CHƯƠNG IX
MẦM MỐNG TỤC HÓA :
VƯƠNG QUYỀN CHUYÊN CHẾ
VÀ TRIẾT THUYẾT MỚI
Trường phái Baroque đã làm sống lại nhiều lãnh vực của thời Hạ Trung Cổ. Lòng đạo đức của dân chúng thừa hưởng di sản của những thế kỷ trước thời Cải cách, có lẽ ít lệch lạc hơn và không có sự rối loạn nội tâm của buổi đầu thế kỷ XVI. Lòng tin không lay chuyển hình như bùng dậy trong xã hội công giáo; các dòng tu lớn thời Trung Cổ, nhất là các tu sĩ Ða-minh, đã thực hiện được một công trình thần học nhắc lại những thời đã qua. Sự thánh thiện của Giáo Hội Công Giáo lại được biểu lộ nơi một số đông nam nữ tín hữu. Nghệ thuật thời này cũng khó hình dung được nếu không có những công trình được thực hiện trước đó. Với tham vọng chế ngự các vua chúa, triều đại các giáo hoàng Piê V hay Sixte Quint có những nét tiêu biểu của thời Trung Cổ. Các tương quan giữa nước Ðức và giáo triều, giữa Giáo Hội của Ðế quốc và Giáo Hội hoàn vũ trong thế kỷ XVII còn dựa trên căn bản các thỏa ước (Concordats) của thế kỷ XV.
Nhưng sự chấn hưng của xã hội Trung cổ được thể hiện qua các hình thức trên đây hay những hình thức khác, phải chăng chỉ là một «giả biến hóa» theo nghĩa của Spengler dành cho danh từ này? Nhiều mãnh lực hủy hoại đang lớn dần và đục phá từ bên trong nền văn hóa baroque, ngoài mặt có vẻ như y nguyên không kẽ nứt, mà còn tăng thêm vẻ hoa mỹ dưới những đường nét đan chéo của nghệ thuật rococo. Nhưng chỉ cần một cơn bão cũng đủ làm sập đổ cả tòa nhà, cả cái thế giới baroque vì thế giới này thiếu tính chất bền chặt.
I. SỰ SUY TÀN CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC CÔNG GIÁO.
Trên bình diện thuần túy chính trị, thời hưng thịnh và hùng mạnh của Ðạo Công Giáo đã qua. Nay không còn Ðế quốc thánh thiêng hay một Ðế quốc nào khác còn mong muốn hay có khả năng bảo hộ Giáo Hội. Các dự tính cải cách để thiết lập một Ðế quốc hùng mạnh không được thực hiện vì những xáo trộn do phong trào Cải cách gây nên ; ngược lại, ba thập niên bàn cãi chính trị với các nhà Cải cách chỉ là một chuỗi nhượng bộ giữa hoàng đế và các đế vương, một chuỗi khước từ quyền lợi và bổn phận của Ðế quốc. Ðiều mà lúc đầu chỉ là chiến thuật và khẩn thiết nhất thời thì nay trở thành luật pháp bởi hòa ước tôn giáo tại Augsbourg và các hiệp ước Westphalie, dưới sự bảo đảm của các cường quốc. Ðế quốc trở thành một tổ chức song phương. Tài nguyên, thế lực, vũ lực và tiền bạc của Ðế quốc không còn được sử dụng cho Giáo Hội, ngay cả để cứu trợ giáo dân lâm nạn như trong các trận giặc chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc giải phóng tốt đẹp thành phố Vienne năm 1683 chỉ là một biến cố may mắn . Ý thức về Ðế quốc đã bị xóa mất. Ngay trong các quốc gia công giáo, người ta chỉ ích kỷ quan tâm đến những vấn đề nội bộ. Ðể chống đối hoàng đế, các hoàng thân vùng Rhénanie có quyền tuyển cử thường liên minh với nhau, hay ít ra họ tìm sự hậu thuẫn của nước Pháp. Các hầu quốc công giáo và cả miền Bavière, suy yếu vì xung đột liên miên với Áo quốc, không thể tự mình chống lại chính sách bành trướng có hệ thống của các hoàng thân tin lành miền Prusse-Brandebourg; các hoàng thân này xưng vương năm 1701 và tạo được một thế đứng vững mạnh ở miền hạ sông Rhin. Ngoài sự chống đối ngấm ngầm của thiểu số người tin lành sống ẩn kín, quốc gia của nhà Hasbourg còn phải đối đầu với vô số vấn đề nan giải; các vấn đề này liên quan đến nước Hung Gia Lợi, ở tây nam của Ðế quốc, và các lãnh thổ thừa hưởng được từ gia tài nước Tây Ban Nha năm 1714, nhân Hòa ước Rastatt, là những mảnh đất rải rác giữa các ngoại bang, xa trung tâm Áo, nên luôn bị hăm dọa.
Ngoài Ðế quốc, còn có những cường quốc công giáo là các nước Tây Ban Nha với Bồ Ðào Nha, và nước Pháp. Nước Ba Lan, tình thế luôn thất thường vì nội bộ chia rẽ, và nước Ý, quá phân tán, nên không đáng kể. Nhưng vào cuối thời kỳ này thì Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và nước Pháp lại rơi vào số các cường quốc đang suy đồi.
Nước Tây Ban Nha, ở thế kỷ XVI, đã đưa một phần lớn Tân Thế Giới vào đạo công giáo, và dù đã xung đột bao nhiêu lần với giáo hoàng dưới triều vua Philippe II, cường quốc công giáo này luôn sẵn sàng chống lại phong trào Cải cách ở Anh quốc và tình trạng hỗn mang ở Pháp, thì sang thế kỷ XVII cũng từ từ mạt vận. Dù vậy Ðế quốc hải ngoại của họ vẫn tồn tại, và họ tiếp tục gởi các thừa sai sang tận Californie và Phi Luật Tân trong thế kỷ này vẫn còn là một cơ sở truyền giáo cho cả vùng Viễn Ðông. Nhưng chính quốc thì đang suy yếu dần. Có nhiều nguyên do : bị mất Hoà Lan, miền Catalogne đòi tự trị, Bồ Ðào Nha đòi độc lập (1640) và Tây Ban Nha phải công nhận năm 1668, và nhất là cuộc chiến dai dẳng chống Pháp. Richelieu đã khai chiến đánh Tây Ban Nha năm 1635; người Pháp ủng hộ cuộc nổi loạn của thành Barcelone và xâm chiếm Hòa Lan của Tây Ban Nha. Hòa bình chỉ được tái lập năm 1659 với hòa ước Pyrénées, do đó Tây Ban Nha phải nhường lại cho nước Pháp vùng Artois và Roussillon. Năm 1665, vua Charles II lên ngôi, vì mang bịnh bất trị nên tạo cớ cho một cuộc chinh chiến trên toàn cõi Âu châu, vua chúa tranh giành quyền kế vị ông hoàng không con nối dõi này. Trong cuộc chiến thừa kế này, diễn ra trên biển cả cũng như trên đất liền, từ Tây Ban Nha đến Bỉ, từ Cologne, Naples đến Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha hoàn toàn mất đi vị thế cường quốc của mình. Nhà Habsbourg và các quận công Savoie chia nhau các lãnh địa của Tây Ban Nha ở Âu Châu; Pháp chiếm được địa vị ưu thế.
Nhưng nước Pháp cũng bị nhiều thiệt hại nặng. Với hòa ước Utrecht, năm 1713, nước Pháp phải nhường lại cho Anh miền Tân Cách Lan, Tân Ðịa (Terre-Neuve) và những lãnh thổ khác ở Gia Nã Ðại. Ðây là bước đầu đế quốc thuộc địa Pháp tại Bắc Mỹ đi vào suy tàn, và chỉ trong nửa thế kỷ thì sụp đổ hoàn toàn. Một số công ty của Pháp ở Ấn cũng được chuyển lại cho nước Anh. Nhất là ảnh hưởng của Bồ Ðào Nha chỉ còn giới hạn trên vài lãnh thổ nhỏ. Người Hòa Lan và Ðan Mạch thiết đặt những thương cục trên bờ biển miền Ðông và Tây, kề cận các thương cục của công ty Ðông Ấn (Indes Orientales). Ở Nam Dương, người Anh đã lập nghiệp vững vàng tại Sumatra. Bồ Ðào Nha nhỏ không đủ người để vừa giữ xứ Ba Tây rộng lớn, vừa giử quyền bá chủ trên Nam Dương quần đảo, và nhờ đó giữ ảnh hưởng của mình ở Viễn Ðông.
Sự lãnh đạo chính trị được chuyển qua tay các cường quốc tin lành. Các cường quốc hải quân, Hòa Lan và nhất là Anh quốc, gầy dựng đế quốc của họ. Sau cuộc chiến dành ngôi Tây Ban Nha, các cường quốc này lên giọng, ngay cả ở Âu châu, và được sự hỗ trợ của đại binh nước Prusse (Phổ), cũng như đã nhiều lần ký kết liên minh với nước này. Nước Pháp chỉ có thể tự hào đã lấn chiếm đất trên vùng sông Rhin của Ðế quốc và của nhà Habsbourg. Cùng với sự phát triển của các nước tin lành, nước Nga ly giáo tăng cường quyền lực của mình. Dưới sự lãnh đạo của Pierre le Grand, quân đội Nga lần đầu vượt sông Oder. Ưu thế ở Bắc Âu chuyển từ Thụy Ðiển qua nước Nga giờ đây đã có mặt vững mạnh bên bờ biển Baltique.
Những thay đổi ở Gia Nã Ðại, ở Ấn Ðộ và Nam Dương đã ảnh hưỡng cách nào đó đến công cuộc truyền giáo của đạo công giáo. Trên nguyên tắc, đạo công giáo bị cấm tại các thuộc địa mới của Anh. Ở Gia Nã Ðại, các thừa sai công giáo bị các tín đồ thanh giáo (puritains) bắt bớ dữ dội. Ở Sumatra và các đảo nhỏ thuộc quần đảo la Sonde, công ty Ðông Ấn dung thứ hơn, nhưng ở đây việc giữ đạo công giáo công khai cũng bị cấm và nếu bất tuân sẽ bị nghiêm trị. Ở Tích Lan, người Hòa Lan bắt bớ các linh mục bản xứ. Dưới sự kiềm chế, việc quản trị giáo hội dần dà bị sụp đổ khắp nơi; công cuộc truyền giáo đi tới chỗ thất bại dù không biến mất hoàn toàn; giờ đây lại gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà truyền giáo tin lành. Năm 1620, công ty Hòa Lan Ðông Ấn đã thiết lập tại Leyde một chủng viện dành cho việc truyền giáo tin lành ở Nam Dương. Dưới thời Cromwell, cũng đã được sáng lập tại Luân Ðôn một hội yểm trợ công cuộc truyền giáo cho người da đỏ Bắc Mỹ. Ngược với thái độ của những người tin lành theo phái Cải cách, những người theo phái Luther lúc đầu đứng ngoài lề công cuộc truyền giáo. Nhưng với ảnh hưởng của A.H. Francke người sùng tín, đã phát sinh tại Halle một nguồn lực truyền giáo và một phái đoàn Luther được gởi sang Ấn Ðộ. Bartholomeus Ziegenbalg (+ 1719) làm trưởng đoàn và xử dụng rộng rãi phương pháp thích nghi với ngôn ngữ và văn hóa bản xứ - một phương pháp tương đương với các phương pháp của các Cha dòng Tên - nhưng không bị ảnh hưởng của cái ý niệm quen thuộc của Leibniz, là "bành trướng đức tin bằng phương pháp khoa học".
