LẠC GIÁO VÀ CÁCH MẠNG
CHƯƠNG XLI
LẠC
GIÁO VÀ CÁCH MẠNG.
|
Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIV, có sự tái phát lạc giáo ở Âu châu, trên một bình diện rộng lớn. Trước hết ở Anh rồi sau ở Bohême, chúng ta đã thấy, có hai thứ người lạc giáo ở thế kỷ XII và XIII: trước tiên, những người Cathares chủ trương thuyết nhị nguyên, nên trong thực hành và luân lý họ chống Kitô giáo; thứ đến, những người phái Vaudois cố gằng tái tạo một thứ Kitô giáo mà họ cho là trinh trong và uyên nguyên.
Lạc giáo ở thế kỷ
XIV thuộc mẫu thứ hai. Lãnh tụ tiên khởi là ông jean Wyclif, học giả ở
Oxford. Về phạm vi trí thức, Wyclif ít có điểm độc đáo. Không biết rõ nguồn gốc
trí thức của ông, nhưng người ta nhận định rằng giáo thuyết của ông rất
giống giáo thuyết của phái Vauđois. Về mặt cai trị Giáo Hội, ông chấp nhận một
số quan điểm và lý luận của Marsile, của Occam và trường phái này. Ông chỉ
khác với những người đi trước qua hệ thống kiến thức mà ông xử dụng
với một lý luận chặt chẽ và một lối bình luận sâu sắc. Trong những năm đầu,
Wyclif là một giáo sư văn khoa lỗi lạc ở Oxford. Theo ảnh hưởng của
Bradwardine, đại thù địch của thuyết duy danh ở thế hệ trước, ông chủ trương
thuyết duy thực triệt để về triết học và theo thuyết Augustin về thần học, nhưng không phản chính thống và không chống giáo triều. Sự nghiệp của ông bị
gián đoạn khi ông đưa ra những phán đoán về quyền bính và ân sủng. Trong tranh
luận này, ông chịu ảnh hưởng của Richard Fitzzalph, thù địch của dòng anh em.
Hai quan điểm xáo trộn trong tư tưởng của Wyclif: trước hết, chỉ có những kẻ ở
trong tình trạng ân sủng mới có một quyền sở hữu đích thực theo luân lý; hơn
thế, các Kitô hữu và nhất là các linh mục, phải giữ luật Phúc âm về
đức nghèo khó. Wyclif diễn tả các ý kiến của ông bằng các từ ngữ của
phái Augustin. Ông khẳng định rằng Giáo Hội đích thực thì vô hình và chỉ được
cấu thành bởi những kẻ đã được cứu rỗi theo tiền định. Những người thuộc hàng
giáo phẩm của Giáo Hội hữu hình, một khi sa đọa tội lỗi như mọi người khác,
thì bị cấm gấp hai lần không được sở hữu các của cải. Khi cần thiết, quyền
đời có quyền tước đoạt những của cải đó. Thế là có sự lẫn lộn không
tài nào tháo gỡ được giữa thuyết duy tâm và chính sách cơ hội chủ nghĩa vào
thời đại có những tại họa ở các quốc gia này. Wyclif bị tố cáo trước đức
Grégoire XI năm 1377. Nhưng những vụ truy kích theo lệnh giáo hoàng thì không
hề đem ra xử, một phần vì ông được nhà vua che chở. Mấy năm sau, ông cho
ấn hành những tác phẩm trong đó ông đặt lại giáo thuyết cổ truyền về phép Thánh
Thể. Ông từ chối sự biến thể và sự hiện diện thực sự. Ông đi từ xác tín triết học,
coi bản chất bánh rượu (các thể chất) không được biến đổi bởi sự truyền
phép, cho tới khẳng định một hiện diện hoàn toàn thiêng liêng cũng không
có, khi những người bất xứng rước lễ. Ban đầu, Wyclif rút ra những quan
điểm về phép Thánh Thể từ thuyết duy thực triệt để của ông và việc ông từ chối
sự giải thích theo phái kinh viện về sự biến đổi theo ”thể chất”. Tiến xa hơn,
ông tấn công việc tôn trọng và sùng kính phép Thánh Thể. Vì thế, nhiều
người trước theo ông, nay bỏ ông. Các nhà thần học danh tiếng trong
các đại học và các tu sĩ dòng anh em đều cực lực phản đối ông. Năm 1382 một số
mệnh đề rút ra từ lý thuyết của ông, đã bị lên án do tổng giám mục Courtenay
trong một công đồng họp tại Londres. Trường phái tư tưởng của ông bị loại khỏi
Oxford. Chính ông cũng rút về sinh quán Lutterworth và mất ở đây năm 1384. Vào
những năm cuối đời, ông ông tăng cường hoạt động về văn chương, tấn công giáo
triều, giáo sĩ, hết các dòng tu, nhất là dòng anh em, kể cả việc tôn sùng phép
Thánh Thể và tôn sùng các thánh. Ông rao giảng một Kitô giáo ”nguyên thủy”
đơn sơ và theo kinh thánh, không có những phức tạp về bí tích và hàng giáo
sĩ. Ngôn ngữ ông dùng rất táo bạo, ít ai vượt nổi, ngay cả trong phạm vi tranh
luận về tôn giáo.
