CHƯƠNG XI
NHỮNG GIÁO HỘI
THUỘC NGHI LỄ BYZANTIN
TRONG ÐẾ QUỐC THỔ NHĨ KỲ.
Ngày 29 tháng 5 năm 1453, Mohammed II chọc thủng được bức tường vòng đai để xâm nhập thành Constantinople. Biến cố này đã chấm dứt đế quốc Roma tại đông phương. Tuy nhiên những người theo Thiên Chúa Giáo thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục được gọi là người Roma. Hoàng đế Constantin XI tử nạn trong lúc anh dũng bảo vệ thành phố gần cửa Saint Romain. Vua Thổ cưỡi ngựa trắng tiến vào nhà thờ Sainte Sophie, vào buổi sáng, lúc hoàng đế và cận thần đang dự thánh lễ. Theo một truyền thuyết lan tràn sau này, Mohammed II đã vào nhà thờ lúc đoàn dâng của lễ tiến lên bàn thờ. Bức tường hậu cung nhà thờ tự nhiên nứt ra và đoàn dâng của lễ chui vào chỗ nứt. Theo sự giải thích của dân chúng, có ngày bức tường này sẽ mở ra một lần nữa, mở lối cho giáo sĩ vào để kết thúc thánh lễ xưa kia bị gián đoạn (1). Truyền thuyết này bỏ qua sự kiện sau đây: trong nhiều tháng trước ngày thành bị chiếm, chỉ thiểu số giáo sĩ triều và các sĩ quan, các công chức đã theo hoàng đế tham dự các giờ kinh lễ. Bấy giờ hoàng đế công khai liên minh với Phong Trào Hiệp Nhất Giáo Hội đã được long trọng công bố vào năm 1452 tại nhà thờ Sainte Sophie.
I. THÀNH CONSTANTINOPLE THẤT THỦ VÀ VIỆC THÀNH LẬP ÐẾ QUỐC THỔ NHĨ KỲ (OTTOMAN).
Mặc dầu rất quan trọng, những biến cố năm 1453 chỉ là một giai đoạn trong lịch sử đế quốc Thổ - Ottoman. Phần lớn nhất của Hy Lạp hiện thời thuộc Balkan, và phần còn lại thuộc Trébizonde, đã bị chiếm dưới triều đại Mohammed II (+1481); Albanie chỉ bị chiếm vào năm 1468, sau khi Skanderbeg (Georgios Kastriota) tạ thế. Ông này trở lại Kitô Giáo, và từ năm 1443 đã điều khiển cuộc nổi dậy của người đồng hương. Bằng những cuộc viễn chinh vào năm 1516-17, Selim I đã sát nhập Syrie và Ai Cập vào đế quốc, và chinh phục dễ dàng những phần đất Ả Rập chung quanh biển Ðỏ. Vua Thổ Nhĩ Kỳ cai trị Jerusalem và La Mecque, lấy danh hiệu là Kalif, thủ lãnh tối cao của thế giới Hồi Giáo. Nhưng từ khi Grenade thất thủ vào năm 1492, không còn tước hiệu nữa. Thành Rhodes là yếu điểm cuối cùng của các hiệp sĩ thánh Gioan tại đông phương, đã bị Soliman II chiếm năm 1522. Cũng ở thời ông, các đạo quân Thổ tiến sâu về phía Bắc, chiếm phần lớn nước Hung Gia Lợi và Croatie và áp đặt ảnh hưởng tại vùng Transylvanie và Moldavie (vùng Valachie Nam nước Roumanie hiện nay, đã là quốc gia chư hầu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Mohammed II). Từ đó, người Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa trung tâm Âu Châu qua hơn một thế kỷ. Chỉ sau khi có hòa bình Carlowitz (1699), phần lớn lãnh thổ này mới chuyển qua tay người Habsbourg. Năm 1571 có trận chiến tại Lépante, người Thổ chiếm đảo Chypre, lãnh thổ thuộc Venise từ năm 1489, rồi năm 1669 họ chiếm đảo Crète mà Cộng Hòa (République) vốn giữ từ lâu. Chỉ còn lại một vành đất chung quanh biển Adriatique, với vùng Zara và Spalato (Zadar và Split) và về phía Nam, một vài đảo vùng Ionien, đặc biệt là đảo Corfou (trước đây là Corcyre). Về quyền lực phức tạp của các tiểu vương quốc và những thuộc địa latinh vào thế kỷ XIII, chỉ còn là những cơ cấu thuộc Giáo Hội Hy-La với yếu tố latinh mạnh hơn - như đã được ấn định từ trước cho lãnh thổ mà các đạo quân thánh giá chiếm được.
II. THƯỢNG PHỤ GENNADIOS II SCHOLARIOS.
Chiều theo ước vọng của Mohammed II, một số nhỏ giám mục, linh mục và giáo dân bầu Thượng phụ mới vào đầu tháng giêng năm 1454. Nhà vua Thổ hy vọng rằng làm như thế sẽ thu hồi được những người đã di tản khiến cho thành phố trống rỗng, từ nay thành phố này mang tên là Stambul hoặc Istambul theo tiếng Hy Lạp phổ thông. Việc chọn một thượng phụ dưới ảnh hưởng và khích lệ của Mohammed trúng vào thày dòng Gennadios Scholarios. Khi còn là một giáo dân, ông có tên là Georgios, ông đã dự công đồng ”Hiệp Nhất” và ông là cổ động viên cho phong trào. Tuy nhiên, khi trở lại Constantinople, ông đã khôn khéo sửa chữa các bản phúc trình và thay đổi lập trường, nhất là sau khi Markos Engenikos qua đời (1445): ông trở nên thủ lãnh của phe đối lập phong trào. Sự khác biệt giữa những bản văn bút chiến đầu tiên của ông và các bản văn kế tiếp (khi nói về một phần tác phẩm của ông) rõ rệt đến nỗi cho tới thế kỷ XIX, người ta tưởng là có nhiều tác giả cùng một tên. Gennadios II Scholarios là văn sĩ cuối cùng thời Byzantin, của Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương. Trong thế kỷ tiếp sau khi ông chết, ngay tại trung tâm giáo phụ người ta ít quan tâm tới thần học.
III. THƯỢNG PHỤ ÐẠI KẾT TRONG ÐẾ QUỐC THỔ NHĨ KỲ.
Trên lý thuyết, những tương giao giữa chính quyền mới và phẩm trật Kitô giáo (raiab) dựa theo truyền thống khoan dung đã được kể lại hay đã được áp dụng đối với những ”Môn đệ Sách Thánh” (Kitô hữu độc thần và Do Thái Giáo). Những quan điểm chính trị của Mohammed II và ảnh hưởng cá nhân của Gennadios đã gây được hòa khí, vì nhà vua chuộng văn chương, ưa thảo luận về thần học và triết lý. Tại tất cả các miền chuyển qua tay người Thổ Nhĩ Kỳ, nhà vua không đả động tới cơ cấu của Giáo Hội. Theo sách Coran, chỉ người hồi giáo mới có đặc quyền công dân. Tuy nhiên người kitô hữu được tự do hành đạo. Họ được tự lập ít nhiều và trong mọi vấn đề dân sự họ tùy thuộc các vị lãnh đạo tinh thần của họ. Họ qui tụ không theo tiêu chuẩn quốc tịch nhưng theo tiêu chuẩn tôn giáo. Như thế thượng phụ Constantinople, sau khi được nhà vua đích danh chỉ định (bắt đầu từ năm 1656, thủ tướng được đề cử để thi hành việc này), đã trở nên thủ lãnh của mọi người chính thống giáo thuộc đế quốc Ottoman, gồm cả người chính thống thuộc thượng phụ Melchite, sau năm 1516-1517.
Nếu ở cận đông có những giám chức hợp nhất thuộc nghi lễ Byzantin từ thế kỷ XVIII, chính là do sự can thiệp của tòa thượng phụ đại kết với tư cách là thủ lãnh dân sự và tôn giáo. Một mình thượng phụ có quyền tới gần nhà vua và dâng lên vua những thỉnh nguyện. Ngài được công đồng của ngài trợ lực tới năm 1763, công đồng này gồm những linh mục, giáo dân mang danh hiệu cổ truyền là Offikia, có từ thời Byzantin. Trong thời kỳ chúng ta đang học hỏi, ít có những công đồng đặc biệt của hàng giáo phẩm hiện diện tại Constantinople. Với công đồng của ngài, thượng phụ có toàn quyền xét xử hàng giáo sĩ, các tu sĩ, và các tổ chức của Giáo Hội: một linh mục chỉ bị đưa ra tòa án đời khi có sự chấp thuận của thượng phụ. Trong phạm vi dân sự, vị thượng phụ này là thẩm phán tối cao cho những vấn đề hôn phối của các kitô hữu, và ngài có thể phán quyết tối hậu trong mọi vấn đề thuộc luật dân sự mà người kitô hữu đạo đạt tới ngài. Vị thượng phụ và hàng giáo sĩ được miễn những thuế chính mà tất cả người kitô giáo phải đóng đều đặn. Các phẩm trật còn có đặc ân: chỉ bị xét xử bởi hội đồng của nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ (divan) tức là tòa án tối cao của quốc gia Ottaman. Lúc đầu vị thượng phụ trong đế quốc Ottaman có quyền thế hơn ở thời các hoàng đế Byzantin. Thượng phụ và dưới ngài, các giám mục, linh mục cho tới sau cuộc chiến tranh Crimée, là những thủ lãnh của người kitô giáo, ngay cả trong phạm vi dân sự. Sau này hàng giáo sĩ đứng đầu những cuộc nổi dậy chống người Thổ Nhĩ Kỳ và người ta cho rằng các ngài là những người hữu trách. Sự khoan hồng này, trên lý thuyết không có nghĩa rằng Chính quyền thượng thẩm (Sublime porte) đã gác bỏ một phần uy quyền tối cao được hành xử trên người kitô giáo: sự khoan hồng này giải thích phần lớn những khinh miệt của chính quyền đối với tất cả những gì không phải là Hồi Giáo, và không vội vàng can thiệp vào những vấn đề tôn giáo của những ”người vô tín ngưỡng”. Khinh miệt đúng hơn là khoan dung. Hơn thế, trong thế kỷ XVII, sự cuồng tín về tôn giáo của người Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy họ thỉnh thoảng đàn áp các kitô hữu một cách tàn bạo. Vả lại sự khoan hồng này có thể là biểu hiện của sự lãnh đạm điển hình trong nền hành chánh Ottoman: chẳng hạn họ thích trao phó những trách nhiệm hành chánh cho các kitô hữu Hy Lạp cương nghị, và đối với họ, đơn giản hơn cả là giao việc thu thuế các kitô hữu cho một nhân vật có thế giá và đặt dưới quyền trung ương. Trong thực tế những tráo trở lập trường gây xỉ nhục độc ác cho những người ”vô tín ngưỡng”, cũng như việc giải thích ”cá nhân” của một công chức Thổ Nhĩ Kỳ về các lệnh ban ra thường là khởi điểm cho các cuộc bách hại.
Chỉ có thể cải tiến chắc chắn trong thế kỷ XVIII, khi quân lực Ottoman suy yếu, bó buộc vị thủ lãnh tối cao phải nhờ đến ngoại giao. Trước thời này, những đại diện của các thế lực tây phương, đặc biệt của nước Pháp, đã thực hiện được ảnh hưởng của họ để mưu ích cho kitô hữu Ðông phương, nhờ những ”hàng ước” (Capitulations). Với Pierre Le Grand, khởi đầu thời bảo hộ Nga, đặc biệt đối với những người thuộc Chính Thống Giáo. Những đường hướng chính trị, như tại Pháp trước đây, thật hiển nhiên. Vả lại, những quyền lợi của kitô hữu đã được ấn định theo Hatti Humagium và được ban hành sau trận chiến Crimée, do những đại diện Pháp và Anh, một phần chỉ là những chữ chết: không bao giờ có sự binh quyền cơ bản trong đế quốc Ottoman, khi quyền lập pháp chỉ dựa trên Coran.
