CHƯƠNG VI
THIÊN CHÚA GIÁO VÀ
CON NGƯỜI VÀO CUỐI THẾ KỶ XVI.
CHƯƠNG VI
THIÊN CHÚA GIÁO VÀ
CON NGƯỜI VÀO CUỐI THẾ KỶ XVI.
Lịch sử đời sống tôn giáo của các tín hữu và những lối phát biểu Ðức Tin của họ vào một thời kỳ nào đó lệ thuộc vào lịch sử khách quan và chính thức của các thể chế giáo triều. Thế nhưng ngoài cái lịch sử khách quan ấy lại còn sức mạnh nội tại của ân sủng, những thái độ cụ thể, những lý do được biết đến hay thầm kín, công khai hay tiềm ẩn, mà nhà sử học không nắm chắc được: ông cần phải giải thích qua các tài liệu gián tiếp ấy. Nhờ việc giải thích này, người ta mới phát hiện được đời sống thường nhật và thiêng liêng của dân chúng kitô vào các năm hậu công đồng Trente, ở cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Người tín hữu kitô sống trong những hoàn cảnh rất khác nhau: những gì đúng ở nước Pháp lại không đúng ở các nước nói tiếng Ðức và các vùng thuộc nước Ý. Trong khi tôn trọng những khác biệt đó, người ta có thể phác họa một tổng hợp mềm dẻo ngõ hầu phát hiện và nêu bật những trường hợp độc đáo và những công trình nghiên cứu trong tương lai.
Khi đề cập đến vấn đề thống nhất, tự nhiên tâm trí người sống ở thế kỷ thứ XVI phân biệt hai trạng thái khác nhau của thế giới. Ðối với họ, phàm tục và thần thiêng, giáo dân và giáo sĩ, trần thế và siêu phàm giao thoa với nhau. Các ý hướng phân biệt ấy không thể có như trong trí óc của một triết gia sau Descarte. Ðối với phần đông dân chúng ngày nay, sự phát triển thuyết nhân bản cũng không có một tính chất thuần túy phàm tục. Vì thế, có lẽ chúng ta ngạc nhiên khi thấy việc tục hóa tư tưởng nổi bật nơi Montaigne (1533-1592) vẫn hòa đồng với những phản ứng của người có tín ngưỡng. Nhưng sự hòa đồng trong những quan niệm về vũ trụ và đời sống con người, vẫn có một số mâu thuẫn mà người ta có thể không cho là mâu thuẫn. Ðiều đáng ngạc nhiên là vào thời kỳ đó, càng ngày càng có sự phân cách giữa lối hành đạo công cộng và lòng mộ đạo cá nhân. Một bên là những nghi lễ chánh thức đã sớm được quy định cho trong ba thế kỷ, một bên là đời sống đòi hỏi tự do, không muốn bị áp chế bởi những quy luật sùng đạo. Ðường lối hành đạo mà ta gọi là ”công cộng” có tính cách giáo triều và lệ thuộc các linh mục. Những đòi hỏi tự do tôn giáo của tín đồ tin lành, những quan niệm về chức tư tế phổ biến, đã đem lại cho các Giáo Hội Cải cách một bộ mặt riêng biệt. Giáo Hội Công Giáo sau công đồng Trente là một Giáo Hội có tôn ty đẳng cấp rất vững chắc. Người ta thường nói: ”giáo dân không được đặt thành vấn đề trong cộng đồng”. Mãi tới thánh Robert Bellarmin (1542-1621), người ta mới xác tín là giáo dân có thể được tổ chức thành một phân bộ thiêng liêng trong Giáo Hội. Một điều khác còn quan trọng hơn những quy tắc pháp luật hay những định nghĩa thần học, đó là sự kiểm soát càng ngày càng chặt chẽ của các giám mục và linh mục về những hoạt động của giáo dân. Ví dụ như các hội đoàn ở Avignon và le Comtat, cũng như những hội đoàn cuồng tín khắc khổ (1) bên Ý, các hội đoàn này đều phải nộp điều lệ hội đoàn để chức quyền Giáo Hội sở tại kiểm nhận, trong những lãnh vực cho tới nay thường thuộc phạm vi hoạt động của giáo dân như tổ chức nghi lễ, chọn sách vở và các nghi thức tôn sùng, trang hoàng các nhà nguyện v.v. Thay vì các hội đoàn này rất thịnh hành nhưng quá tự do, các giám mục thích chọn những hiệp hội như hiệp hội ”Corpus Domini” (Hội Mình Chúa) rất quy củ và có một chỗ đứng trong cơ cấu của phẩm trật Giáo Hội, hoặc các hiệp hội Thánh Mẫu do các tu sĩ dòng Tên điều khiển vững chắc, hiệu quả, và đã tập trung vào hiệp hội Mẹ của trường Roma (1584, thiết lập Primaria do sắc lệnh Omnipotentis Dei). Không phải một sớm một chiều mà sự việc có thể thay đổi. Ngay giữa thế kỷ thứ 17, tu hội Thánh thể vẫn giữ những nội quy hết sức mềm dẻo; sở dĩ tu hội bị giải tán là vì những lý do chánh trị: vào đầu triều đại vua Louis XIV chánh trị và tôn giáo bị lẫn lộn. Tóm lại chính sách tập trung đã có trước Công đồng Trente, và chính Công đồng đã thúc đẩy và làm cho phát triển mạnh thêm. Chính sách này đã phác họa ra một trong những dung mạo của Giáo Hội Công Giáo.
Thái độ cứng rắn trong vấn đề chống giáo phái Tin Lành, sự lo lắng bảo tồn Ðức Tin của giáo dân là những lý do giải thích vì sao Giáo Hội có chính sách tập trung như vậy. Chúng cũng giải thích cái ý hướng của Giáo Hội không muốn cho giáo dân tiếp xúc trực tiếp với Thánh Kinh là kho tồn trữ Ðức Tin qua nhiều trung gian (nghĩa là các bản dịch Thánh Kinh mỗi ngày một nhiều). Ðây không hẳn là một thay đổi căn bản về cách thức suy luận và lối sống ở cuối thế kỷ XV, mà là thái độ cứng rắn. Kinh Thánh đã được nhiều giáo dân biết tới là nhờ những bản dịch ra ngôn ngữ bình dân và việc phổ biến sâu rộng, nhất là ở Ðức quốc. Thời ấy, đối với tín hữu, Kinh Thánh chưa hẳn là một nơi gặp gỡ đặc biệt với Thiên Chúa. Phải chăng Kinh Thánh còn là một quyển thuật truyền hay là chốn nương tựa để cầu nguyện? Khi phong trào Cải cách khám phá ra những nhu cầu và khát vọng của các linh hồn, thì việc dùng Kinh Thánh trở thành trung tâm kinh nghiệm Thiên Chúa Giáo. Cùng lúc đó thái độ chống Cải cách đã được phác họa dần dần: Vào đầu thế kỷ, không ai nghĩ đến việc cấm đoán những bản dịch ra ngôn ngữ bình dân (và chính việc phổ biến Kinh Thánh đòi hỏi phiên dịch Thánh Kinh ra ngôn ngữ bình dân), nhưng các lối hạn chế phiên dịch đã gia tăng nhanh chóng: ngay từ năm 1546, công đồng Trente trong khóa họp thứ bốn đã xác định những gì sẽ là tín điều chánh thức của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ. Trong thực tế, các giám mục và các cơ quan đảm trách việc kiểm duyệt chiếu theo đó mà thi hành: năm 1551, mục lục sách cấm của tòa thẩm tra Tây Ban Nha cấm chỉ những bản dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ bình dân; năm 1559, những bản dịch bán phần cũng bị cấm ở Tây Ban Nha, nghĩa là cấm toàn diện. Luis de Léon (1528-1591) đã nói lên mức độ khắt khe trong việc cấm đoán đó (cũng nên ghi nhận: ngay cả những bản dịch ra ngôn ngữ bình dân của hầu hết những tác phẩm đạo đức thời danh cũng bị lên án, chứ không riêng gì các bản dịch Kinh Thánh). Ở Pháp cũng vậy, mặc dầu ít khắt khe hơn, cũng không được phép dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ bình dân. Ðây là một đặc tính của phong trào chống Cải cách, phản ảnh não trạng của người thời đó. Montaigne hăng hái tán thành những cấm đoán đó với quan niệm về uy quyền của Thiên Chúa: ”Chỉ nên đem Thiên Chúa vào trong các hoạt động của chúng ta với tất cả lòng cung kính và chú tâm đến vinh dự và tôn thờ”. (2) Ông cho là gương xấu khi thấy ”một thanh niên bán hàng”, những ”thợ thủ công tầm thường”, hay ”trẻ con và đàn bà” nói chuyện và bàn luận với nhau về những lời của Chúa Thánh Thần phán ra. Ðối với một người có tinh thần phóng khoáng như ông, mà Kinh Thánh còn là ”một lịch sử phải được tôn trọng, kính sợ và tôn thờ”, thì chắc theo ông, Thiên Chúa rất xa loài người, rất xa cuộc sống thường nhật của nhân loại. Phải chăng người ta đã làm sai lệch tư tưởng của ông khi nói ông chủ trương Thiên Chúa chỉ dành cho các chuyên gia, các giáo sĩ và các nhà thần học? Montaigne là một tín đồ không mấy mộ đạo, có thể tiêu biểu cái gì? Thánh Francois de Sales đã đan cử ông trong tác phẩm Controverses (những cuộc tranh luận) (3) của ngài và lặp lại tất cả lý lẽ của ông: sợ phạm thượng, sợ gương xấu; phải chăng phiên dịch là phản bội ”sự uy nghiêm của Kinh thánh”? Và giám mục thành Genève nhấn mạnh đến những nguy cơ mà Montaigne đã cảm thấy: ”Dân chúng không kín đáo có thể tự hào về sự nóng nảy thiếu nhẫn nại của mình”.