Lý thuyết thần học của Wyclif và những
tấn công theo lối trần tục của ông chống đối những tài sản của Giáo Hội
thực ra không có ảnh hưởng bao nhiêu. Phần lớn lý do: nhờ những hành động
cương quyết của tổng giám mục Courtenay, nhờ sự phản công mãnh liệt về mặt
thần học của dòng các anh em và nhờ thuyết chính thống được chính
quyền bấy giờ đề cao. Phái Lollard tiêu biểu cho một trào lưu đạo hạnh,
chưa xác định rõ được, vô tổ chức nhưng có ảnh hưởng hơn là một giáo phái;
họ giảng và sống một Ðức Tin đơn sơ và theo ”phúc âm”, kịch liệt kết án
Giáo Hội đương thời, giống như đường lối kết án trong những tác phẩm cuối cùng
của Wyclif. Hẳn là phái này dựa theo Wyclif. Họ đã bị các giám
mục đàn áp dữ dội và đã hoàn toàn biến mất, trừ ở mấy miền rừng núi. Nhưng
Wyclif vẫn còn là một nhân vật quan trọng. Trong sách vở ông viết, người ta
thấy được thu thập lần thứ nhất và diễn tả rất vững chãi, hầu hết những
điều dân chúng kêu trách Giáo Hội Công giáo vào thời hạ Trung Cổ và hầu hết những
quan điểm của những người Tin lành đầu tiên về các vấn đề: quyền tối cao
của Kinh Thánh, bí tích cáo giải, các ân xá và cơ cấu của Giáo Hội. Như
người ta sẽ thấy, các sách vở của Anh, một khi được chuyển qua Trung âu, đều gây ảnh
hưởng quyết liệt, trước tiên ở miền Bohême, rồi sau ở Ðức. Trong những tham
luận đầu tay Jean Wyclif đã bàn giải với lòng sốt sắng đơn thuần thế nào, thì
trong những tác phẩm tranh luận, ông cũng chống bí tích, chống giáo sĩ với
nhiệt tình hăng say như vậy. Ông là người đầu tiên trình bày mẫu Kitô giáo
không theo thời (non-conformiste) nó sẽ là một nét nổi bật của xã hội Anh-Saxon
ở thời đại tiếp theo.
Một trào lưu khác giống như trào lưu
Lollard đã phát hiện ở biên giới phía Ðông của Kitô giáo Roma, miền
Bohême. Miền này có dân Slave đã chính thức theo Kitô giáo. Dần dà nó được
sáp nhập vào cơ cấu Giáo Hội Tây phương, nhưng vẫn giữ những đặc tính tự nhiên và
đặc sắc chủng tộc của mình. Hơn nửa thế kỷ XIV, hai ông hoàng cai trị đều
thuộc giòng họ nhà Luxembourg. Vua Jean (1310-1346) là một hiệp sĩ phiêu lưu,
có tài nhưng thường vắng mặt. Ông trao quyền trị nước cho phái quý tộc,
nhưng mở rộng lãnh thổ rất nhiều. Về cuối đời ông bị mù lòa, nhưng trước khi
chết ở chiến trường Crécy, ông đã vận động bầu con ông là Charles làm vua
người Roma. Charles IV, vua xứ Bohême và là hoàng đế (1346-1378) là người sáng
lập ra lực lượng hùng mạnh của quốc gia. Ông cho nhập cảng từ Tây phương hết
các hình thức nghệ thuật và tiểu công nghệ. Ông cho Prague thành một tòa tổng
giám mục biệt lập và xây cất một trường đại học (sau này chia làm hai)
trong kinh thành là trung tâm quan trọng độc nhất về dân số và trở thành
hàn thử biểu của sinh hoạt quốc gia.
