CHƯƠNG II
TÒA THÁNH Ở THẾ KỶ XVIII
I. TÂY PHƯƠNG KHÔNG CÒN LÀ CỘNG ÐỒNG KITÔ GIÁO NỮA.
Thế kỷ giữa công đồng Trente và các hiệp ước tại Westphalie (1648) và Pyrénées (1659) là thế kỷ đặc biệt của thời phản canh tân. Chính ở thế kỷ này Giáo Hội có những đặc tính còn tồn tại tới ngày nay. Cho dù có nhiều bóng tối của phong trào phản canh tân, Giáo Hội đã tìm được sức hùng mạnh từ các đức giáo hoàng nổi danh sống vào thời ấy. Các đức giáo hoàng thật sự nổi danh quả là hiếm hoi, mười chín thế kỷ lịch sử còn đó tỏ cho chúng ta thấy như vậy. Tiền bán thế kỷ phản canh tân này, được đánh giá đặc biệt là nhờ phẩm hạnh của các đức giáo hoàng của thời ấy: Thánh Pie V (1566-1572), vị khổ tu cứng rắn, Grégoire XIII (1572-1585) luật gia, và nhất là Sixte-Quint (1585-1590) người có óc tổ chức đại tài. Các đấng kế vị các ngài thường cũng là những bậc giỏi giang và liêm chính, ngoại trừ tính cách gia đình trị, một điều xấu khó tránh tại giáo triều trong nhiều thế kỷ.
Trước hết cũng có thời kỳ được gọi là thời chiến tranh tôn giáo, vì người ta muốn đơn giản hóa dòng lịch sử. Chỉ vì muốn bảo tồn những quyền lợi các giáo hoàng đã tìm nương dựa nơi các ông hoàng, nhà Habsbourg nơi các vua Tây Ban Nha và hoàng đế: vì cương quyết muốn cản ngăn các phá hoại Công Giáo tại đế quốc Ðức, các ngài không thấy con đường nào khác, nhất là từ khi nước Pháp thời Richelieu và Mazarin, đã theo các ông hoàng thệ phản chống lại hoàng đế.
Năm 1648 và 1659 những hòa ước tại Westphalie và Pyrénées chấm dứt quan niệm trên. Chúng phát khởi một thời đại mới, thời đại của ”lý do quốc gia”, đó là nguyên tắc không cho phép đặt một quyền lợi nào bên trên quyển lợi quốc gia và quy định chính trị. Từ nay, chính trị không còn biệt lệ nào khác ngoài quyền lợi kinh tế quốc gia. Người ta không còn bàn cãi về tôn giáo như một vấn đề thuần túy tôn giáo. Sự gạt bỏ Kitô giáo Tây Phương trở thành một sự kiện. Một nguyên tắc nền tảng cho mọi bàn cãi: ”mỗi vùng có tôn giáo riêng” (cuius regio illius et religio); các quốc gia Công Giáo và các quốc gia Tin Lành nhìn nhận sự hiện diện hợp pháp của nhau.
Trong hoàn cảnh như vậy, Roma rất lúng khi phải nhìn nhận sự thất bại của một tôn giáo chân chính duy nhất, trong phần lớn lãnh thổ Âu châu, trong các thuộc địa Anh quốc, các tỉnh Liên hiệp Hòa Lan, và những nơi khác đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Ðức giáo hoàng Innocent X (1644-1655) chứng nhân cuối cùng và yếu kém của một thời đại biến chuyển, đã có những phản ứng qua nhiều sắc lệnh được các lãnh chúa công giáo góp ý, nhưng vô hiệu quả. Vị đại sứ thời danh là Fabio Chigi, kế vị Ngài với danh hiệu Alexandre VII (1655-1667), đã can thiệp trực tiếp vào các cuộc thương nghị. Sau đó, ngày 26.11.1648, ngài đã công bố sắc dụ Zelus domus mea (Lòng nhiệt thành về nhà ta), nhưng cũng vô ích! Chính vì thế mà hòa ước tại Westphalie đã xuất hiện như một thất bại của Tòa Thánh.
Khi bàn về hiệp ước hòa bình Pyrénées, người ta khó chịu vì đức Mazarin, cũng là một hồng y, đã ngăn cản một đặc sứ của giáo hoàng góp phần tranh luận. Trong hòa ước tại Nimègue, năm 1678, sứ thần Bevilacqua đã nhận từ giáo hoàng Innocent XI, sứ mạng long trọng lặp lại những đối kháng năm 1648. Ðiều đó chỉ như gươm chém trong nước: hoàn toàn bị các chức quyền liên hệ bác bỏ, ngay cả hoàng đế và vua Tây Ban Nha. Tháng giêng năm 1701, khi cử tri Brandebourg Frédéric III, với sự ưng thuận của hoàng đế, nhận tước hiệu là vua nước Phổ, đức Clement XI chống đối mạnh mẽ nơi hoàng đế và các ông hoàng công giáo khác, vì nước Phổ là một lãnh thổ tục hóa của dòng Teuton. Tại đây các nhà lãnh đạo công giáo bác bỏ sự chống đối, điều đó thật ra không ngăn cản giáo triều lặp lại những vận động tương tự sau này.
Còn tái diễn nhiều lần, nhất là tại các Công nghị Utrecht (1713), Rastatt ở Bade (1714-1715) và ở Aix-la-Chapelle (1748) phái bộ ngoại giao của giáo hoàng chính thức vận động để được chấp nhận vào cuộc thương nghị, nhưng mỗi lần đều bị từ chối. Một trong những điểm thiếu thực tế nhất trong cách cai trị của giáo triều là việc phổ biến Kinh Thần Vụ của thánh giáo hoàng Grégoire VII trên Giáo Hội hoàn vũ do đức giáo hoàng Benoit XIII công bố năm 1728. Kinh Thần vụ này ca tụng tu sĩ Hildebrand, sau này trở nên đức Grégoire VII, là người đã truất phế hoàng đế Henri IV. (Tới khi đơn giản hóa năm 1995, người ta có thể đọc về thánh này trong sách nguyện Roma, ngày 25 tháng 5). Các chính quyền không bỏ lỡ cơ hội để nhận ra những yêu sách của các giáo hoàng thời trước. Từ đó nổi lên sự chống đối của nhiều lãnh chúa công giáo và một vài người không công giáo, về việc lồng kinh thần vụ này vào sách nguyện. Sự chống đối nhất loạt này, tuy là một sự kiện ít quan trọng nhưng đã tỏ cho thấy một ngộ nhận lớn về tinh thần của thời đại, và sự không thông cảm này cũng là đặc tính của giáo triều cho tới cuối thời chế độ cũ. Hoặc vì bất lực, hoặc vì ý xấu, đây là điều trái với thực tế. Ði ngược với nguyên tắc: ”Nơi nào có tôn giáo nấy”, Giáo Hội rơi vào thời xa xưa, lúc mà ảnh hưởng bán cầu còn thu gọn vào một vùng Ðịa trung Hải, chung quanh kinh đô trường cửu, như vậy chỉ gồm Ý, Pháp với Canada, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và các thuộc địa của các nước này, những lãnh thổ truyền thống Áo quốc, Ðông Nam Ðức, và một chút xa hơn: nam Hòa Lan và Ba Lan. Quan điểm sai lầm này rất khó sửa, nó tồn tại một thời gian dài, làm nản chí những người công giáo thiểu số sống trong các nước tin lành và trong các thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ. Giáo triều chỉ quan tâm tới dân bản xứ trên phương diện truyền giáo và nhìn những người công giáo thiểu số này với con mắt thương hại và hoài nghi. Tuy nhiên giáo triều có thể nhận ra lối sống mà biến chuyển của thời đại càng ngày càng làm cho nên thiết yếu. Áp dụng lối sống ấy một cách mềm dẻo, Giáo Hội chắc chắn có một sinh hoạt độc lập, sự độc lập mà giáo triều không được hưởng trong bất cứ một quốc gia công giáo nào.
Muốn hay không, đường hướng chính trị của Tòa Thánh cũng chịu ảnh hưởng ”chủ nghĩa quốc gia”. Những hiệp ước chúng ta trích dẫn đã chấm dứt ưu thế của dòng họ Habsbourg và khai mào ưu thế của Pháp. Ưu thế này sớm muộn đã trở thành ác mộng cho Âu châu. Chiến tranh toàn diện (bellum omnium contra omnes) trở thành chủ thuyết. Chủ thuyết này được đưa ra thi hành do sự liên tôn giáo để chống lại vua Louis XIV, do Lisola chủ xướng và Guillaume III d'Orange thực hiện. Nhà vua rất công giáo này, không ngần ngại đứng về phe Thổ Nhỉ Kỳ chống lại dòng họ Habsbourg. Ngay cả Roma lúc đó ngày càng khó đề ra các nguyên tắc thuần túy tôn giáo hầu hướng dẫn đường hướng chính trị. Các viên chức của Tòa Thánh thường trợ lực cho Anh quốc và các vùng Liên Tỉnh. Hầu như không thể làm cách khác được. Theo đà tiến triển của chế độ quân chủ chuyên chế tại Tây Ban Nha, Pháp, Áo và trong hầu hết các quốc gia Ðức, và nơi nhiều ông hoàng công giáo, các nguyên tắc và lối thực thi của chế độ vương giáo (Césarpapisme) hoặc của phái Erasme mỗi ngày được ái mộ thêm. Lúc đó, Tòa Thánh bó buộc phải tự vệ. Bị kẹt giữa hai mối nguy: Tòa Thánh phải vất vả để duy trì thế quân bình, và e sợ các chính phủ nắm ưu thế. Sau năm 1661, chắc chắn là tại Pháp, nhiều hồng y Roma tỏ thái độ chấp thuận hay ít ra nâng đỡ tinh thần các tổ chức chống lại vua Louis XIV. Kết quả mỗi khi có cuộc bầu giáo hoàng, bộ ngoại giao Pháp âm mưu ủng hộ một hồng y người Pháp. Từ 1655 đến 1689 âm mưu này thất bại hoài. Ít ra có những giáo hoàng như Alexandre VII (1655-1667), Clément X (1670-1676) và Innocent XI (1676-1689, người mà đôi khi được gọi là Grégoire VII của thế kỷ XVIII) là những vị giáo hoàng chống Pháp. Trái lại từ năm 1689 những âm mưu của Pháp thường thành công: tới cuối thế kỷ XVIII phần lớn các đức giáo hoàng hướng về Pháp. Sự thay đổi này một phần do Tây Ban Nha liên kết với nhà Bourbons, một phần do chính sách tôn giáo chống giáo hoàng được các lãnh chúa chủ trương trong các nơi thừa kế Áo Quốc ở thế kỷ XVIII.
II. CHỨC VỤ CỦA THẾ QUYỀN ÐÃ TRỞ NÊN SUY YẾU.
Một thế kỷ chiến tranh khắp nơi, bằng bút mực hay bằng gươm giáo, đã thay đổi thời thế. Hòa ước Westphalie đánh dấu sự thay đổi này. Ít ra từ năm 1648, Giáo Hội Roma không còn là một nhóm tu sĩ như các nhóm khác. Giáo Hội tiếp tục gọi các nhóm khác là giáo phái, nhưng vẫn để ý đến sự hiện diện của họ; họ được tổ chức vững mạnh và được nhìn nhận. Giáo hoàng và giáo triều ý thức điều đó là hợp lý như chúng ta thấy ngày nay. Họ không đi tới kết luận này, vì thái độ của Roma vẫn duy trì xác tín bất biến rằng Giáo Hội Công Giáo Roma là Giáo Hội chân chính duy nhất và đức giáo hoàng, là đại diện Ðức Kitô tại trần thế, là thủ lãnh tối cao của mọi kitô hữu. Do đó giáo triều Roma tiếp tục xử dụng ngôn ngữ hợp với niềm tin này, ngay cả lúc mà càng ngày càng không hợp với thực tế, khiến phần lớn thế giới và cả những nước còn là công giáo, không muốn chấp nhận điều đó.
Ðối với ý kiến chung tại Âu châu, trong thế kỷ XVIII, không còn vấn đề nhìn nhận giáo hoàng Roma như thủ lãnh Kitô giáo, cũng như không còn chấp nhận uy quyền của ngài vượt trên thế quyền. Càng quả quyết ngài luôn vượt trên thế quyền, càng chứng tỏ ngài bị giảm thế giá. Một người Pháp có địa vị cao, tổng thống Charles de Brosses (1), vào năm 1740, đã ghi chú trong các cảm tưởng rất hay của ông về cuộc du lịch tại Ý: ”Nếu niềm tin vào đức thánh cha càng ngày càng giảm, chính vì cách suy tư đã phát sinh niềm tin tưởng ấy đã giảm đi mỗi ngày”. Ðiều hiển nhiên là ưu thế cũ vẫn còn nhưng nhận xét hoàn cảnh từ xa, người ta có thể nói rằng ưu thắng ấy tồn tại, mặc dầu có những điều không mấy tốt đẹp tại giáo triều.
Thật vậy, kỷ nguyên ”ánh sáng” còn phải kể tới thủ lãnh của Giáo Hội. Nhưng không phải để công nhận cách tổng quát quyền hành hợp pháp của ngài trên đức tin và truyền thống. Như chúng tôi sắp trình bày chi tiết, ngay cả trong các nước công giáo, thường ngài chỉ được nhìn nhận với sự dè dặt. Người ta nhìn nhận nơi giám mục Roma quyền thế vị các tông đồ. Nhưng từ công đồng Trente, với sự giúp đỡ của các cha dòng Tên, hội dòng mà phong trào chống cải cách đã đánh giá là có tầm mức quan trọng và ảnh hưởng tới Roma, Giáo triều càng ngày càng đòi hỏi cho đức giáo hoàng vinh dự và quyền tài phán tối cao. Nhưng phần lớn các ông hoàng đương thời, cũng như các giám mục, dựa vào các thần học gia, luật gia tại Louvain và Sorbonne, hầu như chỉ công nhận vinh dự tối cao là điều vô hại. Giáo Hội Pháp cương quyết khước từ quyền phán quyết tối cao. Bằng một đường lối uyển chuyển hơn, một số giáo sĩ thuộc Mission d'Utrecht cũng làm như vậy. Sau đó ít lâu, Roma bài bác thái độ hàng giáo sĩ Pháp, nhưng cũng làm ngơ vì sợ họ phân ly. Với phương pháp bên trọng bên khinh, Giáo triều kết án lập trường của Hòa Lan, thế là có một lạc thuyết còn lưu tồn tới ngày nay : Giáo Hội Công Giáo cổ của Utrecht. Trong giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối cùng của công đồng Trente, các cha dòng Tên và nhất là các thần học gia và luật gia Ý đã giúp phát triển thế giá của giáo hoàng và sự vô ngộ của ngài về tín lý. Nhưng Philippe II, vị vua uy quyền của Tây Ban Nha, đã làm áp lực trên công đồng để ngăn cản thảo luận về những đề tài này.
Với trào lưu quân chủ chuyên chế, niềm tin vào tối thượng quyền của giáo hoàng giảm sút dần. Thời khủng hoảng lương tâm, cũng là thời thử thách gay gắt giữa những người bênh và những người chống quyền vô ngộ và tối thượng của giáo hoàng. Dầu những người bênh quyền vô ngộ thắng thế, như chúng ta thấy sau này, thế kỷ XVIII là thời đại hoàng kim của giám mục đoàn.
Dầu sao vì lý do thanh lọc Giáo Hội ”từ nguyên thủ tới các thành phần” đã đòi hỏi từ lâu, phong trào chống cải cách đã làm tăng thế giá của giáo hoàng, không một chính quyền nào không biết tới. Ngay cả chính quyền Anh Quốc, sau đó ít lâu, chính quyền Phổ, đã bày tỏ bằng ngôn từ và hành động kính trọng thể chế đã tạo được một dĩ vãng hiển hách và luôn sống động. Có thể nói được rằng giáo hoàng Roma đã tóm kết dĩ vãng này trong cuộc đời của Ngài. Hơn nữa Ngài còn đại diện cho một tổ chức tôn giáo lớn nhất được công nhận và lưu tồn mặc dầu đã có nhiều mất mát. Có lẽ các công trình kiến trúc dường như lỗi thời giữa một thế kỷ XVIII đầy lo âu, đã đưa tới khuynh hướng đổi thay và thúc đẩy tìm kiếm mọi hướng. Có lẽ sự biến chuyển tư tưởng tân tiến càng ngày càng làm mất đi sự liên kết và sức mạnh nội tại của thế kỷ. Nhưng việc phụng tự luôn định hình cho phần lớn Âu châu, chính nó nuôi dưỡng và bảo trì tất cả mọi nghệ thuật. Khước từ việc phụng tự là rơi vào tình trạng man rợ phiếm định. Bằng chứng đẹp nhất của sự kính trọng tồn tại trong giới trí thức của thời đại, mặc dầu xa Giáo Hội, có lẽ chỉ dành cho một giáo hoàng của thế kỷ XVIII là đức Benoit XIV, người đã chấp nhận đối thoại với tinh thần của thời đại ngài.