II. SỰ YẾU KÉM CỦA CÁC NƯỚC TUỲ THUỘC GIÁO HOÀNG.
Các nước tùy thuộc giáo hoàng, mà trước kia người ta nghĩ rằng sẽ bảo đảm được sự độc lập thiêng liêng cho giáo hoàng và tính phổ quát của sứ mạng Giáo Hội, thì càng ngày càng chịu hậu quả của chính sách chính trị quốc tế lôi cuốn. Năm 1598, thành phố Ferrare được thâu hồi là nhờ sự giúp đỡ của vua Henri IV nước Pháp. Năm 1607, các nước tránh được cuộc chiến võ trang với Venise là nhờ sự can thiệp của một hồng y thân cận với vua nước Pháp. Trong trận giặc Ba mươi năm, các nước thuộc giáo hoàng đã cung cấp một ngân khoản viện trợ tài chánh rất quan trọng lúc đầu (sau đó bớt dần), cung cấp cho hoàng đế và liên minh. Năm 1623, giáo hoàng một lần nữa còn đảm nhận vai trò hòa giải trong cuộc xung đột giữa Tây Ban Nha và Pháp về vùng Valteline, mảnh đất nối liền hai tỉnh Milanais và Tyrol. Với tính cách là người quản lý tài sản, giáo hoàng cho quân đội chiếm lấy vùng đất bị tranh giành trên đây. Nhưng Richelieu đã cho đánh đuổi đội quân giáo hoàng. Sau đó, vì những đắn đo chính trị nội bộ mà hồng y đã không đưa quân đánh lại giáo hoàng. Cuộc tranh cãi dành một lãnh thổ giáo hoàng giữa nhà Barberini và công tước Farnèse biến thành một cuộc chinh phạt chống Parme, gây cớ cho Venise và Toscane liên minh chống lại giáo hoàng. Sau một cuộc chiến không ngã ngũ, cuộc tranh chấp chỉ có thể kết thúc năm 1644, một lần nữa nhờ sự can thiệp của nước Pháp. Cuộc chiến của công tước Castro này cho mọi người thấy rõ sự bất lực về chính trị cũng như quân sự của Ðức Urbain VIII. Các nước trực thuộc giáo hoàng ngày càng nợ nần, vì nông nghiệp và kỹ nghệ suy sụp, vì số tiền phải cung cấp cho bà con các giáo hoàng, và nhất là các chi phí quân sự lớn lao của giáo hoàng Barberini (Ðức Urbainâ VIII). Trong cuộc chiến Ba mươi năm, Roma e ngại sự đe dọa của Tây ban nha hay của các lực lượng Ðế quốc. Các nước trực thuộc giáo hoàng trở thành một chướng ngại cho giáo hoàng khi phải quyết định những vấn đề liên quan đến nội bộ của Giáo Hội. Cuối cùng, các cường quốc xem các giáo hoàng như những tiểu vương người Ý mải mê tranh chấp với nhau. Vào cuối thời kỳ này, còn xảy ra một cuộc chiến giữa giáo hoàng và hoàng đế ; trong cuộc chiến dành ngôi nước Tây Ban Nha, các lực lượng hoàng đế sau nhiều lần xâm phạm sự trung lập của các nước trực thuộc giáo hoàng, cuối cùng đánh chiếm thành phố Comacchio (1708). Các lực lượng giáo hoàng tan rã mau lẹ. Cả Rôma cũng bị đe dọa. Giáo hoàng một lần nữa phải nhìn nhận sự bất lực của mình và đành ký kết hòa ước công nhận quyền lợi của nhà Habsbourg như quyền lợi của mình, đi ngược lại ý muốn và thái độ của mình trước đây.
III. QUYỀN GIÁO HOÀNG VÀ CHÍNH SÁCH CHUYÊN CHẾ CỦA PHÁP.
Vì tình thế nội bộ mà nước Tây Ban Nha, dưới thời vua Philippe II, và sau đó nước Pháp của Richelieu và vua Louis XIV, phải áp dụng chính sách bạo lực để thôn tính đất đai hay ép buộc nhượng đất. Cuộc bầu cử giáo hoàng là môi trường hành động thuận lợi của các cường quốc. Các cường quốc đề cử bổ nhiệm một số hồng y để sau đó các vị này hành động như là các phát ngôn viên của mình trong các mật nghị bầu giáo hoàng với những chỉ thị rõ ràng, cũng như để gây ảnh hưởng trên cử tri đoàn và tạo phe phái thật sự. Các cường quốc công khai dùng quyền phủ quyết mà họ tự giành giật để chống lại ứng viên giáo hoàng nào không vừa ý họ. Sau những mưu toan của Tây Ban Nha lúc đầu chống lại chuyện bầu Baronius lên ngôi giáo hoàng, quyền phủ quyết trở thành yêu sách khai trừ (l'exclusive), như năm 1644, sau khi giáo hoàng thân Pháp, là Ðức Urbanô VIII qua đời, vị hồng y giáo chủ Tây Ban Nha tuyên bố rằng ứng viên của nhà Barberini không xứng đáng được sự tín nhiệm của quốc vương Tây Ban Nha và do đó các cử tri phải liệu xử cho đúng. Năm 1670, Pháp và Tây Ban Nha, mỗi nước chống lại một ứng viên có nhiều triển vọng. Năm 1691, do hoàng đế khởi xướng, cuộc bầu cử Gregorio Barbarigo không thành. Barbarigo là một người tài ba và về sau được phong thánh. Tuy vậy, các hồng y đã hơn một lần làm cho các toan tính vụng về ấy thất bại.
Vương quyền của giáo hoàng bị khinh thường, cách riêng bởi nước Pháp. Về điểm này đại sứ Pháp tại Roma trong một lá thơ gửi về Paris, đã viết rằng : nhà vua xem quyền giáo hoàng như là một đặc quyền dành cho chủ nghiệp đoàn con buôn ở Paris (1). Sự việc xảy ra vượt quá những gì là danh hiệu được người ta gán cho một giá trị thái quá ở cái thời đại khoa mỹ vàkiểu cách này : chẳng hạn như các đại sứ Pháp, Tây Ban Nha và nước cộng hòa Venise đi vào Roma với những đoàn hộ tống võ trang hùng hậu, và các đại sứ Pháp đòi quyền bất khả xâm phạm của nhân viên ngoại giao mà dinh thự Farnèse được hưởng phải được công nhận cho cả khu phố xung quanh (điều mà người ta gọi là quyền đặc miễn khu phố, la franchise de quartier). Một lãnh thổ rộng lớn như thế sẽ mau trở thành một chỗ lẩn trốn lý tưởng và nơi nương thân cho hàng tội phạm, cũng như tạo nguyên cớ xung đột giữa nhân viên sứ quán và cảnh sát giáo hoàng. Trong một cuộc xung đột giữa đôi bên, chính vị đại sứ cũng bị uy hiếp. Ðại sứ tức khắc rời Roma, Sư thần Tòa thánh liền bị trục xuất khỏi nước Pháp. Avignon bị chiếm và được tuyên bố là tài sản của vua nước Pháp và các công việc chuẩn bị chiến tranh đánh các nước thuộc giáo hoàng ép buộc giáo hoàng không những phải hạ mình xin lỗi cách nhục nhã, mà còn bị cưỡng bách phải nhượng bộ nhiều điều (1644). Nhưng những gì vua Louis XIV đạt được ở đức Alexandre VII, thì vua không đòi hỏi được ở Ðức Innocent XI, vị giáo hoàng vĩ đại nhất trong các giáo hoàng của thế kỷ XVII. Ngài tuyên bố sẽ không tiếp một đại sứ nào không chịu từ bỏ quyền đặc miễn khu phố. Các cường quốc đành khuất phục. Ngoại trừ vị đại sứ Pháp, bất kể sắc chỉ của giáo hoàng vừa công bố quyết định bãi bỏ quyền đặc miễn, đi vào "Kinh thành muôn thuở" với một đoàn cận vệ võ trang, và đòi xử dụng quyền đặc miễn trước đây của mình như không có sắc chỉ. Giáo hoàng từ chối tiếp vị đại sứ và phạt vạ tuyệt thông vì tội ngạo mạn. Nhà vua đáp trả lại bằng những áp lực thông thường, và còn kêu gọi họp công đồng chung chống lại giáo hoàng. Nhưng Ðức Innocent XI không nhượng bộ, và giáo hoàng kế vị được mãn nguyện khi vua Louis XIV vì những lý do chính trị đối ngoại phải hoàn lại lãnh địa Contat Venaissin và từ bỏ quyền đặc miễn khu phố.
Chuyện gây gỗ này chỉ là một màn phụ trong tấm đại bi kịch diễn ra trong cuộc đối đầu giữa chính sách chuyên chế kiêu hãnh của vua Louis XIV và ý thức của các giáo hoàng về bổn phận các ngài. Một bên là một ông vua trị vì thật lâu năm (1643-1715), tự đảm lấy chức thủ tướng cho chính mình, năm 1661, sau khi Mazarin qua đời, và lèo lái vận mệnh một quốc gia mà Richelieu đã tập trung cả quyền hành về trung ương. Bên kia, không dưới chín vị giáo hoàng, phần đông tuổi tác, thường là bạc nhược, tất cả đều đáng kính mến và nhân đức, nhưng không một vị nào, ngoại trừ Ðức Innocent XI, có tầm vóc vĩ nhân đặc biệt của nhiều giáo hoàng ở thế kỷ XVI. Nguyên thủ của một nước nhỏ và yếu kém về tài chánh, được cố vấn bởi một hội đồng hồng y chia rẽ, các ngài có ý thức về trách nhiệm của mình trước luật pháp và lương tâm. Các ngài phải đối diện với một quốc gia đang khao khát được thống nhất về mặt tôn giáo, đang lôi cuốn Âu châu trên đường trí thức và khoa học, có một hàng giáo phẩm tận tụy, một đội ngũ cảnh sát tập luyện và cẩn mật, cùng một quân đội hùng mạnh. Cái tự do đầy phấn khởi, lòng say mê thánh thiêng và ham thích thắng lợi của thời đại baroque chưa thấm nhập lên tới Paris. Những đồ án của Le Bernin thiết kế cho điện Le Louvre không nhận được một phản ứng thuận lợi nào. Mái vòm điện Invalides ở Paris, nhà nguyện của vua ở điện Versailles và nhất là le Louvres được kiến trúc theo những thể thức đơn giản và trong sáng của nghệ thuật cổ đại, nghệ thuật mà thời Phục hưng lấy làm kiểu mẫu. Một văn minh cổ điển hoàn toàn là văn minh cung điện, che khuất vẻ chói lọi của kiểu baroque Roma, và trong lãnh vực này mang lại địa vị hạng nhất cho nước Pháp và cho nhà vua (2) .
Hình thức văn hóa này có chung với văn hóa baroque những nguyên tắc tuyệt đối, nhưng cách thể hiện cụ thể thì khác xa với lý tưởng ban đầu của baroque Và chính nguyên tắc tuyệt đối này làm cho văn hóa baroque trở nên mong manh. Ở Roma, nếu ta không xét đến khía cạnh tôn giáo, còn hơn nữa ở Tây Ban Nha, và nhất là ở Pháp, văn hóa này chỉ chú tâm đến các giai cấp thống trị trong xã hội : đó là các vua chúa và hàng qúy tộc trong triều đình. Khi người ta quên đi rằng đức tin và phó thác vào Chúa đã toàn thắng, người ta chỉ còn thấy vinh quang và "danh dự", cái "danh dự" mà Corneille giới thiệu trong kịch bản le Cid như là cái giá trị cao cả nhất, có thể kiềm chế cả các đam mê của tình nhân. Các "nhân vật anh hùng" này còn ý thức chỉ mình họ nắm trong tay các "bí thuật của đế quốc". Như Thiên Chúa tự trời cao điều khiển thế giới một cách khó hiểu cho người trần, thì cũng thế, họ cai trị đế quốc, quốc gia của họ, theo những đòi hỏi của quốc gia. Như thế, các tư tưởng thời Phục hưng nay được biểu lộ mạnh mẽ ở Pháp hơn là ở Tây Ban Nha và ở Ý; thuyết nhân bản này mang dấu ấn của các triết gia theo trường phái Padoue và Machiavel : tán dương sự tính toán sáng suốt và lý lẽ của quốc gia vì mục tiêu cải thiện con người và xã hội, nên thay vì canh tân Giáo Hội theo như văn hóa baroque mong ước thì lại cổ võ quốc gia chi phối Giáo Hội. Ở Pháp, sự đoạn tuyệt với truyền thống của thời Trung cổ trở nên sâu đậm hơn nhiều, cho dù các truyền thống vẫn tiếp tục thấm nhập đời sống của thế giới baroque. Còn nhân bản Kitô giáo đã làm sáng chói Giáo Hội Pháp trước triều đại vua Louis XIV thì nay mất đi lòng hăng say lý tưởng vì bị ảnh hưởng của những mưu tính lạnh lùng đang tìm cách đặït mục tiêu làm lợi cho quốc gia. Gương xấu của vua và đời sống trụy lạc luân lý đã gây nhiều hiệu quả tai hại, từ đây trụy lạc đi liền với chế độ quân chủ, trụy lạc làm ô nhiễm cả triều đình, và lối đạo đức bề ngoài của vua lại càng làm cho các linh mục giải tội và giảng thuyết trong triều đình bối rối về lương tâm.
