CHƯƠNG VII
HẬU QUẢ CUỘC LY KHAI THỜI CHÍNH THỂ
CHUYÊN CHẾ : TIẾN BỘ TÔN GIÁO
VÀ NỀN THẦN HỌC HỖN TẠP
NHỮNG TOAN TÍNH HIỆP NHẤT
CHƯƠNG VII
HẬU QUẢ CUỘC LY KHAI THỜI CHÍNH THỂ
CHUYÊN CHẾ : TIẾN BỘ TÔN GIÁO
VÀ NỀN THẦN HỌC HỖN TẠP
NHỮNG TOAN TÍNH HIỆP NHẤT
Một trong những hậu quả về di sản mà nền Trung Cổ để lại cho thời hiện đại là các phong trào tôn giáo rốt cuộc bao giờ cũng mang hình thức chính trị, và được khuyến khích hay bị tiêu diệt do quyền lực chính trị. Như ta đã thấy, chế độ quốc giáo tại các nước miền Tây âu, chính thể césaro-papisme thịnh hành trong các khu nói tiếng Ðức đã góp phần quyết liệt trong số phận của hai phong trào Cải cách và Phản Cải cách và việc Canh tân Công Giáo. Hơn nữa, Vua chúa và thế quyền nhiều khi cố tình chiêu tập những sức mạnh tôn giáo vừa được khơi động của hai bên để thực hiện các mưu đồ chính trị. Mặc dầu liên minh Smalkalde lúc đầu đã được hình thành để bênh vực các phần tử Tin Lành, nhưng vì có liên minh quân sự chống đối hoàng đế và những cuộc tiếp xúc với các cường quốc ngoài khu vực Ðức như Pháp, Anh và Danemark, liên minh có mầu sắc cách mệnh, chống đối hoàng đế và đế quốc. Chính vì để bênh vực ”tự do kiểu Ðức” và chống lối ”nô lệ Tây Ban Nha” mà Maurice de Saxe đã đứng lên chống đối hoàng đế. Những lý do tôn giáo lúc đó không còn rõ rệt nữa; chẳng qua đây chỉ là một lối huy động các lực lượng tôn giáo để thực hiện những đồ án chính trị rộng lớn đã không thành tựu vì ông chết sớm. Việc liên minh với nước Pháp Công Giáo đang bắt bớ người tin lành cho thấy là cả hai bên đều theo đuổi một đường lối khuếch trương chính trị mà không còn chú ý đến lý tưởng gì ngoài việc khai thác các sức đối lập tôn giáo. Cuộc bắt bớ người tin lành tại Pháp, ít là về phía triều đình, không có chút lý do tôn giáo nào. Ðây chỉ là một cuộc đấu tranh phe phái nhằm tận diệt phe đối lập, dưới mầu sắc tôn giáo để củng cố vương quốc chuyên chế. Vì vậy mà nhiều nhà lịch sử Pháp không dùng danh từ chiến tranh tôn giáo mà gọi nó là nội chiến. Bên Hòa Lan, chính việc hòa hợp giữa ý muốn tự do công dân và canh tân tôn giáo mà một số giá trị tôn giáo đã bị tiêu diệt trong cả nước. Sự chiến thắng của các lực lượng cách mệnh và các bạo lực của công tước Albe đã vào lịch sử không phải là vì nước ấy đã trở nên Tin Lành, nhưng là vị có ”ly khai Hòa lan”, tức là một biến cố chính trị. Chiến dịch khai trừ của Cromwel chống người công giáo tại Ái Nhĩ Lan, mặc dầu với những lý do thành thực tôn giáo như ”quan án tại Israel” cũng chỉ là để đánh đổ phe đối lập Irlando-gaélique, bắt họ thần phục quyền nước Anh.
Càng đi xa các nguồn gốc của cuộc Cải cách, càng thấy rõ sự trà trộn giữa quyền lợi tôn giáo và quyền lợi chính trị, và càng thêm hoang mang vì chính quyền quá lợi dụng tôn giáo. Như vậy là cuộc Cải cách đã gây ra những hậu quả xa như chính thể quân chủ tuyệt đối tại Tây Ban Nha và tại Pháp, chế độ tín ngưỡng chuyên chế tại Bavière và Áo, cũng như việc hình thành các chính phủ nhất là tại Hòa Lan và những nước Bắc âu, cùng là chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Anh quốc, hay là cuộc chiến tranh Ba mươi năm ngay tại Âu Châu.
I. CUỘC CHIẾN TRANH BA MƯƠI NĂM.
Lịch sử cuộc chiến tranh Ba mươi năm cần mấy lời mở đầu. Tình trạng phân tán đất đai, nhất là tại miền Nam nước Ðức làm cho nhiều tôn giáo đó đây sống trà trộn với nhau. Trên ngọn đồi nằm giữa sông Danube và Wornitz có Donauworth là thành phố Tin Lành, nhưng cũng ngay trong cửa sông lại có tu viện Heiligkreuz trực thuộc quyền hoàng đế; những làng mạc trong vùng đều là Công Giáo, và những cuộc rước xách họ tổ chức phải đi qua thành phố Tin Lành. Ngày lễ thánh Marcô năm 1606, những vụ lôi thôi làm xáo trộn cuộc rước đang đi ra từ tu viện. Hoàng đế giao cho Maximilien, công tước miền Bavière, nhiệm vụ bảo vệ người công giáo, và vì vậy thành phố bị đế quốc phỉ nhổ. Vì họ không nhận lỗi nên năm 1607 hoàng đế cho phép ông trưng dụng thành phố. Những biến cố này được đem ra tranh luận tại hội nghị Ratisbonne năm 1608, nhưng hội nghị đã giải tán mà không tìm được giải pháp thỏa đáng. Vì vậy mấy tuần lễ sau, vương tôn Tin Lành quận Palatinat là Frédéric IV gặp hoàng tử các quận Wurtemberg, Bade, Ansbach và Palatinat-Neubourg để ký với nhau một hiệp ước lấy tên là ”Liên bang Tin Lành”. Các quận Brandebourg, Hesse-Cassel và nhiều thành phố tự do khác cũng tham gia vào đấy; đến sau họ lại bắt liên lạc với nước Anh và Hòa lan. Liên bang biến thành một cơ quan hùng mạnh của phong trào cách mạng Calvin, thúc đẩy Công Giáo cũng thành lập ”đảng phản liên bang”. Năm sau Công Giáo lại thành lập tại Munich liên đoàn giữa các giám mục và giáo chủ tại miền Nam nước Ðức dưới quyền chủ tọa của công tước Bavière để bảo vệ hòa bình nội bộ và bênh đỡ đạo Công Giáo, đến sau một số người khác cũng ghi tên. Một hiệp ước tương tự cũng được ký với Tây Ban Nha. Cuộc đụng độ quân sự đầu tiên sắp xẩy ra tại hậu vực sông Rhin, nơi mà trước đây một thế hệ, trong trận chiến Cologne, người Bavière và Tây Ban Nha đã đánh bại quân đội của ông hoàng cử tri thời ấy là Gebhard đang được quân đội của các công hầu Palatin và Provinces-Unies yểm trợ. Nhưng một thỏa hiệp đã được ký kết về vụ thừa kế của Clèves và Juliers, và một lần nữa làm ngắt tiếng súng. Sức mạnh của liên minh đã giàn xếp xong việc thừa kế, và quyền hành Công Giáo của Palatinat-Neubourg đã lan tràn tới Dusseldorf. Dầu vậy, mối căng thẳng nguy hiểm vẫn còn tồn tại. Mấy năm sau cuộc xung đột lại bùng dậy.
Cuộc chiến tranh ba mươi năm đã diễn ra trong xứ Bohême, là miền bị xáo trộn bởi các ý thức hệ tôn giáo và chính trị. Hoàng đế Rodolphe II là người đã ban rất nhiều đặc ân cho Tin lành miền Bohême vừa thoái vị. Em của ông là Mathias lên kế vị (1612-1619) không có ý định tiếp tục các ân huệ của Rodolphe nữa. Thừa dịp xây cất các đền thờ Tin Lành trên lãnh thổ tu viện là việc nghịch với hiệp định năm 1609, ông cắt đứt các nhượng bộ trên kia. Hoàng đế ra lệnh đóng cửa các đền Tin Lành Braunau và Klostergrab và cho phá hủy đền Klostergrab mặc dầu Tin Lành phản kháng. Thế là cuộc nổi loạn xảy ra tại Prague năm 1618. Hai viên phụ tá của hoàng đế và các bí thư của họ bị xô khỏi cửa sổ đền vua, và một chính phủ lâm thời được thành lập tại Prague dưới quyền bá tước quận Thurn. Ðây cũng giống như cuộc ly khai Hòa Lan được diễn lại. Bá tước quận Thurn cầm đầu một đạo quân từ Bohême và Moravie tới, đã lên đường đi Vienne, và liên minh với các xứ Tin Lành miền thượng nước Áo và với hoàng tử xứ Transylvanie. Vào lúc đó thì Mathias băng hà; hồng y Klesl giữ thái độ chầm chừ đối với quân phiến loạn bị một nhóm quá khích Vienne bắt làm tù binh, và quận công Ferdinand de Styrie được suy tôn làm hoàng đế với tước hiệu là Ferdinand II, được miền Bavière ủng hộ khi ông từ Francfort về Vienne. Quân phiến loạn khước từ Ferdinand và nhờ sức nâng đỡ của liên hiệp, đã đặt ông hoàng cử tri là Frédéric V lên làm vua.
Quyền thế của nhà Habsbourg đùng một cái bị tiêu tan, chẳng những trong xứ Bohême, Moravie mà cũng tại Silésie và Lusace, tại Hung Gia Lợi và Áo. Nhưng Ferdinand chống cự mãnh liệt tại Vienne và được phe đồng minh là Tây Ban Nha, liên đoàn và nhất là được ông hoàng cử tri quận Saxe người phái Luther yểm hộ. Như vậy, nhờ có nhiều hậu thuẫn đàng sau, công tước Bavière khuất phục mau chóng được các chính phủ miền thượng nước Áo, trong khi đó thì tại miền hạ nước Áo, Hoàng đế bó buộc các người tin lành phải hủy bỏ hiệp ước với Bohême. Cuộc chiến thắng của Liên đoàn tại trận Montagne-Blanche, gần Prague, năm 1620 định đoạt số phận cho cuộc nổi loạn ở Bohême. Ông ”vua mùa đông” chạy trốn sang Hòa Lan; ông bị đi đày và quyền vương hầu được trao cho Maximilien de Bavière; thế là liên minh Tin Lành tan rã.
Nhưng chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Vài nhóm thân Frédéric vẫn còn tiếp tục chiến đấu. Khi họ bị Tilly là tổng tư lệnh của liên đoàn đánh bại trận (lúc này miền Heidelberg bị chinh phục và tủ sách trứ danh ”Palatine” được dâng cho giáo hoàng) thì lập trường chính trị của Pháp do Richelieu hướng dẫn tìm cách hãn ngữ thế lực của triều đình, và nhờ sự nâng đỡ của nước Anh và Provinces-Unies (1) đã khuất phục được vua nước Ðan mạch là công tước Holstein đem quân tham chiến. Nhưng Tilly đánh bại vua Ðan Mạch, và Albrecht von Wallesnstein là đại tá của phe hoàng tộc thắng bá tước Mansfeld là người liên minh với vua. Hai miền Schleswig-Holstein và Jutland bị chiếm cứ và nước Ðan Mạch phải chấp nhận ký hòa ước Lubeck (1629) khước từ các tòa giám mục miền hạ Saxe và cam kết sẽ không còn can thiệp vào các việc của đế quốc nữa.
II - PHẢN CẢI CÁCH DƯỚI ÐỞI HOÀNG ÐẾ FERDINAND II
Tình thế lúc này xem ra thuận tiện cho hoàng đế Ferdinand II là một người rất mộ đạo, nhưng đường lối chính trị của ông thiếu mạch lạc và nông cạn, chẳng những trong việc bênh đỡ quyền lợi của gia tộc mà cả trong việc bênh vực Công Giáo đang bị đe dọa. Vì tin rằng việc của ông là hợp lẽ công bằng nên ngay sau cuộc chiến thắng Montagne Blanche, ông cho thi hành công cuộc Phản Cải cách vào các lãnh địa hoàng tộc. Tại nước Bohême, các mục sư tin lành bị ông trục xuất, sinh viên các trường Luther bị thải hồi, người không công giáo không được giữ chức cao quyền trọng và tổng giám mục Prague được chính quyền trợ lực để thu hồi tài sản của Giáo Hội.. Tại miền thượng nước Áo, mục sư và giáo viên bị ép đi di cư (1624) và năm sau ai không trở lại đạo Công Giáo thì bị trục xuất. Sau khi cuộc nổi dậy của dân quê được các nhà quí tộc ủng hộ bị tàn sát trong xương máu, chính quyền coi các người quí tộc là nguy hại nên thu hồi quyền tự do giữ đạo của họ, tại thành phố Vienne và miền hạ nước Áo, tất cả các mục sư và các giáo viên bị trục xuất năm 1627; năm 1628, tại các miền Styrie và Carinthie, nhóm quí tộc Tin Lành bị cưỡng ép di cư. Hơn bảy trăm người quí tộc phải bỏ xứ sở; những người được ở lại thường là người công giáo xu thời.
Hoàng đế tin là đã đến lúc phải buộc người tin lành qui hồi luật pháp theo nguyên tự và các hòa ước hiện hành trong toàn thể đế quốc. Sau những chiến thắng của quân đội hoàng triều, nhiều giám mục mở cuộc tranh tụng để đòi lại những tài sản Giáo Hội đã mất. Họ được giáo triều Roma và sứ thần tòa thánh ủng hộ. Năm 1627, các vương hầu hội họp và trao cho hoàng đế quyền quyết định các vụ tranh tụng thu hồi đang được cứu xét; hơn nữa các cử tri Công Giáo đòi thu hồi trước tiên... tất cả các tổng giáo khu và các giáo khu, các tu viện Công Giáo đã bị cướp và phạm thánh từ hòa ước Passau và lời cam kết về hòa bình tôn giáo (2). Ðòi hỏi này cũng được cha Dòng Tên Lamormaini là cha linh hồn của hoàng đế ủng hộ. Ngày 6-3-1629, hoàng đế ban sắc chỉ gọi là ”Chỉ dụ phục hồi” để giải thích chính thức về nền hòa bình tôn giáo theo Ausbourg. Theo đó người công giáo có quyền đòi lại những của trước kia thuộc Giáo Hội nhưng đã bị chiếm cứ từ sau hòa ước Passau; tất cả các tòa giám mục, tu viện và cơ sở hiệp hội thuộc quyền trực tiếp của đế quốc đã bị Tin Lành chiếm giữ từ hòa ước Ausbourg, đều phải hoàn lại cho Công Giáo; quyền thu hồi vô hạn định (jus reformandi) phải được bảo đảm trong các nước Công Giáo, và, trái với Declaratio ferdinandea, những người tin lành lại mất quyền hưởng hòa bình tôn giáo. Các ủy viên chính phủ có lực lượng chính quyền hỗ trợ được phái đi với nhiệm vụ thi hành sắc chỉ trên. Mùa thu năm 1631, hai tòa tổng giám mục Magdebourg và Brême, năm tòa giám mục, hơn năm trăm nhà thờ và nhà dòng, chừng hai trăm nhà xứ ở các làng và các thành phố dưới quyền người tin lành được phục hồi. Thế lực Tin Lành Ðức hoàn toàn bị tiêu diệt.
Giáo triều Roma không nhìn nhận giá trị các hòa ước năm 1552 và 1555, không bao giờ chấp nhận trên nguyên tắc sắc chỉ năm 1629. Ngoài tình cảm riêng không mấy tốt đẹp của giáo hoàng Urbain (1623-1644) đối với nhà Habsbourg, giáo triều có vẻ lạnh nhạt với biện pháp liên kết Giáo Hội với chính quyền. Việc thận trọng đó đã được thể hiện khi hoàng đế có những thái độ phản Cải cách trong các lãnh vực hoàng tộc của nhà Habsbourg. Những biện pháp tháng 3 năm 1629 của Thánh bộ Truyền giáo có vẻ quan trọng hơn là việc trục xuất người tin lành; sứ thần tòa thánh tại Vienne chỉ dựa nguyên vào các sự việc xẩy ra trong các tổng giáo phận Ðức để giải thích luật trục xuất cho các hồng y bất khẳng. Các biện pháp ấy kêu gọi phải tôn trọng các qui luật trong việc nhậm chức tại tất cả các tòa giám mục và về luật cấm các sách nguy hiểm. Nếu cần phải phái đi một vị đặc sứ thì không phải là để thu hồi các tài sản của Giáo Hội mà là để chấn hưng lại đạo Công Giáo trong một miền rộng lớn (3).
Thật ra, đứng về mặt đế quốc thị sắc chỉ năm 1629 có thể hiểu được, nhưng đó là một lầm lẫn lớn về mặt chính trị: nó làm cho liên hội Công Giáo yếu dần; việc chiếm cứ các tòa giám mục miền Bắc Ðức là nguyên cớ cho việc cạnh tranh không mấy tốt đẹp giữa Ferdinand và Maximilien, và việc trả lại các tu viện đã sinh cớ tranh luận đáng tiếc giữa các cha Biển Ðức là chủ cũ và các cha Dòng Tên đang mong muốn được bồi thường để có tiền viện trợ cho các trường đang thiếu thốn trầm trọng; điều quan trọng hơn nữa là sắc chỉ gây dịp thuận tiện để Tin Lành xiết chặt hàng ngũ. Cả đến quận Saxe vốn trung thành với hoàng đế cũng bị đe dọa về quyền lợi.
Ðúng vào lúc đó thì liên minh cưỡng ép Wallenstein phải rút lui, và vua Thụy Ðiển là Gustave Adolphe, sau khi thắng Ba Lan và nước Nga, đã đổ bộ lên cửa sông Oder với 12.000 quân và mạnh dạn tuyên bố mình là vị cứu tinh của phe Tin Lành tại Ðức. Các vương hầu Ðức lúc đầu còn do dự và chờ đợi. Họ có lý để nghi ngờ là việc vua Thụy Ðiển vượt qua biển Baltique sang bên này không phải chỉ vì mục đích tôn giáo, nhưng nhất là vì lý do thực tế chính trị và kinh tế. Quyền bá chủ Thụy Ðiển tại miền Baltique không thể bị các chiến thắng của hoàng đế đe dọa mãi, và phía Bắc đế quốc giúp Thụy Ðiển, vì họ đã có quân đầu cầu tại Ðức, chẳng những để nới thêm thị trường thương mại, mà còn được quyền can thiệp vào nội bộ chính trị Trung Âu. Ðầu năm 1631, với hòa ước Barwalde, vua được nước Pháp hứa viện trợ trong cuộc chiến tranh với hoàng đế. Các tỉnh liên hiệp (Provinces unies) cũng ủng hộ vào đấy. Lúc đó Tilly, bất chấp ý kiến của các cố vấn của ông là những người am hiểu tình thế, dùng võ lực cưỡng bách phục hồi tài sản tại miền Trung nước Ðức. Thành phố Magdebourg bị bao vây, chờ Thụy Ðiển đến viện trợ; nhưng bị Tilly xung phong và bị tiêu rụi ngoài ý muốn của ông. Hai quận Saxe và Brandebourg liên kết với Gustave Adolphe đánh bại Tilly tại trận Breitenfeid. Cuộc chiến thắng của người Thụy Ðiển về phía Nam đình chỉ các vụ thu hồi tài sản, và những thắng lợi từ trước tới nay tại miền Bắc Ðức đã tan như mây khói. Các miền trong Liên minh bị vua nước Suède chi phối. Tilly bị tử thương, nước Bavière bị tàn phá, Munich bị chiếm đóng. Giáo triều Roma không khuyên dụ được nước Pháp bỏ chính sách ve vãn phe Tin Lành. Wallenstein, người được hoàng đế triệu hồi trong tình thế tuyệt vọng, đã ngăn cản các người Suédois chiếm cứ nước Áo, nhưng tại Lutzen ông không thắng nổi họ, mặc dầu Gustave Adolphe đã tử trận. Công tước Bernard de Weimar đứng đầu đạo binh Thụy Ðiển và thủ tướng Oxenstierna giữ bộ chiến tranh tâm lý. Ông này khuất phục được phe Tin Lành Ðức thừa nhận là nước Thụy Ðiển đứng đầu hiệp ước Heilbronn. Sau khi Wallenstein bị ám sát, quân đội của triều đình, gồm người Bavière và Tây Ban Nha tập trung với nhau và đánh bại người Thụy Ðiển ở Nordlingen (1634). Tháng 5 năm 1635, ông hoàng cử tri miền Saxe ký kết tại Prague một hòa ước riêng rẽ, theo đó, các tài sản của Giáo Hội lại trở về với qui chế năm 1627, và Chỉ dụ phục hồi được hoãn lại trong vòng bốn mươi năm. Ða số các nước Tin Lành đều chấp thuận hòa ước đó. Ðiều cốt tử là phe Công Giáo thành công vì nước Bavière được quyền đầu phiếu, điều đó sẽ tăng gấp số phiếu Công Giáo lên trong việc bầu cử hoàng đế lần sau, và bảo đảm những biện pháp phản Cải cách sẽ được hoàng đế ban hành trong các lãnh địa hoàng gia.