Con ông, Venceslas (1378-1419) là một
người thất thường; ông phải đương đầu với những vấn đề do vua cha để lại. Vào
thời này, xứ Bohême chưa có giai cấp tiểu tư sản. Ðây là một dân đồng quê, bị
bọn qúy tộc chi phối về kinh tế và chính trị. Giáo Hội giàu có và còn trong
tình trạng thời Trung Cổ, linh mục và giáo sĩ quá đông đảo, đa số lại dốt nát và
sống bê tha. Người Ðức, tuy thiểu số và là kiều cư, nhưng gây nhiều ảnh hưởng. Họ
đem vào những nét đặc thù về chủng tộc và tôn giáo. Giống như những người Ðức
khác sống ở Tây phương, những người Ðức này sống có tổ chức và điều độ
hơn. Phải chăng là có những cơn gió thay đổi đã thổi trên lãnh thổ? Dầu sao, đã
có một xáo trộn tôn giáo trong dân. Trong quá khứ, xứ Bohême đã bị nhiễm lạc
giáo Bogomile hay Cathares và giáo phái Vaudois. Có thể là ảnh hưởng của giáo
phái Vaudois còn tiếp tục hoạt động ngấm ngầm. Nhưng thuyết chính thống
của Bohême vào cuối thế kỷ XIV đã dội lên một tiếng qui thuận. Ngay trước niên
hiệu ấy, một số các nhà giảng thuyết hăng say và chính thống đã xuất hiện, coi
việc cải cách là một đòi hỏi cụ thể. Jean Milic đã loan báo tại Prague
rằng: triều đại phản Kitô đã tới gần và chính Charles IV là phản Kitô. Còn
mình, Jean Milic thì được Thần Khí sai đến để cải tổ Giáo Hội Bohême. Ông tự
nhận mình là kẻ bênh vực việc rước lễ thường xuyên hay hằng ngày, coi đó như
phương pháp cơ bản của việc cải cách. Mathias de Janov, học trò của đại
học đường Paris và đồ đệ của Milic, lại coi cuộc ly khai giáo triều như dấu
hiệu thế mạt. Như thày mình, ông rao giảng sự rước lễ thường xuyên. Ông kết án
những thái quá trong việc tôn sùng các thánh. Ông lên tiếng giảng chống các tu
sĩ, các nghi lễ và triết học Hy lạp. Ông muốn trở về với lòng đạo đức của Giáo
Hội nguyên thủy. Tuy ông không tấn công hàng giáo phẩm một cách công khai, nhưng
ông tuyên bố rằng Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh mới là những sách chỉ nam của
người tín hữu.
Những quan điểm như thế và tinh thần
canh tân tôn giáo đích thực đã trở nên khuôn mẫu sống và hoạt động cho Jean
Huss. Xuất thân từ giai cấp khiêm tốn, là sinh viên ở Prague, Huss bắt đầu nhận
chức giảng thuyết rất sớm và lượm được những thành công lớn. Như Luther,
ông nổi bật về lòng thành thực sôi bỏng và tài hùng biện bằng tiếng bình dân,
hơn là về giá trị trí thức và thần học.
Ông chịu ảnh hưởng tư tưởng của Wyclif.
Việc phổ biến một lý thuyết vào lục địa Âu châu, vào một môi trường hoàn
toàn khác biệt, là một trong những thí dụ điển hình và quyết liệt của sự lưu thông
các tư tưởng. Trong một thời gian đã có những tiếp xúc giữa Prague và Oxford,
hai trường đại học qui phục Roma trong cuộc ly khai. Những liên hệ giữa
Bohême và Anh sau này còn được củng cố bởi cuộc hôn nhân của vua Richard
II với công chúa Anne, con gái Charles IV (1382). Các tác phẩm của
Wyclif và của những sinh viên thấm nhuần tư tưởng của ông, đều đổ xô bồ
vào Prague và nhiều nơi khác. Vừa tới đại học đường, Huss đã coi Wyclif
như người có uy thế bảo đảm các quan niệm riêng của mình. Thế nhưng,
các sinh viên đại học, các giáo sĩ có tuổi và bảo thủ hơn lại nghĩ khác. Năm 1403,
đại học Prague lên án bốn mươi lăm mệnh đề rút ra từ các sách vở của Wyclif,
do một cuộc bỏ phiếu được đa số chấp nhận.