IV. PHONG TRÀO PHÁP GIÁO (Gallicanisme)
Cùng với hiện tượng đồng hóa nhà vua với quốc gia còn phải kể đến tinh thần quốc gia tự trị của Giáo Hội Pháp. Thật vậy, người ta gặp thấy ở khắp nơi một hình thức chống đối nào đó đối với chế độ trung ương tập quyền của các giáo hoàng, cũng như chống lại chủ trương tính bất khả ngộ của ngài vẫn chưa được công bố thành tín điều. Nhưng khuynh hướng chống đối Roma này gặp được một mảnh đất đặc biệt thuận lợi ở Pháp. Hình như chỉ ở nước Pháp mà theo từ ngữ của Pascal, người ta mới "được quyền phát biểu rằng công đồng có thẩm quyền trên giáo hoàng" (3). Chính vì các giám mục Pháp tham dự công đồng Trente chống đối nên công đồng đã không định nghĩa quyền bính tối thượng của giáo hoàng. Nghị viện từ chối thông qua các sắc luật cải tổ mà công đồng công bố, vì cho rằng đi ngược với "những quyền tự do của Pháp giáo". Những đặc quyền rộng rãi và thực sự của nhà vua trên Giáo Hội Pháp (quyền tự do xử dụng mọi lợi tức, đặc quyền là mọi tố tụng liên quan đến Giáo Hội Pháp không được diễn ra ở ngoài lãnh thổ Pháp...), là việc quản trị Giáo Hội Pháp hoàn toàn độc lập không có sự can thiệp của giáo hoàng. Những quyền này đã có từ buổi đầu của Giáo Hội Pháp, những quyền tự do của Pháp giáo thật ra là những quyền tự do xưa kia của Giáo Hội, một "phần luật phổ thông của Giáo Hội hoàn vũ" (4) (Pithou). Những quyền tự do của Pháp giáo chưa khi nào được định nghĩa một cách rõ ràng, hay kiểm kê một cách thấu đáo. Trong một tác phẩm mang tên Các quyền tự do của Pháp giáo (les Libertés de l'Eglise gallicane) xuất bản năm 1594, Pierre Pithou, một luật sư ở Nghị viện, trở lại đạo công giáo từ phái tin lành Calvin, liệt kê tám mươi ba điểm đặc biệt nói lên tính cách chính trị của Pháp giáo, sự độc lập của vương quyền đối với giáo quyền trong mọi chuyện trần thế, và những giới hạn do giáo luật đặt trên quyền giáo hoàng trong lãnh thổ Pháp. Nguyên tắc thứ nhất ám chỉ Bellarmin dù ông này chỉ gán cho giáo hoàng một quyền bính gián tiếp trên những chuyện thế tục. Những điểm giáo luật đề cập đến trong nguyên tắc thứ hai được hiểu theo một nghĩa rất rộng rãi, bao gồm không những các quyết định của công hội Pháp hay công nghị vùng, mà còn các tục lệ quen thuộc, cả đến quyền của vua triệu tập công đồng quốc gia, quyền sử dụng thỉnh nguyện thư đối với các sắc chỉ của giáo hoàng, chống đối chuyện triệu tập hay công du của giám mục sang Rôma, bác bỏ thẩm quyền của Ðặcsứ Tòa thánh và quyền kêu gọi công đồng chống lại giáo hoàng.
Thẩm quyền tối cao về tín lý ở Pháp là Phân khoa Thần học Sorbonne. Các thần học gia Sorbonne trước kia đã bênh vực học thuyết của Bellarmin, nhưng sau đó vì chịu ảnh hưởng của Edmond Richer nên bị lôi cuốn theo chủ nghĩa Pháp giáo. Richer phủ nhận quyền bính tối cao của giáo hoàng, và gán cho vua quyền thẩm định cách tổ chức Giáo Hội có phù hợp với Giáo luật hay không. Theo Richer, nhà vua chịu trách nhiệm về vấn đề này trước mặt Chúa chứ không phải trước mặt giáo hoàng. Tác phẩm của ông bị các công nghị vùng và giáo triều Roma cấm chỉ, và các quyết định trừng phạt ông đã kịp thời ngăn chặn sự xuất hiện một ly giáo mới, nhưng không hãn ngữ được sự bành trướng các tư tưởng của ông. Nghị viện cổ võ mạnh mẽ các tư tưởng của ông và năm 1663, ép buộc Sorbonne phải công khai ủng hộ giáo thuyết về Pháp giáo.
Chủ nghĩa này được các trào lưu quốc gia khuyến khích nhưng còn phải minh chứng sức tác dụng của nó trong các cuộc tranh chấp giữa giáo quyền và chính sách chuyên chế của nhà vua. Vấn đề đặc quyền quốc vương đã làm bùng nổ cuộc tranh chấp. Từ thế kỷ XIII, hoàng đế và các vua chúa không còn xử dụng quyền điều hành và thu lợi tức ở các địa hạt khuyết giám mục. Ðặc quyền này chỉ còn tồn tại ở Pháp. Nhưng quan hệ hơn quyền thế tục này còn có đặc quyền tinh thần là quyền vua chỉ định các giám mục cho các địa phận trống tòa, ngoại trừ các nhà xứ cha sở. Ðầu triều vua Louis XIV, đặc quyền này chỉ còn tồn tại ở một vài nơi trong nước. Nhưng nếu nhà vua gần như đã từ bỏ quyền thế tục bằng cách cho trao lại vị giám mục mới nhậm chức tất cả những lợi tức thu được trong khi trống tòa, thì nhà vua cương quyết giữ lại đặc quyền tinh thần. Các nhà luật học Pháp giải thích rằng đặc quyền quốc vương này thực ra dựa trên quyền bính của Giáo Hội địa phương thời đầu Trung cổ, là một quyền vương giả không thể nhượng. Vì thế mà đặc quyền này phải được áp dụng trên toàn lãnh thổ quốc gia. Do đó, một sắc lệnh nhà vua năm 1673 phổ cập đặc quyền quốc vương với tính cách hồi tố trên toàn nước Pháp. Quyết định giảm bớt quyền bính của giám mục - vì nhà vua, trước đây đã có quyền chỉ định giám mục, nay thêm quyền tự ý kéo dài thời gian trống tòa giám mục - quyết định được đón nhận trong sự yên lặng kính cẩn, từ vị Sứ thần Tòa thánh đến cả toàn thể một trăm hai mươi giám mục Pháp, ngoại trừ hai giám mục địa phận Alet và Pamiers, là hai thành phố nhỏ miền Nam nước Pháp : đó là các giám mục Pavillon và Caulet, đã được nhắc tới trước đây vì thái độ thiện cảm đối với thuyết Jansénisme. Hai vị trưng dẫn quyền bính của công đồng Lyon thứ hai cấm nới rộng đặc quyền của vua chúa trên Giáo hội. Nhà vua liền coi hai tòa giám mục trên như trống tòa, và phân chia lợi tức của hai nơi. Thật ra hai giám mục tiếp tục tranh đấu một cách đơn độc. Các tổng giám mục liên hệ cũng như các cha dòng Tên trong triều đều tán thành các quyết định của vua. Bấy giờ, hai ngài dù xưa kia đã có nhiều thiện cảm với thuyết Jansénisme, nay phải lên tiếng kêu cầu với giáo hoàng.
Ðức Innocent XI, bấy lâu luôn hết sức tìm cách bảo vệ quyền bính giáo hoàng, giao cho một hội đồng hồng y cứu xét vấn đề đặc quyền quốc vương. Khi việc cứu xét đạt được kết quả dứt khoát, ngài gởi cho nhà vua những thư riêng rất cương quyết và yêu cầu nhà vua thu hồi sắc lệnh 1673. Nhà vua không hề nghĩ tới chuyện đó, nhất là sau khi một hội đồng hàng giáo sĩ Pháp phản đối giáo hoàng về vụ can thiệp, và họ ra tuyên ngôn trung thành với nhà vua. Năm mươi giám mục còn thỉnh cầu nhà vua triệu tập một đại hội bất thường của hàng giáo sĩ. Ðại hội này, thật ra là nghị viện của Giáo Hội Pháp chuyên bàn cãi những vấn đề tài chánh, nhóm họp vào tháng mười 1681.
Ðại hội, mà ngay lúc đầu các thành phần tham dự được tuyển chọn cẩn thận, đã tỏ ra hoàn toàn tùng phục nhà vua có bộ trưởng Colbert làm cố vấn. Ông này trước kia, khi giáo hoàng can thiệp vào việc cai quản địa phận Pamiers, đã lên tiếng yêu cầu ra tuyên ngôn về những giới hạn của giáo hoàng. Bossuet, vừa được nhà vua cất nhắc lên làm giám mục Meaux, tự cảm thấy có trách nhiệm đối với Giáo Hội hoàn vu,õ chính mình phải cho giáo hoàng một bài học : Bossuet không những sẵn sàng đọc diễn văn khai mạc, mà còn viết bản tuyên ngôn (5). Sự cộng tác giữa Bossuet và hội nghị không phải là không gặp khó khăn hay do dự, dù Bossuet không có một chút nghi ngờ nào trên các nguyên tắc. Trong tác phẩm Học thuyết Hội Thánh Công Giáo (Exposition de la doctrine de l'Eglise catholique), ông đã trình bày ơn bất khả ngộ của giáo hoàng và quyền bính thế tục của ngài như những đề tài được tự do tranh luận mà Giáo Hội đã từ khước quyết định. Tuy nhiên, ông không muốn đưa đẩy tình thế đến chỗ quá khích và sợ liên lụy đến chính bản thân. Sau cùng, ông đã hoàn toàn tùng phục nhà vua không chút do dự (6) Ông viết bản Tuyên ngôn của hàng giáo sĩ Pháp giáo về quyền bính trong Giáo hội, (Cleri gallicani de ecclesiastica potestate declaratio), được toàn thể đại hội chuẩn y ngày 19 tháng ba 1682, và ba ngày sau đó một sắc lệnh nhà vua phê chuẩn thành đạo luật.
Bản tuyên ngôn này gồm bốn điều khoản, nội dung không có gì mới mẻ hơn so với bản nghị quyết tín lý của các thần học gia Sorbonne năm 1663, nhưng vì đã được công khai ban hành thành đạo luật nên mang một sắc thái đặc biệt quan trọng. Các điều khoản khẳng định :
1. Thánh Phêrô và các đấng kế vị chỉ nhận được từ Thiên Chúa một quyền bính thiêng liêng, các vua chúa, trong mọi chuyện trần thế, không phải lụy thuộc vào một quyền lực nào trong Giáo Hội; vì thế không một quyền lực nào của Giáo Hội có quyền trực tiếp hay gián tiếp cách chức các vua chúa, - và công dân của các vua chúa cũng không được tha và tháo gở lời thề trung thành và tuân phục của họ đối với vua chúa nhân danh quyền bính trên đây của Giáo Hội.
2. Sự toàn quyền của giáo quyền Roma trong lãnh vực thiêng liêng bị giới hạn bởi các sắc lệnh của Công đồng Constances về thẩm quyền các Công đồng chung ; các sắc lệnh này luôn được Pháp giáo thi hành một cách kính cẩn trong mọi thời đại, vẫn còn có giá trị pháp lý và hiệu lực ; thẩm quyền của các sắc lệnh này đã được công nhận; các sắc lệnh này không chỉ có giá trị trong thời buổi ly giáo.
3. Việc xử dụng quyền bính của Toà thánh được quy định bởi các điều khoản Giáo luật của Giáo Hội; ngoài các điều khoản của Giáo luật trên đây, "các luật lệ, phong tục và các hiến chương trong Vương quốc và trong Pháp giáo vẫn giữ cường lực và hiệu năng, và đường lối của Cha Ông chúng không thay đổi được».
4. Trong các vấn đề liên quan đến đức tin, Ðức giáo hoàng có thẩm quyền chủ yếu ; các sắc lệnh của ngài liên quan đến tất cả mọi Giáo hội và từng Giáo hội địa phương; tuy nhiên quyết định của ngài không phải là không thể sửa đổi ngoại trừ đã được toàn thể Giáo Hội chấp nhận.
Trước khi công bố bản Tuyên ngôn, đại hội cũng quyết định áp dụng đặc quyền quốc vương cho tất cả mọi tòa giám mục trong vương quốc.
Việc ban hành thành đạo luật bốn điều khoản trên đây của Pháp giáo có ý nghĩa là từ nay các đạo luật này sẽ được dạy trong tất cả các trường học của nước Pháp, và tất cả các giáo sư thần học và giáo luật, cũng như tất cả các ứng viên một học vị hai môn trên đều phải tuyên thệ tôn trọng. Ða số hàng giáo sĩ Pháp chấp nhận các nguyên tắc trên đây. Thái độ các cha dòng Tên trong triều thì chưa dứt khoát và còn do dự. Chỉ có đa số các nhà thần học ở Sorbonne can đảm bác bỏ bốn điều khoản trên. Roma cực lực phản đối. Ðức Innocent XI ban đầu kết án tất cả những quyết định liên can đến đặc quyền quốc vương. Ngài không hẳn bác bỏ bốn điều khoản mà ngài hy vọng dùng thương thuyết để tu chính; nhưng ngài từ chối tấn phong các ứng viên đã tham gia đại hội được nhà vua đề nghị làm giám mục; ngoài ra ngài kết án tất cả các bài viết biện hộ bốn điều khoản trên. Ðối với vua Louis XIV, giáo hoàng đã phá thỏa ước (concordat), nên vua cấm chỉ từ nay về sau các giám mục mà vua chỉ định không được sang Roma xin tấn phong nữa. Họ sẽ được nhậm chức theo lịnh vua, nhưng không còn được tấn phong giám mục bởi giáo quyền. Trong vòng sáu năm, số các địa phận không có giám mục được tấn phong lên tới ba mươi lăm.
