CHƯƠNG III
CẢI CÁCH LÀ SỰ NGHIỆP
CỦA LUTHER VÀ
VẬN MỆNH CỦA ÂU CHÂU.
CHƯƠNG III
CẢI CÁCH LÀ SỰ NGHIỆP
CỦA LUTHER VÀ
VẬN MỆNH CỦA ÂU CHÂU.
I. MARTIN LUTHER NIÊN THIẾU VÀ ÐỊNH MỆNH.
Cơn khủng hoảng ập xuống Giáo Hội đã xuất hiện hết sức sâu rộng trước những tấn công của những nhà Cải cách. Tám mươi lăm luận đề danh tiếng của tu sĩ dòng thánh Augustin là Martin Luther đã giống trống mở cờ. Sinh năm 1483 ở Eisleben, trong một gia đình thợ mỏ và trung thành tuyệt đối với Giáo Hội, ông được nuôi nấng từ trong một gia đình bình thường sau trở nên khá giả. Sau khi học ở trường Mansfield và Magdeburg, người thanh niên Martin theo trường đại học Erfurt vào mùa xuân năm 1501. Phân khoa mỹ thuật mà ông theo đuổi chuyên về Aristote, còn về lý luận, vì chịu ảnh hưởng của các tác giả Anh, nên hướng về duy từ, hình thức giảm nhẹ của duy danh. Tuy không tiếp xúc thẳng với thần học của Occam, Luther vẫn nhận quan niệm về Thiên Chúa và lối đánh giá Ðức Tin của họ mà sau này ông giảng dạy. Mặc dầu ông ham chuộng các tác giả cổ điển, ông không có những liên hệ chặt chẽ với các nhà nhân bản đại học Erfurt. Năm 1503 ông đậu tiến sĩ mỹ thuật. Gia đình thỏa thuận để ông tiếp tục học thêm và theo mong ước của người cha, Martin Luther theo ngành luật. Nhưng đột nhiên bung ra một cảnh bi thảm: ông tiến sĩ trẻ tuổi bỏ học, giữa lục cá nguyệt, ông lên đường trở về, gần tới Erfurt thì bị một cơn bão lớn. Lúc lưỡi tầm sét rớt bên ông thì ông cất tiếng kêu cầu :”Xin cứu tôi, lạy thánh nữ Anna, tôi xin làm tu sĩ”. Hai tuần sau, ông xin vào tu viện thánh Augustin, theo luật nghiêm khắc ở Erfurt. Sau này ông viết :”Trời đã xé màn gọi tôi” (1).
Những năm ở tu viện thật là những năm quyết định trong đời ông, mặc dầu khó phác họa những giai đoạn phát triển trong sinh hoạt nội tâm của ông. Dẫu sao, ông sống trong môi trường tốt đẹp, không phải như nơi kín cổng cao tường mà ông đã học biết sự sa sút trong cách ăn nết ở của nhà dòng, hay tinh thần phản giáo hoàng, hoặc phê phán lòng đạo đức bình dân; nhưng ông cũng không học được thuyết của thánh Augustin chân chính. Ông đọc Gabriel Biel: cuốn Châm ngôn, làm cho ông đi sâu vào thần học Occam và ông làm quen mật thiết với Kinh Thánh, đặc biệt sách Thánh Vịnh rồi đến thư gửi người Roma và thư gửi người Galata. Ông rất thích lá thư sau cùng này. Tất cả đã đóng ấn nền giáo huấn ông lãnh nhận. Ông khấn dòng năm 1506 và thụ phong linh mục năm 1507.
Hình như trong khi dâng thánh lễ đầu tiên, ông nghĩ tới sự cao cả đáng sợ của Thiên Chúa, ông hết sức bối rối. Ông có kinh nghiệm về cảm giác run sợ trước sự cao vời không nói nên lời được, về cái nhìn mà con người yếu hèn ngước mắt lên Thiên Chúa, ngước lên sự huy hoàng khả úy làm rung chuyển cõi đất. Con người không là gì hết trước sự cao vời khôn ví của Thiên Chúa. Vì nhận được kinh nghiệm hết sức chủ quan của một tâm hồn lo âu áy náy mà Luther có ý thức về những gì ông sẽ đem ra lý luận về sau: chỉ có một mình Thiên Chúa, con người không là gì hết. Thế nhưng nhà tu hành trẻ tuổi muốn cho mình có một niềm xác tín do kinh nghiệm về trạng thái ân sủng, nhưng vị linh hướng rất tốt lành của ông là cha Staupitz, không làm sao giúp ông lấy lại được bình an trong tâm hồn. Trong thực tế, không bao giờ ông tin rằng: Giáo Hội tiếp tục công trình của Ðức Kitô, là khoảng đất nuôi dưỡng, làm cho các Kitô hữu thành người tín hữu, do sự sống Giáo Hội truyền cho; rằng sự phán đoán của Giáo Hội ảnh hưởng tới sự hiểu biết thần học và sự thánh thiện những việc làm của mỗi người. Vị ”tiến sĩ tương lai rất thông thạo Kinh Thánh” vẫn chưa hiểu tại sao: ông lo âu tìm mọi cách làm cho lời giảng dạy phù hợp với Thánh Kinh mà không bị coi là mâu thuẫn với Giáo Hội! Thế là người ta đã thấy phác họa một trong những vấn đề chính yếu của Cải cách, là mối liên quan giữa Kinh Thánh và Giáo Hội.
Thế nhưng, những kinh nghiệm đó chưa gây ra những hậu quả thực tế. Tên Luther còn được ghi trong một bức thư về ân xá gửi cho các tu sĩ Augustin ở Erfurt năm 1508. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư ở Erfurt, rồi được vị đại diện dòng là Staupitz phái tới trường đại học Wittenberg để dạy môn triết học luân lý, rồi môn thần học. Tự lập, không theo trường phái nào, trong đại học mới được thiết lập mấy năm trước đây, ông chú giải cuốn Ðạo tắc cho Nicomaque (Ethique à Nicomaque) của Aristote, nhưng quan điểm của ông về liên quan giữa triết học và thần học lại theo Occam hơn là theo Aristote. Dựa vào Kinh Thánh và thánh Augustin, ông luôn luôn kết luận là lý trí bất lực, tuy không muốn mà phải nhận rằng Thiên Chúa quá vĩ đại đối với lý trí: người ta không thể biết Thiên Chúa qua lý trí, hiểu biết Thiên Chúa tức là hạ bệ Thiên Chúa. Việc đối chiếu với thánh Augustin làm cho ông mở con mắt nhìn vào tội lỗi, kể cả tội của người công chính và nhìn vào sự hèn yếu của ý chí con người. Luther tưởng rằng kinh nghiệm riêng của mình có thể xác nhận tất cả những điều này. Rồi ông trở về Erfurt để giảng ở học viện chung của dòng một khóa về những Luận án của Pierre Lombard. Ít lâu sau ông được phái đi Roma để lo mấy việc riêng cho dòng; ở đây ông đại diện cho lý tưởng tuân giữ luật dòng nghiêm chỉnh, đối diện với những qui chế pháp lý. Những gương xấu của Roma thời Phục Hưng lúc đó chưa làm cho ông xúc động. Khi trở về Wittenberg, được chức tiến sĩ thần học năm 1512 và nhận ghế dạy Kinh Thánh, là ghế cho tới nay do Staupitz giữ và giữ trung kiên cho tới chết. Ðồng thời ông làm giám học trong tu viện và giảng thuyết trong các nhà thờ chính tòa của thành phố. Nhà giáo sư trẻ tuổi dần dà trở thành một trong những người nổi tiếng nhất ở Wittenberg, vừa được nhà dòng nâng đỡ, vừa được trường đại học và các sinh viên ủng hộ. Ông diễn giảng về các Thánh Vịnh, rồi về thư gửi người Roma, sau còn chú giải thư gửi người Galata và thư gửi người Do Thái. Việc giảng dạy này kéo dài từ 1513 tới 1518. Ông muốn căn cứ vào nguyên bản và chối bỏ bản Phổ Thông, cho dầu bản này còn cổ hơn những thủ bản Hy ngữ được viết vào thời này. Rồi Luther làm công việc giải thích hoàn toàn theo lịch sử, bỏ tất cả những chú giải thời Trung Cổ và bỏ tất cả những phúng dụ. Mở đầu lớp diễn giảng về thư gửi người Roma, ông viết: Trong thư này Phaolô dạy chúng ta về thực tại của tội trong chúng ta và sự công chính mà chỉ một mình Ðức Kitô có (2). Như thế là ông bắt đầu có những quan niệm thần học mới mẻ từ căn bản.
II. KINH NGHIỆM BẢN THÂN VÀ QUAN NIỆM CƠ BẢN.
Hẳn đã có nhiều kinh nghiệm mở đầu cho một tuyên bố thuộc loại đó. Luther hẳn đã sống sự công chính bằng việc làm và đã biết cuốn về tinh thần và chữ đen của thánh Augustin, cuốn sách chống phái Pelage. Sau này ông kể cho biết tất cả những việc đền tội, ăn chay, kinh nguyện và thức đêm ông làm suốt quãng đời sống trong dòng, tất cả không có khả năng ban cho ông được Chúa khoan dung mà ông tìm kiếm; hết các nỗ lực đều vô hiệu cho tới ngày Ðức Chúa cứu thoát ông, chỉ nhờ Tin Mừng, đức tin đã thánh hóa và mở cửa thiên đàng cho ông. Không nên coi câu truyện này theo chữ đen, bởi vì cũng rất có thể là khi nhớ lại những thất vọng, ông đã có những lời lẽ này một cách vô ý thức. Trước hết, ở trong dòng, ông tìm được yên tĩnh và bình an. Chỉ sau này, ông mới có cảm nghĩ bất mãn đối với những đòi hỏi của luật Chúa được diễn đạt qua qui luật dòng và ông bị lo âu áy náy và cám dỗ dữ dằn tấn công. Bị theo đuổi bởi tâm tình tội lỗi, nên cả sự ăn năn đền bồi, cả việc xưng tội, cả việc đền tội cũng không làm cho ông được giải thoát và đồng thời ông áy náy vì sợ không thể giữ được niềm tin vào sự huy hoàng cao cả của Chúa. Kinh nghiệm về dục vọng và về những mặc cảm nơi ông đã đưa ông tới bờ tuyệt vọng. Không có lời dẫn giải nào của Staupitz có thể làm cho ông thoát khỏi cơn kinh hoàng khiếp sợ. Thế là ông biết điều mà ông kể như kinh nghiệm quyết liệt nhất của ông trong con đường Cải cách (3). Ðây là truyện ông tường thuật lại năm 1545, trong lời tựa tập sách thứ nhất bằng la ngữ:
”Có một nhu cầu dai dẳng thúc đẩy tôi để tôi tìm hiểu Phaolô trong thư gửi người Roma. Cho tới đó, tôi gặp cản trở, không phải bởi thiếu nhiệt tình, nhưng bởi một lời trong chương thứ nhất rằng :”Công chính của Thiên Chúa được mặc khải trong đó (trong Phúc Âm)”. Vì đó mà tôi ghét sự ”công chính của Thiên Chúa”. Thực vậy, theo thông tục và sự giải thích của hết các tiến sĩ, tôi đã học hiểu lời lẽ đó theo nghĩa triết học về công chính mô thức hay chủ động, nhờ đó Thiên Chúa tự mình công chính và do đó người phạt các tội nhân và những kẻ bất chính. Còn tôi, tôi cảm thấy rằng, mặc dầu sống một đời tu sĩ hoàn hảo, trước mặt Thiên Chúa, tôi vẫn là tội nhân với lương tâm hết sức lo âu và tôi không thể dựa vào các việc đền tội để làm cho tôi được bằng an. Vì thế, tôi không thể yêu mến Ðấng Thiên Chúa công chính ra hình phạt cho tôi, tôi ghét Ðấng đó. Tôi phẫn nộ và trong thâm tâm tôi lẩm bẩm, mãnh liệt chống đối Vị Thiên Chúa ấy: vậy chưa đủ sao, khi những tội nhân khốn đốn, những kẻ bởi tội tổ tông đã bị lên án đời đời, còn bị áp bức bởi luật mười điều răn và những tai vạ đủ thứ nữa ư? Phải chăng khi loan truyền ơn cứu rỗi Thiên Chúa còn giáng thêm một thống khổ mới vào thống khổ đã có và dùng Phúc Âm để đặt trên đầu chúng ta sự công chính và cơn giận của Người ư? Lương tâm tôi đã phẫn nộ và điên lên, nhưng trong cơn khốn khổ tôi vẫn tiếp tục gióng trống giải thích bản văn của Phaolô với niềm hào hứng tìm hiểu điều thành Phaolô muốn nói.
Cứ thế cho tới một lúc kia, khi ngày đêm tôi vò đầu vò óc và Thiên Chúa thương tình, tôi để ý tới văn mạch của câu này :”Công chính của Thiên Chúa được phơi bầy trong đó (Phúc Âm), như đã viết: ”Người công chính sống bằng Ðức Tin”. Bây giờ tôi mới hiểu rằng: công chính của Thiên Chúa là sự công chính làm cho người công chính sống (như công chính) do ơn Chúa, nghĩa là bởi Ðức Tin. Và như vậy tôi đã hiểu ý nghĩa bản văn: Phúc Âm vạch cho chúng ta biết công chính thụ động của Thiên chúa, qua đó Thiên Chúa nhân từ công chính hóa chúng ta, bởi Ðức Tin, như đã viết: ”Người công chính sống bởi Ðức Tin. Thế là tôi thực sự cảm thấy như được tái sinh và như thế tôi được bước qua cửa mở ra trên trời cao thẳm. Và tức thì khuôn mặt của tất cả Kinh Thánh hiện ra mới tinh” (4).
Như vậy sự hiểu biết Roma 1,17 sẽ trở thành then chốt cho những ý niệm của Luther, như dần dà chúng phát triển về sau. Ðối với Luther, công chính của Thiên Chúa, như kinh viện cuối thời của trường phái Occam đã hiểu không còn là công chính phạt và thưởng mà Thiên Chúa có, nhưng là công chính mà Thiên Chúa ban ra, công chính của ân sủng ta không đáng hưởng, chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa từ bi chứ không độc đoán. Tư tưởng này, hết các nhà chú giải thời Trung Cổ đã trình bày, thì đối với Luther là một sự mới mẻ; nếu nó trở thành một tư tưởng Cải cách và lạc giáo, là bởi văn mạch mà nhà giáo sư Wittenberg đã chủ trương. Trong chiều hướng kinh nghiệm bản thân ông, thì công chính đó của Thiên Chúa, đối với ông, hoàn toàn đối lập với công chính hóa tự mình của con người, điều này làm cho hết các tác phẩm của ông ngộ độc. Bởi nguyên tội, con người hoàn toàn bị sa đọa và ý hướng chiều theo tội có trong mình, ngay cả sau phép rửa, thì từ cội rễ con người vẫn là tội. Do đó, mọi nỗ lực công chính hóa bằng việc làm riêng của mình thì đều vô ích. Những việc kể là việc lành việc phúc thì không làm gì cho sự cứu rỗi và cũng không phải là điều kiện để được công chính hóa; chúng không làm cho có công có phúc. Nhưng phúc thật đức thật thì chỉ là kết quả, hậu quả của công chính mới. Tuy nhiên, ý tưởng về công chính không phải là việc con người được nâng lên và được gắn liền vào việc tha tội một cách không thể tháo cởi ra được nữa, cũng không phải là một sinh lực mới của đời sống siêu nhiên, nhưng là việc Thiên Chúa lấy công nghiệp Ðức Kitô mà đắp điềm bảo vệ cho tội nhân. Không phải tự trong bản thể mình mà tội nhân được kết hợp với Ðức Kitô, mà bởi Ðức Tin và bởi một mình Ðức Tin mà thôi, không việc làm. Nhưng tuy đã được công chính hóa mà vẫn còn là tội nhân (simul Justus et peccator); tội của nó chỉ được lấp liếm mà thôi, công chính của Ðức Kitô chỉ đắp lên bên ngoài. Ðiều mà con người có thể cho mình là hết lòng tin tưởng phó thác vào Lời Thiên Chúa, là tin vào các công nghiệp của Ðức Kitô trên thập giá và nhận sự phán xét tội mình. Ðối với Luther, thái độ tin tưởng này là Ðức Tin vậy
Quan niệm về công chính hóa bởi Ðức Tin và quan niệm về sứ vụ của một mình Ðức Tin mà thôi đó, còn phải được bổ túc bằng sự chối bỏ tự do con người. Bởi vì con người, khi có khả năng chọn điều thiện thì đã là kẻ tự mình cứu mình được rồi và không cần tới Ðức Kitô nữa. Chính ở điểm này mà người ta thấy bản thể của tội: con người, bằng cách này hay cách khác, có toan tính ngầm đưa cái tính người lọt vào diễn tiến của cứu rỗi. Nhưng như vậy là không thẳng thắn đối với Thiên Chúa, khi muốn và tìm công chính của Thiên Chúa. Bản tính con người chỉ có thể là phạm tội. Chứng cớ là những việc làm của con người, cho dầu có tốt thực sự hay chỉ ở bên ngoài, thì vẫn là tội trọng. Các việc của người công chính đã là tội thì dĩ nhiên các việc của những người ác cũng vậy thôi. Ðó là những luận đề mà Luther trình bày vào năm 1518 ở Heidelbourg. Nhưng nếu con người chỉ có thể phạm tội và nếu sau khi chết hết mọi người không chịu cùng một số phận, là vì sự định đoạt về định mệnh vĩnh cửu của mỗi người sau khi chết, chỉ phụ thuộc vào ý muốn của một mình Thiên Chúa mà thôi. Như vậy là Thiên Chúa tiền định cho loài người không những được hưởng phúc bất diệt, mà còn chịu án phạt nữa; Người không muốn ban ơn cho tất cả. Theo sự Thiên Chúa tiền định đó thì không có an tâm vững chí nhưng chỉ chắc là được cứu rỗi vì tin trong niềm tin, ẩn mình trong vết thương Ðức Kitô, hướng về thập giá. Chỉ có điều đó bảo đảm cho chúng ta ơn cứu rỗi, không cần các cố gắng nội tâm, tất cả không còn có ý nghĩa gì nữa, ngoại trừ điều này :”Ðức Kitô ở với ngươi và ngươi ở với Ðức Kitô”.
Trong những quan niệm trên đây, người ta thấy có ảnh hưởng pha trộn của thuyết duy danh triệt để với trường phái Âutinh và những nhà thần bí Ðức, đồng thời có cả những kinh nghiệm bản thân của Luther. Nhưng ông chưa tìm được hệ thống để sắp xếp những khám phá mà ông gắn bó tha thiết suốt đời ông. Nhưng ước vọng hiểu biết của ông thúc đẩy ông đi xa hơn nữa: phải có một thần học tôn giáo nói thẳng vào con tim, không cần bộ máy triết học và để dạy Ðức Tin. Thế là ông rút thần học vào Kinh Thánh, được giải thích theo chữ đen và theo các giáo phụ; ông chối bỏ kinh viện và cho kinh viện như một thứ ngữ riêng, ông chế diễu cả Aristote (5). Năm 1517 trong một tranh luận thần học chống phái kinh viện, ông chủ trương luận đề là người ta chỉ trở thành nhà thần học khi chối bỏ Aristote. Thật là một tuyên chiến với tất cả thần học thời Trung Cổ vậy.
III. TRANH LUẬN VỀ ÂN XÁ.
Việc công bố ân xá để kiến thiết lại Thánh đường Thánh Phêrô ở Roma là cơ hội làm chín muồi các quan niệm mới này và để Luther trình bày chúng với công luận. Năm 1505, đức giáo hoàng Jules II trao cho Bramante việc xây cất dinh thự đồ sộ này. Theo cổ lệ từ thời Trung Cổ, để nâng đỡ những công trình thuộc công ích bằng các ân xá, thì đức Jules II (1507) và người kế vị là đức Léon X (1514) đã ban ơn toàn xá cho tất cả hoàn cầu theo Kitô giáo. Như các điều kiện thông thường là xưng tội và rước lễ, ngoài ra còn phải dâng tiền để thực hiện công trình đã dự định. Các nhà giảng thuyết ân xá nhận được những quyền riêng biệt; người ta có thể mua một ”giấy chứng xưng tội” và như vậy là được xóa hết các tội, cả những tội mà quyền giải gỡ dành riêng cho giáo hoàng. Cũng được phép chỉ những ân xá ấy cho người chết, chiếu theo phương thức hiện hành từ thế kỷ XV về các ân xá chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục. Ân xá thánh Phêrô thực ra mới được công bố ở miền Bắc Ðức, nghĩa là trong giáo tỉnh Mayence năm 1517. Năm 1513 ông hoàng Albert de Brandebourg, bào đệ của ông hoàng cử tri, mới 23 tuổi đầu, đã xin làm tổng giám mục Magdebourg và giám quản Halberstadt. Năm sau hội Kinh sĩ Mayence đã chọn ông làm tổng giám mục sau khi ông tự nguyện lấy các lợi tức riêng của mình, chừng 14.000 đuca (tiền của Ðức thời xưa) để nộp cho Roma. Thực ra giáo luật cấm không được trao nhiều tòa giám mục cho cùng một người. Ở Ðức mà có tới ba tòa thì thật là quá lạm dụng. Ông hoàng không muốn bỏ một tòa giám mục nào, nên tìm cách xin Roma miễn chuẩn cho. Sau khi đã mặc cả lâu dài với giáo triều đã bị chính trị hóa và trần tục hóa, ông nhận được phép chuẩn này của đức Léon X, nhưng phải đóng một thứ thuế khác nữa là 10.000 đuca. Nhưng làm cách nào có tiền để trả số thuế lớn này? Hình như viên đại diện Roma thuộc dòng họ Fugger, đã chỉ đường dẫn lối cho sứ thần của ông hoàng, ông này có thể được bổ nhiệm làm ủy viên coi việc ân xá cho ba giám tỉnh và cho vùng Brandebourg. Vậy ông có nhiệm vụ thu hết các vụ lạc quyên mà đặc biệt là những lợi tức từ những khoản này nảy sinh ra, một nửa nộp cho Roma để xây cất thánh đường thánh Phêrô, một nửa thuộc về ủy viên; Phần dành cho Roma thì dòng họ Fugger ứng trước để trả thuế như Roma đòi. Trong khi các sứ giả còn do dự vì tính cách buôn thần bán thánh của dịch vụ này, thì vị tổng giám mục quen thói ăn chơi và nhẹ dạ bay bướm, ký hợp đồng ngay; và dòng họ Fugger trực tiếp nộp các khoản thuế, thế là trên thực tế, họ nhúng tay vào việc buôn bán ân xá. Nếu ân xá là sự áp dụng công nghiệp do máu Ðức Kitô, thì việc mua bán và dịch vụ được bảo đảm do một đại ngân hàng làm việc thương mại đưa ra, thật rõ rệt là một gương xấu.
Năm 1517 Luther chưa biết gốc tích ân xá đền thánh Phêrô này (6). Ông cũng chưa biết rằng hội kinh sĩ nhà thờ chính tòa Mayence muốn giành một phần lợi tức cho nhà thờ riêng của họ, cũng không biết rằng hoàng đế Maximilien đòi đổi sự thỏa thuận của mình để lấy 3.000 florin, dùng vào việc xây cất nhà thờ thánh Giacôbê ở Insbruck. Nhiều cách thức khác làm cho Luther bực bội. Số là sắc lệnh Sacrosancti ra ngày 31 tháng 3 năm 1515, ban cho tổng giám mục thành Mayence ân xá 8 năm, chiếu theo công thức ngày nay là mập mờ nước đôi, nhưng lúc đó thì nghiêm chỉnh, đó là ”ơn tha thứ hoàn toàn mọi tội nhân”. Sắc lệnh còn dựa vào những lý lẽ thần học vững chãi mà nói về sự áp dụng các ân xá cho kẻ đã qua đời. Sắc lệnh được công bố ở Mayence vào chủ nhật thứ I Mùa Vọng và tới tháng giêng năm 1517 thì Albert bổ nhiệm hai ủy viên cho địa phận Magdebourg, trong đó có tu sĩ Ðaminh thành Leipzig là Johannes Tetzel (1465-1519). Ông này đã giảng về ân xá và tức thì bắt đầu hoạt động ở Eisleben và Leipzig. Ông hoàng cử tri viết cho các nhà giảng thuyết một huấn thì vắn tắt, huấn thị này tự nó đã có hiệu lực, nhưng với những công thức đạo đức, thì lại có thể biến lời giảng thành một công việc lấy tiền tài làm chủ chốt. Chính Tetzel đã dấn mình vào con đường này, nhưng những chỉ trích về đời tư của ông chẳng qua chỉ là những vu khống của Luther vì Luther ghét tu sĩ Ðaminh này. Lời thuyết giảng về ân xá cho người sống thì đúng thôi, vì ông nhấn mạnh tới việc cần thiết phải sám hối, nhưng khi áp dụng ân xá cho người chết, thì không phải là từ ngữ, mà lối lý luận của ông đã làm cho người ta gán cho ông câu nói: khi tiền vang trên khay thì hồn bay lên trời! Ông chỉ diễn tả một ý kiến của trường phái lúc đó rất thịnh hành là: ân xá có thể áp dụng cho người chết bằng tiền dâng cúng mà không cần sám hối hay bí tích và chắc chắn được chỉ cho một linh hồn nhất định nào đó.
Thế nhưng hai ông hoàng miền Saxons lại cấm không cho Tetzel giảng trong địa hạt mình và đây là vì những lý do chính trị và sưu thuế. Từ lâu hai ông đã coi ân xá như một lối kinh tài. Vào tháng 4 khi tu sĩ Ðaminh giảng ở Brandebourg, rất gần ranh giới miền Saxe và Wittenberg, nhiều người từ đô thị có trường đại học đến nghe. Qua các người đến xưng tội với Luther, Luther được biết việc này. Thật là trái ngược giữa những dày vò riêng tư của ông về vấn đề tội và hỏa ngục, với sự bảo đảm dễ dãi ban cho lương tâm do việc bán món hàng ân xá chưa từng nghe thấy! Kinh nghiệm riêng của ông về thắc mắc lo âu và sự chắc chắn có cứu rỗi, sự tìm đến trú ẩn nơi các vết thương của Ðấng bị đóng đanh, tìm đến cộng đồng Giáo Hội hữu hình nơi Ðức Kitô, tất cả làm cho người tu sĩ trở thành thù địch hăng say chống lại lối suy luận luân lý và tôn giáo của lý thuyết về các ân xá. Khi chống lại lối rao giảng này, ông cho mình là làm theo nhiệt tình tôn giáo đối với Thiên Chúa cao vời khôn ví.
