CHƯƠNG V
GIÁO HỘI SAU CÔNG ÐỒNG TRENTE:
CẢI TỔ NỘI BỘ VÀ HOẠT ÐỘNG TỰ VỆ
(CHỐNG CẢI CÁCH).
Công đồng Trente đã khuôn định bộ mặt của Giáo Hội cho nhiều thế kỷ: không phải bằng một chủ trương máy móc nào đó, nhưng bằng những khoản luật và những sắc lệnh qui định những luật lệ cho sinh hoạt thực tế và đời sống thường ngày của Giáo Hội. Trong những thập niên trước, giáo triều Roma bị giao động bởi một triều sóng mâu thuẫn về những ý tưởng canh tân và về tòa giáo hoàng. Thế mà ngay ở phiên hội khoáng đại, công đồng biểu quyết toàn diện chương trình làm việc của giáo triều. Hơn thế nữa: với sự kiên trì hiếm có, giáo hoàng coi như bổn phận đầu tiên phải làm, là buộc tuân giữ những quyết định của công đồng ngay trong nội bộ giáo triều và phải đem áp dụng trong toàn thế giới. Chính vì thế mà trong suốt nửa thế kỷ tiếp theo, giáo triều trở nên, vừa là đối tượng và vừa là chủ xướng việc Cải cách. Sự chân tình dấn thân của giáo triều đã phục hồi lại cho ngôi giáo hoàng những ảnh hưởng đã dần dần mất đi từ cuối thời Trung Cổ. Phải thêm rằng bấy giờ giáo triều có nhiều cơ may: Ngay tại các giáo phận xa xôi nhất, giáo triều cũng có được những người trợ tá đầy nhiệt huyết trước mọi thử thách, không những trong các dòng tu tân lập mà ngay nơi thân thế của một số chủ chăn trổi trang, những người sống một lý tưởng mới mẻ về chức giám mục, thật gương mẫu. Chính các ngài đã canh tân tòa giám mục theo tinh thần công đồng Trente.
I. ÐỨC PIE IV Và CHARLES BARROMÉE
Tuy chỉ còn sống hai năm sau công đồng, đức Pie IV đã rất nhiệt tâm áp dụng những quyết định của công đồng. Ðể bảo đảm việc quản trị tập trung và để phá tan mọi nghi ngờ có thể xẩy ra trong việc cắt nghĩa các quyết định của công đồng, Ngài đã thiết lập một ủy ban hồng y đặc trách. Ủy Ban này sau biến thành Thánh Bộ Công Ðồng hiện nay vẫn còn hoạt động. Giữa những nhiệm vụ chưa hoàn tất đã được ủy thác cho Tòa Thánh, trước tiên, ngài đã cố gắng sửa lại danh bộ những tác phẩm bị cấm đọc dưới tiêu đề ”mục lục sách cấm” (index). Ngài giảm bớt sự khắt khe quá đáng của mục lục sách cấm mà đức Phaolô IV đã ra, bằng nghị định rằng: ”những sách bị lên án” nếu được sửa chữa lại có thể sẽ không bị liệt vào số sách cấm nữa; đồng thời xác định những luật lệ chung về việc tuyên án một tác phẩm. Quy luật của đức Pio IV có giá trị hơn ba thế kỷ. Ngài trung thành với quyết định và xử dụng thể thức mà công đồng đã biểu quyết. Ðể bảo vệ Ðức Tin cho tinh tuyền, ngài ra sắc lệnh buộc bất cứ ai lãnh trách nhiệm trong Giáo Hội phải ký nhận tờ Tuyên Xưng Ðức Tin theo công đồng Trente.
Ðức giáo hoàng cương quyết cải tổ giáo triều: Chỉnh đốn lại các tòa án giáo hoàng và nội viện tông tòa (chambre apostolique); hủy bỏ một loạt những đặc ân nghịch với các sắc lệnh công đồng, giảm bớt nhân viên giáo triều bằng cách sa thải hơn 400 triều thần ”ngồi chơi xơi nước”. Ði xa hơn, đức giáo hoàng xác định lại công việc phục vụ bàn thờ, nhất là trong những thánh đường mang danh hiệu các hồng y; giao cho Dòng Tên nhiệm vụ đón tiếp khách hành hương tới Roma; mở tại Roma một chủng viện thuần túy theo tinh thần công đồng Trente, và tài trợ riêng một trường trung học do thánh Ignace de Loyola thiết lập và đang gặp khó khăn buổi ban đầu. Thêm vào những điểm Cải cách ấy, là đời sống gương mẫu của vị Quốc Vụ Khanh. Hồng y Charles Barromée giảm bớt nhân viên tại tòa của Ngài, và đích thân rao giảng ngay trong nhà thờ mang tước hiệu của Ngài. Sau cùng Ngài vận động xin chú ngài cho phép trở về ở ngay địa phận Milan của Ngài theo luật thường trú như công đồng Trente yêu cầu và triệt để áp dụng các sắc lệnh công đồng. Ngài ở tại Milan suốt 19 năm, cho tới khi chết, tuổi còn trẻ, năm 1584. Bằng đời sống đầy gương sáng, ngài đã giúp 14 giám mục trong tổng giáo phận sống đúng với những chức vị và bổn phận giám mục theo những quyết định của công đồng Trente. Trong công trình canh tân, ngài đặt hàng đầu việc huấn luyện một thế hệ linh mục mới theo công đồng Trente. Với ý hướng này, ngài đã mở tại Milan những chủng viện Trente đầu tiên. Ngài còn mở một trường trung học theo thỉnh cầu của các địa hạt Thụy Sĩ mà ngài đã từng đi kinh lược. Ngài đã tổ chức ít ra sáu công nghị tổng giáo phận và 11 công nghị giáo phận. Ba lần, Ngài đã kinh lược khắp địa phận của ngài và nhiều lần thăm các giáo phận lân bang, đi tới tận từng họ đạo, kể cả những họ đạo heo hút trên dãy núi Alpes. Ðể canh tân đời sống đạo đức trong giáo phận, ngài đã thiết lập tu hội linh mục triều và hội linh mục tận hiến (oblats). Chính các linh mục này đã giúp đỡ ngài cách tận tình và hữu hiệu. Ngài giao cho họ điều khiển các chủng viện, các sở truyền giáo bình dân và những xứ đạo khó khăn nhất. Dĩ nhiên không thiếu những chống đối. Ngài phải đương đầu với chính phủ Tây Ban Nha về vấn đề tòa án Giáo Hội và quyền cư trú. Lòng nhiệt thành Cải cách đã khiến ngài thành nạn nhân của một cuộc khủng bố do một phần tử của phái ”những người bị hạ nhục” âm mưu. Nhưng không ai quên được đức bác ái anh hùng mà ngài đã có đối với những người mắc bệnh dịch hạch tại Milan năm 1576 : Trong 10 tháng trời, ngài đi thăm viếng, an ủi, và nuôi sống họ bằng tiền riêng của ngài. Vì thế, trong ngày lễ an táng của ngài, người ta đã thốt lên trong bài điếu văn rằng: Về của cải từ gia đình, đức hồng y chỉ biết đến những cái mà một con chó lãnh được qua người chủ: bánh khô, nước lã và ổ rơm.
Thực ra đức Pie IV còn để lại cho những người kế vị ngài một phần rất lớn là làm sao cho các quyết định của công đồng được đón nhận và áp dụng ngay cả ở ngoài Giáo Hội. Ðàng khác, những quyết định này được chấp nhận hoàn toàn bởi hoàng đế Ferdinand, các lãnh chúa Ý Ðại Lợi và các ông hoàng Savoie, Pologne, Portugal. Riêng Philippe II, vua nước Tây Ban Nha và Hòa Lan, chấp nhận với điều khoản ”trừ những quyền lợi của nhà vua”. Từ 1564, nhiều dòng khất thực đã họp công nghị tổng quyền để thích ứng quy luật của dòng theo các quyết định của công đồng Trente. Tại Pháp, một nước đang bị điên đảo vì chiến tranh tôn giáo, đã đón nhận những sắc lệnh về giáo lý của công đồng, nhưng từ chối việc phổ biến các quyết định về canh tân viện cớ vì lý do quốc gia. Thực ra, những quyết định này dần dần đã được phổ biến nhờ một số công nghị giáo tỉnh hay giáo phận. Nhưng vì Quốc Hội không đồng ý, cho dù các khâm sứ nỗ lực tranh đấu, những quyết định công đồng chỉ có giá trị pháp lý kể từ 1615. Tại Ðức, nơi đặc phái viên đầu tiên của giáo hoàng bị theo dõi và bị tịch thu hết tài liệu, thì Pierre Canisius, lại là người đi vận động việc xuất bản chính thức các sắc lệnh công đồng. Mùa đông 1565-1566, ông đã đi viếng ít nhất 29 tỉnh trước khi đến hội nghị chính trị Ausbourg với tư cách là cố vấn thần học của đặc sứ giáo hoàng, theo lệnh của đức Pie V vừa đắc cử giáo hoàng. Tại hội nghị này, các phái đoàn chính thức của công giáo và tân hoàng đế Maximilien II đã nhất tề tuân theo các quyết định công đồng Trente về Ðức Tin và phụng tự. Nhưng những quyết định về Cải cách thì vua không chịu phê chuẩn. Trong lòng vua hướng về Tin Lành và sau khi đệ đơn xin đức giáo hoàng cho phép giáo dân rước lễ dưới hai hình thức bánh và rượu và cho linh mục kết bạn, vua đã du nhập bản tuyên xưng Augsbourg vào trong các tiểu bang nước Áo của vua.
II. CÁC GIÁO HOÀNG CANH TÂN: THÁNH PIE V.
Ðức giáo hoàng Pie V, thuộc dòng Ðaminh, (1566-1572) và là cựu tổng trưởng tòa dị giáo. Ngài có tính tình đơn sơ chất phác nên người ta quen gọi đùa Ngài là ”Sư huynh guốc” (Frère Sabot). Ngài đã nhiệt tâm thi hành những quyết định của công đồng. Ðiều đó không ai dám phủ nhận. Còn hơn vị tiền nhiệm, Ngài đã chứng tỏ rằng giáo hoàng phải là đầu não điều hành và động cơ của việc canh tân Công Giáo, hay đổi mới đời sống của Giáo Hội và của phong trào Phản Cải cách. Cụm từ này có thể nói đã được đặt ra tại nước Ðức và bị bàn cãi trong các nước latinh. Một trong chủ đích của phong trào là Giáo Hội can đảm thu hồi lại những thành trì, các tỉnh và các tiểu quốc đã bị mất. Trong mưu đồ này, giáo hoàng phải liên minh chặt chẽ với các tiểu vương Công Giáo, không ngần ngại dùng đến các phương pháp chính trị hay cả quân sự. Thật ra, đức Pie V đã không muốn nghe nói đến chiến tranh, đến quân đội, và chỉ tin tưởng vào nghệ thuật ngoại giao. Ngài chỉ lo tìm kiếm phần rỗi các linh hồn và chỉ lấy gương mẫu đời sống thánh thiện và việc phục hưng đức công bằng trong các vương quốc thuộc Giáo Hội như những phương thế để đạt tới chủ đích. Một đại sứ người Venise nói rằng ”đức Pie V biến Roma thành tu viện kín”. Câu nói có lẽ quá đáng, nhưng diễn tả sắc thái đặc biệt về những thay đổi đã thể hiện tại thành phố vĩnh cửu, là nơi, sự tục hóa ngày chủ nhật, sự phạm thượng, ngoại tình và nhiều tội ác khác tương tự từ nay bị trừng trị nghiêm khắc, là nơi sự vô luân công khai từ nay bị đàn áp thẳng tay. Trong khi thi hành trách nhiệm mà công đồng đã công nhiên ủy thác và cũng để chấm dứt sự dị biệt quá lố, nếu không muốn nói là vô trật tự, đang tung hoành ngay trong việc phụng tự Công Giáo, đức giáo hoàng đã cho xuất bản những sách phụng vụ đã được thống nhất hóa. Như vậy, trái với Giáo Hội trước thời Cải cách, chiều hướng tập trung về Roma đương nhiên trở thành sắc thái độc đáo của thời hậu công đồng Trente. Năm 1566, xuất bản Cuốn Giáo Lý Roma. Nó trở thành sách thủ bản cho linh mục coi xứ, là chất liệu căn bản cho các bài giảng và cho mọi sinh hoạt giáo lý. Cuốn giáo lý này được sọan bởi các nhà thần học Ðaminh thông thái, trước tiên soạn bằng tiếng latinh, về sau đức giáo hoàng ra lệnh dịch ra nhiều tiếng Âu Châu. Hai năm sau lại xuất bản sách nguyện Roma, gồm các bài đọc trích ra từ Thánh Kinh, hạnh các thánh, bài giảng của nhiều Giáo Phụ Hy Lạp. Nhưng phải nói thật, cho dù một ủy ban chuyên môn đã nỗ lực tu chính, trong sách nguyện vẫn còn nhiều bản văn đáng loại bỏ. Ðến 1570, cuốn Sách Lễ Roma ra đời. Trong đời các giáo hoàng kế tiếp, có các sách: lễ truyền chức giáo hoàng (1596), lễ tấn phong giám mục (1600) và sách Nghi Thức Roma (1614). Cuốn nghi thức này không có tham vọng thay thế những sách nghi thức đang có trong các giáo phận, tuy nhiên, đã hai lần (1568 và 1570) ra quyết định cấm dùng những sách nguyện và sách lễ đang có, trừ phi những sách nào đã được xử dụng hơn 200 năm trước. Trái với những gì đã xẩy ra bên Pháp, bên Ðức, do những nhiệt tâm quá mức của các giám mục, của các khâm sứ và của các cha Dòng Tên, người ta thấy biến mất một phần lớn những gia sản phụng vụ cổ thời. Những tác phẩm soạn ra từ Roma đã được ấn loát tại Ðức khoảng năm 1600. Mặc dầu đức Urbain VIII (1) sửa chữa lại, rồi đức Pie X và Jean XXIII đã canh tân, những sách nói trên vẫn tồn tại như những thủ bản chính thức trong việc phụng tự và cầu nguyện của Giáo Hội, củng cố sự hiệp nhất và bình đẳng của thế giới Công Giáo. Việc khác đã bắt đầu dưới thời đức Pie V là duyệt lại bản dịch của bộ Thánh Kinh Phổ Thông (Vulgata), vì công đồng Trente muốn có một bản văn chính thức. Ðể bảo đảm cho tinh thần đổi mới tồn tại mãi sau khi ngài tạ thế, đức giáo hoàng đã bổ nhiệm vào giáo triều những vị hồng y nhân đức và có khả năng. Ngài cố gắng bài trừ tục ”mua bán” công vụ trong giáo triều và cải tổ hoàn toàn bộ xá giải bằng cách hạn chế thẩm quyền của bộ vào công việc hoàn toàn nội bộ của Giáo Hội. Ngài đích thân đi kinh lược các vương cung thánh đường của Roma và lập một ủy ban hồng y đặc biệt để canh tân hàng giáo sĩ Roma.
Vị cựu tổng trưởng tòa dị giáo đã hết sức bảo vệ Ðức Tin, duy trì Ðức Tin cho tinh tuyền. Tòa dị giáo mà đức Pie V đích thân tham dự, đã ra những hình phạt nghiêm khắc để thẳng thắn bài trừ những giáo lý sai lạc đã bí mật du nhập vào nước Ý. Giữa những án lệnh tử hình đã được tuyên bố trong thời gian này, thời danh nhất là vụ án Carnesecchi, cựu thư ký riêng của đức Clemento VII. Từ 1546, Carnesecchi, người gốc Florence, theo thuyết nhân bản, đã từng là thông tín viên của Ochino và Valdés và nhiều lần đã bị gọi ra tòa án dị giáo. Một lá thư tìm thấy trong hồ sơ thừa kế bà bá tước Julie de Gonzague, chết năm 1566, liên lụy đến ông và là dịp mới khiến ông bị đòi ra tòa. Sau một thời gian do dự, Carnesecchi đã từ chối không chịu cải hóa, nên bị kết án như người lạc giáo và bị hành quyết năm 1567. Cùng với ông, phái Tin Lành Luther biến khỏi lãnh thổ Ý.
