CHƯƠNG XII
CÁC GIÁO HỘI THEO
NGHI LỄ BYZANTIN TẠI XỨ
CÁC DÂN TỘC SLAVES ÐÔNG PHƯƠNG.
I. HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ VÀ GIÁO TRIỀU Ở THẾ KỶ XV.
Trước công đồng Florence, các giáo phận của người Slaves đông Phương gồm một vùng riêng, chỉ những nhà cai trị Hy Lạp và những người Tây Phương láng riềng biết đến mà thôi. Ngược lại, vào thế kỷ thứ XV, cộng đoàn kitô ở các nơi khác bắt đầu lưu ý đến sự phát triển chính trị và giáo ở Lemberg, đại diện cho vị sứ thần Tòa Thánh và là bạn cũ của giám mục chính Giáo Triều của phần đất Âu Châu Ðông Phương ấy. Về phương diện chính trị, trọng tâm của nước Russia (nguồn gốc của nước Nga) mà trục Bắc Nam đi từ Novgarod đến Kiev, di chuyển về trung tâm của nước này. Công quốc nhỏ bé Moscou sẽ đóng một vai trò có ưu thế ngay khi nền thống trị của người Tartare (Mông Cổ Thổ Nhĩ Kỳ) suy yếu đi. Sự bành trướng lớn lao thứ nhất của họ là thời đại Ivan III (1462-1505); về sau đất đai ấy sẽ trở thành đế quốc của những người Romanov đầu tiên, mà Âu Châu sẽ gọi là Moscovie trong một thời gian dài. Danh xưng "Russie" thực tế hơn, dịch từ chữ Russia, được dùng chính thức dưới triều vua Pierre le Grand, để cho tất cả đất đai của nước "Russia".
Vào khoảng cuối thế kỷ XV, biên giới Tây Nam của đế quốc Moscovie cho gần tới trung lưu của sông Dniepr. đất đai của nước Russie Blanche (Bạch Nga) và của nước Petite Russie (Tiểu Nga) gần như sáp nhập hoàn toàn vào lãnh thổ công tước Lituanie. Từ 1386 miền này được mở rộng ra về phía Nam, theo chính sách của triều đại thời ấy, và liên minh chặt chẽ với vương quốc Ba Lan đến độ sau 1569, miền ấy, trên thực tế, thuộc về nước Balan. Cho cuối thế kỷ XVIII, vào lúc có sự phân chia nước Ba Lan, tất cả những giáo phận byzantins của lãnh thổ Lituanie cũ mới thuộc về đế quốc Nga. Những giáo phận đông Phương ở Galicie (gọi theo thành phố của tòa giám mục Halytsi, ở Tây Nam của vùng Lwberg hay Lwow) thuộc về nước Ba Lan từ thế kỷ XIV, lúc này sáp nhập vào lãnh thổ nước Áo. Ði đôi với cái cảnh trí rất phức tạp này còn có một danh mục rối ren, đôi khi được Giáo Hội xử dụng. Trong những tài liệu Roma từ Rutheni (dân của nước Russia) thường được dùng vào thế kỷ XVII, trong những hồi ký viết về các cuộc hành trình, để chỉ người Russia (Nga) ở Moscovie. Về sau từ ấy mỗi ngày trở thành phức tạp và mơ hồ hơn, để chỉ những người công giáo Slaves theo nghi lễ Ðông Phương của miền Pologne - Lituanie và các vùng lân cận. Tên gọi "Ukraine" được dùng về sau để chỉ các nước khác nhau ở các biên giới. Vào thế kỷ XVII danh từ ấy dành riêng cho lãnh thổ giới hạn không rõ ràng của nước Petite Russie. Từ ngữ Ukraine được dùng rất muộn về sau (1).
Chắc chắn là những bang giao thay đổi không ngừng, và hầu như luôn luôn căng thẳng, giữa miền Moscovie và miền Pologne - Lituanie không cắt nghĩa được tất cả mọi va chạm tự ái về tn giáo cứ tái hiện theo định kỳ. Một quan niệm chính xác về hoàn cảnh chính trị và địa lý điều cần thiết để hiểu ít ra một vài cuộc xung đột quan trọng đã nảy sinh trong lòng Giáo Hội.
Vào thời kỳ công đồng Florence và từ hơn một thế kỷ, các giáo chủ Kiev nói chung thường đặt nhiệm sở tại Moscou. Là những người kế vị hợp pháp của các vị giáo chủ đã đóng ở tòa xưa nhất của nước Russie (Nga), họ còn giữ tước hiệu truyền thống. Nhưng nếu tất cả các giáo phận của người Slaves ở Ðông Phương trên nguyên tắc đều ở dưới quyền của họ thì trên thực tế không phải như vậy. Người ta còn ghi nhận: trong lãnh thổ Lituanie, có nhiều giáo phận ở các tỉnh đã được thành lập vào thế kỷ XIII mà không có sự thỏa thuận của Constantinople. Những tàn tích của các giáo phận này, hoặc được coi như những dấu vết của những tòa không còn nữa, hoặc được kể là một nhân tố quan trọng trong việc thành lập những thể chế của Giáo Hội qui nhất (với Roma). Ðồng thời, chúng là một lý do căng thẳng giữa giáo dân Chính Thống ở Pologne-Lituanie và Giáo Hội ở Moscou.
Không cần biết rằng các kitô hữu sống trên những lãnh thổ Nga, mà vào thế kỷ XV thuộc về lãnh thổ Lituanie, có nhớ hay không rằng: vào thời kỳ thứ nhất của Kitô giáo ở Kiev, các biên giới về phía Ðông và phía Tây không được hoạch định rõ ràng. Những người latinh và những người Slaves theo nghi lễ Byzantin sống bên cạnh nhau đã quen với sự sống trà trộn ấy. Về sau, người ta còn thấy những ảnh hưởng latinh gốc Ba Lan ngay tại những môi trường kỳ thị Công Giáo. Chẳng hạn, thần học ở Kiev vào thế kỷ XVII đã chịu nhiều ảnh hưởng của Ba Lan. Vào thế kỷ XV, những kitô hữu của cả hai nghi lễ sinh sống trên những lãnh thổ nằm giữa lãnh thổ Lituanie xưa và lãnh thổ Moldavie còn xa lạ nhau hơn những người ở hai bên bờ vịnh Adriatique. Mặc dù tính tự tôn mặc cảm của người latinh đã biểu lộ ra trong những sắc lệnh của các vị giáo hoàng Innocent III và Innocent IV, người Ý còn nhớ đến địa vị quan trọng lịch sử của ngành byzantin trong cộng đoàn kitô hữu.
Hoàn cảnh ở Ba Lan, giống như hoàn cảnh trong nước của dòng họ Habsbourg, thì hoàn toàn khác. Nếu dân chúng và hàng giáo sĩ cấp dưới vốn có óc khoan dung tự nhiên nào đó thì trái lại những người lãnh đạo và các vị giám mục không sẵn sàng chấp nhận chính sách thông cảm đối với những kitô hữu Slaves theo nghi lễ Byzantin. Nhiều thế kỷ trôi qua, trước khi những người trong phong trào đại kết chứng minh rằng: tất cả lịch sử của thời Trung Cổ không cho thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ Giáo Hội ở Kiev đã cố ý đứng về phía các Thượng Phụ vào lúc quý vị này đoạn giao với Rome. Thời ấy, những người latinh sống trong vùng coi đó như một thái độ ly khai.
Hơn nữa, ý thức về tính ưu việt latinh của người Ba Lan tăng lên không ngừng kể từ khi quốc gia vượt qua mọi chướng ngại và thành một nước độc lập, hướng về phía Tây Ðức. Việc latinh hóa Giáo Hội là một trong những hậu quả quan trọng.
Cho đến giữa thế kỷ thứ XI, mới có hàng giáo phẩm "Slave-romanie" bên cạnh hàng giáo phẩm latinh. Mãi về sau, trong miền Cracovie người ta còn duy trì những nghi lễ bằng tiếng Slaven Tây Phương, đến từ Bohême và giống như nghi lễ bằng tiếng glagolithique ở Croatie. Người ta cử hành thánh lễ bằng ngôn từ phụng vụ quen thuộc, tiếng của những người kitô hữu theo nghi lễ byzantin của nước Russia xưa. Vào khoảng 1400, nghi lễ đó được phát triển một lần cuối cùng, làm ngăn trở mọi chương trình thống nhất phụng vụ với những người latinh không phải dân Slave. Trong nhiều thế kỷ, những sử gia Ba Lan tuyệt nhiên không biết gì về nền văn chương đó trong lịch sử của họ (2). Cũng như vấn đề chính trị, các ý niệm về mối tương quan nhân chủng, giữa những người Ba Lan và những người Slaves láng giềng, không ảnh hưởng gì trên Giáo Hội. Có sự đối lập giữa những người Ba Lan và những người không phải Ba Lan, hay trên bình diện tôn giáo, giữa những người latinh được xác nhận là Công Giáo và những người khng phải latinh.
Ðàng khác, hoàn cảnh đó tán trợ việc Ba Lan hóa liên tục, song song với việc latinh hóa có lợi cho giới quí tộc nắm quyền cai trị: không có giai cấp trung lưu ở Galicie và trong những lãnh thổ về phía Ðông của nước Ba Lan, và như vậy giai cấp quí tộc có nhiều ưu thế. Hơn nữa số những giáo phận không theo nghi lễ Ðông Phương giảm sút đi. Những cộng đoàn quy nhất (uniates) được thành lập vào cuối thế kỷ XVI ở Ba Lan và trong những nước thuộc dòng họ Halsbourg, hãy còn chậm tiến. Những người công giáo chân thành ấy thường bị chính quyền và cả các giám mục latinh đối xử như những công dân và người công giáo hạng hai (trường hợp này sẽ còn thấy dưới thời vua Francois Joseph ở Hongrie, và ở nước cộng hòa Ba Lan dưới thời Pilsudski!). Vào thế kỷ XVII, ở Lituanie những người chính thống giáo cương quyết tranh thủ cho được những qui chế khả quan hơn những qui chế của những người quy nhất tại Ba Lan.
Trong những công quốc nhỏ bé, cấu thành trung tâm sẽ là nước Moscovie sau này, Giáo Hội lệ thuộc Constantinople cho đến nỗi các giáo chủ được các thượng phụ bổ nhiệm đều là người Hy Lạp, trừ một vài ngoại lệ, và những trách móc xưa kia của người Hy Lạp chống lại người latinh luôn được khơi dậy tại Moscavie. Ngay trước 1300 người ta đã dịch cuốn sách hy lạp, tựa đề Pedalion (quy tắc tôn giáo và chỉ thị) ra tiếng Slave (Kormtsjaja kniga), chứa đựng nhiều đoạn chống Tây Phương. Nhưng vào thời đó, bản văn ấy chỉ được một số nhỏ người biết đến mà thôi. Những người latinh hay "Francs" trong cuộc viễn chinh lần thứ tư của Thập Tự quân đã trở nên kẻ thù thật sự của người Hy Lạp. Những người Slaves ở phía Ðông cũng biểu lộ sự chống đối như thế đối với những người Ðức và Thụy Ðiển đến xâm chiếm, họ cũng là những người latinh bị công tước Alexandre Newoky đánh bại vào khoảng giữa thế kỷ XIII. Theo sau thời kỳ xâm chiếm ấy, dưới thời Tartare, có sự đoạn giao về mọi mặt giữa Moscovie và Tây Phương. Bầu khí chống latinh đã không biến mất, mà những sự xích mích truyền thống lại tái hiện nhiều hơn, vì lý do chính trị chứ không phải vì vấn đề giáo lý. Chỉ dưới thời Photius (1408-1431) khi hiệp ước liên minh giữa vị giáo chủ và vị công tước ở Moscou được ký kết, thái độ chống Tây Phương cũng là chống latinh, đã thành một hệ thống. Mạnh dạn vì đã trở nên quan trọng, Moscou giữ thế thủ đối với những người ngoại quốc, đối với tôn giáo và văn hóa của họ, một sự chống đối kiên trì trong suốt thời kỳ chúng ta đang học hỏi. Trong khi ấy thì chính sách của những nhà lãnh đạo lại cởi mở để đón nhận những sự cầu thân của Tây Phương. Cũng vào thời kỳ ấy, người anh hùng Alexandre Newsky được tôn sùng như một vị thánh của quốc gia.
Giáo Hội Moscou đã giữ một vai trò quan trọng trong sự thống nhất của vùng Moscovie. Như một quốc gia, Moscou ý thức về vai trò quan trọng của mình, cương quyết bảo tồn niềm tin tưởng đã có từ thời Tartare, và tự thấy có sứ mệnh bảo vệ Chính Thống Giáo. Vấn đề này đã được phổ biến trong những tác phẩm tán dương người Slave vào thế kỷ XIX. Các tác giả thường diễn tả các truyền thống chính đáng của cộng đoàn kitô Nga, cách họ cắt nghĩa đơn giản về Thánh Kinh và tình yêu đầy lòng khoan dung của họ, tránh xa những phiền toái về giáo luật và về thần học, không thích hợp với Chính Thống Giáo Hy Lạp theo nghi lễ byzantin. Ðó là những nét đặc thù của Chính Thống Giáo Nga, nhưng đừng nên xem đó như những tính chất quyết định. Lịch sử của việc tổ chức bên ngoài Giáo Hội và lịch sử của những trào lưu tôn giáo tại nước Russie Moscovite phức tạp hơn nhiều, đầy những căng thẳng gây nên do sức ép của nhiều thay đổi liên tục và khó xác định. Vào thời kỳ chúng ta đang khảo sát, có hai cuộc tranh luận lâu dài đã bùng nổ. Người ta gọi đó là cuộc tranh luận của "Nil de Sora và Joseph de Volokolamsla" vào thế kỷ XVI, và cuộc tranh luận của "những người có đức Tin cũ" và những người theo phe thượng phụ Nicone vào thế kỷ XVII. Trong cả hai trường hợp, những người đại diện cho chính quyền Nga được thần tượng hóa bởi những người ái mộ dân Slave thua cuộc, còn những nhà lãnh đạo của Chính Thống Giáo Nga lại được suy tôn bởi những người thắng cuộc
II. KHAI SINH TỔNG GIÁO PHẬN MOSCOU.
Isidore, giáo chủ ở Kiev, người gốc Hy Lạp và không biết nói tiếng địa phương. Khi vị giáo chủ này đến nhiệm sở Moscou sau công đồng Florence không bao lâu, và muốn thi hành sắc lệnh có liên quan đến công cuộc thống nhất, ngài bị công tước Basile II hạ ngục. Ngài thoát được, có lẽ nhờ sự tiếp tay nào đó, và chạy qua một lãnh thổ khác. Dù có nhiều giám mục theo nghi lễ Ðông Phương ở Pologne-Lituanie sẵn sàng đón nhận Isidore như vị giáo chủ của họ, ngài cũng không thể lưu lại ở Lituanie được, bởi vì giáo hoàng Eugène IV và công đồng thống nhất không được lòng những người latinh. Casimir, vị vua trẻ và là công tước trình bày vụ này lên ngụy giáo hoàng Félix V. Isidore đi Rome và ở đấy cho tới khi chết vào năm 1463 sau khi đã hoàn tất nhiều sứ vụ (nhưng không phải ở xứ sở những người Slaves Ðông Phương).
Khi chống đối Isidore, Basile II muốn gạt ra khỏi công quốc của mình và ra khỏi Giáo Hội mọi can thiệp nguy hiểm của ngoại quốc. Vị công tước này được hàng giáo sĩ và dân chúng ủng hộ. Họ xem những ảnh hưởng Tây Phương như là một mối nguy hiểm cho Chính Thống Giáo. Sự đối kháng với người Hy Lạp mỗi ngày một gia tăng và tạo sức ép trên thái độ của Basile II. đàng khác, Isidore, người ngoại quốc, đại diện phe Hy Lạp, đã bị tình nghi dưới thời Photius, vị tiền nhiệm của ngài, vị này công khai ủng hộ lập trường thân Tây Phương latinh. Ở Moscou, người ta biết rằng: trước công đồng Florence, Isidore, đặc sứ Hy Lạp ở Bâle, đã được thượng phụ Joseph bổ nhiệm giáo chủ để chuyên lo việc thống nhất mọi người đang mong đợi. Sự tuyển chọn ấy đã làm hụt chân Jonas di Riazan, ứng cử viên vào chức vị ấy trước Isidore từ lâu.
Sau vài năm rối loạn về chính trị, năm 1448, Basile II triệu tập một hội nghị với mục đích bầu Jonas làm giáo chủ, không có sự thỏa thuận của thượng phụ. Ai cũng biết, đây là sự vi phạm luật của Giáo Hội. Vào năm 1458, khi đối phương của công cuộc thống nhất thắng thế tại Constantinople, lập tức công tước và các giám mục tìm cách liên hệ lại với thượng phụ. Trên thực tế, hành động trong năm 1448 chống lại thượng phụ Grégoire Mammas và Isidore chính là muốn tỏ thái độ từ chối sự thống nhất với Rome. Ðó là lần thứ nhất một Giáo Hội Slave Ðông Phương từ bỏ mọi liên lạc với Rome bằng một hành động tích cực. Sự chống đối Tây Phương, không những khẳng định việc đoạn tuyệt với thượng phụ, mà theo Basile và Jonas, còn là phương cách làm cho ưu thế của Moscou, thời đó còn bấp bênh, trở thành hiển nhiên và mạnh mẽ. Như vậy, Tây Phương nguy hiểm được đồng hóa với Ba Lan và với Lituanie đã bị Ba Lan hóa. Tuy nhiên, đừng so sánh sự căng thẳng của thời kỳ chúng ta đang lưu tâm đến ở đây với sự căng thẳng giữa người Nga và người Ba Lan trong thế kỷ XIX. Những mối quan hệ giữa hai bên thay đổi liên tục cho tới những thời kỳ xáo trộn đầu thế kỷ XVII, và sự chống đối giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo bấy giờ chưa có những hậu quả như chúng ta sẽ thấy về sau.
Vừa đầy một năm sau hội nghị 1448, đã có một sự đổi chiều bất thường về chính trị: Casimir ký kết hiệp ước với công tước ở Moscou. Theo đó, đôi bên mặc nhiên thỏa thuận để cho Jonas yên ổn và tiếp tục giữ chức vụ giáo chủ tại Lituanie và Galicie, bên cạnh các kitô hữu theo nghi lễ Ðông Phương. Hai năm sau, vị giám mục latinh ở Wilno, chưởng ấn của Casimir, phê chuẩn thỏa hiệp này bằng một tài liệu viết tay. Jonas bổ nhiệm các đại diện của mình. Một giám mục trước kia được Isidore truyền chức, nay trở về chịu quyền của Jonas. Không có một thành phần nào trong các hàng giáo phẩm Ðông Phương ở Pologne-Lituanie có đủ uy tín làm cho tinh thần của công đồng Florence thắng thế. Tuy nhiên, Casimir và những người theo phe ngài công nhận giáo hoàng Nicolas V, nhưng họ vẫn đay ghét công đồng thống nhất của giáo hoàng Eugène IV, và vẫn nghi kỵ mọi hình thái byzantin của cộng đoàn kitô hữu.
Vài năm sau, tình thế thay đổi hoàn toàn. Rome có dự định bổ nhiệm một giáo chủ công giáo ở Kiev, để cuối cùng cứu vãn công trình thống nhất. Casimir ủng hộ dự án đó. Grégoire II, bạn cũ của Isidore, được bổ nhiệm làm giáo chủ Kiev. Ông đã từ bỏ mọi chức vụ khác. Việc bổ nhiệm ấy có những hậu quả quyết định đối với Giáo Hội Moscovie.
Vị tổng giám mục mới được mọi người đón nhận ở Pologne-Lituanie. Một vài giám mục trong miền Moscou cũng quy thuận quyền của ngài, bởi lẽ chính ngài trước kia đã được thượng phụ Grégoire Mammas truyền chức giám mục. Casimir thúc dục công tước Basile (không vì mục đích thuần túy tôn giáo) vận động cho dân Moscovie thừa nhận đức Grégoire làm giáo chủ, thay thế Jonas được chọn lựa bất hợp pháp. Về phía ngài, Grégoire có thể đề cao tính cách hợp pháp của mình, vì đây là điểm quan trọng ở Ðông Phương. Nhưng lập tức tại Moscou, người ta quyết định dứt khoát chống lại sự bổ nhiệm Grégoire. Công tước và giáo chủ của ông thật sự không vận động gì nhiều để được thượng phụ đang vô cùng bối rối thừa nhận Jonas. Nhưng hội nghị tôn giáo ở Moscou vào mùa thu 1459 quyết định tránh khỏi ách của Constantinople ngay cả trên lý thuyết. Jonas và những người kế vị được tuyên bố là giáo chủ hợp pháp miễn là được công tước chuẩn nhận. Còn Grégoire, kẻ "lạc giáo", vị đại sứ của giáo hoàng, không có quyền được hưởng phẩm tước ấy. Lần này, các giám mục hiện diện (các giám mục ở Novgorod và ở Tver vắng mặt) đã thừa cơ bày tỏ mọi công phẫn đối với Roma. Ðàng khác, vấn đề sửa đổi các quan hệ với Constantinople được đặt ra, và có những lời tuyên bố rõ ràng rằng: thành phố ấy đã bị mất, nên vai trò của nó cũng chấm dứt, bởi vì những người Hy Lạp đã bỏ rơi giáo lý của Chính Thống Giáo. Ðó là nguồn gốc chủ đề được khai triển về sau: "Moscou, Rome thứ ba, thay thế Constantinople". Vị kế ngôi Jonas là người thứ nhất mang chức "giáo chủ Moscou".
III. GIÁO HỘI THEO NGHI LỄ BYZANTIN Ở POLOGNE-LITUANIE CHO ÐẾN HỘI NGHỊ THỐNG NHẤT Ở BREST
Grégoire II, được gọi từ lâu là tổng giám mục ở Kiev" và, theo truyền thống, vị tổng giám mục trong toàn nước Nga, tiếp tục điều khiển hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ ở Ðông Phương, trong những lãnh thổ thuộc về Lituanie và thuộc về Galicie ở Ba Lan. Có lẽ ngài đã nâng đỡ về mặt tinh thần phương án đáng tiếc của Casimir, muốn sáp nhập Novgorod và Tver vào Lituanie, là những vùng sau đó ít lâu, đã được Ivan III đặt hẳn dưới quyền của Moscou. Mưu toan Grégoire muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của tổng giáo phận không đạt được kết quả. Tuy nhiên, người ta có thể ngạc nhiên khi thấy Grégoire II đã chiều theo ý muốn của Casimir mà tỏ thái độ cứng rắn đối với Moscou. Casimir đã buộc ngài xin với thượng phụ Constantinople công nhận chức vị giáo chủ của mình. Dionystos, thượng phụ Constantinople, đã cho ngài được mãn nguyện. Mặc dù có những quan hệ thân thiện giữa Grégoire và thượng phụ Constantinople, Rome không bao giờ nghi ngờ sự trung thành của ngài trong công trình thống nhất. Không kể đến nguồn gốc chính trị, những mối liên hệ ấy có lẽ hợp với quan điểm của công đồng thống nhất Florence, là luôn tôn kính thượng phụ Constantinople, sự tôn kính đòi buộc bởi chính giáo luật, sự tôn kính đương nhiên của những người Slaves theo nghi lễ Byzantin sống ngoài lãnh thổ Moscovie (đi khi chống lại Moscou). Ðó là thái độ của những người theo phong trào thống nhất, trong thế hệ đến sau Florence.
