CHƯƠNG I
TÂY BAN NHA
VÀ CÔNG GIÁO TÍNH CỦA GIÁO HỘI.
CHƯƠNG I
TÂY BAN NHA
VÀ CÔNG GIÁO TÍNH CỦA GIÁO HỘI.
Vì có khủng hoảng lâu dài ở cuối thời Trung Cổ nên tới thời các giáo hoàng phục hưng, Giáo Hội Công Giáo phải trả giá rất đắt. Trong khi có sa sút lòng đạo và như vậy là báo hiệu sẽ có những xáo trộn dữ dằn, thì bán đảo Ibérie và những nước phụ thuộc vẫn còn giữ được những lực lượng cổ truyền và đồng thời còn chứa một nguồn sinh lực mới. Từ lâu vẫn liên kết với nước Pháp bằng liên minh quân sự, miền Castille từ thế kỷ XV vẫn là thành phần của những nước quân chủ Âu Châu. Ở công đồng Constance, khi người ta cố quyết duy trì quyền bầu phiếu của các hồng y, người ta đã cứu vãn được truyền thống của Giáo Hội và ngăn ngừa để Giáo Hội khỏi tan rã thành một nhóm vật vờ liên kết các quốc gia. Khi mới đầy 23 tuổi xuân và kết hôn với Ferdinand xứ Aragon, Isabelle tín nữ công giáo, trở thành hoàng hậu xứ Castille và Léon (1474), bà bắt đầu làm cho xứ này hưởng một nền thịnh vượng mới. Nhờ liên minh giữa Castille và Aragon mà hoàng hậu đặt nền móng vững bền cho thế lực Tây Ban Nha. Chỉ khi ấy người ta mới có thể làm hòa với Bồ Ðào Nha và thiết lập an ninh cho toàn lãnh thổ. Người kitô giáo đã chiếm xong bán đảo từ tay người Hồi, họ đã thực sự triệt hạ được cái pháo đài cuối cùng của Hồi Giáo, là vương quốc Grenade. Khi hoàng đế công giáo đòi tiền thuế thì vua Grenade trả lời là xưởng đúc tiền của xứ ông từ nay không còn luyện vàng nhưng chỉ luyện thép mà thôi. Thế nhưng võ khí của nghĩa quân Kitô giáo hẳn là được toi luyện bằng thứ thép cứng hơn. Do đó chiến dịch trong đó có tham dự nhiều người ngoại quốc (nhiều chiến binh trẻ tuổi người Ðức cũng xung trận trong hàng ngũ quân đội Tây Ban Nha), chiến dịch được coi như một nhiệm vụ chung của người kitô hữu và giáo hoàng còn ban ân xá cho họ nữa (1483). Chiến dịch này kéo dài suốt gần mười năm trời. Năm 1487, đã tiếp thu Malaga, nguyện đường chính yếu của Hồi Giáo được biến thành nhà thờ chính tòa, còn 1/3 tù binh Hồi thì được trao đổi để lấy lại nô lệ kitô giáo đã bị đưa về đất Phi Châu. Trước thành Grenade được bảo vệ bằng 1030 chồi gác, thì trước khi đích thân ra trận, Isabelle cho xây pháo đài Santa-Fé để tỏ lòng tin tưởng: đây là chiến dịch thuộc về Ðức Tin. Sau khi Grenade thất thủ năm 1492, thượng giáo chủ Tây Ban Nha, là hồng y Mendoza, cùng thuộc hạ đã lên đường tới chiếm thánh địa Alhambra. Ngọn cờ thánh giá do giáo hoàng Sixte IV trao tặng đã được cầm đi tiên phong trong chiến dịch, nay được dựng trên thành lũy để tuyên dương thập giá Ðức Kitô đại thắng Lưỡi Liềm Hồi Giáo.
I. GIÁO HỘI VÀ NHÀ NƯỚC.
Cuộc chinh chiến trường kỳ không những đã gắn chặt mối liên hệ giữa vua quan và nhân dân mà còn khơi động lên giữa người dân Tây Ban Nha một tinh thần tin tưởng nồng nhiệt, gần như cuồng tín. Khẩu hiệu ”Tiến lên tiến lên nữa” (Plus ultra), thực ra không phải là một thần thoại, nhưng là chính dân tận lực gánh vác. Có sự liên kết giữa Giáo Hội và Nhà Nước, có sự hòa nhập hoàn toàn tương hỗ của hai bên, để cho thống nhất về tôn giáo trở thành sự thật, trở thành phương châm bất biến trong cương lĩnh chính trị của cả nước. Vì thế không lạ gì khi trong toàn lãnh thổ, người ta hăng say đả phá những cừu địch tôn giáo và kẻ chối đạo, hăng say trừ diệt những chủng tộc ngoại lai là người Do Thái và người Hồi. Những kẻ xưa kia đã từ Do Thái Giáo trở lại làm người ”tân tòng” thì bây giờ phần đông, công khai hay bí mật, họ trở về với Do Thái Giáo, và với nhau họ duy trì liên kết rất chặt chẽ. Với tuyên truyền và chinh phục, họ làm thành một nguy cơ hiển nhiên. Thế là người ta thấy trong nước như có hai quốc gia ghen ghét nhau, không đội trời chung. Trước những lực lượng bạo động để tự vệ ở các địa phương, Ferdinand người tín hữu công giáo được giáo hoàng cho phép thành lập Tòa Án Ðức Tin; Tòa Thẩm Tra ngay lúc ban đầu đã trở thành khí cụ đàn áp trao vào tay nhà vua, để rồi hơn một lần ông xử dụng nhằm tới các mục tiêu chính trị. Việc đem đày người Do Thái, ngay năm chiếm Grenade, là một hành động hoàn toàn thuộc chính trị. Người ta đã không giữ lời hứa với người Hồi ở Grenade là để cho họ được tự do theo đạo của họ: Khi người Hồi nổi dậy chống những toan tính truyền đạo của người Kitô hữu, thì các vua công giáo rút lời hứa và năm 1501 đã dồn người Hồi vào con đường cùng: hoặc xin chịu phép Rửa tội hoặc đi phát vãng. Công cuộc thống nhất về tôn giáo ở Tây Ban Nha đã được thi hành như vậy đó.