Ðể đương đầu với những nguy cơ phái Tin Lành Calvin đang thâm nhập vào Ý, giáo hoàng ủng hộ nhà vua trong những cuộc chiến tranh tôn giáo. Ngay tại Pháp, ngài cũng nỗ lực dẹp tan những luồng tư tưởng sai lạc về giáo lý. Chính vì thế ngài cũng buộc tội mấy giám mục pháp và đưa ra tòa án lạc giáo. Theo tinh thần của đức Phaolô IV, ngài đã dùng những lời văn nghiêm khắc trong thư thường gửi vào Thứ Năm Tuần Thánh, về ”Bữa Tiệc Ly”. Lá thư này gom góp lại hết những bản án về kỷ luật và về vạ tuyệt thông mà chỉ mình giáo hoàng mới có quyền tháo gỡ. Ngài còn tuyên bố rằng hiệu lực của những quyết định trên không lệ thuộc vào việc phát hành các sắc lệnh hằng năm, là các sắc lệnh thường bị Tây Ban Nha và Venise cản trở. Ðối với nữ hoàng Anh quốc, Elisabeth I, đức giáo hoàng không để cho bà gây được trên ngài một ảnh hưởng nào, dù là chính trị. Năm 1570, sau phiên tòa khoáng đại, ngài đã ra sắc lệnh Regnans in excelsis, kết án bà ”bị khu trừ và truất ngôi vì tội lạc giáo và bào chữa lạc giáo”. Ðó là bản án truất phế cuối cùng đã được công bố bởi giáo triều để chống lại một vua chúa đang trì vị. Nhưng phải nói thật, bản án này không có hiệu lực. Một vài sai lầm về thể thức tuyên án lại gây phẫn nộ nơi nhiều người công giáo Anh, khiến họ bối rối lương tâm, hoài nghi về giá trị pháp lý của bản án do giáo hoàng tuyên bố. Nhưng trong dư luận công chúng tại Anh quốc, qua nhiều thế kỷ, mỗi khi nhớ đến sắc lệnh này, dân Anh lại nóng máu và quyết tử chống lại ngôi giáo hoàng.
Người ta chỉ hiểu được việc đức giáo hoàng chống lại dân Thổ Nhĩ Kỳ, mà chúng ta sẽ nói đến ở phần sau, là vì ngài nhiệt tâm với bổn phận tông đồ và thật thánh thiện, tuy nhiên nhiều khi quá nghiêm khắc.
III. ÐỨC GRÉGOIRE XIII
Chính dưới triều đại của đức Grégoire XIII mà công việc canh tân diễn tiến nhịp nhàng, không quá khắt khe. Ðức Grégoire XIII (1572-1585), kế vị đức Pie V. Ngài là luật gia nổi tiếng, phục vụ trong giáo triều hàng mấy chục năm. Ngài quen thuộc lối sống của thời Phục Hưng mà ngài đã nếm biết ngay lúc còn trẻ tuổi. Ðược đắc cử giáo hoàng lúc 70 tuổi, ngài là người dịu hiền và nhân đức, có những tác phong toàn hảo, không ai chê trách được. Ngài coi vị tiền nhiệm như một gương mẫu quý giá, vừa tiếp tục nỗ lực canh tân bên trong Giáo Hội, vừa khuyến khích mở rộng kiến thức. Dưới triều đại đức Grégoire, có một vài vụ ”chống Cải cách” quá vội vã, vì ngài không được bá cáo đầy đủ và còn bị cố vấn sai: Chẳng hạn về những Thánh Lễ tạ ơn và những buổi liên hoan khác mà ngài truyền phải tổ chức khi được tin về vụ tàn sát Saint-Barthelemy. Sau này mới ngã ngũ, thì ra giáo hoàng không biết gì về chương trình của bà Catherine de Medicis, và cách xử trí của ngài sau vụ tàn sát Saint-Barthelemy, chứng tỏ ngài là tù nhân của một não trạng tập thể đang khống chế thời đại, và theo não trạng đó, người ta có thể làm bất cứ cái gì đối với kẻ thù của tôn giáo mình. Cũng như đức Pie V trong trận chiến chống lại tà giáo, đức Grégoire vẫn chủ trương là cuộc chiến đấu phải trung thực và đường đường chính chính. Ở vào một thời đại đang có tranh luận sổi nổi về quyền chống lại chính phủ, người ta sẽ không phê phán nghiêm khắc đức Grégoire XIII trong việc ngài yểm trợ những âm mưu chống lại nữ hòang Elisabeth nước Anh, khi những người công giáo trong nước này bị triều đình của nữ hoàng bách hại cách quá tàn ác. Ðiều chắc chắn và quan trọng là trong cơn sốt chiến tranh tôn giáo, ngài vẫn giữ ngôi giáo hoàng đứng trên mọi tranh luận hằng ngày.
Vị cựu giáo sư đại học Bologne đã coi việc cổ võ các tiến bộ khoa học như một phương thế làm gia tăng ảnh hưởng của Giáo Hội. Ngoài ra, ngài đã hiểu rằng đào tạo một hàng giáo sĩ trí thức đối với Giáo Hội là một vấn đề then chốt. Vì thế ngài cố gắng hoàn tất việc hiệu chính lại những tài liệu giáo luật đã khởi đầu từ thời đức Pie V và cho xuất bản để dùng chính thức lần đầu tiên dưới tiêu đề Corpus Juris Canonici. Cũng trong thời kỳ này, người ta khám phá ra các hang toại đạo. Lập tức ngài thấy đây là một biến cố quan trọng đối với những cuộc biện minh chính xác chống lại các sử gia tin lành. Nhưng điều làm cho danh tánh của đức Grégoire XIII thành bất hủ, chính là Ngài đã khéo điều hành việc sửa lại cuốn niên lịch thời đức Juliô, một công tác lớn mà công đồng Trente đã giao cho Giáo triều. Vì cuốn niên lịch cũ phân định cách đo lường niên tuế không đúng, quãng cách giữa các thời gian cuốn lịch chỉ định và thời gian theo thiên văn học đã dần dần gia tăng, cách nhau đến 10 ngày. Ðể nghiên cứu phương pháp hiệu chính sự chênh lệch này, đức Grégoire đã lập một ủy ban do hồng y thông thái Sirleto đứng đầu. Trong số những người được mời vào ủy ban, có linh mục bác học Dòng Tên là Clavius, quê tỉnh Bamberg nước Ðức. Ủy ban thỉnh ý nhiều đại học và nhiều vua chúa kitô giáo. Ngày 24.2.1582, đức giáo hoàng ra sắc lệnh hủy bỏ cái quãng cách cần xét lại kia, bằng cách lấy ngay ngày 5.10.1582 làm ngày 15.10, và từ nay về sau, cứ 400 năm mới phải bỏ một quãng cách ba ngày. Lập tức, các nước Công Giáo khâm phục việc hiệu chính này và phần đông đã theo những thay đổi niên lịch ngay từ năm 1583. Trái lại những người tin lành và chính thống chủ trương giữ theo lịch cũ và đưa ra những lý do tôn giáo rất hẹp hòi để không nhìn nhận sự tiến bộ quan trọng về văn hóa. Họ sợ rằng bằng cách đó đức giáo hoàng sẽ giẫm chân vào nội bộ các Giáo Hội, như Ngài đã làm ở Ausgbourg. Phải đợi 200 năm sau, 1775, quốc hội Ðức mới biểu quyết công nhận niên lịch của đức Grégoire; phải đợi tới cách mạng bôn-sơ-vích niên lịch này mới du nhập vào nước Nga và mãi tới 1923 các Giáo Hội Ðông Phương mới biểu quyết công nhận niên lịch đã được hiệu chính cho đồng nhất với niên lịch đức Grégoire.
Công trình trực tiếp ảnh hưởng đến việc canh tân Công Giáo, là xây thêm và mở rộng nhiều học viện. Một dòng tu chuyên lo công tác này là Dòng Tên. Học viện ở Roma do thánh Ignace xây cất và đã được đức Jules III bổ nhiệm nhiều giáo sư triết học và thần học, lại được đức Grégoire ban cho những món trợ cấp quan trọng, xây thêm cho những trường sở rộng rãi. Ngài đương nhiên trở thành vị sáng lập thứ hai. Ðại học Grégorien mà đức giáo hoàng coi như một đại chủng viện quốc tế, cho tới ngày nay vẫn còn mang tên Ngài. Ngài tỏ ra tha thiết đến việc nối kết lại với các Giáo Hội Ðông Phương, bằng cách thiết lập một Ðại chủng viện Hy Lạp Aménien và Maronít. Ðể giúp những người công giáo Anh đang lâm nguy và không có linh mục, đức giáo hoàng ủng hộ việc đức hồng y Allen (2) thiết lập một chủng viện tại Douai. Chính nơi đây, nhà thần học và minh giáo nổi tiếng Stapleton đã làm giáo sư hơn 10 năm, cũng chính nơi đây và ở Reims, từ 1582, đã ấn hành bản dịch Thánh Kinh đầu tiên sang tiếng Anh. Bản dịch này có giá trị cho đến mới đây mới được thay thế. Theo lời xin của hồng y Allen, năm 1579, đức Grégoire XIII đã thiết lập tại Roma một đại chủng viện tương tự đại chủng viện ở Douai. Trường này cũng được giao cho các cha Dòng Tên trách nhiệm. Cũng chính thời này, Giáo Hội đã sai nhiều thừa sai dấn thân truyền giáo tại Anh quốc, mặc dù nguy hiểm cho sự sống. Nhiều học sinh của trường, sau khi tốt nghiệp, đã can đảm trở về Anh lo việc truyền giáo. Một khi huấn luyện xong, chịu chức rồi, họ biết phận vụ đang chờ đợi họ tại quê nhà, nếu chính phủ biết họ là linh mục. Vì thế chủng viện đã sớm mang danh hiệu huy hoàng là ”chủng viện các vị tử đạo”. Ðàng khác, chính đức Grégoire XIII đã sát nhập chủng viện Hung Gia Lợi vừa thành lập vào chủng viện Ðức. Chủng viện đã được thiết lập bởi đức Jules III, theo lời xin của thánh Ignace. Trước đó, chủng viện được hoàng đế Ferdinand I và quận công Bavière trợ giúp tài chánh. Về sau, khi gặp khó khăn về tiền bạc chính đức Grégoire XIII nâng đỡ đặc biệt và đổi theo quy chế mới: Tất cả các chủng sinh gốc Ðức và các nước miền Bắc Âu phải được huấn luyện để trở về làm mục vụ tại những vùng Ðức Tin đang bị đe dọa. Vì những đặc ân dành cho giới quý phái trong các công nghị của Ðức, nên người ta chỉ thu nhận vào chủng viện này con của các gia đình qúy phái. Kể từ năm 15B7, học viện được chính thức gọi là Chủng viện Ðức Hung Gia Lợi. Chủng viện đã cung cấp cho các xứ thuộc văn hóa Ðức nhiều linh mục trí thức và trung thành với Giáo Hội. Những linh mục này đảm nhiệm các phận vụ then chốt và tạo được nhiều ảnh hưởng tốt. Họ phổ biến vào môi trường sống quanh họ thuyết nhân bản họ đã lãnh hội được trong cách giáo dục của Dòng Tên, ham các môn học cổ điển, hâm mộ các công việc đạo đức, thích lập các hội đoàn Ðức Mẹ, có tinh thần kỷ luật và ganh đua thăng tiến. Ðức giáo hoàng còn bày tỏ một sự chăm lo đặc biệt khác đối với các xứ ảnh hưởng Ðức. Ngài trợ cấp rộng rãi cho các cha Dòng Tên thiết lập tại Vienne, Graz, Olmutz, Prague, Braunsberg, Fulda và Dillingen các trường cao học. Những trường này lần hồi trở thành những trung tâm đào tạo hàng giáo sĩ ưu tú. Trường cao học ở Dillingen mỗi năm được hồng y Morone trợ cấp mãi cho tới năm 1581, khi ngài tạ thế. Qua năm 1585, chính đức giáo hoàng bảo đảm tài chánh và thiết lập ngay ở đó một giáo hoàng chủng viện với 22 chủng sinh cư trú. Theo lời thỉnh cầu của hai hồng y Hosius và Truchsess von Waldburg, đức giáo hoàng còn thiết lập ”Bộ đặc trách về Ðức quốc” và chỉ bổ nhiệm vào đó những hồng y nào nắm vững tình hình các xứ Ðức. Bộ này có trách nhiệm cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến các xứ Ðức và kiểm soát việc áp dụng các quyết định canh tân của công đồng trong các xứ đó. Chính các Khâm sứ Tòa Thánh phải lưu tâm đặc biệt đến công việc canh tân này. Nếu cho đến lúc đó, các vị nào không quan tâm đến việc canh tân, mà chỉ đảm nhiệm những việc tương quan với triều vua và những liên hệ ngoại giao, thì buộc phải lãnh nhận những trách nhiệm khác thuần túy tôn giáo. Vì có quyền tham gia vào việc tuyển chọn các giám mục, có nhiệm vụ đi kinh lý và thi hành mọi quyền tài phán, các khâm sứ phải bảo đảm việc thi hành các sắc lệnh canh tân. Ðể làm trọn những nhiệm vụ đó, chỉ nguyên những vị khâm sứ giữ chức lớn trong triều vua ở Vienne, Paris, Madrid, Lisbonne và Venise mà thôi không đủ. Cần mở thêm một loạt các tòa khâm sứ mới để Giáo Hội hiện diện ngay trong những vùng đang bị đe dọa đặc biệt hay có thể tạo thêm đồng minh với Varsovie, Cologne, Graz, Lucerne. Phần lớn các tòa khâm sứ đã được trao cho những nhân vật sáng giá.
Trong một viễn tượng rộng lớn hơn, đức Grégoire XIII giữ thái độ lạc quan, cố gắng khôi phục lại những phần đất đã bị mất. Chúng ta sẽ nói ở phần sau về những chuyện xẩy ra tại Ðức. Ở đây chúng ta chỉ nói về trường hợp Ba Lan. Nơi đây, nhờ sự hoạt động khéo léo của vị sứ thần, đức giáo hoàng đã thành công, nếu không phải là toàn thắng đối với những người muốn ngấm nghé làm vua xứ này, là chọn lựa ngay chính những người công giáo thành tín. Nhờ vậy mà vua Etienne Batory, năm 1564, là người duy nhất tuyên bố chấp hành các quyết định của công đồng Trente, đã được cả hàng giáo sĩ thuận theo. Còn về vua Thụy Ðiển, là Gioan III, người còn trẻ tuổi nhất của nhà Cải cách Gustave Wasa, vốn nuôi mộng sẽ làm vua Ba Lan, lại bị coi là có khuynh hướng ”đại kết”, không có quan điểm thần học rõ rệt. Sau nhờ sự điều động khéo léo của cha Possevin, linh mục Dòng Tên, đã dần dần đưa ông trở lại cách kín đáo. Tuy nhiên việc trở lại này không tạo được thành quả nào trên bình diện tôn giáo trong xứ của ông. Có thể hiểu được là vì đức giáo hoàng không muốn nhượng bộ cho vua Gioan những điều vua đòi hỏi về phạm vi phụng vụ và kỷ luật. Vì lúc đó đang có khuynh hướng thống nhất cho cả Giáo Hội, nên không thể có nhân nhượng về những vấn đề như chịu lễ dưới hai hình bánh và rượu, cho linh mục kết bạn và cho cử hành phụng vụ bằng tiếng phổ thông của dân chúng. Những sự trung gian hòa bình của giáo hoàng giữa Ba Lan và Nga Sô theo thỉnh nguyện của Yvan le Terrible mang lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn. Việc gửi linh mục Possevin đến Moscou đã đem lại cuộc đình chiến, nhưng các vụ đàm phán tại Kremlin theo ý đức giáo hoàng, không làm cho đôi bên xích lại gần nhau về tôn giáo và nhất là không đi đến sự hợp nhất mà mọi người đang mong đợi. Dầu sao cuộc tiếp xúc này không nguyên chỉ có hiệu quả độc nhất là nói lên tầm quan trọng của Giáo Triều trong việc ngoại giao về ”viễn đông” thời ấy, nhưng còn nhờ cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên này mà Roma hiểu rõ thêm về Giáo Hội Chính Thống.