Thế là khởi đầu một trận chiến lâu dài,
trong đó khai diễn tương lai của Bohême và của Jean Huss. Tiếp theo việc lên
án ở Prague là việc cấm toàn bộ lý thuyết của Wyclif qua sắc chỉ của đức
Gregoire XII công bố năm 1408 và 1412. Trớ trêu thay, đức Gregoire XII lại được Bohême
và Jean Huss coi là giáo hoàng đích thực. Nhưng năm 1409, vua Venceslas đã ủng
hộ những người theo công đồng Pise với đại đa số ”ba chống một” ở hội nghị các nước
tại đại học đường Prague. Huss theo phái phò vua khi vua phạm một tệ lạm về
quyền bính, là cho ”phiếu bầu của quốc gia” có giá trị ba lần các phiếu khác.
Tiệp Khắc sẽ ủng hộ vua. Tức khắc ”quốc gia” Ðức rời bỏ đại học đường
Prague và tới đóng đô ở đại học Leipzig mới được thiết lập. Người Ðức liền tung
ra những tố cáo khá nặng nề chống lại Bohême và hậu quả chính là đã xoay trở
công đồng chống Jean Huss. Thế là tiếp diễn một thời kỳ thủ đoạn bung xung,
trong đó Jean Huss được nhà vua ủng hộ đã bị tổng giám mục ra vạ tuyệt thông vì
theo lạc giáo. Ðược nhà vua và dân chúng bênh vực Jean Huss càng chống đối bạo
miệng hơn. Ông viết bài và tổ chức một cuộc ”tranh cãi” chống việc ban các
ân xá. Hầu hết các cuốn tham luân chống ân xá (Adverssus
indulgentias) đều mượn tư tưởng và lập luận của Wyclif. Ông từ chối hết các giá
trị của bí tích giải tội do linh mục cử hành, như thế là trở về một quan điểm
của thời tiền Trung Cổ, đã lâu dài bị tấn công. Năm 1413 đức Jean XXIII
lại lên án những lý thuyết của Wyclif. Ðể đáp lại, Jean Huss viết cuốn Về Giáo
Hội (De Ecclesia) lấy cơ sở trong tác phẩm của Wyclif. Như Wyclif, ông chủ
trương chỉ những ai được tiền định, chứ không phải các tội nhân, làm thành
đoàn thể tín hữu. Nhưng khác với Wyclif, Huss luôn luôn chấp nhận Giáo Hội phẩm
trật. Ông bị tổng giám mục ra vạ tuyệt thông và bị các thần học gia tố cáo theo
lạc giáo, nhưng nhà vua và dân chúng vẫn ủng hộ ông.
Chính trong tình thế này, vào mùa hè năm 1414
hoàng đế Sigismond chú ý tới Jean Huss. Sigismond được thừa hưởng xứ Bohême và
không muốn làm cho cả nước chống đối mình. Ðể được yên ổn, ông đề nghị với Huss
ủng hộ công việc của ông tại công đồng Constance. Mọi phe phái của Prague
đều khuyến khích ông. Giáo hoàng Jean XXIII (sau này bị coi là ngụy giáo hoàng)
tháo vạ tuyệt thông cho Huss. Mặc dầu ông cảm thấy những báo hiệu không
lành, nhưng Huss vẫn trẩy đi Constance với nhiều hy vọng. Ðược nuôi dưỡng trong
một xứ xa các đại trung tâm tư tưởng Âu châu, được đào luyện trong
một đại học đường, đứng ngoài tất cả các trường phái khác về thần học và triết
học, được thấm nhuần tư tưởng của Wyclif, lại quen chế ngự các xúc động riêng
và có nhiệt tình cải cách dân tộc mình, Huss không hề có ý tưởng gì về uy lực
của thần học cổ truyền và qui chế giáo luật mà hết các giám chức họp
tại Constance vẫn còn chủ trương. Huss vẫn hy vọng đưa ra các lý luận để
thuyết phục. Nhưng rõ ràng là các nghị phụ không có ý hướng nào khác, ngoài ý
hướng phân xử và các ngài chỉ có thể phân xử trong một chiều hướng mà thôi.
Cách
chính đáng, Huss từ chối việc tố cáo cho rằng ông theo Wyclif trong hết mọi sự
(ông không bao giờ chấp nhận những quan điểm của Wyclif về phép Thánh Thể).