Các vua công giáo (Alexandre VI năm 1496 đã phong cho họ cái tước hiệu hoàng đế công giáo), lại còn tuyên bố quyền quân chủ chuyên chế đối với Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngoài quyền cắt đặt viên quan tòa Thẩm Tra tối cao, họ còn được các giáo hoàng cho quyền bảo trợ những chức vụ của Giáo Hội cao nhất trong vương quyền Grenade. Từ lâu nay họ vẫn đòi cho được quyền chấp thuận các sắc lệnh của giáo hoàng và quyền khiếu nại tòa án đạo thay tòa riêng của họ, thì nay được đức Sixte IV minh bạch ban cho họ. Ngay đầu triều đại, Isabelle đã tới dự đại hội nghị Santiago, với chủ ý là hướng dẫn việc bầu cử ở viện. Còn Ferdinand thì tự nhận cho mình những chức vụ viên trưởng hội dòng Hiệp Sĩ Tây Ban Nha khác. Ðức Adrien VI cho sáp nhập tất cả những chức vụ đó vào tay hoàng triều và truyền lại cho người kế vị Ferdinand là Charles I, sau này là Charles Quint. Còn về các vấn đề bành trướng quyền giáo hoàng ở địa hạt Naples thì nhà vua có những phản ứng dữ dằn, đến nỗi người ta đã có lần sợ rồi ra có thể có sự tuyệt giao giữa Ferdinand và Roma.
II. XIMÉNÈS VÀ TRÀO LƯU NHÂN BẢN KITÔ GIÁO.
Thế nhưng, tuy bị chính quyền chèn áp, một hiện tượng chung ở thời Trung Cổ đang tàn, Giáo Hội vẫn không bị cản trở trong việc phát huy đời sống nội tâm trong vương quốc Tây Ban Nha. Có những giám mục nhiệt tình, có quyền có thế trong triều, họ tận tâm hăng say canh tân và củng cố giáo đoàn của họ: đó là Hernando Talavera đạo hạnh, tổng giám mục Grenade và nhất là các hồng y Mendoza (+1495) và Ximénès de Sisneros (-1517). Hai hội nghị tỉnh chính yếu được triệu tập năm 1473 và 1512, và có những huấn thị canh tân được công bố và được thực sự đem ra thi hành. Các dòng tu cũng không bị bỏ qua. Trong các dòng khất thực, người ta rất nghiêm chỉnh tuân theo luật dòng; các tu viện Biển Ðức thì tất cả đều liên kết vào tu viện Valladolid. Việc canh tân dòng Montserrat được một người cháu của Ximénès điều khiển. Với các linh mục triều thì Ximénès bắt họ phải định cư, phải năng xưng tội hơn, còn với các cha sở thì phải giảng mỗi chủ nhật. Một chiến dịch được thành lập để chống nạn dốt về giáo lý. Ðể giúp việc học hỏi giáo lý, thì Mendoza soạn một cuốn sách Bổn về sinh hoạt Kitô hữu. Rất nhiều trường trung học và đại học được thiết lập. Chủng viện Grenade về sau này trở thành trường kiểu mẫu mà các giáo phụ công đồng Trente nhắc nhở tới khi soạn thảo huấn thị về chủng viện. Người đồng thời rất quí trọng trường đại học Alcala do Ximénès sáng lập và được hồng y dòng Phanxicô trang bị đầy đủ, được kể như kỳ quan thứ tám của thế giới. Nhưng người ta không chỉ ngừng lại ở các thánh đường đồ sộ nguy nga, các trường đại học và bệnh viện bệnh xá, người ta còn trao cho những viện ấy nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhiều toan tính lớn lao. Không những Ximénès cho thiết lập ở Alcala một trung tâm thần học Thomisme mà còn có cả một trung tâm thần học Scotisme, cả trung tâm thần học duy danh, không kể một học viện tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái. Ông cho mời các học giả từ Salamonque, từ Paris tới và trao cho họ việc ấn hành một văn bản khoa học và chính xác về Kinh Thánh. Ông còn mở rộng tầm con mắt rộng rãi, khi mời cả Érasme năm 1516 tới cộng tác trong công việc này. Vì thế, nhờ vào một công cuộc học hỏi về ngữ học nghiêm chỉnh, nên đã ấn hành lần thứ nhất cuốn Tân Ước trong văn bản cổ xưa nguyên thủy, ấn bản này được mệnh danh là bản đa ngữ Polyglotta Complutensia (do danh từ Alcala latinh), rồi sau đó tiếp đến bản Cựu Ước. Công trình này được thực hiện do tiền của hồng y và chiếu theo các chỉ thị của ngài: bản Phổ thông latinh không phải được điều chỉnh theo bản Hy Lạp, nhưng được đính chính theo những thủ bản latinh hoàn hảo nhất. Cả sáu cuốn được in năm 1514 và 1517, nhưng chỉ được công bố năm 1520, bởi vì sau khi Ximénès mất, người ta chưa xin phép chuẩn y của giáo hoàng. Chính Erasme đã tặng cho các học giả thực hiện lời khen ngợi này: Gratulor vestrae Hispaniae ad pristinam eruditionis laudem veluti postliminio reflorescenti (1). (Tôi chúc mừng nước Tây Ban Nha của các bạn thật đáng khen vì miệt mài làm việc trí thức, dường như nô nức trở về nguồn). Một Aristote Hi-La rồi sẽ phát hiện.