Thế là ông lên tiếng chống đối ân xá và tìm cách biết tường tận giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này. Cuối cùng ông viết ra tất cả những suy nghĩ của ông về những tệ lạm chứa đựng trong tập sách ”Giáo huấn tổng quát” và gửi tới tổng giám mục Mayence và tới thủ lãnh địa phận ông là giám mục Brandebourg. Gửi cho ông hoàng cử tri Mayence, ông còn thêm một tập bình luận về ân xá và một số các luận đề khác. Hôm sau (7), ngày lễ Các Thánh năm 1517, ông giảng thuyết về 95 luận đề đó ở nhà thờ trường đại học, cũng là nhà thờ điện Wittenberg, và ông mời các nhà thần học đến dự buổi tranh luận trong học viện về vấn đề này. Vì những luận đề được viết bằng tiếng latinh, nên người ta nghĩ Luther chưa có ý định cho phổ biến trong dân gian. Nhưng ít ra chúng cũng làm cho các thần học gia lưu tâm; điều đó nói lên tính cách quá đáng của nhiều luận đề. Cuộc tấn công không phải chỉ nhằm tới ân xá mà còn chĩa vào cơ quan ban hành ân xá. Vào năm 1545 ông cho biết là các giám mục không hề để ý tới những lá thư của ông thày dòng tầm thường. Sự khinh thị ấy đã thúc đẩy ông cho công bố các luận đề trên bảng yết thị. Ông chỉ muốn diễn giải ý kiến đích thực của giáo hoàng về vấn đề để chống lại những kẻ buôn thần bán thánh. Dẫu sao, cũng có một sơ hở về trí nhớ, vì lúc đó trong các luận đề, ông không đặt câu hỏi tại sao giáo hoàng lúc này có nhiều của cải hơn Crésus, thế mà không kiến thiết thánh đường thánh Phêrô với tiền riêng của mình, thay vì tìm kiếm của cải của giáo dân khốn khổ. Phải công nhận rằng giáo hoàng chỉ có thể tháo cởi những hình phạt do chính mình tuyên bố hoặc chiếu theo các khoản giáo luật mà thôi, rằng các ân xá không thể chỉ cho các linh hồn nơi luyện tội, rằng quyền giáo hoàng chỉ liên quan tới kẻ sống và ngừng lại trước cái chết, rằng giáo hoàng không tha tội mà chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi, không có thế quyền nào, kể cả quyền chìa khóa, có thể đạt tới thế giới bên kia được; thần linh luôn luôn và tuyệt đối cách biệt hẳn nhân linh, không liên hệ gì tới nó! Người ta hoàn toàn không cần tới ân xá, bởi vì thống hối hoàn toàn, không cần giấy ân xá, đã đủ để giải thoát tội và lỗi. Luther kêu gọi giáo dân phải có thái độ khác hẳn :”Khi Ðức Kitô nói: hãy thống hối, thì Người muốn suốt đời chúng ta là một đời thống hối”, Luther viết trong luận đề thứ nhất như thế. Ðời sống người kitô hữu không phải là an bình, an ninh, nhưng luôn luôn là thập giá và thập giá. Ðó là một con đường đồng hành với Ðức Kitô qua đau khổ, qua cái chết và địa ngục. Vì thế người kitô hữu phải mong lên trời bằng nhiều khốn khó hơn là bằng 'bảo đảm an ninh'. Vậy nên chọn đau khổ cứu rỗi hơn là được miễn chuẩn đau khổ, cái gì gây thích thú là tiêu diệt. - Thế nhưng trước mắt dân chúng, thì cái thích thú là ân sủng của ân xá lúc này ban ra tràn trề.
Cuộc đấu tranh chống ân xá, đối với Luther, là tìm thế đắc thắng cho các quan niệm tôn giáo của ông về đức-tin-tin-tưởng (foi-confiance) và về sự cầm chắc ơn cứu rỗi qua các thử thách và cám dỗ. Ông viết cho Albert de Brandebourg:
”Những kẻ khốn đốn tưởng rằng: khi mua giấy ân xá thì họ chắc chắn được vĩnh phúc. Nhưng không có giấy tờ nào của giám mục có thể ban cho con người được bảo đảm vĩnh phúc, bởi vì ngay cả ơn Thiên Chúa cũng không ban cho họ được vinh phúc; nhưng vị tông đồ xin để được ơn cứu rỗi trong lo âu và run sợ... Tại sao lại cất khỏi dân chúng mọi lo âu, tại sao lại cho họ được an ninh bởi những chuyện hoang đường và những lời hứa giả dối ấy?... Bởi vì người ta chủ trương rằng: con người được hòa giải với Thiên Chúa bằng ân sủng các ân xá” (8).
Trong những dịp khác, các sắc lệnh công bố ân xá là trái luật và trái với Phúc Âm (9); các thần học gia khác cũng trình bày lời chỉ trích mà không trở thành những lãnh tụ của một trào lưu chống đối Giáo Hội. Chính những luận đề của Luther sẽ có chỗ đứng trong khoa học và văn chương thần học, nếu chúng không kích động lên một tiếng vang nồng nhiệt giữa lòng quốc gia Ðức. Thật vậy, chúng khêu gợi nơi dân gian một sự căng thẳng âm ỉ, bình thuốc súng đầy ắp từ lâu, lời lẽ của Luther là ngòi lửa làm bùng lên đám cháy.
Không có cuộc tranh luận do Luther đề nghị. Trái lại những luận đề chỉ trong mấy tuần lễ đã tung ra khắp nước Ðức. Luther chưa làm gì mà chúng đã được chép tay và phổ biến: tháng giêng năm 1518, đã có những bản được in tại Bâle, Leipzig và Nuremberg. Erasme đã gửi cho ông bạn là Thomas More; Durer đã có trong tay và từ ngày 5 tháng giêng năm 1518, luật gia Nuremberg là Christoph Scheuerl đã nói ám chỉ tới một bản dịch Ðức ngữ. Việc phổ biến nhanh chóng này chỉ có thể được giải thích: vì giữa lòng dân có náo động về tôn giáo và có đối kháng việc bắt thuế quá đáng của các giáo hoàng. Dân chúng tìm được lãnh tụ trong cuộc tranh đấu chống những gánh nặng đè trên vai trên cổ họ: Luther trở thành phát ngôn viên của bất mãnn ở Ðức và đồng thời là người diễn dịch tâm tính người Ðức, khi ông khẳng định rằng, trong đời sống kitô hữu ý tưởng chỉ đạo không phải là sự yên tĩnh và an ninh thời xưa và thời cổ điển, mà là nỗi lo âu và lòng luyến tiếc trong tâm trạng người Ðức (Lortz).
Thực ra Luther có gặp thù địch, nhưng không có một mặt trận nào được thành lập về phía các nhà thần học, cũng không có phản kháng chung của nhà cầm quyền. Những xung khắc giữa miền Saxe và Brandebourg, sự cạnh tranh giữa các trường đại học, dĩ nhiên có đóng một vai trò. Conrad Koch (Wimpina) lúc đó làm viện trưởng trường đại học Brandebourg ở Francfort-trên-Oder, là linh mục triều, bạn với Tetzel, soạn thảo những phản đề được Tetzel chủ trương và cho phổ biến. Ðáp lại bài thuyết giảng về ân xá của Luther, vào mùa xuân năm 1518, Tetzel viết một bài đối kháng bằng Ðức ngữ và 50 luận đề bằng la ngữ. Những bài này bàn giải về quyền Giáo Hội và khẳng định rằng: quyền quyết định về Ðức Tin, thì phải được dành cho vô ngộ tính trong giáo huấn của giáo hoàng. Như vậy Tetzel đã động tới trung tâm điểm của tranh luận. Jean Eck phó chưởng ấn ở Ingolstadt và cho tới nay còn là bạn của Luther và người đồng sự, người tín cẩn của ông hoàng xứ Bavière và của giám mục bác học Eichstadtt là Gabriel von Eyb, cũng viết về 95 luận đề theo lời yêu cầu của giám mục, và với tính cách tư, lại viết những giải thích được phổ biến bằng bản viết tay. Ông nhận thấy có một chút tương đồng giữa những quan niệm của Luther và của Jean Hus, đã bị lên án ở Constance. Luther cho đó là một vụ lên án liệt vào tội lạc giáo và ông viết một bài đầy cay cú gọi là Asterici (10). Eck phê phán các luận đề của ông mà không hiểu. “Trong hết các bài ông viết thì không có mầu sắc thần học nào (nghĩa là Kinh Thánh), chỉ là những cuồng tưởng khoa học. Tôi nhận rằng tất cả là đích thực nếu lý thuyết trường phái là đích thực, đó là điều Eck quả quyết, nhưng đó lại là điều tôi từ chối”. Những bạn cố hữu đã trở thành thù địch không nhượng bộ.
Cái cản trở không cho thành lập một mặt trận thống nhất chống Luther, không phải chỉ vì có những phản ứng trong cả nước chống giáo triều, mà còn vì những điểm mơ hồ về thần học mà người ta đã nhận ra nơi Erasme. Vì thế mà có thể giải thích được những thái độ khác nhau của khá nhiều người công giáo, giáo dân và giáo sĩ đối với Luther, và những tranh luận về tôn giáo kéo dài suốt bốn chục năm. Cả những nhà nhân bản, cả đức Léon X đã thấm nhuần thuyết nhân bản, họ đều không bị náo động trước những luận đề của Luther. Cũng phải nhắc lại rằng: những người thực sự cầm quyền cai trị một nước, ngay cả trong những sự việc của Giáo Hội, họ ít chú trọng tới thần học. Họ thường chỉ có một kiến thức về pháp luật và cùng lắm họ chỉ coi những tranh luận như thế như những phương cách cạnh tranh với lối kinh tài của giáo triều; họ không để ý tới các quan điểm thần học.
Khi tổng giám mục Mayence nhận thấy các ân xá và lối kinh tài gặp nguy cơ do sự can thiệp của Luther, ông liền gửi một báo cáo về Roma; ở đây, chắc là các tu sĩ Ðaminh đã tố cáo các nhà Cải cách về tội lạc giáo. Nhưng đức Léon X coi mọi việc này là ít quan trọng, ngài ra lệnh cho bề trên cả mới của dòng Augustin phải tìm cách khuyến dụ quí huynh Martin. Nhưng Luther từ chối lời cảnh cáo của tổng kinh viện Heidelberg, vào tháng 4 năm 1518 và cướp ngay lấy cơ hội để tiếp tục phổ biến tư tưởng của mình. Luận án của một học trò trong các học trò của ông về tội và ân sủng, đã cho phép ông diễn giải về tất cả thần học thập giá. Ông có sẵn một nhóm thính giả sau này cùng ông trở thành phát ngôn viên cho các quan điểm của ông, rồi trở nên những đồng chí đồng sự chiến đấu. Tất cả tỉnh dòng ở Ðức đều đồng tình với ông, cả những bạn đồng sự và thính giả Ðại học, trong số này có tu sĩ Ðaminh là Martin Bucer.
Sau khi thành công trong cuộc tranh luận ở Heidelberg, Luther soạn thảo một bài chú giải tỉ mỉ về các luận đề của mình và gửi tới giáo hoàng, kèm theo một bức thư đầy tinh thần khuất phục. Ông không đời nào chối bỏ lý thuyết của mình và cũng không có ý giảm bớt tầm vóc; trái lại ông bảo vệ và cứng rắn hơn. Bài này không hề làm cho Roma suy suyển, ở đây người ta đã đệ đơn kiện Luther, không phải do giáo hoàng khởi sự mà nhờ nhiệt tâm của mấy nhân viên trong giáo triều. Người ta ra lệnh bắt giáo sư thành Wittenberg phải về Roma, trong vòng 60 ngày để tự biện hộ vì bị nghi là lạc giáo. Tài liệu thần học về giáo thuyết của ông đã được viên chưởng lý văn phòng tòa thánh soạn thảo, là tu sĩ David Prierias. Tài liệu được viết trong vòng ba ngày và được giới hạn trong vấn đề quyền ưu tiên của giáo hoàng mà thôi. Hoàng đế Maximilien I cũng đưa đơn kiện Luther, hình như vụ kiện này cũng nhanh chóng được thông qua. Nhưng thủ tục bỗng dưng biến thành việc chính trị. Luther đã thuyết phục được viên bá chủ của ông là Fredéric de Saxe, ông đòi đem xử vụ này tại Ðức. Mà ông hoàng cử tri miền Saxe là người độc nhất chống đối các phương án của hoàng đế là phương án chỉ nhằm thu các lá phiếu của cử tri bàu cho cháu mình là Charles I nước Tây Ban Nha, như vua tương lai người Roma. Vị giáo hoàng cũng chống sự ứng cử của nhà vua Tây Ban Nha, ngài sợ chính quyền Giáo Hội lại một lần nữa bị chèn ép ở cả hai đầu Bắc Nam do một lực lượng quá hùng mạnh, cho nên phải lấy lòng các ông hoàng cử tri. Ðó là những lý do chính trị đã được đặt trên các lợi ích tôn giáo một cách đáng tiếc. Sứ thần tòa thánh là tu sĩ Ðaminh Cajetan, rất thông thái nhưng không có tài ngoại giao, ông được phái tới hội nghị Ausbourg với sứ mệnh bắt Luther ra tòa, hỏi cung ông một cách thân tình và cho phép ông trở về Wittenbourg mà không lo sợ gì nữa. Hồng y đã làm nổi bật được hai vấn đề căn bản, về bản thể các ân xá và hiệu lực các bí tích, ông cũng cố gắng bắt Luther phải rút lại những quan điểm về kho tàng của Giáo Hội, những công nghiệp Ðức Kitô mà từ đó giáo hoàng có thể ban ân xá, cả về luận đề bàn tới điểm ”chỉ có một mình Ðức Tin làm cho bí tích có hiệu quả”. Luther chối không chịu rút lại bao lâu ông chưa thấy có những chứng cớ lấy ra từ Kinh Thánh. Cuối cùng vì sợ bị bỏ tù, ông trốn khỏi thành phố, sau khi cẩn thận làm đơn khiếu nại có công chứng viên nhận thực, gửi tới giáo hoàng là người chưa am hiểu được biết rõ hơn. Mấy tuần sau, khi có trát đòi ông tới Wittenberg, với thông báo là vụ án sẽ tiếp tục ở Roma, Luther lại nại tới một công đồng phổ quát. Ông hoàng cử tri không chấp nhận trát đòi bắt, bởi vì lạc thuyết của Luther chưa được minh xác. Vụ án lại kéo dài qua mấy tháng. Còn giáo hoàng thì nhận ra rằng ông hoàng có thể là một ứng cử viên đương đầu nổi với vua Charles nước Tây Ban Nha.
IV. TRANH LUẬN Ở LEIPZIZ VÀ CUỘC PHÁT VÃNG.
Nhưng các quan điểm về thần học vẫn tiếp tục tranh luận. Cajetan trước kia viết về những vấn đề riêng, nay, trước và sau việc hỏi cung ở Ausbourg (11), ông khởi thảo một dự án cho sắc lệnh về các ân xá, chủ ý không để cho Luther viện cớ Giáo Hội im lặng về vấn đề này. Sau cùng sắc lệnh được giáo hoàng ký vào tháng mười một. Thời hạn quá dài này đã cho phép giáo thuyết của Luther kịp thời phổ biến rộng rãi, cho dầu chính ông vẫn im hơi lặng tiếng. Sách vở tuyên truyền vẫn tiếp tục và người ta nôn náo, tất cả đã tới điểm chóp cần phải lên tiếng. Thế là Jean Eck đã mời giáo sư Karlstadt, đồng sự của Luther tại Wittenberg tới dự buổi tranh luận thần học. Chương trình được công hầu Georges de Saxe, rất trung thành với Giáo Hội chuẩn y. Eck đã soạn một số luận đề để chuẩn bị cho buổi tranh luận ở Leipzig vào tháng 7 năm 1519. Luận đề cuối cùng đề cập tới quyền tối thượng và trực tiếp tấn công Luther. Luther đáp lại bằng những luận đề khác và vào giờ chót được thừa nhận đưa ra đối đáp. Sau cuộc tranh luận giữa Karlstadt và Eck về ân sủng và tự do ý chí là cuộc đối đáp giữa Luther và Eck về quyền tối thượng của giáo hoàng. Luther bị Eck khôn khéo hơn dồn ép, nên phải rõ ràng trình bày những hậu quả do các quan niệm của mình. Eck khẳng định rằng việc chối nguồn gốc mặc khải của quyền tối thượng đặt Luther vào khuynh hướng của Wiclif và của Hus. Luther đáp lại rằng: trong những luận đề do Hus diễn giải có nhiều lời lẽ rất Kitô giáo và rất Phúc Âm. Eck hỏi lại: vậy công đồng Constance đã lên án các luận đề rất Kitô giáo, là công đồng sai nhầm ư? Luther: ngay cả những công đồng phổ quát cũng có thể nhầm. Ngay sau khi lời này của Luther vừa buông ra như một trái đại bác trong hội nghị, Eck liền tố cáo Luther là kẻ lạc giáo và người bảo vệ giáo thuyết của Hus. Bá tước Georges sợ hãi, bỏ phòng hội đi ra.
Khi khẳng định là các công đồng phổ quát cũng không tránh khỏi sai lầm, là Luther đã từ chối tất cả giáo huấn cơ bản của Giáo Hội. Chỉ còn lại Kinh Thánh: Luther cực lực khẳng định rằng người ta chỉ có thể nhận như chân lý tôn giáo những gì có thể chứng minh từ Kinh Thánh. Ở đấy, chúng ta thấy những gì sẽ trở nên nguyên tắc căn bản của giáo thuyết Tin Lành: chỉ một mình Ðức Tin, sola fides vậy.
Việc đối chiếu ở Leipzig đánh tan dư luận được ông hoàng cử tri bênh vực, là dư luận cho rằng việc này chỉ là một tranh cãi trường phái để rồi được kết thúc bằng một tài liệu thuộc trường phái. Trước Leipzig, người ta còn thỏa thuận nhận đại học Paris và Erfurt làm trọng tài. Nhưng sau người ta không cần đến trường nào cả, vì thấy không có một cơ sở chung nào, nhưng chỉ là chống đối và mâu thuẫn. Vì thế cuộc tranh cãi này không tiếp tục thuộc trường phái mà thuộc nhân dân, nên nhiều khi thô lỗ, tàn bạo và bỉ ổi. Nhà in còn dùng truyền đơn và vè châm biếm để mở rộng luận chiến, thù ghét Giáo Hội của giáo hoàng; tranh biếm họa và hình ảnh về con lừa của giáo hoàng. Chính giáo hoàng như ông hoàng của tăm tối, Giáo Hội Roma như con đĩ điếm Babylone; người ta còn thấy các hồng y, linh mục và tu sĩ ở trong khung cảnh đó. Không thể nói được rằng chính Luther đã đứng ngoài vòng chiến đấu ít trung thực đó. Trái lại ông còn làm mọi cách để có thể khuyến khích và kích thích các bạn đồng sự.
Vấn đề thế hệ cũng góp vào việc tăng cường và xúc tiến diễn biến của sự việc: Phái trẻ vào hùa với Luther, phái già giữ theo truyền thống. Nhưng giữa đám trẻ vào bè với nhà Cải cách thì có hai khuynh hướng: khuynh hướng nhân bản và khuynh hướng quá khích triệt để. Thiên về nhân bản thì có những người mà Luther đã chinh phục được ở Heidelberg, như Gioan Brenz, sau này thành nhà Cải cách ở thành phố Schwabisch Hall và đất công tước Wurtemberg, như Martin Bucer miền Alsace, ông này lôi kéo thành Strasbourg theo giáo thuyết mới. Theo họ thì còn có đồ đệ của tu sĩ Augustin, là Nicolas Von Amsdorf và nhất là Philippe Melanchton lúc mới 17 tuổi đã làm giáo sư đại học Tubingen và hồi 21 tuổi theo gửi gấm của ông cậu Reuchlin, được bổ làm giáo sư Hy ngữ ở Wittenberg. Rất chóng thành đông chí nhiệt tình của Luther, ông đi theo Luther đến Leipzig. Rồi đến các sinh viên hăng hái ở Wittenberg, họ chiếm các cơ sở điều hành trong một số thành phố thuộc đế quốc Ðức.
Còn nhóm quá khích triệt để thuộc nhương người đầu tiên theo Luther thì có những người như Thomas Muntzer năm 1520 làm giảng thuyết viên ở Zwickau và lãnh tụ nổi tiếng của đám nông dân nổi loạn; có Karlstadt, đồng sự của Luther ở Wittenberg; nhất là có Ultrich Von Hutten, phát ngôn viên của nhóm hiệp sĩ Ðức bất mãn, một nhà nhân bản trẻ tuổi xông xáo không đắn đo e dè và là một trong những tác giả cuốn ”Bức thư của ông đồng bà cốt” rất thời danh. Là thi sĩ nổi tiếng, ông còn viết vè bằng la ngữ châm biếm chống người Roma; kể từ năm 1521, ông lại viết bằng tiếng Ðức để nối nhịp cầu thông cảm với đại chúng trong cuộc tranh đấu chống ”tụi” linh mục Roma. Ông cho phát hành”Tiểu luận ngữ” kết án Roma đã gây mọi thống khổ. Husten nhìn nhận nơi Luther có tinh thần chiến sĩ tranh đấu cho tự do tâm linh và quốc gia, vì thế, ông chủ trương phải tranh thủ cho bằng được trong việc tấn công Roma và hết các linh mục. Ông cho niêm yết những lời tuyên chiến của ông. Cạnh nhà thi sĩ lang thang còn có hiệp sĩ đại đạo tặc, là Franz Von Sickingen, đã thúc đẩy đoàn hiệp sĩ Ðức đi tới đổ vỡ tan hoang. Ðiện đài của ông còn dùng làm ”tòa công lý”, nơi đây ông quy tụ một đám thân hữu ẩn danh của Luther và còn là nơi trú ẩn cho chính Luther nữa.
Ðối diện với những thanh niên này thì có những kẻ bảo vệ Ðức Tin truyền thống, một ít người thuộc thế hệ trước, những nhân vật khả kính, rất ý thức về nhiệm vụ của mình, đầy lòng đạo hạnh chân chính, nhưng thiếu ngọn lửa nhiệt tình quả cảm linh thiêng, đó là Prierias và Hochstraten, hai tu sĩ Ðaminh đã nhúng tay vào buổi tranh luận Reuchlin, với tu sĩ Phanxicô người Alsace là Thomas Murner và những nhân vật trong triều đình Saxe, bá tước và các tuyên úy. Bá tước Georges de Saxe, cho đến chết năm 1539 vẫn là người cương quyết nhất trong các ông hoàng chống đối Luther. Ông là một nhà Cải cách nhiệt tình, một thù địch chân thành chống giáo triều và vì có quan niệm khắt khe về đức công bằng, nên ông kịch liệt tố cáo những tệ lạm của Giáo Hội. Trong các tuyên úy thì có Jérôme sau này bị Luther tấn công, còn Cochlaus thì lúc đó vẫn còn ôm chân Luther. Trong những buổi đàm thoại tư, ông cố gắng dắt Luther trở lại, nhưng ông lại bị chế nhạo và nghi hoặc. Luther chỉ trả lời bài viết thứ nhất. Tình thân bị thương thì trở thành thù ghét cay cú. Cochlaus là một trong những người hiếm có hiểu ngay từ đầu rằng: phải có một cuộc canh tân tôn giáo để chống lại trào lưu Luther. Là linh mục có Ðức Tin nồng nàn và đầy lòng hy sinh hỷ xả, ông trở nên danh tiếng vì viết tiểu sử Luther, tiểu sử đầu tiên được viết sau khi nhà Cải cách mất (1549): Giải thích việc làm và các sách viết của M.Luther). Tuy có tính cách bút chiến và hận thù, cuốn sách không chứa đựng một phản chân lý ý thức nào, chỉ phác họa hình ảnh Luther mà đạo công giáo còn giữ cho tới thế kỷ XX.
Luther không công nhận vô ngộ tính của các công đồng cổ thời và trong một bài về chức giáo hoàng Roma (12), ông trình bày chức này như một cơ cấu thuộc loài người. Ngôi nhà vốn che chở Kitô giáo, nay bị phá hủy. Vậy phải xây lại đời sống Kitô hữu trên những nền tảng mới và lấy lại dư luận quần chúng. Ðó là mục đích của ba bài chính yếu Cải cách viết vào năm 1520. Ðây là thời kỳ thật hết sức thuận lợi: hoàng đế vừa được bầu còn đang ở bên Tây Ban Nha, Luther trở thành người hướng dẫn quốc gia. Ông nói với giáo dân, ông viết bằng tiếng Ðức, ông gạt ra bên cạnh những nghiên cứu và tranh luận thần học. Ông đặt vào hàng đầu những vấn đề về lối cai trị trong Giáo Hội và khai thác mối bất bình chung đối với hành chính ở Roma,về hiện tượng tục hóa và sưu thuế. Không còn bàn về một lý thuyết, về ân xá chẳng hạn, nhưng là về giáo hoàng và bản thể Giáo Hội đương thời. Giáo hoàng đối với ông, là thù địch không đội trời chung của Kitô giáo đích thực, là quỉ vương (Antéchrist) thời cánh chung mà Phaolô đã loan báo. Tư tưởng và lời lẽ của ông thấm nhuần tư tưởng và lời lẽ thời cánh chung. Ông mượn những hình ảnh của Khải Huyền. Ông viết gửi cho ”các người Ðức thân mến”, những bài nảy lửa về việc cai trị của Giáo Hội. Trong vòng ba tháng được phát hành bài ”Gửi quí tộc Kitô giáo của nước Ðức về việc cải thiện chính thể Kitô giáo”, ”Về Giáo Hội trong thời đi đày ở Babylone”, ”Về tự do của con người Kitô giáo”. Bài thứ nhất là một lời kêu gọi hàng quí tộc, tức là giáo dân, hô hào họ nắm lấy việc Cải cách Kitô giáo trên cơ sở chức linh mục phổ quát :”Tất cả các Kitô hữu đích danh đều thuộc về chức linh mục và nơi họ nếu có khác biệt thì chỉ khác về nhiệm vụ. Bởi vì chúng ta chỉ có một phép rửa, một Ðức Tin, một Phúc Âm và vì chúng ta tất cả đều là những Kitô hữu đồng loạt như nhau. Kẻ nào đã ngoi lên từ phép rửa thì đều có thể tự hào vì đã được phong chức linh mục, giám mục và giáo hoàng, cho dầu không phải mỗi người đều thừa hành chức vụ đó” (13).
Thế là giáo dân được tuyên bố đã trưởng thành và hữu trách. Theo bài viết này thì không có hai trạng thái trong giáo đoàn Kitô, nhưng chỉ có một mà thôi. Ưu tiên của Roma không còn lý do tồn tại. Mọi Kitô hữu phải học hỏi Kinh Thánh, phải nại tới công đồng phổ quát, nhưng nhất là nại tới các lãnh tụ của giaó đoàn Kitô, tới hàng quí tộc. Họ có nhiệm vụ rút ra những hậu quả của chức linh mục phổ quát để cai trị Giáo Hội Ðức. Chỉ trong mấy ngày đã bán được 4000 cuốn sách cách mạng này.
Bài viết về Thời lưu đày Babylone nói về Giáo Hội vô hình, thụ tạo của Phúc Âm bị đày đọa bởi mọi thứ luật loài người, bởi giáo lý về các bí tích, bởi sự biến thể chất và ấn tích tế lễ của thánh lễ, bởi việc không cho giáo dân uống chén thánh và bởi những cản trở hôn phối. May mắn là nhờ có một sự khinh suất mà Luther không bác bỏ các bí tích cho đến cùng: Rửa tội cho trẻ em, tiệc thánh và phần nào việc xưng tội còn tồn tại, nhưng không tác động cách nội tại, chỉ có Ðức Tin mới đem lại hiệu quả. Chức linh mục bí tích là thừa. Cộng đồng mới chỉ cần những tôi tớ phục dịch, lời nói có thể công bố nhờ vào sự hiểu biết Kinh Thánh.