Tình trạng càng hỗn độn hơn khi vua Louis XIV tự xưng trong những năm ấy, vì sắc lệnh Nantes đã bị bãi bỏ, mình là người bảo vệ đức tin công giáo (dù vua đã có thái độ trong vấn đề đặc miễn khu phố như ta thấy trước đây). Dầu vậy hai bên cố tránh đi tới chỗ tuyệt giao hoàn toàn. Thay vì hành động bằng những thông cáo công khai, giáo hoàng tìm cách tác động trên lương tâm nhà vua qua trung gian các cha linh hướng của vua và vị khâm sứ tòa thánh. Còn vua thì ý thức rằng quyền bính của vua hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ thành thật của vua trong việc tuyên xưng đạo công giáo. Hơn nữa, cuộc cách mạng bên Anh năm 1688 đã làm cho nhà vua mất đi một đồng minh quý báu, mà lại thêm một kẻ thù. Trong bối cảnh này nhà vua không thể nào tuyệt giao với giáo hoàng được.
Tuy nhiên giáo hoàng thông báo cho vua biết là vua đã bị những hình phạt của giáo hội; giáo hoàng còn soạn thảo một thơ riêng cho vua công bố bản tuyên ngôn 1682 vô hiệu và như không có. Giáo hoàng kế vị, Ðức Alexandre VIII (1689-1691), ban đầu cố gắng giúp vua hối cải. Nhưng tất cả các nỗ lực đều thất bại, trên giường chết ngài cho công bố lá thơ riêng của Ðức Innocent XI đã soạn và chính ngài đã ký năm 1690. Dưới triều giáo hoàng kế vị, là đức Innocent XII (1691-1700), các biến cố chính trị, và nhất là cuộc chiến thừa kế ở Tây Ban Nha sắp xảy ra làm vua phải xét lại thái độ. Năm 1693, sau nhiều cuộc thương lượng lâu dài, vua cam kết sẽ không cho áp dụng những điều khoản trong sắc lệnh 1682, và cho phép các giám mục mà vua chỉ định được đi Roma xin tấn phong theo giáo luật. Sau cùng, mười sáu ứng viên giám mục đã tham dự đại hội 1682 chỉ được tấn phong sau khi mỗi người đã bày tỏ bằng văn tự lòng hối tiếc và tạ tội vì đã tham dự đại hội cũng như tuyên bố mơ hồ về đặc quyền quốc vương. Nhờ thế các tòa giám mục trên lại được có giám mục thừa kế theo pháp định. Nguy cơ ly giáo khiến Ðức Innôcentê XI và các giáo hoàng kế tiếp hành động hết sức cẩn trọng, không còn nữa. Nhưng các điều khoản trong Gallican vẫn còn đó; chỉ có mấy ứng viên vào chức giám mục phải giãi bày về thái độ của họ. Thuyết Pháp giáo tồn tại ở Pháp cho đến thế kỷ XIX, nhất là được Nghị viện cổ võ. Thuyết được truyền bá sang Ðức cùng với văn hóa Pháp ở thế kỷ XVIII; ăn khớp với những tình cảm chống đối giáo triều Roma rất thịnh hành ở đây, thuyết ấy làm phát sinh quan niệm cực đoan về quyền bính giám mục nơi một số giám mục Ðức.
V. CUỘC TRANH LUẬN VỀ TÌNH YÊU THUẦN KHIẾT, BOSSUET VÀ FÉNELON
Ngoài phong trào Pháp giáo đã gây ra một cuộc khủng hoảng cơ chế trong Giáo Hội Pháp, đời sống thiêng liêng và huyền nhiệm được biểu lộ qua một số hình thức làm cho người ta nghi ngờ tính cách chính thống của những người cổ võ lối sống đạo đó, và làm náo động các nhà thần học danh tiếng nhất trong nước. Thuyết huyền nhiệm liều lĩnh (le téméraire mysticisme) của Miguel de Molinos (1628-1696), thần học gia người Tây Ban Nha, gặp được vài môn đồ ở Pháp. Molinos chẳng bao lâu trở thành cha linh hướng rất được các nữ tu ở Roma quý trọng; trong các văn phẩm của ông, ông khuyên bảo rước lễ hằng ngày và cổ võ một tâm trạng hoàn toàn thụ động như là lý tưởng của lòng mộ đạo. Trong trạng thái hoàn toàn an tĩnh trước Thiên Chúa, tâm hồn không còn một chút vấn vương nào ngay cả sự khao khát vinh phúc Chúa, không còn hoạt động hay nguyện vọng riêng tư, tâm hồn không phạm tội nữa, dù bên ngoài hình như có lỗi phạm luật Chúa. Thuyết an tĩnh (Quiétisme) - tên của thuyết này - bị cha Segneri dòng Tên đã kích. Năm 1687, Ðức Innocent XI kết án sáu mươi tám mệnh đề trích từ thư từ và trần thuyết của Molinos. Ông bị giam trong một tu viện cho đến chết. Việc lên án Molinos đã gây ra ở Ý một mối hoài nghi sâu đậm đối với huyền nhiệm.
Ðồng thời, các ý tưởng về huyền nhiệm lan tràn ở Pháp và một trào lưu đến từ Ý : ở Savoie, Cha Lacombe, một tu sĩ dòng Barnabite, là người quảng bá; cha gặp được một đồ đệ ngoan hiền là bà de La Mothe-Guyon (1648-1717). Ðược các nữ tu Visitandines huấn luyện, theo gương bà Jeanne-Françoise de Chantal và theo lời khuyên của cha linh hướng, bà Guyon gởi con cái cho người khác giáo dục để dành cả đời sống mình vào việc chiêm niệm. Bà còn hăng say quảng bá lý tưởng thiêng liêng của bà bằng văn tập và thánh ca, bà diễn tả sự an tĩnh trong Chúa, tình yêu Chúa thuần khiết và vô vị lợi, không lo lắng chuyện thưởng phạt, như là một tâm trạng bền bỉ và đáng ao ước. Bà nhiệt tâm lôi cuốn người khác ở Saint-Cyr làm bà de Maintenon phải nghi ngờ và báo động các cố vấn; tổng giám mục Paris cũng lên tiếng phản đối bà góa đạo hạnh và cha linh hướng của bà. Cha Lacombe bị tống giam, bà Guyon bị nhốt nhiều lần trong các tu viện. Bà tìm được ở Fénelon một người hào hiệp bênh vực bà, lúc đó Fénelon đang làm thái phó, và sau này làm tổng giám mục Cambrai. François de Salignac de la Motte-Fénelon (1651-1715) xuất thân từ một gia đình quý tộc hàng tỉnh ; được đào luyện theo linh đạo của người cậu là M. Olier, một tông đồ giáo dân đích thực, Fénelon chịu chức linh mục tại Saint-Sulpice năm 1675. Ðiều khiển trong nhiều năm một dòng tu ở Paris gồm các nữ tu gốc tin lành trở lại, sau đó làm thày dạy công tước de Bourgogne, Fénelon được bổ nhậm làm tổng giám mục Cambrai năm 1695, điều làm cho Bossuet hết sức vui mừng.
Một ủy ban điều tra do Bossuet chủ tọa, trong đó có Louis-Antoine de Noailles, giám mục Châlons, sau này làm tổng giám mục Paris và hồng y, và M. Tronson, bề trên dòng Saint-Sulpice, nhóm họp ở Issy năm 1695 và kết án thuyết của bà Guyon qua ba mươi bốn điểm. Bà Guyon khiêm nhường chấp nhận phán quyết của ủy ban; bà chỉ phản đối ủy ban đã xem tư tưởng của bà như là học thuyết của Molinos đã bị kết án. Thật ra, ở Pháp còn có những nguồn gốc khác có thể làm nảy sinh ý niệm tình yêu vô vị lợi. Vào đầu thế kỷ, Laurent de Paris (+ 1631), tu sĩ dòng capucin được François de Sales rất quý mến, có viết về "tình yêu thanh khiết và vô vị lợi‘ (7). Phỏng theo các nhà huyền nhiệm rhéno-flamands, Laurent de Paris muốn tóm gọn các việc đạo đức bằng một bài tập tình yêu, một tình yêu không khao khát gì hơn là tôn thờ Chúa, vô vị lợi đến cả chấp nhận hình phạt hỏa ngục nếu, điều không thể có được, ở đó có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn. Bossuet, nặng về lý trí, hiểu biết nhiều về các Giáo phụ nhưng không hay biết gì về các nhà huyền nhiệm, kết án các tác phẩm của Malaval và của cha Lacombe cũng như các văn tập của bà Guyon, và còn vận động tống giam bà Guyon ở ngục Bastille. Bossuet được sự hậu thuẫn của triều đình, cách riêng bà de Maintenon ; bà này sau nhiều năm được vua sủng ái, đã trở thành đệ nhị phu nhân của vua Louis XIV; từ đạo tin lành phái Calvin trở lại công giáo, bà chú tâm nhiều đến một số vấn đề thần học. Hơn thế, Bossuet còn soạn tập "Hướng dẫn về những trạng thái chiêm niệm" (Instructions sur les états d'oraison), rồi nhờ chính Fénelon duyệt y và kết án thuyết của bà Guyon. Fénelon hiểu biết hơn Bossuet nhiều về huyền nhiệm (dù căn bản thần học của ông cũng như của Bossuet hình như còn ít nhiều thiếu sót), và đã đọc thấy ở các bản viết của thánh Catherine de Gênes nhiều ý tưởng tương tự về tình yêu thuần khiết, đáp trả lại bằng tập "Giảng giải châm ngôn của các thánh về đời sống nội tâm" (Explications des maximes des saints sur la vie intérieure), trong đó Fénelon bênh vực bà Guyon và thuyết tình yêu vô vị lợi. Ðây là bước đầu cuộc tranh luận do Bossuet khởi xướng gọi là để binh vực đức Cậy trông, sau trở thành một cuộc xung đột thật sự giữa hai giám mục : Bossuet đả kích hăng say và dùng nhiều thủ đoạn không mấy tốt đẹp đối với đồng nghiệp ; được bà de Maintenon trợ lực hay bị bà thúc đẩy, Bossuet đã thành công trong việc hạ uy tín của tổng giám mục Cambrai trước mặt nhà vua. Khi Fénelon muốn đi Roma để tự biện giải thì bị từ chối không được phép sang Roma. Sau đó, Bossuet và bạn hữu yêu cầu giáo hoàng phán quyết về vấn đề này, chính Bossuet mấy năm về trước đã trách cứ hai giám mục miền nam nước Pháp kêu cầu giáo hoàng về đặc quyền quốc vương. Sorbonne bị áp lực phải gởi sang giáo triều các mệnh đề "khả nghi" của Fénelon. Năm 1699, sau khi cứu xét chín chắn và vớiù áp lực nào đó của vua Louis XIV, Ðức Innocent XII tuyên bố hai mươi ba mệnh đề trong tác phẩm của Fénelon sai lầm và táo bạo. Fénelon tuyên bố ngay sau đó trên tòa giảng tuân phục phán quyết của Roma và, phải đày xa khỏi triều đình từ năm 1697, Fénelon cai quản giáo phận mình một cách mẫu mực ; còn bà Guyon vẫn tiếp tục bị giam giữ trong nhiều năm trời.
Trận đấu kết thúc. Sự thắng trận của Bossuet cũng là sự thắng trận của thuyết chủ trí và của đời sống thiêng liêng được diễn tả bằng những hành vi có ý thức và thể thức; những gì đã thắp sáng linh đạo Pháp chẳng bao lâu biến thành một lối sống tình cảm thủ cựu. Cuộc xâm lăng của huyền nhiệm (invasion mystique), theo từ ngữ của Bremond, đã biến mất lúc "hoàng hôn" (L. Cogne (8)). Lòng sùng đạo đơn sơ của Fénelon, dáng nhân hậu của tổng giám mục Cambrai, lối linh đạo mà ngài muốn dùng để chinh phục cả con người cho Thiên Chúa, chứ không phải chỉ một nửa con tim, đã vang dội sang tới Ðức, qua lối sống sùng tín của Matthias Claudius và các bạn của ông ; nhưng chủ nghĩa lãng mạng công giáo Ðức đã làm tái hiện những đặc tính ấy trong trào lưu quan trọng của đời sống Giáo Hội.