Nhưng đức giáo hoàng này là trường hợp hiếm hoi. Nói chung, ảnh hưởng thực sự của Roma trên đà tiến của thế giới không những đã suy giảm tối đa, mà những liên quan với sự biến chuyển tư tưởng lại chỉ cô đọng trong những chống đối thông thường và vô ích. Không cảm giác nào khó chịu cho bằng thấy Giáo Hội vắng mặt trong những biến chuyển văn hóa thế kỷ XVIII, cũng như trong các cuộc tranh luận về những vấn đề nóng bỏng. Người ta thấy Roma dường như không quan tâm tới các cuộc tranh luận này. Khi Roma can thiệp, Roma thường có một thái độ tiêu cực tuyệt đối, bằng sự cảnh cáo, tuyên phạt rút phép thông công, cấm đề cập tới một vấn đề, dường như muốn bóp nghẹt sự sai lầm bằng thái độ yên lặng: đối thoại với thế giới ở thế kỷ XVIII vừa rất bấp bênh này, vừa như bị bỏ qua toàn bộ. Ðâu là ý nghĩa của công đồng ở một thời đại mà chúng tôi gọi là “khủng hoảng lương tâm”? Hay là cần một công đồng khác giữa thế kỷ XVIII? Triều đại dài của đức Clement XI (1700-1721), người đã được bầu lên tương đối còn trẻ, rồi đến triều đại của nhà thông thái Benoit XIV, (1740-1758) người được một số trí thức tín nhiệm. Cả hai đều củng cố tình trạng ấy. Ðối với chúng tôi, thật là vô lý khi nhận đó là dấu tích sự nhu nhược của Giáo Hội.
Khi tìm kiếm những nguyên nhân của sự yếu kém này, người ta sẽ ngạc nhiên về hoàn cảnh của giáo hoàng: ”Một ông hoàng nhỏ của Ý”, là chủ trần thế của một lãnh thổ bé hẹp, nghèo yếu, bị chèn ép giữa những thế lực tranh hùng lớn lao ngự trị tại Vienne, Paris và Madrid. Nghịch cảnh làm cho quốc gia này gặp nhiều chướng ngại, giống như trường hợp Ba Lan, Nam Hòa Lan, nó là nguyên nhân duy nhất cho một chuỗi bất tận những tranh chấp ngoại giao và quân lực. Vào thế kỷ XVIII, đức giáo hoàng còn tuyên chiến và đánh nhau với hoàng đế của đế quốc Roma, hoàng đế có cả những bầy người dị giáo, tức là các đoàn quân Phổ, đang chuẩn bị một cuộc đánh úp Roma vào năm 1707. Mỗi cuộc va chạm của các thế lực lớn tại Ý, hoặc giữa các ”tiểu vương” Ý làm cho đức giáo hoàng trở nên một trong các đối thủ và thường là một nạn nhân. Ngài bị dật dây để thỏa mãn ”người Hùng” của thời đại, nghĩa là Tây Ban Nha tới giữa thế kỷ XVII, và sau đó tùy theo thời cơ biến chuyển đến hoàng đế hay đến vua nước Pháp.
Người Cha chung của thế giới công giáo dĩ nhiên muốn đặt mình ở trên các đảng phái, và hưởng một thế giá siêu quốc gia, địa vị vương quốc trần thế của ngài phản lại ước vọng trên và làm ngài không thể thực hiện được ý định. Cũng thế, phải chăng là điều vô lý tỏ tường khi tuyên bố vương quyền này không thể thiếu cho sự độc lập của giáo hoàng đối với thế giới. Một điều làm cho ngài không thể thực hiện được trong thế giới tân tiến chính là sự liên kết giữa thần quyền và thế quyền. Ở thế kỷ XVIII Tòa Thánh còn bất lực trong vấn đề quản trị thế quyền. Ðó là thế kỷ của những nhà chuyên chế có nhiều sáng kiến. Bởi vì trong phần lớn các quốc gia, những chính phủ cố gắng cải tiến hoàn cảnh kinh tế và xã hội, nâng cao tầm mức thịnh vượng và áp dụng sáng kiến mới vào nông nghiệp, kỹ nghệ và thương mại, thăng tiến pháp luật và học đường. Trong những quốc gia thuộc Giáo Hội, đức Benoit XIV và thư ký của ngài là Valenti, đã cố gắng nhiều; đức Pie VI (2) đã nối tiếp các ngài và cố gắng tạo cho Roma thành một trung tâm văn hóa quan trọng, nhưng công việc thường bị ngưng trệ. Roma là một nước nhỏ mà tổng thống Brosses, trong cuốn sách nói đến ở trên, đã gọi là ”chủ nhân đáng thương hại, là nhà tư hữu bị khinh chê”. Hơn nữa, là sản nghiệp của thánh Phêrô để lại, Roma được điều hành bởi một cơ quan công chức giáo sĩ. Khi nói về những tương quan với các đại sứ và những câu truyện du lịch, họ lo cho dân chúng tránh những tiếp xúc với văn hóa của thời đại.
Ở thế kỷ XVIII, những chuyện hối lộ quá đáng gây tai tiếng trong xứ bé nhỏ này đã thực sự chấm dứt. Nhờ hành vi anh dũng của một vài vị giáo hoàng của thế kỷ XVII, nhất là đức Innocent XI (1676-1689) và Innocent XII (1691-1700), đã chấm dứt gương mù tầy đình của hệ thống hành chánh giáo triều là chế độ gia đình trị. Thật vậy, trong một thời gian rất lâu, mỗi giáo hoàng thường có nhiều bà con họ hàng khai thác giáo triều cho lợi riêng. Chính vì thế, một số gia đình quý phái Roma đã trở nên giàu có. Nhưng cuối thế kỷ XVIII, tai họa này lại tái diễn, dưới triều đức Benoit XIII (1724-1730), Clément XII (1730-1740) và dưới thời Pie VI (1775-1799), vị giáo hoàng cuối cùng của thế kỷ XVIII. Năm 1740, trong câu truyện của ông, Charles de Brosses nhận định rằng: những quốc gia thuộc Giáo Hội, gây kinh ngạc vì lạc hậu ở nhiều điểm. Một phần ba dân chúng là giáo sĩ, họ nắm mọi chức vị quan trọng. Một phần ba khác gồm những người đơn sơ, không làm được gì lớn. Phần còn lại gồm các lãnh chúa sống đời hiệp sĩ cướp phá, liên lạc mật thiết với các đảng cướp võ trang.
Những nhận định này chỉ là cảm tưởng của một du khách, đáng hoài nghi về tính cách xác thực của chúng. Dầu sao chúng cũng nói lên những khuyết điểm của giáo hoàng, của giáo triều và của các công chức dân sự. Phải hay trái, những quốc gia thuộc Giáo Hội mang tiếng lạc hậu nhất Âu châu, trong cả thế kỷ XVII: pháp luật bị mua chuộc, hối lộ quá lộ liễu, thiếu an ninh và việc giáo dục hết sức tồi tàn. Các đại sứ trong các phúc trình của họ, đã nhiều lần so sánh chế độ giáo triều với triều vua hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các điện văn của họ nhiều lần cho thấy họ có những dự định chia đất của giáo hoàng. Một bằng chứng khác cho thấy rằng các ông hoàng công giáo ít quan tâm đến quyền lợi của giáo hoàng. Khi có chuyện bất bình với Roma, các vua Pháp thường sai quân chiếm vùng đất then chốt Avignon và quận Venaissin nằm trong lãnh thổ Pháp, để làm áp lực với giáo hoàng. Vua thành Naples cũng làm như vậy trên đất Bénévent và Ponte-Corvo, những điểm chiến lược của Roma trong lãnh thổ của ông. Không còn ai kính trọng đức giáo hoàng như vị chúa chiên tối cao của cộng đồng kitô hữu nữa. Thế quyền của ngài đã gây phiền lụy cho ngài. Quyền này làm cho các tiểu vương công giáo chống lại các dự án của giáo hoàng ngay cả trong các vấn đề tôn giáo. Hơn thế, dựa trên quyền này giáo hoàng cho phép mình dùng luật công giáo kết án những hành động chính trị. Do đó, sự thừa kế tại Tây Ban Nha đã gây ra chiến tranh giữa giáo hoàng và hoàng đế. Eugène de Savoie, người đã chỉ huy quân đội hoàng gia, bị vạ tuyệt thông. May thay, đó là chiến tranh cuối cùng sau một chuỗi dài các chiến tranh. Một vài năm sau, chính ông hoàng này lại nhận được từ đức Clément XI một thanh kiếm và một chiếc mũ danh dự được ngài làm phép trong dịp lễ Giáng Sinh, để thưởng công ông đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ.
III. CÁC TRIỀU ÐÌNH LÀM ÁP LỰC TRÊN HỘI NGHỊ TUYỂN CHỌN GIÁO HOÀNG.
Nếu tới năm 1659 (Hòa bình tại Pyrénées), các giáo hoàng thường về phe Áo và Tây Ban Nha trong các tranh chấp gia truyền giữa dòng họ Habsbourg và Bourbon, sau niên hiệu này, hoàn cảnh dễ đổi thay. Họ tạo nên một loại ngưng chiến Thiên Chúa (trêve de Dieu), chung quanh Roma, nhưng lại có điếu nghịch thường là các thế lực công giáo vẫn cạnh tranh nhau không ngưng nghỉ để gây ảnh hưởng trên giáo triều. Trước chiến tranh về việc kế vị tại Tây Ban Nha, khối Áo-Tây Ban Nha của triều Habsbourg chống lại triều Bourbon tại Pháp, rồi sau một mình hoàng đế đơn phương chống lại khối Pháp-Tây Ban Nha của triều Bourbon. Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha thật tàn khốc cho Toà Thánh và Giáo Hội. Trước đây, sự đối lập giữa Tây Ban Nha và Pháp thuận lợi cho sự tự do của mật nghị, vì trong thực tế khối Habsbourg không bao giờ tỏ ra hợp nhất mạnh mẻ bằng khối Bourbon. Khối Bourbon này từ nay có phương tiện mạnh để làm áp lực trên Giáo Hội.
Ðiều đó không còn ý nghĩa khi cuộc ”lật đổ thời danh của các liên minh” năm 1756 đã đổi thay bộ mặt Âu châu tận căn bản như chưa từng thấy. Vua Louis XIV qua đời đã điểm hồi chuông báo tử cho ưu thế của Pháp, làm suy bại hoàn toàn ưu thế của đế quốc dòng Habsbourg và tạo nên thế quân bình của Âu châu trong nửa thế kỷ. Từ năm 1756, Anh quốc, Phổ, Nga hướng về tây phương, làm lu mờ hào quang trước kia của Pháp. Không còn lầm lẫn như trước nữa, ”cuộc lật đổ” chứng tỏ có biến cố thực sự đã xẩy ra gây nên hoàn cảnh từ nay đánh dấu toàn bộ lịch sử tân tiến: sự suy giảm của quyền bá chủ mà đạo Công Giáo ở thế kỷ XVI và XVII áp đặt trên các nước nơi đạo Công Giáo đã mất vị trí cao. Ðứng trước các thế lực liên hiệp Anh và Phổ, nước Áo và nước Pháp buộc lòng phải quên những tranh dành cố cựu và tìm đến nương tựa lẫn nhau.Tây Ban Nha là Quốc gia vô giá trị, người ta không thể cậy nhờ nữa; nước Ý trở thành bất lực, lãnh thổ bị cắt xé từng mảnh và các ông hoàng cũng thành bất lực. Bây giờ Pháp xuống dốc, tiếng nói của Công giáo Âu châu càng ngày càng yếu. Mặc dầu tình thế như vậy, thái độ của Giáo Hội Roma vẫn không thay đổi. Trước cách mạng Pháp, mọi cái đều tỏ ra Giáo Hội chưa ý thức được hoàn cảnh và không nhìn nhận thực tại: vẫn tiếp tục nói với thế giới bằng cung giọng sai khiến của một lãnh chúa có quyền năng luân lý nguyên tuyền và bất khả kháng.
Áp lực trên mật hội bầu giáo hoàng là phương thế các thế lực công giáo dùng trong mọi hoàn cảnh để cuộc bầu có lợi cho họ. Và để thực hiện áp lực này phải có người vây cánh tại giáo triều và trong hồng y đoàn. Vì thế ngay từ thế kỷ XVIII, các thủ lãnh quốc gia công giáo bắt ép giáo hoàng trao mũ hồng y cho các nịnh thần của họ, đôi khi cho cả những người bất xứng về nhiều phương diện. Hậu quả của chính sách này là chính tại Roma những người có thế giá chia rẽ và tranh dành nhau, đôi khi biến thành tranh chấp. Hoàng đế, các vua Pháp và Tây Ban Nha đều có người cùng vây cánh làm gián điệp cho họ trong giáo triều. Tại Roma có những người Áo, Pháp, Tây Ban Nha chờ chực tranh đua nịnh bợ giáo hoàng, các cháu của ngài hoặc các bộ trưởng của ngài đang ảnh hưởng trên người điều hành các công việc đối ngoại và cai trị các quốc gia thuộc Giáo Hội. Từ thế kỷ XVII, nhưng nhất là ở thế kỷ XVIII, Tòa thánh bó buộc phải tìm sức mạnh trong cách ngoắt ngéo: Với thời gian, ban ngoại giao của giáo hoàng đã đạt tới một sự khôn khéo mà người này tán tụng khâm phục, người khác lại chỉ trích đắng cay. Một tác giả người Ðức đã cho rằng những nhà ngoại giao sau cùng của thời đại này có cái tài ”mềm mỏng như rắn”. Trước mắt họ, Roma chỉ có mục đích là gây uy thế và tìm lợi ích thế trần. Họ không thấy rằng, mặc dầu có những vẻ bề ngoài gây khó chịu, mục đích chính của những người tốt đi xa hơn: cứu vãn những giá trị trường cửu khỏi các nguy hiểm chính trị, giống hình ảnh thánh Christophe trong huyền thoại cõng thiếu nhi Giêsu qua sông.
Như thế người ta mới hiểu tại sao hầu như mỗi mật nghị của thế kỷ XVIII đều diễn tiến như một vở tuồng rất khó chịu cho những tranh luận kéo dài nhiều tháng, những lý luận, đe dọa, trả giá, đôi khi còn hối lộ. Bắt đầu từ thế kỷ XVII lại có thêm quyền loại trừ hay từ khước của các nhà chuyên chế công giáo. Năm 1644 Tây Ban Nha thắng trong việc ngăn cản bầu đức hồng y Sacchetti người ủng hộ Pháp. Năm 1655 và 1670 chính nước Pháp đã làm như vậy. Năm 1721 hoàng đế Charles VI, năm 1730 Tây Ban Nha một lần nữa, năm 1758 Pháp cũng một lần nữa. Khi nào, cách nào và có ai xử dụng đặc ân này, thì không bao giờ thất bại, không bao giờ mật nghị dám chọn một hồng y làm giáo hoàng ngược ý muốn một trong ba nhà chuyên chế thế lực công giáo: hoàng đế, vua Tây Ban Nha, hoặc vua Pháp.
Thêm vào những yêu sách của những vị lớn, còn có những âm mưu của những người nhỏ, nhất là tại Venise, Toscane và Savoie. Kết quả hầu như luôn được giàn xếp. Nếu đa số giáo hoàng giữa hiệp ước Westphalie và thời đại Napoléon đã là những nhân vật thiếu khả năng, nếu giáo triều của các ngài có vẻ như một chuỗi những thất bại và xỉ nhục, nói theo thường tình con người, chính là hậu quả tất nhiên của những phương cách nói trên. Mỗi cuộc bầu cử được thảo luận kỹ lưỡng trong cách thực hiện và ủy nhiệm của các người có thế lực, đó là một loại chiến tranh lạnh thường xuyên. Những vận động này thường thấy phải chấm dứt do sự nhượng bộ của tất cả các thành phần. Như thế người ta có thể đạt tới đa số, đôi khi nhất loạt, vì các thành phần đối kháng kết cuộc đã chấp thuận một nhân vật dung hòa, không phe phái, được nhận là vô hại, đôi khi đã cao niên. Ðức Benoit XIV (Orsini, 1724-1730) đã 75 tuổi tròn khi được chọn. Ðấng kế vị ngài, đức Clément XII (Corsini, 1730-1740) đã tới tuổi 80, hầu như đã mù khi được bầu, và chẳng bao lâu sau ngài mất trí nhớ. Tại sao chọn người già như vậy? Chính vì các chính khách liên hệ không muốn một giáo hoàng còn nghị lực. Họ ước ao nơi thủ lãnh Giáo Hội và các quốc gia thuộc Giáo Hội một vị nguyên thủ đạo đức, không quen việc đời, dễ dàng chịu ảnh hưởng.