Bài về Tự do của người kitô hữu, là bài viết đầu tiên về tự do trong nước Ðức, bài này được kính tặng giáo hoàng Léon X. Như vậy Luther ngay từ đầu đã muốn cất bỏ mọi biện bạch về án phát vãng đang đe dọa ông. Trong một thứ từ ngữ Kinh Thánh và đơn giản, ông trình bày Phúc Âm của ông về Ðức Kitô và về sự tha tội bằng Ðức Tin. Nhưng điều mà người được cứu rỗi nương tựa vào hơn hết đó là tự do trong Kitô giáo. Con người kitô giáo là một người tự do, đối với mọi sự việc, họ không phải thần phục ai hết, người kitô hữu lý tưởng là người tự do đối với mọi sự trần thế và chỉ thần phục mọi người trong yêu thương.
Khi sắc lệnh Exsurge Domine lên án giáo thuyết của Luther và đòi ông phải thoái hồi, thì Luther, trước mặt thế giới, đã tung ra một trong những bài diễn văn nảy lửa nhất: Chống sắc lệnh của Kitô giả (14). Bây giờ ông biết chắc là sắc lệnh này chủ ý đe dọa ra vạ tuyệt thông cho ông, vị giáo hoàng là Kitô giả. Vì thế ông chống đối giáo hoàng và các hồng y, với quyền đầy đủ mà phép rửa tội ban cho ông, là được làm con Thiên Chúa và kẻ hưởng nghiệp Ðức Kitô và lấy danh Ngài thúc bách họ phải hối cải và định chỉ việc phạm thượng ấy để khỏi bị án phạt đời đời. Ông lại nại tới một công đồng phổ quát. Rồi ngày 10.12.1520, trước cửa thành phố Wittenberg và dưới những lời hoan hô của sinh viên, ông ném vào lửa một bản sắc lệnh, một quyển giáo luật và những bài viết của đối phương với những lời này: Bởi vì ngươi đã làm giảm giá chân lý thánh của Thiên Chúa, thì xin Ðức Chúa hôm nay thiêu đốt ngươi trong lửa này!
Thế là từ nay các biến cố cứ dồn dập tới. Luther bị trục xuất và Staupitz cởi cho ông lời khấn vâng lời trong dòng; về tinh thần ông không có xứ sở, chỉ hoàn toàn nhờ vào sự che chở của dân chúng và ý muốn của các ông hoàng. Thực ra, giờ này, họ bảo vệ ông. Phòng chưởng ấn đế quốc đã khởi thảo những sắc lệnh nghiêm khắc chống lại ông, khi thấy có cuộc phản kháng, do ông hoàng miền Saxe đứng đầu: Luther vẫn chưa bị bài kích. Vì còn phải để ý tới dư luận quần chúng, nên người ta mời Luther đến hội nghị trường thành phố Worms để ”được ông cho biết các thông báo” và hứa sẽ cho ông giấy thông hành. Sứ thần tòa thánh Alexander và Frédéric le Sage định can ngăn cuộc hành trình của Luther tới Worms, nhưng Luther cương quyết muốn đến hội nghị trường. Trong các tỉnh ở Ðức, người ta đón rước ông linh đình, và như vậy là tỏ ra dân chúng đã bị tiêm nhiễm óc bài Roma và áy náy về tình hình xáo trộn tôn giáo. Alexander viết cho Roma:”Người Ðức xác tín rằng họ có thể là những kitô hữu tốt và giữ vững Ðức Tin công giáo, cho dù họ chống giáo hoàng” (15). Vương chủ của ông đã đưa ra những lý do về mặt quốc gia, biện bạch cho Luther được thuyết minh: điều công bình là để cho Luther có quyền tự biện minh. Lên án một người Ðức mà không nghe người ấy trước thì chỉ kích động và đào sâu thêm những bất mãn mà thôi. Ngày 17 tháng 4, trước hội nghị, người ta đưa ra hai câu hỏi: ông có nhận là tác giả những bài viết gán cho ông không, và ông có muốn cho thoái hồi những lý thuyết chứa đựng trong những bài viết ấy không? Ngay tức khắc, Luther đáp là ”có” cho câu thứ nhất, còn ở câu thứ hai ông xin một khoảnh khắc suy nghĩ, ông hy vọng sẽ biện hộ cho giáo thuyết của mình trong một cuộc tranh luận. Hoàng đế bảo ông nên suy nghĩ về nguy cơ lớn lao, về những bất hạnh, về cơn phản loạn, về cuộc nổi dậy và vụ đổ máu mà lý thuyết của ông đang khêu gợi lên trong thế giới. Ngày hôm sau, Luther từ chối mọi thoái hồi :”Bao lâu Kinh Thánh hay lý trí sáng suốt không còn gây mâu thuẫn với tôi, thì tôi không thể cũng không muốn chối bỏ gì hết vì vừa khó vừa nguy hiểm nếu cưỡng lại lương tâm của mình. Xin Thiên Chúa đến cứu giúp tôi. Amen” (16).
V.DỊCH THÁNH KINH
Việc hỏi cung ở Worms rõ ràng là sự diễn biến tôn giáo thuộc bản thân Luther đã trở nên một việc công khai thuộc chính trị cấp trên. Nó cũng biến thành một dịp tuyên truyền và, nói theo ngôn ngữ hiện đại, một quảng cáo mà Luther cần đến để cho công việc của ông thắng thế. Còn rõ hơn là trong cuộc hành trình trở về có hai chục hiệp sĩ đồng hành áp tải, và trong khi ông còn đang giảng thuyết ở Eisenach, thì người ta đã giả vờ một cuộc đánh úp làm cho ông tức khắc biến khỏi môi trường công cộng. Thế là ông được bảo vệ khỏi những hậu quả của sắc lệnh Worms, ban hành để chống đối ông, đồng thời ông có một thời gian suy nghĩ và làm việc âm thầm.
Ở điện đài Wartburg, ”đức ông Jorg” phải đương đầu với những cám dỗ nặng nề về tâm linh, ngài soạn một văn bản về sự khấn dòng, thu hút một số rất lớn các nam tu sĩ và nữ tu sĩ sống trong các tu viện mà không có ơn thiên triệu hoặc ăn ở trái luật dòng và lời khấn. Một bài vè châm biếm về việc lạm dụng thánh lễ được tung ra cho các anh em trong dòng và tố cáo thánh lễ chỉ là lối thờ ngẫu tượng, không hay ho gì. Ðồng thời Luther bắt đầu dịch Kinh Thánh ra tiếng Ðức. Tân Ước được hoàn thành sau 10 tuần, Cựu Ước chỉ xong 12 năm sau.
Kinh Thánh của Luther không phải là bản dịch thứ nhất qua tiếng Ðức. Bản thống kê năm 1939 (16) cho biết có tới 817 thủ bút Ðức ngữ về Kinh Thánh, trong đó có 43 bộ Kinh Thánh toàn tập. Còn về những bản in thì cho tới 1522, có 14 bản bằng tiếng Ðức văn hoa và 4 bằng Ðức ngữ bình dân, bắt đầu là bản phát hành Mentelin ở Strasbourg (1461 hay 1466) và bản Augsbourg năm 1473. Nhưng những bản phát hành này chỉ in tương đối có hạn. Còn bản dịch Kinh Thánh của Luther thì hay nhất xét về mặt ngôn ngữ. Ðặc sắc của nó là không nguyên chỉ được viết, trái với những bản dựa vào bản Phổ Thông, từ bản gốc, như Luther tưởng, nghĩa là từ bản in của Erasme năm 1519, mà nhất là đã được viết trong một ngôn ngữ bình dân và gợi cảm, ngôn ngữ thông dụng trong lối giảng thuyết ở Saxe và ở Bohême. Ngôn ngữ này đã làm cho bản dịch Thánh Kinh của Luther trở thành bản dịch tiếng Ðức văn hoa. Nó còn cho thấy dịch giả đã làm chủ được ngôn ngữ và nhiệt tình kinh nghiệm với cảm súc tôn giáo của con người, con người đã lớn lên trong việc hiểu biết Kinh Thánh và xây dựng tất cả đời sống trên một mình Lời Chúa mà thôi. Vì thế bản dịch Kinh Thánh của Luther trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Cải cách. Ðiều này thực ra cũng không nên làm cho người ta ngộ nhận, bởi vì Luther tùy tiện can thiệp vào bản văn và bảng kê khai, phân biệt những đoạn chính yếu và ít chính yếu của Kinh Thánh và theo một sử gia Tin Lành hiện nay thì :”Từ tư tưởng nông cốt về sự công chính hóa của ông, ông tìm cách chú giải những bản văn mà ý nghĩa theo chữ đen thì lại khác”(18). Bản dịch Kinh Thánh của Luther là một thành công vĩ đại ba nghìn cuốn đầu đã bán hết trong mấy tuần; 15 lần tái bản trong hai năm sau cũng thế.
Cũng rất quan trọng cho phong trào Canh tân Ðức Tin, đó là lần xuất bản tác phẩm cơ bản thứ hai, năm 1521, cuốn ”Loci communes rerum theologicarum” (Các điểm chung của khoa thần học) của Melanchton. Ðây là một bản trình bày những quan niệm chính về thần học chiểu theo các tư tưởng của Luther, tức một tác phẩm thần học theo hệ thống vừa thuộc tín điều học vừa thuộc luân lý học. Mục đích là chủ ý diễn giải những tư tưởng cải cách cho các văn gia và học giả, nhất là các nhà nhân bản, và cũng để cho kỷ luật trong Giáo Hội có một chỗ đứng, cũng cố hòa hợp an ninh trong các cộng đồng giáo xứ.
VI. VẤN ÐỀ CƠ CẤU CUẢ GIÁO HỘI.
Sự vắng mặt lâu dài của Luther thực ra có thể gây nên mối nguy cơ de đọa mọi trào lưu vô tổ chức, khi không có lãnh tụ, đó là quá khích và chia rẽ. Quả vậy, ở Wittenberg, người quá khích là Karlstadt, đã điều khiển phong trào và lôi theo Melanchton về bè phía mình. Người ta muốn rút ra những hậu quả thực tế từ những chủ trương của Luther và đó là bước đầu làm cho sinh hoạt cộng đồng xa công giáo dần. Karlstadt ủng hộ những bài giảng thuyết và một tu sĩ Augustin chống thánh lễ. Chính ông, sinh nhật năm 1521, lần đầu tiên ông lên tòa giảng trong bộ áo đời và cử hành, không xưng tội trước, một tiệc tạ ơn không có lễ qui và cho rước lễ cả bánh và rượu. Hôm sau ông lấy vợ, lúc đó ông đã 41 tuổi. Ðã từ lâu ông tuyên bố rằng hôn nhân trở nên bắt buộc đối với các linh mục triều và được phép nơi các tu sĩ. Ðể áp dụng qui chế do ông thảo ra, thì tài sản các tu viện và nhà thờ, các bổng lộc và ngân quĩ đều thu lại làm một ”quĩ chung”, để có thể trả lương cho các linh mục và giúp đỡ người nghèo. Cấm hẳn việc khất thực. Kinh sĩ đoàn ẩn tu dòng thánh Augustin ở Wittenberg cho phép các tu sĩ được bỏ nhà dòng. Các biến cố càng ngày càng trở nên xáo động: Karlstadt dùng vũ lực xông vào các nhà thờ và đập phá ảnh tượng, phế bỏ các bàn thờ cạnh, đốt hết dầu bệnh nhân. Dưới ảnh hưởng của mấy người cuồng tín bị đuổi từ Zwickau, người ta bãi bỏ khoa thần học. Các nhà tiểu công nghệ phải rao giảng Phúc Âm. Karlstadt khuyên sinh viên bỏ trường đại học và học lấy một nghề, chính ông, ông cũng đi làm ruộng. Trường đại học bỏ hoang phế.
Trước những biến cố này, Luther không yên tâm. Ðột nhiên ông tới Wittenberg giữa đám đông đang nổi loạn. Trong 8 bài giảng, ông thuyết phục dư luận quần chúng. Tự do Kitô giáo không cho phép dùng vũ lực thay đổi những việc tự nó vô thưởng vô phạt. Cải cách tôn giáo không được lan truyền bằng bạo lực, cũng không bằng tay người đời, hay bằng nổi loạn quần chúng. Phải giảng chân lý và để cho lời hoạt động. Những kẻ quá khích phải đầu hàng, nhưng chúng đã dạy cho Luther hiểu biết một bài học. Ông muốn chuyên chú giáo huấn và giảng dạy, chứ không bao giờ đứng tổ chức. Bây giờ ông phải rút những hậu quả thực hành từ lời ông giảng dạy, nếu ông không muốn người ta lạm dụng lời rao giảng của ông. Ông liền tổ chức ở Wittenberg đường lối phụng tự Thiên Chúa. Các thánh lễ tư, việc xưng tội và luật buộc ăn chay bị khai trừ, kể cả việc tu dòng và luật độc thân, còn la ngữ trong phụng vụ, việc dùng các phẩm phục thánh, dâng thánh lễ chủ nhật thì được duy trì. Việc dùng chén lễ khi cho tín hữu rước máu thánh thì để tùy ý mỗi người. Cộng đồng Kitô giáo là hình thức độc nhất của Giáo Hội theo Luther, sẽ có quyền giám định xem giảng thuyết viên có giảng dạy đích thực hay không (một cộng đồng hay một giáo xứ Kitô giáo có quyền và có khả năng phán đoán tất cả các giáo thuyết và bổ nhiệm hay truất phế các nhà giảng thuyết và giảng viên, 1523). Nhưng cộng đồng không có quyền kỷ luật nào trên các thành viên, quyền này lúc đó Luther cũng không chấp nhận nơi các cấp bậc dân sự. Mấy năm sau, ông sẽ thay đổi thái độ từ căn bản.
Ông vẫn ở Wittenberg, giáo huấn và giảng dạy, viết không biết mỏi mệt. Năm 1524 ông cởi bỏ áo dòng tu và một năm sau, ông kết hôn với một nữ tu dòng Citeaux, việc này rất làm phật lòng Melanchton, nữ tu cũng bỏ dòng, đó là bà Catherine von Bora. Kể từ lúc này sự nghiệp của ông càng ngày càng thoát ly khỏi bản thân ông và đi theo vận hội riêng.
VII. ULRICH ZWINGLI
Trong khi đó, ở những miền về phía Nam của nước Ðức như tại Zurich, xuất hiện một lãnh tụ mới của Cải cách, là Ulrich (Huldrych) Zwingli. Bức chân dung còn giữ được ở thư viện trung ương Zurich mang dòng chữ ghi như sau:
Khi tôi tìm cách cứu vãn tổ quốc qua những tín lý thánh.
Thì tôi ngã quị dưới mũi gươm vô ơn của tổ quốc.
Câu thơ này đặc biệt chứng tỏ một phía cạnh trong nhân cách của Zwingli. Việc Cải cách của ông và của Thụy Sĩ, hơn cả của Luther, là công việc của nhà nhân bản và thuộc về chính trị. Ðó cũng là ý tưởng cổ xưa về tổ quốc mà nhà nhân bản Zwingli cho sát nhập vào trào lưu chính trị và quốc gia. Còn phải thêm vào đó điều này: Zwingli sống vào một thời kỳ mà người Thụy Sĩ cho thành lập để phục vụ giáo hoàng một đoàn cận vệ quí hóa và do đó có nhiều giáo sĩ của Liên bang nhận được bổng lộc và lương của giáo hoàng.
Zwingli chỉ trẻ hơn Luther chừng mấy tuần lễ. Thân sinh ông là một nhà nông được địa hạt Saint Grall trọng nể. Lúc còn trẻ, Zwingli học tại Vienne, rồi một hôm bị đuổi, sau đó học tại Bâle. Ở hai trường đại học, người thanh niên này thấm nhuần sâu sắc thuyết nhân bản và cho thành lập một nhóm thân hữu cũng sôi sục tâm tình như anh. Khi học ở Bâle, anh còn dạy học ở trường Saint Martin, hoàn toàn sống như một nhà nhân bản trẻ tuổi. Năm 22 tuổi, được tiến cử làm cha sở giáo xứ Glarus, sau khi đẩy lui người ra tranh cử được giáo hoàng ủng hộ mà phải bỏ cuộc. Ðược chịu chức linh mục vào giai đoạn này, Zwingli là người đồng ý kiến với giáo hoàng và từ năm 1515 được hưởng bổng lộc của Roma. Rất cởi mở và hiểu biết những đòi hỏi của thời đại, hai lần ông làm tuyên úy quân đội, đi theo đồng hương qua Ý và ở cạnh họ trong các cuộc chiến. Khi trở về Glarus, vì lòng ái quốc ông phản đối những dự án tuyển mộ người Pháp. Không được người ta để ý, ông trao giáo xứ cho một phó xứ và đến làm giảng thuyết viên ở Einsiedeln, trung tâm hành hương nổi tiếng. Vào tháng 12 năm 1518, hội đồng Zurich bổ nhiệm ông làm giảng thuyết viên ở nhà thờ chính tòa. Nhưng phận sự mục vụ không làm ông sao nhãng việc trau dồi nhân bản; đã biết Hy ngũ, ông còn học thêm tiếng Do Thái. Từ năm 1516 ông bắt liên lạc với Erasme, ông này khuyên ông khi giảng chỉ nên dùng Kinh Thánh và các giáo phụ. Thay vì dọn bài giảng trên những bản văn tách ra khỏi văn mạch, ông lại chú giải liên tiếp Phúc Âm theo Thánh Mathêu và những bản văn Kinh Thánh khác. Thế nhưng, đối với ông, Kinh Thánh không giống như Kinh Thánh theo Luther. Luther cố gắng tìm ơn cứu rỗi trong Thánh Kinh, còn Zwingli lại tìm trong Thánh Kinh chân lý dưới hình thức trong suốt nhất. Ông là một nhà duy lý và thái độ của ông đối với lời mặc khải, có tính cách phê phán hơn thái độ của Luther, và ông tìm cách giảm thiểu mầu nhiệm và qui chiếu Kitô giáo vào một thứ triết học của Ðức Kitô. Vậy thì phải bãi bỏ công chính nhờ việc làm, nhất là bỏ các cuộc hành hương, bỏ sự tôn sùng các thánh và các di vật thánh, và dĩ nhiên bỏ hệ thống các ân xá. Lần đầu tiên, ông ra mắt theo lời yêu cầu của tổng đại diện Constance, ông can thiệp chống lại tu sĩ Phanxicô, Sanson de Milan, là người được bổ nhiệm giảng ân xá đền thánh Phêrô. Giám mục Constance cấm không cho nhà thuyết giảng này lên tòa giảng trong địa phận, vì ông biến việc rao giảng thành một thứ rao hàng bỉ ổi, và cuối cùng Liên Bang đã yêu cầu đức Léon X phải triệu Sanson về Roma. Từ trong thâm tâm, Zwingli đã xa lìa Giáo Hội. Có lẽ ông không chịu ảnh hưởng của Luther, ông còn chống đối Luther cách dữ dằn nữa. Thực ra, khuôn mặt người Cải cách này thật khác biệt. Tuy ông nhận những điều căn bản trong giáo thuyết Luther về Ðức Tin, về công chính hóa và Kinh Thánh, nhưng ông thay đổi chút ít cho thăng bằng hơn. Zwingli không biết những vật lộn nội tâm hay kinh nghiệm tôn giáo của Luther, nên đối với ông, không phải là ân sủng hay cái chết của Ðức Kitô làm nên trung tâm giáo lý Kitô giáo, nhưng là lề luật, biểu hiện ý muốn vĩnh cửu của Thiên Chúa; không phải là nhờ sự công chính hóa mà là nhờ sự thánh hóa Ðức Kitô tác thành nơi con người; như vậy là có một ý hướng luân lý hóa trong hệ thống của ông. Ý muốn của Thiên Chúa được rõ ràng bày tỏ trong Kinh Thánh, vì thế phải đối chiếu hết các cách ăn nết ở với Kinh Thánh; nếu chúng không do Kinh Thánh ban hành thì phải bỏ đi. Ở đây Zwingli gần với Karslstadt (20). Vậy còn gì về các bí tích? Chỉ còn lại phép rửa và tiệc thánh mà thôi, nhưng chúng cũng chỉ là những ký hiệu tượng trưng không có hiệu lực nội tại..
Cuộc tan vỡ bên ngoài với Giáo Hội không còn xa xôi nữa. Ngay từ năm 1521 vì luôn chú trọng tới cộng đồng xã hội và chính trị, nên ông yêu cầu tiểu hội đồng ra lệnh cho hết các giảng thuyết viên chỉ dùng Kinh Thánh làm nền tảng của lời giảng dạy. Khi vì ảnh hưởng những bài giảng của Zwingli mà người ta công khai bỏ ăn chay tại Zurich, thì giám mục Constance lên tiếng phản đối (1522). Zwingli liền cho ấn hành một bài giảng ”Về chọn lựa và tự do trong việc dùng thực phẩm”, và gửi cho giám mục một bản kèm theo chữ ký của 10 linh mục khác, và cũng lập tức gửi một bản tới hội đồng Liên Bang Lucerne. Ông xin được tự do giảng Phúc Âm và hủy bỏ chế độ độc thân trong Giáo Hội. Ðiều này chỉ là một thỉnh cầu hoàn toàn riêng tư thuộc bản thân ông mà thôi. Năm 1524, ông cưới người góa phụ mà ông đã sống chung từ lâu. Nào là các thư chung và lời cảnh cáo của giám mục Constance, nào là cấm đoán của hội dòng, tất cả đều không có hiệu quả. Bị đe dọa rút phép thông công, Zwingli trả lời bằng một cuộc tấn công sôi nổi chống các thủ lãnh trong Giáo Hội. Ông bỏ tòa giảng thuyết, không còn muốn đụng chạm tới Giáo Hội già cỗi, nhưng hội nghị Zurich xác nhận cho ông vẫn giữ chức vụ đó. Năm 1523 hội nghị tổ chức cuộc tranh luận mà kết quả đã được biết trước. Zwingli trình bày 67 luận đề ruồng bỏ Giáo Hội hữu hình, từ chối hệ thống truyền khẩu, hàng giáo phẩm, chức linh mục, thánh lễ, chống đối các lời khấn dòng, các ngày lễ và ngày ăn chay, và trao cho người đời việc cai trị Giáo Hội. Cuộc tranh luận kết thúc là Zwingli toàn thắng; những lời giải thích của tổng đại diện Constance, Johannes Fabri cũng là học trò của Erasme thì quá thông thái và giọng điệu quá độc đoán. Hội nghị truyền cho các nhà giảng thuyết phải theo đúng các luận đề của Zwingli.
Ông đã soạn sẵn một nghi thức mới về phép rửa, chỉ ghi nhận giá trị tượng trưng của bí tích. Một cuộc tranh luận thứ hai đã xẩy ra đưa tới việc bãi bỏ những trình diễn nghệ thuật và thánh lễ, nhưng vẫn còn có chống đối. Vào tháng giêng năm 1524 khi hàng giáo sĩ không nhận Cải cách thì hội nghị cấm rước kiệu và hành hương; vào tháng sáu, cấm tôn sùng ảnh tượng. Trong thời gian 13 ngày, các nhà thờ thành phố được thanh tẩy, được”quét sạch”: tường quét vôi trắng, tượng và tranh được hạ xuống hoặc bị hủy bỏ. Người ta bỏ nến, bỏ chuông, bỏ dầu bệnh nhân, phá đàn cầm, và tháng giêng năm 1525 đóng cửa các tu viện. Nhà thờ chính tòa được biến thành trường thần học có nhiệm vụ soạn qui chế cho một cộng đồng theo Kinh Thánh. Hết các tập đoàn Giáo Hội được kết hợp thành một tổ chức bác ái thành phố. Trước Phục Sinh năm 1525, hội nghị cấm thánh lễ và tiệc thánh đầu tiên được cử hành, ngày thứ năm tuần thánh một cách hết sức trơ trụi. Tháng sau, được thành lập một tòa án hôn nhân gồm có giáo dân và các giảng thuyết viên, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề tới đây thuộc quyền tòa giám mục: giải quyết những cản trở hôn nhân, hữu hiệu của hôn nhân, ly dị. Sau đó tòa án này còn điều hành kỷ luật Giáo Hội và bổ nhiệm người đứng đầu các giáo xứ. Thế là hoàn tất công cuộc xây dựng đô thành Kitô giáo, đô thành này đối với Zwingli là hữu hình, hơn cả giáo xứ. Lại nữa, ông không ngần ngại xử dụng những tòa án thành phố khi phe Baptiste đe dọa phá cộng đồng của ông. Việc phụng tự theo Zwingli thì rất đơn giản: cầu nguyện, đọc sách thánh, giảng thuyết và mỗi năm 4 lần rước lễ. Cấm ca hát và đàn kịch. Phép rửa chỉ là dấu hiệu gia nhập Kitô giáo, tiệc thánh là kỷ niệm nhắc nhở sự Thương Khó của Ðức Kitô. Những lời truyền phép được coi như hoàn toàn tượng trưng (là: nghĩa là). Zwingli muốn tập hợp tất cả dân chúng trong các nhà giảng thuyết và cầu nguyện không hình không ảnh, hoàn toàn chuyên chủ vào lời: ông làm việc này thoải mái, không do dự, không áy náy, với một nghị lực quyết liệt, không thèm để ý tới nỗi đau đớn của những tín hữu kỳ cựu ở Zurich (”có nhiều bà lão đã khóc”). Con đường Zwingli đã chọn thì hoàn toàn trao Giáo Hội vào tay hội đồng thành phố - những cộng đồng Giáo Hội và dân sự, đối với ông, làm thành một đơn vị tôn giáo - con đường đó trở thành một kiểu mẫu cho nhiều thành phố của đế quốc miền Nam nước Ðức. Thực là khác biệt bao với cộng đồng ở Wittenberg! Thế là cả hai nhà Cải cách đều tổ chức các tập đoàn của mình gần như cùng một lúc: các tập đoàn biểu lộ rõ rệt sự khác biệt về tính tình của hai người vậy.
VIII. NÔNG DÂN NỔI LOẠN.
Nhưng chính Luther cũng không thể giữ lý tưởng của mình cho hết sức trong suốt. Dĩ nhiên ông có đủ khôn ngoan để khéo léo giữ khoảng cách đối với cuộc cách mạng do hàng quí tộc của đế quốc nhoi nhóm lên và không lầm lẫn các nguyên do, tự do Ðức quốc với tự do Kitô hữu. Thế là ông viết cuốn ”Về quyền dân sự, cho tới đâu được tuân theo nó” (21). Trái lại rất khó giữ được thái độ phù hợp với lý thuyết của mình và sáng suốt trong cuộc nổi loạn của nông dân. Lẩn vào những tư tưởng xã hội cách mạng của những người này, nhiều khi lại có những tâm tình tôn giáo riêng biệt của những kẻ cuồng tưởng và phái baptít. Liên quan này là mối nguy cơ lớn đầu tiên của phái Luther.
