CHƯƠNG IV
TRẢ LỜI VÀ CHỐNG KHÁNG
CÁC SỨC MẠNH MỚI
VÀ CÔNG ÐỒNG TRENTE
CHƯƠNG IV
TRẢ LỜI VÀ CHỐNG KHÁNG
CÁC SỨC MẠNH MỚI
VÀ CÔNG ÐỒNG TRENTE
Ðối với Giáo Hội, chủ nghĩa Cải cách là một thách thức nghiêm trọng nên câu trả lời không thể có tính cách nhất thời và ngoại diện, nhưng nó phải dấn vào đời sống thâm sâu nhất của Giáo Hội. Phải chờ đợi lâu mới có câu trả lời vì bấy giờ người ta ý thức quá trễ về tầm mức nghiêm trọng của mối đe dọa đó. Nhất là các vị lãnh đạo Giáo Hội, mãi đến giờ chót mới hiểu ra rằng: cần phải có một đề kháng mang tính chất tôn giáo trước các hiểm họa đang đe dọa đến sự tồn vong của đạo Công Giáo.
I. TRẢ LỜI PHÁP LÝ.
Thoạt tiên, người ta tìm cách tự biện hộ với những phương cách thủ cựu của pháp luật thời Trung Cổ. Những tố cáo chống Luther đã trở thành một vụ kiện về lạc đạo tại Roma. Người ta xác nhận cách nhanh chóng, Luther là một người lạc đạo hiển nhiên, nên phải buộc ông rút lại chủ thuyết bằng không sẽ bị vạ tuyệt thông. Ðó là sứ mạng đầu tiên giao phó cho hồng y giáo chủ Cajetan khi vị này đi Augsbourg. Các giai đoạn cuối cùng của vụ kiện là đơn xin dẫn độ gởi cho ông hoàng cử tri Saxe và sự kháng cáo của Luther xin đưa nội vụ ra trước một công đồng chung sắp tới. Tất cả đã bị đình chỉ vì lý do chính trị thượng từng và chỉ được tái xét năm 1520 (1). Một Ủy Ban thần học được thành lập do hai hồng y chủ tọa. Ủy Ban này khảo xét một cách tỉ mỉ các đề nghị của Luther và nhanh chóng đồng thanh lên án các đề nghị ấy. Và khi Eck đến Roma, người ta lại chuẩn bị một sắc chỉ về việc lên án này. Trong khi Bề Trên tổng quyền của dòng khất thực viết bản báo cáo, đưa ra những nhận định thần học về mỗi đề nghị, thì Eck lại muốn lên án toàn diện các điều khoản. Sắc chỉ Exsurge Domine được ban hành ngày 15 tháng 6 năm 1520, tức là hai năm rưỡi sau cuộc tranh luận về các ân xá. Theo văn Thánh Vịnh, tất cả các thánh được long trọng cầu khẩn để chống lại Luther đã tàn phá cây nho của Thiên Chúa, đã miệt thị lời chú giải Thánh Kinh của Giáo Hội và kéo về mình ý nghĩa của Kinh Thánh. Các quan niệm của Luther đã bị Giáo Hội lên án từ lâu rồi mà lần sau cùng là ở Constance, nhân vụ án chống lại Jan Hus. Tiếp theo, 41 đề nghị của Luther cũng bị chú thích và bãi bỏ vì lạc giáo hay vì sai lầm. Các văn tập nào có những sai lầm ấy phải bị thiêu hủy. Người nào theo các học thuyết ấy đều bị vạ tuyệt thông. Người ta kêu mời Luther và các đồng chí quay trở về với Giáo Hội bằng cách trong thời hạn 70 ngày, họ phải rút giáo thuyết lại, nếu không sẽ bị coi là lạc đạo hiển nhiên và sẽ bị đối xử như thế. Ðó là nội dung của sắc chỉ. Bốn mươi trên bốn mươi mốt đề nghị được trích dẫn từ những bút văn của Luther. Ða số đã bị kiểm duyệt bởi phân khoa đại học Louvain năm 1519. Các đề nghị ấy liên hệ đến vấn đề ân xá và hiệu lực của các bí tích. Các đề nghị về quyền tối thượng của giáo hoàng, dù nguyên văn không có trong các bản văn, cũng bị lên án theo chủ trương của Eck.
Sắc chỉ không đạt hiệu quả như Roma mong muốn. Bởi vì như Eck nhìn nhận sau này, chẳng những nội dung không còn thích hợp khi sắc chỉ được ban hành và không làm nổi bật những nét chủ yếu trong các quan niệm của Luther mà ngay việc ban hành tại nước Ðức cũng gặp nhiều nỗi thăng trầm. Eck và vị sứ thần Tòa Thánh mới là Aleander được ủy nhiệm công bố sắc chỉ. Nhưng, trong quốc gia nói trên, các sắc chỉ của giáo hoàng không còn nhiều uy thế và sự tham gia của Eck càng gây thêm oán thù cá nhân cho ông (2). Dư luận quần chúng nổi lên chống lại việc lên án Luther. Ở Leipzig và Erfurt xẩy ra những cuộc ẩu đả giữa các sinh viên. Giám mục ở Brandebourg không dám cho niêm yết sắc chỉ tại đại học Wittenberg (3). Chỉ ở Rhénanie và trong xứ Hòa Lan, sắc chỉ mới được phổ biến rộng rãi nhờ sự trợ giúp của hoàng đế. Theo lệnh của hoàng đế, bút văn của Luther và các đồng chí bị thiêu đốt ở Anvers và Louvain trước mặt dân chúng. Luther tỏ ra rất chua cay về vụ việc này. Tổng giám mục ở Eichstatt đã có lý khi cho rằng sự thiêu hủy công khai các văn bút của Luther chỉ làm lan rộng và trầm trọng hơn các bất đồng ý kiến (4). Chúng ta đã nói qua về phản ứng của Luther đối với sắc chỉ rồi. Ngày 3 tháng giêng năm 1521, vạ tuyệt thông được công bố trong sắc chỉ Decet Romanum Pontificem, không có tiếng vang gì hơn tại nước Ðức. Ngoài ra, không có sự kết án nào khác của giáo hoàng đối với lập trường, ngày càng rõ rệt, của Luther, cho dù Eck khẩn khoản rất nhiều (5). Sắc chỉ Exsurge không giúp người ta hiểu rõ hơn về quyền tối thượng của giáo hoàng. Ngay đối với nhiều tín hữu công giáo thuần thành, nó vẫn còn là một ý kiến trường phái (6).
Theo pháp luật thời Trung Cổ, vạ tuyệt thông đưa đến việc phát vãng ra khỏi đế quốc. Theo đơn thỉnh cầu của Aleander, Phòng Chưởng Ấn của hoàng đế đã chuẩn bị một trát nghiêm nhặt đối với Luther, nhưng hoàng tử nối nghiệp ở Saxe, nơi Luther thuộc quyền, đòi phải đưa ra tòa án ở Worms. Trong khi chính quyền dân sự, lần đầu tiên, cho mình quyền tự do đối lập với giáo luật, hoàng đế tuyên bố, sau khi Luther từ chối không chịu rút lui, ngài sẵn sàng đem ngôi báu và mạng sống mình để bảo vệ tôn giáo cổ truyền và tuyệt trử lạc đạo. Dù vậy, phải đợi 5 tuần lễ sau, Charles Quint mới có thể ký ”chiếu chỉ Worms” (7), do Aleander soạn thảo, ngày 26 tháng 5 năm 1521. Người ta hạ lệnh phát vãng Luther, đốt các văn bút, cấm việc xuất bản và phổ biến các văn bút ấy. Theo lời phát biểu, chiếu chỉ được ban hành dựa trên quyền lực của hoàng đế và theo ước nguyện của toàn thể các đoàn công lập. Những lời phát biểu ấy chỉ đúng một phần mà thôi. Ða số các đại diện đã ra về, chỉ mình ông hoàng cử tri ở Brandebourg đồng ý với lời của phát ngôn viên. Tuy nhiên chiếu chỉ có pháp lực đối với các tiểu bang vì, trong những lần thương nghị trước khi có lệnh đòi Luther ra tòa, các tiểu bang đã đồng thuận là hoàng đế có thể hành động nếu Luther khước từ không chịu rút lui. Nhưng chiếu chỉ Worms không có tiếng vang trong đế quốc: nó không được công bố trong tất cả các tiểu bang và được công bố rất chậm trong một số tiểu bang khác. Bởi thế, mãi cuối thu 1521, chiếu chỉ mới được công bố trong lãnh địa của công tước Bavière. Còn một người, đáng lẽ phải liên hệ nhất, là ông hoàng cử tri Saxe, thì chính ông lại công khai miệt thị chiếu chỉ. Nhờ sự bất chấp pháp luật và sự tan vỡ thống nhất của đế quốc mà chủ nghĩa Cải cách có thể tồn tại và sau cùng thắng thế. Trong khi ấy, hoàng đế phải rời khỏi nước Ðức vì có đe dọa chiến tranh với Pháp. Trong những nghị hội đế quốc về sau, việc thi hành chiếu chỉ Worms là một đòi hỏi thường xuyên của chính phủ hoàng đế và của các đại sứ của giáo hoàng. Tuy nhiên, người ta làm suy yếu mọi lời lẽ của chiếu chỉ, người ta bỏ lơi bản văn của chiếu chỉ, và tìm cách dàn hòa tất cả những thái độ được xem, như người ta nói, là nền tảng pháp lý cho sự thiết lập các Giáo Hội lãnh thổ của Luther.
II. THÍ NGHIỆM ÐÀN ÁP QUÂN SỰ.
Khi các giải quyết pháp lý của vấn đề tôn giáo bất thành, khi các đối chất thần học đã chấm dứt mà không có kết quả, và khi các người tin lành đột ngột khước từ tham dự công đồng, hoàng đế tưởng có thể tìm được một giải pháp là xử dụng vũ lực. Vừa khi đã ký hòa ước với Pháp và thỏa hiệp định chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, Charles Quint chuẩn bị chiến tranh chống lại lực lượng chính trị của chủ nghĩa Cải cách, chống lại liên hội Smalkalde. Ðể thực hiện ý định này, hoàng đế có thể huy động được những đồng minh quan trọng: Tiểu bang Bavière, từ trước đến giờ đã yểm trợ liên hội Smalkalde chống lại người của nhà Habsourg, và nhất là giáo triều. Cơ quan sau này chấp thuận hiệp ước mà hoàng đế đã ký với khâm sai Farnese, nhân lúc hội nghị ở Worms năm 1545 liên hệ đến việc khai chiến với người tin lành Ðức và chịu trợ cấp 200.000 tiền vàng (duca) và cung cấp một đội quân phụ lực gồm 12.000 bộ binh và 500 kỵ mã. Còn Giáo Hội Tây Ban Nha thì trợ cấp gần một triệu tiền vàng. Liền sau đó, Roma khởi sự thành lập một quân đội. Ðức Phaolô III muốn xử dụng tất cả những gì có thể được, trong quyền hạn của mình, để thiết lập sự thống nhất Giáo Hội, cho dù phải trả bằng giá máu (8). Người tin lành không thể không biết các dự tính của giáo triều. Nhưng họ đã để lỡ mất dịp hành động trước hoàng đế. Charles Quint tuyên bố là các phương án của mình đều nhằm mục đích thiết lập trong đế quốc, sự thống nhất, hòa bình và pháp luật. Thoạt tiên, hoàng đế thành công trong việc phá vỡ mặt trận Smalkalde. Hoàng đế cũng đã kéo về phía mình những đồng minh của người tin lành, trong số đó có Bá tước của Brandebourg Kustrin và Kulmbach, công tước của Brunswick - Calenberg và nhất là công tước Maurice de Saxe, con rể của Philippe de Hesse, một chính trị gia lạnh lùng và tính toán, bất khuất trước những lý do tôn giáo hay luân lý (9). Người ta hứa sẽ cho ông ta địa vị tuyển cử vương và một phần cử tri đoàn của Saxe. Ngày 16 tháng 6 năm 1546, hoàng đế tuyên bố là mình phải dùng vũ lực đối với các quốc vương bất phục tòng ở Saxe và Hesse. Trước đó một tuần lễ, hoàng đế đã cho Maria, em mình biết lý do chính yếu của hành động :”Nếu chúng ta không hành động bây giờ, tất cả phần còn lại của nước Ðức sẽ bị đe dọa mất Ðức Tin cũng như ở Hòa Lan. Sau khi cân nhắc tất cả nội vụ, ta quyết định bắt đầu khai chiến với Saxe và Hesse là nhũng miền phá rối nền hòa bình của quốc gia chúng ta... Và mặc dù là cớ ấy không thể lừa dối lâu dài được, người ta sẽ thấy là vì lý do tôn giáo, là lý do lúc đầu làm chia rẽ những kẻ đã tách lìa khỏi chính lộ” (10)
Sau khi người ta công bố loại trừ hai quốc vương khỏi đế quốc, các đồng minh của Smalkalde, võ trang đầy đủ hơn, đã khởi sự gây hấn trước. Schertlin Von Burtenbach nhờ một cuộc tấn công táo bạo, cùng với đạo quân của các đô thị liên bang phía Nam nước Ðức, đã tiến binh đến ven biên núi Alpes và chiếm được sơn lộ Ehrenberg dẫn đến Tyrol. Tuy nhiên, hoàng đế đã triệu hồi được các đoàn quân trợ tá ở Hòa Lan và Ý Ðại Lợi. Trong mấy tuần lễ, hoàng đế đã cưỡng bách Wurtemberg và các đô thị liên bang phía Nam phải đầu hàng. Nhưng chiến thắng quyết định đã diễn ra ở Saxe, nơi phát sinh ra chủ nghĩa Cải cách, cũng là nơi Luther đã từ trần mấy tháng trước. Maurice de Saxe chiếm đóng tiểu bang này và gặp một sự kháng cự mạnh mẽ nên đã cầu cứu với hoàng đế. Mặc dù bị ốm nặng và phải được người ta cáng ra mặt trận, hoàng đế cũng đã thắng trận gần Mumlberg sur Elbe. Ông hoàng cử tri bị bắt làm tù binh và phải đầu hàng ở Wittemberg. Ông phải nhượng quyền tuyển cử và phần nửa lãnh khổ cho cháu là Maurice. Ông bị cầm tù cũng như quốc vương ở Hesse. Cả hai bị đặt dưới lượng khoan hồng của hoàng đế. Liên hội Smalkalde không còn mong đợi một sự trợ lực nào bên ngoài nữa. Henri VIII và Francois 1er, cả hai đều đã chết trong những tháng đầu năm 1547. Bởi thế, các quốc vương miền Bắc của Ðức và các đô thị, trừ Magdebourg, đã ngưng chiến. Hoàng đế đòi phe thất trận phải cống lễ cao nhưng không buộc trao trả lại Wurtemberg cho nhà Habsbourg cũng như không bắt những người đã khước từ phải trở lại Ðức Tin cũ. Nhưng, hoàng đế để cho vụ xử án của Giáo Hội, mở tại Cologne, được tiếp tục. Herman von Wied phải từ chức và nhường chỗ lại cho một người công giáo. Julius von Pflug nhận được tòa giám mục Naumbourg đang bị Nicolas von Amsdorf tranh dành. Công tước Brunswick-Wolfenbuttel có thể trở về vương quốc đã bị đuổi đi, nhưng lẽ tất nhiên không thể làm cho nước của mình trở lại với đạo Công Giáo. Nghị hội đế quốc, nhóm họp sau này, rút được những thành quả của cuộc chiến thắng. Ðiều mà hoàng đế ước ao nhất là thuyết phục được những người tin lành nhìn nhận công đồng đang khai diễn ở Trente.
Nhưng rất nhiều biến cố quan trọng xẩy ra trước khi nghị hội đế quốc nhóm họp. Ngay giữa chiến tranh, giáo hoàng, vì ngờ vực những ý định của hoàng đế, tuyên bố bãi bỏ hiệp ước đã ký kết. Và ngày 11 tháng ba, công đồng Trente quyết định rời về Bologne là đô thị nằm trong những lãnh thổ của giáo hoàng. Hoàng đế từ nay, không thể hy vọng là những người tin lành sẽ gởi đại diện của họ đến đó. Hơn nữa, lại xảy ra vụ mưu sát một người thân cận của giáo hoàng nhân cuộc phản loạn ở Gênes. Suốt mùa đông năm 1547-1548, trong khi hoàng đế chiến thắng những kẻ thù của Giáo Hội, sự căng thẳng giữa hoàng đế và giáo hoàng lại lên đến cực độ. Vì thế, trong nghị hội ở Augsbourg, năm 1548, Charles Quint chỉ có thể đề nghị với các tiểu bang một giải pháp có tính cách tạm thời và cá nhân về vấn đề tôn giáo trong khi chờ đợi công đồng trở lại Trente. Vì những đại diện Tin Lành không chống lại, đề nghị tạm thời (Interim) nói rằng: ”Lời tuyên bố chỉ dẫn phải có thái độ nào, vì lợi ích tôn giáo, trong khi chờ đợi quyết định của công đồng trở nên luật của đế quốc”. Ðó là kết quả làm việc của một ủy ban do hoàng đế chỉ định, trong đó có Plug giám mục ở Naumbourg, Helding, giám mục phụ tá ở Mayence, Jean Agricole, nhà thần học của quốc vương Brandebourg, người đã đứng trung lập trong suốt cuộc chiến tranh và thuộc phái Luther, người đã bị các đồng đạo nghi kỵ về các học thuyết đặc biệt của ông. Bucer từ chối không cộng tác với Ủy ban. Thoạt tiên, hoàng đế nghĩ đến một sự giàn xếp khả dĩ nhận được đối với toàn thể các tiểu bang. Nhưng các tiểu bang Công Giáo do giám mục ở Augsbourg, là hồng y Truchsess cầm đầu lại chống đối. Bởi thế, người ta chỉ áp dụng đối với các nhóm Công Giáo một qui lệ Cải cách do Plug soạn thảo. Về nội dụng, ”Interim” là một học thuyết Công Giáo, được sửa đổi đôi chút, gồm một số nhượng bộ cho Tin Lành trên bình diện thực hành: rước lễ dưới hai hình thức và linh mục lập gia đình. Người ta không nói gì đến việc hoàn trả lại các tài sản của Giáo Hội.
Tài liệu ”Interim” không đạt được mục tiêu. Dĩ nhiên, nó được áp dụng ở mọi nơi thuộc quyền hành của hoàng đế, nhất là ở miền Nam, tại Wurtemberg và các thành phố hoàng triều. Ðể chắc chắn là nó được thi hành nghiêm chỉnh, người ta sửa đổi hiến pháp, người ta loại ra ngoài khỏi chính phủ quốc gia một phần lớn các gia đình tin lành và người ta thiết lập một hội đồng gồm đa số người quí tộc công giáo. Hai vùng Brandebourg và Palatinat chấp nhận dễ dàng tài liệu ”Interim”. Ông hoàng cử tri của quốc vương Saxe, nhờ Melanchton soạn ra một văn kiện đặc biệt giảm nhẹ những lời lẽ thuộc về tín lý và coi các phép bí tích và các tập tục tôn giáo như là những qui định trung lập hoàn toàn thuộc bên ngoài. Flacius Illyricus, giáo sư ở Wittemberg, vì hăng say chống lại ”Interim” đã phải bỏ thành phố của mình và lẩn trốn sang Magdebourg là nơi còn bất phục tùng. Ðô thị này, do đó trở thành linh hồn của sự chống kháng ”Interim”, dưới hình thức nhiều văn phẩm bút chiến gởi cho ”phòng chưởng ấn của công tước”. Cũng nơi đây, một nhóm thần học gia, dưới sự điều khiển của Flacius, vài năm sau, đã sáng tác một bộ Lịch Sử Giáo Hội, gồm 8 quyển ”Les Centuries de Magdebourg” để tìm cách biện minh cho phong trào Cải cách. Cũng từ Magdebourg mà dư luận quần chúng được báo động, đối với tài liệu ”Interim” bằng nhiều bút văn trào phúng, đồng thời với sự tăng triển chống kháng thu động của dân chúng theo Luther. Về phía Công Giáo thì giáo hoàng phản đối qui pháp đơn phương của hoàng đế. Ngoài ra, vì thiếu thốn các linh mục có khả năng, học thức và sốt sắng, nên không thể cử hành lại được các nghi lễ tôn giáo trong cả ngàn họ đạo. Trong các năm, mà những sắc chỉ và những quyết nghị không được thi hành, những tình trạng tạm bợ, bấp bênh, chẳng giúp gì cho việc thăng tiến một thế hệ linh mục vững chắc.
Maurice de Saxe, lấy cớ để khắc phục đô thị Magdebourg đang bị loại ra khỏi đế quốc, kết nạp một đạo binh lớn. Tự cho là mình bị hoàng đế ám hại, bị người đồng đạo gọi một cách khinh bỉ là Judas ở Meissen, Maurice ngả theo vị tân vương của Pháp là Henri II, và lập một liên minh giữa Pháp với một số quốc vương tin lành để chống lại hoàng đế. Ðể bảo vệ sự tự do cho nước Ðức được trả giá bằng những số tiền rất lớn, nhà vua, với tư cách là đại diện của đế quốc, phải chiếm các thị trấn Cambrai, Metz, Toul và Verdun. Các quốc vương Ðức hứa sẽ tiếp sức để chinh phục các vùng Bourgogne, Artois và Flandres, và, nếu vua muốn, sẽ giúp cho ngài được ngôi hoàng đế. Trong khi kết tạo liên minh, ông hoàng cử tri quả quyết sẽ trung thành với hoàng đế và bằng lòng để đức Jules III triệu tập công đồng lại một lần nữa ở Trente. Khi đã chuẩn bị chu đáo, vua nước Pháp đem quân chiếm các giáo phận, quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Hung Gia Lợi và các quốc vương thuộc liên minh, miền Nam nước Ðức. Maurice bắt đầu thương lượng với Áo và tìm cách chế ngự hoàng đế bằng việc chiếm sơn lộ Ehrenberg. Hoàng đế, còn ở tại Innsbruck, phải khó khăn hết sức mới chạy được về Villach qua đèo Brenner. Ferdinand phải thương lượng với các quốc vương tin lành, và phải chấp nhận nhiều nhượng bộ quan trọng. Hiệp ước Passau bãi bỏ ”Interim”, giải phóng tiểu vương Hesse và cho tự do hành đạo cho đến nghị hội sắp tới. Vấn đề công đồng không còn đặt ra nữa.
Giải pháp quyết định được hoãn lại vì có những cuộc hành quân mới. Maurice de Saxe, bây giờ lại chiến đấu bên cạnh nhà Habsbourg, bị tử trận ở Sievershausen, trong khi chinh phạt các hiệp sĩ đạo tặc của bá tước Brandebourg-Ansbach năm 1553. Ông mới có 32 tuổi.
Trong khi ấy, hoàng đế, mòn mỏi trước tuổi, trở về Hòa Lan. Nơi đây, ngài viết thư phản đối hiệp ước Passau nhưng không có hiệu quả. Ngài bắt đầu sao nhãng trách nhiệm và lơ là với chức vị của mình. Ðế quốc chuyển sang tay của người em là Ferdinand. Bởi thế, ngài để cho em giải quyết các vấn đề tôn giáo.