III. HÒA BÌNH WESTPHALIE
Mười một ngày trước khi ký hòa ước Prague, nước Pháp tuyên chiến với Tây Ban Nha. Ðó là bước đầu một cuộc tranh đấu giữa các cường quốc Công Giáo. Nước Pháp ra mặt liên minh với Thụy Ðiển và một số Tin Lành Ðức. Richelieu gửi Bernard de Weimar đi chiếm giữ Alsace, thúc đẩy người Hòa Lan đánh Bruxelles và tướng tin lành Rohan đánh thành Milan. Chiến tranh kéo dài mười ba năm, càng ngày càng biến thành một cảnh chết chóc, hỏa hoạn và tang thương. Quân đội hoàng đế vẫn giữ thế thủ. Các cố gắng của giáo hoàng nhằm đem lại hòa bình đều thất bại nhiều năm vì vấn đề tước vị. Hoàng đế và quân hoàng gia điều đình với nước Pháp từ năm 1644 tại Munster và với người Thụy Ðiển từ năm 1646 tại Osnabruch. Ngày 24-10-1648 hòa ước Westphalie ký tại hai thành phố trên chấm dứt chiến tranh Âu Châu.
Về phía Công Giáo, chỉ một mình nước Pháp đã nâng đỡ Tin Lành nắm phần thắng lợi. Nước Pháp vẫn giữ được các thành phố Metz, Toul và Verdun. Phe địch là đế quốc bị yếu nhược kinh khủng trong mấy chục năm. Các ”Tỉnh liên minh” được quốc tế nhận là độc lập, và cả một dải đất chạy dài, phía Nam từ cửa sông Schelde đến sông Meuse thuộc về Công Giáo. Thụy Ðiển có lợi nhiều nhất: chẳng những gồm miền Tây Poméranie, mà cả các tòa giám mục Brême và Verdun, và bởi vậy được một ghế tại nghị hội. Dưới danh nghĩa bồi thường, hai quận Mecklembourg và Brandebourg nhận các lãnh thổ giáo triều đã bị trần tục hóa. Ông hoàng Palatin nhận được quận Palatinat thuộc Rhénan và danh hiệu cử tri; nhưng quận Bavière nhận được miền thượng Palatinat là miền họ đã khôi phục lại đạo Công Giáo và được danh nghĩa là cử tri. Hơn nữa, một đại ân xá được ban ra và tình trạng phục hồi tài sản năm 1618 được bảo đảm. Sắc chỉ phục hồi đất đai được bãi bỏ và thay thế bằng ”một năm thường thái” (année normale) nghĩa là chiếu theo tình trạng năm 1624 (với miền Palatinat thì là tình trạng năm 1618) để định đoạt đâu là tài sản của Giáo Hội và việc thực hành tôn giáo tại những thành phố tự do của đế quốc. Các hòa ước ấy cũng đề cập đến các biện pháp chính trị thuần túy tôn giáo. Theo lời đề nghị của ông hoàng cử tri quận Brandebourg, các người phái Canvinit cũng được thừa hưởng những đặc ân về tự do tôn giáo; quyền Cải cách của các ông hoàng được thừa nhận, nhưng bị hạn chế bởi điều khoản của năm thường thái và bởi khoản qui định là việc cầu nguyện trong gia đình và việc viếng thăm các nhà thờ khác đạo không còn bị cấm nữa. Hơn nữa việc một ông hoàng phái Luther trở lại phái Calvin hay ngược lại không bắt buộc phải thay đổi qui chế tôn giáo trong nước ông. Năm mươi năm sau, khi nhiều vương hầu trở lại đạo Công Giáo, khoản luật trên cũng áp dụng cho người tin lành và công giáo. Như vậy khi các vương hầu xứ Hanovre, Saxe, Wurtemberg, Hesse và nhiều xứ khác đổi tôn giáo thì xứ sở của họ không có thay đổi gì trầm trọng, ngoại trừ mối bất tiện là họ trở thành những cộng đồng Công Giáo ly bạt bé nhỏ, sống vất vưởng giữa một thế giới không được thông cảm và bị hất hủi. Chỉ có các lãnh thổ hoàng triều mới khỏi phải theo luật lệ năm thường thái. Trong đế quốc, các vấn đề tôn giáo từ đây không bắt buộc phải được quyết định bởi luật đa số, mà chỉ cần sự thỏa thuận riêng biệt của hai cộng đồng Công Giáo và Tin Lành.
Trên thực tế, hòa ước Westphalie đã cứu vãn sự sống còn của đế quốc, tuy dù vị trí thể chế của hoàng đế có bị suy yếu vì các lãnh thổ có quyền tự do liên kết với nhau. Nhưng từ đây hòa ước làm cho đế quốc mất hẳn cái danh hiệu Công Giáo; nó bắt đế quốc phải đứng vào hàng ngang, bó buộc phải nhân nhượng và đối thoại. Ðối với Giáo Hội Công Giáo, những tòa giám mục tại miền Bắc và Trung Ðức, và đa số các nhà dòng và tu viện, nhất là tại quận Wurtemberg thì bị mất hẳn. Người ta hiểu vì sao giáo hoàng Innocent X, trong huấn dụ Zelus domus Dei (Nhiệt thành với Nhà Chúa) đã phản kháng những khoản chính trị, tôn giáo, năm tuần lễ sau khi ký hòa ước, và công bố là hòa ước không có công hiệu. Ðứng về phương diện giáo luật hiện hành từ trước tới nay trong đế quốc thì sự phản kháng này là dĩ nhiên, mặc dầu giáo triều biết nó sẽ vô hiệu quả. Nói tắt, hoàng đế hay Maximilien de Bavière hay các vương quốc tin lành Ðức đã thôi chiến đấu và nêu ra các yêu sách tôn giáo không phải vì thâm tín tôn giáo hay vì ích lợi chung, nhưng chỉ vì dân chúng đã kiệt quệ bởi chiến tranh và các binh sĩ đã tiêu hao sức lực. Giáo triều phản kháng không phải vì chém giết đã chấm rứt nhưng vì quyền lợi Công Giáo quá bị thương tổn. Nhà chép sử hiện đại có thể ngạc nhiên tại sao lúc này mới lên tiếng mà không phản kháng ngay khi ký hòa ước Ausbourg, là hòa ước chấp nhận lần đầu tiên cái nguyên tắc bình đẳng tín ngưỡng trong các vương quốc thuộc đế quốc (4). Sau này giáo hoàng Innocent XI sẽ phản đối một lần nữa, năm 1697 nhân dịp ký hòa ước tại Nimègue để củng cố các quyết định hòa ước Westphalie.
IV. KHÔI PHỤC CÔNG GIÁO TẠI BA LAN VÀ HUNG GIA LỢI.
Cuộc chiến ba mươi năm bận tâm dư luận quốc tế, nó thu hút các tài năng, và nghị lực đến nỗi phe Công Giáo chiếm lại được nước Ba Lan dưới danh nghĩa chiến tranh mà không ai bên ngoài đến can thiệp. Giáo hoàng chủng viện được lập tại Braunsberg dưới thời hồng y Hosius, và nhiều trường học Dòng Tên đã lôi cuốn chẳng những hàng giáo sĩ ưu tú, mà cả phái quí tộc mộ đạo. Trên phần đất thiêng liêng vững chãi này, công việc thừa sai của cha Dòng Tên Pierre Skarga (1536-1612) đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nhờ ảnh hưởng của vị này, nhà vua đã thực hiện được sự hợp nhất Ðức Tin trong nước. Nhờ đó, phái nghịch thuyết Ba Ngôi của Faust Sozzini người Ý đã lan tràn qua Ba Lan từ năm 1579 bị trục xuất năm 1658. Miền tây Ba Lan đã trở thành một xứ Công Giáo lớn chỉ trừ những lãnh địa công tước Sibérie là chia cách với khối các vương quốc Công Giáo lớn nhà Habsbourg.
Trái lại, trong nước Hung Gia Lợi, mặc dầu với sự hoạt động và cố gắng của hồng y Pazmany (1570-1637) tổng giám mục Gran người mới trở lại, và những đấng kế vị chỉ thành công một phần. Tại đây, Ferdinand II được bầu làm vua năm 1618, Tin Lành Calvin là Giáo Hội của phái quí tộc giống như ở Ba Lan, có thái độ rất thù nghịch với nhà Habsbourg và với người Ðức là những người theo phe Luther tại những thành phố Hung Gia Lợi. Ferdinand liên kết với các vương hầu tin lành Ðức xứ Transylvanie là những người được Thổ Nhĩ Kỳ che chở và Thụy Ðiển giúp đỡ, đã nhiều lần chỗi dậy chống Vienne. Vì vậy những hòa ước đều phải bảo đảm tự do tôn giáo cho Tin Lành. Nhưng nhờ sự khéo léo của tổng giám mục Gran là Pazmany, một số lớn trong các nhà quí phái miền Tây xứ này đã trở lại Công Giáo. Từ năm 1618 đa số các lãnh thổ vương hầu đều là Công Giáo. Theo gương Dòng Tên, Pazmany lập trường và chủng viện, trường Pazmaneum thành Vienne là chủng viện cho các linh mục Hung Gia Lợi và đại học Tyrnau sau này được chuyển sang Budapest. Ngoài ra còn phải kể đến những tác phẩm văn chương giá trị bằng tiếng Hung Gia Lợi do Pazmany soạn thảo, và nhiều công nghị. Mặc dầu vẫn còn tồn tại cộng đồng Tin Lành trong những thành phố và các làng lớn, các gia đình quí phái đã thành công trong việc phục hưng Công Giáo trong lãnh thổ của họ. Trái lại, vùng phía Ðông nước này, phái quí tộc Tin Lành rất thiết tha với độc lập của họ, chống lại nhà Habsbourg một cách mãnh liệt. Vùng này luôn luôn bị Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa và nhiều lần bị tàn phá, phần đông dân chúng sống trong tình trạng lãnh đạm thiêng liêng và dốt nát về tôn giáo.
V. CHỈ DỤ NANTES BỊ BÃI BỎ.
Nước Pháp cũng cần phải có một quyết định lâu dài về tôn giáo và chính trị. Chỉ dụ Nantes đã lỗi thời sau khi được tuyên bố vài chục năm. Dưới đời vua Henri IV và nhất là dưới đời vua kế vị ngài là Louis XIII, nước Pháp đã đi vào chính thể quân chủ chuyên chế và thống nhất, không thể chấp nhận tình trạng một chính phủ trong chính phủ (vì các tòa án hỗn hợp và 200 ghế bảo đảm an ninh dành cho cộng đồng Tin Lành nhiều quyền hành và thế lực). Lúc đó Tin Lành tưởng rằng Công Giáo sẽ yếu dần và họ mong càng ngày càng nhiều người theo Tin Lành hơn. Năm 1621 một trong những lãnh tụ của họ là Pierre du Moulin gửi thư cho vua nước Anh nói rằng tất cả các người tin lành Pháp đặc biệt tin tưởng vào vua. Bức thư đó rơi vào tay Louis XIII (5), thế là chính phủ bắt đầu ngờ vực Tin Lành. Sự ngờ vực đó phát xuất từ thái độ của Tin Lành về vụ ”xâm phạm Béarn” đó là danh từ họ dùng để chỉ ý định của vua trong Chỉ dụ Nantes: muốn vãn hồi trong quận Béarn nền phụng vụ Công Giáo đã bị bãi bỏ. Ðại hội Tin Lành tuyên bố tổ chức cuộc chống đối bằng vũ khí và sẽ ủng hộ cuộc nổi loạn chống Louis XIII. Vua trẻ tuổi đã dẹp tan được cuộc phiến loạn, tái thiết nền phụng tự Công Giáo tại miền Béarn, sáp nhập miền Béarn và Navarre vào lãnh thổ của hoàng triều và cho quân đội đến chiếm đóng. Ðể trả lời vua, đại hội Tin Lành tuyên bố lập một thứ cộng hòa liên bang kiểu các ”Tỉnh liên hiệp” (Provinces unies). Quân đội hoàng gia lại dẹp tan cuộc phiến loạn này. Tin Lành chỉ còn chống đối lẻ tẻ ở mấy nơi. Hòa ước (1622) xác định lại Chỉ dụ Nantes; nhưng những địa điểm hiểm yếu đã bị chiếm đóng không được trả lại cho Tin Lành. Uy thế chính trị của Tin Lành bị yếu đi cách trầm trọng.
Nhưng dưới quyền điều khiển của công tước Rohan, phái Calvin lại nổi dậy. Họ được nước Anh giúp. Nhưng lần này các vị mới lên cầm quyền quyết chí tận diệt Tin Lành. Hồng y Richelieu đứng đầu ban cố vấn triều đình từ năm 1624; nhân vật này có tâm hồn mờ ám; khi còn làm giám mục Lucon ông tỏ ra có Ðức Tin chân chính và sốt sắng lo mục vụ, sau ông ủng hộ phe Tin Lành tại Ðức, rồi đến các vua Ðan Mạch và Thụy Ðiển đang chống đối hoàng đế công giáo; trong nước thì ông lại mạt sát phe Tin Lành. Cố vấn ông là cha Joseph, một linh mục dòng Capucin rất nhiệt liệt trong việc truyền giáo mà cũng hăng say tranh thủ cho quyền bá chủ Pháp, trước kia ngài cũng tìm cách chiêu hồi các người tin lành. Bởi vậy chính Richelieu đứng ra điều khiển bao vây hải cảng binh bị La Rochelle. Ngài tổ chức việc đầu hàng thành phố này như một lễ tôn giáo lớn. Giáo hoàng Urbain VIII cho hát Te Deum tại Roma. Thế nhưng các người Pháp lại khôn khéo để người tin lành tiếp tục giữ đạo của họ sau khi họ bại trận. Nhưng tất cả những địa điểm hiểm yếu của họ đều bị chiếm đóng, và các đồn lũy bị giải tán (với sắc dụ Alès năm 1629). Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa biết là các đồng minh Tin Lành của Richelieu đã yểm hộ các người đồng đạo của họ.
Ðạo Tin Lành còn được dung thứ nửa thế kỷ nữa tại Pháp. Trong vòng mấy chục năm, họ mất hẳn sinh lực thiêng liêng, và cái ý thức mình là dân được lựa chọn. Họ cũng a dua theo nhóm nịnh bợ nhà vua. Phe chủ trương giáo thuyết Galican thắng thế, và án tử hình Charles I làm phai nhạt mối liên lạc với Anh quốc. Nền thần học của phái Tin Lành thiếu mạch lạc và thống nhất, nhưng lối giảng thuyết của họ vẫn giữ giọng điệu bài Công Giáo. Khi những phần tử ham đấu tranh thắng phe chủ trương thống nhất, mặc dầu nguyên soái De Turenne đã trở lại đạo Công Giáo, vua Louis XIV (1643-1715) dùng những biện pháp nghiêm thẳng hơn. Trong việc phân phối những ân huệ cho người tin lành, người ta theo đúng nguyên văn chỉ sắc Nantes, không hơn không kém. Tại các tỉnh, dân chúng và giáo sĩ hô hào bãi bỏ những quyền ưu tiên. Dân gian, chính phủ và triều đình đồng thanh theo một đường lối chính trị là làm sao cho nước Pháp nên hùng mạnh về hết mọi phương diện: chỉ có một vua, một luật, một đức tin. Một quĩ bảo trợ do giáo sĩ Pháp đảm nhiệm đã được thành lập từ năm 1630 để nâng đỡ các mục sư trở lại đạo Công Giáo. Theo lệnh vua năm 1682, quĩ này đã viện trợ tới 58.000 người. Hầu như có ý đổ tiền ra để mua chuộc người ta trở lại. Học viện Tin Lành Nimes bị giải tán. Ðược các cha Dòng Tên đang làm tuyên úy tại triều đình và nhờ lòng sốt sắng của bà De Maintenon nâng đỡ, các cố gắng để đi đến thống nhất tôn giáo được cổ võ trong bầu không khí tôn sùng đức vua đang nung nấu người tin lành cũng như dân công giáo. Thế nhưng, một đàng vua chủ trương theo tôn giáo mà chính Thiên Chúa muốn, đồng thời vua giữ vững lập trường chính trị Galican và chống đối Roma, và như vậy tôn giáo của vua không phải là tôn giáo của giáo hoàng.