Tổ chức này ít ra đã mang lại điểm lợi quan trọng là trong thực tế, những vị được chọn luôn là người đạo đức, hạnh kiểm của các ngài không ai chê trách được. Giữa các đức giáo hoàng thế kỷ XVIII, không thấy vị nào có hạnh kiểm đáng nghi, dầu các ngài cũng có những khuyết điểm. Phương thức khá thường xuyên là thu nạp vị được chọn vào nhóm hồng y, thường hạn hẹp, nhóm này xác tín rằng những ảnh hưởng chính trị rất nguy hại, các ngài hợp nhất để chỉ nhằm lợi ích Giáo Hội và tôn giáo trong những chọn lựa của các ngài. Nhóm này xuất hiện năm 1655. Vì lý do trung lập đối với chính trị, đại sứ Tây Ban Nha ghép cho nhóm này một biệt danh là ”nhóm lưu động”. Nhóm này là tiền thân của nhóm thường được gọi trong dòng thế kỷ XVIII với danh hiệu Zelanti (người nhiệt thành). Danh hiệu này được duy trì tới thế kỷ XX, nhưng ý nghĩa của nó đổi thay nhiều. Theo nhịp giảm thiểu các ảnh hưởng chính trị, danh hiệu Zelanti càng ngày càng được dùng để chỉ những người thuộc phe hữu bảo thủ, đặc biệt chỉ lưu tâm đến những vấn đề Giáo Hội không hề để ý tới vấn đề chính trị và xã hội. Ðối với nhiều người điều đó làm cho ngôn từ này có nghĩa xấu chưa từng thấy tại thế kỷ XVIII. (”Người phe hữu bảo thủ, chỉ lưu tâm đến vấn đề của ”Giáo Hội”. Nên ghi chú về nghĩa ấy trong sách này được gán cho từ ngữ ”phe hữu”, do đó những khác biệt của các người đối lập gọi là ”cực tả”. Hữu và tả thường sẽ chỉ bảo thủ và cấp tiến trong quốc hội Âu châu; nhưng phạm vi khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác. Người Pháp dùng những chữ này để chỉ ý kiến đối lập trong phương diện xã hội và kinh tế; với người Hòa Lan, đối dị nguyên khởi và rõ rệt là ở trong lãnh vực tôn giáo: được nói là phe hữu khi ủng hộ giáo sĩ, phe tả chống giáo sĩ. Ðịnh nghĩa trên đây giúp hiểu rõ hơn một vài từ ngữ sẽ gặp sau này).
Thật may mắn và rất quan trọng, từ công đồng Trente, mũ giáo hoàng luôn được trao các linh mục thế giá. Khi người ta phê phán thế kỷ XVIII, cũng phải lưu ý tới điểm đó. Nhưng điều này không bù cho hiện tượng trầm trọng trong cuộc biến chuyển trí thức, đặc điểm của thế kỷ này, nó thiết định tầm lịch sử quan trọng, và diễn tiến cốt yếu ngoài phẩm trật giáo hoàng và Giáo Hội. Trong một bài tường thuật trung thành với các sự việc và cộng tác của Tòa Thánh vào thế kỷ XVIII, hầu như không đả động đến những mối bận tâm của nhân trong thời đại. Ðang khi những bận tâm ấy gắn liền với chính nghĩa, với lý do và mục đích của đời sống tại thế. Ðàng khác, đa số những can thiệp của Tòa Thánh, được Von Pastor kể lại một cách tỉ mỉ, hầu như rất ít tương quan với Thiên Chúa, tôn giáo và sự cứu rỗi ngàn đời của con người. Trong những hoàn cảnh này, không nên quá ngạc nhiên nếu sự vắng mặt của Giáo Hội đã gây cho người ta cái cảm giác trống rỗng. Trong hậu bán thế kỷ, lúc khởi đầu rạng đông cuộc biến chuyển hữu ích, một phong trào sắp trải qua những căm giận và kinh hoàng tột độ, không ai có cảm giác rằng Giáo Hội đứng về phía những người bị đàn áp. Sự liên kết ngược đời giữa các đối thủ công khai của tôn giáo với phái Josephisme và fébronien, được thành công là nhờ sự yếu kém tột độ của giáo quyền. Giáo Hội không có một tư tưởng vững chắc, không đủ nhiệt huyết và nghị lực để thu nạp các sáng kiến riêng tư. Tê liệt vì chế độ gia đình trị và tổ chức văn phòng rắc rối, giáo quyền không thể cải tổ theo những đòi hỏi của hoàn cảnh chung quanh. Chính trị của giáo quyền ít bận tâm về những khoản luân lý tôn giáo hơn về những nhận định pháp luật và ngoại giao, là những cái mang lại kết quả tạm thời. Âu châu bị lôi cuốn về hoài nghi do sự biến chuyển tư tưởng, khảo sát và kinh nghiệm, và Giáo Hội xem ra là một chướng ngại vật. Người ta không thấy một chương trình mới để thực hiện bổn phận hữu ích cho thế hệ này, như công đồng Trente đã tìm thấy cho thời trước.
Một thiếu sót khác có những hậu quả tai hại: trong những bậc vị vọng của Giáo Hội, quá ít vị hiểu được rằng những nguyên nhân đầu tiên của cuộc cách mạng sắp tới không thuộc lãnh vực giáo sĩ hay tôn giáo, nhưng thuộc lãnh vực xã hội và kinh tế. Bị mù quáng trước nhận định nền tảng này, Giáo Hội sắp bị lôi cuốn vào việc bào chữa những cơ cấu chính trị và xã hội đang suy sụp. Trong một thời gian dài, Giáo Hội giữ thái độ yên lặng, dường như chỉ thương hại những nạn nhân của một trong các phe phái. Ðiều người ta thường không lưu ý, là vì quá theo hệ thống phán đoán những hoàn cảnh hiện thời theo các biến cố xa xưa. Thật vậy, đồng hóa Giáo Hội và tôn giáo với những thể chế của chế độ cũ là kết quả cuối cùng của cuộc tranh luận gay gắt giữa Giáo Hội và Quốc gia. Sự chiến thắng của quốc gia là dành đoạt một uy quyền hầu như hoàn toàn trên Giáo Hội. Ngay cả giáo hoàng lớn nhất thế kỷ XVIII, đức Benoit XIV cũng không thể tránh hậu quả này. Với những gì liên can tới Pháp, đặc biệt là quê quán của cuộc cách mạng, điều đó mang lại chiến thắng cho Pháp giáo. Thay vì gây thuận lợi cho Giáo Hội, Pháp giáo đã trở nên một khí cụ đàn áp. Fénelon đã tiên báo rằng ”tự do của Pháp giáo là các gò bó” (3). Không gì làm suy yếu lập trường của Giáo Hội Pháp bằng sự lệ thuộc vào một hệ thống chính trị và xã hội suy đồi. Một sử gia Pháp đã lưu ý rằng các linh mục bị ghét bỏ và khinh khi về cuối thế kỷ XVIII, không phải vì lý do tín lý mà họ giảng dạy, nhưng vì họ nâng đỡ, thường miễn cưỡng, một hệ thống ghê tởm (4). Có lẽ người ta quá dễ quên rằng ”điều ô nhục” phải loại trừ không phải là Giáo Hội Roma, nhưng là Giáo Hội Pháp. Ðó chính là lý do tại sao mà nhược điểm trầm trọng nhất của Roma trong hậu bán thế kỷ là nhượng bộ những yêu sách của nhà Bourbons liên quan tới dòng Tên. Câu nói bộc trực (non possumus: chúng tôi không thể) mà Giáo Hội đem đối lập với toàn bộ cách mạng, chỉ là cách nối dài dòng định mệnh. Cách hành động của các ông hoàng Bourbons không nói lên những hy sinh lớn lao Giáo Hội phải chịu vì họ, mà chỉ làm hại cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội.
Vậy câu truyện mà lịch sử truyền tụng về quyền giáo hoàng vào thế kỷ XVIII là một câu truyện rất đáng buồn. Còn một lưu ý cuối cùng nữa: những nguyên tắc vương giáo lẫn lộn của các ông hoàng công giáo đã là nguyên do chính để chọn những người tầm thường; và ngược lại tính cách tầm thường ấy đã gây thuận lợi cho sự tiến triển của chế độ vương giáo lẫn lộn và những tai hại kèm theo, vì người ta chủ tâm như vậy. Trong một giao ước hoàn toàn miễn cưỡng, giữa các phái Jansénisme, Quesnellisme, Épiscopalisme theo kiểu Van Espen, Fébronianisme và Joséphisme, nhất là Pháp giáo, đã hoàn toàn phá hại tầm quan trọng vật chất và luân lý của ngôi giáo hoàng mà theo nhận xét bên ngoài sẽ cáo chung vào cuối thế kỷ dưới những tấn công của Cách mạng.
IV. CÁC GIÁO TRIỂU.
Tám vị Giáo Hoàng kế tiếp nhau từ năm 1700 đến năm 1800, đều là người Ý, tất cả đều là con cháu quý tộc, trừ đức Clément XIV là con một bác sĩ, tất cả, nhiều hay ít, đều là hồng y tại Roma, khi được chọn làm giáo hoàng. Chỉ một mình đức Benoit XIV (1740-1758) là vị thứ năm trong chuỗi kế tiếp này, vượt mức tầm thường. Bảy vị khác, ngay cả 2 vị có nhiệm kỳ dài là đức Clément XI (1700-1721) và Pie VI (1775-1799) đều tỏ ra kém nhân cách, lệ thuộc chặt chẽ những người thân cận đầy đố kỵ, khó dung hạp và các ngài không để lại công trạng đặc biệt nào cho thời đại.
1. Ðức Clément XI (Gian Francesco Albani, từ ngày 23 tháng 11 năm 1700 đến 19 tháng ba, năm 1721), được chọn sau sáu tuần mật nghị. Sức cố gắng đã khởi sự, nhất là dưới thời đức Innocent XI (1676-1689) và đức Innocent XII (1691-1700), với sự kiên nhẫn, rất hiếm tới lúc đó, để cho có tình liên đới nội bộ, đời sống thiêng liêng và tiết độ trong giáo triều, đã dần dần ảnh hưởng trên hồng y đoàn. Do đó những người được gọi là ”nhiệt thành” (Zelanti), nghĩa là nhóm không thuộc đảng phái chính trị hay quốc gia, theo đuổi chiến dịch ”tiểu đội lưu động” thời xưa, âm thầm trở nên quan trọng, tuy họ không đạt được đa số 2/3 nhưng họ đã thắng vì thông đồng với nhóm người Pháp nào đó. Nhóm này nhận lệnh của vua Louis XIV chuẫn bị cho cuộc tranh luận sắp tới về việc thừa kế tại Tây Ban Nha, và xử dụng mọi cách để chọn một giáo hoàng nói tiếng Pháp, và hơn nữa phải là người dễ tính. Trong một thời gian dài, những người ”nhiệt tình” cố thủ địa vị của họ. Nhưng ngày 19 tháng 11, nguồn tin vua Tây Ban Nha Charles II băng hà thâm nhập mật nghị, lúc đó các hồng y đang nhóm họp lo sợ về một chiến tranh Âu châu sắp xẩy ra, mối lo này không phải là không có lý do. Các ngài miễn cưỡng cùng nhau gạt khó khăn, hầu như nhất loạt bầu cho đức hồng y Albani, 50 tuổi, thuộc gia đình quý phái, thông minh, hiếu sách vở và thuộc khuynh hướng Pháp. Ðó là một nhà ngoại giao mềm dẻo, dễ tiếp xúc, dễ mến, đạo đức, đời sống ngài không có gì đáng chê trách. Nhưng từ khi được làm hồng y ngài bị mang tiếng là người hay tính toán (cunctator), một người thường chờ thời, thiếu tự tin. Một hồng y Pháp, Ðức Melchior de Polignac, là đại sứ Pháp mấy năm tại Roma, đã dụng tâm sánh đức Albani với cây sậy lung lay trước gió.
Sinh trưởng trong một gia đình có nhiều liên lạc với giáo triều từ hai thế hệ, ngài được làm hồng y vào tuổi 40. Ngài chỉ nhận chức linh mục sau 10 năm và cử hành lễ mở tay hai ngày trước khi mật nghị bắt đầu. Sau khi được chọn, ngài mới nhận chức giám mục, ngày 30 tháng 11 năm 1700. Người ta nghĩ rằng ngài chỉ nhận chức linh mục để có thể trở nên giáo hoàng, nhưng trái lại, ngài đã từ khước nhiều lần khi được bầu. Ngài hiểu rõ chiếc mũ ba từng sẽ là triều thiên gai đối với ngài.
Ðức hồng y Albani tỏ ra nhân nhượng với phe người Pháp. Ngài càng ngày càng thân Pháp hơn, khi Charles II, ông hoàng cuối cùng của dòng Habsbourg Tây Ban Nha băng hà, và bởi đấy vấn đề thừa kế tại Tây Ban Nha được đặt ra. Ngài đồng ý rằng sản nghiệp thừa kế dành cho ông hoàng Pháp, không chia sẻ. Như thế, khi đã trở nên Clément XI, ngài công khai đứng về phe Louis XIV và nhìn nhận cháu nội của ông này, Philippe V là vua Tây Ban Nha. Ngài gởi cho ông một lá thư chúc mừng, do đó người ta thấy ngài rất phấn khởi. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh thừa kế tại Tây Ban Nha, bùng nổ vào năm 1702, theo những tin cấp báo của các đại sứ ở Roma, đặc biệt tại Venise, ngài đã không che dấu niềm vui của ngài trước mỗi chiến thắng của quân đội Pháp. Nhưng định mệnh xoay chiều, đặt ngài vào vị thế khó khăn, nhất là khi quân đội hoàng đế và Phổ tràn vào Ý.
Tất nhiên đức Clément XI trở nên thù địch của hoàng đế Léopold. Tất cả những huấn từ về hoà bình ngài viết cho hai quốc vương từ năm 1700 đều trở nên vô hiệu. Nhưng dường như ngài không nhận ra điều đó, ngài còn đi sâu hơn vào con đường nguy hiểm này: Trước những đòi hỏi của Louis XIV, với một sắc lệnh đặc biệt ngày 16 tháng 4 năm 1701, với một ngôn từ thống thiết và giận dữ, ngài long trọng tuyên bố không nhìn nhận vị cử tri dòng Brandebourg như vua nước Phổ, người đã nhận danh hiệu này từ tháng giêng năm ấy với sự chấp thuận của hoàng đế. Theo đuổi lập trường này, ngài lại gởi gấp một đặc sứ đến dự lễ tấn phong long trọng Philippe V thành Naples, và tặng ông này nhiều món quà quý.
Ít lâu sau, quân lực Pháp chiếm một vài thành của Ý. Eugène de Savoie, người chỉ huy quân đội hoàng đế xin phép được tự do đi qua các lãnh thổ của Giáo Hội để tới Naples, nhưng giáo hoàng đã từ chối. Tuy nhiên ngài không thể ngăn cản các đoàn quân Pháp, Áo đụng độ nhau, năm 1702, trên lãnh thổ của giáo hoàng, vì hoàng đế đã đương nhiên dùng các quyền đã được chấp thuận cho triều Bourbons.
Cái chết bất ngờ của Léopold I vào tháng 5 năm 1705 làm cho mối tương quan giữa giáo hoàng và hoàng đế trở nên khó khăn trầm trọng. Hoàng thượng rất khó chịu về những chống đối của đức Clément XI, nhưng là người đạo đức, tín đồ công giáo, ngài rất kính trọng đức thánh cha, không thể nghĩ tới một cuộc công kích trực tiếp. Trái lại, con của ngài và người kế vị là Joseph I không có chút e dè nào. Vị tân hoàng đế của triều đại Habsbourg này đầy kiêu hãnh, nghi ngờ trong phạm vi đức tin. Ông chống đối dòng Tên, ông chủ trương vương giáo lẫn lộn, sẵn sàng chấp thuận cho các giáo phái những quyền lợi như nhau. Ông thân với Luther và Calvin. Tóm lại, ông không phải là một người con gương mẫu và trung thành với Giáo Hội, theo gương các bậc tiên vương của triều Joseph. Ông bắt đầu cắt đứt liên lạc ngoại giao với giáo triều.
Hầu như ngay sau đó ngôi sao Pháp bắt đầu lu mờ. Thế là Clément XI, người bất định, hoàn toàn mất thế đứng. Một loạt hành vi mâu thuẫn, những toan tính quá muộn về lập trường trung lập, tỏ ra ngài không có đường lối chính trị liên tục và ngài bị những người thân cận chia rẽ nhau giật dây.
Tháng 9 năm 1706 ông hoàng Eugène de Savoie hoàn tất cuộc săn đuổi người Pháp khỏi toàn cõi đất Ý. Ðồng thời ông hoàng thừa kế Áo, em của hoàng đế, đã lên ngôi tại Madrid với danh hiệu Charles III. Tình thế hoàn toàn bị đảo lộn và đức giáo hoàng bị rơi vào cạm bẩy. Những đạo quân của ông hoàng Eugène và các toán quân trợ lực của Phổ, đa số là người theo Luther, tràn qua các quốc gia thuộc Giáo Hội và tha hồ cướp bóc. Những phản kháng của đức Clément XI trở nên vô hiệu lực. Mùa Xuân năm 1707 vị chỉ huy quân lực hoàng đế hoàn tất cuộc chinh phục nước Ý bằng việc chiếm thành Milan và Naples.