IV. ÐỨC SIXTE QUINT
Người kế vị đức Grégoire XIII là đức Sixte Quint. Vị này quyết tâm nối nghiệp đấng tiền nhiệm trong việc canh tân Giáo Hội. Ngài thuộc dòng thánh Phanxicô, sống khó nghèo, đơn sơ và đã đảm nhiệm đủ các cấp Bề Trên của bản dòng. Ngài cũng là người có những quan điểm chính trị khôn khéo và có một nghị lực siêu thường. Trước tiên Ngài lo đem lại cho Giáo Hội một ”guồng máy hành chánh” thật hữu hiệu, một giáo triều trút bớt nhiều hình thức nặng nề và chậm chạm. Ðể đạt tới tiêu chuẩn này, ngài thiết lập nhiều văn phòng có quyền quyết định những công việc liên hệ. Năm 1588, đức giáo hoàng thiết lập 15 thánh bộ các hồng y, trong đó gồm mấy ủy ban mà các đấng tiền nhiệm đã thiết lập sẵn. Trong 15 bộ, thì 9 bộ giúp giáo hoàng trong việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ. Những bộ khác lo việc kinh tế và tư pháp tại các nước thuộc giáo hoàng. Cơ mật hội hay các đại hội của hồng y bao giờ cũng do giáo hoàng chủ tọa, hầu tránh tình trạng nặng nề vì mộ hình thức hay ”tệ đoan giới thiệu” trong việc đề cử chức vụ. Hơn nữa, đức giáo hoàng dành quyền chủ tọa các buổi hội thánh bộ quan trọng và quyền quyết định tối hậu trong mọi phạm vi hầu bảo đảm việc quyền bính và cương quyết chống lại những thao túng đã từng có trong quá khứ do một nhóm hồng y đầu xỏ. Chắc chắn là nhiều thánh bộ cần thêm các vì cộng tác có trách nhiệm. Chính vì thế, trước khi thiết lập các bộ, đức Sixte Quint đã xác định con số các hồng y là 70, con số huyền nhiệm rút ra từ Cựu Ước. Ngài còn ban hành các quy luật rõ rệt về tuổi tối thiểu và những đức tính cần thiết hồng y phải có. Con số hạn chế các hồng y này, về sau được đức Gioan XXIII nới rộng. Các bộ do đức Sixte Quint thiết lập thì một số chỉ tồn tại cho đến thời các nước thuộc giáo hoàng tan biến, một số khác còn cho tới khi đức Pio X cải tổ, năm 1908, một số khác nữa vẫn tồn tại cho tới nay và trở thành những cột trụ sinh hoạt hành chánh của giáo triều. Một việc bấy giờ ai cũng thấy là khẩn trương, là thiết lập một nhà in để giáo triều có điều kiện phát hành các sách phụng tự. Chính đức giáo hoàng đã thiết lập nhà in Vatican và triệu một vị đại diện của đại học Louvain về điều hành, làm việc với 8 vị giám đốc khác.
Theo ý đức giáo hoàng, trước tiên phải xử dụng nhà in vào việc ấn hành bộ Thánh Kinh Phổ Thông (Vulgata) mà công đồng Trente đã quyết định và chính ngài quyết tâm thực hiện. Hai đấng tiền nhiệm đã cho nhuận lại bản dịch. Nhưng phải nói thật, ủy ban mà hồng y Sirleto dẫn đầu đã gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật. Ðức Sixte Quint đã có công cho ấn hành bản dịch Bảy Mươi, rồi lại hoàn tất mau chóng việc tái bản bộ Phổ Thông (Vulgata). Ủy ban ngài đã lập nên, làm việc quá chậm rải và không thuận theo những điều ngài đề nghị phải sửa chữa. Vì thế, quá tin tưởng vào ơn hỗ trợ của Chúa Thánh Thần, nên dù không phải là triết gia hay nhà cổ ngữ học, đức giáo hoàng đã tự đảm nhiệm công việc nhuận chính. Ngài còn dùng quyền, tự tay sửa lại những bản văn ủy ban đã hoàn thành và các bản thảo của nhà in. Nhờ thế bộ Thánh Kinh Phổ Thông thời đức Sixte phát hành mau chóng. Trong tự sắc ban hành trước khi in bộ Thánh Kinh, đức Sixte Quint đã tuyên bố rằng đây là bản văn Phổ Thông chính xác của công đồng Trente và truyền dùng bản văn này thay thế các bản văn khác. Thực tế, ấn bản này không làm ai thỏa mãn, ngay các thành viên của ủy ban, hay các hồng y thông thái, cũng như các nhà xuất bản lớn ở ngoài các vương quốc giáo hoàng. Ðành rằng, những nhà xuất bản chỉ phản ứng theo lợi ích thương mại. Cách xử độc đoán của đức giáo hoàng đã làm bất mãn ngay những người có thiện chí. Bầu khí ngột ngạt này chỉ dịu xuống sau cái chết đột ngột của ngài. Bản dịch Phổ Thông và tự sắc của đức Sixte Quint bị thu hồi ngay trước khi chọn đấng kế vị ngài. Linh mục Dòng Tên, cha Berlamin được bổ nhiệm lập một ủy ban mới tu sửa lại bản văn, và các lỗi ấn loát. Ðể ngần nào có thể, còn nhớ đến công ơn của vị giáo hoàng quá cố, một lần nữa việc nhuận chính làm thật mau lẹ. Ngay năm 1592 đã có bản ấn hành mới. Bản này mang tên đức giáo hoàng Clément VIII, nhưng tên của đức Sixte Quint vẫn còn ở tiền đề của bộ sách. Vì vội vã nên còn sót lại nhiều lỗi in và nhiều khuyết điểm khác. Dầu vậy, bản dịch Phổ Thông Sixte-Clément được tái bản ba lần liên tiếp và cho đến nay vẫn là bản văn chính thức của Giáo Hội (3).
Càng nhiệt thành canh tân, đức giáo hoàng càng miệt mài với công tác mục vụ. Ngài đích thân đi thăm nhiều nhà thờ và nhiều tu viện. Ngài đòi hỏi các dòng tu phải cẩn thủ luật nội cấm. Trái với đấng tiền nhiệm, ngài không dành cho Dòng Tên một đặc ân nào. Ngài cũng đòi các giám mục phải giữ luật cư sở. Ðể tăng cường sự liên đới giữa các giám mục và giáo hoàng, và cũng để biết rõ hơn tình hình các giáo phận, đức Sixte Quint yêu cầu các giám mục đến viếng Roma đều đặn như luật đã qui định, và mỗi lần đi viếng Roma, giám mục phải nộp bản phúc trình về giáo phận của mình.
Chúng ta đã nói về trí thông minh chính trị của đức Sixte Quint. Cách riêng trong thời chiến tranh nhân dân và tôn giáo tại Pháp. Ban đầu Ngài còn ngập ngừng, nhưng sau ngài cương quyết đưa ra những sáng kiến hòa giải rất khôn khéo :”Duy trì hòa bình tại pháp mà không để cho những tham vọng chính trị ngoại bang lợi dụng mình” (4). Nếu chưa hoàn toàn đạt tới mục tiêu, thì ít ra ngài đã dọn đường cho người kế vị ngài có thế để bảo đảm tương lai của Giáo Hội tại Pháp và tránh tạo nên ở Tây Ban Nha một quốc giáo nằm dưới quyền giám hộ của nhà vua.
Ngày tạ thế của đức Sixte Quint đánh dấu bước đầu lớn lao và quan trọng của việc canh tân được thực thi ngay trong lòng giáo triều. Kế ngôi vị giáo hoàng thống chế này là liên tiếp nhiều triều đại giáo hoàng ngắn ngủi. Mãi 16 tháng sau khi khi đức Sixte Quint băng hà, mới bầu được người đấng kế vị là đức Clementê VIII (1592-1605). Ðây là vị giáo hoàng cả đời xao xuyến vì sợ quân Thổ Nhĩ Kỳ và cả đời đau yếu vì những vụ tranh luận thần học. Nhưng trong mấy phạm vi, ngài đã gặt hái được những kết quả tốt do công lao của vị tiền nhiệm để lại. Từ nay, những quyết định của công đồng Trente hiệu lực nhiều hay ít là tùy thuộc ở sức mạnh tôn giáo ở ngoài Roma, tại các nước Âu Châu khác. Những sức mạnh ấy, còn tàng ẩn ở phía sau, rồi bừng sáng lên nhờ những nỗ lực khai thác của giáo hoàng.
V. THÁNH PHÊRÔ CANISIUS VÀ CÁC LINH MỤC DÒNG TÊN VỚI VIỆC GIÁO DỤC QUẦN CHÚNG
Chương trình canh tân và phục hưng tại các nước nói tiếng Ðức đã dần dần thể hiện từ mấy chục năm trước công đồng Trente. Chương trình này được nâng đỡ và chỉ đạo bởi các linh mục Dòng Tên, nhất là cha Phêrô Canisius. Ngài vào Dòng Tên là nhờ ảnh hưởng của cha Pierre Favre, bấy giờ làm giáo sư tại Cologne và lo xuất bản những tác phẩm thời danh. Ðường lối canh tân thuần túy Công Giáo đã làm cho ngài nổi bật lên trong thời đại. Ngài dấn thân vào công việc dạy học cũng như việc rao giảng. Và trong các bài giảng, ngài gặp sự chống đối của đức Herman von Wied, tổng giám mục thành Cologne là người đã trao cho Bucer trách nhiệm khởi thảo kế hoạch canh tân tổng giáo phận. Ngài đã tiếp xúc và thảo luận nhiều lần với hoàng đế Charles Quint. Trong số các cộng sự viên của hoàng đế, ngài quen biết hồng y Truchsess von Waldburg, giám mục hăng say của Augsbourg. Chính vị hồng y này đã bảo trợ chương trình canh tân của ngài và còn sai ngài đi dự công đồng Trente với tư cách là chuyên viên thần học. Từ Bologne, thánh Ignace triệu ngài về Roma. Nơi đây ngài theo học ba năm theo quy luật và làm nhà tập. Sau đó ngài đến Sicilia dạy học một năm trước khi được gọi về Ðức năm 1549. Ban đầu, ngài phục vụ tại đại học Ingolstadt, rồi mở rộng vòng đai tới cả miền Nam nước Ðức. Ðược lòng các lãnh chúa công giáo, ngài xin họ giúp ngài vượt qua nhiều chướng ngại lớn. Với một hướng đi rõ ràng, linh mục Dòng Tên này biết đâu là những mục đích phải đạt tới. Trước tiên ngài phải trình bầy với các giám mục và các linh mục những lý tưởng của linh mục, hầu giúp họ thống hối nội tâm. Nhờ đó linh mục sẽ thấy rằng: tránh xa những tội quen thuộc đối với giáo dân không đủ, còn phải sống như một chủ chăn thánh thiện giữa đàn chiên. Ngài đã trình bày thẳng thắn với chính hồng y giáo phận Augsbourg sự cần thiết phải xa tránh những lôi cuốn tinh vi của thế gian: ”Mỗi ngày chúng ta hãy trút bỏ dần dần những danh vọng, những ước muốn khoái lạc, hầu chúng ta tiến dần đến lý tưởng cao vời của vị chủ chăn” (5). Chỉ khi đó, tuổi trẻ công giáo mới được thu hút bởi ơn gọi linh mục và tạo thành một thế hệ các linh mục tốt mà nhu cầu mục vụ đang đòi hỏi khẩn trương. Sau nữa phải phục hưng trình độ văn hóa trong mọi lãnh vực xã hội, vì sánh với người tin lành, người công giáo Ðức đã rơi vào tình trạng quá thấp kém. Người tin lành lưu tâm đặc biệt đến vấn đề học thức.
Chính vì thế Phêrô Canisius dồn hết nghị lực vào việc mở các trường trung học. Nhờ ngài mà các học viện sau đây thành hình và phát triển lâu dài: Ingolstadt, Prague, Munich, Innsbruck, Dillingen, Hall, Tyrol, Tyrnau và Fribourg bên Thụy Sĩ. Cũng nhờ sự tham dự tích cực của ngài mà các trường cao học Cologne, Augsbourg và Wurzbourg được xây cất. Và năm 1576, trường cao học Munich đã có 600 sinh viên, để rồi trở thành một cao học thời danh nhất Âu Châu. Cũng chính do sự vận động giồn giập của ngài mà những người hữu trách đã mở các cư xá cho những người trẻ quý phái và những trường học không lấy tiền cho những trẻ em gia đình nghèo tại Vienne, Dillingen, Munich, Ingolstadt và Innsbruck, mở các chủng viện giáo hoàng tại Prague, Fulda, Braunsberg và Dillingen. Ngài đã đem hết khả năng giúp đỡ đại chủng viện Ðức ở Roma. Không phải chỉ vì lợi ích và danh dự của Dòng Tên mà thánh nhân đã hoạt động như vậy, nhưng vì muốn xóa bỏ tình trạng cay đắng chung của Giáo Hội bấy giờ về phạm vi giáo dục. Vào năm 1549, theo lời yêu cầu của công tước Guillaume de Bavière, Phêrô Canisius đến Ingolstadt với hai cha Dòng Tên, vì lẽ sau khi cha Jean Eck chết, 1543, một chỗ trống lớn chưa có ai thay. Phân khoa thần học chỉ có một giáo sư thực thụ. Các sinh viên rơi vào tình trạng thật cô đơn, và con số giảm đi nhiều. Năm 1552, khi thánh Ignace sai ngài đi Vienne, thì tình thế của đại học ở đây lại còn bi thảm hơn nữa. Các giáo sư của phân khoa thần học chỉ phát có 2 bằng tiến sĩ kể từ 1529, và đời sống của họ không có gì bảo đảm. Người ta chán ngấy, không muốn đề cập tới vấn đề học vấn nữa. Hàng giáo không còn ảnh hưởng, các tu viện mất hết kỷ luật. Giới quý phái ngả dần về Tin Lành, tịch thu tài sản của Giáo Hội, và đe dọa nổi lên chống nhà vua nếu nhà vua ngăn cản mưu đồ của họ. Vì thế vua Ferdinand cầu cứu các linh mục Dòng Tên, trong đó Phêrô Canisius trổi trang nhất vì chỉ một mình ngài có thể giảng bằng tiếng Ðức. Các cha mở lớp dạy latinh và mở một lưu xá cho con của gia đình khá giả và một trường trung học cho con của các gia đình nghèo. Phêrô Canisius và các cha Dòng Tên khác dạy ở đại học, cho một nhóm thính giả rất là hãn ngữ. Thánh nhân còn dấn thân đi giảng phòng, làm linh hướng, cũng như nhiều công việc bác ái khác. Ba lần, vua Ferdinand đề nghị cha Phêrô Canisius làm giám mục thành Vienne, nhưng ngài từ chối. Vì sách giáo lý của Tin Lành Lutherô đã phổ biến nhiều trong dân Áo, để đối phó, vua Ferdinand ước mong có một sách giáo lý Công Giáo. Chính vì lý do đó, thánh Canisius đã sọan và cho xuất bản cuốn giáo lý Công Giáo dưới hình thức 213 câu hỏi và thưa với nhiều trích dẫn Thánh Kinh và Giáo Phụ. Ðó là một tác phẩm mang nội dung vững chắc và không gây tranh luận. Không hề đả động đến tên của ông Luther, chỉ nhằm xóa bỏ hai tệ đoan kinh niên của mấy chục năm về trước: mê muội về thần học và giốt nát về các vấn đề tôn giáo. Bản ấn hành đầu tiên nhằm xử dụng cho giới sinh viên, về sau in hai lần liên tiếp bằng latinh rồi bằng tiếng Ðức phổ biến sâu rộng cho dân chúng. Cuốn giáo lý cơ bản này về sau được sửa lại, thêm nhiều hình ảnh và trở thành cuốn giáo lý căn bản cho giáo dân Ðức suốt hơn hai thế kỷ. Chỉ nguyên thế kỷ XVI, sách ấy được in lại 100 lần. Nếu tổng cộng lại, cuốn sách giáo lý này đã được tái bản 550 lần với nhiều thứ tiếng khác nhau.
Thánh Canisius cũng tháp tùng vua Ferdinand đi kinh lược khắp đế quốc. Tại Augsbourg năm 1555, ngài kêu gọi giáo dân cương quyết duy trì mọi ảnh hưởng của Giáo Hội; tại Prague và tại chính trường Ratisbonne. Từ 1556, thánh nhân là Bề Trên đầu tiên của tỉnh Dòng Tên nói tiếng Ðức do thánh Ignace thiết lập. Thánh nhân còn bảo trợ nhiều tổ chức khác vốn sinh hoạt hăng say để bảo vệ Giáo Hội Công Giáo trong đế quốc Ðức. Ngài là người được hoàng đế và các công tước Bavière tin tưởng, là cố vấn của các vị khâm sứ và đặc sứ tòa thánh. Nhiều lần, Ngài cũng được đức giáo hoàng hỏi ý kiến. Bảy lần ngài trẩy đi Roma và có nhiều liên lạc thân thiết với Charles Barromée. Giờ còn lại, thánh nhân hay giảng tại nhà thờ chánh tòa Augsbourg và tại triều Innsbruck, tham dự những buổi nói chuyện về văn chương. Thực vậy, chỉ nguyên việc bổ nhiệm thánh nhân về Fribourg, nước Thụy Sĩ, năm 1580, đã gián đoạn phần nào những hoạt động rộng rãi của Ngài trong việc xây dựng Giáo Hội Ðức.