Một trong những lãnh tụ của những người cuồng tưởng là Thomas Muntzer, cựu linh mục công giáo. Khi có cuộc tranh luận ở Leipzig, ông đứng vào phe Luther để đem thực hiện trật tự mới ở Zwickau. Ở đây ông ly khai với một số giáo huấn của Luther. Thực tế hơn Luther, ông chủ trương có một tham dự nào đó của con người trong Ðức Tin: chỉ vì đã vượt được những ngăn trở nội tâm mà Maria đã đạt tới niềm tin. Những trận thắng nội tâm này được hình thành do chứng từ trực tiếp của Thánh Linh, do ánh sáng nội tâm, do lời nội tâm đối lập với lời chết của Kinh Thánh. Không thể tưởng tượng rằng Thiên Chúa đã phán dạy suốt nhiều thế kỷ mà nay không còn nói nữa, như thể Người đã bị câm. Luther đã chế diễu là 'họ muốn trực tiếp thưa với Thiên Chúa'. Munstzer muốn nước Thiên Chúa cho dân nghèo khó nhỏ mọn. Vì thế ông đầy lòng căm ghét các giáo sư ở Wittenberg, những tiến sĩ kiêu căng Gioan Tẩy giả đã đề cập tới.
”Các tiến sĩ thông thái của chúng ta muốn đem chứng từ của tinh thần Ðức Giêsu vào trong đại học... Với Kinh Thánh họ đã cướp đoạt, họ muốn một mình xét xử Ðức Tin, trong khi đó họ hoàn toàn không có Ðức Tin, trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người đời. Vì ai nấy đều có thể thấy và hiểu rằng chúng tìm danh vọng và tiền của. Cho nên hỡi ngươi, người của đại chúng, tự ngươi, ngươi phải trở nên thông thái”(22).
Phải chăng Phúc Âm không được gửi tới những người bị đè nén dưới gánh nặng của đời sống, những kẻ vất vưởng thua thiệt, thực ra là những kẻ được tuyển chọn ư? Phúc Âm không bãi bỏ lề luật, nhưng hoàn thành hóa lề luật trong tất cả sự nghiêm chỉnh chặt chẽ của nó. Nếu người ta muốn chuẩn bị cho nước Thiên Chúa đến, thì người ta không nên sợ các nguy cơ hay phiền phức. Luther làm cho công việc trở nên quá dễ dàng; ông chỉ giảng ”một nửa Ðức Kitô, dịu dàng như mật”. Nhưng ”kẻ không muốn Ðức Kitô cay đắng, thì người đó sẽ chết vì đã nốc nhiều mật quá”. Vì thế Luther là ”tổng thủ trưởng của ma quỉ”, là “giáo hoàng Wittenberg”. Nhưng dân sẽ tự do và một mình Thiên Chúa sẽ là Ðức Chúa của họ. Do đó Muntzer chuyên giảng về sự dấn thân nhiệt tình, phá phách các ảnh tượng và khi các ông hoàng Saxe xa lánh ông, ông lại giảng cuộc nổi loạn chống các vua, các chúa, các ông hoàng, và các linh mục. Ông ký vào các bài ông viết là ”Thomas Muntzer mang gươm của Gedeon”. Ở Zwickau ông liên kết với các người đi làm tôi đòi, đầy tớ. Nhưng hội đồng thành phố chen vào công việc, các ngôn sứ của tân vương quốc Kitô giáo bị trục xuất. Muntzer tổ chức buổi phụng tự Ðức đầu tiên trong thôn xóm Saxon Allstedt. Bị Luther đuổi, ông đi tới Muhlhausen miền Thuringen. Một lần nữa bị trục xuất, ông lại ra mắt năm 1525 và cho thành lập một chế độ thần chủ của những người bé mọn. Thế là trước tình hình xã hội, nông dân nổi loạn đứng lên chiến đấu, ở Trung và Nam nước Ðức, được Muntzer mãnh liệt thúc đẩy. Người ta cũng được dự một cảnh tượng tương tự với phái baptiste ở Wittenberg do Karstadt điều hành. Từ nay có những lũ quân và bọn ”cuồng tưởng” là thù địch của Luther. Ông còn thù ghét chúng hơn cả quyền giáo hoàng; khi Muntzer có mặt ở Allstedt, Luther soạn một thư gửi tới các ông hoàng miền Saxe về óc phiến loạn (23).
Chắc chắn nông dân đã cầm võ khí, vì họ chịu quá nhiều thứ thuế khóa sưu dịch. Nông dân bất mãn vì tình hình xã hội rối ren, họ không chịu đựng nổi tính tình thay đổi của các ông chủ, thay đổi chế độ ruộng đất canh tác, áp dụng luật Roma, hệ thống kinh tế mới của các đô thị, căn cứ vào tiền vào bạc. Ngay buổi đầu cũng có những lý do tôn giáo. Năm 1491, cờ của liên hiệp nông dân miền sông Rhin thượng, có ghi dòng chữ:”không có gì quí hơn công chính của Thiên Chúa” và ảnh Ðấng chịu đóng đanh ở giữa Maria và Gioan, dưới chân có một nông dân quì và ngước mắt lên. Các thành phần của liên hiệp nông dân buộc phải đọc một số kinh nhất định, ý thức về phẩm giá con người chung cho mọi kẻ được cứu rỗi, người ta yêu cầu các ông chủ với danh nghĩa là những Kitô hữu đích thực, phải làm cho nông dân thành những con người tự do. Rồi xẩy ra cuộc đảo lộn tôn giáo, việc chống đối các giám mục và các tu viện, phần nhiều là những chủ nhân của họ, và bài viết của Luther về tự do của người kitô hữu. Chắn hẳn là Luther đã nghĩ tới tự do nội tâm khi ông viết rằng người kitô hữu được tự do đối với hết mọi sự việc trần thế, nhưng nông dân lại hiểu là đối với các chủ ông đời và đạo, với việc bãi bỏ hết các thuế tạp và công việc khổ sai. Cách mạng nông dân thực ra đã bắt đầu ở miền thượng lưu sông Rhin và ở Wertenberg, trước khi Luther chưa can thiệp vào, nhưng với bài diễn văn nảy lửa của những kẻ khuấy động tôn giáo, trong đó có Thomas Muntzer cùng với nhiều truyền đơn thù ghét mang những hình ảnh dễ hiểu đối với dân chúng, thì thật là đổ dầu vào lửa.
Ở Memmingen năm 1525 nông dân soạn một qui chế liên bang, ”một hiệp hội Kitô giáo theo Phúc Âm”. Ðể định nghĩa quyền thiêng liêng mà nông dân tự mình thấy không đủ khả năng hiểu, thì họ cắt bảy giảng viên và tiến sĩ, trong đó có Luther, Melanchton và Zwingli. Còn chính họ quán xuyến phần luật dân sự. Họ soạn những điều khoản cơ bản của tất cả đoàn nông dân và của tất cả những người phục tùng quyền đạo và đời: đó là tập danh tiếng có tên là Mười hai điều khoản mà tác giả hẳn là người làm nghề thuộc da ở Memmingen, tên là Sébastien Lotzer. Khoản một đời cho cộng đồng giáo xứ tự do cắt đặt cha sở, cộng đồng sẵn sàng cấp bổng lộc thập phân cho ông, bổng thập phân này đã được ấn định trong Cựu Ước. Kẻ được cắt cử phải công bố Phúc Âm ”một cách sáng sủa và trong suốt, không chen các yếu tố loài người vào”. Khoản ba phàn nàn rằng :”người ta đã coi chúng tôi như những người tách biệt, thật là đáng tiếc khi nhận thấy Ðức Kitô đã cứu chúng ta hết thảy bằng bảo huyết của Người. Cho nên Kinh Thánh nói rằng: chúng ta tự do”, không phải không có chủ, nhưng tự do về thân xác chúng ta. Các khoản tiếp theo đòi tự do săn bắn và đánh cá, xin gỗ để cất nhà và củi để sưởi, bãi bỏ thuế khi có người chết, giảm việc khổ sai và thuế canh tác, bãi bỏ những hình phạt vô lý (24). Quả thực, những khoản mục này trình bày quân bình và thấm nhuần sự kính sợ Thiên Chúa, đáng là tác phẩm của những người sống theo lý tưởng. Ðám quần chúng không chỉ gồm nông dân mà còn có cả tiểu nông nghệ và đồng nghiệp thành phố, họ bị những kẻ khuấy rối lôi cuốn, đi cướp bóc và đốt phá: hơn một nghìn tu viện và điện đài bị thiêu hủy. Tất cả những vụ việc này đều gây nên cuộc phản công cương quyết. Viên chỉ huy liên bang Souabe, là Georg Truchsess von Waldbourg, cho tiến quân đánh những nhóm nông dân lẻ tẻ và tiêu diệt họ. Ở miền Franconie và Thuringe, kẻ thắng trận phản công dữ dằn hơn cả. Muntzer bại trận ở Frankenhausen, bị tra tấn rồi bị chặt cổ. Bá tước Casimir de Brandebourg-Kulmbach cho móc mắt 62 người tư sản ở Kitzingen vì đã tham gia cuộc nổi loạn, rồi trục xuất khỏi thành, bắt họ chịu cảnh cùng khổ. Cuộc nổi loạn của nông dân thất bại, nhưng nó cũng là toan tính để cho mỗi thôn xã có quyền tự do bàu phiếu, được chọn Ðức Tin cũ hay mới. Chiến thắng nằm trong tay các ông hoàng.
Nông dân tin vào sự ủng hộ của Luther và đã xin ông làm trọng tài. Năm 1525 ông viết một ”Khuyến dụ hòa bình theo 12 khoản” (25), trong đó ông dụng ý gửi tới các ông hoàng và các chủ ông, và nói chung ông nhận những đòi hỏi của nông dân là hợp lý, là đúng lý. Ông nói: những người có trách nhiệm về những vụ lộn xộn này chính là các ông chủ và nhất là những kẻ chống đối Phúc Âm. Một tháng sau, khi ở Franconie và Thuringe, các tu viện và điện đài bị thiêu hủy, khi bạo lực và cướp phá càng tăng lên nhiều, ông lại viết thêm vào phần phụ của lần tái bản Khuyến dụ một bài mới ”Cũng chống lại những bọn đạo tặc và sát nhân của những nông dân khác”. Bây giờ ông kêu gọi các ông hoàng cho hạ sát các nông dân như những con chó dại, vì đó là một việc đẹp lòng Thiên Chúa. Lời lẽ của Luther thì tàn nhẫn :”Vì thế, ai có khả năng thì phải đánh đập, thắt cổ, đâm chém, ngấm ngầm hay giữa ban ngày ban nhật, nghĩ rằng không có gì thâm độc hơn, nguy hại hơn, quỉ ma hơn một người phản loạn, như thể người ta hạ sát một con chó dại; nếu ngươi không đánh thì chính ngươi sẽ bị đánh và với ngươi là toàn cõi xứ sở. Hãy đâm chém, hãy đành đập, hãy thắt cổ tùy sức có thể. Nếu ngươi bỏ xác ở đó thì phúc cho ngươi, bởi ngươi chết vì vâng lời Thiên Chúa... và phụng sự tình thương” (26).
Trong các thư của ông, ông tỏ ra vẫn giữ một tinh thần ấy :”Vì nếu như nông dân còn có tới mấy nghìn người, thì họ vẫn là những đạo tặc và sát nhân”. - ”Nếu quả thật nơi họ có những kẻ vô tội, thì Thiên Chúa sẽ không thể không cứu vớt họ và bảo vệ họ... Nếu Người không làm thì hẳn là vì chúng không vô tội; ít ra họ đã im lặng và chuẩn y...” (27).
Theo Luther thì quyền bính trên căn bản là để bảo vệ những kẻ yếu hèn và ngăn cản biến loạn, và nhiệm vụ vâng lời lại đi khá xa, đến nỗi đương sự phải chối không được tự xử cho mình. Thế nhưng cuộc nổi loạn của nông dân ít ra một phần nào đó, chẳng phải là đã phát xuất từ Luther đó sao? Ông đã chẳng kêu gọi giáo dân đứng lên tự vệ đó sao? Ông đã chẳng khuấy động không khí bằng những lời lẽ gây gỗ và thô lỗ, và đã chẳng xúi quần chúng nổi dậy với mối căm hờn quá đáng, chống lại những cơ cấu hiện có đó sao?
Thất bại của cuộc nông dân nổi loạn và bài viết nẩy lửa của Luther hẳn đã làm hại thanh danh của nhà Cải cách. Nhưng về điểm này, phải chăng người ta có thể nói là đã chấm dứt Cải cách của ông, như một trào lưu đại chúng không (28)? Ðúng là một vấn đề thuộc quan điểm, tùy theo người ta nghĩ tới những tôi đòi của các ông hoàng nhiều hơn hay tới phái tiểu tư sản thành phố nhiều hơn. Dẫu sao, bây giờ giữa Luther và người thường dân, có một cái hố. Ông đã nhận rõ ràng rằng Giáo Hội của ông, ngoài bản thể vô hình, còn cần một cơ cấu hữu hình, cần có các cơ quan và ban điều hành, nếu muốn tránh cho giáo thuyết và phong hóa không lệ thuộc vào tư kiến cá nhân. Nhưng việc cai trị và kiểm tra kỷ luật không nên trao cho các mục sư, vì họ phải đảm nhận việc phụng sự Lời Chúa. Vậy, các ông hoàng và các hội nghị phải lo săn sóc việc tổ chức Giáo Hội nơi quần chúng. Như vậy Luther chủ trương việc cai trị Giáo Hội do các ông hoàng, như đường lối thời hạ Trung Cổ. Ông công nhận là của mình cái nguyên tắc: một sứ mệnh đặc biệt, nhờ ơn Thiên Chúa, được trao cho ông hoàng như cho một thứ giám mục để duy trì trật tự trong Giáo Hội. Thực ra, ông hoàng không được bắt ép những ai có một tin tưởng khác phải theo tôn giáo chân chính. Nhưng ông phải cấm lối phụng sự lạc giáo và canh chừng để Thiên Chúa được phụng thờ cho chính đáng. Ðây là nền tảng để thành lập các Giáo Hội quốc gia theo Luther; cũng là cách lồng việc truyền bá Phúc Âm trong khuôn khổ sinh hoạt cai trị và chính trị, có phương hại cho kinh nghiệm cá nhân và đảo lộn trật tự.
IX. CÁC GIÁO HỘI QUỐC GIA Ở ÐỨC VÀ MIỀN SCANDINAVIE.
Từ khi xẩy ra những biến cố ở Heideberg và ở Worms, Luther luôn có bạn bè mới, họ toan tính truyền bá và áp đặt Cải cách. Chúng tôi đã nhắc tới tên Melanchton, Hutten và Sickingen, Bucer và Brenz. Amsdorf giúp dịch Kinh Thánh và bây giờ làm việc ở Magdebourg; Bugenhagen từ Pomeranie tới làm cha sở Wittenberg rồi Hambourg. Justus Jonas đồng sự của Luther ở Wittenberg lo dịch các bài bằng tiếng latinh, Spalatus ở Nuremberg, thư ký riêng của ông hoàng cử tri miền Saxe, nhận công tác đạo đạt những tư tưởng và nguyện vọng của Luther lên cho thày mình, còn đang áy náy và do dự. Thêm vào tất cả số người này, có rất nhiều tu sĩ hoàn tục dòng Augustin, Phanxicô (như Eberlin, từ Ulm, hay thời sự gia Konrad Pellican), dòng Ða Minh (như Bucer), dòng Biển Ðức (như Ambrosius Blarer), dòng Brigittin (như OEcolampade) và nhiều người khác. Trong số những đệ tử buổi ban đầu, tuy sau này lại bỏ Luther, có nhiều nhà nhân bản thuộc ngạch hành chính thành phố, nhất là ở Nuremberg, nơi mà từ 1521, người ta rao giảng giáo thuyết của Luther; đó là Willibald Pirckheimer và Lazarus Spengler, và những Cải cách gia ở các tỉnh miền Nam đế quốc, như ở Hall, Esslingen, Reutlingen, Memmingen, Augsbourg và Constance. Năm 1524, có một người thành Nuremberg tổ chức diễn thuyết về Luther ở Breslau; ngay ở Magdebourg, ở Erfurt và ở Halberstadt, ở Brême và ở Danzig, người ta cũng giảng giáo thuyết Luther. Trái lại về phía các ông hoàng, thì chỉ có bào đệ và đích tôn của ông hoàng cử tri miền Sase lúc đầu theo Luther mà thôi. Từ 1523 tổng trưởng dòng Teuton, là Albert de Brandebourg, bắt liên lạc với Luther và các giám mục Samland và Pomésanie xin cho phép giảng Phúc Âm trong địa phận; năm 1524 chính các ông cũng tuyên bố, theo Luther và lấy vợ: đó là những người đào ngũ đầu tiên trong hàng giám mục Ðức.
Thể theo lời khuyên của Luther, tổng trưởng Albert de Brandebourg, năm 1523, cho biến địa hạt của dòng Teuton, nước Prusse, thành bá tước cương thổ dân sự và coi như thái ấp của vua Balan. Ðồng thời ông cho sáp nhập cơ cấu Phúc Âm, nhưng vẫn giữ cơ chế giám mục. Ông kết hôn với một người con gái của vua Frédéric I nước Ðanmạch và giữ một vai trò rất quan trọng về chương trình Cải cách của xứ này.
Thế là lãnh thổ của dòng Teuton, xứ Prusse, là địa hạt thứ nhất hoàn toàn sáp nhập vào Cải cách. Các lãnh thổ khác cũng rất nhanh chóng chạy theo phong trào. Lãnh chúa Philippe de Hesse vì theo Melanchton nên đã truyền cho trong xứ mình phải giảng Phúc Âm tinh tuyền. Hai năm sau, theo gương Zurich, ông cho tổ chức một cuộc tranh luận ở Homberg, dưới sự điều khiển của cựu tu sĩ Phanxicô là Lambert d'Avignon, trong cuộc tranh luận này, ông bảo vệ 158 luận đề do ông soạn thảo. Cuộc tranh luận được kết thúc bằng việc thiết lập một hiến chương mới cho Giáo Hội, Cải cách các Giáo Hội Hassia. Không những người ta bàn luận về tổ chức và sinh hoạt Giáo Hội nước Hesse, về việc giáo dục thanh niên và việc thiết lập một trường đại học mới ở Marbourg, mà còn cho khuếch trương các tu viện (29) và những cơ sở mà chủ nhân muốn được bồi thường bằng một lương bổng riêng; người ta bãi bỏ phụng tự cũ và thay thế các cha sở theo giáo hoàng bằng những người giảng thuyết luật mới. Những ai không nhận quyết định của nhà vua thì bị đem đi phát vãng. Người ta không nhận quyền tự do lương tâm của nhiều người muốn giữ luật cũ, kể cả những người theo phái baptiste. Quyền hành Giáo Hội từ nay đều nằm trong tay lãnh chúa. Tuy bị Luther cảnh cáo, ông đã lanh lẹ cho thi hành hiến chương mới theo ý ông.
Philippe de Hesse có thể dựa vào sắc lệnh của hội nghị Spire năm 1526, sắc lệnh hẳn chỉ có giá trị tạm thời và trong đó nói rằng, trong những vấn đề liên quan tới sắc dụ Worms, tức là trong những vấn đề thuộc canh tân tôn giáo, thì mỗi cấp bậc trong đế quốc có thể nhận thái độ nào mà mình cho là hoàn toàn có ý thức về trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa và hoàng đế. Quyết định này, một cách bất công, được dùng làm căn bản hiến pháp để triệt hạ hệ thống Giáo Hội Công Giáo và tạo nên những Giáo Hội theo Luther riêng trong mỗi địa hạt. Có một điều chung trong diễn biến này, đó là việc thiết lập một hiến chương mới cho Giáo Hội và sự áp dụng bằng một cuộc kinh lý được thực hiện nhân danh nhà vua trong toàn cõi; người ta lại còn thêm một trường đại học riêng, nếu chưa có trong địa hạt. Các Giáo Hội này được tổ chức cho tới năm 1529, ở Hesse và ở Saxe, trong mấy bá tước lãnh thổ và hầu tước cương thổ nhỏ bé hơn, mà cũng trong nhiều đô thị của đế quốc, như Brême, Strasbourg, Magdebourg, Nurenberg và các đô thị khác. Trong đất tuyển hầu Saxe, người kế vị Frédéric le Sage, năm 1527, đã sai đi kinh lý khắp xứ, bốn ủy viên và chính Luther cũng tham dự. Melanchton soạn một cuốn thủ bản dùng trong thời gian kinh lý, Luther viết và cho ấn hành một cuốn giáo lý nhỏ cho đại chúng và cuốn giáo lý lớn cho các cha sở, và một sách hát, một lễ tiếng Ðức và một cuốn nghi thức rửa tội (30). Người ta còn duy trì các nghi lễ và phẩm phục, bài hát và dâng Mình Thánh lên, trái lại bỏ lễ qui, điều mà dân chúng ít nhận thấy. Người ta cắt đặt các linh mục vào việc thanh tra Giáo Hội và các tổng quản lý là giáo dân do nhà nước bổ nhiệm. Mặc dầu Luther chỉ muốn coi sự tham dự của Nhà Nước như một dịch vụ của người anh cả mà thôi, những Giáo Hội địa phương ấy lại cưỡng ép những người giữ Ðức Tin cũ phải di tản và trừng phạt phái Baptiste trong thân thể và tâm hồn. Các Giáo hội địa phương đã trở thành những Giáo Hội của các ông hoàng, quyền hành nằm cả trong ý muốn của nhà vua kể cả về vấn đề tôn giáo.
Ở ngoài đế quốc, trong những nước Scandinavie, những Giáo Hội theo Luther được thành lập bởi những ông chủ phần đời, mặc dầu có những phản đối; có thể nói đó là những Giáo Hội quốc gia. Ðối với Ðan Mạch thì dứt khoát, đã có liên hệ chặt chẽ với Holstein và Schleswig, là những tiểu bang từ năm 1528 đã chấp nhận hiến chương Giáo Hội Luther, cũng vậy, vua Ðan Mạch cũng liên lạc chặt chẽ với con rể là tân bá tước quận Prusse theo Luther. Mặc dầu vua Frédéric I trong cuộc tuyển cử phải nhượng bộ về việc cấm giảng giáo thuyết Luther, nhưng từ năm 1527 ông tỏ ra khoan dung rõ rệt đối với giáo thuyết mới. Giáo thuyết này được rao giảng do một cựu tu sĩ ở Wittenberg, là Johannes Tausen, được bổ nhiệm làm tuyên úy triều đình. Ở Copenhague, có 21 giảng viên, đứng đầu là Tausen diễn giảng tuyên xưng Ðức Tin ”Confessio Hafniensis”. Khởi điểm không phải là cuộc tranh đấu trong bản thân để được ơn Chúa, theo chiều hướng của Luther, nhưng là chủ trương nhân bản học về Kinh Thánh, theo tinh thần của Zwingli và Bucer. Cuộc phản tấn công bênh vực công giáo của tu sĩ Carme là Paulus Heliae, người thấm nhiễm ảnh hưởng của nhân bản, và của tu sĩ Phanxicô người Ðức, là Nikolaus von Herborn không có hiệu quả. Nội chiến bùng lên vì vấn đề kế ngôi Ðan Mạch, được kết thúc sau nhiều trận giao tranh lâu ngày dài tháng, làm lợi cho bá tước theo Luther là Christian III de Holstein: cuối cùng chiến thắng nằm trong tay Cải cách. Bảy giám mục Ðan Mạch bị bỏ tù năm 1536 và được thay thế bằng những tổng quản lý; tài sản của Giáo Hội bị tịch thu và các giám mục chỉ được phóng thích sau khi đã từ chức giám mục; giám mục thành Roskilde chống cự đến cùng, đã chết trong tù năm 1544. Người ta đã gọi Bugenhagen từ Wittenberg về để ông này tấn phong cho nhà vua và thảo ”nghi lễ phong chức trong Giáo Hội”, theo mẫu nghi lễ phong chức trong miền bầu cử Saxe, nhưng có chỗ khác biệt là không lập Hội Ðồng Giáo Hội, nhà vua toàn quyền điều khiển Giáo Hội; các tổng quản lý chỉ là những công chức của vua. Một năm sau (1538), Ðan Mạch sáp nhập vào liên bang Smalkalde và từ đó cũng công nhận bản Tuyên xưng Ausbourg. Na Uy thì liên minh với Ðan Mạch do khế ước tư nhân và cũng chung số phận của Giáo Hội Ðan Mạch. Sắc lệnh của vua Ðan Mạch cũng được thi hành trong căn cứ xa xăm là đảo Islande, mặc dầu mãi năm 1550 mới hoàn toàn chiến thắng, sau vụ xử tử giám mục thành Holar là Jon Arason. Vị này đã kháng cự bằng khí giới và cầu cứu hoàng đế Charles Quint là người bảo vệ Công giáo.
Ở Thụy Ðiển, từ khi liên minh Kalmar (1397) để cho Ðan Mạch quyền bá chủ, hàng giáo phẩm, trước khi Luther nhập cuộc, đã liên minh với người Ðan Mạch chống phong trào quốc gia. Các ngài đã đi sai đường và mất hết uy tín trong vụ tàn sát ở Stochkolm năm 1520. Khi lãnh tụ của nhóm nổi loạn là Gustave I Wasa đã ngầm theo Luther được bầu làm vua năm 1523, thì ông gặp được những cộng tác viên có tài như tổng phó tế Lars Anderson và Olaus Petri, giảng thuyết viên nhà thờ chính tòa Strangnas. Cả hai đều theo Luther và Olaus Petri là học trò cũ của Luther ở Wittenberg. Anderson được bổ làm chưởng ấn nhà vua. Những mục tiêu đầu tiên trong chính sách mới đối với Giáo Hội khá ôn hòa và đã được đắn đo nghiêm chỉnh: đặt các giám mục bản xứ, với một tổng giám mục bản xứ và đặt chương trình Cải cách. Nhưng rồi có những khuynh hướng quá khích nổi lên chiếm phần thắng thế. Người ta nhân cơ hội có những cuộc nổi loạn để hạn định quyền hành các giám mục và làm giàu cho nhà vua bằng cách tịch thu tài sản Giáo Hội. Hội nghị Vasteras năm 1527 quyết định chiếm những hoa lợi phụ trội của Giáo Hội để nhà vua xử dụng và yêu cầu chỉ giảng lời Chúa mà thôi. Giám mục Hans Brask thành Linkoping, người kiên trì bảo vệ Giáo Hội phải trốn sang Balan. Năm 1529 người ta bãi bỏ mọi quyền hành giáo hoàng đối với các giám mục. Cuộc khởi nghĩa của dân công giáo bị đánh tơi bời. Năm 1531 Laurentius Petri (1573) bào đệ của Olaus được phong làm tổng giám mục Uppsala (tuy theo pháp luật thì tòa này chưa trống), không có chuẩn y của giáo hoàng, nhưng theo nghi lễ công giáo cũ khi tấn phong giám mục. Việc điều hành Giáo Hội quốc gia Thụy Ðiển không còn úp mở gì nữa, tất cả nằm trong tay nhà vua. Thế nhưng, rất đông quần chúng chỉ sau mấy chục năm mới theo Cải cách: Ở Thụy Ðiển người ta còn giữ không những chức giám mục và việc truyền chức linh mục, mà hơn cả ở Ðức, còn duy trì các nghi thức, những nghi lễ và ngày lễ công giáo. Thái độ bảo thủ này - suốt mấy thập niên người ta tiếp tục giữ lễ ”cầu hồn” (người chết) - làm cho người dân lâu mới thấy có sự tuyệt giao với sinh hoạt cũ của Giáo Hội. Từ Thụy Ðiển, Cải cách được đưa vào Phần Lan, từ lâu đã thần phục Thụy Ðiển, và vào Estonie vừa mới chiếm được. Việc dịch Kinh Thánh ra tiếng Thụy Ðiển là công trình của Laurentius Petri (1541), ra tiếng Phần Lan là của Michael Agricola (1548). Công trình này làm cho Ðức Tin mới thêm mạnh mẽ trong ý thức dân chúng.
