CHƯƠNG XLII
TÌNH HÌNH TÔN GIÁO
THẾ KỶ XV.
CHƯƠNG XLII
TÌNH HÌNH TÔN GIÁO
THẾ KỶ XV.
Việc bầu giáo hoàng Martin V năm 1417 đánh dấu giai đoạn kết thúc thời đại công đồng trị. Các người đồng thời nhận thấy hầu như tức khắc sự việc này. Ðúng một thế kỷ sau, Martin Luther niêm yết (ít ra ông đã làm thật) các luận đề của ông trên cửa nhà thờ lâu dài Wittenberg. Các biến cố và hoàn cảnh đã dẫn ông tới cách mạng tôn giáo thế kỷ XVI sẽ được kể lại trong cuốn III. Nhưng chúng ta cần phải bàn giải ở đây về chất lượng sinh hoạt tôn giáo trong tiền bán thế kỷ XV.
Thế kỷ XIV chứng kiến hai biến cố lớn: nhiều nước Âu châu trở thành ”quốc gia” như chúng ta thấy ngày nay; sự kiện này làm tan vỡ latinh tính, (latinitas) mà quan niệm cổ xưa coi là ”sự duy nhất của nền văn hóa”. Cũng vậy, trên bình diện tôn giáo, sự khác biệt giữa Trung âu và Tây âu trong suốt thế kỷ XIV đã thành rõ nét vào đầu thế kỷ XV. Không thể trình bày tổng quát hết các hình thái sống đạo và tâm tình tôn giáo chung cho mọi miền thuộc Kitô giáo. Một đàng, Bôhême, đơn vị chủng tộc địa phương thứ nhất đã dùng võ lực để tách rời khỏi Giáo Hội Tây phương. Ðó là dấu hiệu quá rõ rệt báo trước nhiều biến cố sẽ xảy ra. Thật thế, những vấn đề chính trị và tinh thần quốc gia trở nên rất quan trọng tại Bohême. Thậm chí có khuynh hướng quá khích mà phần lớn do Wyclif phát động. Khuynh hướng quá khích này có ngay trong giáo thuyết của Wyclif và còn mài dũa cho sắc bén hơn những chỉ trích vốn có nơi những lạc giáo ở Lombardie và Savoie, từ thế kỷ XII. Cuộc nổi loạn của Bohême đã rơi vào tình trạng vô phương cứu vãn. Cho dầu tình trạng này chưa được các nhà ái quốc và thù địch của họ am hiểu hoàn toàn ngay tức khắc. Ở mút đầu Châu âu, người ta phải nói tới bán đảo Ibêri, hoa nở muộn của mùa đẹp văn hóa Trung Cổ. Nó sẽ bước vào thời đại hoàng kim của mình và trong cuộc khủng hoảng thế kỷ XVI, nó sẽ trở thành quê hương của các vị thánh, các tư tưởng gia và các nhà lãnh đạo, trở thành một đồn lũy và một mũi nhọn của phong trào Phản Cải Cách. Giữa hai thái cực này (Bohême và Ibêri), lại có những miền chính yếu khác của Châu âu. Nước Ý có nhiều thiên tài, nhiều óc sáng tạo, nhiều nhà trí thức và nghệ thuật hơn các nước khác. Với nền nhân bản hướng về ngoại giáo, trong bầu khí nặng chĩu những nết xấu và tội ác chính trị, dân tộc Ý vẫn còn có trước mắt những gương thánh thiện và khắc kỷ lớn lao. Thực ra dân tộc Ý ít thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hơn nhiều miền khác của Châu âu. Ða số các giám mục không có trú sở là ở Ý. Nhưng Ý cũng là nước gắn bó với đạo Công giáo hơn cả, có lớp bình dân vô sản như dân miền Naples và Calabre, có giới giầu sang, thượng lưu như trong giáo phủ Roma.