Nói đúng ra, song song với nguyện vọng hợp nhất, người ta dần dà dùng võ lực để thực hiện thống nhất. Tại miền Poitou, người ta miễn cưỡng bắt các nhà dân phải cho binh lính trú ngụ. Giáo hoàng phản kháng các biện pháp đó. Những vụ nổi loạn địa phương bị thanh toán dễ dàng. Không bao lâu sau, nhiều nhà thờ Tin Lành bị phá hủy. Tiếp theo là những cuộc khủng bố đạo của long kỵ binh (lính đến đóng ở nhà thường dân). Các người tin lành càng thêm cố chấp. Giám mục Genève trong bản báo cáo gửi cho Thánh bộ Truyền giáo năm 1662 nói về các xứ đạo nói tiếng pháp của địa phận, ngài khai là các người tin lành uất ức vì mất các mục sư và nhà thờ đến nỗi để cho các trẻ con chết không chịu phép rửa tội còn hơn là đưa chúng đến với các linh mục (6). Nhưng các sự việc theo sở thích của vua tiến rất chậm. Trước những thành công rực rỡ của hoàng đế Léopold I và vua nước Ba Lan là những người đã chiến thắng thành Vienne, vua phải có một chiến công rực rỡ để tỏ ra ngài là một vua Công Giáo và nước Pháp là trưởng nữ của Giáo Hội. Vua cần làm cho người ta quên vụ xung đột với giáo hoàng bằng một hành động gây tiếng vang. Ngài phải tỏ ra mình là Công Giáo hơn cả giáo hoàng và hoàng đế. Lấy lẽ là đa số các người tin lành đã theo Ðức Tin Công Giáo và chỉ sắc Nantes. Các nhà thờ Tin Lành phải phá hủy ngay tức khắc, không được cử hành việc phụng tự nào trong các nhà tư gia hay trong các lâu đài. Các vị giảng thuyết Tin Lành trong vòng hai tuần lễ phải bỏ xứ sở. Các người nhận trở lại thì được trợ cấp để học một nghề mới. Các trẻ con bó buộc phải chịu phép rửa tội Công Giáo, trường tư thục bị cấm, không ai được phép bỏ xứ ra đi. Sắc dụ không nói một tiếng nào về các vụ kết hôn và tang chế của người tin lành; họ phải tuân giữ các điều qui định và tiếp tục nghề cũ tại các thành phố mà không được phép gây phản động. Một phần ba mục sư tin lành trở lại đạo Công Giáo, còn bao nhiêu thì đi tản cư. Những giáo dân nào bất khẳng thì bị đoàn ”thừa sai đi ủng” (missionnaires bottés) đàn áp và cưỡng ép phải vâng lời. Về sau có những biện pháp cấm họ hành một số nghề, các con cái của họ bị bắt và miễn cưỡng phải theo nền giáo dục Công Giáo. Tại những tỉnh dọc theo biên giới còn giữ được một nền độc lập tương đối trước chế độ chuyên chế của hoàng triều, thì người ta áp dụng những biện pháp bớt tàn nhẫn hơn: trả nhà thờ chính tòa Strasbourg lại cho Công Giáo, các cha Dòng Tên được hoạt động tông đồ, các người công giáo được ưu tiên trong ngành hành chánh. Trái lại, ngay từ năm sau, công tước Savoie cũng áp dụng việc triệt hồi chỉ sắc Nantes trong xứ của ông. Biện pháp này áp dụng nhiều hơn cho những phần tử còn lại của phái Vaudois; họ di tản hằng ngàn người đến miền Nam và Trung nước Ðức là những miền dân chúng đã bỏ đi trong vụ chiến tranh ba mươi năm, tức là miền Wurtemberg, Hesse-Cassel, và cho tới Brandebourg. Tại Pháp chỉ có những người ngoan cố mới bị đem đi đày; những người cao cấp được phép di tản. Nhưng trên 200.000 người tin lành - con số có thể co giãn nhiều - tức là một phần năm những tín hữu đã vượt qua biên giới bất kể lệnh cấm và những biện pháp canh phòng cẩn mật, hy vọng là sẽ trở về quê hương sau khi tình thế thay đổi. Họ mang theo tinh thần Pháp và những khả năng kinh tế của họ - đa số họ không đi tay trắng - tới những xứ đón tiếp họ; Thụy Sĩ Roman, miền Hesse và Brandebourg, là nơi họ tăng cường cho nhóm Calvin của triều đình, tới nước Ðan Mạch, và nhất là nước Anh và Hòa Lan. Tại Hòa Lan, họ hợp thành một cộng đoàn có tổ chức, và cùng với những người bản xứ lên đường đi đến thế giới mới, trong những thuộc địa Hòa Lan ở các tiểu bang New york và Virginie. Các ”Giáo Hội di tản” này vẫn ủng hộ những người còn ở lại quê hương, và chỉ vâng phục các chỉ thị theo bề ngoài thôi. Bỏ đạo không có nghĩa là trở lại; người ta giữ mùa Phục sinh vì miễn cưỡng. Các giám mục quá lạc quan. Mấy năm sau, số người rước lễ bớt đi một phần ba, người ta cho là những ”bổn đạo mới” này chỉ là những người công giáo ”hữu danh vô thực”, nhưng họ vẫn là Công Giáo; họ chiếm hai phần ba hoặc năm phần sáu các xứ đạo; họ không phải là Công Giáo thật, vì khi họ chịu các phép bí tích là họ phạm sự thánh. Hàng giáo sĩ không có một đường lối mục vụ thích ứng, các ngài có thể thắng lướt các trở ngại bên trong nếu chịu giáo dục các trẻ con từ trong gia đình. Cũng vì vậy mà các vị truyền giáo có hăng say mấy cũng không làm cho người ta trở lại từ thâm tâm. Qua mặt các linh mục công giáo, những nhà thuyết giáo Tin Lành lén lút lập ra các nhà nguyện để rửa tội cho các trẻ em tin lành và công bố sách thánh cho những người di tản, họ còn lén lút hội họp các tín hữu tin lành trong kho thóc hay giữa rừng cây. Như vậy, phong trào Tin Lành bí mật mỗi ngày thêm bành trướng, họ phản ảnh một tình trạng mà nhiều bản văn huyền bí gọi là ”Giáo Hội trong sa mạc” đã được Thiên Chúa dành cho một chỗ trong nước của Ngài, vào một thời kỳ nhất định (xem Kh 12,6), một Giáo Hội được củng cố về vật chất và tinh thần bởi các cộng đồng từ ngoại quốc tới, khả dĩ đương đầu với tất cả các gông cùm và cấm kỵ pháp lý. Sau cùng đã có những cuộc nổi loạn tại miền Cévennes trong thời kỳ chúng ta nghiên cứu; chúng bị dẹp tan trong máu lửa.
VI. TIN LÀNH ẨN TRỐN
Các nước Công Giáo, tuy đóng kín với bên ngoài về mặt tín ngưỡng, vẫn chấp chứa tại những tỉnh xa xôi hoặc ở miền rừng núi những cộng đồng Tin Lành quan trọng sống lẩn lút, rất hoạt động và có nhiều khả năng chống đối. Tình trạng này không phải chỉ riêng tại nước Pháp, ngay trong đế quốc của nhà Habsbourg cũng vậy: sau khi Ferdinand II và Ferdinand III đã khôi phục được đạo Công Giáo, Tin Lành không còn đại diện chính thức nữa, nhưng tại các thung lũng núi Alpes, còn sót lại những cộng đồng Tin Lành lẩn lút mà các ban kiểm soát để thu hồi không thể biết được. Một khi nhận diện ra họ, người ta cũng không dám áp dụng những phương pháp cứng rắn, vì sợ các nước đa số Tin Lành báo thù các người công giáo trong xứ họ. Trong nhiều năm người ta chỉ cố tìm gửi những thừa sai hoặc thiết lập các trung tâm truyền giáo tại những thung lũng hẻo lánh. Tuy nhiên, từ miền Salzkammergut cho đến miền Ðông Carinthie, người tin lành không có cộng đồng tổ chức, mà chỉ được người phái Luther từ Ðức tới thường xuyên để củng cố Ðức Tin cho họ. Lệnh trục xuất khỏi miền Ðông Tyrol năm 1684 do ông hoàng - giám mục Salzbourg cai quản cũng không tiêu trừ được các người tin lành ẩn trú. Tại miền này, các cha dòng Capucin khi điều tra về toàn thể dân chúng đã lấy làm bỡ ngỡ vì đa số những người sống tại miền Defereggental thuộc phái Luther. Khi tổng giám mục Salzbourg ra lệnh cho họ phải tuyên dương Ðức Tin Công Giáo hoặc rời bỏ xứ sở nội trong vòng 15 ngày, thì đã có hằng ngàn người vượt qua núi cao giữa mùa đông để đi đến với những người đồng đạo của họ bên Ðức. Khi áp đặt một thời hạn ngắn như thế, tổng giám mục chẳng những đã lỗi luật nhân đạo mà còn đi trái với hòa ước Wesphalie mà chính ngài không ký. Nhưng lệnh trục xuất năm 1684 chỉ là tiên báo cuộc di dân khổng lồ năm 1731 trong đó 20.000 người Salzbourgeois bỏ đi. Tại những miền thừa tự được, nhà Habsbourg giải quyết vấn đề bằng cách cho các người tin lành định cư tại miền Transylvanie đang có người tin lành ở. Việc Tin Lành có đại diện trong hội nghị chính trị không làm thay đổi tình thế. Mãi sau này mới tìm được một giải quyết nhân đạo, theo nghĩa kitô cho các hoàn cảnh mới.
VII. TINH THẦN ÐẠO ÐỨC CỦA PHÁP
Tại Pháp, sự hiện hữu của các người tin lành trên đất Pháp không phải chỉ là một vấn đề chính trị, đây còn là một khiêu gợi thường xuyên, một trở ngại lớn, một gương xấu cho những thành phần Công Giáo uyên thâm. Nó thúc đẩy các lực lượng thiêng liêng: cần phải dẹp yên Tin Lành. Ðối với những nhân vật sáng suốt nhất, điều cấp bách của thời đại là bác bỏ các lối tấn công trong những sách Tin Lành, và thắng vượt họ về đàng đạo đức hầu thu hồi người tin lành về Ðức Tin Công Giáo. Vì thế mà tại Pháp người ta chú trọng đặc biệt đến các vấn đề thần học và tôn giáo. Có rất nhiều sách về tu đức. Trong phạm vi ấy, nước Pháp mở rộng đón nhận các ảnh hưởng ngoại lai. Trong số 450 cuốn sách tu đức, chỉ có 60 cuốn là của bản xứ, chừng 100 cuốn dịch từ tiếng Ý và Tây Ban Nha, và gần 300 cuốn du nhập từ Rhénanie hoặc Flamande (7). Nhiều yếu tố, vay mượn trong cuốn Devotio moderna (Lòng sùng đạo hiện đại) hoặc trong khoa huyền bí Ðức đã gia nhập vào Pháp và được các tầng lớp xã hội hoan nghênh. Trong thế kỷ XVII các yếu tố ấy đã được hấp thụ và biến đổi bởi một số rất đông nhân vật phong phú về kiến thức tôn giáo và ân điển, họ gây ảnh hưởng sâu đậm trên thế hệ các giám mục thuộc triều đại Galican và các bề trên tu viện thông thái đạo hạnh. Họ giúp các ngài kiến tạo một nền tu đức vững chắc, khả dĩ biến thế kỷ này thành một thế kỷ lớn (Grand Siècle). Nhờ các giám mục nâng đỡ và nhờ dư luận quần chúng, nhóm Công Giáo ưu tú này trở nên thời danh về khoa sư phạm và hoạt động tông đồ, để họ truyền đạt lại những ý hệ cao thượng và kinh nghiệm cá nhân thâm thúy, thấm nhiễm tất cả vào đời sống hằng ngày của người Pháp. Khoa huyền bí của họ hàm chứa óc hoạt động với mục tiêu rõ rệt, chứ không hiếu động, vị họ có tư tưởng minh bạch và hướng đi cao thượng, thoát sinh từ chiều sâu của tâm hồn.
Muốn lĩnh hội thế nào là trường đạo đức của Pháp (École Francaise) (8), chúng ta cần phải đề cập đến một số nhân vật sống ngoài nước Pháp. Bởi vì nếu không có những người như Thérèse d'Avila hoặc như Philippe Néri, ta không thể thấu hiểu được những người như Bérulle, Francois de Salles và Vincent de Paul.
VIII. CÁC NHÀ TIÊN PHONG: THÉRÈSE D'AVILA, JEAN DE LA CROIX VÀ PHILIPPE NÉRI.
Tòa thẩm tra và vua Philippe II đã ngăn làn sóng Tin Lành tràn qua nước Tây Ban Nha: việc thành lập những cộng đồng tại Sévilla và Vallodolid thất bại vào năm 1557. Vụ tòa thẩm tra kiện tổng giám mục Tolède là Caranza đã gây ra nhiều hiểu lầm, nhiều vụ tấn công cá nhân và những rắc rối chính trị. Dầu vậy, việc Cải cách nội bộ Công Giáo vẫn tiếp tục và phát triển. Xuất thân từ một gia đình quí tộc xứ Castille, Thérèse ngay từ bé đã khám phá ra sự vinh quang của nước Thiên Chúa sáng lên trong thế kỷ những người đi chinh phục Châu Mỹ. Sau thời gian lâu dài sống tại gia và mấy năm phục vụ trong nhà dòng, Thérèse quyết tuyển đời sống chiêm niệm lúc 18 tuổi và từ đó nhiều lần chị được ơn thị kiến. Trong những lần gặp gỡ Thiên Chúa, chị kính cẩn tôn thờ Thiên Chúa hơn hẳn người Tây Ban Nha đối với vua Philippe II, chị nói với Chúa Kitô như vì Ngọc Hoàng, và chị được mối tình thiêng liêng nung nấu: có lần xuất thần, một Thiên Thần đã bắn mũi tên lửa vào trái tim chị. Khi tìm kiếm một đường hướng thiêng liêng thích hợp với quan niệm của chị, Thérèse nhận thấy giữa các cha dòng Carmes nhiều vì có tinh thần cao thượng. Một cha viện phụ tha thiết giới thiệu với chị một sinh viên trẻ muốn vào dòng Chartreux. Chị nói với người sinh viên về phương án cải tổ dòng. Người sinh viên ấy là Jean de la Croix, nhận trách nhiệm tổ chức ngành nam, còn Thérèse lo cho ngành nữ. Sau nhiều năm khó khăn, Jean de la Croix lập nhà dòng nhiệm nhặt đầu tiên, mở trường học và làm hiệu trưởng tại Alcala. Mấy chục năm sau bộ sách trứ danh Cursus Complutensis ra đời, đó là bộ sách gồm nhiều cuốn giải thích thuyết Aristote hoàn toàn theo tinh thần Thomiste. Năm 1580, giáo hoàng Grégoire XIII châu phê việc thành lập tỉnh dòng Carmes đi chân không, và họ chọn cha giám tỉnh riêng. Năm 1591 Jean de la Croix bị đại nghị dòng cách chức và sống ẩn dật như thầy dòng thường tại một nhà kín. Cha đã qua đời trong cùng cuối năm 1591. Còn Thérèse đã qua đời chín năm trước, trong một cuộc hành trình để tranh luận với nhiều nhân vật trứ danh thời ấy. Những thử thách kia chẳng qua chỉ là hiệu quả của một đường lối tu đức mới, được nung nấu trong chay tịnh, hãm mình và sống thinh lặng. Nhờ đấy, những tâm hồn quảng đại, giống như các vị thánh lập dòng, được chìm đắm trong linh thiêng. Cả hai vị đều là những thánh huyền bí: Thérèse đã vâng lời cha linh hướng ghi chép lại những ký ức thiêng liêng mà không lưu ý đến vẻ văn chương, như những cuốn Cuộc đời tôi, Sáng lập tu viện, Lâu đài linh hồn (Vie écrite par elle-même, Le Livre des Fondations, Le Chateau de l'Âme) và nhiều sách khác nữa. Còn Jean de la Croix, với tư cách là nhà thi sĩ đầy ân sủng, đã sưu tầm toàn thể nền giáo lý của ba hướng đi về Thiên Chúa. Ai đọc cuốn Ðêm tối (Nuit obscure) lập tức sẽ liên tưởng đến kinh nghiệm thần học của các giáo phụ Hy Lạp như Grégoire de Nysse, và sẽ ngạc nhiên khi thấy linh hồn đã lướt thắng những chướng ngại của tội nguyên tổ để được tắm gội ơn thiêng liêng từ tâm khảm. Linh đạo này khác xa môn huyền bí kitô của thánh Bernard và đường tu đức của thánh Francois d'Assise chủ trương tập trung vào Con Người - Thiên Chúa. Trước uy linh cao cả của Thiên Chúa, con người bị tiêu tan đi như trong ngọn lửa tình yêu. Thérèse và Jean de la Croix đã khuyếch trương môn thần bí của Dòng này và các cha dòng Kín đã làm cho nó thoát ra khỏi ranh giới tu viện và nước Tây Ban Nha.
Philippe Néri sinh ra cùng một năm với Thérèse (1515-1595) tại Florence, đã khởi xướng một tinh thần mới và chỉ hoạt động riêng tại Roma thôi. Ông từ bỏ gia tài lớn của một người chú và sống nghèo khó trong vòng mười sáu năm với người nghèo và bệnh hoạn: ban ngày săn sóc bệnh nhân, ban đêm cầu nguyện trong hầm mộ Saint-Sébastien. Ông chịu chức linh mục lúc ba mươi sáu tuổi theo lời khuyên của cha giải tội. Lúc đó ông đã gây một nhóm gồm mười lăm người, chuyên chủ giúp đỡ những người hành hương nghèo tại Roma, hội họp nhau thường xuyên để chịu các phép bí tích và khuyên bảo nhau đường lành. Năm thánh 1550 là năm cực nhọc nhất cho anh em trong hội, và cũng là năm làm cho họ nổi tiếng và được kính trọng. Sau khi chịu chức linh mục, Philippe vẫn sống nghèo khó, gắn bó với việc giải tội, làm cho nhiều tội nhân trở nên người mới. Ban chiều, ngài hội mấy người trong phòng và làm cho họ rất cảm động khi Ngài nói về Thiên Chúa. Dần dà một nhóm trẻ quây quần chung quanh ngài, trong đó có nhiều người trí thức. Vì phòng nhỏ quá nên người ta phải di cuộc hội đến một phòng lớn hơn để cầu nguyện và đặt nó là Nguyện đường. Nơi đây, sau khi đọc kinh và nghe sách thánh, hằng trăm giáo dân chăm chú nghe giảng thuyết, cắt khúc từng chỗ bằng những bài hát nhiều bè đã được soạn thảo theo thánh nhạc mới. Ðến sau người ta gọi thánh nhạc ấy là Oratorio. Suốt ba mươi năm, trong những buổi họp này, có ông Baronius là một trong những đồ đệ đầu tiên của Philippe, đến Roma học luật đã làm linh mục, giảng về Lịch Sử Giáo Hội. Cha đỡ đầu khuyên ông viết một cuốn Lịch Sử Giáo Hội lớn để đả kích cuốn Centeries, là cuốn sách Tin Lành mới được xuất bản tại Magdebourg. Song song với những buổi họp, Philippe dần dần tập cho dân Roma khám phá ra các di tích thiêng liêng kitô của Roma bằng cách tổ chức những cuộc hành hương tới bảy nhà thờ lớn trong thành phố, chẳng những có rất đông dân chúng mà cả các hồng y và các giáo hoàng cũng tới dự. Thánh Philippe Néri tự đồng hóa dễ dàng với các trẻ con, ngài vui lòng làm cố vấn cho các giáo hoàng mà không nhận một phẩm chức nào trong giáo triều. Khi Grégoire XIV gửi mũ hồng y cho ngài thì ngài lại trả về giáo hoàng ngay. Rốt cuộc, ngài nhận chịu trách nhiệm một nhà thờ và nhận điều khiển các linh mục tụ họp chung quanh ngài. Ngài cho phá nhà thờ cũ bé nhỏ đi và thay thế bằng một nhà thờ rộng lớn hơn gọi là Nuova Chiesa. Ngài theo gương Giáo Hội của những thế kỷ đầu tiên gặp thấy trong kinh thành thánh và tiêm nhiểm cho cộng đồng cái lý tưởng là không trở nên một Hội Dòng theo nghĩa pháp luật. Các linh mục thuộc 'Hội Cầu Nguyện' không có lời khấn nào cả; tình tương thân tương ái là dây ràng buộc các phần tử; giống như trong những xứ đạo đầu tiên, các ngài để của chung phục vụ cộng đồng. Lúc vị sáng lập tu hội qua đời, hội không có hình thức pháp lý nào khác là mọi phần tử đồng thanh nhận những nguyên tắc trên. Sau này các qui chế mới được giáo hoàng châu phê năm 1612.