Ximénès là một Mạnh Thường Quân của nhân bản Kitô Giáo ở Tây Ban Nha, nhân bản này dưới sự hướng dẫn của Lebrixa và theo đường lối của Lorenzo di Valla, trong tư thế phê phán những truyền thống của Giáo Hội và trước ngõ quặt của thế kỷ, đã để ý hết mình vào công cuộc nghiên cứu Kinh Thánh. Lebrixa cố gắng cho thiết lập một văn bản phê phán về các Phúc Âm vào thời kỳ phát hiện những nhà in đầu tiên (vì người ta đã cho ấn hành những thủ bút rất khác nhau, với tất cả những sai sót của nó) và ông tìm được nhiều đệ tử. Ông còn là ngôn sứ của tiếng Castillan và của văn học latinh trong đất nước được giải phóng khỏi người Hồi. Nhân bản Kitô giáo được củng cố bởi một trào lưu huyền nhiệm học mạnh mẽ. Người ta dịch ra những tác phẩm như Cuộc đời Ðức Kitô của Ludolphe le Chartreux; vào năm 1493 người ta cho ấn hành cuốn Chú giải kinh Miserere của Savonarole. Một Kitô giáo hoàn toàn hướng về sinh hoạt nội tâm và ân sủng, đó là mục tiêu chính yếu của tất cả các nhà hướng dẫn tâm linh. Người ta chủ tâm nghiên cứu Ðạo đức học của Aristote, học hỏi về Ciceron về Sénèque và Boèce, và cho đó là một việc chuẩn bị để ngưỡng mộ Ðức Kitô. Phải thêm điều này nữa: người đồng thời đã cảm thấy như được dự vào công cuộc phát triển các đất nước theo Kitô giáo; hồng y Tây Ban Nha tự coi mình là khí cụ của việc phát triển này. Ðã nổi dậy những nguyện vọng về thời cứu tinh qui tụ nơi Ximénès và mấy năm sau nơi nhà vua trẻ tuổi. Nhưng chính là ở giữa các nhà thần học duy danh của Alcala, đã phát hiện những người Tây Ban Nha đầu tiên sau này bị nghi là theo khuynh hướng Luther; cũng ở hàng ngũ họ, đã phát hiện những nhà thần bí, những Alumbrados, mà hai thế hệ sau bị Tòa Thẩm Tra và bộ Ðức Tin theo dõi.
Ở Tây Ban Nha vào ngay buổi đầu, cũng đã có một trào lưu chống đối nền nhân bản Kitô giáo và công cuộc phê phán các bản văn mà Erasme đã chuyên chú thực hiện. Sự việc đã trở nên rầm rộ đến nỗi Clement VII phải hăm dọa bỏ tù một trong những người lên tiếng. Còn về Kinh Thánh đa ngữ của Alcala, tuy đã gây được phong trào ham muốn học hỏi Kinh Thánh nhưng lại không thực hiện được ấn bản nào mới trong những thập niên tiếp theo và công đồng Trente cũng không nhắc nhớ tới nữa. Chỉ dưới thời Philiphe II thì mới được ấn hành, nhưng lại xa hẳn Tây Ban Nha là nơi khởi nguồn, tức là ở Anvers, với danh hiệu là bản Kinh Thánh quốc vương (Biblia Rgia).