IV. NHỮNG KỶ NGUYÊN ÐÀN ÁP.
Thế kỷ XVI là thời bách hại dữ dội nhất. Selim I (1512-1520) có lẽ được luật sĩ hồi giáo khuyến khích, đã phác họa một chương trình cấm đạo Kitô và xử tử những kitô hữu không chịu trở lại Hồi Giáo. Thượng phụ Jérémie I đã tránh được thảm họa bằng cách khiếu nại đến lời tuyên bố long trọng của Mohammed II. Tuy nhiên nhà vua tuyên bố rằng tất cả các nhà thờ còn hoạt động tại Istambul phải biến thành đền thờ Hồi Giáo. Những nhà thờ mới do các kitô hữu xây cất, chỉ được làm bằng gỗ mà thôi. Thánh đường Sainte Sophie là nhà thờ lớn nhất của thành phố, đã bị Mohammed II biến thành đền thờ Hồi Giáo trước tiên, ngược với lời tuyên bố của chính ông. Ðại Thánh Ðường các thánh Tông Ðồ, nơi để xác vua Constantin và nhiều hoàng đế, bị phá hủy năm 1562. Có lẽ người kitô giáo đã thành công trong việc cứu vãn một vài thánh đường, vì nhà vua Murad III đã ra lệnh mới vào năm 1577, rằng tất cả nhà thờ tại thủ đô phải biến thành đền thờ Hồi Giáo. Tuy nhiên một vài nhà thờ được duy trì nhờ những món tiền lớn người kitô giáo phải nộp, như họ đã làm để một vị cầm quyền Giáo Hội được thừa nhận, hoặc để được những ân huệ khác. Dưới triều Mohammed III (1595-1603), những nhà thờ trong vùng Chio phải chuyển đổi. Lần này đại sứ Pháp đã can thiệp.
Cư sở của thượng phụ đổi chỗ nhiều lần nên khó theo dõi, điều đó chứng tỏ rằng tại thủ đô ngài ít được an toàn. Sau khi thành phố thất thủ, thượng phụ thay đổi cơ sở hoài, mãi đến năm 1503 ngài mới định cư vĩnh viễn gần nhà thờ Saint Georgios, trong khu Phanarion, Tây Bắc thành phố, đó là khu vực những người Hy Lạp có tên là ”Phanar” và từ đó thượng phụ mang tên này.
Ðoàn bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ, gồm những người kitô bỏ đạo, được thành lập trong tiền bán thế kỷ XIV. Qua nhiều thế kỷ, đoàn quân này là đoàn binh tinh nhuệ của quân lực Ottoman, và thường truất bỏ vua này thay vua khác theo như họ chọn lựa. Chẳng bao lâu người ta có thói quen tăng cường đạo quân này bằng những quân nhân được huấn luyện đặc biệt, gồm những người bó buộc phải bỏ cha mẹ ngay khi còn nhỏ và phải theo Hồi Giáo. Những giáo dân giầu sang có thể chuộc con lại, chỉ những người nghèo mới phải chịu đựng cuộc ”mộ binh” khủng khiếp này. Những kitô hữu sống dọc theo bờ biển thường gởi con cái họ đến nơi an toàn, bên kia bờ biển. Những cuộc tổ chức bắt cóc trẻ con mỗi ngày một nhiều và mãi cuối thế kỷ XVII mới định chỉ.
Mặc dầu qua nhiều thế kỷ bị đàn áp, người kitô giáo vẫn trung thành với Ðức Tin của họ. Người ta cho rằng hoàn cảnh xã hội cá biệt này đã giúp họ bảo tồn tôn giáo và truyền thống cũ. Tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Những cuộc bầu cử của Giáo Hội thường làm nẩy ra những mánh khóe tồi tàn, những va chạm cổ truyền giữa người Hy Lạp Chính Thống và không Chính Thống, nhiều khi đưa tới xung đột. Giới trí thức Hy Lạp và các thương gia công giáo giàu có trở nên như những người nô lệ, dù có được người ta tuyển dụng, trừ phi nhận trở lại Hồi Giáo. Những kiến trúc sư của các đền thờ Hồi Giáo đầu tiên tại Istambul là những cựu kitô hữu. Nhưng những người chối đạo và có địa vị cao, thường là các sĩ quan hoặc những nô lệ từ nhỏ bị bắt buộc lìa cha mẹ công giáo. Những căn cứ Hồi Giáo rải rác trên bản đồ hiện thời là kết quả những hành động tàn bạo, những cuộc tàn sát, cưỡng đoạt trẻ con tập thể, bắt buộc kitô hữu trở lại Hồi Giáo, đó là trường hợp của một nửa nước Albanie, một phần Macédoine, của Bulgarie và Crète và nhất là nội địa Tiểu Á. Cuối đệ nhất thế chiến, người ta gặp thấy tại Tiểu Á những cộng đoàn Chính Thống Giáo dọc theo bờ biển phía Tây và tại phía Ðông, là những di tích các tòa giám mục Arménien bị bách hại năm 1895-1896. Nhiều kitô hữu tại những miền này trở thành những kitô hữu ”hầm trú” (crypto-chrétiens) trong nhiều thế hệ. Cuộc trở lại Hồi Giáo tập thể tại Bosnie và những vùng phụ cận (giáp phía Nam Yougoslavie) là trường hợp đặc biệt không hề xẩy ra nữa từ cuối thế kỷ XV. Ngày nay người ta biết rằng những người bỏ đạo này phần lớn thuộc phái Bogomile cũ. Bị cưỡng bức, họ chỉ tuân phục Giáo Hội Chính Thống bề ngoài và việc họ theo Hồi Giáo cách cuồng tín sau đó, chứng tỏ rằng tinh thần của họ lệ thuộc vào những người thắng thế.
Người kitô luôn bị đe dọa và bắt bớ bởi nguyên tắc khắc nghiệt sau đây: không một người hồi giáo nào có quyền trở lại Kitô Giáo. Một người hồi giáo trở lại, một linh mục chấp thuận cuộc trở lại này, hay một người bỏ đạo trở về với Ðức Tin cũ (tóm lại mỗi cá nhân cố gắng chinh phục một người hồi giáo cho Giáo Hội), đều có thể bị xử tử, trừ khi họ tuyên bố từ bỏ Kitô Giáo. Cho tới thời thánh tu sĩ Paul Panaiotis (1818), tức là trước chiến tranh giải phóng, rất đông kitô hữu thuộc đế quốc Ottoman bị giết vì đã không chịu bỏ đạo. Nhiều vị tử đạo mới này đã được phong chân phước, được kính nhớ hằng năm trong lịch các lễ Chính Thống Hy Lạp, hoặc trong các nghi lễ địa phương.
V. BẦU CỬ THƯỢNG PHỤ.
Tới năm 1763, thượng phụ được bầu lên do công đồng những người cao cấp của giáo phận. Lúc đầu là tự do đầu phiếu, mặc dầu phải được hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận: mọi ứng cử viên làm phật lòng hoàng đế không thể được chọn làm thượng phụ. Từ khi Gennadios qua đời, không còn vấn đề một thượng phụ phải tuyên bố ủng hộ phong trào Hiệp nhất Giáo Hội nữa. Theo nguyên tắc, có tự do. Nhiều thượng phụ khác bị giết hoặc bị què cụt do người Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì các ngài bị tình nghi đã làm việc mục vụ. Chính vì thế mà Isidoros II người kế vị Gennadios, đã bị xử tử dưới thời Mahommed II. Tuân hành luật Giáo Hội, vị thượng phụ này đã không nhận làm hôn phối cho một quan đại phu hồi giáo và một thiếu nữ kitô giáo. Mahommed II có nhiều đức tính tốt, nhưng đôi khi đã tỏ ra rất hung bạo: Nào ông đã không tuyên bố rằng vua Thổ Nhĩ Kỳ có quyền xử tử các anh em hoặc con cái, nếu những người này nguy hại cho quyền lực của ông? Thường có thượng phụ bị cách chức hay bị chính quyền bắt buộc từ chức, mà chính vua không hay biết. Ðể một nhóm phản loạn Chính Thống được quyền truất phế một thượng phụ và đặt ứng cử viên theo ý họ, họ chỉ cần hứa với chính quyền một món tiền quan trọng dưới hình thức thuế vụ, hoặc quà tặng. Thể thức này được lặp lại khi chính quyền cao cấp hơn và những công chức rất đông được bàn hỏi cho mỗi cuộc bầu cử, cần có những lợi tức phụ thêm. Ðó là trường hợp dưới triều Mohammed II, khi thượng phụ tại chức bị thay thế bằng một người có nhiều liên lạc với triều đình và nặng túi hơn. Siméon I là người đầu tiên lên chức thượng phụ bằng phương thế này.
Tại đây chúng ta không mô tả lịch sử của những thế kỷ đầu của tòa thượng phụ dưới thời Thổ Nhĩ Kỳ, như một chuỗi dài mưu mô và một suy đồi thường hằng. Trong thời khó khăn, rất nhiều thượng phụ vẫn là những mục tử khôn khéo và tận tâm với giáo dân, như thế họ đã góp phần duy trì Chính Thống Giáo. Nhưng những hoàn cảnh đặc biệt làm thay đổi mau lẹ nhiều thượng phụ, tạo nên hoàn cảnh khó khăn. Người ta đếm được 110 cuộc bầu cử từ năm 1453 tới giữa thế kỷ XVIII. Nguyên thời kỳ mà chúng ta đang nghiên cứu, đã đếm được hơn 55 thượng phụ. Nhiều khi các ngài được chọn vào lần 2, sau một thời tạm quyền, và có khi tới lần thứ 6. Trong nhiều trường hợp người kitô hữu phải đóng thuế phụ hoặc nộp tiền phạt do các công chức thuộc mọi cấp ấn định, thêm vào số tiền bị đòi hỏi để các thượng phụ hay giám mục được nhìn nhận. Những thuế mới bị yêu sách đều mỗi khi có cuộc thanh tra các cơ sở tôn giáo. Nếu chỉ một viên ngói bị khám phá trong ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ, sẽ bị phạt nặng nề hoặc bị yêu cầu phá hủy nhà thờ, bất kể là đã phải trả tiền rất đắt mới được phép xây cất. Hệ thống thuế khóa và những kiểu đàn áp này trong thế kỷ XVII chưa phải là độc địa hơn cả, tuy vậy chúng gây ra nhiều khó khăn trong lòng Giáo Hội. Vì không đủ phương tiện chống chọi với những yêu sách nặng nề của nhà vua và các công chức, các thượng phụ phải tìm cách nâng cao lợi tức lên, bằng cách gia tăng thuế vụ mỗi khi thiết lập các giám mục và giám chức cấp dưới. Chính quyền còn tăng thêm lợi tức mỗi khi thuyên chuyển công chức. Ðến lượt các giám mục và linh mục cũng bắt buộc phải nhờ tới cùng một phương thức ”tăng lợi tức” đối với người giáo hữu. Thế là toàn bộ thuế khóa và phụ cấp đã làm manh nha nạn buôn thần bán thánh.
VI. NHỮNG TRANH HÙNG GIỮA DÂN SLAVE VÀ HY LẠP.
Vào cuối thế kỷ XVII, những tranh chấp chia rẽ nội bộ đã làm cho Giáo Hội Chính Thống phải trải qua một thời khó khăn. Người Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng tham gia vào nền chính trị quốc tế và thường hay cầu viện người kitô hữu Hy Lạp. Mặc dầu những thuế phụ và những phiền nhiều khác họ phải chịu đựng, những trường học Hy Lạp có trình độ cao hơn các trường học Thổ Nhĩ Kỳ, thêm vào đó những dịch vụ kinh doanh Hy Lạp bành trướng mạnh. Những bậc quyền quý Hy Lạp nổi bật về thế giá, được đặt lên làm tổng đốc hoặc quan trấn thủ lãnh chư hầu của Thổ Nhĩ Kỳ (Valachie và Moldavie), nhờ những món tiền lớn, nhưng cũng vì họ được nhà vua tin tưởng. Chính vì thế mà những người Hy Lạp được phong chức tại nhiều tòa giám mục, trong những nơi có đông kitô hữu người Slave và người Roumanie, tại nội địa đế quốc Ottoman. Mưu toan Hy Lạp hóa đời sống văn hóa và tôn giáo đã gây rối loạn trong các tương giao giữa những người chính thống không phải là Hy Lạp và những người chính thống Hy Lạp (văn chương chống Hy Lạp đã gọi các nhà truyền giáo Phanar là Phanariotes). Bất cứ nơi nào có thể, tiếng Hy Lạp đều được nhận như ngôn ngữ chính trong các trường, các linh mục bắt buộc cử hành phụng vụ bằng tiếng Hy Lạp thay vì dùng tiếng cổ Slave hoặc Roumaine là những ngôn ngữ thường được dùng ở thời này như ngôn ngữ phụng vụ. Dưới áp lực của Constantinople, các tòa thượng phụ chính thức tại Ochrid và Pec (Ipec) bị chính quyền Ottoman hủy bỏ. Nhiều linh mục chính thống đã di cư tới Banat, là quận sẽ chuyển sang nhà Habsbourg năm 1718: Carlowitz (Stremski Karlovci) trở nên trung tâm quan trọng của Chính Thống Giáo cho tới sau đệ I thế chiến, và sau đó trở nên trụ sở hội họp của một nhóm giáo sĩ di cư người Nga.