Tháng 5 năm 1707, một phần quân đội của Eugène đóng trại trước Roma, có lẽ để áp lực giáo hoàng nhượng bộ. Ông đã nhân danh hoàng đế, phổ biến khắp nước Ý một tài liệu khẳng định rằng thế quyền tối cao của giáo hoàng nguy hại cho Giáo Hội và tôn giáo. Ðồng thời, hoàng đế Joseph I đưa ra mọi lý lẽ cưỡng ép Tòa Thánh nhìn nhận quyền bính của mình trên khắp nước Ý. Trong giới thân cận giáo hoàng, không thiếu những người cuồng tín thúc đẩy đức Clément XI rút phép thông công chính hoàng đế. Nhưng ngài tự giới hạn, chỉ rút phép thông công một cách phổ quát tất cả những người tham dự vụ ám sát quân sự. Eugène không hề quan tâm đến điều đó và bắt đầu ép buộc những kiều dân ngụ tại quốc gia thuộc đức giáo hoàng phải đóng thuế nặng nề, kể cả những người trong các nhà xứ và các dòng tu. Hơn nữa, ông ban phép cho các tuyên úy quân đội thuộc phái Luther cử hành nghi thức phụng vụ trong lãnh thổ giáo hoàng, cho các quân nhân ”lạc giáo”. Do đó, ông đích danh bị rút phép thông công. Ông trả lời lại bằng cuộc tịch thu những tài sản của nhà thờ và các dòng tu tại Naples và Milan. Ðược một vài hồng y khuyến khích, đức Clément XI bỏ qua mọi can gián của nhiều người, đã tuyên chiến với hoàng đế tháng 10 năm 1708. Việc này hoàn toàn vô ích, lại có thể gây cho Roma nhiều thảm họa, vì giáo hoàng không có đạo quân tinh nhuệ nào và không thể mong đợi người Pháp giúp đỡ, vì chính Pháp đang ở trong thế yếu. Khi quân đội hoàng đế quyết định tiến vào Roma, mọi xáo trộn đổ trên dân chúng và khắp nơi người ta xin giáo hoàng rút lại lời tuyên chiến.
Tháng giêng năm 1709 hoàng đế gởi tối hậu thư cho đức Clément XI: Ông sẽ ra lệnh cho quân đội chiếm Roma, nếu Tòa Thánh không nhận Charles làm vua Tây Ban Nha và làm lãnh chúa các phần đất phụ thuộc Ý. Cuối cùng giáo hoàng phải nhượng bộ. Người ta nộp khí giới, nhưng sự chiếm cứ vẫn tiếp tục. Hòa bình thực sự được ký kết vào tháng 10 năm 1709 khi đức Clément XI miễn cưỡng nhìn nhận Charles III trong một công nghị, như vậy phản lại Philippe V, người mà trước đây giáo hoàng đã long trọng tuyên bố là người kế vị hợp pháp. Như thế chấm dứt cuộc chiến tranh cuối cùng giữa giáo hoàng và hoàng đế bằng một sỉ nhục nặng nề cho Toà Thánh. Nhưng chẳng bao lâu một sỉ nhục khác lại tiếp theo, khi Philippe V cố thủ Tây Ban Nha và kiên trì chống đối Tòa Thánh, chẳng hạn bằng cách không trả lại cho Roma các nhà thờ và các dòng tu tại Tây Ban Nha.
Nhìn những thất bại chính trị này của Tòa thánh người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy những thế lực thương lượng hòa bình tại Utrecht năm 1713 và tại Rastatt en Bade năm 1715 đã từ khước một đại diện của Tòa Thánh tại đây, và nhân viên của Tòa Thánh chỉ có thể thảo luận không chính thức với các nhà ngoại giao đang hội họp. Giáo hoàng lên tiếng phản đối nhiều lần: phản đối Pháp đã nhìn nhận việc thừa kế tin lành tại Anh quốc để loại trừ những người công giáo thuộc dòng Stuart; phản đối sự nhìn nhận danh hiệu ông hoàng nước Phổ, phản đối Áo quốc đã nhượng phần đất lớn nhất của vùng Haute-Gueldre cho hai thế lực tin lành, mà không bảo đảm rõ rệt rằng công giáo trong những nơi này sẽ là quốc giáo. Một lần nữa, tất cả những chống đối này đều bị bác bỏ.
Trong tương quan với nước Ý, những hòa ước trên cũng gây nên nhiều hậu quả tai hại. Hậu quả nặng nề nhất liên quan tới Sicile. Trong khi Naples và Sardaigne thuộc về Áo, Sicile thuộc về Victor Amédée de Savoie. Như thế là khinh miệt vương quyền của giáo hoàng đối với Sardaigne và Sicile. Hơn nữa, ngay sau đó lại phát sinh cuộc tranh chấp với quận công Savoie, tranh chấp đầu tiên của một chuỗi vô tận trong ba thế kỷ kình địch giữa Tòa Thánh và gia đình này, trước là gia đình quận công sau là hoàng tộc. Không một hoàng tộc nào đã cứng đầu và trắng trợn đòi thẩm quyền tối thượng trên các công việc của Giáo Hội đối với các lãnh thổ của mình, bằng nhà Savoie. Mối bất hòa của nhà này, với các giáo hoàng vào đầu thế kỷ XVII chỉ chấm dứt với hiệp ước Latran năm 1929. Cuộc tranh chấp chúng ta nêu lên ở đây phát xuất ngay sau hòa ước Utrecht. Ông lãnh chúa Victor Amédée yêu sách đặc ân gọi là ”Quân chủ đảo Sicile”, quyền tối thượng trên lãnh vực tôn giáo và Giáo Hội, quyền này đã được Tòa Thánh chấp thuận năm 1098, cho Roger I đảo Sicile, và loại trừ tất cả sự can thiệp của giáo hoàng trong các công việc thuộc Giáo Hội tại lãnh thổ của ông. Về đòi hỏi của lãnh chúa mới này, đức Clément XI trả lời bằng cách tung ra những cấm chế. Không gì thay đổi. Sau đó đảo này được trao đổi lấy vùng Sardaigne, làm cho vua Charles VI của Áo thất vọng, ông phải từ bỏ phần nào những yêu sách của ông. Chỉ lúc đó lệnh cấm chế mới được hủy bỏ.
Những thử thách do chiến tranh liên tục tại Tây Ban Nha chưa chấm dứt thì đột nhiên Tòa Thánh lại bị đe dọa bởi mối nguy Thổ Nhĩ Kỳ. Thật vậy, năm 1714 hoàng đế Thổ tuyên chiến với cộng hòa Venise. Hồi giáo hình như đe dọa thế giới Âu châu một lần nữa. Ðức Clément XI cố gắng yêu cầu các lãnh chúa công giáo liên kết lại để chống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vô ích. Pháp theo truyền thống của mấy thế kỷ trước, ủng hộ hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đầu còn kín đáo, đến sau thì công khai. Nhưng hoàng đế, lúc đó là Charles VI, thỏa hiệp với Venise. Eugène de Savoie chỉ huy quân đội của hoàng đế, từng đợt, đẩy lui kẻ thù truyền kiếp của công giáo, từ tháng 8 năm 1716 đến tháng 8 năm 1717, và sau cùng đã hoàn toàn chiến thắng. Ðể thưởng công vị tướng quân này, người đã bị rút phép thông công mấy năm trước đây, đức Clément XI đã tuyên dương công trạng cho ông, trao cho ông chiếc mũ và chiếc gươm do ngài làm phép dịp lễ Giáng sinh.
Trước những biến cố này, nước Ý một lần nữa trở nên chiến địa. Ít lâu sau hòa ước Utrecht và Rastatt tại Bade, Tây Ban Nha chủ trương chinh phục lại những lãnh thổ đã nhượng cho Áo. Philippe V là một người thiếu tư cách, nhưng cưới được một người vợ đầy tham vọng, mưu lược, tên là Elisabeth Farnèse. Bà cưng chiều một người bất xứng tên là Alberoni, là người này đã được đức Clément XI thăng chức hồng y năm 1917, dưới áp lực của Tây Ban Nha. Hai người này cùng nhau thúc đẩy nhà vua gây chiến chống lại hoàng đế. Nước Pháp, nước Anh, các Liên Tỉnh đồng thanh vững chí giữ hòa bình Âu Châu, đã ký kết một hoà ước Bộ Ba, điều đó không ngăn nổi Tây Ban Nha khởi chiến vào năm 1717 và liên tiếp chinh phục các đảo Sardaigne và Sicile. Ðức giáo hoàng cố gắng can ngăn vua Tây Ban Nha xâm chiếm Ý và đe dọa phạt vạ tuyệt thông, nhưng vô ích. Alberoni người thiếu lương tâm, trả đũa bằng cách đe dọa chiếm cả đất của Tòa Thánh nếu bị phạt vạ này. Nước Anh can thiệp kịp thời, năm 1719, hạm đội Anh phá hủy hầu như hoàn toàn hạm đội Tây Ban Nha. Chính điều này đã bắt buộc Tây Ban Nha ngừng gây hấn. Tháng 12 năm 1719 Alberoni bị lật đổ, và tháng giêng năm 1720 Tây Ban Nha bị bắt buộc ký hòa ước La Haye và trả lại tất cả những phần đất đã chiếm tại Ý.
Nếu mối tương giao của đức Clément XI với chính trị Âu châu thâu tóm trong một chuỗi dài sỉ nhục và phản kháng vô hiệu lực, thì về phương diện tôn giáo, triều đại của Ngài đầy những khó khăn và thất vọng. Ðó là những tranh chấp với Pháp giáo và Giáo Hội Hòa Lan về những chủ trương tín lý và Giáo Hội học của phái Jansénisme. Ðó là ”trường hợp lương tâm” thời danh năm 1702 và những năm kế tiếp. Sắc chỉ Vineam Domini năm 1705, sắc chỉ Unigenitus ngày 8 tháng 9 năm 1713 đặc biệt chống lại phái Quesnellisme. Vụ kiện vị đại diện tông tòa Hòa Lan là Pierre Codde đình lại ngày 13 tháng 5 năm 1702, sau đó ông bị giải nhiệm hoàn toàn. Rồi từng chuỗi những rối loạn và những tranh chấp mới nối tiếp nhau. Chúng ta sẽ bàn tới sau này về những biến cố thê thảm cũng như những chống đối kịch liệt giữa dòng Tên và những vị truyền giáo thuộc các dòng khác, nhất là Ðaminh và Phanxicô, về cách các cha dòng Tên thích nghi với những nghi lễ địa phương tại Trung quốc và tại Malabar.
2. Ðức Innôcentê XIII (Michelangelo dei Conti, từ ngày 8 tháng 5 năm 1721 đến ngày 7 tháng 3 năm 1724) Mật nghị bầu đức giáo hoàng này là mật nghị đầu tiên mà các quốc gia dòng Bourbons tại Pháp và tại Tây Ban Nha đã hợp nhau chống lại hoàng đế. Nhóm Nhiệt Thành (Zelanti) ít đại diện tại mật nghị này. Ðức hồng y Paolucci, cựu tổng bí thư của đức Clément XI và thân với Pháp, bị loại do quyền phủ định của hoàng đế. Không có sự phủ định này chắc chắn ngài đã được chọn. Những cuộc thảo luận kéo dài 5 tuần. Những người thuộc dòng Bourbons hoạt động bằng mọi cách, gồm cả hối lộ. Do đó họ đạt kết quả trong cuộc bầu cho đức hồng y Conti, thuộc gia đình công tước Roma, 66 tuổi. Ngài là người hiền hòa, ít hoạt động, ít gay gắt. Trong triều đại dài gần 3 năm, ngài chỉ được mấy ngày khoẻ mạnh. Trước khi ngài được bầu, triều đình Pháp đã xin rút lại sắc luật Unigenitus. Chính ngài cũng nhận định rằng sắc luật này bất lợi ngay từ khi công bố. Hy vọng này thành công. Trong suốt triều đại, ngài bị ảnh hưởng Pháp chi phối, vì thế khi người ta xin một vị nhiếp chính, ngài đã bổ nhiệm ngay bộ trưởng Dubois làm hồng y, là người thuộc Pháp giáo. Ðức giáo hoàng về phe chống lại dòng Tên, ít ra ngài cấm họ không được nhận tu sinh. Nhưng hy vọng mà những người thuộc phái Jansénisme tại Pháp và Hòa Lan, đặt nơi Ngài, không thực hiện được. Sắc luật không bị hủy bỏ.
3. Ðức Benoit XIII (Pietro Francesco Orsini từ ngày 29 tháng 5 năm 1724 tới ngày 21 tháng 2 năm 1730). Ðức giáo hoàng này 65 tuổi lúc lên ngôi, được bàu trong một mật nghị kéo dài hơn 2 tháng. Sự lựa chọn này có vẻ là một giải pháp thất vọng. Ðây là lần cuối cùng mà ảnh hưởng của hoàng đế thắng thế. Trong con người của hồng y Alvaro Cienfuego, đại sứ thường trực của hoàng đế tại Roma, Charles VI đã gặp được một con người quán xuyến có kinh nghiệm ngoại giao không ai bằng, có lương tâm rộng. Nhờ có lương tâm rộng mà ông giúp Maximilien Von Kaunitz, đại sứ đặc biệt của hoàng đế, đột nhập vào mật nghị (5) để công khai lặp lại quyền phủ quyết của hoàng đế chống lại hồng y Paolucci. Ðây là hồng y mà phái hoàng đế và phái Bourbons công nhận là thuộc nhóm Nhiệt thành, chứ không thuộc phe phái chính trị nào cả. Sinh tại một gia đình quý phái, từ nhỏ đã vào dòng Ðaminh, đó là một gương mẫu khổ tu. Ngài đạo đức, nhưng ít thạo việc đời. Ngài chú ý đặc biệt tới chức vụ linh mục, tự hạn chế trong phạm vi đạo đức của giáo phận ngài và những giáo phận chung quanh. Ngài nêu gương mở công đồng giáo phận để nghiên cứu những nhu cầu thiêng liêng và thực thi những sắc luật của công đồng Trente lúc đó rất ít được thực hành tại Ý. Ðặc biệt ngài thúc đẩy các giám mục Ý lưu tâm đến việc mở các chủng viện giáo phận.
Một loạt phong thánh chứng tỏ tầm quan trọng của Ngài hướng về đời sống đạo đức, nhưng ngài cũng thích những nhân vật có lòng đạo đức khắc khổ. Phần mở đầu của kinh thần vụ thánh Grégoire VII cũng cùng một chiều hướng này và biểu lộ ngài thiếu trực giác về chính trị, hoặc có lẽ chỉ thiếu tâm lý thôi. Ðức Benoit XIV tương lai viết cho bạn tri âm của ngài là hồng y Tencin như sau: Ðức Benoit XIII ”không hề nghĩ đến việc cai trị”. Nhận định này có lẽ phải hiểu đó là một người thiếu sáng suốt, quá tin vào các cố vấn thường xuyên lừa đảo. Người xấu nhất trong đám cố vấn này là Niccolo Coscia người thành Naples, ”khách hàng” của Orsini. Ông này là người bất xứng, được nâng lên làm hồng y năm 1725. Chỉ trong vòng mấy năm của triều đại này, với những phương tiện mờ ám, ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ và biến hoàng triều trong giai đoạn từ năm 1725 đến năm 1730, thành một trung tâm hối lộ và buôn thần bán thánh. Cứng đầu như một ông già hẹp hòi, giáo hoàng không nghe những lời cảnh cáo tới từ tứ phía. Coscia, đối tượng của mối căm hờn độc địa của dân Roma bị áp chế và bị phạt vạ trắng trợn, suýt chết vì cuộc hành hình của tập thể dân chúng, sau cái chết của đức Benoit XIII. Ðược che chở với một giấy phép riêng, ông đã có thể dự mật nghị. Mật nghị này chấm dứt ông phải đi ẩn trốn. Nhưng năm 1732 ông bị bắt và bị dẫn tới tòa án đặc biệt, tòa này đã kết án ông 10 năm tù giam tại lâu đài Saint-Ange. Ðức Clément XII rút chức hồng y của ông. Sau này ông được hồi chức vì người ta thấy ông dự mật nghị năm 1740. Sau đó ông được đức Benoit XIV ân xá khi ngài vừa được chọn làm giáo hoàng. Ông còn sống được 15 năm nữa tại Naples và chết tại đây năm 1755, sau khi ”đã chất chứa đầy vàng và đầy khinh miệt của dân chúng”, như lời nhận định của giáo hoàng tương lai là đức Clément XIV. Chính vì sự thối nát và ô nhục này mà lịch sử giáo triều thế kỷ XVIII, dưới triều đại Benoit XIII, xuống tận đáy sa đọa!
4. Ðức Clêmentê XII (Lorenzo Corsini, từ ngày 12 tháng 4 năm 1730 tới ngày 16 tháng 2 năm 1740). 78 tuổi, hầu như lòa. Ông già vùng Florence này đã được chọn do một mật nghị kéo dài 4 tháng và trong mật nghị này người ta thấy những dấu hiệu tham nhũng đồi tệ nhất. Trách nhiệm đầu tiên được gán cho nhà Médicis, người chủ trương chiều ý đức giáo hoàng trong viễn tượng phức tạp chính trị tại đất công tước Parme, Plaisance và Toscane, là những lãnh thổ, theo nguyên tắc, thuộc về giáo hoàng. Qua trung gian của các nhân viên ngân hàng tại La Haye, tại Luân Ðôn và tại Paris, những người dòng họ Medecis tìm cách mua phiếu cho đức hồng y Corsini, người thành Florence, ham lộng lẫy. Người ta có thể viết về ngài rằng: ngài thích những vấn đề kinh tài hơn là những vấn đề về Giáo Hội (6), ngược lại với vị tiên nhiệm, con người khắc khổ.