Hòa Lan, như chúng ta đã thấy, là địa trường phát hiện trào lưu ”tôn sùng hiện đại” (devotio moderna). Với nhiều thành phố và giai cấp tiểu tư sản đang phát triển mạnh, Hòa Lan là nước xuất phát đủ mọi hiện tượng của thời đại, đạo cũng như đời. Nhiều nhà dòng Béguines dành cho người nam hay người nữ đã đạt tới những trình độ đạo đức khác nhau, từ chính thống nghiêm chỉnh tới lạc giáo đích thực; những cuộc rước kiệu, nhiều khi phản ảnh những lợi ích chính trị hơn là tôn giáo, hoặc phô diễn một hình thức đạo đức lố lăng, như những người sám hối và đánh tội, những tuân thủ công dân hay phường hội. Mãi gần đây, các nhà viết sử hay các nhà xã hội học mới quan tâm đến những hiện tượng đó. Bầu khí bệnh hoạn và phát sốt ấy, có ở Hòa Lan và nhiều nơi khác, đã làm cho người ta coi thời đại này là thời đại ”Trung Cổ suy tàn”. Nghĩ như vậy là sai. Người ta cũng nhấn mạnh rằng, nói chung trong thời đó, không có một Ðức Tin Kitô giáo đơn sơ và nghiêm chỉnh. Thế mà những khảo cứu mới đây lại cho thấy là có. Ít lâu trước, ở Anh, đã có bà đạo đức Margery Kempe de King's Lynn (vào khoảng 1373 tới khoảng 1440), là người phụ nữ đã đi chu du nhiều nơi, nhưng tính tình không quân bình lắm. Bà có những nét độc đáo như người đạo đức ở Hòa Lan. Nhưng đọc tiểu sử của bà, chúng ta thấy bà có một nền đạo đức cổ truyền, ham nghe lời giáo huấn, quan tâm tìm kiếm một linh hướng thiêng liêng sáng suốt. Trong số những người đồng thời và cao niên hơn bà Margery, có bà Julienne de Norwich (1342-1416) sống đơn sơ và dịu dàng. Trong những cuộc hành hương, trong việc tôn sùng bình dân đối với Thánh Danh và Máu Thánh, đối với những chi tiết về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, rồi trong những bài giảng của nhà duy danh nổi tiếng Gabriel Biel (1410-1495), chúng ta thấy những yếu tố tách biệt thần học suy lý và sinh hoạt đạo đức: một bên tinh vi và khô khan, một bên sùng mộ và tình cảm. Những yếu tố ấy đã mở đường cho phong trào Cải Cách Luther.
Nước Ðức còn hơn các nước khác, có nhiều tệ lạm cũ và mới của phong kiến và chuyên chế giáo triều. Lòng đạo đức còn sâu xa trong nhiều miền và thành phố. Nước Pháp bị tàn phá và khổ sở vì chiến tranh trăm năm. Giáo Hội Pháp còn mang những vết thương về lộc thánh, về hệ thống bảo chứng và bị nhà vua kiểm soát còn hơn các Giáo Hội khác. Thế nhưng đã được hồi sinh toàn quốc, kể cả mặt tôn giáo. Bị cô lập khỏi nước Pháp vì cuộc ly khai và chiến tranh, bị chia rẽ bởi các ông chúa trùm quây quanh nhà vua, nước Anh đã trải qua một thế kỷ đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của Giáo Hội. Sau khi Henri V tạ thế, Giáo Hội mất hết quyền thiêng liêng và trí thức. Ecosse là một nước bé nhỏ, sinh hoạt tôn giáo cũng bị nhem nhuốc bởi tất cả những tệ lạm và tai biến của thời đại. Thế nhưng Ecosse sẽ đóng một vai trò nào đó trong những năm tới.