Lòng hâm mộ Thánh Kinh của người công giáo Pháp đã được quy định. Ðiều đó không có nghĩa là Thánh Kinh đối với họ đã bị khép lại, nhưng có ý nói: những hạn chế và mối ưu tư về một vài hình thức tôn thờ và cung kính đối với Thiên Chúa đã thắng vượt lòng khao khát tiếp súc, đàm thoại với Thiên Chúa bằng đọc Thánh Kinh. Những bản dịch Thánh Vịnh do người công giáo thực hiện còn nhiều hơn người ta tưởng, và rõ rệt, họ có ý hạ giá trị những bản dịch Thánh Vịnh của Marot. Nhưng vì thiếu sự nâng đỡ công khai và thiếu nhiệt tâm, nên không được quần chúng ủng hộ, cho cả đến bản dịch Thánh Vịnh của Renaud de Beaune (1527-1606), tổng giám mục Bourges, ấn hành năm 1587 và tái bản tới 50 lần cũng không được dân chúng ái mộ. Phải chăng cuốn Thánh Kinh Louvain xuất bản năm 1550 là Thánh Kinh của Lefèvre d'Etaples được hiệu chính, đã nuôi dưỡng lòng sùng đạo của người công giáo? Ðó là sách dành cho các chuyên gia, với những chú giải dài dòng, cho các thi sĩ hay cho các học giả. Công trình này cho thấy ông thiếu cảm hứng sâu sa và thiếu sự tiếp xúc với quần chúng, là hai đặc tính gặp thấy trong những bản dịch của nhóm Cải cách.
Ðối với người Pháp, Thánh Kinh có giá trị lịch sử và luân lý hơn là tôn giáo. Kinh Thánh là một ”sách lịch sử” một tuyển tập giáo huấn. Ðó là cớ sự của nhiều hậu quả lớn ở thế kỷ XVII. Ðó là tình cảm riêng của người Pháp. Ở đây chúng ta không đề cập tới các kinh nghiệm huyền bí về Kinh Thánh mà những vĩ nhân Tây Ban Nha như Luis de Leon và thánh Gioan Thánh Giá đã thâu thập được, vì đó là những trường hợp ngoại lệ. Thực ra ở Pháp, nhiều nhà tu đức như Laurent de Paris (+ 1631) hay Marie de l'Incarnation (1599-1672) cũng đã cống hiến cho chúng ta nhiều ví dụ. Trong mức độ thực hành chung tại Ðức, ảnh hưởng tin lành cũng thâu được vài kết quả và có ảnh hưởng hỗ tương giữa nhiều giáo phái khác nhau: người công giáo Ðức có rất nhiều bài hát Thánh Kinh và Thánh Vịnh, những bài thánh ca của Kaspar Ulenberg (1549-1617) và của J.Leisentritt (1520-1586) được phổ biến nhiều nhất. Ðúng như người ta nói (4): ở Pháp, lòng sùng đạo của người Cải cách là một sự sùng đạo đấu tranh, Thánh vịnh là bài ca chiến đấu. Còn bên Ðức, thánh ca Luther là thánh ca huyền nhiệm. Ðó là con đường hòa hợp đưa đến phong trào mộ đạo (piétisme) của tin lành Luther suốt thế kỷ XVII và XVIII. Phong trào này còn là một thực tế xa lạ đối với đời sống tôn giáo tại Pháp.
Hãn ngữ tinh thần Thánh Kinh và ấn định sinh hoạt phụng vụ là hai vấn đề luôn đi đôi với nhau. Công đồng Trente thiết lập trật tự trong các nghi lễ của năm phụng vụ và các lễ trọng. Việc ấn định đó đem lại những kết quả rộng lớn như nâng cao ý nghĩa phụng vụ, đề cao giá trị ngày chúa nhật và những ngày đại lễ trong năm phụng vụ, khuyến khích đoàn tụ giáo dân. Vào những thế kỷ này phần đông dân chúng nghĩ rằng dấn thân vào tôn giáo là dấn thân vào xã hội. Một dân tộc, ít ra trên lý thuyết, được đoàn tụ xung quanh vị chủ chăn của mình để cầu nguyện chung: như vậy linh mục triều, linh mục chánh sở thấy địa vị mình được nhìn nhận. Tuy nhiên do sự ấn định và cách tổ chức này, những trao đổi truyền thống giữa lối sùng đạo đại chúng và cách mộ đạo cá nhân, rồi sau này sự tiến triển về phụng vụ, càng ngày càng trở nên khó khăn. Tất cả những gì mang mầu sắc bộc phát hay nhiệt tâm truyền giáo, hay tinh thần sống siêu nhiên rất khó lòng tìm được một chỗ đứng trong Giáo Hội này, và vì thế, có chiều hướng bành trướng ở bên ngoài Giáo Hội. Như đã trình bày ở trên, nền phụng vụ chống Cải cách mang mấy đặc tính sau đây: đề cao sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, tôn kính các thánh, thừa nhận sứ mệnh giáo huấn của Giáo Hội. Cách bố trí trong thánh đường cũng phản ảnh những đặc tính này: Bàn thờ phải ở một nơi mà tất cả có thể trông thấy, Thánh Thể là một trong những tâm điểm của phụng vụ. Ðồ án thánh đường Gesù ở Roma là một tiêu biểu. Tâm điểm thứ hai là tòa giảng. Như vậy giáo dân có hai cách thức tham gia vào đời sống Giáo Hội là phụng vụ Thánh Thể và nghe giảng dạy về Chân Lý.
Vì sợ sệt, không muốn làm giống với phụng tự tin lành, nên những gì chúng ta gọi là ”phụng vụ lời nói”, tuyên xưng phụng vụ Kinh Thánh đều như biến mất trước phụng vụ Thánh Thể. Cũng trong thời gian đó việc thuyết giáo được bành trướng dưới hình thức bài giảng. Cần phải giảng dạy chân lý, vì người dân thế kỷ XVI suy nghĩ rằng: ”bởi sự ngu dốt mới có tà đạo”. Một khi chân lý được trình bày rõ ràng, minh bạch, thì chỉ người ác ý mới chối bỏ chân lý. Ðó là một xác tín mà thánh Francois de Sales chia sẻ với tất cả người đồng thời với Ngài. Ngài mơ tưởng bao vây Genève bằng một vòng đai học viện, hội đoàn, thuyết giáo hầu chế ngự giáo phái tin lành bằng sức mạnh vô địch của chân lý. Hùng biện đôi khi trở thành khôi hài, trở thành đả kích chánh trị hoặc phô trương quá mức sự thông thái của mình. Mọi sai lệch ngây ngô và quá đáng không thể che dấu được những trực giác sâu sa có sức bảo đảm giá trị cuả bài giảng trong nhiều thế kỷ.
Nghệ thuật tôn giáo dành được một chỗ đứng quan trọng trong phong trào đòi quyền chủ động cho hàng giáo phẩm: Giáo Hội hậu công đồng Trente không nhận ra mình đang sống trong ảnh hưởng của nghệ thuật baroque. Không gì xa đời sống khắc khổ và nghiêm khắc mà Giáo Hội khuyên dạy cho bằng việc ca tụng những cảm giác và lối sống ngông cuồng. Theo Giáo Hội, nghệ thuật phải trở thành giáo lý. Thời xưa, thánh Grégoire đã nói về Thánh Kinh của giới thất học là Thánh Kinh được trình bày bằng hình ảnh, thời sau công đồng, để chống giáo phái tin lành chủ trương đả phá sự tôn kính ảnh tượng, người ta lặp lại lý thuyết xa xưa ấy (5) và mặc cho nó một nội dung mới: hình ảnh giúp dân chúng nhận biết chân lý của Ðức Tin và những chuyện sử của Thánh Kinh. Do đó vai trò của các giám mục là nghiêm chỉnh canh chừng tính cách truyền thống của nghệ thuật: không chút hơi hám của tà giáo, không chút sỗ sàng hay thô bỉ. Hơn thế, các ngài khuyến dạy một nghệ thuật sáng sủa, dễ đón nhận và có kế hoạch. Một thế kỷ sau (với sự chênh lệch một thế kỷ mà chúng ta thường gặp cho những vụ việc tại Pháp) đã có họa phẩm thần học vững chắc của một người như Le Brun. Vậy, họa phẩm phải được phê phán trên sự thật luân lý hơn là trên nét đẹp của nó, chớ gì nó không phản bội chân lý! Bạn muốn trình bày một Chúa Kitô chịu khổ nạn, bạn đừng vẽ một lực sĩ vinh quang, mà vẽ một người bị cột vào trụ đá giống như bức họa mà họa sĩ Gilio du Fabriano đã vẽ: ”một nhân vật ảo não, cực sầu, máu me, bị nhổ nước miếng vào mặt, da thịt bị xé ra, bị thương tích, không còn hình dáng người, xanh xao và coi thật đáng thương” (6). Lý thuyết nghệ thuật mới này được thánh Charles Borromée trình bày cách tài tình trong cuốn ”Instructiones Fabricae et Supellectilis Ecclesiae” (Huấn dụ của Giáo Hội về việc chế tạo và trang trí). Thánh đường, nơi cử hành phụng vụ phải trang nghiêm, tráng lệ. Thánh đường phải xây trên chỗ cao ráo, mặt tiền phải được trang hoàng hình tượng các thánh, vì chính đó là một bài giáo huấn; bàn thờ phải được xây trên nhiều bực cao để cho mọi người được trông thấy từ bốn phía; cửa sổ không còn lồng kiếng vẽ nữa, mà phải trổ ra rộng lớn và sáng sủa; các đồ trang hoàng và y phục phụng vụ phải lộng lẫy; một sàn cao và bằng phẳng để cho chủ tế di chuyển khi hành lễ; một ngôi thánh đường sáng sủa và xinh đẹp sẽ không cần những đồ trang hoàng vô ích. Người ta thấy có tiếng vang phản ứng về cái lý tưởng đó trong tất cả những sắc lệnh của các giám mục thời đó liên quan tới việc tu bổ các giáo đường. Ðó cũng là một nghệ thuật được sáng tạo ra cho một cộng đoàn. Chúng ta đã xa những giáo đường mà trước đây khoảng 50 năm thánh Thomas More từng chiêm ngưỡng: ánh sáng mờ ảo tiếp đón những tâm hồn phấn khởi và ngây ngất trong cảm tính tôn giáo.