IX - THÁNH FRANCOIS DE SALES
Thánh Francois (1567-1622) mà chúng ta đã biết khi nói về những hoạt động thừa sai và giám mục của ngài trong xứ Chablais, là một nhân vật quan trọng của ngành tu đức học thế kỷ XVII. Do một sự tương hệ giữa hai thánh nhân. Francois thấu hiểu khoa tu đức của Thérèse d'Avila, đến nỗi thời bấy giờ, ngài được gọi là tác giả số một về thánh Thérèse (9). Khi có dịp lên Paris, ngài đã làm quen với Bérulle và Vincent de Paul. Là giám mục, ngài theo gương thánh Charles Boromée (Milan), chỉ khác một điều là ngài coi ích lợi các linh hồn quan trọng hơn vấn đề hành chánh. Ngài cũng lập chủng viện đào tạo linh mục. Nhưng Ngài chú trọng đến việc phổ biến những lý tưởng mới trong xã hội người sang trọng hơn là trong giới linh mục, Ngài quả quyết rằng tình yêu Chúa có thể được thực hiện chẳng những trong đời sống tận hiến (linh mục và tu sĩ) mà còn cả trong đời sống bình thường và nghề nghiệp của giáo dân, vì đó là xu hướng tự nhiên của con người. Phương pháp đặc biệt là không bắt buộc, nhưng thuyết phục, đào sâu và bỏ xa những gì là luật lệ khô khan, nhạt nhẽo. Mục đích ngài là phát triển một lòng đạo đức chân thật, dựa vào đời sống Chúa Kitô, không dính dáng gì đến giai cấp xã hội, nhưng luôn luôn phải điều hòa giữa thái độ nội tâm và thái độ bề ngoài, một ”đời sống sốt sắng” thật mà người giáo dân phải có. Quyển ”Nhập môn đời sống đạo đức” (Introduction à la vie dévote) được tái bản 40 lần tại Pháp. Ðó là chưa kể đến những bản dịch sau này. Với nụ cười, thánh nhân đã thuyết phục bao nhiêu người thiện chí, và do đó đã đem vào đời sống thường nhật những giá trị Kitô giáo và đã góp phần vào công trình đào tạo một nền tu đức đang bắt đầu. Thuyết nhân bản của thánh nhân thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, vì không bao giờ ngài giảm bớt lề luật và khuynh hướng qui thần luận (được Thiên Chúa làm trung gian) của luật. Trong thời thịnh hành của Tin Lành Calvin, ngài đã viết: ”Lạy Chúa, nếu thời sau, con không được mến thương Chúa, xin Chúa ban cho con trong đời này, ơn mến Chúa từng giây từng phút”. Xuất bản cuốn ”Nhập môn đời sống đạo đức” được bảy năm, thánh nhân lại ra quyển ”Khảo luận tình yêu Thiên Chúa” (Traité de l'amour de Dieu). Quyền tối thượng tình yêu Thiên Chúa trong đời sống thường nhật, tình yêu được coi như yếu tố quyết định đời sống tôn giáo trong việc hợp nhất với Thiên Chúa, được trình bày với lời văn điêu luyện có thể gọi là tiếng Pháp cổ điển. Ðối với giám mục Genève, cân nhắc ý tưởng và diễn đạt văn hoa là hai quy luật phải theo..
Sách này được tặng cho một góa phụ, con thiêng liêng của ngài là bà Jeanne Francoise de Chantal. Sau khi đã lo xong xuôi cho 4 người con, bà cộng tác với Francois de Sales lập một dòng mới, là dòng “Thăm Viếng” (Visitandines). Nữ tu ”Thăm Viếng” có mục đích thương giúp tha nhân theo guơng mẫu Mẹ Thiên Chúa: đi viếng thăm người nghèo và kẻ bệnh hoạn, bình dị và không có áo dòng riêng biệt. Nhưng đức tổng giám mục Lyon xin Roma chấp nhận như một dòng và bắt buộc luật cấm. Về sau dòng chuyên việc giáo dục nữ sinh thuộc các gia đình quí phái trong nhiều ký túc xá. Cùng một lúc, dòng vừa tham gia sinh hoạt mục vụ theo tinh thần thánh Francois de Sales vừa sống đời chiêm niệm theo linh đạo của thánh Thérèse d'Avila. Về mục vụ, các nữ tu Thăm Viếng tự dấn thân lo cho người già cả và tiếp đón các góa phụ. Hoạt động này tạo nên nhiều cảm tình trong dân chúng và thể hiện lý tưởng nhân bản của cha Francois de Sales.
Hơn thế, ngay từ phòng khách, các nữ tu Camêlô và Thăm Viếng đã gây nên một ảnh hưởng đạo đức mới. Ảnh hưởng này còn tràn ngập các phòng tiếp khách của cung điện và của giới thượng lưu Paris. Người ta họp mặt, viếng thăm nhau theo một kiểu sống mới, thật đạo đức và tương trợ, đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều nhóm người quý phái và trí thức tại Pháp.
X. PIERRE DE BÉRULLE
Năm 1613, một năm sau khi đã thừa nhận hội Oratoire Ý, đức Paul V cũng thừa nhận luôn hội Oratoire Chúa Giêsu Kitô do hồng y de Bérulle (1578-1629) sáng lập, vì hội Oratoire chính là một phương pháp thánh hóa đời sống linh mục. Nhờ ảnh hưởng các nhà tu đức lúc ngài còn trong tuổi trẻ và tự tập luyện tu đức trong chiều hướng Kitô, cùng với đời sống suy niệm sốt sắng, Bérulle coi Mầu Nhiệm Nhập Thể là trung tâm và là nguồn gốc của việc sống đạo. Vì do Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa Kitô là Thày Cả Tối Cao, là Tôi Tớ duy nhất được lòng Thiên Chúa và có khả năng dâng lên Ngài mọi lời nguyện xin và một lòng mến thương vô tận, đã nên gương mẫu cho các linh mục, con người hèn mọn trong tay Thiên Chúa, vừa được Chúa yêu thương hết mức vừa được yêu mến Chúa hết lòng. Bérulle từ bỏ tiền của dư dật do dòng dõi quý phái đem lại, và hiến đời sống vào công việc đem người tin lành trở lại đạo Chúa. Vì những buổi tranh luận không đem lại kết quả bao nhiêu, nên người hiểu rằng thảo luận không có sức thắng nổi lạc giáo, mà chính là sự thánh thiện của Giáo Hội, và nhất là đời sống thánh thiện của linh mục. Việc hãm mình đền tội làm cho con người được sáp nhập vào Thiên Chúa, vì vậy linh mục phải trở nên dụng cụ trực tiếp của Con Thiên Chúa và hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Linh mục không có nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ đem Thiên Chúa vào quả tim con người. Thờ lạy cung kính sự huy hoàng và tình thương Con Thiên Chúa, suy ngắm về những tâm trạng của Chúa Kitô, là việc quan trọng hơn việc linh hướng hay lòng đạo đức thường. Lý tưởng tư tế là ”Tông Ðồ Ngôi lời Nhập Thể” (theo danh từ đức Urbain VIII tặng cho ngài) của người sống trong hội Oratoire khác hẳn với quan niệm thông thường cho rằng bổng lộc Giáo Hội ban là điều kiện cốt yếu. Lý tưởng tư tế không đứng trong cấp bậc do vua tăng thưởng, mà ở trong sự kết hợp với Thầy Cả Thiên Chúa Tối Cao và cộng tác với Ngài. Trong tinh thần đó năm 1604 Bérulle sáng lập và điều khiển dòng mới Carmêlô đi chân không, và nỗ lực vận động để giúp các cha Dòng Tên được phục quyền sau khi đã bị trục xuất ra khỏi nước. Tới năm 1611 ngài còn thiết lập một cộng đoàn linh mục sống theo tinh thần Oratoire: chúng tôi sống trong tinh thần hơn là theo luật lệ (Sed vivimus moribus no legibus) (10). Mục đích của cộng đoàn này là giáo dục thanh niên. Nhưng thật sự mọi cố gắng đều hướng về đời sống trọn lành của linh mục trong tinh thần Giáo Hội và dưới quyền giám mục. Thế là những quyết định của công đồng Trente được đem ra thực hành trước khi được công nhận chính thức. Khi Bérulle qua đời, hội Oratoire thành lập năm 1611, có 61 nhà tập trung vào một quyền điều khiển. Lý tưởng mới của linh mục đáp ứng nguyện vọng của các thành phần ưu tú. Một thế hệ linh mục mới đang sống và cố gắng tự thánh hóa mà không sao nhãng nghi lễ phụng vụ, trau dồi kiến thức, đặc biệt về Thánh Kinh và Giáo Phụ.
XI. CHARLES DE CONDREN VÀ JEAN JACQUES OLIER.
Charles de Condren (1588-1641) nối nghiệp Bérulle trong chức vị tổng quyền hội Oratoire. Cũng là một nhà quý phái, từ bỏ sự nghiệp quân binh hồi 29 tuổi để nhập hội Oratoire và thành công rực rỡ trong môn thần học. Là bạn cố tri và là cha giải tội của de Bérulle, de Condren cùng có một lý tưởng và cùng theo một tinh thần như de Bérulle. Xuất sắc hơn thày về thần học hệ thống, nhưng thua kém thầy về tài năng tổ chức, de Condren suy nghĩ sâu sắc về lý tưởng linh mục. Cụ thể, ngài quy hướng đời sống linh mục vào trung điểm đạo đức là phép Thánh Thể và hết sức đào tạo họ thành những linh mục có khả năng trí thức và có đời sống thiêng liêng dồi dào.
Năm 1640 Condren giao công việc đào tạo này cho một thanh niên 20 tuổi, tên là Jean Jacques Olier. Tuy không phải là thành phần Oratoire, ông theo lý tưởng của Hội và gây nhiều thành công rực rỡ cho Giáo Hội Pháp. Olier có tài thực tế hóa tư tưởng trừu tượng của Bérulle và nhờ đó giới trung lưu cũng hiểu được dễ hơn. Olier chẳng những là một nhà thần học sâu sắc mà còn là một nhân vật thực tế, rất ưu tú về việc truyền đạo, nhất là sau khi đã trở lại. Ông quen Vincent de Paul và tham dự nhiều buổi cấm phòng bình dân do Vincent de Paul tổ chức. Năm 1641 dưới sự thúc dục của de Condren, Olier lập một chủng viện gần Paris và sau này đi vào chính Paris, khi Olier nhận làm cha sở giáo xứ Saint Sulpice. Cộng đoàn linh mục này là một gia đình trẻ tất cả đều sốt sắng và hăng say trong công việc đào luyện. Tham vọng của Olier rất lớn: ”Xin Chúa quan phòng giúp đỡ hầu chủng viện này thành một chủng viện đại đồng cho Giáo Hội, hay ít ra thành chủng viện mẫu mực cho mọi giáo phận, mọi miền và mọi quốc gia” (11). Như Bérulle mong ước, chớ gì các anh em đều có khả năng đệ trình lên đại học Sorbonne những nguyên tắc Kitô giáo; chớ gì Kitô giáo được sớm canh tân đi gặp gỡ khoa học và những căn bản hoàn thiện hoàn mỹ của Giáo Hội Công Giáo được đại học Sorbonne đón nhận. Tư tưởng của Olier và của de Condren giống nhau vì cả hai đều có tính cách quí tộc và chủ trương tôn ti trật tự. Cả hai đều tin là sự thánh thiện ở trong việc hợp tác với giám mục thủ lãnh như Chúa Giêsu kết hợp với Chúa Cha. Cũng theo hai vị, lá thơ thứ nhất của thánh Phêrô không được hiểu về chức tư tế phổ biến của giáo dân mà là chỉ hiểu về chức thánh toàn vẹn dành cho các giám mục. Trong chủng viện này, hình thành ”một bộ lạc thánh thiện”, dĩ nhiên trong tinh thần khắc kỷ nội tâm và hoàn toàn hướng về sự kết hợp chặt chẽ với đời sống thiết nghĩa và chức linh mục thần linh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên tư tưởng của Olier không hạn hẹp vào danh giới của một giáo phận. Chủng viện này được miễn trừ mọi thuế má nên có khả năng phát triển và cung cấp cho mọi giáo phận số linh mục cần thiết. Olier là người đau yếu đã khước từ chức giám mục nhiều lần để rảnh tay lập nhiều chủng viện khác tại nước Pháp. Ngay năm 1657 là năm ngài tạ thế, ngài còn gởi linh mục Saint Sulpice qua Montréal (Canada). Theo nhận định của Fénelon, cộng đoàn Saint Sulpice là ”nguồn ơn thánh cho hàng giáo sĩ” (12), được chuyển thành một tu hội không có lời khấn, đặt nền tảng trên sự tự do tình nguyện của mỗi thành phần và vẫn giữ quyền sở hữu cá nhân. Nhưng tu hội vẫn có một vị tổng quản mãn đời săn sóc của chung trong tinh thần khó nghèo. Saint Sulpice là một hình thức tốt đẹp nhất của sự canh tân do cộng đồng Trente ao ước cho các chủng viện. Và mặc dầu phải trải qua thời cách mạng, hội Saint Sulpice vẫn là nơi đào tạo các giám mục Pháp.
XII THÁNH JEAN EUDES.
Với Bérulle, Condren, Olier, thánh Jean Eudes (1601-1680) là trục thứ tư của Tứ Trụ trường phái tu đức Pháp. Ngài là người xứ Normandie và do hội Oratoire đào tạo tại Paris. Một tiếng gọi từ bên trong soi sáng nên ngài đã từ giã đời sống cộng đoàn yên tịnh đi tổ chức những buổi tĩnh tâm bình dân và được nhiều linh mục tình nguyện theo giúp nên đã có nhiều kết quả tốt đẹp. Ðể duy trì lâu dài kết quả này, ngài thấy cần phải lập một chủng viện chuẩn bị chủng sinh cho nhiệm vụ tương lai của mình. Theo gương các dòng tu, vì hàng giáo sĩ cũng là một dòng tu cao quý nhất, bắt buộc phải lập một nhà tập. Hội Oratoire từ chối công việc này, Jean Eudes nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của Richelieu và Louis XIII lập một nhà riêng trong thành phố Caen là nơi ngài đã điều khiển một nhà hội Oratoire. Tu viện này huấn luyện thi hành nhiệm vụ tương lai bằng một đời sống thiêng liêng và khổ hạnh. Những chủng viện này khác với cộng đoàn Oratoire, vì có tính cách thực tế hơn. Ðược Roma chấp nhận mà không phải gặp khó khăn nào, Jean Eudes lập dòng Giêsu Maria để huấn luyện chủng sinh trong mùa đông và tập tổ chức những cuộc tĩnh tâm bình dân trong mùa hè. Như Saint Sulpice sai chủng sinh đi dạy giáo lý trong xứ đạo, dòng Eudiste cũng gởi thừa sai đi khắp xứ Normandie và Bretagne thực hành những điều đã được học. Nội quy dòng này theo rất nhiều luật lệ hội Oratoire. Dòng vâng phục hoàn toàn quyền giám mục trong việc thành lập chủng viện (tất cả 17). Mục đích chủng viện này không phải để đào tạo những bậc trí thức cho giáo sĩ. Ngoài kinh nguyện, suy gẫm và học những nghi lễ tôn giáo, tập hát, học thần học luân lý, dạy giáo lý, giảng và học thánh kinh, chủng sinh nào có khả năng và ơn Chúa, học thêm khoa hùng biện, lịch sử công đồng, lịch sử Giáo Hội và triết học kinh viện. Jean Eudes có trau dồi cho các tu sĩ lòng yêu mến Giáo Hội một cách đặc biệt, cung kính và vâng lời tuyệt đối đức giáo hoàng và giám mục địa phận, nhất là có một quan niệm sâu sắc về chức linh mục của mình. Ngài dạy: trong Giáo Hội Công Giáo chỉ có một chức linh mục duy nhất, một linh mục tối cao chính là Ðức Giêsu Kitô, vì các linh mục đều làm một với Chúa Giêsu (Alter Christus); và nhờ chức linh mục của Chúa, và nhờ Máu Thánh Người, họ chỉ làm linh mục với Chúa. Còn về tình thương của Chúa mà từ đó ân sủng tràn xuống trong mọi hình thức, Jean Eudes không thấy tiêu biểu nào toàn hảo hơn hai quả tim của Giêsu và Mẹ Maria. Ngài dồn hết tâm sức và lòng sốt sắng truyền bá việc sùng kính Hai Trái Tim giữa các linh mục và giáo dân. Chỉ vài năm sau, sự sùng kính này được phê chuẩn, nhờ những lần Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra với nữ tu Marguerite Marie Alacoque, dòng Thăm Viếng tại thành phố Paray le Monial. Cho dù Giáo Hội rất dè dặt về những hình thức sùng kính mới lạ, như năm 1704 Giáo Hội đã ”cấm” đọc tác phẩm của Jean Croiset nói về sự tôn sùng Thánh Tâm, việc tôn sùng này đã lan tràn mau lẹ và cuối cùng lại được Giáo Hội nhiệt liệt khuyến khích.
XIII. ÔNG VINCENT.
Cảnh khốn cùng thiêng liêng dưới nhiều hình thức, sự dốt nát thật kinh khủng của dân chúng, đời sống và công việc của linh mục quá máy móc, thụ động và nguội lạnh đến nỗi nhiều tâm hồn sốt sắng thấy cần phải thay đổi tận căn và thực thi nhiều sáng kiến ”tông đồ bác ái” hầu đổi mới tình thế. Vincent de Paul (1581-1660) là một trong những tâm hồn đặc biệt này. Với một ý thức cởi mở đón nhận những tư tưởng và hoạt động mới, ngài đã tỏ ra là một thiên tài lỗi lạc để thích ứng với mọi nhu cầu một cách rất khôn ngoan. Xuất thân từ một gia đình thôn quê miền Tây Nam nước Pháp, ngài chịu ảnh hưởng sáng chói của Bérulle. Nhờ sự che chở này, ngài được cai quản một xứ trong vùng tiếp cận Paris, rồi làm thái phó trong gia đình ông Gondi, trông coi các du thuyền của vua chúa, làm tuyên úy các thủy thủ. Công việc phó xứ tại miền quê đã mang lại cho ngài rất nhiều kinh nghiệm mục vụ đối với đám dân nghèo khổ, xiêu bạt và thất thế.
Năm 1617, ngài tập họp và phác họa một qui chế cho những ”bà bác ái” những ”nữ tì của dân nghèo” để họ phục vụ người khổ cực và săn sóc đời sống thiêng liêng của họ. Năm 1625, ngài lập một hội nam song song với hội nữ, gọi là ”Hội thừa sai” với chủ đích truyền giáo cho dân đồng quê. Trong hàng giáo sĩ trẻ của nước Pháp thời đó, rất nhiều tâm hồn nhiệt huyết tình nguyện gia nhập hội mới này. Viện trưởng Saint Lazare dành cho ngài quyền xử dụng cơ nghiệp của ông. Do đó thành phần trong hội mang tên là Lazaristes. Lúc đầu hội chỉ là một nhóm linh mục triều khấn hứa sống bền đỗ. Năm 1651 ba lời khấn thường lệ được thêm dưới hình thức đơn giản và riêng tư, nhiệm vụ chính là giảng các buổi tĩnh tâm. Dần dần, ảnh hưởng tràn ra ngoài nước Pháp. Họ sang Irlande giảng cho những người công giáo đang bị áp bức, và năm 1648 họ sang đảo Madagascar. Nhưng nếu không có một hàng giáo sĩ sốt sắng coi xứ thì không tài nào duy trì được những kết quả tốt đẹp của cuộc tĩnh tâm. Năm 1626 ngài áp dụng lần đầu tiên những buổi tĩnh tâm riêng cho những giáo sĩ sắp chịu chức. Khi tổng giám mục Paris giao quyền cho cha Vincent xử dụng tu viện Saint Lazare, ngài buộc Vincent tiếp nhận miễn phí trong hai tuần những vị sắp chịu chức, với sự tài trợ của giới quý phái giàu có. Bossuet, nhà hùng biện trứ danh và Abbé Rancé đấng sáng lập dòng khổ tu La Trappe đều được thụ hưởng cuộc tĩnh tâm này. Chương trình rất giản dị và mọi chi tiết được sắp đặt kỹ lưỡng: ban sáng nói về thần học luân lý, buổi chiều đề cập đến những đòi hỏi trong giới giáo sĩ, nhân đức giáo sĩ, nhiệm vụ và công việc hằng ngày. Sinh hoạt trong bầu khí tự do và thoải mái: kết quả rất tốt. Cha Vincent dành những ”buổi nói chuyện ngày thứ ba” về đời sống tu đức, nhiều linh mục đến tham dự sốt sáng. Thấy vậy, ngài nghĩ: phải lập chủng viện để đào tạo trong một hai năm những ai sắp chịu chức, hầu dạy họ tự thánh hóa và dìu dắt các linh hồn. Yểm trợ chương trình này, đức hồng y Richelieu ban cho cha Vincent 1.000 đồng vàng (éco) để đón nhận những người đầu tiên. Tại đây, trong chiều hướng huấn luyện các linh mục ”thừa sai”, việc trau dồi đời sống nội tâm chiếm phần chính. Cha Vincent không xem trí thức là điều kiện cần thiết tuyệt đối trong đời sống thiêng liêng. Nhưng ngài khuyến khích phải học hỏi làm sao cho tình thương yêu được phát triển đồng nhịp với khả năng trí thức, đúng như đường hướng của cha Bérulle. Trong sáu mươi năm, ba mươi giám mục đã xin cha Vincent và đồ đệ của ngài giúp thiết lập chủng viện trong các giáo phận. Một phần lớn giáo sĩ Pháp trong việc mục vụ hằng ngày đã chứng minh giá trị và sự phong phú trong các nguyên tắc căn bản của nhà giáo dục trứ danh này; như vậy cha Vincent đáng liệt vào danh sách những vị dẫn đàng thiêng liêng tên tuổi thời ấy, như cha Francois de Sales, cha Olier và mấy vị khác.
