhân khá quan trọng khi ta phân tách các nguyên nhân đưa tới việc lật đổ chế độ quân chủ. Trong một vài phương diện nào đó, giòng họ Bourbons đã tự đào hố chôn mình.
Cũng trong những năm ấy, xảy ra những triệu chứng lạ về bệnh giật gân mà nhiều người cho đó là dấu trời cao chứng giám cho những kẻ kiên trì chống đối. Thầy phó tế Ưrancois de Paris lúc sinh thời được xem như là một thánh sống; lúc chết, nơi ngôi mộ thầy cũng như nơi những ngôi mộ của các kẻ chống đối khác, chết mà vẫn kiên trì chống đối, đã xẩy ra nhiều vụ lành bệnh, giữa năm 1727 và 1730, nhất là các người què, người mù, mà người ta cho đó là phép lạ. Sau đó nghĩa trang St Médard trở nên trung tâm hành hương. Từ tháng bảy 1731, người ta thấy trong số khách đến viếng thăm càng ngày càng tăng, có những hiện tượng bệnh hoạn, co-quắp và giật gân và có phần trở nên như một bệnh dịch. Vì thế vua phải ra sắc luật đóng cửa nghĩa trang. Nhưng chứng giật gân không vì thế mà mất hẳn: người ta còn gặp thấy ở công viên hoặc tư viên trong vòng ba mươi năm, mặc dầu có khi cách nhau nhiều năm, đã thể hiện đó đây, khắp nước Pháp. Ban đầu người ta đặt mối liên hệ với phái Jansénisme; nhưng mãi về sau, người ta bỏ ý tưởng đó. Sự giật gân đó có tính cách huyền bí làm cho người ta nghĩ đến những hiện tượng gần giống như thế, trong giới chiêm niệm giả trá ở Ðức cuối thế kỷ XVII và trong giới giám lý Anh (Méthodiste Anglais) sau năm 1730.
Mặc dầu bị cấm cách ở Pháp, giáo thuyết Jansénisme vẫn còn tồn tại ở trong nước qua phong trào thanh-giáo và chống đối dòng Tên. Năm 1728, họ cho xuất bản tuần báo Les Nouvelles ecclésiastiques, (Tin tức về giáo đoàn), trên nguyên tắc là báo bí mật, nhưng đã được rất nhiều quan tư-pháp chở che, nên đã in tại Balê cho đến năm 1795. Ròng rã mấy chục năm, báo được truyền bá đều đặn ở miền Bắc Hòa Lan, ban đầu do môi giới của các cha dòng Citeaux di cư sinh sống ở Rynwyk gần Zeist (Utvchs). Vào năm 1796, báo được tiếp tục phát hành ở Utvchs, nhưng đến năm 1803 báo bị đình bản vĩnh viễn.
Ở một vài địa phận, nhất là ở Sens và Auxerre, giáo phái Jansénisme được giám mục và các cố vấn thân tín của ngài, che chở một thời gian khá lâu. Nhưng vào giữa thế kỷ, sau khi hồng y de Fleury chủ trương đường lối chống Jansénisme kịch liệt, thì tình trạng bao che như trên không còn và phái Jansénisme tan rã khắp nơi. Trừ miền Nam Pháp, vì hoàng cung và các nghị viên phải sống chung hòa bình với nhau, nên đôi khi họ phải chọn một ”Jansenisme dung hòa”. Ðàng khác, vì được nhiều thẩm phán thiên về Giáo Hội Pháp tự trị chở che, nên tại một vài nơi, giáo phái Jansénisme vẫn còn sống sót trong các nhóm giáo dân chịu ảnh hưởng của các linh mục khôn khéo chủ trương: Giám mục không có thể giới hạn quyền linh mục trong việc ban phép giải tội. Chủ trương này dần dần gây ảnh hưởng và lan tràn đó đây, nhất là sau năm 1790. Nhiều giám mục lo âu, và các ngài đã theo gương Christophe de Beaumont ở Paris, cấm các linh mục dưới quyền mình, không được ban bí tích cho các kẻ hấp hối và chôn cất người chết tại đất thánh, nếu họ không có giấy chứng nhận đã xưng tội (vì đã theo phái Jansénisme). Quốc hội Balê chống đối việc ngăn cấm đó. Trong nhiều năm sau, một trận chiến thực sự đã xảy ra giữa vua chúa và quốc hội về giấy chứng nhận giải tội ấy. Ban đầu, vua nhất quyết bênh vực các giám mục. Nhưng vào lúc giặc bảy năm (1756-1763) và ngân sách thiếu thốn vì chiến tranh, vua cảm thấy cần phải làm hòa với Quốc hội. Ðó là lý do cắt nghĩa tại sao vua có thái độ dung hòa vào giữa năm 1755 và 1757. Cả hai bên, giám mục và Jansénisme, hoàn toàn không nói đến sắc chỉ Unigenitus nữa, và cấm không được đòi hỏi các chứng chỉ giải tội.
Trong thời gian đó có một loại đại học về giáo luật được mở tại giáo xứ Saint-Josse ở Paris do các giáo sư giáo luật theo phái Jansénisme bị khai trừ khỏi Sorbonne, giảng dạy. Ðại học đó chỉ sống sót vài năm, nhưng việc lập được một đại học như thế cũng là điều đầy ý nghĩa. Người ta đã có giả thuyết không hẳn không có lý, là ba mươi năm nguy biến trước khi cách mạng bùng nổ, có lẽ đã ngấm ngầm giúp cho phái Jansénisme bành trướng. Theo tôi, điều đó quá đáng; dầu vậy, điều không ai chối cãi được là những tình cảm lẫn lộn giữa phái Richer và phái Jansénisme của nhiều cha sở sốt sáng đã góp phần cho bản ”Hiến pháp đời của hàng giáo sĩ” được hội nghị lập hiến chấp thuận một cách dễ dàng. Người ta có thể thấy một Janseniste nơi con người của cha Henri Grégoire về sau trở nên giám mục Blois hợp hiến. Vào thời Convention (Nghị hội ước pháp), ngài đã mạnh dạn không chút nhượng bộ, bênh vực đức tin kitô giáo và chống lại những điều mới lạ do Cloots, Robespierre và những kẻ theo thuyết ”Một Chúa quyền năng và tốt lành” (theophilanthropes).