Ðồng thời, những hình thức nghệ thuật không nặng ý nghĩa thần học đã dành một chỗ lớn cho sự rung động và cảm xúc, đó là phong trào baroque mà Giáo Hội không tạo nên, nhưng chấp nhận và xử dụng. Dòng Tên, dòng Oratoire Roma chắc chắn đã tán trợ những hình thức nghệ thuật đó. Palestrina phụ trách âm nhạc tại dòng Oratoire Roma từ năm 1571 tới năm 1594 đã thực hiện thế quân bình nan giải giữa sự nghiêm khắc và sự bộc lộ đa cảm. Như vậy, ông tạo nên cho nhiều thế kỷ nền âm nhạc để hòa hợp với nghi lễ phụng vụ lớn ở Roma. Tại Paris, trường của dòng Tên đã nổi tiếng về những lễ nghi long trọng, lễ misa và buổi hát kinh chiều. Trong nghệ thuật baroque, mối bận tâm về chân lý đã trở thành việc ca tụng mọi rung cảm, việc tìm kiếm mọi dấu hiệu bén nhậy như xuất thần hay run sợ, như một màn kịch tử đạo, hay việc phát triển tột bậc những tình tự bí nhiệm diễn tả trạng thái căng thẳng cuối cùng của nhân loại. Lại nữa, những gì nghệ thuật ”chánh thức” cấm đoán như chủ đề lố lăng không đúng với Thánh Kinh hay thần học, lại mặc sức xuất hiện trong các đồ trang hoàng trong thánh đường.
Chúng ta cần nói ngay là những gì đã xẩy ra trong các giáo đường tại Roma, trong các thánh đường của dòng Tên, những gì đã xẩy ra sau một thế kỷ trong những ngôi thánh đường đồ sộ ở phía Nam nước Ðức và những vùng xung quanh sông Danube, thì thật khác xa với những gì xẩy ra ở những vùng quê nước Pháp. Những lễ nghi trọng thể ở Roma cũng không thấy trong các lễ chúa nhật ở vùng quê. Người ta thường mô tả tình trạng thảm thương của những nơi thờ phượng vào đầu thế kỷ XVII: Bourdoise (1584-1655) bất mãn với những nhân vật quyền thế có nhiều lầu đài sang trọng và nhiều nhà vui chơi khắp nơi trong làng xã, đang khi Thiên Chúa chỉ được ngự trong những nhà thờ nghèo nàn, trang trí sơ sài và đồ đạc rất đơn sơ; liệu những người giầu sang đó có gan cho một đầy tớ thấp hèn nhất của họ tạm trú trong một căn phòng dơ dáy giống như nhiều nơi thờ phượng Chúa! (7). May thay, giáo dân bắt đầu nhận thức được sự chểnh mảng này và họ lo tu sửa lại. Những cuộc tàn phá của chiến tranh tôn giáo đã triệt hạ 20.000 giáo đường tại Pháp; tại Hòa Lan, 400 giáo đường bị cuớp phá trầm trọng năm 1566 do bọn chống tôn thờ ảnh tượng; và còn lời chứng của thánh Francois de Sales về các nhà thờ ở vùng Savoie. Ngoài ra còn những tàn phá của các nhóm nổi loạn (Fronde), sự thờ ơ lãnh đạm, sự thiếu bảo trì. Trong những năm loạn lạc, các chủ xí nghiệp và các linh mục họ đạo phải cố gắng thật nhiều trong việc trùng tu thánh đường. J. Ferté đã lập một bản kê khai dài (8) về những ngôi thánh đường được xây cất lại, được trùng tu hoặc được tái thiết đẹp đẽ hơn tại các vùng quanh Paris. Nhưng tại Pháp mọi việc chậm trễ hơn tại Hòa Lan của quận công Albert và Isabelle. Mãi vào thế kỷ XVII, tại Pháp mới có những công tác quan trọng và nhiều xây cất đáng chú ý. Liền sau chiến tranh tôn giáo, sự thiếu các chủ chăn và sự thờ ơ lãnh đạm của bổn đạo làm cản trở nhiều thực hiện, và họ chỉ làm khi có nhu cầu khẩn trương và phí khoản ít tốn kém. Họ tu sửa và trang trí đặc biệt những bức họa sau bàn thờ diễn tả đoàn đông đảo các thánh đang ca tụng sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể (hình thể nghệ thuật này là điển hình của thời hậu công đồng Trente và được nhấn mạnh nhiều lần trong hàng 100 thư chung của các giám mục), họ làm nhà tạm bằng gỗ mạ vàng, tòa giải tội, những bức họa, đồ vật trang trí phụng vụ. Công trình nghệ thuật cổ truyền trong năm 1612 tại một thánh đường nhỏ ở Villecresnes gần Paris, là bức họa trình bày Chúa Cứu Thế, Ðức Bà và thánh Gioan vẽ mầu sặc sỡ, bức vẽ Ðức Bà và tượng thánh Gertrude, và bàn thờ chánh làm bằng gỗ chạm trổ. Còn có những công trình tân kỳ khác, như những cột trụ bằng đồng vàng với hai Thiên Thần (năm 1620 ở Chevreuse). Chúng ta hiểu tại sao vài vẻ huy hoàng phụng vụ không đáng kể đã đến trong những giáo đường đơn sơ và với thời gian, chúng đã gây thật nhiều cảm nghĩ nơi giáo dân.
Nhưng nhìn vào chiều sâu, việc phục hưng phụng vụ để biểu lộ Ðức Tin trong thời đó không đánh động và thấm nhiễm vào thâm tâm con người. Nhiều người nói: sau công đồng Trente, phụng vụ là một tấn kịch! Vì thế tốt hơn hết, nên tìm hiểu xem phụng vụ đã đâm rễ sâu vào văn hóa đến mức độ nào. Ngày nay chúng ta khám phá ra giá trị của điệu bộ và nụ cười, khám phá ra yếu tố truyền cảm trong kịch nghệ. Hơn nữa, ngay đầu thế kỷ, chúng ta có thể nắm bắt những gì mà ”kịch nghệ” đã đem lại cách cụ thể cho việc thống nhất cộng đoàn, và thống nhất con người với bản thân bằng sự phối hợp mọi giác quan, thị giác, thính giác và cử chỉ. Sau cộng đồng Trente, phụng vụ cũng biểu lộ nhiều nhậy cảm và thực hiện một hình thức hiệp thông nặng mầu sắc trí thức và tính chất tôn giáo. Người dân ở thế kỷ XVI đã trải qua một cuộc khủng hoảng mà đến nay chúng ta vẫn còn thấy hậu quả: sự an toàn của thế giới và xã hội bị lung lay, sự chia rẽ trong Giáo Hội, việc phát hiện những thế giới mới, thiên văn mới, tất cả đều đi một chiều. Con người tìm kiếm những điều xác thực và say mê bám víu vào cái hữu hình và gây xúc động. Con người muốn nhìn thấy và sờ mó được, nhìn xem bánh thánh, cảm thấy sự hiện diện và muốn dùng kinh nghiệm giác quan để thích ứng vào trong một thế giới đang lo sợ chỉ tìm thấy ảo tưởng. Kịch tuồng tôn giáo ở đây tìm thấy một trong những giải thích: những tác giả á bí tích (auto-sacraéntales) (9) người Tây Ban Nha như Lope de Véga, Calderon và mấy tác giả ít tên tuổi hơn, đã thực hiện được trong việc suy tôn Phép Thánh Thể, sự phối hợp cho nhiều thế kỷ, giữa phụng vụ và tuồng kịch. Trong quan niệm ”thế gian là ảo tưởng”, tuồng kịch đã gây nên những xúc cảm và choáng váng, đã phát động phong trào hoán cải, việc suy tôn dấu hiệu trọng yếu và hình thể nom thấy của Mình Thánh. Tất cả những sự kiện này đã tạo nên một tòa nhà có bảo đảm, tuyệt đối, nhưng chỉ có dáng bề ngoài.
Nếu chúng ta không thấy trong thái độ của giáo dân đối với phụng vụ, một sự ”tham gia” đúng theo ý nghĩa hiện đại (mặc dầu những bằng chứng không tiết lộ sự lạm dụng quá đáng và quá thông thường như những cuộc chất vấn lớn tiếng, những lần ẩu đả nhau v.v. ngay giữa nhà thờ), điều đó không có gì lạ. Những chỉ thị của công đồng Trente bắt buộc dùng tiếng latinh và cầu nguyện thầm lặng, loại trừ sự tham gia ”trí thức” của một số đông dân chúng, và cả của những linh mục không biết tiếng latinh vào đầu thế kỷ XVII, tại các vùng quê của Pháp. Hơn nữa, sách lễ không được phiên dịch kịp thời, nên những ai chỉ biết đọc latinh, mà muốn theo dõi phụng vụ trong sách cũng không phải chuyện dễ. Phải chăng là thiếu tính cách con người, là tham gia vô ý thức? Cần phải tế nhị nếu muốn hiểu lòng đạo đức thời đó. Tất cả những tài liệu hiện đại hầu như minh chứng có một tiến bộ rõ rệt về số người xưng tội và rước lễ, ít ra ở thành thị. Trong thời đó, tại nhiều nơi, số đàn ông rước lễ nhiều hơn số đàn bà. Những con số mà chúng ta biết được đối với thành Roma trong những năm 1609-1625 (10), cho dù đây là trường hợp đặc biệt và có những trường hợp cần phải xét lại, cũng vẫn còn rất to lớn. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1615, 20.000 người rước lễ tại nhà thờ Ðức Bà Cả, và nội trong năm thánh 1625, con số còn cao hơn nhiều. Phải chăng vào giai đoạn đó, việc các giám mục ra những văn thư khuyên dựng nhiều tòa giải tội trong các nhà thờ, là dấu hiệu có nhậy cảm mới về tôn giáo?