VII. TÒA THƯỢNG PHỤ CONSTANTINOPLE TRONG HẬU BÁN THẾ KỶ XVI.
Suốt cả thế kỷ sau khi thành Constantinople thất thủ, không có một liên lạc nào giữa Giáo Hội Chính Thống tại nội địa đế quốc Ottoman với các kitô hữu bên ngoài. Liên lạc chính yếu giữa Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ với Tây phương đều do sáng kiến thực hiện của người Hy Lạp sinh sống tại các đảo còn độc lập. Họ du học ở ngoại quốc, nhất là tại đại học Padoue, và cả tại trường Hy Lạp ở Roma, do đức Grégoire XIII thành lập. Từ năm 1622, trường này chỉ nhận những sinh viên muốn phục vụ Giáo Hội. Giữa các cựu sinh viên của trường này, có nhiều người làm linh mục và giám mục. Việc giảng huấn tại các trung tâm Hy Lạp nói riêng, chỉ được thành lập vào thế kỷ XVII. Trong vùng thuộc tòa thượng phụ Thổ Nhĩ Kỳ, người ta chỉ thấy một vài thần học gia quan trọng, chẳng hạn Manuel de Corinthe, ông phục vụ tại phòng chưởng ấn của tòa thượng phụ (qua đời khoảng năm 1550), là tác giả một vài tác phẩm nhỏ chống latinh; một người nữa là giám mục Damaskinos Stoudites (+1577), giảng thuyết viên rất nổi tiếng của thời đại. Những bài giảng của ngài được in năm 1570 tại Venise, thành phố này, cho tới thế kỷ XIX, vẫn là trung tâm các tiệm sách và ấn loát Hy Lạp rất quan trọng đối với những người chính thống hoặc không chính thống. Những tương giao với Tây phương được thiết lập dưới thời Jérémie II Tranos, vị này đã 3 lần là thượng phụ đại kết giữa những năm 1572 và 1795. Truyền thống nhận ngài là thượng phụ lớn nhất của thời đại này. Ngài cố gắng nâng cao trình độ văn hóa của hàng giáo sĩ, ra lệnh phải giảng đều đặn, và cố chấm dứt nạn buôn thần bán thánh. Ngài sẵn sàng giúp thành lập tòa thượng phụ Moscou. Những trao đổi thư từ của ngài với các nhà thần học thuộc phái Luther đã đánh dấu thời gian đầu của những gặp gỡ giữa Chính Thống Giáo và Tin Lành. Thái độ của ngài đối với Công Giáo Tây phương ít ra cũng có phần thân hữu: ngài liên lạc với giáo hoàng, ngài cũng ước ao cho hai người trong các cháu của ngài được học tại trường Hy Lạp mới được thành lập tại Roma. Thái độ của người Thổ Nhĩ Kỳ thù địch với giáo hoàng vì họ nghi rằng không có lý do gì mà giáo hoàng xúi giục đạo binh thánh giá chống lại họ, nên họ cấm tất cả mọi liên lạc quan trọng giữa Vatican và Constantinople. Người ta không thể xác định tới mức độ nào tư tưởng Hiệp nhất theo công đồng Florence còn sống động nơi thượng phụ Jérémie và các thượng phụ khác. Người ta thấy Jérémie luôn luôn từ khước việc canh tân phụng vụ của đức Grégoire. Thái độ này càng không giúp giải quyết được vấn đề. Chúng ta lưu ý rằng canh tân phụng vụ chỉ được chấp nhận rất trễ sau này, nên đã không mang lại ích lợi gì cho tín lý mà còn gây ra lạc giáo tại Hy Lạp tân tiến.
VIII. ÐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO VÀ BẢO TRỢ TÔN GIÁO CỦA NƯỚC PHÁP.
Nếu tòa thượng phụ có thể liên lạc với các linh mục latinh có mặt tại Istambul dưới thời Jérémie II, chính là nhờ khúc quặt chính trị. Sau thất bại tại Pavie năm 1525, vua Pháp là Francois I, trong lúc bị cầm tù, đã tìm cách liên lạc với vua Thổ Nhĩ Kỳ. Ðây là lần đầu tiên có sự chắp nối liên lạc giữa vua Thổ và các nhà cầm quyền Tây phương, nhất là Pháp. Những trao đổi chính trị này khó khăn lúc ban đầu, nhưng đã đem lại cho các thế lực Tây phương một ảnh hưởng rất quan trọng, đặc biệt trong việc can thiệp hữu hiệu cho số phận các người kitô hữu thuộc đế quốc Ottoman. Những khuynh hướng tôn giáo của nền ngoại giao Tây phương được trình bày trong những điều khoản tạo thành một tiểu mục của các bản ”hòa ước”; ngoài ra những hòa ước này chỉ liên quan tới những trao đổi thương mại, giống những hòa ước ký kết trước đây giữa các hoàng đế Byzantin và Cộng Hòa Ý. Không có gì minh chứng là vua Francois I đã đạt được một hàng ước (capitulation) vào năm 1535. Dầu sao, một hàng ước đã được ký kết với vua Pháp vào cuối thế kỷ XVI. Nhưng Paris rất bất mãn về những hòa ước tương tự, được ký kết với những đại diện Anh quốc và Liên Tỉnh Hòa Lan (1583 và 1612). Dù sao nền ngoại giao Pháp đã dấn thân đầu tiên và đã đạt kết quả trong việc đóng vai chủ yếu, nhất là đường lối chính trị đối nghịch với nhà Habsbourg, đáp ứng những quyền lợi của chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, chính phủ Pháp có thể thực hiện ảnh hưởng trong những lãnh thổ xa xôi của đế quốc Ottoman, nhờ những tòa lãnh sự tại Ðông phương, thiết lập từ năm 1600. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, những nỗ lực của lãnh sự tại Syrie và Liban nhằm cải tiến số phận người kitô hữu, đã có hiệu lực hơn là những cố gắng của đại sứ tại Constantinople. Ảnh hưởng của Pháp nhằm bảo hộ tôn giáo thật lớn lao trong cựu lãnh thổ Giáo Hội của Antioche.
Ðiều khoản mà đại sứ Pháp Savary de Brêves đã ghi rõ trong hòa ước 1694, là khởi điểm cho những thỏa thuận sau này về vấn đề tôn giáo: Ðiều khoản chấp nhận cho các tu sĩ ”Pháp” (nghĩa là latinh) quyền di chuyển tự do trong toàn đế quốc Ottoman. Dựa vào ngoại giao Pháp, những linh mục latinh giải thích sự tự do này như một quyền lợi mở rộng phạm vi hoạt động của họ với người kitô hữu thuộc nghi lễ đông phương. Hòa ước năm 1673 giữa Louis XIV và Mohammed IV, có thể được coi như một thành công ngoại giao, nhưng tầm mức của hòa ước này đã là thái quá đối với thời đại. Tình trạng của người kitô hữu đông phương muốn gắn bó với Giáo Hội Roma rất khó định nghĩa, đến nỗi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng: điều khoản này trong hòa ước chỉ có giá trị cho người ”Pháp” thôi. Cương vị pháp luật của các giáo hữu hợp nhất chỉ được điều chỉnh đích xác vào thế kỷ XX; trước đó họ chỉ trông cậy vào thiện chí của chính quyền địa phương, vào khả năng có thể mua chuộc được họ hoặc vào sự trợ giúp của người Pháp trong những dịp thuận tiện.
Những tu sĩ định cư tại đế quốc Ottoman nhờ sự yểm trợ của Pháp, đương nhiên là người Pháp. Họ là thành viên của các tỉnh dòng Pháp: Dòng Tên, dòng Capucin, các đại diện hoạt động tông đồ của phong trào phản Cải cách (contre Réforme). Những tuyên úy của đại sứ Pháp tại Constantinople là các tu sĩ dòng Capucin. Hầu như suốt triều đại của vua Louis XIII, các ngài được sự yểm trợ tuyệt đối của đồng nghiệp, là cha Joseph, cố vấn của hồng y Richelieu và là bề trên của trung tâm truyền giáo Capucin. Hơn những người khác, ngài đã làm cho chính trị của Paris tại Ðông phương mà ngài hướng dẫn, nổi bật đặc tính truyền giáo của người Pháp. Ngoài công việc này, ngài còn cộng tác với những kế hoạch ”đông phương” của Bộ Truyền Giáo thành lập năm 1622.
Những vị Dòng Tên đầu tiên đã tới Constantinople, dưới triều đức Grégoire XIII (những dự định thiết lập đông phương năm 1553 không thể thực hiện được). Cơ sở đầu tiên này bị bãi bỏ dưới triều Sixte Quint, nhưng năm 1609, đại sứ Pháp tại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ lại được phép thành lập một cơ sở Dòng Tên tại thủ đô. Ít lâu sau, có tiếng đồn rằng các tu sĩ Dòng Tên âm mưu chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, với mục đích giải thoát người Hy Lạp và đặt họ dưới quyền Roma. Những tiếng đồn này lan tràn mau lẹ hơn vì các tu sĩ Dòng Tên có nhiều bạn hữu giữa những kitô hữu Chính Thống, nhưng họ cũng có nhiều địch thù. Tuy nhiên, sau năm 1623, nhờ sự giúp đỡ của nước Áo, họ được quyền thi hành chức vụ của họ trong toàn đế quốc Ottoman. Như thế họ góp phần duy trì các tòa giám mục latinh tại Cyclade trong vùng biển Égée, nhất là tại đảo Syros và tại Naxos, cơ sở của tòa tổng giám mục và là trung tâm latinh quan trọng. Những tòa giám mục này, đã được tổ chức chắc chắn từ thế kỷ XIII, và để đón tiếp các di dân từ Tây phương tới, họ nhận tiếng Hy Lạp làm chuyển ngữ. Tuy nhiên, sau đó không có một liên lạc nào trong lãnh vực tôn giáo giữa người latinh nói tiếng Hy Lạp và người Hy Lạp Chính Thống. Cho tới giữa thế kỷ XIX, những bản văn của các sách cầu nguyện phổ thông được viết bằng tiếng Hy Lạp nhưng lại in ra bằng chữ latinh, điều đó chứng tỏ rằng người công giáo tại đảo Syros tránh mọi gần gũi ”đông phương”.
Cần phải tìm hiểu xem sự chia rẽ ở thế kỷ XVII có tuyệt đối bằng những chia rẽ trong thời kế tiếp không. Trong thời kỳ chúng ta đang nói tới, giáo sĩ chính thống nhiều lần cho phép các tu sĩ Capucin và Dòng Tên quyền giải tội và rao giảng tự do. Việc thực thi Hiệp thông bí tích này (Communicatio in Sacris) minh chứng hơn tất cả chỉ thị chính thức rằng những liên lạc như vậy trước đây đã có nhưng chưa thực sự chính thức. Tình trạng này chỉ có trong những miền mà các phẩm trật chính thống thấy như mình không bị ràng buộc bởi luật cấm của tòa thượng phụ: cấm không được liên lạc với người latinh và không được theo học tại các đại học ngoại quốc. Luật cấm này thật ra ít được tuân hành.
IX. NHỮNG TIẾP XÚC ÐẦU TIÊN VỚI NHỮNG THẦN HỌC GIA CẢI CÁCH.
Năm 1559, thày phó tế Dimitrios Misos, người Hy Lạp, được thượng phụ Joasaph gởi tới Wittenberg để tìm hiểu về phong trào tôn giáo mới của Tây phương. Melanchton đã bàn thảo lâu với ông và trước khi ông khởi hành đã trao cho ông một bản dịch tuyên xưng Ðức Tin của Augsbourg, để trao cho thượng phụ. Ông gởi kèm một bản viết bằng tiếng Hy Lạp cổ, trong đó nhà thần học phái Luther lưu ý rất nhiều là thông truyền chính thống gần với lời Phúc Âm nguyên thủy, được phổ biến tại các Giáo Hội mới ở Ðức, chống lại ”những luật mê tín của một tôn giáo ngược với những điều răn của Thiên Chúa, và được sáng chế do các tu sĩ vô học”. Thượng phụ không trả lời. Thủ lãnh của Giáo Hội Chính Thống cho rằng những chỉ dạy của Tin Lành Ðức là điều bất xứng! Một cố gắng liên giao lần thứ 2 trong thời Jérémie II, không kết quả hơn. Chính lúc đó Stephan Gerlach, thần học gia tại đại học Tubingen, và là giảng sư của đại sứ, đã gửi cho thượng phụ năm 1575 một bản dịch Hy Lạp mới về tuyên xưng Ðức Tin của Ausbourg. Do đó, có một loạt trao đổi lâu dài về bài văn nghị luận về thần học và giác thư các cuộc trao đổi này bị thượng phụ chống đối. Năm 1576, trong thơ trả lời đầu tiên (bằng 21 chương được chuyển ngữ nhiều lần từ năm 1582 tại Tây phương) Jérémie II kết luận rằng không thể có thỏa hiệp gì về những điểm quyết định giữa phái Luther và Chính Thống. Gerbach và những người thuộc phái Luther, cũng như chính Luther, tưởng rằng đã thấy trong các Giáo Hội Ðông phương một Kitô giáo chân chính hơn. Nhưng họ đã bị Chính Thống làm cho thất vọng. Họ nhận định rằng tín điều và đời sống đạo đức người Hy Lạp không hơn gì người thuộc phe giáo hoàng.