Ngoài danh giới các nước nói tiếng Ðức, người ta có thể khẳng định rằng Dòng Tên đã bao thầu nhiều hoạt động lớn lao nhằm canh tân Giáo Hội. Tuy nhiên ở Pháp, vì những hỗn loạn và chia rẽ do chiến tranh tôn giáo và nhân dân gây nên, thì thật nguy hiểm khi dây mình vào những quyết định thuần túy chính trị. Các trường trung học hay cao học được thiết lập để ngăn cản những khuynh hướng nguy hiểm của Calvin, đều bị coi là những cơ sở chiến lược. Edmond Auger là một ”Canisius Pháp”. Sau thời gian dấn thân giảng tin mừng cho người theo tân giáo Calvin ở miền Nam nước Pháp, ngài đã trở nên tuyên úy quân đội, và sau cùng thành nhà giảng thuyết trong triều vua Henri III. Không lấy việc xây cất một loạt các trường trung học làm đủ, Ngài còn soạn sách giáo lý, hai bộ lớn và nhỏ. Sách này có giá trị tại Pháp tương tự và đồng thời với sách giáo lý của Canisius bên Ðức.
Vào thời điểm này, dân Pháp không những cậy dựa vào dòng Tên, mà còn quá tin tưởng vào các sắc lệnh của nhà vua, vào những vụ lên án tà giáo ở Sorbonne, vào các vụ hành quyết tà giáo. Rồi mặc dầu bao nhiêu cố gắng của các giáo hoàng và các sứ thần, nhóm ”Giáo Hội Pháp tự trị” (Gallicanisme) trong chính phủ vẫn một mực không chấp nhận mà còn chống đối những quyết định của công đồng Trente.
Ðiều đó khẳng định rằng chương trình giáo dục tuổi trẻ do các cha Dòng Tên chủ trương và theo đuổi hết mình, thật lớn lao và đáng công. Như Canisius đã làm ở Ingolstadt, Dòng Tên khởi sự bằng việc nhận định rằng môn giáo phụ học ở đại học ít có ích lợi bởi vì nó chỉ liên quan đến một số quá nhỏ các thính giả. Sinh viên phân khoa thần học đã ít ỏi, họ lại không sẵn sàng đón nhận các lý tưởng mới mẻ, và cũng không đủ khả năng am tường nữa. Chỉ có một phương dược cho cho tình trạng này là bắt đầu lại công việc từ căn bản, tức là thiết lập các trường trung học và các ký túc xá. Thánh Ignace đã bắt đầu từ đó, vì năm 1551, ngài đã xây cất tại Roma một học viện với mục đích đào tạo các thỉnh sinh của dòng ngài, và 1552 ngài lại xin hướng học viện Ðức vào việc đào tạo các linh mục cho Giáo Hội Ðức. Công trình này bành trướng mau lẹ đến nỗi vào cuối thế kỷ, phần lớn các trường cao học và việc huấn luyện cho nam giới Công Giáo tại Âu Châu nằm trong tay các cha Dòng Tên. Mãi cho tới nửa thế kỷ XVII, dòng Piaristes, các cha dòng Biển Ðức và nhiều cộng đoàn nhỏ khác mới hợp tác vào công việc giáo dục này. Vào năm 1580, hơn ba phần tư các cơ sở giáo dục của Dòng Tên là trường cao đẳng, mỗi trường có chừng 20 linh mục đảm nhiệm, nếu là những trung tâm lớn và quan trọng, số các cha giáo sư lên tới 70. Hầu hết các trường đều có thư viện, vì như thánh Canisius nói: ”Những trường không có thư viện, giống như những người lính ra trận mà không có khí giới” (6). Ðể có thể thiết lập những nhà in và nhà xuất bản kế cận các trường quan trọng, vị tông đồ thứ hai của nước Ðức năm 1566, đã xin thẳng với Roma trợ cấp hàng năm (7). Như vậy các trường cao học trở thành các trung tâm phục hưng nội bộ của Giáo Hội và tạo nên một trận chiến thần học chống lại Trào lưu Cải cách Tin Lành. Tuy nhiên phải thú nhận, tại nhiều nơi, một số các cha dòng Tên bị trường đại học và các phân khoa hiện hữu coi như những người xâm lấn; hơn thế, các thành quả cũng như những tham vọng vụng về của mấy cha muốn nắm độc quyền đã gây nên những mối hiềm khích cạnh tranh và thù nghịch đối với dòng Tên.
Sở dĩ Dòng Tên đã thành công mỹ mãn trong việc giáo dục, trước tiên là nhờ khoa sư phạm của bản dòng, đã từng suy nghĩ, thí nghiệm và đồng loạt thi hành trong mấy chục năm. Rồi năm 1599, các tài liệu sư phạm được in thành thủ bản sư phạm với tựa đề ”Ratio et institutio studiorum”. Ðó là công trình của cha Aquaviva, bề trên cả thứ V của Dòng Tên. Năm 1581 ngài được bầu và đã mở đầu một thế hệ mới trong lịch sử Dòng Tên. Vị bề trên trẻ tuổi gốc tỉnh Naples không biết thánh sáng lập Ignace, không bị chi phối bởi bản lãnh mạnh mẽ của thánh sáng lập như các vị tiền nhiệm. Ngài thuộc thế hệ thứ hai của Dòng Tên và có mặt trong hầu hết các phong trào tu đức. Ngài cảm thấy nhu cầu phải sọan thảo một quy luật chặt chẽ và hợp lý để bảo đảm đời sống cộng đoàn và những đường hướng hoạt động của dòng. Vì ngài phải chịu trách nhiệm mọi hoạt động của Dòng Tên trong 30 năm trời, nên không lạ gì việc ngài áp đặt phương pháp chiêm niệm mỗi ngày và việc ngài gắn bó với học thuyết của Molinos về ơn sủng, đến độ về sau, cả hai việc đã trở thành những bổn phận đương nhiên của dòng Tên.
Về phương pháp dạy học, các linh mục dòng Tên đã rút kinh nghiệm từ những trường học khác, kể cả luật sư phạm của ông Melanchton. Dòng Tên chỉ lo dạy trung học và cao học, còn tiểu học họ để cho các dòng khác đảm nhiệm. Theo kiểu của Roma, họ phân làm ba trình độ. Mỗi trường trung học thường gồm sáu lớp. Sinh ngữ là môn quan trọng nhất, mà đặc biệt tiếng latinh và hy lạp được coi là môn chính. Và như thế dòng Tên trở thành người bảo vệ truyền thống nhân bản, ít ra về hình thức. Môn lịch sử và môn địa dư, bấy giờ chưa được mở rộng và coi trọng là bao nhiêu. Ðịa dư được coi như môn phụ tá của lịch sử là môn giúp suy nghĩ về cách sống của con người. Học tiếng mẹ đẻ mà thánh Ignace đòi hỏi, không phải là môn bó buộc, mà là môn tùy chọn. Bởi lẽ cho đến hậu bán thế kỷ XVII, Công Giáo cũng như Tin Lành đều công nhận tiếng latinh là tiếng phổ thông và quốc tế. Trong các phân khoa triết, dài ba năm, người ta cũng dạy cả các môn toán và các khoa học tự nhiên. Phân khoa thần học chiếm chỗ cao nhất trong học viện. Từ 1570, cha Bellarmin, Dòng Tên, dạy thần học tại đại học Louvain cho xuất bản tác phẩm chính của ngài về thần học, là ”Controverses” (Những Tranh Luận). Trong đó, ngài trình bày từng điểm những học thuyết của Tin Lành, rút ra từ những điều tuyên tín chính thức của họ, rồi gợi lên những điểm cần bàn cãi. Trong giới Tin Lành, người ta cấm dân chúng đọc công cộng cuốn sách đó và còn dùng các giảng đài để đả kích tác giả. Một trong những ảnh hưởng quan trọng của cuốn sách đó là khích lệ các linh mục Dòng Tên, đặc biệt Dòng Tên Tây Ban Nha, nghiên cứu sâu xa hơn về các khoa thần học, nhất là trong các ngành thuần lý học.
Ðiều dĩ nhiên là tại các trường của Dòng Tên, môn giáo dục tôn giáo rất được coi trọng. Hơn nữa không chỉ dạy một cách thuần túy tôn giáo mà còn áp dụng vào đời sống hằng ngày. Thánh lễ, nghe giảng, và đọc sách thiêng liêng, lãnh nhận đều đặn các bí tích trong cộng đoàn và gương sáng của các giáo sư tạo nên những sức mạnh có ảnh hưởng đến đời sống của học sinh và sinh viên. Ðể khuyến khích tuổi trẻ sống luân lý và đạo đức, một sinh hoạt quý giá và cụ thể là khuyên người trẻ gia nhập các Hiệp Hội Thánh Mẫu. Hiệp Hội này được thành hình ngay trong trường trung học Roma, năm 1563, bởi một linh mục Dòng Tên người Bỉ, là cha Leunis. Các hội viên họp nhau mỗi ngày sau các lớp học, nhất là vào các ngày chủ nhật và các ngày lễ, để làm việc tôn kính Ðức Maria, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Hiệp hội này dần dần phổ biến khắp Roma rồi trên các nước công giáo. Hội không chỉ nhằm nguyên việc đạo đức nhà thờ, mà còn lưu tâm đến việc trau dồi trí thức, hoạt động tông đồ và từ thiện. Vào năm 1584, hiệp hội đã có hơn 30.000 hội viên. Ðó cũng là một ý niệm truyền giáo đánh thức cả giới trưởng thành. Giới này muốn thành lập những hội đoàn tương tự, thích ứng với những hoàn cảnh xã hội khác nhau, cho sinh viên, cho người quý phái, cho giới thủ công... Các hội đoàn đã vượt ra ngoài môi trường ảnh hưởng của các cha Dòng Tên. Thánh Charles Borromée, cha Fidèle de Sigmaringen (Capucin), các ông tướng Tilly, Turence, và các nghệ sĩ Rubens và Tasse đã từng là những hội viên hoạt động tích cực trong những hội đoàn ấy.
VI. NGƯỜI TIN LÀNH ÐỨC SAU HÒA BÌNH TÔN GIÁO.
Trong khi thánh Canisiô và các bạn của ngài nỗ lực nâng cao thế hệ mới theo tinh thần Công Giáo, thì phái Tin Lành cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các nước nói tiếng Ðức. Dưới cái nhìn của thánh nhân, hòa ước ký tại Augsbourg năm 1555 không chấm dứt việc đổi mới, nhưng chỉ dừng bước để lại tiếp tục cuộc chiến đấu với những dự án khác nữa. Hai hoàn cảnh khích lệ những hoạt động của Tin Lành: Trước tiên là tâm trạng bất ổn và buông trôi trong phía Công Giáo vì công đồng cứ khoan giãn mãi. Bấy giờ không ai biết: Liệu có quyết tâm đổi mới hay không? Ðâu là chủ yếu của những đổi mới ấy? Những đổi mới ấy sẽ đem đến những bó buộc hay cấm đoán nào? Vấn đề linh mục lập gia đình và vấn đề cho giáo dân rước lễ dưới hai hình thức là hai đòi hỏi không nguyên của những người chủ trương đổi mới mà còn của chính những lãnh chúa Công Giáo trong các thơ thỉnh nguyện họ gửi về Tòa Thánh hay trong những tài liệu về đổi mới. Vì thế, vấn đề linh mục kết hôn chưa bao giờ sôi nổi và phổ biến bằng thời kỳ này. Hơn thế, việc huấn luyện thần học của các linh mục lại rất thấp kém. Yếu tố thứ hai có lợi cho người tin lành là việc các lãnh chúa bảo đảm cho người tin lành quyền tự do đổi mới. Các vua chúa lợi dụng cơ hội này, nhất là miền Bắc và miền Ðông đế quốc Ðức, chiếm đoạt các tòa giám mục không trực thuộc đế quốc, với chiêu bài phải bảo vệ các tòa giám mục ấy. Họ đuổi các giám mục đi và bổ nhiệm vị giám quản là người của gia đình họ. Những vị giám quản không những chấp nhận mọi đổi mới theo Tin Lành mà còn đặt toàn diện tòa giám mục vào lãnh thổ của vua chúa. Như tòa giám mục Kammin bị chiếm cứ bởi Poméranie, tòa giám mục Razebourg và Schwerin bởi Mecklembourg, tòa giám mục Naumbourgt, Mersebourg và Meissen bởi vương hầu vùng Saxe. Tại Mersebourg, những hoạt động hăng say của một giám mục nghiêng về cải tổ Tin Lành, như trường hợp Julius Von Pflug bị thất bại vì có hòa ước chính trị giữa hoàng đế và ông Maurice de Saxe. Thành phố Brandebourg lấn át tất cả. Ngoài các tòa giám mục Brandebourg, Havelberg và Lebus, vương hầu Brandebourg còn sáp nhập cả tổng giáo phận Magdebourg mà tổng giám mục là Sigismond de Brandebourg, năm 1561 đã công khai đem tất cả tổng giáo phận chạy theo Tin Lành mà vẫn không từ bỏ phần ”dự trữ giáo triều”, vì hòa bình tôn giáo còn bảo đảm đất đai và tước vị cho ông. Lúc đầu tòa án hoàng đế phản đối nhưng năm 1648 lại phê chuẩn, điều đó không thay đổi gì trong thực tế. Cũng vậy, Brême, Minden và Verden được cai quản bởi giám mục theo Tin Lành đến từ các vương hầu kế cận. Trong công hội Paderborn, nhờ có một thiểu số Công Giáo vây quanh vị niên trưởng nghị lực là Théodore de Fursternberg và nhờ việc họ cầu cứu các cha Dòng Tên đến giúp, nên phe Công Giáo cầm cự được và sau họ đã chiến thắng. Tại Munster cũng vậy, một đụng độ bi đát đã xẩy ra trong việc chỉ định viên phụ trách mới cho tòa giám mục. Tại miền Nam nước Ðức, năm 1583 mới, ngay trong công hội kinh sĩ của Strasbourg, những cuộc cãi lộn nảy lửa giữa các kinh sĩ tin lành và kinh sĩ công giáo để tranh ghế giám mục cho phe mình, đã kéo dài tới năm 1604 mới chấm rứt, khi người công giáo toàn thắng. Trong tòa tổng giám mục Cologne, việc bảo vệ đạo Công Giáo đang bị đe dọa đã biến thành vấn đề quốc tế thật sự, chúng ta sẽ nói đến sau. Trong những lãnh địa không thuộc giáo quyền, công địa Berg, vùng hạ Rhénanie, đang bị lâm nguy. Hơn nữa trong các tỉnh vùng Wesphalie, các công tước tuyên theo một thuyết nhân bản đi hàng hai giữa Công Giáo và Tin Lành. Khuynh hướng nhân bản này kéo dài tới 1567, đã tạo cơ hội cho nhiều cộng đoàn Tin Lành Luther thành hình và phát triển mạnh mẽ. Ðang khi đó các cộng đoàn Tin Lành Calvin từ Hòa Lan (Pays(Bas) du nhập vào vùng sông Rhin và Tây công địa. Các tỉnh tự do của vùng Cologne và Aix-la-Chapelle có thời gian bị đe dọa, phải bỏ mầu sắc Công Giáo.
Dựa vào quyền canh tân đã được do hòa ước Augsbourg, các vương hầu Palentins, quan biên trấn Bade và công tước Brunswick đã du nhập vào lãnh thổ của họ những giáo thuyết mới. Giáo Hội hoàn toàn mất chỗ đứng tại miền Bắc Ðức. Trong tất cả nước Ðức, người ta ước lượng số người công giáo chỉ còn lại 10% hay cao nhất là 30% dân số.