Ðiểm độc đáo của việc cử hành phụng vụ mới vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII là vẻ trang nghiêm. Bấy giờ dân chúng ham muốn và mến chuộng cái vẻ uy nghi của phụng vụ, của những mầu nhiệm linh thiêng. Ðôi khi coi đó như một lý tưởng. Dĩ nhiên còn rất nhiều việc phải làm, vì cho tới cuối thế kỷ XVII, các báo cáo về những cuộc kinh lược của giám mục đều nhấn mạnh đến những thiếu sót trong phụng vụ. Ðiều đó chứng tỏ càng ngày người ta càng nhận thấy còn có những điều chưa hoàn bị! Ðây là một hình thức để chống đối những cái mà người ta gọi là ”lạm dụng”. Việc canh tân nội bộ của Giáo Hội có tác động ngay trong họ đạo. Khẳng định rằng những ”lạm dụng” trong Giáo Hội Roma là nguyên nhân chính yếu đưa tới phong trào Canh tân ở thế kỷ XVI là một cái nhìn quá đơn giản. Từ lâu, Lucien Febvre đã minh chứng rằng phong trào to tát đó có những nguyên do sâu xa hơn. Một vài vùng như ở miền Franche Comté, những lạm dụng sinh gương xấu và những vụ rút phép thông công vì thiếu nợ, còn trầm trọng và kéo dài. Chúng đưa thế lực của Giáo Hội tiếp tay cho một hạng người xảo quyệt ham làm giàu trên xương máu dân chúng. Những vùng ấy vẫn giữ đạo Công Giáo, kế cận với những vùng đã theo Tin Lành. Khắp nơi, các sử gia đem ra những bằng chứng tương tự là dân chúng vẫn trung thành với đạo Công Giáo hay đã theo Tin Lành vì những lý do phức tạp hơn là vì muốn nổi loạn. Giáo Hội Công Giáo chỉ còn cách là thực hiện thật sớm chương trình cải tổ, đem lại cho mình một bộ mặt mới để khỏi bị chỉ trích. Ðó là một phần lớn những việc làm của công đồng Trente. Nhưng ở Ý, việc canh tân đã khởi sự nhiều năm trước công đồng, còn ở Pháp, việc cải tiến rất chậm. Trên thực tế, có rất ít thay đổi cụ thể trước khi nhiều thế hệ linh mục được đào tạo trong các chủng viện; thế mà tại Pháp các chủng viện được mở rất muộn. Có thể minh chứng, trước những năm 1640, Pháp không có những chủng viện xây cất chắc chắn và lâu bền. Những chủng viện đầu tiên (chủng viện Bordeaux (chủng viện Bordeaux được thành lập vào những năm đầu thế kỷ) đều suy sụp hoặc chỉ đào tạo một số linh mục không đáng kể. Phải đợi đến năm 1640 mới có quyết định lịch sử của cha Bourgoing muốn thành lập một tu hội mới lấy việc đào tạo hàng giáo sĩ làm mục tiêu chính yếu cho việc truyền giáo. Chắc hẳn là lý do kinh tế đã làm chậm trễ sự thành lập những chủng viện tại Pháp. Như sẽ nói, chủng viện chỉ có thể khởi sự hoạt động cách hiệu lực sau khi các tài nguyên được bảo đảm đầy đủ. Ngay từ những năm 1573-1581 tại Carpentras, khi Jacques Sacrati khởi công xây cất một chủng viện, thì giám mục tìm cách yểm trợ bằng việc thiết lập một thứ thuế trên tất cả các lợi tức của địa phận. Tại Âu Châu vào thời kỳ chống Cải cách, những vấn đề kinh tế thường là chìa khóa của chương trình phát triển thiêng liêng.
Hàng giáo phẩm Pháp có thái độ ra sao trong những năm đầu của thế kỷ XVII, khi trào lưu canh tân đã biến đổi nước Ý và bắt đầu tràn qua phía bên nầy dãy Alpes? Chúng ta cần tránh hai ảo tưởng: Ảo tưởng thứ nhất liên quan đến những đại công tác và những ngoại lệ hào nhoáng ”nhân bản đạo đức” và ”xâm nhập huyền nhiệm” mà H. Bremond chỉ cho chúng ta biết một phần rất nhỏ về Giáo Hội. Vài vị tiến sĩ, vài thánh nhân chỉ là phần tốt đẹp và phong phú ngoại lệ. Nhưng, thực tế hằng ngày của một Giáo Hội không thể định nghĩa bằng những nố ngoại lệ, cho dầu sáng chói và ý nhị. Ảo tưởng thứ hai tương quan đến những lời than vãn và những vụ khiếu nại có thể căn cứ trên nhiều sự kiện. Nhưng chúng ta đừng quên rằng phần lớn những than vãn và khiếu nại đó được tiết lộ bởi các nhà canh tân nhiệt huyết và khắc khổ, bất mãn với tình thế mà các ông muốn thay đổi, hoặc bởi những báo cáo của các giám mục đi kinh lược. Dầu sao đi nữa, các sử gia thường lên án hàng giáo sĩ của cuối thế kỷ XVI: Hàng giáo phẩm cao cấp thì xa hoa và dốt nát, họ coi những bổng lộc Giáo Hội như một đặc ân được hưởng từ lúc mới sanh và coi Giáo Hội như phương tiện tốt nhất để đắc thủ sự giàu sang và danh vọng, tinh thần gia đình trị, họ gắn bó với người bổ nhiệm họ và ban phát bổng lộc Giáo Hội cho họ (chẳng hạn, giám mục gắn bó với một quan chức Roma hay một lãnh chúa nào đó, chúng ta nghĩ đến trường hợp giám mục Carpentras và Sadolet), họ thiếu tinh thần tôn giáo, bỏ bê nhiệm sở, kiêm nhiệm một lúc nhiều bổng lộc Giáo Hội, trao đổi bổng lộc v.v. Giữa thế kỷ XVII, vào thời kỳ phong trào canh tân phát triển mạnh ở Pháp, trường hợp hồng y Retz chắc chắn là một gương xấu tiêu biểu nhất về những ”lạm dụng” này.
Ngay từ cuối thế kỷ XV, tại Pháp, những nhà truyền giáo nổi tiếng như Jean Standonck (+ 1501) và Olivier Maillard (1430-1502) đã định nghĩa thế nào là lý tưởng của hàng giám mục (11). Nhưng một thế kỷ sau, Giáo Hội Pháp lại chậm tiến hơn Giáo Hội Ý của Giberti và thánh Charles Borromée. Nhưng những tác phẩm lớn về đời sống tâm linh của hàng giám mục như cuốn ”Stimulus Pastorum” của tổng giám mục thành Braga, là Dom Barthélemy des Martyrs (1514-1590) rất nổi tiếng; Ðặc biệt, kể từ năm 1570, xuất hiện nhiều dấu hiệu cải tổ hàng giám mục nhờ ảnh hưởng của Milan, như các hội nghị đầu tiên do giám mục triệu tập (ví dụ như năm 1577 ở Lyon), việc thành lập và ấn hành các điều lệ làm cho các chỉ thị giám mục có giá trị pháp lý hơn, vượt hẳn những lời khuyên sơ đẳng về việc sửa đổi cách ăn mặc và lối sống. Mối bận tâm lớn của công đồng Trente về ”việc coi sóc các linh hồn” (cura animarum) tác động nhiều đến hàng giám mục Pháp. Tiếc là phong trào đầu tiên này đã xuống cấp trong vòng một hay hai thế hệ sau. Vì những thể chế và dân chúng chưa có khả năng thay đổi tận gốc rễ.
Nên nói thêm là ở Pháp, kể từ hòa ước năm 1516, chính vua bổ nhiệm các giám mục và người ta nhận thấy những nguy hiểm về thể chế “Giáo Hội lệ thuộc quyền lực chánh trị”. Vào cuối thế kỷ XVI, nhiều quốc gia tân tiến được thành lập khắp nơi. Các quốc gia muốn xử dụng Giáo Hội, đây là Giáo Hội Công Giáo, đó là một Giáo Hội Tin Lành. Tuy nhiên chúng ta phải dè dặt trong mọi xét đoán. Nếu các giám mục không được vua bổ nhiệm thì các ngài có thể được lựa chọn do những tập đoàn kinh sĩ và những tập đoàn kinh sĩ này, vào thời đó, là một trong những tập đoàn lỗi thời nhất của Giáo Hội Pháp. Trong khoảng thế kỷ XVII, khi các giám mục có tinh thần canh tân, muốn áp dụng những quyết định của các ngài, thường đụng chạm với các kinh sĩ. Do đó sinh ra rất nhiều vụ tranh luận và kiện tụng thê lương và khôi hài. Dầu sao, việc canh tân Giáo Hội Công Giáo Pháp dần dà được thể hiện nhờ một số giám mục do vua bổ nhiệm. Ðiều lưu ý sau cùng là quyền hành của các giám mục nầy rất yếu kém đối với các kinh sĩ và các linh mục chánh xứ. Các giám mục chỉ bổ nhiệm một số rất ít linh mục chánh xứ và thường là những xứ quá nghèo nàn. Các chánh xứ khác thì được đặt dưới quyền bảo trợ của các tu sĩ dòng hay của một vài giáo dân giầu có. Chỉ có một số nhỏ chánh xứ ở dưới quyền đức giáo hoàng thôi, và không biết họ có tương quan gì với quyền của giám mục!