Giáo triều của ngài thật vô nghĩa vì hai lý do: trước hết, trong những năm đầu, Tòa Thánh và các quốc gia thuộc Giáo Hội còn đang bị vướng với những chiến tranh xẩy ra trong lãnh thổ Ý, giữa Áo và Tây Ban Nha. Ðức giáo hoàng chịu bó tay trước quân lực của hai bên tha hồ cướp bóc khi họ vượt qua các quốc gia của ngài. Sau đó, đức giáo hoàng già yếu, trở nên mù hoàn toàn năm 1732 và mất trí nhớ vào năm 1736, rất ít khi rời khỏi giường từ năm 1738. Tệ hại nhất là ngài không nắm vững được phần lớn những thông điệp viết nhân danh ngài. Trong những điều kiện này không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện tỏ tường những tật xấu của một chính quyền thực thi bởi những người được yêu chiều; đàng khác, giáo triều không làm được gì quan trọng cho Giáo Hội.
5. Ðức Benoit XIV (Prospero Lambertini, từ ngày 17 tháng 8 năm 1740 đến ngày 3 tháng 5 năm 1758). Do một mật nghị lâu dài nhất trong những thế kỷ cuối này, lâu đến 6 tháng và chấm dứt bằng một giải pháp thất vọng, đã phát xuất một vị giáo hoàng quan trọng nhất của thế kỷ, và lớn nhất giữa triều Sixte Quint và Léon XIII. Ngài được bầu nhất loạt trừ phiếu của ngài, trong cơn thất vọng. Ðiều làm cho cuộc bỏ phiếu khó khăn như vậy chính là do sự thiếu đoàn kết trong khối Bourbons, đến nỗi đức hồng y Aldobrandini do người Pháp đề cử, không thể đạt đa số 2/3 để thắng. Người được chọn đã là hồng y năm 1728 sau một thời chói sáng phục vụ tại giáo triều, rồi năm 1730 tổng giám mục thành Bologne nơi ngài đã sanh ra năm 1675, từ một gia đình quý phái. Ðó là một nhà thông thái, nhiều tài năng, nổi danh tới nay về sử học và giáo luật. Kiến thức sâu rộng, thí dụ về các vụ phong thánh và chân phước, hay về các công đồng giáo phận. Thông thạo luật pháp, đặc biệt luật hôn phối. Trọng sắc Matrimonia ngày 4 tháng 11 năm 1741 thường được trích dẫn dưới nhan đề Declaratio Benedictina, một phần còn hiện hành. Sắc dụ này đã và còn đang xác định một phần những trường hợp đã được đặt ra trong các xứ có dân chúng pha trộn tôn giáo, đặc biệt trong những nơi Giáo Hội tách biệt với chính quyền quốc gia. Sắc dụ đó cho thấy rằng đức giáo hoàng này hiểu biết vấn đề và có tinh thần sáng suốt, cởi mở. Thật vậy, nguyên tắc này sau cùng đem lại trật tự và chính xác mà các xứ này đã mong đợi từ một thế kỷ rưỡi nay. Ðó là trường hợp của Liên Tỉnh, nơi rất ít công giáo, hầu chỉ đạt 40% tổng số dân chúng. Ðó cũng là trường hợp các xứ miền Scandinave, Anh quốc, và những thuộc địa bắc Mỹ của xứ này, nước Phổ và nhiều xứ tại Ðức. Cũng như trong các lãnh vực khác, điều gây cản trở lâu ngày không thích ứng được Pháp luật, đó là sự ngoan cố của giáo triều Roma đã từ khước chấp nhận sự kiện đã hoàn tất về chiến thắng địa phương của phong trào ”cải đổi”, và duy trì thái độ đối kháng cố hữu. Sau cùng đức Benoit XIV phải bỏ luật phạt và nhìn nhận khả năng của các chính quyền dân sự. Ðó là đường hướng chính yếu của giáo triều, tự nguyện bỏ chính sách cứng rắn ”non possumus” (chúng tôi không thể), mở mắt nhìn thực tại, nhận những hoàn cảnh tạo ra do phái canh tân ở thế kỷ XVI.
Cách xử sự này đã được bộc lộ trong một dịp ít quan trọng, nhưng giầu ý nghĩa, là khi giáo hoàng chính thức nhìn nhận vua Phổ. Có rất nhiều chống đối do những bậc tiền nhiệm không thông hiểu hoàn cảnh của những người công giáo trong lãnh thổ Phổ, tức là những nơi người ta gọi là ”xứ truyền giáo phía bắc”, thì lại có rất nhiều thái độ giải hòa của đức Benoit XIV, người sắp liên lạc trực tiếp với Frédéric Le Grand, và chinh phục tình thân hữu với ông hoàng này, đã cải tiến tình thế. Thái độ ấy đã đặc biệt giảm bớt những khó khăn cho những người công giáo vùng Silésie, phụ thuộc Phổ. Những vụng về của các giám mục, nhất là của đức hồng y Zinzendorff, tổng giám mục Breslau, đã có lúc làm cho các ngài thất thế.
Cải tiến tương giao giữa Tòa Thánh và các thế lực Âu châu, là mục đích mà đức giáo hoàng không bao giờ rời bỏ. Nhiều nhân cách hơn các vị tiên nhiệm cũng như các vị tiếp nhiệm, Ngài làm cho người ta lưu ý đến vấn đề chính trị đối ngoại. Ngược lại với giáo triều bị giam hãm trong những truyền thống và níu bám vào những vấn đề đặc ân, thường bị cảm tình chi phối, ngài theo đuổi một khuynh hướng bất biến, điều khiển với ý chí sắt đá, phục vụ lợi ích Giáo Hội và đạo giáo, nếu cần Ngài có thể hy sinh đến chỗ không thể hiểu được. Chính vì vậy ngài trở nên giáo hoàng của các thỏa hiệp và theo kiểu nói của Pastor - người biết chèo lái con thuyền thánh Phêrô - giữa Scylla thuộc Pháp giáo và các đòi hỏi khác của các Giáo Hội quốc gia và La Charybde thuộc các tiên kiến phản tôn giáo của phong trào ”Ánh sáng”. Kết quả đầu tiên là thỏa hiệp với vương quốc Sardaigne, ký kết năm 1741 mà ngài đã chuẩn bị bằng thư từ với vua Emmanuel III de Savoie, tới lúc đó như chúng ta đã thấy, là người đòi hỏi nhất trong các tiểu vương Ý. Thực ra sự thỏa thuận không được lâu dài, do sự bất định của nhà Savoie chứ không phải tại giáo hoàng.
Ðức Benoit XIV phải vất vả nhiều để cải thiện mối tương giao với vương quốc Naples và Sicile, mối tương giao này thường căng thẳng, đôi khi có những chống đối ra mặt. Từ năm 1734 vương quốc này có vua là người con út trong dòng Bourbon tại Tây Ban Nha, ông này trị vì hơn 40 năm, đến năm 1776 việc triều chính do bộ trưởng Bernardo Tanucci một người kiêu căng tự phụ và hẹp hòi, chống giáo quyền một cách mù quáng, phản kháng bừa bãi vô tận. Ðức giáo hoàng đã tỏ ra kiên nhẫn, thận trọng và tương đối khôn ngoan đối với những chỉ thị của pháp luật mà giáo triều xét như không thể xâm phạm: chẳng hạn ngài chấp nhận giáo dân vào tòa án đạo. Nhờ đó đức giáo hoàng mãn nguyện và ký hòa ước năm 1741 với người láng giềng kiêu căng này, người luôn dựa trên những yêu sách ”một quân chủ chuyên chế tại Sicilie”.
Trong thời gian đầu của triều đại ngài, có nhiều khó khăn trong những tương giao giữa Roma và Tây Ban Nha. Nhà Bourbon tại Tây Ban Nha, từ Pháp, du nhập những nghi thức của Pháp giáo vào vương quốc họ mới chinh phục được. Trong thời gian dài, họ đã được giúp đỡ nhiều, nếu không thể nói là được điều khiển, bởi đức hồng y Alberoni đã nói đến trên đây, một đối thủ khôn khéo vô địch của Tòa Thánh. Họ cương quyết đòi hỏi quyền bảo trợ tuyệt đối trên các toà giám mục và trên các bổng lộc tại Tây Ban Nha và tại lãnh thổ rộng bao la bên kia đại dương. Ðối với những gì liên quan tới lãnh thổ này sự ”bảo hộ phổ quát” đã tồn tại từ những hòa ước ký kết với Alexandre VI (1492-1503) và với các vị kế tiếp ông thuộc thế kỷ XVI. Việc nhìn nhận ông trên lãnh thổ Tây Ban Nha được coi như một tổn thất lớn về tài chánh đối với Tòa Thánh, ấy là chưa kể đến mất ảnh hưởng cá nhân trên các hiệu tòa. Các lãnh chúa liên hệ phần lớn là những nhân vật vô danh, nhưng trong lãnh vực này, họ hoàn toàn nghe theo những cố vấn thuộc hàng giáo sĩ đầy thiên kiến chống lại Tòa Thánh. Ðó là những vị hồng y kế tiếp nhau như Molina và Acquaviva, rồi trong một thời gian dài, Le Fèvre, một linh mục dòng Tên, cha giải tội của Philippe V. Vua này chết năm 1746, con ông là Ferdinand VI lên kế vị, duy trì toàn bộ yêu sách của vua cha. Trong các việc thuộc giáo sĩ, ông theo sự hướng dẫn của luật sư Rafael Macanaz, một loại người quá sốt sắng theo thuyết Fébronianisme. Chính nhờ ông mà hòa ước được ký năm 1753 giữa đức Benoit XIV và Tây Ban Nha, đó là sự nhượng bộ của Tòa Thánh trước những yêu sách của triều đình Tây Ban Nha.
Chính vì hiệp ước này mà nhiều hồng y trách đức giáo hoàng, ngay khi ngài còn sống: ngay thời đầu của triều đại, ngài đã hiểu lầm họ, tố cáo họ lừa ngài, thường xử sự và quyết định mọi việc một mình, không lưu ý đến họ. Sau này nhiều sử gia thông cảm hơn đối với đức giáo hoàng về những nhượng bộ trong hòa ước ấy. Theo họ, hiển nhiên rằng những đòi hỏi của triều đình Tây Ban Nha có nền tảng buộc giáo hoàng phải miễn cưỡng chấp nhận. Và khi đức Benoit XIV buộc lòng nhìn nhận những quyền lợi triều đình Tây Ban Nha đòi hỏi, thì ít ra điều đó đã tạo được hòa bình, chấm dứt những tranh tụng án lệ từ 40 năm, tranh tụng này đã không để cho ngài một hy vọng nào. Như vậy, một cách gián tiếp điều đó có lợi cho tôn giáo.
Sự dàn xếp êm đẹp với Bồ Ðào Nha được thực hiện mau lẹ. Chính vì những tranh chấp về vấn đề bảo trợ, xứ này thường xuyên gây hấn với Roma, từ năm 1728, sau đó phần lớn các tòa giám mục không có hiệu tòa. Tại đây đức Benoit XIV xử sự rất mềm mỏng và sau khi lên ngôi ít lâu, ngài đã đạt được sự hòa hợp tốt đẹp. Lần này nữa, ngài phải vất vả hy sinh về tài chính cũng như tinh thần, có khi dùng đến cả những phương thức đáng nghi, như việc chấp thuận bổng lộc cho các con hoang của vua Gioan V (1706-1750), rồi năm 1748, cấp cho chính vua, người ham danh, danh hiệu ”vua trung tín nhất” (Rex fidelissimus).
Trong những việc làm của Tòa Thánh liên hệ tới đời sống nội bộ của Giáo Hội, chúng tôi đã lưu ý việc sửa đổi giáo luật. Bắt đầu bằng việc sửa đổi kinh thần vụ. Việc này gây nhiều bận tâm cho đức giáo hoàng. Ngài có nhiều khả năng về khoa học và có thể phê phán về những nguồn lịch sử. Như vậy ngài chủ trương thanh lọc tận gốc những bài đọc có tính cách lịch sử. Từ năm 1741, ngài thiết lập một ủy ban để lo việc này. Sau nhiều vất vả, ủy ban đã đệ lên một bản tường trình. Nhưng đức giáo hoàng cho rằng việc này ít kết quả, đến nỗi chính ngài phải lăn mình vào việc đúc kết. Nhưng ngài không đi được tới cùng.
Một cải đổi khác ít chuẩn bị và ít thận trọng hơn, là việc giảm bớt một số lễ nghi đã tăng dần theo dòng các thế kỷ và tại một vài quốc gia. Ðó là để đáp ứng nguyện vọng của các ông hoàng, các giám mục và đặc biệt của các bậc tiên phong trong việc canh tân phụng vụ.
Ðối với các loại sách cấm, đức Benoit XIV rất thận trọng và canh chừng tỉ mỉ, ngài đã ra những luật mới trong hiến chế năm 1753, ngài nhìn nhận và kính trọng tự do, để các văn sĩ tự nhiên bộc lộ tư tưởng. Vì vậy, có thể nói, ngài đã đi trước trong việc cải cách mà các thành viên của phong trào ”công giáo chiếu sáng” đòi hỏi. Họ dựa vào uy thế của ngài. Dưới đây sẽ bàn về thái độ của ngài trong sự biến chuyển theo chiều hướng ngược lại, đối với dòng Tên và địa vị của dòng tại các nơi nhà Bourbon cai trị, cũng như đối với các quyết định của ngài trong cuộc tranh chấp về các nghi thức. Cuộc tranh chấp này đã bùng lên mạnh mẽ hơn và thường ít xây dựng.
Trong suốt triều đại 18 năm, đức Benoit XIV, trong lời nói cũng như trong hành động, đã tỏ ra thông hiểu những nhu cầu của thời đại và quý chuộng những canh tân về Giáo Hội và xã hội. Ngài tiên đoán những thay đổi lớn sắp xẩy ra và nói về những bổn phận bắt buộc Giáo Hội phải thích ứng. Ngài thẳng thắn phân biệt thần quyền và thế quyền, luôn quả quyết rằng quyền thiêng liêng quan trọng hơn. Một vài nhân vật lớn trong giáo triều nghi ngờ ngài muốn loại trừ một số lớn các thế quyền này. Họ nghĩ rằng đã thấy dấu hiệu chứng tỏ điều đó trong khuynh hướng của đức giáo hoàng khi ngài muốn giảm bớt số binh sĩ giáo hoàng mà ngài nhìn nhận tỏ tường là bất lực. Những cố gắng này dĩ nhiên nằm trong ý hướng chung muốn xoa dịu những khó khăn kinh tế của xứ sở, và ăn khớp với điều ngài đã làm, để cải chính lối xét xử và dập tắt những lạm dụng xấu xa của chế độ tư hữu điền thổ lớn lao của các gia đình trưởng giả. Nhưng không kết quả vì bị phản dối cách hệ thống.
Sự bất lực về quân sự và chính trị cũng hiện ra dưới triều ngài. Ngài ở vào vị trí thật yếu kém. Vừa lên ngôi giáo hoàng, ngài có cảm giác như một ông hoàng trần thế trong hoàn cảnh mơ hồ của một xứ sở nhỏ bé, hoặc ngài tự nhủ với giọng khôi hài mà ngài sẽ không bao giờ quên: ”tử đạo vì trung lập” (Martyre de la neutralité). Hai tháng sau cuộc bàu cử đức Benoit XIV, hoàng đế Charles VI băng hà, báo hiệu nhiều biến cố quân sự mới trong bán đảo. Những đoàn quân Tây Ban Nha đổ bộ vào nước Ý, để chinh phục miền Lombardie là lãnh thổ thừa tự Áo quốc của bà hoàng mới, bà Marie Thérèse. Những đoàn quân của Naples, vương quốc thuộc về người con út của dòng Bourbon Tây Ban Nha từ 1734, tiến về phía Bắc qua các quốc gia của giáo hoàng, để liên kết với người Tây Ban Nha. Những phản kháng của Tòa thánh bị bác bỏ không một lời giải thích. Mấy năm sau, đến lượt những đoàn quân Áo chuẩn bị khôi phục Naples, các quốc gia giáo hoàng lại chịu thêm bao thống khổ thê thảm khác. Khi quân Áo, Tây Ban Nha và Naples đi qua đó, tạo nên những cảnh tranh chấp, cướp bóc, hà hiếp dân lành. Chỉ nhờ hòa ước ký tại Aix-la-Chapelle vào tháng 10 năm 1748 mới chấm dứt những thử thách này.