Ngài cộng tác vào chương trình giúp đỡ giáo sĩ bằng chín năm hiện diện trong Hội Ðồng Giáo Sĩ. Trong cơ quan này, cha Vincent chuyên nghiên cứu khía cạnh tôn giáo trong mỗi dịch vụ, nhất là trong việc tuyển chọn giám mục. Vì theo thỏa ước, việc bổ nhiệm giám mục do nhà vua đề nghị, cha Vincent chỉ phẩm định về đời sống đạo hạnh. Và ngài đã chọn hai mươi hai vị mà ngài từng quen biết và quý trọng ngay khi họ còn ở chủng viện hoặc trong những buổi ”nói chuyện ngày thứ ba”. Theo ngài, giám mục là một người cha và một mục tử chớ không phải một vinh dự thế gian hay một buớc tiến trên đường danh vọng và sự nghiệp trần thế. Ðó cũng là ý kiến của hồng y bộ trưởng Mazarin. Cha Vincent thường xuyên liên lạc với các giám mục mới được tấn phong bằng thơ từ để giúp họ xa tránh thuyết Janséniste. Phải thú nhận, sự theo dõi này không mấy thành công và mọi liên lạc bị giảm bớt dần...
Công trình của cha Vincent đối với giáo sĩ và giám mục chỉ hãn ngữ trong nước Pháp. Trái lại, công việc sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái ảnh hưởng đến cả thế giới. Từ bao nhiêu năm, dưới sự hướng dẫn của cha Vincent, bà quả phụ giàu có Louise de Marillac đã săn sóc rất nhiều người nghèo khổ và bệnh tật. Bà đến săn sóc họ trong những túp liều tranh, đó là điều gai mắt đối với các bà quý phái. Nhưng vào lúc ấy nhiều thanh nữ thôn quê lên Paris và tự nguyện dấn thân vào công việc từ thiện này. Chưa có tổ chức gì chính thức. Mãi tới năm 1634, Louise de Marillac mới khấn ”trọn đời giúp giới nghèo và người bệnh tật” và tu hội mới được đức tổng giám mục Paris chấp nhận. Nhiệm vụ tông đồ xã hội này là nhu cầu tức thời và đặt dưới quyền điều khiển của hội thừa sai Lazaristes. Tổ chức này là một táo bạo kinh khủng: các nữ tu không ở trong dòng nhưng ở tại giáo xứ họ đang làm việc. Là tu sĩ nhưng họ có quyền tự do đi lại tùy theo nhu cầu và tu phục thích ứng theo từng địa phương, họ sống không có nội cấm. Bao nhiêu dòng nữ trước đây đã gặp nhiều cản trở, buộc phải giải tán hoặc thay đổi luật. Dòng Thăm Viếng phải nhận luật nội cấm trái với ý hướng của thánh Chantal; dòng Ursulines phải trở về luật dòng bình thường và dòng Dames Anglaises của Mary Word bị giải tán. Nhưng nếu Nữ Tử Bác Ái phải chịu luật nội cấm thì làm sao phụng sự hữu hiệu giới nghèo? Với mục đích lý tưởng tu đức, làm việc thiện, săn sóc kẻ bệnh hoạn, giúp đỡ gia đình nghèo và săn sóc trẻ thơ, Nữ Tử Bác Ái được sinh hoạt theo nguyện vọng và linh đạo như một dòng tu. Nhờ vậy Nữ Tử Bác Ái được cả thế giới biết đến.
XIV. THUYẾT TÂN AUGUSTIN
Sự hiện hữu các Giáo Hội Tin Lành là một cơ hội để giải thích những vấn đề chính trị và thần học, mà cũng là dịp gợi lên những thắc mắc liên hệ đến đời sống đạo đức và thần học Công Giáo. Lối sống khắc khổ của nhiều gia đình tin lành buộc người ta phải đem so sánh với đời sống buông thả của xã hội Công Giáo. Các nhà thần học chú ý nhiều đến thánh Augustin là người được Luther và Calvin kính nể nhất; các nhà Cải cách dựa vào uy thế ngài để phác họa giáo lý của họ về tình trạng nguyên thủy của con người trong vườn địa đàng, về tội nguyên tổ và cách thế truyền đạt lại, về những liên hệ giữa ơn thánh và sự tự do, về thuyết tiền định. Toàn bộ các tác phẩm của Augustin xuất bản tại Paris năm 1613 là căn bản vững chắc để khảo cứu các vấn đề. Các trường đại học nhận thấy trong đó một nền triết lý sống động và nhiều sinh khí hơn tất cả các hệ thống siêu hình khác. Nói riêng, đại học Louvain có thái độ trung thành hoàn toàn với Giáo Hội ngay từ khi mới có Cải cách, khi chống đối các nhà Cải cách, họ đã không trưng dụng những ý kiến của các tiến sĩ kinh viện mà dựa vào lối giải thích đích đáng của thánh Augustin. Cộng đồng Trente đã giải nghĩa và quyết định một số vấn đề, nhưng chưa bàn cãi đến một trong các điểm gay go nhất là vấn đề ân sủng và tự do của con người. Michel de Bay cũng gọi là Baius là một giáo sư ở Louvain dựa vào thánh Augustin để giải quyết vấn đề. Ông đã đọc toàn bộ sách của Augustin chín lần và gần bảy mươi lần những đoạn nói về ơn thánh. Năm 1563 và 1564, ông xuất bản kết quả cuộc sưu tầm của ông dưới hình thức nhiều chuyên luận về tự do, về sự phục hồi công chính qua Ðức Tin và về các việc lành. Bạn đồng nghiệp của ông là Ravesteyn (Tiletanus) đã dựa theo đấy rút tỉa ra hai mươi tám mệnh đề và gửi cho các trường đại học Tây Ban Nha xin họ phê bình. Ðại học Salamanque và Alcala lên án nhiều lần toàn thể các mệnh đề ấy. Ðại học Louvain và vua Philippe II xin giáo hoàng giải quyết vấn đề. Ðức Pie V lên án bảy mươi chín mệnh đề của Baius nhưng lại rất nương nhẹ đối với cá nhân của ông. Vì thái độ này và giọng nước đôi của sắc chỉ Tòa Thánh nên ý kiến của Baius vẫn còn tồn tại (13). Vậy chủ trương của Baius là như thế nào? Ông cho rằng theo thánh Augustin, con người đã trụy lạc sau tội nguyên tổ. Bản tính con người là điều Thiên Chúa đã ban cho từ lúc đầu. Nhưng trạng thái thuần khiết vô tội tự nhiên đã mất hẳn vì tội nguyên tổ, đến nỗi, nếu không có ơn Chúa thì con người trở nên bất chính khi yêu chuộng những sự đời này. Chỉ có gì xuất tích từ tình yêu Thiên Chúa mới là tốt đẹp, đó là ân sủng. Quan niệm này có thể đưa đến sự phủ nhận hoàn toàn tự do của con người.
Việc lên án các mệnh đề của Baius là một trong những trường hợp giảm bớt uy thế của các trường đại học là uy thế thứ ba của thời Trung Cổ, và là lúc người ta đệ trình các mối tranh chấp lên xin Tòa Thánh khuôn xử. Việc đó tiên báo một kỷ nguyên mới trong đó quyền tối thượng của vị thủ lãnh Giáo Hội càng thêm vững mạnh.
Ðại học Louvain xa cách lập trường của Baius. Nhưng năm 1587, khi Lessius, một linh mục Dòng Tên người Bỉ trình luận án về ơn Chúa với tự do ý chí, và về sự mạc khải của Thánh Kinh thì đại học Louvain lại dựa vào Baius để bắt bẻ ông. Về việc tự do cộng tác với ơn Chúa, cha Dòng Tên nhấn mạnh vào ý chí của con người đến nỗi không coi ơn Chúa là cần thiết. Trường đại học chỉ trích 34 mệnh đề của Lessius. Ðại học Douai cũng chủ trương như vậy. Ðức Sixte Quint lên tiếng cấm các đại học kiểm soát lẫn nhau. Mãi sau bề trên Dòng Tên mới ra mặt phê phán Lessius thì đã quá trễ.
XV. TRANH LUẬN VỀ ƠN CHÚA
Lúc này nhiều vấn đề mới làm cho tình thế càng thêm căng thẳng. Một bên là các trường đại học chống lại yêu sách Dòng Tên về quyền điều khiển các đại học và quyền phát bằng. Sự cạnh tranh giữa các trường đại học và các phân khoa không mấy gì tốt đẹp, nhất là tại Louvain. Lại thêm một cuộc tranh luận sôi nổi nữa giữa Dòng Tên và dòng Ðaminh. Một cha Ðaminh là Banez làm giáo sư tại Avila, có thế lực thời thánh Thérèse Avila, rồi sau lại dạy tại Salamanque, có ý định thanh lọc nền thần học dòng Ðaminh khỏi ảnh hưởng thuyết Duy Danh. Ông dựa theo một số ý kiến của thánh Thomas mà chủ trương rằng: trong việc cộng tác giữa ơn thánh và ý chí tự do, ơn thánh thúc đẩy ý chí con người đi từ trạng thái ”có thể hành động” đến việc hành động thực sự. Ðối với những nhà thần học thời mới tức là các cha Dòng Tên, quan niệm ấy giảm thiểu quá đáng công hiệu của lối khổ hạnh do họ chủ trương. Họ tìm cách bào chữa sự tự do tuyệt đối của ý chí, ngay cả đối với hiệu năng bất khả kháng của ơn Chúa đến nỗi theo chủ trương của họ, thì Thiên Chúa cộng tác vào hết mọi hoạt động nhân tính, nhưng ngài biết trước là con người sẽ định đoạt như thế nào. Người ta gọi giáo thuyết này là Molimisme tức là tên của người chủ trương chính yếu, linh mục Molina, người Tây Ban Nha thuộc Dòng Tên. Trong vụ tranh chấp này, người ta lại dựa vào uy tín của Augustin và vào thánh Thomas. Cuộc tranh luận trở nên gay go đến nỗi năm 1597, giáo hoàng Clément VIII phải chọn một ủy ban bất thường để giải quyết vấn đề. Ủy ban này gọi là Ủy ban về những trợ giúp của Ơn Chúa (Congregatio de auxiliis divinae gratiae) đã nghiên cứu vấn đề khó khăn này trong vòng chín năm. Nhiều lần có đề nghị lên án nhà thần học này hay thần học kia. Sau cùng, đức Paul V cấm cả hai bên không được gọi đối phương là rối đạo. Từ đó, người ta cũng không còn bài bác cha Lessius, Dòng Tên nữa.
XVI. THUYẾT JANSÉNISME
Nói đúng ra, không thể dùng uy thế để cấm đoán những tư tưởng mới và nguy hại; cần phải dùng đến khí giới tinh thần. Những tư tưởng của Baius được duy trì tại trường đại học Louvain. Trong phe Baius có Cornélius Jansen hay Jansénius (1585-1638) là người Hòa lan. Ông giải thích thánh Augustin kiểu Baius, mà không theo tôn chỉ của Augustin là khi Roma đã phán thì hết biện luận(Roma locuta, causa finita est) (14). Lúc còn trẻ, ông đã nhận ra ranh giới giữa Công Giáo và thuyết Calvin. Khi học ở Paris, ông kết thân với Jean Duvergier de Hauranne, hơn ông mấy tuổi, và là viện phụ Saint Cyran (tên nhà dòng mà sau này ông được hưởng bổng lộc). Hai thanh niên ấy cộng tác với nhau trong nhiều năm, sáng lập và điều khiển một nhà trường chuyên tìm hiểu về các Giáo phụ, nhất là về Augustin, để tìm lại nền Kitô trung thực mà các ông muốn đưa vào thời đại ấy. Họ soạn thảo những chương trình canh tân các phương pháp thần học và đường lối tu đức. Hai ông chia việc nghiên cứu và viết về Augustin. Về sau viện phụ Saint Cyran viết cuốn Petrus Aurelius de hierarchia, và Jansenius viết cuốn Augustinus. Ông trước viết về Hiến Pháp Giáo Hội, ông sau về những vấn đề giáo lý. Rồi hai người đi hai ngả khác nhau, Jansénius đi về phía Bắc, làm giám đốc trường Hòa Lan ở Louvain rồi dạy thần học, còn bạn ông thì chuyên chủ về khoa tu đức theo trường phái Bérulle mà không vào hội Oratoire. Sau này ông làm linh hướng cho bà mẹ bề trên tu viện Port Royal thuộc ngành Cistercien nhiệm nhặt, đồng thời là cha giải tội cho các nữ tu.
Qua nhiều công tác, Jansenius thành nổi tiếng. Tại Tây Ban Nha, ông tìm cách liên minh các trường đại học để chống các mưu toan của Dòng Tên như đã nói trên; ông đã phản kháng công nghị chung độc nhất của Tin Lành tại Dordrecht (1618-19) nói là để nhận định lại các vấn đề Ðức Tin, nhưng thật ra là để lên án các nhân vật cao cấp trong Giáo Hội. Ðề tài của Dordrecht là thuyết định mệnh, lôi kéo sự chú ý của đại học Louvain, chuyên chủ về Augustin. Là thần dân trung tín của vua Công Giáo, ông Jansenius bênh vực nền ngoại giao của nước Pháp. Ngoài những thành tích trên, ông lại là người có học thức sâu rộng. Bởi vậy ông được vua nước Tây Ban Nha đặt làm giám mục Ypres năm 1636. Ông là một giám mục đạo đức và thiên về cải tổ, ông đã yêu cầu Paris gửi các cha dòng Oratoire sang Bỉ nhưng hai năm sau ông qua đời vì bệnh dịch hạch. Ông để lại một số tác phẩm sẵn sàng để in mà ông đã biên soạn từ nhiều năm. Các bạn ông bắt đầu cho in những sách chú giải Thánh Kinh với lời đề tựa dâng tặng giáo hoàng Urbain VIII. Năm 1640, họ xuất bản cuốn Augustinus, mang tên phụ là ”Seu doctina S. Agustini de humanae naturae sanitate, aegritudine, medicina adversus Pelagianos et Massilienses” (Nếu như học thuyết của thánh Augustin về sinh lực và yếu nhược của bản tính nhân loại là phương thuốc chống lại bè rối Pelagianos và Massilienses). Trước khi chết, Jansénius đã để lại trong chúc thư là ông sẵn sàng chấp nhận như một người con vâng phục, tất cả những gì Giáo Hội đòi sửa đổi về các quan niệm của ông. Nhưng các cha Dòng Tên tìm cách cấm in cuốn Augustinus, bằng cách trưng ra Sắc lệnh của Thánh bộ năm 1611 cấm chỉ không được in các sách nói về ơn Chúa và ý chí tự do nếu không có phép đặc biệt của Tòa Thánh. Thực ra lời cấm kia chỉ được Louvain biết tới dưới hình thức một bức thư xem rồi bỏ đấy chứ không phải là một chỉ thị cấm đoán. Lúc này các cha Dòng Tên mừng kỷ niệm bách chu niên lập dòng, hiên ngang kiểm điểm lại các công việc đã thực hiện được, và lo ngại là thanh thế của Dòng sẽ bị tổn thương nếu các cuộc tranh chấp cũ lại tái diễn. Nhưng chỉ thị cấm xuất bản của Roma chưa tới miền Bắc thì cuốn sách đã được bày bán tại tiệm sách rồi. Roma ra lệnh phải rút cuốn Augustinus khỏi thị trường. Một khi Roma đã lên tiếng thì lệnh cấm có hiệu lực tại Roma và trên toàn cõi Giáo Hội, không cần thủ tục nào khác. Nhưng xử sự như thế, là vô tình lại biện hộ cho liên minh các bạn của Jansénius và triều đình Bruxelles. Thực ra, tại Bỉ quốc cũng như tại Tây Ban Nha, phải có lời ”Placet” (chuẩn y) của triều đình thì các sắc lệnh của giáo hoàng mới có hiệu lực. Bởi vậy trong khi người ta tiếp tục cho bán cuốn sách kia thì các cha Dòng Tên người Bỉ cho công bố những luận án chống đối, chủ trương là Jansénius phản lại công đồng Trente và cho ông là nguy hiểm vì theo khuynh hướng Calvin. Ðiều này đã gây ra vụ bút chiến sôi nổi. Có những cuộc tranh luận công cộng. Thánh bộ không có thái độ khắt khe về đời sống của Jansenius đã bị các cha Dòng Tên gửi nhiều thư phê bình thậm tệ. Sau cùng Roma lên án cuốn Augustinus và cả những luận đề của các cha Dòng Tên. Trường đại học Louvain lại phải chấp nhận vấn đề Placet của chính quyền Bỉ, nên chỉ còn ba giáo sư ủng hộ chủ trương của các cha Dòng Tên. Ðức Urbain VIII lại lên án cả đôi bên. Vị viên phụ tá Thánh bộ chấp nhất và nóng nảy, đã nắm hết hồ sơ của vụ việc và xử lý thay đức Urbain VIII lúc đó đã già cả, nên quyết định cuối cùng đã đi xa hơn ý muốn của giáo hoàng. Bởi lẽ trong khi chưa nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung cuốn sách mà chỉ dụ (1642-1643) đã tuyên bố là cuốn Augustinus có nhiều mệnh đề trước kia đã bị Tòa Thánh lên án. Hơn nữa, nhiều hoàn cảnh phức tạp trong việc soạn thảo và công bố, chỉ dụ đã không chấm dứt nổi cuộc tranh luận. Tại nước Bỉ, chỉ dụ đó không được tuyên bố, ít là trong một thời gian. Vào những năm sau, khi các bạn và đối thủ của Jansénius đã trở thành hai nhóm đối lập, phái chủ trương theo Augustinus ở Louvain tìm cách báo cáo cho Roma biết các thủ đoạn của đối phương. Như vậy, chỉ vì thiếu tế nhị và có nhiều tự ái, cuộc tranh luận trở nên gay gắt và thiếu bác ái.