VI. GIAI ÐOẠN HAI TRONG CUỘC ÐẤU TRANH CHỐNG THUYẾT JANSÉNISME.
Trong số những người binh vực Fénelon có Gabriel Gerberon, tu sĩ nổi danh dòng Biển đức phải đi tị nạn sang Hòa Lan vì có khuynh hướng Jansénisme. Thật vậy, phong trào Jansénisme lại được nói tới vào lúc Roma ra phán quyết năm 1699. Cho tới bây giờ phong trào vẫn ở hậu trường dư luận, giữa những tranh cãi hệ trọng về đặc quyền quốc vương và học thuyết Pháp giáo. Ngày nay phong trào tìm được nơi Pháp giáo một đồng minh cùng mong muốn giới hạn thẩm quyền giáo lý của giáo hoàng. Tu sĩ dòng Giảng thuyết Pasquier Quesnel chủ trương những ý kiến tương tự : trong một tác phẩm xuất bản ba mươi năm về trước, được in lại năm 1969, Suy tư luân lý trên Tân Ước (les Réflexions morales sur le Nouveau Testament), Quesnel đã quả quyết rằng ‘vạ tuyệt thông do giáo hoàng quyết định một mình không có giá trị’. Tác phẩm cũng nhất quyết chỉ có một thiểu số được tuyển chọn, phủ nhận giá trị phổ quát trong công trình cứu chuộc của Ðức Kitô, tạo ra cho thuyết Jansénisme một bộ mặt mới. Quesnel đề tặng sách cho giám mục Noailles thành Châlons ; giám mục nhiệt tình ca ngợi, và chính Bossuet cũng binh vực tác phẩm trong một thời gian. Nhưng tác giả tinh thông này không phải là vô danh ở Roma. Các tác phẩm của thánh Léon-le-Grand mà Quesnel đã xuất bản, cũng như tập đính kèm về giáo luật, đã bị liệt kê vào sổ các sách bị cấm từ năm 1676 vì lập trường Pháp giáo. Lúc ấy, Quesnel bỏ nhà dòng qua Bỉ, nơi đây ông đã tiếp Arnauld le grand và cho tá túc khi ông này trốn ra khỏi nước Pháp.
Trong lúc sách của Quesnel gây xôn xao thì dư luận ở Pháp hết sức sôi nổi vì vấn đề "trường hợp lương tâm". Trước đó, để trả lời một câu hỏi đã được đặt ra, bốn mươi tiến sĩ thần học Sorbonne trả lời rằng thái độ im lặng kính cẩn (Silentium obsequiosum) không phải là một chướng ngại cho người sám hối lãnh nhận phép giải tội. Khi phong trào Jansénisme công bố câu trả lời này thì tất cả những vấn đề đã được tranh cãi dữ dội ở Paris nửa thế kỷ về trước lại được đem lên thảm xanh. Sự chống đối bắt đầu nổi dậy, chủ yếu do vua Louis XIV khởi xướng. Do vua yêu cầu, Quesnel bị bắt ở Bruxelles năm 1703 theo lịnh của vua nước Tây Ban Nha, tài liệu của ông bị tịch thu, một phần được trao lại cho cha giải tội của nhà vua ở Paris. Bossuet lên tiếng đả kích lời phát biểu của các thần học gia Paris, vua ép buộc họ phải đính chính, và sau cùng, Ðức Clément XI công bố một sắc chỉ kết án theo nguyện vọng của nhà vua. Sự kiện vua Louis XIV yêu cầu giáo hoàng trình dự thảo sắc chỉ cho vua xem trước đủ để cho thấy vua muốn lấn quyền giáo hoàng và thù ghét những người theo phái Jansénisme đến độ nào. Trong số những kẻ đặt lại vấn đề thống nhất tôn giáo trong nước, có nhiều người chống đối sự cực đoan của nhà vua. Sắc chỉ năm 1705 tuyên bố "sự im lặng kính cẩn" không đủ. Phải lên án năm mệnh đề của Jansénisme "ngoài miệng và trong lòng". Các giáo sĩ theo Pháp giáo chấp nhận sắc chỉ theo ý muốn của vua , nhưng lại tuyên bố : sắc chỉ chỉ có tính cách bó buộc cho cả Giáo Hội khi có sự đồng thuận của các giám mục. Giáo hoàng đả kích kịch liệt thái độ này nhưng không kết quả gì. Các nữ tu ở Port-Royal chỉ tuân phục sau khi đắn đo do dự rất lâu, thật ra, với đủ mọi dè dặt trên nguyên tắc. Ngay sau đó, tu viện của họ bị vạ cấm, rồi bị tuyên bố giải tán, với sự đồng ý của giáo hoàng, và cuối cùng, tu viện cùng nhà nguyện bị phá hủy, người chết cũng bị rời mồ mả.
Trong lúc đó, Quesnel gây cớ cho người người nói tới. Ông đã trốn khỏi ngục giam của tòa giám mục để sang Hoà Lan, và lênh tiếng biện hộ thuyết Jansen. Khi nhiều giám mục Pháp ra lệnh cấm sách Tân Ước của ông, Rôma cũng can thiệp : giáo hoàng kết án cuốn sách này năm 1708. Nhưng ở Paris, nghị viện từ chối đăng bạ đoản sắc giáo hoàng ; còn Quesnel thì tuyên bố đoản sắc không giá trị, và hồng y de Noailles, lúc đó làm tổng giám mục Paris, vì cái nhìn thần học thiếu lập trường và sáng suốt, đã từ chối không chịu rút lại, như được yêu cầu, lời giới thiệu của ông trước đây. Ðối với nhiều người, cuộc tranh đấu chống lại Quesnel chỉ là chuyện các cha dòng Tên ngược đãi Quesnel ; và cho dù là cả hai bên đều kiện tụng sang Rôma, hoặc để chống hệ thống luân lý các cha dòng Tên hoặc chống lại thuyết Jansen, điều này cũng không hủy bỏ được sự ngờ vực của dân chúng. Trước tình thế hỗn độn, vua Louis XIV xin giáo hoàng ra một sắc chỉ mới kê khai và kết án tất cả những sai lầm trong sách của Quesnel, nhưng tránh dùng những công thức có thể chạm tới phe Pháp giáo. Sau nhiều cuộc thảo luận lâu dài ở giáo triều, Quesnel có xin đến biện hộ nhưng không được, Ðức Clêment XI ra sắc lệnh Unigenitus (9) ngày 8 tháng chín 1713. Sắc chỉ trích nguyên văn 101 mệnh đề trong sách của Quesnel, chỉ rõ điểm tương quan giữa chúng với lạc thuyết Jansénisme và kết án chúng. Tuy sắc chỉ có phần mơ hồ không kê rõ vạ phạt nào dành cho mỗi mệnh đề, sắc chỉ Unigenitus là một trong những quyết định quan trọng nhất của huấn quyền giáo hoàng. Không quy chiếu vào một công đồng chung nào, không dựa trên sự đồng thuận của các Giáo hội địa phương, như phong trào Pháp giáo đòi hỏi, sắc lệnh mặc nhiên tự đảm nhận quyền phê phán chung thẩm các chú giải về thánh Augustin, và do đó, nhìn nhận quyền bính của thầy dạy tối cao của Giáo hội như đứng bên ngoài, nhưng đương nhiên hiệp thông toàn vẹn với toàn thể Giáo hội. Thật ra, sắc chỉ đã không chấm rứt ngay được cuộc tranh luận. Nhưng những xung đột do việc áp đặt sắc chỉ này sẽ xảy ra trong giai đoạn kế tiếp của Giáo hội.
Cuộc tranh cãi về thuyết Jansénisme vào cuối thế kỷ này và đầu thế kỷ sau chỉ là một cuộc tranh cãi gần như hoàn toàn giữa người Pháp. Chỉ có ở Hòa Lan, một nước láng giềng nhưng độc lập đối với quyền uy của vua Louis XIV, và trong thực tế tương đối khoan dung cho thiểu số người công giáo, thì những người theo thuyết Jansénisme được chú ý đến. Từ cuối thế kỷ XVII và nhất là từ khi người cháu của vua Louis XIV lên nắm quyền ở Tây Ban Nha, các giám mục Hòa Lan thuộc Tây Ban Nha ra sức dập tắt học thuyết thánh Augustin : vì thế những người theo thuyết Jansénisme bị theo dõi nhiều nhất, họ phải bỏ miền nam Hòa Lan lên tị nạn ở các Tỉnh-Liên hiệp độc lập. Thật vậy, ở Hòa Lan (10), người ta cấm giữ đạo công giáo cách công khai và phế bỏ các tòa giám mục; nhưng như đã thấy trên đây, người ta thỏa thuận tạm thời cho thiết lập các đại diện tông tòa. Nhiều va chạm giữa các giám mục đại diện tông tòa và thiểu số các giáo sĩ triều với các cha thừa sai dòng Tên đã xảy ra trong suốt thế kỷ XVII. Do đó chúng ta dễ hiểu vì sao các giám mục đại diện tông tòa có ít nhiều thiện cảm với những người theo thuyết Jansénisme là những thù địch của các cha dòng Tên; một vài vị đại diện tông tòa còn binh vực thuyết Jansénisme nữa. Cách riêng, giám mục Pierre Codde, làm đại diện tông tòa từ năm 1688 và cùng dòng Oratoire với Quesnel, thường xuyên liên lạc thân thiết với Arnauld và người bạn cũ cùng dòng đã quen biết từ hồi còn ở Paris. Vì theo chủ nghĩa đạo đức nghiêm khắc và có xu hướng Jansénisme, Codde bị tố cáo sang Roma; nhưng giáo hoàng đã cho Codde tự biện minh năm 1695. Một lần nữa bị các cha dòng Tên tố cáo vì đã không công bố quyết định của giáo hoàng lên án một số mệnh đề đặc biệt được cổ võ ở Bỉ, Codde bị triệu hồi về Roma, nếu không tuân sẽ bị huyền chức. Ở Roma, Codde từ chối không công nhận năm mệnh đề là do Jansénisme dạy, mệnh đề mà Codde bác bỏ. Vì thế, Codde bị huyền chức năm 1702. Trở về Hòa Lan, Codde công bố một lá thơ để tự biện hộ. Thành thử Codde bị cách chức hoàn toàn năm 1704. Vị đại diện tông tòa do Roma chỉ định là Théodore de Cock, cựu sinh viên trường Truyền giáo, thất bại vì nhiều tín hữu và khoảng một nữa trong số ba trăm năm mươi linh mục triều từ chối nhìn nhận quyền bính của Cock. Quốc hội, bị họ ảnh hưởng, gây khó dễ không giúp Cock thi hành nhiệm vụ (thật ra, lời kêu gọi thế quyền tin lành phái Calvin chống lại Roma đã không nhận được một sự tán đồng nhất trí). Cock đành phải nhượng bộ. Roma chỉ định người kế vị, nhưng cũng thất bại. Cuối cùng thiểu số rất nhỏ người công giáo Hòa Lan không có giám mục cai quản nữa. Chúng ta cần để ý đến cảnh bơ vơ tôn giáo này khi phê phán là hành động quá độc lập của hội nghị giáo phận Utrecht đã dẫn tới tình trạng ly giáo đáng tiếc ở Hòa Lan vào đầu thời kỳ sau đó. Ngoài ra, sự hiện diện ở Utrecht trong nhiều năm trời của các nhà ngoại giao đàm phán để kết thúc trận giặc kế vị ở Tây Ban Nha, không phải là không có ảnh hưởng đến sự truyền bá các trào lưu tư tưởng Jansénisme và chống đối Roma ở các nước Ðức và Ý sau này (11).