Chắc chắn thái độ hiếu hòa của đức Benoit XIV trước những đòi hỏi của các vương quốc công giáo và tin lành, đã cải tiến bầu khí của Giáo Hội và tôn giáo. Ngài chỉ trích dòng Tên và làm cho một vài người lo ngại khi ngài nói lời sau đây với cha Centurioni, bề trên cả dòng Tên, với dọng điệu khôi hài riêng của Ngài: “Tôi tin tưởng sẽ có một người kế vị tôi, nhưng chắc chắn không phải là ngài”. Tính cách hiện thực và giọng điệu chế diễu hơi quá đáng này thường bị cắt nghĩa sai trong môi trường Giáo Hội. Trong giáo triều, người ta không ngần ngại chỉ trích nhà thông thái đã trở nên giáo hoàng này, trước mắt một số người, ngai tòa Phêrô không phải chỗ của ngài, magnus in folio sed parvus in solio, ngài là một văn sĩ lớn nhưng là một nhà cai trị tầm thường (7).
Ngoài Giáo Hội, ngài được mọi người yêu chuộng, vì ngài chú ý nhiều về khoa học. Nhiều nhà kinh nghiệm khoa học tôn giáo thấy được ủi an và nâng đỡ vì đức giáo hoàng hầu như không bao giờ hoài nghi về sự tự do tìm kiếm và chứng nghiệm. Ngài luôn lưu ý rõ ràng đến sự khác biệt giữa tín điều và các lý thuyết của các trường phái. Phải lưu ý rằng ngài hiểu tinh thần thời đại, và dành ưu tiên đặc biệt về nghiên cứu khoa học tự nhiên (vạn vật học), là môn học tới lúc này vẫn bị khinh miệt nặng nề trong các trường công giáo. Tại đại học viện giáo hoàng người ta lập ra những giảng khoa mới, kèm theo những viện thí nghiệm vật lý và hóa học. Ngài lập nên những hàn lâm viện khảo cổ học, giải phẫu học, lịch sử phụng vụ, lịch sử nghệ thuật. Ngoài ra theo sở thích riêng, ngài nâng cao giá trị thư viện Vatican và nhất là thu tập dồi dào các sách chép tay rất được quý chuộng trong giới bác học. Chính nhờ nhiệt tâm của ngài mà bảng sách cấm được duyệt lại. Công việc này do ủy ban ngài đã lập ra chỉ đạt được với đấng kế vị ngài là đức Clément XIII, người có tinh thần cách mạng. Vị này xét lại tỉ mỉ những cấm đoán hiện hành, và chấm rứt cấm đoán còn đè nặng trên những tác phẩm của Copernic, Galilée (1759) và những tác phẩm khác.
Người ta không lấy làm lạ khi thấy vị giáo hoàng này qúy chuộng những người thực thi khoa học và nghệ thuật. Hiện tượng này sẽ được lặp lại một thế kỷ rưỡi sau này, dưới thời Léon XIII. Ngài đã tạo được ưu thế cho Giáo Hội và giáo hoàng đối với thế giới, và đã tỏ ra là một vị chúa chiên cao cả có óc rộng rãi đối với nhân loại, và lấy lại được tín nhiệm trước những nghi ngờ. Montesquieu gọi đức Benoit XIV là ”giáo hoàng của các nhà thông thái”. Rất nhiều tác phẩm của các nhà thông thái công giáo hay không công giáo đã đề tặng ngài. Sự đề tặng của Voltaire trong tác phẩm Mahomet từ năm 1740, sau này thường được cắt nghĩa như một nhạo báng. Chắc chắn rằng ai nghĩ về ”Triết gia Ferney” và nhất là về cuốn ”Ðè bẹp ô nhục” của ông, sẽ ngạc nhiên khi thấy Voltaire viết cho đức giáo hoàng: ”Tôi bắt buộc nhìn nhận quyền vô ngộ của đức thánh cha trong những quyết định văn chương cũng như trong những điều khác đáng kính trọng hơn”. Nhưng người ta có thể lầm khi giải thích quá khứ với điều xẩy tới về sau. Trong trường hợp này người ta không thể loại trừ giả thuyết mà ngay cả một kẻ hữu thần vô sỉ như Voltaire cũng đã nghiêng chiều trong năm 1740, chờ đợi điều lợi lớn cho nhân loại nơi một giáo hoàng có tư tưởng quá rộng như thế. Những tiếng nói của bao người không công giáo càng xác tín hơn. Những người này, xúc động trước cái tin đức Benoit XIV qua đời, đã tán tụng những đức tính của Ngài về tinh thần cũng như về tâm hồn, đặc biệt là ngài chấp nhận tinh thần cởi mở. Frédéric Le Grand là một trong số những người này.
Những sử gia cũng nhận định về ngài với nhiều thịnh tình. Macaulay không ngần ngại tuyên bố: ngài là người thông thái và nhân hậu nhất trong số 250 vị giáo hoàng. Ranke nồng hậu ca tụng những cố gắng hoà hoãn dễ thương của ngài giữa Giáo Hội và Quốc gia. Ông đã cho rằng giáo triều này hầu như hơn tất cả các giáo triều khác. Về điểm cuối cùng này, có một điều cần lưu ý đặc biệt: Trong hoàn cảnh phát sinh từ sự đảo lộn các liên bang năm 1756, thống quyền lớn mạnh tại các lực lượng không công giáo, các lực lượng công giáo xuống dốc rõ ràng, chỉ một mình đức giáo hoàng trong tư thế thiêng liêng và chính trị của đức Benoit XIV có thể giúp Giáo Hội duy trì quyền năng trong thế giới đang lên men và có thể cũng đang tăng cường. Nhưng đức Benoit XIV đã tới cuối triều đại, ngài mất ngày 3 tháng 5 năm 1758 gần 83 tuổi. Người ta có thể phỏng đoán rằng trong lãnh vực chính trị ngài còn sống động. Không gì đáng ngạc nhiên theo định luật tự nhiên của hành động và phản động tạo nên chuyển vận cán cân một luật hầu như phổ quát trong lịch sử giáo hoàng. Giáo triều hòa giải này đã được kế tiếp bằng một giáo triều cứng rắn hơn nhiều.
Nơi những sử gia công giáo của thế kỷ XIX, không phải mọi người đều chấp nhận đức Benoit XIV là người có thiện chí muốn hoà giải thực sự. Thiện ý của ngài không được mọi người chấp nhận. Hergenrother cho rằng trong tinh thần thích ứng với kỷ nguyên ”Ánh sáng”, đức Benoit XIV bị lôi kéo đi xuống xa hơn ”những điều hợp lý”. Sự phán đoán này hợp với tinh thần của những người theo thuyết “độc tôn Roma” (ultramontanisme). Tuy nhiên trong khuynh hướng ca tụng, không thể chối cãi rằng các tác giả công giáo thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau. Trước tiên, số thư của người viết cách say mê này để lại một ấn tượng: đức Benoit XIV đã tỏ ra quá nhân hậu khi Ngài viết về những mối bất đồng và những tranh chấp tầm phào. Nhiều lần Ngài đã nhờ đến khôi hài để tránh bế tắc (8), người ta có thể ca tụng tài mềm dẻo khéo léo của Ngài, nhưng không phục và cho Ngài là người thiếu cương quyết. Hơn thế, Ngài không vững lập trường và đôi khi thiếu phán đoán. Những lời nói của Ngài cho phép giả sử rằng đôi khi Ngài khuất phục quá đáng tầm thức của người đối thoại hoặc của người liên lạc thư từ. Trong những phương thuyết chính trị cũng như mọi phương diện khác, đôi khi Ngài dùng đến cả phương thế tạm bợ. Trong một lá thư gởi cho Louis XV, Ngài tuyên bố bãi bỏ chỉ dụ Nantes, và do đó, ngài đã làm cho nhiều người hoang mang, vì là công trình hiển hách của vị tiền nhiệm. Nhờ tính tình đơn sơ và khiêm tốn, Ngài nổi tiếng là người rất dễ chịu và đáng khen. Nhưng những đặc tính này thường kèm theo sự dí dỏm của một ông già hay nói, có khuynh hướng buông thả những khôi hài đôi khi thiếu tế nhị, có khi còn sỗ sàng, và những lời chế diễu nhiều lần gây vấp phạm cho những người ”nhỏ”, nhất là khi Ngài không ngại pha lẫn trần tục vào sự thánh thiện. Tính tình này kéo dài tới khi Ngài qua đời : ”Chịu nạn thời Pontiô”. Nói về chính mình, Ngài làm liên tưởng tới tên của bác sĩ riêng của Ngài là Ponziô. Nhưng chính khuynh hướng vui đùa của Ngài về hoàn cảnh riêng của Ngài làm cho nhiều người lầm lẫn. Ngài tuyên bố như sau : ”Dầu tất cả sự thật chất chứa trong lòng tôi, tôi phải thú nhận rằng tôi không tìm thấy chìa khoá” (9). Những lời bông đùa như vậy để lộ cách Ngài pha trộn quan trọng với vui chơi. Kết quả, nhiều người sống chung quanh Ngài có thể tự hỏi giáo thuyết của Ngài có thật sự vững chắc không và trong con người của Ngài, một thuyết hữu thần tương đối đã chẳng hoàn toàn chiếm cứ ngai toà Giáo Hoàng? Ðặc điểm này làm cho người ta dễ hiểu về phản ứng của giáo triều kế tiếp. Ðó là những bóng tối của tấm ảnh về một con người dễ mến và thông minh.
6. Ðức Clément XIII (Carlo Rezzonico, từ ngày 6 tháng 7 năm 1758 đến ngày 2 tháng 2 năm 1769), là một nhà quý phái thành Venise. Dầu được đức tiền nhiệm quý mến, Ngài có nhiều khác biệt với vị này. Ngài được mô tả rất khéo với những đặc tính sử gia Pháp ghép cho Ngài : ”Hiếu hoà, nhân hậu, đạo đức, thông thái hơn là học thức” (10). Nhưng Ngài thiếu tinh thần sống động, khôi hài, tâm lý và quả quyết của đức Benoit XIV. Như phần lớn những nhân vật đạo đức và bối rối, tư tưởng của Ngài đứng trong dòng truyền thống và tỏ ra thận trọng trước những gì có vẻ mới lạ hay trước một thích ứng. Như khi người Pháp đề nghị Ngài sửa đổi dòng Tên, để dòng ấy có thể tồn tại. Ðề nghị này không phải là không có nơi đức tiên nhiệm, nhưng nay mới tìm được thuận lợi :”Sint ut sunt aut non sint” (Họ phải sống như luật buộc, nếu không thì không còn là họ (dòng Tên) nữa), ngài trả lời như vậy. Phản ứng này nói lên tất cả con người của Ngài trong chiều hướng thẳng ngặt, không thêm bớt. Một con người như vậy ít đạt kết quả trong phương diện ngoại giao, thật dễ hiểu. Dưới triều đức Benoit XIV, ít ra trong một thời gian dài, chính trị của toà thánh vững mạnh nhất trong thế kỷ XVIII, thì nay với cái chết của đức Clément XIII, lại rơi vào điểm thấp nhất. Ðức giáo hoàng này gặp khó khăn với hầu hết các ông hoàng công giáo. Hiệu quả này một phần do việc làm của Ngài, vì chính trị của Ngài được định đoạt do cố vấn hơn là do chính Ngài. Ðức Benoit XIV nắm vững được giới cận thần và chính Ngài định đoạt ít ra một cách trực tiếp về chính trị của Giáo Hội và thế trần, còn đức Clément XIII đắn đo, lệ thuộc rất nhiều vào vị thư ký là hồng y Torrigiani, vị này không phải là người ít vụ lợi nhất trong hồng y đoàn. Tình trạng này gây ra những vấn đề đáng phê bình : hằng ngày bập bềnh giữa đối kháng và thích nghi, đặc biệt là vấn đề duy trì hay bãi bỏ dòng Tên đã trở nên thúc bách nhất : trong những điều kiện này bản lãnh nhu nhược của vị chúa chiên cao cả trở nên một tai họa.
Ngoài mặt, cuộc đảo lộn các liên bang, liên bang chính trị giữa Áo và Pháp, trước đây là đối thủ không đội trời chung, nay lại có một lập trường chung, thuận lợi cho mật nghị. Thật vậy, tất cả những chính phủ công giáo hiệp nhất trong ước vọng xây dựng : Ðức giáo hoàng được chọn phải là chúa chiên tốt, một người cha không thiên vị của mọi kitô hữu, và hết sức giống đức Benoit XIV (11) là người đã đi vào huyền thoại ngay lúc còn sống. Nhưng sự thoả thuận không đạt được dễ dàng. Ðiều đó xẩy ra nhất là vì thái độ bất lay chuyển của Pháp, thái độ này muốn vấn đề của dòng Tên được đặt ra trong mật nghị, và cố gắng tránh những hồng y ít nhiều ưu đãi dòng Tên. Như thế cuộc bầu cử đức hồng y Cavalchini, giám mục Ostie, 64 tuổi, luật gia nổi tiếng như đức cố giáo hoàng, bị phế bỏ do quyền phủ quyết của Pháp, vì đức hồng y này dễ dàng với dòng Tên và vì Ngài cương quyết chấp thuận sắc luật Unigenitus. Sau bảy tuần đức Rezzonico ra khỏi mật nghị với nét mặt lầm lì, bệnh hoạn, thoái chí. Phải vất vả lắm mới đạt được đa số đòi hỏi, nhất là phải cần đến tài hùng biện của đức hồng y Áo tên là Rodt. Một vài hồng y Pháp nhượng bộ Ngài, dung hoà với một hồng y đã bênh vực phong thánh Belllarmin, đối với Pháp, là tượng trưng các thù địch của Pháp giáo. Nhưng trong vấn đề nóng bỏng, Rezzonico không bao giờ dứt khoát. Một lần nữa, chính đặc tính bất định và niềm hy vọng có thể ảnh hưởng trên Ngài, đã tạo điều kiện trong việc bầu giáo hoàng mới.
Những người phán đoán như vậy chẳng bao lâu sẽ nhận ra rằng mình lầm. Người mới được bầu tỏ ra rất khó chấp nhận những ảnh hưởng tự bên ngoài, và trái lại vì đã thấm nhiễm ơn gọi siêu nhiên, thì đương nhiên Ngài đặt siêu nhiên trên việc giao hảo với các triều đình và các chính quyền. Không chấp nhận một cách máy móc ý muốn cưỡng bức Ngài hủy bỏ dòng Tên, ngài không thể ngăn cản vấn đề nóng bỏng ngày càng đầu độc bầu khí tôn giáo tại các quốc gia do nhà Bourbon cai trị. Trong sắc lệnh ban hành năm 1765 Apostolicum pascendi munus, (Nhiệm vụ tông đồ mục tử), ngài đã có những lời đối kháng nặng nề đối với tinh thần thời đại, Ngài cũng khẳng định rằng, dòng Tên đã bị nhiều người khinh miệt nặng nề. Nào ngờ lời khẳng định của giáo hoàng chỉ làm tăng lòng công phẫn mà dòng Tên sắp là nạn nhân.
Như sẽ thấy sau này, sự công phẫn này đạt tới tột đỉnh từ đầu năm 1769 và đặt đức giáo hoàng vào ngõ bí, lúc đó Ngài đã 76 tuổi thọ và hay đau yếu. Những sứ giả của các ông hoàng tại Naples, Parme, Bồ Ðào Nha, Toscane, Savoie, Tây Ban Nha, Pháp dồn dập đe dọa Ngài; tháng giêng năm 1769 hầu như Ngài kiệt sức chống cự. Không còn phương cách, vì Marie Thérèse cương quyết từ chối can thiệp, Ngài triệu tập cơ mật hội vào ngày 3 tháng 2; từ công hội này Ngài không thể tìm ra một giải pháp nào khác ngoài sự nhượng bộ ít ra một phần. Ngài tránh được sự sỉ nhục này. Ngày hôm trước, một cơn xuất huyết trong đầu bất ngờ chấm dứt cuộc đời ông hoàng của Giáo Hội, cao cả nhưng không may mắn. Tất cả giáo triều Ngài diễn ra dưới dấu hiệu một ”non possumus” (chúng tôi không thể). Sự yếu kém về kinh tế của các quốc gia thuộc Giáo Hội đi tới tột độ và sắp sửa lâm vào nạn đói. Thế giá của Ngài bị vấp phạm trầm trọng không những do những tấn công bên ngoài, nhưng cũng do những chỉ trích phản loạn tự bên trong. Dưới giáo triều này các tổ chức ấn loát Hoà Lan và Thụy sỉ cho xuất hiện nhiều tác phẩm nói về hữu thần và vô thần tại Pháp gây nhiều tiếng vang, đó là những tác phẩm của Helvetius, Berruyer, Volney, Voltaire, Diderot, Alembert và Rousseau. Tuy bị liệt kê ngay vào sổ cấm, cạc sách này được rất nhiều người đọc. Khoảng giïữa giáo triều, tác phẩm thời danh của Febronius được xuất bản. Cùng năm 1763 ”Những người công giáo cũ” (Les Vieux Catholiques) tại Utrecht họp công đồng để lặp lại sự chống đối và những yêu sách của họ. Tại đây, Roma không có thể can thiệp cách nào khác ngoài việc tuyên phạt tuyệt thông. Do đó vào mười năm cuối triều, như sẽ được trình bày sau này, dưới sự vận động của thị trưởng Von Kaunitz, có sự biến chuyển tất nhiên về hình thức của thuyết Erastianisme tại Áo, giáo thuyết mà sau này mang tên là Joséphisme.