Vì một thứ men nguy hiểm đang vùng dậy tại các nước được cai trị bởi giáo dân công giáo. Tại Baviève, lớp quý tộc tìm nhiều cách đem Tin Lành vào. Nhưng chính tại các vùng Habsbourg mà Tin Lành phát triển mạnh nhất. Chỉ nguyên Tyrol và Vorarlberg là còn đa số dân chúng công giáo. Trong các tỉnh khác, phần lớn giới quý tộc, trung lưu và dân quê đã chạy theo những giáo thuyết mới, họ được giới quý tộc bảo vệ. Chẳng hạn dân chúng Habsbourg mong được che chở trước mối đe dọa thường xuyên của người Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó là thái độ mập mờ của hoàng đế Maximilien II (1564-1576). Ông này trong lòng đã theo Tin Lành, nhưng vì là hoàng tử nối ngôi, nên khi lên làm hoàng đế, ông giữ thái độ bề ngoài là trung thành với đạo cổ truyền chỉ vì những lý do vương triều thôi. Văn phòng ”Cố vấn các tu viện” chỉ là cơ quan kiểm soát của nhà nước. Ðiều này rõ ràng nhất là lần kinh lý tu viện năm 1561 (8). Năm 1568 và 1571, hoàng đế nhượng bộ các vấn đề tôn giáo cho các lãnh chúa hay hiệp sĩ cao cấp của nước Áo để đổi lấy mấy triệu đồng florins, điều đó làm lợi cho Tin Lành Luther. Qua những nhượng bộ đó, hoàng đế cho họ tự do hành đạo Tin Lành trong các lâu đài, trong lãnh thổ và ngay trong những nhà thờ họ bảo trợ. Những làng quê và những thành phố, kể cả thủ đô Vienne không được hưởng đặc ân này. Vì thế những người tin lành tại các làng quê và các thành phố ùa đến các lâu đài của giới quý tộc, cũng như tòa thị sảnh Vienne để dự lễ Tin Lành. Tình trạng đó cũng xẩy ra tại miền Trung nước Áo, tại Styrie, Carinthie, và Carniole là lãnh thổ đặt dưới quyền của đại công tước Charles, em của hoàng đế Maximilien. Ông Charles bảo đảm quyền tự do tôn giáo, vì đây là điều kiện để dân chúng đóng thuế giúp ông có tài chánh đương đầu với nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày một khẩn trương. Chắc chắn lúc đó dân chúng chưa công khai theo đạo Tin Lành. Nhưng sau khi hoàng đế băng hà thì ba phần tư dân Áo chạy theo các giáo phái Cải cách của hòa ước Augsbourg và giới quý tộc đã hầu như hoàn toàn đổ về Tin Lành rồi. Giáo Hội Công Giáo bấy giờ thật tiêu điều (9). Tại Bohême, lúc các anh em Moraves liên minh với Tin Lành Luther, phe đối lập với những tổ chức được hoàng đế Maxillien cho tự do tôn giáo. Con của hoàng đế là Rodolphe II còn đi xa hơn nữa. Năm 1609, ông đã viết thơ không những cho toàn dân được tự do theo lương tâm mà còn nhượng bộ cho các lãnh chúa, hiệp sĩ và công dân của các hoàng thành có quyền xây nhà thờ, trường học, quyền cử hành tự do các việc phụng tự theo đúng bản ”Tuyên tín Bôhème” (Confessio Bohemica), tức bản tuyên xưng Ðức Tin thống nhất được phe đối lập công bố năm 1575. Sau cùng hoàng đế Rodolphe còn ra một sắc lệnh đặc biệt, nhìn nhận rằng mọi quyền lợi và quyền tự do tôn giáo nói trên cũng dành cho người tin lành trên toàn thể lãnh thổ hoàng gia. Thời đó, Tin Lành cũng được hưởng quyền tự do tôn giáo trong lãnh thổ Silésie vốn thuộc về Habsbourg là miền gồm rất nhiều tiểu hầu quốc mà đa số dân chúng đã gia nhập tôn giáo mới.
VII. ÐỀ KHÁNG TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI ÁO VÀ BAVIÈRE.
Không phải cứ dung thứ mọi vi phạm luật lệ một cách trắng trợn hay nhượng bộ những mặc cả chính trị để tránh khỏi những khó khăn về quân sự mà đạo Công Giáo có thể tồn tại, hay phục hưng những gì đã mất mát. Ðể tồn tại và phục hưng, cần phải có sức đề kháng tích cực, tức là không nguyên đổi mới nội bộ, đào tạo một thế hệ Công Giáo mới, thâm tín niềm tin, mà kể từ 1555, còn kêu gọi các hoàng đế và vua chúa mỗi nước đóng góp theo phạm vi lãnh thổ và quyền hành của họ. Những hoạt động chính trị và tôn giáo thuần túy hòa hợp với nhau đến độ các giáo hoàng, giám mục, linh mục Dòng Tên, ngay cả các vua chúa phần đời, không thể tách rời hai phạm vi đó ra. Chắc chắn rằng phong trào chống Cải cách Tin Lành đã bùng dậy tại nhiều nước Âu Châu, nhưng chính tại các nước nói tiếng Ðức mà phong trào mang đặc tính phổ cập. Bấy giờ, các vua chúa công giáo noi gương các lãnh chúa tin lành, đòi hỏi một cách ý thức những quyền canh tân tôn giáo và sau cùng họ được toại nguyện: Ðạo Công Giáo được công nhận là đạo duy nhất hiện hữu trên lãnh thổ của họ. Các công tước xứ Bavière được coi là những người khởi xướng phong trào. Công tước Albert V (1550-1579), người có mặt khi ký kết hiệp ước Augsbourg năm 1555, đã không có một sự can thiệp đặc biệt nào ủng hộ Công Giáo, thế mà từ 1559, ông lại mời các linh mục Dòng Tên về Munich, và nhờ sự thúc đẩy của ông, Munich đã trở nên một kinh đô nghệ thuật. Ông quyết tâm gây hấn với giới quý tộc theo Tin Lành tại các vùng đồng quê xứ Bavière. Rồi nhân có vụ nổi loạn, ông đã thu phục được giới quý tộc và bắt họ ký một hiệp ước trung thành với ông và duy trì đạo Công Giáo. Quyền tự do lương tâm chỉ nhượng ban cho các hiệp sĩ với tư cách cá nhân. Ðể mời gọi những người tin lành ở thành phố và đồng quê trở về đạo Công Giáo, Albert đã xin với công đồng cho giáo dân quyền rước lễ dưới hai hình thức và cho linh mục được kết hôn. Năm 1614, đức giáo hoàng chỉ ban quyền cho giáo dân rước lễ dưới hai hình thức. Nhưng quyền này lại bị rút lại với sự thỏa thuận của công tước Bavière năm 1571. Việc rước lễ dưới hai hình thức đã trở thành một dấu hiệu riêng của những người tin lành và nên cớ cho nhiều người công giáo theo Tin Lành. Công tước trao việc giáo dục công cộng cho các linh mục Dòng Tên. Một huấn lệnh tôn giáo được gửi tới các công chức, các làng xã, thành phố và các giáo sĩ. Tiếp theo là một quy luật học đường và một sắc dụ về việc kiểm trừng. Tất cả mọi công chức phải đăng ký tuyên tín theo Ðức Tin của công đồng Trente và cấm chạy theo Tin Lành, nếu lỗi sẽ bị vạ lưu đầy. Tiếc là trong khi chính quyền đóng vai trò của người tuyên tín thuần túy, thì các giám mục lại chối bỏ Ðức Tin Công Giáo mỗi ngày một đông. Vì thế cha Canisius đề nghị lập Hội Ðồng tôn giáo gồm các giáo sĩ và giáo dân kiểm soát các giáo sĩ đã được trao ban bổng lộc. Song song với thư mục đức giáo hoàng, lại có một thư mục các tác phẩm được lựa chọn để thiết lập một thư viện toàn hảo cho người công giáo. Công tước am tường tầm mức quan trọng của vấn đề đào tạo các linh mục. Trong cả nước, các giáo viên phải cho chính phủ biết những phần tử ưu tú để chính phủ giúp họ tiếp tục nghiên cứu. Tại Bavière chưa từng có tòa giám mục nào. Ðang khi đó, đại học Munich đã có phân khoa triết học, về sau lại thêm phân khoa thần học. Quãng 1570 sự hiệp nhất Ðức Tin trong lãnh thổ của công tước đã được tái lập. Công việc canh tân được tiếp tục nhờ sự thỏa hiệp chặt chẽ của các khâm sứ thường đến tạm trú trong nước. Một trong những vị khâm sứ nổi tiếng là linh mục dòng Ðaminh, cha Félicien Ninguarda, nhiệt thành thi hành các quyết định của công đồng Trente. Với chức vụ kinh lược, cha đã gặp nhiều chống đối của kinh sĩ đoàn chính tòa và các dòng tu. Dầu vậy, cha đã tổ chức hai công nghị tỉnh tại Salzbourg, năm 1569 và 1573. Tại triều đình Munich, bấy giờ đậm bầu khí tu đức, một linh mục Bỉ, cha Roland de Lassus đã được công tước Albert mời đến chuyên soạn các bản nhạc thánh vịnh. Vì thế chẳng bao lâu Munich, cũng như Vienne và Salzbourg, đã trở thành trung tâm thánh nhạc. Kể từ 1579, tại Munich, người ta tự hào trình diễn nhiều bản nhạc ”gregorien” và cử hành các nghi lễ Roma trong nhà nguyện của công tước. Mọi người đều có cảm tưởng rằng công tước và công triều đã nêu gương về nhiều lãnh vực. Thực tế, gương sáng này mới chỉ có ở bề ngoài: chay tịnh, viếng các nhà thờ và rước kiệu mình thánh. Lập trường ủng hộ phong trào chống Cải cách Tin Lành của vua Albert gắn liền với chủ thuyết tuyệt đối về chính trị vương triều và gia đình trị, chẳng bao lâu đã lan tràn khắp nước Ðức và toàn thể Âu Châu nữa. Với tư cách là cậu và giám hộ của bá tước Bade còn vị thành niên, ông tái thiết Giáo Hội Công Giáo ở Baden-Baden. Công việc này thực hiện được là nhờ các cha Dòng Tên phát động có kế hoạch và mở nhiều tuần đại phúc trên toàn lãnh thổ. Vào năm 1566, tại quốc hội Augsbourg, Albert là người bênh vực giáo triều tích cực nhất. Ông đã được chính đức Pio V dành tòa giám mục Freising cho đứa con trai trẻ nhất của ông, mới 12 tuổi, tên là Ernest. Năm 1573, khi Ernest được đề nghị làm giám mục Hildesheim, thì đức Gregoire XIII chấp nhận ngay. Kể từ đó đường hướng chính trị của gia đình Bavière đồng hóa hầu như hoàn toàn với những nỗ lực phục hưng Công Giáo tại Ðức của tòa thánh Roma. Bởi vì trên thực tế, giám mục trẻ tuổi Ernest không có ơn gọi linh mục, càng không có tư cách giám mục. Mọi việc nằm trong tay của công tước Albert. Ông này đã chọn tỉnh Hildesheim như một khởi điểm thuận lợi cho việc mở rộng phong trào chống Tin Lành về phía Tây, tức là về nước Hòa Lan. Nơi đây, liên minh của ông là Tây Ban Nha cũng hoạt động theo một chí hướng. Sau đó, ông lại dành cho cháu Ernest một ghế tại kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa Cologne. Ông dùng ghế đó như bàn đạp để chiếm lấy tòa giám mục Cologne, nơi mà các vì thế của Giáo Hội Công Giáo cứ mãi mãi bị đe dọa. Chắc chắn, thân phụ ông không được nom thấy ngày thành tựu của chương trình vĩ đại này. Công đồng Trente nghiêm cấm việc một giám mục kiêm nhiệm nhiều tòa. Nhưng, vì có ít ứng viên xứng đáng thuộc giới đại quý tộc nên các tòa giám mục ở vùng Tây Ðức không thể tìm đâu ra một giám mục công giáo ngoại trừ ở trong hai gia đình Wittelsbach và Habsbourg. Do đó, hai vương triều này coi đây như một hoàn cảnh thuận lợi để mở rộng thế lực, và Roma cũng ép lòng, coi đó như một ”vi phạm cần thiết” để thi hành những quyết định của công đồng Trente. Do đó, trên thực tế, tục kiêm nhiệm nhiều tòa giám mục đã thành phương thức duy nhất để cứu vãn Giáo Hội Công Giáo Ðức và để chống lại Tin Lành tại phía Ðông dãy Alpes.
Ðối với Guillaume V le Pieux (1579-1597), người con trai kế vị của Albert, việc canh tân trước tiên là bổn phận tôn giáo chứ không phải bổn phận chính trị như cha ông đã quan niệm. Người học trò đầu tiên của Dòng Tên lên ngôi hoàng tử tại Ðức, đời sống của ông là một gương sáng lớn đến nỗi ít có linh mục sánh kịp. Cả đời ông sống như người phụ tá của các cha Dòng Tên, và theo ý các ngài, ông đã xây ngôi thánh đường Tổng lãnh Michel nguy nga tại Munich và mở một phân khoa thần học tại Ingolstadt. Năm 1583, để bảo đảm sự thuần nhất Ðức Tin trong cả vương quốc và sự thành công của việc canh tân giữa hàng giáo sĩ và trong dân chúng, ông đã theo lời khuyên của Ninguarda, ký kết một hòa ước với các lãnh tụ của Giáo Hội thuộc các nước lân cận. ”Hòa ước giữa các giám mục” này chấm dứt mọi tranh chấp mà các giám mục thường nêu lên để chống lại chính quyền lấn át giáo quyền và bắt các giám mục hăng say lo việc canh tân. Guillaume còn ủy cho các linh mục Dòng Tên tại Graz việc giáo dục người cháu là Ferdinand, hoàng đế tương lai và là con của đại công tước Charles. Trong nước, ông dùng mọi quyền hành để phục hưng Giáo Hội Công Giáo, và sau vài do dự ban đầu, ông tiếp tục lối chính trị hoa bổng của vua cha để làm lợi cho nhà Wittelsbach. Ông chấp thuận cho con trai ông mới 13 tuổi, là Philippe, giữ tòa giám mục Ratisbonne, vì biết rằng việc quản trị giáo phận thật sự nằm trong tay của Ninguarda và của linh mục tổng đại diện thật mãn cán. Nhưng ông giúp đặc biệt cho em ông là Ernest trong việc khôi phục thêm nhiều giáo phận mới. Nhờ sự ủng hộ của toàn quyền nước Hòa Lan, người đã được bổ nhiệm làm giám mục Liège 1581, trước khi cơn khủng khoảng bùng nổ tại Cologne. Năm 1582, tổng giám mục Gebhard Truchsess von Walbourg, một người quá bận tâm đến những vấn đề thế tục và việc bầu cử của ông không được giáo hoàng phê chuẩn suốt ba năm, đã công khai đi theo Tin Lành; ông đã kết hôn với người quản gia là bà Agnès von Mansfeld, và tranh luận với các lãnh chúa tin lành về các dự án tục hóa mà ông dự định thi hành trong tổng giáo phận của ông. Nhưng các thành viên Công Giáo của kinh sĩ đoàn chính tòa, hội đồng thành phố Cologne và dân chúng đã được các linh mục Dòng Tên huấn luyện, cực lực chống lại mọi dự án của ông. Tổng giám mục bị vua Gregoire XIII truất phế và bị kết án lưu đày. Kinh sĩ đoàn chọn người kế vị là công tước Ernest, người của đảng Rome-Bavière-Espagne. Trong khi chiến tranh Cologne tiếp tục, thì quân đội Bavière và Espagne đã chiếm đoạt tòa tổng giám mục cho Ernest. Một cách gián tiếp, cuộc chiến thắng đem lợi cho nhà Wittelsbach và tiến tới việc bầu cử đoàng hoàng. Nó phá tan âm mưu nối kết giữa Tin Lành Hòa Lan và Tin Lành Luther bên Bắc Ðức. Như vậy không chỉ tránh được mối nguy cơ của đa số Tin Lành trong Ðại Tuyển Viện, tức là cơ quan gồm những người có quyền chọn hoàng đế, mà còn cho người công giáo thấy những vì thế của họ được bảo đảm trong các tòa giáo phận Paderborn và Munster. Năm 1585, Munster là giáo phận thứ 5 mà Ernest kiêm nhiệm. Dĩ nhiên việc gồm năm giáo phận vào tay một người cai quản là một vi phạm lớn đối với quyết định của công đồng Trente. Ðể biện minh việc vi phạm đó, Bavière dẫn chứng rằng: Phải dùng đến sức mạnh quân sự mới chinh phục được các tòa giám mục và canh giữ khỏi bị các lãnh chúa tin lành lân cận chiếm đoạt. Chính giáo quyền Roma cũng nhìn nhận rằng: Tình thế hiểm nghèo của các tòa giám mục nằm trong các xứ Tin Lành bấy giờ đòi hỏi thành lập liên bang giáo phận và dựa vào quyền lực của vương hầu công giáo. Và bấy giờ, nhà Wittelsbach được coi là thế lực nhất để bảo vệ đạo Công Giáo, hơn cả nhà Habsbourg. Tuy nhiên phải nói rằng: Ngay khi phê chuẩn việc Ernest đắc cử tại tòa giám mục Liège, và một lần nữa tại tòa giám mục Munster, đức giáo hoàng đã yêu cầu Ernest chỉ giữ ba tòa giám mục thôi, còn hai tòa nữa phải trao về các cháu của ông. Sau một thời gian lâu dài từ chối, năm 1595, ông đã chấp nhận cho Ferdinand là cháu của ông làm phó tại Cologne. Cháu ông không hề chịu chức linh mục, và trái ngược với chú là người tính tình lẳng lơ. Ferdinand hăng say cải tổ giáo phận, từ trước đến giờ vốn được giao phó hoàn toàn cho các sứ thần tại Cologne. Một loạt các công nghị giáo phận, việc thiết lập chủng viện và sức hoạt động không ngừng của các linh mục tổng đại diện dần dần đã được thực hiện. Nhờ vậy chương trình canh tân của công đồng đã dần dần thành tựu, cho dù mãi tới 1662 các sắc lệnh của công đồng Trente mới được long trọng công bố.