Lâu nay người ta nghĩ rằng vào thế kỷ XVIII, phái Jansénisme không còn gì quan trọng. Ý kiến đó bị bác bỏ dữ dội vào những cuối năm vừa qua. Trước hết, mới đây người ta nhấn mạnh đến tư tưởng hòa đồng, thực ra là giữa kỷ luật khắt khe theo thánh Augustin và phe chống dòng Tên, giữa các giới tu sĩ ở Pháp và Ý: người ta đã nhận thấy điều đó suốt thế kỷ XVIII, ngay cả đến trong các nước thuộc Giáo Hội. Lý thuyết Jansénisme và Richer cũng còn bén rễ sâu vào nước Ý, và có thể xem như một trong những yếu tố mở đường cho phái Risorgimento. Vả lại, suốt cả thế kỷ XVIII, thuyết Jansénisme giúp cho ý tưởng về đại kết, nhất là bằng cách gây liên lạc với những người Anh Giáo và Chính Thống ở Nga. Thật, người ta không lầm chút nào khi nói lên rằng tầm quan trọng của phái Jensénisme ở Ý và trong đế quốc Ðức đã gia tăng, nhất là trong các tiểu bang cha truyền con nối ở Áo. Như đã thấy và còn thấy dưới đây: người ta đã mở rộng ý nghĩa của danh từ Jansénisme đến nỗi nó không còn giữ được ý nghĩa nguyên thủy là bao nhiêu. Dĩ nhiên có những nét chung giữa thuyềt Jansénisme và những phong trào mới mẻ hơn, như là thuyết Fébronianisme và thuyết Josephismô. Ngược lại, đường hướng của Hội Ðồng Giám Mục thời danh ở Pistoie năm 1786, dưới nhiều phương diện, đã hiểu sai thuyết Jansénisme và thường nhấn mạnh đến các điểm tiêu cực. Chẳng hạn Hội Ðồng tuyên bố: ai chống quyền tối thượng của Tòa Thánh, kẻ đó bị Roma tuyên bố là Jansénisme, nhưng không có lý do chính đáng. Cũng vậy, Tòa Thánh đã đơn giãn hóa một cách tương tự khi tuyên bố là Jansénisme: những cải cách về phụng vụ đã được đề cao và đem thi hành ở Pistoie và trong nhiều Giáo Hội ở Ðức; những cố gắng của phái Quesnel để giáo dân tham dự trực tiếp vào phụng vụ bằng cách dùng tiếng Pháp trong Phần chung của Thánh lễ và đọc phần lễ-điển lớn tiếng; việc dẹp hết các ảnh tượng trong nhà thờ và thu hẹp bàn thờ chỉ còn là một bàn để dâng của lễ; việc cho giáo dân chịu lễ cả bánh và rượu. Xét về chính yếu, những điểm trên không có gì dính dấp với phái Jansénisme.
Sau cùng, có lẽ không đúng, khi cho rằng thuyết Jansénisme là nguồn gốc của mọi cuộc cách mạng chính trị và xã hội vào cuối thế kỷ XVIII, và cho rằng nó đã góp phần rất quan trọng làm cho vô-tín-ngưỡng phát triễn. Ðừng quên rằng thuyết Jansénisme không chủ trương có một thứ luân lý chung cho mọi người. Ai chấp nhận các đề án do Quesnel chủ trương và sắc chỉ Unigenitus đã luận phi, thì có trước mặt một chương trình mà mỗi điểm đều đi ngược lại với thuyết lý trí và thuyết hữu thần. Ta cũng phải nói như thế đối với tư tưởng của Aufklarung về đạo đức ở Ðức: ai muốn thuyết này thoát sinh từ thuyết Jansénisme mà ra thì phải loại bỏ những gì là cốt tủy nơi nó. Vì thế, hình như ta chỉ có thể nói đến lịch sử của thuyết Jansénisme ở ngoài nước Pháp, là ở Hoà Lan, và chỉ ghi nhận rằng ở Ý còn có những tình cảm thân thiện mà chúng tôi đã nói ở trên, và có một thứ thanh-giáo chủ thuyết và một thứ đạo đức nghiêm nhặt, thường thấy trong các cộng đoàn phải sống trong lén lút, trong các Hội Thừa Sai ở Anh, ở Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan và trong các cộng đoàn tha hương của miền Bắc nước Ðức.
II. TẠI HÒA LAN
Ta có lý để nói rằng miền Nam Hòa Lan là quê hương của giáo phái Jansénisme, mặc dầu Correlius Jansenius là người miền Tây. Vào thế kỷ XVII, đa số trong hàng giám mục miền Nam, đã lâu năm tán thành điều mà ta gọi là giáo lý nhặt nhiệm về ơn thánh. Giáo lý này đã được nhiều nhà thần học đem ra giảng dạy ở đại học tại Louvain, nhất là Goniarus Huygens, Johan Opstraet, Lancelot Hanvermans, Jean Hennebel và Francois de Viane. Trong rất nhiều năm, nhờ các tổng giám mục Jacques Bosnen và Alphonse de Berghes chở che nên thuyết Jansénisme được đón nhận và bành trướng như một đường hướng luân lý và đạo đức.
Một vài đan viện và tu viện miền Nam Hòa Lan, nhất là các tu viện và những trường học của dòng Oratoire, đã trở nên những nơi ươm trồng đích thực cho thuyết Jansénisme. Vào cuối thế kỷ, miền Nam Hoà Lan là nơi tá túc cho những người Pháp di cư.
Mặc dầu các cha dòng Tên đã lập một hội bí mật để tuyên chiến ác liệt với ”bè phái”, một lối thanh trừng không phải luôn luôn đáng khen, nhiều khi còn dùng những lối thóa mạ và dối trá, thuyết Jansénisme vẫn lan tràn. Vào giữa năm 1702 và 1706, nhờ sự hợp tác giữa tổng giám mục Précipiano và chính quyền Pháp, mà tình trạng đó đã hoàn toàn thay đổi, như ta đã thấy.