7. Clément XIV (Giovani Vincenzo Antonio Gangenelli, từ ngày 19 tháng 5 năm 1769 tới ngày 22 tháng 9 năm 1774). Sinh tại quanh vùng Rimini năm 1705, con một bác sĩ, vào dòng Phanxicô ngành tiểu đệ, trở nên hồng y năm 1759. Ngài được bầu trong một mật hội kéo dài ba tháng với toàn thể số phiếu trừ một. Ðó là sự thành công của phái Bourbon, nghĩa là của âm mưu quốc tế chống lại dòng Tên. Cái chết bất ngờ của đức Clément XIV chính vào lúc mà mọi người đều trông đợi Ngài nhượng bộ Bourbon và quyết định bãi bỏ dòng Tên. Cái chết này đã đưa vấn đề dòng Tên vào cuộc thảo luận trong mật hội. Lúc đầu đức hồng y Ganganelli đã là một trong những người bênh vực dòng Tên, nhưng ít lâu sau Ngài đã thay đổi trở thành chống đối. Ngài không để người ta còn nghi ngờ về ý định hủy bỏ dòng Tên. Một biến cố đặc biệt phân biệt mật nghị này với các mật nghị khác. Ngày 15 tháng 3 hoàng đế Joseph II tới Roma, đi tháp tùng có quận công Léopold de Toscane. Trong gần 15 ngày thảo luận với các hồng y, cuộc bế mạc mật nghị có lợi cho Ngài. Ngài biểu lộ rõ ràng rằng sự hủy bỏ dòng Tên phù hợp với nguyện vọng của Ngài. Hơn nữa Ngài xác nhận rằng: mẹ Ngài là bà Marie Thérèse không hề có ý định ủng hộ dòng Tên. Những thư từ ngoại giao trao đổi giữa Vienne và Paris xác nhận lời tuyên bố này là chắc chắn. Ngoài ra hoàng đế hy vọng rằng mật nghị sẽ thành công chọn một giáo hoàng như đức Benoit XIV. Phần đông cũng ước vọng như vậy, ngay cả hồng y đoàn : chứng tỏ rằng cách cai trị của đức Clément XIII làm cho mọi người thất vọng. Ngoài ra còn có những phê phán khinh thị hoàng đế đã không nhìn nhận một hồng y nào trong các vị hồng y về họp có giá trị như đức Benoit XIV. Có lẽ cuộc viếng thăm của hoàng đế đã khuyến dụ nhiều hồng y về phe với Clément XIII là nên duy trì dòng Tên và có lẽ cố gắng của họ không mang lại hy vọng nào.
Các cuộc thương thuyết giữa các nhà Ngoại giao vẫn tiếp tục tại Roma trong suốt tháng 4 và đầu tháng 5. Những liên lạc thường nhật của họ với nhiều hồng y đã làm cho bí mật của hội nghị trở nên một trò hề. Trong một thời gian dài nhóm Nhiệt Thành (Zelanti) thường liên kết chặt chẽ với đường lối của đức Clément XIII, chống lại thái độ kiêu hãnh quá đáng của các nhà ngoại giao. Nhưng sau cùng nhóm này phải nhượng bộ, đó là điều không thể tránh được, và góp phần vào việc bầu một người đầy ham vọng nhưng thận trọng tên là Gangenelli. Vị này đã từ chối, bằng văn tự, tham dự vào việc bãi bỏ dòng Tên. Nhưng khi đức hồng y Bernis, đại sứ Pháp tại Roma đệ trình một nghi thức thuộc loại ”đầu hàng” hoặc : ”tuyên thệ” dùng trong các cuộc bầu cử hoàng đế, ngài đã chấp thuận việc này bằng lời nói, và chính Ngài cho rằng việc hủy bỏ này có thể và nên làm. Với các hồng y Tây Ban Nha tại Solis và Cerda, Ngài đã gởi một bản tuyên ngôn theo chiều hướng này (12). Những sự kiện ấy được đưa ra ánh sáng, người ta tự hỏi : đức Gangenelli, một khi đã là giáo hoàng, còn đủ tự do trong vấn đề dòng Tên, hay đó chỉ là vấn đề hoàn toàn hình thức bên ngoài. Theo gương đức Benoit XIV, đức tân giáo hoàng trước hết giữ hoà khí với các chính quyền thuộc các quốc gia công giáo khác nhau. Mặc dầu như vậy, sắc lệnh hủy bỏ mà các ông hoàng công giáo, kể cả những ông hoàng tại Vienne, đồng thanh đòi hỏi và mong đợi, chỉ được tuyên bố bốn năm sau khi Ngài nhận trách nhiệm. Ðiều đó chứng tỏ rằng sự chống đối trong giáo triều còn mạnh. Vấn đề này sẽ được trình bày sau. Chúng ta chỉ lưu ý nơi đây một điểm: sự hủy bỏ, một vài ý kiến chống đối hay ủng hộ, rồi cách đối xử của bản thân đức giáo hoàng đối với các bề trên của dòng Tên, là những bằng chứng nói lên ảnh hưởng của các thế lực trần thế còn đè nặng trên Giáo Hội. Về quan điểm này, giáo triều của Clément XIV là một trang đen tối trong lịch sử Giáo Hội hiện đại.
Hình ảnh đức giáo hoàng này còn là đối tượng tranh biện. Người ta đồng ý trên toàn diện thái độ của ngài, trên kiến thức vững chắc về thần học, trên tầm quan trọng ngài đã lưu tâm đến các loại kiến thức trần thế, nhất là về sinh lý, trên lòng đạo đức và sự dễ thương của ngài. Trong khi một số người tuyên bố rằng ngài ngây thơ, người khác lại cho rằng ngài mưu trí quỷ quyệt cũng như tham vọng vô độ. Mặc dầu có thiện chí, trong suốt triều đại gần năm năm, ngài không tỏ ra có tài cai trị và có kinh nghiệm về con người. Ngài tin tưởng vào những người không đáng tin, như ông dòng Phanxicô tên là Bontempi, quá vụ lợi, là địch thủ xảo quyệt và tàn bạo của dòng Tên. Chính ông là người tung ra tiếng đồn rằng đức giáo hoàng chết vì thuốc độc. Cũng thế đối với Niccolo Bischi, thầy lang băm vô lương tâm. Không có gì xác thực trong tiếng đồn cho rằng đức giáo hoàng chết vì hối hận và thất vọng. Nhưng chắc chắn rằng ngài có lý khi tuyên bố chiếc mũ ba từng xưa kia ngài ao ước, chỉ là một trách nhiệm quá nặng nề. Ngài đã thất bại hầu như trên mọi phương diện. Không cần phản đối nhận định nghiêm ngặt của đại sứ Vienne gởi tới Rome : ”Nếu Tòa Thánh bị bối rối cực độ, chính vì hậu quả tất nhiên của vị giáo hoàng ù lì, và do tính bất thường, điên khùng của một số người bất lực, trớ trêu được ngài yêu chuộng; vì chính những người này đã điều động tất cả” (13).
8. Ðức Pie VI (Gianangelo Braschi, từ ngày 15 tháng 2 năm 1775 đến ngày 29 tháng 8 năm 1799). Sau 4 tháng thảo luận và vận động, một mật nghị chia rẽ tận cùng, chia rẽ trên vấn đề dòng Tên vẫn luôn còn là một điểm tế nhị, đã hoàn toàn đồng ý về con người của hồng y Roma Braschi. Ngài 57 tuổi, khác với vị tiền nhiệm, ngài biết xử sự một cách khéo léo để không người nào của cả hai phái có thể ra mặt chống đối. Ðiều đó chứng tỏ ngài không có một tư cách xuất sắc. Như một giáo hoàng, tất cả cung hiến không ngừng cho bổn phận, nhiều lần ngài để lộ những khía cạnh yếu kém về tư cách. Ngài đã là thư ký của đức Benoit XIV và cũng thích giao thiệp rộng với những người quyền thế trên thế giới. Ngài có tầm vóc cao lớn, nhưng mềm mại trong cử chỉ, dễ dàng trong ngôn từ, hấp dẫn, tất cả những đặc điểm đó như báo trước sự thành công của ngài trên cương vị này. Nhưng các hoàn cảnh không cho phép như vậy. Cuộc du hành thời danh năm 1782 tại Vienne với hy vọng rằng sự hiện diện đáng lưu ý của ngài đủ giúp ngài thành công : ngài đã gây ra hậu quả trái ngược đối với Joseph II, con người khắc khổ. Dân chúng Roma yêu chuộng ngài trước tiên vì dáng vẻ bên ngoài và sự dễ thương rõ rệt của ngài, nhưng ít lâu sau, vẻ bề ngoài này trở nên mục tiêu nhạo nhĩnh (14). Hơn thế, vì thích những công trình đồ sộ ngài đã ra lệnh thực hiện nhiều chương trình xây cất tốn kém, và do đó, tạo nên những căm giận mỗi ngày một gia tăng. Ðiều lầm lớn nhất trong thế giá luân lý của ngài là giao du với những người nịnh bợ và ăn bám: nạn gia đình trị tái hiện một cách rõ rệt. Rồi, những chọn lựa bổ nhiệm không khôn ngoan tại giáo triều. Ðiển hình nhất là một trong những thư ký của ngài, hồng y Boncompagni, được bổ nhiệm năm 1786 và bị cách chức năm 1789, vì ông này là người hời hợt, vụ lợi, ích kỷ và có một nếp sống ít xây dựng (15).
Những đặc ân đương nhiên cấp cho gia đình ngài, nhất là cho những người con của chị ngài, bà Giulia Onesti Braschi, bị chỉ trích nhiều nhất. Một trong những người con này tên là Romoaldo Onesti-Braschi, được làm hồng y rất sớm, năm 1786 và có vẻ là một người dễ thương và kín đáo. Ngược lại người anh của ngài, tên là Luigi, được cất nhắc lên hàng quận công, được chính giáo hoàng chủ hôn trong nhà nguyện Sixtine với tất cả nghi lễ trang trọng của một ông hoàng, đã làm tất cả những gì có thể để làm giàu nhờ ơn huệ của cậu ông ta. Ông đã thành công: trong nhiều dịp, những vốn lớn đã được cấp cho ông với tài sản của giáo triều, và để mua với giá rất rẻ những thửa đất rộng, trong đó có vùng đất lầy tại Pontin, được khơi nước đi với sự đài thọ của ngân quỹ Tòa Thánh. Vì người cháu quá tham tiền này, đức Pie VI bị dính líu vào vụ kiện đau thương về gia tài kế nghiệp tốn phí cả từng triệu, và kéo dài cả mấy năm. Việc đó không liên quan đến giáo triều nhưng đến bản thân giáo hoàng: ngài trở nên đối tượng cho những lời bình luận (16). Ðược ông cậu chấp thuận, mặc dầu bị toàn thể giai cấp trưởng giả Roma khinh miệt vì kiêu căng, người cháu này đã xây cất một khách sạn lộng lẫy : Le Palazzo Braschi, tại Roma trong khu Piazza Navona, rất gần ”Anima” và Pasquino” nổi danh ; một nguồn tin cho rằng chính giáo hoàng đã góp một số tiền lớn vào đó. Chẳng bao lâu nhà phú hộ Luigi Braschi đi theo phục vụ cách mạng và như thế ông tìm cách tồn tại, với ít nhiều kết quả, dưới nền cộng hòa Roma, lúc mà vị bảo trợ của ông qua đời khi bị đi đầy. Ân huệ được cấp một cách mù quáng cho một người như vậy, một người chỉ tìm lợi riêng, đã là khuyết điểm nặng nề của một giáo hoàng bị giáo triều đầy chia rẽ, giam giữ để tách ngài ra khỏi người đời. Ngày nay chúng ta tự hỏi, nhưng có lẽ chúng ta không hoàn toàn công minh, giữa những xáo trộn đang chia xé Âu châu, làm sao đức Pie VI có thể tiếp tục xây dựng lâu đài, có thể quy tụ nơi đây những kho tàng nghệ thuật và duy trì việc triều chính với vẻ huy hoàng như vậy?
Trong tư cách của đức Pie VI, người ta thấy những nét trái nghịch : lòng đạo đức sâu xa, chú tâm tới tình trạng kinh tế bê trễ tại quê nhà, sự mềm mỏng dễ thương trong các tương giao, điều độ trong vấn đề chính trị... bên cạnh sự khao khát danh vọng, lợi lộc và sự do dự không dám giải quyết. Trong một thời đại náo động như vậy ngài không có sự cao cả và óc sâu xa cần phải có. Pháp giáo của các quốc gia Bourbon, lạc thuyết của Áo quốc, và lạc thuyết thượng tôn giám mục đoàn của các giám mục Ðức, đòi hỏi nhiều điều quá đáng, trước những đòi hỏi này ngài không thể phản kháng và cũng không thể đáp ứng. Bị xâu xé bởi nhiều ý kiến của các cận thần, ngài tìm sức mạnh trong thái độ chờ thời. Thái độ này đã để các linh mục và giáo dân ở trong tình trạng bất ổn nặng nề, trong một thời gian khá lâu, nhất là thời cách mạng tại Pháp. Những điểm khác sẽ bàn rộng sau này. Chúng ta chỉ thêm vào đây một vài lời về cuối thời xáo động của giáo triều bất hạnh này.
Ðể phán đoán theo dữ kiện xã hội hay tinh thần của quần chúng, các quốc gia thuộc Giáo Hội chắc chắn không phải là nơi để những tư tưởng cách mạng xâm nhập dễ dàng. Ngược lại, mặc dầu đã có những cố gắng chân thành của một vài giáo hoàng như đức Pie VI, để tìm cách cứu vãn, một hành chánh thối nát kinh niên đã tạo nên khá nhiều bất mãn làm cho đức thánh cha và giáo triều lo lắng nhiều về trật tự và hoà bình tại Roma, ngay sau khi cách mạng Pháp bùng nổ. Từ năm 1789, điều đó làm cho toà án thẩm tra ngược đãi những người Pháp trú ngụ tại Roma, họ bị nghi kỵ là có cảm tình với Tam Ðiểm, và chống lại người Roma, hoài nghi về thịnh tình của họ. Nhiều đợt bắt giam đã xẩy ra, nhiều kết án nặng nề đã được công bố và thi hành. Vì sợ nổi loạn, ”Lễ hội mùa chay” (carnaval) rất được dân chúng mến chuộng, bị cấm vào tháng 2 năm 1790. Sự cấm đoán này gây ra trong dân chúng một sự bất mãn và đưa đến nhiều nổi loạn. Chính quyền đã phải dùng đến bạo lực. Khắp nơi, không những tại Roma, nhưng cả nơi thôn dã, nhiều vụ bắt giữ đã gây ra những cuộc tấn công một vài nhà tù. Chính quyền thành công trong việc trấn áp náo loạn, nhưng từ lúc này giáo hoàng và giáo triều có cảm giác như sống trên núi lửa, núi lửa này có thể phun lên bất cứ lúc nào.
Ðó là tình thế khi người Pháp xâm lấn sâu vào bán đảo. Những tương giao giữa Pháp và đức giáo hoàng gián đoạn vào tháng 3 năm 1791. Tháng 9 tiếp đó Avignon và Le Comtat Venaissin bị Pháp sát nhập, cũng như Nice và Savoie. Trong lúc túng quẫn, đức Pie VI kêu cầu nhiều ông hoàng khác nhau, mời họ tham dự cuộc tự vệ chung, chống lại Pháp, và để che chở các quốc gia thuộc Giáo Hội. Ngài xin Catherine II nước Nga gởi hạm đội tới Ðịa Trung Hải và đổ bộ lên lãnh thổ Ý, ngài than thở : ”Chúng tôi không có quân đội, không có tàu bè”, ngài viết như thế trong thư đề ngày 3 tháng 11 năm 1792 gởi cho nữ hoàng Nga (17). Ít lâu sau đức Pie VI lâm bịnh nặng, ngài đã khoẻ lại, nhưng từ khi đó ngài trở nên một người yếu đuối, chỉ còn là chiếc bóng của con người vững mạnh dai bền trước đây. Uy quyền của ngài càng ngày càng giảm; giáo triều chia rẽ đặt ngài vào thế cô độc. Hồng y Zelada quốc vụ khanh, thuộc thành phần chính trị hoà giải, gặp chống đối mạnh. Ở thời khó khăn nhất đối với Pháp, cụ già 80 tuổi này bị thay thế bằng một người hoạt động, hồng y Busca, vị này toan tính chống đối bằng vũ lực, nhưng bất thành. Sự thất bại này làm cho ông buồn tức và do sự đòi hỏi của đại sứ Tây Ban Nha: Azara, một vị trung gian lớn giữa Vatican và Bonaparte, ông được thay thế vào tháng 3 năm 1797 bởi hồng y Doria, được coi như bạn thân với Pháp.