Thời đại này đã hưởng được những gì của thế kỷ XIV ? Mọi người đều đồng ý về sự suy thoái trầm trọng về quyền bính và thế giá của giáo triều. Thái độ của các giáo hoàng thuộc các đảng phái đã làm phát sinh thể chế ”công đồng trị”, thoát thai từ những tranh luận ở đại học đường, để rồi biểu thị trong phạm vi chính trị. Ðiều đặc biệt là giáo triều đã có thể sống sót sau bốn chục năm trong tình trạng hỗn loạn quá mức, rồi đã vượt qua không những với một sức mạnh nguyên tuyền, mà còn đủ khả năng giập tắc những ngọn lửa cuối cùng của phe công đồng trị. Thế rồi Giáo triều lại bước vào một thời đại vướng víu sâu đậm trên mình những hoạt động chính trị của Ý. Giáo triều xuất sắc hơn người, với đường lối chính trị ngoắt nghéo của mình, rộng rãi đối với các nghệ thuật và đời sống xa hoa. Giáo triều không còn đảm nhận tất cả quyền thiêng liêng nghiêm chỉnh trên Giáo Hội và và mất đi nhiều tín nhiệm đối với giáo dân. Người ta phải hiểu đó là khung cảnh sinh hoạt tôn giáo của thể kỷ: một giáo triều thiên về phần đời chỉ chuyên chú theo dõi chính trị Ý, và có một đời sống đế vương, lộng lẫy, chói lọi, và nhiều gương xấu.
Về mặt tư tưởng, thế kỷ XV chịu ảnh hưởng của cái mà lâu nay người ta gọi là đường lối tân tiến (via moderna), quan niệm mới về vũ trụ, nghĩa là trào lưu trễ hướng do Occam và phái duy danh đề xướng. Ðắc thắng ở Paris và Oxford giữa 1300 và 1350, trào lưu này suốt hậu bán thế kỷ XIV, đã tràn tới hầu hết các đại học đường. Nó đã trở thành hình thức trổi nhất của lý luận thần học. Chỉ có những vùng ranh giới Ðông và Tây là biết ít hơn về thuyết duy danh: xứ Bohême bị xáo động bởi thuyết của Wyclif còn Tây Ban Nha nhất mực theo thánh Thomas và Duns Scott. Suốt một thế kỷ rưỡi, Paris là nơi Occam bắt đầu hoạt động, còn lưỡng lự giữa thuyết duy danh và thuyết duy thực. Nhưng những thời đại hiển trị của thuyết duy thực do Duns Scott khai sinh, thì quá ngắn ngủi. Phái duy thực làm chủ địa trường vào cuối thế kỷ XV. Oxford đặc biệt theo thuyết duy danh, mặc dầu có mấy người theo thuyết duy thực. Ở Trung Âu, Vienne và Erfurt theo thuyết duy danh. Trừ đại học Cologne mới thành lập, trong hết các trường đại học khác ở Ðức và Áo, thuyết duy danh được trọng đãi hay ít ra được tiêu biểu hơn. Chịu ảnh hưởng của Wyclif, Prague theo duy thực, nhưng một thứ duy thực không thể nào phổ biến đến nơi khác được. Ngay cả ở Tây Ban Nha, sau 1500, Salamanque có ba trường: trường thứ nhất do phái Thomiste điều hành, trường thứ hai theo Duns Scott và trường thứ ba do một người theo thuyết duy danh điều khiển.
Thuyết duy danh không còn là (nếu chưa bao giờ) một dụng cụ của thuyết bất khả tri nữa. Nhưng nó tiếp tục làm cho thần học thành một thứ tập luyện biện chứng có ít liên hệ với truyền thống. Nhiều vị tiến sĩ trứ danh của thời ấy, như Gabriel Biel, đều có một bản vị hai mặt: một mặt, các nhà thần học khắt khe suy luận trong những phạm trù của thuyết duy danh vào giai đoạn sau; nhưng mặt khác, các nhà giảng thuyết đạo hạnh tiêu biểu cho nền đạo đức chung của thời đại và nhiều khi dưới một hình thức rất mực tiến bộ. Phái Thomisme và các đồ đệ của Duns Scott thường cũng chấp nhận quan điểm của thuyết duy danh. Như vậy là họ tự trói mình vào những cuộc tranh luận kỹ thuật khô khan, không có liên hệ tới đời sống Kitô giáo. Có mặt khắp nơi, thuyết duy danh làm nản lòng hết các nỗ lực để đạt tới sự hiểu biết về mặt trí tuệ, vững chãi và đích thực về Thiên Chúa. Nó khai trừ khỏi linh hồn con người hết mọi khuynh hướng hay khả năng Thiên Chúa ban cho (ơn thánh hóa của các thần học gia), coi tất cả những điều đó như những giả thuyết không cần thiết. Hơn nữa, những phân biệt này hầu như luôn luôn đưa tới việc khước từ ân sủng được coi như sự giúp đỡ hay khuynh hướng siêu nhiên. Bradwardine đã không lầm khi ông cảm thấy mùi của thuyết Pélage trong thuyết duy danh. Ðối thủ độc nhất của thuyết duy danh là thuyết Averroisme xuất hiện trong một số đại học đường ở Bắc Ý, nhất là ở Padoue. Ðó là một quan niệm duy vật và định mệnh trong triết học Ả Rập, được thể hiện mạnh mẽ trong các phân khoa y dược.