Thái độ của Jérémie II không phải là một trường hợp đơn độc. Những trình bày tương tự về tín lý Chính Thống, với những ám chỉ truyền thống chống latinh của họ, thấy trong những tác phẩm của hai nhà thần học chính thống, người Hy Lạp, là Meletios Pigas, thượng phụ qua đời tại Alexandrie và Gabriel Severos (chết khoảng năm 1616), thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống tại Venise. Những bài biện luận về thần học kinh viện và những bài bút chiến cuả các ông đã được nhiều tác giả Tây phương trích dẫn trong một thời gian rất lâu.
X. KHUYNH HƯỚNG CALVIN CỦA THƯỢNG PHỤ CYRILLE LUKARIS.
Sự va chạm giữa Giáo Hội Cải Cách và Giáo Hội Chính Thống đáng chú ý hơn là những gặp gỡ trước đây. Sự va chạm này gắn liền với danh hiệu của Cyrille Lukaris. Lukaris sanh tại Crête năm 1572, theo học tại Venise và Padoue. Sau khi thụ phong, thân phụ ngài là thượng phụ Meletios Pigas gởi ngài qua Balan năm 1596 để ngăn cản hay ít ra để chống Liên Hiệp của Brest-Litowsk. Trong 6 năm lưu lại ở đây ông đã liên lạc nhiều lần với người tin lành, có lẽ thuộc phái Calvin. Ông đã chia sẻ những dự án của ông hoàng Ostrojsky, người chủ trương hiệp nhất những người tin lành với người chính thống tại Balan và Lituanie. Từ năm 1602 đến năm 1620, ông kế vị Meletios tại tòa thượng phụ Alexandrie. Người ta có bản chính lá thư của ông gởi cho đức Phaolô V ghi năm 1608. Lukaris đã tuyên bố trong bức thư rằng: ông muốn sống dưới quyền đức giáo hoàng. Một vài năm sau, ông trao đổi thư từ với Abbot, tổng giám mục thành Cantobery. Ðặc biệt ông viết: những bách hại của Thổ ít nguy hiểm hơn những âm mưu người latinh đang tìm cách đặt người Hy Lạp dưới quyền giáo hoàng. Những mâu thuẫn như vậy làm nổi bật các đặc điểm của những vụ can thiệp sau này của ông.
Theo đề nghị của tổng giám mục Abbot, Lukaris gởi Mitrophanes Kritopoulos tới Oxford để nghiên cứu thần học. Những tương giao với Anh Quốc tiếp tục: năm 1628, thượng phụ gởi cho Charles I bản Codex Alexandrinus (luật Alexandre), bản Thánh Kinh viết tay bằng chữ Hy Lạp, ghi niên hiệu thế kỷ V (hiện thời bản này được giữ trong bảo tàng viện British Museum). Từ năm 1624, Mitrophanes thăm viếng nhiều đại học tin lành Ðức, và năm 1625 ông viết một bản tuyên xưng Ðức Tin Chính Thống Giáo. Sau này với tư cách là thượng phụ Alexandrie, ông đứng lên chống đối những khuynh hướng của Lukaris và bênh vực tín lý cổ truyền.
Những khó khăn bắt đầu từ khi Cyrille được chọn (lần thứ 2?) làm thượng phụ đại kết năm 1620. Cyrille đã lưu ngụ nhiều lần tại Constantinople, và tiếp tục liên lạc thư từ với Tin Lành Tây phương, qua trung gian của Cornelius Van Haga, công sứ của các quốc gia thuộc các tỉnh liên hiệp tại thành phố này. Những người tin lành gởi cho vị thượng phụ học giả các tác phẩm thần học mới nhất. Cyrille Lukaris không giấu giếm tình bằng hữu của ông với những đại diện thuộc hai quốc gia Tin Lành quan trọng nhất, là Anh và các tỉnh liên hiệp. Những thư từ và những chú giải của ông làm cho người ta thấy rõ rằng trong thời kỳ ông làm thượng phụ Alexandrie, ý kiến của ông không phù hợp với Chính Thống cổ truyền. Ðại sứ Pháp de Cesy tuyên bố rõ ràng trong một bức thư gởi cho Louis XIII sau khi Cyrille bị cách chức, rằng thượng phụ đã có ý: ”thiết lập giáo thuyết Calvin tại Hy Lạp và trong toàn lãnh thổ Ðông phương” (2). Năm 1628, lúc Antoine Léger tới làm mục sư của những đại diện thuộc Hòa Lan, các biến cố diễn tiến mau lẹ. Một năm sau, có lẽ tại Genève, xuất hiện dưới tên Cyrille Lukaris, một bản tuyên xưng Ðức Tin bằng tiếng latinh với 18 chương, bày tỏ rõ ràng khuynh hướng Calvin, và bản dịch được phổ biến tại Âu Châu. Rõ ràng là có tinh thần Cải cách, nhất là trong những chương về Thánh Kinh, nguồn tín lý duy nhất của Giáo Hội, về sự tiền định và về sự thử thách theo công thức của những người chống Remonstrans (chống tín lý của Arminius), về sự công chính hóa chỉ nhờ Ðức Tin, về quyến bất khả ngộ của Giáo Hội, về việc Ðức Kitô chỉ thành lập hai bí tích, cuối cùng về sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô trong Thánh Thể, được thực hiện do Ðức Tin khi rước lễ chứ không do một ”sáng tạo” như sự chuyển đổi bản thể. Bốn câu hỏi và trả lời đã được thêm vào bản hy-la xuất hiện năm 1633 tại Genève: Thánh Kinh phải được mọi tín hữu đọc; ý nghĩa của Thánh Kinh thật rõ ràng đối với tất cả những ai được Thánh Linh soi sáng và phấn khích, những sách Kinh Thánh giả mạo phải bị hủy bỏ, những hình ảnh thánh được khoan thứ, nhưng việc tôn thờ ảnh tượng các thánh không thể được chấp nhận.
Nhiều người tin rằng tài liệu lạ lùng này là tài liệu giả và người chính thống hiện nay vẫn còn nghĩ như vậy. Nhưng điều chắc chắn đó là bản văn của Lukaris. Trong những thư gởi cho các bạn, ông miêu tả dài về hiệu lực của bản tuyên xưng Ðức Tin của ông đã được in. Hơn nữa, Genève có bản chính viết tay bằng tiếng Hy Lạp được dùng để xuất bản năm 1633. Ðức thượng phụ không bao giờ phủ nhận tính chất xác thực của bản văn này và khi trả lời cho một số người chính thống đang âu lo, ông đã chứng minh là ông chân thành. Ông được một số nhỏ người tán thành một cách ân cần. Giữa những người này có giám mục Néophytos, người đã làm thượng phụ từ năm 1636 tới năm 1637, trước thượng phụ Lukaris. Mọi người đều tỏ ra tán thành việc Cải cách, và như Cyrille, họ có nhiều bạn hữu tại các tòa đại sứ thuộc những nước không Công Giáo.
Dầu sao, Cyrille vẫn tiếp tục chu toàn nghĩa vụ thượng phụ và phong chân phước cho vị ẩn tu tên là Gerasimos le Jeune (chết năm 1579). Bao lâu những sự kiện mới không làm sáng tỏ trường hợp Lukaris, chúng ta không thể phê phán đúng đắn sự can thiệp của ông. Dầu sao, ông là người có nghị lực, học rộng, không cậy dựa vào người chung quanh (hoặc không tìm được điểm tựa nào), ông có thái độ càng ngày càng nghi ngờ Giáo Hội Chính Thống của thời đại ông. Tới mức độ nào ông mới cảm thấy rằng ông đã bỏ rơi Chính Thống cổ truyền? Những vấn đề khác cũng chưa tìm thấy câu trả lời thỏa đáng, nhất là về tầm mức quan trọng của vai trò người tin lành và những hoàn cảnh đưa Cyrille tới chấp nhận thái độ chống đối latinh rõ rệt, sau những năm ông học tại Ý. Trường hợp ông đối với Lukaris không nguyên là vấn đề tôn giáo, nhưng còn là vấn đề tâm lý.
Các đại sứ Pháp, được vị công sứ của hoàng đế giúp, và có lẽ có sự đồng ý của Vatican, đã ngầm phá hoại ảnh hưởng rất mạnh ở thời kỳ này, của Anh Quốc và các tỉnh Liên hiệp đối với nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ. Họ dựa vào các giám mục và các viên chức Hy Lạp đang liên lạc với các ”thừa sai” latinh. Một số trong họ đã thành công trong việc làm cho thượng phụ Cyrille II Kontaris de Berrhoia được công nhận (ông này kế vị Lukaris 3 lần) và Athanase II Patellaros (trong vài tháng của năm 1634). Theo Chính Thống cổ truyền, những truất phế liên tiếp của Cyrille đã phải nộp những món tiền lớn (cho cả Istambul ở thời này); hơn nữa thượng phụ đã bị tố cáo trước hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ như một kẻ xúi giục kỵ binh Nga tấn công đe dọa. Chắc chắn là những đại sứ của các lực lượng Công Giáo đã tham dự vào những âm mưu gây ra việc truất ngôi lần sau cùng của thượng phụ vào tháng 6 năm 1638, ít lâu sau khi công sứ của các tỉnh Liên hiệp ra đi. Thượng phụ bị bắt giam và bị treo cổ vài ngày sau. Xác ông bị vứt xuống biển, sau đó những người đánh cá tìm được, và sau cùng ông được an táng trong nhà thờ Panagia (thuộc đảo Chalki trong biển Marmara, nơi đây một ngôi trường cho giáo phận được thành lập năm 1844). Sử gia Công Giáo Baus còn ghi chú trong lần tái bản cuốn Tự điển Thần học và Giáo Hội (Lex. Fur Theologie und Kirche rằng: không có gì minh chứng sự cộng tác của Dòng Tên trong vụ ám hại Lukaris. Nhưng những vị ”thừa sai” latinh chắc chắn đã hành động để người tham vọng và ít thận trọng là Cyrille Kontaris trở nên thượng phụ một lần nữa.
Mặc dầu thượng phụ Athanase Patellaros có liên lạc với người latinh, ông luôn từ khước vâng phục Roma. Trái lại, Cyrille Kontaris đã cho vị quản nhiệm dòng Capucin biết một vài năm trước khi được bầu làm thượng phụ, rằng ông muốn hiệp thông với Tòa Thánh. Tin vào lời hứa ấy, đức Urbain VIII đã gởi cho ông 4000 thaler (tiền Ðức) qua trung gian của Schmid, công sứ Áo. Vào tháng 12 năm 1638, Cyrille đã ký theo thể thức của thời đại một bản tuyên xưng Ðức Tin mà ông đã nhận được từ Bộ Truyền Giáo. Nhưng những người latinh không tin vào ”người công giáo bí mật” này, mace dầu ông đã triệu tập công đồng một vài tháng sau khi Lukaris tạ thế, để kết án con người và giáo thuyết của ông này. Người độc tài Kontaris thiếu bản lãnh vì có óc bè phái, ông không vãn hồi nổi trật tự. Bị công khai tố cáo về vụ ám sát Lukaris, ông bị lật đổ vào đầu năm 1639.
XI. NHỮNG TUYÊN XƯNG ÐỨC TIN CHÍNH THỐNG VÀO THẾ KỶ XVII.
Vụ Tin Lành Calvin dính líu mật thiết với cá nhân và hoạt động của thượng phụ Lukaris, đến nỗi những khuynh hướng dị giáo không còn hy vọng thành công sau khi ông này chết. Nhưng vẫn còn một âu lo lâu dài tại các tòa thượng phụ khác. Sự lo âu này gia tăng sau vụ tranh luận về bản tuyên xưng Ðức Tin thời danh: Phải chăng đó là tác phẩm của thượng phụ, hay đã được người khác in ra và lấy tên Lukaris: phải chăng phái Calvin đã cưỡng bức thượng phụ và Chính Thống Giáo theo đường lối của họ, hay là tại các cha Dòng Tên muốn mưu hại Cyrille Lukaris? Mối âu lo này rất lớn tại Ukraine và trong các xứ lân cận, nơi mà Tin lành đặc biệt dưới hình thức Cải cách đang bị người chính thống và công giáo coi như một đe dọa nguy hiểm. Năm 1640, Pierre Moghiba người thành Kiev, đã viết bản tuyên xưng Ðức Tin bằng tiếng latinh: tác phẩm rất phổ thông này được coi như lời đáp ứng của Chính Thống Giáo về những khuynh hướng của Lukaris. Bản văn này rất tỉ mỉ, được sáng tác như một bản giáo lý, bằng những câu hỏi và trả lời, một phần mượn trong các bản văn Công Giáo của phái chống Cải cách, và nhất là trong bản Ðại giáo lý (Grand Catéchisme) của thánh Pierre Canisius. Trong những cuộc thương lượng tại Jassy (Maldavie) vào năm 1642, thì giữa bản văn được viết vào cùng năm tại công đồng Constantinople, và bản tuyên xưng Ðức Tin của Moghiba: các nhà thần học của tòa thượng phụ đại kết cũng như những nhà thần học tại Kiev đều công nhận bản văn của Moghiba như bản văn chính xác của giáo lý cổ truyền. Nhân dịp này, cuốn giáo lý của Moghiba được dịch ra tiếng Hy Lạp do ông Meletios Syrigos thần học gia Hy Lạp giỏi nhất của thời kỳ sau khi Lukaris qua đời. Một vài đoạn bị các nhà thần học Hy Lạp coi như quá thiên latinh đã được sửa đổi. Công thức của Moghiba về những lời truyền phép của Chúa trong thánh lễ, theo sự giải thích của Chính Thống Giáo, được nhiều người nhận hơn cả và được thay thế bằng một bản văn trình bày ngắn gọn, ý nghĩa lời truyền phép và sự kêu cầu Thánh Linh kèm theo những lời truyền phép. Ngoài ra người ta thêm rằng: Giáo Hội có lý khi dâng lễ hiến sinh không đổ máu trong thánh lễ và cầu nguyện cho các linh hồn được an nghỉ.