Nỗi âu lo giảm dần khi đe dọa không còn cấp bách; nhưng tình hình các quốc gia thuộc giáo hoàng không trở lại bình thường, vì nạn đói gia tăng khủng khiếp và Roma tràn ngập người di cư. Các nhà buôn Do Thái lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm, đòi ăn lãi nặng, do đó bùng nổ nhiều phong trào và nhiều tổ chức chống Do Thái. Năm 1795, mối đe dọa tới từ Pháp đã trở thành sự thực. Vào tháng 4 năm 1795 trong hoà ước Bâle, Hợp đồng (Convention) cưỡng bức nước Phổ nhìn nhận sông Rhin là biên giới phía đông nước Pháp. Ít lâu sau, Hợp đồng này lại ký một hoà ước sống chung hoà bình với Tây Ban Nha. Từ đó quốc gia được người Bourbon cai trị này dùng áp lực ngoại giao bắt buộc Toà Thánh giao hoà với Pháp. Quốc gia này lúc đầu đã giải cứu Giáo Hội thoát áp lực của Pháp, sau đó đã cải thiện tình hình chính trị tại các quốc gia thuộc Giáo Hội. Cái ”Chúng tôi không thể” (Non possumus) của đức giáo hoàng đã làm cho đại sứ Tây Ban Nha tại Roma là Azara phải thốt lên: ”Ðức Pie VI là người khó sửa đổi nhất trên thế giới này”.
Chiến dịch của Bonaparte tại Ý làm cho Roma hoảng hốt. Thành Milan thất thủ tháng 5 năm 1796, giáo hoàng phải chấp nhận sự can thiệp của đại sứ Tây Ban Nha mà trước đây ngài đã khẳng khái từ chối. Azara, người không tha thiết gì với giáo sĩ, đã cầm ngành ôliu tới Milan, xin Bonaparte đừng xâm chiếm các quốc gia thuộc Giáo Hội. Cuộc hội kiến này được thực hiện tại Bologne. Do đó đầu tháng 6 năm 1796 cuộc hội đàm kỳ dị giữa hai nhà tự do tư tưởng này: một bên bênh vực Giáo Hội và tôn giáo, trong khi bên kia nhận lệnh của Paris chấm dứt quyền thế tục của giáo hoàng, hủy bỏ Giáo Hội và cướp phá những kho tàng nghệ thuật và thư viện tại đây, để tăng cường cho các kho tàng của Pháp (18). Ðối với những gì liên can tới Napoléon, người ta thấy đây là khởi đầu cho chính trị hoà giải. Bằng chứng là năm năm sau đã chính thức ký hoà ước giữa đức Pie VII và đệ nhất khâm sai. Dầu sao, trước những bất mãn của đa số nhân viên, ông đại tướng đã đối xử hoà hoãn với Giáo Hội và những đại diện của Giáo Hội tại triều đình và miền quê nước Ý. Ông đã tránh cướp phá các nhà thờ, các dòng tu. Do đó ông đã làm thất vọng nhiều nhà cực đoan thuộc phía ông cũng như những người thuộc phái Jacob tại Ý, những người trước đây đã đón tiếp ông như một vị cứu tinh. Có lẽ vì vậy đã phát sinh tại những câu lạc bộ của phái Jacob và trong các báo chí và các bài hát dân ca, những lời chỉ trích đẵm máu chống tôn giáo mà họ muốn diệt trừ, chống Vatican mà người ta muốn tấn công và cướp phá tức khắc. Nhưng giọng điệu này không được Bonaparte nghe theo.
Ngược lại, trong những cuộc đàm thoại giữa ông và Azara và những vị cao cấp khác của đức giáo hoàng, ông không hề che đậy những khinh mạn của ông đối với toà thánh và ngay cả Giáo Hội và tôn giáo. Dầu sao, ngày 20 tháng 6 năm 1796 khi quân Pháp đã chiếm được một phần các quốc gia thuộc Giáo Hội, một cuộc ngưng chiến được ký kết với Vatican, bảo đảm sự trung lập của Toà Thánh và của các quốc gia thuộc Giáo Hội, bằng việc bồi thường 21 triệu quan và việc dự phòng thương thuyết hoà bình trong tương lai giữa đức giáo hoàng và vị lãnh đạo. Ðức Pie VI thở phào nhẹ nhõm và vội vàng gởi linh mục Pieracchi tới Paris để thương lượng một cách vĩnh viễn. Sứ mạng này thất bại. Ðức Pie VI phải khuyên nhủ vắn tắt những người công giáo Pháp phục tòng chính quyền hiện hữu và mặc nhiên công nhận tính cách hợp pháp của chính quyền này, nhưng ngài không muốn thoả mãn đòi hỏi của Ban lãnh đạo (Directoire) yêu cầu giáo hoàng công bố một sắc chỉ thu hồi tất cả các sắc luật và những thông cáo vắn ”chống nước Pháp” kể từ năm 1789, nhất là chống lại ”Quy chế công dân của hàng giáo sĩ” (Constitution civile du Clergé).
Tháng 9 năm 1796, hai bên trở lại Florence để tiếp tục những cuộc thương thuyết đã bị gián đoạn tại Paris. Một lần nữa, lại gặp trở ngại trước những đòi hỏi của Ban lãnh đạo. Lúc này, khi thời gian hưu chiến chấm dứt, vị tân quốc vụ khanh Busca làm dự án về kháng chiến quân sự, và sau cùng kêu gọi sự giúp đỡ của các vua Tây Ban Nha và Naples. Nhưng không một vị lãnh chúa nào muốn động tay. Trái lại những cơ quan liên lạc của họ đàm phán chính thức để chia nhau các quốc gia thuộc Giáo Hội. Chỉ riêng hoàng đế Francois II, và vị chưởng lý tầm thường của ông là Thugut, đã ngỏ ý muốn tới giúp giáo hoàng: Họ cử tướng Colli, người Áo, đặt dưới quyển xử dụng của đức thánh cha, để chấn chỉnh lại các đoàn quân giáo hoàng. Chính vì thế Bonaparte bắt buộc phải tiến về Roma. Thừa lệnh của đức Pie VI, hồng y Mattei đã tìm cách ngăn cản ông Bonaparte. Nhưng ông này lại thốt ra những lời có thể giải thích bằng nhiều cách: ”Tôi thích danh hiệu là vị cứu tinh hơn là người phá hủy Toà Thánh”. Thế nhưng trong những ngày này ông đã viết về Paris rằng ”ông sẽ tiến về Roma để kết thúc cuộc đời ”con cáo già” (19).
Các hồng y của giáo triều chống đối nhau dữ dội, các ngài tranh luận về vấn đề kháng chiến vũ trang do tướng Colli tổ chức. Nhưng vào đầu tháng 2 năm 1797, khi Bonaparte tiến vào Mantoue, và từ đó ông đưa ra tối hậu thư, những quân sĩ cuối cùng của vị quốc vụ khanh hiếu chiến Busca nhìn thấy thất bại. Tại Tolentino hồng y Mattei và quận công Luigi Onesti-Braschi, cháu của giáo hoàng, ký một hiệp ước đình chiến mới, thoả hiệp này nhượng bộ một phần lớn các quốc gia thuộc Giáo Hội, và nhận bồi thường chiến tranh với một món tiền lớn. Ðể thu nạp khoản tiền này, giáo hoàng phải hy sinh phần lớn kho tàng nghệ thuật, lấy từ các bảo tàng viện và các cung thánh tại Roma. Nhưng Toà Thánh và tôn giáo được an toàn, hồng y Mattei viết về Roma rằng : Bonaparte, với vẻ đạo đức bên ngoài, bảo đảm không bao giờ cho phép đổi thay điều gì ”trong tôn giáo của cha ông chúng ta”. Nhưng chắc chắn rằng kể từ nay ông đại tướng quyết định sáp nhập Roma vào quy chế mới: Cộng Hoà bên kia dãy Alpes, đặt Milan là thủ đô. Ôâng đã thiết lập một loại triều đình hoàng đế kế cận Milan trong vùng Mombello. Hơn nữa, người ta không thể chối rằng sự sáp nhập là điều không thể tránh, khi thấy những xáo trộn và cả nội chiến tiếp diễn tại Roma và sự sa sút về kinh tế trầm trọng mỗi ngày.
Vào tháng 8, theo người ta đồn, Joseph Bonaparte tới Roma để kiểm soát việc thực thi hoà ước Tolentino. Thường xuyên ông bị bao vây bởi các thành phần cách mạng Pháp và nhất là Ý. Họ tổ chức chống lại chính quyền. Cuối tháng 12 năm 1797 một cuộc náo loạn nổi lên tại Transtévère, là nơi Joseph Bonaparte chiếm đóng lâu đài Corsini, nơi mà từ lâu đã là một trung tâm nổi loạn thuộc phái Jacob. Trong lúc dẹp loạn, cảnh sát của giáo hoàng giết tướng Duphot, người Pháp. Thế là chiến tranh bắt đầu tái diễn. Ðược vị lãnh đạo đề cử, Napoléon Bonaparte truyền lệnh cho tướng Berthier, người dưới quyền ông, tiến vào Roma. Ngày 10 tháng 2 năm 1798 tướng Berthier vào Roma với đạo quân của ông, ông thấy thành phố kinh hoàng, lộn xộn hầu như vô chính phủ. Năm ngày sau, biểu hiệu tự do được kéo lên Capitole và người ta tuyên bố truất ngôi đức Pie VI như một vị lãnh chúa trần thế, và thiết lập cộng hoà Roma.
Cùng ngày đó đức giáo hoàng được trao cho quân đội canh giữ. Ngày 20 tháng 2, ngài bị chuyển tới Toscane và sau đó tới Sienne. Dịp này như một lãnh chúa tối cao, tuổi thọ 81, bệnh tật, bán thân bất toại, ngài xin người quản tù Haller cho ngài được chết tại Roma, ông trả lời, ”chết, ngài có thể chết bất cứ ở đâu”. Ðức Pie VI bị lưu giữ tại Sienne 4 tháng. Ðầu tháng 7 năm 1798 ngài được thuyên chuyển về Florence; nơi đây ngài sống tương đối tự do, trong một tu viện khổ tu Chartreux. Tại đây ngài công bố nhiều đoản sắc, đặc biệt đoản sắc ngày 30 tháng giêng năm 1799 cấm dùng lời thề : ”đời đời ghét giận quốc vương”. Chính tại Roma lúc đó trở thành thủ đô cộng hoà Roma, diễn tiến chu kỳ thường xuyên quốc hữu hoá tài sản của các nhà thờ và các dòng tu, tuân hành lời thề đã chỉ, bắt đầu tôn thờ thần lý trí, truy nã và tù đày các linh mục. Một quyết định khác của hiến pháp ra ngày 13 tháng 11 năm 1798 tại Florence, là ban hành những biện pháp đặc biệt cho một mật nghị, nếu phải nhóm họp trong những hoàn cảnh như vậy.
Tháng 9 năm 1798, quân đội của Ferdinand IV, vua Naples và Sicile, tiến vào Roma, để đánh đuổi người Pháp ra khỏi nước Ý, chứ không phải để tái lập giáo quyền. Mưu đồ thất bại, một tháng sau vua bị truất ngôi. Do đó cách mạng thắng thế trên toàn bán đảo. Nhưng vào mùa xuân năm 1799, một liên hợp thứ hai được thành lập để chống lại Pháp, do sáng kiến của Anh, Nga và Áo. Sáng kiến này ít ra có một kết quả: gây nên sự suy sụp của tất cả nền Cộng Hoà đã được tạo lập trong đất Ý, trong đó có Cộng Hoà Roma. Nhưng đức Pie VI không được thấy điều đó. Khi các đạo quân đồng minh tới gần, một đoàn tháp tùng đã đưa ngài qua Parme. Khi người ta biết người Áo tới gần, đoàn tháp tùng lại đưa ngài qua Turin, rồi qua Pháp, vượt qua dãy Alpe tuyết phủ để tới Briancon. Ngài ngừng lại ở đây ba tuần, sau đó được đưa qua Grenoble, tới nơi này ngày 6 tháng 7, hầu như bị liệt hoàn toàn. Con đường lên Núi Sọ của ngài chưa chám dứt, nó còn tiếp tục từ ngày 10 và chấm dứt ngày 14 tại Valence. Trong vòng 3 tháng rưỡi, người ta lôi kéo ông già hấp hối từ thành này qua thành khác.
Tại Valence ngài trú tại ”khách sạn của nhà nước”, một lâu đài đẹp đẽ, tọa lạc cạnh sông Rhône. Nơi đây Ngài được nghỉ ngơi và tương đối khá tự do. Trước hết ngài khỏi bệnh, nhưng chẳng bao lâu ngài kiệt sức. Tới những giây phút cuối cùng ngài vẫn luôn tỉnh táo và sáng suốt. Sáng sớm ngày 29 tháng 8 năm 1799 một cái chết êm đềm đã kết thúc cuộc tử đạo của ngài. Ðầu tiên ngài được đặt trong hầm nhà nguyện của lâu đài ngài trú ngụ, mãi tháng giêng năm 1800 ngài được an táng với danh dự quân đội trong một ngôi mộ tại nghĩa trang Sainte Catherine tại Valence. Theo phần kết của hiệp ước năm 1801, với lời xin của đức Pie VII, vị Ðệ nhất khâm sai cho phép chuyển linh cữu của Pie VI về Roma. Sau một triều đại đầy thử thách, chấm dứt một cách đau thương trong sự suy sụp sâu xa nhất, vị giáo hoàng cuối cùng của thế kỷ XVIII này đã tìm được nơi an nghỉ trong hầm điện Vatican. Ðau khổ đã cho thấy ngài kiên vững trong sự trung thành, và trong lập trường Kitô giáo phải tha thứ tất cả, và những sỉ nhục của ngài đã trở nên cho Giáo Hội một sự đền bù trong vinh dự, đặc biệt nhờ sự kính trọng chân thành của dân Ý và Pháp đối với vị giáo hoàng bị hành hạ trong thời đày ải.
Trước mắt một số người, nhất là những người thuộc cách mạng Pháp, thật khó hiểu tại sao Giáo Hội có thể tồn tại được trong thời chính bản thân vị đại diện tối cao này phải chịu thất bại. Voltaire như được mãn nguyện trong lời kêu gọi: ”đập nát ô nhục”, và Pie VI không có người kế tiếp. Có lẽ nhiều người đã nghĩ như thế. Nhưng điều phải đến đã đến cách khác. Trong lúc hấp hối, đức Pie VI đã bổ nhậm. Trong một hiến chế ngày 11 tháng 2 năm 1797 và được bổ sung bằng những chuẩn bị, ngày 30 tháng 12 năm 1797 và ngày 13 tháng 11 năm 1798 (20), ngài đã định rằng những hồng y được thỉnh mời do vị cao niên nhất có thể triệu tập mật nghị bất cứ tại đâu, trên lãnh thổ một ông hoàng công giáo. Cuối năm 1799 phần lớn trong số 46 hồng y còn sống đã tới Venise, thuộc quyền của người Áo, và giữa các ngài, hồng y Albani là người cao tuổi nhất. Hoàng đế Francois II tự động sắp xếp nhà dòng tại đảo Saint Georges để họp mật nghị và đặt dưới quyền xử dụng của các hồng y một khoản tiền lớn cho các chi phí. Ðể bù lại, ông yêu cầu: trước tiên áp đặt quyền bác bỏ trên các hồng y người Pháp, Tây Ban Nha, Naples, Gênes hay Sardaigne. Việc chuẩn bị rất lâu dài. Từ ngày mồng một tháng chạp, 34 hồng y vào mật nghị. Chỉ tới ngày 12 tháng chạp đức hồng y người Áo là Hezzan mới tới họp, mang theo những chỉ thị hống hách của hoàng đế, ông chủ của ngài. Ngài tỏ lộ rõ ràng ý muốn của ngài đối với hồng y Mattei, rất kinh nghiệm về chính trị, chắc chắn chống Pháp nhưng điều độ, tuy nhiên mặc dầu ương ngạnh và với sự ương ngạnh này những người về phe ngài đã trung thành khi bỏ phiếu. Ngài không thể kết nạp được đa số. Mấy tháng qua đi trong những cuộc bầu vô hiệu nghiệm. Cuối cùng nhờ tài hùng biện của hồng y Consalvi thư ký mật nghị, và nhờ tài ngoại giao của hồng y Tây Ban Nha Despuig (21), ngày 14 tháng 3 năm 1800 đã đi tới nhất loạt bầu cho một vị thuộc dòng thánh Benoit 57 tuổi, tên là Barnabé Chiaramonti, hồng y giáo chủ tại Imola, vị giáo chủ khôn ngoan, không một liên can chính trị, và là người có thể có những tư tưởng cải cách.
Vị được chọn lấy tên là Pie VII. Triều đại ngài giống như triều đại trước, đầy những thử thách đớn đau. Tuy nhiên ngài đã mang lại sự khoan hoà và cải cách. Ðức tân giáo hoàng tỏ ra khôn ngoan, bắt đầu bằng một nhận lời mời của hoàng đế Francois II, du hành qua Vienne: một thái độ ân cần, hầu như một thách thức đối với vua Áo, tượng trưng cho phái bảo thủ, đã vô hiệu hoá tạm ước giữa vua Pháp và các nước chư hầu, và trước tiên là dự định trở về Roma.
Như vậy đức Pie VII, ngày 3 tháng 7 năm 1800 trụ trì tại Roma, theo lời mời của Ferdinand IV thành Naples, người đang chiếm cứ thành phố.