VII. TRIẾT THUYẾT MỚI. RENÉ DESCARTES.
Thoạt nhìn, các thuyết Jansénisme (đạo lý khắc khổ), Pháp giáo (gallicanisme), An tĩnh (quiétisme) đã kiến tạo lịch sử tôn giáo của nước Pháp. Nhưng ta đừng quên, sau các thuyết này, xuất hiện một hình thức tư tưởng mới, một thái độ trí thức mới sẽ làm tan rã sự hăm hở của lòng sùng tín baroque cũng như chính sách chuyên chế Pháp. Nước Pháp chỉ thấm nhuần muộn màng một phần nào tinh thần công đồng Trente. Một thuyết nhân bản được gợi hứng từ chủ nghĩa tự nhiên, những vết sót lại của chủ nghĩa hoài nghi và khắc kỷ, thừa kế thời Phục hưng, vẫn tiếp tục sống sót và đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về đời sống thiêng liêng. Tình trạng này một phần là do mối tương quan trong đời sống cộng sinh đặc biệt giữa người công giáo và tin lành phái Calvin (Huguenots). Trong khi ở Ðức, một xứ bị phân cắt, mỗi miền theo tôn giáo do ông hoàng hay hiệp nghị quyết định, các tôn giáo thiểu số khác hoàn toàn không đáng kể hoặc đang biến dần, thì trái lại ở Pháp, một quốc gia mà nội bộ được cải cách trong suốt hơn một thế kỷ, một giáo hội tin lành theo Calvin được sinh hoạt với tính cách pháp lý, và trong khuôn khổ luật pháp đó, mọi người đều có thể phát biểu như giữa người với người, ở thời đại mà đời sống tôn giáo không thể thờ ơ hay biếng nhác. Những yếu tố duy lý chiếm phần quan trọng hơn trong việc thảo luận. Vì mọi hình thức biện hộ dựa trên lý trí va chạm với nguyên tắc dựa trên Thánh Kinh do các nhà Cải cách chủ xướng, những người phản Cải cách dùng các phương pháp và tôn chỉ của chủ nghĩa hoài nghi thời Cổ đại mà các tác phẩm được tái bản. Phải chăng nhờø thế mà người ta sẽ chứng minh điều quả quyết của các nhà Cải cách là Giáo hội có thể sai lầm, sẽ dẫn đến chỗ từ bỏ tiêu chuẩn của đức tin? Khi các người theo Cải cách dựa vào Thánh Kinh, thì người công giáo trả lời là một mình Thánh Kinh không đủ để chúng ta hiểu được Thánh Kinh muốn nói gì, và lối hiểu của các người theo Cải cách chỉ là những ý kiến riêng của Luther, Calvin và Zwingli mà ta có thể phủ nhận, và những người theo Cải cách không có một tiêu chuẩn nào cho giáo lý của họ. Họ dựa vào đâu để nói các sách Cựu Ước và Tân Ước là Sách Thánh? Nếu là kết quả của sự xác tín trong thâm tâm do Chúa Thánh Linh soi sáng, chúng ta phải tự hỏi sự xác tín này có thật sự đích thực không. Làm sao chúng ta có thể phân biệt được với ảo tưởng hay linh hứng giả dối? Ðâu là tiêu chuẩn để phân biệt? Người ta tưởng như thế có thể gây bối rối thật sự cho những người theo Cải cách và đẩy họ đến chỗ phải ngờ vực. Khi mọi tin tưởng vào những xác tín sâu kín nhất của họ bị phá đổ, và bao lâu họ không xưng là vô thần, thì người ta hy vọng đưa họ về lại với công giáo. Ðiều mà ít người nhận ra là phương pháp này nói chung có thể áp dụng chống lại bất cứ tôn giáo nào, và có một khuynh hướng "phóng đãng" mạnh mẽ hoành hành thật sự trong chủ nghĩa "hoài nghi" này. Thật vậy, thái độ hoài nghi rất phổ thông vào thời đó; và được xem như là thuốc giải độc trừ thuyết duy tín chỉ dựa vào mạc khải được Giáo Hội xác nhận. Thái độ này bắt nguồn từ Montaigne (1533-1592) khi ông này tuyên bố lý trí con người không thể biết được các chân lý siêu hình, và vì thế, về vấn đề tôn giáo, phải tôn trọng đức tin của cha ông; trong phần thực tế, Montaigne chủ trương một thái độ khắc kỷ như là lý tưởng sống. Triết thuyết này được các đồ đệ ông truyền bá, kinh sĩ Pierre Charron (1541-1603), giám mục Jean-Pierre Camus (1582-1652), thơ ký và bạn của thánh François de Sales, hồng y Perron, một ít tu sĩ dòng Tên và vài cá nhân riêng rẽ theo thuyết Jansénisme. Người ta cũng nhìn thấy trong cái lãnh đạm của "tình yêu thuần khiết" của Fénelon một dấu vết phái khắc kỷ. Tác phẩm nổi tiếng Phê bình Lịch sử Cựu Ước (Histoire critique du Vieux Testament), xuất bản năm 1678, của Richard Simon (1638-1712), một tu sĩ thông thái dòng Oratoire (giảng thuyết), được xem như một toan tính làm yếu vị thế các nhà Cải cách luôn trưng dẫn Thánh Kinh bằng cách chứng minh không có một văn bản nào chính thức của Thánh Kinh và không một ai hiểu biết chính xác cổ ngữ Do Thái.
Chính một cựu học sinh trường La Flèche của các cha dòng Tên, René Descartes, đã làm đảo lộn thực sự tư tưởng của Pháp. Trong trường này, giáo dục được dựa trên các môn Cổ điển học, và phương pháp hoài nghi được giảng dạy. Những hoài nghi mà Descartes cảm nhận được khi đang theo học ở đây cũng như ý thức rằng sự hiểu biết của mình còn yếu kém, cho dù Descartes thực tình quý trọng sự khôn ngoan hơn là sự hiểu biết theo sách vở, đặt người quân tử trên người uyên thâm. Ðiều đó đã khiến Descartes từ bỏ môn khoa học để quay về sự quan sát đời sống, như ông có thể thấy được trong các chuyến du hành, ở các triều đình và trong các binh đội. Trong khi phục vụ trong đạo quân của Tilly, tại Neubourg miền Bavière, năm 1619, Descartes đã cảm nhận được một kinh nghiệm quyết liệt : Descartes thề nguyện sẽ đi hành hương viếng Ðức Mẹ Lorette nếu tìm ra được cho đức tin một căn bản triết lý không thể lay chuyển. Và Descartes nhận thức rằng lý trí tự nhiên nắm chắc được một điểm không thể chối cãi, đó là hiện hữu : "Tôi suy tưởng, tất nhiên là có tôi" (Je pense, donc je suis). Từ chân lý nền móng này, Descartes nghiên cứu thực tại. Trước câu khẳng định này, nguyên tắc hoài nghi theo phương pháp không còn giá trị nữa. Chủ nghĩa hoài nghi mất hết hiệu quả. Nhờ tư tưởng thuần túy, con người nhận thức rằng cuộc sống của mình là tinh thần, và sự bất toàn của tư tưởng đưa con người đến chỗ viên mãn của Thiên Chúa. Theo thiên bẩm, Thiên Chúa hiện hữu trong chúng ta như là một ý niệm. Descartes chưa nghĩ tới chuyện phân cách đức tin khỏi lý trí. Triết thuyết của ông tiến đến việc xác nhận phần mặc khải mà con người có thể đạt tới bằng lý luận : Thiên Chúa là hiện hữu và linh hồn thì bất tử. Mục đích của ông là đạt đến sự thống nhất vũ trụ nhờ mọi hiểu biết của con người; phương pháp của ông là phương pháp phân tích thuần túy toán học, mà ông sẽ làm cho phong phú thêm nhờ việc khám phá ra môn hình học giải tích. Ðược các bạn hữu thúc đẩy, như hồng y de Bérulle và những người thân cận, ông phát hành năm 1637 cuốn Discours de la méthode (Thảo luận về phương pháp), và năm 1641, Meditationes de prima philosophia (Suy tư về Triết lý tiên khởi). Nhưng tác phẩm của ông chỉ nhận được khoan dung, không bị kết án. Riêng giáo lý về biến thể của ông lại bị liệt kê vào sổ cấm. Ông mất năm 1650 trong đức tin công giáo tại Stockholm, ông đến đây năm trước để đàm luận với nữ hoàng Christine. Ông thọ năm mươi bốn tuổi.
Cái mới trong phương pháp của ông là suy tư triết lý từ lương tâm. Descartes mở đường cho mọi triết thuyết duy tâm; điều chắc chắn là ông đã thúc đẩy tư tưởng triết lý từ bỏ chủ nghĩa khách quan để theo thuyết duy lý thuần túy. Ðối với ông, tự trị lý lẽ của con người vẫn tùy thuộc vào lý lẽ của Thiên Chúa. Descartes còn là một người thực tế, nhưng những sợi dây liên kết lý trí với Thiên Chúa không còn bền chặt lắm, và Descartes tìm cách giải thích hiện thực bằng những con đường gay go, nếu không là sai lạc.
Descartes có nhiều đồ đệ xuất chúng, và đã gây được một ảnh hưởng lạ lùng. Tu sĩ dòng Oratoire là Malebranche dựa trên phương pháp mới và trên triết lý về lương tâm, cũng như trên tư tưởng của thánh Augustin, toan tính thiết lập một học thuyết công giáo thực sự; một học thuyết qui hướng thật sự về Thiên Chúa, đến nỗi theo đó mọi sự hiểu biết phân minh chỉ có ở nơi Thiên Chúa, cũng như mọi hành động đều là hành động của Thiên Chúa. Học thuyết này bị công kích khắp nơi. Chỉ trừ những người Anh theo thuyết Hữu thần, còn các cha dòng Tên và Arnauld, Fénelon và Bossuet, tất cả đều đồng thanh kết án học thuyết ấy.
Nhưng khi não trạng mới có những người đại diện ở ngoài vòng ảnh hưởng của đức tin Kitô giáo, người ta sẽ mau nhận ra tất cả những nguy hiểm của nó. Ở Amsterdam, Baruch Spinoza (1632-1677), sau khi muốn trở thành giáo sĩ Do thái và bị khai trừ ra khỏi cộng đồng Do thái vì thuyết Duy lý của ông, ông quyết định theo trường phái của Descartes. Ông dự tính thiết đặt trong những tác phẩm của ông các căn bản triết lý, siêu hình và luân lý học trên cơ sở thuần luận lý, more geometrico. Ông ao ước đạt tới một sự hiểu biết có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Ông tìm kiếm cái gì có thể "bảo đảm được hưởng một niềm vinh phúc trường cửu và tuyệt vời". Trong sự khao khát vĩnh cữu, vô biên này lộ ra sự nhận thức về vũ trụ của văn hóa barốc, nhưng bây giờ thì đứng bên ngoài nhãn giới Kitô. Nhưng Spinoza, vượt qua cả Descartes, chủ trương thuyết nhất nguyên phỏng theo thuyết phiếm thần. Chỉ có một bản thể chính thật, đó là Thiên Chúa, căn nguyên của ý tưởng và không gian, Deus sive natura. Vũ trụ không những gần gũi Thiên Chúa, vũ trụ là Thiên Chúa. Do đó không có điều ác tuyệt đối bởi vì tất cả đều bắt nguồn từ bản thể vô biên của vũ trụ. Tôn giáo chỉ cốt ở cảm xúc, cảm xúc cao thượng nhất là amor Dei intellectualis. Thánh Kinh bị bác bỏ.
Các luận đề của Spinoza gây một ảnh hưởng vang động trong tâm trí những người đương thời và nhất là ở thế kỷ XVIII đã gây nên những hậu quả hết sức tàn phá. Chính vì cảm thấy rất rõ ràng triết gia Spinoza gần gũi với trào lưu vô thần mà Leibniz chống lại ông.
VIII. THUYẾT TỰ NHIÊN THẦN LUẬN (DÉISME) CỦA NGƯỜI ANH
Không liên quan tới Descartes, nhưng gần như đồng thời với Descartes, nhiều nhà trí thức tên tuổi người Anh cũng đi đến chỗ từ bỏ trường phái Kinh viện vẫn được dạy trong các đại học trong nước. Trong khi chính phủ áp đặt những thay đổi về tôn giáo suốt thế kỷ XVI gây nên nhiều giao động mãnh liệt trong xứ, trước những tiến bộ của khoa học vạn vật thúc đẩy các triết gia theo chủ nghĩa duy nghiệm luôn thích hợp với cá tính của người Anh. Việc chứng thực ý niệm bằng sự kiện trở nên quan trọng hơn là chứng minh ý niệm bằng lý luận. Các đại diện đầu tiên cho thuyết duy nghiệm của thế kỷ XVII không phản đối Mặc khải. Huân tước-Chưởng ấn Bacon of Verulam (+ 1626) là một Kitô hữu xác tín. Nhưng ông tách hẳn lãnh vực đức tin ra khỏi lãnh vực khoa học. Ðối với ông, « vương quyền của con người", mà hình thể càng ngày càng được biểu lộ rõ hơn nhờ các phát minh mới mẻ, không có một dây liên hệ nào với Thiên Chúa. Ðiều mà Bacon yêu cầu là biết "giải thích thiên nhiên", từ những sự kiện riêng rẽ và những kinh nghiệm thành công. Chương trình của ông đã được Hobbes (+ 1679), bí thư của ông, hệ thống hóa. Hobbes xem sự tiến hóa của thiên nhiên như một loại tiến trình kỹ thuật, như sự chuyển vận của máy móc. Nhưng trong thiên nhiên còn có con người và quốc gia. Trong quan niệm ấy tôn giáo và công giáo không có chỗ đứng. Thánh Kinh được giải thích theo quan điểm hoàn toàn luân lý, các phép lạ là do tác động của một chuỗi sức mạnh tự nhiên.