Ngoài những thay đổi này, bản dịch Hy Lạp của cuốn Tuyên Xưng Chính Thống (Confessio Orthodoxa) do Moghiba viết, chắc chắn có những ảnh hưởng latinh của giáo chủ Kiev, mặc dầu ông chống đối sự hiệp nhất. Thật sai lầm khi cho rằng Meletios Syrigos đã loại bỏ các chủ đề và các ngữ điệu vay mượn từ thần học latinh trong bản văn. Khi không nói tới những xáo trộn tín lý, các thần học gia Chính Thống Hy Lạp thích dùng những lý luận mượn từ triết học kinh viện được dạy trong các trường latinh. Sự kiện này còn được tiếp tục cho tới thế kỷ XVIII (sau thời hiệu này việc du học tại Ý trở nên hạn hữu). Những yếu tố latinh thường thấy trong những tranh luận thần học của Moghiba, cũng như trong bản thuyết trình về những vấn đề mà các tác giả chính thống muốn trình bày bằng những công thức rõ rệt. Do đó giữa các phân tích, người ta thấy sự khác biệt về tội nặng và tội nhẹ, về việc đền tội bắt buộc sau khi xưng tội, đó là những phân tích song song với những phân tích mà người ta thấy trong các bản văn Công Giáo của thời đại. Tại một khóa họp công đồng Constantinople, sau những thương lượng tại Moldavie (1642), một người theo Lukaris đã nghi ngờ về giá trị cuốn Tuyên xưng Chính Thống (Confessio Orthodoxa) của Moghiba, và lưu ý rằng trong bản dịch của Meletios Syrigos được coi như tài liệu tín lý của Chính Thống Giáo, người ta có thể đọc được bản dịch sát nghĩa Hy Lạp về chữ latinh transubstantiatio (biến đổi bản thể hay biến thể), là bản dịch đã đưa vào ngôn ngữ học chính thống một điều mới lạ phi thường. Sự bác bẻ bị bỏ rơi nguyên tuyền và đơn thuần.
Mặc dầu nhiều người nhìn nhận tầm quan trọng của cuốn Confessio của giáo chủ Kiev, bản dịch Hy Lạp của Syrigos chỉ được xuất hiện vào năm 1667. Bản dịch này đã được in tại Leyde hoặc tại Amsterdam, có lẽ nhờ tài trợ của các ”quốc hội” (Etats Généraux) (3). Vì sai lầm, người ta đã cho tác phẩm của Moghiba là một trong những bản văn điển hình của Chính Thống Giáo. Tác phẩm này có giá trị tới thế kỷ XIX, đặc biệt tại các tòa thượng phụ Moscou và Kiev, trong suốt thời kỳ trường phái Kiev còn ảnh hưởng. Nhưng bản dịch Hy Lạp của cuốn sách này quá thiên về ”latinh” nên không thể bảo toàn được thế giá cho tới thời phục hưng của thần học tu đức Chính Thống.
Cũng vậy, một bản văn khác dưới tên Confessio của Dosithée II Notaras (1672) thượng phụ tại Jérusalem, xuất hiện vào thời kỳ ông đang hướng dẫn công đồng cuối cùng để chống lại tín lý của Lukaris. Lịch sử Chính Thống Giáo trong đế quốc Ottoman cho thấy: việc chống đối Lukaris gần suốt thế kỷ XVII nêu bật tính chất lạc đạo của thượng phụ này, và đồng thời chứng tỏ sự liên lạc bất ngờ với Tin Lành Cải cách không phải là mối nguy thực sự, điều này còn đúng cho một thời gian lâu dài nữa.
XII. CÁC VIỆN TU VÀ ÐỜI SỐNG TRONG TU VIỆN.
Sau khi thành Constantinople thất thủ, không còn có đời sống tổ chức trong các viện tu tại thành phố, ngoại trừ những cộng đoàn chiêm niệm trực thuộc tòa thượng phụ. Tuy nhiên, một số tu viện tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ bách hại tại các miền Âu Châu lệ thuộc đế quốc Ottoman. Ðôi khi người ta còn giúp đỡ sửa sang lại những tòa nhà bị phá hại, và các tu sĩ đã di tản trở về, hoặc thành lập một tu viện mới. Ðời sống các dòng tu Chính Thống không bao giờ thiên về chức linh mục như các tu viện Tây phương. Trong suốt hai thế kỷ XVI và XVII, các tu viện Tây phương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng Kitô Giáo. Và như trước đây, hoạt động của các tu sĩ và các vị ẩn tu chủ yếu chuyên lo những việc đạo đức, đó cũng là lý tưởng của người giáo dân mộ đạo.
Bán đảo Mont Athos, cùng với các dòng tu trên đảo, rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ và sát nhập vào đế quốc Ottoman năm 1430. Trong thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu, Mont Athos không hề được hưởng quy chế đặc biệt nào. Nguyên tắc của người Thổ Nhĩ Kỳ là cấm không được đụng chạm tới tài sản tôn giáo của kitô hữu, nguyên tắc này luôn được áp dụng cho Mont Athos. Ngoài ra, những đạo trưởng mới đã tăng cường những đặc quyền khác nhau trong thời Byzantin, và trên thực tế, các tu sĩ vẫn là sở hữu chủ của tất cả bán đảo, tuy nhiên không thể thi hành tại đây những quyền bá chủ (quyền mà họ không bao giờ có). Người hồi giáo vốn khinh thị các kitô hữu, nhưng đã nhiều lần trong lịch sử, họ tỏ lòng kính trọng các tu sĩ. Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng hành động như vậy. Do đó, việc chính quyền Ottoman tới không hề làm ngưng trệ sinh hoạt của cộng đồng Mont Athos. Ngay những liên lạc của họ với người Tây phương gốc Slave, sống ngoài đế quốc Ottoman hầu như không bao giờ gián đoạn. Những tu sĩ tới từ những miền khác nhau của nước Nga, có thể lưu lại ít lâu trong tu viện núi Athos. Tu viện người Slave tại Stavronikita, một tu viện quan trọng nhất của thế kỷ XVI, đã được xây cất và trang bị không cần sự giúp đỡ của ngoại quốc.
Các tu sĩ tại Mont Athos thường được miễn thuế giáo triều, và đó là do thiện ý của thượng phụ. Dầu vậy, nhiều tu viện đã gặp khó khăn tài chính trong một thời gian dài. Nước Nga thường cứu trợ họ. Một vài tu viện tại Athos cũng có những cơ sở nhỏ tại Moscou. Người Nga rất quảng đại, Mont Athos luôn là trung tâm tinh thần tuyệt hảo của Chính Thống Giáo và là một trung tâm có thế giá. Trong phương án nâng Moscou lên tòa thượng phụ, các tu sĩ tại Mont Athos được hỏi ý kiến. Vào thế kỷ XVII, thượng phụ Nicone đã tìm được tại Mont Athos những bản văn thế giá nhất trước khi thực hiện việc sửa đổi phụng vụ.
Ảnh hượng tinh thần do các tu viện tại Mont Athos thực hiện được, chắc chắn là thành quả đẹp nhất của đời sống các tu sĩ. Mặc dầu mãi đến thế kỷ XVIII mới có sự phục hưng tinh thần rộng lớn, nhưng trong nhiều thế kỷ trước, các tu sĩ vẫn duy trì những truyền thống tinh thần cố cựu. Chân phước Nil de Sora và Maxime le Grec đã tu học trên Núi Thánh truyền thống theo thuyết tĩnh tọa (hésy chaste) và đã du nhập thuyết này vào Moscovie. Ðưa những truyền thống tập nhịp (idiorythmique) vào các tu viện tại Nga là việc làm theo kiểu các tu viện Mont Athos. Sau này, những tu viện đó bị suy thoái, nhưng họ vẫn cố gắng theo đuổi chủ đích nguyên thủy là cải tổ tu viện bằng cách liên kết đời sống chiêm niệm và ẩn dật với nếp sống tập thể. Tuy nhiên, những bản văn thiêng liêng độc đáo của thời này rất họa hiếm, được biết tới nhiều nhất là cuốn Phần rỗi của tội nhân (le salut des pécheurs). Cuốn sách này là tác phẩm của Agapios, tu sĩ tại Mont Athos, được phát hành lần đầu tiên tại Venise năm 1641.
Khắp nơi thuộc lãnh địa Thổ Nhĩ Kỳ, trên các đảo cũng như tại Âu Châu, đời sống của các tu viện được duy trì. Chính vì thế mà thánh Wissarion (hay Bessarion) (+1541), một mục tử gương mẫu, đã vất vả tái thiết dòng Chúa Cứu Thế gần thành phố, nơi ngài trụ trì. Ngài cũng là giáo chủ tại Larissa thuộc vùng Thessalie. Thánh nữ Philothéa (+1589), một quả phụ thành Athènes, là bề trên tu viện thánh André và nhiều nhà thương do bà sáng lập. Bà chuyên lo các phụ nữ công giáo trước đây là những nô lệ của người Thổ Nhĩ Kỳ.
XIII. NHỮNG TÒA THƯỢNG PHỤ MELCHITE TRONG THỜI NGƯỜI THỔ NHĨ KỲ THỐNG TRỊ.
Hầu như không có vấn đề hoạt động thiêng liêng hoặc khoa học trong các tòa thượng phụ Melchite vào thế kỷ XV. Từ khi chấm dứt đạo quân Thánh Giá, tại Cận đông, người chính thống giáo sống một đời tương đối an bình. Tuy nhiên, có những thời kỳ, người Melchite thuộc Ai Cập đã gặp nhiều khó khăn và thỉnh thoảng lại bị bách hại! Số phận của họ kém hơn những anh em tại Jérusalem và Antioche. Tòa thượng phụ Melchite tại Alexandrie trong thời kỳ này chỉ gồm mấy cộng đoàn nhỏ. Theo một tài liệu xuất hiện giữa những năm 1530 và 1540, người ta thấy chỉ có 7 nhà thờ Melchite. Giáo sĩ của 3 miền gồm những người bản xứ, thường chỉ nói tiếng Ả Rập. Sau cuộc chinh phục của người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1516-1517, các tòa thượng phụ mới được sáp nhập vào quyền trực tiếp của Constantinople như mấy thế kỷ trước; sau đó, những chức thượng phụ và giám mục chỉ được trao ban cho các linh mục gốc Hy Lạp.
Trái với Constantinople, Alexandrie, Antioche và Jérusalem vẫn trung thành với tinh thần Hiệp Nhất Giáo Hội (theo công đồng Florence) cho tới khi người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman xâm chiếm. Năm 1440, Philothée, thượng phụ Alexandrie, báo cho đức giáo hoàng Eugène IV biết rằng những người Melchite đã nhắc tới tên ngài trong lời nguyện của họ. Ít lâu sau, một giáo chủ thuộc tòa thượng phụ đại kết tìm cách gieo rắc nghi ngờ giữa phẩm trật Melchite, nhưng ông chỉ gây ra gián đoạn liên lạc với Tây phương latinh. Tổng phó tế Moise Giblet tới thăm giáo triều Piô II tại Sienne, để nhân danh các tòa thượng phụ Melchite thảo luận về việc tổ chức đạo binh thánh giá, lần này sẽ tấn công Rhodes (có lẽ với sự cộng tác của thủ lãnh Hồi Giáo đang kiểm soát ven biển chung quanh Beyrouth). Nhân dịp này, khi ông nói về ý chí kiên cường muốn Hiệp Nhất Giáo Hội (như ông đã được các thượng phụ chính thống miền Cận đông ủy thác), người ta thấy những lời lẽ của ông tự nhiên ám chỉ đến công đồng mới đây về Hiệp nhất.