Tại nước Áo, dưới thời của gia định Habsbourg, việc phục hưng đạo Công Giáo chậm trễ hơn. Rodolphe II, kế vị vua Maximilien II, yếu ớt và bệnh hoạn. Ông thường sống ở Prague nhiều hơn ở Vienne. Vì thế phần lớn việc chính trị và hành chánh, ông phải cậy nhờ hai em là Ernest và Mathias. Ông không đủ tài làm giảm bớt những căng thẳng tôn giáo. Giới quý tộc tin lành đã lạm quyền quá nhiều. Họ còn dám đề cử các giảng viên tin lành quản trị những của cải người ta cầm nợ hay họ cho thuê. Giới quý tộc Vienne cũng đồng tình như thế, họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước Hofburg, và khi việc cử hành nghi lễ phụng tự tại thị sảnh bị cấm đoán, họ đi hành hương từng ngàn người đến các cơ sở lớn của người quý tộc trong làng. Các tín đồ tin lành dần dần tổ chức thành Giáo Hội vững chắc. Nhưng âm mưu này bị thất bại bởi sự chia rẽ trầm trọng giữa các giảng viên. Ngay lúc đó, Giáo Hội Công Giáo có một linh mục đại diện trẻ tuổi, người thành Vienne, trở lại từ Tin Lành, tên là Melchior Klesl. Cha đã giúp Công Giáo vượt qua cơn khủng khoảng. Hoạt động không biết mệt, suốt 20 năm trời, cha thăm viếng các hạt và các tu viện. Hoạt động của cha đã đem lại nhiều thành quả. Với tư cách là người trách nhiệm chính yếu việc canh tân, cha bảo đảm việc thi hành các sắc lệnh cấm cử hành nghi lễ Tin Lành trong các thành phố, làng mạc và đòi loại bỏ các giảng viên tin lành. Cha đã thành công trong nhiệm vụ này nhờ tài giảng thuyết hơn là nhờ cánh tay của thế quyền. Tại miền Bắc Áo, vùng pháo đài vững chắc của Tin Lành, hoạt động của cha gặp nhiều khó khăn nhất. Các hội đồng xã chống lại việc người công giáo được các lãnh chúa bảo trợ chiếm lại các nhà xứ. Việc muốn Công Giáo hóa lại các xứ đạo lớn đã làm cho dân quê nổi giậy. Cuộc nông dân nổi loạn này là hậu quả đương nhiên của nhiều hoàn cảnh xã hội do thời đại và bởi những khó khăn về kinh tế xui nên sau nhiều năm chiến tranh chống quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếc rằng cuộc nổi loạn ấy đã bị dẹp tan trong máu lửa. Khôn khéo đề phòng mọi mặt, cha Klesl đã chiến thắng Tin Lành. Các nhà thờ phải trả lại cho người công giáo và các giảng viên tin lành bị trục xuất. Các linh mục Dòng Tên khởi sự một chiến dịch rao giảng, bắt đầu từ Linz. Cấm chỉ không được cử hành phụng tự tại thị sảnh. Tuy nhiên có nhiều vụ nổi loạn mới, chứng tỏ giới quý tộc và dân chúng chưa trở lại với Giáo Hội Công Giáo.
Tại miền Trung nước Áo, kỹ sư Charles chống đối mãnh liệt các nhóm Tin Lành. Trước đó, ông đã làm việc với Guillaume, em rể của ông, tại Munich. Trong một buổi hội ý tại cung triều, ông đã đưa ra kế hoạch tiêu diệt Tin Lành. Charles bắt đầu bằng việc cấm chỉ Tin Lành hoạt động trong các thành phố hay làng xã, và bằng cách trục xuất những giảng viên của tin lành. Năm 1585, ông xây đại học Graz và giao cho các cha Dòng Tên. Ông lại giúp tòa khâm sứ mới thiết lập đủ phương tiện đưa dân trong các vùng quê trở về với Công Giáo. Con ông là Ferdinand, hoàng đế tương lai, đã lớn lên và được giáo dục tại Ingolstadt. Sau khi nhận định rằng tại miền Styrie và Carinthie, nhiều giám mục nhiệt thành hoạt động mà không có kết quả, ông quyết tâm phục hưng Công Giáo tại hai miền đó. Nhờ đó, tại Graz hội đồng xã theo khuynh hướng Luther bị giải tán và 19 giảng viên và giáo viên trường tiểu học bị trục xuất. Trong khi đó, một ủy ban tỉnh lo việc canh tân có lính hộ vệ đã tái lập việc phụng tự Công Giáo tại vùng bắc Styrie, tất cả giới trưởng giả miền Graz đều bị kiểm kê, chính quyền tịch thu các sách tin lành luther và đốt đi. Một tu viện Capucins được thiết lập để lo cho những người tin lành mới trở lại. Tại Carinthie phải kiểm kê hai lần, lần thứ hai không có lính hộ vệ, mới dẹp tận gốc những phản ứng tiêu cực của dân chúng. Tiếp theo đó, nhiều ủy ban tôn giáo được gửi tới, có giám mục chủ tọa và sự hiện diện của viên đại úy quân sự tỉnh, để kiểm soát dân chúng về đời sống thiêng liêng. Chỉ nguyên giới quý tộc có thể tiếp tục tuyên tín theo Tin Lành. Khi bó buộc thần dân trong một thời hạn nhất định, phải theo cùng tôn giáo với ông, hoặc phải di cư đi nơi khác, ông áp dụng triệt để Jus reformandi ban hành năm 1555 mà các lãnh chúa tin lành đã thi hành từ lâu rồi.
VIII. TRONG NHỮNG LÃNH THỔ THUỘC CÁC GIÁO SĨ
Lòng nhiệt thành phục hưng Giáo Hội Công Giáo dần dần phát hiện và dâng cao ngay nơi các ông hoàng giáo sĩ (princes-ecclésiastiques) Ðức. Hồng y Otto Truchsess von Waldburg, giám mục Augsbourg (1543-1573), là người đầu tiên đã nghiêm khắc tấn công các giáo thuyết mới trong giáo phận của ngài và trong lãnh thổ tu viện Ellwangen. Liên kết chặt chẽ với cha Canisius và các linh mục Dòng Tên, ngài đích thân quán xuyến việc áp dụng nghiêm chỉnh các sắc lệnh của công đồng Trente, với hai hoạt động đặc biệt là đi kinh lược mục vụ và tổ chức các công nghị giáo phận. Ngài mời cha Canisius về giảng trong nhà thờ chính tòa Augsbourg và thiết lập ngay trong tòa giám mục Dillingen một học viện mà năm 1563, ngài đã ủy thác cho các cha Dòng Tên. Phải nói thật rằng hồng y Waldburg không phải là người có chiều sâu về đời sống thiêng liêng, lại ham hố nhiều bổng lộc. Vì thế, với tư cách là thành viên của Congregatio Germanica và người bầu chủ của dân tộc Ðức tại Roma, ngài đảm nhiệm quá nhiều phận vụ, nên đã mắc tròng vào đại cuộc chính trị giữa Giáo Hội và Chính Phủ, không còn sức quán xuyến hữu hiệu việc canh tân trong giáo phận riêng của Ngài nữa. Phải đợi tới một trong những người kế vị ngài, xuất thân từ Học viện Ðức tại Roma, mới làm nổi bật tinh thần công đồng Trente trong giáo phận Augsbourg.
Vào quãng năm 1570, ông hoàng tu viện trưởng Fulda bắt đầu công việc canh tân trong lãnh thổ của ngài. Tại Munster, có cuộc tổng kinh lược giáo phận năm 1571. Năm 1585, Ernest de Bavière đã thành công trong việc lấy lại giáo phận khỏi tay người tin lành. Cháu và người kế vị ông là Ferdinand de Bavière đã kinh lược địa phận năm 1613. Tại miền Trung Ðức, tổng giám mục Mayence là Daniel Brendel (1555-1582), người chỉ được chọn với đa số tương đối trước ứng viên đối lập Tin Lành, đã miệt mài với việc mục vụ trong giáo phận. Năm 1574, ngài đích thân viếng mục vụ hai vùng Eichsfeld và Erfurt hầu như toàn tòng Tin Lành. Năm 1576, ngài đương đầu với nhóm quý tộc Saxonne, được các lãnh chúa trong vùng yểm trợ: họ vu khống rằng ngài đã vi phạm hòa bình tôn giáo. Cùng năm ấy, quốc hội Ratisbonne đã xác nhận rõ rệt rằng: Các ông hoàng giáo sĩ (princes ecclésiastiques) cũng có quyền lo việc đổi mới. Năm 1585, cuộc bầu cử Theodore de Furstenberg, cựu hạt trưởng chính tòa, lên làm giám mục Padeborn đã đánh dấu khúc quặt quyết định trong lịch sử đầy thăng trầm của tòa giám mục này. Kể từ đó, sức lan tràn của Tin Lành bị chặn lại. Công nghị giáo phận 1594 khai trương một giai đoạn mục vụ rộng lớn, không nói đến, nhưng theo tinh thần của công đồng Trente để sửa chữa những lạm dụng và phục hưng việc phụng tự và kỷ luật. Giám mục thẳng thắn từ chối mọi đòi hỏi tự do tôn giáo trọn vẹn do các đoàn thể thiên Tin Lành đề ra. Ngài mở một nhà in Công Giáo tại Paderborn, thanh tra (một điều chưa từng có trong thời ấy) kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và lập trường trung học, trao cho Dòng Tên. Về sau, năm 1614, trường này được hoàng đế và giáo hoàng chấp thuận cho biến thành đại học. Bản lãnh của người kế vị ngài là Ferdinand de Bavière, đủ bảo đảm những việc đã làm và tiến tới cuộc chiến thắng cuối cùng với một tinh thần đổi mới thật sự ngay trong tòa giám mục.
Một trung tâm khác mang tinh thần mới mẻ này là tòa giám mục Wurzbourg, dưới triều đại lâu dài của Echter von Mespelbrunn (1573-1617). Ông hoàng giám mục trẻ tuổi này được trúng cử nhờ sự vận động của công tước Bavière. Ngài đã được chuẩn bị lãnh nhận chức vụ mới này bằng những năm tu luyện đời sống thiêng liêng và cách riêng phương pháp linh thao của thánh Ignace. Ngài coi việc duy trì Ðức Tin Công Giáo trong địa phận là trách nhiệm đầu tiên phải làm. Ngài bắt đầu sự nghiệp canh tân bằng việc xây một nhà thương lớn mang tên ngài. Sự kiện ấy biểu hiện một thời điểm mới trong xã hội giữa sự hòa đồng của thuyết nhân bản đang tàn lụi, chế độ chuyên chế và những bước đầu của thế hệ barốc. Ở ngoài giáo phận, ngài buộc lòng phải giữ thái độ dè dặt vì sự hiện hữu của những nhóm Tin Lành. Nhưng ngài giữ vững lập trường là tổ chức lại nền kinh tế ngay trong lãnh thổ của mình, tựa vào đường lối chính trị của Bavière và tăng cường thế lực quân sự riêng. Thêm vào đó là canh tân sinh hoạt nội bộ, mà trước hết là lập chủng viện để đào tạo một thế hệ linh mục vừa thông thái vừa có đời sống luân lý cao. Năm 1582, mặc dầu kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa chống đối, ngài đã xây một trường đại học. Sau đó, ngài ra kế hoạch khai hóa các thành phố và vùng nông thôn. Chính ngài đích thân đi kinh lược nhiều lần, phái các linh mục Dòng Tên đi giảng thuyết, cấm phòng cho dân chúng. Ngài đã xây mới hay trùng tu 300 nhà thờ. Mặt khác, từ 1585, căn cứ vào jus reformandi, ngài đã phát động trên toàn giáo phận chiến dịch chống các ”tôn giáo mới”, tức là các khuynh hướng Tin Lành. Ảnh hưởng của giám mục Echter lan rộng ra ngoài lãnh thổ giáo phận. Như trường hợp giáo phận Bamberg, một miền bị đe dọa thường xuyên, mà chính ngài đã lãnh trách nhiệm tuyển chọn những giám mục nhiệt thành để lo việc đổi mới. Ðể duy trì mọi công việc đã thành tựu, ngài gia nhập liên minh của Maximilien de Bavière trong tinh thần bảo vệ và phục hưng đạo Công Giáo.
IX. THỤY SĨ.
Tại Thụy Sĩ cũng phát hiện nhiều lực lượng chống lại Tin Lành. Ðành rằng ở Thụy Sĩ không có những ông hoàng thủ quyền tuyệt đối, hay những ảnh hưởng chính trị của các phe đảng người Pháp và Tây Ban Nha tranh dành nhau. Tuy nhiên Charles Barromée không bao giờ quên được những chuyện đó tại nhiều nước bên kia dãy núi Gothard. Ðiều may mắn là ngài đã tìm được ở Thụy Sĩ một cộng sự viên có ảnh hưởng, giữ chức vị quan châu trưởng vùng Nidwald, đó là hiệp sĩ Melchior Lussy von Stans, người đã nhân danh bảy quận Công Giáo Thụy Sĩ, năm 1564, ký vào các quyết định của công đồng Trente. Người tín hữu này đã nỗ lực vận động cho đồng bào Thụy Sĩ đón nhận các sắc lệnh canh tân của công đồng và dấn thân khai sinh những thế hệ tu sĩ mới có giá trị. Chính nhờ ông mà học viện Thụy Sĩ được mở tại Milan. Nhưng nhất là ông đã có công du nhập vào vùng bên kia dãy núi Gothard các tu sĩ Capucins. Chính ông đã bỏ tiền riêng, xây một tu viện trên đất của ông ở Stans. Sau cùng ông đã vận động thành công việc thiết lập tại Thụy Sĩ một tòa khâm sứ thường trực để bảo đảm vững chắc và lâu bền công trình canh tân Giáo Hội. Vị khâm sứ đầu tiên lại là bạn thân của Charles Barromée, cha Bonhomini, người then chốt của việc đổi mới Giáo Hội. Kể từ 1574, các linh mục Dòng Tên đến lập nhà tại Lucerne. Nói thật ra đó là công của đức Gregoire XIII, người đã hạ lệnh cho Dòng Tên đến đấy. Chính đức giáo hoàng cũng cương quyết truyền cho cha Canisius xây tại Fribourg một trường học năm 1582. Ðức cha Jakob Christoph Blarer von Warrensee, giám mục Bale bấy giờ buộc lòng phải liên hiệp với các quận Công Giáo, đã mời các cha dòng Capucins và Dòng Tên vào giúp việc phục hưng địa phận hầu như đã tan rã hết. Tại công nghị giáo phận năm 1581, vị giám mục nhiệt thành này đã khéo léo mở mùa canh tân theo công đồng Trente trong toàn lãnh thổ giáo phận. Ðang khi đó, những nhịp độ canh tân mà giám mục Constance, người có trách nhiệm trên phần lớn xứ Thụy Sĩ đã khởi xướng, vẫn chưa phát động đồng đều, và chưa có hiệu lực gì cả.
Sát cánh với các linh mục Dòng Tên, các cha Capucins từ nay trở thành lực lượng chính yếu của chương trình canh tân ở ngoài nước Ý. Dòng đã may mắn vượt qua cơn khủng khoảng sau việc phá giới của Ochino. Ngay tại Ý, dòng lấy lại được sự tín nhiệm nơi hàng giáo phẩm và giáo dân nhờ đời sống nhiệm nhặt và lòng nhiệt thành tông đồ. Charles Barromé xin các cha Capucins giúp ngài canh tân lòng đạo của giáo dân địa phận Milan và chính ngài là hồng y bầu chủ của dòng. Năm 1574, đức Gregoire XIII sửa lại những khoản luật hạn chế hoạt động tông đồ của dòng ở nguyên trong nước Ý. Từ đó dòng mở rộng biên giới hoạt động qua Pháp và Tây Ban Nha và các xứ nói tiếng Ðức. Nói đúng ra, do lệnh của đức giáo hoàng mà dòng Capucins mới dấn thân vào các xứ nói tiếng Ðức. Vì thế chỉ mấy năm mà nhà chính xây tại Altdorf năm 1581, đã được mở rộng và thành tỉnh dòng Thụy Sĩ. Sau lại vượt qua sông Rhin, và năm 1599 lập tu viện đầu tiên tại Fribourg en Brisgau. Cũng năm ấy, các cha Capucins đến từ Venise đã an lạc tại Innsbruck. Cha Laurent de Brindes, nhà giảng thuyết nổi tiếng, đã lần lượt lập tại Prague, Vienne và Graz những nhà phụ thuộc tu viện chính tại Habsbourg. Trong khi đó, tại Paris một nam tước trẻ tuổi miền Tremblay, đã vào dòng và mang tên là cha Joseph. Mười năm cuối đời, ngài nổi tiếng là ”mưu sĩ” của hồng y Richelieu. Giới qúy tộc tại Pháp và tại nhiều nước khác rất khâm phục lòng nhiệt thành tông đồ của dòng này: Các linh mục không chỉ sống tu trị, lo truyền giáo mà còn tiên phong trong việc canh tân Giáo Hội theo tinh thần công đồng Trente. Ðồng thời nhiều linh mục Capucins tỏ ra khéo léo về ngoại giao và chính trị. Tỉnh dòng Paris xây thêm nhiều tu viện tại vùng Flandre, Rhénanie. Năm 1611, lập nhà đầu tiên tại Cologne. Sau 40 năm bỏ những khoản luật hạn chế hoạt động của dòng, số các tu sĩ Capucins đông sấp sỉ các tu sĩ Dòng Tên. Cả hai dòng làm việc sát cánh với nhau. Ảnh hưởng của dòng Capucins mỗi ngày một mở rộng. Dòng Tên chuyên lo việc giáo dục ngành cao đẳng, đại học, dòng Capucins lại chuyên cần tông đồ bằng việc rao giảng, mà trước hết là giảng về lòng thống hối, rồi dần dần giảng tuần đại phúc cho giới bình dân. Các cha chuyên dạy giáo lý cho dân chúng, phổ biến nhiều lòng mộ đạo bình dân. Chừng 10 năm đầu hoạt động, các ngài mang một tâm tính thuần túy người ý, nhưng chẳng bao lâu đã thay đổi hẳn. Ðến độ trong một thời gian lâu dài, người ta không chấp nhận việc bầu làm bề trên cả những người sống bên kia núi Alpes.