III. HÒA ƯỚC AUGSBOURG.
Ferdinand bắt đầu thương thuyết trong nghị hội họp tại Augsbourg, năm 1555. Lẽ tất nhiên là đa số quốc vương Ðức không đích thân đến dự mà chỉ gởi đại diện thôi. Trong số đó những người thuộc các đô thị và các nhóm Tin Lành không những rất hoạt đông mà còn có thái độ thật gây hấn. Về pháp lý việc cho phép Cải cách tôn giáo, đối với họ, không còn vấn đề nữa. Ðã nắm quyền lực trong tay, họ đòi phải áp chế tất cả những gì trước kia thuộc về Công Giáo và phải thu hồi cho họ những tài sản của Giáo Hội. Bởi vậy, họ chỉ bằng lòng cho người công giáo hiện là dân của các quốc vương Tin Lành, chỉ thực hiện những nghi lễ tôn giáo một cách riêng tư mà thôi, và ngược lại, họ đòi hỏi cho các tín đồ tin lành, hiện là dân của các quốc vương Công Giáo, được hoàn toàn tự do thờ phượng công khai. Trong số các giám mục Ðức, chỉ có một người duy nhất, giám mục Augsbourg, Hồng y giáo chủ Truchsess, bênh vực rõ ràng và cương quyết lập trường Công Giáo. Ngài không chịu từ bỏ ý định chủ trương một tôn giáo duy nhất và như vậy ”với tư cách là Kitô hữu trung thành cũng như là công dân Ðức, với tư cách là ông hoàng cũng như là thường dân”. Do đó, kết quả của những cuộc thương thuyết lâu dài không thể là gì khác hơn là một sự dàn hòa: Hòa ước tôn giáo ở Augsbourg, ngày 25 tháng 9 năm 1555, là Hòa ước được ký kết không có sự tham dự của hoàng đế cũng như của giáo hoàng. Hoàng đế cho rằng việc ký kết một hòa ước tổng quát tôn giáo giữa Công Giáo và Tin Lành là nghịch lại với chức vụ bảo vệ Giáo Hội của Ngài. Ðến ngày chót của nghị hội, một giờ trước khi long trọng tuyên bố bế mạc, một phái viên của hoàng đế đem đến cho Ferdinand, vua của người Roma, một tin quan trọng, là hoàng đế quyết định thoái vị. Về phía các đại sứ của giáo hoàng, hiện diện trong những ngày đầu của nghị hội, họ được thỉnh về Roma để tham dự hội nghị tuyển cử giáo hoàng, sau hai vị giáo hoàng chết liên tiếp và thình lình. Nhưng vị tân giáo hoàng, đức Phaolô IV là người nổi tiếng chống lại Cải cách: Ngài không tham dự vào một thủ tục đưa đến những hậu quả mà ngài không thể hoặc chấp nhận hoặc ngăn cản được.
Cho nên hòa bình tôn giáo Augsbourg là công trình của những luật gia không còn sống trong tư tưởng của hoàng đế. Nó thiết lập sự liên hệ giữa nguyên tắc thần quyền lãnh thổ và nguyên tắc đồng đều của hai tôn giáo. Người ta quyết định lập lại nền hòa bình vững bền giữa người công giáo và những người tuyên xưng Ðức Tin Augsbourg, còn các giáo đồ của Zwingli và các người theo phái baptiste không được nhìn nhận về phương diện pháp lý. Chỉ có một tôn giáo được phép hoạt động trên mỗi lãnh thổ. Các nhà cầm quyền của mỗi vùng phải tự do lựa chọn tôn giáo cho lãnh thổ của mình. Họ có quyền sửa đổi (Jus reformandi). Về sau, quyền ấy được hiểu là ”vùng nào tôn giáo ấy” (Cujus regio; Illius religio). Các thuộc dân phải chấp nhận tôn giáo của lãnh chúa mình nhưng họ có quyền di cư mà không bị thiệt hại gì cho danh dự hoặc cho tài sản của họ (ius emigrandi). Giải pháp này, ít mầu sắc tôn giáo, có hiệu lực đối với cả hai phía. Thêm vào cách tổ chức tổng quát ấy còn có những điều khoản riêng biệt và những ngoại lệ. Bởi thế, quyền di cư không được nhìn nhận trong lãnh thổ thuộc nhà Habsbourg. Trong những đô thị của đế quốc, phải tiếp tục khoan dung đối với các thiểu số thuộc các giáo phái khác đã hiện hữu từ lâu trên lãnh thổ. Ðiều khoản Reservatum Ecclesiasticum xác định là những chức sắc của Hội Thánh không thể có quyền thay đổi: một giám mục hoặc một linh mục muốn trở thành tin lành phải từ bỏ chức vụ, xứ sở và lợi tức của mình. Như vậy, về mặt pháp lý, không thể biến đổi những địa hạt thuộc về Giáo Hội thành chủ quyền thế tục như đã xảy ra ở nước Prusse. Vì người tin lành không chấp nhận điều khoản đó nên Ferdinand đã dùng toàn quyền đế vương của mình để ghi điều khoản ấy vào sắc lệnh bế mạc. Trái lại, các hiệp sĩ, các đô thị và các làng xã trong lãnh thổ Giáo Hội đã từ lâu theo tuyên xưng Augsbourg thì được quyền tiếp tục giữ đạo của mình. Sắc lệnh này, được gọi là”tuyên ngôn của Ferdinand” (Declaratio Ferdinandea), không bao giờ được ban hành và, rất lâu, không ai biết đến: ông hoàng cử tri Saxe nhận được bản văn, do vua ký, xếp nó vào văn khố. Ngoài ra, những tài sản của Giáo Hội bị tục hóa theo những điều khoản năm 1552, vẫn tiếp tục ở trong tay người tin lành. Trong các lãnh thổ chấp nhận Ðức Tin mới, quyền tài thẩm thiêng liêng của giám mục thuộc về các lãnh chúa. Ðối với tòa án của đế quốc, thành phần hai bên phải đồng đều.
Nền hòa bình tôn giáo Augsbourg đối với người thời bấy giờ là một điều quái đản, vì cản trở việc tái lập sự thống nhất của Giáo Hội. Sự dung thứ thể hiện trong hòa ước không phải là kết quả của một sự xác tín nhưng là một dụng cụ chính trị (11). Ðây là sự hòa bình giữa các lãnh thổ và chẳng có gì khác. Sự đồng đều của những tín ngưỡng chỉ được thực hiện trong đế quốc và trong một vài thành phố của đế quốc nhưng không có trong các tiểu bang thuộc quyền cai trị của các ông hoàng cử tri. Một hòa bình như thế không thể trường tồn được: nếu người công giáo thấy đó là những sự nhân nhượng tối đa mà họ có thể làm cho người tin lành thì người tin lành lại xem đó là khởi điểm của các cuộc chinh phục khác. Ðặc biệt, các khoản ước liên hệ đến các đ̣a hạt thuộc về Giáo Hội chứa đựng mầm mống của nhiều tranh chấp mới.
IV. PHẢN ỨNG CỦA ANH QUỐC.
Vì nữ hoàng công giáo, kế vị Edouard VI nước Anh, với quyền chính trị của mình tìm cách loại trừ chủ nghĩa Cải cách trong vương quốc. Dĩ nhiên Edouard VI đã dùng những biện pháp để ngăn chận sự nối ngôi của em gái mình. Nhưng giới quí tộc và dân chúng nhìn nhận Maria, con gái của Henri VIII và Catherine d'Aragon, là nữ hoàng chính thức. Maria (1553-1558), một trong những người phụ nữ học thức nhất, thời bấy giờ, đã đau khổ nhiều vì sự chia lìa của cha mẹ và vì luôn luôn bị gạt ra ngoài bởi vì là ”đứa con ô nhục”. Dưới triều của Edouard, anh cùng cha khác mẹ, bà vẫn trung thành với Ðức Tin Công Giáo. Cứng rắn và nghiêm khắc, với bàn tay rắn chắc, bà định tái lập đạo Công Giáo ở Anh. Nhưng, bà thiếu hiểu biết tình hình tôn giáo thật sự của xứ sở mình: một bên, là đạo Công Giáo thiếu sinh lực và bên kia là tinh thần đấu tranh của 300.000 người tin lành. Ðể trợ giúp công việc của bà, bà xin đức giáo hoàng đặt hồng y giáo chủ Pole, cháu của bà, làm đặc sư của giáo hoàng. Sự thành hôn của bà với hoàng thái tử nước Tây Ban Nha, là Philippe II, con của Charles Quint, vào tháng 7, và sự sáp nhập long trọng nước Anh vào Giáo Hội Công Giáo, tháng 11 năm 1554, đã làm phát sinh sự căm thù của nhiều giới và những âm mưu mà phải khó khăn lắm mới dẹp yên được. Trong khi đó, đạo Công Giáo bị lăng nhục một cách thô tục. Ðức Jules III đã khôn ngoan không đòi hỏi phải trả lại các tài sản cho Giáo Hội. Nghị viện khởi xướng làm hòa với Roma và bãi bỏ những biện pháp đã ban hành từ Henri VIII, điều đó tái thiết những luật lệ chống lại người lạc đạo. Các giám mục đòi hỏi một hành động cương nghị đối với người tin lành. Người cầm đầu là Gardiner, trước kia đã nhìn nhận quyền tối thượng của Henri VIII nhưng đã chống lại chủ nghĩa Cải cách dưới thời Edouard VI và, vì vậy, đã bị cầm tù. Lúc đó, có nhiều vụ hành quyết (273), khiến cho bà Maria bị gán cho biệt hiệu là ”gây máu”, trước tiên bởi dân chúng và sau đó bởi các sử gia Anh. Trong số các nạn nhân, có nhiều người baptiste và chính địch thủ của bà Maria, là Jeanne Grey, rồi tổng giám mục Cranmer ”thà chết chớ không rút lui”, nhiều giám mục và các nhà giảng thuyết. Một số đông tin lành khác chạy trốn sang lục địa, đặc biệt, ở Francfort và ở Genève để thành lập các cộng đoàn Calvin. Vì chết non, năm 1558, Maria không được chứng kiến sự thành công chính trị hay là phải điêu đứng trong thất bại, bởi chủ nghĩa Cải cách đã ăn rễ sâu vào nước Anh. Hồng y Pole cũng chết cùng ngày với nữ hoàng. Ngay bấy giờ, một tài liệu ước lượng 2/3 dân chúng vẫn còn hoặc trở thành công giáo (12). Nhưng, ngoại trừ một nhóm nhỏ chung quanh hồng y Pole, phong trào trở lại đạo Công Giáo thiếu hẳn nhiệt tâm và truyền thống niềm tin Phúc Âm nơi một dân tộc đã từ 20 năm qua, đắm chìm trong hỗn loạn và thờ ơ giữa các xáo trộn tôn giáo.
V. GIÁO HỘI QUỐC GIA Ở NƯỚC ANH
Bạo động đưa tới bạo động, và một lần nữa, máu làm đổ ra máu. Elisabeth đệ nhất (1559-1603), con gái của Henri VIII và Anne Boleyn, dưới triều của Maria chắc đã tuyên xưng Ðức Tin Công Giáo và, nhân dịp tuyên thệ ngày lễ gia miện, đã hứa giữ đạo. Nhưng các vấn đề tôn giáo không hề đánh động cá nhân Bà. Và, từ lúc đầu, sở dĩ có những hành động này là vì những tính toán chính trị đối nội và đối ngoại. Hơn nửa, khó mà biết ai thật sự trách nhiệm về những biện pháp ban hành dưới triều của bà, vì suốt gần 40 năm trời, bà làm việc với Tổng Trưởng Cecil, về sau trở thành công tước Burghley. Bà đề nghị với nghị viện những thay đổi liên quan đến tình thế tôn giáo và làm cho việc tái lập đạo Công Giáo ở Anh trở thành bấp bênh. Nghị viện bỏ thăm chấp thuận một chứng thư ưu thế (acte de suprématie) theo đó nữ hoàng được chọn làm thống đốc tối cao của vương quốc đối với các vấn đề thiêng liêng cũng như thế tục. Ðứng trước những xu hướng khác nhau của NghịØ viện, Hạ viện nghiêng về một cuộc Cải cách theo Calvin, các nghị sĩ thuộc về Giáo Hội của thương viện theo Công Giáo và các giới quí tộc theo trật tự do Henri VIII thiết lập, bà cho thi hành cuốn ”kinh nguyện” (prayer book) in lại năm 1552 với chút ít sửa đổi. Các lãnh tụ Công Giáo phải tuyên thệ trung thành với Chứng thư ưu thế: những người từ chối đều bị mất chức vị. Do đó tất cả các giám mục, trừ một vị bị cách chức, và hầu hết giáo sĩ đều thần phục. Ðể thay thế các giám mục Công Giáo trong số có 11 vị chết vì bị giam tù hay vì quản thúc trong nơi cư trú của người kế vị, người ta đặt ra một hàng giáo phẩm mới. Ðứng đấu là một cựu tuyên úy của gia đình Boleyn, tên là Matthias Parker, giáo sư ở Cambridge. Năm 1555, ông này được tấn phong theo nghi lễ của Edouard VI và giáo hoàng Phaolô IV đã tuyên bố phép truyền chức không thành. Sau đó, Matthias Parker dùng nghi lễ ấy tấn phong các giám mục khác (13). Phần đông các tân giám mục được chọn lựa trong số những người đã di cư dưới thời của Maria. Một số đông có cảm tình với giáo thuyết của Calvin. Nữ hoàng không mấy tán thành việc thành lập ”toàn những người có chức linh mục” vì bà sợ những người ấy sẽ xâm phạm đến quyền chuyên chế của hoàng tộc. Tuy nhiên, bà được một môi trường hoạt đông quá lớn, trong khung khổ Giáo Hội quốc gia, nhờ lòng hào hiệp chưa từng thấy trên lục địa. Dầu vậy bà cũng gặp nhiều địch thủ. Có nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi nhất là ở đại học đường Cambridge, là nơi sẽ thành hình dần dần các phe Anh giáo và Thanh giáo.
Giáo Hội mới của nước Anh cũng cần có một tuyên ngôn về Ðức Tin. Các giám mục thay đổi bản tuyên ngôn năm 1553 có 42 khoản thành 39 khoản. Dễ dãi về những vấn đề liên hệ đến các tập tục phụng vụ và về đời sống đạo đức, nhưng về phương diện tín lý, các ngài có một lập trường Tin Lành rõ rệt, nghĩa là lập trường của Calvin. Chiếu theo các điều khoản này, Kinh Thánh là nền tảng duy nhất của Ðức Tin; Giáo Hội Roma cũng như các công đồng chung đều bị coi như sai lạc, cả về Ðức Tin. Người ta chỉ giữ lại hai phép bí tích, khước bỏ tính cách hiến tế của phép Thánh Thể và chấp nhận quan niệm của Calvin về bữa tiệc ly. Người ta tuyên bố các cuộc tấn phong đã cử hành dưới thời Edouard VI đều có hiệu lực. Các linh mục và giám mục được quyền kết hôn. Người ta phủ nhận dứt khóat thẩm quyền của giáo hoàng trên nước Anh và thẩm định ưu thể của nữ hoàng như là một quyền cần cho trật tự. Những điều khoản đó được công bố năm 1563 như quy phạm Ðức Tin của Giáo Hội Anh quốc. Ngoài ra, một phong trào áp bức đạo Công Giáo được bành trướng. Người ta buộc toàn thể dân biểu hạ viện, giáo sư và luật sư cũng như những người bị hồ nghi là có dính líu với tôn giáo cũ phải tuyên thệ chấp nhận ưu quyền. Những người từ chối hai lần không tuyên thệ bị hăm dọa xử tử. Người ta khuyến cáo phải giữ đạo Tin Lành và những ai không chịu đều bị nghiêm phạt. Ai bị bắt gặp ba lần liên tiếp, cử hành hoặc tham dự thánh lễ sẽ bị tù chung thân. Trong giai đoạn đầu, hình phạt chỉ áp dụng vào tài sản và tự do (14). Kế đó, nhiều vụ xử tử được thi hành cách tàn ác giống như trường hợp những kẻ đã phạm tội đại phản bội. Tiếp theo một cuộc bạo động, ở miền Bắc, do nhiều người thuộc giới quí tộc cầm đầu, Elisabeth tăng gia sự đàn áp. Ðể đáp ứng lại, đức Piô V, do sắc chỉ năm 1570, tuyên bố dứt phép thông công, truất phế Elisabeth và giải tỏa lời thề trung thành cho các thuộc dân. Có thể giáo hoàng hành đông như thế không phải chỉ vì sốt sắng bênh vực Giáo Hội mà thôi nhưng cũng vì thiếu hiểu biết về các người công giáo nước Anh. Chắc Ngài tưởng rằng người công giáo không nổi dậy chống Elisabeth chỉ vì áy náy lương tâm và Ngài không hiểu được lòng trung thành và sự ngã lòng của các người công giáo Anh sau này không tham gia những cuộc âm mưu để giải phóng cho Marie Stuart, là nữ hoàng xứ Ecosse đang bị Elisabeth cầm tù. Dần dần, việc đàn áp đưa đến sự tiêu diệt hẳn người công giáo. Họ chết không phải vì đã tham dự những cuộc âm mưu nhưng vì lòng trung thành đối với Ðức Tin Công Giáo. Một số lớn người công giáo Anh chấp thuận bề ngoài đường lối qui định, một số khác bỏ hẳn Ðức Tin và, trong số đó, có con cháu của người tử đạo và người từ chối. Các đoàn viên của giới quí tộc, nhờ những hy sinh lớn lao về tài chính, đã giữ được một phần nào tự do. Vài người khá giả đã di cư. Ðó là trường hợp của chàng thanh niên William Allen, hồng y tương lai. Một năm sau khi được tấn phong hồng y, năm 1568 ngài đã thành lập ở Douai một học viện Anh chuyên lo việc đào tạo các linh mục để phục vụ cho người công giáo Anh. Có nhiều học viện khác tương tự ở Roma và Valladolid. Từ năm 1574 cho đến lúc nữ hoàng qua đời, chừng 438 linh mục, do học viện đào tạo, đã bí mật trở về Anh, nhưng 98 vì đã bị bắt và bị xử tử. Từ năm 1580, các linh mục Dòng Tên thi đua với họ: nhiều linh mục, mặc dù hóa trang, cũng bị nhận diện hoặc bị mưu phản. Trong số đó có Edmond Campion, trước kia là phó tế của Giáo Hội Anh, mà chính người tin lành ngày nay, cũng nhìn nhận là ông chỉ chú tâm đến lòng tin của các người đồng hương và đứng ngoài các vụ âm mưu chính trị (15). Trong thời kỳ cấm cách ấy, lẽ tất nhiên, cũng có những vụ mưu sát Elisabeth do người công giáo chủ mưu với dự tính đưa một tín hữu công giáo lên ngôi. Một trong những vụ ấy đã được đức hồng y tổng trưởng ngoại giao của đức Gregoire XIII, Bộ Trưởng, công khai khuyến khích. Còn Elisabeth, bà cũng nhiều lần tìm cách cho ám sát giáo hoàng và vua nước Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ngay sau khi Marie Stuart bị hành quyết và cả lúc Philippe II mưu toan tấn công Anh với hạm đội vô địch Armada của mình, các người công giáo vẫn trung thành với triều đình. Dù vậy, nhiều sắc lệnh bắt đạo được ban hành, số tiền phạt đối với những người khước từ được gia tăng các linh mục ở lại Anh bị phạt tử hình và các người công giáo bị cấm không được rời xa trú sở quá 5 dặm. Niềm hy vọng duy nhứt của người công giáo, trong những năm cuối cùng của triều đại Elisabeth, là người kế vị ngôi báu, con trai của Marie Stuart, sẽ thiết lập một chính thể tự do hơn, để tưởng nhớ đến mẹ mình.
VI. ECOSSE
Từ khi mẹ bị cầm tù, năm 1567, Jacques I lên làm vua xứ Ecosse đang được Cải cách. Thật vậy, giáo thuyết của Luther được du nhập vào xứ này rất sớm. nhờ sự yểm trợ của chủ nghĩa bài Giáo Hội của giới quí tộc và về sau theo gương nước Anh, dưới triều Henri VIII. Nhưng vua và tổng giám mục Saint Andrew chống đối mọi âm mưu Cải cách. Cho dù là một đồng minh của hoàng triều, Patrick Hamilton cũng bị xử thiêu như một kẻ lạc đạo năm 1528, chỉ vì quá quen biết giáo thuyết mới ở Ðức. Nhưng khi Jacques V chết, năm 1542, quyền nhiếp chính của Marie Stuart chưa đầy một tuổi, không thể đương đầu với giới quí tộc hùng mạnh. Tình thế khẩn trương phải chọn lựa giữa Pháp và Anh có ảnh hưởng không thể đo lường được đối với vận mạng tôn giáo của quốc gia. Sau khi thầy giảng đầu tiên là George Wishart, theo giáo thuyết của Calvin, bị chết trên giàn hỏa thiêu năm 1546, đức hồng y tổng giám mục David Beaton bị ám sát bởi các người mưu phản. Họ mời cựu linh mục John Knox là bạn của Wishart, về giảng Phúc Âm. Nhưng năm sau, ông này bị người Pháp cầm tù và bị khổ sai. Hai năm sau, ông được ân xá và sang Anh cộng tác việc soạn thảo 42 điều khoản của Edouard VI. Dưới triều nữ hoàng Công Giáo Maria, ông chạy trốn sang Francfort, rồi sang Genève. Giữa khoảng thời gian đó, từ 1549 đến 1551, trong quốc gia của ông, có những hội nghị để quyết định việc ”cải tạo” hàng giáo phẩm. Nhưng những hội nghị ấy đến quá muộn. Từ Genève, Knox viết cuốn ”Tiếng tù và đầu tiên chống lại chính phủ quái gở của các phụ nữ” để chống lại hai nữ hoàng Anh và Ecosse, đồng thời ông thúc đẩy giới quí phái Tin Lành xứ Ecosse thành lập liên hội (Convenant), năm 1557, để bảo vệ ”cộng đoàn Chúa Kitô” và đấu tranh với ”cộng đoàn Satan”. Ðược giới quí tộc mời gọi, Knox trở về xứ năm 1559. Bằng những bài giảng chống lại ”sự thờ ngẫu tượng”, Knox lôi kéo nhiều người cướp phá các thánh đường và các tu viện. Khi bà nhiếp chánh (người đã phát vãng Knox) từ trần, thì mọi sự thay đổi chiều hướng. Marie Stuart, vợ của Francois II vẫn lưu lại tại Pháp và quân đội Anh ủng hộ người tin lành. Ngoài ra, vì người xứ Ecosse không muốn có một liên minh nào với Pháp, nghị viện ở Edimbourg chấp thuận, tháng 8 năm 1560, tuyên ngôn ”Confessio Scotica”, do Knox soạn thảo, phỏng theo giáo thuyết của Calvin, cấm việc phụng tự Công Giáo (tái phạm lần thứ ba sẽ bị tử hình) và tuyên bố dẹp bỏ quyền của giáo hoàng trên đất Ecosse. Cùng năm ấy, một chỉ dụ của Giáo Hội ra đời, với mục đích xác định: một nữ hoàng Công Giáo điều khiển quốc gia nhưng không thể làm lãnh tụ của Giáo Hội giống như ở Anh. Người ta đi đến giải pháp cho phép mỗi họ đạo tự bầu lấy các mục sư và kỳ lão, theo tinh thần của Luther. Khuôn khổ bên ngoài của Giáo Hội tạm thời không thay đổi; các địa phận cũng như dòng tu không bị bãi bỏ nhưng hoàng triều bổ nhiệm trực tiếp các nhân vật được hưởng bổng lộc (như Roma đã làm) thay vì chỉ giới thiệu mà thôi. Mãi đến năm 1572, mới không còn các giám mục nữa: Giáo Hội xứ Ecosse, từ nay, mới đích thật là một Giáo Hội được điều hành bởi chế độ trưởng lão.