Huân tước Herbert of Cherbury (+ 1648) quan tâm hơn đến vấn đề tôn giáo. Từ sự kiện chia rẽ giữa các tôn giáo, ông muốn thiết lập một hệ thống tự nhiên cho tôn giáo. Ông cho rằng chỉ có những chân lý mà chúng ta chứng minh được một cách hợp lý mới là đích thực và mọi người phải chấp nhận. Vì cả thiên nhiên và lý trí vốn có nơi mỗi người, mới giúp chúng ta thiết đặt những nguyên tắc tôn giáo căn bản chung cho tất cả các tôn giáo. Cherbury đưa ra năm nguyên tắc : Thiên Chúa hiện hữu, sự cần thiết phải phụng thờ Ngài, sự bó buộc thực hành các nhân đức và sống đạo hạnh, gớm ghiếc tội lỗi và quyết tâm hoán cải, lòng tin có phần thưởng ở đời này hay đời sau. Mặc khải có tính cách xác thực là nhờ phù hợp với các chân lý thuần lý này. Mọi điều khác, kể cả giáo lý về quyền tối thượng của Thiên Chúa trên hoàn vũ, chỉ là những điều ngụy tạo do các giáo sĩ bày ra. Biện pháp liệt kê sách khảo luận của Huân tước Cherbury vào sổ các sách bị cấm chưa đủ để dập tắt lý thuyết tai hại này.
Qua thế hệ sau, các ý tưởng "tân thời" còn được phát biểu cách công khai hơn nữa. Thật vậy, cuộc "cách mạng vẻ vang" đã bảo đảm tự do lương tâm và báo chí, chỉ có những người công giáo bị khai trừ. Giờ đây người ta có thể tuyên bố cả những ý kiến vô tín ngưỡng, nghĩa là không phù hợp với tôn giáo chính thức của quốc gia. John Locke (+ 1704) thuộc nhóm các "nhà tự do tư tưởng" đó. Ông trở về Anh theo sau Guillaume d'Orange. Vì quan tâm bảo đảm cho tư tưởng được độc lập và tự chủ, ông bác bỏ thuyết các ý niệm thiên phú. Ðể xác định đâu là phần sự thật chứa đựng trong Mặc khải, ông tìm một tiêu chuẩn mà ông tin rằng nó chính là sự phù hợp giữa các giáo huấn căn bản của tôn giáo và nội dung của môn siêu hình và luân lý học dựa trên lý trí. Trong tác phẩm Sự hợp lý của Ðạo Kitô (The reasonablness of Christianity) (1695), người ta có thể đọc thấy rằng luân lý Kitô giáo trùng hợp với một phần lề luật của Maisen, và vì thế với lề luật tự nhiên. Sống thuận theo luân lý Kitô giáo bảo đảm cho chúng ta được cứu rỗi. Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Sai và là Thày dạy ta sống đạo đức. Mặc khải, minh chứng bởi phép lạ, được nhìn nhận để bổ túc cho thiên nhiên và lý trí, giá trị tốt đẹp của Mạc khải là mang lại cho ta sự hiểu biết minh bạch về các bổn phận luân lý, chấn hưng đạo giáo chân chính, trong tinh thần và trong sự thật, và trong niềm tin vào đời sống vĩnh cửu và phần thưởng mai sau. Như vậy, thuyết "thuyết tự nhiên thần giáo " của Cherbury được Locke tô thêm một màu sắc luân lý đậm đà.
Xuất phát từ nước Anh, chủ nghĩa duy nghiệm và chối bỏ những gì siêu nhiên, bành trướng và gây ra nhiều hậu quả hệ trọng cho tôn giáo trong suốt thế kỷ XVII (12).
IX. XÃ HỘI THỜI BAROQUE.
Một di sản xấu khác không những của chế độ chuyên chế Pháp mà còn của toàn thế giới baroque, đó là sự sao lãng lộ liễu các vấn đề xã hội. Các thế kỷ XVI và XVII đã thấm nhiễm nặng nề tinh thần bảo thủ, điều này có thể được nhận ra qua thái độ của Giáo Hội Công Giáo muốn bảo vệ và lấy lại tài sản của Giáo Hội. Giai cấp thời Trung cổ của các giới được thiết định trong Giáo Hội và sự phân chia các chức vụ giữa các giới được xem như là điều bất khả xâm phạm không ai dám thay đổi : khi một tu viện, dành riêng cho giới quý tộc Ðức từ thời Trung cổ, không thể cải cách được vì số tu sĩ quá ít hay vì các tu sĩ thiếu tinh thần đạo đức, người ta cũng không dám xâm phạm đến các quyền lợi ấy bằng cách thu nhận tu sĩ từ giới trưởng giả. Nếu có nhận tu sĩ từ giới trưởng giả, như trường hợp ở Fulda, thì các tu sĩ này chỉ sống trong một tu viện phụ thuộc để duy trì phụng tự và chỉ có những quyền lợi giảm thiểu, không có hiệu tòa, không được tham gia kinh sĩ hội, và do đó không có quyền điều khiển hay quản lý tu viện và tài sản của tu viện. Tất cả các cải tổ hoặc do Sứ thần Tòa thánh hoặc do các Viện phụ hoàng thân khôn ngoan đề xướng đều thất bại (13).
Như đã thấy trước đây, ở các giáo phận Ðức thuộc Ðế quốc, việc áp dụng cứng nhắc nguyên tắc chọn lựa giám mục trong giới hoàng tộc đã gây ra nhiều thủ đoạn ngoại giao và chính trị cũng như nhiều kiêm nhiệm trái với các quyết định của Công đồng chung Trente. Ngay cả ở Áo, các giám mục tùy thuộc vào các ông hoàng, và trong những năm tồi tệ nhất của thời Cải cách và giữa những công việc kiệt quệ phản Cải cách, chỉ có một vài giám mục xuất thân từ giới trưởng giả, như hồng y Melchior Klesl ở Vienne, nhưng vào những năm 1700, không còn một giám mục nào thuộc giới trưởng giả nữa. Cuối thời kỳ này, chế độ phong kiến của giới qúy tộc đã toàn thắng khắp nơi.
Ðịa vị dành cho nữ giới trong Giáo Hội cũng thế. Quan niệm về vấn đề này vẫn là quan niệm của thời Trung cổ. Các ý tưởng cổ cõ việc giáo dục và huấn luyện thanh thiếu nữ của Juan Vives, người Tây Ban Nha, một nhà nhân bản và bạn của Erasmes, trong cuốn De institutione feminae christianae (về tu hội của nữ giới Kitô) (1523), tiêu biểu cho bước đầu của khoa sư phạm cận đại, hoàn toàn thông cảm những cá biệt của nữ tính và bổn phận của người nữ. Dù sách đã được tái bản đến bốn mươi lần, những ý tưởng của Vives chưa được truyền bá bao nhiêu trong Giáo Hội. Ngoài ra, Vives chỉ thật sự bàn đến hoàn cảnh của người nữ trong gia đình.Theo quan niệm thông thường được Giáo Hội chấp nhận, chỗ đứng duy nhất cho người nữ độc thân là tu viện với tường cấm. Người ta cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi các kinh nghiệm dưới thời Cải cách. Nếu các giám mục vì tình nhân đạo Kitô giáo thử phác họa cho người nữ những hình thức khác để tu hành và tham gia vào đời sống Giáo Hội đều bị giáo triều Roma dứt khoát chống đối. Các nữ tu dòng Thăm viếng trở thành các nữ tu nội cấm, đi ngược với ý định của vị sáng lập dòng là Thánh François de Sales. Các nữ tu Ursulines, cộng đoàn nữ tu quan trọng nhất của Pháp, được cải cách từ năm 1620 do chiếu chỉ của giáo hoàng thành một dòng tu có nội cấm.Vincent de Paul hiểu rõ số phận các Nữ tử bác ái của ngài nếu họ xin Roma chuẩn y nội qui, vì thế ngài luôn khuyên các nữ tử tránh điều đó. Nhưng số phận thảm thương nhất là của các "Bà người Anh" và Mary Ward, người sáng lập mà chúng ta đã có dịp nhắc tới trước đây. Mary Ward khi còn trẻ gia nhập tu viện Clarisses ở Saint-Omer năm 1606, nhưng Mary Ward cảm thấy ơn gọi cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn tại Anh quốc của bà đang bị đe dọa. Hâm mộ các hoạt động của các cha dòng Tên ở Anh, Mary Ward cùng với vài chị đồng hương lập một tu hội năm 1609 phỏng theo mẫu dòng Tên. Sau khi nhận thấy hầu như không thể sinh hoạt được ở Anh, bà lập một số nhà ở Liège, Cologne và Trèves. Bà muốn dùng công trình giáo dục để phát huy một nền giáo dục công giáo cho người nữ, hỗ trợ sinh hoạt mục vụ nơi xứ sở bà và tham gia vào các hoạt động thừa sai của Giáo Hội. Do nguồn gốc Anh quốc của bà, bà có một thái độ tự tin, tự do trong cách cư xử và ăn nói như người nữ xứ Anh của bà, không thích lệ thuộc, và thêm một chút ngoan cố của người Anh khi họ phản ứng trước các chướng ngại. Ðể thực hiện các mục tiêu của cộng đoàn, bà không toại nguyện nếu chỉ được sự chuẩn y của giám mục cho một vài nhà riêng rẽ. Các chị em đồng hành của bà muốn sống liên kết với nhau, vì thế họ tìm cách sống không tùy thuộc các giám mục giáo phận để có nhiều tự do và khả năng hoạt động hơn, họ mong mỏi được họp thành một dòng nữ liên hệ trực tiếp với giáo triều qua trung gian của một mẹ bề trên tổng quyền. Ngoài ra, họ cảm thấy sống cô lập như các nữ tu với nội cấm thời ấy là chướng ngại quan trọng nhất cho công việc tông đồ của họ, và họ từ chối trên nguyên tắc sống với nội cấm cho các cộng đoàn của họ. Nếu hội dòng được nhìn nhận, họ hy vọng sẽ có thêm nhiều khả năng hoạt động, theo mẫu các cha dòng Tên. Ngoài ra, các chị, trái với ý nguyện của dòng Tên, có lối sống gần giống các cha dòng Tên, qua nội qui và cách tổ chức, cơ cấu và mục đích, nên người ta xem cộng đoàn của các chị là ngành nữ của dòng Tên, và gọi các chị là "các nữ tu dòng Tên" (jésuitines), và vì thế mà tất cả thù địch của các cha dòng Tên tự động nổi lên chống lại các chị. Dù các chị đã mở một ngôi trường ngay tại Rôma để chứng tỏ hiệu quả của công việc tông đồ của các chị, các chị hoàn toàn bị tố cáo và vu khống, và chỉ gặp nghi ngờ và dè dặt ở giáo triều ; do đó cộng đoàn các chị không được giáo hoàng chuẩn y. Các chị hoàn toàn bất lực trước mọi cuộc tấn công vô căn cứ của vị đại diện hàng giáo phẩm Anh tố cáo các chị xen vào và gây rối cho công việc mục vụ. Dân chúng lắc đầu khi thấy các bà lạ ấy đi thăm viếng các nhà thờ và ăn mặc đồng phục. Sau năm năm tranh đấu để cộng đoàn được nhìn nhận, Mary Ward rời Roma. Năm 1624, Bộ Truyền giáo bắt buộc hội dòng của bà cải cách thành tu viện với nội cấm hoặc tự giải tán. Trường ở Roma phải đóng cửa. Nhưng khi Mary với tính cách bề trên và không xin phép các giám mục có thẩm quyền, cho mở những cộng đoàn mới ở Munich và Vienne nhờ sự tài trợ của ông hoàng Maximilien và hoàng đế Ferdinand II, và dự tính thi hành những chương trình tương tự ở Prague, Bộ Truyền giáo lại can thiệp, và qua trung gian các Sứ thần Tòa thánh, Bộ ra lệnh đóng cửa các nhà trên. Trước sự đe dọa đóng cửa các nhà của chị em ở Bỉ, Mary Ward gởi qua, với tính cách đi thăm, một trong những chị em trung tín nhất. Nhưng khi chị này qua tới nơi thì các nhà đã bị đóng cửa rồi. Mary Ward mở lại cộng đoàn và yêu cầu các chị em khấn lại. Ngay sau đó, một sắc chỉ của Ðức Urbainâ VIII giải tán cả hội dòng năm 1631, còn Mary Ward thì bị giam ở Munich trong một tu viện Clarisses. Sau khi được thả, Mary Ward trở về Roma và Anh quốc, và được Giáo Hội khoan hồng cho tiếp tục công trình giáo huấn thanh thiếu nữ cho đến khi bà qua đời năm 1645. Năm 1680, giám mục Augsbourg công nhận hội dòng đang sinh hoạt ở thành phố này, sau đó tới lượt các giám mục của Freising và Salzbourg. Khoãng năm 1700, nhà mẹ của dòng được di chuyển về Munich, và năm 1703, luật Dòng được giáo hoàng chuẩn y. Theo lời của đức Pie XII, tinh thần Kitô giáo thiên bẩm của "người nữ trổi vượt" mà Giáo Hội Anh quốc trong những năm đẫm máu nhất của lịch sử đất nước , đã dâng hiến cho Giáo Hội hoàn vũ", luôn bừng sáng với lòng trung thành không hề lay chuyển của bà. Với tinh thần ấy, bà đã mở đường cho các dòng nữ trong thời hiện đại, đồng thời thiết đặt những lề luật thích hợp cho công việc tông đồ của nữ giới trong Giáo Hội thời thân tiến.