Grégoire II không thành công trong việc thực hiện ở Pologne-Lituanie những dự định của công đồng Florence. Theo điều chúng ta hiểu biết về những hoạt động của những người kế vị đức grégoire, chúng ta có thể nói: các ngài đã kiên trì trung thành với Giáo Hội Tây Phương. Mãi một thế kỷ rưỡi sau công đồng Florence, tại hội nghị thống nhất Brest-Litowsk, vị tổng giám mục Kiev mới làm tròn vai trò mà các giáo hoàng Calixte III và Pie II đã chỉ định cho ngài ở nước Ðại Ba Lan. Trước thời kỳ đó, thiếu những điều kiện chủ yếu để thành công.
Sau khi Grégoire tạ thế (1472), tổng giáo phận Kiev trở thành bàn đạp giúp vua Casimir và con trai của vua là Alexandre, thực hiện những mục tiêu chính trị: việc xác nhận sự chọn lựa Siméon, người kế vị thứ hai của Grégoire, họ chỉ xin Constantinople, chứ không xin Rome. Và tục lệ này được coi là hợp lệ cho đến cuối thế kỷ XVI. Tuy nhiên, mấy vị tổng giám mục, kể cả Jonas II (1502-1507), vẫn muốn hiệp nhất với Roma. Do đó mãi về sau tổng giáo phận mới thực sự được gọi là Chính Thống, cho dù vẫn có một cách xử thân thiện nào đó với Roma. Trong thời kỳ khó khăn thứ nhất, Roma dường như đã quên Giáo Hội Hiệp Nhất ở Pologne-Lituanie. Sau giáo hoàng Pie II, Roma quan tâm đặc biệt đến việc thân thiện với Moscovie là đồng minh cần thiết để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thống nhất Giáo Hội lúc ấy có hy vọng thực hiện được. Ðức giáo hoàng Sixte IV còn đích thân thu xếp hôn lễ cho công tước Ivan III, góa vợ, cưới công chúa Hy Lạp Zoé Paléologne (Sophie tại Russie). "Hôn lễ ủy quyền" (mariage par orcuration) đã ký kết tại Roma năm 1472. Nhưng không có một thành quả hiệp nhất nào như đã mong ước, ngoài việc công tước Ivan III coi đó như một thắng lợi mới về chính trị. Dầu vậy, sự tiếp xúc ấy là khởi điểm cho nhiều liên lạc khác sẽ có dưới thời những người kế vị Ivan. Roma tìm cách chinh phục Moscou theo những dự án viễn chinh tôn giáo của mình; Moscou xin Roma cung cấp cho nhiều kiến trúc sư và nghệ sĩ. Năm 1561, vào thời gian cuối cùng của công đồng Trente, đức giáo hoàng Pie IV đã gởi thư mời vua Ivan IV đến dự, nhưng vô hiệu quả. Về sau sẽ có vấn đề tiếp xúc giữa Ivan IV và Vatican trong những năm 1581-1582.
Những liên hệ giữa Roma và tổng giáo phận Pologne-Lituanie suy giảm rất nhiều trong tất cả thời kỳ chuyển tiếp này. Misail Prutsky, giáo chủ công giáo được mọi người tín nhiệm, là người kế vị đầu tiền của Grégoire. Cùng với mấy tu viện trưởng và nhiều người quí tộc Lituanie, ông đã đệ một lá thơ sang đức giáo hoàng Sixte IV. Nội dung của lá thơ gồm bản tường trình về công đồng Florence và nhiều lời ta thán về những người latinh ở Pologne. Người ta không biết bức thơ ấy có được phúc đáp hay không. Lá thư phản ảnh những vụ căng thẳng vào thời đó giữa người latinh và người chính thống giáo, giữa người công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau. Vào năm 1501, khi tổng giám mục Joseph Bulgarynowitch chưa được giáo triều biết đến chính thức, gởi một thư cho đức giáo hoàng Alexandre VI để xin được nhìn nhận vào cộng đoàn của Giáo Hội Roma cũng nhắc lại mấy điều trách móc. Mưu toan ấy bị ngăn chặn bởi những lời bóng gió của các người latinh Ba lan và Lituanie, họ chống lại người đồng bang chính thống giáo của họ: họ khẳng định rằng bí tích rửa tội và bí tích xức dầu do những người Hy Lạp cử hành đều không thành, và đây là điều mà tổng giám mục Misail đã bác bỏ 25 năm trước. Nhưng trái lại, các tu sĩ Phanxic ở Ba Lan chủ trương rằng "các bí tích ấy hiệu lực". Những nhà thần học quá hăng ở Cracovie không biết đến Florence theo truyền thống, là những phát ngôn viên chính của phe chống đối, giống như trong các thập niên trước (3). Người ta ngạc nhiên thấy rằng Roma, thay vì nhận định những kết luận thực tiễn của công đồng Florence, lại đưa toàn thể các vấn đề ra cứu xét kỹ lưỡng, rồi đức Alexandre VI công nhận các bí tích nói trên có hiệu lực. Cho dù có quyết định ấy, những bàn cãi về bí tích xức dầu theo nghi lễ Ðông phương còn được khơi lại nhiều lần bởi các nhà thần học latinh cho đến thế kỷ XVIII, trong khi những luật phụng vụ Roma cấm cử hành nhiều lần bí tích xức dầu cho một người. Riêng về điểm này người ta nhận thấy có nhiều nhân nhượng. Dường như đức giáo hoàng không bao giờ trả lời cho tổng giám mục Joseph.
Các thượng phụ công giáo ở Constantinople và các giám chức latinh ở Roma không thấy có lợi gì để quan tâm đến Giáo Hội ở Kiev vào thời đó. Cuộc tranh luận về bí tích rửa tội và bí tích xức dầu cho thấy rắng các nhà lãnh đạo latinh ở Pologne-Lituanie không hiểu biết rõ ràng Giáo Hội địa phương của mình. Chính họ nghi ngờ nhiều tập tục khác nhau của địa phương. Trong thơ gửi cho Jean de Capistran, Casimir viết: chỉ nguyên nghi lễ của họ cũng đủ làm cho những kitô hữu ở Roma xa lánh họ. Vì thái độ ấy cũng như vì đường lối chính trị vô trách nhiệm của vua, sự khác biệt rất tế nhị giữa những người chủ trương hợp nhất và những người chính thống giáo không còn nổi bật và hiển nhiên đối với những người ngoại quốc nữa; và người kitô hữu trong giáo phận Kiev chỉ tìm thấy phương tiện để củng cố truyền thống của mình nơi những người Ðông Phương không công giáo. Như vậy, sau cuộc nổi dậy vào năm 1481, ở Kiev và ở phía Bắc thành phố, những biện pháp được Casimir xử dụng và được gọi là "biện pháp Thổ Nhĩ Kỳ", cấm người chính thống xây cất những nhà thờ mới bằng đá và cấm sửa chữa những nhà thờ cũ đổ nát, cùng những biện pháp khác, đã làm hại cho cộâng cuộc Hiệp Thông hơn là cho Chính Thống Giáo. Khi những biện pháp này được bãi bỏ vào năm 1504, thì không còn vấn đề một cộng đồng Hiệp Thông đóng kín nữa. Hàng giáo phẩm latinh còn tìm cách áp đặt các biện pháp này (và còn một lần nữa giữa hai cuộc thế chiến).
Ðể con mình chắc chắn được kế vị, năm 1522 Sigismond II bó buộc phải hứa với giới quí tộc Lituanie nghiêng về Ba Lan: chỉ những người Lituanie theo Công Giáo Roma (hiểu ngầm những người latinh) mới có quyền được xung vào những chức vụ quan trọng. Dù sự hạn chế ấy đã bị bãi bỏ nhanh chóng do một cáo đơn của những người quí tộc Ba Lan mới theo Giáo Hội Tin Lành, khuynh hướng ấy còn được biểu lộ ra nhiều lần. Và chính sách Ba Lan hóa các tầng lớp lãnh đạo trong nước, bắt đầu từ năm 1400, vẫn tiến hành. Vào thời đó, Giáo Hội ở Kiev mang một nhược điểm lớn: trình độ học vấn của hàng giáo sĩ quá thấp kém. Ngoài Moscou ra, người ta không thể tìm thấy trong hàng giáo phẩm và trong các tu viện, một nhân vật nào có khả năng điều khiển. Những cuộc tranh cãi vô bổ giữa các giám mục về những vấn đề thẩm quyền cũng làm tổn thương các phụng hội giáo dân, và nhất là cho sinh hoạt của phụng hội "được miễn trừ" ở Lwow. Những người quí tộc trung thành với Chính Thống Giáo, ra mẫu mực cho đời sống tôn giáo và một số người không có chức thánh cũng được nhà vua bổ nhiệm làm giám mục. Việc khi phục Giáo Hội ở Kiev, vào khoảng năm 1600, cho thấy Giáo Hội này hãy còn nhiều sức sống. Tuy nhiên, vào thế kỷ trước, Giáo Hội ấy không hề có một sinh hoạt giống như sinh hoạt của Giáo Hội ở Moscovie thời đó.
IV. GIÁO HỘI MOSCOU VÀO THẾ KỶ XVI - VIỆC THIẾT LẬP CHỨC THƯỢNG PHỤ - CUỘC TRANH LUẬN VỀ ÐỜI SỐNG TU HÀNH.
Dưới triều đại Ivan III (1462-1505) công quốc lớn Moscou, cho đến lúc đó, chỉ là một tiểu nhược quốc có nhiều dự mưu khác nhau và muốn bành trương quyền bá chủ trên những vùng lân cận. Công quốc ấy sau biến đổi và trở nên trung tâm một đế quốc chạy dài cho đến bể Blanche và sông Oural. Khi Boris Godounov chết (1605), là lúc khởi đầu những vụ "biến loạn", đế quốc Moscou chạy dài đến tận Astrakan, từ miền châu thổ sông Volga, với "Ukraine', đến phía Ðông của dãy núi Oural. Tổng giám mục là người lãnh đạo Giáo Hội đó, và về sau trở nên thượng phụ Moscou. Trên lý thuyết ngài ngang quyền với vị lãnh đạo dân sự, nhưng thường được đặt dưới quyền của vị này, hiển nhiên ngài là vị giám mục có ảnh hưởng nhất trong đế quốc. Theo gương đế quốc Byzantin vào thời kỳ có cuộc "tranh cãi về các tượng thánh", và dù hình thức tôn giáo chưa được cố định trong quốc gia mới này, lúc đó người ta thấy những quan hệ giữa Giáo Hội và quốc gia được phát triển trong sự hợp tác hài hòa. Tình trạng này bền vững cho đến giữa thế kỷ XVII. Với tư cách là người che chở Giáo Hội, các vị công tước hiểu rằng sau khi Constantinople thất thủ, vai trò của các hoàng đế Roma Ðông Phương thuộc về họ. Bằng chứng lịch sử được nêu ra là cuộc hôn nhân của Wladimir I người Kiev và Anne, em của các hoàng đế Byzantin Basile II và Constantin VII Porphyrogérite, hơn là hôn phối của Ivan III và công chúa Zoé hay là Sophie. Tây phương không phải không biết những yêu sách ấy: Năm 1519, đức Léon X đề nghị trao vương miện cho Basile III và hứa với vị này sẽ đặt chức thượng phụ biệt lập cho Moscou nếu Basile III cam kết khi phục lại Constantonople, di sản của ngài. Tước hiệu "Tsar" được dùng một thời gian, đã thay thế cho tước hiệu "César" hay "roi" mơ hồ hơn. Vả lại, từ ấy được dịch ra tiếng slave từ chữ "basileus" Hy Lạp. Tước hiệu "tsar" được dùng vào thời Ivan III và vào thời Ivan IV, có biệt hiệu là kẻ ghê gớm (1533-1584. Tước hiệu ấy có nghĩa là "hoàng đế", kể từ năm 1547 là năm vị công tước được tổng giám mục tấn phong một cách trọng thể. Mãi đến năm 1562 thượng phụ Constantinople mới bất đắc dĩ phải công nhận tước hiệu hoàng đế mới mẻ này. Basile III có ý thực hiện một đế quốc Roma thứ ba, như tu sĩ Philothée ở Pskov đã nói vào chính triều đại của vua: "Và bây giờ tỏa sáng khắp hoàn cầu, chói lọi hơn mặt trời, Giáo Hội thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của đế quốc Roma thứ ba mới, đế quốc hùng mạnh của ngài... và sẽ không có một đế quốc thứ tư nữa". Quan niệm ấy được chuyển vị một cách tự nhiên trên bình diện tôn giáo, nhưng cho đến ngày nay, nó luôn là nguồn gốc những vụ căng thẳng giữa các đoàn thể tôn giáo ở Moscou và chức thượng phụ ở Constantinople.
Hoàn cảnh này cắt nghĩa việc nâng chức tổng giám mục ở Moscou lên chức thượng phụ. Cơ hội giúp cho sự thay đổi về tôn giáo sâu xa này đã xẩy ra vào dịp Jérémie II, thượng phụ Constantinople đến kinh lý Moscou và nhiếp chính vương Boris Godounov đã khéo léo ép ngài ưng thuận (1589). Sau nhiều lần tranh luận dài, việc bổ nhiệm ấy được tất cả các vị thượng phụ Ðông Phương phê chuẩn vào năm 1598. Theo số xếp hạng, chức thượng phụ mới này đứng vị sau cùng, trái với ý muốn của Moscou là mong giữ địa vị thứ nhì liền sau Constantinople.
Giống như vào thời nước Russia ở Kiev, việc lãnh đạo Giáo Hội ở Moscovia, luôn luôn lớn mạnh và trở thành trung tâm của đời sống tôn giáo, là nhờ gắn liền với đời sống của các tu viện, theo truyền thống tốt nhất của Chính Thống Giáo. Sau thời đại bá chủ của người Tartare, những tu viện này có một thời kỳ phát triển nhờ những công trình sáng lập của thánh Serge de Radonège và của người môn đệ danh tiếng là thánh Cyrille du Lac Blanc (Bel Ozéro). Bởi thế, đừng xem những cuộc tranh luận giữa môn đệ của Joseph de Volokolamsk và môn đệ của Nil de Sora (những vị lãnh đạo tôn giáo đã được phong thánh) như những cuộc tranh cãi thông thường giữa các tu sĩ. Vào khoảng 1500, cũng như trước và sau thời kỳ ấy, Chính Thống Giáo ít chấp nhận sự khác biệt thật sự giữa lý tưởng đời sống tu trì của các tu sĩ với lý tưởng của những người thế tục sống trong sự kính sợ Thiên Chúa, vì đời sống truyền thống của các tu viện ở Ðông Phương kitô không bao giờ mang tính cách giáo sĩ, (đây là điểm độc đáo của văn hóa Tây Phương thời Trung Cổ). Chỉ một vài tu sĩ thôi (không nhất thiết là vị bề trên) được phong chức linh mục để cử hành lễ Misa. Những tu sĩ Ðông Phương thường bị đặt trước vấn đề là đến mức nào họ phải tham dự vào đời sống tu viện, và họ phải đóng một vai trò tích cực ở đấy hay không. Có những lối giải đáp rất khác nhau trong các tu viện ở Kiev. Vào thời kỳ còn đang tổ chức quốc gia và Giáo Hội ấy, những điểm dị đồng đưa đến một cuộc xung đột không tránh được. Ðó là nguồn gốc thật sự về mọi căng thẳng làm xáo trộn Moscovie và những lãnh thổ được đặt dưới ảnh hưởng của nước này, cho đến hậu bán thế kỷ thứ XVI. Cuối cùng, vấn đề trở thành một cuộc xung đột về tôn giáo.
Nil de Sora (mất năm 1508) đã thất bại, và ngay cả tiểu sử của ông cũng không còn. Các môi trường Chính Thống Giáo thực thụ, trong một thời gian dài, xem Nil de Sora như người đại diện thiển cận cho một truyền thống tu viện ở vùng tỉnh. Sự phán đoán ấy thay đổi hoàn toàn vào thế kỷ XIV. Ngày nay, Giáo Hội Nga, công khai tôn kính ngài như một vị thánh. Quan điểm của dân chúng tưởng đã tìm lại được ở thánh nhân sự giản dị trong Thánh Kinh của "nước Nga thánh thiện", không chứng minh được hoàn toàn. Sự cao cả về nội tâm của ngài đã biến ngài thành một nhân vật đặc biệt phức tạp. Không ai biết được như ngài về văn học tôn giáo cổ xưa và truyền thống mới mẻ về thuyết tĩnh tọa mà ngài đã nghiên cứu trong thời gian trú ngụ tại Mont Athos, sau khi đã qua vài năm ở tu viện Cyrille. Với biệt tài nhận định các vấn đề, ngài mượn của nhà dòng này những yếu tố cần thiết để làm thành qui luật cách cư xử và học thuyết riêng của mình, trong đó tất cả đều qui hướng về Thiên Chúa. Qui luật này khó giữ cho các tu sĩ cũng như cho người thế tục mà ngài hướng dẫn và họ xem ngài như "starets" (nhà tiên tri) của họ. Qui luật ấy phải được theo với tất cả sự tự do nội tâm. Những hậu quả cực đoan và đôi khi lạ lùng mà Nil tưởng có thể tạo được, chống lại quan niệm của vị công tước, và quan niệm của phần đông những người đồng thời với ngài.
Sau khi trở về tu viện Cyrille ít lâu, Nil cũng như nhiều tu sĩ khác trước và sau ngài, lui về một tu viện nhỏ gần con sông Sora. Trong miền này, về phía Bắc thượng lưu sông Volga, sự liên hệ truyền thống giữa tu viện chính và những tu viện nhỏ là một hiện tượng thường thấy. Những môn đệ muốn ở dưới quyền lãnh đạo của ngài tức khắc tìm đến ngài. Về sau ngài cho phép họ đến ở trong vùng lân cận, nhưng không nhận làm bề trên của họ. Văn bản về "Qui luật" của Nil không rõ ràng và chỉ được truyền khẩu lại, không cho biết rõ ngài có hoàn toàn lên án cách tu tập thể hay không. Ngài nghĩ rằng đời sống tập thể, mà Basile ở Ðông Phương và Benoit ở Tây Phương cho là nền móng bình thường và lành mạnh của đời sống của các tu sĩ, chính là một hình thức không hoàn toàn về sự tự do tinh thần mà ngài rao giảng. Bởi vậy, tuy không làm dịu được những cuộc tranh cãi về tôn giáo, ngài đã qui định tỉ mỉ sự ăn chay trong các tu viện, lập ra những qui luật phụng vụ chung mà ngài muốn được thấy cử hành một cách giản dị và chặt chẽ. Ðây là điều hiếm có trong Chính Thống Giáo. Người ta đã trách cứ Nil và những người theo phe ngài, là đã che chở cho những người lạc giáo. Những giáo phái du nhập vào nước Nga một cách dễ dàng. Giáo phái Strigolniki và giáo phái "Judaisants", mới hơn, được thành lập dựa trên lý trí và đối lập với tổ chức giáo sĩ, có nhiều điều giống với những trào lưu tương tự mà người ta tìm thấy ở Âu Châu Tây Phương vào thời đại này. Có lẽ Nil đã đặt nhiều quan trọng vào cảm xúc mục vụ và vào yếu tố tâm lý hơn là vào những qui luật hiện hành. Ngài đã chống đối bạo lực của các tiên tri trong Cựu Ước, thứ bạo lực xui khiến Joseph de Volokolamsk truy tố những người ly khai và thúc đẩy chính quyền kết án họ.
Vì bị thu hút bởi cá tính đầy nghị lực của Nil de Sora, người ta không còn lấy làm quan trọng những ý kiến và những can thiệp của Joseph (1440-1515).
Quan niệm của Joseph de Volokolamsk về hoạt động thiêng liêng có lẽ ít sâu xa hơn quan niệm của nhà ẩn tu bên bờ Sora, nhưng chắc chắn là rất thành thực. Ngài được đào tạo trong một cộng đoàn cũ có từ thời thánh Serge, nhưng khi ngài nhận thấy có sự buông lỏng về tinh thần nguyên thủy, ngài lập ra ở phía Tây Bắc Moscou tu viện khổ hạnh Volokolamsk, chủ yếu là tu tập thể và sống đức vâng lời rất chặt chẽ. Cơ sở do Joseph sáng lập và cơ sở các tu viện khác được cải tổ lại cho đồng nhất. điều đáng chú ý hơn là từ thánh Serge những tu viện ở Moscovie đóng một vai trò chính trị, xã hội và kinh tế rất tự nhiên dưới mắt của Joseph. Với những đất đai rộng lớn và luôn được mở rộng thêm nhờ những tài sản mới được hiến tặng, các tu viện và các nông trại của tu viện, những tổ hợp nông nghiệp trồng trọt đất đai của Nga, vừa là một sự phụ giúp vừa là một gương sáng đối với những người dân quê (những hình thức nông nô cứng rắn nhất chỉ có ở nước Nga vào thế kỷ XVIII). Những tu viện tập thể khổ hạnh phải được xem như những vườn ươm hàng giáo phẩm cao cấp mà trước tiên là các giám mục. Họ được lựa chọn trong các tu sĩ còn tiếp tục sống đời tu viện (do đó trong Chính Thống Giáo có tục lệ là một người độc thân hay một người góa vợ, xin được khấn làm tu sĩ trước khi được chọn làm giám mục). Như thế, tu viện càng ngày càng liên kết với tổ chức của Giáo Hội, và nếu không có sự chấp thuận của công tước, thì không có giám mục nào được bổ nhiệm, công tước thường xen vào sinh hoạt của tu viện. Joseph cho việc can thiệp đó là chuyện tự nhiên, giống như những người đồng thời của ngài ở Tây Phương coi việc can thiệp của các hoàng thân vào công việc của Giáo Hội là chuyện bình thường. đối với ngài, điều quan trọng trước hết là các tu viện phải sinh hoạt tốt để làm cho Giáo Hội và hàng giáo sĩ thêm rạng rỡ. Người ta xuyên tạc sự thật lịch sử bằng cách đổ trách nhiệm cho ngài về những lối hành đạo của những người kế vị ngài hay về sự lẫn lộn tai hại giữa Giáo Hội và quốc gia. Sự kiện này đã thành qui luật ngay từ giữa thế kỷ XVII, và nhất là sau đời đại đế Pierre, khi những tu viện được đặt dưới quyền kiểm soát của quốc gia, và những tòa giám mục được trao cho hạng "tu sĩ nhà nghề" (moines de carrière), chỉ giữ lại trong đời sống tu viện sự độc thân và chiếc áo đen.