Khi Ferdinand mất (1516) trên đường đi Séville, lúc đó đã 64 tuổi, tì Ximenes cùng với Adrien d'Utrech là giám hộ hoàng tử Charles đệ nhất, nắm quyền cai trị nước và điều hành theo tinh thần của vua quá cố. Về phần nước Tây Ban Nha, ông từ chối ân xá ban ra để lấy tiền kiến thiết giáo đường thánh Phêrô ở Roma, việc này ở Ðức đã làm cho Luther phán kháng. Hai tháng sau khi hồng y mất, Charles đổ bộ ở miền Asturies. Suốt đời, Ximenes tìm cách củng cố quyền nhà vua, không cho giai cấp quí tộc phong kiến, và các thành thì đòi độc lập tự chủ tự lập, nhưng ông không lượm được hậu quả lâu dài. Với vị tân vương, ở Tây Ban Nha lúc đầu bị coi như người ngoại quốc và kẻ bảo vệ người ngoại quốc, nghị viện Valladolio tuyên bố: họ chỉ tuyên thệ trung thành nếu nhà vua tỏ ra tôn trọng những đặc ân đặc quyền, tự do và lề lối của họ, và nhất là những luật lệ cấm không được ban cho người ngoại quốc các chức vị và quyền lợi. Khi Charles được bầu làm hoàng đế Roma German thì người Tây Ban Nha không còn quyền cấm đoán nhà vua không được rời khỏi nước và khi nhà vua khởi hành lên miền Bắc (1520) thì trong các thành thị đã xẩy ra biến loạn, bên ngoài nhằm chống đối việc đàn áp người ngoại quốc, nhưng thực ra là nhằm phản đối nhà vua. Chỉ sau khi đã dẹp hết biến loạn, khi nhà vua năm 1522 trở về và sau khi đã dẹp hết các thành thị đòi quyền tự do và đặc ân đặc quyền (đồng thời cũng làm tổn thương thương mại của họ) thì Charles Quint mới khôi phục được toàn quyền để có thể xử dụng, về mặt võ trang cũng như về mặt tài chính, trong các cuộc chinh chiến và chinh chiến ngoài biên giới.
III. KHU VỰC MỚI ÐỂ LÀM VIỆC TRUYỀN GIÁO.
Khu vực mới dưới quyền Charles Quint thì từ lâu đã vượt quá biên giới Âu Châu. Năm 1492, ở triều Grenade, Colomb người thành Gênes, đã ra mắt các vua công giáo chiến thắng và xin các vua ủng hộ mình trong dự tính tìm đường biển về phía Tây để đi Ấn Ðộ. Ngày mồng 3 tháng 8 cùng năm, ông rời Palos với ba chiếc tàu; ngày 12 tháng 10, không dự trước, ông đã tới đất Mỹ. Sau ba cuộc hành trình khác, ông tìm ra nhiều đất mới, rồi có nhiều thủy thủ khác, can trường và táo bạo, những người hăng say đi thám hiểm và đi chinh phục, theo gót ông: một thế giới mới hiện ra trước mắt người đồng thời, trên cái thế giới này đã được cắm lá cờ vua Tây Ban Nha và cây thập giá Ðức Kitô. Thực ra Colomb đã thực hiện những cuộc hành trình phiêu lưu ”vì Thiên Chúa và vị vàng bạc”, nhưng khi đặt tên cho những đất mới (San Salvador, Santa Maria, Trinidad - Ðấng Cứu Tinh, Thánh Nữ Maria, Ba Ngôi) thì như thể ông rửa tội cho chúng và khánh thành công cuộc truyền giáo cho tân thế giới. Kết quả những hành trình này là mở rộng thế giới Kitô giáo. Thế là Giáo Hội vượt hẳn ra ngoài Châu Âu: một vùng mới và rộng mênh mông từ nay cho phép Giáo Hội hoạt động, đó là toàn cõi thế giới vậy.
Sau khi đã đi một vòng thế giới, theo cách nói khuếch trương, thì Colomb ra mắt Isabelle ở công trường Barcelone và khi mấy tiểu vương Ấn Ðộ đi theo ông đứng ra xin chịu phép rửa tội (họ được rửa tội trong nhà thờ chính tòa và chính hoàng hậu làm mẹ đỡ đầu) thì đã khởi sự một trong những công cuộc rất cao cả trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội. Trong cuộc hành trình thứ hai của Colomb, có một tu sĩ Biển Ðức Montserrat đi theo ông, Bernard Boil, chính nhà vua đã cắt đặt ông đứng đầu làm thủ tướng một hội truyền giáo gồm 12 hội viên. Lễ Hiển Linh năm 1494, lần đầu tiên trong thế giới mới, ở Haiti, thánh lễ đã được cử hành và tháng 9 cùng năm đã làm phép rửa đầu tiên ở đây: nước Thiên Chúa đã đến, mặc dầu cùng năm đó Boil trở về Tây Ban Nha.