Sau khi chồng chết, Marie Stuart trở về Ecosse, năm 1561. Bà được 19 tuổi. Dù bà có khả năng và dễ thương, nhưng nhẹ dạ và đam mê, bà không đủ sức đương đầu với Knox là người cuồng tín. Lập tức, Knox đấu tranh chống lại bà, cho bà là ”thờ ngẫu tượng” cho đến nỗi bà chỉ có thể duy trì sự thờ phượng Công Giáo nơi nguyện đường riêng của bà mà thôi. Hơn nữa, nữ hoàng còn phải đương đầu với phe đối lập thuộc phái quí tộc, cầm đầu bởi người em cùng cha khác mẹ, là bá tước Moray. Việc bà kết hôn với người cháu, tín hữu Công Giáo, bất lực, là công tước Darnley, càng làm cho bà thêm cách biệt với các thuộc dân tin lành của bà. Có sự bất hòa trong gia đình, Darnley bị ám sát năm 1567, và ba tháng sau, Marie lấy bá tước Bothwell, người tin lành, mà người ta nghi chính là kẻ giết Darnley. Knox tố cáo hoàng hậu đồng lõa và thông gian (16) và yêu cầu hành quyết bà. Một cuộc nổi loạn bắt buộc Marie phải nhường ngôi cho con trai mới 1 tuổi là Jacques VI. Năm 1568, hoàng hậu phải trốn sang Anh nơi người chị họ là Elisabeth I, nhưng bị bắt nhốt 19 năm và cuối cùng bị Elisabeth I tố cáo là mưu đồ chống lại bà và hành quyết năm 1587. Việc Marie Stuart chạy trốn đã giúp cho chế độ trưởng lão xứ Ecosse tạo được thế mạnh và chắc chắn cho đến khi Jacques trưởng thành. Các tài sản của Giáo Hội phần lớn rơi vào tay các người quí tộc. Jacques VI du nhập một lần nữa chế độ giám mục, nhưng chẳng bao lâu, phải hy sinh chế độ này và chấp nhận chế độ trưởng lão. Hai chục năm sau, ông ta vẫn không thể bành trường nổi chế độ giám mục của Anh tại xứ Ecosse.
Người công giáo Anh nóng lòng chờ đợi một sự dấu dịu về những đạo luật bắt đạo khi Jacques VI xứ Ecosse trở thành Jacques I nước Anh (1603-1625). Những hình thức đấu dịu thực hiện lúc ban đầu của triều đại không tồn tại lâu bền và còn tạo nên những vụ bắt đạo mới. Một vài người quí tộc chuẩn bị cuộc mưu sát vua và nghị viện (1605) nhưng ”cuộc âm mưu thuốc súng” (Conspiration des poudres) bị khám phá và các người chủ mưu bị hành quyết. Trong số đó có cha bề trên của Dòng Tên, là Garnett, ngài biết cuộc âm mưu nhờ ấn tín của phép giải tội. Cuộc âm mưu này cũng như học thuyết, do đức hồng y Bellarmin trình bày trong quyển ”Controverses”, về quyền gián tiếp của giáo hoàng trong những vụ thuộc thế quyền, đã thúc đẩy nhà vua buộc người công giáo phải có lời thề trung thành đặc biệt. Sách tuyên bố rằng ”chủ trương giáo hoàng có quyền truất phế các quốc vương và, đối với các quốc vương bị vạ tuyệt thông, các thần dân có thể truất phế và giết chết” là một học thuyết vô thần và lạc đạo. Trong một văn thư bút chiến với Bellarmin, Jacques biện minh cho mình cái danh dự và quyền hành của vua. Trong khi Paul V khước từ lời thề trung thành, một số người công giáo Anh vẫn tuyên thệ. Phải đợi đến lúc hoàng thái tử Charles thành hôn với một công chúa người Pháp (1624), các người công giáo mới hưởng được một chút tự do hơn.
VII. LỄ THÁNH BARTHÉLÉMY VÀ CÁC CHIẾN TRANH TÔN GIÁO.
Cũng như hòa ước Augsbourg ở Ðức, sắc chỉ Saint-Germain ở Pháp năm 1562 không chấm dứt được những sự xung đột tôn giáo. Ðối với người tin lành, sắc chỉ này còn nhiều thiếu sót. Các người giảng đạo ở Paris, dĩ nhiên cảnh cáo chống lại sự vi phạm sắc chỉ cũng như mọi hình thức vũ lực. Nhưng, ở các thôn quê, người ta thường bị ảnh hưởng bởi gương hiếu chiến của Genève. Nơi này nơi nọ, người tin lành đã bạo hành và phá phách nhà thờ, tu viện hay mưu sát, khiến người công giáo trả đũa lại cũng bằng bạo hành và mưu sát ở vùng khác. Những hành động quá khích ấy thường được khuyến khích bởi các nhà giảng thuyết từ Genève đến. Họ đòi bãi bỏ hoàn toàn sự ”thờ phượng ngẫu tượng” và ủng hộ việc chống lại chính quyền ”vô thần”. Vì thế nghị viện Paris từ chối không đăng lục sắc chỉ Saint-Germain.
Vụ tàn sát mà thuộc hạ của công tước De Guise là thủ phạm, ngày 1 tháng 3 năm 1562, ở Wassy vùng Champagne, trên 1200 người đang dự thính bài thuyết giáo tin lành, gây ra 74 nạn nhân, là khởi điểm của chiến tranh tôn giáo đầu tiên được nối tiếp với 7 vụ khác và kéo dài đến năm 1598. Trong các cuộc nội chiến ấy, không biết bao nhiêu là hành động hung ác đã diễn ra cùng một lúc với các vụ phản bội, mưu sát, nói dối và lừa đảo về phía cả hai bên. Khởi phát với những lý do tôn giáo, chẳng bao lâu, các cuộc nội chiến ấy mang một sắc thái chính trị và bài Tây Ban Nha. Người ta có lý do khi coi Philippe II là đồng minh hùng mạnh và cương quyết nhất của người công giáo. Ðứng xa xa đàng sau ông là giáo hoàng và công tước Savoie. Vì thế, các giáo đồ của Calvin cầu cứu các quốc vương Ðức và nhất là Anh quốc. Sau nhiều trận kịch chiến, người ta đi đến một sự quân bình nào đó về vũ lực khi Antoine de Navarre và Saint André bị tử trận và Francois de Guise cũng như ông hoàng Condé bị ám sát. Nhưng vì lo sợ có mưu đồ giữa hoàng thái hậu và Philippe II nên cuộc đấu tranh luôn luôn tái diển mãi cho đến hòa ước Saint Germain, tháng 8 năm 1570, chiến tranh tôn giáo lần thứ III mới chấm dứt. Do hiệp ước ấy, hoàng thái hậu, giữa lúc ấy đã thành Công Giáo thật sự, nhưng vì muốn chống lại Tây Ban Nha, bà đã ân xá cho tín đồ Calvin và cho họ quyền tự do tín ngưỡng. Họ được cử hành phụng tự trong những lãnh vực quý tộc, trong mấy thành phố ngoài Paris và ngoài nơi tọa lạc của triều đình; Họ được thu dụng vào ngành công chức và được chiếm cứ bốn nơi an ninh với quân đội của họ. Sự hòa giải giữa hai phe được đóng ấn bằng việc thành hôn của em vua, là Marguerite de Valois với Henri de Bourbon, đạo Tin Lành, là con của Antoine de Navarre.
Tuy nhiên, đề đốc De Coligny có một ảnh hưởng lớn trên vua Charles IX còn trẻ tuổi và dễ bị ảnh hưởng. Ông dùng nhà vua để kéo nước Pháp đứng về phía Anh, trong cuộc chiến tranh chống lại Tây Ban Nha. Nhờ đó, những người phiến loạn Hòa Lan cũng nhận được sự viện trợ hùng hậu. Nhưng hoàng thái hậu chuyên quyền Catherine thấy quyền hành của mình bị suy giảm bởi Coligny, nên đã quyết định liên minh với con thứ của bà là Henri d'Anjou và con của công tước de Guise, hầu loại Coligny bằng cách đưa ông vào một cuộc mai phục. Nhưng mưu toan bất thành và đề đốc chỉ bị thương thôi. Sợ các tín đồ Calvin trả thù, người ta quyết định, phòng khi Guise chưa chuẩn bị kế hoạch, ám sát tất cả thủ lãnh Tin Lành đến Paris dự đám cưới của Henri de Bourbon. Khi biết ai đã chủ mưu vụ thứ nhất, vua chấp thuận ác kế ấy. Trong suốt đêm lễ thánh Barthelemy (24 tháng 8) năm 1572, Coligny và các người đồng đạo có tên tuổi đều bị ngã gục dưới đoản gươm của các sát nhân thuộc phe công tước de Guise. Cuộc tàn sát kéo dài suốt ngày chúa nhựt và cả hai ngày sau, ở Paris. Kế đó, đến lượt các tỉnh. Ðoàn lũ khát máu và ham chiến lợi phẩm, hợp lực với quân đội của vua, tham dự cuộc tàn sát từ Bourges và Lyon đến Toulouse và Bordeaux. Số nạn nhân lên tới nhiều ngàn người, nhưng con số phỏng định 30.000 là quá đáng rõ rệt. Một sự tuyên truyền khôn khéo khiến người ta không thể coi các nạn nhân là người tử đạo vì Ðức Tin của họ: nạn nhân bị đồng hóa với các can phạm hình sự trong một cuộc mưu phản chống lại vua và triều đình. Các bản báo cáo đã được giáo hoàng Gregoire XIII hoan hỉ tiếp nhận. Khi biết quân ”phiến loạn” bị tiêu diệt, một lễ tạ ơn ”Te Deum” và nhiều cuộc liên hoan khác được cử hành. Chắc chính giáo hoàng cũng tưởng rằng hòa ước Saint-Germain đã bị hủy bỏ và từ nay, nước Pháp tìm lại được một thái độ Công Giáo rõ rệt.
Ðêm thánh Barthelemy đã tiêu diệt các lãnh tụ của người tin lành: những ai trốn thoát khỏi cuộc tàn sát phải chối bỏ lòng tin, cũng như trường hợp của Henri de Bourbon-Navarre và con của Condé; Ðêm ấy chấm dứt những cuộc tranh luận hiểm nghèo về vấn đề thiết lập Giáo Hội Tin Lành, nhưng không tiêu diệt được các người tin lành. Sau sự khiếp đảm đầu tiên và sau khi một số lớn chạy trốn hay di tản, khối tín đồ Calvin họp nhau lại để kháng cự. Các trận chiến tôn giáo thứ bốn và thứ năm gặp nhiều thăng trầm. Hiệp ước Poitiers, năm 1577, dưới triều Henri III lại công nhận quyền tự do tín ngưỡng cho người tin lành trong toàn cõi vương quốc, nhưng hạn chế việc phụng tự trong giới quí phái và trong 75 thành phố mà thôi. Cuộc chiến tranh kế tiếp không đem lại thay đổi. Giữa khoảng thời gian ấy, một lực lượng chính trị mới được thiết lập để ngăn chận các nhượng bộ khác cho Tin Lành, đó là ”Liên Hiệp Thánh” (Sainte Ligue), một hội Công Giáo thành hình ngay tại quê hương của Calvin. Sự việc ấy chứng tỏ những bài giảng của các linh mục Dòng Tên và dòng Capucin đã thay đổi mạnh mẽ bầu không khí siêu nhiên tại Pháp. ”Liên Hiệp Thánh” có mục đích bảo vệ đạo Công Giáo và chống lại cả vua Henri III quá nhu nhược. Ðứng trước sự chuyên chế vô giới hạn, toàn dân vùng dậy với chủ quyền của mình. Phía Công Giáo vẫn nêu ra quyền chống lại chuyên chế và quyền giết bạo chúa. Liên Hiệp Thánh thành công trong việc kéo dân chúng Paris đi theo các tư tưởng của hội và ngăn chận không để nhà vua đưa ra những nhượng bộ mới.
Tình hình nước Pháp càng thêm khẩn trương: Henri III không có người kế vị và em của vua đã chết. Người nối ngôi lễ ra là Henri de Navarre, thì đã quay theo Tin Lành từ lâu rồi. Lại vì bản tính gây hấn của người tin lành, nước Pháp có thể suy vong dưới chế độ của một vua tin lành. Do đó, lực lương dân chúng của Liên Hiệp Thánh trở thành một liên minh quân sự dưới quyền lãnh đạo của công tước Henri de Guise. Ðể bảo vệ quyền lợi Công Giáo và loại Henri de Navarre khỏi ngôi vua, người ta liên kết với Philippe II nước Tây Ban Nha. Còn người tin lành thì đã thiết lập một loại chính phủ và tôn Henri de Navarre làm người bảo vệ. Do một cuộc nổi dậy của dân chúng, năm 1585, Liên Hiệp Thánh bắt buộc vua thu hồi tất cả các nhượng bộ đối với Tin Lành và cấm, với án tử hình, việc phụng tự Tin Lành. Nhờ sự giúp đỡ của vua Tây Ban Nha, Liên Hiệp Thánh xin giáo hoàng Sixte Quint dứt phép thông công Henri de Navarre vì đã lạc đạo lần thứ hai và tuyên bố ông bị truất quyền kế vị. Vụ can thiệp ấy không được dư luận Pháp chấp nhận vì là một sự xâm phạm đến chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, giáo hoàng không chịu liên minh với Liên Hiệp Thánh. Năm 1585, cuộc chiến tranh thứ tám bùng nổ với những hậu quả quyết định không những đối với ngôi vua mà cả trên vận mệnh của Giáo Hội Công Giáo Pháp, trên sự ưu đẳng của Tây Ban Nha và trên quyền độc lập của giáo hoàng. Chẳng bao lâu, có sự tranh chấp giữa Liên Hiệp Thánh và vua nhu nhược. Vua phải rời Paris. Nhưng, tháng 8 năm 1588, ông ra lệnh ám sát người cầm đầu Liên Hiệp Thánh là Henri De Guise và em của ông là Louis, hồng y ở Reims và tống giam hồng y Bourbon là người mà Liên Hiệp Thánh đề cử lên ngôi. Cũng lúc ấy, Sixte Quint đòi hồng y Bourbon ra trước tòa án giáo hoàng. Trường Sorbonne tuyên bố là dân chúng không còn bị ràng buộc bởi lời thề trung thành với vua. Lập tức, vua liên kết với Henri de Navarre để đánh chiếm Paris, nhưng ngày 1 tháng 8 năm 1589, vua bị một tu sĩ dòng Ðaminh, một hội viên quá khích của Liên Hiệp Thánh đâm chết. Trước khi chết, vua tuyển chọn Henri de Navarre làm người kế vị nhưng ra lệnh phải theo đạo Công Giáo. Henri de Bourbon-Navarre, trở thành Henri IV, không đủ sức để thắng Philippe II và Liên Hiệp Thánh vì họ được sự yểm trợ của quân đội và nhờ tiền bạc của người nối ngôi Sixte Quint. Các lời hứa của vua với người công giáo khiến các bạn tin lành của ông ngờ vực. Trước việc Isabelle, con gái của Philippe II, và cháu của Catherine de Medicis ứng cử, ông đã lựa chọn một chính sách khôn khéo và không liên hệ đến các quyền lợi tôn giáo. Ngày 25 tháng 7 năm 1593, ông thề bỏ tà giáo ở Saint-Denis. Chiến tranh tôn giáo biến thành một mặt trận chống lại người Tây Ban Nha và các đồng minh Pháp của họ. Liên Hiệp Thánh phải tự giải tán; Clement VIII xóa tội cho vua và, năm 1598, đứng làm trung gian để giải hòa với Philippe II. Ðịa vị của Pháp, như là một cường quốc và cường quốc Công Giáo, từ nay được bảo đảm.
Các người đồng đạo với Henri, lúc đầu còn hoang mang, sau đó tức tối vì vua đã trở lại đạo. Nhưng cuối cùng, Henri IV đi một bước lớn về phía người tin lành, một phần vì lý do chính trị: những người này chiếm một phần mười hai dân số và có tổ chức chính trị tôn giáo. Henri công bố ”Chỉ dụ ở Nantes” ngày 30 tháng tư năm 1598. Theo đó, đạo Công Giáo đương nhiên là tôn giáo chủ yếu và buộc phục hưng việc phụng tự Công Giáo tại những nơi bị áp chế, cũng như buộc trả lại cho Giáo Hội mọi của cải đã bị tịch thu. Nhưng, các tín hữu của ”tôn giáo mệnh danh là Cải cách” được hưởng tự do tín ngưỡng và tự do phụng tự trên toàn cõi vương quốc. Họ có quyền thi hành tôn giáo của họ không những ở các nơi đã được thừa nhận năm 1596 và 1597 mà còn thêm hai địa điểm trong mỗi quận cũng như trong các lâu đài và các biệt thự của giới quí tộc. Họ được tuyển dụng vào mọi chức vụ của chính phủ và Giáo Hội của họ được hưởng tài trợ của quốc gia. Ngoài ra, người ta phân phối cho họ những tòa án đặc biệt hay hỗn hợp, một số ghế trong hội đồng hoàng gia và hơn 200 địa điểm an ninh. Ðể bảo đảm cho sự hòa bình, các địa điểm ấy được chiếm đóng bởi quân đội Tin Lành do nhà vua trả lương. Nhiều địa điểm khác lại được giao cho giới quí tộc.
Chỉ dụ Nantes không được giáo hoàng chấp thuận và chỉ được ký nhận cách miễn cưỡng bởi các Nghị Viện, lại bị người tin lành coi là khiếm khuyết, vì họ muốn được giữ nguyên tổ chức chính trị của họ. Dầu sao chỉ dụ cũng đem lại một giải pháp cho bài toán tôn giáo ở Pháp trong vòng một thế kỷ, và các quyết định chính trị của nó chỉ có hiệu lực trong một thế hệ mà thôi. Giải pháp của Pháp khác giải pháp của Ðức theo hòa ước Augsbourg vì ở Pháp, không có các tiểu vương để đối lập với quyền chuyên chế của nhà vua. Chỉ dụ Nantes không nói tới sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Nó chỉ thiết lập một loại quyền song hành, một quốc gia trong quốc gia, một phương sách mà người ta thường ví với qui chế của những nhóm thiểu số quốc gia tại miền trung Âu Châu sau đệ nhất thế chiến (17).
VIII. XỨ HÒA LAN
Ở xứ Hòa Lan, người ta cũng tưởng rằng có thể loại trừ giao động chính trị và Cải cách tôn giáo bằng vũ lực. Philippe II gởi đến xứ này vị tướng lãnh giỏi nhất của mình là công tước Albe với toàn quyền và những chỉ thị nghiêm nhặt. Mười lăm ngày sau khi đến, công tước thiết lập một ”hội đồng chống bạo động” mà dân chúng gọi rất đúng là ”hội đồng máu”. Một đợt sóng trả thù và khủng bố tràn lan khắp xứ: cầm tù, hành quyết trên một ngàn người, trong số đó có các vụ ở Egmont và ở Hornes, nhiều ngàn tín hữu tin lành chạy trốn sang Anh và Ðức; Thêm vào đó còn nhiều vụ đánh thuế nặng nề. Ðó là cách công tước Albe duy trị quyền đô hộ của Tây Ban Nha. Nhưng, từ khắp các nơi nổi lên những vụ tao loạn. Cầm đầu cuộc chiến đấu cho tự do là Guillaume D'Orange. Ông này tuyên bố trước tiên là đòi tự do tín ngưỡng và độc lập của quốc gia. Kế đó, năm 1573, ông công khai nhìn nhận giáo thuyết của Calvin. Trên biển cũng như trên bộ, các ”thân binh kháng chiến” đoạt được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Albe bị triệu hồi. Trong các tỉnh Hòa Lan và Seeland, giáo thuyết của Calvin thắng thế và việc phụng tự Công Giáo bị cấm. Năm 1575, Guillaume sáng lập đại học đường Leyde như là trung tâm trí thức của phái Calvin. Nhưng toàn quyền Alexandre Farnese (1578-1592) đã phá vỡ được chiến tuyến của địch, nhờ những vụ xâm chiếm Tin Lành ở Gand, và cứu được lãnh thổ, hiện nay là Bỉ, cho Tây Ban Nha và cho Giáo Hội Công Giáo. Thay vì thiết lập một nền hòa bình tôn giáo cho toàn xứ, như Guillaume dự định, người ta chỉ có thể thầnh lập ”Liên hiệp Utrecht” gồm 7 tỉnh ở phía Bắc. Các tỉnh này, tuyên bố độc lập năm 1581. Tự do tôn giáo được bảo đảm trong cộng hòa liên bang mới do Guillaume điều khiển với tư cách là Toàn Quyền. Nhưng, trong một vài trường hợp, việc phụng tự theo Công Giáo là một trọng tội bị tử hình. Dĩ nhiên, đêm lễ thánh Barthelemy ở Paris và chiến tranh của địa phận Cologne làm cho những người nổi loạn không thể giữ liên lạc với các người đồng đạo của họ ở Pháp và ở Ðức. Nhưng sự bại trận của hạm đội Armada Tây Ban Nha là một chiến công quyết định đối với họ. Cuộc chiến còn kéo dài mấy chục năm nữa và chỉ chấm dứt với sự nhìn nhận nền độc lập của Hòa Lan do hòa ước Westphalie. Như vậy là có thêm một nước theo đạo Tin Lành của Calvin với ý thức về sự hùng mạnh quân sự cũng như kinh tế của mình nhưng lại thiếu sự thống nhứt về tôn giáo: ít nữa là một phần tư dân chúng, dù là trong các thành phố, còn giữ đạo Công Giáo, nhưng thiểu số ấy chẳng có quyền lợi gì cả, không được thờ phượng công khai và cũng không có hàng giáo phẩm. Các cơ cấu trong giáo phận bị tiêu diệt, đa số các linh mục bị phát vãng và các tài sản của Giáo Hội bị tịch thu. Chỉ nhờ vào gia sản nhân bản nơi các nhà cầm quyền Hòa Lan mà cuộc bắt đạo đẫm máu mới không kéo dài. Nhờ có sự hoạt động bất hợp pháp của các linh mục lưu động, đa số thuộc dòng Phanxicô và Dòng Tên, mà lòng tin còn giữ vững cho đến lúc Roma trở lại săn sóc thiểu số ấy. Năm 1592, đại diện tòa thánh ở Utrecht được bổ nhiệm làm Ðại Diện Tông Tòa. Nhưng ngài chỉ có thể điều khiển hoạt động của các thừa sai từ Cologne đến mà thôi (18). Việc chinh phục sau này một phần miền Brabant và Limbourg, với sự hỗ trợ của dân chúng đa số là người công giáo, làm gia tăng vì thế của Công Giáo. Giữa thế kỷ thứ 17, xứ Hòa Lan được hưởng một sự khoan dung rộng rãi và tự do tôn giáo nhờ tinh thần nhân bản vẫn còn sống động và vì những quyền lợi kinh tế của quốc gia.