Năm 1503, tại hội nghị tôn giáo Moscou có Nil de Sora tham dự, sự tranh luận về đời sống tu sĩ đã đề cập đến vấn đề: "của cải tập thể được chấp nhận hay bị cấm đoán?". đối với Nil cũng như đối với Joseph, người tu sĩ, tự bản thân, phải giữ đức nghèo khó nghiêm túc. Nhưng Nil tỏ ý kiến không chấp các tu viện có tài sản, ông viện dẫn thánh Théodore tổ chức tu viện sống trong các hang đá ở Kiev (mất năm 1074), ngài bề trên cao cấp nhất của các tu sĩ ở nước Nga bấy giờ. Nil đã đề nghị đức nghèo khó tập thể bắt buộc. Joseph và nhóm của Nil chứng minh rằng ngay trong bản chất, đời sống tu viện đã công nhận tài sản của cộng đoàn, ngay cả khi tu viện được thiết lập trong các làng hoàn toàn nông dân. Tuy nhiên làm sao các tu viện hoàn tất nhiệm vụ của mình nếu không có tài sản chung? Nil trả lời rằng: tất cả những phiền nhiễu theo sau tài sản, và ngay cả bản chất của sự làm việc, sẽ làm ngăn trở người tu sĩ không giúp họ đạt tới mục tiêu đích thật của mình ngài tự tay chép những văn bản tu đức, công việc có hiệu quả nhất mà ngài có thể mong ước cho một tu sĩ). Tình yêu người đồng loại hay là sự thịnh vượng của Giáo Hội, không có thể là một lý do để làm hỏng ý nghĩa sâu xa của đời sống tu viện. Hai quan điểm khác nhau của Nil và Joseph về điểm này không thể dung hòa được, và phe của Joseph được công tước và phần đông các giám mục ủng hộ, đã thắng thế.
V. CHÍNH THỐNG GIÁO TẠI MOSCOU, SAU HỘI NGHỊ TÔN GIÁO NĂM 1503.
Trong nhiều thập niên sau khi hai nhân vật chủ chốt đã qua đời, những người theo tư tưởng của Joseph hay là những "sở hữu chủ" tranh đấu kịch liệt chống lại những tu sĩ "vô vị lợi" ở phía bên kia sông Volga và chống lại tất cả những khuynh hướng họ cho là đã chịu ảnh hưởng tinh thần khó nghèo của Nil. Nhất là trong nửa thế kỷ sau hội nghị tôn giáo năm 1503, Giáo Hội Moscovie đạt được nhiều sắc thái riêng. Việc phong thánh các hoàng thân, các giám mục và các tu sĩ, thêm một yếu tố quốc gia vào quyển lịch truyền thống các vị thánh. Việc tổ chức hàng giáo sĩ được thiết lập chắc chắn hơn buổi ban đầu, và nhiều cơ cấu hành chánh trong các công quốc của nước Russia. Tuy nhiên cách sống đạo và ngay cả những hình thức hâm mộ tôn giáo, vẫn tồn tại như xưa, không thay đổi. Những người "điên vì Ðấng Cứu Thế" thường có trong lịch sử Giáo Hội, ở Ðông Phương cũng như ở Tây Phương, đã xuất hiện rất nhiều ở Moscou vào thế kỷ XVI. Trong thời kỳ khủng bố đen tối nhất dưới triều Ivan IV, họ có thể nói với vua mà không bị trừng phạt, những gì họ nghĩ là sự thật. Một người tên là Basile người được phong chân phước (mất vào khoảng 1555) đã gây một ấn tượng mạnh trên dân chúng đến nỗi người ta hiên ngang lấy tên của ngài đặt một cho nhà thờ chính tòa Marie de la Miséricorde dựng lên ở "Quảng trường diễm lệ" Moscou (ngày nay là Quảng trường đỏ). Và về sau người ta đã chuyển hài cốt của ngài về đấy.
Trong tiền bán thế kỷ XVI còn ra đời một loạt những qui luật mới về đời sống kitô giáo (Domostroj). Chắc chắn đây là do ảnh hưởng của linh mục Sylvestre, cố vấn và cha giải tội của Ivan IV trong những năm thịnh đạt. Người ta đã phê bình rất nhiều, đôi khi quá đáng, toàn bộ những chỉ dạy thiêng liêng và những điều qui định, quá chi tiết nhiều khi nôm na, vô bổ, trình bày đời sống của mỗi nhà hoặc của một công đoàn tôn giáo. Chính yếu việc canh tân các qui luật này là hệ thống hóa vào một tài liệu duy nhất, những nghi lễ tôn giáo và những qui luật về tu viện. Cho đến bấy giờ, tất cả đều do sáng kiến của người đời hay theo thói quen, người ta hoàn toàn tự do ứng dụng. Vì thế, người ta nhận định rằng: những qui luật mới gia tăng cường độ cứng nhắc của Chính Thống Giáo.
Nạn nhân đáng chú ý nhất của cuộc tranh chấp mà những người theo phe Joseph tiếp tục dẫn đầu là Maxime le Grec, người xứ Epire. Vị này học ở Ý, chịu ảnh hưởng của Savonarole, theo Giáo Hội latinh. Từ năm 1502 ngài thuộc dòng Ðaminh ở Florence, rồi vài năm sau vào tu viện Vatopedi, ở Mont Athos. Năm 1517 khi công tước Basile III muốn tìm người dịch một thủ bản Hy Lạp, Maxime được gởi đến Moscou và công tước giữ nhà thần học và ngôn ngữ học thống thái này lại ở đó. Nhưng ngay buổi đầu, ông phải đối diện với nhiều khó khăn. Người ta không chấp nhận một vài bài ông phê bình bản dịch những sách của Giáo Hội ra tiếng slave, nhất là những bài phê bình các tật xấu và sự dốt nát của hàng giáo sĩ. Trên bình diện tôn giáo, ông tỏ ra có nhiều tương đồng với trường phái của Nil. Ông viết vài tác phẩm nhỏ về đời sống ở tu viện, lên án những tài sản quá lớn của các tu viện. Từ hội nghị năm 1503, những tặng vật hiến cho các tu viện được xem như một việc thiện ở mức cao nhất. Những hoạt động khác nhau của người Hy Lạp sáng chói này làm tăng cường độ chống đối của kẻ sống đạo nhưng thiển cận như Daniel. Vị này là người kế vị Joseph với tư cách là bề trên của tu viện, do công tước giáo chủ bổ nhiệm năm 1522. Maxime tiếp tục bút chiến. Nhất trí với các thượng phụ Ðông Phương, ông chống đối Daniel, khi vị này hủy bỏ cuộc hôn nhân thứ nhất không con của Basile. Daniel kết tội ông năm 1531 bằng án tù nghiêm khắc và nhốt ông trong một tu viện. Về sau án tù được giảm nhẹ, nhưng ông đã chết trong tù năm 1556 tại tu viện Trinité de Zagorsk. Hồi ký của ông gồm nhiều chương chống đối người latinh.
Thời kỳ lý thú nhất của lịch sử Giáo Hội Moscovie vào thế kỷ XVI là thời tổng giám mục Macaire (1543-1564) mà những người kế vị Joseph xem như là đại diện hoàn hảo nhất của Chính Thống Giáo trung thực. Ngài công khai bày tỏ thái độ chán ghét người latinh mà ngài gọi là bội giáo. Trong việc tranh đấu không thương xót của ngài đối với những gì ngài cho là sai lầm, đừng quên rằng sự cảnh giác của ngài đã ngăn cản, không cho việc truyền giáo Tin Lành lan ra giữa những người phủ nhận Chúa Ba Ngôi, đông đảo và hoạt động, đến từ Pologne-Lituanie và len lỏi vào Moscovie. Ngay cả mấy quan niệm về tranh ảnh kitô, không phù hợp với những sở thích của tổng giám mục và của nhà vua, cũng bị nghi kỵ. Nhưng ngài được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả. Ngài khảo cứu trong nhiều năm về đời sống của tất cả các vị thánh của lịch Chính Thống Giáo và thêm vào đấy những lời bình luận về Thánh Kinh và những văn bản của các thượng phụ mà ngài sưu tập từ các thủ bản của các ngài. Tất cả làm thành một bộ sách bách khoa về khoa học tôn giáo, hãy còn được tham khảo trong nhiều thế hệ sau ngài. đồng thời ngài viết tác phẩm nổi tiếngStepennaja Kniga, lịch sử đi sâu vào chi tiết của tất cả các hoàng thân thuộc gia tộc Rourich. Ivan IV, học trò của Macaire, là độc giả chuyên cần nhất của các tác phẩm thầy đã viết.
Một năm sau hội nghị chính trị năm 1550 để sửa soạn bộ dân luật mới, Macaire đứng ra tập họp và chủ tọa hội nghị tôn giáo của Giáo Hội gọi là Stoglav. Tập tài liệu tôn giáo này gồm 100 chương, nổi tiếng nhất sau thời Joseph. Bên cạnh những lời chỉ dẫn có liên quan đến sự Cải cách càng ngày càng cần thiết cho đời sống tu viện, và việc qui định về thuế má mà hàng giáo sĩ thượng cấp và hạ cấp đòi hỏi, người ta gặp những quyết định khác thường và khẩn cấp về tổ chức trường học và khoa giảng dạy. Những qui luật trình bày chi tiết để duy trì phụng vụ mà người ta cho là trung thành với truyền thống Nga thật sự. Một năm sau, những qui luật ấy trở nên khí giới chống lại nhà Cải cách Nicone, trong cuộc tranh luận về nghi lễ. Người ta dùng nhiều biện pháp không cho tài sản của các tu viện tăng lên quá mức. Việc vua Ivan và tổng giám mục Macaire lấy những quyết định ấy chứng tỏ rằng vấn đề có liên quan vừa đến quốc gia vừa đến Giáo Hội. Vào thời đó, sự ban bố các sắc luật tôn giáo hãy còn thuộc thẩm quyền của hàng giáo phẩm, ít ra là trên lý thuyết, còn trên thực hành thì có thể khác.
Trong thời gian đầu của triều đại vị vua thứ nhất, khi Ivan IV hãy còn là "kẻ đáng sợ" trước khi trở thành "kẻ ghê gớm", và bao lâu tổng giám mục Macaire còn có thể gây được ảnh hưởng và mối tương hệ giữa nhà vua và tổng giám mục, thì cả hai còn hành động theo tinh thần hòa giải lý tưởng mà Joseph đã thực hiện. Sự quân bình ấy còn cần thiết tại Moscovie trong gần một thế kỷ sau hội nghị Stoglav. Người ta cảm thấy cần mối quân bình ấy trong thời kỳ loạn lạc, giữa lúc Boris Godounov chết và người đầu tiên của dòng họ Romanov (1605-1613) lên ngôi. Nhìn theo khía cạnh khác, những vụ loạn lạc ấy đã in dấu hằn sâu đậm trong lịch sử của nước Nga.
VI. TIỀN SỬ CỦA HỘI NGHỊ THỐNG NHẤT BREST. NHỮNG NĂM 1595-1596.
Vào cuối thế kỷ XVI, dư luận Ba Lan xem ra thuận lợi cho việc thống nhất giữa Kiev và Rome. Dù vậy hãy còn khó nhận định những hoàn cảnh thuận lợi ấy. Một vài tác giả trước kia cho rằng Hội nghị Thống nhất ở Lublin vào năm 1569 sáp nhập Ba Lan và Lituanie thành một nước "Cộng hòa" duy nhất, có thể đã có một ảnh hưởng trực tiếp đến việc những người chính thống xích gần lại với nhau. Ý kiến này không có gì chắc chắn. Kết quả trực tiếp của công trình sáp nhập này là sự làm tăng nhanh chương trình Ba Lan hóa mọi tầng lớp lãnh đạo trong các miền Slaves Ðông Phương. Chương trình này được thực hiện dễ dàng nhờ ưu thế văn hóa của nước Ba Lan đang độ phát triển dưới những triều đại cuối cùng thuộc dòng họ Jagellons. Nếu sự thay đổi cơ cấu chính trị ấy đã tạo nên một sự bình đẳng tôn giáo vững mạnh hơn, thì người được lợi trước tiên là anh em tin lành.
Giống như tại những miền của dòng họ Habsbourg ở Trung Âu và ở Hongrie các khuynh hướng cải cách của Pologne-Lituanie, cho đến thế kỷ XVII, là một mối đe dọa thật sự cho Công Giáo và cho Chính Thống Giáo.
Trong vòng hai mươi năm, trước hết có nhiều ảnh hưởng của Luther, rồi Tin Lành được giới quí tộc (những người Radziwill quyền thế) nâng đỡ giống như ở Hongrie. Ảnh hưởng của giới quí tộc trên chính quyền và trên việc bổ nhiệm các giám mục, như trường hợp giáo chủ latinh Uchansky, đã góp phần làm suy yếu chính sách tôn giáo dưới triều của Sigismond II Auguste (1548-1572). Trong hậu bán thế kỷ, nước đại Ba Lan đã trở nên một trung tâm thế lực trong sinh hoạt của nhóm Cải cách, nhất là với sự hiện diện của giáo phái Tái tẩy và các giáo phái khác, cũng như bởi nhiều mưu toan tập hợp những trào lưu ấy. "Giáo Hội nhỏ" của những người phủ nhận Chúa Ba Ngôi, về sau gọi là "sociniens" hình thành năm 1565. Tuy nhiên Tin Lành Giáo cũng bị đẩy lui, và đó là kết quả nổi bật nhất mà phong trào Chống Cải cách đã đạt được. Phải ghi nhận rằng những người chính thống giáo cũng góp phần vào sự thắng lợi ấy. Phong trào Chống Cải cách có lẽ còn đóng một vai trò quan trọng trong đường hướng giao hảo tại Hội nghị Thống nhất Brest.
Mãi sau năm 1600 mới có vấn đề nghiên cứu nghiêm chỉnh về thần học trong giáo phận Kiev. Tuy rằng trong thế kỷ XVI, có một vài thần học viện do các đoàn thể thế tục hay những người quí tộc lập ra, nhưng những cơ sở đó (chúng ta đã nói đến), đóng góp rất ít vào việc đào tạo giới trí thức chính thống giáo và hàng giáo sĩ. Một vài người ngoại quốc có tâm huyết trong công trình đào tạo giới trí thức chính thống giáo, trước tiên phải kể đến hoàng thân Basile Constantin d'Ostrog. Ông là người trị vì miền Volhynie mà không được tấn phong, và trong một thời gian lâu dài, ông lãnh đạo Chính Thống Giáo trong vùng, năm 1580 ông đã lập một học viện. Học viện này không bao giờ trở thành trung tâm nhưng được biết đến nhờ những sách báo do chính học viện phát hành, nhất là quyển Thánh Kinh Ostrog (1581). Một phần của cuốn sách này là các bản dịch mà Gennary, tổng giám mục Nogorod, đã hoàn thành. Sách này được coi như thủ bản dịch ra từ tiếng slave cổ, ngày nay người ta vẫn còn dùng. Trước năm 1500 ở Lituanie người ta đã in nhiều sách phụng vụ, nhưng việc xuất bản quyển Thánh Kinh của của người Nga trắng Scorina, và những tác phẩm thiêng liêng và thần học ông xuất bản năm 1517 và về sau, ban đầu không được các giáo sĩ và tu sĩ chính thống quan tâm đến.
Sự tiếp xúc giữa Lituanie và Moscovie giúp duy trì Chính Thống Giáo trên lãnh thổ của Lituanie. Những người chính thống, Nga trắng hay Nga nhỏ, nhiều lần đã vượt qua biên giới phía Ðông của nước này để đến Moscou và âm mưu chống lại nước Ba Lan. Tất cả những người sống trong đất đai của Giáo Hội ở Moscovie có một ảnh hưởng nào đó trên nước láng giềng. Ngay từ cuối thế kỷ XV, người ta đã tranh luận một cách khéo léo về khoa minh giáo thần học. Những người di cư từ Moscovie đến lánh nạn ở Pologne - Lituanie càng ngày càng giảm bớt. Nhưng số người của họ tăng lên trong những năm cuối cùng dưới triều đại Ivan "kẻ ghê gớm", giữa khoảng 1560 và 1584, vào thời mà Chính Thống Giáo ở nước Ðại Ba Lan bị phong trào truyền giáo của phe Cải cách đe dọa. Một vài người trong nhóm họ được xem như là những vị đứng đầu Chính Thống Giáo trong những năm ấy. Ðóù là Arthème, bề trên của tu viện Radonegè, môn đệ của Nil, nhất là hoàng thân André Kourbsky, cựu cố vấn của nhà vua. Hoàng thân này vừa là một nhà quí tộc đầy tự tin vừa là một người có học thức (hoàng thân đã trao đổi thư từ với Ivan IV, xử dụng ngòi bút nhanh nhẹn như Kourbsky, dịch một bản đầy đủ những cuộc tranh cãi về truyền thống Ðức Tin của Jean de Damas và viết một bài chống các tu sĩ dòng Tên). Chính hoàng thân Ostrog phải dựa vào uy tín của André Kourbsky về vấn đề tôn giáo.
Chỉ sau một thế kỷ, Tòa Thượng phụ Constantinople mới xác nhận phẩm tước của tổng giám mục đã được nhà vua bổ nhiệm và cố gắng nâng cao Giáo Hội Kiev lên. Trước khi đến Moscou, là nơi ngài bị bắt buộc nâng tổng giám mục Job lên hàng thượng phụ, Jérémie II đã ở Pologne - Lituanie (1588). Ngài chủ tọa hai hội nghị và quyết định nhiều sắc lệnh chống lại những buông thả của hàng giáo sĩ và sự xâm lấn liên tục của Tin Lành. Vào những năm sau, chính các giám mục lấy những quyết định mới để tiếp tục những phương án đã đề ra. Với sự thỏa thuận của thủ tướng Ba Lan Zamojsky, Jérémie truất phế tổng giám mục Dziewoczka được bổ nhiệm bất hợp pháp và thay thế bằng đan viện trưởng Michel Rahozja. Hơn nữa, ngài cố gắng làm tăng ảnh hưởng của tòa Thượng phụ bằng cách bổ nhiệm Cyrille Terletsky, giám mục Loutsk, làm phụ tá riêng của ngài. Hai giám chức ấy sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội nghị Thống nhất Brest là Hội nghị sẽ hủy bỏ mối liên hiệp với tòa thượng phụ đại kết vào chính lúc Jérémie cố gắng củng cố liên hiệp ấy. Có lẽ thượng phụ không có thái độ chống đối Tây Phương Công Giáo, ngay cả lúc từ chối niên lịch của Grégoire XIII, nhưng điều chắc chắn là ngài không để cho chức vị của mình bị liên lụy bởi một sự can thiệp cá nhân. Thái độ của ngài chứng tỏ ngài muốn bảo vệ quyền lợi của mình. Chắc chắn là ngài biết rõ những mưu đồ liên quan đến cơ cấu của giáo phận Kiev thời xưa, những dự định ấy không phải là điều bí mật. Vài năm trước đó, trong giới thân cận của hoàng thân Constantin Ostrojsky (không chắc rằng thượng phụ đã gặp hoàng thân) có vấn đề thành lập chức thượng phụ độc lập Ostrog cho nước Pologne-Lituanie, nghĩa là cho phần lớn các giáo phận Slaves Ðông Phương mà trên thực tế còn thuộc quyền của Constantinople. Trong những năm đầu của đức Grégoire XIII, khi chuẩn bị gửi phái đoàn sang Moscou mà không thể thực hiện được, giống như năm 1561 (sự thất bại lần này là do sự chống đối của Vienne), người ta đã suy nghĩ nghiêm túc xem có nên đề nghị với vua Ivan IV rời Tòa Thượng phụ Constantinople về Moscou hay nâng Moscou lên hàng Thượng phụ. Trong cả hai giải pháp, người ta nghĩ đến một thượng phụ không ở dưới áp lực của Constantinople có thể đóng góp tốt vào sự khôi phục nền Thống nhất của Giáo Hội theo thể thức công đồng Florence. Roma đã hiểu sai về sự hài lòng quá đáng mà các vị quốc vương, đặc biệt là Ivan IV, biểu lộ ra khi họ tiếp đón các vị đại sứ. Không có sự lầm lẫn như vậy nữa trong thế kỷ XVII. Nhân dịp thượng phụ Jérémie đến thăm, thủ tướng Zamojsky đã đề nghị với ngài việc rời tòa về Moscou, chắc cũng nhắm mục đích ấy.
Ða số những người chính thống trong nước Ðại Ba Lan rất phấn khởi về những thành công của phong trào chống Cải cách. Việc chống lại những trào lưu Cải cách đã thắt chặt dây liên lạc giữa người latinh và người chính thống. Ðôi khi người chính thống trở lại Công Giáo, nhưng họ vẫn giữ nghi lễ của họ và ở dưới quyền của thượng phụ ở Constantinople "chẳng may là ly giáo". Người được biết đến nhiều hơn hết trong nhóm họ là hoàng thân Georges de Sloutsk, họ hàng gần với Constantin Ostrojsky. Cho dù những biến cố này nổi bật bao nhiêu, chúng cũng chỉ có ảnh hưởng rất hạn hẹp hay không ảnh hưởng gì trên tình hình chung.