Vào cùng thời kỳ đó, hoàng tử giám mục ở Liège, Joseph Clément de Bavière (1694-1723) cũng đã suy nghĩ và hành động theo chiều hướng đó. Rồi đến Thomas-Philippe, hồng y ở Alsace (1716-1759), kế vị hồng y Précipiano trên tòa ở Malines, đã tiếp tục đường lối chính trị của vị tiền nhiệm. Ðược chính quyền Áo ủng hộ, ngài buộc các linh mục phải tuân phục theo sắc chỉ Unigénitus. Biện pháp đó đã làm cho nhiều linh mục và một vài giáo sư ở đại học Louvain từ chức. Nhân vật chính yếu là luật gia Zeger Bernard Van Espen (1646-1728) am hiểu một cách tường tận lịch sử đời thượng cổ Kitô giáo, ông có những nhận định minh bạch và khéo léo, những công thức khô khan nhưng rất quân bình, nói chung là những đức tính hiếm có nơi một người theo thuyết Jansénisme. Ông là cha đẻ giáo thuyết Jansénisme thuộc về pháp-luật mà người ta có thể định nghĩa như một thứ chủ nghĩa thượng tôn giám mục triệt để: Ông bác bỏ mọi quyền tối thượng thực chất của giám mục thành Roma, ông chỉ nhìn nhận một thứ tối thượng danh dự và tán dương thuyết công đồng trị mà trong đó quyền giáo hoàng thấp kém hơn quyền của công đồng. Van Espen là tác giả cuốn Jus ecclesiasticum universum (Luật Giáo Hội hoàn vũ) được xuất bản lần đầu vào năm 1700, rồi được tái bản nhiều lần, nổi tiếng một thời lâu dài, gây ảnh hưởng khắp âu châu, và trở nên sách cẩm nang cho chủ nghĩa thượng tôn giám mục và khởi điểm cho giáo thuyết Febronianisme.
Bởi những nguyên tắc đó, chính Van Espen đã mở đường cho khúc quặt tai hại của phái Jansénisme, trong Hội Thừa Sai Hòa Lan. Chính ngài là nạn nhân, vì ngài mất ghế giáo sư đại học. Hơn nữa, vào năm 1728, lúc đã 82 tuổi, cảm thấy tính mạng bị đe dọa bởi hồng y ở Alsace, ngài bắt buộc phải di cư. Ngài ẩn trú ở Maestricht, được một số linh mục đón tiếp một cách rất trân trọng. Rồi ngài định cư ở Amersfoort, tại chủng viện ”Clergé Vieil-Episcopalien”, (Oud-Boisschoppelijke Clerezie), nghĩa là cựu công giáo, và qua đời năm đó.
Trong lịch sử thuyết Jansénisme, Hội Thừa Sai Hòa Lan đã chiếm một vị trí đặc biệt vì vụ ly giáo ở Utrecht. Ly giáo đó còn làm mích lòng những người Pháp theo Jansénisme chính cống, vì nó bác bỏ những cao vọng của họ cho rằng mình vẫn hiệp thông một cách chính đáng với Hội Thánh Công Giáo. Những ai cho rằng không có giáo thuyết Jansénisme, nhiều lắm là một phong trào Jansénisme trong lòng Giáo Hội, thì họ nói đến hàng giáo sĩ cựu-công giáo như nói đến ”Giáo Hội nhỏ bé khốn khổ Utrecht” kia. Giáo Hội này có hiện hữu là vì họ tự cho mình hợp với luật Giáo Hội Công Giáo, chứ không phải vì các tín-lý, mặc dầu nguồn gốc dĩ nhiên là ở địa hạt tín lý. Vào nửa thế kỷ XVII, những cuộc tranh luận về lý thuyết ơn thánh và các hậu quả của ơn thánh về mục vụ, là đề tài bàn đến trong Hội Thừa Sai Hòa Lan cũng như ở Pháp hoặc miền Nam Hòa Lan. Vả lại, những tranh luận đó được duy trì bởi những mối giao hảo rất căng thẳng, thường có giữa các đại diện Tông tòa, các giám mục in partibus infidelium, và các linh mục thuộc các Hội Thừa Sai tại Hòa Lan, nhất là các cha dòng Tên, vẫn tiếp tục tự hào cho rằng mình không thuộc quyền vị Ðại Diện Tông Tòa trong bất cứ phương diện nào. Lý do đó cộng thêm với ước muốn chứng tỏ uy-thế của mình, ngay trước mặt quyền đời, đã hoạch định đường lối của họ đối với các Khâm sứ Tòa Thánh kế tiếp. Họ trực thuộc Bộ Truyền giáo và vị đại diện của Bộ, Khâm sứ Tòa Thánh ở Bruxelles, và họ cố gắng để Tòa Thánh nhìn nhận họ như là giám mục giáo phận, với tước hiệu tổng giám mục Utrecht. Họ tự lập Hội Ðồng tư vấn và cố vấn, họ làm mọi cách để được công nhận là kinh sĩ đoàn với quyền bầu cử tổng giám mục. Trong nỗ lực đó, các đại diện tông tòa và các kinh sĩ in spe mỗi lần đều gặp sự chống đối của các cha dòng Tên. Từ đầu thế kỷ XVII trở đi, trong các bản tường trình về Roma, các ngài luôn tìm cách hạ uy tín những người đứng đầu Hội Thừa Sai Hòa Lan và các hàng giáo sĩ triều của Hội. Vào những thập niên cuối thế kỷ, các ngài còn chứa thêm nhiều than phiền về sự truyền bá những lầm lạc về ơn thánh và lối sống khắt khe về luân lý. Một vài điều lên án thiếu nền tảng, vô giá trị, đôi khi còn là vu khống. Nhưng chúng cũng cho ta thấy những điều không thể chối cãi được về sự liên hệ tư tưởng chặt chẽ giữa các linh mục Hòa Lan cao cấp với các Jansénistes Pháp và Bỉ. Ðiều không thể chối cãi được là hai đại diện tông tòa cuối cùng, vào thế kỷ XVII, vị uyên thâm Jean Van Nieocassel (1662-1686) và vị tầm thường Pierre Codde (1686-1704) đã có mối giao hảo tốt đẹp và tích cực với tu viện Port Royal và với các Trung tâm Jansénistes ở Pháp và ở miền Nam Hòa Lan. Cả hai đều trắng trợn che chở cho Arnauld, Gerbeson, Quesnel và những người Pháp hay Bỉ di cư hoặc biệt xứ.
