CHƯƠNG XL
TƯ TƯỞNG THỜI TRUNG CỔ
1277-1500
CHƯƠNG XL
TƯ TƯỞNG THỜI TRUNG CỔ
1277-1500
Như chúng ta đã thấy, tại Paris, trong thời gian bảy năm trời, cái chết của thánh Bonaventura và thánh Thomas cùng hai lần lên án phái Aristote đã chấm dứt một thời kỳ, trong đó các tôn sư đã thực hiện được tổng hợp vĩ đại về thần học cổ truyền và triết học Hy lạp. Khúc quặt đầy ý nghĩa này có lúc đã được đánh dấu bằng sự tồn tại ngoại diện của trường phái thánh Bonaventura, với nền giáo huấn của Jean Peckham. Ông này hòa hợp giáo thuyết của thánh Augustin với giáo thuyết của phái tân-Platon và người Ả Rập, để dựng nên một thứ hệ thống mà các sử gia gọi là thuyết Augustin. Khi làm tổng giám mục Cantorbéry, ông đã tìm mọi cách bắt đại học Oxford đón nhận lý thuyết của ông. Ông đã vấp phải phản kháng của các tu sĩ Ðaminh trẻ tuổi nhiệt tình, là những người cương quyết bảo vệ thuyết Thomiste. Như thế chứng tỏ thuyết Thomiste vẫn sống động. Nhưng thuyết Augustin và thuyết Thomiste đã biến mất cách nhanh chóng, phái thứ nhất vì cơ sở triết học mỏng manh, phái thứ hai vì thiếu người bênh vực có khả năng đương đầu với những tấn công của phái Aristote. Có ba trào lưu tư tưởng mới phát hiện: Ở Pháp và cách riêng ở Paris, nói chung Bộ Tổng Luận (Somme) đã nhượng chỗ cho việc nghiên cứu các đề tài cá nhân hơn. Ở Oxford có trào lưu nhận định lại tất cả hệ thống triết học. Ở Rhénanie xuất hiện hình thức mới của thuyết tân-Platon ảnh hưởng đến thần học tín lý và huyền nhiệm. Vào phần thứ tư cuối thế kỷ XIII, Oxford ngang hàng với Paris vì là một trung tâm tư tưởng độc đáo. Nó giữ được mức độ đó cho tới 1350. Trong quá khứ, có nhiều giáo sư đại tài người Anh, như Etienne Langton, Alexandre de Halès, Robert Kilwardby và Jean Peckham, họ đã được hấp thụ nền giáo dục cơ bản và chiếm nhiều giải thưởng đầu tiên ở Paris. Từ đó, các thiên tài của Anh quốc, như Duns Scott, Guillaume d'Occam, Thomas Bradwardine và Robert Holcot đều được thụ giáo ở Oxford và thường ở lại Anh hầu như trong suốt thời kỳ dạy đại học. Trong nhiều năm, Oxford là trung tâm khoa luận lý và toán học. Từ Guillaume Shireswood (mất năm 1249) đến Guillaume de Heytesbury (mất năm 1380) và Ralph Strode (mất năm 1400), các luận lý gia Oxford đã thống trị Âu châu. Về toán học và các khoa học tự nhiên, thì có một loạt các danh nhân: từ Grosseteste và Roger Bacon cho tới những người thuộc phái Menton, tên một ”hội đoàn” ở Oxford mà họ là hội viên. Ðiều nổi bật nhất là Duns Scott đã phê phán nhiều hệ thống tư tưởng khác nhau và khởi thảo một lý thuyết siêu hình độc đáo, với những quan niệm mới và từ ngữ mới. Như vậy ông đã báo hiệu ngành triết học hiện đại, mặc dầu còn giữ nhiều cách tư duy, phương pháp và từ ngữ cổ truyền. Ông mất khi tuổi còn trẻ, để lại một hệ thống bỏ dở. Nhiều đồ đệ tiếp tục tư tưởng của ông và hòa hợp nó với lý thuyết thần học của Bonaventura, làm thành một trào lưu cạnh tranh với trường phái Thomiste. Duns Scott thẳng thắn phê phán các người đi trước ông, các người đồng thời với ông, các bạn bè và các thù địch của ông. Ông thản nhiên ném xuống biển nguồn thiên khải về trí tuệ linh thiêng mà phái Augustin cổ truyền chủ trương, rối đem khoa luận học của Aristote thay vào đó. Ðiểm đặc sắc nhất của ông, có lẽ là việc ông nhấn mạnh tới vô hạn và tự do tuyệt đối của Thiên Chúa. Như thế là ông đã đặt một hàng rào chắn ngang giữa đối tượng của kiến thức triết học (theo lý trí) và đối tượng của trí thức thần học (mặc khải). Ông bảo vệ ”ưu tiên của ý chí” trong con người, chống lại ”ưu tiên của trí tuệ” do phái Thomiste khẳng định. Theo ông, tự do và nhân ái của Thiên Chúa (hơn là lề luật và chân lý của Người) mới là chìa khóa mở cửa vũ trụ. Phạm vi trí thức có thể chứng minh được đã bị thu hẹp lại. Thần học tự nhiên ít quan trọng. Có một vực sâu không thể vượt được giữa thần học tự nhiên và kiến thức siêu nhiên và mạc khải của nhà thần học.