Còn những sở trường mới về trí thức, dần dần xuất hiện trong môi trường giáo dân chứ không phải trong các đại học đường. Ðó là thuyết nhân bản theo nghĩa rộng, nghĩa là sự cảm phục bút pháp hoàn hảo, sùng bái văn chương và văn hóa cổ điển, sở trường lấy từ cá nhân. Tất cà là những cách thức tách mình ra khỏi thần học khô khan của thời đại. Thuyết nhân bản khởi thảo một triết học riêng biệt ở Ý, trong một giai đoạn ngắn. Nhưng đây là một tư tưởng khác với thuyết duy danh. Thuyết này tự coi mình là thuyết Aristote chính cống, nhưng thực ra đã phá hủy triết học Aristote cổ truyền, là thuyết dùng trừu tượng để đi từ cảm giác cụ thể tới những phân tích và những suy diễn tinh tế hơn. Một thế kỷ trước, trên bình diện siêu hình, thuyết Aristote đã thắng những tàn dư của thuyết tân-Platon. Sau khi đã được các triết gia Ả Rập và Do Thái đón nhận, thuyết này còn hiện hữu qua nhiều thế kỷ, kể từ thánh Augustin. Nhưng từ nay việc học tiếng hy lạp đã tràn qua Ý, và lần đầu tiên, người ta đã đọc các bản văn chính cống của Platon và của Plotin. Người ta thử trình bày Kitô giáo trong ngôn ngữ tân-Platon cổ truyền (qua ngụy-Denys và Eckhart) hay trong ngôn ngữ thuyết Platon chính cống mà người ta đã khám phá ra. Nicolas de Cues hay de Cuse, tổng giám mục Brixen, là một khuôn mặt điển hình khó có thể có ở một thời đại nào khác. Là nhà cải cách hữu hiệu, nhà cai trị nổi bật, là học giả và nhân bản gia, tổng giám mục và hồng y, có nhiều bổng lộc và tranh luận sắc bén, ông còn là một nhà tân-Platon khôn khéo, ít có cảm tình với những phái độc đoán hay với những khẳng định về ơn bí tích dựa vào truyền thống. Ông có khuynh hướng chuyển dịch tín lý Kitô giáo ra ngôn ngữ tân-Platon.
Trào lưu thứ hai thuộc phái Platon tinh tuyền, được coi như thành quả của việc đưa những đối thoại lớn của Platon vào nước Ý, những đối thoại mà Trung Cổ chưa biết đến. Phái này có hai người chuyên môn tài ba: Marsile Ficin (1433-1491) người miền Toscan và Jean Pic de la Mirandole (1433-1494). Ficin là một giáo sĩ và một kitô hữu xác tín, ông đã xây dựng một hệ thống lấy từ Platon và Plotin, một thứ diễn đạt đơn giản về Kitô giáo với những từ ngữ triết học hơn là tôn giáo. Pic de la Mirandole là một người quý tộc trẻ tuổi, đồ đệ của Ficin. Ông không khôn ngoan bằng thày mình. Bên cạnh Platon, ông còn sử dụng những lý thuyết của các huyền nhiệm gia, các thày Ả rập và Do thái. Ông hoàn toàn phi bác chính thống, nửa ngoại giáo, nửa theo Wyclif. Ông chối sự biến thể trong phép Thánh Thể và chối án phạt đời đời. Ông bỏ trốn đi để tránh án phạt của giáo triều. Những năm cuối đời, ông tỏ lòng sám hối nhưng không bao giờ phản cung. Ở Florence, một nhóm nhỏ tiếp tục trường phái tân-Platon đó, nhưng không gây được ảnh hưởng nào.