Phản ứng của người công giáo được hướng dẫn bởi đức hồng y Stanislas Hosus, khâm sai Tòa Thánh trong thời kỳ cuối cùng của công đồng. Với tư cách là giám mục Ermland, ngài thành công trong việc làm cho những quyết định của công đồng Trente sau năm 1563, được đón nhận ở Ba Lan. Giống như ở nhiều nơi khác, ngài dựa vào ảnh hưởng của các cha dòng Tên. Từ 1575, các ngài đã cậy nhờ đến sự hợp tác của vua Etienne Batory (1575-1586) rồi của vua Sigismond III (1587-1632) là vua Wasa Ba Lan đầu tiên, đồng thời cũng là vua Suède trong mấy năm. Chính những trường học, những chủng viện của dòng Tên và đặc biệt phương pháp dạy giáo lý của các ngài, đã được người chính thống rập theo và chống lại nền Thống nhất của Giáo Hội. Phong trào chống Cải cách ít quan tâm đến những nhậy cảm của những người ly giáo theo nghi lễ Ðông phương. Những người chính thống giáo cố cựu được Giáo Hội latinh đón tiếp sau khi họ từ bỏ phái Tin Lành. Nếu sự phục sinh của Công Giáo ở Ba Lan thuận lợi cho việc thống nhất Giáo Hội, chính là nhờ sự hăng say của một vài người có ảnh hưởng: một nhóm nhỏ giám mục latinh mà trước tiên là các Sứ thần Tòa Thánh. Năm 1577, cha dòng Tên Ba Lan là Pierre Skarga và Antoine Possevin de Mantoue đã xuất bản một tác phẩm bàn về "Sự Thống nhất của Giáo Hội", viết bằng tiếng Ba Lan và dùng nhiều từ thần học chuyên môn. Với tư cách là nhà thuyết giáo trong triều Sigismond III, cha Pierre Skarga đã theo sát những biến cố xảy ra chung quanh Hội nghị Thống nhất ở Brest. Còn cha Possevin, với kinh nghiệm phong phú về Ðông phương, ngài đã minh họa rất rõ ràng hoàn cảnh của hàng giáo sĩ của hai bên Ba Lan và Moscou. Ngài còn là một trong những gương mặt nổi bật nhất của lịch sử thế kỷ thứ nhất của dòng Tên, nhiều vị giáo hoàng giao cho ngài những sứ mệnh khó khăn, có liên quan đến những vấn đề tôn giáo và chính trị vào thời đó. Sau nhiều năm làm việc trong triều của vua Jean III ở Thụy Ðiển, Possevin được gởi đến Ba Lan và Moscou năm 1581. Vua Ivan IV bị dồn vào đường cùng, sau một cuộc chiến tranh không may mằn dọc biên giới phía Tây, quay về với đức giáo hoàng Grégoire XIII, và xin ngài can thiệp với vua Ba Lan, để cả hai hòa hảo và có thể liên minh chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Rome tưởng đây là cơ hội tốt để nối lại những tiếp xúc cũ đã có giữa Basile III và hai giáo hoàng Léon X và Clément VII: chuẩn bị một cuộc tổng tấn công chống đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và xúc tiến nền thống nhất của Giáo Hội. Possevin cũng nghĩ như thế. Mặc dù có những ý nghĩ cao xa, Possevin không bỏ qua những chi tiết. được trao phó toàn quyền, ngài đi Ba Lan và gặp Etienne Batory, một người công giáo trung thành, có thế giá và kính trọng giáo hoàng, ông sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. Cha dòng Tên người Ý này biết lợi dụng dịp hưu chiến của Jean Zapoljsky như một dịp tốt, không sợ làm mích lòng vua Nga hay vua Ba Lan, ngài tiếp tục hành trình tới Moscou vào đầu năm 1582, để đàm luận với Ivan. Ngay từ buổi đầu cuộc thương lượng, luôn có sự hiện diện của các giám mục và các nhà quí tộc, người ta đã thấy rằng không thể đạt được một cuộc bàn cãi hữu hiệu. Vua Nga loại bỏ những vấn đề chính trị bằng những câu trả lời thoái thác. Possevin không biết rằng Ivan đã thương lượng với Londres và lập liên minh chống Batory. Khi đề cập đến các vấn đề tôn giáo, Possevin trình bày khúc chiết nhiệt tình tông đồ của ngài và tư tưởng thần học của thời đại, sự thống nhất của Kitô Giáo Hy Lạp và latinh xưa, sự mù quáng của Photius và Cérulaire, những sai lầm của Giáo Hội Ðông Phương đang trở nên trầm trọng, lý tưởng của hội nghị Thống nhất ở Florence, và nhất là uy thế cao siêu của người đại diện Chúa Giêsu Kitô, trên mọi tín hữu, trên mọi vua chúa. đáp lại, Ivan thốt ra nhiều lời gay gắt, thô tục và ngây thơ, chứng tỏ rằng ông không có thiện chí tiếp tục trao đổi chân tình. Nhà vua dẫn chứng những câu trong sách, tìm kiếm bừa bãi những sự kiện lịch sử, kể thuộc lòng tất cả các giáo hoàng có tên trong lịch các vị thánh. Mục đích của nhà vua là bác bẻ những lý luận của Possevin. Theo vua, không cần nói đến những quan hệ giữa người Hy Lạp và người latinh; chúng tôi không cần bàn đến những người Hy Lạp, không phải họ bị phạt vì đã khước từ Giáo Hội chân chính đó sao? Giáo Hội chân chính là ở đây. Ivan tấn công tàn nhẫn các giáo hoàng và ngôi vị giáo hoàng, vua mất hẳn thái độ kính trọng mà vua và các vị tiền nhiệm đã có trước khi ký hòa ước hưu chiến. Possevin nghi ngờ là đại sứ Anh đã góp phần vào sự thay đổi thái độ của nhà vua, nhất là khi nhà vua kể lại mấy giai thoại vu khống, có lẽ bắt nguồn từ lạc giáo. Ðể trả lời, cha Poussevin trao cho Ivan tập hồi ký về vua Henri VIII, do một nhà biện giáo phản Cải cách viết ra với lời lẽ cương nghị. Hơn nữa việc truyền giáo của những người tin lành tại Moscovie vào thời đó không gây nguy hiểm gì. Ivan IV vẫn chưa nguôi lòng chán ghét các người lạc giáo tin lành nào mà tổng giám mục Macaire đã khắc sâu vào trí não vua. Và nhà vua tiếp tục: "Nhưng giáo hoàng không có râu". Lập tức cha Possevin trả lời lại rằng "đức Grégoire XIII có một bộ râu oai vệ". Nhà vua đề cập đến "ngai rước" và bảo "vị đại diện đích thực của Chúa Kitô không có quyền ngồi lên để người ta kiệu đi". Vua còn nói đến "những cây thánh giá thêu trên giày của giáo hoàng, trong khi mọi kitô hữu đều biết "không được mang Thánh Giá thấp dưới thắt lưng". Ðột nhiên nhà vua yêu cầu cha Possevin phải đến thăm một trong những nhà thờ ở Kremlin, lúc bấy giờ ông sẽ hiểu thế nào là Ðức Tin chân thật. Khi đến trước cửa nhà thờ, Possevin may mắn thoát khỏi đó nhờ một cảnh xô lấn; bởi vì cha tin rằng (và Ivan tin vào giả thiết đó) chỉ nguyên việc đi vào một trong các nhà thờ Chính Thống Giáo cũng được kể như đã thừa nhận những người ly giáo và những sai lầm của họ. Sau đó những nhà quí tộc ngạc nhiên thấy vị linh mục và các bạn của ngài quây quần trong một góc của điện Kremlin, họ quì gối trước một cây thánh giá kiểu latinh mà họ mang theo trong hành lý. Họ hát Te Deum, cho dù họ biết rằng Ivan có thể (không loại trừ) nổi cơn giận và chém rơi đầu họ. Như người ta dự đoán, cha Possevin không đạt được thành quả nào, ngay cả việc cho phép xây một nhà thờ Công Giáo nhỏ bé cũng không.
Những tiếp xúc trong những năm sau đó, với Constantin d'Ostrog, có nhiều hứa hẹn hơn. Hoàng thân cảm động nói đến hy vọng được thấy nền Thống nhất được thực hiện, như ngài mong muốn, nhưng không phải theo thể thức của Florence. đây là điều kiện mà sau này ông sẽ thêm vào, lúc có sự quan hệ giữa ông với Poty, trước khi vị này trở lại Công Giáo. Hoàng thân mong muốn tập họp ở Ostrog một loại công đồng, nhất là khi ông chấp nhận niên lịch mới và than phiền về sự từ chối của vị thượng phụ Constantinople. Cha Possevin gọi thái độ hòa giải ấy là sự chân thành muốn đại kết. Nhưng mọi chuyện dừng lại ở đó. Cũng như nhiều người khác, vị linh mục dòng Tên không bao giờ trở nên người tâm phúc thật sự của hoàng thân xảo trá Ostrog: một ngày kia, hoàng thân nói với cha rằng: "Nếu Công Giáo là tôn giáo tốt thì Chính Thống Giáo không phải vì thế mà xấu". Có lẽ câu nói ấy tóm tắt niềm tin của hoàng thân.
Vào thời đó, không có một người công giáo Tây phương nào đã nghiên cứu Chính Thống Giáo và biết người chính thống giáo bằng cha Possevin. Bài tường thuật Những kinh nghiệm với những lời chú giải, và nhất là bài Moscovia của ngài, đến nay vẫn còn được người ta quan tâm. Tuy nhiên, ý kiến riêng của ngài về việc Thống nhất với Ðông Phương Kitô có vẻ lạ lùng đối với chúng ta ngày nay. Giống như cha Skarga cùng dòng Tên với ngài, cha Possevin, trong các bài đàm luận về sự Thống nhất cả Giáo Hội, đi từ nguyên tắc phải cho phép những người ly giáo đã chấp nhận giáo lý Công Giáo giữ nghi lễ của họ, nếu nghi lễ này không đối nghịch với giáo lý. Nhưng Possevin thêm vào đó một giới hạn: cách phục vụ hiệu quả nhất cho nền Thống nhất là hoàn toàn thuận theo những đòi hỏi của giáo lý, ngay cả trong sự cử hành phụng tự. Việc cho phép theo nghi lễ riêng của họ chỉ là một biện pháp miễn cưỡng và tạm thời thôi. Nếu lý luận ấy đã thường có ảnh hưởng trên thực tế, nó không bao giờ được chấp nhận công khai. Tuy nhiên, người ta không thể chối rằng quan điểm của Possevin đã đem lại nhiều thành quả tốt. Nó đánh dấu bước đầu của cái, cho đến đức Léon XIII, làm thành nguyên tắc chủ yếu của sự chỉ đạo tông đồ đối với những Giáo Hội Ðông Phương. Mặc dầu những cách cử hành phụng vụ Roma rất oai vệ, và để đừng tha hóa những người đông phương, ban lãnh đạo latinh quen dễ dàng cho phép họ giữ nghi lễ riêng mà họ rất quyến luyến. Giống như những người công giáo latinh lão thành thời đó, và cả gần đây, Possevin xác tín rằng những tập quán tôn giáo đông phương, chỉ có thể được thi hành trong các nhà thờ công giáo nhờ sự khoan dung của người Cha Chung của mọi tín hữu. Với tư cách là nhà thần học của phong trào chống cải cách, về điểm này cha Possevin hầu như có công lập trường với những người đi trước. Theo cha, người ta chỉ nhận ra giá trị của nghi lễ Ðông Phương khi đối chiếu với nghi lễ Tây Phương. Nhưng dù kết quả có tốt đẹp đến đâu, sự khác biệt chia rẽ đôi bên vẫn luôn tạo nên một bóng tối phủ trên bức tranh Thống nhất.
Cha Possevin quên rằng những người kitô giáo Ðông Phương có quyền tuyệt đối giữ đạo theo nghi lễ của họ. Mãi sau ngài một thời gian lâu, nguyên tắc ấy mới trở thành "hành trang tối thiểu" của các nhà thần học công giáo. Vả lại, Possevin, không hơn gì những người đồng thời với ngài, không nắm được ý nghĩa chính xác về nội dung "nghi lễ". Ngài chỉ thấy một mớ phức tạp những phong tục tôn giáo, thêm vào đó một vài hình thức ngoại lai mới về giáo luật, trong khi đó từ "nghi lễ", như người ta dùng một cách chính đáng ngày nay trong những tài liệu tôn giáo liên quan đến những cộng đoàn kitô hữu Ðông Phương, bao gồm tất cả các khía cạnh tổ chức Giáo Hội, và những truyền thống riêng trong cách hoạt động và não trạng tôn giáo. Trái với Tây Phương, những hình thức và lối cử hành phụng tự là trung tâm của nghi lễ Ðông Phương, và là biểu lộ trực tiếp nhất của Ðức Tin Chính Thống Giáo. Chúng cho phép người chính thống giáo chân thành cảm thấy một cách đơn sơ và cụ thể về thực tế của sự thánh thiện. Có lẽ tốt hơn là linh mục Possevin vào trong nhà thờ Kremlin.
Sự hạn chế do Possevin đặt ra đánh dấu quan niệm riêng của ngài về sự Thống nhất của Ðông Phương Chính Thống Giáo, và thái độ tinh thần của những người công giáo tốt đã hợp tác để thực hiện nền Thống nhất vào những năm 1595-1596. Nhưng nó cũng cho biết: vào thời đó, những người latinh không giúp những người quy nhất (uniates) tìm thấy con đường khả dĩ phục hưng những truyền thống riêng của họ.
Không mệt mỏi, cha Possevin có thể theo dõi từ Padoue những biến cố chung quanh công cuộc Thống nhất mà ngài đã cộng tác rất nhiều. Sau khi Ivan IV qua đời, ngài soạn thảo một kế hoạch mới về chính sách tôn giáo. Batory lúc bấy giờ sửa soạn sáp nhập ngôi vua Moscovie với ngôi vua Ba Lan nhờ sự giúp đỡ của các nhà quí tộc, bằng vũ khí nếu cần, để sau đó có thế tấn công đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vị tu sĩ dòng Tên đã thấy ló dạng sự suy sụp của đế quốc ấy, và sự Thống nhất của tất cả những người ly giáo. Nhưng Aquaviva, bề trên của dòng Tên, mệt mỏi vì những hoạt động chính trị của Possevin, xin được giáo triều Roma đày ngài tạm thời trong một trường học tại Ermland. Sau khi Batory qua đời, Possevin lại rơi vào những khó khăn gây ra do việc chọn lựa một ông vua mới. Vào dịp ấy người ta công bố cả tên của Théodore Ivanovitch. Theo lời xin tha thiết của bề trên cả dòng Tên, năm 1589 đức Sixte Quint gọi cha Possevin về Rome vĩnh viễn.
Ít lâu sau, có lẽ ngay trong cuộc thăm viếng của thượng phụ Jérémie II, có tin đồn trong một vài môi trường rằng: sự Thống nhất của Giáo Hội sắp thành tựu, nhưng thời kỳ đó chưa chín muồi để xích lại gần nhau. Sáng kiến đầu tiên của một người giáo dân chính thống không phải là điều ngẫu nhiên. Adam Poty, giám đốc lâu đài Brest (trước kia ông theo phái Calvin) đề nghị với Maciejovsky, giám mục latinh ở Loutsk, tổ chức chung một cuộc hội thảo tôn giáo với mục đích thực hiện nền Thống nhất. Sứ thần Tòa Thánh trả lời rằng công đồng Thống nhất Florence vẫn còn hiệu lực, nhưng dù sao ngài cũng gởi thơ xin phép Roma. Trái với tất cả các vị giáo hoàng thời ấy, đức Sixte Quint chống lại tất cả mọi cuộc thương lượng với các giáo sĩ cao cấp của Giáo Hội Ðông Phương, và đình chỉ kế hoạch nhưng hai vị, giám mục và giám đốc vẫn âm thầm xúc tiến.
Khi từ Roma về năm 1591, giám mục Maciejovsky đem theo một người Hylạp là Pierre Arcudius, tiến sĩ thần học thứ nhất của trường Hylạp do đức Grégoire XIII thiết lập. Những cuộc tranh cãi của Arcudius về những liên quan giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo, trình bày trong những tác phẩm của nhà thần học trẻ tuổi được nhiều người đọc vào thời đó, nhưng ngày nay ít được chú ý. Hiện nay người ta ưa thích những tác phẩm của Leo Allatius, người đồng hương trẻ tuổi của Arcudius, đã trở nên người Roma như ông. Những tác phẩm này bình luận bản chất những dây liên lạc đã luôn luôn có, giữa các Giáo Hội Tây Phương và Ðông Phương. Uy tín khoa học về các truyền thống Chính Thống Giáo Hylạp của vị này đã giúp loại bỏ những câu chuyện vô ích trong bút chiến. Tác phẩm của Skarga về nền Thống nhất của Giáo Hội dưới cùng một vị chủ chăn, và những hồi ký về những sự lầm lạc của những người ly giáo, được tái bản vào năm 1589. Lúc ấy Arcudius trình bày những bằng chứng của mình. Ông nói đắn đo và với nhiều uy thế hơn, bởi vì Arcudius đầy ắp nhiệt tình tông đồ. Arcudius đã gặp giám đốc Poty nhiều lần, và vị này sẵn sàng tán thành ý kiến Thống nhất các Giáo Hội.
Giữa lúc đó, cuộc thảo luận bí mật của các giám mục đã bắt đầu: cuộc thảo luận này cuối cùng đưa đến nền Thống nhất. Sự xích mích giữa tổng giám mục Rahozja và nhiều vị giám mục là cơ hội thuận lợi. Gédéon Balaban, giám mục Lemberg, từ nhiều năm, kịch liệt chống lại phụng hội tự do trong giáo phận của ngài. Thượng phụ và tổng giám mục cho rằng phụng hội có lý. Terletsky, giám mục Loutsk trách Rahozja xen vào những việc nội bộ của các giáo phận miền Volhyvie trong khi vẫn ở Kiev. Năm 1599, Terlesky, Balaban và các giám mục ở Chelm và ở Pinola, trong một hội nghị tại Brest, đã quyết định khước từ quyền tài phán của tổng giám mục. Họ viết thơ cho vua Ba Lan nói rằng họ sẵn sàng tùng phục quyền của Roma, nếu họ giữ được thẩm tước của họ và có các quyền hạn giống như các giám mục latinh. Việc xích lại gần ấy không có kết quả liền, vì có khuấy động chính trị trong nước Cộng Hòa, và người ta không biết vua Sigismond có rời Ba Lan để đi Suède trị vì hay không. Nhưng toàn bộ rối ren, các thỏa hiệp và các lời hứa hẹn đã được trao đổi vào các năm sau, đều được ghi chép trong một tài liệu bí mật thứ nhất.
Năm 1593, Adam Poty được nhà vua bổ nhiệm làm giám mục ở Wladimir. Giám mục Terletsky đã chủ tọa lễ khấn dòng của ông, trước sự hiện diện của hoàng thân Ostrojsky. Từ đó Adam được gọi là Ipaty. Sau buổi lễ, Constantin gởi cho Adam một bức thư dài, trong đó hoàng thân trình bày những ý nghĩ khá lờ mờ về chương trình khi phục nền Thống nhất của Giáo Hội. Poty trả lời cách thận trọng rằng thái độ chống latinh của tổng giám mục có nguy cơ làm mất mọi may mắn để thành công. Poty và hoàng thân Constantin không biết đến thỏa hiệp và tài liệu ở Brest.
Một hội nghị bí mật khác họp ở Sokal vào đầu năm 1594. (Giám mục ở Pinsla được thay thế bởi giám mục ở Pazemyl). Lần này tài liệu có nhiều chi tiết hơn. Poty, vị giám mục thứ nhất sau tổng giám mục, hoàng thân Constantin và nhiều nhân vật có uy thế khác, không được thông báo. Vào tháng 7, Balaban, giám mục ở Lemberg, bị tổng giám mục truất phế bất ngờ. Terletsky công khai ủng hộ Balaban, và cả hai vị giám mục đưa vụ việc ra xin quyền dân sự xét xử. Họ viết thơ cho thủ tướng quyền thế Zamojsky để đồng thời nói với ông rằng: lần này có thể thực hiện một nền Thống nhất. Vị giáo trưởng latinh là Karnkowsky nghe tin và đã xin hoàng thân Ostrog đề phòng. Hoàng thân cũng như vị giáo trưởng đều thân với nước Áo vốn là kẻ thù của Zamojsky. Người ta chỉ biết là hai giám mục đã tranh luận về sự Thống nhất của các Giáo Hội. Tổng giám mục đã nắm lấy cơ hội đệ đơn phản đối lên thủ tướng và nhà vua, đồng thời gởi một bức thư ngỏ cho những người chính thống giáo để cảnh giác họ. Zamojsky trả lời bằng một bức thư riêng, chỉ cho tổng giám mục biết: điều quan trọng là lành mạnh hóa hoàn cảnh bằng một sự Thống nhất. Tổng giám mục nhu nhược Rahozja tán thành Zamojsky một cách bất đắc dĩ và đứng ngoài những biến cố kế tiếp.
Vào tháng 12 năm 1594 các giám mục Terletsky và Poty được giám mục Maciejovsky tiếp tại nhà nghỉ mát ở Torsyn, gần Loutsk. Hai giám chức ký một văn thư bày tỏ lòng mong muốn có sự Thống nhất chỉ vì những lý do tôn giáo. Họ cũng xin chữ ký của các giám mục khác. Nhưng Poty hiểu rằng lá thư ấy sẽ được đệ lên nhà vua. Terletsky không nói gì về những tài liệu đã soạn thảo hay về những người đồng thuận với dự án. Không cho các giám mục khác biết, ngài đi Cracovie với mục đích tranh cãi trực tiếp với nhà vua và với Sứ thần Tòa Thánh là Malaspina về phương thức thực hiện sự Thống nhất. Khi Ostrojsky ngờ là đang có một chuyện gì xẩy ra, ông hỏi Poty là Terletsky ở đâu, ông hiểu rằng vị này hoạt động cho nền Thống nhất đã từ lâu mà không nói ra, và bây giờ còn theo con đường riêng của mình. Nhưng đó không phải là lý do cho phép giám mục Wladimir rút lui. Ngài chỉ quan tâm đến sự Thống nhất của Giáo Hội trong lợi ích của tôn giáo, và không hành động vì tức giận trước một sự bất công có thật hay tưởng tượng mà ngài có thể sẽ là nạn nhân (như trường hợp của giám mục Balaban và giám mục Terletsky). Nguyên với gia thế và chức nghiệp, ngài đã có nhiều uy tín và quyền lợi xã hội vững chắc, ngài không cậy nhờ vào những qui chế của một giám mục công giáo. Trái lại, không thể hoà giải được với Constantin d'Ostrog. Vị này quay lại chống Poty, Poty cố cắt nghĩa rằng mình cũng bị lầm, nhưng không thể bỏ Terletsky được. Hoàng thân trách các giám mục đã hành động mà không cho ông biết. Dĩ nhiên đó là một lầm lỗi quan trọng về sách lược, vì đã để Constantin và nhiều giáo dân thế giá ở ngoài các cuộc thảo luận, đang khi họ có một chỗ đứng đương nhiên và quan trọng trong Giáo Hội Chính Thống, họ đã đóng góp tích cực vào những công việc canh tân Giáo Hội. Hoàng thân Ostrojsky sẽ trở nên người đứng đầu phe chống đối nền Thống nhất.
Giữa lúc đó, Terletsky bắt đầu những cuộc thương lượng với tổng giám mục công thống giáo Balaban, về những điều kiện tổ chức một cuộc họp mặt. Kết quả khả quan, tổng giám mục và các giám mục gặp nhau ở Brest. Mặc dù có bức thư chống đối kịch liệt của hoàng thân Constantin, các ngài ký các văn kiện ở Torsyn. Chỉ một mình giám mục Balaban, người đã suýt làm hỏng những cuộc thượng lượng trước bằng việc ăn mừng quá sớm sự thực hiện nền Thống nhất ở Lemberg, và giám mục Przemysl, đã từ chối không ký. Poty cố gắng chinh phục, nhưng vô hiệu. Hoàng thân Ostrog đệ lên Poty một bản tường trình chi tiết về những cuộc bàn cãi ở Brest và quì xin ngài đừng bỏ công cuộc Thống nhất. để khỏi bị nghi ngờ là không có thiện chí, hoàng thân Constantin can thiệp với tư cách là nhân chứng, khi Balaban từ bỏ công khai tất cả những hoạt động về trước của mình.