IX. HÒA HỢP TINH THẦN VÀ CÁC KHÓA HỘI THẢO VỀ TÔN GIÁO.
Ngay từ đầu, người ta tìm cách chống phong trào Cải cách không những bằng luật pháp và vũ lực mà còn bằng những khí giới tinh thần. Nhưng, liền sau đó, sự việc trở thành hiển nhiên là tất cả những văn phẩm biện giáo, cho dù có ý ngay lành, cũng không làm thay đổi quan điểm của một người tin lành và cũng không gây được ấn tượng nào trên dân chúng. Các tác phẩm thần học bằng la ngữ, phần nhiều quá dầy, chỉ được một số nhỏ đọc và không thể nào chống chọi được các tác phẩm, các bài văn châm biếm bằng tiếng Ðức của Luther và của các bạn hữu ông, với hình ảnh khắc trên ấn bản gỗ trông đẹp mắt. Hơn nữa, một số nhà biện giáo không tránh được tật xấu như kiêm nhiệm lợi tức, tham lam, khoe khoang và tự mãn đến độ thành bia cho những lời tấn công của người Cải cách và vì thế mất hết uy tín đạo đức.
Phần đóng góp của chủ nghĩa nhân bản có một giá trị rất lớn. Những người đầu tiên thán phục Luther cũng như những người nổi tiếng của giáo phái Cải cách là những nhà nhân bản. Người ta có thể coi Melanchton là người sáng lập ra chủ nghĩa nhân bản Tin Lành. Bởi thế, không có chuyện giải quyết các vấn đề bằng một cuộc bút chiến ầm ỹ. Cần có những sự từ bỏ đau đớn và cần sẵn sàng để dàn hòa, đó là việc mà chữ nghĩa nhân bản ưng chịu cách tiên thiên. Năm 1519, Erasme đã chẳng viết cho Luther là ông muốn đứng trung lập để mang ích lợi cho các khóa học đang lúc phát triển. Năm 1521, ông đề nghị thay vì kiện tụng giữa những người trong Giáo Hội, nên có một cuộc tranh luận trước các thẩm phán vô tư. Ngoài ra, trong suốt cuộc đời, ông đồng ý với Luther về các lời chỉ trích đối với các lạm dụng trong việc thực thi lòng đạo đức. Dĩ nhiên là, trong thực tế hằng ngày của Cải cách, như ông từng mục kích ở Bâle, tự do biến thành độc tài, sự trái luân thường và sự bất khoan dung của những tín đồ mới và nhất là sự suy đồi trong các khảo cứu chỉ vì tham danh chuộng lạ, các hiện trạng ấy bị ông chỉ trích không nương tay. Tuy nhiên, ông không hiểu bản chất đòi hỏi tôn giáo của những người Cải cách. Vấn đề công chính hóa đối với ”người cuồng tín siêu quần của tự do” ấy (Auer) chỉ là một câu hỏi đơn thường của ý chí tự do. Năm 1524, khi ông viết chống lại Luther, theo lời thúc giục của vua nước Anh, ông chỉ ở trong mức độ ấy mà thôi. Thí dụ như ông không bệnh vực địa vị thượng đẳng của giáo hoàng hoặc bảy phép bí tích. Bởi tác phẩm ”de Libero Arbitrio”, ông đã khiến Luther viết một văn bút đầy phẫn nộ mà ông đã phúc đáp như búa bổ. Nhưng, vài năm sau, ông từ bỏ cuộc đấu tranh và nhìn nhận cách lễ phép là không có giải pháp. Vì ý thức là không thể chứng minh các xác tín tôn giáo của mình, nên ông không thể tuyên xưng một cách mạnh mẽ và đấu tranh chống lại những ý kiến trái ngược như những sai lầm đơn giản. Hòa bình và hòa hợp, đối với ông và các môn đệ, quan trọng hơn là sự thật dẫn đến cuộc bút chiến.
Người ta nhận thấy các môn đệ và các bạn hữu của ông trong hai phe. Khi người trí thức dễ cảm ấy, quá khác biệt với ”trí óc mộc mạc nhà quê” (Huizinga) của Luther, gặp gỡ nhau, họ có thể nghĩ là đã tìm được con đường đi đến sự thống nhất, đã tái lập hòa bình và lướt thắng các chia rẻ. Nhưng các nhà vô địch của sự thật hiện sinh không thể hài lòng với những sự dàn hòa như vậy và từ chối các nhượng bộ giả tạo. Ngay từ trước, Luther đã trả lời ”không” về các cố gắng hòa giải của Bucer ở Marbourg, kế đó, ông đã không chấp thuận ”bản tuyên xưng Augsbourg” của Melanchton, xem đó là một hành động nhu nhược. Về phía Công Giáo, vào mùa xuân năm 1527, chưởng ấn của hoàng đế là Gattinara, ra lệnh cho các nhà thần học hiếu chiến ở Louvain phải im lặng. Theo lời của chưởng ấn, tương lai sẽ thuộc về đảng đệ tam của những người không liên kết hoặc với giáo hoàng hoặc với Luther mà chỉ ”tìm vinh danh cho Thiên Chúa và lợi ích cho cộng đoàn Kitô hữu” (19). Tất cả những người ấy dù là tín đồ của Erasme hay là người theo phe hòa bình hoặc chỉ là người cho rằng mình tin Phúc Âm, dù họ trong triều đình, trong dòng tu và trên ghế giám mục hay ngay cả trong hồng y đoàn, từ khi Phaolô III, trong năm đầu tiên nhiệm chức, qui tụ nơi giáo triều của mình những giáo dân như Contarini và Erasme, tác giả tập b́nh luận nổi tiếng về Thánh Vịnh là giám mục Sadolet, đều nghĩ là muốn tái lập sự thống nhất không cần có hoặc bút chiến hoặc công đồng mà chỉ cần, cách đơn giản, thiện chí của bên này và bên kia. Họ có một vị thế chủ yếu ở Francfort. Ðến năm 1539, trong khi chiến tranh đe dọa tư bề, người ta tuyên cáo sẽ có một cuộc hội thảo về tôn giáo vào mùa hè sắp tới ”để đi đến một sự hòa hợp trong danh dự giữa các Kitô hữu”, hội thảo mà, thoạt tiên, giáo hoàng bị loại trừ.
Một loạt hội thảo tôn giáo mà các sử gia phải coi như để thay thế công đồng bị chậm trễ và bây giờ (1539) bị rời đến một ngày vô định, được mở ra ở Maguenau vào tháng 6 năm 1540. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ thiếu Melanchton, vì ông ngã bệnh trong lúc đi đường, và số người tham dự ít ỏi. Người ta họp trở lại ở Worms vào mùa đông kế tiếp. Chưởng ấn của hoàng đế là Granvelle, người thuộc phe Erasme, điều khiển các cuộc bàn cãi, khẩn khoản xin các Kitô hữu hết sức làm việc để tái lập sự thống nhất. Trong số các nhà thần học tham dự, có Melanchton, Eck và những tiểu vương của hai phe. Kết quả thật là mỏng manh. Nhưng, giữa khoảng thời gian, có những hội thảo bí mật của Bucer và Johannes Gropper là thần học gia và luật gia ở Cologne. Ông này bênh vực một học thuyết về sự công chính hóa hoàn toàn dựa theo thánh Augustin và lấy Ðức Tin làm trung tâm điểm. Hai đối thủ đồng ý rất nhanh chóng về học thuyết tội tổ tông và sự công chính hóa. Nhưng điều khoản về thánh lễ misa, về sự biến thể và sự tôn kính các thánh gặp nhiều khó khăn hơn. Bản văn do Gropper và do Bucer soạn thảo được đệ trình cho Luther, ông ta nhất quyết từ chối sự tương nhượng ấy. Giữa thời gian ấy, hoàng đế ra lệnh ngưng cuộc họp chính thức: hội thảo phải làm việc ở nghị viện Ratisbonne, dưới sự chủ tọa của Ngài và phải tiếp tục một cách quyết liệt. Nghị hội khai mạc cách tốt đẹp. Vào tháng 4 năm 1541, Phaolô III cử một trong những hồng y lỗi lạc nhất làm đặc sứ là Contarini, người đạo đức cao sâu và lo lắng cho hòa bình. Ða số các tiểu vương ủng hộ chương trình hợp nhất hóa của hoàng đế. Tinh thần hòa giải dường như thắm đượm các cuộc hòa đàm được cầm đầu, về phía Công Giáo bởi Eck, Gropper và Julius Von Pflug, người Numberg, về phía Tin Lành thì chủ chốt là Melanchton và Bucer. Dựa trên các kết quả của cuộc hội thảo ở Worms, người ta chóng thỏa thuận trên những câu hỏi về tình trạng sơ khởi và về tự do quyết định, về những nguồn gốc của tội và tình trạng tội tổ tông và, vài ngày sau, vấn đề công chính hóa, nghĩa là Ðức Tin hoạt động trong tình yêu làm cho nên công chính. Một khi đã thỏa thuận về vấn đề căn bản ấy, cũng là khởi điểm của học thuyết Luther, là việc chấp nhận hai cách công chính hóa khả dĩ đối với mọi người. Nhưng, trong các cuộc đàm luận về sau, các người tin lành từ chối đặc tính bất khả ngộ của công đồng, địa vị thượng đẳng của giáo hoàng, phép giải tội và nhất là sự biến thể. Sự cố gắng để hợp nhất hóa đã thất bại. Ngay cố gắng của giáo hoàng xin đôi bên chấp nhận những khoản mục đã đồng ý, cũng không được lắng nghe. Luther cho rằng người ta không thể ký kết với ma quỉ và giáo triều. Mặt khác, sau khi xem xét các khoản mục về sự công chính hóa, giáo triều đã tuyên bố: đó là lối phát biểu của Tin Lành và, vì vậy, phải bác bỏ. Ða số các đại biểu của Nghị Viện cũng từ chối văn thư ấy. Năm năm sau, hoàng đế lại triệu tập một cuộc hội thảo thứ nhì ở Ratisbonne. Cuộc hội thảo này cũng kết thúc vài tuần lễ sau bằng một thất bại: quan niệm thần học về sự dàn hòa không còn tiếng nói trong các cuộc xáo trộn chính trị thượng đẳng. Bây giờ, tiếng nói là ở vũ khí, sẽ gián tiếp chấm dứt các cố gắng Cải cách ôn hòa của tổng giám mục Cologne, là Hermann Von Wied, đồng phái với Erasme. Còn về thần học, từ nay nó sẽ được trình bày bởi các Nghị phụ của công đồng Trente, nhóm họp giữa thời điểm ấy, trong những khoản luật minh bạch không chút mơ hồ.
X. CUỘC CANH TÂN TÔN GIÁO.
Không phải lý tưởng nhân bản về hòa bình và hòa hợp có thể làm vượt khỏi hoặc ngưng lại sự chia rẽ. Chỉ có một nghị lực sống động, một canh tân bên trong mới đem lại cho Giáo Hội một sức đề kháng và thu hút cần thiết và trả lại cho Giáo Hội sự sáng chói thuở xưa. Sự canh tân ấy không thể phát xuất từ giáo triều hay từ nước Ðức đã bị đe dọa chí mạng. Chính những nhóm nhỏ tín hữu, phù trợ bởi vài linh mục - trong nước Ý của thời Phục hưng - và được thúc đẩy bởi truyền thống của các phụng hội thời Trung Cổ, mới bắt đầu cải hóa Giáo Hội. Dần dần, các lực lượng mới ấy tìm được sự nâng đỡ nơi giáo triều, sau mới được sự chuẩn y và sẽ trở thành những cơ quan chính thức của Giáo Hội.
Chính năm mà Luther công bố luận thuyết của mình về các ân xá, dòng ”Nguyện đường” của tình yêu Thiên Chúa (Oratoire du divin amour) được thành lập ở Roma. Dòng này bắt nguồn từ những phụng hội từ thiện, đặc biệt là ở Gênes. Tại châu thành này, một nhóm 40 người tối đa, trong số ấy có 4 linh mục, được thành hình. Tại Roma, các hội viên của Dòng chuyên lo cầu nguyện và làm việc bác ái giúp những bệnh nhân nan y và những người hành hương. Trong số hội viên có những nhân viên cao cấp của giáo triều như Sadolet, mà chúng ta đã có dịp nói đến, và Giberti. Dòng ”Nguyện đường” được lan rộng trong các châu thành khác của nước Ý; ở Vicence, có linh mục Gaetan de Thiène, với lý tưởng cao và thuộc một gia đình quí phái, gia nhập. Một năm sau (1520), giám mục ở Chieti là Gianpetro Carafa, một chủ chiên sốt sắng và khắc khổ nối gót theo. Năm 1524, cả hai quyết định lập hội các linh mục triều sống nghèo khó và có những hoạt động mục vụ gương mẫu. Thánh hóa cá nhân mình, hoạt động mục vụ và phục vụ người đau yếu, đó là bổn phận của họ. Thời đó người ta thờ ơ với công việc mục vụ, việc đào tạo các linh mục có khả năng là một lo lắng chính yếu. Ngay chính năm ấy, cộng đoàn mới này được giáo hoàng chuẩn nhận và lấy tên là ”Théatins”, theo tên la ngữ của địa phận của Carafa. Giberti, Contarini, Pole thuộc số các bạn thiết của cộng đoàn nhỏ bé nhưng rất nhiệt tâm này.
Lý tưởng khó nghèo của thánh Phanxicô làm sống động các người ”Théatins” và khơi dậy những tiềm lực mới ngay cả trong dòng của vị thánh ở Assise. Trong vùng Marche d'Ancône, xuất hiện một tu sĩ Phanxicô giữ lề luật nhặc nhiệm, Matteo Da Bascio, người có lòng đạo như trẻ thơ và là một thầy giảng rất bình dân. Ông muốn bắt chước vị sáng lập dòng ngay cả trong y phục. Chẳng bao lâu, người ta thấy qui tụ chung quanh vị giảng đạo khổ hạnh, với y phục thô thiển, mũ phủ đầu nhọn, cả một đoàn người tuân giữ lề luật, dưới sự điều khiển của Louis de Fossombrone. Khác với tục lệ của những dòng tu, đoàn người này sống như người khổ tu, tự nguyện đảm nhận những công việc bằng chân tay và săn sóc những người nghèo khó và không muốn biết gì thuộc về công việc trí óc. Cách sống mới ấy gặp phải sự chống đối mạnh. Nhưng Carafa biện minh cho lý tưởng của mình tại giáo triều và năm 1528, cộng đồng bé nhỏ được giáo hoàng chuẩn nhận. Sáu năm sau, cộng đoàn được 500 hội viên nhưng hội từ bỏ lý tưởng sống như những người tu để dành cho việc giảng đạo, một công việc đòi hỏi phải học hành. Trong suốt các năm về sau, dĩ nhiên là những cuộc khủng hoảng không thiếu chi trong dòng ”Capucins” tân lập.
Cũng thế, con của thượng nghị sĩ ở Venise, Jerôme Emilien bị thu hút bởi một đời sống hiến dâng để phục vụ cho đồng loại và cho mục vụ. Ông thành lập ở Somasque, gần Bergame, một cộng đoàn giáo dân và linh mục chuyên giúp cho người nghèo khó và cho người đau yếu. Sau khi ông chết, cộng đoàn trở thành Dòng ”Somasque” mà công việc chính yếu là giúp cho các trẻ mồ côi và các trẻ bị bỏ rơi. Một tu hội khác cũng đồng loại là Dòng ”Barnabite” sáng lập bởi một cựu bác sĩ trở nên linh mục, là Antoine Marie Zaccaria. Một luật gia và một nhà toán học ở Milan, cũng theo ông. Cộng đoàn này muốn chuyên về thừa tác vụ cho giới bình dân và các thiếu nữ. Riêng đối với việc giúp cho các thiếu nữ thì mang danh hiệu là ”Hội nữ tu Thiên Thần”. Cũng với mục đích săn sóc những người đau yếu và giáo dục cho những thiếu nữ, Angèle Merici lập ra một nhà đầu tiên ở Brescia. Từ nhà ấy phát sinh ra Dòng danh tiếng Ursulines chuyên về giáo dục. Tất cả các trung tâm và các cơ quan đều hướng về đời sống hoạt động, trong đó các giáo dân đóng phần chính yếu. Nếu xét riêng từng hội, thì đó chỉ là những dòng suối nhỏ, Nhưng nếu họp chung lại, thì các hội ấy trở thành một lực lượng phục hưng quan trọng. Tiếp đến, các hội ấy còn đạt tới một hiệu năng bền vững nhờ công trình của một người, không phải là dân Ý nhưng thuộc miền Bắc Tây Ban Nha, đó là Ignace de Loyola.
XI. ÐỨC GIÁO HOÀNG ADRIEN VI
Người ta tưởng rằng, rồi đây Giáo triều sẽ bó buộc đón nhận các lực lượng và các xu hướng mới ấy cách mau chóng. Nhưng không phải thế. Sau khi đức Léon X, người không lo lắng, từ trần vào tháng giêng năm 1522, đức hồng y ở Tortosa là Adrien d'Utrecht, được bầu lên ngôi giáo hoàng. Là giáo sư thần học ở Louvain, ngài giữ liên lạc mật thiết với hội các anh em có đời sống chung cũng như những người theo chủ nghĩa nhân bản của Erasme, đồng thời cũng nghiêng về phía kinh viện thông thường. Là thái phó, rồi sau đó là cố vấn của Charles Quint, ngài được mến chuộng và được bổ nhiệm làm giám mục ở Tortosa, đồng thời làm toàn quyền và nhiếp chính của nước Tây Ban Nha. Với đời sống không có chỗ chê trách được và có lý tưởng cao, tuy có kém hiểu biết về văn hóa của phong trào phục hưng và đời sống xã hội, do đó bị người Roma khinh dể và coi như kẻ man rợ. Ngài tự đặt cho mình mục tiêu trong lãnh vực chính trị, là hòa giải các lực lượng kitô giáo, hoàng đế và nước Pháp, hầu cứu cộng đoàn kitô hữu trước hiểm họa của người Thổ Nhĩ Kỳ. Thật vậy, năm 1521, người Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến về phía Bắc và lần đầu tiên đã chiếm Belgrade. Trong phạm vi Giáo Hội, việc cải tổ giáo triều Roma là dự án chính yếu trong chương trình của ngài. Tuy nhiên, trong cả hai lãnh vực, những cố gắng của giáo hoàng đều vô hiệu. Khi ngài chết, sau 20 tháng lên ngôi giáo hoàng, thành Rhodes đaơrơi vào tay của vua Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù với sự kháng cự can đảm của các hiệp sĩ thánh Gioan, và ngài phải liên minh quân sự với hoàng đế để chống lại Pháp. Ðối với đức Adrien, việc cải tổ Giáo triều là điều kiện thiết yếu để cứu vãn Giáo Hội Ðức, vì ngài xác tín là các sự lạm dụng trong mọi lãnh vực, của hàng giáo phẩm thượng cấp đã tạo nên thuận lợi cho các hành động của Luther. Ngài đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này một cách nghiêm trọng trong bài diễn văn đầu tiên với mật nghị hồng y. Vì lẽ ấy, hôm sau ngày được tấn phong, ngài tuyên bố mọi ứng cử vào các chức vụ trống, đều vô hiệu. Ngài hủy bỏ các chức vụ vị tiền nhiệm đặt ra và giảm bớt rất nhiều nghị triều và các cơ quan quản trị của giáo hoàng. Các đoàn văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các người giúp vui phải rời khỏi Vatican. Cả ngàn thơ thỉnh nguyện gởi đến Roma đều được cứu xét hết sức tỉ mỉ, hầu không một ân huệ nào có thể lọt vào tay người không xứng đáng. Nhưng giáo hoàng và các cộng sự viên kế cận nhất của ngài đều là những người ngoại quốc không hiểu biết tâm địa của người Roma và không thể hòa mình với dân chúng được. Bởi thế, các biện pháp Cải cách đã gây ra nhiều đắng cay và đối nghịch.
Trái lại, đức Adrien cố đánh động trái tim của người Ðức và hướng họ về những sự cao thượng. Ngài phái hồng y Francesco Chieregati làm đặc sứ dự nghị hội ở Nuremberg (1522-1523). Vị này phải xin các tiểu vương Ðức giúp đỡ cho Hung Gia Lợi chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ và thi hành sắc chỉ Worms. Ðể được như vậy, ông trả một giá chưa từng thấy bao giờ: đó là việc thú nhận những sai lầm và những lỗi phạm và việc đề nghị cải tổ giáo triều. Trong các chỉ thị cho đặc sứ, và chắc chắn là do chính giáo hoàng viết: đức giáo hoàng gánh nhận những lỗi lầm của Giáo Hội được giao phó cho ngài và thú nhận lỗi lầm ấy trước Thiên Chúa và trước mọi người, hứa chuộc lỗi và đền tạ. Người ta coi cử chỉ ấy là bước đầu tiên đi đến sự phản Cải cách (Brandi), Ngài dạy đặc sứ tuyên bố với dân chúng Ðức: ”Hiền đệ cũng phải nói: Ta nhìn nhận, một cách hoàn toàn tự do, là Thiên Chúa đã để cho sự bách hại này được thực hiện tại tội lỗi của người ta và, cách riêng, của các linh mục và các giám chức. Bàn tay Chúa, lẽ dĩ nhiên, không bị tê liệt để không có thể cứu giúp chúng ta được, nhưng vì tội lỗi đã làm cho chúng ta xa cách Chúa đến nỗi Ngài không còn nghe lời chúng ta nữa. Kinh Thánh đã lớn tiếng cảnh cáo rằng các tội lỗi của dân chúng bắt nguồn từ tội lỗi của những giáo sĩ... Ta cũng biết rằng: ngay ở Tòa Thánh này, từ bao nhiêu năm, có nhiều sự ghê tởm: lạm dụng trong các phạm vi siêu nhiên, vi phạm các lề luật. Tất cả đã trở thành cay đắng. Do đó, không lấy làm lạ là sự dữ được chuyển từ đầu đến các chi thể, từ các giáo hoàng đến các giám chức, chúng ta tất cả, giám chức và giáo sĩ, đã tách lìa ra khỏi chính lộ và, từ quá lâu, không ai còn làm điều thiện nữa. Vì lẽ ấy, chúng ta tất cả phải tôn vinh Thiên Chúa và tự hạ mình trước mặt Ngài. Mỗi người chúng ta phải tự hỏi tại sao mình đã sa ngã và tự xét lấy mình hơn là bị Thiên Chúa xét xử trong ngày thịnh nộ của Ngài. Bởi thế, hiền đệ phải nhân danh Ta hứa rằng: chúng ta tất cả muốn chú tâm đến canh tân và cải tổ, mà trước tiên là giáo triều Roma, có thể là nơi phát xuất mọi tai họa. Cũng như cơn bịnh từ đây đi ra thì sự lành bịnh cũng khởi sự từ đây. Ta quyết tâm bắt tay vào công việc này vì tất cả thế giới ao ước một cuộc cải tổ như vậy. Ta không tìm kiếm địa vị giáo hoàng và Ta thích tiếp tục sống trong trầm lặng của cuộc sống tư. Quả thật, Ta muốn từ chối ngọc miện, chỉ sự kính sợ Chúa, sự hợp pháp của cuộc bầu cử và hiểm họa của sự ly giáo buộc Ta phải nhận chức vụ tối thượng. Ta muốn làm tròn chức vụ này, không phải vì thích thống trị hoặc làm cho gia đình Ta giàu có nhưng chỉ vì muốn trả lại cho Hội Thánh, hiền thê của Chúa, vẻ đẹp nguyên thủy, giúp đỡ cho người bị áp bức, nâng lên địa vị cao hơn những người thông thái và đạo đức. Tóm lại, làm tất cả những gì một chủ chăn nhân lành phải làm và để xứng đáng là người kế vĩ đích thật của thánh Phêrô. Tuy nhiên, đừng ai lấy làm lạ là Ta không thể loại bỏ, một lúc, tất cả mọi lạm dụng vì cơn bịnh đã tiêm nhiễm sâu và có muôn mặt. Vậy phải tiến từng bước một và, tiên vàn, phải chặn đầu các tai họa nguy hiểm nhất bởi một cuộc chữa trị thích hợp hầu khỏi tăng thêm sự rối loạn, gây ra do một cuộc Cải cách vội vàng, bao gồm đủ mọi thứ việc” (20).