Thuyết của Luther còn lan tràn nhanh chóng trong các nước vùng duyên hải Baltique, sau khi Albert de Brandebourg tổng trưởng dòng Teuton theo tôn giáo mới. Trước hết là trường hợp của các thành phố Riga, Reval và Dorpat: hội nghị và giai cấp tư sản đồng tình hoạt đông theo chiều hướng này. Trái lại riêng tổng tư lệnh hiệp sĩ Teuton ở các tỉnh Balte, là Walter von Plettenberg, vẫn trung thành với Công Giáo, nhưng chính sách do dự của ông đã biến chuyển các kinh viện và tòa giám mục sang phái Tin Lành. Chỉ sau khi tổng giám mục cương nghị Johann von Blankenfeld qua đời - để bảo vệ công giáo, ông đã liên minh với hàng quí tộc Livonie - thì vận mệnh Giáo Hội Công Giáo ở Livonie mới vững mạnh và từ đó trong tất cả miền Baltique mới thực sự được ổn định. Nhất là kể từ năm 1539, khi bá tước Guillaume, bào đệ của viên đại sứ, được bổ nhiệm làm tổng giám mục Riga. Sau này quyền bá chủ của Balan trên những tỉnh này cũng không làm thay đổi gì, chính quyền bạc nhược và tình hình vô tổ chức của xứ này không sao ngăn cản các công đồng Tin Lành thành hình trong những biên giới riêng của họ, nhất là tại các nơi có nhiều dân Ðức sinh sống, như các tỉnh Danzig, Elbing và Torùn.
X. CẢI CÁCH TIẾN TRIỂN Ở THỤY SĨ
Cải cách cũng có những tiến triển quan trọng ở Thụy sĩ. Zwingli không hài lòng về những gì đã làm được. ”Ông không do dự giải tán Liên bang để thành lập một đơn vị chính trị mới trên cơ sở tôn giáo, liên minh các tiểu bang nhiệt tình với Phúc Âm, ông dự định thiết lập vương quốc Kitô trong nước” (31). OEcolampade thực ra đã đến ở hẳn Bâle. Ông là một đồng sự của Melanchton và trước đây đã làm giảng viên ở Bâle. Có một thời gian ông sống trong tu viện Brigit ở Altomunster, tại đây ông cho ấn hành một bài tuyên xưng phản ảnh rõ rệt những ý tưởng của Luther. Bây giờ ông về Bâle để vừa hoạt động mục vụ, vừa dạy thần học. Lễ các thánh năm 1525, ông cử hành tiệc thánh Phúc Âm đầu tiên. Trong khi đó những tiểu bang trong nội địa Thụy Sĩ, Uri, Scwys, Unterwallen, Zug, Lucerne cùng với Fribourg, đã tổ chức một cuộc đàm luận tôn giáo ở Baden, xứ Argovie, có Eck đưa tin đến dự. Với ông, về phía Công Giáo tới họp thì có tổng đại diện Constance là Johannes Fabri và tu sĩ dòng Phanxicô là Thomas Murner. Về phía Cải cách thì có OEcolampade và Haller từ Berne tới, kể cả những đại biểu của Glarus và Schaffhouse, còn Zwingli thì từ chối. Cuộc đàm luận kết thúc có lợi cho Công Giáo. Trong buổi tranh luận hùng biện sôi nổi, Eck đã thắng OEcolampade, Fabri thắng Haller, còn Murner hăng hái lên tiếng phản đối bản tuyên ngôn gồm 40 điều khoản chĩa vào Zwingli, chống lại đường lối Cải cách ở Zurich. Fabri trao cho chủ tịch bản chứng minh Kitô giáo, trong đó ông trình bày các chứng từ Kinh Thánh về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và kết thúc:
”Cần gì nhiều lời nữa: mọi tín hữu và chính chúng tôi đây, chúng ta có Ðức Kitô, lời vĩnh cửu và đích thực, của cả mọi thày dạy, tất cả người đã chết cũng như kẻ còn sống. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó và tôi khuyên tất cả những người khác cũng làm như vậy. Tôi có sai lầm ư? thế thì Ðức Kitô, Thánh Linh và Thánh Giáo Hội làm cho tôi sai lầm vậy” (32).
Mặc dầu kết quả cuộc luận đàm, Bâle và Berne cứ từ từ theo Cải cách. Ngày hội carnaval năm 1529, các hội huynh đệ ở Bâle đứng lên cướp chính quyền chống hội trường và đại học. Người ta bãi bỏ Thánh Lễ, phá hủy ảnh tượng, bắt giám mục phải bỏ quyền chính trị, ra khỏi thành và tới ẩn ở Porrentruy. Kinh viện nhà thờ chính tòa thì trốn qua Fribourg en Brisgau. Một huấn thị công bố mấy tuần sau do tân hội đồng, chấm dứt các việc thay đổi. Huấn thị bắt đầu bằng một bài giảng và kết thúc bằng những qui chế về việc chọn vải và cắt may y phục; đồng thời đe dọa những người còn giữ Ðức Tin cũ: họ sẽ bị rút phép thông công, nghĩa là bị lưu đày, còn những người thuộc phái baptiste thì bị xử tử. OEcolampade yêu cầu những bậc kỳ cựu trong Giáo Hội lập nên một qui chế Giáo Hội triều, nhưng vô ích. Vì không muốn ra vẻ chấp nhận Cải cách tôn giáo, Erasme bỏ thành phố ra đi vào tháng 4 năm 1529.
Ở Berne, sau cuộc tranh luận Baden, thì phe tân tín hữu Kitô được đa số trúng cử. Tháng giêng năm 1528, người ta tổ chức một cuộc tranh luận công cộng với sự điều khiển của cha sở nhà thờ chính tòa, là Barthold Heller, thành Rottweil, để làm sáng tỏ việc chấp thuận nền giáo lý mới, nhưng người công giáo gần như hoàn toàn bị loại không được dự, trong khi đó lại có mặt đại biểu của hết các tiểu bang Cải cách, kể cả những tỉnh Nam Ðức, từ Nuremberg tới Ausbourg. Phái baptiste không có quyền lên tiếng, người ta chống đối Haller đã theo Luther, với quan niệm của ông về tiệc thánh phát xuất từ Zwingli và OEcolampade. Kết luận, cuộc tranh luận này là việc đem áp dụng Cải cách theo khuôn mẫu Zurich. Những tiểu bang Glarus, Saint Gall và Briel, kể cả Mulhouse, miền Alsace, đều liên kết với Liên bang các tân tín hữu, nhận chứng minh Kitô giáo. Còn những tiểu bang Công Giáo thì năm 1529 phản công đưa ra Liên hiệp Kitô giáo với ông bá tước Ferdinand nước Áo. Một cuộc tranh chấp vũ trang giữa hai phái đang đe dọa vậy.
XI. ÐOÀN TỤ CÁC PHE PHÁI CHÍNH TRỊ
Sau khi Philippe de Hesse cho cướp phá các tòa giám mục ở Franconie, phe Công Giáo bắt đầu thức tỉnh. Chiến thắng của Charles Quint chống vua nước Pháp, nền hòa bình được ký kết giữa hoàng đế và Francois I và với giáo hoàng Clement VII, tất cả đã củng cố niềm tin của người công giáo. Trong thư gửi hội nghị Spire năm 1529, hoàng đế dứt khoát từ chối giác thư cuối cùng. Thế là đưới sự điều hành của tổng bá tước Ferdinand, người ta hủy bỏ giác thư năm 1526 và tẩy trừ phái bí tích theo Zwingli và phái baptiste. Vì Cải cách đang được khuếch trương, nên đã ấn định rằng; ”Trong hết các nơi đã có những giáo thuyết khác được đưa tới và không thể tiễu trừ được mà không gây náo động hay nguy cơ lớn, thì phải tránh mọi thay đổi, theo cách thức loài người có thể làm được, cho tới công đồng tiếp sau” (33). Phụng vụ cũ được tạm dùng; quyền và lợi tức của hàng giáo sĩ công giáo phải được bảo vệ. Sau cùng cũng tuyên bố: ”Không nhóm nào được dùng võ lực, uy hiếp hay tấn công nhóm khác vì lý do Ðức Tin, cũng không thể vịn vào Ðức Tin để thu nạp hay lôi kéo vào ảnh hưởng của mình, những người thuộc về nhóm khác hay những người liên minh với họ, trái ý muốn của vị lãnh tụ của họ”. Thế là người ta tố cáo những hoạt động của Philippe. Còn những toan tính khác thuộc loại này lại bị tố cáo là đồng lõa với đế quốc.
Sắc lệnh này không cho các ông hoàng, kể cả những công xã miền Nam Ðức, được quyền điều hành việc canh tân mà chính họ đưa ra. Thế là hơn một lần có phản ứng mãnh liệt về những hình thức mới trong các Giáo Hội. Người ta lại ghi trong sắc lệnh một công thức rất mập mờ, ”hết sức khi có thể và theo thể thức loài người”. Như vậy là nhường chỗ để tùy tiện xử trí. Người ta không đòi dẹp Ðức Tin mới, mà chỉ khoan dung đối với Ðức Tin cũ. Thế nhưng vừa công bố sắc lệnh ngày 19 tháng 4 năm 1529 thì đã có mấy người lên tiếng phản đối: đó là 6 ông hoàng và 14 tỉnh miền Nam Ðức, nghĩa là những ông hoàng cử tri miền Saxe, Hesse, Brandebourg - Kulmbach, Anhalt và hai miền Lunebourg; trong những thành phố, thì đặc biệt có Strasbourg, Nuremberg và Ulm. Vì việc phản đối này mà các tân tín hữu - họ tự nhận là những người lương thiện, viri boni - được mệnh danh là ”Tin Lành” (Protestants). Các lý do phản kháng thuộc phạm vi tôn giáo. Ngoài ra còn có những lý do khác: ”Nhận định rằng: trong những việc của Thiên Chúa, để làm vinh danh và ban phúc vĩnh cửu cho linh hồn chúng ta, thì mỗi người chúng ta phải tự mình đứng trước mặt Thiên Chúa và báo cáo về chính mình, không ai có thể biện bạch thay cho kẻ khác...” (34). Như vậy là người ta đòi cho có tự do lương tâm tích cực, như Luther đã làm ở Worms, nhưng thực ra chỉ cho các ông hoàng hay các xứ, các miền, chứ không phải cho dân chúng.
Hậu quả của thái độ này đã cho thấy một tranh chấp vũ trang sẽ xẩy ra. Vì thế những tân tín hữu đã ký kết ở Spire một hiệp định bảo vệ bí mật giữa Saxe, La Hesse, Strasbourg, Ulm và Nuremberg. Linh hồn của liên minh là Philippe de Hesse. Ðể củng cố quyền chính trị của các tân tín hữu, lãnh chúa cố gạt bỏ những mâu thuẫn nội tại và đi tới một thỏa thuận với những xứ miền Nam, nghĩa là với những người Ðức và Thụy Sĩ theo Zwingli. Phái này bị Luther loại trừ, bởi họ còn chủ trương các bí tích (hay theo phái Bí tích). Bấy giờ Philippe coi hoàng đế như kẻ thù số một, nên ông dự tính lập một đại liên minh chống Halsbourg, thu nạp hết các người tin lành trong đế quốc và Thụy Sĩ, lại thêm những nước không thuộc Germanie như Pháp, Ðan Mạch và cộng hòa Venise. Chủ tâm là giữ hoàng đế không cho qua khỏi dãy núi Alpes và sông Rhin và như thế là để làm nhục ông. Nhưng điều kiện tiên quyết về liên minh chính trị này lại là sự thống nhất tôn giáo giữa Luther và Zwingli. Khốn nỗi, cho hai người gặp nhau không phải chuyện dễ. Cuối cùng OEcolampade và Bucer một bên, lãnh chúa một bên, cả hai đều thuyết phục được Zwingli và Luther, và tổ chức một buổi gặp gỡ ở Marbourg, vào tháng 10 năm 1529. Nhưng không làm cho hai người xích lại gần nhau được. Khi đã cùng nhau thảo 14 điều khoản, họ chia rẽ nhau ở khoản 15, quan hệ tới sự hiện diện của Ðức Kitô trong tiệc thánh. Dựa vào những lời truyền phép mà ông viết bằng phấn trên tấm bảng đặt trước mặt ông, Luther tuyên xưng hiện diện thể xác thực thụ, còn Zwingli thì bênh vực ý tưởng rước lễ thiêng liêng, đặc biệt dựa theo Phúc Âm thánh Gioan. Một ý kiến trung gian của Bucer chủ trương hiện diện thực sự như bí tích, như vậy là không xét về lượng, về chất, về địa điểm. Chủ trương này bị Zwingli bác bỏ, coi như theo giáo hoàng. Người ta cũng không đi tới kết quả liên minh chính trị. Ulm và Strasbourg từ chối, bởi vì những điều khoản của Souabe được kể như cơ sở thì lại mãnh liệt chống đối giáo thuyết của Zwingli về tiệc thánh.
XII. BẢN TUYÊN XƯNG AUSBOURG.
Trong khi giáo thuyết càng công khai hình thành, thì càng rõ nét những khác biệt giữa phái Luther và phái Zwingli, như người ta có thể nhận thấy trong hội nghị Ausbourg năm 1530. Khi ký kết hòa bình với giáo hoàng, Charles Quint hứa sẽ dẫn dụ người Phản Kháng trở về Ðức Tin cũ, bằng dịu dàng hoặc bằng vũ lực. Sau 9 năm vắng mặt, ông muốn trở về Ðức. Hội nghị được triệu tập ở Augsbourg, trong trí óc ông, không phải chỉ có mục đích nhận được sự giúp đỡ của các ông hoàng để chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng theo lời lẽ trong bản triệu tập, còn có mục đích chống lại những sai lầm và chia rẽ trong Ðức Tin và khẳng định chỉ có một chân lý Kitô giáo duy nhất mà thôi. Các tân tín hữu năm 1529 đã đòi phải hiệp nhất trong những vấn đề Ðức Tin, không phải do đa số cử tri, mà do sự lựa chọn riêng của mình. Do đó triệu tập này bắt các quốc gia phải có mặt như một bổn phận. Hoàng đế tới, có sứ thần giáo hoàng là Campeggio tháp tùng. Trong số các thần học gia công giáo, có Eck, Cochlaus và Fabri. Thay Luther lúc này bị án phát vãng, không được ra mắt, người ta thấy có Melanchton, nhà thần học chính thức của xứ Saxe.
Ðể chuẩn bị đối chiếu, người ta đã loan báo những vấn đề thần học đem ra tranh luận, cho nên mỗi phái đoàn đều chuyên chú sửa soạn buổi gặp gỡ. Nhân danh các bá tước miền Bavière, Eck yêu cầu hoàng đế phải có một thái độ cương quyết đối với Cải cách, ông vắn tắt viết lại những giáo thuyết sai lầm của Luther trong 404 điều khoản. Mỗi nhóm Phúc Âm đều trình bày bản tuyên xưng riêng của mình, nhưng nhờ những đại biểu miền Saxe mà sau cùng họ được thành lập một mặt trận chung. Người ta yêu cầu Melanchton làm một tổng hợp các điều chính yếu và ông soạn một bản biện bạch về những thay đổi đã được thức hiện trong Giáo Hội ở các nước miền Saxe. Nhưng khi ông cầm trong tay bản trình bày của Eck, ông đã biến bài biện bạch của ông thành bản tuyên xưng. Ðể làm việc này ông Malanchton được sự giúp đỡ của Jonas, của Spalatin và của viên chưởng ấn miền Saxe, là Bruck. Lúc đó ở Cobourg, Luther đã chuẩn nhận bản tuyên xưng của Malanchton.
Bài tuyên xưng Ausgbourg, bằng chứng đầu tiên của Tin Lành chính thức, có một tầm vóc lịch sử đại đồng, đã được viết bằng tiếng Ðức và tiếng latinh, và rõ rệt gửi cho hoàng đế. Sau khi lời nói đầu có tính cách hòa hợp của Melanchton được thay thế theo yêu cầu của lãnh chúa Philippe bằng một bản văn cứng rắn hơn dưới ngòi bút của Bruck, bản tuyên xưng được ký nhận bởi những ông hoàng miền Saxe và Brandebourg - Kulmbach Brunswick-Lunebourg, Hesse và Anhalt, còn những thành phố khác ở miền Nam nước Ðức và Thụy sĩ thì thoái thác vì giáo thuyết về tiệc thánh. Ngày 25 tháng 6 năm 1530, bản Ðức được đọc trước hoàng đế và hội nghị.
Tuyên xưng Ausgbourg gồm hai phần. Mở đầu là 21 điều khoản làm thành một tổng hợp giáo thuyết của người tin lành. Những điểm tranh chấp quan trọng nhất được giảm bớt đi. Thật ra người ta công bố sự công chính hóa theo nghĩa của Luther, những điều khoản về lời Chúa được đặt trước những khoản về Giáo Hội, giáo thuyết về tiệc thánh không nói gì đến những điểm trái ngược nhau và không đá động tới sự biến thể. Khái niệm về Giáo Hội thì mập mờ và hoàn toàn không nói gì về việc chối bỏ quyền ưu tiên của giáo hoàng, về hỏa ngục, về việc tôn sùng các thánh và về ân xá. Sau phần thứ nhất này thì điều 21 viết: ”Ðó là vắn tắt giáo thuyết nơi chúng tôi, trong đó không thấy có gì khác với những bản văn do Giáo Hội Công Giáo hay Giáo Hội Roma...” Tất cả cuộc tranh luận được hạn định vào ít nhiều điều hiểu lầm, kê khai ở phần hai: rước lễ dưới một hình thể, việc độc thân, bổng lễ, các lễ tư, bắt buộc xưng tội, qui luật ăn chay và kiêng thịt, việc khấn dòng, quyền tài phán của giám mục.
Nhà Cải cách Souabe Johannes Brenz tuyên bố về bản Tuyên xưng rằng: Ðiều chính yếu là nhằm tới khoan dung để có thể tạm thi hành giáo thuyết mới. Thực ra chính Melanchton cũng muốn tìm một hiệu quả tương đương, chẳng hạn khi ông khẳng định: phải để cho các giám mục có quyền hành nếu họ công bố Phúc Âm một cách chính đáng. Thực tế, người ta không nói gì tới nguồn gốc thần linh của chức giám mục (35). Lợi ích của việc canh tân là những gì, nếu hình ảnh bên ngoài về phàm tục và pháp lý không thay đổi, nếu các giám mục chuyển sang Giáo Hội mới? Ðối với Melanchton thì đây là một việc quan trọng, linh thiêng. Ông tin rằng ông không đứng ngoài Giáo Hội Roma, là Giáo Hội của những tín hữu đích thực. Do đó ông viết cho giáo hoàng, mấy ngày sau khi đã đọc bản Tuyên Xưng một cách không giả dối: Nơi chúng tôi, không có một giáo thuyết nào khác với giáo thuyết của Giáo Hội Roma. Cho tới ngày nay, chúng tôi vẫn tôn trọng chức giáo hoàng. Chúng tôi sẽ trung thành với Ðức Kitô và với Giáo Hội Roma cho tới hơi thở cuối cùng, ngay cả khi Giáo Hội lên án chúng tôi, cho dù có một vài chi tiết khác biệt trong các nghi lễ xem ra ngăn cản sự hòa hợp (36). Ông sẵn sàng nắm lấy cơ hội để bàn bạc với các nhà thần học của hoàng đế và với viên thư ký của hoàng đế, và ông cậy nhờ sứ thần đệ nộp các dự định về Rôma. Thực ra ông mong muốn cho có sự hòa hợp và duy trì các bí tích.
Bản Tuyên Xưng danh tiếng nhất này của Tin Lành, chính là bản mà ngày nay, với một vài sửa đổi, các mục sư tin lành Luther, khi được bổ nhiệm, phải cam kết tuân thủ. Bản này không phải là tác phẩm của Luther (ông cho nó còn nhút nhát), nhưng là tác phẩm của đệ tử ông, giáo sư và nhân bản gia Melanchton. Người ta nói rằng đây là toan tính có ý nghĩa nhất của thuyết nhân bản, để xâm nhập vào giáo thuyết Luther. Vậy, phải nhận trong thuyết nhân bản có chiều hướng coi thường và tương đối hóa những chống đối và những học thuyết khác nhau về các tín điều, như trường hợp trong bản Tuyên Xưng Augsbourg. Thế là bắt đầu, tuy người đồng thời không nhận thấy, lướt sang những vấn đề cơ cấu và hình thái của Giáo Hội và một cách gián tiếp giảm thiểu mặc khải và tính cách siêu nhiên.
Zwingli không được mời tới dự hội nghị vì ông chủ trương các bí tích. Ông liền gởi tới hoàng đế qua trung gian giám mục Constance, bản Lý lẽ Ðức Tin (Ratio fidei), dụng tâm, nhân danh các thành phố Zurich, Bâle và Berne, kịch liệt chống đối Công Giáo, và cũng chống Luther. Tính cách bút chiến của bức thư đã thúc đẩy thành phố Strasbourg, Constance, Lindau và Memmingen, thường theo khuynh hướng Zwingli, dưới sự hướng dẫn của Bucer, thảo ngay một bản Tuyên xưng của bốn thành phố, và gởi tới hội nghị ngày 9 tháng 7. Bản văn này chứa đựng một công thức nước đôi về vấn đề tiệc thánh và đòi hỏi phải nhận các việc lành như hiệu quả của Ðức Tin.
Thế là có sự bất đồng giữa hoàng đế và sứ thần về việc phúc đáp bản Tuyên Xưng: hoàng đế chỉ muốn bàn tới những khác biệt về giáo thuyết có trong bản văn, còn sứ thần lại muốn lên án ly giáo về cả những điểm đang còn tranh luận mà bản Tuyên Xưng không đề cập tới. Eck đưa ra một dự án làm việc cho một ủy ban gồm 20 nhà thần học, nhưng dự án này bị hoàng đế bác bỏ, ông cho là dài dòng và quá bút chiến. Eck liền sửa đổi cách nói và chỉ đề cập tới những vấn đề tranh luận trong bản Tuyên Xưng mà thôi. Lập trường của hoàng đế, sau này gọi là Bác bỏ (Refutatio) được đọc trước mặt các đoàn đại biểu. Hoàng đế chờ sự quy thuận không tranh luận của người tin lành, nhưng các ông hoàng và các quốc gia thuộc phe chống đối thì phản kháng bản thỏa ước của hoàng đế, ”vì muốn trung thành với Thiên Chúa và lương tâm”. Melanchton bắt đầu soạn tập Biện luận để ghi nhận rõ ràng những khác biệt về giáo thuyết, nhưng tác phẩm này chỉ được viết xong vào mùa xuân năm sau, nên không gây được ảnh hưởng nào trong những cuộc thương lượng.
Thực ra, suốt buổi hội nghị, đã có tất cả một loạt trao đổi và bàn luận về tôn giáo, nhưng tất cả đều muốn đi tới một quyết định. Tình hình trở nên rối rắm về mặt chính trị cũng như về mặt tôn giáo. Việc tìm một thỏa hiệp, trên những yếu tố cơ bản, không đạt được một thành quả nào cả. Melanchton sẵn sàng nhượng bộ về nhiều điều (37), nhưng không nhận được sự đồng tình nơi hàng ngũ các bạn. Cuối cùng các đại biểu tin lành từ chối bản thỏa hiệp tạm thời và những tài liệu chung của các nhà thần học phía họ (38) cho thấy rằng họ không coi Tuyên xưng Augsbourg như biểu thị đầy đủ giáo huấn Tin Lành. Còn Luther, ông vẫn cho rằng hòa hợp tạm thời lúc này chẳng khác chi một thỏa thuận giữa Ðức Kitô và thần Bêlial, ông cấm các bạn ông không được đưa ra những nhượng bộ mới, kể cả khi muốn tránh một trận chiến. Cuối cùng bản thông cáo của hội nghị chỉ có các đại biểu công giáo ký. Thông cáo lấy lại sắc lệnh Worms và đòi lập lại quyền hành giám mục và trả lại cho Giáo Hội những tài sản đã bị cướp phá: gia thêm một kỳ hạn nữa, cho tới tháng 4 năm 1531. Về phần hoàng đế, ông hứa sẽ can thiệp với giáo hoàng để cho triệu tập một công đồng chung, ngõ hầu bãi bỏ các tệ lạm và giập tắt những lời ta thán.
Ðể ngăn cản việc thi hành các quyết định của hội nghị, vào tháng 2 năm 1531 người tin lành cho thành lập Liên minh Smalkade. Họ cho rằng hoàng đế chỉ là lãnh tụ được bầu của đế quốc, đại diện một quyền bính lãnh thổ do Thiên Chúa thiết lập, như tất cả những ông hoàng nào khác. Họ cũng cho rằng các ông hoàng là những người bình đẳng nên chiến tranh giữa các ông hoàng là điều được phép. Thế là các luật gia đã vượt được những ngập ngừng của Luther khi ông này từ chối quyền chống đối hoàng đế. Liên minh cũng ký những hòa ước với thế lực ngoại bang, thù địch của đế quốc, với Anh, Pháp và Ðan Mạch, kể cả Hung Gia lợi phản nghịch. Philippe de Hesse cũng sẵn sàng thu nạp Zwingli vào liên minh, nhưng ông này trước hết muốn thực hiện chương trình của mình ở Thụy Sĩ, chinh phục các miền hỗn hợp cho Zurich và cho Phúc Âm, và đặt tất cả Liên bang dưới quyền của Zurich và Berne. Năm 1529, do hòa ước Cappel, người ta đã tránh được đúng lúc cuộc chiến tranh giữa Zurich và những tiểu bang Công Giáo. Nhưng lần này Zwingli muốn đi trước các biến cố. Thế nhưng Berne thoái thác và Zwingli cấm việc thương mại với các tiểu bang Công Giáo, làm cho những tiểu bang này phải dùng võ khí để bảo vệ đời sống của họ. Ngày 11 tháng 10 năm 1531, họ tiêu diệt được đạo quân Zurich gần Cappel. Zwingli mang võ khí vì là giảng viên quân đội, thì bị giết cúng với 24 giảng viên khác. Sau cuộc bại trận thứ hai ở Zugerberg, người ta ký bản hòa ước thứ hai ở Cappel bảo đảm cho mỗi tiểu bang được giữ đạo riêng của mình và cấm mọi tuyên truyền trong các tiểu bang Công Giáo. Còn trong những địa hạt hỗn hợp thì các giáo xứ phải tự mình giữ lập trường. Tổ chức Christliches Burhrecht bị bãi bỏ và tu viện Saint Grall thu hồi được các quyền lợi của mình.