Vậy đọc sách của ông, chúng ta thấy luận đề của Jansénius là như thế nào? Không cần phải biện minh nhiều để biết sách của ông không phải là bản thuyết trình lịch sử, không có ý nói các nhà thần học thế kỷ XVI đã có những lỗi lầm như các vì ở thế kỷ thứ V; theo ý tác giả, họ có những chủ trương như các cha dòng tại Marseille. Ðứng trước chủ trương của các nhà nhân bản về quyền tự do tuyệt đối của con người, ông nghĩ phải biện hộ cho mọi quyền lợi của Thiên Chúa uy linh. Vì thế, ông khước từ những nền tảng lý trí của khoa thần học. Kinh Thánh và các Giáo phụ đã đủ, nhất là ”giáo lý về ân sủng” của thánh Augustin. Ðối với Jansénius, thực tại ân sủng uyên nguyên của các tổ phụ tại vườn Ðịa đàng là điều dĩ nhiên. Nhưng ông chủ trương là tội nguyên tổ đã làm cho bản tính nhân loại bị hoàn toàn trụy lạc, bị dục vọng lôi cuốn không phương thế chống cự, bị lôi cuốn bởi các tạo vật mà không thể phản kháng hoặc được ơn Chúa lôi cuốn. Cái gì không phải là ơn sủng ”tình yêu thượng giới” đều là tội lỗi. Thiên Chúa ban ơn, nhưng chỉ cho những người được Ngài chọn. Các người khác bị Ngài bỏ rơi đời đời.
Cuốn Augustinus tái bản tại Pháp năm 1641, đã gây ra nhiều vụ tranh chấp sôi nổi trong đó các cha Dòng Tên góp phần rất lớn. Những vụ tranh chấp ấy được coi như những yếu tố trao đổi và thúc đẩy tìm ra các phương án canh tân đạo Công Giáo. Vì với chỉ nguyên những quyết định chính trị phản đối người tin lành, công cuộc canh tân của Công Giáo chưa hoàn tất. Các lực lượng tinh thần dẫn đầu trong nước biết rõ điều ấy. Dòng Tên, chiếu theo chiều hướng nhân bản của vị sáng lập, dụng tâm huấn luyện trong các trường học những giáo dân tân tiến biết thích ứng vào trình độ của thế kỷ họ sống. Trong khi bản tính nhân loại bị Calvin miệt thị, thì họ đề cao bản tính con người cả trên bình diện tôn giáo, họ đặt hy vọng sức chịu đựng khắc khổ, vào chí khí vươn lên của con người. Dòng Tên chứng tỏ đạo Công Giáo sẵn sàng đón nhận mọi giá trị, và bởi đấy, có thể khuất phục được những người chạy theo Calvin. Dòng cũng thúc đẩy các học trò thực hiện nhiều kỳ công lớn và chiếm được nhiều địa vị quan trọng trong xã hội. Thế nhưng các người ”mộ đạo” vẫn theo dõi sức hấp dẫn thầm kín của phái Calvin. Ảnh hưởng của các cuộc phụng vụ Cải cách, với lối giảng giải đứng đắn và sống đạo nghiêm chỉnh, xem ra thắng thế nếu đem so sánh với những tập tục máy móc trong nền phụng vụ Công Giáo. Các gia đình Công Giáo và Tin Lành vẫn giữ liên lạc với nhau, nhất là giữa các giới quý phái và các nhà tư sản giầu có. Mặc dầu ít có những vụ kết hôn khác đạo (15), nhiều vụ chia rẽ đã xẩy ra trong các gia đình vì những cuộc trở lại cá nhân, vì giới trẻ sống đạo cởi mở, nhưng lại có khuynh hướng phê bình tận gốc, nhất là khi họ đau khổ nhận thấy sự chênh lệch giữa lối sống khắc khổ của người này, và xả láng của kẻ khác. Trước mắt những người ”mộ đạo”, thuyết Calvin trở thành một mối đe dọa cho đạo Công Giáo, vì đường lối đạo đức của họ lấy Thiên Chúa làm trung điểm và các tín hữu có đời sống gương mẫu. Theo đúng tôn chỉ của cuốn Augustinus, họ cho rằng phải đặt lại vấn đề về con người, phải biện hộ cho sức mạnh của ơn thánh, và đòi thanh tẩy lối sống chẳng những trong phạm vi cá nhân mà cả trong các hoạt động cộng đồng nữa. Bởi vậy, họ trách cứ các cha Dòng Tên quá o bế các tác giả ngoài đời, quá rộng rãi khi giảng nghĩa về luân lý theo từng vụ việc và quá quan tâm đến cách sống đạo đức bề ngoài. Những tâm tình Gallican chống đối các dòng tu do người Tây Ban Nha hay Ý lãnh đạo còn làm cho tình thế thêm căng thẳng. Cuộc bút chiến chung quanh cuốn sách của giám mục Ypres đã trở nên quyết liệt và căm go trước sự đối lập giữa hai quan niệm nhân bản và hai phương pháp giáo dục. Nhờ đấy mà người ta khám phá ra những thủ đoạn và xảo quyệt trong triều đình Bruxelles và Madrid, trong các đại học và các trường của Dòng Tên, và nhất là tại giáo triều Roma.
Con người của Saint Cyran và cách hoạt động của ông khác hẳn với đường lối của Jansénius: hai trường phái tư tưởng, hai thừa truyền. Tại nước Bỉ, thừa truyền thần học chú trọng đặc biệt đến cuộc tranh luận de Auxiliis, để tưởng nhớ Baius; tại Pháp, có thừa truyền đạo đức của Bérulle, là công trình của một cha linh hướng mà không phải là nhà thần học ”chuyên môn”.
Saint Cyran đã trở nên một trong những nhà lãnh tụ của phái đạo đức. Là môn đệ của Bérulle, ngài biện hộ đường lối đạo đức của Bérulle để chống đối các cha Dòng Tên, và sau khi ngài qua đời, hàng giáo sỹ triều và vị đại diện tông tòa nước Anh mới lên tiếng phản đối quyền tự trị của các cha thừa sai Dòng Tên. Saint Cyran cho là chức giám mục có đầy đủ năng quyền giáo triều và khi nói đến các linh mục thì ngài chủ trương các ngài là những vị ”giám chức nhỏ thực thụ”, vì thế các giám mục phải đối xử với các ngài như những cộng tác viên chứ không phải như những đầy tớ. Theo ý ngài thì phẩm tước của chức linh mục nâng nhắc hàng giáo sỹ triều lên trên chức linh mục dòng, vì chức này do loài người đặt ra. Ðiều ngài giảng dạy, lòng yêu chuộng Kinh Thánh và các Giáo phụ, cách thế ngài nhấn mạnh đến sự cao cả của Thiên Chúa và lối nghiêm khắc cần thiết để kêu gọi kẻ có tội ăn năn trở lại được dân chúng ham mộ đặc biệt tại Pháp. Ngài đã thành công mỹ mãn tại nữ tu viện Citeaux Port Royal. Bà mẹ bề trên là Angélique Arnauld, xuất thân từ một gia đình dân biểu trứ danh (ông của bà là một người trở lại và một người chú theo đạo Tin Lành). Sau khi nghe một cha dòng Capucin giảng, cô Angélique Arnauld cảm thấy được ơn gọi. Bà được chọn làm mẹ bề trên lúc 11 tuổi, ngược với đường lối giáo luật. Lúc 18 tuổi bà đã cải tổ đời sống tu viện và làm cho các chị em trong dòng và các cháu gái khâm phục về lý tưởng tôn giáo của bà. Bà được thụ giáo với thánh Francois de Sale trước rồi mới biết Saint Cyran sau. Từ năm 1635 Saint Cyran đã ảnh hưởng nhiều trên bà và các chị em dòng.
Năm 1626 một phần lớn tu viện này đã định cư tại một nhà mới ở ngoại ô Paris. Từ năm 1638, nhiều người trong các gia đình ưu tú Pháp đến quây quần chung quanh nhà dòng cũ ở Versailles. Trong các người sống tịch liêu ấy phải kể đến mấy anh em và cháu chắt của mẹ bề trên, họ sống đời chiêm niệm và tìm hiểu các Giáo phụ, lo canh tác ruộng vườn, và dạy dỗ những trẻ con trong dòng tộc của họ, như thi sĩ tương lai Racine. Trung tâm tôn giáo độc đáo này có tinh thần nghiêm khắc và ái mộ Saint Cyran, triệt để áp dụng những tư tưởng và canh tân đời sống theo tôn chỉ thánh Augustin. Lối đề kháng thầm lặng của những người sống tịch liêu ấy và các nữ tu Port Royal là hình thức cảnh cáo nghiêm khắc cho Richelieu, con người mưu mô đã liên minh với phe Tin Lành trong chiến tranh ba mươi năm và đã bỏ rơi sự nghiệp của Công Giáo. Nhờ những liên hệ tốt với các câu lạc bộ và với Quốc Hội nghiêng về thuyết Gallican, những người sống tịch liêu ấy đã gây lo ngại cho hồng y Richelieu về ảnh hưởng của ngài đối với nhà vua. Bởi vậy, năm 1638, ngài đã cho bắt giam Saint Cyran, vịn lẽ là ông này đối lập với triều đình và với nhà vua. Sau khi hồng y chết, Saint Cyran mới được tha về năm 1643. Cơn thử thách làm cho ông nhụt chí, nhưng đã mang lại cho ông mũ triều thiên là ”tử đạo vì lòng yêu Chúa và vì muốn đền tội”.
Sự nghiệp của Saint Cyran về nền luân lý khắt khe đã được Antoine Arnauld là em út của mẹ bề trên Port Royal và là tiến sĩ ở Sorbonne kế tiếp. Theo lời trối của Saint Cyran là phải biện hộ cuốn Augustinus, Arnauld đã chép sách biện hộ Jansénius. Nhà thần học này rất nổi tiếng từ năm 1643, khi ông chép cuốn tham luận De la fréquente communion (việc năng rước lễ) là cuốn sách thần học lớn viết bằng tiếng pháp dành cho những người có văn hóa.
Cuốn sách này được viết ra nhân lúc một cha Dòng Tên cho phép một bà sau khi rước lễ được đi nhảy đầm. Cha dòng này dạy: có thể rước lễ hàng tuần, chỉ cần điều kiện ”không mắc tội trọng và dọn mình trước”. Tục lệ chung về việc rước lễ thay đổi tùy theo xứ sở. Trong khi tại Ðức và Áo, các cha Dòng Tên chủ trương tại các trường học, tại các thành phố và làng mạc là nên chịu lễ hằng tháng mà ít khi nói đến chịu lễ hằng tuần như các cha Dòng Tên tại Pháp và Bỉ. Tại Bỉ, các bà đạo đức còn năng chịu lễ hơn nữa. Năm 1636, cha bề trên cả Dòng Tên để cho các cha tự định đoạt lấy về điểm giáo lý này. Ở Ý và Tây Ban Nha, chẳng những các cha Dòng Tên mà cả các cha khác cũng khuyên giáo dân năng rước lễ, chẳng hạn như cha Juan Falconi, dòng Ðức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi; năm 1675, Molinos người theo thuyết an tĩnh bảo phải năng rước lễ, trái lại mấy cha Dòng Tên không đồng ý kiến (16).
Aunauld coi như một tín điều về tục lệ ngày xưa là tuyệt đối không thể rước lễ hằng tuần. Vì theo ông, việc rước lễ đòi phải có những tâm trạng mà một giáo dân trung bình không có, như ăn năn nghiêm túc và lâu dài trước khi được tha một tội nặng, phải sạch các tội nhẹ, một lòng mến Chúa tinh ròng không tì ố. Như thế có nghĩa là trong thực tế, chỉ thỉnh thoảng con người mới được sát gần tới Thiên Chúa uy linh đang ẩn náu trong phép Thánh Thể. Như vậy, việc rước lễ trở thành phần thưởng của lòng đạo đức chứ không phải là lương thực để sống đạo đức. Không thể không nhìn nhận là Arnauld có lòng tôn kính đối với phép Thánh Thể và ý thức sâu rộng về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng cũng phải nhận rằng ông đòi hỏi một điều không thể được, và ông không hiểu gì về bản tính, về các nguyện vọng của con tim, và về ý muốn của Ðấng lập ra phép Thánh Thể. Dù sao cuốn sách của ông đã được nhiệt liệt hưởng ứng vì giá trị văn chương và chủ nghĩa lý tưởng, nhưng cũng vì nó có những tư tưởng chống đối các cha Dòng Tên đang có ảnh hưởng lớn lao tại Pháp. Nhiều giám mục châu phê sách ông và nhiều linh mục giải tội lưu ý đến các điểm ấy. Người ta nhận thấy trong đó có nền Kitô trung thực, nội tâm, phản lại những người chỉ tìm các hành động cụ thể bề ngoài. Liền sau khi sách xuất bản, một cha Dòng Tên lên tiếng bài bác trên tòa giảng thì một cuộc tranh luận bùng nổ giữa phe Arnauld và các cha Dòng Tên. Phe trên tố giác là các cha Dòng Tên quá rộng về luân lý: trong các năm ấy, khuynh hướng Jansénius dần dà đã nhảy từ quan điểm thần học sang phạm vi luân lý và lòng đạo đức. Cha Petau Dòng Tên chuyên chủ về lịch sử các tín điều tấn công những quan điểm của Arnauld làm ông phải tự biện hộ. Bà nhiếp chính khuyên ông nên sang Roma nhưng ông từ chối. Thế là có cuộc khủng hoảng thiêng liêng tại Pháp và Bỉ.
Mặc dù đức giáo hoàng đã căn dặn, những tư tưởng trong cuốn Augustinus vẫn lan tràn mãi ra, năm mệnh đề trong cuốn sách của Jansénius được phân khoa thần học Paris đem ra phân tách. Theo lời thôi thúc của Vincent de Paul (17), 88 giám mục Pháp lên tiếng xin đức giáo hoàng khuôn xử vấn đề. Giữa hàng giám mục Pháp vẫn có một nhóm nhỏ coi đấy như lời thỉnh nguyện kết án không chịu ký theo.
Năm mệnh đề ấy nói là:
1 - Các người công chính không thể giữ nổi một số giới răn của Thiên Chúa, mặc dầu họ muốn và cố sức thực hiện tùy theo sức mình đang có; họ thiếu ơn Chúa để hoàn tất các giới răn ấy.
2 - Trong thực trạng bản tính đã sa ngã, người ta không hề phản kháng ơn sủng bên trong.
3 - Trong thực tại bản tính đã sa ngã, để được công hay mất phúc, con người không cần thứ tự do khước từ điều tất yếu, mà chỉ cần thứ tự do khước từ điều miễn cưỡng.
4 - Phái tân Pélagien chủ trương rằng: cần phải có ơn sủng bên trong cho mỗi hành động, dù để khởi sự Ðức Tin. Và người ta nghịch đạo khi họ cho rằng ơn đó chính là ơn mà ý chí con người có thể phản kháng hay vâng phục.
5 - Bảo rằng Ðấng Kitô đã chết hay đổ máu mình ra cho hết mọi người là theo chủ trương tân Pélagien.
Sau bốn năm, đức Innocent X, dựa trên những tranh luận lâu dài của một ủy ban nhất định không nhân nhượng (18), đã lên án là nghịch đạo cả năm mệnh đề, bởi vì chúng phủ nhận khả năng tự do của con người và chỉ thừa nhận ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa. Huấn dụ Cum occasione ra án ấy đề ngày 31 tháng 6 năm 1633.
Vào những thời đại khác, một quyết định của Roma cũng đủ để chấm dứt cuộc tranh luận giữa người công giáo, nhưng quyết định này lại bị coi là bất công. Hơn nữa, tinh thần Gallican sôi động tại Pháp từ nhiều thế hệ càng làm cho dân chúng trực tiếp hay gián tiếp bác bỏ quyền tối thượng của giáo hoàng: người ta đem huấn dụ ra mổ xẻ và cho rằng huấn dụ Cum occasione là một hình thức lên án chủ trương khắt khe đang được truyền bá tại Pháp và được hai tu viện Port Royal áp dụng. Một nhà thần học trẻ bạn của Arnauld là Pierre Nicole mới chịu phép Cắt tóc và đang dạy văn chương tại Port Royal cho phát hành cùng năm ấy bài khảo cứu về năm mệnh đề để phân biệt thế nào là nguyên tắc, thế nào là thực tế. Trên nguyên tắc: những mệnh đề bị kiểm duyệt, quả thật nghịch đạo và trong việc lên án chứng tỏ Giáo Hội không nhầm lẫn; phe nhóm Port Royal cũng lên án chúng như vậy. Nhưng trên thực tế lại khác, nghĩa là cần phải biết các mệnh đề bị lên án có phải thật là giáo thuyết của Jansénius hay không. Ðây chỉ là một vấn đề thực tế, không ăn nhằm gì với Mạc khải. Trong phạm vi này, giáo hoàng không có ơn bất khả ngộ, và các điều tuyên bố không bó buộc phải theo vì lương tâm, mà chỉ cần kính cẩn trong yên lặng. Vậy trong vấn đề thực tế, giáo hoàng đã sai lầm, vị Jansénius không chủ trương năm mệnh đề ấy. Năm 1654 đức Innocent X phê bác cách nhận định tế nhị kia. Số người bướng bỉnh giảm bớt đi, nhưng họ lại gây hấn hơn nữa. Arnauld lại viết bài để biện hộ lối giải thích của ông: những cuộc tranh luận căm go lại bùng lên tại Sorbonne. Sau cùng các luận đề của Arnauld bị lên án và ông bị đuổi khỏi Sorbonne, cùng với sáu mươi vị tiến sĩ theo chủ thuyết của ông.
XVII. BLAISE PASCAL
Sau khi bị giáo hoàng và trường đại học kết án, số phận của phái Jansénisme Pháp xem ra đã bị dẹp yên. Nhưng mấy tuần sau, khi người ta đưa vụ án Arnauld ra phanh phui tại Sorbonne thì phe Jansénisme lại gặp được một biện hộ vô địch là Pascal (1623-1662), ông vừa là nhà toán học, là triết gia và là nhà hộ giáo. Cậu thanh niên gia giáo này đã trở lại nhờ lời cầu nguyện của người em gái là Jacqueline tại Port Royal. Từ trước đến nay cậu chỉ chuyên lo về toán và lý hóa, về hình viên chùy (conique), khoảng không và máy tính. Cậu cũng suy nghĩ về con người và Thiên Chúa theo kiểu Descartes nên một đêm kia, rạng ngày 23 và 24 tháng 11 năm 1654, trong khi đọc đoạn Thương khó của Chúa Giêsu, cậu được ”ơn thiên khải”. Cậu cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob, không phải Thiên Chúa của các triết gia và của người thông thái, mà là Thiên Chúa của Ðức Kitô. ông ghi trong Nhật ký ”Chính xác, Tình cảm, Hoan lạc và An bình” và ông quyết định ”Từ bỏ tất cả trong thanh thỏa”. Thực ra ông đã khước từ một sự nghiệp sáng lạn rồi thường đến trú ngụ lâu dài tại dòng Port Royal giữa những người tịch liêu, nhưng mấy năm sau ông mới bỏ hẳn địa chỉ ở Paris và tủ sách phong phú của ông. Ông luôn cầu nguyện và suy gẫm về cơn hấp hối của Chúa Giêsu, về ý nghĩa đời đời của mầu nhiệm Chúa Kitô ”sẽ hấp hối mãi cho đến tận thế”. Trong một cuộc đối thoại huyền nhiệm, ông đã nhận được từ Chúa lời yên ủi này: ”Con không tìm Cha nếu chưa gặp Cha” (19).