Người ta không biết con số đích xác các linh mục chánh xứ. Các chiến tranh tôn giáo đã gây nhiều hậu quả tai hại: về con số người chết, về sự sa sút ơn kêu gọi, về cảnh nghèo nàn đã làm xáo trộn các cộng đoàn giáo dân ở nông thôn. Nước Pháp không giống tình trạng của những quốc gia Ðức. Ở đây người ta thấy nhiều vùng rộng lớn thiếu linh mục. Các linh mục triều vừa ít oi, vừa yếu kém về phẩm chất đã là một trong những nguyên do khiến nước Pháp và các quốc gia Ðức kêu mời các linh mục dòng: Ðó là một bổ sung cần thiết cho đến khoảng năm 1640. Nhiều bản văn và tài liệu cho thấy một hình ảnh không mấy hãnh diện về linh mục triều: lực học của họ quá thấp kém đến độ nhiều nhân chứng và sử gia phải sửng sốt. Chúng ta hãy nghe Bourdoise: ”Bõ đỡ đầu của tôi, một người chất phác đã nói với tôi vào thời đó rằng: Adrien... anh phải tập đọc thật giỏi để hát thánh ca cho đúng, vì một linh mục biết đọc, biết viết là một điểm lợi” (12). Sự thực, đó là lực học tối thiểu của phần đông linh mục về phương diện văn hóa. Họ ít học đến nỗi không hiểu gì về ý nghĩa của những lễ nghi, mỗi vị dâng lễ theo sở thích riêng của mình, nhiều vì không đọc nổi công thức giải tội; thánh Vincent de Paul là nhân chứng điều đó. Các ngài rất ít khi mặc áo dòng, tối ngày làm việc bằng tay chân như mọi giáo dân, đi săn hoặc vào các quán rượu; Vì thế, nhiều linh mục sống trong say sưa hay với đàn bà không cưới hỏi. Người ta có thể lập một danh sách dài về những trường hợp bất thường này! Dĩ nhiên, càng ngày bổn đạo càng nghiệm thấy đó là những trường hợp sai trái và gây gương xấu. Vào đầu thế kỷ XVII, đời sống thiêng liêng của hàng linh mục đã được sửa sai từ từ ở thế kỷ trước, nay được nắn theo một khuôn mẫu, nhưng phải chờ mấy chục năm nữa mới có thể thực hiện đúng đắn. Những tác phẩm như cuốn La Royale Prêtrise (Chức Linh Mục Vương Ðế) của Pierre de Besse và cuốn Le bon Curé (Cha sở tốt lành) của Richard Dognon, tuy là những sách phàm tục, tầm thường về một vài phương diện nào đó (Chắc chắn là học thuyết về đời sống thiêng liêng của đức hồng y Bérulle rất lâu sau mới tác động tới trình độ các linh mục thôn quê), cũng bày tỏ mối bận tâm lớn lao về phẩm cách của linh mục và về tổ chức mục vụ giáo xứ. Theo các tác giả, linh mục không nên để mình tan biến trong từng lớp xã hội ngài phục vụ, không phải là nô lệ của gia đình ruột thịt, không nên làm việc tay chân quá nhiều, ngoại trừ công việc trong vườn riêng, càng không được trở thành con buôn hay phải xoay xở để sinh sống. Chính công đồng Trente yêu cầu cho những ứng viên vào chức linh mục được hưởng những lợi tức đầy đủ, chức linh mục chỉ dành cho những người có khả năng và sống đứng đắn. Ðồng thời công đồng đem lại cho linh mục một dung mạo mới: cho dù trên thực tế, đời sống linh mục gắn liền với đời sống cộng đoàn giáo dân mà ngài thường chia sẻ những công tác và tâm trạng, nhưng về lý tưởng, linh mục vẫn là người cách biệt. Tổ chức mục vụ cũng được xã hội bảo đảm. Linh mục đảm trách những quyền lợi của cộng đoàn mình, như giữ vai trò hành chánh, quyền pháp lý, thu thuế vụ v.v. Cái gì hôm nay chúng ta cho là xáo trộn trật tự thì thời đó được coi là bình thường và đáng làm. Nhưng cho đến đầu thế kỷ XVII, cái lý tưởng mà nhiều thế hệ giám mục vận động để thực hiện, vẫn còn xa xôi!
Ở thế kỷ XVII cũng như vào thời đại chúng ta, những thể chế và những lối bày tỏ chính thức lòng đạo đức, không lột được hết nguồn phong phú tình cảm tôn giáo. Nếu chúng ta không muốn dừng lại nơi cái nhìn bên ngoài của lịch sử Giáo Hội, thì phải nghiên cứu chính những động cơ thầm kín, những phản ứng tác động sâu xa, và ý nghĩa chủ yếu được che dấu sau những hành động, những cuộc vận động hay những khước từ. Việc điều nghiên này đặc biệt khó khăn, bởi vì nó muốn định nghĩa cái gì tự bẩm sinh không thể định nghĩa được và do đó thực tại sâu kín luôn vượt quá những dấu hiệu làm nó phát hiện.
Cảm thức tôn giáo đâm rễ thật sâu và có những tương quan lâu bền với tâm lý. Vì vậy người ta có thể sai lầm khi chỉ nhận thấy nơi tinh thần chống Cải cách của người công giáo hồi cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII giống như những cuộc bút chiến hay những đam mê đấu tranh mà thôi. Nếu nghĩ như vậy về những thái độ của người công giáo (cũng như của người tin lành), quả là từ chối không muốn hiểu họ. Người công giáo có ý thức hết sức mãnh liệt rằng: đây là một sự tấn công. Theo họ, cải cách là một rạn nứt tinh thần, khước từ cái khuôn khổ xã hội và tôn giáo, và hơn thế, là phá đổ thế thăng bằng, cái thăng bằng của chính vũ trụ. Thời đó, mọi hình thức đa dạng tôn giáo cũng như đa dạng chánh trị, hầu như không thể tưởng tượng được. Cùng lắm, chỉ có thể hiểu là dưới hình thức đa diện của vị trí địa dư kế cận nhau theo nguyên tắc cujus regio, ejus et religio (miền nào có tôn giáo miền đó), và trong mỗi vùng phải có sự thống nhất. Trong những viễn cảnh đó, tín đồ công giáo cũng như tín đồ tin lành không công nhận chỉ dụ Nantes (Edit de Nantes) hàm chứa sự táo bạo và quan điểm chánh trị, dựa đặc biệt trên những nguyên nhân tâm lý và văn hóa (13). Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng: hình như những chống đối trong các quốc gia Ðức ít gay gắt hơn tại Pháp. Sự gián đọan phụng vụ và đoạn tuyệt với giáo triều tại các quốc gia theo phái Luther cũng không rõ rệt bằng tại Pháp. Ta lại không thấy các tu viện vẫn còn sống ngất ngưởng đó đây tại các quốc gia này sao?
Sự rạn nứt tinh thần và mối đe dọa còn trầm trọng nhiều hơn nữa trong thời kỳ mà những ranh giới tôn giáo chưa được phân định rõ ràng: vậy đâu là tà giáo? (14). Khắp nơi, các tài liệu cho chúng ta biết nhiều nhóm người hay nhiều cá nhân không biết rằng ”Ðức Tin của họ không chính thống!”. Trong địa phận Carpentras, các tín đồ Vaudois không biết là mình bị lạc đạo. Chính các nhà cầm quyền của Giáo Hội trong một thời gian lâu cũng lẫn lộn về khái niệm còn mơ hồ về ”tà giáo” Vaudois và Luther. Ðó là trường hợp Sadolet năm 1534: nhờ được bổ nhiệm làm quan tòa dị giáo, ngài mới phân biệt sáng suốt hơn! Tại nhiều nơi khác, quá trình hiểu biết cũng chẳng hơn gì giáo phận Carpentras! Vấn đề đặt ra về tà giáo thường được đặt ra qua vấn đề phản tà giáo. Sự kiện đó ai cũng biết. Thế kỷ XVII, phái ”nghiêm khắc” (Jansénisme) và phái ”tĩnh tịch” (quiétisme) đã để lại cho chúng ta nhiều thí dụ rất ý nghĩa. Dần dần những giới hạn phân ranh được ấn định và vào những năm 1630-1640, những ranh giới tôn giáo được vạch ra. Nhiều thập niên tranh luận đã làm sáng tỏ các vấn đề và đã định nghĩa thế nào là tà thuyết. Nhưng nếu chúng ta hiểu biết đối phương, chúng ta cũng am tường sự chia rẽ không phải là giả tạo. Phương pháp giải thích hay sư phạm trình bày trong cuộc tranh luận càng ngày càng tiết lộ và làm sáng tỏ những nhược điểm và ảo tưởng của đối phương.
Cả một dân tộc tự cảm thấy bị đe dọa bởi tà thuyết chỉ còn trông cậy vào Giáo Hội, tăng gia nhiều công tác, tăng gia việc cầu nguyện, khẳng định lại Ðức Tin, chiêm ngắm Mình Thánh Chúa, thành lập những đoàn thể đền tạ như đã thấy ở Avignon, thành lập hiệp hội Thánh Mẫu trên toàn Âu châu... Tất cả những sinh hoạt trên đây đều muốn đáp ứng nhu cầu “trốn thoát sự tấn công”. Theo nhận định của tâm lý học, lòng khao khát hãm mình đền tội và hoạt động, muốn hay không cũng ảnh hưởng đến thế thăng bằng nội tâm. Có một tương quan khá rõ ràng giữa sự chia rẽ tôn giáo và việc xuất hiện những hình thức sai lạc về lòng đạo đức, như bị quỉ ám, trừ quỷ rầm rộ. Trường hợp bị quỉ ám của Marthe Brossier đã thúc đẩy hồng y Bérulle viết cuốn ”Khái luận về người bị quỉ ám” (năm 1599), và những vụ ở Loudon (bắt đầu từ năm 1632) là cách trả lời bột phát của một cộng đồng Công Giáo đang bị hăm dọa ngay trong thâm tâm, là một lối biện giáo đa cảm. Trên thực tế, những vụ trừ quỉ đang làm nổi bật cái nhu cầu cụ thể, có thể rờ mó và nom thấy được. Những lo âu đang làm xáo động Âu Châu, làm đứt đoạn sự thăng bằng nội tâm và thăng bằng xã hội. Không xa lạ gì, sức mạnh bột phát của ma quỷ trong thời tân tiến, đang ồ ạt lan tràn từ miền Bắc Hòa Lan và từ các quốc gia Liên Bang Ðức theo Tin Lành. Hiện tượng đó không mang mầu sắc thời Thượng Cổ, nhưng đối với chúng ta, đây là một hiện tượng ”tân tiến”: đứng trước một thiên nhiên đe dọa khắp nơi, người ta muốn cô lập những vùng mờ ám, lạc đạo, phù thủy, điên cuồng, man dại. Con người hiện đại tìm cách tự bảo vệ mình và muốn có cái gì khác biệt để tự trấn tĩnh: muốn lấy việc đấu tranh để làm tê liệt kẻ thù. Do đó mà thời đại ngụp lặn trong bầu khí chiến tranh: tại Pháp vào năm 1658, chính các tu sĩ cũng tham gia vào cuộc đấu tranh bằng cánh tay hay bằng lời nói. Tình tự tôn giáo ”thời mới” được coi là bổ túc cho văn hóa và chỉ nhượng bộ khi đã hết sợ hãi. Người mất trí trở thành người bệnh, người bị quỉ ám trở thành một bệnh nhân thật hay một bệnh nhân giả vờ. Cần phải đọc tác phẩm của Friedrich von Spee (1591-1635) và những nhận định sau này của Bossuet trong ”bài giảng về ma quỉ” (le sermon du démon) hầu nhìn thấy một thời đại khác.