Mặc dầu là một nhà tư tưởng cách mạng, Duns Scott vẫn là một thần học gia chính thống. Guillaume d'Occam được gọi là ”kẻ mới học đáng kính” bởi vì ông không bao giờ được chức giáo sư. Ðặc biệt, ông là nhà lý luận học. Có tinh thần mạnh mẽ và tính khí táo bạo, ông khởi thảo một lý tắc để phân biệt lý thuyết kiến thức và siêu hình học. Ông có khuynh hướng thu gọn trí trức vào một trực giác của kinh nghiệm cá nhân. Như vậy là ông bỏ ý nghĩa thực tại trong những từ ngữ như bản chất hay bản tính và thực ra cả trong mọi ”khái niệm phổ biến” như con người, như hoa hồng v.v... Ðối với ông, đó chỉ là những danh từ hay những ký hiệu, liên kết với những kinh nghiệm trí tuệ. Trí khôn có xử dụng thì cũng chỉ ở trong phạm vi khái niệm và chủ quan. Cũng vậy ý niệm về nhân quả không thiết yếu, cũng không thể minh chứng được. Tất cả những gì người ta có thể nói được, thì là A xuất hiện rồi tới B. Lưỡi dao huyền thoại của Occam thực ra đã tượng trưng cho mục tiêu của ông: loại bỏ cái khung trí tuệ của triết học và thần học và nhường chỗ cho một lối lý luận mới đã được soạn thảo kỹ lưỡng. Giữa kinh nghiệm bất khả định nghĩa của các sự việc cá nhân và sự hiểu biết mặc khải do Thiên Chúa ban, thì không có một liên hệ trí tuệ nào. Không một phê phán chung nào về vũ trụ ngoại giới có thể gọi là đúng được. Cũng vậy không một loại hành động nào có thể nói là tốt được. Cái có thật là điều Thiên Chúa mặc khải, cái thiện là điều Ngài truyền dạy. Các đồ đệ của Occam, nếu không phải là chính Occam, đã lý luận nhiều về sự phân biệt giữa quyền tuyệt đối và quyền tương đối của Thiên Chúa. Ðiểm thứ nhất đòi có tự do tuyệt đối, thì chỉ một mình nó là chắc chắn. Ðiều sau, nghĩa là những gì người ta gọi là đường lối Thiên Chúa hành động trong vũ trụ lúc này, thì không có ý nghĩa suy lý thần học hay triết học.