Thật ra từ buổi đầu, công cuộc truyền giáo này liên kết chặt chẽ với chính quyền, cũng như tất cả sinh hoạt Giáo Hội ở Tây Ban Nha. Coi như có một mảnh sự thống nhất bất phân chia của thời thượng Trung Cổ đã cùng với Giáo Hội xâm nhập vào Thế Giới Mới và rất ít người cho việc đó là không hay không phải, như trường hợp tu sĩ Ðaminh Las Casas. Thông thường hơn là những suy tư thuộc thời mãn thế, như tu sĩ Phanxicô Mendiera, đã mất vào cuối thế kỷ XVI: Thiên Chúa lấy dân Tây Ban Nha làm dân Người tuyển chọn và đặt làm vua thiên sai nơi hoàng đế Charles Quint, ngài cai trị cả hoàn vũ, vương quốc ngàn đời của Mạc Khải đã được khai trương vậy. Nhưng trong thực tế, hơn một lần đã xẩy ra khó khăn và đụng độ. Vì có quyền thiêng liêng theo pháp lý trên lãnh vực mới được khám phá, nên khi Bồ Ðào Nha lên tiếng phản đối việc Tây Ban Nha xâm chiếm miền Tây Ấn, thì giáo hoàng Alexandre VI theo lời yêu cầu của vua Ferdinand, đã dứt khoát ban hành bốn huấn thị danh tiếng năm 1493 (2) để giải quyết tranh chấp; những lãnh địa được khám phá hay sẽ được khám phá, về phía Tây thì thuộc vương quốc Tây Ban Nha, với trọng trách minh bạch là làm cho dân các đảo đó theo Kitô giáo. Người ta đặt một ranh giới ở vào phía Tây đảo Acores. Ðông Ấn thì thuộc Bồ Ðào Nha, Tây Ấn thuộc Tây Ban Nha với sứ mệnh truyền giáo cho dân bản xứ. Với hòa ước Tordesillas (1494) hai nước này nhận ranh giới về 370 dặm phía Tây.
Ngay buổi đầu, triều đình Tây Ban Nha rất nghiêm chỉnh làm tròn sứ mệnh. Có 17 tu sĩ Phanxicô đi theo viên tổng trấn mới để tới Haiti năm 1502, tới 1509 thì có mấy tu sĩ Ðaminh đầu tiên. Năm 1511 có 24 thừa sai tới Porto Rico. Từ 1516 Ximénès ra sắc chỉ: không một tàu nào được đi Tân Thế Giới mà không đem theo linh mục. Cho tới 1522 đã thành lập 8 tòa giám mục ở Antilles. Ba tu sĩ Phanxicô người Hòa Lan được vị linh giám của hoàng đế chọn, họ đã tới Mexico năm 1523. Năm sau có các tu sĩ người Tây Ban Nha, ”12 vị tông đồ”. Cortez đã thắng ngựa ra đón và người Aztèques rất sửng sốt khi thấy ông xuống ngựa, tới quì trước đoàn tu sĩ một cách khiêm tốn và xin họ ban phép lành cho mình. Từ 1526 một người trong đoàn được cắt đặt làm giám mục Mexico. Trong những năm sau lại có các tu sĩ Ðaminh và Augustin. Các thừa sai tiên khởi không những là người đạo hạnh gương mẫu đầy nhiệt tình săn sóc các linh hồn, mà còn là những học giả. Ðể xứng đáng làm việc truyền giáo, họ đã bắt đầu học thứ ngôn ngữ, những ngôn ngũ với cấu trúc rất xa lạ đối với tất cả những ngôn ngữ ở Âu Châu. Thế nhưng chỉ sau ít năm họ đã có thể cho ấn hành cuốn từ điển đầu tiên và sách giáo lý đầu tiên bằng tiếng bản xứ. Kết quả truyền giáo thật là lạ lùng gần như không thể tin được: trong vòng 20 năm đã có mấy triệu phép rửa - 8.000, 10.000 cho tới 14.000 trong một ngày do hai tu sĩ Phanxicô làm, và đó không phải chuyện hiếm. Người ta có thể có nhiều ý kiến khác nhau về phương pháp truyền giáo, người ta có thể nghi ngờ lòng thành thực của việc trở lại, nhưng nhiều nguồn tin khác nhau về những con số đó, tất cả đều công nhận và không còn nghi ngờ gì nữa. Năm giáo tỉnh Phanxicô và 3 giáo tỉnh Ðaminh được thành lập ở Mexico vào cuối thế kỷ, đó là một bằng chứng khác về nhiệt tình đưa tới công cuộc đã thực hiện và về tiếng vang dội lên trong địa hạt này.
Một trong những khu vực hoạt động quan trọng nhất là trường học. Năm họ tới, 12 vì đã lập một trung tâm học đường, họ áp dụng một phương pháp thích ứng với dân bản xứ, làm cho đời sống họ thay đổi hẳn về cơ bản. Bên cạnh tôn giáo và những môn học thường thức, người Indiens còn được các tu sĩ dạy những kỹ thuật thực hành và tiểu công nghệ của người Âu: dựng nhà, làm cầu, dệt, và các dụng cụ cần dùng, làm nương canh tác ruộng đất, chăn gia súc, làm đồ gốm. Những tu sĩ này có khả năng trong mọi ngành nghề: họ chữa lành bệnh nhân và yên ủi kẻ hấp hối, họ dạy dỗ trẻ em và chôn cất người chết, họ phạt kẻ phạm pháp và bênh vực người bị áp bức chống mọi thứ bóc lột. Trong một thời gian ngắn, họ thay thế các cựu lãnh tụ của xã hội ngoại giáo. Họ thành lập một địa hạt công giáo với trung tâm tôn giáo là đền Ðức Trinh Nữ ở Guadeloupe. Thế nhưng cũng xẩy ra tranh chấp giữa linh mục triều và linh mục dòng để rồi mấy thập niên sau, dưới quyền cai trị của bọn thực dân, trở thành tê liệt một phần nào.