Cảm thức tôn giáo rút lấy một phần sức mạnh từ những tương quan nó còn duy trì được với những phản ứng sơ đẳng: đó là những tâm bệnh thật sự hay những tình cảm tập thể kích động trên quần chúng nhiều hơn là trên các nhà thần học, các vì dẫn đàng tiêng liêng hay cấp lãnh đạo Giáo Hội. Nhưng chính lòng đạo đức lại chìm đắm trong cái thế giới của sợ hãi. Ý niệm thăng bằng về vũ trụ luận đã sụp đổ. Các nhà tâm linh, như thánh Têrêsa, lại khép mình trong quan điểm riêng, quay trở về với những xác tín của mình, với kinh nghiệm của mình và với thực tại nội tâm. Vì chưng các tín hữu nhìn thấy sự sợ hãi hiện diện khắp nơi: sợ những hiện tượng tự nhiên, sợ bịnh tật, sợ chiến tranh, sợ cái siêu nhiên và những gì kỳ diệu. Sự sợ hãi được gọt dũa nơi nhà tâm linh, còn thô sơ nơi dân đồng quê hay dân chúng trong thôn xã. Cứ xem bức tranh Âu Châu hồi thế kỷ XVI qua tác phẩm ”Mémorial” của Pierre Favre (1506-1546) thì thấy rõ: bịnh dịch tả và chiến tranh phân tán các tu viện và đẩy con người vào cảnh đơn độc; những tai ương đó tước đoạt khỏi con người sự giúp đỡ xã hội và vì thiếu sự giúp đỡ xã hội, nên con người không có sự thăng bằng nội tâm và do đó, cảm thức tôn giáo mang nhiều hình thức sai lệch sau mỗi thời tao loạn. Phải chăng đó là một trường hợp cực đoan? Có những trường hợp cảm thức tôn giáo ít xáo trộn hơn, nhưng dầu vậy chúng cũng làm chúng ta hoang mang. Bên lề những hình thái ”chánh thức” hay ”thần học” của đời sống Giáo Hội, những lối đạo đức truyền thống luôn luôn thịnh hành như việc tôn kính các thánh, nhất là các vị thánh chữa bệnh, những phép lạ, những mê tín bình dân. Các nhà viết sử kể lại một loạt vụ việc có tính cách sùng bái ngẫu tượng còn hơn thời Trung Cổ và chúng ta tự hỏi không biết các vùng thôn quê nước Pháp có bao giờ được thật sự thấm nhiễm Thiên Chúa Giáo không? Trong các quốc gia Công Giáo, cuộc khủng hoảng Cải cách hình như không làm tổn thương những hoạt động đạo đức cổ truyền như việc tôn kính những hài cốt các Thánh, ảnh tượng làm phép lạ, đi hành hương. Thiên hạ tuốn đến những trung tâm Ðức Mẹ, đến ảnh Chúa Kitô hoặc tượng các vị Thánh và phong trào đó tiếp tục trong suốt thế kỷ XVII. Không hẳn là sự bành trướng chủ nghĩa duy lý đã ảnh hưởng trên lối mộ đạo tự phát này trước kỷ nguyên ánh sáng. Tại các quốc gia Ðức, các trung tâm hành hương vẫn được nhiều người tham dự, tại nước Tây Ban Nha và nước Pháp cũng vậy. Những cuộc hành trình của Pierre Favre giúp hoàn thành một bản đồ gợi ý: Ở Ý, trung tâm hành hương Ðức Bà Lorette rất được thịnh hành; Ðọc lại Montaigne, chúng ta thấy có nhiều mỉa mai về những cuộc hành hương, nhưng đồng thời, lòng mộ đạo xem ra thành thật (15). Hai sự việc đó không mâu thuẫn nhau đối với những người đương thời, cũng như đối với những ai có đầu óc tự do.
Mặc dầu còn sót lại những tàn tích xưa, giáo dân ở cuối thế kỷ XVI sống đạo theo lối cá nhân của họ, không còn tính cách tập thể như thời Trung Cổ nữa. Ðiều rất ý nghĩa là sự xuất hiện và bành trướng rộng rãi nền văn chương tôn giáo vào cuối thế kỷ XV và nhất là ở thế kỷ XVI. Việc có nhiều sách vở này không có hậu quả tức khắc là đặt giáo dân ra ngoài Giáo Hội. Từ lâu rồi, ”lectio divina” và lễ misa đã tạo cho giáo dân có dịp tiếp xúc với các bản kinh. Những hiện tượng tân thời thì rất khác biệt, đó là một chuyển hóa thật sự lòng mộ đạo Kitô: việc đọc sách cá nhân dần dần thay thế cho lối đọc sách tập thể. Song song với việc khởi thảo nền nhân học mới làm cho con người quay lại với bản thân trong khi con người không thể hòa đồng với vũ trụ nữa, sức phát triển cái ý thức về mình và về suy tư tâm lý, việc khởi xướng ra cái khí cụ mới là tinh thần lý luận. Tất cả những sự kiện này đã đem lại những hậu quả không thể lường được: khi đọc các bản văn, mỗi giáo dân sẽ có thái độ mới, lý luận và hiểu biết mới, tùy theo mức độ nhậy cảm và kinh nghiệm sống khác nhau; từ đó, họ sẽ đem ra áp dụng vào đời sống đức tin và đời sống thực tế. Từ đó đã phát sinh lối nguyện gẫm tân thời và hình thức chiêm niệm mới. Nếu có một số người như thánh nữ thánh Têrêsa, bị xao xuyến trong các đường lối suy niệm theo phương pháp và khao khát tiếp xúc trực tiếp với chân lý, thì không phải là họ lên án những phương pháp mới, nhưng là vì chúng đi quá xa.
Chúng ta đã nhận thấy rằng, khi ngăn cấm tuyệt đối hay tương đối việc phiên dịch Kinh Thánh để hạn chế những khao khát mới lạ về các bản văn, Giáo Hội Công Giáo thật ra lại thúc đẩy giáo dân quay về với những tác phẩm phụ thuộc, như những sách suy niệm dọn sẵn, những tập kinh và lời nguyện thích nghi với hoàn cảnh và với tâm trạng của mỗi người. Vì chưng nếu còn có nhiều bản văn bằng la ngữ và nếu con số giáo sĩ đọc được latinh còn khá đông, thì chúng ta phải dựa vào mức phát triển của nền văn chương thông dụng mà phê phán các trào lưu mới. Nền văn chương đó rất dồi dào phong phú nơi các tín đồ tin lành cũng như nơi các tín đồ công giáo. Tại thành phố Genève văn chương Kinh Thánh chiếm ưu thế hơn hết. Nhưng những loại sách khác và những hình chạm trổ là món hàng của các xí nghiệp, chẳng hạn xí nghiệp của Laurent de Normandie, ngay giữa thế kỷ XVI đã tồn trữ 35.000 quyển của 321 tựa đề, trong đó có 258 quyển có tánh cách tôn giáo; xí nghiệp này được tiếp tay bởi 200 người bán lẻ trên toàn nước Pháp (16). Lại nữa nền văn chương đó đứng trên mọi tranh chấp thần học và chánh trị trong một khoảng thời gian: Jean de Ferrières (+ 1588), linh mục công giáo, tác giả cuốn ”Kho Tàng Kinh Nguyện” (Trésor de prières), xuất bản năm 1585, đã tiết lộ rằng: những xu hướng canh tân, có lẽ rất thông thường vào thời Etienne Dolet (1509-1546), nhưng vào cuối thế kỷ thì đã lỗi thời. Lý do là vì lòng đạo đức bị chậm lại bởi những cuộc bút chiến và vì lòng sùng đạo có thể là một lãnh vực thực thi ”tinh thần đại kết”.
Hiện tượng văn chương này cũng là hiện tượng riêng của Âu Châu. Những nguồn mạch các tác phẩm đạo đức thời ấy đến từ miền rhéno flamandes: Pháp, Tây Ban Nha, đặc biệt nước Ý. Những người có công phổ biến các tác phẩm này là các tu sĩ dòng thánh Bruno (Chartreux). Nhưng chúng ta đừng quên rằng nền văn chương tôn giáo được bành trướng khác thường tại nước Ý vào cuối thế kỷ XVI, và người ta mới bắt đầu nghiên cứu (17) tại các quốc gia Ðức những tác phẩm của Johann Ardt, (Vomwahren Christentum, 1605) và của Johann Gerhardt (Schola Pietatis, 1612; Quinquaginta Meditationes sacrae, 1616; Exercitium pietatis quotidianum, 1622). Những tác phẩm này là bằng chứng giá trị về văn chương tôn giáo của Tin Lành, chúng đứng ngoài những cuộc tranh luận và không ngần ngại truyền bá những tư tưởng huyền nhiệm Công Giáo. Tại Pháp, phong trào xuất bản và phiên dịch rất được thịnh hành. Trong vòng một thế kỷ kho tàng của các Giáo Phụ, của nền văn chương thời Trung Cổ và của ”Devotio Moderna” được phiên dịch và xuất bản nhiều lần cho giáo dân tiện dùng: như chuyện thánh Bonaventure, nữ thánh Catherine thành Sienne, Catherine thành Gênes, Harphius, thánh Gertrude, ngụy-Tauler, Denys tu sĩ dòng thánh Bruno, Ludophe dòng thánh Bruno, Louis thành Blois, Louis thành Grenade, Jean d'Avila, Lorenzo Scupoli (1530-1610) mà tác phẩm ”Combat spirituel” (Cuộc chiến tâm linh), ấn hành năm 1589, tái bản nhiều lần và được thánh Francois de Sales giới thiệu. Ðó là những tác phẩm cổ điển về nền văn chương tôn giáo. Nước Pháp tràn ngập những tác phẩm ngoại quốc kể trên, và có cả những sách nguyên văn bằng tiếng pháp: ”Chiến tranh tôn giáo đã làm chúng ta quên tôn giáo” (La Noue).