Cái chết của Zwingli được Luther coi như hình phạt xứng đáng, làm cho các thành phố miền Nam Ðức được dễ dàng thu nạp vào liên minh Smalkalde. Lập tức liên minh đưa ra thi hành nhiều biện pháp. Năm 1532, do sự xúi giục của người Pháp, người Thổ Nhĩ Kỳ lại tái tấn công với một đạo quân hùng mạnh và đe dọa Syrie. Hoàng đế phải dựa vào người tin lành và Philippe de Hesse để đẩy lui quân địch. Ông hoàng cử tri miền Saxe ôn hòa hơn và xin tạm ngưng các vụ tố tụng liên quan tới việc tịch thu tài sản của Giáo Hội. Cuối cùng hoàng đế phải nhượng bộ. Do việc hoãn binh Nuremberg, hoàng đế hứa với người tin lành: sẽ cho ngưng các vụ kiện hiện hành, còn những vụ việc khác phải đợi tới công đồng chung. Rồi ông lại buộc lòng phải bỏ nước Ðức trong vòng 8 năm vì chiến tranh giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
XIII. CẢI CÁCH TẠI NƯỚC ANH.
Trong những nước đồng minh đã được Philippe de Hesse trù tính đưa vào Liên minh Smalkalde bên cạnh Pháp, thì có Anh. Lãnh chúa Hesse, sáng suốt hơn tất cả những người đồng thời, ông tiên đoán rằng con đường nước Anh chọn phải đưa tới sự đoạn tuyệt với Roma. Trong vương quốc hải đảo có nhiều vụ việc chuẩn bị cho Cải cách. Giây liên kết với Roma rất lỏng lẻo. Vào thế kỷ XIV, những quyết định của nghị viện đều tuyên bố là bất hợp pháp những khoản dự trữ của giáo hoàng trên các lợi nhuận ở Anh, cấm không được khiếu nại tới Roma và cấm đưa vào nước những huấn thị, những vụ kiện và những đặc ân của giáo hoàng. Thế là đã bắt rẽ một cơ cấu Giáo Hội quốc gia rất thích hợp với sự cô lập huy hoàng và luôn dễ dãi của người Anh đối với Roma. Hơn nữa, những tư tưởng của Wyclif đề nghị quốc hữu hóa các tài sản của Giáo Hội, cũng như những bài diễn thuyết của nhóm ”lollard” là nhóm coi giáo hoàng như 'kẻ phản kitô', tất cả đã dần dần gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho Roma. Nhưng cuối cùng, ngoài tất cả những tâm tưởng chống Roma đang lan tràn trong nước, việc ly khai giữa Anh và Roma chẳng qua chỉ là một hành động độc đoán của nhà vua, với quyền hành gần như độc tài và quá dễ dàng được ủng hộ.
Henri VIII (1509-1547) lúc còn thanh xuân đã định làm giáo sĩ. Ông được các nhà nhân văn đương thời coi như khuôn mẫu một ông hoàng Phục hưng mong muốn có những Cải cách theo Phúc Âm trong Giáo Hội. Qua trung gian viên chưởng ấn Wolsey, với danh nghĩa là sứ thần của giáo hoàng, ông cho thanh tra các dòng tu để thiết lập huấn thị ngõ hầu cải tổ hệ thống việc học của giáo sĩ. Những qui chế này, không còn nghi ngờ gì nữa, đã được người đương thời đánh giá cao nhưng ít được áp dụng cho những đối tượng của qui chế. Henri VIII không nhận lập trường của Luther, ông luôn hối thúc Charles Quint cương quyết can thiệp và khuyên dụ Erasme cắt đứt với Cải cách. Cuốn Khẳng định về 7 bí tích phần lớn là do ngòi bút của ông, trong đó ông chống đối giáo thuyết của Luther, vì Luther trong cuốn ”Về lưu đầy Babylone của Giáo hội” đã từ chối các bí tích. Nhà vua đề tặng tác phẩm cho đức giáo hoàng như ”biểu hiệu Ðức Tin và niềm kính ái”.Ông công nhận rõ rằng quyền ưu tiên của giáo hoàng: ”mọi Giáo Hội không những phải qui thuận Ðức Kitô, mà vì lòng mến Ðức Kitô, cũng qui thuận vị đại diện độc nhất của Người là giáo hoàng Roma” (39). Ðối với ông, chối không phục tòng giáo hoàng là như phạm tội thờ ngẫu tượng. Cuốn sách này làm cho nhà vua được tước hiệu từ lâu năm mong ước, đó là ”Người bảo vệ Ðức Tin”. Ông củng cố thái độ này trong những năm tiếp sau: cho lùng bắt những hội viên lollards và chuẩn y cuộc bút chiến chống những người thứ nhất theo Luther ở Anh. Vì thế, về mặt Giáo Hội, chính sách của ông có một hình thái mới, trở thành một chính phủ cho, vì và trong quyền lợi của một người (Hugues), nghĩa là của chính nhà vua. Khuynh hướng này dần dà đặt vua vào địa vị của giáo hoàng để điều hành và Cải cách Giáo Hội. Tự nó không có gì là cách mạng, vì các ông hoàng thời ấy đều hành xử như thế cả: họ coi như không có giáo hoàng và thường là chống giáo hoàng.
Hơn nữa, Henri có những lý do riêng, ”vấn đề trọng đại” của ông là việc hôn nhân của ông. Sau khi lên ngôi được ít lâu, Henri lấy Catherine d'Aragon, một bà dì của Charles Quint. Catherine đã kết hôn lần đầu với Arthur, bào huynh của Henri. Arthur mất khi chưa đầy 15 tuổi, hôn nhân chưa hoàn hợp. Ðơn xin miễn vì ngăn trở lý do họ hàng đã được đệ lên giáo hoàng năm 1503. Trong 5 người con của Henri, chỉ có công chúa Marie là còn sống. Vấn đề nối ngôi được đặt ra, vì nước Anh chưa bao giờ có hoàng hậu lên cầm quyền. Thêm vào đó nhà vua say mê một nàng hầu của hoàng hậu, là Anne Boleyn. Ðể cưới được nàng và để có con trai nối dòng thì nhà vua nghĩ tới việc ly dị Catherine và mong có lời tuyên bố đám cưới thứ nhất không thành. Ông tìm thấy cơ sở hôn nhân bất thành này trong Cựu Ước: Ở sách Lêvi (17,16) cấm không được lấy vợ của người em. Việc chuẩn năm 1503 sở dĩ đã được là vì có mưu mô, nên vô hiệu. Như vậy là ông đã sống gần 18 năm trời trong loạn luân. Việc đọc Kinh Thánh đã khuấy động lương tâm ông và ông coi cái chết bất thần của các con trai ông như một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống. Ðệ nhị luật cho thi hành chế độ thế huynh (ÐNL 25,5; Mt 22,24) và ông cũng có liên hệ với Anne Boleyn, chị bà này cũng là tình nhân của ông, do đó việc ông lấy bà cũng nằm trong luật cấm. Nhưng tất cả không làm cho ông xúc động. ”Lương tâm của Henri là một cái gì rất mơ hồ và chúng ta không có quyền không nhận ra sự hung hãn ghê gớm của ông, chỉ vì chúng ta không thể theo cái lý luận của ông” (40).
Khi viên chưởng ấn là hồng y Wolsey thấy nhà vua cương quyết bảo thủ ý định của mình, thì ông chuyên chú lo công việc này, như thể đầy tớ vâng lời, với một nhiệt tình ngoan cố, có lẽ cả khi, về hôn nhân của nhà vua, ông có những dự định khác với chủ. Năm 1527, Wolsey và thượng giáo chủ Cantorbéry mời nhà vua ra trình diện trước tòa án, vì nhà vua sống trong ngoại hôn. Các giám mục thông thái làm chuyên viên, sẽ phải tuyên bố là hữu hiệu cuộc hôn nhân với quả phụ của anh ngài. John Fisher ở Rochester tuyên bố rằng: hôn nhân này chỉ được tháo cởi bằng miễn chuẩn của giáo hoàng và đề nghị đệ đơn lên giáo hoàng. Người ta liền phái một viên thư ký của Wolsey đi Roma để biện hộ cho Henri.
Người ta mong muốn hai điều nơi giáo hoàng: tuyên bố vô hiệu hôn nhân với Catherine và miễn chuẩn bất hợp pháp vì liên hệ họ hàng để vua có thể lấy Anne Boleyn. Nhưng lúc đầu người ta mong xin được phép chuẩn đa thê. Clement VII lúc đó đang có xung đột với hoàng đế, thì vào tháng 12 năm 1527, cho miễn ngăn trở vì liên hệ họ hàng, nếu có vô hiệu trong hôn nhân thứ nhất: tính không dứt khoát của ngài và hoàn cảnh chính trị bất ngờ bắt ngài phải có chút nể nang thận trọng, để rồi đi tới thoái thác trước quyết định. Có lẽ ngài hy vọng đam mê của nhà vua sẽ nguôi dần với thời gian. Với lời khẩn khoản của Henri VIII, năm 1528 ngài phái hồng y Campeggio tới Anh, nhưng sắc chỉ mà ông này vừa đọc trước mặt nhà vua bị đốt liền. Tòa án Giáo Hội mở án xử, năm 1529, dưới quyền chủ tọa hai sứ thần giáo hoàng, Campeggio và Wolsey. Catherine không chịu nhận vụ xử này và nại tới giáo hoàng, trong lúc đó, giáo hoàng vừa ký kết giao hảo và hòa bình với hoàng đế. Với áp lực của hoàng đế, sự ủy nhiệm hai sứ thần bị rút lại và vụ kiện được đưa về giáo triều Roma. Ðại diện nhà vua cho biết là quyết định này sẽ làm cho Giáo Hội suy sụp và mất nước Anh, nhưng giáo hoàng đáp lại rằng thà mất Anh quốc vì công bằng hơn làm sự bất công. Thế là Wolsey bị truất chức. Người được bổ nhiệm làm đại pháp quan thay Wolsey là nhà nhân bản danh tiếng Thomas More rất ghét những dự định của nhà vua, nhưng rất khôn ngoan và dè dặt. Bấy giờ vua tìm cách gây áp lực đối với giáo hoàng bằng những lá đơn do các trường đại học ở Anh và ở ngoại quốc soạn và bằng những đe dọa của ”hội nghị Cải Cách” mới được bầu. Nhưng năm 1531, đức Clément cấm nhà vua không được tiến tới một hôn nhân mới, bao lâu cuộc điều tra chưa chấm dứt. Hơn nữa chiến dịch theo đuổi nơi các trường đại học bắt đầu có kết quả: các trường đại học Naples và Tây Ban Nha cho hôn nhân thứ nhất là hữu hiệu, còn Paris dưới áp lực của vua Pháp và mặc dầu có phản đối của 43 tiến sĩ, thì lại cho là vô hiệu (41).
Nhưng Henri nhất định duy trì dự định. Ông bị ảnh hưởng của một nhân vật quan trọng và rất khôn khéo ở nghị viện là Thomas Cromwell, ông này khuyên nhà vua theo gương các ông hoàng người Ðức và ly khai với Roma. Trong buổi đại hội các giáo sĩ, nhà vua yêu cầu được công nhận là có quyền tối cao của Giáo Hội tại Anh quốc. Giám mục Fischer thành Rochester đề nghị thêm điều khoản trừ bị này: bao lâu luật Ðức Kitô cho phép. Theo đề nghị của Warham, tổng giám mục già cả thành Cantorbéry, hội nghị đã biểu quyết một tuyên ngôn coi nhà vua là ”người bảo vệ độc nhất của Giáo Hội”, là Thầy tối cao và độc nhất bao lâu luật Ðức Kitô cho phép (42). Ðó là biểu tượng của một cơ cấu Giáo Hội quốc gia và chuyên chế, và của một thuyết nhân bản chống Roma. Tuyên ngôn này phải là nền tảng của Cải cách Anh. Sau khi Warham mất thì cựu tuyên úy của gia tộc Boleyn, người nô bộc Thomas Cranmer, kẻ đã gợi ý xử dụng những bản văn của các đại học, được nhà vua bổ nhiệm làm thượng giáo chủ Anh. Khi ông ở Ðức, ông đã học biết thuyết Luther và đã thầm kín kết hôn. Ðể không làm dụng cụ cho ly giáo đang hình thành, Thomas More xin rút lui. Audeley lên làm đại pháp quan, còn Cromwell gây được ảnh hưởng trên nhà vua. Vậy là việc cai trị thế quyền và giáo quyền đều dồn cả trong tay những người rất có khả năng, nhưng trung thành tuyệt đối với vua và không còn áy náy do dự.
Ðáp lại tuyên ngôn của hội nghị giáo sĩ, đức giáo hoàng công bố một đoản sắc để đe dọa. Thế là nghị viện tố cáo việc đóng thuế cho Roma, và lập tức, nhà vua đòi đóng cho mình. Tháng 1 năm 1533, Cranmer làm phép cưới cho nhà vua với Anne Bolevn và bốn tháng sau, ông tuyên bố hôn nhân giữa Henri và Catherine là vô hiệu, còn hôn nhân mới thì hữu hiệu. Mồng 1 tháng 6, Anne được phong làm hoàng hậu và tháng 9, hoàng hậu tương lai chào đời, tức là Elisabeth. Ðức giáo hoàng tuyên bố hôn nhân mới vô hiệu, nhưng mãi tới tháng 3 năm 1534, mới công bố vụ tòa công nhận sự hữu hiệu của hôn phối giữa vua Henri và Catherine. Tháng 7 đức giáo hoàng công bố rút phép thông công Henri, Anne và Cranmer. Ðể chống đối và tranh thủ thời gian, nhà vua khiếu nại ngay với công đồng chung. Từ đó, vua tuyệt giao quyết liệt với Roma. Những sắc lệnh của nghị viện tháng 11 năm 1534 đã tuyên bố: nhà vua và những người kế vị là thủ lãnh độc nhất của Giáo Hội Anh (43), có đầy đủ quyền hành để trấn áp và khai trừ các sai lầm, ly giáo, tệ lạm và gương xấu. Quyền hành và bổng lộc của giáo hoàng trả về nhà vua. Công dân phải tuyên thệ công nhận địa vị đó của nhà vua. Ai không tuyên thệ và phủ nhận sự hữu hiệu của hôn nhân mới và những luật qui định về sự nối ngôi, họ sẽ bị tố cáo vào tội phản nghịch và bị đe dọa án tử hình.
Cuộc ly giáo Anh (44) không gặp đối kháng nào nơi dân chúng, vì từ lâu giáo hoàng và giáo triều không được lòng dân. Thế nhưng, ngoài nhóm những người nắm giữ quyền hành và lợi dụng được tình thế, không có gì thay đổi trong việc sống đạo. Hàng giáo sĩ từ lâu quen thân với Công Giáo Quốc Gia, đã thần phục ngay từ 1532. Các giám mục, đa số do nhà vua bổ nhiệm trong số công dân dễ bảo nhất, thì luôn sẵn sàng nhường bước trước chế độ hoàng đế giáo chủ. Chỉ có một số rất nhỏ có can đảm từ chối không tuyên thệ, như John Fischer và cựu chưởng ấn Thomas More. Họ đều bị giam ngục rồi bị chém đầu. Paul III còn bổ nhiệm Fischer làm hồng y. Thomás More thì chết trong khi làm bầy tôi trung thành của nhà vua, nhưng trước hết là bầy tôi của Thiên Chúa, như ông đã quả quyết trong mấy lời cuối cùng. Henri gặp phản kháng mạnh hơn trong các tu viện. Những người chống đối, đứng hàng đầu là các tu sĩ Chartreux, họ bị bắt cầm tù và nhiều người chết đói. Trong những năm tiếp theo, 18 linh mục triều hay dòng Chartreux, Augustin, Brigite, Phanxicô và triều, đã bị tra tấn dã man và bị xử tử. Một dự định nổi loạn ở miền Bắc thường gọi là Hành hương ân sủng năm 1536 được tổ chức, không phải để chống các hành động chuyên chế mà còn chống việc phá hủy ảnh tượng, di vật thánh và các tu viện. Ðối kháng của các dòng tu là không tuyên thệ, làm cho nhà vua lấy cớ để tục hóa toàn bộ các dòng. Trong toàn quốc có chừng một nghìn tu viện là tu hội với lợi tức tương đương một phần năm lợi tức quốc gia. Một sắc lệnh của nghị viện năm 1536 bắt đóng cửa 291 nhà dòng, nói chung không quan trọng lắm. Qua năm 1539, những tu viện giàu có cũng bị một số phận. Các tu sĩ bị trục xuất và bị bắt buộc lập gia đình. Tài sản của nhà dòng bị tịch thu và chia cho các thân nhân của nhà vua hay bán đi. Những chủ mới này dĩ nhiên trở thành điểm tựa vững chãi nhất của nền trật tự mới. Quyền chuyên chế của nhà vua được củng cố do Cromwell được nhà vua bổ nhiệm làm tổng đại diện cho mình trong các sự vụ Giáo Hội, quyền này lên tới đỉnh chót vót và thô lỗ trong hai vụ: vụ phản bội Thomas Becket, chết đã gần 400 năm và vụ phá hủy hòm đựng di hài của thánh nhân. Trong hết các việc hôn nhân về sau, nhà vua bao giờ cũng tìm được nơi bản thân Cranmer một ông hoàng dễ bảo của Giáo Hội, chính ông đã tuyên bố vô hiệu cuộc hôn nhân với Anne Boleyn, ban miễn chuẩn họ hàng cho một hôn nhân mới và sau đó hủy bỏ hôn nhân thứ tư của nhà vua. Năm 1538 Paul III công bố sắc chỉ ra vạ tuyệt thông cho nhà vua, truất ngôi vua và tháo cởi lời tuyên thệ cho các công dân, nhưng sắc chỉ không có hiệu lực. Không còn là thời Trung Cổ nữa.
Việc chống đối Charles Quint đã bó buộc vua nước Anh, từ 1536, phải bắt tay liên minh với Wittenberg. Năm 1536 một công đồng Anh do tổng đại diện Cromwell chủ tọa, đã công bố cho toàn quốc một bản tuyên xưng Ðức Tin thứ nhất, Mười điều khoản, trong đó chứa đựng những giáo thuyết của Luther. Nguồn mạch Ðức Tin là Thánh Kinh và ba tín biểu đầu tiên. Người ta coi việc công chính hóa như một giáo thuyết có thể nhận được, người ta loại bỏ các ân xá, chỉ giữ lại ba bí tích, nhưng duy trì sự biến thể. Các nghi lễ công giáo và cả việc tôn sùng các thánh với kinh cầu hồn vẫn giữ nguyên vẹn. Sau Hành hương ân sủng, người ta soạn một bản tuyên xưng Ðức Tin mới có nhà vua cộng tác và bản này duy trì giáo thuyết Công Giáo vì giữ lại 7 bí tích. Nhưng nhà vua ra lệnh cho mỗi nhà thờ phải có một cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Bản dịch đem xử dụng được mở đầu bằng một lời dẫn và chú thích theo tinh thần Luther. Người ta thương thuyết với Liên minh Smalkalde để chuẩn bị cho những dự định mới về hôn nhân; rồi vì những lý do chính trị, lại có những thay đổi triệt để. Năm 1538 nhà vua cấm các linh mục không được kết hôn. Cranmer phải sa thải bà vợ về Ðức. Năm sau nghị viện theo lệnh nhà vua cho công bố, tuy nhóm Tin Lành cực lực phản đối, Qui chế đẫm máu. Qui chế này để xử tử, bắt phải nhận 6 điều: sự biến thể, chế độ độc thân, coi như thuộc luật Thiên Chúa, tính cách bắt buộc của lời khấn dòng, rước lễ dưới một hình sắc, sự cần thiết và giá trị của thánh lễ tư và nghe xưng tội. Cromwell bị hành quyết vì là phản động và ly giáo, và cả ba linh mục chống đối quyền chuyên chế của nhà vua, cùng ba người tin lành đã có lỗi 'mạ nhục đạo Công Giáo'. Năm 1543, nhà vua ban hành một sắc luật, nhắn nhủ việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ và các thánh. Thế nhưng phần còn lại thì giữ thỏa hiệp giữa giáo lý công giáo và giáo lý tin lành. Năm 1546 giáo dân còn bị cấm không được đọc Kinh Thánh riêng. Các cuộc hành quyết những người theo Luther được tiếp tục mãi cho tới khi Henri chết. Kết quả của những tiến lui lui tiến đó làm cho những lập trường ly giáo và bất an tôn giáo xâm nhập dần dần vào dân gian.
Ðể bảo vệ người con một của ông là Edouard VI (1543-1553) còn nhỏ tuổi (đã được giáo dục theo giáo thuyết Tin lành), Henri cho thiết lập một hội đồng chấp chính, đa số gồm những người hướng về Tin Lành. Ðứng đầu là công tước Somerset và sau đó là công tước Northumberland. Cả hai ủng hộ Cranmer trong nỗ lực thực hiện ở Anh một cuộc canh tân Ðức Tin thích hợp cho đất nước. Những phần tử phản kháng phát hiện đó đây đều bị tiêu diệt trong máu.
XIV. THẮNG LỢI MỚI CỦA THUYẾT LUTHER TRONG ÐẾ QUỐC.
Chúng ta trở lại nước Ðức. Trong những năm hoàng đế vắng mặt, Giáo hội Tin Lành bành trướng mạnh mẽ. Nhiều miền quan trọng ở Ðức bỏ Giáo Hội cũ. Như công tước Wilrich de Wurtemberg, ông bị khai trừ khỏi địa hạt của mình vì bỏ không theo hòa ước, rồi qua Thụy Sĩ theo trào lưu mới. Năm 1534, ông được phục chức, nhờ Philippe de Hesse giúp đỡ vũ khí, liên minh Smalkalde yểm trợ tinh thần và nước Pháp ủng hộ tài chánh. Lập tức ông thu nạp trào lưu tôn giáo mới, phân chia địa hạt thành những miền ảnh hưởng Zwingli và miền ảnh hưởng Luther. Hai nhà Cải cách Blarer và Schnepf thực ra đã thỏa thuận về một công thức trung lập trong vấn đề tiệc thánh. Các tu viện (như Hirsau chẳng hạn) danh tiếng một thời, nay bị tục hóa. Các nam tu sĩ và nhất là các nữ tu sĩ chống đối rất mực kiên tràng. Riêng đại học Tubingen đã bị miễn cưỡng tin lành hóa. Người ta cho thành lập trong tu viện Augustin của thành phố một tu hội để cải hóa các linh mục. Nhưng không phải do người con của Ulrich là Christophe (1550-1568), một công tước khôn khéo và đạo hạnh, mà Cải cách đã lượm được thành quả tích cực. Với sự nâng đỡ của Johannes Brenz, việc cai trị Giáo hội được tập trung vào một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc Nhà Nước, đó là Hội Ðồng Giáo Hội. Năm 1559, chính Hội Ðồng đã công bố Ðại Nội qui của Giáo Hội. Tài sản Giáo Hội mà Ulrich đã hoàn toàn tục hóa thì một phần lớn xung vào Quĩ chung của Giáo Hội, được quản lý và chỉ dùng vào những nhu cầu của Giáo Hội, cứu trợ người nghèo và giúp đỡ các học đường.
Trước Wurtemberg hoặc đồng thời, Giáo Hội đã mất một loạt các thành phố và lãnh thổ của đế quốc, rõ rệt hơn cả là Brandebourg và Saxe. Ở Brandebourg, ông hoàng cử tri Joachim I, cho đến hơi thở cuối cùng, là một thù địch bất cộng đới thiên của Luther và Cải cách. Mặc dầu vợ ông, một công chúa Ðan Mạch theo Luther từ nhiều năm, lúc hấp hối năm 1535, ông cho rằng, ông đã vượt mọi khó khăn, để có thể duy trì đạo Công Giáo trong xứ ông, nhờ vào lời thề của con ông và một số những sắp xếp di chúc khác theo chiều hướng đó. Nhưng bốn năm sau khi cha qua đời, Joachim II, từ lâu đã có liên lạc với Luther, đã chuyển qua đạo mới. Ðây là vụ việc điển hình về tính cách mập mờ của thần học trong thời kỳ này: khi ông hành động như vậy, ông không nghĩ là đã thất ước lời thề, nhưng chỉ là muốn thanh tẩy đạo Công Giáo của xứ ông khỏi các tệ lạm mà thôi. Do đó ông bộc lộ tính chất bảo thủ trong Giáo Hội ông thiết lập. Trong lãnh thổ công triều Saxe, Georges Râu Xồm, tuy gắn bó keo sơn với Giáo Hội, vẫn không thể ngăn cản giáo thuyết mới xâm nhập vào nước ông. Ông mất năm 1539, và em ông là Henri, từ lâu đã theo Tin Lành, lập tức phát động phong trào thực hiện Cải cách, bất chấp mọi chống đối của các nước khác. Cũng vậy, trường đại học Leipzig đón nhận Cải cách chiếu theo kế hoạch của Luther và của Melanchton và được hưởng tài sản của Giáo Hội.
XV. PHÁI BAPTISTE
Suốt những năm Tin Lành được tự do phát triển, dân chúng cảm tình với phái Baptiste hơn với Luther và Zwingli. Phái Baptiste bày tỏ một hình thái tư tưởng và sinh hoạt Cải cách rộng rãi hơn, và trào lưu này tiến triển rất đặc biệt, nhất là trong giáo đoàn Anglo-Saxon. Ngày nay hình thái này còn có mặt tại những nơi Tin Lành giáo chia thành nhiều Giáo Hội tự do, nhất là ở Hoa Kỳ. Nguồn gốc phái Baptiste còn lu mờ, vì phái này không có liên hệ gì với những trào lưu chính trị. Người ta thường coi phái này là hậu duệ của nhóm ”người theo tâm linh” của thời Trung Cổ. Luther đơn giản gọi tất cả những khuynh hướng như vậy bằng cái tên ”những người được giác ngộ” (Illuminés). Nhưng hình như đây là nhiều trào lưu được phát sinh tự do, không có gì dính dáng giữa các nhóm, nhưng về sau lại chịu ảnh hưởng tương hỗ nhau. Có điều chắc chắn, là phái Baptiste ở Zurich tự mình tạo ra mình vậy.
Khi Zwingli, vào tháng 12 năm 1523, nhượng bộ trước thẩm quyền trong vấn đề tiệc thánh, thì một số học trò cũ của ông coi thái độ đó như một phản trắc. Họ thành lập một nhóm chỉ nghe theo Phúc Âm không điều kiện. Ðối với họ, Kinh Thánh là nguồn độc nhất của Ðức Tin, nhưng họ chú tâm nhiều hơn vào Tân Ước. Họ giải thích Phúc Âm như bản văn phải trực tiếp đưa ra những qui luật về sinh hoạt hằng ngày, cả trên lãnh vực kinh tế và xã hội. Họ qui hướng tất cả đời sống vào Lời, bởi vì chỉ có đời sống tâm linh mà thôi. Từ nguyên tắc ấy, thái độ của họ đối với quyền hành và liên hệ của họ với Giáo Hội và xã hội đặt thành vấn đề: với người kitô hữu thì không có sự cai trị phàm tục. Họ thu mình thành những tập đoàn nho nhỏ gồm có những người sẵn sàng noi gương Ðức Kitô, không phải dưới sự gò ép của quyền bính, nhưng bởi tình đồng hành tự nguyện và tự do. Vì thế, việc tái rửa kẻ trưởng thành được coi như nghi thức đón rước vào tập đoàn hữu hình, và được đặt vào hàng đầu. Nguyên tắc thống nhất lãnh thổ Giáo Hội của Giáo Hội quốc gia bị khai trừ, người ta cũng bỏ không nhận cộng đồng giáo xứ.