Việc truyền giáo ở Nam Mỹ cũng gắn liền với cuộc xâm chiếm: các thừa sai theo vết chân kẻ xâm lược. Nhưng kết quả không hiển nhiên như ở Mexique. Ở đây có một dân tộc văn minh mà người ta có thể đưa vào Ðức Tin chân chính, còn ở Nam Mỹ là những bộ lạc Indiens ít nhiều du mục và có tính tình thay đổi, phải bắt đầu tập cho họ biết định cư, theo pháp chế và lề thói, biết lao động làm ăn. Hơn nữa, đám thực dân người Âu mạnh hơn, dân Indiens thì man rợ và cướp phá chống bọn xâm lược thực dân, cho nên hay xẩy ra nhiều cuộc nổi loạn và tàn phá. Cuối cùng Giáo Hội truyền giáo có nhiều hình thức hoạt động làm chúng ta sửng sốt: trường đại học Ðaminh ở Lima (1553) Pérou trong cựu vương quốc của người Incas cho tới các thôn xã thừa sai ở Equateur và Paraguay ở đây dân Indiens nhất luật được đào tạo làm việc lao động chân tay và đồng thời ở riêng để tránh ảnh hưởng xấu của bọn thực dân.
IV. BARTHÉLÉMY DE LAS CASAS.
Khi người ta tập họp những người bản xứ lại, đặc biệt săn sóc họ, trong các thành phố của tu viện Mexique hay trong các trại hẹp Gran Chaco ở Paraguay, thì đều đụng phải sự phản kháng, chống đối của bọn thực dân và những chủ ông Âu Châu. Họ cần đến người Indiens vì họ không đủ súc vật chở đồ, kéo xe, họ cần có nhân công rẻ tiền và không phải trả công. Hơn thế nữa, theo một số nhà thần học, đó là những người lương dân không có quyền tham dự vào sinh hoạt cộng đồng Kitô giáo. Vì thế ở Mexique đã hình thành một hạng nô lệ mới sẽ thoát khỏi tay bọn thực dân người Âu Châu, nếu để cho các thừa sai hành động.
Cuộc tranh đấu sắp được tổ chức để bênh vực những Kitô hữu tân tòng, sẽ trở thành một cuộc tranh đấu để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản, để tôn trọng những quyền phổ quát của con người nơi dân Indiens. Ðây là một trong những công lao to lớn của Giáo Hội, tranh đấu để bảo tồn nguyên tắc bình đẳng giữa các chủng tộc, thực ra đã muộn, nhưng không có võ lực bên ngoài và chỉ với đường lối giáo huấn, với sức phản kháng và sự dấn thân của các giám mục và linh mục. Biện hộ cho nhân quyền, tiên phong bảo vệ tự do cho người Indiens, mặc dầu có phản kháng mãnh liệt ngay trong Giáo Hội, đó là sự nghiệp của tu sĩ Ðaminh Barthélémy De Las Casas.
Liên hệ giữa người Indiens và những chủ ông người Âu đã được pháp luật ấn định trên nguyên tắc gọi là encomienda. Hết các người Tây Ban Nha đã có công đặc biệt trong Tân Thế Giới, thì được quyền bắt người Indiens phải đóng thuế và góp công, ngoài việc phụ thuộc vào họ cho đến mãn đời; để bù đắp, họ phải chăm lo hạnh phúc tinh thần và vật chất cho những người này. Trong thực tế hàng ngày, qui tắc này không có nghĩa nào khác mà chỉ là bắt dân Indiens làm việc khổ sai trong các hầm mỏ và đồn điền. Las Casas tới Haiti năm 1502 để làm chủ một encomienda như thế, rồi ông được thụ phong linh mục và sau đó tới giảng cho người bản xứ ở Cuba. Ở Saint Domingue, ông được nghe bài giảng can đảm của một tu sĩ Ðaminh và ông thấy có bất công trong cơ chế này. Ông liền bỏ encomienda. Thế nhưng chỉ có một thiểu số đồng sự theo gương ông. Ông trở về triều đình Tây Ban Nha để lên tiếng bênh vực quyền lợi người Indiens. Vì nhiếp chính Ximénès nhận lời và cho lệnh thành lập một ủy ban điều tra. Với sắc lệnh này, ông trở lại Mexique. Nhưng khi thấy thái độ của ủy ban còn quá nhút nhát thì ông lại trở về Tây Ban Nha và trình bày chính phương án của mình: thay vì những người Indiens như bị kết án tử hình quá sớm trong các hầm mỏ và đồn điền, thì ông đề nghị cho dùng những người nô lệ da đen Châu Phi, lực lượng hơn và là kẻ bại trận trong những trận chiến chính nghĩa. Thời gian đã cho ông biết rằng: những trận chiến kia, trong đó người Bồ Ðào Nha bắt dân man di để biến họ thành nô lệ, thì cũng là những trận chiến bất công. Nhưng công cuộc bình định của người thừa sai và kẻ khai hóa đã đụng phải sự phản