Trước những khuấy động gia tăng và dưới ảnh hưởng kháng cự của người Balan, chống lại một vài nhượng bộ cho các giám mục trong tổng giáo phận, chính yếu là việc cho họ quyền đương nhiên dự họp Thượng nghị viện đầy thế lực của Balan, vua Sigismond do dự không để cho Poty và Terletsky đi Rome, hai vị này được chỉ định ở Brest là đại diện của giám mục đoàn. Hoàng thân Constantin có nhiều bạn chính trị trong hàng giáo phẩm cao cấp latinh, tỏ ra bình tĩnh trước những khuấy động ấy. Tuy nhiên khi Ostrojky tiếp xúc với hội nghị Torun để xin sự ủng hộ của những người tin lành chống lại nhà vua và hàng giáo phẩm ở Kiev, Sigismond không do dự nữa. Balaban cũng tuyên bố bằng lời thề rằng mình tán thành việc Thống nhất. Nhờ đó, hai giám mục Poty và Terletsky đi Roma, ở đó Poty đệ lên đức giáo hoàng văn bản ký kết ở Torsyn cuối tháng 11.
Ðiểm tranh chấp duy nhất vào lúc khởi đầu những cuộc thương lượng mới là sự giữ lại niên lịch cũ. Người ta vẫn dựa vào các quyết định của công đồng Florence. Tuy nhiên, xét về chủ yếu, người ta đi chệch ra ngoài thủ tục năm 1439: kết quả của công trình Thống nhất mới (và điều này có giá trị cho tất cả mọi công cuộc Thống nhất trong tương lai) sẽ không phải là một thỏa ước giữa hai bên, nhưng là việc đức giáo hoàng đón tiếp các giáo phận ly khai vào lòng Giáo Hội. Văn kiện ấy sẽ được ký kết trong một đại hội trọng thể vào ngày 23 tháng 12 ở Vatican. Huấn thị chi tiết của đức giáo hoàng được công bố hai tháng sau. Quan điểm của phái latinh được biểu lộ rõ ràng trong sắc chỉ của đức Clément VIII: để làm bằng chứng hiển nhiên về lòng khoan dung của ngài đối với những người Ruthènes, đức giáo hoàng cho họ quyền cử hành những nghi lễ tôn giáo như các Giáo phụ Hylạp đã thiết lập nếu những nghi lễ ấy không trái với giáo lý công giáo, và không tách cộng đoàn ra khỏi Giáo Hội ở Roma. Trên thực tế, người ta ít quan tâm đến những tục lệ của Giáo Hội. Chẳng bao lâu chính người Ruthènes du nhập vào Giáo Hội của họ một vài cải cách theo khuynh hướng latinh. Ða số những huấn thị được gợi ý theo phái latinh do đức giáo hoàng viết trước đó cho những người công giáo theo nghi lễ Byzantin ở miền Nam nước Ý và ở Sicile vì hoàn cảnh riêng biệt của những miền này, chỉ được áp dụng để chống những truyền thống Ðông Phương rất lâu đời. Người ta quyết định đặc quyền của tổng giám mục được bổ nhiệm các vị giám mục, và đặc quyền của các giám mục được lựa chọn tổng giám mục. Cả hai đặc quyền này đều được Tòa Thánh châu phê và nhà vua chấp thuận.
Hội nghị mà giáo hoàng và nhà vua mong muốn đã nhóm họp năm 1596 ở Brest. Hội nghị tuyên bố chính thức công trình Thống nhất, và ra vạ tuyệt thông các đối thủ là hai giám mục Lemburg và Pazemysl. Những người chính thống giáo tập hợp một hội nghị chống lại. Những giám chức đến tham dự tố cáo các giám mục quy nhất (Uniates). Nhà vua và hội đồng chính trị xác định rằng từ rày về sau họ không chấp nhận một cộng đoàn không công giáo theo nghi lễ Ðông Phương nữa, nhưng việc này không làm thay đổi gì, bởi vì công cuộc Thống nhất toàn diện của giáo phận Kiev đã thất bại.
Hội nghị Thống nhất ở Brest hiển nhiên là biến cố quan trọng nhất về công trình Thống nhất được ghi trong lịch sử Giáo Hội và đồng thời là cuộc hội họp thứ nhất làm nổi bật uy quyền hoàn vũ của đức giáo hoàng. Roma và Cracovie cũng như các giám mục ở Brest, không tuyên bố dứt khoát là toàn thể một tổng giáo phận ngay từ lúc ban đầu thuộc về tòa thượng phụ Constantinople vừa được tách rời khỏi đó. Vài thập niên trước kia, ít nhất người ta đã chứng minh rằng thượng phụ không được tự do thương lượng trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thế kỷ XVII nhiều lần có vấn đề liên lạc với các tòa thượng phụ Ðông Phương cũ, khi những người quy nhất và những người chính thống giáo tìm cách cứu vãn sự đoạn tuyệt trong lòng của Giáo Hội ở Kiev.
VII. TỔNG GIÁO PHẬN CÔNG GIÁO Ở KIEV VÀO THẾ KỶ XVII.
Thoáng nhìn những biến cố xảy ra giữa các năm 1590 và 1596 ở Ba Lan, người ta có cảm tưởng rằng một bên là hàng giáo sĩ và dân chúng ở trong tổng giáo phận, một bên là những người công giáo latinh, không ai được chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc hội họp. Giáo Hội vừa được tổ chức lại trong những giáo phận theo nghi lễ Byzantin, thì bị xáo trộn bởi những căng thẳng và những kế hoạch trong thời gian thương lượng về công cuộc Thống nhất. Tin tức về những cuộc thảo luận bí mật bị tiết lộ quá sớm đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn vì những lỗi lầm chiến lược đã vi phạm ngay từ đầu. Những chuẩn bị cuối cùng đã diễn ra trong một bầu không khí kém hòa giải, người ta cho rằng việc thực hiện Thống nhất đã quá vội vàng.
Sau năm 1596, người công giáo trong tổng giáo phận luôn luôn gặp được những đồng minh và những người che chở giữa người công giáo latinh ở Ba Lan. Thế nhưng, dư luận quần chúng chống lại mọi hình thức san bằng toàn diện. Việc cấm các giám mục quy nhất dự họp ở Thượng viện đồng hàng với các giám mục latinh, (như những điều kiện đã được chấp nhận) để bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội latinh đã gây nỗi thất vọng thứ nhất. Nhà vua không tán thành biện pháp ấy, nhưng đó là do hàng quí tộc quyền thế và những người cùng phe với hàng giáo phẩm latinh quyết định. Mặt khác, thái độ của vua Sigismond đối với Giáo Hội Quy nhất không luôn luôn rõ ràng. Dĩ nhiên vua đã hợp tác trong việc thực hiện Thống nhất, nhưng sau đó, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ ngài muốn latinh hóa hoàn toàn. Bởi thế, ngài từ chối công bố sắc lệnh năm 1624 của đức giáo hoàng Urbain VIII (là vua ngài có tư cách để làm việc ấy), cấm dứt khoát tất cả các linh mục hay giáo dân Ruthènes dùng nghi lễ latinh khi không có phép đặc biệt của giáo hoàng. Hậu quả của thái độ đó là việc truyền giáo gặp khó khăn, làm mất thể diện những người công giáo trong tổng giáo phận, xúi họ chấp nhận nghi lễ latinh được đánh giá cao hơn nghi lễ Ðông Phương. Một vài giám mục latinh đòi sổ thuế những người Ruthènes phải nộp cho Giáo Hội. Nhiều lần người ta phạm đến quyền mục vụ của hàng giáo sĩ Ruthènes tại các họ đạo: trong một buổi lễ tôn giáo đã xảy ra vụ: một phụ tá không tên tuổi theo nghi lễ latinh ở Wilno đã lấn át tổng giám mục Kiev.
Ngay khi sự Thống nhất được công bố, các đối thủ lại ra mặt hoạt động. Trong số đó có nhiều người quí tộc, nhiều thành phần của các phụng hội và nhiều tu sĩ. Người dẫn đầu là Constantin d'Ostrog, người mà vào năm 1599 đã củng cố địa vị của mình nhờ sự giúp đỡ của nhóm tin lành ở Wilno. Không có sự tiếp xúc chính trị nào với Giáo Hội ở Moscou trong năm ấy. Nhưng Constantinople gởi ba đại diện đến để cố gắng ngăn ngừa mối nguy hiểm. Những người này thay thế tổng giám mục Nicéphore đã bị tống ngục khi Tổng giáo phận Quy nhất được chấp nhận. Vị tu sĩ Hylạp, Cyrille Lukaris, được gởi đến Ba Lan với cùng một mục đích, đã trở thành thượng phụ rất thời danh.
Trong những năm đầu, người ta bằng lòng với những lời phê bình và những bài đả kích được in ra. Sau những biến cố năm 1596, Sakarga viết một bài 'Bảo vệ Hội nghị Thống nhất ở Brest'. Vào bước quặt của thế kỷ, đã ra đời một 'Bài biện hộ' thường được gán cho Arcudius, ông sống ở Ba Lan cho đến năm 1609. đó là một bài trả lời chi tiết cho phản ứng hung hăng của những người chính thống giáo. Năm 1608 bá tước Ostrojsky, nhà chiến lược lớn và độc đoán của nền Thống nhất Kitô giáo, qua đời. Vị này có lẽ không bao giờ được người ta hiểu rõ.
Trong hai mươi năm đầu của thế kỷ XVII, mặc dầu Ba Lan còn chống lại Moscou bằng binh lực, tổng giáo phận tương đối vẫn phát triển và an bình. Tổng giám mục Rahozja ít hoạt động nhưng trung thành với công cuộc Thống nhất, được Ipaty Poty (1600-1613) kế vị. Là người giầu nghị lực, Poty thành công trong việc lập lại kỷ luật trong hàng giáo sĩ. Nhờ vào gia thế và những mối quan hệ tốt với nhà vua và giới quí tộc, tại Ba Lan ngài có một uy quyền mà rất ít người kế vị ngài có được. Tuy nhiên ngài không thành công trong việc khuất phục các nhóm chống đối để họ thuận theo Hội nghị Thống nhất ở Florence. Theo ngài, Hội nghị Thống nhất ở Brest là cái dây liên lạc lịch sử nối liền Tổng giáo phận của ngài với Giáo Hội duy nhất cũ. Vì thiếu những nhân vật lỗi lạc trong hàng giáo phẩm, ngài nhất quyết, với sự đồng ý của nhà vua và của đức giáo hoàng, tự mình lựa chọn người kế vị, trái với quyết định của đức Clément VIII là để các giám mục quyền lựa chọn vị tổng giám mục mới. Joseph Rutsky, người Nga trắng, kế vị ngài. Vị này được biệt danh là "người sáng lập Giáo Hội Ruthène thứ hai", nhưng đúng hơn phải nói, ngài có một quan điểm độc đáo đã góp phần xác định đường hướng phát triển tổng giáo phận.
Lúc còn nhỏ theo phái Calvin, đến khi là sinh viên Rutsky được đón tiếp trong lòng Giáo Hội latinh. Với ý muốn trở thành linh mục, ngài xin được một chỗ trong Học viện Hylạp ở Roma (trước 1624, trường này không phải chỗ dành để đào tạo những thành phần trong hàng giáo sĩ mà thôi). Ðể vâng theo ý muốn của đức Clément VIII, mặc dù ngài đã qua đời, và sau khi đã cố gắng bỏ hết thành kiến và ác cảm cá nhân, Rutsky theo nghi lễ Hylạp, và với tư cách là tu sĩ ngài vào một cộng đoàn tôn giáo mà Poty vừa thành lập ở Wilno. Các tu sĩ dòng thánh Basile (tên của một hội dòng gốc Tây Ban Nha - Ý) trở nên rất quan trọng nhờ sự ủng hộ của Rutsky và việc sáp nhập với những cộng đồng quy nhất nhỏ đã có trước. Ðôi khi những người đứng đầu các cộng đồng ấy từ chối không chịu từ bỏ quyền bầu cử các đan viện trưởng, điều này gây ra những khó khăn liên tục. Rutsky đặt ra cho dòng một qui luật mô phỏng các qui luật của dòng Tên và dòng Kín mà tổng giám mục đã quen biết nhiều năm. Một trong những mục đích của hội dòng là đào tạo các tu sĩ có khả năng (phần đông được đào tạo do một tập viện trung ương) làm ứng viên vào các tòa giám mục. Hơn nữa ban lãnh đạo trung ương của hội dòng là do kinh sĩ đoàn của tổng giáo phận tuyển chọn, họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo Giáo Hội Ruthénie. Vào thế kỷ XVII, những quan hệ không rõ ràng giữa ban lãnh đạo tập quyền của nhà dòng và ban lãnh đạo của tổng giáo phận đã gây ra nhiều tranh chấp nghiêm trọng, cũng là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo Ruthénie bị hoàn cảnh chính trị và hoạt động của Chính Thống Giáo dồn vào đường cùng. Những khó khăn ấy là một trong các nguyên nhân khiến tòa Giáo chủ phải trống ngôi từ 1655 đến 1665. Thực ra vị tổng giám mục thứ nhất kiêm cả chức tu viện trưởng của hội dòng Basile. Nhưng dưới thời Antoine Sielava, người kế vị thứ hai của Rutsky, sự kiêm nhiệm của hai chức vụ ấy tạo ra nhiều khó khăn, bởi vì sự quan hệ giữa hai chức vụ không rõ ràng.
Rutsky hết sức cố gắng nâng cao trình độ đào tạo trí thức của hàng giáo sĩ, bằng cách thành lập ít ra một chủng viện trong tổng giáo phận. Nhưng vì người ta ngăn cản không cho hàng giáo phẩm Quy nhất được chấp nhận công khai, ngài không thể nào bảo đảm được lợi tức các tài sản của Giáo Hội. Hơn nữa, người ta không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của dòng Tên đang có nhiều trường ở Ruthénie. Chính từ thời đó những quan hệ giữa Rutsky và dòng Tên trở nên căng thẳng (5). Cuối cùng một chủng viện Ruthénie được lập lên ở Minsk vào giữa thế kỷ, chỉ cầm cự được vài năm trong thời loạn rồi phải đóng cửa. Mãi sau thời kỳ chúng ta đang nói đến đây, mới có vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ theo phương pháp sư phạm. Vào thế kỷ XVII, các bề trên dòng Basile tiếp tục giới thiệu một số nhỏ tu sĩ có khả năng vào Học viện Hylạp ở Roma và vài chủng viện truyền giáo được mở riêng cho Giáo Hội Ruthénie.
Vào thời mà Joseph Rutsky làm tổng giám mục bắt đầu những sự thử thách, tiếp liền sau chính sách hạ nhục kiểu Ba Lan hay sự hung bạo của người Nga nhằm khôi phục Chính Thống Giáo. đó là một đặc tính bất biến của lịch sử các Giáo Hội Quy nhất tại các nước Slaves.
Vào thế kỷ XVII, những người công giáo Ruthénie chịu đau khổ nhiều nhất vì những người Cosaques "Tây phương". Một số nhỏ những chiến sĩ tự do này không thể đóng căn cứ ở hạ lưu sông Dniepr (vùng đất không người thuộc về nước Nga vào cuối thế kỷ XVIII), tập trung trước tiên trong vùng "xa các thác" (Zaporozje). Phần đông trong nhóm họ được đăng ký ở Ba Lan - Lituanie, tại đó họ được chấp nhận chính thức, có người điều khiển và nhiều lần đã chiến đấu dưới cờ Ba Lan. Với tinh thần hiếu chiến, họ dễ dàng bị lôi cuốn vào những vụ xung đột, bạo động. Vào thế kỷ XVI, đức giáo hoàng cho người Cosaques cư ngụ ở miền Tây Nam hưởng tiền phụ cấp để họ đi quấy rối người Thổ Nhĩ Kỳ. Các tu sĩ dòng Tên đến Istambul năm 1609, đã trải qua mấy tuần lễ đầy lo sợ, vì có tin đồn Vatican đang tổ chức một đoàn quân Cosaques để tấn công vùng biên giới, chống lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời chính quyền trung ương ở Pologne - Lituanie bắt đầu suy yếu dần, người Cosaques và giới quí tộc sống riêng rẽ thường xuyên tiếp xúc với nhau. Vì hoàn cảnh bắt buộc, đám dân phiêu lưu được dung túng ấy, phần đông là người chính thống giáo nhiệt tình, hăng say chống công cuộc Thống nhất. Khi có nhiều nông nô bỏ trốn gia nhập vào những đơn vị Cosaques, và khi những can thiệp võ trang của họ bị coi là phản nghịch chống trật tự xã hội, thì việc lãnh đạo của chính quyền cũng trở thành bấp bênh, mất hiệu lực. Những người quy nhất đau khổ vì hoàn cảnh như vậy. Từ khi dòng họ Romanov được thừa nhận, Moscou thường đóng vai trò ảnh hưởng và quan trọng trong Giáo Hội cũng như trong chính trị. Tuy nhiên Moscou không luôn luôn được lòng và có ảnh hưởng đối với nhóm người chính thống hiếu chiến tại Cộng Hòa Ba Lan. Ðối với người Cosaques cũng vậy.
Thời kỳ Cosaques thứ nhất trong lịch sử của tổng giáo phận công giáo gần như trùng hợp với thời đại của viên thủ lãnh quyền thế Piotr Sahazjdatsing (1616-1622). Năm 1618, người Cosaques tuyên bố long trọng rằng: họ bảo vệ phụng hội ở Kiev. Phụng hội này hợp với "Tu viện Hang động" (Couvent des Cavernes) là thành trì tôn giáo chống lại phong trào Thống nhất, là trung tâm của Chính Thống Giáo ở Pologne-Lituanie. Những người quy nhất không được vào đó và tổng giám mục công giáo Kiev phải trú đóng tại Minsk với danh nghĩa là vị bản quyền địa phương vào thế kỷ XVII, trong nước Nga trắng (là nơi có đông người quy nhất hơn ở Ukraine vào thời đó). Ðược người Cosaques bao che, những người chính thống giáo đã tiến một bước lớn vào năm 1620. Cho dù tại Pologe-Lituanie, Giáo Hội Chính Thống Giáo còn ở ngoài vòng pháp luật, thượng phụ Jérusalem là Théophane, khi tham quan vùng đó, đã truyền chức cho một hàng giáo phẩm đầy đủ, có lẽ do sự thúc đẩy của Philorète, thượng phụ Moscou. Lớp giám mục thứ nhất này có xu hướng theo Nga. Chính phủ và tổng giám mục Rutsky ra văn thư tuyên bố việc khi phục một tổng giáo phận chính thống giáo như vậy là bất hợp pháp. Nhưng thủ tướng của Lituanie không dám công bố nghị định ấy.
Những nạn nhân đầu tiên trong hàng giáo sĩ quy nhất gục ngã ngay từ năm 1617. Người được biết đến nhiều hơn hết là tổng giám mục đạo đức ở Pololsk, tên là Josaphat Kuntsewyteh, vị tu sĩ thứ nhất được Poty truyền chức ở Wilno. Ngài bị giết ở Vitebsk năm 1623 trong khi đi kinh lý. Ngài được phong chân phước ngay từ năm 1643 và được phong thánh năm 1867. Thủ tướng Sapieha ra lệnh điều tra nghiêm túc vụ ám sát đã gây nhiều xúc động trong dư luận, và các giám mục latinh tạm thời tránh ưu đãi ngấm ngầm những người chính thống giáo. Nhưng không thể có một cuộc hưu chiến lâu dài. Vua Sigismond III đã già, và Wladyslaw, con trai của vua còn mang tước hiệu chính thức, vào thời đó, là vua nước Nga, không muốn để cho vua cha bị nguy hiểm bằng việc ủng hộ công khai nhóm Quy nhất mà Moscou thù ghét. Năm 1632, khi Sigismond III, người đã sống lâu hơn người ta dự liệu, qua đời, thì Wladyslaw, tự lấy sáng kiến nhượng bộ cho những người chính thống giáo các yêu sách chủ yếu họ xin. Những điểm quan trọng đã được chấp nhận trong những cuộc thương lượng trước cuộc tuyển cử của ngài, cuối cùng bị loại bỏ. Người ta cho tổng giáo phận chính thống và cho hàng giáo phẩm của họ một qui chế không những ngang bằng mà đi khi còn cao hơn qui chế của Giáo Hội Quy nhất. Bởi vì một vài giám chức chính thống giáo được quyền dự họp Hội nghị Chính trị trong khi các giám mục quy nhất không được. Người ta còn nhượng cho Giáo Hội Chính Thống Kiev hai tòa giám mục, nhiều tu viện và nhiều tài sản chung (6).
Nếu ý tưởng về tự do tôn giáo hoàn toàn chưa được phổ biến vào thế kỷ XVII, thì do sự khôn ngoan và trên thực tế, tại Ba Lan người ta đã chấp nhận sự tự do này: xét về con số, người chính thống giáo ở Ba Lan vào thời đó, đông hơn những người quy nhất.
Dư luận không coi việc Thống nhất là một sự thành công hoàn toàn. Nhưng điều quan trọng hơn cả đối với Wladyslaw là đường lối của Chính Thống Giáo đối với Moscou. Trong những năm tiếp theo cuộc khi phục Chính Thống Giáo vào năm 1620, nói chung người chính thống rất tận tâm với Pologne-Lituanie. Trên bình diện tôn giáo, họ ước muốn được độc lập đối với tòa thượng phụ ở Moscou mà không khí đạo đức và thần học nói chung ít được tán dương ở Kiev. Nhân vật nổi bật hơn hết trong lịch sử của tổng giáo phận chính thống giáo là Pierre Moghila, người Moldavie, bề trên các Tu viện Hang động (Couvents des Cavernes), và trở nên tổng giám mục vào năm khó khăn 1633. Có thể nói ngài là đại diện chính yếu cho thái độ đối lập ấy. Dù công khai chống đối công cuộc Thống nhất như đã thực hiện vào năm 1596, ngài luôn là công dân trung thành với quốc gia Ba Lan cho đến ngày qua đời (1647). Tư tưởng thần học của ngài đậm mầu sắc Tây phương, vì thế ít được tán thưởng lúc sinh thời ở Moscovie. (Thần học của ngài với tác phẩm nổi tiếng Tuyên xưng đức Tin Chính Thống (Profession de foi orthodoxe) được trình bày trong chương "Những Giáo Hội theo nghi lễ Byzantin trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ". Chỉ vào thế kỷ XVII Giáo Hội ở Moscou mới tham chiếu thần học ở Kiev. Tư tưởng của Moghila có lẽ thiếu tính cách độc đáo, nhưng thời kỳ đó, người ta không tìm thấy một nhà thần học nào có thể so sánh được với ngài. Vào thời đó, giáo thuyết của những Chính Thống Giáo cao hơn giáo thuyết của những Công Giáo Ruthénie. Bắt đầu có từ năm 1589, trường của Phụng hội ở Kiev được sửa đổi vào năm 1631 thành học viện theo mẫu những trường tốt nhất của dòng Tên. Cũng do ảnh hưởng của Moghila mà vào thế kỷ XVII, Kiev trở nên trung tâm trí thức của Chính Thống Giáo Slave (với những lớp đầy đủ về thần học và triết học, phần lớn dạy bằng tiếng latinh, nhưng vì không được phép của nhà vua, nên trước những năm 1670 không ghi vào chương trình chính thức của học viện). Vào năm 1701, khi trường nhận được danh hiệu chính thức là viện cao học, thì vẻ huy hoàng của trường đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, tên trường nhắc nhở rằng những viện cao học tôn giáo ở Nga bắt nguồn từ học viện ở Kiev. Học viện này là kiểu mẫu.