Như trạm chuyển tiếp giữa những bản dịch và hằng ngàn chuyện ngắn, những ”sách tôn vinh các Thánh” (tuyển tập các lời kinh kính các Thánh), những loại sách nhỏ bình dân, dễ đọc. Trên kia đã nói về cuốn ”Trésor de prières” của Jean de Ferrières, nhưng còn có rất nhiều tuyển tập cùng loại rất đơn giản và dễ hiểu. Ở đây chúng ta chỉ kể đến mấy tập nổi bật nhất: cuốn ”Paradisus animae christianae” của Jacques de Merlo Horstius, phát hành năm 1530 và tái bản nhiều lần cho đến cuối thế kỷ XVII; cuốn ”Paradiesgartlein de Johann Arndt” xuất bản năm 1612; đặc biệt tập ”Le Paradis des prières” của R.P.F. Louis de Grenade viết bằng tiếng latinh mà Michel Isselt Allemand đã thâu thập từ những tác phẩm đạo đức của Iceluy và của những tác giả đứng đắn khác, rồi Francois Bourdon chuyển dịch ra tiếng Pháp; Cuốn ”Célestin de Paris” xuất bản tại Lyon năm 1612, đồng thời với cuốn ”Les plus excellentes fleurs de la piété et dévotion, colligée des Saints Pères...” do M. Jacques Ferrege chuyển dịch từ tiếng Latinh qua tiếng Pháp (Paris, 1628). Dưới một hình thức còn dễ hiểu hơn, đó là những kinh cầu, như quyển ”Thesaurus litaniarum ac orationum sacer” của Thomas de Sailly, in năm 1598 và tái bản nhiều lần, là một trong những bằng chứng đầu tiên về những bản kinh sách tiêu biểu lòng mộ đạo của người công giáo mãi đến thế kỷ XX.
Trong việc khuyếch trương nền văn học tôn giáo, có một hiện tượng song song với hiện tượng bành trướng thần học thực chứng (Théologie positive): Cách diễn tả của thần học trước kia quy hướng con người vốn ưa thích những điều dễ cảm nghiệm và dễ nhận thức, đi tới thần học huyền bí là trạng thái hoàn thành của sự hiểu biết. Từ nay hình như có sự phân chia giữa thần học và tinh thần đạo đức: khi tách ra khỏi thần học, lòng đạo đức có thể tự phát triển ngoài lề Giáo Hội thể chế không? Giáo Hội với tư cách là thể chế có thể thành bất lực trong việc đón nhận mọi hình thức phát triển lòng đạo đức không? (chúng ta nói về những Giáo Hội Tin Lành (18) cũng như Giáo Hội Công Giáo). Những người gọi là ”alumbrados” Tây Ban Nha, những tu sĩ dòng Tên đầu tiên, những người canh tân dòng Carmel (dòng Kín), đều bị nghi ngờ và bị bách hại không nương tay. Trong những buớc đầu, giáo phái mộ đạo (piétisme) Ðức cũng bị giáo phái tin lành nghi kỵ. Trong đạo Công Giáo của những năm 1600, chỉ cần nhắc lại những ngập ngừng của các tu sĩ dòng Carmel là Gratien (1545-1614) và Thomas de Jesus (1564-1627) trước khoa thần bí, việc đối lập với tác phẩm thần bí ”Théologie germanique” (Thần học Ðức), với ”Règle de perfection” (luật trọn lành) của tu sĩ dòng Phanxicô là Benoit de Canfeld (1562-1610) cũng đủ để thấy: thuyết chống thần bí đã hình thành với những chủ đề được lập đi lập lại trong vòng một thế kỷ. Lý do vì những hình thức phong phú nhất của lòng đạo đức Công Giáo, cách riêng môn học thần bí, đáp ứng đúng nhu cầu của những ai được thỏa mãn bởi giác ngộ hay nhờ Cải cách. Chính mối liên hệ nầy cắt nghĩa các phản ứng của Giáo Hội, và mối hiểm nghèo là ”làm kiệt quệ tinh thần đạo đức khi muốn gạt bỏ những nguy cơ”.
Còn vấn đề khác chúng ta gặp trong mỗi khúc quặt của thời khủng hoảng này, là việc cổ động cho người kitô hữu biết sống suy niệm. Ðiều hiển nhiên, việc này chỉ liên quan đến một nhóm ưu tú mỗi ngày một đông đảo và trình độ có thể rất tầm thường. Nhưng họ có thể chuyển đạt sự phong phú của việc chiêm niệm cho toàn bộ các tín đồ Thiên Chúa Giáo đến mức độ nào?. Vấn đề chuyển đạt sẽ quan trọng hơn ở thế kỷ XVII.
Cái gì là nội dung của lòng mộ đạo ở cuối thế kỷ XVI: đâu là những hình thức thể hiện, những hình ảnh, những nét đặc trưng giúp chúng ta đánh giá phẩm chất mối tương quan giữa tín hữu và Thiên Chúa?
Trong những giao thoa giữa thần học, giữa những quan niệm xã hội và các ám ảnh tập thể, chắc chắn những ý niệm về Thiên Chúa là động lực thúc đẩy bên trong làm bộc phát đời sống thâm sâu của tín đồ Thiên Chúa Giáo vào một thời kỳ nào đó; là động lực tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa và hối thúc con người đầu thế kỷ XVI lo tìm ơn cứu rỗi. Phong trào Cải cách là một trong những đáp ứng nhu cầu muốn được an toàn mà những việc thực hành, dầu cho có gia tăng cũng không thể bảo đảm được. Vì lẽ, những khiếp đảm về sự chết, những lối hình dung khiếp sợ sự chết vào cuối thời Trung Cổ chỉ gia tăng hốt hoảng. Ðiển hình là kể từ khoảng năm 1450, hình ảnh bộ xương người chết gây ám ảnh, việc hình dung cơn hấp hối thống trị tư tưởng và tình cảm, cơn hấp hối không còn là một đối tượng suy tư như những đối tượng khác, mà là một trung tâm phong tỏa đầy sợ sệt. Lối hướng dẫn đi vào sự chết như vậy đã tạo ra một luồng nhậy cảm. Nghệ thuật tìm sự chết lành hướng dẫn đời sống, và những tác phẩm như tác phẩm của Denys tu sĩ dòng thánh Bruno luôn mời gọi bổn đạo lo dọn mình chết lành bằng những khắc khổ của đời sống khổ tu. Ðó là quan niệm thúc bách ở thế kỷ XVI. Những chiến thắng của sự chết, lòng ham muốn cuộc sống tái sinh, tình cảm ”trần tục” của đời sống, tâm lý và mỉa mai đã đóng góp vào việc thay đổi sâu rộng ý nghĩa của sự chết. Nhiều lối mỉa mai đã bộc lộ rõ rệt trong những điệu múa tử thần của thời Trung Cổ và những điệu múa này rất phổ biến tại Pháp và Ðức: điệu múa của J. Hiebeler ở St. Annakapelle de Fussen miền Bavière Thượng đã ra đời vào những năm cuối cùng của thế kỷ XVI. Nó tạo nên một bầu khí hốt hoảng. Người ta ”chứng kiến sự chết, không có nghĩa là không còn lo sợ sự chết nữa: khoa giải phẫu, những hình vẽ thân thể, việc nghiên cứu về tâm lý con người, đã giúp người ta không những quen thân với sự chết, mà còn đưa nó vào trung tâm đời sống. Quả vậy, khi nhìn lên bản khắc trong cuốn ” (De humani corporis fabrica) (Sự cấu tạo thân thể con người) của Vésale xuất bản năm 1543 và tái bản nhiều lần, người ta theo dõi một cuộc điều tra vừa luân lý vừa khoa học, hay đúng hơn là khám phá những bí mật của thiên nhiên và tìm kiếm một chân lý cho con người, cả hai sự việc này liên kết với nhau trong cùng một phương pháp tiến hành. Nhà văn Montaigne phân tách một cách dửng dưng việc đi vào cõi chết của ông sau khi ông bị té ngựa (19), đó là một ngoại lệ rất thú vị. Nhưng đối với nghệ thuật sống và nghệ thuật chết, hoàn toàn trần tục trong nhiều lãnh vực thâm sâu, được phổ biến vào cuối thế kỷ này, thì trường hợp của Montaigne được coi là gương mẫu điển hình. Từ lâu, các nhà nhân chủng học như Clichtove và Erasme đã gọt bỏ khỏi ý nghĩa của sự chết tất cả những gì rùng rợn và mê tín. Ðối với họ lương tâm bình an là phù phép tuyệt hảo để diệt trừ khiếp sợ. Cũng không hơn gì họ, Montaigne chỉ diễn tả những phản ứng của số đông tín đồ. Phần lớn, họ vẫn trung thành với cái gì là bất diệt trong khi khiếp sợ tử vong. Rất nhiều tác phẩm của thế kỷ XV được tái bản nhiều lần và phần nhiều làm cho chúng ta tin tưởng là bầu khí tôn giáo vẫn không thay đổi, cũng thế những khấn hứa mà các tín đồ trong lúc lâm nguy hình như không giảm bớt bao nhiêu trước những mỉa mai và chỉ trích của các ông Erasme hay Rabelais. Người ta còn giữ nhiều tấm đá tạ ơn của thế kỷ XVI và nhiều bản của hai thế kỷ XVII và XVIII, trong những thành phố ven bờ biển và trong các nhà thờ hành hương ở miền Nam nước Ðức. Sự ngây thơ và thành thật của nhiều bức họa trên bản tạ ơn cho chúng ta thấy tính nhạy cảm của dân chúng. Khoa tranh ảnh và nghệ thuật tang chế vẫn trung thành với những hình thức cổ truyền, nhưng mặc dầu với những cái bất biến này, chúng ta nhận thấy cái độc đáo của thời cận đại, đặc biệt nơi những người Cải cách: họ ca tụng ơn sủng thắng sự sợ chết, chỉ có một mình Chúa là sức mạnh, lòng kính sợ Chúa là tâm điểm phải có để bảo đảm quân bình của đời sống. Georgette de Montenay và sau này Du Plessis-Mornay trình bày điều đó trong ngôn ngữ riêng của mỗi người. Nơi tín đồ công giáo, chúng ta nhận thấy nhiều xu hướng khác nhau: chuyên lo việc từ thiện, chu toàn trách nhiệm, chấp nhận khó khăn và đau khổ, hăng say hoạt động theo tinh thần bác ái nhậy cảm. Hẳn thật, đã từ lâu Giáo Hội khuyên nhủ giáo dân dùng những đau khổ để đền tội. Nhưng sự bành trướng thần học về luyện tội đem lại một bộ mặt mới cho những ý niệm truyền thống này bằng cách giải thích và biện hộ chúng. Ðồng thời lòng mộ đạo của người công giáo được mở ra cho thế giới và cho những người sống xa hoa. Trong cuốn ”les Exercices spirituels” (Linh Thao) của thánh Ignace, sự sợ chết là thành phần của toàn bộ phương án của đời sống đối với những ai thực hành việc chiêm niệm, và đó là khởi đầu một cuộc suy tư đúng đắn về đời sống. Bellarmin rất ít chú trọng đến những đề tài truyền thống về sự lo sợ hay sự khinh chê thế gian và ông khuyên nên cho rước lễ như của ăn đi đường sau khi xức dầu cận tử.