Arnauld gặp Pascal tại Port Royal. Ông này hứa sẽ giúp Arnauld trong vụ tranh đấu với Sorbonne. Ngày 23 tháng 1 năm 1656, dưới bút hiệu, ông gửi bức thư thứ nhất nhan đề là mười chín bức thư gửi ông giám tỉnh. Trong đó ông thuật lại cho người bạn sống dưới tỉnh các biến cố tôn giáo tại Paris với một luận điệu mỉa mai và khích động, với cách hành văn của một nhà báo lão luyện bắt buộc người ta phải cười như trước một hài kịch Molière mà lại không thấy là đối thủ bị tên bắn dồn dập. Ðối thủ đây là Sorbonne và các giáo sư với các lý sự lẩm cẩm. Từ bức thư thứ bốn, Pascal đổi chiến thuật, với mục đích là nhắm vào hai vấn đề hiện hành khá quan trọng tại nước Pháp: đó là vấn đề luân lý đã được Arnauld đề cập trong cuốn Năng rước lễ khá quan trọng và gây nhiều âm hưởng hơn quan điểm thần học trong cuốn Augustinus. Theo ông cuộc đấu tranh Jansénisme tại Pháp là sự chống chọi giữa hai quan điểm về cuộc sống (một bên là thứ Kitô giáo đòi hỏi và nghiêm khắc như Giáo Hội nguyên thủy, muốn tranh thủ tự do trước các sức mạnh trần tục; bên kia là Kitô giáo kiên cường và dấn thân dễ chấp nhận những việc đạo đức), đó là hai tình tự tôn giáo và chính trị, nhưng cuộc tranh đấu này không có tính cách thần học. Pascal và các bạn ông đã cảm thấy như thế và mong muốn Người các tỉnh hăm hở chú trọng đến ý kiến của một số người đương thời. Như vậy Pascal tấn công Dòng Tên. Các cha Dòng Tên là những đối thủ kịch liệt của phe Jansénistes. Những thái độ phóng túng của họ trong lý thuyết về ơn thánh xuất phát từ quan điểm ngoại giáo và dễ dãi về luân lý, và cũng từ thuyết cái nhiên (probabilisme) là hệ thống giúp họ giải quyết những trường hợp trong đó nhiều giới răn và nhiều bổn phận giằng co nhau. Trong các bức thư ấy Pascal phác họa một hình ảnh ghê sợ về nền luân lý của họ và vơ đũa cả nắm một cách khá thô sơ: Escobar (+1669) một nhà thần học Tây Ban Nha chuyên về luân lý bị ông đả kích hết chỗ nói. Não trạng nghiêm nghị và cân nhắc của ông không sao chịu nổi những nhà thần học mà đa số là ngoại quốc với những tên không sao đọc nổi, đầy óc tưởng tượng và tự phụ (20). Ông cho là họ làm ủy mị giáo dân, pha loãng tín lý và làm cho luân lý suy đồi. Bởi vậy ông phải phản kháng kịch liệt. Hiện nay người ta công nhận là Pascal, trong khi chiến đấu vì nóng nảy và dựa trên những ý kiến hồ đồ của các bạn, có nhiều bức thư bất công và quá đáng, chúng đã bị cho vào Index năm 1657 là phải, chúng đã nối giáo cho các đối thủ của Giáo Hội và đổ dầu thêm cho những người không tín ngưỡng thế kỷ XVIII. Nhưng vụ lên án sáu mươi nhăm mệnh đề phóng túng mà một số được Escobar chấp nhận dưới đời đức Innocent X năm 1679, chứng tỏ là sự phẫn nộ của lương tâm kitô (Mandonnet), đã mang lại kết quả, cho dù đó không phải là ảnh hưởng trực tiếp sự nghiệp của Pascal. Sau này năm mươi tư mệnh đề tương tự cũng bị lên án vào các năm 1665 và 1666.
XVIII. HÒA GIẢI DƯỚI TRIỀU ÐỨC CLÉMENT IX
Vào thời kỳ ấy, Roma đã nghiêm nghị lên án các quan điểm Jansénisme. Lúc này Alexandre VII (1655-1667) đang giữ ngôi giáo hoàng. Trong khi làm sứ thần tòa thánh tại Cologne nhiều năm, ngài đã chứng kiến bước khai triển của cuộc tranh luận này: ngài đã lên án Jansénius ngay từ đầu và đã tham gia vào ủy ban nghiên cứu Tòa Thánh mà những kết luận đã được Huấn lệnh của đức Innocent X tuyên bố. Tháng 10 năm 1656 đức giáo hoàng đã tuyên bố là năm mệnh đề thực sự là của Jansénius và lên án chúng ”theo đường hướng chú giải của tác giả”. Trước lời công bố minh thì như vậy, phái Jansénite không còn lối thoát nữa. Ðã đến lúc phải phục tùng quyền giảng dạy của giáo hoàng hay là phản loạn. Thế nhưng họ vẫn khước từ không chịu ký vào công thức thần phục do tổng hội đồng giáo sĩ Pháp đề nghị. Năm 1665, họ cũng lại khước từ công thức của giáo triều, mà bề trong họ vẫn phân biệt đâu là nguyên tắc đâu là thực tế. Bốn giám mục thiên về thuyết Jansénisme và nổi tiếng vì đã cải tổ giáo phận, gửi thư mục vụ cho các linh mục cắt nghĩa về thái độ dè dặt của mình. Trong số đó có Pavillon là giám mục Alet, trước kia đã ở trong ủy ban truyền giáo của Vincent de Paul, nay lại dọa sẽ rút hưu bổng của những ai ký vào công thức của Tòa Thánh. Lời tuyên dương của bốn giám mục kia là một hành động táo bạo vì Louis XIV đã nắm chính quyền từ năm 1661, đang chiến đấu chống thuyết Jansénisme vì lý do chính trị. Vua cấm chỉ việc chống đối công thức kia dưới mọi hình thức và dọa sẽ rút hưu bổng của những ai khước từ không ký vào đấy. Bởi vậy thư mục vụ của bốn giám mục bị tịch thu và hai cơ sở Port Royal bị niêm phong. Tu viện Paris thần phục, còn nhà Port Royal des Champs là nơi bà bề trên đã nhận các nữ tu năm 1648 thì bất khẳng. Nhưng đưa đơn kiện bốn giám mục kia không phải là chuyện dễ. Tại Pháp, phải dùng biện pháp theo chiều hướng tự do kiểu Gallican, nghĩa là phải qua một ủy ban giám mục được giáo hoàng triệu tập. Lúc này mới nhận thấy không riêng chỉ có bốn giám mục kia. Còn có hơn hai mươi giám mục cảm tình, và nhiều vì bảo trợ đang mạnh thế tại Paris nữa. Dân chúng làm hậu thuẫn cho các ngài. Nhưng vua chống đối họ vì họ không chấp nhận việc chính quyền xâm lấn vào đời sống Giáo Hội. Ðến đức Clément IX (1667-1669), vị giáo hoàng mới lên ngôi là người hiếu hòa, và cũng vì vua muốn chấm rứt cuộc tranh chấp, sau nhiều giàn xếp, người ta đã khuất phục được bốn giám mục kia ký vào công thức của Tòa Thánh. Ít là ở Roma, người ta tưởng như thế là đã xong xuôi. Thực ra, lúc ký vào công thức kia, các giám mục đã tuyên bố và giải thích là các ngài không khước từ quan điểm lúc đầu. Thế nhưng giáo hoàng vẫn công bố là mãn nguyện về các điều tuyên dương được Paris châu phê. Trong bức thư ngắn gọn năm 1669, ngài công bố việc hòa giải. ”Ðể kỷ niệm việc thiết lập hòa ước trong Giáo Hội”, vua nước Pháp cho đúc một ảnh kỷ niệm. Tiếp theo việc hòa giải dưới đời đức Clément, còn có những chỉ thị của hội đồng cố vấn triều đình cấm in thêm sách vở. Nhưng đây chỉ là một thứ hòa bình bên ngoài. Vì cả đôi bên chưa thật lòng nên vẫn còn chia rẽ trong tâm trí. Thuyết Jansénisme còn đặt ra nhiều vấn đề quan trọng. Các chị dòng Port Royal vẫn còn ngấm ngầm phản đối, ngay cả khi họ bị cấm mở trường, cấm không được nhận đệ tử, và các ông sống tịch liêu phải rời đi nơi khác.
XIX. NHỮNG CỐ GẮNG HỢP NHẤT CÁC GIÁO HỘI.
Gương xấu trong việc chia rẽ Giáo Hội nảy sinh từ hai ý nghĩ vừa mâu thuẫn vừa phát triển song song: cần phải có những tuyên dương tôn giáo khác nhau, đồng thời phải cố gắng đi đến việc thống nhất, nói khác: bao lâu lịch sử các thế kỷ còn bị mờ ám bởi óc cố chấp và bạo lực tôn giáo, thì vẫn còn nhiều cố gắng hòa hợp như vậy. Thiện chí muốn thống nhất Giáo Hội, cố gắng đi dần tới đại kết đều là những toan tính của các nhà lãnh đạo dân quyền và các thần học gia. Nhưng lý do của mỗi bên lại khác hẳn. Ðối với bên này thì thống nhất Giáo Hội chỉ là phương thế để thực hiện thống nhất quốc gia và tăng thêm thế quyền; đối với những người khác thì đây là ý nghĩa của tư tưởng và hoạt động, đặc biệt là đối tượng cầu nguyện của đời họ. Phải thú nhận: tất cả mọi cố gắng, tuy thất bại trong thực tế, nhưng đã thăng tiến tinh thần khoan dung, tha thứ và do đó, làm nổi bật căn tính của Giáo Hội; mọi cố gắng ấy minh chứng rằng: ngay cả trong thời kỳ chiến tranh tôn giáo, tình yêu Kitô đối với mọi anh em xa cách không bao giờ bị dập tắt. Tại cả hai bên, những cố gắng âm thầm được hun đúc trong nền phụng vụ và các lời nguyện, vẫn là lối tham dự vào yếu tính chung của đạo Kitô, cho dù trong lời giảng dạy đôi khi có giọng điệu chiến đấu.
Những cố gắng ấy đã bắt đầu ngay từ thế kỷ Cải cách. Khoa nhân bản đã truyền tụng cho các người nối tiếp Cải cách rằng: mọi phát biểu thần học chỉ là tương đối. Mặc dầu những lần hội thảo tôn giáo vào năm 1540 đã thất bại, ý muốn hợp nhất vẫn sống động. Những người như Georg Witzel (1501-1573), một nhân vật kỳ dị sống giữa hai luồng tư tưởng và qua đời trong Ðức Tin Công Giáo, hay như Gorges Cassander người Bỉ (1513-1566) với tinh thần hòa bình, đều tin tưởng vào một Giáo Hội với những phát biểu Ðức Tin khác nhau, cho dù có những dị biệt bề ngoài. Giáo Hội nguyên thủy đối với họ vẫn là mô phạm, lý tưởng và trong sáng. Họ tìm thấy trong Giáo Hội nguyên thủy dây liên lạc ôm ấp mọi sự, từ huấn dụ các Tông Ðồ đến thừa truyền, mà thừa truyền chẳng qua chỉ là chú thích và quảng diễn Thánh Kinh với những đặc tính: cổ truyền, phổ quát và tương hợp. Họ cho rằng nếu người ta không đi trệch ra khỏi Ðức Tin vào Ðấng Kitô là thủ lãnh của Giáo Hội thì một cộng đồng căn bản Ðức Tin vẫn luôn tồn tại. Cassander đã chép lại các văn kiện đầu tiên về cuộc hội thảo do Catherine de Médicis tổ chức tại Poissy năm 1561, cuộc hội thảo này đã đi đến một thỏa thuận giữa Công Giáo và Tin Lành. Ba năm sau, ông lần lượt được hoàng đế Ferdinand rồi hoàng đế Maximilien II, trao cho sứ mệnh đối chiếu từng điểm một giữa bản Tuyên dương Ausbourg và giáo lý Công Giáo. Trong bản Consultatio này, Cassander còn tìm cách trình bày các lời phê phán và ý kiến của Giáo Hội nguyên thủy cùng các Công Ðồng của năm thế kỷ đầu như mô phạm chính đáng cho thời đại ông. Trong khi nhận định lại cái mà người ta gọi là thời kỳ vàng son của Giáo Hội, Cassander cho là hai cuộc chống đối độc thân của các linh mục và chống đối việc rước lễ tân thời đều diễn tiến theo một phương thức chung. Nếu ông khuất phục được phe Tin Lành tin rằng Cải cách cốt tại việc phục hồi lại Giáo Hội nguyên thủy, lúc đó sẽ có sự thống nhất.
Witzel và Cassander đã ghi chép liền trước hoặc ngay sau công đồng Trente. Vào thế hệ sau thì phía Công Giáo không thể đưa ra các đề nghị như vậy. Thế mà năm 1570, Bộ Công Ðồng, khi nhận phép rửa tội cử hành trong phái Calvin là thành sự, đã đặt cơ sở để sau đấy có thể tiếp tục công việc thống nhất (21). Về phía Tin Lành, việc biến nền thần học của Luther thành chính thống thực thụ cũng không cổ võ thêm những cố gắng đại kết và không gia tăng thêm hòa bình tôn giáo. Còn các người Cải cách, nếu họ cố gắng đối thoại với phái Luther, chẳng qua là để có thể tham gia vào qui chế pháp lý về hòa bình tôn giáo mà phái Luther đã được và phái Calvin còn bị loại trừ. Bởi vậy, một nhân vật như nhà thần học thuộc phái Luther ở Helmstedt là Georg Calixt (1586-1656) làm chúng ta ngạc nhiên. Calixt đã học về lịch sử và Giáo phụ. Ông biết tác phẩm của Cassender được tái bản năm 1608 và 1616, và ông đồng ý kiến với Cassender. Ông tiến sĩ ở Helmtedt cũng phấn khởi với các lý tưởng thời xưa. Ông cũng công nhận tất cả các giá trị của truyền thống, mặc dù ông dựa theo chứng tá của Giáo Hội nguyên thủy để lên án các hình thức canh tân tại Roma. Phải dựa vào truyền thống mới hiểu được thế nào là đạo Kitô chân chính và Giáo Hội. Bởi vậy, đối với Calixt, Consensus (Sự đồng thuận) của Giáo Hội nguyên thủy gói ghém tất cả các khoản nền tảng Ðức Tin, phải là cơ sở của mọi cuộc tranh luận tín lý. Theo ông, căn nguyên sự chia rẽ trong Giáo Hội là việc người ta coi những chân lý không cần thiết như những điều chính yếu để được cứu rỗi, ấy là chưa kể đến việc giáo hoàng muốn tranh thủ về uy thế. Calixt còn coi Kinh Tin Kính các thánh Tông Ðồ như trung điểm của truyền thống. Nhưng ông còn nhận những bản tuyên dương của Giáo Hội nguyên thủy mà các công đồng của những thế kỷ đầu đã truyền tụng lại nguyên văn. Calixt chấp nhận giá trị của các công đồng cho đến công đồng Orange (529) là công đồng đã chấm rứt những cuộc tranh luận về thuyết Pélage đầu tiên. Trong vòng năm thế kỷ ấy, giữa các Giáo phụ có sự thỏa thuận tổng quát Consensus quique saecularis nhờ đó nhiều vì được đặt lên hàng đầu nhưng giữa họ với nhau có sự hợp nhất thực sự. Consensus này là dây liên kết tất cả các Giáo Hội lại với nhau, và các người ”chuyên môn” có thể dựa vào cơ sở đó để đạt tới thống nhất. Calixt bị tấn công tứ bề và còn bị tin lành coi là người công giáo ngầm (Crypto catholique), nhất là khi người ta không thấy trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông Ðồ có chỗ nào nói đến công chính hóa bởi Ðức Tin. Hình như Calixt cho rằng toàn bộ Cải cách là dư thừa. Nhưng người công giáo cũng không nhận quan điểm ấy, là vì nó nằm trong tác phẩm của Cassender đã bị liệt vào loại sách cấm (index). Ðàng khác, Consensus quique saecularis quá đơn giản và Calixt không nắm bắt hết được những phức tạp của lịch sử: hiện nay người ta đã phát hiện ra rằng các Kinh Tin Kính đã xuất hiện và hình thành giữa toàn bộ những ý kiến, những cuộc đấu tranh, nhiều sự kiện và giáo lý khác nhau.
Thời gian vàng son nhất của Calixt là năm 1645, khi ông được vua nước Balan mời đến dự cuộc họp tôn giáo ngài tổ chức tại Torún (Thorn). Cha dòng Capucin là Valeriano Magni, con bá tước thành Milan, bấy giờ nổi tiếng nhờ chức vụ cố vấn của hồng y Harrach tổng giám mục Prague, trong công trình phục hưng đạo Công Giáo tại Bohême. Cha đã khuất phục Nigrinus, nhà thuyết giáo trứ danh Tin Lành, trở lại đạo Công Giáo và sau thành thư ký riêng của vua nước Balan là Wladyslaw IV. Khi trở lại ông lôi kéo được đa số các bạn đồng nghiệp cùng trở lại. Cha Valeriano, người đã giàn xếp cuộc hôn nhân giữa vua Balan và một công chúa của hoàng đế. Qua môi giới của Nigrinus, cha đã khất phục được vua ướm thử cuộc thống nhất với người tin lành. Một cuộc họp thân thương Colloquium caritativum được tổ chức tại Torún giữa các nhóm khác nhau và mở đường đi đến thống nhất. Calixt là một trong mười tám đại diện phái Luther được mời dự. Ðối diện với họ có mười tám người công giáo, trong đó có tám cha Dòng Tên, hai mươi hai người tin lành, và nhà giáo dục trứ danh là Comenius đại diện cho các anh em Moraves. Vì những người phái Luther không nhận Calixt là phát ngôn viên của họ, nên ông đứng vào phe Cải cách. Trong mấy tháng chuẩn bị cuộc hội, những người tin lành ở ngoại quốc đã tạo ra bầu không khí phẫn nộ còn kéo dài trong suốt thời kỳ hội họp. Không làm sao hạ bớt được các cuộc phản đối và không thể đi đến thống nhất. Hơn nữa, phe Luther và phe Cải cách Balan còn bài bác sự hợp nhất tương đối họ vẫn có với nhau từ trước. Roma càng thấy có lý để lo ngại. Trước khi hội, Roma đã chính thức tìm cách cản trở để đừng có cuộc hội này. Lịch sử cho thấy, những cuộc hội họp tôn giáo như vậy chỉ tăng thêm cay đắng và Giáo Hội không có quyền đưa những quyết định của các đại công đồng ra bàn cãi với những người phản đạo (22). Trong khi tranh luận, Bộ Truyền Giáo cũng đã trình bày những nguyên tắc căn bản của Giáo Hội đối với những cuộc họp tôn giáo như thế. Ðan cử thí dụ cuộc bàn cãi giữa thánh Augustin với phái Donatiste, Giáo Hội tuyên bố là chỉ cho phép tổ chức các cuộc tranh luận tôn giáo khi có đủ những điều kiện thần học và đoán biết cuộc họp có thể thành công. Một khi biết những cuộc họp như thế không có hy vọng đem lại kết quả tốt đẹp, Tòa Thánh luôn cấm cản, hoặc trực tiếp hoặc qua môi giới các vị Sứ thần Tòa Thánh. Nếu đã làm hết cách mà vẫn có những cuộc họp như thế thì các Sứ thần Tòa thánh phải vận động để người ta đừng hội họp nhân danh Tòa Thánh, và phải có những người điều khiển thông thái và khả năng chuyên môn.