Bị tố cáo vì lý do ấy bởi các cha dòng Tên của hội Thừa Sai và bởi một vài hoàng tử công giáo đại sứ ở La Haye, Pierre Code đã bị Bộ Truyền Giáo gọi về Roma năm 1700. Sau hơn một năm bị xét xử, vị giám mục được lưu-nhiệm với điều kiện phải ký chấp nhận toàn bản công thức của đức Alexandrô VII. Nghe theo lời Quesnel, ngài từ chối. Hậu quả của lời khuyên đó thực tai hại.
Năm 1702, người bị ngưng chức ; rồi nhận thấy người vẫn còn ngoan cố, nên đến 1704 người bị cất chức hẵn. Bất bình khi thấy vị chủ chăn lớn nhất của mình bị đối xử như thế đa số hàng giáo sĩ thừa sai triều khởi sự bất tuân những đấng kế vị do bộ Truyền Giáo bổ nhiệm. Dầu vậy, mãi về sau, nhóm chống đối chỉ thu hẹp lại trong một tiểu số nhiều lắm là 15% trong khuôn khổ các thừa sai triều, tụ tập quanh tập đoàn linh mục mà một thời gian trước đây, đã tự cho mình là Kinh sĩ đoàn d'Utrech. Nghe theo ý kiến của Zeper Bernard van Espen, tu hội đó, vào năm 1723, khởi sự bầu một tổng giám mục ở Utrecht. Ðức cha thừa sai Dominique Varlet, ở Pháp di cư qua vì có thiện cảm với phái Janséniste, phong chức cho người được chọn là Cornelius Steenoven, tại Amsterdam, trong một nhà nguyện tư. Ðó là bước đầu cho sự ly giáo còn kéo dài cho tới ngày nay.
Cộng đoàn giáo sĩ được khai sinh ấy, ban đầu gồm khoản gần một trăm linh mục, mà hơn một nửa là người Pháp và Bỉ. Ngay sau đó, một vài nhóm nhỏ tu sĩ từ Pháp và Hòa Lan ái quốc đã nói trên, gia nhập : Các cha Capucins ở Paris; các cha Citeaux ở Luxembourg và một số các cha dòng thánh Benoit, các cha Chartreux và Carmes kín, tất cả đều là những người kháng tố. Vào thế kỷ XVIII, tu hội tan rã và số linh mục chỉ còn có bốn mươi: dầu vậy, người ta vẫn phong chức giám mục cho ba người trong nhóm họ. Số giáo dân cũng thường xuyên giảm sút, và chỉ còn lại tất cả là mười ngàn người vào năm 1800. Tuy thế, trong nhóm ít ỏi ấy, họ vẫn hy vọng rằng một ngày kia nhóm họ sẽ được mời ra giữ một vai trò quan trọng. Công đồng Utrecht nhóm họp trong tỉnh ấy vào năm 1763 là một bằng chứng cho khát vọng đó. Những kẻ lãnh đạo hàng giáo sĩ cựu công giáo muốn cho Roma và thế giới thấy rằng hàng giáo sĩ kia hoàn toàn là chính thống về mặt giáo lý, kể cả về quyền tối thượng của đức giáo hoàng. Một trong những đề mục được chấp nhận tuyên bố là vị giám mục ở Roma thi hành quyền của Chúa; như người kế vị thánh Phêrô, có cùng một quyền đó trên các giám mục khác, và quyền tối thượng ấy không chỉ là quyền danh dự mà là một quyền hành thực sự về giáo lý và kỷ luật. Các linh mục có mặt, ba giám mục và mười chín cha phó xứ, tuyên bố tuân theo sắc luật công đồng Trente và chấp nhận bản tuyên thệ đức tin của Pie IV. Họ tuyên bố Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp mới là ly-khai và họ bác bỏ một vài cuốn sách do Jansénius viết ra, đã đi sai lệch về các điều nêu trên.
Tinh thần mà những tập biên bản của công đồng Utrecht biểu lộ đã chứng tỏ có tính cách tích cực để cắt nghĩa tại sao đức Clément XIII, lúc đầu đã có ý định chấp nhận các biên bản ấy như nền tảng cho cuộc hội họp. Trái lại, có một vài tổng giám mục người Pháp, nhất là đức tổng ở Sens, Loménie de Brienne, vốn liên lạc chặt chẽ với triều đình, đã hầu như cấp tốc lên án tài liệu đó. Rõ ràng có chính trị chi phối ở đây. Cũng trong nhãn giới ấy mà chính phủ Pháp đã liên lạc với Roma để xin Tòa Thánh lên án tuyệt thông. Một vài cha dòng Tên nổi tiếng cũng ủng hộ lập trường ấy. Cho nên đức Clément XIII phái một ủy ban gồm các hồng y đến điều tra. Dựa trên bản phúc trình nhận được, đức Clément XIII ra sắc chỉ Non sine acerbo (Không phải là không cay đắng) ngày 30.4.1765 để lên án. Khi ta thấy rằng Giáo Hội bé nhỏ Utrecht bây giờ chỉ xa cách Roma có một tấc gang, thì tiếc thay, khi các phần tử dung hòa nhất ở Tòa Thánh muốn dựa trên các đề tài của công đồng để hội thảo, thì thất bại, không được ai nghe. Sắc chỉ dùng các từ ngữ thông dụng như: ”tham nhủng, liều lĩnh phạm sự thánh, cứng đầu trong sự ác, phản động và kiêu căng” đã gây nên nỗi tức giận (exaspération) mà hai thế kỷ sau vẫn không xóa nhòa được.