Lời thú lỗi đáng ghi nhớ của đức Adrien VI vượt xa hơn lời xin lỗi của đức Phaolô VI tại công đồng Vatican II. Tuy nhiên hiệu quả của những lời thú nhận ấy gần như là một con số không. Người ta từ chối thi hành sắc chỉ Worms và Luther còn chế diễu đức Adrien VI trong bài văn trào phúng về con lừa của giáo hoàng, xem ngài là người đần độn và thất học, là một bạo chúa giả hình và là kẻ thù của Ðức Kitô. Vị giáo hoàng cao thượng ấy, chết tháng 9 năm 1532, không thể thực hiện các ý định hoàn hảo của mình. Song ngài đã chuyển một tia sáng của nghị lực mình cho một người hành hương muốn đến Jérusalem, quì gối trước ngài, trong tuần lễ Phục Sinh, năm 1523: Ignace de Loyola, người đã nhận phúc lành của vị giáo hoàng canh tân đầu tiên.
XII. IGNACE VÀ CÁC LINH MỤC DÒNG TÊN TIÊN KHỞI.
Người hành hương Tây Ban Nha ấy và Dòng do ông sáng lập thuộc về các lực lượng sống đông nhất. Ðược phát huy ngoài khuôn khổ của giáo triều, rồi tự đặt mình dưới quyền xử dụng của giáo triều như là dụng cụ hữu hiệu nhất chống lại các sự chia rẽ và suy đồi. Inigo Lopez de Loyola là con thứ trong một gia đình quý phái với 8 người con trai ở miền Bắc nước Tây Ban Nha. Từ lúc còn rất trẻ, ông tham gia triều đình của một laơnh chúa ở Castille. Kế đó, ông đầu quân trong đạo binh của Phó Quốc Vương ở Navarre. Viên sĩ quan ”bay bướm” và hưởng thụ này được thấm nhuần tinh thần hiệp sĩ Tây Ban Nha, chiến đấu trong sự hăng say của Ðức Tin, chống lại giặc ”Maures”. Năm 1521, lúc 30 tuổi, ông bị thương nặng trong khi chống giữ châu thành Pampelune đối đầu với quân Pháp và được chở về dinh thự của gia đình. Nơi đó, người ta đập gẫy chân của ông đã bị điều trị sai. Và, trong thời gian dưỡng bệnh lâu dài, để ”giết” thì giờ, ông đã đọc những tác phẩm tìm thấy trong thư viện của gia đình. Nhờ vậy, ông đã quen biết với các quyển sách ”Légende Dorée” (Huyền sử vàng) của Jacques de Voragine và ”Vie du Christ” (Cuộc đời của Ðức Kitô) của Ludolphe le Chartreux. Nhờ những cuốn sách ấy, tâm hồn thay đổi, ông nhất định ăn năn trở lại. Khi lành bệnh, ông đi hành hương ở Montserrat, xưng tội chung và đặt các khí giới của mình trên bàn thờ. Ông không thể đi hành hương ở Jérusalem được vì hải cảng Barcelone đóng cửa bởi có nạn dịch hạch. Thoạt tiên, ông đến trọ ở Manrèse. Ở đó, ông thực thi các việc đền tội quá mức và chỉ trở lại đời sống bình thường sau khi bị ngã bệnh.
Sau một năm trời sống ở Manrèse, ông được ơn biết cách cầu nguyện bằng suy niệm. Sau nhiều lần nguyện với nhiều khổ chế, ông vượt qua được các xung đột bên trong. Hai quyển sách nhỏ giúp ông trong công việc ấy hằng ngày :”Les Exercices de la vie Spirituelle” (Thao luyện đời sống thiêng liêng) của Garcia de Cisneros, linh mục ở Montserrat, viết phỏng theo thánh Bernard và theo các tác giả của quyển Devotio Moderna (Sùng đạo thời mới), và quyển ”Imitation de Jesus Christ” (Noi gương Chúa Giêsu Kitô). Ignace không muốn cắt đứt với lối sống đạo truyền thống nhưng, muốn tìm trong liên hệ nội tâm với với thời Trung Cổ, một nền tảng vững vàng và chắc chắn. Khi đọc các sách trên, ông phát hiện hai điều: trước nhất, một đời sống thánh thiện không nằm ở chỗ thực thi bên ngoài những hành động đền tội, nhưng cốt tại việc suy gẫm về những mầu nhiệm của Thiên Chúa và về đời sống của Chúa Kitô là những ”thao luyện” nhân đức quan trọng hơn cả, và sự thanh tẩy tâm hồn, sự hạ mình phó thác theo thánh ý Chúa là các mục tiêu quan trọng nhất. Thứ đến, ông học được cách sắp xếp thứ tự đời sống bên trong không để ảo tưởng nhất thời hay lòng đạo đức bồng bột lôi cuốn. Do đó, nảy ra trong trí óc ông lối sắp xếp các linh thao theo một hệ thống có cơ cấu. Các kinh nghiệm cá nhân của ông trong lãnh vực này, như ông đã thực hành ở Manrèse, là thành phần chính yếu của tác phẩm danh tiếng mà người ta đã so sánh với qui luật của thánh Benoit (G. Schnurer). Thật thế, trong cả hai cuốn sách ấy kinh nghiệm nội tâm đều phản chiếu một sự căng thẳng; người ta nhận thấy có sự am hiểu khác thường về các linh hồn và nhân cách của tác giả hòa hợp đặc biệt với tư tưởng chỉ đạo.
Nơi Ignace, kỷ luật quân đội nghiêm khắc hòa đồng với ngọn lửa thần bí đang bốc cháy trong bán đảo. Tinh thần ấy giúp chính ông trước là để xếp đặt cho có thứ tự các tâm tình, các tưởng tượng, các lo âu và các dự định đang dồn dập nơi ông, nhưng cũng là để giúp ông thiết lập một qui pháp quân sự cho tất cả những ai muốn chiến đấu dưới lá cờ của Chúa Kitô như ông. Ðối với một bản tính hùng dũng và mộc mạc như ông, đời sống Kitô hữu không phải là một sự nghỉ ngơi bên cạnh Chúa Kitô, theo cách thức của những nhà thần bí Ðức, nhưng là một cuộc chiến đấu dưới cờ Chúa Kitô. Ðối với vị sĩ quan quân đội, việc tham gia tranh đấu vì nước Chúa, là tột đỉnh của việc noi gương Chúa Giêsu. Ignace thấy sự hoàn thành nước Chúa ở nơi Giáo Hội có phẩm trật, chính là Giáo Hội tiếp nối Chúa Giêsu. Ðời sống cá nhân phải được hiến dâng để phục vụ Giáo Hội, làm vinh danh Thiên Chúa, bằng cách chinh phục người đồng loại và cả thế giới về với Ngài. Cũng vì mục tiêu ấy, phải vận dụng một cách cân xứng, tất cả các phương thế của loài người, kể cả sự khắc khổ. Khoa sư phạm của Kitô giáo thúc đẩy một sự dấn thân tích cực rất thích hợp cho thời đại mà Tây phương, nhờ làm chủ được biển cả và khám phá ra những lục địa xa xôi, sắp nắm lấy quyền lãnh đạo thế giới. Tinh thần của Ignace là tinh thần của ”Kitô giáo barốc” (Catholicisme baroque). Trong thời kỳ mà Giáo Hội lẫn lộn quyền lợi của mình với quyền lợi của thế giới (Claudel), tiêu ngữ ”Ad Majorem Dei Gloriam” (để Thiên Chúa được vinh danh trên hết) trở thành một lời kêu gọi phấn khởi cho cuộc chiến đấu đã đốt cháy và soi sáng hằng ngàn con tim.
Thế nhưng, các dự án tương lai của Ignace chưa được ấn định. Ông đi hành hương ở Jerusalem sau khi, cũng như các người hành hương Tây Ban Nha khác, được Adrien VI tiếp kiến. Cuộc du hành kéo dài 6 tháng và Ignace chỉ lưu lại 19 ngày tại thánh địa. Việc ông cố gắng để làm cho những người hồi giáo theo đạo không có kết quả. Theo lệnh của người giữ núi Sion dòng Phanxicô, ông trở về nước. Nhưng trong suốt mười năm tiếp theo, mục đích của ông vẫn là Jerusalem, nơi mà ông đã có những thị kiến sống động về các nơi thánh. làm cho đời sống của Chúa Giêsu trở thành một sự hiện diện bí nhiệm trong đời sống của ông. Từ đây, ông xác tín rằng: ông phải hiến trọn cuộc đời để phục vụ các linh hồn. Ông cũng cảm nghiệm thấy rằng chính mình phải được chuẩn bị đầy đủ để thích nghi. Bởi thế, ông theo các em bé đến trường để học La-ngữ. Hai năm sau, ông đến Alcala, rồi Salamanque để học thần học. Trong khi theo đuổi các môn ấy, ông và vài người bạn tự nguyện làm linh hướng cho những người chung quanh. Việc học hành của ông vì thế bị trở ngại. Cách cư xử của ông gây ra hoang mang và tòa thẩm tra ra lệnh bắt ông. Người ta hồ nghi ông là một trong số các người ”thiên khải”, lấy lý do đã nhận được từ Thiên Chúa những linh ứng trực tiếp và quảng bá trong xứ những sự sai lầm tai hại. Sau cùng, người ta nhìn nhận ông vô tội nhưng, ra lệnh cho ông phải từ bỏ tất cả hoạt động mục vụ trong suốt bốn năm học kế tiếp. Ðể thoát khỏi các bó buộc ấy, năm 1528, ông sang Paris tiếp tục các môn triết lý và thần học, trong bảy năm tại học viện Sainte-Barbe. Năm 1535, ông đỗ cấp ”giảng sư”. Trong lúc ấy, Calvin cũng học ở Paris nhưng hai cao địch thủ không bao giờ gặp nhau cả.
Trong những năm học ấy, ông kín đáo chọn lựa và chinh phục cho nước của Chúa Kitô, những người đồng nghiệp tài ba nhất. Người đầu tiên theo ông là Pierre Favre, người đạo đức thuộc miền Savoie. Kế đó là người đồng hương, giảng sư tham vọng Francois Xavier, ông này có một vài điểm tương đồng với phe Luther, cũng như với Rodriguez, người Bồ Ðào Nha. Cuối cùng, ba người Tây Ban Nha cũng nhập đoàn là giảng sư Lainez, thanh niên Salmeron và Bobadilla, người độc lập. Tất cả đều bị thu hút bởi các ”linh thao” của Ignace.
Trong khi Calvin và các bạn hữu công kích thánh lễ misa, hè năm 1534, Ignace và sáu đồng bạn thành lập một cộng đoàn: Ðó là ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại nguyện đường Thánh Denis ở Montmartre. Họ tuyên hứa sống khó nghèo và khiết tịnh, đi Jérusalem để rao giảng nước Thiên Chúa. Nhưng, trước hết, họ đến Roma xin sự chấp thuận của giáo hoàng. Nếu việc du hành sang Jérusalem không thể thực hiện được, trong vòng 1 năm, họ có ý định đặt mình dưới quyền xử dụng của giáo hoàng. Năm 1537, Ignace và các đồng bạn gặp nhau lại ở Venise nhưng việc dự trù đi Thánh địa chưa thực hiện được. Trong lúc chờ đợi lâu dài và vô hiệu quả, Ignace và các người khác, trừ Favre, được thụ phong linh mục trên một chiếc tàu. Thời hạn ấn định đã quá, cả nhóm đều tự đặt mình dưới quyền xử dụng của giáo hoàng. Ngài dùng họ để dạy học, để bênh vực học thuyết Kitô giáo và để bắt tay vào việc cải tổ các tu viện. Ðể khỏi bị phân tán, các đồng bạn quyết định hợp nhau thành một dòng tu riêng. Họ đệ trình quy chế dòng của họ ”Formula Instituti” lên Tòa Thánh. Tên của tu hội tân lập là ”Dòng Chúa Giêsu”, nói lên sự liên hệ cá nhân chặt chẽ với Chúa hơn là với cơ cấu bán quân sự của Dòng, sẵn sàng chiến đấu vì Chúa Kitô và vị đại diện của Chúa ở trần gian. Phải đợi 16 tháng mới được sự chấp thuận của giáo hoàng. Do sắc chỉ Regimini Militantis Ecclesiae năm 1540, Dòng Chúa Giêsu được nhìn nhận như là một tu hội các giáo sĩ dòng. Mục đích của Dòng là làm thăng tiến tư tưởng và đời sống Kitô hữu, truyền bá lòng tin và sự giảng thuyết nhờ các linh thao, việc dạy giáo thuyết, phép giải tội và những việc từ thiện khác. Thêm vào nhân đức khiết tịnh và vâng lời, các hội viên của Dòng phải khấn giữ khó khăn. Nhưng luật khó khăn không được áp dụng vào sự dinh dưỡng các người phải học hành. Hơn nữa, các hội viên tự liên kết với giáo hoàng bằng một lời khấn đặc biệt thứ tư bắt buộc họ phải đi đến bất cứ nơi nào mà giáo hoàng muốn gởi họ đến: với người Thổ Nhĩ Kỳ, đi Tân thế giới, bên cạnh người tin lành thuộc phái Luther hoặc bất cứ nơi nào khác. Các quy chế do Ignace soạn thảo suốt nhiều năm dài, được chấp nhận, năm 1558 còn dự trù là linh mục Dòng Tên không buộc hát kinh nhật tụng để công việc phục vụ đồng loại khỏi vì thế mà bị hạn chế. Các linh mục cũng khước từ một y phục riêng biệt. Chỉ có thể được nhận vào dòng những người nổi bật về trí khôn, học vấn và có một đời sống thánh thiện. Người ta rất chú ý đến việc huấn luyện về triết lý và thần học vững chắc, kéo dài suốt nhiều năm học tập. Vì lý do ấy mà Lainez, thoạt tiên, đã nghĩ đến việc lập ra những học viện. Cơ cấu của tu hội có tính cách quân chủ nghiêm ngặt và tập quyền: bề trên tổng quyền được bầu suốt đời, ngài chỉ định và phân phối các chức vụ, bổ nhiệm các bề trên tỉnh và các giám đốc và có quyền trên các tài sản của dòng. Không có việc ổn định các hội viên tại một nhà nhất định, đức giáo hoàng hoặc bề trên tổng quyền có thể gởi họ đi khắp nơi.
Nửa năm sau khi có sắc chỉ giáo hoàng chấp thuận, Ignace được bầu làm bề trên tổng quyền đầu tiên của dòng. Trong khi các đồng bạn của Ngài đi tản mát khắp thế giới, thì ngài định cư ở Roma và điều khiển cộng đoàn. Việc giới hạn số hội viên, dự trù lúc ban đầu, chẳng bao lâu bị bãi bỏ. Ngài phải lo đủ mọi việc, việc nhỏ cũng như việc lớn: đọc cho người viết những bức thư gởi đi Ðức và Nhật Bản, nhưng cũng có lúc phải thân hành, trong đêm, đến phòng các bệnh nhân để xem xét lại việc băng bó vết thương. Và người ta nghe, suốt nhiều giờ, tiếng nện của cây gậy của ngài. Trong khi vừa suy gẫm vừa cầu nguyện, ngài đi đi lại lại trong nhà với ống chân bị tàn phế trong vụ bao vây thành Pampelune. Trong các năm ấy, ngài biến hội dòng thành phản ảnh bản tính riêng của ngài và thông cho mọi hội viên tinh thần kỷ luật vững chắc về ý chí, việc tự chủ lấy mình. Và mức hoạt động không biết mỏi mệt để phục vụ Thiên Chúa trong Giáo Hội hữu hình.
Ignace chết ngày 31 tháng 7 năm 1556, sau một cơn bệnh lâu dài do túi mật. Ðây là cái chết cô đơn, không được chịu các phép, không được phép lành của giáo hoàng vào thời điểm khó khăn, lúc hội dòng còn non trẻ. Lainez cũng gần chết. Francois Xavier vừa mới chết trước cửa biển Trung Hoa. Và giáo hoàng Phaolô IV sắp khai chiến với nước Tây Ban Nha, đã cho khám xét học viện Roma vì nghi ngờ ở đó có vũ khí. Nhưng, khi vị sáng lập qua đời, Dòng Chúa Giêsu đã lan tràn trên bốn lục địa. Mặc dù sự tuyển chọn khắt khe Dòng cũng đã được hơn một ngàn hội viên, trong số đó chỉ có 42 là giáo sư, chia ra thành 12 tỉnh, từ tỉnh dòng ở Ấn Ðộ, với những cứ điểm ở Nhật Bản, đến tỉnh dòng ở Bresil. Sự phát triển mau chóng và gần như ồ ạt ấy tiếp tục với các Bề Trên tổng quyền sau đây: Lainez, Francois Borgia và các người kế vị. Năm 1600, người ta đếm được 353 nhà và năm 1710 có 1190 nhà. Các linh mục Dòng Tên đạt được kết quả mau chóng nhất là ở các nước Âu Châu. Riêng ở Ðức khó khăn hơn, mặc dù những nền móng tiên khởi đã được đặt xong, trong vòng 40 năm đầu. Năm 1551, Canisius đã chẳng nói :”Ở đây, người ta xác tín rằng chỉ một người Ðức gia nhập cộng đoàn chúng tôi thì cũng có ý nghĩa bằng 20 người Ý hoặc người Tây Ban Nha vào dòng” (21). Phần lãnh thổ Ðức còn giữ đạo Công Giáo lại rất khổ sở vì quá thiếu thốn các linh mục có giá trị. Bởi vậy, cách sống đời tu trì của các linh mục Dòng Tên rất được quý mến. Ðặc biệt trong các giới giáo sĩ, người ta đòi hỏi và khuyến khích cách nghiêm chỉnh việc canh tân Công Giáo, người ta nhậy cảm về tầm quan trọng của lực lượng tôn giáo trẻ trung này. Người ta nài xin sự công tác của họ. Họ được phân phối ra từng nhóm nhỏ, rồi thi nhau làm mục vụ, tới Cologne, Augsbourg, Ratisbonne, để giúp các giám mục ở Spire, ở Passau và sứ thần Tòa Thánh. Trước lương tâm của người Kitô hữu bị chia sẻ bởi phong trào Cải cách, các tu sĩ này quá bận rộn công việc, luôn phải thay đổi chỗ ở và chức vụ, thực hiện được sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động. Mỗi linh mục Dòng Tên là một chức vụ đối với nhà dòng và dòng của họ là một chức vụ trong Giáo Hội (Lortz). Không có sự chia rẽ hoặc chủ nghĩa cá nhân hoặc tôn thờ cá nhân tính, nhưng chỉ có dấn thân được chi phối cách khắt khe và vô vị lợi.
Pierre Favre là linh mục Dòng Tên đầu tiên đến Ðức năm 1540. Ngay trước khi Dòng được công nhận chính thức, ông được giáo hoàng gởi đến tham dự hội thảo tôn giáo ở Worms. Ông cũng đã đến Ratisbonne để làm cố vấn cho Cantarini. Favre không phải là thần học gia của cuộc đối thoại, giống như thầy mình. Ông nhận thức thái độ cương quyết của người tin lành là họ biết mình muốn gì. Ông không chờ đợi sự thành công với những hành động quân sự hoặc với những tranh luận nhưng với việc chấn hưng tôn giáo, với ảnh hưởng và gương sáng cá nhân. Bởi thế, ông tìm mọi dịp để cộng tác mục vụ, giảng cấm phòng cho linh mục và giới quý tộc. Nhờ vậy, ông lôi kéo được thanh niên Pierre Canisius, ở Nimègue, tháng 4 năm 1543. Thanh niên này sẽ trở thành tông đồ thứ hai ở Ðức. Từ ngày có Dòng Tên đầu tiên ở Cologne (1544) đến năm 1580, đã có 20 nhà trong các đô thì quan trọng nhất của đế quốc, vị Bề Trên thứ nhất của tỉnh miền thượng Ðức, do Ignace bổ nhiệm năm Ngài từ trần, có một công việc cực nhọc lâu dài và khôn ngoan phải hoàn tất.
XIII. ÐỔI MỚI LẠI GIÁO TRIỀU
Với thời gian, tổ chức của Giáo Hội cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của những lực lượng mới phát sinh trong mấy chục năm đầu của thế kỷ, tại các quốc gia latinh và lan đến Roma. Chính đức Phaolô III (1534-1549), người trước kia được đức Alexandre VI mến chuộng, vẫn là người của phong trào Phục Hưng, đã nhìn nhận sự cần thiết của một cuộc Cải cách bên trong của Giáo Hội và cố tìm cách phát động. Ngài nghĩ rằng nhiệm vụ đầu tiên của ngài là giúp cho hồng y đoàn có một đời sống siêu nhiên mới vì Ngài không thể tin cậy vào sự hợp tác của các hồng y trong việc cải tổ. Bởi vậy ngài cất lên chức hồng y những người mới. Trong số những người mới ấy, có con, cháu và những bạn bè chính trị nhưng, chính yếu, họ là những người nổi tiếng về sự hiểu biết và lòng đạo đức, như giám mục người Anh, John Fisher đang mỏi mòn chờ đợi trong tù, như nhà quí phái quê ở Venise là Gasparo Contarini, một giáo dân đã đến lập cư ở Roma, nơi mà nhờ sự khuyến khích của giáo hoàng, ông trở thành linh hồn của một nhóm người thiết tha đến việc cải tạo giáo sĩ. Trong lần bổ nhiệm kế tiếp, ảnh hưởng của những người chủ trương Cải cách còn gia tăng hơn nữa, trong hồng y đoàn. Năm 1536, ngài bổ nhiệm Carafa, Sadolet và Pole. Về sau, có Cervini, sứ thần Tòa Thánh ở Ðức, Morone, một viện phụ ở Venise. Từ nhiều thế kỷ, hồng y đoàn chưa bao giờ qui tụ các người chân tu và quí phái nhất của thời đại (F.X. Kraus). Vào mùa thu 1536, ngay trước kỳ thăng chức lớn lao này, đức giáo hoàng đã triệu tập các vị cùng với Giberti và vài người khác, họp thành một ủy ban để đề nghị với giáo triều những Cải cách cần thiết, trước khi khai mạc công đồng. Mùa thu kế tiếp, ủy ban soạn thảo bản phúc trình trứ danh ”Consilium de Emendanda Ecclesia” (Hội đồng cải tổ Giáo Hội). Các soạn giả tuyên bố, một cách thẳng thắn, là nguồn gốc chính của tất cả tai họa đều do sự nâng cao quá mức quyền hành giáo hoàng, do sự nịnh bợ của nhương nhà giáo luật, trước kia được các giáo hoàng chọn lựa làm cố vấn. Trong số các việc bất thường và các lạm dụng được kể ra, sau đó, hội đồng cáo giác: tất cả tập quán hành chánh của giáo triều với các thủ tục và mánh khóe pháp lý khiến cho không thể chu toàn phận sự mục vụ của Giáo Hội được; các tu viện có phong tục đồi bại cần phải để cho chết luôn; các phép chuẩn và đặc quyền quá dễ dàng cũng như các tập quán về thuế vụ áp dụng đối với những đại sứ và sứ thần Tòa Thánh. Trong câu lạc bộ có Giberti, giáo sĩ gương mẫu thuộc địa phận Verone, là thành phần, ưu tiên tuyệt đối dành cho mục vụ không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Thật ra, phần lớn các văn kiện trên mới chỉ là phương án mà thôi. Hiệu lực của những phương án mau bị xuống cấp, lý do vì thiếu cẩn mật, công bố quá công khai tại Ðức, khiến Luther lợi dụng chính những phương án ấy để biện minh cho sự ông ly khai với Giáo Hội Roma. Ngoài ra còn vì sự chống đối của nhiều hồng y và cơ quan hành chánh của Roma. Tuy nhiên, người ta bắt đầu cải tổ văn phòng Chưởng Ấn đặc trách việc phân phối các biệt lợi và tòa xá giải phụ trách việc ân giảm. Các cơ quan khác thuộc giáo triều cũng được xét lại và thay đổi. Người ta quan tâm đặc biệt đến nghĩa vụ thường trú của các giám mục.