Tất cả đều thay đổi khi Selim I đặt ba tòa thượng phụ Melchite dưới quyền Ottoman. Theo hệ thống của Thổ Nhĩ Kỳ, những tiếp xúc của hàng giáo sĩ với hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ phải được thực hiện qua trung gian của thượng phụ đại kết. Mấy thượng phụ khác của Alexandrie và Jérusalem định cư tại Constantinople trong thế kỷ XVI và XVII. Tuy nhiên, chính sách Hy Lạp hóa hàng giáo sĩ không thể lan tới tòa thượng phụ Antioche. Tình trạng này giúp những khuynh hướng Hiệp nhất thêm sinh động trong lãnh thổ Antioche và cho phép thực hiện một mẫu Hiệp Nhất mới vào cuối thế kỷ XVII. Như vậy, những cộng đồng Melchite Công Giáo tại Syrie và Liban vẫn còn là những cộng đồng Công Giáo quan trọng nhất trong bốn tòa thượng phụ cổ cựu.
XIV. TÒA THƯỢNG PHỤ MELCHITE TẠI ALEXANDRIE
Vai trò quan trọng của các thượng phụ vào thế kỷ XVI và XVII thuộc ngành Hy Lạp tại Alexandrie không liên hệ gì với địa vị tầm thường của những cộng đoàn Melchite cổ ít tầm mức thiêng liêng.
Những tòa thượng phụ này chiếm hàng thứ nhì, đó là điều mà những người chính thống rất kính trọng các khoản luật cổ không bao giờ quên. Tiêu biểu cho những người này, có Pigas và Lukaris. Trước khi về tòa Constantinople, Lukaris đã trụ trì tại tòa thượng phụ Ai Cập. Trong thế kỷ tiếp sau cuộc chinh phục của người Thổ Nhĩ Kỳ, hầu như không có vấn đề liên lạc giữa tòa thượng phụ Melchite tại Nil và Roma. Những liên lạc giữa Roma và các thượng phụ Samuel Capasoulès và Cosmas III trong tiền bán thế kỷ XVIII không đạt được kết quả nào. Có lẽ Cosmas sợ Roma can thiệp vào những thừa truyền phụng vụ. Nhưng những biến cố này sẽ thuộc về thời đại sau.
Những tu sĩ Phanxicô người Ý, trú ngụ tại miền thượng Ai Cập từ năm 1666 làm việc giữa người Copte, vào thời này đông hơn người Melchite. Những tu sĩ Phanxicô thuộc tu viện Ðất Thánh, dưới sự bảo trợ của Pháp, đã bắt đầu thành lập một vài tu viện tại Ai Cập, trong thời này hoạt động của họ bị hạn chế trong việc mục vụ giữa người latinh.
XV. GIÁO HỘI TẠI JERUSALEM.
Lịch sử tòa thượng phụ Melchite tại Jérusalem cho ta thấy chính sách Hy Lạp hóa sau cuộc chinh phục của Selim I. Vào cuối thế kỷ XVI, tòa thượng phụ chuyển qua tay Hiệp Hội Mộ Thánh Hiệp hội này qui tụ tất cả các tu sĩ Chính Thống của thành phố và các vùng phụ cận, mà trung tâm là tu viện thuộc thượng phụ Jérusalem. Hiệp hội này đã tồn tại lâu dài với những cơ sở và tài sản quan trọng trong khắp vùng Chính Thống Ðông phương (tới Gallicie). Sau Germain de Péloponnèse (1534-1579), một loạt tòa thượng phụ Hy Lạp được thiết lập và Hiệp hội trở nên một cơ cấu mạnh mẽ quản trị các giáo sĩ. Phẩm trật của tòa thượng phụ và những người ”Hagiotaphite” liên lạc mật thiết với nhau. Trên lý thuyết, những kitô hữu bản xứ nói tiếng Syriac hoặc Ả Rập được nhận như ứng viên vào Hiệp hội, nhưng thực tế chỉ có người Hy Lạp mới được nhận và cứ thế tiếp tục lâu dài. Ngay cả đến thời đại chúng ta, chỉ có một thiểu số người Hy Lạp quản trị tòa thượng phụ Jérusalem.
Nhóm Melchite nỗ lực chiếm lại những nơi thánh và canh giữ chu đáo. Nỗ lực này chắc chắn đã gây ảnh hưởng lớn đối với Hiệp hội. Họ luôn chiếm phần đa số trong miền Jérusalem, và gồm đa số dân chúng kitô hữu kể từ sau thời Thập tự quân. Họ tiếp tục chống đối người latinh, điều này còn gây khó khăn lâu dài cho việc tiếp xúc giữa phẩm trật Hy Lạp và hàng giáo sĩ latinh trong thành thánh. Ðến lượt những người latinh đòi quyền lợi trong nhiều thánh đường. Họ dựa trên hòa ước ký kết năm 1333 giữa Robert d'Anjou, vua thành Naples và nhà vua Hồi Giáo Ai Cập. Theo đó, Robert và phu nhân đã dâng những thánh đường ấy cho tổng hội dòng Phanxicô, và từ thế kỷ XIII, các tu sĩ Phanxicô vẫn tự xưng là những người canh giữ Thánh Ðịa. Trong những năm kế tiếp, quyền giữ nơi thánh của người latinh bị đe dọa không ngừng: năm 1553, Soliman II đuổi các tu sĩ Phanxicô ra khỏi nhà tiệc ly; Ông bắt buộc người Hagiotaphite phải đuổi người latinh xa hơn nữa. Thượng phụ Théophane người từ lâu vẫn chủ trương xích gần lại với Giáo Hội Roma, năm 1615 đã hứa nâng đỡ cho một trung tâm Dòng Tên được vua Louis XIII che chở, thành lập một nhà của hội dòng tại Jérusalem. Vài tuần sau người ta hiểu rằng dự án này không thể thực hiện được. Vào năm 1621 Dòng Tên tại Canillac đã cố gắng mở nhà mới nhưng cũng không thành. Người ta nhận thấy thượng phụ Théophane, trong các vụ đụng độ giữa các vị ”thừa sai” latinh, đã cố ý tạo nên những chống đối nhau giữa Dòng Tên và dòng Phanxicô, để rồi sau đó có thể đuổi những người gây xáo trộn ra khỏi thành thánh. Kết quả là trung tâm của các ”chủ chiên tinh thần” Phanxicô giảm sút nhiều. Ở thời đại mà chúng ta đang tìm hiểu, họ chỉ còn điều khiển một số nhỏ người latinh. Mãi tới thế kỷ XIX những đoàn chiên người Melchite mới gia tăng, họ trở lại Công Giáo và chấp nhận nghi thức latinh. Các tu sĩ Phanxicô lấy làm xúc phạm khi thấy những lạm dụng mà người Melchite thuộc thượng phụ Jérusalem phải chịu, nhưng họ luôn giao hảo với giáo dân thuộc thượng phụ Antioche. Vả lại họ luôn tỏ ra rất khoan dung, chính vì thế mà trong thời gian lâu dài họ được phép làm hôn thú giữa người công giáo và người không công giáo. Ðức Urbain VIII chống lại việc làm có tính cách lạm dụng của ”người Ðức”, lạm dụng này đã bị cấm tại Ðông phương. Thái độ của đức Urbain VIII gây khó khăn cho các linh mục latinh muốn xích gần hai Giáo Hội lại với nhau. Ngay sáng kiến thiết lập những tòa giám mục latinh mới tại Cận đông với chủ đích vận động sự Hiệp Nhất, cũng ít được đức Urbain VIII tán thành và khuyến khích. Sáng kiến này đã gây tiếng vang nơi các tu sĩ Phanxicô có nhiệm vụ canh giữ thánh địa. Một người trước đây canh giữ thánh địa thuộc dòng Phanxicô, tên là Quaresimus, đã viết trong cuốn Sự trong sáng của Thánh Ðịa (Elucidatio Terrae Sanctae, 1639) rằng: Một lần nữa, người ta muốn đặt một thượng phụ latinh lưu trú tại Jérusalem, ước vọng này chỉ được thực hiện vào thế kỷ XIX, nhưng trong những hoàn cảnh khác.
XVI. TỔNG GIÁO PHẬN TỰ TRỊ TẠI SINAI.
Công đồng của tòa thượng phụ đại kết nhìn nhận quyền tự trị của tổng giáo phận Sinai năm 1575. Bề trên (Higoumenos) của tu viện thời danh thánh Catherine, được phong chức giám mục do thượng phụ tại Jérusalem trước đây là bề trên các tu sĩ. Dân du mục và dân chài lưới sống quanh vùng này đều thuộc về tổng giáo phận Sinai. Tổng giáo phận này được khoảng chừng một trăm tín hữu, là một Giáo Hội nhỏ biệt lập đối với Chính Thống Giáo, nhưng lại chiếm một địa vị duy nhất trong lịch sử tương giao giữa các Giáo Hội Ðông phương và Tây phương. Những văn kiện mà đức giáo hoàng đã gởi tới các tu sĩ Sinai cho tới thế kỷ XVIII, không dùng những phương thức thông dụng như khi liên lạc với các ”giáo đồ hiệp nhất”, chứng tỏ rằng Roma đã coi họ như Công Giáo. Trong tất cả các thư gởi cho đức giáo hoàng, các tu sĩ trưng ra nhiều bằng chứng về sự kính trọng sâu xa đối với Tòa Thánh. Trong những thế kỷ XVII và XVIII có lẽ ngay cả trước thời đó, tu viện tại Sinai có một nhà quản lý (Metochion) tại Messine, nhiều tu sĩ sống tại đây có những tương quan bằng hữu với người công giáo. Bản phác họa của tòa thượng phụ Jérusalem sẽ không hoàn hảo nếu không nói đến Giáo hội Sinai như một trong những cơ sở chính họ đã thành lập. Lịch sử của tu viện Sinai là thí dụ cụ thể nhất về kinh nghiệm thống nhất đương nhiên của Giáo Hội, mặc dầu bộ Truyền Giáo càng ngày càng tỏ ra lo lắng về những nhóm Quy nhất (Uniates) và về sự Hiệp nhất chung (Union).
XVII TÒA THƯỢNG PHỤ MELCHITE TẠI ANTIOCHE CHO TỚI NỬA THẾ KỶ XVI.
Những biến cố đã xẩy ra tại Cận Ðông, trong tòa thượng phụ Melchite ở Antioche sau cuộc chinh phục của Thổ Nhĩ Kỳ là đáng quan tâm nhất trong lãnh vực tôn giáo. Trong những tòa thượng phụ kỳ cựu, các liên lạc với người công giáo latinh được kết nối hơn các nơi khác. Có lẽ do những hoàn cảnh khác nhau, nhưng không thể xác định đâu là hoàn cảnh nổi bật. Hàng giáo phẩm Melchite và người địa phương vẫn ở trong tay thượng phụ cho tới thế kỷ XVIII. Trái với Alexandrie và Jérusalem, Antioche vẫn giữ mối tương giao với Giáo Hội Roma, mặc dầu họ bị cô lập trong mười năm đầu dưới nền thống trị Thổ Nhĩ Kỳ. Ðó là nhờ họ sống gần gũi với Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Maronite và nhờ những trao đổi với người công giáo hay với người Armenien thuộc những nhóm tại Antioche có chủ trương Hiệp nhất. Có lẽ những cộng đồng Kitô hữu khác nhau tại Cận đông đã có một nếp sống riêng biệt, nhưng không thể quả quyết rằng hàng giáo sĩ và giáo dân không biết tới nhau. Rất hay là Syrie và vùng ven biển Liban có nhiều dễ dãi để người Tây phương lui tới. Cho tới thế kỷ XVII, phần lớn những giao dịch với Ðông phương thường mượn đường thương mại. Ba tòa lãnh sự Pháp trong vùng đương nhiên cộng tác vào những kinh doanh của các ”thừa sai” latinh như người ta đã thường nói. Những tiếp xúc nhất thời được duy trì dưới triều đức Grégoire XIII, qua những cơ sở tôn giáo được vua Louis XIII bảo trợ, và được Bộ Truyền Giáo chấp thuận (Bộ này được thành lập năm 1622). Bộ Truyền Giáo hoạt động được ở Ðông Phương là nhờ sự bảo trợ của nước Pháp. Tuy nhiên Bộ vẫn giữ địợa tính cách đkäc lập đối với Paris trofg năm mươi năm đầu.