III. TẠI NƯỚC ÐỨC
Thuyết của Richer và Jansénius cũng đã kích thích trí óc một nhà bác học gần đây hơn, từ năm 1719 đến 1724, ông đã theo học với Van Espen tại Louvain, Nikolas von Hontheim (1701-1790), bất diệt dưới biệt hiệu khó hiểu là Justinus Febronius. Năm 1763, ông ký danh hiệu đó khi xuất bản cuốn sách nổi tiếng tên là De statu Ecclesiae et legitima potestate Romani Pontificis (Về quy chế của Giáo Hội và về uy quyền hợp pháp của giáo hoàng Roma) và thêm Ad reuniendos dissidestes in religione christianos. (Ðể quy tụ lại trong đạo những kitô hữu ly khai). Về phương diện bố cục, cuốn sách không thành công, về phương diện sáng sủa và quân bình nội tại, sách còn thua xa sách Van Espen. Dầu vậy, nó đã trở nên sách cẩm nang cho phái Febronianisme. Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi và có tính cách thời cuộc, người ta đã thấy tính chất chính yếu của sách này là tiêu cực. Nói khác, sách ra hợp thời, nhưng không gây được ảnh hưởng tích cực về lịch sử Giáo Hội lâu dài về sau, kể cả mối liên hệ của Giáo Hội với chính quyền. Việc nó kêu gọi đến quyền đời, không có tiếng dội: kể cả Joseph II cũng giả điếc trước lời Fébronius kêu cầu.
Người ta đã lầm, vì đôi khi muốn đặt tương quan giữa tác phẩm của von Hontheim và việc bãi bỏ các cha dòng Tên vào mười năm sau. Phong trào bài xích các ngài hình như giới hạn trong các nước la-tinh và khó mà tin là giòng họ Bourbons và các cố vấn của họ đã chịu ảnh hưởng của thuyết Febronianisme. Quả thực là tác phẩm đã có tiếng dội ở các nước la tinh. Sách ra đời tại các nước này, sau một thời gian ngắn, ngoại trừ một bản dịch ra tiếng Ðức, nhiều bản dịch ra tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ý. Nhiều nhân vật ở Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Venise và Movène đã tận lực giúp đỡ phỗ biến cuốn sách này. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền cần dùng bàn tay Febronius để phát động chống lại quyền các cha dòng Tên và Giáo Triều Roma: việc chống đối kia đã có từ lâu rồi. Ngay cả đến giáo thuyết Josephisme của những lãnh địa cha truyền con nối tại Áo không phải do Joseph II chế ra, như ta sẽ thấy, đã có trước Febronius rồi. Mặc dầu đó như là dấu thời đại hết sức quan trọng đi nữa, tác phẩm của Von Hontheim hầu như không mang lại hậu quả gì!
Tác giả là người Luxembourg trưởng giả, phong kiến, qua từng chức một trong phẩm trật Giáo Hội đến năm 1748, ngài trở nên giám mục phó ở Trèves. Nhờ đọc nhiều sách về thần học và giáo luật, về lịch sử Kitô giáo thời cổ, và nhờ hiểu thế sự và nhân tình thâu đạt được, nhờ các chuyến đi du lịch xa và việc học hành đeo đuổi tại nhiều đại học khác nhau, nhất là đại học ở Leyde, ngài đã thực sự được xem là một trong những nhà bác học của thời đại bấy giờ. Dầu vậy, ngài thông minh hơn là sâu sắc, và tính tình có phần thiếu nghị lực. Việc ngài bướng bỉnh không chịu chối bỏ cuốn sách nổi tiếng đó, việc ngài hèn nhát tìm cách nấp dưới bóng các kẻ cộng tác với mình, việc ngài phản cung theo lời năn nĩ của tổng ứng viên de Trèves Clément-Wenceslas de Saxe, và sau cùng, cuốn sách dị nghĩa ngài cho xuất bản năm 1781: Justini Febronii commentarius in suam retractationem, (Bình luận việc chối từ của Justinus Febrionius) chứng minh một cách chắc chắn là von Hontheim không phải là con người chỉ có một mặt. Ðiều đó không có nghĩa như giáo triều Roma giả thiết khi liệt kê tác phẩm của ông vào loại sách cấm l'Index từ năm 1764 là ý hướng tông đồ khẳng định dưới tên cuốn sách cốt ý che dấu những tư tưởng cách mạng. Trái lại, qua các thư từ của vị giám mục phó thành Trèves trong nhiều năm, trước khi sách được xuất bản, chứng minh là việc hiệp nhất của các kitô hữu theo nghĩa đặc biệt là các người kitô trong Giáo Hội cải cách trở về với Hội Thánh Roma, đó là ý muốn rất thâm sâu của Ngài.
Ðiều này có thể dễ dàng đi đôi với các nguyên tắc thiên về thuyết Thượng Tôn Giám Mục mà từ đầu ngài đã chấp nhận khi học với van Espar, và sau được thấy rõ ràng khi ngài liên lạc với nhà luật học Jakob van Spangenborn, cố vấn của tổng ủy viên Franz Georg van Schonborn, và sau đó với chính đức tổng Franz. Ðừng quên rằng trong phòng chưởng ấn của các giám mục miền sông Rhin, việc đối lập với quyền tập trung của giáo triều Roma là một truyền thống. Từ 1673, các giám mục đó đã hợp nhau tỏ bày sự chống đối qua bản tuyên ngôn Gravamina. Khi đọc tài liệu này, người ta thấy trong đó có những vấn nạn mà quyền quân chủ tuyệt đối trong thời kỳ thai nghén, đã xuất hiện trong tất cả các nước ở Âu Châu. Các đức tổng ở Cologne, Mayence và Trèves cũng đòi hỏi những quyền lợi và đặc ân xưa kia các vị tiền nhiệm của họ đã được và đã bị Roma cố tình ngăn chận.