Ở Zurich tức thì có cuộc bắt bớ. Thẩm quyền nghiêm chỉnh duy trì qui luật phép rửa trẻ sơ sinh. Phái Baptiste phân tán đi khắp Thụy Sĩ nói tiếng Ðức Hubmaier đem giáo thuyết Waldshut sang mãi tới Moravie, thông qua Augsbourg. Phái Baptiste đương đầu với bách hại bằng nhẫn nại, họ không hiếu chiến, trái lại họ là những tông đồ tiên khởi về khoan dung. Việc họ bị phân tán cũng là dịp để họ truyền bá giáo thuyết. Trong khi ở Zurich, Felix Manz bị ném xuống hồ Limmat, thì Denck ở Augsbourg chinh phục được Hans Hut có đồ đệ thi hành chức vụ ở miền Tyrol. Tại miền Bắc Ðức và ở Hòa Lan thì có Melchior Hoffmann tuyên truyền những tư tưởng mới. Hoạt động thừa sai của nhóm Baptiste gây ra nhiều đày ải và bách hại đẫm máu. Các đại biểu Thụy Sĩ ở Zurich bàn tính về các biện pháp phải cho thi hành; ở Tyrol rất nhiều người Baptiste bị thiêu sống. Hubmaier bị bắt ở Nikolsbourg miền Moravie và bị thiêu sống ở Vienne. Một sắc lệnh hoàng đế của nghị viện Spire năm 1559 ra lệnh xử tử những người theo phái Baptiste. Ở miền Souabe và Bavière, cả miền Palatinat và ở Bâle, các thành viên của giáo phái đều bị xử tử. Zwingli và Luther, Melanchton và Brenz đều có thái độ thù địch như thế. Cho nên những người Baptiste bị dồn vào con đường cùng. Những khuynh hướng cánh chung, Chiliát và cộng sản xuất hiện. Người thuộc da ở Augsbourg là Augustin Bader coi đứa con nhỏ của mình là Ðấng Messia và làm cho nó một triều thiên và một thanh kiếm bằng vàng. Người xứ Tyrol, Jakob Hutter thì thành lập ở Nikolsbourg những công xã tập thể chủ trương không có tư hữu và thủ trưởng phân phối công việc cho mỗi người. Những cộng đồng này thu hút được chừng mấy chục nghìn anh em.
Trong khi phái Baptiste hiếu hòa tin rằng Thiên Chúa sẽ tự mình hủy diệt những kẻ vô thần, thì một học trò của Melchior Hoffmann, bác thợ làm bánh mì người Hòa Lan là Jan Mathys, thành Haarlem, lại tự tin mình được gọi để thành lập vương quốc sắp tới, nếu cần thì dùng tới lực lượng vũ trang. Những phái viên của ông tưởng tìm được ở Munster miền Westphalie thành phố thuận lợi để thực hiện kế hoạch của mình. Nhưng trong thành phố này, Cải cách đã thắng thế nhờ vào những bài giảng thuyết khiêu khích của tuyên úy Rottmann năm 1533. Tới tháng giêng 1534, các tông đồ của Mathys tới Munster, thuyết phục được Rottmann theo mình và rửa tội cho 1400 người lớn trong một tuần lễ. Lúc đầu người ta sốt sắng đua nhau nhiệt tình sống đạo và giữ nghèo khó Phúc Âm. Nhưng khi ông thợ may Jan Bockelson de Leyde và chính Mathys tới thì những yếu tố quá khích thắng thế. Ông nhạc của Jan, nhà buôn nỉ Knipperdolling được bầu làm thì trưởng. Toán quân do giám mục Franz von Waldeck phái tới đánh Munster, bị đại bại, nhưng Mathys bị giết và cuối cùng thành phố bị bao vây, Jan tự xưng là vua của tân vương quốc Sion, nơi thành lập chế độ tập thể tài sản và đa thê. Bọn cuồng dân phá hủy ảnh tượng một cách tàn bạo trong các nhà thờ của thành phố, họ chờ một cuộc giải vây do phép lạ đã được loan báo. Trong khi đó, những tư tưởng Baptiste được truyền bá khắp miền Westphalie và cho tới Lubeck. Bấy giờ giám mục Munster đi tìm viện trợ và được lãnh chúa Philippe de Hesse tận tình giúp đỡ. Tháng 6 năm 1535 các đoàn quân liên minh lọt vào thành phố đang bị đói và kết thúc cơn ác mộng khủng khiếp bằng một hình phạt dã man. Munster được trả lại cho Ðức Tin Công Giáo; Knipperdolling và vua Sion bị hành quyết; người ta không biết số phận của Rottmann ra sao (45).
Vương quốc được thành lập ở Munster và là một sai lệnh thảm hại của phái Baptiste nguyên thủy, đã gây nên cho mình một thất bại nặng nề. Thế nhưng, Menno Simons, cựu linh mục giáo xứ công giáo ở Frise, đã thành công trong việc thu nạp các phần tử ôn hòa và hướng họ về một đời sống ẩn dật chăm chỉ học hành và tránh xa mọi võ lực. Các đồ đệ này về sau được gọi là phái Mennonite, họ từ chối lời thề chung thủy (serment d'allégeance), từ chối quân dịch và phục vụ quốc gia, kể cả việc kiện cáo. Họ được phép sống ở Hòa Lan, sau 40 năm bách hại đẫm máu và rồi sau đó được tự do. Họ đem cách sống của họ ra mãi bên ngoài ranh giới của họ, trong những lãnh thổ thuộc địa của nước Prusse Ðông và Tây, rồi cuối cùng mãi tận bên Sibérie và Bắc Mỹ. Song song với sự việc này, người ta còn thấy, nhất là ở Wurtemberg, không ngừng hình thành những cộng đồng kẻ cuồng nhiệt chờ mong nước Ðức Kitô. Nhưng ở Trung Âu thì việc toan tính thành lập một đời sống tôn giáo bắt đầu từ Ðức Tin mà thôi, không qui chế, không tổ chức và không dính dấp tới Quốc gia, toan tính chỉ thu nạp được các đồ đệ nơi những người bình dân ngây thơ, nơi các tiểu công nhân, toan tính ấy thất bại. Tranh đấu do Luther hướng dẫn chống lại nhóm này cũng như chống nhóm chủ trương bí tích, cho tới cuối đời ông, tranh đấu đó không phải không đem lại kết quả. Các Giáo Hội quốc gia và chuyên chế tôn giáo của các ông hoàng đã thực sự thắng thế.
Thế nhưng, dưới áp lực của phái Baptiste, người ta thấy hình thành mãi cho tới tiền bán thế kỷ XVII tại Anh và tại Mỹ, những cộng đồng tiên khởi Baptiste ngày nay trở thành những Giáo Hội tự do khá lớn có tới hằng mấy triệu tín đồ.
XVI. JEAN CALVIN
Trong khi quân đội công giáo và Luther chuẩn bị chấm dứt chính quyền Baptiste ở Munster, thì nhà đại Cải cách thứ ba, Jean Calvin, tiến vào đất Ðức. Nếu đối với Luther, đây là thuyết thần học mới, thì đối với Calvin, đây là Giáo Hội mới, con người mới và những qui chế riêng của nó. Calvin rõ ràng hơn và ý thức về những mục tiêu của mình hơn Luther, có lẽ một chiều hơn và cuồng tín hơn Luther, nhưng không có những cơn nóng tính và thay đổi tính tình biểu hiện nơi Luther. Hẳn là vì Calvin thuộc trường phái Luther, nhưng ở vào một thế hệ trẻ trung hơn ông thày Wittenberg. Ông sáng tạo từ ý tưởng tổng quát, nhưng công việc của ông lại hoàn toàn biệt lập.
Calvin sinh năm 1509 ở Noyon, miền Picardie (Pháp). Người Pháp phía Bắc này thuộc một gia đình tư sản có văn hóa. Thân sinh làm nghề buôn bán tài sản địa ốc và cố vấn pháp luật của giám mục và kinh viện. Từ lúc còn rất trẻ, người con đã được những bổng lộc đầu tiên của Giáo Hội. Ông theo luật khoa và nhân văn ở Paris (trong một thời gian ông ngụ dưới cùng một mái nhà với Ignace de Loyola), ở Orléans và ở Bourges. Có hai điều chuẩn bị cho cuộc trở lại bất thần mà Calvin một hôm đã nói: cái chết của cụ thân sinh và ảnh hưởng của Luther tại Pháp. Thân sinh bị tố cáo về biển thủ là vì ông không tính sổ sách phân minh, nên bị rút phép thông công. Giữa gia đình và Giáo Hội đã nuôi sống ông tới đây, ông thấy có một mối thù chua chát. Ðầy cay đắng, Calvin ẩn mình trong việc học tập và vùi thân trong những suy tư trầm lặng. Cái tâm trạng phản giáo sĩ mung lung hay mãnh liệt này đã đặc biệt làm cho ông dễ bị ảnh hưởng của các nhóm Luther.
Ở Pháp những tư tưởng nhân bản về một Kitô giáo được thanh tẩy và đơn giản hóa, đang được phổ biến rộng rãi và được nhiều người nhiệt tình đón nhận, trong triều đình cũng như ở hàng giám mục. Vua Francois I và hội các đệ tử của ông, đặc biệt bà em là Marguerite de Navarre, cả Guillaume Briconnet, là giám mục Meaux (c. 1544) muốn bắt tay phục hồi nhân bản. Brisconnet chống đối trình độ dốt nát của hàng giáo sĩ, chống việc bỏ cư trú nhất định và chống nền học thức quá thấp kém trong địa phận. Là mạnh thường quân, ông lôi cuốn được nhiều nhà thông thái danh tiếng tới tòa giám mục. Trong ”Nhóm Meaux” này nổi bật những người như Farel và Lafèvre d'Etaples người Picardie. Họ đã đoán thấy nguy cơ của một cách mạng tôn giáo, nhưng họ tưởng có thể tránh né được. Lefèvre được giám mục bổ nhiệm làm tổng đại diện, ông đã cho in các thư và các Phúc Âm chủ nhật bằng tiếng Pháp dùng trong nghi lễ thánh. Ðồ đệ của ông là Clichtove người Flamand, cho phát hành cuốn sách ca tụng sinh hoạt tôn giáo và một tấm 'Gương chức linh mục'. Việc chống đối các tệ lạm trong lối giảng thuyết của dòng Phanxicô gây nên cho nhóm một số thù địch có quyền thế. Nhóm bị nghi là ly giáo và dần dần bị tan rã. Farel thì trốn sang Thụy Sĩ, còn Clichtove năm 1524 cho phát hành một bài viết chống Luther, hai năm sau, chống thuyết về thánh thể của OEcolampade. Những sách vở của Luther thực ra đã được đại đa số quần chúng ở Pháp mua và đọc. Sau trận Pavie, nhà vua bị đày và khúc ngoặt lịch sử bắt đầu. Không sao chặn đứng được những sách vở Zwingli dâng tặng nhà vua. Nghị viện liền ra tay bảo vệ Giáo Hội Pháp với sự ủng hộ của đại học Sorbonne. Người ta cấm những cuộc họp tôn giáo khả nghi cũng như cấm dịch Tân Ước đã bắt đầu dùng bằng tiếng Pháp. Có nhiều vụ kiện. Nhà lão thành Lefèvre trốn về Strasbourg. Francois I đi tù về, ông xác tín rằng: thống nhất quốc gia chỉ có thể được tái thiết trên căn bản thống nhất tôn giáo. Thế là có cuộc bắt bớ phái theo Luther do nhà vua, nghị viện và các giám mục nhiệt tâm điều hành (46). Năm 1532 người ta còn thấy một giáo sư ở Toulouse chết trên dàn hỏa thiêu. Nhưng còn nhiều nhóm văn gia và học giả tiếp tục có cảm tình với thuyết Luther: như nhà nhân bản Melchior Volmar, thành Rottweil, học trò Hy ngữ của Calvin (47). Calvin trở nên một thành viên rất hoạt động của những nhóm này, ông giảng thuyết trong những buổi hội bí mật, cử hành tiệc thánh và đi thăm nhiều bạn hữu, trong khi vẫn không ngừng soạn một cuốn sách để làm nền tảng vững chãi cho giáo lý mới. Ông từ chối không nhận bổng lộc Giáo Hội. Ông viết một loạt bài chống thánh lễ, cho niêm yết vè châm biếm đả kích tại Paris và ở điện đài Amboisse nơi vua ở. Những yết thị này không những làm tan vỡ mọi hy vọng hòa hợp hòa giải với những người tin lành Ðức mà còn lôi theo việc hành quyết các người bị tình nghi và làm cho nhiều thành viên phải lẩn trốn, trong đó có chính Calvin: ông đã trốn sang Bâle ngay từ buổi đầu.
Chính ở Bâle, tác giả vô danh 27 xuân xanh đã cho ấn hành tác phẩm ông soạn từ nhiều năm nay, cuốn Thể chế Kitô giáo (Institutio religionis christianae). Bản vắn tắt về Ðức Tin này, Calvin cho tái bản nhiều lần, với hình thức diễn giải rộng hơn, với những lời Kinh Thánh được ghi đậm nét rất rõ :”Tôi không đến để đem hòa bình, nhưng đem thanh kiếm”. Trong lời mở đầu rất hay dưới hình thức đề tặng Francois I, ông tìm cách bênh vực các người đồng đạo Pháp đang bị ghép vào tội truyền bá những giáo thuyết nguy hại. Ðiểm trung tâm đối với ông là thực tại khả úy của Thiên Chúa hằng sống và để làm hiển danh và phụng sự Ngài mà chúng ta dâng hiến cả đời sống chúng ta. Nếu Calvin muốn chối bỏ tất cả sự tham dự của con người vào ơn cứu rỗi, thì không còn giải thích nào khác ngoài việc cậy nhờ vào một mình ý muốn Thiên Chúa mà thôi. Thiên Chúa là ý muốn độc nhất trong vũ trụ. Sống, chết, đau khổ và hoài nghi, ở đây cũng như ở thế giới bên kia, chỉ đứng vững trong ý muốn toàn năng được thể hiện bởi một quyết định bất khả vẫn hồi. Một mình Thiên Chúa hành động. Con người không thể tự mình bị trầm luân do sự lựa chọn tội ác; họ không lựa chọn, họ được cứu rỗi hay bị trầm luân. Thiên Chúa đã gây nên nguyên tội (tội tiên khởi). Sắc lệnh khả úy của Thiên Chúa (Decretum horribile Dei) chỉ có thể nhận lấy mà thôi. Kẻ nào được thoát vòng trầm luân, thì không phải do các công việc mình làm, hay vì Ðức Tin của mình mà được vĩnh phúc, nhưng chỉ nhờ vào công nghiệp Chúa Cứu Thế mà thôi. Họ được tuyển chọn bởi ơn cứu rỗi do Ðức Kitô đem lại, Người là trung gian độc nhất. Nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa thức tỉnh người được tuyển chọn: họ xác tín mình được Thiên Chúa biết tới và mình thuộc về cộng đồng Giáo Hội. Giáo Hội này chỉ gồm những tín hữu chân chính, Giáo Hội trở nên hữu hình bởi một cơ cấu bên ngoài phù hợp với Kinh Thánh, bởi sự công bố Phúc Âm tinh tuyền, bởi cử hành bí tích y như khi Ðức Kitô thiết lập, không có những chắp nối của loài người và sau cùng bởi kỷ luật của Giáo Hội. Trong bài giảng thuyết về bí tích bàn thờ, Calvin chối bỏ thuyết tượng trưng của Zwingli. Lời và dấu không phải là những hình thức trống rỗng. Nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta dấu hiệu, thì Ngài cũng ban cho chúng ta cả thân thể, thân thể ngự bên hữu Chúa Cha trên trời mà các tín hữu nhận được cách thiêng liêng, nhưng có thực, còn những ai bị loại bỏ thì chỉ nhận được hình thái bên ngoài thuộc giác quan mà thôi. Bởi vì nhờ Thánh Linh mà Ðức Kitô thông truyền sự sống của Người cho chúng ta và tất cả những gì Ngài nhận được từ nơi Chúa Cha.
Sau khi soạn xong cuốn Thể chế, Calvin trẩy đi Bắc Ý để thuyết phục bà công tước Renée de Ferrari, em dâu của vua Pháp, bà này tỏ cảm tình đối với Tin Lành giáo. Rồi ông lại trở về Strasbourg, mà vì chiến tranh nên ông phải đi qua Genève. Ở đây nhà giảng thuyết Farel, một trong những đồng liêu của ông, năn nỉ ông lưu lại thành phố này để phục vụ Phúc Âm. Calvin ở lại và vì thế Genève trở thành cái nôi của giáo thuyết Calvin.
Từ mấy thập niên, Genève vẫn tranh chấp với giám mục về vấn đề quyền tự do trong thị xã. Từ lâu các giám mục Genève xuất thân từ dòng họ các công tước miền Savoie, họ coi tòa giám mục như một Giáo Hội của họ. Trong tranh đấu cho tự do năm 1526, thành phố đã ký liên minh với Berne và việc này cũng có nghĩa là thu nạp các giáo thuyết mới: Berne đã nhận Farel vào làm việc cho mình như người tuyên truyền Ðức Tin mới, tuyên truyền những khát vọng chính trị tôn giáo riêng của mình. Farel trở thành người danh tiếng cùng một lúc với OEcolampade và Zwingli, nhưng ông không phải là nhà thần học biệt lập mà chỉ là nhà giảng thuyết hùng mạnh. Ông cho gia nhập Cải cách từ những địa hạt thuộc thành phố Berne tới những địa hạt lân cận Thụy Sĩ nói tiếng Roman và từ 1534 ông cũng hoạt động ở Genève. Ở đây ông thuyết phục được đám quần chúng tư sản và khi các cuộc tranh luận được tổ chức theo kiểu mẫu ở Zurich và ở Berne, đã thất bại, người tin Lành chiếm giữ các nhà thờ chính yếu trong thị xã. Hội đồng thành phố tuyên bố ủng hộ đạo mới và cấm thánh lễ. Giám mục và kinh viện phải bỏ thành phố và lãnh thổ Genève, đi cư trú trong thị xã miền Savoie là Annecy. Nơi đây, 70 năm sau Francois de Sales lại vun trồng Ðức Tin cũ, ít ra trong miền thôn quê chung quanh Genève.
Thế nhưng Cải cách ở Genève thiếu một tổ chức. Farel nhận thấy người đồng liêu của mình là nhân vật của thời vận. Calvin ở lại Genève, soạn sách giáo lý cơ bản và một công thức mới về tuyên xưng Ðức Tin, trong đó thánh lễ được ghi như một việc bị nguyền rủa và do ma quỉ. Ðồng thời ông thiết lập một kỷ luật nghiêm khắc cho sinh hoạt bản thân và Giáo Hội. Những kẻ chống đối bị trục xuất: ai không chịu thề trên bản Tuyên xưng Ðức Tin đều bị khai trừ. Từ đầu Calvin muốn tạo nên một Giáo Hội hữu hình mới; theo ông, một mình ông có thể hủy diệt Giáo Hội cũ. Thế nhưng nhóm quí tộc có ảnh hưởng ở Genève lại chống đối kỷ luật nghiêm khắc này và phản kháng việc chèn ép và áp đặt trên các quyền tự do của họ. Khi Calvin phế bỏ những tập tục mà Berne đòi hỏi, trong đó có sự duy trì bốn ngày lễ nghỉ trong năm, duy trì giếng rửa tội, bánh lễ không men và trang trí trong nghi lễ hôn nhân, thì Calvin và Farel bị truất chức và bị khai trừ. Trong khi Farel lên tiếng giảng ở Neuchatel, thì Calvin đi Strasbourg, thể theo lời mời của Bucer và Capiton, để trông nom săn sóc cộng đồng những người tị nạn Pháp. Ông lưu trú ở Strasbourg ba năm và nhận được từ Bucer nhiều ý tưởng về cấu trúc nghi thức phụng tự và tổ chức giáo xứ. Trong dịp thảo luận tôn giáo những năm 1540 và 1541, ông cũng gặp những nhà đại Cải cách Ðức, trừ Luther.
Martin Bucer (1491-1551), tu sĩ Ðaminh thành Sélestat, ở trên thường nhắc tới, ông này hẳn không thiết lập kiểu mẫu mới của Giáo Hội, nhưng ông thuộc về lớp các nhân vật tiêu biểu nhất của Cải cách. Năm năm sau khi theo Luther, năm 1518, ở Heidelberg, ông đưa Cải cách về Strasbourg, với tư cách là giảng thuyết viên và cha sở, và suốt một phần tư thế kỷ ông hoạt động để phổ biến. Trong thời gian đó, ông còn hoạt động ở Hesse và cả ở Cologne, tham dự những luận đàm tôn giáo, không phải dửng dưng nhưng luôn luôn lo lắng tìm cách hòa giải giữa Luther và Zwingli, giữa phái Baptiste và Giáo Hội phẩm trật, giữa Cải cách và người công giáo. Thực ra Bucer là nhà thần học cải cách chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Erasme và ít ra trong những năm đầu, ông thấy Luther chỉ là người xác nhận giáo thuyết của Erasme. Ông tin tưởng vào khả năng thống nhất của mọi người tin vào Ðức Kitô; ông chủ tâm vào lợi ích chung của mọi Kitô hữu, vào việc đề cao những yếu tố thiết yếu của Ðức Tin và truyền thống giáo phụ. Một hôm ông chua cay phàn nàn về những chỉ trích của bạn bè về vấn đề này :”Thật là mù quáng tai hại là cả những người tin theo Phúc Âm tốt lành nhất cũng không nhận thấy thế nào là tin vào một Giáo Hội phổ quát, tin vào cộng đồng các thánh và làm chi thể Ðức Kitô, Ðấng không ngừng tìm kẻ lạc lối để đưa về đường lành” (48). Là người tin lành, ông cũng vẫn còn là cựu tu sĩ dòng anh em thuyết giáo, không những trong tính đam mê giảng thuyết mà cũng cả trong tư tưởng; được đào luyện trong học thuyết Thomas, ông liên kết Cựu Ước với Tân Ước, lề luật với Phúc Âm, cũng như Ðức Tin với việc làm, và ông thấy trong ý tưởng khế ước của Cựu Ước có kiểu mẫu về quan niệm Giáo Hội; chống đối phái Báptiste, ông coi giáo luật như dấu tích của Giáo Hội đích thực, trong đó các người được tuyển chọn hội nhau lại để thực hiện nước Thiên Chúa. Người ta sẽ thấy trong giáo thuyết và qui chế của Calvin, có những lời tố cáo Bucer. Ông này, cuối cùng, phải rời bỏ Strasbourg. Sẽ đề cập sau đây về hoạt động của ông tại Anh.
Trong khi Calvin còn ở gần Bucer và trong những cuộc đàm luận tôn giáo từ 1540 và 1541, ông gặp các nhà thần học nổi tiếng theo Luther. Cũng thời gian đó, hồng y bác học Sadolet, một trong những nhân vật lỗi lạc nhất trong số những tân hồng y do đức Paul III cất nhắc lên, đã viết thư cho hội đồng thành phố Genève, ngỏ ý đem thành phố này trở về đạo Công Giáo. Lập tức những nhóm Tin Lành trước đây vận động cho Calvin phải bỏ đi, nay lại mời ông trở về. Nhưng ông đặt điều kiện: phải cho thiết lập một cơ cấu Giáo Hội biệt lập với chính quyền thành phố. Ông trở về Genève, nhưng hội đồng không sẵn sàng bỏ quyền pháp lý của mình đối với kỷ luật Giáo Hội. Thế nhưng, những Huấn lệnh thuộc Giáo Hội, (Ordonnances ecclésiastiques) dựa theo kinh nghiệm ở Strasbourg và ở Zurich, dần dần nằm trong tay Calvin và trở thành một dụng cụ để thiết lập trật tự chung chiếu theo lời Kinh Thánh và thành lập một chế độ thần chủ theo kiểu mẫu cựu vương quốc Do Thái và Cộng Hòa của Platon. Theo Huấn lệnh Giáo Hội này thì Giáo Hội trở thành Giáo Hội thị xã với những cơ quan được ấn định phân minh: các mục sư phải công bố Lời Chúa, các tiến sĩ có bổn phận giáo huấn quần chúng, các kỳ lão do hội đồng bầu ra phải chú ý tới thuần phong mỹ tục và các phó tế chuyên lo công việc bác ái và các bệnh viện. Vì được bầu cử lên, các cơ quan này có thể đòi hỏi một sự vâng lời nghiêm chỉnh. Như vậy người ta tạo nên một thứ giáo sĩ trị mới nằm trong một thể chế Giáo Hội Quốc Gia. Thêm vào đó còn có tập đoàn mục sư và hội đồng, một thứ tòa án Giáo Hội gồm các giảng thuyết viên và 12 kỳ lão, và có nhiệm vụ nghiêm chỉnh điều hành mọi sinh hoạt tôn giáo của mỗi công dân và trừng phạt các vụ phạm pháp. Về hình phạt thì có cảnh cáo, khiển trách, rút phép thông công, vạ phạt danh dự công cộng và trao cho hội đồng trừng trị. Hội đồng có quyền cho tra tấn những tội nhân khét tiếng, như những kẻ lộng ngôn, gian dâm, cố chấp thù nghịch với Ðức Tin mới. Từ 1541 tới 1546 có 56 án tử hình và 78 án phát vãng. Mỗi khu phố có một giám thị canh chừng, người này cũng ghi nhận những tố giác của cha mẹ, họ hàng và người lân bang. Bỏ các ngày lễ, sinh hoạt xã hội trở nên buồn tẻ và khắc khổ. Chơi bài, kịch tuồng và nhảy nhót đều bị cấm, xa hoa trang sức thì bị phạt, tửu quán bị bãi bỏ và chỉ được lai vãng tới một hàng quán độc nhất ở trong quận mình cư trú. Còn nhiệm vụ của Quốc Gia thì có sự đảo lộn kỳ dị: Calvin buộc hội đồng công bố rằng giáo huấn của ông là giáo thuyết thánh của Thiên Chúa (49).
Từ khi trở về Genève, Calvin rất vội vã soạn một sách giáo lý đại cương gồm 373 câu hỏi và lời thưa; cuốn giáo lý này không phải để dạy trẻ em nhưng phải được dùng làm thủ bản chính yếu của Ðức Tin. Huấn lệnh phụng vụ thì lấy lại kinh nghiệm ở Strasbourg, trù tính mỗi ngày một phụng vụ Lời Chúa với kinh đọc và bài hát ca vịnh. Mỗi thứ sáu có hội họp để nghe diễn giảng và tranh luận. Calvin mong muốn Tiệc thánh chỉ được cử hành mỗi năm bốn lần, chứ không phải mỗi tháng một lần. Người ta dùng bánh và rượu thông thường. Dĩ nhiên trong các đền thờ thuộc phái Calvin, không có bàn thờ, không có ảnh tượng, không có đèn nến.