Những ”nhà truyền giáo” liên lạc thường xuyên với các giám mục thuộc các nghi lễ khác nhau tại Ðông phương. Các ngaxi đóng vai trò qu`n trọng trong việc mở mang tương giao với Cône Giáo Tây phưtng. Tqy nhiên, những cố g`éng cu{a các Giáo Hội là những yếu tố chílh để sự Hiệp Nhất Giáo Hội đượa thực hiedn trêj lãnh thổ Antioche vào cuối thời mà chúng ta đang nghiên cứu. Một số người latinh nghĩ rằng nên thiết lập một Cộng Ðồng Công Giáo duy nhất tại Ðông phương, dự án này đã không có cơ hội thành công. Cũng vậy, ý muốn latinh hóa hoàn toàn do tu sĩ dòng Capucin tên là J.B. de Saint Aignan đề nghị hay bài thuyết trình của ông nhan đề: ”Sân khấu Thổ Nhĩ Kỳ” (Théâtre de la Turquie) (1682), mà ông cho là giải pháp duy nhất có giá trị, đều không có kết quả. Những tòa giám mục latinh được đức Urbain VIII thiết lập tại hậu phương đất Syrie, Perse và vùng Mésopotamie, không bao giờ đạt được mục đích của người sáng lập. Những người thuộc phái Melchite, những người sống ở phía Tây Syrie thuộc nghi lễ Antioche, những người Arménien (từ thế kỷ XVI) và những người Chaldéen, sau khi hiệp nhất với Roma, vẫn duy trì những tổ chức cổ truyền riêng, họ đã trở nên những cộng đồng đóng kín trên bình diện dân sự. Kể từ thế kỷ XIX, họ mới được công nhận như những cộng đoàn bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ai Cập. Những quyền lợi của các người theo phong trào Hiệp nhất không được xác định rõ ràng trong những thỏa ước năm 1673. Trong những trường hợp đã được nghiên cứu, không một trường hợp nào cho thấy sự hiệp nhất của Giáo Hội được thể hiện trong toàn diện một cộng đồng. Những nhóm Công Giáo tiếp tục tồn tại bên cạnh các cộng đồng khác không Công Giáo. Và chỉ hàng giáo phẩm của những cộng đồng không Công Giáo này mới được vua Thổ Nhĩ Kỳ công nhận như các thủ lãnh của ”quốc gia” riêng của họ.
Giáo phận Antioche đã là và vẫn còn là Giáo Hội lớn nhất trong vùng Chalcédoine tại Cận đông. Vào đầu thế kỷ XVI, còn nhiều tu viện và rất đông tu sĩ trong miền Damas, thành phố mà thượng phụ cư ngụ, trong miền núi Liban và trong ”thung lũng kitô hữu” ở Tây Bắc Homs. Tu viện Savvas Tavra, giáp cận thành phố Jérusalem, là tu viện duy nhất của người Melchite có thể so sánh được với những tu viện tại Syrie: Những tu sĩ sống tập thể không hề được coi như “Hagiotaphite” đích thực.
Trong thời kỳ bị cô lập hóa sau cuộc chinh phục của người Thổ Nhĩ Kỳ, những tiếp xúc trở nên họa hiếm giữa giáo hoàng và người Maronite. Dưới triều thượng phụ Joachim IV, có những tiếp xúc được thực hiện giữa người Melchite tại Antioche, cũng như giữa những trung tâm chính thống khác và Roma trong những năm cuối cùng của thế kỷ XVI. Thượng phụ lưu ngụ ít lâu tại Valachie và giữa những người Ruthène thuộc Pologne. Joseph Hajjar, một chuyên viên về lịch sử Giáo Hội Ðông Phương nói rằng: Cũng trong thời đại này, năm 1560, thượng phụ Joachim gởi một lá thư cho các giám mục của ngài, cấm họ bộc phát những lời quá đáng đối với đức giáo hoàng hay coi Công Giáo latinh là rối đạo. Tinh thần cởi mở này là đặc điểm của nhiều ghám mục thuộc tòa thvợng phụ t2one thời đại kế tiếp.
XVIII. SỨ MỆNH CỦA LÉONARD ABEL DƯỚI TRIỀU ÐỨC GRDÙGOIRE XIII.
Dưới triều Grégoire XIII, trong nhữnf năm 1583-1587, Roma đã trao cho Léonard Abel người Mahte sử mạng truyền giáo. Ông này được ủy thác đặc biệt chuẩn bị việc Hiệp Nhất Giáo Hội. Không mập mờ, ông cố gaing áp dqong niên lịch Grégorien tại Ðông phương, vl đây là việc cải cách mà đức giáo hoàng coi như một cự kiện đáng ghi nhất của triều đại ngài, và thường xuyên được nói tới trong các bản văn liên quan đến sự hiệp nhất của Giáo Hội latinh và Chính Thống. Nhưng Abel không đạt được kết quả nào. Sứ điệp của đức Grégoire mà ông trao cho thượng phụ Joachim V đã mang lại kết quả trái ngược. Năm mươi năm sau, bề trên dòng Capucin tại Alep còn thấy phải biện minh cho lá thư của giáo hoàng. Có lẽ Abel đã liên lạc với vị tiền nhiệm của Joachim, tức là vị thượng phụ lớn tuổi tên là Michel VII, ông này bị bắt buộc từ chức và lưu ngụ tại Alep. Michel đã tuyên bố vâng phục Roma vô điều kiện, và nài nỉ xin Tòa Thánh giúp ông phục hồi quyền bính. Giai đoạn này là nguồn gốc về giả thuyết của một số tác giả cho rằng: một nhóm nhỏ người thuộc phong trào Hiệp Nhất quây quần nhau tại Alep trong khi Abel đang ở đấy, họ là nồng cốt về sự hiệp nhất đã thực hiện được hơn 40 năm sau, lúc các linh mục latinh tới. Có lẽ người con trai của gia đình Karmi đã là thành viên số một của nhóm này. Ông trở nên giám mục của thành phố quê hương ông, với danh hiệu Meletios. Khi ông được bầu làm thượng phụ dưới quyền thượng phụ Euthyme II, ông đã gởi cho đức giáo hoàng một bản tuyên xưng Ðức Tin. Chẳng bao lâu Alep bị Beyrouth làm lu mờ, nhưng Alep vẫn là điểm tựa quan trọng nhất của các nhà ”truyền giáo”. Vì tại thành phố này có nhiều nhóm Kitô quan trọng khác nhau và đã trở nên một trung tâm thương mại lớn ở Viễn đông. Có một ông lãnh sự Pháp sống ở đây từ thế kỷ XVII, ông rất có thế lực và ảnh hưởng.
XIX. THẾ HỆ ÐẦU TIÊN CỦA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO PHÁP.
Cơ sở đầu tiên được thành lập năm 1625, có lẽ thuộc dòng Capucin. Người đầu não của cơ sở này là cha Joseph, biệt danh là ”mưu sĩ” hay ”hồng y áo xám” (éminence grise). Ông cộng tác với Ingoli, bí thư quyền thế của Bộ Truyền Giáo để tiếp tục duy trì chương trình của Roma: thành lập những trung tâm mới trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên ông không bao giờ quên quyền lợi của nước Pháp. Những cha Dòng Tên tới sau các cha Capucin một năm. Mặc dầu bắt đầu có sự chống đối của cộng đồng Pháp, các cha Dòng Tên vẫn đứng vững nhờ sự che chở của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nhỏ tu sĩ nhà Kín không mang giày tới Alep năm 1626; hình như họ không gặp khó khăn nào. Nhà của họ chỉ được dùng như căn cứ cho những hoạt động của họ tại Perse. Một trụ sở khác của họ, duy nhất trong vùng, là tu viện núi Carmel được thành lập mấy năm sau đó; không ai có thể phản đối họ về quyền chiếm cứ nơi cội nguồn của dòng. Nhưng những cuộc tranh tụng liên tục giữa các nhóm tôn giáo, nhất là trong hai mươi lăm năm cuối cùng của thế kỷ XVII, đã làm cho Bộ Truyền Giáo bận tâm nhiều. Các tu sĩ Phanxicô ngăn cản các thừa sai Pháp đến nỗi có lúc cha Joseph đe dọa triệu hồi dòng của ông tại Cận đông về. Ghen tương giữa dòng Capucin và Dòng Tên đôi khi trở nên ác liệt đến nỗi vì thế ngoại giao mong manh giữa Pháp và Roma thường bị đe dọa do ảnh hưởng của các vị lãnh đạo tôn giáo. Tại mấy thành phố, người ta thường muốn biết dòng nào hướng dẫn thiêng liêng cho những người công giáo latinh. Mới nhìn, thì những chi tiết này ít quan trọng, vì các nhóm thừa sai tại Alep cũng như ở các nơi khác tại Ðông phương thường bé nhỏ. Tuy nhiên phải nhận rằng họ thực tình làm việc cho sự hiệp nhất các Giáo Hội, dầu những người chủ trương Hiệp nhất, đặc biệt người Melchite, giữ một thái độ độc lập cố chấp đối với phương thức họat động của các linh mục Pháp. Mỗi khi có dịp, các tu sĩ latinh cố gắng tiếp xúc với những kitô hữu không công giáo, bằng cách dạy họ những bài học về tôn giáo. Queyrot, vì Dòng Tên thừa sai được biết tới nhiều nhất trong thời gian đầu, đã mở một trường học vào năm 1644, tại Damas là thành phố đóng kín nhất. Nhờ ngôi trường này ông đã tạo được một trung tâm Công Giáo Melchite trong tòa thượng phụ. Người ta muốn duy trì sự hướng dẫn tinh thần cho người công giáo Ðông phương bằng cách lập nên những phong trào và hội đoàn theo kiểu Âu Châu. Chỉ một vài thừa sai có tư tưởng dung hòa hoạt động của họ với truyền thống của Giáo Hội Ðông Phương. Nhiệt tình của thánh bộ Truyền Giáo mới được thành lập không đủ mạnh mẽ để thúc đẩy các linh mục Tây phương từ bỏ mặc cảm tự cao của họ tại Ðông phương. Những người latinh thường coi các tu sĩ Ðông phương là dốt nát, thiếu văn hóa. Một vài giám mục đã chấp nhận sự giúp đỡ tài chánh do các thừa sai can thiệp. Sự kiện này không làm gia tăng thế giá của người kitô hữu Ðông phương. Những tường trình của các thủ lãnh trung tâm truyền giáo, hiện nay còn giữ được, đã vắn tắt cho biết: các trung tâm truyền giáo hy vọng sẽ chinh phục được các giám mục về cho Giáo Hội Roma. Dù sao vẫn là điều bất công nếu thổi phồng khía cạnh tiêu cực trong công việc của các vị thừa sai, hoặc tưởng rằng cố gắng latinh hóa của họ đã gây ra sự chống đối của hết mọi người Ðông phương.
Sự bành trướng khuynh hướng chống người latinh trong môi trường Melchite có lẽ là hậu quả của chiến thuật mà các linh mục Pháp đã dùng, và của mối thất vọng vì các trung tâm truyền giáo không thực hiện được những điều lớn lao họ mong đợi; tuy nhiên, những tương giao bằng hữu và huynh đệ vẫn tồn tại giữa người latinh và người Melchite. Giữa các tu sĩ Phanxicô người Pháp có nhiều nhân vật nổi danh, có ý thức về nghĩa vụ của họ. Những khiếu nại bắt đầu trào về bộ truyền giáo vào giữa thế kỷ XVII, về vấn đề người latinh thích lui tới các thánh đường theo nghi lễ Ðông phương. Những khiếu nại này miêu tả rõ hoàn cảnh lúc đó. Các sự việc này đi ngược lại với chính sách ủng hộ người latinh của Roma dưới triều đức Urbain VIII. Mặc dầu sau đó có những thay đổi, những khuynh hướng này vẫn tiếp tục bộc lộ, chẳng hạn lệnh cấm nhận lãnh các bí tích nơi linh mục công giáo ”Ðông phương”. Với thời gian, lệnh cấm này trở nên quy luật chính thức và chỉ được hủy bỏ vào thế kỷ XX.