Nước Ý của Ficin và của Pic de la Mirandole cũng là nước của những Borgia và Savonarole, nước Ý của bốn trăm (Quattrocento) với nhiều vĩ nhân nhưng cũng với nhiều người hung dữ. Cần lưu ý đến con số các vị thánh người Ý sống ở thời đại này để không vơ đũa cả nắm mà tố cáo nước Ý là vô đạo. Thí dụ, có hai đại tổng giám mục quý phái, thánh Antonin de Florence dòng Ðaminh (mất 1459) và thánh Laurent Giustiniani de Venise (?-1455). Có hai thánh nữ huyền nhiệm, Catherine de Bologne (mất năm 1463) thuộc quý tộc, nghệ sĩ trang trí sách báo và Catherine de Gênes (mất năm 1510), con gái phó vương Naples và là một nhân vật xuất chúng và có thể nói là tân tiến và tiên tri. Có ba tu sĩ Phanxicô ngành giữ luật, là Bernadin de Sienne (mất năm 1449), Jacques de la Marche (mất năm 1476) và Jean Capistran (mất năm 1456). Vị này đã cứu Hung Gia Lợi thoát nạn xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ khi điều khiển đạo quân giải vây cho Belgrade. Còn có thánh nữ Francoise (mất năm 1440), sống gia đình, được tôn sùng như vị thánh dưới mỹ danh Francoise Romaine. Có Francois de Paule (mất năm 1506) nhà khổ tu nhiệm nhặt đã được gọi về Pháp do lệnh khẩn trương của Louis XI. Cũng còn có hai thánh nữ người Pháp không dễ liệt vào loại thông thường nào: Jeanne d'Arc hiển thánh năm 1920 và Jeanne, con gái Louis XI, hiển thánh năm 1950. Nước Ý của thế kỷ XV thấy phát sinh ba dòng tu mới rất khổ hạnh, dòng Phanxicô giữ luật, dòng Phanxicô hèn mọn (dòng thánh Francois de Paule) và dòng Carmelites rất nổi tiếng một trăm năm sau. Chúng ta thấy rõ ràng nước Ý có những cực đoan khắc khổ và sa đọa, thánh thiện và trần tục. Trong đám xô bồ chói lọi các nghệ sĩ, thi sĩ và nhân bản gia, Savonarole là người độc nhất loan báo một trào lưu cải cách. Cải cách của ông thuộc mẫu Trung Cổ. Cũng như Ficin và Pic de la Mirandole, khi kêu gọi trở về với đạo lý cổ truyền và đạo lý Ðông phương, cả hai theo truyền thống thuộc phe dị giáo Trung Cổ như Jean Scot Erigène và Siger de Brabant đã theo.