Năm 1324, khi mới 25 tuổi, Occam đã bị tố cáo ở giáo phủ Avignon. Cuối cùng giáo thuyết của ông bị kiểm duyệt một cách ôn hòa mà thôi. Michel de Cézène đã lôi cuốn ông vào phe chống đối đức Jean XXII. Cả hai đều trốn khỏi Avignon năm 1328. Occam sống đời còn lại (ông mất năm 1348 hay 1349) bằng cách đứng ra tranh luận nhân danh hoàng đế Louis. Ông thẳng thắn đả phá lý thuyết chính trị và phạm vi tư tưởng thuần túy. Các đồ đệ của ông giữ chính thống trong thực hành và tuyên xưng Ðức Tin. Nhưng thực tế, họ cắt đứt với tổng hợp Trung Cổ về lý trí và mặc khải, về tự nhiên và siêu nhiên. Triết học và thần học suy luận trở thành những bài luyện trí tuệ tinh vi, hoàn toàn khép kín. Người ta thường so sánh tư tưởng của những nhà lý luận phái Occam với tư tưởng triết học Anglo-Saxon, như cách phát biểu trong Russel và Whitehead. Sự so sánh này không giá trị lắm. Nhưng cả hai cùng rơi vào một cơn khủng hoảng. Trong những năm mới đây, các học giả Mỹ và Ðức đã thử khôi phục thuyết Occam và các đồ đệ trực tiếp của ông: coi họ như những người tốt lành thuộc phái Aristote và thần học chính thống. Toan tính này đến đúng lúc. Nó đào sâu lối giải thích của chúng ta về tư tưởng của thế kỷ đó. Nó cho chúng ta thấy đặc tính nghiêm chỉnh và sốt sắng của những nhà tư tưởng ấy: những quan điểm của họ đáng chúng ta tôn trọng. Nhưng nó không phá bỏ các phê phán đã có từ thời trước.
Trong một thời gian, lý luận của Occam thúc đẩy các giáo sư đại học Paris chứng minh sự tương đối của mọi chân lý. Rồi một thăng bằng được thiết lập giữa các nhà thần học duy danh, giữa lối suy luận tiêu cực hay ít ra khô cằn, và sự trình bày tín điều cách tôn kính, nhiều khi quá đáng vì làchính thống. Ðể phản ứng, có một số rất nhỏ giáo sư chủ trương thuyết duy thực như Thomas Bardwardine và sau này có John Wyclif, đứng vào phái đối lập cực đoan. Người thứ nhất hầu như theo thuyết tất định, từ chối hết những gì xem ra thuộc về thuyết Pélagianisme của Occam. Người thứ hai theo thuyết duy thực đến nỗi thay đổi thái độ đối với giáo lý Công giáo về phép Thánh Thể. ”Ðường lối mới” này, đầu tiên bị đả phá ở đại học Paris, nhưng đến hậu bán thế kỷ, nó lại thu hút được đại học đường này. Paris chủ trương duy danh mãi cho tới cuối thời Trung Cổ, với mấy giai đoạn lắng dịu vì có phản ứng. Từ năm 1400, hầu hết các đại học Bắc âu đều hoàn toàn hay một phần theo thuyết duy danh. Những pháo đài vững chắc của thuyết duy thực là xứ Bohême và mấy trường đại học Tây Ban Nha. Mới đây người ta đã viết nhiều về ảnh hưởng của thuyết duy danh đối với những triển vọng của các nhà đại cải cách. Trong những thập niên trước Luther, nghĩa là vào thời Erasme, ảnh hưởng này thường chỉ là tiêu cực. Nó làm tê liệt mọi trình bày tông đồ và minh giáo về Ðức Tin. Khi từ chối những tiền đề của siêu hình học cổ truyền, theo thuyết Aristote hay thuyết Platon, nó đánh lạc hướng các nhà thần học trong nhiệm vụ đích đáng là bàn luận về đời sống Kitô giáo và tín điều Kitô giáo. Nó thúc đẩy họ tranh luận về những vấn đề giả thuyết thuộc về vũ trụ của tư tưởng duy danh. Bất kỳ có thể nghĩ gì về khía cạnh chính thống cố ý hay có thật của các nhà thần học duy danh, thì vẫn có hai trào lưu tư tưởng, gây ảnh hưởng và hàm hồ trong giới trí thức duy danh. Một đàng, có sự phế bỏ siêu hình học và thứ tôn giáo thiên nhiên, là cơ sở lý trí để biện luận thần học và luân lý. Vì thế người ta khuyến khích một nhãn giới nhân bản hay huyền nhiệm trong đời sống Kitô giáo. Ðàng khác, trong mọi phạm vi, người ta coi việc bãi bỏ niềm tin vào lý trí là cách thế đạt tới chân lý trừu tượng. Thế là mở ra con đường đi tới chuyên chế về thần học hay chính trị.