X. NƯỚC PHÁP VÀ MIỀN NAM HÒA LAN
Tại Pháp, việc canh tân Công Giáo nổi bật những dữ kiện hoàn toàn khác với các xứ văn hóa Ðức. Ở Pháp không có các lãnh chúa địa phương hưởng quyền canh tân, không có các ông hoàng giám mục. Ðể bảo vệ Giáo Hội hay giành lại những vùng đất đã mất, tại Pháp không có chuyện lẫn lộn phương tiện thiêng liêng và vật chất, chính trị và quân sự. Vì thế, khi nói về lịch sử, người Pháp không thích dùng kiểu nói ”chống Cải cách” (Contre-Réforme). Tại Pháp chỉ có Nhà Nước tập quyền của một Richelieu và chỉ mình ông có đủ phương tiện, lo việc hiệp nhất các khuynh hướng tôn giáo trong nước. Các giám mục chỉ đảm nhiệm những phận vụ thuộc nội bộ của Giáo Hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lẫn lộn đạo và đời, do chiến tranh nhân dân và tôn giáo gây nên trong một thời gian lâu dài. Vì thế, không ai ý thức về tình trạng riêng biệt của Giáo Hội Pháp, là mọi cái đều lệ thuộc nhà vua. Có khi hàng chục năm, vì không có ông vua nào được cả nước nhìn nhận, nên có nhiều tòa giám mục trống ngôi, bởi lẽ chỉ mình vua mới có quyền đề cử các giám mục. Năm 1579, một phần ba tòa giám mục trống ngôi và 28 tòa giám mục dưới quyền cai quản của giáo dân. Ở miền Tây Nam, khi cần một giám mục, người ta phải đi tìm tận bên Tây Ban Nha. Hiện tượng một giám mục kiêm nhiều tòa và việc buôn bán bổng lộc còn là tệ đoan thông thường, như ở thời tiền công đồng Trente. Hồng y miền Lorraine, là Charles de Guise, đã làm tổng giám mục Reims lúc 14 tuổi và lần lượt giữ thêm 14 tòa giám mục và nhiều tu viện. Một nửa hoa lợi của Pháp thuộc về các tu viện hay các tổ chức được miễn thuế. Giữa kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa, với con số thành viên khổng lồ, và giám mục giáo phận thường hay có chuyện tranh giành. Công đồng nhắc nhở cho các giám mục xu nịnh hay chỉ lo cai quản gia sản phải nhớ rằng: Ơn gọi của họ là hiền phụ và là chủ chăn của tín hữu. Thực tế, dưới triều vua Henri IV và Louis XIII, phe đối lập là đẳng cấp thứ ba (tiers-état) đã ngăn cản quốc hội phê chuẩn các sắc lệnh canh tân của công đồng. Cũng vì vậy mà trong một thời gian lâu dài, mọi hoạt động của các công nghị tỉnh chỉ là lửa rơm, bùng lên rồi tắt ngay. Tuy nhiên gương mẫu của Charles Barromée đã quang tỏa và gây ảnh hưởng đến Giáo Hội Pháp cách sâu xa, nhờ trung gian các đồ đệ của ngài và những tài liệu ngài phổ biến. Năm 1579, tại Melun, tổng giám mục Aix đến từ Milan, đã khuất phục được các đồng nghiệp chấp nhận các sắc lệnh canh tân của công đồng. Nhưng các công nghị tỉnh diễn tiến rất chậm chạp và chủng viện ngài đã xây tại Aix đã mai một ngay sau khi ngài từ trần. Francois de la Rochefoucauld, giám mục Clermont và sau là giám mục Senlis, đã gây được ảnh hưởng lâu dài hơn. Chính ngài cũng quen biết trực tiếp Charles Barromée. Năm 1614, quốc hội lại từ chối không công bố các sắc lệnh công đồng Trente. Nhưng một năm sau, đức cha Francois đã khắc phục được 7 tổng giám mục và 45 giám mục long trọng cam kết sẽ công bố các sắc lệnh công đồng trong các công nghị tỉnh. Nhưng vì mọi sự việc tiến hành quá chậm rãi, nên chính ngài là người đầu tiên công bố sắc lệnh công đồng tại công nghị tỉnh ngài tổ chức năm 1620. Dĩ nhiên ngài không quên nhắc đến những thường lệ liên quan đến các quyền hạn của vua, của triều đình, và các đặc ân của Giáo Hội Gallican. Thế rồi, những dấu hiệu tiên báo về chủ thuyết gallican vừa thai sinh lại hiện hình rõ ràng hơn nữa trong công nghị tỉnh Bordeaux năm 1624: Những quyết định của công nghị được công bố trước khi xin Roma phê chuẩn và được tu chính bởi Thánh Bộ Công Ðồng. Quan trọng hơn những công nghị tỉnh là hoạt động của các linh mục Dòng Tên. Năm 1610, dòng này đã có 1.400 tu sĩ và điều khiển 36 trường trung học. Song đôi với hoạt động của Dòng Tên là hoạt động của các cha Capucins. Cho dù dòng này trải qua nhiều lúc thăng trầm vì một số tu sĩ pháp làm việc sai đường lối, như Henri de Joyeuse. Sau cùng cũng khá quan trọng, là hoạt động của những giám mục trung thành với sứ mệnh mục vụ. Trong các giám mục gương mẫu ấy, chúng ta phải kể đến Francois de Sales (1567-1622), người dân miền Savoie. Ðịa phận của ngài lan rộng tới Pháp. Trong những năm đầu đời linh mục, con người thông minh này đã dấn thân vào các hoạt động truyền giáo trong các vùng ảnh hưởng Tin Lành Calvin, vùng Nam hồ Genève. Mặc dầu với những khó khăn không tài kể xiết, ngài đã đem về Ðức Tin Công Giáo 70 làng xã. Ðược bổ nhiệm giám mục phó, rồi giám mục chính tòa, ngài không hài lòng với việc thăm viếng giáo dân, ngài lo dạy giáo lý cho trẻ em, xây một chủng viện, và cố gắng cứu rỗi các linh hồn bằng hương thơm thánh thiện bản thân. Trong những cuộc đàm đạo với Théodore de Bèze, trong các tác phẩm minh giáo cũng như trong các bài giảng của ngài, người ta thấy một điểm nổi bật: Tình thương đối với anh chị em xa cách, không cay chua, không chi chiết. Ðường lối nhân bản kytô giáo của ngài là nhân bản của một vị tông đồ. Ngài không không thích ép buộc, không ưa cứng cỏi. Quan điểm tự do của người theo Pháp giáo và của người theo thuyết bảo hoàng tuyệt đối không có chỗ đứng nơi con người vùng Savoie này. Chính vì thế, ngài tạo được một ảnh hưởng sâu đậm trên tinh thần tu đức của Pháp, đặc biệt đối với những nhân vật tiêu biểu cho nền tu đức ấy, những người ngài có dịp gặp gỡ mỗi khi đi kinh lược mục vụ. Quả thật, giám mục Francois đã đóng góp cho Ðại Thế kỷ (Grand Siècle) một nội dung tôn giáo vững chắc và sâu xa hơn. Nhưng vị ảnh hưởng ưu thế của vua trong việc phân phối bổng lộc vẫn còn, và công đồng không nói gì đến việc canh tân chính các lãnh chúa, nên Giáo Hội Pháp phải là Pháp giáo chứ không là công đồng Trente. Cho dù có những điều khoản cứng nhắc trong thỏa ước, sự hoán chuyển của các tinh thần đã khai thông con đường đổi mới của Công Giáo (10).
Tại miền nam Hòa Lan, một nước bị xé nát, giống như Pháp, bởi những chiến tranh nhân dân và tôn giáo, việc phục hưng Công Giáo là công việc chính yếu của các giám mục và cộng tác viên của các ngài. Năm 1565, dưới ảnh hưởng của Hội Ðồng Quốc Gia, trong đó có những thành viên là Guillaume d'Orange, Hornes và Egmont, bà nhiếp chính Marguerite de Parme đã viện lý an ninh Quốc Gia để từ chối việc công bố các sắc lệnh của công đồng và không cho các giám mục quyền phổ biến các sắc lệnh. Vì thế, khi nhiều giám mục muốn công bố các sắc lệnh công đồng và thực hiện chương trình canh tân, việc công bố và hoạt động của các ngài không có hiệu quả đáng kể. Ngoại trừ tổng giám mục thành Utrecht với đời sống có nhiều tai tiếng và một vài nhân vật bị lu mờ, trong hàng giám mục Hòa Lan bấy giờ có nhiều vị muốn canh tân, nhiều vì khôn ngoan và thông thái với bằng cấp đại học, lại có kinh nghiệm hướng dẫn tu đức và kinh nghiệm quản trị Giáo Hội. Các ngài có thái độ dung hòa, mềm dẻo hơn đức giáo hoàng Pio V và hơn vua Philippe II trong việc tiêu diệt lạc giáo. Nhưng nhiều giáo phận mới chưa tổ chức xong. Trong nhiều giáo phận khác lại có những kháng cự mãnh liệt của các kinh sĩ đoàn về việc hưởng quyền miễn trừ và nhất là từ nhiều năm cả nước trôi nổi trong đe dọa của lớp dân nghèo đói. Giám mục tên tuổi Ypres là Rythovius, ”hạt ngọc giữa các giám mục”, đã là tù nhân của lớp dân này trong suốt bốn năm. Nhà bác học Lindamus, giám mục Ruremonde, phải đợi 7 năm mới vào được giáo phận của ngài và giám mục Bois-le-Duc, là Torentius chỉ có thể cư ngụ trong tòa giám mục sau 11 năm được bổ nhiệm. Chỉ trong 20 năm mà ít nhất 130 linh mục bị nhóm cùng dân hạ sát, trong đó có 19 vị tử đạo tại Gorkum (1572) đã được tuyên thánh. Phần lớn các tu viện đều bị cướp phá và đốt cháy. Nhưng trước và sau khi bị bắt, giám mục Ypres đã kinh lược các giáo phận và tái lập kỷ cương của hàng giáo sĩ. Ngài đi giảng khắp nơi và lo giáo dục quần chúng, dùng tiền riêng xây dựng chủng viện Hòa Lan đầu tiên. Ngay khi được an cư tại Ruremonde, đức cha Lindamus đã tổ chức công nghị và soạn sách giáo lý, khai hỏa chống lại những linh mục trong giáo phận sống chung với người nữ. Nói chung là ngài chiến đấu với hết mọi người đến nỗi ngài phải chạy trốn ba lần mà không sờn lòng. Các công nghị tỉnh năm 1565 không đem lại thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của quận công Albe, tổng giám mục Cambrai ít ra đã có thể phát hành các sắc lệnh của công đồng trong giáo phận. Dần dà các giáo phận thuộc quyền ngài cũng làm theo. Và năm 1570, trong công nghị tỉnh tổ chức tại Malines, Rythovius đã yêu cầu công nghị chấp nhận nguyên vẹn các sắc lệnh. Trong những năm tiếp theo, nhiều công nghị đề cập đến chế độ bổng lộc, nếp sống của các linh mục và tu sĩ, và những vấn đề giáo dục quần chúng. Tuy nhiên các công nghị vẫn bị cầm chân bởi những khoản luật dành ưu thế cho hoàng triều Bruxelles. Ngay các chủng viện cũng phải qua thời gian thí nghiệm. Phải nói thật, trong thời gian đó, các giám mục đã tìm được các liên minh và các cộng tác viên quý hóa. Kể từ 1584, Bonhomini làm khâm sứ tại Cologne, ngài đi thăm viếng các tu viện và các kinh sĩ đoàn nước Hòa Lan. Các linh mục Dòng Tên đầu tiên đến Louvain năm 1542. Nhờ sự bảo trợ của các giám mục, năm 1575, các ngài đã mở thêm 9 cơ sở, cho dù vẫn bị chính quyền hạn chế và làm khó dễ. Trong các cơ sở giáo dục, thị trường Douai, với mấy ngàn học sinh, là quan trọng nhất và ảnh hưởng nhất. Các tập sinh ở Louvain đi theo các phân khoa đại học. Nhưng kể từ 1570, tất cả các môn học đều dạy ngay trong tu viện, nơi đây Bellarmin chú giải công khai bộ Tổng Luận Thần Học của thánh Thomas d'Aquin. Nhưng chính Dòng Tên đôi khi cũng có những trường hợp bị trục xuất hay phải chạy trốn, ít ra ở các tỉnh miền Nam. Về sau nhờ Alexandre Farnèse Dòng Tên mới được sống yên hàn. Từ đó, những hạn chế do hoàng quyền áp đặt cho các cha Dòng Tên bị bãi bỏ hết. Những cơ sở mới lại tấp nập xây lên. Ơn kêu gọi có nhiều và năm 1612, tỉnh dòng phải chia làm hai. Ngay dưới thời chính phủ Alexandre Farnèse, các cha dòng Capucins đến xứ Hòa Lan. Năm 1595, đúng 10 năm sau, một tỉnh dòng đặc biệt được thiết lập. Qua năm 1616, tỉnh dòng lại chia làm hai giống như tỉnh dòng các cha Dòng Tên, vì có nhiều ơn gọi. Như vậy, công trình canh tân đã tiến triển trong những hoàn cảnh thuận lợi, với một khối người cộng tác chặt chẽ. Vào năm 1598, đại công tước Albert, công chúa Isabelle, cựu hồng y - giám mục Alcala, trước kia được miễn trừ khỏi phải chịu chức phó tế và ái nữ của Philippe II đã khấn dòng thánh Clara sau khi góa chồng, tất cả đã biện minh thành lập một chính phủ hầu như độc lập với Tây Ban Nha. Sự cộng tác chặt chẽ giữa hai chính phủ với các giám mục trổi trang và với một số đông những người trợ tá, đã làm cho toàn dân hối cải và trở về với Ðức Tin của cha ông. Trong các chủng viện đã được xây cất, một thế hệ giáo sĩ học cao và đạo đức trổi vượt. Cả xứ sở trở thành một miền phồn thịnh của Giáo Hội, đồng thời là đất phì nhiêu làm nôi sinh cho nghệ thuật và văn minh barốc phát triển. Cho dù đời sống thiêng liêng không đạt tới những trọn đỉnh đặc biệt của lòng mộ đạo vào cuối thời Trung Cổ, cho dù đời sống thiêng liêng còn lớn lên nhờ những vay mượn tinh thần tu đức Tây Ban Nha, nó đã tạo nên một sức mạnh vô lường, phủ xuống cả những người sống lẻ loi trong các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng Calvin. Không sợ mối đe dọa thường xuyên bị tù đày hay trục xuất, nhiều linh mục Dòng Tên và nhiều tu sĩ dòng khác chung sức với họ, đã can đảm làm mục vụ ngay giữa những người Hòa Lan phiêu bạt. Các ngài thiết lập nhiều trung tâm truyền giáo và làm việc rất thành công, chỉ bị phiền hà bởi những khó khăn do giáo luật và bởi sự mập mờ trong tương quan giữa họ với các vị đại diện tông tòa. Ngay đối với các trung tâm truyền giáo miền Bắc, người ta cũng tìm được những nơi thờ phượng và các linh mục sẵn sàng gánh chịu mọi hy sinh. Vì thế Bộ Truyền Giáo hồ hởi chính thức hóa hoạt động truyền giáo của các ngài (11).