Tòa thánh khôn ngoan như vậy là phải. Trong những cuộc họp như thế, để cho thành công, giáo điều Công Giáo thường bị cắt xén. Giáo điều về Giáo Hội hữu hình và quyền tối thượng của đức giáo hoàng thường bị các cuộc họp ấy gạt ra một bên. Thật ra, Witzel, Cassender và Calixt không nói gì đến các điểm ấy. Những cố gắng đi đến hợp nhất tại Pháp cho thấy có những hiệu quả tai hại trong thực tế. Việc thống nhất tôn giáo là chuyện sống còn của đất nước, và các người tin lành Pháp thấy rõ như vậy, nhất là tại kinh đô. Phe Tin Lành nghĩ đến một công đồng quốc gia để họ có tiếng nói. Các người công giáo đã chịu ảnh hưởng của thánh Francois de Sale, của Bérulle và Saint Vincent de Paul lại nghĩ khác. Họ không tìm hợp nhất các Giáo Hội, mà mong các cá nhân và quần chúng trở lại. Nếu trước đây cả hai bên đã tranh luận theo đường hướng Kinh Thánh thì lúc này giọng điệu và phương pháp đã thay đổi. Người ta vẫn còn nhớ tất cả các chân lý Ðức Tin mà mọi người đã chấp nhận; lúc này người ta lại bàn cãi đến lễ Misa, đến chức vị giáo hoàng, đến luyện tội và đến lòng sùng kính Ðức Mẹ. Trong những cuộc tranh luận này, Bérulle và tu hội của ông chẳng những dựa theo Thánh Kinh mà còn trưng dẫn các Giáo phụ và các công đồng nữa. Mọi tâm hồn gặp nhau thực sự trên nền tảng chung này. Phe Công Giáo có hy vọng sẽ thắng lợi. Vào đúng lúc đó thì có hòa bình sau khi La Rochelle thất thủ. Qua những môi giới thích hợp và với tiền trợ cấp cho các nhà giảng thuyết Tin Lành trở lại, Richelieu đã thu hút nhiều người tin lành đang bị hoang mang vì vụ thất bại trên. Nhưng hồng y lại để cho họ tự do hành đạo và tha thứ cho các mục sư trước kia đã kêu gọi dân chúng chống đối ngài. Như vậy là ngài trì hoãn cuộc tổng trở lại vào chính lúc ngài có những thuận lợi để được vinh dự cá nhân. Ngài ra lệnh mở cuộc đối thoại với các người phái Calvin: không để ý đến truyền thống nữa mà chỉ dựa vào Thánh Kinh thôi. Như vậy là cuốn Disputationes de controversiis của Bellarmin thành vô dụng. Thật ra chỉ dựa vào Kinh Thánh thì không biện hộ được quyền của giáo hoàng trên các công đồng, và sự hiện hữu của Luyện ngục. Như vậy chính phát ngôn viên của công giáo không màng tới các điểm giáo lý này. Richelieu còn định gửi một giám mục sang Roma để xin Tòa Thánh chấp nhận hình thức đơn giản hóa nền giáo lý. Hồng y tưởng có thể lấy lòng phái Calvin với cử chỉ nhân nhượng này. Và như vậy sẽ có thể thực hiện sự thống nhất bằng cách giàn xếp để ngài có quyền chọn lựa các cộng tác viên và chính ngài sẽ chỉ dựa theo Kinh Thánh mà bàn cãi với phái Calvin. Richelieu nghĩ rằng nếu việc này thành tựu thì nó sẽ là nền tảng danh dự cho đời ông, danh dự là thượng phụ của nước Pháp và của cả Tây phương. Vì chết sớm nên hồng y không thực hiện nổi các điều ngài mong muốn. Những mưu toan thống nhất như vậy nhiều khi vô tình đi đến lạc đạo. Vào thời kỳ ấy, nhiều lần nước Pháp ngưỡng vọng vào nước Anh và nhớ đến vua Henri VIII.
Ðứng trước những chia rẽ giữa người kitô, nhiều kitô hữu cũng thành thực quan tâm đến việc thống nhất các Giáo Hội theo quan điểm của họ. Johannes Kepler, nhà thiên văn phái Luther bị phong trào phản Cải cách cưỡng ép đã phải bỏ dạy học tại Graz, ông bị các người đồng đạo ngăn cản không cho dự lễ bẻ bánh vì ông không ký vào Formula concordioe (công thức hòa hợp), ông phải bào chữa cho bà mẹ bị người tin lành quận Wurtemberg tố cáo là thi hành bùa phép. Trong bức thư viết năm 1618, ông quả quyết cả gia đình ông cầu nguyện hằng ngày cho ”nền thống nhất Giáo Hội bộ ba” (23). Vì mong ước sự thống nhất, ông đề tặng cuốn Harmonia mundi (Hòa đồng của thế giới) cho Jacques I vua nước Anh, người đang chuyên cần về thần học. Cựu tổng giám mục Split là De Dominis người uyên bác nhưng tính nết thay đổi và bất hạnh, lúc đó đang sống tại Anh, tìm cách thực hiện thống nhất giữa các giám mục mà ông cho là phải cấp cứu giải phóng để được tự do đối với giáo hoàng. Hugo Grotius người Hòa Lan (+1645) chuyên chủ về nhân quyền, ít chú trọng đến những tranh chấp thần học trong xứ sở, đã bị đi tù và lưu đày, đã đưa vào quan điểm pháp lý nhiều ý kiến của các nhà thần học Tây Ban Nha là Vittoria và Suarez trong thời gian dạy triết lý đại kết. Vì muốn vận động hòa bình trong Giáo Hội, ông là người đầu tiên đã khước từ, giữa cơn phong ba thù ghét do cuộc chiến tranh ba mươi năm gây nên, không gọi giáo hoàng là ngụy Kitô, là danh từ đầu lưỡi của tin lành. Nhiều bạn hữu của ông đã trở lại Công Giáo. Còn chính ông lại qua đời ở phương xa, tại Rostock, và không được các người đồng thời chiếu cố.
XX. MOLANUS VÀ SPINOLA, LEIBNIZ VÀ BOSSUET
Quan trọng hơn nữa là công trình vận động thống nhất của Gérard Molanus (1633-1722), tu viện trưởng theo Luther tại Loccum. Ông áp dụng luật thánh Benoit và điều khiển pháp đình tôn giáo Hanovre. Ông tiếp tục tinh thần của Calixt là thày dạy ông. Nguyện vọng tha thiết nhất của ông là sự thống nhất Giáo Hội. Ông gặp giám mục Francois Spinola là người đồng hội đồng thuyền. Ðến sau hai ông đã mở rộng câu lạc bộ. Triết gia Leibniz thủ thư viện của công tước Hanovre, Bossuet giám mục Meaux và người kế vị Spinola tại tòa giám mục Wiener Neustad (24) cũng dự những buổi hội ấy. Hanovre là nơi thuận tiện để tổ chức các cuộc hội như vậy. Tại xứ Tin Lành này, một người đã trở lại thống trị cho đến năm 1679. Cũng tại Hanovre, các vị Ðại Diện Tông Tòa đầu tiên miền Bắc đã hoạt động hăng say, trong đó có Niels Stensen (Stenon), người Ðan Mạch mới trở lại, vừa là nhà giải phẫu trứ danh vừa là nhà địa chất học. Khi công tước người công giáo qua đời mà không có con, em của ông lên thay thế, cần có sự ủng hộ của hoàng đế để được danh hiệu cử tri như ông mong muốn. Bởi thế ông cho phép các cha Dòng Tên đến kinh đô làm cha linh hướng. Các hoàn cảnh thật thuận tiện cho mưu đồ trên. Hoàng đế Léopol I (1658-1705) đang ráo riết áp dụng chính sách phản Cải cách trong các lãnh địa thừa kế của ngài. Trong khi phải liên miên đương đầu với nước Pháp của vua Louis XIV và trước sức hăm dọa khẩn trương của đạo binh Thổ Nhĩ Kỳ, hoàng đế tìm cách thống nhất đế quốc và liên minh với các ông hoàng người Ðức để có một đạo binh hùng mạnh do ngài điều khiển. Các ”đồ án cải tổ” chẳng những không chỉ nhắm vào những vấn đề chính trị nội bộ, như bãi bỏ thuế đoan trong đế quốc, mà còn có ý giảm thiểu và đình chỉ các vụ tranh chấp tôn giáo nữa. Ðể mưu toan việc ấy, Rojas Spinola là con của đại tướng Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh ba mươi năm, đã vào tu dòng Phanxicô tại Cologne và sau trở nên giám mục Knin và từ năm 1687 là giám mục Wiener Neustad, ông rất quan tâm đến việc hợp nhất các Giáo hội. Ðược vị hoàng đế sùng đạo nâng đỡ, Spinola được Roma cho phép bắt tay vào thí nghiệm. Ðức giáo hoàng Innocent XI (1676-1680) truyền cho vị giám mục phải gửi về Roma đầy đủ các bản báo cáo và chỉ khuyến khích ông một cách chung chung thôi. Còn việc ngài cho phép miệng để ông nhân nhượng đến độ nào và có những quyền hành gì thì không ai biết.
Giám mục lạc quan, lên đường ba lần để đi gặp các ông hoàng Luthérien tại Ðức. Ðừng trông chờ sự nhân nhường của phe Calvin, nhất là về bí tích Thánh Thể. Theo lời chứng của Leibniz, Spinola nán lại trong triều đình Hanovre nhiều tháng để dự những cuộc hội thảo ít đả động đến các vấn đề chủ yếu (25). Năm 1683, mọi người thỏa thuận phác họa một bản điều tra hợp với giáo lý Công Giáo, ít là về căn bản, trong cả một loạt vấn đề còn đang được bàn cãi, như quyền bất khả ngộ của các công đồng và việc giáo hoàng châu phê các quyết định đó, về lễ Misa và sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể, giá trị của việc chịu lễ dưới một hình bánh thôi, việc sùng kính Thánh Thể và bản tính bí tích Hòa Giải, về lòng sùng kính các Thánh, về lời cầu nguyện cho những người quá cố, về các ân xá; hơn nữa, về các điểm chưa được mọi người minh thì đồng ý, người ta thỏa thuận trên nguyên tắc, là phải thần phục các quyết định của những đại công đồng đã có và sẽ họp về sau. Phái Luther có mặt tại hội nghị đưa ra thỉnh nguyện: phải có một công đồng chung mà các quyết định tín lý sẽ được Chúa Thánh Thần bảo đảm là bất khả ngộ.
Những cuộc tranh chấp của phe người Pháp tại Roma đã gây bất lợi lớn cho các công trình mang nhiều hứa hẹn như trên. Kể từ đó, Spinola không được lấy danh nghĩa và các chỉ thị Roma để hoạt động nữa, mặc dù đức Innocent XI vẫn kêu gọi ông hoạt động với tư cách cá nhân. Năm 1691, ông tìm cách thoa dịu những mối căng thẳng tôn giáo tại Hung Gia Lợi. Khi giàn xếp các vấn đề tôn giáo, người ta hy vọng mang lại hòa bình trong xứ sở và củng cố lòng trung thành của dân chúng đối với nhà Habsbourg. Spinola kêu gọi thay đổi qui chế của người tin lành Hung Gia Lợi, chấm rứt các biện pháp phản Cải cách, và hô hào tổ chức những nghị hội tôn giáo để hoàng đế mời các nhà thần học Ðức có uy tín và óc nhận định sâu sắc đến làm đại diện cho những người Hung Gia Lợi chưa vững chắc đủ về thần học và kiến thức tôn giáo. Spinola giải thích là trong việc này ông chỉ có một ưu tư độc nhất là thống nhất Ðức Tin, đó là huấn lệnh của Chúa cho tất cả các tín hữu. Còn việc điều khiển các buổi họp và mọi sự khác, ông phó thác cho quyền tối thượng của Giáo Hội, vì Chúa sẽ linh ứng cho Giáo Hội biết phải nhân nhượng đến đâu để sau khi thực hiện thống nhất, còn đồng tâm lo việc xây dựng chung. Hoàng đế cũng cố mời mấy nhà thần học từ Danzig, thuộc lãnh thổ Ba Lan đến. Nhưng các nhà thần học Ðức không chiếu cố lời mời tới dự nghị hội tôn giáo tại Hung Gia Lợi, nên nghị hội không thành. Cuộc hành trình thứ ba của Spinola tại Ðức không mang lại kết quả gì, và giám mục qua đời năm 1695. Francois Antoine là bá tước Buchheim lên kế vị ngài tại Wiener Neustad. Nhiều lần, ông được Molanus mời tổ chức lại các cuộc hội họp. Năm 1698, Francois đến Hanovre đầy nhiệt tình về các dự án nhưng ít hy vọng hơn Spinola. Ông bắt liên lạc thường xuyên với vị sứ thần Tòa Thánh ở Vienne để được mọi người ủng hộ. Những cuộc tranh luận ông tổ chức chung với Molanus và Leibniz đưa đến cho ông nhiều hy vọng, ông nhận thấy những người đối thoại với ông thành thực muốn thực hiện thống nhất. Ông tưởng ông hoàng cử tri xứ ông sẽ quay về với Giáo Hội Công Giáo. Họ trù tính một dự án giống như dự án năm 1683 để công nhận giáo hoàng là thủ lĩnh của Giáo Hội Công Giáo, Tông Truyền và Roma. Các cuộc đàm luận ấy không đưa lại kết quả thực tế. Giám mục báo cáo sang Roma nhưng không được chấp thuận như ngài mong muốn. Molanus, Leibniz và các bạn rút lại những điều đã hứa hẹn. Người ta không biết chắc vì lý do gì. Những thay đổi về tình hình chính trị, bầu khí lạnh nhạt của Roma, và có lẽ cũng tại thái độ của Bossuet trong khi bàn cãi về thống nhất, thái độ mà người Ðức cho là có ẩn ý chính trị, và những yêu sách không thể thực hiện được, tất cả những yếu tố ấy đều ảnh hưởng cùng một lúc.
Bossuet, giám mục tương lai tại Meaux, là một trong những nhà thần học Pháp nổi tiếng thời ấy được Louis XIV tín nhiệm và giao việc giáo dục hoàng tử cho ông. Ngay từ năm 1671, được đào tạo nghiêm chỉnh về Kinh Thánh và khoa Giáo phụ, ông đã soạn cuốn Trình bày nền giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (Exposition de la doctrine de l'Eglise catholique) được giáo hoàng ca tụng hết lời. Mục đích đầu tiên của sách này là để chinh phục các người phái Calvin bằng cách chú giải các điều công đồng Trente truyền dạy. Trong sách đó Bossuet nêu bật nhiều điểm được bàn cãi giữa các phe tuyên tín đã dựa hoàn toàn trên những cắt nghĩa sai lạc về giáo lý Công Giáo, nghĩa là người ta đã phóng đại những dị biệt mà ban đầu không có. Nói tắt nền giáo lý Công Giáo hiểu theo nguyên tắc của những người tin lành không chứa chấp điểm nào trái với các chân lý nền tảng Ðức Tin. Với chủ trương hộ giáo và với óc thủ cựu, Bossuet bàn đến việc thống nhất thực tế, đến những cuộc tranh luận với giới quý tộc Pháp cần phải chiêu hồi về Công Giáo. Cuốn Exposition de la doctrine de l'Eglise catholique bị đả kích dữ dội bởi Jurieu thuộc phái Calvin, ông này chỉ biết Giáo Hội qua ánh sáng Thánh Kinh và cảm nghiệm thực tế. Jurieu cũng quảng diễn ”các tín điều nền tảng” của giáo lý và tuyên bố Giáo Hội Công Giáo bao gồm tất cả các Giáo Hội tuyên xưng Thiên Chúa độc nhất qua trung gian của Ðức Kitô. Không có Giáo Hội nào là Công Giáo cả nhưng mỗi Giáo Hội ấy là thành phần của Giáo Hội Công Giáo. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục cho tới khi Jurieu chạy trốn sang Rotterdam. Khi bào chữa phép Thánh Thể, Bossuet đứng vào lập trường của Arnauld người đã chạy sang Bruxelles. Năm 1691, giữa Bossuet và Leibniz có trao đổi văn thư thường xuyên với nhau. Trong vụ thương thuyết hợp tác với Spinola, Leibniz tưởng rằng đã tìm thấy tại Pháp một đồng chí Công Giáo sẵn sàng chối bỏ quyền tối thượng của Tòa Thánh. Dầu vậy, Leibniz đã lấy sáng kiến góp phần thực hiện sự thống nhất mà vua Louis XIV hy vọng sẽ thực hiện được, trong khi cả hoàng đế lẫn giáo hoàng không làm nổi. Những nguyện vọng của Leibniz có thể được tóm lại như sau: muốn dựa vào Kitô giáo để thực hiện chính trị giữa các dân tộc mà nhà vua và ông hoàng Hanovre đang mong muốn, tiên vàn phải thực hiện thống nhất tôn giáo đã. Nhưng vì những người tin lành tưởng rằng họ có lý để khước từ công đồng Trente vì nó không phải là công đồng chung; muốn thực hiện thống nhất, chỉ cần phía Tin Lành ưng thuận là họ sẽ phục tùng các quyết định của công đồng sắp được nhóm họp đúng cách. Trong khi chờ đợi, người tin lành có thể được nhận vào lòng Giáo Hội đã thống nhất, được chịu các chức thánh của Giáo hội Roma, và nhận định là trong Giáo Hội Roma có các nền tảng Ðức Tin và các giám mục nhận được quyền chức thông thường từ Thiên Chúa. Bossuet nhận thấy các khái niệm đó trùng hợp với các luận đề của Jurieu: vì từ khước một công đồng chung có nghĩa là tôi bất phục tùng Giáo Hội nhưng tôi không biết là Giáo Hội nào và Giáo Hội đó ở đâu. Hơn nữa, một công đồng trong tương lai không vị tất sẽ mang lại điều gì tốt hơn về ơn bất khả ngộ và sự an bình; người ta sẽ vịn vào lý do khác để khước từ quyền bính của công đồng ấy, và kết quả là người ta sẽ thờ ơ đối với tôn giáo. Hằng chục năm sau Leibniz vẫn còn lưu luyến với nguyện vọng có công đồng chung; ông muốn tạm gác nếu không phải là bác bỏ hẳn công đồng Trente. Ðàng khác, Bossuet cương quyết chủ trương là hiến chế của Giáo Hội không chấp nhận cho người ta khước từ một điểm nào của nền giáo lý đã được Giáo Hội xác định, và hoạt động cách khác tức là phá đổ nền móng (26). Những quan điểm tương phản làm cho các cố gắng của nhà triết học Hanovre thất bại. Bossuet đã vụng về (ông gọi họ là những người ngụy đạo cứng cổ) và thiếu êm dịu để sửa sai và chiêu hồi những người nhầm lẫn. Và nước Pháp, khi đàn áp Giáo Hội Tin Lành bằng việc bãi bỏ sắc chỉ Nantes, không quan tâm đúng mức đến những giá trị kitô tích cực mà người tin lành và nhất là phái Luther đề cao.
Về sau nhiều người quảng đại và những nhóm nhỏ xuất tích từ cả hai bên vẫn tiếp tục cố gắng đi đến hợp nhất. Nhưng còn phải chờ hai thế kỷ nữa nguyện vọng thống nhất mới thành sống động trong lòng các Giáo Hội theo những hoàn cảnh khác hẳn, đồng thời làm sáng lên những cố gắng chính thức càng ngày càng gia tăng và càng phổ biến. Thế nhưng, công trình thống nhất trong thế kỷ XVII, tuy là thất bại vì nhân tâm chưa chín mùi, không phải là một ảo tưởng, nó là sự bày tỏ đầy yên ủi của một ý thức luôn luôn hiện hữu nhưng bị các vụ xung đột tôn giáo che lấp đi: ý thức rằng tất cả những người đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô và được Ngài cứu rỗi đều thuộc về một cộng đồng.