Vài năm sau, dưới triều đức Phaolô III, một việc không liên hệ trực tiếp với các văn kiện của Hội Ðồng, mà chỉ vì sự hiện diện của Carafa, Ủy viên quyết liệt nhất, đó là việc cải tổ Tòa thẩm tra. Carafa biết cách làm cho giáo hoàng, người muốn thực tâm khoan hồng, ý thức về hiểm họa thâm nhập của tôn giáo mới vào nước Ý. Ông chẳng cần phải thổi phồng hiểm họa ấy vì chính ông đã biết rõ thành phố thương mại Venise là cửa khẩu xâm nhập dễ dàng người và tư tưởng của chủ nghĩa Cải cách, đến từ Ðức hoặc từ Thụy Sĩ. Ðó cũng là tình trạng chung của cả miền Bắc nước Ý. Riêng ở miền Nam, câu lạc bộ theo tư tưởng Érasme của Juan de Valdes, mà Carafa, người Naples, rất ngờ vực ít nữa là vì những lý do ái quốc, dường như đã biến thành một tổ chức rất hoạt động của phe Luther. Câu lạc bộ này bị hồ nghi vì đã phiên dịch một vài phần trong Kinh Thánh ra tiếng Tây Ban Nha và vì đã ca tụng tư tưởng thần bí trong một quyển sách viết về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Trong số các hội viên của câu lạc bộ, có nữ thi sĩ nổi danh là Vittoria Colonna, người ái mộ Michel Ange. Cũng có nhiều câu lạc bộ nhân bản khác, bị ảnh hưởng ít nhiều bởi phong trào Cải cách, ở Sienne, ở Ferrare và trong vài thành phố khác. Tại Ferrare, bà công tước Renée D'Este đã từng đón tiếp Calvin trong một thời gian.
Ignace de Loyola dường như cũng đã thúc đẩy giáo hoàng chống lại một cách hữu hiệu làn sóng Cải cách. Tháng 7 năm 1542, tòa thẩm tra quen gọi là Bộ thánh vụ được thành lập. Các thẩm tra viên đầu tiên là Carafa và Toledo, người Tây Ban Nha. Theo sắc chỉ của giáo hoàng, tòa thẩm tra phải can thiệp khắp nơi trong Giáo Hội mỗi khi sự sai lầm xuất hiện hoặc mỗi khi hoài nghi. Các phán quyết của tòa trở nên nghiêm khắc hơn với sự gia tăng ảnh hưởng của Carafa. Tuy nhiên, nguyên chỉ việc thiết lập tòa án Ðức Tin này cũng đủ làm tan vỡ các hội đoàn bí mật của Tin Lành ở nước Ý và cưỡng chế những người còn lưỡng lự. Trong số các người đó có những nhân vật rất được chú ý, những nhà thuyết giáo đứng hàng đầu, như Pietro Vermigli, kinh sĩ dòng thánh Augustin, như Bernadino Ochino, quê ở Sienne, được bầu lần thứ hai làm tổng đại diện của hội dòng mới Capucins năm 1541. Cả hai đã chịu ảnh hưởng của Valdés ở Naples và bị nhóm Theátins tình nghi là lạc đạo. Năm 1542, Ochino bị tòa thẩm tra gọi lên lấy cung. Nhưng trên đường đi, ông gặp Vermigli và cả hai đều chạy trốn sang Genève. Nơi đây, hai người vào làm việc cho phong trào Cải cách và sau một đời sống náo động, lắm lúc cơ cực, họ đã chạy sang Anh Quốc, dưới triều Edouard VI. Họ đã chết, một người ở Zurich như là một tín đồ của Zwingli, còn người kia ở Moravie, như là kẻ chống lại tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc dòngCapucins bị ngăn chận không được phát triển ra ngoài nước Ý và sau khi Tổng Quyền của dòng bị lật đổ, dòng lại bị cấm giảng thuyết, nhưng vẫn vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng. Ðó là một bằng chứng nữa về sự kiên trì nội tại và sức cải tổ sống còn của hội dòng.
XIV. CUỘC ÐẤU TRANH CHO CÔNG ÐỒNG.
Sự đóng góp quan trọng nhất của Phaolô III để canh tân Giáo Hội là việc triệu tập công đồng ở Trente. Cuộc đấu tranh để đi đến việc triệu tập một công đồng kéo dài từ một thế hệ, nghĩa là từ khi Luther kêu gọi, sau cuộc thẩm vấn ở Wittenberg, năm 1518, đưa vấn đề ra trước một công đồng triệu tập hợp pháp, hội họp ở một nơi an ninh. Luther nhắc lại lời kêu gọi này, năm 1520, vì lý do tuyên truyền và nhất là từ khi ông ta, trong quyển sách ”gởi cho giới quí phái Kitô giáo thuộc Ðức Quốc” đã yêu cầu nhà cầm quyền phần đời triệu tập. ”một công đồng tự do thật sự” để phá tan các ngụy tạo về Phúc Âm bởi kinh viện và giáo triều Roma. Một công đồng, nhóm họp theo các viễn vọng thời Trung Cổ của một Marsile de Padoue và theo thể thức Constance và Bâle không những là một đe dọa cho quyền của Giáo Hoàng thời Phục Hưng nhưng còn là một nguy cơ chí mạng cho toàn thể Giáo Hội. Nhưng, dân chúng và các đại biểu trong hội nghị đòi triệu tập một ”công đồng tự do và phổ quát” vì họ nghĩ rằng vụ Luther không thể giải quyết một cách vĩnh viễn được bởi sắc chỉ Wittenberg. Ở Roma, người ta ngờ vực đối với một công đồng nhóm họp trên lãnh thổ Ðức và không do giáo hoàng triệu tập và điều khiển. Bởi thế, đức Clement VII chọn giải pháp tránh né vấn đề ấy trong suốt thời kỳ làm giáo hoàng, nhưng ngài không phản đối một cách rõ ràng và quyết liệt. Trong nhiều năm, người ta tranh luận về công đồng nhưng vô hiệu quả. Tuy nhiên, ở Ðức, các do dự của Roma bị coi như xác nhận những lời tố cáo của Luther đối với sự đồi bại của quyền chức giáo hoàng. Các người chủ trương công đồng nhận thấy nơi Charles Quint một trang sử có thế lực, nhất là khi hoàng đế, sau khi vắng mặt một thời gian lâu dài, quyết định tái lập trật tự về các vấn đề tôn giáo tại Ðức. Trong dịp lễ đăng quang ở Bologne năm 1530, hoàng đế buộc giáo hoàng phải chấp nhận công đồng nếu cuộc họp Nghị viên triệu tập ở Augsbourg, không thể thực hiện được sự thống nhất. Nhưng đồng thời, với sự can thiệp của hoàng đế, vấn đề này đã chuyển sang bình diện chính trị thượng đỉnh. Ðối với Francois I, vua nước Pháp, lập trường về công đồng của hoàng đế đang có cái nhìn bao quát thì vua lại dựa trên chủ nghĩa quốc gia mà cho rằng: công đồng chỉ là một phương thế để hoàng đế lướt thắng phe đối nghịch với nước Ðức. Vì những lý do chính trị, vua phải chống lại công đồng và phải ngăn chận sự triệu tập càng lâu càng tốt.
Việc đổi quyền giáo hoàng tại Roma năm 1534 không thay đổi tình thế. Trái lại, hoàng đế vẫn chủ trương: trước tiên công đồng phải bàn cãi việc Cải cách Giáo Hội và việc bãi bỏ các lạm quyền, sau đó mới bàn cãi những vấn đề thuộc tín lý. Chủ trương của hoàng đế làm tăng thêm sự chống đối ngấm ngầm của phe không muốn cải tổ giáo triều. Tuy nhiên, đức Phaolô III, rất khôn ngoan, ý thức là phải nhượng bộ cách này hay cách khác về vấn đề công đồng, nếu Giáo Hội và cách riêng giáo hoàng không muốn mất tất cả uy tín. Bởi thế, ngay từ tháng giêng 1535, ngài gởi các đại sứ đi đến các triều định để báo trước về việc họp công đồng và để biết ý kiến về nơi họp thích nghi nhất. Các khó khăn phát xuất từ những người của liên minh Smalkalde và vua nước Pháp. Trong khi đặc sứ giáo hoàng gặp gỡ Luther ở Wittemberg và dường như được biết là Luther bằng lòng bênh vực học thuyết của mình trong một công đồng họp ở Mantoue hoặc ở Verone, ông được nhóm người của liên minh Smalkalde cho biết họ chỉ gởi đại diện đến với những điều kiện: công đồng phải nhóm trong một tiểu bang của Ðức, giáo hoàng phải ở dưới quyền của công đồng và phải chấp nhận các đại diện của các tiểu vương. Nước Pháp từ chối hẳn việc tham dự một công đồng hội họp ở trong vòng ảnh hưởng của hoàng đế. Nhưng, một năm sau, Pháp lại chấp thuận với một vài điều kiện. Thái độ giữ trung lập chính trị của giáo hoàng, tuy không làm hài lòng Charles Quint, dường như đã có kết quả. Cho nên, giáo hoàng đã triệu tập công đồng ở Mantoue vào tháng 5 năm 1537. Nhưng, các người của liên minh Smalkalde từ chối sắc chỉ triệu tập. Và Luther lúc ấy, ở Smalkalde soạn thảo các điều khoản và nhấn mạnh về các tương phản với tín lý Công Giáo. Vua nước Pháp tuyên bố là sự lựa chọn Mantoue, đối với vua và các giám chức, không thể chấp nhận được vì lý do an ninh. Ngoài ra, công tước ở Mantoue đặt ra những đòi hỏi và cho biết không thể bảo đảm an ninh cho công đồng. Công đồng vì thế bị chậm trễ và phải triệu tập lại ngày 1 tháng 5 năm 1538 tại Vicence. Ở Ðức, các nhà thần học như Eck và các tiểu vương Công Giáo không tin tưởng sẽ có công đồng. Rốt cuộc, ba đặc sứ có 5 giám mục tháp tùng đến Vicence mà thôi. Gần như chỉ có họ là người tham dự. Bởi thế, ngày khai mạc được hoãn lại nhiều lần và sau hết, tháng 5 năm 1539, bị định chỉ đến một ngày vô hạn định. Hết mọi giới người Ðức tỏ ra ngờ vực. Chính hoàng đế, từ nay, cũng xem giáo hoàng như là trở ngại chính của việc nhóm họp công đồng và dọa sẽ triệu tập một hội đồng giáo sĩ thuộc hoàng triều có mầu sắc quốc gia, để thỏa thuận trực tiếp với người tin lành bằng những cuộc hội thảo tôn giáo.
Ở Roma, cuộc Cải cách, dự trù trong tờ trường trình năm 1537, được tiếp tục và trong tinh thần đó, năm 1540 Dòng Tên được chấp nhận. Từ mùa hè 1541, người ta vẫn thương thuyết về vấn đề công đồng. Người ta đã nhất trí chọn Trente là nơi hội họp. Nhưng việc triệu tập trở thành vô vọng vì có chiến tranh mới giữa Pháp và hoàng đế. Bảy tháng sau ngày khai mạc, người ta đếm được tất cả 10 giám mục. Phải đợi đến hòa ước ở Crépy vào tháng 9 năm 1544, đường đi mới được khai thông và các nghị phụ mới có thể đi dự công đồng. Dưới áp lực của hoàng đế thắng trận, Francois I bí mật cam kết gởi đại diện đến Trente. Ngày 19 tháng 11 năm 1545, đức Phaolô III ban sắc chỉ Laetare Jérusalem! (Vui lên, Jérusalem), triệu tập công đồng một lần nữa. Công đồng phải họp trong châu thành thuộc hoàng đế, ngày chúa nhật Laetare 1545, để diệt trừ sự chia rẽ tôn giáo, canh tân dân Kitô và giải phóng các Kitô hữu đang sống dưới ách của Thổ Nhĩ Kỳ. Những khó khăn và những sự nghi ngờ mới, một lần nữa lại làm chậm trễ việc khai mạc công đồng. Giáo triều bổ nhiệm rất trễ ba đặc sứ phụ trách công đồng, là hồng y Del Monte, nhà thông thái Cervini, và Reginald Pole, một thân quyến của vua nước Anh. Một số giám chức tới muộn, trong khi đó Roma và triều đình mở những thương nghị ngoại giao lớn với nhau. Một cách hiển nhiên, đối với hoàng đế bây giờ là vấn đề kéo dài thời gian. Charles Quint biết là các người tin lành không bao giờ tự họ đến tham dự một công đồng thuộc giáo hoàng. Luther còn hung dữ hơn Melanchton năm 1545, đã viết một bài văn khích báng ”chống lại chức vụ giáo hoàng Roma do quỉ vương đặt ra”. Ông ta muốn gởi đến Trente bài ấy in bằng tiếng Ðức và tiếng Latinh. Bởi thế, hoàng đế dự trù trước tiên phá vỡ lực lượng chính trị và quân sự của Tin Lành, tức là liên minh Smalkalde, kế đó, mời cưỡng bách kẻ chiến bại phải đến dự công đồng. Nhưng, để thực hiện kế hoạch quân sự ấy, Ngài cần sự liên minh của giáo hoàng. Sau cùng, công đồng được khai mạc chúa nhật thứ ba mùa vọng, ngày 13 tháng 12 năm 1545, trước khi chiến tranh bắt đầu. Cuộc ”chiến đấu cho công đồng” đã chấm dứt.
XV. CÔNG ÐỒNG TRENTE.
Trong số người hiếm hoi tham dự lễ khai mạc long trọng công đồng: ngoài 3 hồng y đặc sứ, có đức hồng y ở Trente, 4 tổng giám mục, 21 giám mục, 5 bề trên cả dòng, mấy đặc phái viên của vua Ferdinand và 50 văn hào, phần đông là thần học gia, không ai ngờ rằng công đồng này, mặc dầu bị gián đoạn hai lần, đã chấm dứt 18 năm sau. Cũng ít ai ngờ rằng công đồng này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đã đưa ra một định hướng chắc chắn cho đời sống của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ. Các đặc sứ, trong giai đoạn đầu của công đồng, cho đến tháng 9 năm 1549, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách khéo léo, nhất là, vào lúc đầu, không có chương trình nghị sự rõ rệt. Các quan niệm về chương trình làm việc hết sức khác biệt. Giáo hoàng muốn xác định lại những tín điều mà phong trào Cải cách đặt nghi vấn. Charles Quint và em là Ferdinand muốn trước tiên bàn đến việc cải tổ lại Giáo Hội. Việc xếp những cuộc bàn cãi về vấn đề Ðức Tin vào hàng thứ hai sẽ dẽ dàng mời các người tin lành đến Trente, và do đó, hoàng đế chiến thắng cũng dễ khai thông con đường dẫn tới việc tái lập thống nhất đế quốc. Một cách khéo léo, các đặc sứ dành cho mình quyền đề nghị theo thể thức hỏi ý kiến công đồng để biết phải bắt đầu với vấn đề tín điều hay với việc Cải cách. Ðại đa số chọn cứu xét hai vấn đề cùng một lúc. Nhưng giáo hoàng mà các đặc sứ vẫn giữ liên lạc thường xuyên bằng thư tín, không chấp thuận giải pháp này. Do đó, công đồng không thể biến quyết nghị ra sắc lệnh được. Tuy nhiên vẫn cho thi hành quyết nghị sau khi các đặc sứ phản ứng chống lại sự không chấp thuận, và sau cùng, các ngài được Roma cho tự do hành động một phần nào. Bởi thế, các khóa họp về sau thảo luận cùng một lúc các khoản luật về giáo lý và các sắc lệnh về việc canh tân nghiêm chỉnh. Khi nói đến canh tân thì chắc chắn không phải là thay đổi tận gốc các định chế hiện có, thí dụ như bãi bỏ chế độ dòng tu và các quyết định tương đương. Thực tế, đối với người tin lành những quyết định như thế đã nằm trong cuộc Cải cách rồi, đây chỉ còn việc diệt trừ các lạm quyền hoặc, đơn giản hơn, là việc áp dụng các quyết định về tín điều. Theo nhiều nghị phụ, đa số các lạm quyền là hậu quả của một nền giáo huấn còn thiếu sót
Nội quy được chấp thuận dựa theo nội quy của công đồng Bâle với các đại biểu nhóm họp theo môn học và của công đồng Latran V với quyền chuyên chế, dành cho các đại sứ, (mặc dù quyền này rất bị cạnh tranh) thay vì cho vị chủ tịch được các nghị phụ bầu phiếu. Các đặc sứ trình bày trước đại hội những điều khoản lạc đạo trích ra từ bản văn của những người tin lành hoặc, một cách gián tiếp, theo bản văn của người đối nghịch của họ. Các thần học gia, không có quyền biểu quyết và phần đông thuộc các dòng khất thực, hoàn toàn tự do bàn cãi về các điều khoản ấy. Các nghị phụ, có quyền biểu quyết, cho biết quan điểm của mình trong các phiên họp khoáng đại. Tiếp đến, các nghị phụ bầu ra một ủy ban chuyên lo soạn thảo các quy điển và các điều khoản giáo lý cần bàn cãi. Các vấn đề bàn cãi trong Ủy ban dần dần trở thành những mấu chốt trong việc làm của công đồng. Tiếp theo là lần đọc duyệt xét thứ hai hoặc thứ ba ở phiên họp khoáng đại. Ðiểm mấu chốt sau cùng là việc công bố trong phiên họp long trọng, những quyệt nghị được soạn thảo và bàn cãi kỹ lưỡng.
Như đã nói, khi khai mạc, công đồng chỉ quy tụ được 29 hồng y và giám mục. Trong suốt thời gian đầu, từ Ðức đến, người ta chỉ thấy có giám mục phụ tá ở Mayence là Michael Helding và các giám mục phó ở Trèves và Augsbourg. Phần Lan, Hung Gia Lợi và Thụy Sĩ hoàn toàn không có đại diện. Các nước Âu Châu Công Giáo khác đều có mặt. Bề trên cả dòng Ẩn Tu thánh Augustin nổi bật cách đặc biệt bởi tầm hiểu biết rộng rãi. Trong số các thần học gia, người ta chú ý nhất đến các linh mục Dòng Tên Lainez và Salmeron, các tu sĩ dòng Phanxicô, đặc biệt Alphonse de Castro, các tu sĩ dòng Ðaminh Melchior Cano và Dominique Soto. Sự có mặt của phe chống đối trong công đồng chứng tỏ có sự tự do ngôn luận. Sau cùng, có việc bỏ phiếu thật sự, cho dù bỏ phiếu theo số người chứ không theo quốc gia như ngày trước ở Constance.
Các tranh luận và định nghĩa về tín điều là cần thiết, vì sắc chỉ Exsurge chỉ lên án các đề nghị đầu tiên của Luther mà thôi. Tiếp theo đó, người tin lành đã khuếch đại các quan niệm của họ mà huấn quyền của Giáo Hội chưa can thiệp đến. Và cũng cần bác bỏ những mập mờ về thần học vì chúng đi ngược với việc Cải cách. Thế nhưng, để đi đến những định nghĩa tín điều, trước tiên phải thỏa thuận về phương pháp thần học. Ðứng trước sự phân biệt, do Luther chủ xướng theo lập trường của Erasme về Kinh Thánh, chia Kinh Thánh thành quy điển và ngụy kinh, người ta nhắc lại quy điển của công đồng Florence, mà không đưa ra một nền tảng mới. Bởi thế, vấn đề phân biệt giữa các sách quy điển và chính xác vẫn còn bỏ ngỏ. Người ta tấn công một cách nghiêm khắc và mạnh mẽ hơn về nguyên tắc dứt khoát của Luther trong khóa họp thứ bốn, khi ông coi truyền thống là công việc của loài người, như nguồn gốc Ðức Tin ngang hàng với Kinh Thánh. Sau khi các cuộc tranh luận phân biệt rõ ràng những tập tục kỷ luật, người ta để cho các nhà thần học hậu lai ấn định là truyền thống tín lý có mang trong mình một luồng mạc khải hay chỉ bổ khuyết và giải nghĩa Thánh Kinh mà thôi. Nói cách khác, nó có bổ túc cho Kinh Thánh hay chỉ giải thích Kinh Thánh mà thôi. Người ta tuyên bố ”bản phổ thông” là chính xác được dùng trong khoa thần học của Giáo Hội. Ðó là bản văn chính thức và đầy đủ làm nền tảng cho các tín điều. Công đồng cho biết lý do của quyết định này: là vì trong các bản dịch Latinh của Kinh Thánh hiện đang dùng, Hội Thánh cần biết bản nào có thể xem là chính xác. Bởi thế, bản phổ thông cần được đánh giá đặc biệt, do sắc lệnh này, để phân biệt với các bản dịch tiếng Latinh khác. Nhưng việc đánh giá không áp dụng cho các bản văn nguyên thủy bằng tiếng Do Thái hoặc Hy Lạp. Sự làm nổi bật giá trị này là cần thiết vị trong các cuộc thảo luận về thần học cũng như trong các bài diễn văn, lúc đó, thường có thói quen viện dẫn những đoạn Kinh Thánh bằng La ngữ. Công đồng nhận biết các khuyết điểm của các bản dịch và dự định phát hành một bản sẽ sửa chữa lại các giải thích Kinh Thánh, căn cứ vào sự nhất trí của các giáo phụ và phán quyết của Giáo Hội.