X. CÁC VẤN ÐỀ XÃ HỘI VÀ HOẠT ÐỘNG TỪ THIỆN
Quả thật, các vấn đề xã hội không được lưu tâm đến dưới chế độ chuyên chế. Ở Tây Ban Nha dưới triều vua Philippe II, chỉ còn có hai giai cấp được tôn trọng : binh sĩ và giáo sĩ. Mọi công việc tay chân, đồng áng hay xưởng thợ đều bị khinh rẻ, và được giao cho những người Maures đi đạo. Ðất đai, chỉ có những người nông nô và nô lệ canh tác, ngày càng khô cằn. Vài gia đình quý tộc làm chủ những lãnh địa rộng lớn gần nửa vương quốc. Ở Pháp, các chính khách chỉ lo bành trướng lãnh thổ nhờ chiến tranh và làm tăng vẻ lộïng lẫy của triều đình để lấn vượt Roma baroque bằng cách quay về với cổ điển học. Triều đình không có một ý niệm gì về cảnh nghèo khổ của dân chúng. Các giáo sĩ giảng thuyết nổi tiếng nhất trong triều vua Louis XIV chỉ mới đề cập đến trách nhiệm xã hội của các thính giả, mặc dầu cha dòng Tên Bourdaloue trong suốt mười tám năm, đã trình bày cho cả triều đình một cách toàn vẹn tất cả những bổn phận của đời sống Kitô hữu, và cha Massillon dòng Oratoire, trình bày trước mặt vua các chân lý bất diệt không thêm bớt trong những dịp giảng Mùa Vọng và Mùa Chay. Vài nhân vật riêng rẽ nhìn hiện tình với cặp mắt sáng suốt nhưng không có ảnh hưởng nào. Trong tác phẩm De Rege et Regis institutione (Về Vua Chúa và việc thiết lập Nhà Vua), xuất bản năm 1599, cha dòng Tên Tây Ban Nha Juan de Mariana trình bày cho vua bổn phận giúp đỡ người dân nghèo, làm giảm bớt những chênh lệch xã hội giữa người quá giàu và người nghèo đói, đánh thuế trên của xa xỉ chứ không trên lương thực, và còn yêu cầu hàng giáo sĩ trích một phần hoa lợi cho các mục tiêu xã hội.
Một thế kỷ sau, Fénelon xác định dứt khoát rằng xã hội có tầm quan trọng hơn chính trị. Mặc dù dưới hình thức che đậy, nhưng không ai có thể hiểu lầm, Fénelon đã lên tiếng trong cuốn Télémaque của ông, chống lại chế độ độc tài của vua Louis XIV. Rồi trong một lá thơ nổi danh công khai gởi cho vua, ông tuyên bố rằng một chiến tranh bất chính dù có kết thúc một cách tốt đẹp cũng không bớt đi được tính cách bất chính, và vấn đề ở đây không phải là kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng bên ngoài nhưng bằng cách ban phát của ăn cho người dân đang suy nhược (14) trong vương quốc.
Các hoạt động khác tùy thuộc sáng kiến tư nhân. Với lương tâm Kitô, họ hoạt động không phải để thay đổi hiện tình xã hội cho có một ý nghĩa Kitô giáo, họ không đủ thẩm quyền để làm việc này, nhưng để lấy việc bác ái xoa dịu những nỗi bần cùng tất tưởi nhất của dân chúng và giúp đỡ họ thăng tiến. Phục vụ người bệnh, đó là công việc mà dòng Tên, theo gương vị sáng lập, đòi hỏi, đặc biệt trong các thời kỳ có bệnh truyền nhiễm, nơi mọi tu sĩ dòng, dù là các thày nhà tập lỗi lạc nhất : họ không chỉ xem đó như một hành vi khiêm nhượng cá nhân, mà còn như những hành động bác ái làm giảm bớt nỗi khốn khổ của những bệnh nhân bị ruồng bỏ. Vị hầu tước trẻ tuổi Louis de Gonzague chết trong khi săn sóc những người bị dịch hạch và đã làm sáng tỏ tấm gương anh dũng của ngài. Vài thế kỷ sau, một tu sĩ cùng dòng Tên là Pierre Claver, người Catalan, khởi công ở Colombie một công trình kéo dài trong suốt bốn mươi năm : cha Claver tận tụy truyền giáo cho những người nô lệ da đen được đưa từ Phi Châu đến, và ra sức xoa dịu số phận vô nhân đạo của họ. Thánh Vincent de Paul tiêu hao sức lực trong khi lo mục vụ cho những người dân quê bị khinh rẻ và những người bị kết án khổ sai. Một kinh sĩ thành Reims, Jean-Baptiste de la Salle, năm 1684, đã sáng lập dòng các Anh Em Trường Kitô Giáo. Jean-Baptiste xuất thân trong một gia đình quý tộc đã sớm được cha linh hướng gợi ý và khuyến khích dấn thân lo giáo dục giới trẻ. Jean-Baptiste đã mở trường dạy học đầu tiên miễn phí cho các em trai nghèo, và tập hợp ngay ở nhà riêng một số giáo viên dạy học cho các em. Sau đó, ngài từ bỏ huê lợi của chức vụ để cùng với nhóm giáo viên thành lập tu hội Anh Em Trường Kitô Giáo. Trong các trường này, và đây là lần đầu tiên ở Pháp, giảng dạy bằng tiếng quốc ngữ, trong những lớp riêng biệt, lần đầu tiên, các em học nghề được tập họp lại để theo học trong một trường dạy nghề, và cũng là lần đầu tiên, các giáo sư được đào tạo một cách có hệ thống cho một chủng viện chuyên môn.
Tại Ðức, tình hình trong thế kỷ XVII ít khủng hoảng hơn. Ðể khôi phục những mất mát to tát về nhân sự sau cuộc chiến Ba mươi năm, chính quyền đưa những kiều dân từ Tyrol và Thụy sĩ về, và đón tiếp các nạn nhân trốn các cuộc bắt bớ tôn giáo ở Pháp, Savoie, Bohême và Áo. Tất cả đều được giúp đỡ định cư nhờ được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt và miễn các thuế má. Các nghiệp đoàn đòi giảm thiểu tính cách cứng nhắc của nội quy từ thời Trung cổ. Nhiều học bổng được cấp phát, mở cửa các trường đại học thâu nhận giới trẻ có tài năng thuộc các giai cấp bình dân. Người ta cũng thường thấy có những quỹ hay của di tặng do các kinh sĩ để lại giúp mở hai mươi hay ba mươi học bổng cho các sinh viên. Gần một phần tư các sinh viên ở thành phố Ingolstad thuộc các giới nghèo nhất trong dân chúng. Các nhà tuyên giảng nổi tiếng nhất thời baroque thường nói tới quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp. Ngay cả các đế vương, dù thái độ có chuyên chế thế nào đi nữa, cũng cảm thấy, ít ra trong các diễn từ hay nghi lễ tùng thuộc của chư hầu, những trách nhiệm phụ mẫu của mình đối với các "con cái của tổ quốc". Ðó là trường hợp của các giám mục hoàng gia miền Souabe : hầu như tất cả đã xuất thân từ giới tiểu công nghệ trung lưu ở các tỉnh thành nhỏ hay thuộc giới dân quê.
Thật ra, ta phải công nhận thời ấy Giáo Hội Công Giáo chưa có một giáo huấn công khai nào về xã hội. Trong thực tế, ngày làm việc tám giờ đã được một sắc lệnh của vua Philippe II đặt thành luật năm 1593, và giờ giấc làm việc trong ngày phải được phân bố theo sức nóng mặt trời để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người làm (15). Ở Ba Tây, chế độ nô lệ đối với người thổ dân (Indiens) được bãi bỏ, nhưng thường chỉ bãi bỏ trên giấy tờ vì các chủ đồn điền chống cản; còn vấn đề hàng trăm ngàn người da đen bị biến thành nô lệ thì người ta hoàn toàn từ chối giải quyết. Các chương trình xã hội do Hobbes và Locke đề xướng không đưa lại một thay đổi nào trong cơ cấu xã hội, ảnh hưởng chỉ nhận thấy sau một thế kỷ. Ngay ở nước Anh khắc khổ, nơi mà chế độ chuyên chế, dù dưới màu sắc chính thể quân chủ hay chế độ đại nghị, không thắng được sức cản của các thế lực tinh thần hùng hậu, người dân quê trở thành tá điền, thợ thuyền làm công nhân với đồng lương bất xứng, vấn đề xã hội không được thật sự xem như một vấn đề, dù Phong trào Cải cách có mang lại nhiều thay đổi quan trọng cho hiện tình tư hữu. Năm 1687, Richard Baxter tuyên bố : Thiên Chúa cho có sự nghèo khổ, vì nếu không có sự nghèo khổ thì vô số người sẽ rơi vào cạm bẫy của sự giàu sang. Ngược lại, trong sự giàu sang Thiên Chúa tỏ bày và chứng thực lòng ưu ái đặc biệt của Người. Nạn thất nghiệp được giải thích do lười biếng, không phải bởi các lý do kinh tế. Do đó người ta không cần phải lưu tâm đến những kẻ thất nghiệp. Khoảng cách giữa nền luân lý khắc khổ nghề nghiệp và chủ nghĩa ích kỷ bần tiện nhất nhiều khi thật là ngắn ngủi.
Hãy nhìn vào nước Ý và thành phố Roma muôn thuở. Người ta cũng chưa biết tới một giáo huấn nào về xã hội. Nhưng từ thời Canh tân ở thế kỷ XVI, hoạt động xã hội dưới hình thức bác ái được các giáo hoàng chuẩn y và cổ võ. Chăm sóc bệnh nhân, và cả người mắc bệnh dịch hạch, là đối tượng lời khấn đặc biệt của hội đoàn từ thiện do Camille de Lellis sáng lập năm 1582. Ðể dạy dỗ các em nghèo, Jean Leonardi thành lập một tu hội giáo sĩ ở Lucques năm 1583. Khoảng mười năm sau, Josepf Calasanz, một người quý phái gốc Aragonais, động lòng vì các trẻ em bị ruồng bỏ và lớn lên màkhông được học hành. Ông tụ hợp một số giáo sĩ để thành lập "tu hội các giáo sĩ nghèo dạy trường từ thiện" gọi là Piaristes, chuyên lo dạy dỗ trong các trường miễn phí của tu hội. Dù gặp nhiều trở ngại từ phía giáo triều, tu hội vẫn phát triển, ngay cả trong cuộc chiến Ba mươi năm, sang đến Moravie, Ba Lan và Hung Gia Lợi. Tại những nước này, các giáo sĩ cao cấp dùng tu hội này để đem Phúc Âm đến cho đám quần chúng còn ngu dốt. Không bao lâu sau, tu hội cũng lo cho cả cấp trung học nữa.
Các giáo hoàng trong đó có những vị xuất thân từ giai cấp đơn sơ nghèo túng, có thái độ khác nhau. Ðức Urbain VIII không được mến chuộng vì ngài đòi sưu cao thuế nặng. Ðức Sixte Quint được dân chúng nông thôn hàm ơn vì ngài tảo thanh vùng Campanie khỏi nạn cướp bóc và khai phá miền Marais Pontins khỏi sình lầy. Ðức Innocent XI được nhắc tới nhiều vì ngài lo lắng các công việc từ thiện. Các giáo hoàng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm vì các ngài cổ võ nghệ thuật và xây cất nhiều cơ sở. Nói riêng việc xây cất đền thánh Phêrô được coi như một sự kiện xẵ hội. Một số tiểu tiết dí dỏm, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, được truyền lại chung quanh vụ xây cất đền thánh Phêrô.
Lúc dựng tháp giữa công trường thánh Phêrô, các hồng y, các hoàng tử, nói chung là tất cả các nhân vật tai mắt tại Roma đều hiện diện trong biến cố này. Ðang khi công việc còn dở dang thì nghe tiếng chuông báo ngọ. Tức khắc mọi công việc đều đình chỉ để thợ thuyền nghỉ tay dùng cơm yên ổn. Toàn ban thượng khách đứng yên chờ đợi cho đến khi thợ thuyền trở lại bàn trục. Vì không thể đình chỉ công việc xây cất đền thờ, cả trong những tháng hè oi bức, người ta phải dựng trên công trường rộng lớn những lều vải để cho thợ thuyền khỏi bị bỏng nắng. Và sau khi đã hoàn tất mỗi phần của thánh đường, người ta tổ chức cuộc liên hoan nghĩa là bữa cơm giữa trời có đàn hát cho tất cả những người đã cộng tác vào việc xây cất (16). Theo kiểu nói của thánh Gioan Kim Khẩu, «lễ liên hoan là một lễ tình yêu dung động ». Ðiều đó tóm lược những tâm tình của một Giáo Hội đã lấy lại nguồn sinh lực sau một cuộc khủng khoảng trầm trọng.