Chúng tôi không có ý bàn giải về những bước tiến quan trọng trong phạm vi các khoa học tự nhiên và toán học, những bước tiến được thực hiện một phần do việc bãi bỏ khoa siêu hình học. Xét về nhiều khía cạnh, thế kỷ XIV được coi như bình minh của thời hiện đại. Chúng ta cũng không tố cáo thuyết duy danh trước Bộ Ðức Tin, nhưng những người chỉ thấy rất ít hay không thấy chút nào dấu vết dị giáo nơi các thần học gia duy danh, thì có lẽ những người ấy quên rằng thần học và tâm linh học Kitô giáo vượt qua phạm vi những mệnh đề chặt chẽ và những nhà tư tưởng duy danh không thể tự hạn chế mình trong khoa lý luận. Với nguyên tắc kế hoạch và cách thế khai trừ những từ ngữ thần học khả kính, các nhà thần học duy danh đã đào thải khỏi ý thức Kitô giáo mọi tương quan với đời sống do ơn sủng, mọi mối quan tâm của Thiên Chúa đối với con người, mọi điều chưa bao giờ được diễn giải như tín điều căn bản, mà cho tới nay mới chỉ được coi là vững chắc theo chủ trương của một số nhà thần học và tác giả tâm linh. Về thần học và triết học thì thế kỷ XIV đã đi theo một con đường mới. Những giáo sư lỗi lạc của thế kỷ XIII đã cố gắng soi sáng và hệ thống hóa kho tàng Ðức Tin, và tranh luận về những tín điều khác được rút ra từ Kinh Thánh và các Giáo Phụ. Các nhà thần học của thế hệ mới đã bắt đầu tách những ý tưởng và những mệnh đề thần học ra, để phê phán chúng và triết học hơn là phê phán thần học. Vì ảnh hưởng Occam và các đồ đệ của ông, diễn biến này bị sửa đổi từ căn bản kể từ thập niên thứ ba của thế kỷ. Theo một mức độ rộng rãi, các tác phẩm thần học được biên soạn khoảng một trăm năm sau khi Occam mất (1349) đã cho thấy có một đối thoại giữa lý thuyết cổ truyền và những mệnh đề của Occam. Khoa thần học và khoa thần lý học tự nhiên (Théodicée naturelles), khung mẫu giáo phụ và kinh viện của đời sống siêu nhiên chiếu theo ân sủng, các nhân đức và ơn Chúa Thánh Thần, tất cả những điều đó đã bị lược tỉa. Một vực thẳm đã mở ra giữa nội dung thực nghiệm, thuyết duy thực nghiệm và trí thức của thuyết duy danh, với những chân lý và những giới răn mặc khải của Thiên Chúa yêu thương và hoàn toàn tự do, không sao nắm giữ được. Ðồng thời, các nhà tư tưởng và các thi sĩ quan tâm đến con người cá nhân hơn là đến chính bản thể con người. Thế là người ta chú trọng đến những vấn đề thuộc ý chí tự do, công nghiệp, công chính hóa và sự cứu rỗi. Các thần học gia theo Occam nhấn mạnh một trật đến ý chí tự do của con người và đến tự do của Thiên Chúa. Khuynh hướng thứ nhất đưa họ tới thuyết của Pélage, lạc giáo này từ chối sự cần thiết của ơn trợ lực siêu nhiên để giúp thi hành các việc có công phúc, hay ít ra để đưa linh hồn tới Thiên Chúa. Khuynh hướng thứ hai dẫn tới việc tách rời sự tuyển chọn của Thiên Chúa ra khỏi mọi công trạng của con người. Tóm lại điều này đưa tới việc chỉ coi sự công chính hóa như mối liên quan giữa con người với một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái. Người ta cũng đi tới một quan niệm phục hồi sự công chính cho con người.
Song song với những vấn đề trên đây, một tranh luận đã bắt đầu khơi ngòi về những đại vấn đề tiền định và sự hiểu biết mà Thiên Chúa có về những công việc tự do về sau. Cuộc tranh luận này đối lập với phái Occam cực đoan và với phái Augustin cổ truyền. Trong số những nhân vật mới đây, người lỗi lạc nhất là Bradwardine, giáo sư nổi tiếng của đại học Oxford. Ông làm tổng giám mục Cantorbéry được mấy tháng (1349) thì bị mất trong cơn dịch lớn, gần như đồng thời với Inceptor khả kính mà ông đã gay gắt tấn công giáo thuyết. Như Occam, Bradwardine cũng ly khai với truyền thống. Ông quan niệm vũ trụ hoàn toàn được kiểm sóat bởi sự hiện diện Thiên Chúa. Loài người đã được tiền định hưởng vinh quang hay chịu án phạt. Mọi việc đáng thưởng công đã được ấn định bởi sắc lệnh của Thiên Chúa. Nhưng Bradwardine ít ảnh hưởng tới thế hệ như Occam. Wyclif có thể kể vào số các đồ đệ của ông.