Dựa trên các nền tảng ấy, có thể đặt ra các định nghĩa về tín điều mà người ta cần dùng. Các đặc sứ đốc thúc các cuộc thảo luận về tín điều, bất chấp cuộc chiến tranh Smalkalde sắp bùng nổ cũng như những toan tính định hoãn của hoàng đế. Khóa họp thứ năm chấp thuận sắc luật về tội nguyên tổ chống lại quan niệm của lạc giáo Pélage và cũng chống lại ngụy thuyết của Zwingli và của Luther: Họ cho rằng dục vọng là sự tiếp nối của tội nguyên tổ. Học phái thánh Augustin do Seripando cầm đầu đứng về phía thiểu số. Cũng như trong các cuộc thảo luận về sự công chính hóa kéo dài hơn sáu tháng. Sự kéo dài này có nhiều lý do: vì sự hốt hoảng trước phe Smalkalde, vào tháng 7 năm 1546, đe dọa chiếm các đèo núi Alpes; vì sự chống đối của phe hoàng gia không chịu đi đến một kết luận về các cuộc bàn cãi nếu không có sự tham gia của người tin lành, nhất là vì có sự bất đồng ý kiến rõ rệt giữa chính các nghị phụ ước mong đi đến giải pháp tốt đẹp nhất cho các vấn đề khó khăn. Dự thảo của Seripando được tu chính tới ba lần. Những câu hỏi liên quan đến vấn đề hai lối công chính hóa và sự chắc chắn về ơn cứu rỗi được khảo sát trong các hội nghị thần học riêng biệt cho đến khi toàn thể chấp nhận sắc luật về sự công chính hóa trong kỳ họp thứ sáu, tháng giêng năm 1547. Bản văn hệ trọng và đầy đủ nhất của công đồng, gồm 16 chương về giáo lý và 33 khoản luật, không chủ định nghiêng về phía các trường phái thần học khác nhau. Ấn định rõ ràng vị trí của công đồng trước quan niệm của người tin lành và chỉ quan tâm đến việc công bố Ðức Tin. Bản văn diễn tả tất cả quá trình tâm lý của sự công chính hóa và định nghĩa học thuyết về ơn thánh sủng và về công đức. Học thuyết về hai lối công chính hóa, do Contarini bênh vực ở Ratisbonne và do Seripando tường trình khi thảo luận sơ bộ, bị bác bỏ. ”Tất cả sự công chính hóa đích thực sở dĩ có, được tăng triển hoặc phục hồi là nhờ các bí tích”. Rồi, một cách hợp lý, người ta chú tâm đến vấn đề các bí tích. Khóa họp thứ bảy ấn định các khoản luật hoặc những đề nghị giáo lý liên hệ đến các bí tích nói chung và đến các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức nói riêng. Ở đây, có thể tham chiếu công việc làm của phái kinh viện thời Trung Cổ và để chống lại quan niệm của Luther về hiệu quả của một mình Ðức Tin, bằng ”dấu hữu hiệu” trong các bí tích, nghĩa là hiệu năng nội tại khi các bí tích được cử hành thành sự.
Kể từ khóa họp thứ năm, đồng thời với các định nghĩa về tín điều, những sắc lệnh Cải cách cũng được soạn thảo. Bản văn thứ nhất, yêu cầu lập quy chế những người đọc Kinh Thánh trong các nhà thờ chính tòa, các nhà thờ tập đoàn và nếu có thể, trong các dòng tu. Người ta muốn dùng cách ấy để nâng cao trình độ văn hóa của hàng giáo sĩ và thanh lọc việc giảng thuyết khỏi các lạm dụng và khỏi thói quen xấu. Người ta nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các giám mục và linh mục phải giảng ngày chúa nhật và các ngày lễ trọng. Người ta cho các giám mục quyền kiểm soát các nhà thuyết giáo cho dù họ thuộc một dòng tu. Một sắc luật khác liên hệ đến nhiệm vụ cư trú của những giám mục và linh mục có trách nhiệm mục vụ. Ðó là cách chữa trị một tập tục đâm rễ sâu từ nhiều thế kỷ, là sự vắng mặt thường xuyên và lâu dài của các giám mục và cha sở. Nhưng việc nhấn mạnh đến bổn phận sẽ không giải quyết được gì cả, bao lâu chưa dẹp bỏ các chướng ngại và khó khăn phát xuất từ quyền thế tục và còn tệ hơn, từ giáo triều. Tấn công các trở lực ấy là đảo lộn hoàn toàn bộ máy hành chánh của Giáo Hội và đặt lại vấn đề hiện hữu ngay của những giám mục làm việc trong giáo triều, sự kiêm lãnh các bổng lợi, quyền phong chức không có kiểm soát của nhương giám mục hiệu tòa và những sứ thần tòa thánh, sự gia tăng các miễn chuẩn, vô số kháng cáo về Roma và tập quán miễn hứa. Một số nghị phụ không xác tín là giáo hoàng muốn thật tình thực hiện một cuộc Cải cách, thế mà tất cả đều tùy ở ngài. Các đặc sứ, thoạt tiên, muốn có một sự sắp xếp cho trật tự các hình phạt. Dự án của các Ngài đệ trình, trong khóa họp thứ sáu, không được chấp thuận. Sau đó, mọi suy tư được kết thúc bằng lời tuyên bố của Del Monte: mục đích công việc Cải cách của chúng tôi là tái lập hoạt động mục vụ (22). Chính đức giáo hoàng đi thêm một bước nữa theo chiều hướng ấy: ngày 18 tháng 2 năm 1547, ngài ban hành một sắc luật cấm các hồng y kiêm nhiệm nhiều giáo phận. Dưới ảnh hưởng của sự quy định ấy, sắc luật về trú sở nghĩa là địa vị ưu tiên dành cho hoạt động mục vụ và phần rỗi các linh hồn được chấp thuận dẽ dàng trong khóa họp thứ bảy. Sắc luật gia tăng các hình phạt không đủ để đương đầu với các bó buộc của một sự Cải cách quyết liệt đã được thay thế, trong giai đoạn thứ ba, bởi một sắc luật khác, nhưng nó chứng tỏ một ý chí nghiêm chỉnh muốn tiến tới một sự thay đổi thành thật.
Giữa lúc ấy, trong khi liên minh Smalkalde giao chiến, giáo hoàng triệu hồi quân đội phụ lực của mình và trong lúc hoàng đế đạt tới chóp đỉnh quyền lực, quyết buộc các người tin lành bại trận, đến dự công đồng, thì các đặc sứ cho rời công đồng đến Bologne, ngày 11 tháng 3 năm 1547. Người ta lấy cớ là bệnh sốt rét truyền nhiểm xẩy ra ở Trente. Nhưng đó không phải là nguyên do chính, đúng ra, là để thoát khỏi ảnh hưởng quá thúc bách của hoàng đế; lại nữa, Cervini đã bỏ mặc nước Ðức tự giải quyết lấy số phận, ông quyết tâm chỉ chiến đấu để giữ vững Ðức Tin tại các quốc gia latinh mà thôi. Người ta cũng sợ rằng công đồng bị hoàng đế chế ngự có thể can thiệp một cách bất ngờ nếu có cuộc bầu cử giáo hoàng: lúc đó đức Phaolô III đã 80 tuổi. Ngài tỏ ra hài lòng về sự đổi chỗ ấy: trong một châu thành thuộc lãnh thổ giáo hoàng, ảnh hưởng của ngài trên công đồng dễ được duy trì hơn ở Trente, một thị trấn xa xôi và thuộc quyền hoàng đế.
Thế nhưng, việc rời nơi họp là một sai lầm lớn. Một thiểu số 14 giám chức gắn bó với hoàng đế, phản đối và ở lại Trente. Charles Quint tức giận đến cực độ và đe dọa đi đến ly giáo. Ông đã truyên bố: sẽ vận dụng mọi cách nhóm họp một công Ðồng mới để hủy bỏ mọi quyết định đã biểu quyết, ông quy cho giáo hoàng phải gánh chịu tất cả trách nhiệm và chính ông sẽ thực hiện chương trình Cải cách cần thiết. Hoàng đế hứa với các nghị viên Augsbourg sẽ tiếp tục công đồng Trente và, trong khi chờ đợi, tuyên định ”quyền tạm thời”. Các giới thân cận hoàng đế nghĩ đến việc tiếp tục hội nghị ở Trente mà không cần giáo hoàng, mặc dù đó là hiểm họa đi đến ly khai. Cho dầu lên tiếng long trọng phản đối, hoàng đế không thành công trong việc hội nghị trở lại Trente. Tuy nhiên, trong lúc giáo hoàng và hoàng đế tiếp tục thương thuyết, công đồng vẫn tiếp tục công việc một cách tích cực qua các hội nghị suy tư và tranh luận thần học, nhưng không ban hành một sắc lệnh nào trong cả 2 khóa họp long trọng. Các cuộc tranh luận về giáo lý của thánh lễ và về các ân xá, các lời phát biểu về những vấn đề liên quan đến luật hôn nhân, là những chuẩn bị quý báu cho tương lai. Cuối cùng, theo ý muốn của giáo hoàng, hoạt động của công đồng hoàn toàn chấm dứt, kể từ tháng hai năm 1548. Ðến tháng 9 năm sau, hai tháng trước khi ngài chết, đức Phaolô III đình chỉ chính thức công đồng.
Mật nghị hồng y kéo dài gần 3 tháng. Cuối cùng, một ứng viên được bầu lên, tượng trưng cho sự hòa giải giữa hai phe của hoàng đế và của người Pháp đang đối chọi nhau. Người đó là hồng y đặc sứ Del Monte. Ngài lấy danh hiệu là Jules III (1550-1555). Vị tân giáo hoàng cũng là người chuyển tiếp. Ðược lớn lên giữa thời kỳ Phục hưng, ngài thích sống dễ dãi và xa hoa, ưa săn bắn, yến tiệc và thiên về chính sách gia đình trị. Ngoài ra, Ngài rất thông hiểu tình hình của Giáo Hội. Ngài ưu đãi các phong trào Cải cách, đặc biệt Dòng Tên. Nhưng, trước hết, Ngài rất quan tâm đến việc tái họp công đồng như Ngài đã hứa ngay khi được đắc cử. Ngài không bị mắc tròng bởi những mưu toan của nước Pháp ”vì lý do chính trị không muốn có sự hòa hợp giữa giáo hoàng và hoàng đế”. Tháng 11 năm 1550, Ngài tuyên bố tái họp công đồng ở Trente, vào tháng 5 của năm kế tiếp.
Thời kỳ thứ hai của công đồng kéo dài một năm nghĩa là cho đến tháng 4 năm 1552. Khai mạc đúng ngày đã định nhưng với sự hiện diện của một số nhỏ nghị phụ. Phải đợi nhiều tháng nữa số người tham dự mới vượt quá con số của thời kỳ thứ nhất. Không có một giám mục nào của Pháp cả. Vì giáo hoàng đồng minh với hoàng đế, đã khai chiến với Parme, nên vua Pháp đe dọa mở một công đồng quốc gia. Các giám mục Ðức đến với một số đông hơn: bên cạnh các tuyển cử vương vùng Rhenanie, có các giám mục chính tòa hay phụ tá của các miền Strasbourg, Constance, Coire, Chiemse, Vienne và Naumbourg, và cả một phái đoàn đại biểu Tin Lành. Thật vậy, nhân dịp nghị hội ở Augsbourg, năm 1548, hoàng đế đã thực hiện được việc bắt buộc các người tin lành gởi đại biểu đến Trente. Thật ra những người này đã đặt điều kiện là công đồng không do giáo hoàng điều khiển và phải thảo luận lại các sắc lệnh đã biểu quyết trong thời kỳ thứ nhất. Ðiều Không thể hiểu là hoàng đế không biết các điều kiện ấy. Còn phần giáo hoàng, lúc đầu ngài không biết chi cả về vấn đề đó. Như vậy, các điều kiện đặt ra làm mất tất cả ý nghĩa của việc người lành đến tham gia và họ đã không đạt được một giải pháp đúng thực giữa các học thuyết đối lập.
XVI. NGƯỜI TIN LÀNH Ở TRENTE.
Vào mùa thu, các nghị phụ trở lại Trente. Dựa trên những công trình đã chuẩn bị ở Bologne, các ngài tiếp tục tranh luận những vấn đề chưa biểu quyết. Các nghị phụ thảo luận về mỗi bí tích và khóa họp thứ 13 quyết định giáo thuyết về ”Bí tích Mình Thánh Chúa”. Ðể chống lại giáo thuyết về sự ”hiện diện tiềm thể” (présence virtuelle) hoặc tượng trưng của, người ta quả quyết sự ”hiện diện thật sự” (présence réelle), đem giáo thuyết ”biến thể” (transsubstantiation) chống lại thuyết ”hợp chất luận” (impanation). Người ta chờ người tin lành đến để quyết định về 4 điều khoản liên hệ đến việc rước lễ dưới hai hình thức và việc rước lễ của trẻ em. Thật thế, trong khóa họp này có những đại diện của Brandebourg đệ trình bản báo cáo với lời văn rất tùng phục giáo hoàng. Trong khóa họp kế tiếp, các nghị phụ tuyên bố giáo thuyết về phép giải tội và phép xức dầu bệnh nhân. Các ngài bênh vực cách đặc biệt phép giải tội, tính cách tư pháp của việc tha tội và đền tội. Các sắc lệnh Cải cách không được sự chấp thuận của tất cả những người tham dự hai khóa họp, liên quan đến tòa án Giáo Hội, các thủ tục của giáo triều chống lại các giám mục, các nhiệm vụ và quyền hạn của giám mục, đời sống linh mục và sự ban phát những ân bổng.
Giữa lúc đó, nhiều phái đoàn Tin Lành khác đến, đó là các đại diện công tước Christophe de Wurtemberg và dân biểu của 6 thành phố miền Nam Ðức, là Sleidan de Strasbourg, nhà chép sử tương lai. Các đại biểu của tuyển cử vương Maurice de Saxe tới muộn hơn cả. Các chính trị gia và luật gia ấy được đón tiếp cách thân hữu bởi các người Ý và người Tây Ban Nha, nhưng họ không muốn giao thiệp trực tiếp với các nghị phụ, họ thương thảo qua trung gian của các đại biểu của hoàng đế. Những việc họ đòi hỏi không phải là nhỏ: người ta thuận đình hoãn các định nghĩa về tín lý để chờ các thần học gia của họ đến và gia hạn các giấy thông hành cho họ. Tuy nhiên, những đòi hỏi: thảo luận trở lại các sắc luật đã ban hành, xét lại sự ưu đẳng của công đồng đối với giáo hoàng và giải tỏa cho các giám mục hiện diện lời thề trung thành, là những yêu sách không thể thực hiện được. Khi các nhà thần học ở Stuttgart đem đến một ”tuyên ngôn từ Wurtemberg” và đòi công đồng chấp thuận, ngay chính hoàng đế cũng hiểu rằng các cuộc thương thuyết không thể có hy vọng thành tựu. Ðể che dấu các sự chuẩn bị phiến động chống lại Charles Quint, tuyển cử vương ở Saxe gởi Melenchton đến Trente một lần nữa. Rồi ông bắt tay hành động, liên kết với Pháp và tiến về miền Nam nước Ðức. Hoàng đế bỏ chạy từ Innsbruck và các nghị phụ, vì sợ sự tiến quân gần kề của Tin Lành, nên phân tán đi tứ phía. Cuối cùng trong khóa họp thứ 16, công đồng phải ngưng nhóm và dời lại 2 năm sau. Trên thực tế, công đồng chỉ tái nhóm sau gần 10 năm.
Nghị hội còn lại như một công trình dang dở. Rất nhiều vấn đề không được giải quyết, các sắc luật Cải cách do giáo hoàng tuyên bố không được xác nhận và do đó, không được áp dụng trong đời sống của Giáo Hội. Dĩ nhiên ở Roma, người ta đã chuẩn bị một huấn lệnh Cải cách rộng lớn để các sắc lệnh ở Trente, sau khi được sửa chữa hoặc bổ túc, có tín lực luật pháp (tại Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, các quyết đ̣nh của công đồng được xem như có tín lực luật pháp) nhưng, vị giáo hoàng tạ thế, nên huấn lệnh không được ban hành.
Cuộc bầu cử giáo hoàng tiếp theo, chứng tỏ giáo triều nhất trí theo đuổi công trình Cải cách quyết liệt. Các hồng y đã đưa lên ngôi một nhân vật rất xứng đáng, là hồng y Cervini, người được đặc biệt chú ý trong giai đoạn đầu của công đồng. Sự lựa chọn vị linh mục thông thái, đã làm việc ngày đêm cho các sắc luật, được chào mừng trong niềm hy vọng đầy hoan hỉ. Nhưng Marcel II, từ trần 22 ngày sau. Tên của ngài được tồn tại với bài lễ giáo hoàng Marcel của Palestrina.
XVII. GIÁO HOÀNG PHAOLÔ IV.
Trái với ước nguyện của các vị thân Tây Ban Nha và hoàng đế, mật nghị các hồng y đã bầu vị niên trưởng Carafa, một người quí phái ở Naples, lên ngôi giáo hoàng, lấy danh hiệu là Phaolô IV. Ðức Phaolô IV (1555-1559) cũng thuộc về số người muốn có chương trình cải tổ quyết liệt. Là giám mục ở Chieti, ngài đã áp dụng không nương tay việc cải tổ trong địa phận của ngài. Người ta biết ngài thuộc thành phần của Dòng Tình Yêu Thiên Chúa, là một trong những sáng lập viên dòng ”Théatins” và là hội viên trong Ủy ban Cải cách dưới triều đức Phaolô III. Ngài đã đúng 79 tuổi, nhưng vẫn còn sung sức và đầy nghị lực. Một ý chí sắt đá liên kết với sự bất khuất của tuổi già. Ðứng trước những chuyện sai trái, ngài dễ thịnh nộ, nhất quyết không chấp nhận. Rập theo những ý kiến của đức Innocent III về quyền lực chính trị, ngài nghĩ rằng mình phải thực hiện sở vọng ấy chẳng hạn như sau khi Charles Quint thoái vị. Không có một chút hiểu biết về những thay đổi chính yếu của thời đại, nên ngài thường thiếu sự phán đoán chính xác về con người. Bởi đó, trong sự hăng say mù quáng về sự tinh tuyền của Ðức Tin, ngài ngờ vực ngay những người xứng đáng như các hồng y Morone và Pole. Ngài ra lệnh cầm tù Morone trong 2 năm. Pole, nhờ lưu ngụ ở Anh và vì chết sớm mới thoát khỏi một số phận tương tự. Chính sự thiếu tâm lý ấy đã giải thích tại sao ngài chọn người cháu là Carlo Carata làm bộ trưởng. Không phải chính sách gia đình trị dưới hình thức xưa đã thúc đẩy ngài, nhưng chỉ vì ngài chờ đợi nơi người cháu một hậu thuẫn mạnh mẽ trong các bổn phận của mình. Tiếc là người cháu không đáp ứng đúng ước nguyện của ngài: ông đã thành lập một chính phủ độc tài tai ác. Rồi, khi người ta có can đảm tiết lộ tình trạng ấy với giáo hoàng, ngài đã hành động không nương tay. Việc bãi chức và lưu đày không ngăn chận được các bất công và các ô nhục đã gây nên.
Trong tay của một bộ trưởng như thế, các công việc chính trị bị điều khiển một cách thảm hại. Thêm vào đó, còn có thái độ chống đối người Habsbourg của giáo hoàng vì ngài là người Naples. Bởi vậy, một liên minh được ký kết với Henri II, vua nước Pháp, chống lại hoàng đế, và người cháu của giáo hoàng công khai chuẩn bị chiến tranh. Philippe II, thừa kế nước Tây Ban Nha và các thuộc địa Ý của Charles Quint, xin đại học Louvain cấp một chứng thư tuyên bố mình có quyền ra quân trước hiểm họa của cuộc tấn công mà không lỗi bổn phận của một vua công giáo. Ðoạn, vua ra lệnh cho tổng tư lệnh là công tước Alba chiếm các lãnh thổ của giáo hoàng. Trận chiến bất lợi cho quân đội của giáo hoàng cũng như của vua Pháp. Alba đã đến trước cửa thành Roma: một cuộc tàn phá Roma lần thứ nhì sắp diển ra. Tuy nhiên, một hòa ước được ký kết và người chiến thắng tỏ ra rất nhân nhượng. Giáo hoàng phải cam kết, từ nay đứng trung lập, và những phần đất bị thâu tính được trả lại cho ngài. Nhân danh vua Tây Ban Nha, công tước Alba chứng tỏ hoàn toàn tùng phục giáo hoàng.
Trong vấn đề kế vị hoàng đế, giáo hoàng hoàn toàn lạc hướng với một sự ngoan cố thiển cận. Ðể bảo vệ quyền lợi của mình, ngài gởi đại sứ đến Franfort nhưng vị này không đóng một vai trò nào trong việc bầu cử. Ðang khi đó có ba tuyển cử vương Tin Lành tham gia cuộc bầu phiếu. Tân hoàng đế Ferdinand I tuyên cáo bị ràng buộc bởi hiệp ước hòa bình Augsbourg mà giáo hoàng coi như vô hiệu. Giáo hoàng dựa theo báo cáo của một ủy ban, tuyên bố không thể thừa nhận việc truyển cử Ferdinand. Nhưng người ta bất chấp sự phản đối pháp lý ấy và như thế lại càng tốt cho quyền lợi Công Giáo.
Nếu giáo hoàng thiếu hiểu biết về các vấn đề chính trị của thời đại, thì trái lại Ngài rất hăng say với việc cải tổ Giáo Hội. Tất nhiên, Ngài không muốn nghe nói đến công đồng vì, theo ngài, nó kéo dài quá lâu và ít hiệu quả. Ngài muốn chính Ngài hành động. Dựa trên các nguyên tắc của bản phúc trình về Cải cách mà ngài đã cộng tác soạn thảo, Ngài đã khai chiến quyết liệt với ”lạc giáo buôn thần bán thánh”, cụm từ được dùng để chỉ tất cả những lạm dụng. Quyền hạn của tòa thẩm tra được nới rộng, tòa chưởng ấn được hoàn toàn cải tổ dù có thiệt hại cho lợi tức của giáo hoàng. Kỷ luật giữa hàng giáo phẩm và trong các dòng tu được củng cố mạnh mẽ. Ngài đe dọa sát nhập tu sĩ Capucins với tu sĩ Phanxicô. Vì là dòng gốc Tây Ban Nha nên Dòng Tên bị giáo hoàng nghi ngờ: ngài ngưng cấp viện trợ cho các tập đoàn Dòng Tên ở Roma và cho khám xét nhà tập của dòng vì tình nghi tàng trữ vũ khí; giáo hoàng còn quyết định duyệt xét lại các quy chế và điều lệ của dòng. Sau khi Ignace mà giáo hoàng gọi là ”bạo chúa của Dòng”, qua đời, Ngài bắt Dòng Tên phải hát kinh nhật tụng chung theo khuôn mẫu của dòng Théatins và hạn chế nhiệm kỳ của bề trên tổng quyền, không cho giữ chức vụ suốt đời nữa.
Lạc giáo bị trừng phạt nghiêm nhặt. Giáo hoàng coi như một vấn đề lương tâm, việc ngài phải tham sự mỗi tuần các phiên tòa của tòa án Ðức Tin. Chẳng bao lâu, tòa thẩm tra nới rộng quyền của mình để xét xử những khiếm khuyết luân lý, những lộng ngôn, việc không giữ những ngày kiêng cữ và thường hay để tai nghe những lời phao vu vô căn cứ. Vì thế, sau khi đức Phaolô IV qua đời, người ta không lấy làm lạ khi chứng kiến việc dân chúng, quá phẫn nộ, phá tân dinh thự của tòa thẩm tra. Giáo hoàng cũng tấn công các sách vở lạc đạo: người ta thiêu hủy cả ngàn quyển sách và, năm 1559, ấn hành lần thứ nhất cuốn mục lục các cấm thư. Những phán quyết của ngài quá nghiêm khắc đến nỗi Canisius tuyên bố là không thể lưu tâm đến nó ở Ðức. Vài năm sau, cấm thư này bị bãi bỏ. Cũng do cuộc đấu tranh quyết liệt chống lạc đạo mà có sắc chỉ: ”Cum ex Apostolatus Officio”,trong đó giáo hoàng lấy quyền tối thượng của mình trên các dân tộc và trên các vương quốc, tái lập tất cả hình phạt mà những người lìa bỏ Ðức Tin, dù là linh mục, giáo hữu, quốc vương hay giáo dân phải gánh chịu, đồng thời tuyên bố vô hiệu những cuộc bầu cử của người lạc đạo. Họ bị truất quyền, tước vị và tịch thu tài sản. Các lãnh thổ và tòa giám mục phải hoàn trả lại cho người công giáo, sở hữu chủ đầu tiên. Những lời tuyên bố như vậy khiến cho người công giáo, trong những quốc gia Tin Lành, có thể bị gán vào tội phản quốc, mặc dù trên thực tế, các lời ấy, một cách chung, không có hiểu lực gì.