XI. BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ CỦA TIN LÀNH GIÁO
Tin Lành Ðức đã phũ phàng từ chối lời mời tham dự khóa thứ ba công đồng Trente. Lý do, họ đọc thấy trong phần kết luận và trong những sắc lệnh của công đồng có nhiều điểm không chấp thần học của họ và do đó đe dọa sự sinh tồn của Giáo Hội của họ. Ðể bảo vệ, Công Nghị Tin Lành Berne năm 1561 đã yêu cầu tín đồ cầu nguyện mỗi tuần hai ngày. Hơn thế, để trả đũa việc ra vạ tuyệt thông công bố tại Trente, người ta đã theo lời khuyên của Tuyển Hầu Fredéric III thuộc phái Tin Lành Calvin, thêm vào sách giáo lý Heldelberg, xuất bản đầu năm 1563, một công thức mới về ”ngẫu tượng đáng nguyền rủa” là thánh lễ. Cũng năm ấy, xuất bản tập đầu tiên về bộ Examen concilii Tridentini, (Tìm hiểu công đồng Tridentinô) tác phẩm của ông Martin Chemnitz, một nhà thần học nổi tiếng theo Tin Lành Luther. Trong bộ sách lớn gồm nhiều quyển này Chemnitz đem hết khả năng và dùng mọi lý luận, phủ nhận từng sắc lệnh một của công đồng và tạo nên ngay trong giới Tin Lành những cuộc bút chiến kéo dài hằng thế kỷ. Thực tế, việc biện minh của ông mất đi nhiều hiệu lực bởi những cuộc tranh luận hỗn độn về giáo lý, chi phối phe nhóm của ông và tựa vào tư kiến của bè phái ông Melanchton lúc đó đã về già. Những bước thăm dò để thống nhất việc tuyên tín của các Giáo Hội Tin Lành đang chia rẽ và chống lại thần học Trente, đã đem lại kết quả: Hệ thống hóa vững chắc giáo thuyết Tin Lành. Melanchton đã trình bày giáo thuyết theo hình thức giáo khoa và, năm 1551, Brenz lại soạn một Confessio Wurtembergica, với nhan đề là dự án cho công đồng Trente. Lúc này người ta cố gắng thể hiện sự thống nhất không chỉ tựa trên những công thức mơ hồ và tổng quát. Do đó, người ta trở về với các kinh Tin Kính của Giáo Hội sơ khai và những tác phẩm đầu tiên của Tin Lành viết về kinh Tin Kính, kể từ cuốn Augustana đã không tu chính cho tới cuốn giáo lý nhỏ bé của Luther trích ra từ cuốn Formula Concordiae (Những định thức đã đồng thuận) năm 1580, soạn thảo chung với Jakob Andreae người Souabe và nhất là với Martin Chemnitz. Tập định thức này chả bao lâu thành tác phẩm bất khả xâm phạm và coi như được thần khải, đến nỗi công việc của các nhà thần học chính thống chỉ là chú giải tác phẩm đó thôi. Họ hăm hở xử dụng triết lý Aristote thời Trung Cổ mà Luther đã rất chê bai. Vì ”phong thần” Luther, các nhà thần học chính thống từ nay mặc nhiên nói về ”Ecclesia Lutherana”, được định nghĩa theo chiều hướng bút chiến bởi phe đối lập trong Giáo Hội Calvin, và cả trong Giáo Hội Công Giáo canh tân theo tinh thần công đồng Trente. Cách riêng, cuộc bút chiến với Bellarmin cho họ có dịp đối đầu với thần học kinh viện mới, và cả với triết lý và học thuyết về pháp luật và về quốc gia. Ðồng thời, do cuộc bút chiến, họ đã mặc nhiên đón nhận nhiều yếu tố vào trong các phương pháp đặc thù và trong những quan niệm siêu hình của họ.
Giáo Hội Tin Lành Cải cách (Calvin) có vẻ chặt chẽ hơn Giáo Hội Tin Lành Luther nhiều. Ðặc biệt nhờ sự thúc đẩy của Henri Bullinger, người kế vị của Zwingli ở Zurich, mà họ đã có thể thực hiện sự hiệp nhất niềm tin giữa khuynh hướng Zwingliens (Sacrementaires) và nhóm Calvin Thụy Sĩ. Cuốn Confessio helvetica posterior năm 1562 đã được đa số các Giáo Hội Canh tân Thụy Sĩ công nhận. Do cuốn sách đó, giáo lý của Calvin về tiền định và về Thánh Thể bị giảm giá khá nhiều. Vào quãng năm 1560, theo lời yêu cầu của lãnh chúa tuyển hầu Frédéric III, các nhà thần học đồ đệ của Bullinger đã đón nhận Tin Lành Calvin vào vương triều. Dưới thời Louis VI (1576-1581), một tín dồ của Luther và người kế vị Frédéric, Tin Lành Calvin bị lu mờ, nhưng sau khi Louis VI băng hà nhóm Calvin lại chiếm ưu thế trong vương triều. Thực tế Tin Lành Calvin bấy giờ không ký hiệp ước hòa bình tôn giáo Augsbourg; Năm 1566, hoàng đế đã yêu cầu Frédéric trở lại Tin Lành Lutêrô nhưng không có kết quả. Tuyển hầu được dân chúng miền Saxe ủng hộ cách đặc biệt và chẳng bao lâu, nhiều lãnh chúa noi gương ông: Nassau, Deux-Ponts, Anhalt, la Hesse-Cassel và tỉnh Brême chuyển qua Tin Lành Calvin. Ngược lại, tuyển hầu miền Brandebourg không thể đem Tin Lành Calvin vào các tiểu bang của ông vì dân chúng liên tục chống đối. Tin Lành Ðức cực lực thù nghịch không những với hoàng đế công giáo, mà cả với các Giáo Hội Luther địa phương. Những Giáo Hội này cảm thấy bị đe dọa và quả như vậy, đặc biệt trong lần bầu cử ở Saxe, đã có một áp lực dữ dội do cái mà Melanchton gọi là nhóm Philippe hay nhóm Calvin bí mật. Áp lực này đã giết chết ông Crell, chưởng ấn vùng Saxe, năm 1601. Bấy giờ ở đó, người ta bảo ông Hoe von Hoenegg, người Vienne, có khuynh hướng bảo vệ giáo hoàng hơn ủng hộ Calvin. Chính ông đã nhiều năm rao giảng ở vương triều Dresde và đã so sánh thuyết tiền định của Calvin với thuyết định mệnh của người Hồi Giáo, đã vận dụng hết ảnh hưởng để can tôn chủ của ông xa tránh những hành động chính trị chống lại hoàng đế. Như vậy, và chỉ như vậy, mới hiểu được tính cách trung lập của tuyển hầu miền Saxe trong giai đoạn đầu của chiến tranh 30 năm.
Tại Thụy Ðiển, người ta cảm thấy mãnh liệt mối nguy cơ của phong trào người công giáo chống Tin Lành. Vua Jean III đã bí mật trở lại Công Giáo, rồi người con kế vị là Sigismond III (1592-1604) cũng vậy. Ông này là vua của Ba Lan, là người công giáo xác tín. Tại Balan, nhờ sự giúp đỡ của các linh mục Dòng Tên, vua đã đem hết tâm lực theo đuổi công việc canh tân tôn giáo của giáo sĩ và của dân chúng mà giám mục Ermland là hồng y Hosius dang thực hiện, đã đưa về đạo Công Giáo một phần lớn giới quý tộc. Nhưng tại Thụy Ðiển có một sức đối lập từ bên trong do quan hành chánh của hoàng đế Charles, một người anh của cố vương, đã tổ chức chống lại mọi nhượng bộ dành cho Công Giáo. Các cơ quan pháp đình đe dọa truất phế nhà vua nếu ông bãi bỏ Tuyên Tín Augsbourg. Bởi vậy, ngay trước khi lên ngôi, vị tân vương phải tuyên bố từ chối không cho người công giáo quyền tự do hành đạo. Sau khi ông trở lại Ba Lan, thì Quốc Hội Thụy Ðiển do quan hành chánh của hoàng đế điều khiển, đã quyết định trục xuất tất cả các linh mục công giáo và đã tuyên bố giải tán tu viện Valstena, là tu viện còn sót lại trong xứ này. Tu viện này do thánh nữ Brigitte xây, và được bảo trì cho tới ngày nay như một thánh điện quốc gia. Chiến tranh bùng nổ giữa vua và quan hành chánh của hoàng đế. Sigismond bại trận và bị truất phế. Năm 1604, cậu ông lên ngôi tại Suède mang tên là Charles IX. Dưới triều đại của ông, Quốc Hội đã quyết định rằng người công giáo không được quyền cư ngụ trên xứ sở. Các linh mục bị đe dọa xử tử. Mọi liên hệ với Balan từ nay bị đoạn tuyệt. Dưới triều của con vua Charles là Gustave-Adolphe II (1611-1632), Thụy Ðiển trở thành nước pháo đài của Tin Lành tại Bắc Âu.
XII. GIÁO HỘI ANH QUỐC VÀ PHÁI THANH GIÁO
Tại Anh Quốc, nhiều người tin lành khó chịu, nếu không phải là phản ứng Chống Canh Tân, về việc tái lập một Giáo Hội quốc gia và thiết lập một phụng vụ thống nhất. Hai điểm này, nữ hoàng Elisabeth I đã hạ dụ ”thống nhất hóa”. Riêng những người bị lưu đầy đến Ecosse dưới triều đại của Marie la Catholique, dần dần họ biết đến Tin Lành Calvin và ái mộ đặc biệt cơ cấu đơn sơ và việc phụng tự thanh tao của các cộng đoàn Calvin. Trong vẻ huy hoàng về nghi lễ của ”Thượng Giáo Hội”, trong tiếng đàn, thánh ca, dấu thánh giá, phẩm phục của linh mục, đồ trang hoàng của ngày lễ, họ còn nhận ra những dấu tích của Giáo Hội Công Giáo. Dưới mắt họ, chức vị giám mục còn được trình bày gần như một thể chế bán thần linh, nhất là việc dành cho vua tước hiệu làm thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, họ khó chịu thấy ở đó những dấu vết về quyền tuyệt đối của ngôi vị giáo hoàng. Trái lại, họ đã tìm cách thiết lập, hay ít ra họ tin như vậy, một Giáo Hội hoàn toàn giống như những điều được quy định trong Thánh Kinh; họ muốn sống một tôn giáo thuần túy, gạt bỏ hết những trở ngại tình cảm chen vào giữa linh hồn và Thiên Chúa. Tự nguồn gốc, những người Thanh giáo, bấy giờ người ta gọi như vậy, ban đầu không muốn đưa ra một giáo thuyết riêng biệt, tách rời khỏi Tin Lành Anh Giáo. Ðúng hơn, cốt cách của Thanh giáo là có một thái độ tinh thần vững chắc, thật sự hâm mộ và bám sát lấy từng lời dạy của Thánh Kinh và của việc phụng tự thuần túy thiêng liêng. Giáo thuyết này phổ biến rộng rãi trong giới thợ thuyền, giới thương mại của thành phố. Nhưng dần dần, những vấn đề phụ thuộc như trùm khăn trên đầu, đã gây mối bất hòa và thành nguyên cớ cho những vụ kết án và bách hại đầu tiên. Từ đó, người ta thấy xuất hiện mỗi ngày một rõ rệt trong phái Thanh giáo một khuynh hướng muốn tách rời khỏi Giáo Hội và Quốc gia để lập thành những cộng đoàn tự trị. Người Thanh giáo biến thành các Trưởng lão (presbytériens) và từ chối chức vị giám mục của thượng Giáo Hội. Vì thế họ bị nữ hoàng Elisabeth và người kế vị chống đối kịch liệt. Các nhà tù chật ních những người ”ly khai”, từ chối không chấp nhận ”sắc dụ thống nhất hóa”. Chính những vụ xử tử cũng không tiêu diệt nổi phong trào này. Nhiều người Thanh giáo đã di cư qua Hòa Lan, những người khác đi lập nghiệp tại Mỹ châu. Năm 1620, ”Bông hoa tháng năm” (Mayflower) đã nở ra tại Tân Thế Giới: Một đám dân 35 người đã mạo hiểm đi tìm kế sinh nhai và lập nghiệp ở đó, họ nghiễm nhiên thành ”những tổ phụ hành hương”. Rồi, chừng hai mươi ngàn người Thanh giáo tới lập nghiệp tại Tân Anh Cát Lợi. Tại đó, họ cố gắng sống như họ đã được tiền định rõ ràng, một đời sống huynh đệ thanh cao, canh chừng mọi cảm giác và mọi ước vọng, thực thi đường lối tách biệt khỏi Giáo Hội và Quốc Gia, và buổi đầu, họ giữ thái độ tuyệt đối không dung thứ đối với những người không thực hành một niềm tin như họ. Tuy nhiên sự hiện hữu riêng của họ và lịch sử đen tối mà họ đã trải qua, dần dần dạy cho họ biết kính trọng sự tự do lương tâm của những người không cùng ý nghĩ với họ (12).
Không bao lâu, những người Thanh giáo còn ở lại Anh Quốc đã trở thành lực lượng đối lập hung bạo ngay trong xã hội và Giáo Hội. Phần lớn giới quý tộc có cảm tình với người Thanh giáo vì họ không chịu nổi chủ trương quyền tuyệt đối của vua Charles I. Thêm vào đó, vua đề nghị với Quốc Hội đòi dân đóng thuế nặng nề, và vua biệt đãi nhóm ”thân công giáo” trong Thượng Giáo Hội. Tổng giám mục Laud mà vua Charles bổ nhiệm làm giáo chủ Cantorbéry, bách hại những giáo sĩ có khuynh hướng Thanh giáo, ông muốn phục hồi nghi lễ cổ xưa, để bảo đảm việc thống nhất phụng tự trên toàn lãnh thổ Anh Quốc. Những sự kiện khác gây nên nhiều mối lo ngại trong dân chúng, như hôn phối giữa vua với một nữ công chúa công giáo, Henriette Marie de France, và những đặc ân vua ban cho một số nhân vật công giáo. Ðiển hình nhất là vua Charles đã phê chuẩn chương trình thiết lập một tiểu bang thuộc địa bên Bắc Mỹ và ủy thác tất cả cho ông George Calvent. Ông này đã phải từ chức sau khi trở lại Công Giáo. Hơn thế, tiểu bang thuộc địa này đã mang một tên gọi mập mờ là Maryland (ám chỉ đến vợ của vua Charles hay đến Mẹ của Chúa Kitô?), nơi đó, người công giáo được hưởng trọn vẹn quyền tự do hành đạo. Cũng vậy, khi phụng vụ mới ”mang nhiều mầu sắc Công Giáo” du nhập vào Ecosse, có cuộc nổi dậy đòi bảo vệ tự do tôn giáo bằng một giao ước thánh (Convenant). Những người nổi dậy đòi bãi bỏ chức giám mục. Sau một thời gian lắng đọng, nhân vụ này, Quốc Hội được triệu tập, đa số dân biểu chống lại nhà vua và những việc vua đã làm. Tại Londres cũng vậy, người ta hô hào ”đả đảo các giám mục”. Phe đối lập Anh và Ecosses liên hiệp lại tranh đấu chống nhà vua. Cuộc chiến tranh nhân dân bùng nổ. Người điều khiển chiến tranh là một người rất có tài, được coi như một Tiên Tri trong Cựu Ước. Ông rất ý thức về sứ mệnh của mình, tên là Olivier Cromwell. Không bao lâu sau, ông lại đứng đầu phái Trưởng Lão và có nhiều uy thế đối với nhựng người độc lập trong các công nghị. Như ông dự đoán trước, mọi việc được kết thúc bằng việc lên án tử hình cho nhà vua. Vua bị cáo về tội phản bội và giết người, nên vua bị xử tử. Nước Anh trở thành nước Cộng Hòa và Cromwell được coi như người Bảo Chủ. Nhiều giáo phái ra đời và được hưởng quyền tự do lương tâm. Riêng phái ”Tin Lành Giám Mục” và Công Giáo bị tan rã vì những đạo luật bách hại cay nghiệt. Trong chiến dịch chống lại Irlande, Cromwel còn nhẫn tâm tàn sát theo kiểu Cựu Ước, những người dân công giáo trong các tỉnh chiếm được. Tại Anh Quốc, tình trạng ghen ghét những người công giáo vẫn y nguyên, cả khi gia đình Stuarts khôi phục được ngai vàng vào năm 1660. Mọi cố gắng làm dịu những khoản luật chống những người ủng hộ đức giáo hoàng đều bị Quốc Hội và các lãnh chúa tin lành chống đối kịch liệt.