kháng của các công chức và thương gia Tây Ban Nha, để được tiếp tục tranh đấu bảo vệ người Indiens, Las Casas gia nhập dòng Ðaminh. Ông viết bài cương quyết chống việc gây áp lực trong truyền giáo và yêu cầu chỉ dùng con đường thuyết phục và tự nguyện tin theo mà thôi. Nhờ những bản báo cáo gởi về hội nghị, trong đó ông đặc biệt coi bổn phận truyền giáo như mục tiêu chính yếu của người Tây Ban Nha có mặt trong Tân Thế Giới, mà kết quả là Charles Quint công bố pháp luật mới (1542) cấm chính sách nô lệ, thiết lập bình đẳng giữa người bản xứ và người Tây Ban Nha trong chế độ thuế má và đòi phải bãi bỏ encomienda. Las Casas khi được thụ phong giám mục Chiapas ở Mexique, ông nhất quyết cho thi hành những luật mới đó, nhưng bọn thực dân Tây Ban Nha nổi loạn chống đối. Ông phải trở về Tây Ban Nha và sau một buổi đàm luận lịch sử với Charles Quint, hội đồng cho ông trắng án. Ông nhường tòa giám mục và ở lại Tây Ban Nha làm cố vấn trong triều và bảo vệ người Indiens. Ông viết cuốn Tường trình vắn tắt về cuộc tiêu diệt người Indiens, chủ ý để cho nhà vua không còn có ý định xâm chiếm những đất đai mới ở Tân Thế Giới. Không ngờ tường trình này đã góp phần vào tờ ”Hắc thư” chống Tây Ban Nha. Năm 82 tuổi, Las Casas còn ra mắt Philipe II để bênh vực quyền lợi người bản xứ. Là nhà nhân bản thực thụ, ông công nhận giá trị các văn hóa và văn minh ngoại lai và đòi phải thích nghi các phương pháp truyền giáo vào những văn minh ấy. Không phải ông chỉ có những thù địch là lòng ích kỷ và tham lam của bọn thực dân, mà cả những lý thuyết gia muốn suy nghĩ về những vấn đề chớm nở do những việc khám phá ra đất Mỹ này: Họ dựa vào quan điểm trường phái Aristote-kinh-điển để lập luận. Ðể dẹp tiếng nói lương tâm, họ phải chính nghĩa hóa cuộc chiến tranh của họ chống người bản xứ. Người Indiens là ai? Là lương dân hay người bỏ đạo? Những người có lý trí hay những người man di khấm khá hơn mà thôi, nghĩa là những người trung gian giữa con người và loài vật? Những dân rợ mọi phải qui thuận người Tây Ban Nha văn minh, để được đưa vào đạo Kitô và có được những tâm tình tốt đẹp hơn? Họ có thể học cách sống như những công nhân kitô giáo Tây Ban Nha? Người ta có quyền dấy binh chống kẻ vô tín ngưỡng, chỉ vì họ là những người không tín ngưỡng? Người kitô hữu có quyền chinh phạt lương dân nếu họ phạm một lỗi chống luật tự nhiên? Ðó là những câu hỏi và còn nhiều câu khác tương tự bắt các nhà thần học và luật học ở Tây Ban Nha và ở những nơi khác phải suy nghĩ. Rất điềm tĩnh, trong sách vở và tranh luận, Las Casas công bố bình đẳng hoàn toàn của người Indiens với người thuộc chủng tộc khác, khả năng Kitô giáo hóa bằng nhũng phương pháp hòa bình; ông đòi phải có một sự khai hóa hòa bình cho Tân Thế Giới và ngăn chặn chiến tranh tại Mỹ. Ở đây, ông xuất hiện như một đồ đệ trung thành của hồng y Cajetan, năm 1517 đã là người tiên khởi quả quyết rằng: lương dân các miền mới khám phá ra, trên pháp lý cũng như trong thực tế, không thể bị lệ thuộc vào các ông hoàng Kitô giáo. Những vị này, trong phương pháp truyền giáo, phải tuân theo nguyên tắc này: ”không có vua nào, hoàng đế nào, kể cả giáo hoàng Roma, được quyền giao chiến với lương dân” (3). Lương tâm của nước Tây Ban Nha Kitô giáo đã thức dậy nơi Las Casas. Nhờ ông mà trong các sắc lệnh nhà vua ban bố năm 1574, tuyệt nhiên không còn quan niệm xâm chiếm. Las Casas không phải là người độc nhất. Ít ra không thực hành, các thừa sai vẫn coi người bản xứ như những người có đầy đủ quyền lợi, có khả năng bước vào Kitô giáo. Thế nhưng cũng còn có cơ hội và trong một thời gian ngắn ở Mexique, người ta ngần ngại không cho dân Indiens chầu Mình Thánh Chúa và có một hội đồng nhóm họp ở Mexique năm 1555, người ta dám cấm không cho người Indiens chịu các chức thánh. Những tu sĩ Phanxicô tiên khởi đến xứ này, họ đã nghĩ khác cơ mà!