XVIII. TÁI MỞ, KHỦNG HOẢNG VÀ CHẤM DỨT CÔNG ÐỒNG.
Ðức Phaolô IV, vị giáo hoàng cuồng nhiệt, tạ thế được bốn tháng, thì trong đêm Sinh Nhật 1559, mật hội hồng y mới bầu được người kế vị. Lý do chậm trễ là vì ngay giữa hồng y đoàn có nhiều chống đối quốc gia rất mạnh mẽ. Ðức tân giáo hoàng Pie IV (1559-1565), người Medicis vùng Milan, tỏ ra rất dè dặt trước những dự tính cải tổ cuồng nhiệt của đức Phaolô IV. Ngài là nhà ngoại giao, một nhân vật đáng mến tạo nên một sự bù trừ thanh khiết cho Giáo Hội sau các hành động quá mức của triều đại trước. Ngài bang giao lại với người Habsbourg của đế quốc cũng như của Tây Ban Nha vì Ngài quá hiểu rằng vị chúa trùm của Tây Ban Nha và của các quốc gia lân bang là những điểm tựa mạnh mẽ của Giáo Hội. Ðức Pie IV gạt bỏ chính sách gia đình trị và đưa ra tòa các người cháu của vị tiền nhiệm: hai trong số ấy bị hành quyết. Dù vậy, Ngài cũng không tránh được việc ưu đaơi họ hàng, cho họ giữ chức quyền và hưởng bổng lộc. Vì thế, Ngài đã gọi đến Roma người cháu 21 tuổi là Charles Borromée và bổ nhiệm hồng y; vài tháng sau lại phong làm giám mục Milan, đồng thời giao cho việc quản trị các lãnh thổ của giáo hoàng và điều khiển ngành ngoại giao của Vatican. Nhờ những đức tính chói lọi của cháu hồng y trẻ tuổi, người ta quên đi việc ông chú thiên vị gia đình thái quá. Cái chết đột ngột của người anh cả, không có con, khiến Charles Borromée quyết định chịu chức linh mục một cách bí mật, để gạt bỏ mọi hy vọng xem ông là người nối dõi tông đường. Bí tích truyền chức thánh là khởi điểm của một đời sống gương mẫu, đầy sự nhiệt thành tôn giáo và khổ hạnh nhặt nhiệm. Vị ”thần linh của Pie IV” (Ranke) không có công trạng phát động việc tái mở công đồng ở Trente vị đó là công trình cá nhân của giáo hoàng. Nhưng nhờ nhiệt tâm chấp hành, các chỉ thị của ông chú, và nhờ hoạt động không biết mệt mỏi trong mọi trách vụ, mà quyết định mở lại công đồng được thực hiện. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, công đồng may mắn đi đến chung kết.
Thời gian đầu tiên rất khó khăn. Sự gián đoạn đã có những hậu quả tai hại. Nơi nhiều quốc gia đã phát sinh những tình trang mới. Ở Ðức, giáo thuyết Luther thêm vững chắc như một lực lượng chính trị nhờ hòa ước Augsbourg. Ở Ba Lan, một công nghị quốc gia đã liên kết chặt chẽ hơn phía các người tân tòng. Ở Anh, Elisabeth I đã đảo ngược lại công trình tái Công Giáo hóa của người chị dâu. Và ở Pháp, giáo thuyết Calvin tiến triển điều hòa và tình thế đối nội biến động, người ta nghĩ đến một công nghị quốc gia để giải quyết trực tiếp các vấn đề tôn giáo. Hoàng đế ước mong có một công đồng thống nhất, họp ở một nơi khác, để có thể làm việc mà không bị ràng buộc bởi những quyết định đã lấy ở Trente. Pháp cũng không muốn bị bó buộc bởi các quyết định này và còn muốn có một tuyên ngôn quả quyết là công đồng ở trên giáo hoàng. Tuy nhiên, Philippe II không đòi hỏi một công đồng mới nhưng tiếp tục công đồng cũ và giữ lại tất cả những quyết định của công đồng đã được chấp thuận cho đến bây giờ. Các cuộc thương thuyết kéo dài 11 tháng. Rốt cuộc, công đồng được triệu tập một lần nữa ở Trente, nhưng sắc chỉ không nói rõ là tiếp tục công đồng trước hay bắt đầu công đồng mới. Ðó là công lao của giám mục ở Ermland, về sau là hồng y Hosius. Nhờ ông mà vua Ferdinand thỏa thuận. Trong khi đó, Charles Borromée, với một sự khôn khéo hiếm có, đã mở các cuộc thương thuyết với Pháp và giám mục Commendone gởi thư mời các đại diện của đế quốc. Một cách thô bỉ, người tin lành khước từ lời mời tham dự cũng như sắc chỉ triệu tập nhân dịp hội nghị các tiểu vương ở Naumbourg.
Sau ngày dự trù rất lâu, công đồng mới được long trọng khai mạc, vào tháng giêng năm 1562. Tám khóa họp tiếp nối cho đến lúc công đồng may mắn đi đến kết thúc ngày 4 tháng 12 năm 1563. Nghị hội do một Ủy ban gồm 5 đạo sứ giáo hoàng điều khiển trong đó Seripando và Hosius, được đặc biệt chú ý bởi sự thông thái và sự khéo léo của họ. Còn Gonzague, ông gây được uy tín đặc biệt với các quốc gia vì ông là hoàng thân. Trong số 113 giám mục hiện diện trong phiên họp khai mạc, không có một người Ðức nào cả: các giám mục Ðức sợ, nếu tham gia công đồng sẽ làm nguy hại cho hòa bình tôn giáo theo hòa ước Augsbourg. Người ta thảo luận về các vấn đề đã được đề cập đến năm 1547. Trong đó, vấn đề bó buộc các giám mục phải ở nhiệm sở là căm go và gây ra nhiều tranh luận cuồng nhiệt giữa phe theo thuyết giám mục đoàn và phe thuộc hệ thuyết giáo hoàng. Các người Tây Ban Nha và một số người Ý bênh vực quan điểm cho rằng: Các giám mục tiếp nhận quyền hành nơi chính Chúa Kitô và do đó bổn phận nhiệm sở cũng là một bổn phận do Thiên Chúa nên không có đặc miễn nào của giáo hoàng cả và các giám mục của giáo triều, bắt đầu từ các hồng y, phải trở về nhiệm sở của mình. Còn theo phe giáo triều thì luận thuyết ấy vi phạm đến quyền tối thượng của giáo hoàng. Sau nhiều tháng bàn cãi, giáo hoàng cấm tiếp tục tranh luận về vấn đề ấy và còn nghĩ đến việc triệu hồi Gonzague và Seripando.
Kế đó, người ta trở lại các cuộc thảo luận về tín lý và cứu xét một lần nữa việc rước lễ của trẻ em cùng việc rước lễ dưới hai hình thức. Người ta soạn thảo sắc luật về sự hiến tế của thánh lễ. Sắc luật dạy rằng sự hiến tế của thánh lễ là lễ tưởng niệm và tượng trưng cho cuộc hiến tế trên Thánh Giá với cùng một vị hiến tế và cùng một của lễ, hai việc hiến tế chỉ khác nhau bởi cách thức dâng lễ mà thôi.
Giữa các cuộc bàn cãi tín lý, đại diện của hoàng đế đệ trình công đồng một văn thư của ngài, hối thúc các nghị phụ lo việc Cải cách trước khi tiếp tục bàn luận về tín lý. Văn thư này gồm một loạt đề nghị và đòi buộc cải thiện Giáo Hội từ đầu đến các chi thế. Trong số các đề nghị có việc giữ lại cách rước lễ dưới hai hình thức cho các tín hữu và việc các linh mục được lập gia đình hầu chận đứng bước tiến của chủ nghĩa Cải cách. Những yêu cầu liên hệ đến việc rước lễ đã được miền Bavière ủng hộ. Các đặc sứ đã giàn xếp để chuyển các yêu cầu ấy lên giáo hoàng và tùy ngài quyết định.
Trong khi các trí óc đã bị sôi động bởi các cuộc thảo luận về bổn phận nhiệm sở và về bản văn Cải cách, thì tháng mười một, phái đoàn Pháp gồm 12 giám chức dưới sự hướng dẫn của Charles de Guise, nhà hùng biện ”hồng y ở Lorraine”, lại tới làm cho bầu khí căng thẳng hơn. Những người mới tới bênh vực thuyết giám mục đoàn về bổn phận trú sở và còn nguy hiểm hơn nữa, họ biện hộ cho các sắc luật Constance về quyền tối thượng của công đồng đối với giáo hoàng. Về việc Cải cách, họ thiên về những đòi hỏi giống như hoàng đế và họ thuyết phục được Ferdinand gởi một bức thư cho giáo hoàng để yêu cầu Ngài đừng chống lại cuộc Cải cách của công đồng. Người ta cũng chờ đợi một cuộc vận động tương tự như thế của Philippe II. Khi hoàng đế về ở tại Innsbruck hầu được gần bên công đồng, ông triệu tập một cố vấn đoàn gồm các thần học gia thuộc hoàng triều để bàn luận về việc Cải cách. Trong lúc, ”hồng y ở Lorraine” và vị đại biểu của Tây Ban Nha được mời tham dự các cuộc tham khảo ý kiến, thì rủi thay, hai đặc sứ lỗi lạc nhất của công đồng là Gonzague và Seripando, đã lần lượt tạ thế. Cái chết của các ngài tạo nên một lỗ hổng lớn, khiến công đồng Trente như mất ý nghĩa và hiệu năng. Chính giáo hoàng và các vị cố vấn của ngài, nhất là Borromée, nhận thấy nguy cơ ấy, nên các ngài tìm mọi cách thỏa thuận với hoàng đế. Bởi thế, đức Pie IV đã bổ nhiệm nhà ngoại giao tài tình nhất của mình, là hồng y Morone làm chủ tịch cộng đồng. Vị này đi Innsbruck và thuyết phục hoàng đế về ý chí thành thật muốn Cải cách của giáo hoàng. Guise chấp nhận sự dàn hòa và Philippe II nhận được bức thư viết tay của đức Pie IV xác nhận ý định của mình. Cuộc khủng hoảng được vượt qua. Nhờ vậy, công đồng đã hoàn thành trách vụ cách tốt đẹp như lòng mong muốn hết sức của Borromée vốn lo sợ chú mình chết sớm.
Khóa họp kế tiếp được dành cho bí tích Truyền Chức Thánh: trái với quan niệm Tin Lành, đây là bí tích liên quan mật thiết với sự hiến tế của Thánh Lễ. Trong sắc luật về trú sở, với lời lẽ cứng rắn so với cách hành văn đã có trước, người ta bỏ ra ngoài vấn đề nền tảng là thuộc quyền Thiên Chúa hay quyền Giáo Hội. Sắc luật về các chủng viện yêu cầu tất cả giám mục thành lập chủng viện để đào tạo hàng giáo phẩm cho đủ số và đủ học vấn. Người ta dùng, gần như nguyên văn, các đề nghị ghi trong các quy chế dòng tu mà Pole soạn cho nước Anh năm 1555, và các tu sĩ Dòng Tên đã thực hiện có kết quả tốt đẹp, trong các tập đoàn của họ ở Roma. Mối lo âu cho thế hệ các giáo sĩ tương lai nằm trong những bổn phận khẩn trương của giám mục. Chỉ có như vậy mới tránh được những trở lực đang ngăn chặn đường lối Cải cách trong các địa phận và gây ra sự thiếu thốn đáng sợ về số các linh mục nhiệt thành, học thức và có đời sống đạo đức cao độ. Những phiên họp sau dành để soạn thảo những sắc luật tín lý về bí tích Hôn Phối và những quyết định pháp lý căn bản của giao ước hôn nhân. Sắc lệnh Tametsi tuyên bố không chấp nhận kết hôn bí mật. Như thế là chấp dứt nhiều mập mờ về pháp lý, và khẳng định hôn nhân là một bí tích rõ ràng và đích thực đặt dưới thẩm quyền của Giáo Hội. Khóa họp bế mạc phê chuẩn những sắc luật tín lý liên hệ đến luyện ngục, đến việc tôn kính các thánh và các ân xá. Cũng lạ là người ta chỉ bàn phớt qua vấn đề cuối cùng này cho dù nó là khởi điểm lịch sử của sự đoạn tuyệt.
Cùng một lúc người ta lo lắng đến vấn đề Cải cách. Morone thật khéo léo khi đưa ý kiến tập trung mọi thỉnh nguyện của các quốc gia khác nhau vào trong một dự án duy nhất và khi thúc đẩy các tiểu quốc vương đề nghị việc cần được công đồng quan tâm Cải cách. Ông cũng khuyên thu vắn các cuộc bàn cãi. Tuy nhiên việc cải tổ giáo triều phải giao lại cho chính giáo hoàng, và dự án của vị đặc sứ được coi như một chương trình minh bạch và đầy đủ. Chương trình này, sau một cuộc thảo luận tỉ mỉ, đã được đưa vào trong những sắc luật của hai khóa họp cuối cùng. Theo đó, người ta yêu cầu nhóm họp công nghị giáo tỉnh ba năm một lần, công nghị giáo phận năm năm một lần. Các giám mục phải điều hòa thăm viếng địa phận mình. Các kinh sĩ đoàn giáo phận được cải tổ. Những sự lạm dụng lâu đời trong việc bổ nhiệm, sự kiêm hưởng các lợi bổng, các ”thận trọng chờ xem” (expectatives), các ”trữ kim” và các ”dự trữ”, phải bãi bỏ hoàn toàn. Các quyết nghị khác liên hệ đến việc rao giảng Lời Chúa và việc huấn luyện tôn giáo cho dân chúng. Rất dễ nhận thấy trong các quyết định này có một mối ưu tư về mục vụ. Một sắc lệnh khác ”De Regularibus” giải quyết các vấn đề thuộc tu viện và dòng tu: các tu sĩ không được có tài sản riêng, việc thăm viếng các tu viện cần tổ chức lại, chế độ ”dành chỗ” (commende) bị bãi bỏ, tuổi tối thiểu để lãnh nhận chức thánh hay vào dòng tu được ấn định rõ ràng, cũng như nhiều quyết định khác đồng loại.
Ngày thứ hai của khóa họp cuối cùng, ngày 4 tháng 12 năm 1563, người ta đọc lại tất cả các quyết nghị của công đồng từ năm 1546 hay ít ra là phần dẫn nhập của các quyết nghị. Tất cả các quyết nghị ấy đều được các nghị phụ đồng thanh chấp thuận, trừ một phiếu, và được đệ trình giáo hoàng phê chuẩn. Tuy nhiên, các sắc luật về Cải cách phải được áp dụng mà không làm tổn hại đến uy lực của Tòa Thánh. Các Cải cách còn dở dang được trao thẳng cho Tòa Thánh tiếp tục thực hiện. Chức vị giáo hoàng được mọi người dự hội, nghĩa là được 255 nghị phụ nhìn nhận là cao hơn công đồng. Hội nghị được bế mạc, trước hết với nhiều lời hoan hô do ”hồng y Lorraine” trình bày để chào mừng đức giáo hoàng và các vị vua chúa, thứ đến với việc công khai lên án các người lạc đạo, và sau cùng, với lời chúc của hồng y Morone ”hãy đi về bình an”. Vài tuần lễ sau, ngày 26 tháng giêng năm 1564, đức Pie IV đã xác nhận các sắc luật.
XIX. Ý NGHĨA VÀ TẦM HIỆU LỰC CỦA CÔNG ÐỒNG TRENTE.
Công việc lâu dài của công đồng Trente, vì nhiều lần bị gián đoạn, bị đe dọa bởi rất nhiều khó khăn và khủng hoảng, đã không thực hiện được mục đích lớn lao và chủ yếu ngay từ lúc sơ khởi, là phục hồi sự thống nhất. Kitô giáo Tây phương vẫn chia rẽ trên bình diện Ðức Tin và sự đoạn tuyệt càng thêm rõ nét với các định nghĩa về giáo lý. Tuy nhiên, chính nhờ các đề nghị giáo lý phân minh ấn định bản chất tín lý chứ không phải là những ”ý kiến trường phái”, mà Ðức Tin Công Giáo được cứu thoát, và có thể nói, được giải thích trên những điểm quan trọng nhất và bị đe dọa nhất. Công đồng đặt ranh giới nhưng không gây ra sự đoạn tuyệt ở những nơi chưa xẩy ra sự đoạn tuyệt (23). Nhưng các ranh giới không thể vẽ ra khắp nơi. Do đó, vấn đề địa vị thượng đẳng của giáo hoàng vẫn còn được bỏ ngỏ và ngay các công thức đích xác nhất của các sắc luật cũng không phải là những công thức duy lý mượn từ nền triết lý Kinh Viện đã suy vong. Ngôn từ mà công đồng muốn có và duy trì là ngôn từ tôn giáo thiết tha không những đến sự chói lói của sự thật mà còn ở sự thánh thiện của đời sống kitô hữu. Cộng đồng Kitô hữu tiếp nhận các sắc luật giáo lý của công đồng, qua lối hành văn gần như cổ điển, như là kết quả của sự giác ngộ của Giáo Hội từ tốn, trung thực, và sâu xa. Nhưng đó không phải là những lời nói cuối cùng và những lời nói cho mọi thời đại, vì chính những quan điểm mới lại khơi lên, ngay trong những vấn đề đã giải quyết, những câu hỏi mới và một nền tảng đại kết rộng lớn hơn cũng có thể bổ túc cho các giải pháp đã được chấp nhận. Nhưng, trước những cuộc tấn công chí tử của thời đại ấy, Giáo Hội đã minh chứng rõ rệt cho sự thật mà mình đang có và muốn bênh vực. Ngay nội dung của mỗi đề nghị cho thấy giá trị của công việc do hội nghị thực hiện. Việc làm sáng tỏ học thuyết về sự công chính hóa, quả quyết rằng ý muốn con người không phải hoàn toàn mất tự do và sự công chính hóa không phải chỉ là một ân sủng mang đến cho đời sống luân lý cá nhân một ảnh hưởng khác thường. Ân sủng ấy còn cống hiến đầy đủ giá trị và phẩm giá, như sự gia ân có sức thánh hóa, kéo con người ra khỏi vị thế tiêu cực và giúp họ thực hiện những công việc lành. Khi gạt bỏ quan niệm cho rằng nguyên tội là hướng chiều về sự dữ, công đồng đã tránh lên án tổng quát những khuynh hướng và những ước muốn của trái tim con người mà giáo thuyết Calvin cho là phải tuyệt trừ. Bản tính tự nó không phải là tội. Các tâm tình và các đam mê cũng có thể được vận dụng vào một lý tưởng đạo đức trong đời sống xã hội. Ðó là nguồn gốc của tất cả nền văn minh barốc: việc chinh phục thế giới, tham vọng của văn minh và của văn hóa barốc, chỉ cắt nghĩa được với học thuyết Công Giáo về tội nguyên thủy.
Hiến pháp quân chủ của Giáo Hội cũng được củng cố nhờ công đồng. Dĩ nhiên, các cuộc bàn cãi chung quanh bổn phận trú sở không đưa đến việc chọn lựa một trong hai quan niệm; địa vị thượng đẳng của Tòa Thánh không được xác định rõ ràng bởi công đồng. Nhưng trên thực tế, tất cả các quyết nghị đều được đệ trình để giáo hoàng chuẩn nhận. Việc lo sợ về sự suy yếu quyền tối thượng của giáo hoàng đã trở thành vô căn cứ bởi tất cả cơ cấu và sự diễn tiến của công đồng. Ðiểm chung quyết, về phương diện lịch sử, là Giáo Hội, khi chiến đấu với chủ nghĩa Tin Lành ngày càng lan rộng và chống lại các Giáo Hội Công Giáo quốc gia, đã trở thành một cộng đồng có tính cách quân chủ. Thêm vào đó, việc củng cố quyền giám mục, nếu không phải về phương diện luật pháp, thì ít nữa trên thực tế, đã được khẳng định sánh với những hạn chế trước kia. Việc ”siêu nhiên hóa” chức vụ giáo sĩ cũng được khẳng định. Ðó là hai sắc thái đặc thù của giáo luật thuộc thời kỳ hậu công đồng Trente.
Các sắc luật Cải cách của công đồng thường có vẻ rời rạc, tản mát, không có sự gắn liền với nhau. Phải từ từ và phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn mới có thể thi hành được. Nhưng, các sắc luật chứng tỏ là người ta nhất quyết bãi bỏ nhiều sự lạm dụng (mà không chối cãi và cũng không tìm cách bào chữa) và làm sống lại lý tưởng ngày xưa. Trong rất nhiều lãnh vực, người ta đã soạn thảo một chương trình rất đầy đủ làm nền tảng cho việc canh tân tôn giáo và đạo đức của giáo sĩ và giáo dân. Việc đó không có nghĩa là người ta đã chờ có công đồng rồi mới sửa chữa mọi tật xấu. Một số lớn các Cải cách ấy đã được sửa soạn hoặc đã được thi hành nơi này hay nơi khác mà không đợi sự thúc đẩy chính thức của Giáo Hội. Chỉ cần nhắc đến việc phát sinh nhiều tu hội, các công nghị địa phận ở Verone, công trình của Giberti, một giám mục đầy lý tưởng, rất nhiệt thành với các linh hồn, với các linh mục và giáo dân trong giáo phận. Nhưng công đồng đã coi các đề nghị Cải cách như thành quả của mình và ra lệnh áp dụng trên khắp Giáo Hội. Lúc này người ta nhắc nhở cho các vị giám chức ưa sống xa hoa những lời răn dạy thời trước buộc phải sống đơn sơ và phong độ, mặc dù có áp lực của Ferdinand; người ta khước từ việc các linh mục lấy vợ, để cho các vị đã bị cách chức không ngo ngoe nữa. Với việc nhập tịch các giáo sĩ triều, người ta loại bỏ các giáo sĩ thích sống lang bang chỉ nghĩ đến tiện nghi của mình, và cung cấp cho giáo dân những vị mục tử sống ở giữa họ, thông hiểu các nhu cầu và những yếu đuối của họ. Người ta nêu cao cho dân chúng biết thế nào là một đời sống kitô và mọi người đều có ý thức là phải tự xét mình và phải tự cải tạo lấy bản thân. Như vậy là các linh mục và những giáo dân có trách nhiệm, trước kia bi quan về tương lai của Giáo Hội, nay lấy lại tinh thần lạc quan trong lành, biết tự tín trong nội tâm, có can đảm chống lại các tấn công của phong trào Cải cách Tin Lành và giương cao ý chí xây dựng lại Giáo Hội.