Nhưng muốn đem sự chết vào phương án có tính cách thần học hơn, thì phải coi nó như điểm khởi đầu của việc trở lại, như phương thuốc tuyệt đối chống các đam mê, rồi phải làm quen với tử thần và đem nó vào đời sống hằng ngày. Tập tranh ảnh ý nghĩa của Emile Mâle phản ảnh điều đó. Con người ở thế kỷ XVI tiếp xúc thường xuyên với sự chết. Cho đến cuối thế kỷ XVII, hiệp hội ”những người hấp hối” cũng là hiệp hội ”Những người muốn chết lành”. Có thể là mối lo lắng trở thành hùng biện, trở thành ý nghĩa cho việc dàn cảnh hay cho nhà đòn; có thể một loạt bộ xương người nhăn nhó đến thay thế trên các nấm mồ cho các nhà hiền triết xa xưa thời Phục hưng; có thể tình tự về sự chết của một số người như Henri III, mặc hình thức một thi ca bệnh hoạn. Những cái đó cho chúng ta thấy rằng các lối phát biểu đã thay đổi, nhưng mối lo sợ xa xưa vẫn còn sống động và vẫn chưa được diễn tả ra đầy đủ. Dầu sao đi nữa, chủ nghĩa thế mạt nhận xét về bốn sự sau ngoài thời gian, như Hỏa ngục hay Thiên đàng? lo sợ hay hy vọng? lý do để ăn năn trở lại? lòng mộ đạo có vụ lợi? Những cái đó chắc chắn tạo nên cho nhiều thập niên một trong những đề tài chủ yếu của tôn giáo, như đã trình bày với dân chúng qua bài giảng, những bài nhục mạ, ”Hãy nhớ kỹ điều đó” (Pensez-y bien) v.v.. là những bằng chứng quý giá của các lý do sâu xa: Sự chết vẫn là lý luận quan trọng của Giáo Hội. Tác phẩm ”Les sept trompettes”(Bảy kèn tù và) của Barthélemy Solutive có minh họa bằng cây gỗ với cách kết cấu ngây ngô và luộm thuộm, đã được xuất bản nhiều lần trong toàn nước Pháp hồi thế kỷ XVII. Kinh nghiệm bình dân về các tuần đại phúc phù hợp với kinh nghiệm của các nhà thần học và các vị hướng dẫn đường thiêng liêng.
Ý nghĩa sự chết không phải là cảm thức trọn vẹn của tôn giáo nhưng nó cho chúng ta một cái nhìn vắn gọn. Vở bi kịch ngao ngán về sự thương khó Chúa vào đầu thế kỷ XVI, vẫn luôn luôn là một trong những nét đại cương nổi bật của sự nhạy cảm tôn giáo: suy gẫm về sự thương khó Chúa, về Chúa từ bi thương xót, chiêm ngắm những bức tranh sống động về sự thương khó Chúa. Nhưng đã có một sự tiến triển vào cuối thế kỷ, như sự tôn sùng phép Thánh Thể và tuyên xưng sự Phục sinh của Chúa, sự chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Tất cả là những hình thức mới của người tân tiến. Sự tiến triển mà chúng ta nhận thấy trong kiến trúc phản ảnh sự tiến triển đã làm biến đổi mức độ nhạy cảm. Trong khi nghiên cứu những bản kiểm kê tài sản của nhà tư bản thành Amiens để lại sau ngày tạ thế, ông Lucien Febvre đã khám phá ra những thay đổi não trạng qua các sự kiện đọc thấy trong các tác phẩm nghệ thuật mà gia đình đã lựa chọn và lưu trữ: Trước năm 1560 người ta chỉ thấy những lối phát biểu tôn giáo, những sách về tôn giáo, vài cuốn tiểu thuyết, mấy tác giả kỳ cựu. Còn về tác phẩm nghệ thuật thì có tranh ảnh Ðức Nữ Ðồng Trinh, các thánh, Ðấng Kitô giầu lòng thương xót. Sau năm 1560, thì hiếu được nới rộng, cái thế giới cổ kính và khép chặt hình như bị nổ tung ra. Dân chúng khám phá ra lịch sử học, nhân chủng học, ham thích được thoát ly khỏi sự kềm chế và ham mộ khoa trương. Không chỉ còn những tượng Chúa thương xót và đau khổ, nhưng là những tượng Chúa Giêsu Hài đồng ăn mặc đẹp đẽ và những nhà tạm nhỏ xinh xắn. Sửa đổi toàn diện, từ thế giới bảo đảm và đóng kín, người ta lại sùng mộ một thảm kịch khác. Trong chính bản thân con người, trong cái mạo hiểm lịch sử của họ, trong những phát hiện các giác quan, trong những đồ vật mà người ta xem thấy và sờ mó hay trong những mơ ước nội tâm. Dầu vậy sự lo lắng vẫn không giảm bớt. Ở đây có một sự vận hành mà người ta muốn quan sát trong nhiều trường hợp: giữa khắc khổ và tiếng nói thần học, giữa sự thanh tao tế nhị và màn ảnh nghệ thuật. Nhờ đó, chúng ta hiểu cái phong cách đã đào tạo ra con người tân tiến. Chính từ môi trường đó đã nổi bật những nhân vật quan trọng, là các nhà thần học hay các vị hướng dẫn tinh thần.
Nếu cần phải tóm tắt cái gì quan trọng hơn về tương lai Giáo Hội, về bộ mặt mà Giáo Hội cống hiến cho những thế hệ sắp tới, thì đó là sự phân cách giữa những hình thức thể chế tôn giáo và lòng mộ đạo cá nhân chúng ta cần phải đề cập tới. Phụng vụ, văn chương và nghệ thuật tôn giáo rất khó dung hoà hai biến chuyển đó. Không bao lâu nữa, một thành phần ưu tú, ít ra ở Pháp, sẽ mang lại cho Giáo Hội một bộ mặt sáng chói của Ðại Thế Kỷ. Thành phần ưu tú đó sẽ nhận lãnh trách nhiệm trên toàn dân Kitô, cách riêng trên lãnh vực kinh tế. Giáo Hội liên hệ với một số thể thức kinh tế nông thôn là thể thức sẽ bảo đảm sự phồn thịnh cho Giáo Hội. Nếu các chủng viện được thành lập, nếu các dòng tu được canh tân và phát triển, nếu điều kiện vật chất và tinh thần của linh mục khả quan hơn, đó là nhờ vào sự phát triển nền kinh tế nông thôn trong tiền bán thế kỷ XVII. Như vậy các linh mục được tuyển chọn giữa các thành phần giai cấp tư sản và giai cấp nông dân khá giả, các tu sĩ, các cha dòng Tên, các cha dòng Phanxicô, các nữ tu dòng Thăm Viếng (Visitandines)v.v.. được chọn trong số thành phần giai cấp quý tộc, nhất là giai cấp quý tộc ở các tỉnh. Những hội đoàn, những hiệp hội hay hiệp hội Ðức Mẹ, đặc biệt thuộc các thành phần tiểu công nghệ, và được giới ưu tú hướng dãn chặt chẽ. Lối quy định xã hội này có nhiều hậu quả đáng quan tâm. Ví dụ ở Pháp, cơn khủng hoảng xã hội trầm trọng vào đầu thế kỷ XVII, sự suy sụp của giai cấp quý tộc ở các tỉnh tất nhiên sẽ gây nhiều hậu quả về tôn giáo và lòng đạo đức. Giai cấp quý tộc, một thời đã mang lại cho phong trào huyền bí những vì lãnh đạo và những hướng đi, thì nay là nạn nhân của việc tập trung hành chánh. Vì một xã hội mới sẽ hình thành và giáo dân thời vua Louis XIV sẽ thay thế các nhà huyền nhiệm. Nói một cách cụ thể, những gì thâm sâu và phi thế tục nhất trong đời sống Giáo Hội, nhiều hay ít cũng lệ thuộc vào những điều kiện xã hội. Do đó, điều chắc chắn là trong những điều kiện xã hội khác biệt ở Tây Ban Nha hay ở Trung Âu, Ðức Tin đã bén rễ một cách khác và lòng đạo đức cũng triển nở dưới những thể thức khác.