Mặc dầu có tất cả những điều tương tự như trên, ta đừng quên nói đến một điều khác biệt chính yếu. Nơi von Hontheim, vấn đề đặt ra, không phải là các đặc ân bị bãi bỏ, nhưng đó là những quyền mà tự bản tính, phải thuộc về các Giáo Hội địa phương. Chúng ta thấy ảnh hưởng của Louvain và Leyde bộc lộ ra ở đây: tại hai nơi đào tạo đó, trong thế kỷ XVIII người ta có công thiết đặt mối giây hoà hợp giữa quyền tự nhiên và quyền tuyệt đối của Nhà Nước. Ðó là điều làm cho thuyết Febrionianisme trở nên mới mẻ và dân chủ theo nghĩa của sự độc tài sáng suốt, đang khi trong bản tuyên ngôn Gravamina vào năm 1673, người ta chỉ thấy một loại bảo thủ phong kiến. Cho nên Von Hontheim đặt ít trọng tâm vào bản Gravamina hơn vào những cố gắng mà nhiều lần các giám mục người Ðức đã thực hiện để được vào thỏa hiệp với vua Chúa hầu làm giảm thiểu quyền cai trị của giáo triều Roma. Người ta gọi là ”thỏa hiệp” hoặc ”tuyên thệ” những điều kiện được viết thành chương mục để dựa vào đó loại bỏ các ứng viên có uy tín, nhiều phiếu hay ít, hoặc, mutatis mutandis (hoặc cần thuyên chuyển), cho một tòa giám mục và cả tông tòa nữa. Các giám mục liên hệ đòi hỏi người ta ghi vào các ”thỏa hiệp” điều kiện là các người được bầu sẽ cố gắng làm giảm bớt sự can thiệp của giáo triều Roma. Vào dịp bầu hoàng đế Charles VII, năm 1741, Von spangerberg, luật gia đã nói đến ở trên, yêu cầu mà vô hiệu quả, nay ông lại nhân danh người ủy quyền là von Schonborn, yêu cầu người ta ghi ước muốn đó vào trong thỏa hiệp. Ra như ngài diễn tả sự ngã lòng của mình khi bày tỏ hy vọng một ngày kia được thấy một ”linh mục thông thái” nhậm chức cao, để hạn chế bớt quyền hạn của giáo hoàng, và làm sáng tỏ sự lấn át của giáo triều Roma (10). Người ta không lầm khi quả quyết đó là ước vọng mà von Hontheim đặt ra. Trong trường hợp đó, ngài tự cho mình 20 năm để hoàn thành sứ mạng ấy.
Ðể cắt nghĩa giáo thuyết febronianisme, người ta cũng có thể giả sử rằng: có những lý do riêng biệt cho nước Ðức, và không Giáo Hội nào lại trực thuộc Roma cho bằng những nước nói tiếng Ðức. Vương quyền của của Vua Tây Ban Nha, và Giáo Hội tự trị của các vua Pháp đã ngăn cản không cho giáo triều Roma can thiệp trực tiếp. Trực thuộc Roma được coi như một luật ở Ðức, và cũng là phương cách giảm bớt phí tổn về tài chánh. Vả lại, nếu xét đến việc đức Benoit XIV, vị giáo hoàng hiếu hòa đã làm đối với các vua chúa Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, thành Naples và thành Savoie thì các giám mục hoàng tử ở Ðức có nhiều lý do để than phiền. Các khâm sứ Tòa Thánh ở Cologne và ở Vienne thường bênh vực các giáo sĩ cấp dưới, các giáo sĩ dòng và các tín hữu thường, như một loại nhắc nhở thường xuyên chống các biện pháp do các giám mục đề xướng, hơn nữa, trong các lần tường trình theo định kỳ (ad limina) về Roma, các ngài thường gửi về những điều công kích và than phiền mà người ta không khám phá được xuất xứ. Tất cả các điều đó làm cho tòa án địa phận mỗi ngày mỗi bất bình. Febronius nhấn manh đến sự bất bình này. Có lẽ đó là điều cắt nghĩa tại sao đa số các giám mục ở Ðức, 16 trên 26, đã từ chối không chịu công bố sắc lệnh giáo hoàng lên án cuốn sách của Febronius là người đã nói lên những cảm nghĩ thầm kín của họ nên họ không muốn phủ nhận. Nhưng là đảo lộn mối giây liên hệ, nếu ta có cảm tưởng là Febronius đã cải hóa hàng giáo phẩm Ðức về với tư tưởng của mình. Như ta đã thấy một cách rõ ràng là tư tưởng của Febronius đã có trong tâm óc các giám mục ở Ðức trước khi von Hontheim cho in cuốn sách đó (11).
Ai đem so sánh cuốn sách của Febronius với các hồ sơ của công đồng Utrecht, cùng năm 1673, do phái Cựu Công Giáo tổ chức, không khỏi ngạc nhiên khi thấy ”nhóm ly giáo” Utrecht có phần gần giáo hoàng hơn vị giám mục phó thành Trèves. Ðó còn là một khám phá mới mẻ làm cho tín hữu ngày nay thêm đau lòng. Ðiều Febronius muốn, là trở về với hiến pháp của Giáo Hội như người đã thấy vào thế kỷ thứ nhất: một vị giám mục ở Roma mà tất cả các giám mục đều nhìn nhận là vị thủ lãnh, nhưng họ không nhận Ngài có quyền trực tiếp nào ngoài địa phận Roma, và ngài cũng không có quyền gì để quyết định về đức tin và phong hóa. Chính Giáo Hội với tư cách là tập đoàn (collectivité) thi hành quyền tối cao tương quan tới đức tin và kỷ luật. Với nguyên tắc đó, Febronius nối tiếp con đường ”dân chủ” do Richer vạch ra. Ngài chủ trương thuyết Thượng tôn giám mục tuyệt đối, và tự cho rằng các giám mục, với tư cách là kẻ kế vị các Tông Ðồ, đều có quyền ngang nhau, không chỉ về quyền thánh chức mà kể cả quyền tài phán nữa. Người ta tưởng nghĩ rằng quyền của giám mục không có giới hạn, nhất là đối với các linh mục dòng, không có nố miễn trừ nào nữa. Vì thế, từ chủ thuyết Thượng tôn giám mục lại phát sinh một chủ thuyết Công đồng trị tuyệt đối, cho nên trước mọi phán quyết của giáo hoàng, người ta có thể kêu cầu đến công đồng chung. Trong bài tựa dài đề tặng đức Clément XIII, tác giả kêu mời ngài hãy tự ý từ bỏ mọi quyền hành mà Tòa Thánh đã cưỡng đoạt trong nhiều thế kỷ qua, để khỏi phải bị vua chúa đòi lại bằng vũ lực. Theo tác giả, với danh nghĩa vương quyền tối cao, vua chúa có thẩm quyền tối hậu trên tất cả những vấn đề ”ngoài” tôn giáo. Việc kêu gọi đến vua chúa như thế là hậu quả hợp lý của việc biện luận. Nhưng đối với các vua chúa, nói chung, không có tiếng dội gì nhiều, vì đối với họ, củng cố quyền các giám mục không phải là lối giải đáp lý tưởng. Nhiều người trong nhóm họ, lại muốn dựa vào tình trạng gây áp lực với Tòa Thánh để có thể chế ngự các giám mục ở trong nước mình.