V. CHẾ ÐỘ CỐ CHỦ CỦA TRIỀU ÐÌNH.
Giáo triều Roma ngay từ ban đầu đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và nỗ lực truyền giáo cần thực hiện sau những hành trình táo bạo và những cuộc khám phá, lên đường từ Palos, từ Cadix hay từ cửa sông Tage. Dưới nhiều hình thức, nhiều dịp, Giáo triều Roma đã ban lời khuyến khích công việc truyền giáo. Thực ra, trước cả Tây Ban Nha, đã có nước khác ở bán đảo Ibérie: đó là Bồ Ðào Nha, từ Henri nhà hàng hải (1-460) người ta cũng đã tổ chức đi viễn chinh và tìm được kẻ đồng minh để tuyên chiến chống người Hồi ở Maroc. Tàu người Bồ đã chạm tới mũi phía Nam Phi Châu và từ Zanzibar đã đạt tới bờ biển Tây Ấn Ðộ. Nước Brésil được khám phá ra vào năm 1500 và mười năm sau Goa bị chiếm đóng, trên bờ biển Ấn Ðộ. Cũng ngay từ buổi đầu, ý tưởng truyền bá Phúc Âm gắn liền với công cuộc viễn chinh. Giáo Hội lại một lần có mặt trong những địa hạt mới tìm ra, nơi bản thân những thành phần của hội dòng Ðức Kitô mà đứng đầu là Henri người Hàng Hải. Thời xưa, các giáo hoàng đã cho hội dòng này một mục tiêu là đẩy lui Hồi Giáo và Ngoại Giáo để tuyên dương thập giá Ðức Kitô. Khi Henri còn sống thì đức Calixte III đã còn cho đại viện trưởng của dòng Ðức Kitô hết các quyền thiêng liêng trên khắp các địa hạt hải ngoại, hiện tại và tương lai của Bồ. Nhưng khi nhà vua nhậm chức đại viện trưởng, thì đồng thời ông cũng nắm quyền cố chủ đó, tức quyền liêng thiêng trên các thuộc địa. Thế là ông bắt tay vào việc thiết lập các tòa giám mục và các chủng viện, thánh đường và giáo xứ đảm nhận việc sai phái và bảo dưỡng các thừa sai. Những đóng góp của nhà vua, nghĩa là của hội dòng Ðức Kitô, thì rất lớn lao. Cứ xem nhà thờ được trang trí lộng lẫy thì biết các vua này rất nghiêm chỉnh làm tròn nhiệm vụ, nhưng họ cũng rút được tất cả mọi loại đặc ân: chọn và phái các thừa sai, bổ nhiệm các giám mục, định ranh giới các tòa giám mục, tòa án Giáo Hội, tất cả một lô các đặc ân vượt ra ngoài quyền thông thường của chế độ cố chủ. Như vậy là người ta đã trao cho nhà vua được lấy danh giáo hoàng mà truyền bá Phúc Âm và cai trị Giáo Hội trong hết các địa hạt hải ngoại. Nhân danh nhà vua mà các thừa sai rảo khắp xứ Congo và cho thiết lập ở đó một nước Kitô giáo tiên khởi, theo lệnh nhà vua mà hai tu sĩ Phanxicô năm 1503 đã tới Brésil mới được khám phá; nhân danh là phái viên của nhà vua mà Phanxicô Xaviê cập bến Goa, tòa giám mục của thuộc địa miền Ðông nước Bồ, mới được thành lập mấy năm trước đây; khi Tây Ban Nha cũng thừa nhận mình là một quốc gia hàng hải và đi xâm chiếm, thì các giáo hoàng hoàn toàn tôn trọng sự trung lập của mình và ban cho các hoàng đế công giáo được các quyền lợi và đặc ân đã ban cho vua Bồ Ðào Nha. Từ năm 1501, 10% người Indiens được trao cho họ nhưng một sắc lệnh năm 1508 lại ban cho họ hết các quyền cố chủ, quyền được đề bạt các lợi nhuận mà các tu viện trong mọi tòa giám mục hiện có hay sẽ có, kể cả quyền định đoạt và sửa đổi ranh giới các địa phận. Ðức Adrien VI còn cho người cựu học sinh của mình là Charles Quint biết rằng: quyền phái các thừa sai do các bề trên thuộc giáo phẩm của họ thì được coi như một ”sứ mệnh thuộc giáo luật”. Vì thế mà nhà vua Tây Ban Nha theo một cách thức nào đó, cũng đã trở thành người đi truyền bá đức tin, với quyền và bổn phận quyết định, sai phái và bảo dưỡng các thừa sai, kể cả khi trái ý bề trên họ, trong trường hợp những vị sau này vì lơ là chểnh mảng đã không đặt người nào để các thừa sai xử dụng. Như vậy, theo xác tín của nhiều thừa sai và luật gia, vua Tây Ban Nha nắm quyền đại diện đích thực của Giáo Hội trong nước mình và Mỹ Châu, quyền đại diện dựa vào sứ mệnh thừa sai do giáo hoàng giao phó cho họ. Nhưng Tòa Thánh vẫn luôn luôn chối những quan niệm như thế và tới thế kỷ XVII thì đã lên án một bài viết về quyền truyền giáo của nhà nước.