Những hồi ký liên quan đến thế kỷ thứ nhất của lịch sử Giáo Hội Công Giáo Ruthénie, với những sự can thiệp của người Cosaques và những âm mưu chính trị, nói đến rất ít hoặc không nói gì, về những quan hệ giữa người chính thống và người quy nhất tại Pologne-Lituanie. điều chắc chắn là nhiều người chính thống sống riêng rẽ đã trở thành giáo dân của tổng giáo phận Quy nhất. Và người nổi tiếng hơn cả là Milety Smotritsky, tác giả của nhiều bài đả kích người latinh. Trên cương vị là tổng giám mục ở Polotsla, chắc ngài biết nhiều về cuộc âm mưu chống tổng giám mục Josaphat. Sau vụ ám sát và nhờ "sự can thiệp linh thiêng của việc tử đạo" (như người ta đồn thổi về sau), ngài trở nên một tín đồ công giáo, và một trong số những người chủ chốt đã đề xướng một hội nghị các giám mục Quy nhất và Chính thống vào năm 1629 với mục đích thực hiện nền Thống nhất toàn diện. Nhưng sự xáo trộn do người Cosaques xúi giục đã làm cho những cuộc thảo luận không đạt được kết quả mong muốn, vì thiếu sự hiện diện của tổng giám mục thống nhất và đặc biệt của Moghila. Vào thời đó, Moghila còn là bề trên của một tu viện. Âm mưu này đã xẩy ra nhiều lần. Những cuộc tiếp xúc với Moghila rất nghiêm túc, và nếu các cố gắng của ngài không đạt được kết quả thì người ta cũng không thể nghi ngờ những mục đích chân thành mà ngài theo đuổi. Thiện ý tìm sự Thống nhất bằng việc đối thoại ở cấp cao là một trong những sáng kiến đáng tán thưởng trong lịch sử Giáo Hội. Roma không tán thành những hội họp theo kiểu hội nghị Florence, tập họp những hàng giáo phẩm khác nhau về khuynh hướng lại ngồi ngang hàng với nhau. Sau vụ thất bại năm 1629, những hình thức hội họp như vậy bị lên án gắt gao. Dư luận rất nhạy cảm về một trong những lời phàn nàn của Chính Thống Giáo trách Hội nghị Thống nhất ở Brest không kể gì đến những quan hệ giáo luật giữa Kiev và Cosntantinople. Lời phàn nàn ấy được bày tỏ trong tác phẩm Polinodia của Kopystensky (vào khoảng 1621) là tài liệu bút chiến lần thứ nhất của Chính Thống về giáo lý trong thế kỷ XVII. Những cuộc thảo luận của Bộ Truyền bá Ðức Tin, (tên chính thức có từ năm 1622) quán xuyến các vụ việc Ðông Phương, thường bày tỏ về vấn đề ấy cách lờ mờ giống như những đề nghị mà Rome đã đưa ra vào thời Ivan IV và những năm sau. Việc quan trọng nhất là thiết lập một Tòa Thượng phụ riêng biệt ở Kiev. Dự án được Tổng giáo phận Chính Thống giáo lưu tâm đặc biệt, nhưng Roma không bao giờ kể đến việc này. Vào cuối thế kỷ, những trao đổi về quan điểm liên quan đến qui chế của Giáo Hội ở Kiev, chỉ còn là một luận chứng bút chiến mà những nhà bút chiến chính thống dùng để chống lại những người quy nhất (từ đó, từ 'quy nhất' có tính cách khinh bỉ trong cách nói của người chính thống giáo mà ngày nay nhiều người công giáo latinh chưa nhận thấy). Một phương án Thống nhất toàn bộ khác, đến chậm trễ nhưng đáng quan tâm, có thể được thực hiện nhờ những bài viết ở cuối triều đại Jean Casimir. Hoàng hậu Marie Louise, dự định để ngai báu Ba Lan cho một trong những người được bà che chở, đã đóng một vai trò chủ yếu. Bà tưởng rằng những người Cosaques, một khi đã trở nên công giáo, sẽ ủng hộ bà. Thủ đoạn thuần túy chính trị và được thi hành một cách vụng về, tất phải thất bại ngay từ đầu.
Việc thoái vị của Jean Casimir, đối với Tổng giáo phận Công Giáo, là chấm dứt một giai đoạn khó khăn của thế kỷ XVII. Những rối ren chính trị và quân sự hoành hành dưới triều đại của vị vua này (1648-1668), đã đưa Giáo Hội Quy nhất đến chỗ suy vi. Những người công giáo Ruthénie cũng rơi vào những khó khăn trầm trọng, gây ra bởi những căng thẳng giữa tổng giáo phận và các tu sĩ dòng thánh Basile, và họ phải từ chối mọi giúp đỡ của người ngoài. Vua cha và anh là Wladyslaw, hai người vốn tán thành việc Thống nhất. Trái lại Jean Casimir, tu sĩ dòng Tên và hồng y cũ, ít thiện cảm với người công giáo trong tổng giáo phận. Sau những cuộc chinh phục đầu tiên của người Cosaques dưới quyền điều khiển của người thủ lãnh đáng sợ là Bogdane Khmelnitsky, thì năm 1649 Jean Casimir quyết định: Với sự đồng ý của Hội nghị Chính trị, ông thẳng tay xóa bỏ Giáo Hội Quy nhất; Tài sản của Giáo Hội Quy nhất chuyển qua cho người chính thống giáo; Sau cùng các tu sĩ dòng Tên và các linh mục latinh khác từ đó không được cư ngụ tại Ukraine nữa. Những biện pháp ấy có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh và không được đem ra áp dụng. Những lời dọa nạt được viết ra không là gì sánh với những hành động hung bạo, những vụ giết người, đốt nhà và cướp bóc mà người công giáo Ruthénie phải chịu trên toàn lãnh thổ của Lituanie, đang khi đó, những người Cosaques đã liên minh với những người Cosaques miền Nam, thoát khỏi mọi tàn bạo.
Khemelnitsky, bị đồng minh Tartares ở Crimée bỏ rơi, cố kéo Moscou về phe mình, dưới chiêu bài "những người đồng đạo bị bách hại". Ðể bảo vệ Chính Thống Giáo, và vì coi vương quốc cũ của Wladimir là gia sản hợp pháp của mình, vua Alexis, sau khi do dự lâu dài, năm 1654 đã chấp nhận lời thề trung thành có điều kiện của những người Cosaques. Hậu quả đương nhiên là có chiến tranh với nước Ba Lan. Nước này cũng bị nước Suède tấn công. Câu chuyện về cuộc chiến tranh lạ lùng ấy thuộc về lịch sử thế tục. Những miền bị dày xéo hơn cả dĩ nhiên là những miền đông đảo người quy nhất.
Tất cả lãnh thổ của nước Cộng Hòa rơi vào tay người Nga, người Cosaques, và người Thụy Ðiển, trong mùa hè 1655. Gần như không thể có vấn đề kháng cự của người Ba Lan. Nếu những năm sau Jean Casimir thành công trong việc tổ chức một cuộc kháng chiến nào đó là do những thất bại mà Moscovie và Thụy Ðiển lần lượt phải chịu và những quan hệ càng ngày càng căng thẳng giữa người Cosaques và vua Nga. Người ta có lý do nghĩ rằng vua Nga đã thật tình muốn bảo đảm nền độc lập của một quốc gia Cosaques, bằng chứng là để tạo sức ép, nhiều nhóm Cosaques ở phía Nam đã cố gắng nối lại những quan hệ với Ba Lan. Tình trạng ấy ảnh hưởng nhiều đến đời sống của Giáo Hội.
Sau phần đầu của cuộc chiến tranh, những đại diện của Ba Lan và của Moscovie xử dụng một giải pháp người ta quen dùng khi có vấn đề quan hệ giữa hai quốc gia: bảo đảm nền hòa bình lâu dài bằng cách liên minh dòng tộc. Lần này vua Alexis, hay người con trẻ tuổi của vua, sẽ kế vị Jean Casimir là người không có con. Người ta hiểu ngay, là nếu tình trạng ấy xẩy ra thì trong những cuộc thương lượng, Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan sẽ mất ưu thế hoặc tổn thương đến vận mệnh. Vua Nga từ chối dứt khoát, như người ta đã dự tính, một người thuộc dòng tộc Romanov sẽ được thăng chức ở triều đình Ba Lan, trong đạo Công Giáo. Tuy nhiên, một vài vị Khâm sai Tòa Thánh ở Ba Lan lo lắng về số phận của những người quy nhất. đối với Alexis, không có tổng giáo phận Công Giáo ở Kiev, cũng như không có một tổng giáo phận Chính Thống tùy thuộc Constantinople. Hàng giáo phẩm mới, trong những miền do người Nga chiếm đóng, tùy thuộc hoàn toàn tòa thượng phụ Moscou. để khỏi mất cơ hội, người latinh tổ chức nhiều cuộc tranh luận, được chuẩn bị rất nghiêm túc, về đề tài Thống nhất các Giáo Hội Công Giáo latinh và Chính thống. Những cuộc đối thoại đó nhằm mục đích chính là ra cho khỏi ngõ bí chính trị, tuy không đi đến kết quả nhưng vẫn được tiếp tục mà người quy nhất không hay biết.
Người ta bỏ những cuộc thương lượng vô bổ với Moscou khi người ta nhận ra rằng sắp có cơ hội thuận lợi hơn để thương thuyết với người Cosaques miền Nam. Một quốc gia Cosaques sẽ được nước cộng hòa Ba Lan và Lituanie đón tiếp như thành phần thứ ba và bình đẳng. Những chi tiết của cuộc họp ấy được định vào mùa xuân 1658, ở Hadjatch và được chấp nhận ít lâu sau. Nếu không có những cơ hội làm khoan hoãn nhiều lần việc thi hành các điểm đã thỏa thuận ở Hadjatch, thì sự thực hiện những điểm ấy sẽ làm sụp đổ hẳn tổng giáo phận Công Giáo. Công trình Thống nhất bị bãi bỏ trong toàn nước Cộng Hòa, và người quy nhất được lựa chọn trở nên Chính Thống Giáo hay Công Giáo latinh. Tất cả tài sản của Giáo Hội Quy nhất được giao cho Chính Thống Giáo. Nhà vua và uy quyền còn suy sụp hơn vào những năm 1650, không hoàn toàn có trách nhiệm về những biện pháp võ đoán. Vả lại, bà hoàng hậu độc đoán cũng ủng hộ hiệp định. Một vài thành phần của "quốc hội" cảm thấy bị thương tổn, không thể kêu ca được. Khi sứ thần tòa thánh Vidoni khám phá ra những mưu toan ngấm ngầm, thì người ta không thể biện minh nổi bằng cách nhắc lại những hiệp ước Westplalie, mà theo đó Roma có thể chuẩn y những nhượng bộ mà thỏa hiệp ở Hadjatch đã từ chối. Tại Roma, diễn tiến nhiều buổi họp liên bộ, đức giáo hoàng đe dọa đoạn tuyệt với chính phủ Ba Lan, và nghiêm khắc cảnh cáo những giám mục latinh đã tham gia vào hội đồng chính trị. Ðể tìm cách thỏa hiệp, người ta nghĩ đến giải pháp cuối cùng là thành lập một tòa thượng phụ ở Kiev. Mối nguy hiểm đe dọa nền Thống nhất chỉ tan biến khi hiệp ước Hadjatch bị hủy bỏ, khi người Cosaques suy yếu vì những chia rẽ nội bộ, và khi những cuộc thượng lượng với Moscou được tiếp tục.
Chiến tranh được chấm dứt bằng cuộc hưu chiến ở Androussovo (1667) vì quyền lợi của Moscou, nhưng thắng lợi không quan trọng lắm. Từ triều đại Ivan IV, Moscou phải đối xử khéo léo với Ba Lan. Smolessk và tòa giám mục cùng tên (tòa này từ 1625 cho đến năm 1655, khi người Nga và người Cosaques chiếm đóng, đã có một vị bản quyền Quy nhất) và Kiev với lãnh thổ từ phía tả ngạn sông Dniepr tới phía Nam Tchernigov thuộc hẳn về Moscovie.
Tuy thiếu tài liệu chính xác, chúng ta chắc chắn rằng ít có những người công giáo theo nghi lễ Ðông Phương thất trung với nền Thống nhất, mặc dầu họ phải chịu nhiều đe dọa, nhiều biện pháp cưỡng bức. Tất cả những gì chúng ta biết về người công giáo trong tổng giáo phận vào thời kỳ đó, đều ngược lại dư luận cho rằng: trước đó năm mươi năm, dân chúng và hàng giáo sĩ cấp dưới đã chấp nhận nền Thống nhất dưới sự đe dọa. Tiếp đến, họ còn phải chịu nhiều thử thách dưới triều đại Jean Casimir. Nhưng sau đó, trái với mọi chờ đợi, họ được hưởng một thời kỳ thái bình nhất của Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo ở Kiev. Sự đe dọa của những người Cosaques và người Nga tạm thời tan biến, và mọi kháng cự của giới quí tộc chính thống, của các tu sĩ và các phụng hội cũng dịu đi. Nhờ đó, cộng đoàn Quy nhất có thể, trong một thời gian lâu dài, đóng một vai trò quan trọng trong nước Cộng Hòa, mặc dù đôi khi còn phải chịu nhiều nhục nhã. Jean Sobieski có lẽ là một ông vua (1674-96) yếu về chính sách tôn giáo hơn về chiến lược quân sự; nhưng đường lối cai trị của vua giúp Giáo Hội Công Giáo Ruthénie phát triển trong hòa bình.
Việc phục hồi Tổng giáo phận bị suy sút đã bắt đầu vào lúc chiến tranh chấm dứt, tức là khi Jean Casimir từ bỏ chính sách "Cosaque" năm 1665 và khi Gawrul Kolenda được bổ nhiệm tổng giám mục sau tòa bị trống ngôi một thời gian lâu dài. Trước tiên Roma do dự xác nhận việc bổ nhiệm. Lý do, có sự can thiệp chuyên chế của Kolenda, tranh chấp với các tu sĩ dòng thánh Basile đã biến thành gây cấn và Bộ Truyền Giáo lại đứng về phe các tu sĩ. Tuy nhiên, với tư cách tổng giám mục, Kolenda có nhiếu công trạng lớn. Thời đó, ngài là một trong những vị giám mục tài đức của Ruthénie. Những khó khăn với các tu sĩ dòng thánh Basile được giải quyết êm xui nhờ sự giúp đỡ tận tâm của Jacob Susza, vị giám mục lỗi lạc ở Chelm. Giữa người công giáo Slaves theo nghi lễ Ðông Phương, các tu sĩ dòng thánh Basile ngày nay vẫn còn là dòng đáng được chú ý nhất.
Trong thời chiến, các giám mục của Tổng giáo phận đã từ chối đứng về phe Moscou, bởi vậy, sau khi hưu chiến, tổng giám mục ở hẳn tại Galicie là nơi các giám mục chính thống đã lưu trú liên tục từ khi có Hội nghị Thống nhất Brest. Kiev được chia cắt cho Russie sau khi hưu chiến. Jean Sobieski có nhiều bạn bè giữa các giám mục. Ngài lợi dụng hoàn cảnh để thực hiện, lần này thành công, một chương trình thống nhất mới (cuối cùng nhà vua quyết định tất cả các giám mục phải thuộc quyền Constantinople và phải tuân lệnh Constantinople ngay khi vị thượng phụ đại kết đã hợp nhất với Giáo Hội Roma). Joseph Chumlamky, người Galicie, lúc 24 tuổi, đã được truyền chức bất hợp pháp, làm giám mục Lemberg, đóng một vai quan trọng: được một nhóm người có vũ khí giúp đỡ, ngài chiếm nhà thờ chính tòa và Jean Sobieski đã bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục năm 1676. Chưa đầy một năm sau, ngài kín đáo tuyên bố rằng ngài muốn vâng phục đức giáo hoàng, rồi vào năm 1681, lần này cũng kín đáo hơn, ngài tuyên xưng Ðức Tin. Giữa lúc đó ngài vẫn tiếp xúc thường xuyên với tòa thượng phụ ở Moscou, xin tòa này nhìn nhận chức tổng giám mục của ngài và quyền được tự do xử dụng tài sản của Giáo Hội Kiev-Nga. Tất cả chứng minh rằng ngài đã thật lòng mong muốn sự Thống nhất ngay từ đầu. Tuy nhiên ngài muốn thận trọng chuẩn bị hàng giáo sĩ và dân chúng để tránh kinh nghiệm bi thảm về một thủ tục vội vàng giống như năm 1595 (sự cân nhắc đó Roma không thể hiểu được). Nhưng ngài cũng có tham vọng (có lẽ ngài nghĩ đến quyền lợi của các giám mục đồng chức với ngài và những người kế vị ngài) và ngài muốn phòng giữ các cơ may. Ðó là quyền xử dụng tự do tất cả tài sản của tòa tổng giám mục chính thống ở Kiev, và đối với riêng ngài, những quan hệ vẻ vang với vị giáo chủ công giáo, bao lâu vị này còn tại thế, không có quan hệ nào với vị bản quyền latinh ở Lemberg (vị này còn cho là tòa giám mục Hylạp, theo lẽ công bằng, phụ thuộc vào tòa giám mục latinh), và những quyền lợi chính trị giống như các giám mục latinh. Bởi sự dè dặt của ngài, càng ngày ngài càng chuốc lấy sự chống đối của Sobieski. Chỉ vào tháng 6.1700, sau khi nhà vua qua đời, Chumlansky mới tuyên xưng Ðức Tin công khai. Giám mục ở Przemysl đã làm ngay từ 1692, và giám mục ở Loutsk chỉ làm vào năm 1702. Khi phụng hội ở Lemberg long trọng tuyên bố vâng phục đức giáo hoàng vào năm 1708, nền Thống nhất được toàn vẹn trong nước Cộng Hòa. Vả lại, một sự Thống nhất đã được thực hiện trước đó ở Lemberg: năm 1635, tổng giám mục người Arménie và các tín hữu của ngài đã gia nhập vào cộng đoàn của Giáo Hội Roma (cộng đoàn người Arménie ở Galicie có từ thế kỷ XIV).
Chumlansky hy vọng được Moscou chấp nhận ngài làm tổng giám mục ở Kiev, nhưng chẳng bao lâu ngài bị thất vọng. Năm 1685, giám mục thân Nga ở Loutsk, người độc nhất trong hàng giáo phẩm chính thống ở Galicie chống đối việc Thống nhất, được thượng phụ ở Moscou thuyết phục, lên giữ tòa giáo chủ ở Kiev. Tổng giáo phận thứ nhì ấy (Constantinople không quan tâm đến nữa) chỉ kéo dài đến năm 1707.
VIII. VẤN ÐỀ "LATINH HÓA".
Khi việc Thống nhất các giáo phận ở Galicie đã hoàn tất, không bao lâu những sự bất đồng bùng nổ giữa những người quy nhất cũ và mới, do sự khác biệt về tục lệ tôn giáo hay đúng hơn về nghi lễ, theo nghĩa tổng quát. Việc phụng tự của những người chính thống ở Galicie đã chịu ảnh hưởng Tây Phương, điều đó tách rời họ với những người chính thống ở Moscovie. Tuy nhiên, những ảnh hưởng ấy đã ăn sâu hơn nơi những người quy nhất cũ. Năm 1720, người ta tổ chức hội nghị Zamose, hội nghị này phải xác định đường hướng phải theo và những điểm chủ yếu chung cho tất cả mọi người quy nhất. Nhưng người ta cố ý để lơ lửng một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề các tu sĩ của những giáo phận mới gia nhập nền Thống nhất và còn bị chi phối bởi những truyền thống tu viện chính thống giáo, có phải sáp nhập vào dòng thánh Basile hay không.
Ngay từ cuối thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu, đời sống tu trì và thiêng liêng của người quy nhất phát triển mạnh mẽ, nêu bật và hiển dương Giáo Hội của họ, đặc biệt trong những cách hành đạo của một Giáo Hội Công Giáo Slave theo nghi lễ Ðông Phương (đặc biệt nơi những người Ruthénie, nhưng ít hơn nơi những người ở Ukraine). Chúng ta đề cập đến ở đây một đề tài rất tế nhị. Nhưng nét đặc thù ấy, đối với những thế hệ công giáo anh dũng, là dấu hiệu xác thực về lòng trung thành của họ đối với Giáo Hội độc nhất. Ðàng khác, những người chính thống, với lòng kiêu hãnh về tính cách thuần khiết của những nghi lễ truyền thống, lại coi thường những điểm đặc thù ấy, và coi mọi tiếp xúc chặt chẽ với những người công giáo latinh là nguy hiểm. Dù sao đi nữa, những người quy nhất, đã hòa mình trong nghi lễ Byzantin (như Amman bày tỏ một cách thận trọng) "vẫn không thể san bằng được con đường chia cách Roma với những Giáo Hội Slaves ở Ðông Phương" (7).
Không nên gọi là "latinh hóa" tất cả các tập tục khác nhau trong lối hành đạo của Chính Thống Giáo. Nhiều chi tiết trong tập nghi lễ và những tục lệ của người quy nhất, cũ xưa hơn những chi tiết nghi lễ của Moscou rất nhiều. Nghi lễ này, dưới thời Nicone, đã được thích ứng theo cách hành đạo Hylạp thời đó. Các ca đoàn thường rất đơn giản, chỉ hát một giọng do toàn thể cộng đoàn hát. Trong nhiều nhà thờ, người ta hát theo truyền thống ấy. Mãi sau Giáo Hội Quy nhất mới có các ca đoàn nhiều giọng và hùng hồn. Vả lại, một số thay đổi mới do những tác phẩm phụng vụ công giáo xuất bản vào thế kỷ XVII được những người chính thống tán thưởng, được du nhập vào Moscou (do Kiev) và thành thông dụng.