Clément Wenceslas de Saxe, tổng giám mục ủy viên của Trèves, là thượng cấp trực tiếp của von Hontheim, thuộc vào trong nhóm thiểu số các giám mục Ðức, đã cho công bố sắc dụ giáo hoàng lên án Frebronius. Về sau, ngài còn làm cho Febronius rút sách lại, trong khi ông vẫn không chịu xuống chức như giáo hoàng mong mỏi. Dầu vậy, đức tổng đó, được tước hiệu hoàng tử xứ Saxe từ lúc sinh ra, lại theo thuyết Thượng tôn giám mục chính cống. Ngài là một trong bốn ông hoàng giám mục, năm 1786, đã ký vào bản ”Punctation” ở Ems. Hiệp ước đó xảy ra vào dịp thiết lập tòa sứ thần tòa thánh mới ở Ðức tại Munich; dầu sao, đó là kết quả của một sự tiến triển lâu dài, mà người ta thấy rõ hơn, ít nữa từ thế kỷ XV, theo tang chứng của công đồng Constance (1414-1418) và công đồng Bâle (1431-1449). Sau công đồng Trente, thuyết công đồng trị và thuyết Thượng tôn giám mục, nặng hay nhẹ, còn tái xuất hiện nhiều lần.
Ba thế kỷ đó từ công đồng Trente tới công đồng Vatican I, không phải như nhiều người công giáo ở thế kỷ XIX đã hời hợt nhận định, là một sự tiến triển đều đặn đi tới việc nhìn nhận quyền tối thượng và quyền bất khả ngộ của giáo hoàng. Ðường hướng tổng quát ấy không ai chối cãi, nhưng không bao giờ khỏi bị phản đối. Những sự chống đối xem ra nhất thời của những người như Sarpri, Richer, Bonnet, van Espen, có thể coi như một chuỗi dài liên miên của thuyết thủ cựu. Trong chuỗi giây đó, những Gravamina của nước Ðức, nhiều lần được tái diễn, đã trở thành quan trọng. Sự kiện này đã khởi sự từ lâu trước công đồng Trente, đặc biệt từ Mayence, về những lần giáo hoàng lấn át quyền tài phán của các giám mục sau công đồng Trente, nhất là những lấn át mỗi ngày một nhiều của các sứ thần. Hầu như từ đầu, vị khâm sứ ở Cologne đã làm mất lòng ba tổng giám mục ở Rhenanic, Cologne, Mayence và Trèves. Năm 1673, ba vị tổng giám mục tại chức đã soạn thảo một kháng thư gọi là Gravamina, trong đó họ yêu cầu Tòa Thánh từ bỏ việc ban quyền ngũ niên cho các giám mục mà nhìn nhận rằng quyền hạn đó là quyền đương nhiên của các ngài. Vì thế không có gì khác biệt sâu xa giữa Gravamina năm 1673 và Punctation ở Ems một thế kỷ sau đó.
Trước Punctation ở Ems đã có các Avisamenta ở Coblence vào năm 1769. Những tài liệu này được soạn thảo vào dịp ra mắt bản thích nghi bằng tiếng Ðức, xuất bản năm 1768, về một luận giải của Bellarmin dưới tựa đề De protestate Summi Pontificis in rebus temporalibus (Về quyền bính giáo hoàng trong việc đời) mà bản chính xuất bản vào năm 1610. Tác giả nhìn nhận giáo hoàng, trong vài trường hợp, có quyền chuẩn cho những kẻ thuộc quyền mình khỏi lời thề hứa trung thành với vua chúa, và đặt giả thiết là những giám mục nào thi hành quyền đời, phải được giáo hoàng chấp thuận mới được gánh vác quyền bính ấy. Nhiều hoàng tử ở Ðức muốn chống đối chiều hướng đó, và đặc biệt trong số đó là ba ứng cử tri miền sông Rhin. Họ gửi cuốn Avisamenta cho vua Joseph II mà họ đã soạn thảo ở Coblence, và yêu cầu vua đệ trình lên giáo hoàng. Vua Joseph II từ chối lời yêu cầu đó, nhưng để cho các giám mục đó được tự do gửi thẳng về Roma. Họ không gửi được vì Clément Wenceslas de Saxe, ứng cử viên ở Trèves, tuyên bố phản đối vì cho rằng không phải lúc thuận tiện. Lý do có thể vì bấy giờ vừa mới có sự thay đổi ngôi giáo hoàng vào năm 1769. Nhưng các vấn nạn vẫn còn, chúng ta sẽ thấy vào năm 1786.