XX. FRANCOIS PIQUET. SỰ BÀNH TRƯỚNG ẢNH HƯỞNG CỦA PHÁP.
Còn hơn ở Constantinople, những thừa sai tại Syrie liên lạc chặt chẽ với các đại diện của vua Pháp, nên dễ biết lịch sử của các trung tâm truyền giáo qua hoạt động của các công sứ Pháp kế tiếp nhau. Francois Picquet (từ năm 1653) là người được biết tới hơn cả. Do ảnh hưởng cá nhân của ông với hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ, ông thành công đến nỗi làm cho người ta tin rằng những hòa ước giữa vua Pháp và hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ có một tầm mức quan trọng hơn là trong thực tế. Giai đoạn cuối cùng trong chức vụ của người Pháp có ý hướng tông đồ đáng lưu ý này, bắt đầu vào năm 1674: dầu không được huấn luyện đặc biệt, ông được Bộ Truyền Giáo thăng chức Giám Quản Tông Tòa tại Babylone và phong chức giám mục cho ông. Trái với những vị tiền nhiệm, đức cha Picquet thường xuyên lưu ngụ tại miền Thượng Mésopotamie; ngài làm việc đặc biệt cho những tín hữu thuộc nghi lễ Ðông phương tại Syrie. Sự can thiệp của Picquet thật đặc biệt ở thời Louis XIV, khi nền ngoại giao trong đế quốc Ottoman nhất là tại Syrie trên bình diện tôn giáo, càng ngày càng mang đặc tính của Pháp. Sự suy yếu của phong trào Pháp hóa theo chủ trương của các trung tâm truyền giáo, làm xuất hiện những thay đổi kỳ dị trong chính sách đối ngoại của người Thổ Nhĩ Kỳ, và mỗi lần như vậy, làm giảm sút ảnh hưởng tôn giáo của Paris, cho dù ảnh hưởng này đã được đề cao quá đáng. Chính sách lớn lao của Istambul ít ảnh hưởng tại Cận đông. Những nhóm chống người latinh mỗi ngày một gia tăng áp lực. Ðặc biệt tại thủ đô của những người chính thống áp lực này được coi như hậu thân của các lực lượng tin lành, cứ dội lên từng thời. Những thừa sai Dòng Tên và tu sĩ thuộc các dòng khác, là những người đầu tiên, kể từ thời vua Louis XIV, cổ võ phong trào Pháp hóa tại Syrie và Liban. Một hợp tuyển nhỏ và một bài nghiên cứu mới đây của J. Hajjar về Những kitô hữu hiệp nhất tại Cận đông, đã khẳng định điều này. Hơn nữa có những bài tường trình và những lá thư gởi cho sở lưu trữ chính thức, bày tỏ rõ ràng về lập trường đối với những Kitô hữu tại Ðông phương và về khuynh hướng thân Pháp của họ. Một tu sĩ dòng Capucin tên là J.B. de Saint Aignan, vào năm 1670 viết cho Colbert rằng: Những vị truyền giáo có thể tiếp tục công việc tông đồ của họ nhờ những quà tặng lớn của vị hoàng đế vô địch của chúng ta, hiện đang trì vị, mà chúng tôi tuyên chứng sức mạnh của ngài...” Cha Nau, bề trên Dòng Tên cũng trong thời này, cũng viết: ”Vinh quang và quyền lợi của Thượng Ðế chính là nơi đây có những vị thủ lãnh các quốc gia Kitô phục vụ các thụ tạo của Ngài”.
Quả thực, chủ trương Pháp hóa này làm cho phong trào chống người latinh gia tăng rõ rệt, trong khi những người theo phong trào Hiệp nhất không phải tất cả đều thân Pháp như những vị lãnh đạo các trung tâm truyền giáo đã tin tưởng.
XXI. THƯỢNG PHỤ EUTHYME II KARMI VÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ ÐẦU TIÊN CỦA NGÀI.
Những nhà truyền giáo tới Alep gặp tổng giám mục nơi đây tên là Meletios Karmi, đã nói đến ở trên. Vị tổng giám mục này giao hảo với người latinh và Roma, từ khi thành lập Bộ Truyền Giáo. Nhiều lần Roma đã gởi cho ngài những tác phẩm về phụng vụ Hy Lạp, trong khi đó Meletios đã gởi cho đức hồng y Borgia bản dịch tu chính Ả Rập của những bản văn phụng vụ. Ðây là tác phẩm quan trọng nhất của thời ấy khi mà tiếng Syriac, được dùng trong những nghi thức phụng tự cử hành trong các nhà thờ Melchite bị bỏ rơi hoàn toàn. Bản văn Ả Rập hiện thời mượn trong bản dịch của Meletios, được tu chính lại. Tuy nhiên, mãi năm 1634, khi ngài được bổ nhiệm thượng phụ tại Antioche dưới danh hiệu Euthyme II, thì Meletios mới biểu lộ trong một lá thư, lòng trung thành vô điều kiện với Giáo Hội Công Giáo. Ngài qua đời trước khi được Roma xác nhận (tháng giêng năm 1635), có lẽ ngài đã bị ám sát vì khuynh hướng theo Roma của ngài. Việc giải thích về cái chết đột ngột này do những nguồn tài liệu đúng đắn, nêu rõ đặc tính của thời đại. Sự chống đối đang dần dần lắng dịu thì Constantinople lại khêu lên ở khắp nơi. Sự kiện này cắt nghĩa thái độ nước đôi của các vị kế nhiệm Euthyme II. Những tương giao giữa Euthyme III và Makarios III Zaim với những người Pháp xuôi xắn đến nỗi những bản bá cáo của các thừa sai làm cho người ta có cảm giác rằng các thượng phụ Melchite tại Syrie nhất trí về vấn đề hiệp nhất, nhưng họ không dám đi đến giai đoạn quyết định. Tuy nhiên cần phải xét xem quan niệm về hiệp nhất của họ có cùng quan niệm của các tu sĩ latinh hay không. Chính Meletios Karmi, người tự nhận là Công Giáo, chỉ xác nhận bằng văn tự sự hiệp nhất của ông với Giáo Hội Roma sau khi đã được phong chức thượng phụ (có lẽ ông không dùng công thức đã được Bộ Truyền Giáo quy định ở thời ấy). Khó có thể cho rằng Makarios III có cùng quan điểm về hiệp nhất. Vì trong khi các thừa sai và Bộ Truyền Giáo trông đợi ông tái thiết sự hợp nhất của Giáo Hội Melchite tại Antioche, và gởi qua trung gian Picquet, công sứ Pháp tại Alep, cho đức giáo hoàng một lá thư tuyên bố nhìn nhận ngài như ”Giám mục thượng phẩm của Giáo Hội Chính Thống”, thì Makarios III lại góp phần vào những tranh tụng bùng nổ tại nhiều tòa thượng phụ chính thống, trong thời gian dài, khi ngài tại chức. Ngài chết vào năm 1672 với rất nhiều luyến tiếc của người công giáo cũng như ngoài Công Giáo. Tuy nhiên, người ta không thể nhận rằng ngài đã đưa giáo phận đến hiệp nhất hoàn toàn. Sau này các sử gia tố cáo ngài quá bộp chộp, nhì nhằng nước đôi.
XXII. SỰ CHIA RẼ TẠI GIÁO PHẬN ANTIOCHE.
Tiếp theo cái chết của Makarios là mười năm xáo trộn. Giữa những xáo trộn ấy, người Hy Lạp lần đầu tiên giữ một vai trò quan trọng. Ðó là triệu chứng có sự suy thoái về ảnh hưởng của các linh mục Pháp và của đường lối ngoại giao Pháp. Năm 1682, Néophytos, người được Constantinople bảo trợ, phải từ chức để chỗ cho một ứng viên địa phương là Cyrille V Zaim. Hoàn cảnh lúc ấy đã khác hẳn: trong nhiều thập niên, không còn là Constantinople nữa, nhưng chính Bộ Truyền Giáo ảnh hưởng tới những môi trường Melchite. Ít lâu sau cuộc phong chức Cyrille, một nhóm nhỏ người Syrie khác đã đề cử ứng viên của họ lên chức thượng phụ. Ðó là Athanase III Sabbas, một nhân vật ít quan trọng nhất của thời này. Ông là tu sĩ dòng thánh Sabbas gần Jérusalem. Ông có nhiều bạn hữu là tu sĩ Phanxicô và ông được lãnh sự Pháp nâng đỡ. Năm 1687, Athanase gởi tới đức giáo hoàng Innocent XI, bản tuyên xưng Ðức Tin của ông. Việc đức giáo hoàng nhìn nhận ông là thượng phụ và chuẩn cho ông tất cả những bất hợp luật đã vi phạm trong cuộc bầu cử của ông, không đủ giúp ông bảo tồn chức vụ này. Không bận tâm tới Roma, hai thượng phụ ký hợp đồng: Athanase chịu ở tòa Alep nhưng sẽ kế vị Cyrille khi ông này qua đời. Bộ Truyền Giáo hủy bỏ hợp đồng này và Roma tiếp tục nhìn nhận người công giáo Athanase như thượng phụ. Nhưng Cyrille nhất định đòi chiếu theo hợp đồng và Bộ Truyền Giáo bắt buộc phải tìm cách che chở việc quản trị các trung tâm hiệp nhất bằng phương thế khác. Năm 1701 giám mục Sidon tên là Euthyme Saifi, từ hai mươi năm giao hảo với Tòa Thánh vốn giữ chức giám quản tông tòa nơi những người công giáo Melchite trong giáo phận Antioche. Do nhiệt tình thúc đẩy, Euthyme tin rằng phải thay đổi những lề lối phụng tự cổ truyền và kỷ luật Giáo Hội. Việc latinh hóa này dĩ nhiên gây ra nhiều chống đối nơi hàng giáo sĩ không chịu hiệp nhất, và Roma nhân đấy đã khiển trách ông.
Việc phong chức của Euthyme Saifi đã thuộc về lịch sử thế kỷ XVIII. Cho dù triều đại thượng phụ của ngài chỉ có tính cách chuyển tiếp, phần cuối của một giai đoạn lịch sử tại Antioche đáng được đề cập tới.
Hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn khi vị lão thành Cyrille V gởi tới Roma bản tuyên xưng Ðức Tin của ông qua trung gian một người bạn Pháp. Lúc đó Bộ Truyền Giáo muốn ổn định tình thế nên đã chấp nhận sự từ chức của Athanase III, và nhìn nhận quyền của Cyrille. Nhưng hơn 20 năm sau, Athanase bất ngờ rút lại việc từ chức của ông và hai vị thượng phụ hiệp nhất lúc đó tranh nhau ngai tòa. Năm 1720, Cyrille qua đời và Athanase được nhìn nhận một lần nữa. Do đó tình thế được tạm thời giải quyết. Nhưng mối lo âu những năm dài bất định vẫn còn tồn tại và không thể đặt vấn đề phát triển tinh thần Hiệp nhất. Sau khi Athanase III qua đời (1724), giáo phận Antioche bị chia rẽ hoàn toàn và không bao giờ tìm lại được sự hiệp nhất trọn vẹn nữa.
Nhân dịp các xáo trộn đang lan tràn, những người thuộc phái Hiệp nhất thúc đẩy Damas chọn ngay một ứng cử viên bất ngờ người công giáo tên là Séraphin Tanass (thượng phụ Cyrille VI) cháu của Euthym Saifi. Ông được phong chức và đặt làm thượng phụ sau khi người ta đã phải vất vả tìm được ba vị chủ phong. Nhưng thượng phụ Constantinople, trong lúc đó đã làm cho hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ chú ý tới chính sách của Giáo Hội tại Syrie, một tuần sau đã phong chức cho Sylvestre người đảo Chype (Jérémie III) theo lời đề nghị của người Melchite tại Alep, là người theo truyền thống chủ trương chính sách Hiệp Nhất Giáo Hội. Thượng phụ này là người thân tín của Athanase III, có lẽ đã được chỉ định kế vị ông. Tình hình trở nên bấp bênh, nền ngoại giao Pháp đã bỏ cách xử thế cũ và chính thức đứng về phía Sylvestre, là người chống đối ra mặt phong trào Hiệp Nhất Giáo Hội, trong khi mãi 1730, Roma mới chính thức nhìn nhận Cyrille VI.
Bài trình bày ngắn gọn về tình hình chung quanh những năm 1700 có thể gây hiểu lầm rằng sự Hiệp Nhất Giáo Hội trong giáo phận Antioche đã bị tổn thương trầm trọng, vì những xáo trộn giữa hàng giáo sĩ cao cấp nhất đã gây liên lụy đến nội bộ các cộng đồng. Nhưng lại có một loại hiệp nhất mới dựa trên những căn bản khác, gây nhiều rạn nứt trong môi trường Melchite. Sự hợp nhất này bộc lộ mạnh mẽ hơn điều người ta dự tính, sau những can thiệp của Athanase, chính ở triều thượng phụ Cyrille V mà nhiều giám mục chân thành đã gởi bản tuyên xưng Ðức Tin của họ tới Roma; rồi sau những biến cố năm 1724, một số khá đông những người Ðông phương cương nghị đã thực sự phục vụ cho sự Hiệp Nhất Giáo Hội. Những tu viện Công Giáo Melchite giúp rất nhiều cho việc Hiệp Nhất Giáo Hội, trong đó có tu viện nhà mẹ Choueir tại Liban, thành lập năm 1697 do một vài tu sĩ Balamend gần Tripoli; và từ năm 1711, dòng truyền giáo Saint Sauveur, do Euthyme Saifi thành lập. May là những cộng đồng tu sĩ công giáo ấy đã được thành lập trước khi tổ chức một Giáo Hội thống nhất. Ngay từ đầu các tu sĩ ấy đã đóng vai trò quan trọng. Như vậy, theo những truyền thống tốt đẹp của Ðông Phương và mặc dầu có nhiều khó khăn, đời sống tu trì đã phát triển, đó là mối hy vọng cho những thực hiện sau này.