Ở Genève, không thiếu những người chống đối Calvin và qui chế Giáo Hội của ông. Trong số này có những cựu chiến sĩ của tự do, bây giờ họ thấy có một kẻ chuyên chế người Pháp thay cho công tước nhà Savoie; rồi có những người sống phè phỡn, những người tư sản cỡ lớn, cũng như những người chống đối mọi định nghĩa tín điều và mọi qui chế Giáo Hội, và sau cùng là những thù địch chống lại chính thần học của Calvin. Cũng có những trở mặt trở tay chính trị làm cho các thù địch của Calvin được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử. Năm 1555 có những giao tranh làm cho Calvin có cơ hội triệt hạ thù địch của ông và củng cố tổ chức chính quyền theo ý nghĩa một cơ chế buồn tẻ và khắc khổ, nhưng cũng theo một trật tự và một luân lý kiểu mẫu. Như trong việc hội nhập những người Pháp di tản, ông biết củng cố địa vị của ông, chống đối tất cả những phản kháng chính trị của Berne, tất cả đều cho phép ông hoàn tất công việc thực hiện qui chế Giáo Hội của ông. Những thù địch về thần học thì bị khai trừ không thương xót. Gruet không nhận thiên tính Ðức Kitô đã bị chém đầu năm 1547; cựu tu sĩ dòng Carme, Bolsec dám chống lại thuyết tiền định của Calvin cũng bị sinh thiêu năm 1551; Castellion vì phản đối giáo huấn của Calvin về việc Ðức Kitô xuống âm phủ, đã bị tuyên bố là không có khả năng làm việc phụng vụ tại Giáo Hội Genève, ông còn bị Calvin vu khống ở Bâle. Y sĩ nhân bản người Tây Ban Nha là Michel Servet, vì còn nghi ngờ giáo lý về Ba Ngôi và chối không nhận nhân tính Ðức Kitô, nên đã bị Calvin mưu mô tố cáo nơi tòa Thẩm Tra Công Giáo ở Lyon. Servet từ lâu năm vẫn thư từ trao đổi với Calvin, nhưng khi ông trốn được qua Genève, ông bị phát giác trong khi đến nghe Calvin giảng thuyết và bị bắt. Vụ án được Calvin cương quyết hướng dẫn và Servet bị thiêu năm 1553. Những vụ xử như thế làm cho các thù địch hoảng sợ.
Calvin không muốn hạn định công việc của ông ở Genève. Từ thành phố này ông toan tính củng cố Tin Lành giáo ở Pháp và làm công việc truyền giáo ở các nước khác. Ðể tìm được một bạn đồng hành đồng chí chính trị, Calvin thỏa thuận với người kế tiếp Zwingli ở Zurich về giáo thuyết tiệc thánh. Năm 1549 ông với Bullinger ký kết Thỏa hiệp Tigurin về tiệc thánh, công nhận những công thức của Calvin rồi sửa chữa cho nhẹ đi đôi chút và như vậy về sau có thể thực hiện được sự hiệp nhất các Giáo Hội Cải cách Thụy Sĩ. Từ buổi đầu, Calvin cũng đã nghĩ tới việc tuyển mộ. Cuối cùng năm 1559 ông cho thành lập ở Genève một hàn lâm viện để dạy thần học, dưới quyền điều khiển của bạn đồng hương với ông là Théodore de Bèze. Năm 1564 khi Calvin mất thì viện gồm có 1200 học viên trong ban sơ đẳng và ba trăm sinh viên, trong đó có nhiều người ngoại quốc.
XVII. THUYẾT CALVIN PHÁT TRIỂN
Sức thu hút của thuyết Calvin thật lớn lao. Trước hết, hình như nó tìm được một địa trường phát triển mới ở Anh, dưới triều Edouard VI. Ở đây trước hết người ta chỉ muốn bỏ những ”điều khoản khát máu”, người ta bắt rước lễ với hai hình sắc và cho phép các linh mục kết hôn. Sự ôn hòa này phải được coi như công việc của Bucer khi ông cư trú tại Anh. Nhưng việc chuyển thánh lễ hy tế thành kinh ca ngợi và tạ ơn theo cuốn Sách kinh chung I (Book of Commun Prayer) do Cranmer soạn, những người chủ trương Cải cách tận căn coi là chưa đủ. Calvin gửi cho công tước Somerset vào tháng 10 năm 1548, tất cả một chương trình Cải cách và yêu cầu phải giáo huấn dân theo cuốn giáo lý và bản Tuyên xưng, phải bỏ những tệ lạm trong phụng vụ và rút phép thông những ai sống trong vô luân thường. Khi Somerset thất thế thì Calvin vẫn tiếp tục hoạt động. Bucer và Vermigli duyệt lại phụng vụ. Cuốn Sách kinh chung mới, năm 1552 thực ra vẫn còn giữ các áo lễ và nghi thức phụng vụ, nhưng bỏ hết các khía cạnh hy tế và thấm nhuần thuyết thần học Calvin. Bucer viết cuốn Về nước Ðức Kitô (De regno Christi): ông toan tính thành lập một qui chế Giáo Hội theo kiểu mẫu Genève, nhưng ông mất sớm (1551) khi chưa thực hiện được. Trái lại Cranmer thành công, ông cho thông qua một tuyên xưng Ðức Tin mới, với 42 điều khoản năm 1553. Thực ra những điều khoản này là một thỏa hiệp, nên không bao giờ có tính cách bắt buộc, song nó chống đối cả người công giáo lẫn phái Baptiste. Ông nhận giáo thuyết Calvin về tiệc thánh và về ơn tiền định, tuy nhiên ông tránh né những chi tiết quá khích. Ông duy trì chức giám mục, và đây là điểm không phù hợp với kiểu mẫu của Calvin về tân Giáo Hội Anh quốc. Thực ra việc này còn được nghiên cứu lại khi nhà vua mất sớm (1553) và Marie Tudor lên nắm chính quyền, bà là con gái của Henri VIII và Catherine d'Aragon.
Trái lại Calvin và trào lưu ông gây dựng đã thành công trong việc tổ chức ở Pháp, đặc biệt đã lập được một phe đảng và một đạo quân gồm các chiến hữu. Ða số những người theo Calvin họp lại thành những nhóm nhỏ, họ tự coi mình như Giáo Hội, theo nghĩa của Luther, họ cử hành cả tiệc thánh và có một chủ sự. Nhưng vì những tân tín hữu này bị lùng bắt dữ dội, nên họ ít ra mặt, họ cho cha sở công giáo rửa tội con cái họ, họ dự cả thánh lễ để khỏi bị theo dõi và đứng ra ngoài hết các quá khích của bọn phá hủy ảnh tượng. Vừa được tổ chức, các nhóm này đã coi cộng đồng ở Strasbourg như kiểu mẫu, họ tuyển chọn mục sư giữa những người của họ. Người ta thấy các nhóm nhỏ này có mặt khắp nơi trên đất Pháp, họ chiêu mộ trong mọi giai cấp xã hội, từ tiểu tư sản cho tới hàng quí tộc cấp cao, khá đông thương gia, nhất là ở miền Nam. Những vụ xử tử không làm họ nản chí, không làm tan rã các cộng đồng của đạo mới.
Ngay từ đầu, Calvin tự coi mình như người bảo vệ họ. Ông can thiệp ủng hộ họ trong nhiều cơ hội, đồng thời ông muốn các cộng đồng ở Pháp được tổ chức theo kiểu mẫu Giáo Hội của ông ở Genève. Ông bắt họ phải bỏ giáo thuyết Nicodémisme, nghĩa là không được tham dự những tập tục ngoại giáo, bằng không ông phải trốn về Genève. Sau đó, ông lại đòi thành lập phụng vụ tiệc thánh, bầu chủ sự tiệc thánh, tổ chức những buổi hội họp nhỏ để cầu nguyện và học giáo lý, rồi sáp nhập kỷ luật Giáo Hội theo mẫu Genève và cuối cùng chỉ còn tiệc thánh mà thôi. Thế nghĩa là: Giáo Hội đứng hàng đầu, sau mới tới các bí tích trong đó có phép rửa, Calvin cũng nhận phép rửa Công Giáo (50). Chính trên cơ sở này mà năm 1555 đã thành lập Giáo Hội đầu tiên tại Paris, rồi trong mấy năm sau có thêm mấy chục địa điểm khác. Trong vòng bẩy năm, Calvin đã phái qua Pháp 88 mục sư. Mặc dầu nằm dưới sự kiểm soát của Genève, các nhóm tại Pháp phát triển với nhiều sắc thái riêng. Cách nhanh chóng, họ ý thức về ”Cải cách” của mình, nên cần phải có sự hòa hợp và nhất trí giữa họ với nhau. Rồi trong các đồng đội, hoặc ít ra giữa những người che chở họ, có các thành viên thuộc dòng họ nhà vua: như Antoine de Bourbon, vua miền Navarre, bào đệ là hoàng thân Louis de Condé, rồi mấy anh em Coligny, đô đốc Gaspard, đại tướng Francois d'Andelot và hồng y Odet người đã nhận áo mũ giám mục ngay lúc lên 10 tuổi và nhận tòa tổng giám mục Toulouse hồi 11 tuổi, sau cùng là các bà quý tộc cấp cao. Họ ý thức về lực lượng của họ. Họ chiến đấu với dao găm cầm tay, khi người ta khám phá ra những hội họp của họ ở Paris. Họ không còn sợ ”bị” công chúng biết tới và tháng 5 năm 1559, họ tổ chức đại hội toàn quốc tại Paris, họ biểu quyết một bản Tuyên xưng Ðức Tin cho toàn quốc và đệ lên nhà vua. Bản Tuyên xưng Gallica (Confessio gallicana) này khởi đầu là do Calvin soạn, nhưng nó công nhận mặc khải tự nhiên của Thiên Chúa và hạn định công việc của Thánh Thần vào việc làm chứng Sách Thánh. Người ta thiết lập một tổ chức Giáo Hội hoàn toàn theo Calvin, ấn định việc xử dụng luật rút phép thông công. Những điều khoản về hôn nhân đã dự trù có vấn đề hôn phối hỗn hợp. Rất rõ ràng để hiểu tất cả Giáo Hội Cải cách, đó là những điều khoản nhằm khai trừ tất cả những hình thức chính quyền trung ương, để chỉ còn lại một Giáo Hội địa phương hay một hội nghị thường trực.
Bởi hai tài liệu này mà hình thành Giáo Hội Huguenot. Kể từ đó, chữ 'huguenot' được dùng để chỉ những người tin lành Pháp. Nó chỉ sự liên hệ giữa họ với Genève; nơi đây những đồ đệ chủ trương độc lập thời xưa, nay được gọi là những người thuộc ”liên bang” (Eidgenossen).
Thế nhưng từ Huguenot không nguyên chỉ về một Giáo Hội, nhưng còn chỉ về một đảng chính trị. Hẳn là trong tuyên xưng có nói tới sự tuân phục chính quyền đã được thiết lập, cả khi chính quyền này được đại diện bởi những người không tin. Thế nhưng quyền nhà vua suy sụp, dưới thời Francois II (1559-1560) và với việc đặt lại vấn đề hợp pháp của chính quyền họ nhà Guise, công tước Francois và bào đệ của ông là Charles, ”hồng y miền Lorraine”, thì ông hoàng Condé lại chống đối dữ dội. Ông này muốn thu nạp những lực lượng tôn giáo của người Huguenot với một sự thỏa hiệp nào của Calvin. Ðó là điều thuận lợi. Cuộc mưu phản ở Amboise nhằm lật đổ họ nhà Guise đã thất bại. Vào thời điểm nguy kịch này, bà hoàng thái hậu Catherine de Médicis ra tay giải quyết mọi việc. Dựa vào lời khuyên của chưởng ấn, bà cho phép người Huguenot được sinh hoạt tôn giáo một cách riêng tư. Như vậy, để người cải cách ở Pháp nằm trong vòng hợp pháp. Ở phía Nam, các nhà thờ bị người Huguenot chiếm và các nghi lễ Tin Lành được tiếp tục cử hành công cộng. Catherine cho ngừng việc truy tố người tin lành trước tòa án và cho vời Antoine de Navarre về tham gia chính phủ.
Công tước De Guise, nguyên súy De Montmorency và thống chế De Saint-André làm thành bộ 'ba người hùng' để bảo vệ Công Giáo. Nhưng phương án của họ hoàn toàn thất bại. Bà hoàng thái hậu, tháng 9 năm 1561, ở tu viện Poissy, đã cho tổ chức một cuộc đàm luận tôn giáo, bên Calvin có đại diện danh tiếng là Théodore de Bèze, bên Công Giáo có hồng y miền Lorraine và bề trên cả Dòng Tên là Lainez. Ðàm luận thất bại, phần lớn về vấn đề phép Thánh Thể. Một toan tính hòa hợp trên cơ sở bản tuyên xưng Ausgbourg và tuyên xưng Wurtemberg năm 1557 cũng vô ích. Lainez nhắc nhớ rằng về những vấn đề như thế chỉ có công đồng Trente mới đủ thẩm quyền. Catherine liền theo ván bài Tin Lành và chống Tây Ban Nha: tháng giêng năm 1562 bà công bố Chỉ dụ Saint Germain cho người tin lành có quyền hội nghị, cử hành các việc đạo bên ngoài thành phố, các nghi lễ tư trong nội thành, được họp hội nghị và tuyển chọn các mục sư.
Ở Hòa Lan, khi nước này đã được sáp nhập vào dòng họ nhà Habsbourg do phu nhân của Maximilien I, thì những canh tân tôn giáo cũng được du nhập vào cách nhanh chóng. Các tu sĩ dòng Augustin phổ biến tư tưởng của Luther. Ông hoàng giám mục ở Liège đã phải công bố chỉ dụ chống phái Luther, năm 1520 và 1526. Việc hủy các sách vở của Luther, sau sắc lệnh Worms cũng không ngăn cản nổi sức bành trướng của giáo lý mới. Năm 1529 Charles Quint tự cho mình có nhiệm vụ phải đe dọa lên án tử hình các người ly giáo và những ai còn tàng trữ các sách cấm. Thực tế, chỉ dụ này chưa được thi hành nghiêm chỉnh; Nhiều người ly giáo bị kết án, đa số thuộc phái Baptiste (51). Những biến cố ở Munster năm 1535 làm cho người ta coi việc bách hại như thế là hợp pháp. Thế nhưng, chính quyền chỉ nghiêm khắc với các thành viên phái Baptiste, còn đối với những nhóm nhỏ thuộc tân tín đồ, trong thành phố và các khu kỹ nghệ, nhất là giữa các thành viên giáo sĩ, thương gia và tiểu công nghệ, chính quyền lại tỏ ra khoan dung và thiện cảm trong nhiều lãnh vực, nhất là vì thấy lòng ái quốc của họ. Chắc chắn cũng vì lý do đó, nói chung, giáo quyền thường tỏ ra khoan dung hơn chính quyền.
Sau 1540, vào thời kỳ mà đường lối chính trị về tôn giáo của đế quốc có phần mềm dẻo hơn, đó cũng là thời kỳ có những đàm luận tôn giáo trong toàn đế quốc, thuyết Calvin xâm nhập vào đất nước. Về bên thân mẫu thì Calvin tự coi mình như có máu Bỉ, ông rất hăng hái chỉ trích các tân tín đồ, vì thái độ quá bình chân như vại của họ, ông coi họ như theo phái Nicodémisme và ông phái một giảng thuyết viên tới để đặt nền móng cho Giáo Hội tương lai. Giảng thuyết viên này bị thiêu năm 1545. Nhưng dân chúng Hòa Lan lại hăng say kéo nhau đi Genève để thụ giáo. Dần dà họ đã hình thành nhiều cộng đồng hoạt động theo mẫu Genève. Họ muốn sống ẩn dật, nhưng bắt các thành viên trước khi tuyên thệ, phải long trọng khước từ giáo hoàng và Giáo Hội Roma. Một bản Tuyên xưng Bỉ (Confessio Belgica) được khởi thảo năm 1561 theo mẫu bản Tuyên xưng Pháp, đã được Calvin chuẩn y và năm 1571, được hội đồng thứ nhất họp tại Emden chấp thuận.
Ðược kể là thành công quyết liệt, khi Cải cách đương đầu với một cuộc chống đối chính trị lan rộng. Năm 1555 Charles Quint để Hòa Lan lại cho con là Philippe II, vua tương lai Tây Ban Nha. Ông vua này chiếm giải quán quân trong việc thống trị Âu Châu và thi hành quyền chuyên chế của nhà vua đối với nhân dân và Giáo Hội. Cũng như vua cha, ông tự cho mình có đủ các bổn phận để bảo vệ Giáo Hội Công Giáo và dùng mọi cách để duy trì thống nhất Ðức Tin trong đế quốc. Ngay ban đầu khi ông lên nắm chính quyền, đã xẩy ra nhương tranh chấp làm cho ông chống đối đức Paul IV, ông vẫn không thay đổi thái độ (52). Không lạ gì khi một vì đế vương hùng mạnh có đất đai trải dài, mở rộng mãi tới đất Ý, có ảnh hưởng rất lớn trên đường lối chính trị của giáo hoàng, cho dầu ông đã hoàn toàn thất bại hoặc thất bại một phần, trong những chiến dịch lớn lao, để duy trì hay thiết lập Giáo Hội Công Giáo ở Pháp và ở Anh. Tại Hòa Lan, dân chúng xa rời ông vì tính tình bạo ngược và đa nghi của ông. Từ 1559 và suốt thời ông cai trị, ông không nhìn thấy những tỉnh miền Bắc của nước ông nữa, ông để cho Tòa Thẩm Tra (Inquisition) rộng tay lộng hành và cho thi hành nghiêm khắc các sắc lệnh của vua cha. Sau khi đã ký hòa ước với Pháp năm 1559, ông cố gắng bảo vệ đất nước chống thuyết Calvin từ phía Nam tràn tới, vì thế ông yêu cầu giáo hoàng phải phân chia lại ranh giới các giáo phận. Ðức Paul IV bằng lòng cho thiết lập 18 giáo phận dưới quyền cai quản của ba tổng giám mục, thay vì bốn giáo phận hiện có. Như đã tổ chức lại Giáo Hội ở Tây Ban Nha, Philippe cũng muốn tổ chức lại Giáo Hội Hòa Lan, ông không muốn để cho các giám mục ngoại quốc được toàn quyền cai quản: ông muốn có một cơ cấu mới trong hoạt động mục vụ. Ông nhận quyền tiến cử của mọi giáo phận. Nhiều tu viện được sáp nhập vào tòa giám mục, việc này làm cho nhiều tu viện phản đối nhất là trong tỉnh Brabant, họ chống lại chế độ bổng lợi sưu dịch. Những giám mục đầu tiên của các giáo phận mới đều là tay chân tin cẩn của nhà vua, như Tổng Thẩm Tra Sonnius, thần học gia tranh đấu, giám mục tiên khởi Bois-le-Duc. Việc tổ chức lại các địa phận làm cho người ta bực tức, bởi vì nhà vua tỏ ra coi thường các đặc ân lịch sử trong nước Hòa Lan, lại chủ mưu bóc lột (tưởng tượng hay thực sự) đất nước này và dành ưu tiên cho người Tây Ban Nha khi cắt đặt các công chức cao cấp. Ðứng đầu chống đối là hai ông tỉnh trưởng, bá tước Egmont và hoàng tử Guillaume d'Orange-Nassau vốn có thiện cảm với thuyết Luther, kể cả đô đốc bá tước Hormes. Họ đòi phải tôn trọng những quyền lợi của các tỉnh và lên tiếng chống dự định đặt Tòa Thẩm Tra Tây Ban Nha trên lãnh thổ Hòa Lan. Cuối cùng bà tổng quản đốc Marguerite de Parme, em cùng cha khác mẹ của Philippe, năm 1564 phải hy sinh viên cố vấn tài ba của mình là hồng y Granvelle. Thế là đã hình thành một liên minh trong hàng quí tộc cấp dưới, để bênh vực quyền lợi các xứ đạo. Nhưng các lãnh tụ của liên minh, trong đó có mấy người theo thuyết Calvin rất nhiệt tâm, họ tranh đấu chống lại các sắc lệnh tôn giáo và đòi cho được tự do tôn giáo. Vì quần áo rách rưới họ mặc khi đi biểu tình tuần hành trước tòa bà tổng quản đốc nên người ta gọi những người quí tộc này là bọn ”khố rách áoôm” (les gueux). Nhiều nhóm tân tín hữu làm thành một liên đoàn, nhưng với ảnh hưởng của những bài diễn văn nảy lửa của nhiều nhà giảng thuyết tới từ Genève, từ Pháp và từ Ðức, khiến những phần tử cực đoan đã thắng thế. Hơn nữa, những khát vọng xã hội của nhóm trưởng giả và thợ thuyền bất mãn cũng giữ một vai trò đáng kể. Tháng 8 năm 1566, bùng lên một cơn sóng phá hoại kinh khủng đã được chuẩn bị từ ít lâu trước: nhóm nổi loạn tàn phá các nhà thờ, các tu viện và những tổ chức tôn giáo. Ðặc biệt, các tỉnh Anvers và Amsterdam bị tàn phá nặng nề. Ở nhiều nơi, nghi lễ Công Giáo bị gián đoạn. Nhưng chính quyền đã giẹp được bọn nổi loạn. Nhiều tín đồ của Ðức Tin mới, vì sợ những hành động phá phách, đã bỏ hàng ngũ bọn ”khố rách áo ôm”. Guillaume d'Orange là người dấn thân hơn cả, ông rút về miền Nassau-Dillenburg và chính thức theo phái Luther.
Ở Hung Gia Lợi và Transsy Ivanie, sau mấy năm, phái Calvin đã đẩy lui được phái Luther. Phái này đã sâm nhập vào đây rất sớm và lập thành những Giáo Hội riêng rẽ. Chỉ có người Ðức ở xứ Transylvanie còn trung thành với Luther, năm 1545 họ thiết lập một Giáo Hội địa phương theo Tuyên xưng Augsbourg. Ở Ðức phái Calvin chỉ gióng trống mở cờ sau này mà thôi, nghĩa là sau khi Calvin đã qui tiên.
XVIII. TRONG ÐẾ QUỐC TÌNH HÌNH TRỞ NÊN TRẦM TRỌNG
Tình hình ở Ðức được đánh dấu bằng sự thành lập những lực lượng vũ trang thuộc hai nhóm tôn giáo và nhiều toan tính đàm thoại để đi tới một liên kết thân thiện. Nhưng vị trí của Tin Lành trong đế quốc càng được củng cố vững chãi hơn. Bản Những điều khoản Smalkalde mà Luther viết do sự thúc đẩy của ông hoàng cử tri Saxe, bản này trở thành cơ sở giáo lý mới cho những khuynh hướng chống Công Giáo. Tin Lành củng cố tổ chức của mình với những hội viên mới. Trước nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã bắt nhà vua phải tạm ngừng các vụ kiện và lợi dụng sự vắng mặt của vua để gây thanh thế cho mình. Ông hoàng cử tri và công tước de Saxe cho chiếm các tòa giám mục và Tin Lành hóa những giáo phận này, còn bá tước Henri de Brunswick-Wolfenbuttel theo Công Giáo, nên bị ông hoàng cử tri De Saxe và lãnh chúa Hesse trục xuất. Bá tước vương công Otto-Henri, nợ như chúa chổm ở Neubourg, đã chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội và năm 1543 cho công bố một qui chế Giáo Hội mới. Năm sau, ông hoàng cử tri Frédéric II cũng công nhận giáo thuyết mới. Thế là không những tất cả miền Bắc Ðức, Balan cho tới sông Weser bỏ Giáo Hội Công Giáo, mà cả ở miền Nam cũng làm thành một khối Tin Lành với Wurtemberg, Palatinat và La Hesse, và cả ba ông hoàng cử tri đều chảy theo giáo thuyết mới. Thực tế, khi một ông hoàng theo trào lưu mới vì đa số dân chúng đã đón nhận Tin Lành, thì người công giáo cũng đánh rơi triều thiên đế quốc. Tổng giám mục Cologne, Hermann von Wied phải điều đình với Bucer; ông còn mời Bucer tới giảng thuyết ở Bonn và cùng với Melanchton soạn thảo một qui chế Cải cách. Chỉ nhờ vào sự phản kháng của kinh sĩ đoàn, của trường đại học và của nghị viện Cologne mà người ta thoái thác không cho thực hiện chương trình đó. Cũng vậy ở Munster, kinh sĩ đoàn đã làm cho dự án của giám mục Franz von Waldeck thất bại, khi ông này muốn biến những tòa giám mục Minden, Munster và Osnabruck thành một công quốc địa Tin Lành. Ở Cologne những cuộc chống đối của người công giáo cũng ghi nhiều thành quả tích cực và xây dựng.
Cuộc ly khai với Giáo Hội Roma đã hoàn tất khi Luther và Calvin công khai hoạt động, khi họ phái các đồ đệ nổi tiếng đi giảng thuyết, khi phái Baptiste có nhiều nghị lực và hăng say hoạt động. Mặc dầu việc đánh mất sự hiệp nhất là một đòn đau đớn đối với mọi Kitô hữu, người ta vẫn không có quyền coi Cải cách là hoàn toàn tiêu cực. Cải cách đã tỏ ra có nhiều kiên trì cương quyết, tạo thành những cộng đồng chỉ tin vào Lời Chúa, do đó đã biểu hiện một ý chí rất đáng khen trong việc tuyên xưng Ðức Tin. Các thành viên của họ dĩ nhiên không phải là những người hoàn hảo cả. Luther không ngừng tố cáo những thói say sưa tửu quán, trong nhiều miền nạn phá phách tượng ảnh làm nổi bật tính man rợ khủng khiếp. Hơn thế, những hình thức thanh tra của các Giáo Hội thuộc phái Luther chứng tỏ rằng: nhiều tệ lạm trước kia bị lên án nơi người công giáo, bây giờ vẫn còn tồn tại giữa giáo dân tin lành cũng như giữa các mục sư của họ. Thế nhưng có nhiều khía cạnh của Cải cách cho thấy rõ ràng: nếu những yếu tố chính trị đã đóng một vai trò nhiều khi khá quyết liệt, thì cũng không sai khi coi Cải cách là một trào lưu bùng nổ từ nội tâm con người. Chúng ta có những bằng chứng về chí kiên trì của những người cải cách khi họ bị giam trong các tù ngục Pháp, lòng kiên trì được nâng đỡ bởi những bức thư đầy tình thương, đầy khích lệ và đầy niềm tin Kitô do Calvin viết và gửi tới; đức nhịn nhục chịu đựng của những người thuộc phái Baptiste, lòng trung thành đáng kính của họ đối với Lời trong Kinh Thánh, họ khắc khoải muốn tìm một đời sống tâm linh nhiệt thành nhiều khi nhuốm mầu thần bí. Những nguyện vọng thời xưa đã tới lúc chín muồi, nhưng đến thời buổi này, vẫn không được Giáo Hội quan tâm, đó là lòng ao ước có một kinh nghiệm tôn giáo tự bản thân, đối diện với một tập quán quá chú trọng tới thể chế và các bí tích; niềm say mê Lời trực tiếp và sinh động trong Kinh Thánh, đối diện với những suy tưởng thần học vô bản vị; một nhu cầu áp dụng Lời Chúa vào sinh hoạt hằng ngày và một phụng tự thánh dễ hiểu; niềm khát vọng một cộng đồng tương thân tương ái, đối diện với một giáo sĩ đoàn quá kiêu kỳ, xa hoa. Do đó đã có những bản dịch Kinh Thánh ra sinh ngữ, đã có một phụng vụ để mọi người đều hiểu, thích hợp với tình cảm của người Ðức, như thánh lễ bằng tiếng Ðức của Luther, thích hợp với suy tưởng trong sáng và giản dị của người Pháp, như phụng tự đơn sơ trong các nguyện đường thuộc phái Calvin, tất cả đều gây ảnh hưởng tới tâm tư đám quần chúng. Giáo Hội cũ vì sợ những tệ lạm và sai sót lệch lạc có thể có đối với Lời Chúa, nên đúng vào lúc đó đã ngăn cản không cho dịch ra tiếng bản quốc, điều này rõ ràng là có ý không cho dân chúng làm quen với Lời Chúa: để phản kháng, dân chúng đã nắm vững quyền lợi chính đáng của mình và đã mãnh liệt nổi dậy.