Mặc dù trong tổng giáo phận luôn có nhiều người chống đối việc "pha trộn" đã bắt đầu dưới thời Rutsky, người ta vẫn áp dụng những sửa đổi theo đường lối latinh mỗi khi có dịp thuận lợi, nhất là các điều Roma chỉ định trực tiếp hoặc gợi ý qua vị sứ thần, từ việc áp dụng nguyên văn huấn dụ của công đồng Trente cho đến các điểm tín lý thông thường. Nói chung, những sửa đổi ấy nhằm giảm thiểu những khác biệt trong lối hành đạo giữa người quy nhất và người latinh. Người ta cảm thấy thái độ khinh dể của hàng giáo sĩ latinh, vì những người quy nhất thiếu đào tạo không thể lượng đúng giá trị về truyền thống riêng của mình. Bị xúc động vì ưu thế của văn hóa Ba Lan, và thường là nạn nhân của tự ti mặc cảm, người quy nhất chấp nhận ưu thế của Giáo Hội latinh. Theo nghĩa rộng, việc latinh hóa còn có thể nhận thấy trong những nhân tố xã hội. Phải ghi nhận rằng chính những người chính thống tiên khởi lại là những kẻ quả quyết đi vào khuynh hướng mới (về sau hiện tượng này còn xảy ra). Người được biết đến nhiều nhất về phương diện đó là Sakowitch, người hiếu động và bị Moghila thù ghét hơn cả. Ðang thiết lập một kế hoạch thích ứng phụng vụ Byzantin cách tỉ mỉ cho đến các chi tiết nhỏ. Lối sống đạo đức và những hình thức sùng kính latinh còn dễ thích ứng hơn nữa. Bởi lẽ những người lãnh đạo trong hàng giáo sĩ nói chung đã được đào tạo trong một chủng viện latinh. Ngay trong học viện Hylạp ở Roma (là nơi người ta học cùng một lúc những tác phẩm của thánh Thomas, của các Giáo phụ và các nhà minh giáo Hylạp) phụng vụ theo nghi lễ Byzantin chỉ được cử hành một cách ngoại lệ. Việc rước Mình Thánh được đón nhận theo nghi lễ latinh, chỉ trừ trong ba đại lễ. Do sự miễn chuẩn của đức Alexandre VII, những ngày ăn chay được giữ theo tục lệ latinh. Từ năm 1621, các bề trên của học viện là thành phần của dòng Tên, các ngài luôn theo nghi thức latinh.
Dân chúng trung thành với những việc đạo đức rập theo thời đại Byzantin. Thêm vào đó, có những việc thiêng liêng theo kiểu Tây Phương, như kinh 40 giờ do Kolenda du nhập vào. Khoảng giữa thế kỷ, trong các nhà thờ của dòng thánh Basile, nhà nguyện bên hông chỉ dành để cử hành phụng vụ "đọc" mà thôi. Về sau, người ta dùng khăn quàng vai và áo trắng dài latinh, người ta bái gối và rung chung nhỏ trong phụng vụ, đó là những dấu hiệu phân biệt Chính Thống Giáo Công Giáo và Chính Thống Giáo Ðông Phương ly khai. Mới hai mươi năm trước đây, đi khi còn thấy những phản ứng chống lại các tác phẩm về phụng vụ do Roma xuất bản và dành riêng cho những người công giáo theo nghi lễ Byzantin ở Ruthénie và ở Ukraine. Lý do, nhiều quy tắc chữ đỏ và những chỉ thị tổng quát trong các tác phẩm ấy đã loại bỏ những truyền thống rất thuần túy của những Giáo Hội ấy.
Những lời kết luận của hội nghị Zamosc (1720) không đem lại một sự đổi mới nào về những nghi lễ mang mầu sắc "latinh hóa" mà những người quy nhất đầu tiên đã phổ biến. Ban đầu Roma ngần ngại phê chuẩn những quyết định ấy. Sau khi được xác nhận (1724), người ta thêm vào một điều khoản để ngăn chặn những thay đổi du nhập vào các Giáo Hội Quy nhất khác. Ðiều khoản hạn chế ấy do sáng kiến của Prosper Lambertini, bộ trưởng Bộ Nghi lễ. Sau khi lên ngôi giáo hoàng và lấy tên là Benoit XIV, ngài ra nhiều văn kiện ấn định đường hướng La mã đối với những nghi lễ Ðông Phương. Tuy thông thái, ngài không hoàn toàn thoát khỏi nguyên tắc công nhận ưu thế của quy luật phụng vụ latinh và của Giáo Hội Roma, trên những nghi lễ Ðông Phương.
IX. NHỮNG CÔNG CUỘC THỐNG NHẤT Ở RUSSIE-SUB-CARPATHIQUE VÀ Ở TRANSYLVANIE.
Việc thống nhất những người Ruthénie trong xứ Russie-sub-carpathique, nằm phía Nam biên giới Galicie khởi sự và tiến hành trong thế kỷ XVII. Cộng đoàn Quy nhất đầu tiên được sáp nhập với Roma vào khoảng năm 1700, và gồm cả những người Roumains ở Transylvanie. Mặc dù gặp nhiều khó khăn lớn, hai cộng đoàn Quy nhất ấy phát triển mạnh mẽ trong hai thế kỷ XVIII và XIX. Tuy nhiên, từ thế chiến thứ hai, việc lãnh đạo các Giáo Hội đã bị tan rã hoàn toàn.
Gương của Brest đã ảnh hưởng nhiều đến công cuộc liên minh giữa các nước sub-Carpathique. Người ta thấy việc xích lại tức khắc với Roma là điều có lợi cho những người chính thống mà phần đông là nông nô bị giới quí tộc điền chủ theo phái cải cách Mukatchewo áp bức (tiếng hung gia lợi là Munkacs). Mukatchewo là trung tâm phát động và phản ứng. Gia đình Rakóczy theo phái Calvin, quản trị cả vùng. Từ hơn một thế kỷ, tu viện chính thống Saint-Nicolas là nơi thường trú của giám mục. Lịch sử rối ren của giáo phận ấy là một trở ngại lớn lao và lâu dài cho những mối liên quan giữa nhà Habsbourg và hàng giáo phẩm latinh với những người quy nhất. Giám mục Tarasowitch, mà vị tiền nhiệm đã giao thiệp với tổng giám mục Rutsky, dù chưa quyết định dứt khoát, đã tuyên xưng Ðức Tin Công Giáo năm 1642, trước sự hiện diện của hoàng đế Ferdinand II. Từ đó về sau ngài không thể nào trở về nhiệm sở. Tuy nhiên mấy năm sau ngài trở lại Mukatchewo với tư cách là giám mục chính thống (ít ra là bề ngoài). Nhưng ở Uzjgored trong miền Slovénie người ta cũng sửa soạn việc hợp nhất dưới sự che chở của vị lãnh chúa công giáo trong vùng. Năm 1646, khoảng 60 linh mục trong giáo khu chấp nhận việc thống nhất trong một cuộc hội họp ngay tại nhà nguyện của lâu đài và do vị bản quyền latinh ở Erlau chủ tọa. Sau khi Tarasowitch qua đời (1651), nhóm linh mục quy nhất vội vã đặt Parteny Petrowitch, tu sĩ dòng thánh Basile kế vị ngài. Ðể đi trước ứng cử viên chính thống Rakóczy, Petrowitch xin một tổng giám mục Roumain không công giáo cấp tốc truyền chức giám mục mặc dù ông không tuyên xưng Ðức Tin Chính Thống. Khi Roma biết được công cuộc thống nhất ấy (đã có 300.000 người công giáo) mà chính quyền đế quốc coi như một vấn đề quốc gia, trường hợp của Petrowitch được đưa ra xét xử từ Bộ này đến Bộ khác. Nhưng đức Alexandre VII muốn tỏ ra quảng đại, đã quyết định vào năm 1655, bỏ qua những lầm lỗi Parteny đã phạm phải, và thừa nhận ông làm giám mục những người Ruthénie trong vùng. Sau khi Parteny qua đời, qui chế không rõ ràng của vị giám mục quy nhất gây ra một sự hỗn độn có thể dễ dàng làm tiêu tan nền Thống nhất còn non nớt hàng giáo sĩ, hoàng đế, Sophie Batory, quả phụ của Rakóczy (bà này đã trở nên công giáo) và Tòa Thánh, mỗi người đều cố gắng vận động cho ứng cử viên của mình được thừa nhận. Mãi 25 năm sau người ta mới đồng thuận bổ nhiệm một ứng cử viên Roma là J. de Camillis, người Hylạp (1689-1706). Vẫn phụ thuộc hàng giáo phẩm latinh, ngài thành công trong việc lập lại trật tự và đem về cho Giáo Hội Quy nhất vùng đất cũ Mukatchewo và mấy lãnh thổ sát biên giới. Những việc xảy đến cho công trình thống nhất manh nha ở Uzjojorod một cách khiêm tốn vào năm 1646. Một giáo khu Công Giáo ở Mukatchewo chỉ có thể được thành lập vào năm 1771. Cộng đoàn phần lớn gồm có người Ruthénie ở Carpathe. Lãnh thổ của họ, Mukatchewo và Uzjgorod hiện nay thuộc về Liên bang Sô viết. Trong những lãnh thổ ở phía Tây và phía Nam, những nhóm Quy nhất, sau nhiều biến cố, lại được phân chia ra thành bốn quốc gia khác. Ðó là những người Slovaques (có lẽ họ là những người tin lành cũ, trở nên chính thống để bảo tồn tiếng nói quốc gia trong việc cử hành phụng vụ), những cộng đồng Hongroises theo nghi lễ Ðông Phương, những người Roumains trong miền biên giới, và những người Serbes Quy nhất, di cư vào thế kỷ XVII.
Vào cuối thế kỷ, hoàn cảnh của những người Roumains chính thống giáo ở Transylvanie giống như hoàn cảnh đã có 50 năm trước trong vùng Mukatchewo về nhiều điểm. Khi người Áo chiếm vùng Transylvanie sau khi chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ, thì năm 1683, các nhà lãnh đạo thành công trong việc ổn định chế độ đã thiết lập ngay trong thời kỳ còn thuộc quyền người Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta không kể đến sự hiện hữu của một "quốc gia Roumanie, cũng không kể đến Chính Thống Giáo. Như thế, quần chúng bị tước hết quyền lợi về thực tế. Những lãnh chúa điền chủ Tin Lành chiếm đa số trong hội đồng chính trị, nhờ đó trong công quốc có ít nhiều tự do. Phần đông thuộc về tôn giáo cải cách (bên cạnh những nhóm nhỏ Công Giáo, Tin Lành Luther và nhóm Quy nhất. Nhiều giáo sĩ chính thống phải chịu một áp lực của các lãnh chúa có khuynh hướng tin lành Calvin. Người ta đối xử với các giáo sĩ như những nông nô gắn liền với đất đai và những điều kiện sống như nhà cửa, đều tùy thuộc vào các lãnh chúa. Sau những thất bại của Ba Lan và của Constantinople, người ta tìm cách lập một Giáo Hội Chính Thống Giáo ở Transylvanie để chinh phục phái Tin Lành đang theo khuynh hướng cải cách. Lần này, người ta phỏng theo chương trình thống nhất của Roma để lập một loại cộng đoàn Quy nhất của những người tin lành Calvin và người chính thống giáo. Dự định này ít có cơ may thành công. Mặc dù giáo lý của phái cải cách được lan truyền rộng rãi trong dân chúng, và những ảnh tượng được tháo gỡ đi trong một vài nhà thờ, một nhóm nhỏ linh mục, ở bước quặt của thế kỷ và trong cơn khủng hoảng, đã lưu ý tới một sự thống nhất. Nhưng họ đặt điều kiện là sẽ không thay đổi gì về nghi lễ chính thống giáo. Các tổng giám mục chính thống ở Alba-Julia, khi đắc cử, nhận được một lệnh chi tiết của người quản lý tối cao của phái cải cách, giống như các ngài là những vị phó của ông, thúc dục các ngài khuyến khích dân chúng theo học giáo lý của phái Calvin. Trước những áp lực như vậy, họ kháng cự lại một cách thụ động và can đảm trung thành với việc tuyên xưng Ðức Tin của họ, và với những lời hứa theo nghi lễ mà họ đã làm, khi họ được tổng giám mục ở Bucarist truyền chức cho. Hoàng đế, vua của nước Hongrie, tỏ ra bất lực trước hoàn cảnh ấy. Nhà vua chỉ có thể can thiệp cho những người chính thống giáo Roumanie trong trường hợp khẩn cấp, bằng cách nhờ đến vị chỉ huy quân đội Áo. Hàng giáo sĩ chính thống được sự ủng hộ tinh thần nhiều nhất của các tu sĩ dòng Tên. Với tư cách là tuyên uý quân đội, họ cố tổ chức lại cơ cấu lãnh đạo tinh thần của những người công giáo ở Transylvanie. Tu sĩ dòng Tên Ladislas Baranyi đóng một vai trò quan trọng trong những cuộc thương lượng cho công cuộc Thống nhất.
Ngưới ta ước mong nền Thống nhất, không nguyên bởi những lý do tôn giáo chân thành, mà còn bởi niềm hy vọng: nền Thống nhất sẽ đem lại sự bình đẳng xã hội. Ðây là ước nguyện lâu đời nơi những người chính thống giáo ở Transylvanie, vì thế, ngay từ buổi đầu của đại hội vào tháng hai năm 1697, người ta đã cho là đúng thời điểm để đồng tâm bỏ phiếu xây dựng nền Thống nhất. Ðược sự thỏa thuận hoàn toàn của Bộ Truyền Giáo, giám mục Théophile và hàng giáo sĩ của ngài đặt điều kiện là nghi lễ của họ sẽ được giữ nguyên vẹn. Công cuộc Thống nhất ở Mukatchewo trở nên một công trình của cả đế quốc. Hoàng đế Léopold I với tư cách là "vua tông đồ của nước Hongrie", có thể lập tức thừa nhận công cuộc Thống nhất của Giáo Hội, nếu nhà vua đã chấp nhận những yếu sách khác, nghĩa là: sự bình đẳng (cho đến đây là trên lý thuyết) với hàng giáo sĩ latinh và với ba ngành của Tin Lành Giáo; những nhà ở của các linh mục trở nên tài sản của Giáo Hội; bãi bỏ tất cả mọi ảnh hưởng của giáo dân, để cho các linh mục giáo xứ chỉ thuộc quyền giám mục của họ mà thôi. Những yêu sách ấy cần thiết cho sự tự do của Giáo Hội, nhưng lại là trở ngại trường kỳ cho sự thừa nhận dứt khoát nền Thống nhất.
Trước các biến cố bất ngờ, nhóm Calvin tìm mọi cách loại bỏ công cuộc Thống nhất bằng cách cho đó chỉ là sáng kiến của một thiểu số. Rồi họ dùng đến một phương thế mà nhiều lần họ đã xử dụng: họ truất phế giám mục Théophile. Ngài chết đột ngột ít lâu sau, và theo dư luận, ngài bị đánh thuốc độc. Hội nghị của Giáo Hội Cải cách, chắc chắn trông cậy vào cảm tình của linh mục Athanase Anghel đối với phái Calvin, chọn ngài làm người kế vị Théophile. Trái với mọi chờ đợi, Athanase thản nhiên trước những áp lực của những người theo phái Cải cách. Lập trường của ngài được Dosithée, thượng phụ ở Jérusalem, (tác giả của tác phẩm nổi tiếng "Confessio" năm 1672) có mặt ở Bucarest khi Athanase chịu chức, ủng hộ. Dosithée viết cho giám mục mới một hồi ký, có rất nhiều chi tiết, bác bỏ từng điểm một những luận cứ của phái Calvin, nhưng không chứa đựng một đoạn nào chống đối nền Thống nhất ở Transylvanie mặc dù ai cũng biết ngài là người chống phái latinh. Những cuộc thương lượng gay go chung quanh sự thực hiện nền Thống nhất được tiếp tục lại ngay, nhờ sự trung gian của Baranyi. Ðể không ai còn nghi ngờ, những người Rounains tuyên bố long trọng trong một hội nghị mới ở Alba-Julia, vào tháng mười năm 1698, nhằm đi đến một nền Thống nhất. Về phía họ, Léopold và tổng giám mục ở Hongrie cố làm vừa lòng những người Rounains và các nhóm lãnh đạo ở Transylvanie bằng những quyết định mập mờ nước đi, có khi còn mâu thuẫn nữa. Vào cuối năm 1700, triều đình cho phép giám mục Athanase đến Vienne. Nhưng một sự rắc rối mới xảy ra, khi hồng y Kollonitsch, tổng giám mục ở Hongrie, nêu lên vấn đề hiệu lực của việc truyền chức cho Athanase. Trái với ý kiến của các nhà thần học được hỏi đến và trái với thái độ không mập mờ của Roma, đã từ lâu thừa nhận sự hiệu lực của việc truyền chức của những Giáo Hội Chính Thống, ngay trong thời kỳ mà những nhà thần học chưa nhất trí với nhau, Kollonitsch, dùng quyền riêng của chính ngài và với tư cách là tổng giám mục ở Hongrie, truyền chức linh mục và giám mục lại "với điều kiện" cho Athanase trong một nhà nguyện tư với những lễ nghi kéo dài hai ngày. Sự kiện giám mục ở Alba-Julia biểu đồng tình về việc này, làm cho sự diễn biến đáng hổ thẹn ấy thêm nhiều khó chịu hơn. Lập tức Athanase bị trả về Transylvanie.
Nhưng việc truyền chức lại "dưới điều kiện" của ngài không thể dấu được. Hàng giáo sĩ phẫn nộ đến nổi nền Thống nhất đã thực hiện ở Vienne có thể bị bác bỏ. Giới cầm quyền cần đến sự hợp tác của Léopold để giải quyết thành công những rắc rối xảy ra ngay trong hội đồng chính trị, và nhờ đó, sau nhiều lần thương lượng, ngưới ta đã thiết lập được cho người quy nhất mới, một quy chế bảo đảm cho họ mức tự do xã hội tối thiểu. Họ phải có một quy chế độc lập nào đó đối với hàng giáo phẫm latinh cũng là điều kiện chính yếu, giống như những miền có các kitô hữu Tây Phương và kitô hữu Ðông Phương. Ðối với người latinh, hoàn cảnh hiện tại là bình thường, đến nỗi nó còn kéo dài trong một thời gian lâu, cho tới khi chấm dứt mọi áp lực của Tin Lành. Theo nhận định của các giám mục tham dự Hội nghị Thống nhất ở Brest thì Giáo Hội Công Giáo Roumaine theo nghi lễ Byzantin là cộng đồng Quy nhất thứ hai, xét về số lượng, của thời kỳ sau hội nghị Florence. Kể từ năm 1853, Giáo Hội này có tổ chức hàng giáo phẩm độc lập. Năm 1948, năm kỷ niệm thứ 250 của hội nghị Thống nhất do Athanase chủ tọa, nền Thống nhất bị những chính quyền mới Roumanie bãi bỏ.
X. GIÁO HỘI Ở MOSCOU TỪ NHỮNG VỤ XÁO TRỘN CHO ÐẾN VIỆC BÃI BỎ CHỨC THƯỢNG PHỤ DƯỚI TRIỀU PIERRE LE GRAND.
Sau những vụ rối loạn bùng nổ vào mấy thập niên đầu của thế kỷ XVII, chính quyền càng ngày càng cố liên lạc lại với các cường quốc Tây Phương. Ðế quốc càng ngày càng để lộ thâm ý mở rộng ra về phía Tây. Những cuộc tiếp xúc giữa người chính thống giáo Nga và người latinh sẽ chấm dứt. Người công giáo không còn hy vọng các Giáo Hội có thể xích gần lại với nhau, ngay sau thời những người Rourik cuối cùng. Từ thời kỳ đó, lịch sử tôn giáo Moscou trở nên lịch sử của Chính Thống Giáo. Như vậy chúng ta chỉ cần tóm tắt những nét chính của lịch sử ấy. Những quan hệ với người latinh còn hời hợt, giống như thời kỳ có những cuộc thương lượng không lối thoát, vào đầu năm 1650, khi có chiến tranh Nga-Ba Lan. Cuộc tranh luận thần học bắt đầu giữa Pierre le Grand và các nhà thần học của đại học Sorbonne chứng tỏ ý chí của nhà vua là muốn đứng ngang hàng với Âu Châu. Vị vua chuyên chế thành công trong việc làm cho các bậc tiến sĩ của Paris phải im lặng, bằng cách nhìn thật đơn giản Chính Thống Giáo và Công Giáo.
Thời kỳ các cuộc xáo trộn, bắt đầu trước khi Boris Godounov chết (1605) và chấm dứt vào lúc vua Romanov I lên ngôi (1613), là một dấu ngắt trong lịch sử Giáo Hội Nga. Những đạo quân của Pologne-Lituanie đã đóng vai trò chính trong thời kỳ xáo trộn ấy. Khác với thời nay, vào thời đó, những cuộc xâm chiếm quân sự không tất yếu kéo dài những mối căm thù. Tuy nhiên, dân chúng, hàng giáo sĩ và các tu sĩ (những nhà quí tộc lớn và giới quí tộc trung lưu, nói chung họ có thái độ hòa giải hơn) xem việc xâm chiếm đến từ phương Tây như một mối đe dọa chống lại những phong tục của Moscou. Nhiều sử gia đã lưu ý rằng những giai đoạn kháng chiến Nga, chống lại những kẻ xâm lấn Tây Phương, đã mang mầu sắc quốc gia rõ rệt. Nhận xét ấy được giải thích bằng sự kiện: vào thời đó, Chính Thống Giáo phải được che chở trước tiên và với bất cứ giá nào, trong "mọi lãnh thổ của nước Nga thánh thiện", theo thành ngữ đã lưu dụng.
Bấy giờ người Nga suy nghĩ cách đơn giản rằng: đa số những người ngoại quốc Tây Phương, thuộc các tôn giáo khác, chỉ là những người Ba Lan-latinh thấp kém, nói ba hoa, thiếu thành thật. Nhiều chi tiết về sự can thiệp của Ba Lan được giải thích như những mưu toan áp đặt nền Thống nhất latinh trên xứ Moscovie Chính Thống Giáo.