Theo lý thuyết của Occam về sự công chính hóa thì những người ngoại giáo ”tốt lành” có thể được cứu rỗi và trẻ sơ sinh, dù chưa được rửa tội, vẫn có thể lên thiên đàng. Tuy có dấu hiệu mập mờ về thần học của thời đại, thuyết của Occam chỉ bị kiểm duyệt ôn hòa và thuyết chính thống của Bradwardine không bị nghi ngờ. Các vụ kiện và vạ tuyệt thông thì dành cho những sai lệch ít tối tăm hơn và rõ ràng hơn: Wyclif, phái Lollards và phái Husses. Những tranh luận này kể cả những tranh luận sôi nổi và kéo dài của những người chủ trương thuyết ”công đồng trị”, đã làm mờ tối những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIV. Ở đây, như trong các phạm vi khác, người ta chỉ đề cập tới các vấn đề mới mẻ mà thôi. Người ta vẫn mong chờ những giải pháp cho tới những tranh luận của thời cải cách mà, nếu còn sống, Occam và Bradwardine có thể tham dự dễ dàng.
Ngoài những vấn đề của Occam và công đồng trị, kể cả của Wyclif và Jean Huss, trong suốt thế kỷ XIV và XV người ta đưa ra rất ít các vấn đề thần học. Ðức Benoit XII nói ngược lại lập trượng của đức Jean XXII, khi ngài định nghĩa giáo lý về các linh hồn trong trắng hay được trong trắng hóa: những linh hồn ấy lên hưởng phúc thanh nhàn thiên quốc ngay sau khi chết, tùy theo mức tự do của họ đối với tội lỗi. Một thế kỷ, sau giáo huấn cổ truyền về luyện ngục và về các bí tích được khép vào trong những định nghĩa giáo lý mà Roma đã chuẩn bị để người Hy lạp, người Arméniens và những người khác chấp nhận. Ðề tài này được bàn giải như một giáo lý phổ thông, tuy đây là lần đầu tiên nó được phát hiện trong một định nghĩa chính đáng và long trọng về Ðức Tin. Trong dịp này đức Eugène IV cũng định nghĩa quyền tối cao của giáo chủ Roma (1439).
Có những sử gia chưa quan tâm đủ về việc canh tân thuyết Thomiste ở thế kỷ XV. Sau một thời kỳ mà thuyết duy danh được đề cao theo thời trang ngay cả nơi các tu sĩ Ðaminh, thì chỉ có một người phản ứng là Capreolus (1380-1444), người thứ nhất trong phái Thomiste, hay như người ta sẽ gọi là ”ông hoàng của phái Thomiste” (Princeps thomistarum). Với cuốn chú giải đại bộ Tổng luận (Somme), Capreolus hầu như là người sáng lập phái Thomiste, nghĩa là một hệ thống thần học đầy đủ dựa vào việc chú giải riêng biệt của thánh Thomas. Tác phẩm này được Cajetan hoàn tất trong những năm đầu của thế kỷ XVI, và được Bânez tiếp tục tám mươi năm sau. Mấy thập niên sau Capreolus, một đồ đệ chính thống khác của thánh Thomas, Turrecremata (Torquemada), đã chuyên chú suy tưởng về hiến chế tín điều của Giáo Hội. Henri de Gorkum lại áp dụng những nguyên tắc Thomiste vào thần học luân lý. Chính ông đã du nhập những thành kiến có lợi cho triết học cổ truyền vào các trường đại học mới mở. Người ta thường cho rằng đại thời kỳ thứ nhất của thuyết Thomiste đã bắt đầu với Cajetan và Vittoria. Thực ra phải đưa lên một trăm năm trước. Ðây cũng là một thí dụ khác của sự canh tân, đã khởi sự trước cải cách, rồi tiếp tục suốt cả thế kỷ các cuộc tan vỡ.