Ở miền Bắc Tây âu, một trào lưu tôn giáo rất khác đã phát triển vào tiền bán thế kỷ. Nó bắt nguồn trước tiên từ dòng các anh em sống chung, tại Deventer, trong miền trung tâm nước Hòa Lan ngày nay, vào cuối thế kỷ XIV, và trong tu hội các kinh sĩ Augustin ở Windeshein, tu hội này xuất tích từ các anh em sống chung. Hai tổ chức này thành hình là nhờ ảnh hưởng của Ruysbroeck, huyền nhiệm gia Flamand và các tu sĩ Chartreux Flamands. Nhưng họ có khuynh hướng ”hoạt động” hơn là ”chiêm ngưỡng”. Họ mở rộng dòng bằng việc thiết lập cộng đoàn ở những nơi có nhiều trường học và bệnh viện. Có thể nói đặc điểm của họ là theo thuyết Occam khổ hạnh, qui tụ đời sống Kitô giáo vào những điểm chính yếu. Các việc sám hối, nghi lễ và kinh kệ phụng vụ, những phiền toái của nghi thức và ca hát, là những việc thường xuyên nơi các dòng tu cổ truyền, tất cả đều bị bãi bỏ. Họ bỏ khoa thần học kỹ thuật chuyên môn, kể cả chức cao cấp và đặc ân. Mục tiêu chính là đời sống cộng đồng đơn giản, chuyên chú lao động và kinh hạt. Tinh thần đạo đức thực hiện theo lối sống này được gọi là tinh thần đạo đức tân thời (devotio moderna). Tinh thần này đã lan tràn khắp vùng Tây Bắc Âu Châu. Với tinh thần đạo đức tân thời, chúng ta thấy một sáng kiến mới hay ít ra, một dấu hiệu loan báo cải cách hơn là một triệu chứng các nhu cầu của thời đại mới. Cộng đồng sống chung là một kiểu mẫu trung dung, nằm giữa cộng đồng huynh đệ thời Trung Cổ và cộng đồng của phái thanh giáo hay ”quaker” vào thế kỷ XVI và XVII. Trào lưu này hoàn toàn chính thống về mặt thần học và luân lý. Thế nhưng có thể nói nó tiêu biểu cho cánh tả của đài bán nguyệt mà cánh hữu là chỗ dành cho chế độ quân chủ dòng Cluny và siêu hình học do Duns Scott đề xướng. Ðó là một đạo công giáo được đơn giản hóa nhất. Một tác phẩm được coi là di sản văn chương quan trọng nhất mà tinh thần đạo đức tân thời đã để lại cho hậu thế, là cuốn Gương Chúa Giêsu (Sách gương phúc). Cho đến thế kỷ XVII, XVIII và cả ngày nay, cuốn sách này vẫn được coi là một cuốn cổ điển thời danh về đạo đức thiêng liêng, nơi người Công giáo cũng như nơi người Tin lành. Các anh em sống chung có đặc điểm là giữ một nền đạo đức đơn giản, cảm tình, quy hướng về Thiên Chúa làm người, nhấn mạnh tới cuộc Thương Khó và Cây Thập Giá. Họ là những nhà sư phạm lỗi lạc. Họ mượn ở thuyết nhân bản Ý những phương pháp giáo huấn và những sách giáo khoa về ngữ pháp, nhưng bỏ đi nét thẩm mỹ học và cảm giác tính của nó. Erasme là một người lỗi lạc nhất trong số nhiều các học giả đã được đào tạo bởi các anh em sống chung. Triết lý Kitô giáo của ông là một chi nhánh nổi bật về lòng đạo đức tân thời, ngay cả khi Erasme tỏ ra say mê văn chương và cả khi ông công khai xa rời thần học và quan niệm cổ truyền về ơn thánh hóa.
Gần sát với lòng đạo đức tân thời, có tinh thần canh tân dòng Chartreux. Nhiều tác giả thiêng liêng đã xuất thân từ dòng này: Ludolphe de Saxe, tác giả một cuốn sách nguyện ngắm rất phổ thông ấn hành vào cuối thế kỷ XIV, cuốn Cuộc đời Ðức Kitô, Denys le Chartreux, tác giả huyền nhiệm, viết khá nhiều. Hai vị này danh tiếng nhất trong những nhà huyền nhiệm không trí thức, nhưng chuyên về nguyện gẫm và làm các việc đạo đức. Họ rất gần với tinh thần của Windesheim vì có chung tinh thần ưa thích sự thanh lặng, đơn sơ, tránh nghi lễ rườm rà. Thế nhưng họ giữ nguyên tuyền sự khắc khổ và lòng sám hối.