Chỉ trị vì được mấy tuần lễ, người con trai của Boris bị giết. Ít lâu sau, ngày 20.6.1605, người thứ nhất trong dòng họ Dimitry được chào đón vào thủ đô như một anh hùng giải phóng. Ít sử gia còn tin rằng người thứ nhất ngấp nghé ngôi vua ấy, gọi là Dimitry, thật sự là người con trai út của Ivan IV. Chắc chắn vị hoàng tử nhỏ tuổi ấy chết vào năm 1591, dưới thời Godounov làm nhiếp chính. Còn người thứ nhất của dòng họ Dimitry có thể là một tu sĩ, xuất thân từ tu viện Tchoudov ở Moscou. Nhưng đoàn chí nguyện quân Ba Lan, và những nhà quí tộc trong nước Cộng Hòa, đã tài trợ cho cuộc viễn chinh, tin rằng Dimitry thật sự là con trai của Ivan. Các tu sĩ dòng Tên đi theo người này cũng xác quyết như vậy. Họ đặt nhiều hy vọng vào vị tân vương nhưng họ không biết rằng trước kia ở Cracovie, Dimitry đã lãnh nhận những bí tích theo nghi lễ latinh, và đã gởi thơ xin vâng phục đức giáo hoàng. Trái lại, Roma và triều đình Ba Lan nghi ngờ lý lịch của Dimitry. Tuy nhiên, điều này không ngăn trở việc đức Paul V gởi sứ thần Tòa Thánh đến triều đình Moscou, ở đó vị này được vua mới đón tiếp trọng thể vào năm 1606.
Vị thượng phụ già nua Job, người đã ủng hộ đến cùng cuộc kháng chiến chống Ba Lan, bị truất phế chính thức bốn ngày sau. Ignace, người đảo Chypre, tổng giám mục ở Riszan kế vị ngài, và tấn phong nhà vua lên hoàng đế, ngày 7 tháng 7. Thái độ của Dimitry đối với Chính Thống Giáo chỉ bộc lộ rõ ràng khi vị hôn thê của nhà vua là Marina Mniszek, con gái của người Ba Lan, chủ nhân lâu đài Sambor, đến Moscou. Mấy tháng sau, nhà vua cưới Marina theo cách ủy quyền trong một ngôi nhà thờ latinh ở Cracovie. Việc cử hành nghi lễ cưới lần thứ hai theo nghi lễ Hylạp được chờ đợi nhưng không diễn ra. Cho đến bấy giờ Dimitry xử sự theo Chính Thống Giáo, nhưng bây giờ, vua bắt đầu chuẩn bị một cách thận trọng giới thân cận của mình, theo tư tưởng tự do tôn giáo cho người công giáo. Vua tìm cách xin Roma cho phép Marina được giữ chay theo nghi lễ Chính Thống Giáo, và cho phép cả hai được rước lễ từ tay vị thượng phụ vào dịp đăng quang của hoàng hậu. Thánh bộ Ðức Tin thẳng thắn từ chối, và trong lễ xức dầu thánh cho Marina ngày 8.5.1606, vua và hoàng hậu đều không được rước lễ theo nghi lễ tấn phong. Toàn thể hàng giáo sĩ và dân chúng tức giận. Dimitry bị người ta ghét bỏ vì đời sống tư, và vì những ưu đãi vua dành cho người ngoại quốc. Do đó người dân Moscou và giới thân cận của nhà vua bắt đầu âm mưu chống lại vua. Nhà vua bị ám sát chín ngày sau lễ tấn phong lần thứ hai. Chouisky, người cầm đầu những kẻ mưu phản được đưa lên ngôi, mang tên là Basile IV. Thượng phụ Ignace cũng bị người Balan truất phế năm 1611. Mấy tháng sau, ngài qua đời với tư cách là tu sĩ dòng thánh Basile Công Giáo trong tu viện Wilno.
Giai đoạn ngắn ngủi của triều đại thứ nhất thuộc dòng họ Dimitry đã làm tăng thêm thái độ chống đối latinh của hàng giáo sĩ và của dân chúng, đến nỗi chỉ một ý tưởng khoan dung đối với người latinh cũng đủ khơi dậy sự chống đối, mặc dù binh lực của nước Cộng Hòa vẫn còn ở trong nước. Hơn thế, những cuộc xung đột nội bộ đã thành bạo lực, lại bùng nổ thêm bởi những cuộc âm mưu của người Ba Lan. Khi nước Cộng Hòa chính thức đi vào cuộc tranh đấu, và khi Wladyslaw 15 tuổi, con trai của Sigismond III được chọn làm hoàng đế năm 1610 (chỉ do các đại diện của kinh đô thôi), thượng phụ Hermogène thành công dễ dàng khi ngài xin vị tân vương chính thức công nhận Giáo Hội Chính Thống. Những người Ba Lan trong giới thân cận của Wladyslaw lại thành công khi xin vua hoãn việc công nhận Chính Thống Giáo. Vả lại, người ta còn chờ đợi Sigismond thỏa thuận về việc bổ nhiệm con trai của ngài. Mãi vào lúc đó, Sigismond mới cho biết trong ý định nào ngài đã tuyên chiến với Moscovie: khi lên ngôi, ngài thể hiện cụ thể ước mộng của người Ba Lan và của người Nga, về một đế quốc Slave ở phương Ðông. Ngài ở bên cạnh đạo quân bao vây Smolensk, nhưng không thể quyết định đi đến Moscou. Ðể làm sáng tỏ tình hình, thống chế Ba Lan ở trong điện Kremlin, bên cạnh Wladyslaw, gởi đến nhà vua vào tháng 8 một phái đoàn ngoại giao, do tổng giám mục Philarète cầm đầu. Philarète là một trưởng tộc Nga nổi tiếng, thông gia với dòng tộc Rourik, do người vợ thứ nhất của Ivan IV. Godounov sợ ảnh hưởng của Ivan, nên đã ép ông trở thành tu sĩ. Sigismond có lẽ cũng sợ như vậy, vì nhà vua để cho Philatère qua Ba Lan với chủ ý giam giữ ông. Những người Ba Lan ở Moscou cố giàn xếp những khó khăn cho vua của họ, bằng cách truất phế và cầm tù thượng phụ Hermogène là người có nhiều uy thế.
Mặc dù những hỗn loạn mới ở Moscovie và Sigismond do dự không đi bước cuối cùng, nhà vua cũng đã đạt được một số thành công; vào tháng 10 năm 1611, một nhóm người Nga đã long trọng dâng lên ngài vương miện hoàng đế. Nhưng ít lâu sau, một cuộc nổi loạn của dân chúng bùng nổ ở Nijni - Novgorod, và những người Ba Lan ở Moscou bị đuổi ra khỏi nước, trong năm ấy.
Vào đầu năm 1613, Michel 15 tuổi, con trai của Philarète, được Hội đồng chính trị suy tôn làm vua. Năm 1616, người Ba Lan lại vận động lần cuối cùng, nhằm đưa Wadyslaw lên làm vua nước Nga. Vị này được vua cha thừa nhận và bổ nhiệm Ignace (mà người ta đã bắt buộc đi đầu các đạo quân) thượng phụ Công Giáo của Giáo Hội Moscou. Mặc dù những người Ba Lan đã đến rất gần Moscou, họ không thể phá nổi hàng rào kháng chiến nhất trí của người Nga. Tòa giám mục bỏ trống từ khi Hermogène qua đời (1612) được dành cho Philarète. Vào năm 1619, khi thân phụ của nhà vua được người Ba Lan trả tự do, ngài không những lãnh đạo Giáo Hội mà còn cai trị với con ngài như là đồng nhiếp chính vương.
Công trình giải quyết tốt đẹp mọi rối loạn xẩy ra ở khắp nơi, được coi là bước đầu của thời kỳ lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Philarète thận trọng trong chính sách tôn giáo, bước đầu của thời đại Cải cách. Tuy nhiên Philarète không có một sự chiều đãi nào đối với những người công giáo, vì ông không quên kinh nghiệm Ba Lan. Philarète chỉ đặt nghi vấn về hiệu lực của phép Rửa Tội Công Giáo. Ðây không phải là một vấn đề mới mẻ trong Chính Thống Giáo, nhưng đúng ra là sự trả lời lại những phán đoán của các nhà thần học Công Giáo về các bí tích của Giáo Hội Chính Thống. Công đồng 1666 sẽ cấm ban hành bí tích Rửa tội lần thứ hai hay "Rửa tội lại" cho người latinh. Nhưng ngay sau 1666, những người công giáo ở Moscovie thích xin mục sư tin lành làm phép cưới cho họ, hay là làm phép Rửa tội cho con cái họ, hơn là xin linh mục chính thống giáo (8). Việc này diễn tả đúng hoàn cảnh tôn giáo từ thời Philarète. Chính quyền tập thể của Philarète và của Michel bảo đảm sự hài hòa giữa Giáo Hội và quốc gia, giống như Joseph de Volokolamsk và những người cùng có một quan niệm như ông. Ngay dưới chính quyền của Alexis (1645-1676), con trai của Michel, người ta đã nhận ra những khó khăn làm cho sự hài hòa này không thích hợp với đà phát triển xã hội và chính trị, vì nó không được đặt trên những nguyên tắc vững chắc. Rất lâu sau, người ta mới hiểu rằng việc giới hạn quyền sở hữu và những đặc quyền của Giáo Hội, vào năm 1649, do sắc lệnh Ouloz Jenye, đã làm tan vỡ "sự hài hòa lý tưởng giữa hai quyền hành".
Sau khi Philarète qua đời (1633) người ta cương quyết chống đối và vạch trần những lạm dụng đã len lỏi vào Giáo Hội. Ban đầu là các tu sĩ nhưng sau là hàng giáo sĩ triều đã hướng dẫn cuộc chống đối này. Linh mục niên trưởng của địa phận Avvakoum Petrovitch là một thành phần hoạt động nổi tiếng. Khắp nơi, người ta liên kết hoạt động chung. Phần nhiều là các thương gia, nhưng cũng có những người trong triều. Một sự tin cậy lẫn nhau gắn bó Alexis với mọi nhà lãnh đạo. Chương trình của họ rất rộng: chiến đấu chống tất cả các hình thức buông lỏng phong tục, cải thiện trình độ của hàng giáo sĩ, gia tăng những bài thuyết giáo, đòi hỏi một lối sống đạo kính cẩn và nghiêm túc.
Những cố gắng ấy đem lại nhiều kết quả chắc chắn. Những người Hylạp, trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đến viếng thăm Moscou vào giữa thế kỷ, ngạc nhiên hoặc chế riễu, viết về thời gian dài dằng dặc của nhiều buổi lễ tôn giáo, mà các trẻ em phải đứng bất động cho đến hết lễ, giống như đây là một tu viện lớn. Một trong những người Hylạp đó nói là: ngay cả ở triều đình, trong những bữa ăn, người ta nghe đọc một đoạn dài rút ra từ đời sống các vị thánh.
Trước khi được bầu làm thượng phụ Moscou năm 1652, Nicone đã giữ những mối quan hệ tốt đẹp với nhiều nhà Cải cách. Có lẽ ngài là người lãnh đạo Giáo Hội Moscou có nhiều khả năng nhất; và với lòng đạo đức thâm sâu, ngài là người dẫn đầu phong trào Cải cách thật lý tưởng nếu ngài biết tế nhị hơn. Là một người Nga gốc dân quê, ngài không thoát khỏi óc hẹp hòi của tinh thần tỉnh nhỏ giống như nhiều người thuộc phe ủng hộ ngài: họ cho rằng Chính Thống Giáo Nga là tôn giáo đích thực nhất. Ðức Tin và phụng tự của họ đã không do người Hylạp truyền lại cho họ đó sao? Và người Nga không đi sai gương Hylạp về mọi điểm sao? được một tu sĩ gốc Hylạp giúp, ngài tiến hành ngay từ lúc mới nhậm chức, việc duyệt lại những huấn thị và những văn bản tôn giáo. Những sửa chữa thật chặt chẽ, hơn cả những điều mà Philarète đã mong ước. Những sửa chữa này không kể gì đến sự kiện là những sách Slaves có thể ghi lại nhiều truyền thống tốt lành và lâu đời hơn cả những truyền thống mà người Hylạp là nhân chứng. Nhưng, những người theo phe Cải cách, một đàng họ rất trân trọng đối với Giáo Hội Hylạp vì đã truyền bá Phúc Âm cho những người Slaves, một đàng khác họ đánh giá những tục lệ của Giáo Hội Moscou rất cao trên những tục lệ của những người Hylạp cùng thời, và xem những sửa chữa của Nicone như một súc phạm đến những gì họ cho là thánh thiêng. Họ không thể chấp nhận những sửa chữa ấy. Họ nêu lên nhiều điểm Nicone đã sửa chữa, hoàn toàn mâu thuẫn với những khoản của Stoglaw. Việc thông báo lần thứ nhất về một vài sửa đổi đã gây phản ứng dữ dội. Nicone can thiệp lập tức, và những người cầm đầu chính yếu bị lưu đày vào năm 1653. Avvakoum, một trong những người ấy, là tiêu biểu của sự chống đối. Alexis tiếp tục ủng hộ chính sách tôn giáo của Nicone, cố gắng nhiều lần thuyết phục người bạn cao niên của mình chấm dứt chống đối, để có thể được phóng thích. Nhưng theo Avvakoum, đây là một sự phản bội. Sau khi Alexis qua đời, Avvakoum bị thiêu sống vào năm 1682. Khó mà ước lượng con số những người cùng phe với Avvakoum đã bị hành quyết trong thời kỳ thứ nhất của việc ly khai (raskol).
Dù bị truy nã ở Nga cho đến đầu thể kỷ này, nhiều nhóm ly khai (raskolniski) hay "tín đồ cũ" vẫn trung thành với cuộc nổi dậy năm 1653. Họ giữ Chính Thống Giáo truyền thống (orthodoxie traditionelle), hay đúng hơn nên gọi họ là "những người theo nghi lễ xưa".(anciens ritualistes). Ngày nay vẫn còn khó diễn tả tính cách xác thực của cuộc nổi loạn ấy. Sự hưởng ứng ồn ào, mà phe chống đối đã tìm thấy trong những môi trường khác nhau vào thời Nicone, không thể chỉ thể hiện do sợ hãi những đe dọa đè nặng lên Chính Thống Giáo và chỉ gây ra do việc Cải cách một vài chi tiết trong nghi lễ, như làm dấu thánh giá với ba ngón tay thay vì hai ngón. Những "người bạn" và những môn đệ của họ còn xác tín rằng: "Hylạp hóa" là một mối nguy hiểm thực sự cho Chính Thống Giáo, nghĩa là cho đời sống thường nhật và lòng sùng đạo của người chính thống giáo. Trong thiên khảo cứu về Avvakoum, Pierre Pascal so sánh cách sống đạo của những "người tín hữu cũ" với cách sống đạo đồng thời của những người kitô giáo mộ đạo của giới thân cận với Port-Royal tại Pháp (9).
Sau những hội nghị bàn cãi sôi động về biến cố ly khai và những sửa chữa các sách nghi lễ, Nicone còn có những kẻ thù mới, do cách phô trương phẩm tước thượng phụ của mình. Có lẽ không phải là lòng kiêu ngạo thúc đẩy ngài, nhưng đúng ra vì ngài ý thức sâu xa về phẩm cách của nhiệm vụ. Vào thời kỳ mà lý tưởng của Joseph de Volokolamosk là sự hài hòa giữa Giáo Hội và Quốc Gia không thể tồn tại được ở Moscovie, thì tất nhiên những mưu toan của Nicone cũng phải thất bại.
Vua Alexis, một người sùng đạo, giúp ngài rất nhiều, bằng cách cho phép ngài, ngay từ buổi đầu, dùng chức vị đã được dùng dưới chính quyền của vị thượng phụ nhiếp chính Philarète. Những người trong triều không thể chịu nổi thái độ kiêu hãnh của Nicone, con của dân quê. Dần dà, thái độ kiêu ngạo của Nicone quấy rầy cả Alexis. Năm 1658, do một vụ việc không mấy quan trọng, Alexis và Nicone đối đáp với nhau bằng những lời lẽ dữ dội, Nicone lui về trong một tu viện, chờ đợi nhà vua mời ra lại, nhưng Alexis chấm dứt cuộc tranh chấp về quyền hành, bằng cách không cần biết đến vị thượng phụ nữa. Cuối cùng, vào năm 1666, khi một hội nghị quyết định bãi chức Nicone, vua Alexis còn tỏ thái độ chống đối Nicone quyết liệt: nhà vua đứng ra buộc tội thượng phụ. Về sau, khi gần chết, Alexis xin Nicone tha thứ về tất cả những điều nhà vua đã làm hại ngài. Sự buộc tội chỉ liên quan đến con người của thượng phụ. Những Cải cách của Nicone còn được chính thức chuẩn y một lần nữa.
Ðối với Giáo Hội ở Moscovie, thời kỳ của Nicone là bước đầu của một hoạt động thần học phỏng theo Tây Phương. Người ta sáng lập ở Moscou một trường khiêm tốn để dạy thần học, do người Hylạp điều hành. Khuynh hướng thần học ở Kiev trở nên quan trọng hơn trong đế quốc, sau chiến tranh Nga - Ba Lan. Những người chính thống Hylạp và Ukraine, không theo khuynh hướng thân latinh, đến thăm những trường của người latinh, và mượn của họ nhiều luận chứng và hệ thống thuật ngữ kinh viện. Sau khi Lukaris được biết đến, nhân cơ hội Hylạp hóa tác phẩm "Tuyên xưng Ðức Tin" (Profession de Foi) của Pierre Moghila, những người Hylạp tỏ ra dè dặt đối với những khuynh hướng latinh hơn các nhà thần học ở Kiev. Sự bất đồng về các quan niệm ấy dẫn đến việc tranh chấp thần học dữ dội ở Moscou vào cuối thế kỷ XVII. Khuynh hướng Ukraine phỏng theo phái latinh bị hội nghị họp ở Moscou năm 1690 lên án, nhất là về nhiều quan điểm của Moghila. Theo Moghila, chỉ những lời của Chúa mới được dùng trong lúc truyền phép và không phải lời cầu xin Ðức Chúa Thánh Thần tiếp theo mà thần học kinh viện không giải thích như một mô thức bí tích. Có lẽ kỷ niệm của giai đoạn ấy đã gợi hứng cho những tài liệu lịch sử Nga thời kỳ ấy, khi nói về "ô nhiễm công giáo" (contamination catholique). đừng quên rằng, từ 1682, một vài tu sĩ dòng Tên được phép ở lại Moscou nhờ sự can thiệp của đại sứ Áo và của một người Ái Nhĩ Lan là Gordon, phục vụ tại Nga với cấp bậc đại tướng. Những linh mục ấy chắc chắn không gây được nhiều ảnh hưởng, bởi vì Hội nghị năm 1690 đã quyết định cấm các linh mục latinh lôi cuốn tín hữu chính thống trở lại công giáo. Tuy nhiên, khuynh hướng chống latinh không bao giờ ảnh hưởng đến lãnh vực đạo đức. Thánh Dimitry de Rostov (1651-1709) đã tham khảo nhiều tác phẩm Công Giáo khi ngài viết quyển đời sống các Thánh (Vie des Saints). Ðàng khác, chúng ta còn gặp được trong tác phẩm tu đức của ngài những lời cổ võ về lòng yêu mến Thánh Thể, những suy tư về tâm tình đền tạ Trái Tim Chúa bị đâm thủng. Những điều này vừa nói lên những ảnh hưởng rõ ràng của latinh hay của Tây Phương, vừa nêu bật lòng sùng đạo của người Nga. Trong nhiều thế hệ, người Nga ham đọc những tác phẩm tu đức này. Tuy nhiên ngày nay không mấy ai còn ưa thích chỉ vì chúng mang nặng ảnh hưởng Tây Phương (latinh) (10).
Sau Nicone, các thượng phụ Moscou ít gây được hay không gây được ảnh hưởng trong lịch sử Giáo Hội Nga. Không một vị nào có đủ nghị lực để phục hồi lại chính sách hài hòa giữa Giáo Hội và ngôi vua. Một thời đại mới được mở ra với Pierre le Grand, con trai của Alexis và của người vợ thứ hai của nhà vua. Vị này bắt đầu trị vì năm 1689. Ông thích giao du, cởi mở với người ngoại quốc. Theo một vài tin đồn có cơ sở thì nhà vua bất cần những lễ nghi của Giáo Hội Chính Thống. Nhà vua tăng cường chính sách cổ truyền thiên Tây Phương: chính nước Nga phải Tây Phương hóa. Về tôn giáo, vua không đưa ra một chương trình kiến thiết nào đặc biệt, ngoại trừ việc Tây Phương hóa, nhất là sau thời gian nhà vua đi chu du ngoại quốc về (1697-1698). Nhà vua thích phô bày một chính sách tự do đối với các tôn giáo. Vua cho phép các tu sĩ Capucins và Franciscains đến và cư ngụ hẳn tại Nga, sau khi đã trục xuất các tu sĩ dòng Tên vì những lý do chính trị. Tuy nhiên vua vẫn cấm các tu sĩ không được lôi cuốn những tín đồ mới. Hơn thế, đôi khi nhà vua đối xử tàn bạo với những người quy nhất bắt gặp trong các cuộc hành quân tại Lituanie.
Giáo Hội Chính Thống phải thích ứng với quan niệm mới của đế quốc Nga. Sau khi thượng phụ Adrien qua đời (1700), tòa thượng phụ bỏ trống, mặc dù có nhiều giám mục phản kháng. Năm 1721, Pierre nhận định rằng: đã đến lúc nhà vua phải tổ chức lại Giáo Hội ở Moscou và giám mục Théophane Prokopowitch, con người thông minh hiếm có, được nhà vua giao phó công việc. Théophane là tu sĩ phái Quy nhất dòng thánh Basile cũ, một thời gian đã theo học ở Grégorienne nhưng đầy thù hận và chạy trốn Roma, và sau đó trở nên tu sĩ chính thống. Ngài có khuynh hướng tin lành ngay từ khi làm giám đốc viện cao học ở Kiev. Với ảnh hưởng tin lành Luther đức, Théophane viết ra một phương án "quy luật thiêng liêng" (Règlement spirituel), theo đó Giáo Hội sẽ được điều hành bởi một Hội đồng Giám Mục; sẽ có quy chế riêng về những quan hệ giữa các viên chức cao cấp với chính quyền. Pierre chấp nhận phương án ấy, không sửa đổi gì đáng kể. Việc thiết lập Hội nghị Giám mục hay Hội nghị Thánh chấm dứt thời kỳ mà hàng giáo phẩm càng ngày càng bỏ mất dân chúng, nhưng lại khởi đầu một thế kỷ đen tối nhất trong lịch sử Giáo Hội Nga. Mặc dù ở dưới quyền điều hành đầy tính cách quan liêu, Chính Thống Giáo Nga vẫn là một thực tại thật sống động đối với dân chúng và hàng giáo sĩ cấp dưới. Khuynh hướng Tin Lành tiếp tục hiển hiện nơi các môn đệ của Prokopowitch, nhưng không gây tổn hại cho Chính Thống Giáo và cho những truyền thống sùng đạo xa xưa của họ.