Nhưng lý thuyết của ông về Giáo Hội và về chức vụ linh mục thì đã đủ cho người
ta kết án ông. Ông từ chối không kết án hết các khoản trong lý thuyết của
Wyclif mà công đồng đã ra vạ. Ông từ chối không kết án những mệnh đề người ta
gán cho ông, và cho rằng những lời tố cáo đều sai. Ông từ chối không chịu thoái
lui và nhấn mạnh đến khẳng định coi Kinh Thánh, một mình Kinh Thánh mới có quyền
phân xử giáo thuyết. Sau khi bị kết án, ông được trao cho hoàng đế. Những chi
tiết về cái chết trên giàn thiêu mà ông can đảm và sốt sắng gánh
chịu, đã gây rất nhiều phẫn nộ. Một năm sau, đồ đệ của ông là Jérôme de
Prague cũng bị thiêu sinh. Ông đã phản cung trong ngục, nhưng lại chối
không chịu phản cung công khai và còn chối đã theo các luận đề của Wyclif và
của Huss. Ông can đảm chết vào tháng 5 năm 1416.
Huss có một phong cách chân thành,
nhưng ông thiếu khôn ngoan về sách lược. Bị Sigismond làm phản, ông đã gây được
thiện cảm chính đáng. Ông sống giữa một dân tộc hăng say, đầy xáo động,
trong một tỉnh nhỏ hẻo lánh tại Châu Âu. Ông có nhiều thế giá đối với dân chúng.
Ông xác tín rằng mình đã khám phá ra một cách chú giải mới mẻ và trong
sáng hơn về sứ điệp Kitô giáo. Quá xác tín, ông trở thành mù quáng không nhận ra
những thực tại sinh hoạt tôn giáo thời đại ông và đưa ông tới điên rồ khi tin tưởng
rằng một công đồng của Tây phương Công giáo sẽ thụ lý và khuất phục những
điều ông nói ra. Công đồng gồm có những nhà thần học đòi cho được quyền
tối cao, công đồng đã được triệu tập để lấy lại sự hiệp nhất. Ðây là công
việc của công đồng, khi phi bác một người lạc giáo kiên quyết chủ trương
những ý kiến đã nhiều lần bị chính quyền kết án và trên thực tế đã
gây nhiều rối loạn, hoang mang. Sự phản trắc của Sigismond thật đáng trách,
nhưng chỗ sai lầm trầm trọng của hoàng đế là đã hứa biến cải những điều mà ông
không có quyền hay không thể hoàn tất được với tư cách là người bảo
trợ chính thống thuyết. Ngày nay có một trào lưu cảm tình với Jean Huss. Người ta
cố gắng rất nhiều để chứng minh rằng ông chỉ theo lạc giáo về vấn đề quyền tối
cao của giáo triều và về điểm này, công đồng đã kết án ông thì không thể lấy
hòn đá đầu tiên để ném vào ông được. Dẫu sao người ta vẫn còn nghi ngờ về
thyết chính thống cơ bản của Jean Huss.
Công đồng còn phải đương đầu với các đồ đệ
của Huss. Mùa thu năm 1415 đa số hàng quý tộc Bohême đã thề sẽ trân trọng ghi
nhớ ông. Như Huss, hàng quý tộc tuyên bố rằng mình hoàn toàn chính thống và quy
phục giáo hoàng, các giám mục và linh mục, bao lâu giáo huấn của họ phù
hợp với ý Chúa và Kinh Thánh. Ðại học đường Prague đứng ra làm trọng tài.
Nhưng Công đồng đáp lại bằng việc đình chỉ đại học và tăng thêm các bản án.
Khẩu hiệu của các nhà cải cách là ”phải để cho giáo dân dùng chén (lễ)”
(L'usage du calice par les laics). Ðây không phải là một đòi hỏi độc đáo
của Jean Huss, mặc dầu ông sẵn sàng khuyến khích. Yêu sách này hình như được phát
sinh nơi những người đòi cho giáo dân được rước lễ thường xuyên. Nó đã dựa một
phần vào thói quen của Giáo Hội nguyên thủy, nhưng nhất là vào một giải
thích các lời Ðức Kitô mà thánh Phaolô đã nhắc lại (1Cor 11,23-25). Công
đồng Constance đã minh thị cấm đoán việc này. Nhưng phái Hussites từ nay đã
lìa xa thuyết chính thống, chối tất cá các quyền của linh mục và do đó cả quyền
của giám mục và của giáo hoàng.