Ðối lập với đạo đức tân thời, có những trào lưu cách mạng hay ít ra tiểu cách mạng, về tâm tình tôn giáo. Khi tìm hiểu các nguyên nhân của phong trào Cải Cách, nhiều sử gia chỉ tìm kiếm những lý do làm phát sinh dị ứng hay bực bội, mà sao nhãng không để ý tới những động cơ nội tâm và thiêng liêng. Có lẽ chúng ta nắm được ở đây những đề tài chủ yếu của lịch sử Âu Châu hiện đại, chưa bao giờ được nắm bắt hoàn toàn. Rất ít người Công giáo Roma hiểu được rằng người ta mong muốn một cái gì hơn là việc thanh lọc Giáo Hội. Các Kitô hữu không Công giáo luôn tỏ lòng biết ơn tinh thần giải phóng của công trình Cải Cách. Chúng ta phải công nhận rằng một trong những nhu cầu lớn cảm thấy ở thời đại, nhất là nơi giáo dân có học thức tại các thành phố, là một hành động tự bản thân, một thực hiện của chính mình trong phạm vi tôn giáo. Nhu cầu này đã được thỏa mãn nhờ vào những hoạt động cá nhân và tập thể do các nhà Cải Cách đưa ra, kể cả tinh thần các bài linh thao của thánh Inhaxiô và nền giáo dục mới thể hiện trong các trường của dòng Tên. Hơn nữa, có một ước vọng tìm và bắt chước sự trong sáng được coi như của Giáo Hội nguyên thủy. Ðó là một trong những nguyện vọng sâu sắc nhất của những lãnh tụ tiền Cải Cách. Ước muốn này ngấm ngầm nung nấu một số các trào lưu phẫn nộ đầu tiên ở Âu Châu, như trào lưu Vaudois. Nó đã bùng nổ ra bạch nhật với Wyclif và các đồ đệ của ông. Nhưng trước thế kỷ XV, các nhà Cải Cách không có đểm tựa nào ngoài mấy bản văn và một ý tưởng tượng về hoàng kim thời đại của Giáo Hội. Từ nay, việc khám phá ra một phần của văn chương Kitô giáo nguyên thủy, việc học hỏi bản dịch Tân ước Hy Lạp, phương pháp phê bình của Valla được Erasme thích nghi và cho phổ biến. Tất cả những yếu tố trên đây, đã tạo cơ hội cho việc tìm hiểu Tân ước, hầu có thể trình bày sáng sủa về cuộc đời con người của Ðức Kitô và về lối sống phỏng đoán của các Kitô hữu nguyên thủy, như đã bày tỏ trực tiếp trong các thư của thánh Phaolô, chứ không qua bức màn chắn ngang của phụng vụ và của thần học suy luận. Công việc học hỏi này làm nảy sinh một sức sống mới (như người ta có thể thấy nơi những văn sĩ như Ludolphe de Saxe) cho việc tôn sùng trọng đại hơn, tức là những biến cố trong đời Ðức Kitô. Ðó là giai đoạn đầu của những gì chúng ta gọi là trào lưu Phaolô, quy hướng tâm trí vào khía cạnh luân lý và thiêng liêng trong giáo huấn của thánh Phaolô hơn là khía cạnh thần học thuần túy. Ðó là một phương diện khác của sự trở về Thánh Kinh. Nếu các Phúc âm, và đặc biệt các Phúc âm nhất lãm cho chúng ta thấy Ðức Kitô như một người sống đời trần thế, thì các thư Phaolô cho chúng ta thấy người chú giải Phúc âm cổ xưa nhất và vĩ đại nhất đã hành động như thế nào giữa thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Ở Pháp, Lefèvre d'Etaples (mất năm 1430) là vị tiên tri của nhãn giới mới này; ở Anh, Colet (1467-1514) đã thuyết trình và giảng về thánh Phaolô tại đại học Oxford. Erasme, năm 1500 được 35 tuổi, chủ trương thu tập hết các khuynh hướng riêng biệt của phương Bắc. Hơn những người khác, ông đã được đào tạo về văn chương, kỹ thuật ngữ học và phê bình trong trường các anh em sống chung, ông học hỏi trong các sách vở của Laurent de Valla. Như nhiều người, ông cũng cảm thấy mối ái ngại chung đối với siêu hình học và thần học suy luận. Tâm cảm này phát sinh từ thuyết nhân bản của ông và từ ảnh hưởng của đạo đức tân thời. Từ những nguồn cội đó, ông đã vẽ một bức họa vừa hữu lý vừa có sức thuyết phục của con người Kitô giáo với những đức tính nhân loại cơ bản; ông trình bày thật hấp dẫn lịch sử Phúc âm, trong đó ai cũng là những nhân vật sống động và đúng tầm vóc con người.