Năm 1784, Tòa Thánh thiết lập tòa sứ thần ở Munich, sau khi đã được công tước Bavière Charles-Théodore đồng ý. Ðó là một mối bất bình của các công tước Bavière khi thấy một phần lớn lãnh thổ của họ phải thuộc quyền quản trị thiêng liêng của các giám mục ngoài xứ, nhất là hoàng tử giám mục ở Salesbourg tại Áo, và đối với Palatinat, thuộc quyền Mayence và Trèves. Ðã nhiều lần, các công tước cố gắng kêu gọi Tòa Thánh thiết lập một hàng giáo phẩm Bavière. Ít lâu sau khi lên ngôi cai trị Bavière vào năm 1777, Charles-Théodore lại nhắc đến lời yêu cầu trên. Hình như ngài viện lý do là Giáo Hội trên lãnh thổ của ngài đã gặp nguy hiểm do các giám mục theo thuyết Febronianisme gây nên. Ðức Pie VI bác bỏ lời yêu cầu ấy, nhưng lại thi hành theo ý ông đó muốn là thiết lập một tòa sứ thần tại thủ đô Bavière, và cai quản cả Bavière lẫn Palatinat. Các tổng giám mục thành Salesbourg, Mayence và Trèves không hoàn toàn sai khi thấy đó là một lối ngụy trang đưa vùng đất đó ra khỏi quyền cai trị của họ. Hơn nữa, họ còn có lý chính đáng để tin rằng vị công tước kia sẽ dựa vào mối liên lạc với sứ thần để củng cố thêm quyền lợi của mình trên Giáo Hội trong lãnh thổ của ngài. Từ những nhận định đó đã phát sinh ra Punctation thành Ems : các giám mục thực sự cố gắng để làm cho công việc của sứ thần ra vô hiệu, và tăng triển những quyền hạn của riêng mình. Bản đó được soạn thảo ở Bad Ems, trên sông Lahn, phía đông Ehrenbreistein, vào tháng Tám 1786, do bốn vị đại diện của Maximilien-Francois nước Áo, con của Marie-Thérèse và tổng giám mục Cologne, Clément-Wenceslas de Saxe, họ hàng với giòng Habesbourg và Bourbons, tổng giám mục Trèves và còn thêm nhiều địa phận khác, Friedrich-Karl-Joseph van Esthral, tổng giám mục Mayence, và bá-tước Hieronymus Collorado, tổng giám mục Salesbourg, trí óc minh mẫn nhưng hung dữ. Ngày 25.8.1786, bốn vị được toàn quyền ủy nhiệm phê chuẫn tài liệu nhân danh các tổng giám mục khác.
Bản văn, gần 23 chương, làm thành cương lĩnh cho phái Thượng tôn giám mục. Ngoài ra, họ đòi hỏi cho các giám mục được toàn quyền thi hành những quyền bính mà trước kia chính giáo hoàng chấp thuận cho họ. Họ muốn Tòa Thánh từ bỏ mọi quyền trao ban thánh chức có bổng lộc và tất cả các đòi về tài chánh liên quan đến điều đó, công việc của sứ thần tuyệt đối chỉ là ngoại giao mà thôi; các đoản sắc và sắc chỉ của giáo hoàng chỉ được công bố sau khi các giám mục đồng ý và tất cả các đan viện và tu viện đều lệ thuộc quyền tài phán của giám mục. Các đức tổng đệ trình tài liệu đó lên Joseph II, nghĩ rằng sẽ được ngài chấp nhận. Vua chờ nhiều tháng ngày mới phúc đáp. Cuối cùng, vua trả lời nhưng không đả động gì tới vấn đề đó, chỉ nhấn mạnh rằng các đức tổng phải hỏi ý kiến các giám mục thuộc hạt của họ. Bởi đó, người ta thấy những chuyện các giám mục thuộc hạt than phiền với hoàng đế hoặc với chức trách quyền đời về thái độ hống hách của các tổng giám mục. Dĩ nhiên không nên thấy đó là một khuynh hướng độc tôn Roma, nhưng có mối lo sợ không chính đáng là Punctation dẫn đến việc các tổng giám mục chế ngự tất cả. Vì bắt buộc phải chọn lựa các giám mục muốn được trực tiếp lệ thuộc giáo hoàng còn hơn phải tòng phục các tổng giám mục. Ở Quốc hội, các đại biểu của Prusse và của Bavière, phản đối các tham vọng của 4 tổng giám mục (ba vị trong đó là cử tri) nước Phổ đã làm điều đó, dĩ nhiên là theo sự thúc đẩy của mấy giám mục thuộc hạt bị sứ thần ở Munich đe dọa là Soglia và sứ thần ở Cologne đe dọa là Pacca.
Dĩ nhiên những sứ thần đã gửi cho đức Pie VI bản chính của Punctation. Nhưng mãi lâu sau, giáo hoàng mới phản ứng. Và mãi năm 1789, mới được công bố lời bác bỏ nhân danh giáo hoàng với nhan đề: Responsio ad metropolitanos Mozuntinum, Trevirensem, Coloniensem, Salisburgensem super nuntiaris apostolicis. Trước lời tuyên bố đó của giáo hoàng, Clement Wenceslas de Saxe rút lại chữ ký của mình. Trái lại, ba tổng giám mục kia vẫn tiếp tục trong niềm xác tín của mình và khởi sự thi hành những cải cách mà họ cổ võ: họ cấm các cha xứ không được xin các phép chuẩn nơi các sứ thần, và họ lấy quyền của mình mà phân giải các trường hợp thuộc thẩm quyền giáo hoàng. Tổng giám mục ở Mayence là van Estral, còn quyết liệt hơn nữa, lập một ủy ban để sửa soạn một hội nghị giám mục có nhiệm vụ áp dụng các nguyên tắc đã được chấp thuận. Trong khi chờ đợi, ngài đã bắt đầu một vài cải tổ trong phụng vụ. Nhưng cuộc cách mạng Pháp bùng nổ và mối đe dọa đè nặng lên vùng đất của ba tổng giám mục miền sông Rhin làm cho các dự án đó mất tính cách ưu tiên. Dầu vậy sau khi người anh là Joseph II chết, và hai năm sau, đến lượt một người anh khác là Leopol II cũng ra đi, Maximilien Francois nước Áo, tổng giám mục Cologne đã chiếu theo ”thỏa hiệp vua chúa”, bắt buộc vị tân vương phải lo tìm cách hủy bỏ mọi quyền tài phán của các sứ thần. Nhưng ngay sau đó, vào năm 1803, hiến pháp Ratisbonne được cải tổ lại, bãi bỏ mọi quyền đời của các hoàng tử giáo sĩ trong đế quốc Ðức, và cùng một lúc, chấm dứt sự lạm dụng lâu đời việc giao phó các địa phận cho các con của vua chỉ ngày đêm chăm lo việc chính trị hơn việc đạo giáo, và thường thiếu sự tôn kính đối với Tòa Thánh.