Cái chết của Huss làm nảy sinh sáng kiến thành lập một liên đoàn gồm năm
trăm người quý tộc chống đối Giáo Hội hiện hữu. Thế là khai nguyên một trận chiến lâu dài.
Hàng quý tộc Bôheme chống lại những người xâm chiếm dưới chiêu bài
các nghĩa binh. Nhưng các phe phái của những người cải cách cũng chống đối lẫn
nhau. Phái ”chén thánh” (calixtins) (do tên chén lễ là trung tâm lòng đạo
đức của họ) chỉ trung thành theo tinh thần và tính ôn hòa của Jean
Huss. Phái ”núi Tabor” (taborites), giáo phái thứ nhất bắt nguồn từ những
cuộc chiến của Israel, gồm những người quá khích. Họ báo trước những nhân đức
và những thái quá của phái Thanh Giáo, kể cả những chiến tranh tôn giáo sau
này. Họ liên minh chủ nghĩa quốc gia triệt để với ý chí cách mạng kinh tế và xã
hội.
Vua Venceslas mất năm 1419.
Sigismond có những toan tính bá chủ dân Tiệp Khắc nhưng không thành. Ông
tung ra một loạt nghĩa binh. Ðiều này thuộc thành phần của lịch sử chính trị Âu
châu. Người ta quy định ”Bốn khoản” (Quatre articles) (1420) thời danh tại
Prague tiêu biểu cho một trong những dự án đầu tiên để thống nhất giữa các
nhóm ”canh tân” khác nhau: 1) tự do giảng thuyết - 2) rước lễ cả bánh và rượu -
3) các linh mục không thể có của cải trần thế và họ chỉ là những mục sư -
4) các hình phạt công cộng chống lại những tội trọng, nhất là tội buôn
thần bán thánh. Trong những năm tiếp sau, hết các thuyết sai lạc thời Trung
Cổ như Wyclif, Vaudois, Cathares, Millénarisme đều có những giảng thuyết gia
của mình tại Bôhême. Sau cùng, người Tiệp Khắc bị bại trận và nhận Sigismond
làm vua. Một cố gắng quyết liệt đã được đưa ra để giải quyết vấn đề: Năm 1433,
phái đoàn của nhóm Hussite đã được Cesarini và công đồng Bâle đón tiếp lịch
thiệp. Ðiều mà người ta gọi là những compactata đã được cả các đại biểu
công đồng, cả Sigismond và cả người Tiệp Khắc chấp nhận. Ðó là một bản đã
được sửa chữa rất nhiều của bốn khoản. Việc dùng chén thánh bị hạn
chế lại. Mặc dầu hòa ước đã được chuẩn y rõ ràng năm 1436, mặc dầu có sự
hòa giải giữa Bohême và Giáo Hội, nhưng cho đến khi Sigismond tạ thế, vẫn chưa
có hy vọng thống nhất hoàn toàn và chung kết. Hơn thế, trong hậu bán thế
kỷ XV, xứ Bôheme, về mặt tin tưởng và sống đạo, đã tách rời khỏi các nước Kitô
giáo Tây phương.
Trong một mức độ nào đó, sự việc này đã được che đậy bởi những
toan tính thống nhất nhiều lần lập đi lập lại và bởi những thăng trầm của phe
phái công giáo. Thế nhưng ở đây cũng có một điềm báo và đó là điều đã làm cho
Jean Huss có một vị trí quan trọng trong lịch sử, cho Jean Huss thì dĩ nhiên
cho cả Wyclif. Bằng lời nói và hành động, cả hai ông đã đưa ra những thách đố
cho giáo lý của Giáo Hội Kitô giáo và đồng thời, cho cơ cấu và qui chế của Giáo
Hội nữa. Lần đầu tiên, một tỉnh của Kitô giáo Tây phương, cũng là một quốc gia,
đã thực sự (de facto) tách rời, không qui phục Roma, mà vẫn chủ trương theo Kitô
giáo thuần thục. Phẩm trật tông tòa do đấng kế vị Phêrô cai trị đã được thay
thế bằng cách phán đoán của cá nhân dựa theo Thánh Kinh. Cần phải coi cho
biết người ta đã chứng kiến một bùng nổ lẻ loi hay còn báo hiệu cả một núi
tuyết lở.