Trái ngược với những đặc tính lộng lẫy và nóng sốt của người Ý, dân Anh ở thế kỷ XV không có các vĩ nhân và các nhà tư tưởng lớn. Lý do vì những hứa hẹn của thế kỷ XIV không được thi hành. Không ai biết làm cho sinh hoa kết trái nguồn di sản của các đại thi hào và huyền nhiệm Anh, kể cả những quan niệm triệt để của Wyclif. Thế nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy ở Anh những trào lưu tư tưởng đã lọt qua đường ranh giới của Cải Cách. Trước hết là trào lưu minh giáo của Thomas Netter (mất năm 1430). Netter là một tu sĩ Carme người Anh nhận sứ mệnh bảo vệ Ðức Tin chính thống chống phái Lollard. Bài bình luận thứ nhất của ông đã có hiệu quả đến nỗi giáo hoàng Martin V xin tác giả viết tiếp, rồi thêm phần thứ ba. Netter bỏ bút pháp biện chứng khi viết các luận đề (quaestio), để theo một phương pháp trực tiếp hơn, thuyết trình bằng giải đáp và minh chứng. Sách của ông được tái bản nhiều lần trong thế kỷ XVI và XVII vì là thành phần của kho vũ khí Chống Cải Cách. Ở Ý, cũng trong thời kỳ này, hồng y Turrecremata soạn một cuốn sách về quyền giáo hoàng (De potestate papae). Ðó là một bài minh giáo bênh vực địa vị cổ truyền của giáo hoàng, viết bằng những từ ngữ đắn đo, đã trình bày trước thời gian một cách vẻ vang giáo thuyết về quyền gián tiếp mà sau này Bellarmin cho phổ biến, nghĩa là giáo thuyết chủ trương giáo hoàng không có quyền trực tiếp kiểm tra và can thiệp vào những việc đời, nhưng có quyền gián tiếp xét xử về luân lý tính của mọi hành động thuộc phạm vi chính trị.
Ðó là tình hình tôn giáo của thế kỷ XV: một Giáo Hội bệnh hoạn toàn thân, đầu và tứ chi, khẩn xin một Cải Cách, nhưng không e sợ tai họa như một tai họa sắp sập tới. Trong Giáo Hội này, việc giảng dạy thần học cổ truyền đã tan rã, nhất là dưới ảnh hưởng lý luận pháp của Occam và những hình thức tư tưởng phát sinh từ đó. Thật vậy, lý luận này đã chặn lại sự tiến triển trí tuệ cổ truyền từ lý trí tới Ðức Tin, từ ”thần học tự nhiên” tới mặc khải. Triết học cổ truyền đã bị một nhật thực che khuất. Không một hệ thống tích cực nào thay thế được. Cửa đã mở cho những người dựa vào thuyết Platon hay tân-Platon, sáng tạo ra những triết học mới và cho cả những người ở phe đối lập cực đoan, đã bỏ mọi hình thức thần học kỹ thuật để theo thuyết nhân bản hay theo một Kitô giáo được coi là đơn giản và nguyên thủy. Mặc dầu các người đồng thời không nhận ra, nhưng cơ hội đã xui khiến một người cách mạng tàn nhẫn tuyệt giao với Giáo Hội phẩm trật và kêu gọi ánh sáng nội tâm của cá nhân và Kinh Thánh, từ nay phổ biến cho giáo dân. Nét đặc sắc của thời đại mới này là xác tín thâm sâu vào việc quyến rũ nhiều người theo tôn giáo của Bắc Âu, đó là một niềm tin trực tiếp, quay về Ðức Kitô sống trong Phúc âm, một Ðức Tin cá nhân hướng lên Ðấng Cứu Chuộc. Ðối với những tín hữu như vậy, thì sự tiến triển lịch sử của Kitô giáo, chức linh mục trung gian, các ơn bởi phép bí tích, lời nói của quyền bính, Giáo Hội hữu hình, tất cả không còn một ý nghĩa nào nữa. Ðức Tin không phải là một loạt tín điều ban bố ra. Ðó là sự nhận biết của ý thức và sự chấp nhận ơn Cứu Chuộc và Ðức Kitô hằng sống.