CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN - Năm B
20.09.2015
"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì
danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy "
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Khôn Ngoan (Sg 2, 12. 17-20).
Phường vô đạo lên tiếng nói : "Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
BÀI ÐỌC II
Bài trích thơ Thánh Giacôbê Tông Đồ (Jc 3, 16-4, 3).
Anh em thân mến, thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin ; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô (Mc 9, 30-37).
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người". Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
CON NGƯỜI BỊ NỘP TRONG TAY NGƯỜI ĐỜI
Câu nói : "Con Người bị nộp trong tay người đời" có gì đáng lưu ý ? Tin mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn. Thành ngữ "bị nộp trong tay" rất quen thuộc với Thánh Kinh : Chẳng hạn trong đoạn nói về ngôn sứ Giêrêmia (26,24); trong các Thánh Vịnh của "người công chính chịu đau khổ" kêu cầu được giải thoát khỏi ban tay kẻ tàn bạo (Tv. 71,4; 140,5) trong Daniel 7,25 : các thánh của Ðấng Tối Cao bị nộp vào tay vua bách hại Antiôkô Êpiphanê... Như vậy, câu "Con Người bị nộp trong tay" mạc khải cho chúng ta một khía cạnh vô cùng cao quý của cuộc khổ nạn và cái chết Ðức Giêsu Kitô, cuộc khổ nạn đúc kết và hoàn tất trọn hảo nổi đau khổ của những người công chính, sự bách hại của các ngôn sứ đã trải qua và cái chết của các vị tử đạo.
Trước tiên, đây là hạn từ chuyên môn của "sự phản bội" : Giuđa "nộp" Ðức Giêsu cho các Thượng tế (Mc. 14,10); đến các Thượng tế "nộp" Ðức Giêsu cho tổng trấn Philatô (15,1.10); cuối cùng, chính Philatô "nộp" Ðức Giêsu cho bọn lính đánh đòn (15,15)... Ðức Giêsu đã ý thức sống cuộc tử nạn như biến cố trung tâm của chương trình cứu độ.
Trong Tin Mừng Máccô, lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu đánh dấu một giai đoàn của cuộc hành trình vừa có tính cách địa lý vưa mang tích cách thiêng liêng. Chỉ duy Máccô đã đặt ba lần loan báo "cuộc khổ nạn" (8,22; 9,30-34; 10,32) trên đường đi trong khung cảnh cuộc hành trình dẫn Ðức Giêsu và các tông đồ từ Caisaria của Philipphê ở cực bắc, xuống Galilêa đến Giêrusalem ngang qua Giêricô.
Ðức Giêsu bắt đầu thực hiện cách đích thực ý định của Thiên Chúa và mạc khải dứt khoátbản thân cùng công việc của Người, bằng việc dấn thân trên một con đường mới sẽ đưa Người tới cái chết. Con đường ấy của "Con Người", đường khổ nạn, luôn là một nghịch lý nhiệm mầu chỉ được mạc khải trong bí mật, nhưng vẵn khó hiểu và gây bối rối. Tuy nhiên, chính trên con đường nầy mà Ðức Giêsu muốn lôi kéo bạn hữu Ngài cùng đồng hành.
Ðức Giêsu được sai đến trong trần gian để tái tạo vũ trụ như ngày đầu tiên từ tay Thiên Chúa. Người đến không phải để thay đổi các cơ cấu xã hội đương thời, nhưng để chiến thắng trên một bình diện sâu xa và nội tâm hơn. Ðức Giêsu đến để chỉ cho nhân loại con đường giải thoát khỏi những ham muốn, vị kỷ, ghen tương. Con đường đó chính là con đường thập giá, con đường đi ngược chiều với chuyển động tự nhiên của chúng ta. Tự nhiên, chúng ta muốn làm lớn, uy quyền hơn, lớn hơn người này người kia... Bằng một giọng vừa dịu dàng, thanh thoát nhưng cương quyết, Ðức Giêsu nói : Nếu ai muốn làm lớn, hãy làm người nhỏ nhất. Ðể được như vậy, cần phải có một tâm hồn đơn sơ, vô vị lợi. Người trần gian thường có khuynh hướng đón tiếp, thân mật với những ai có thể giúp họ tiến lên trong giai cấp xã hội. Còn Ðức Giêsu : Hãy đón tiếp trẻ em là một việc làm vô vị lợi, vì trẻ em chẳng mang lại lợi lộc gì cho chúng ta. Ðức Giêsu nói đó là con đường giải thoát nội tâm và là con đường xây dựng một thế giới mới phù hợp với chương trình cứu độ trần gian của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)
-----------------
Ð.ô. Mai Ðức Vinh (2012)
KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ
Đây là lần thứ hai Chúa bảo cho các tông Đồ biết Ngài sẽ chịu đau khổ, chịu chết, nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Đồng thời, khi thấy các Tông Đồ tranh luận với nhau ‘xem ai là người lớn nhất’, Chúa liền gọi một đứa trẻ đến đứng vào giữa mà dạy các ông về ‘đức khiêm nhường phục vụ’.
Đấng Kitô sẽ chịu đau khổ và chịu chết là điều khó hiểu và nghịch với ý nghĩ của các Tông Đồ cũng như những người Do Thái trông đợi Đấn Thiên Sai. Thực tế đối với ước mong của họ, ‘Đấng Kitô sẽ khôi phục nước Do Thái, sẽ làm vua, và do đó trong họ sẽ có người làm chức lớn (Mt 20,20-28 ; Cv 1,96). Ước nguyện này hoàn toàn trái với sứ mệnh của Đấng Cứu Thế. Chúa gián tiếp khẳng định sứ mệnh của Chúa bằng việc dạy cho các Tông Đồ sống ‘đức khiêm tốn phục vụ’ : « Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người bé nhất và làm đầy tớ mọi người ».
Muốn mình lớn hơn người khác, muốn mình điều khiển người khác … là chuyện bình thường của người đời. Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ sống ngược lại chuyện bình thường đó. Chính Chúa đã thực hiện như vậy khi từ trời xuống thế, từ ngôi Thiên Chúa xuống làm em bé yếu đuối nghèo hèn, từ Đấng toàn năng hạ mình xuống làm kẻ vô danh, từ Đấng đáng tôn thờ làm người bị nguyền rủa, làm tên tử tội. Tất cả chỉ vì yêu thương và phục vụ các linh hồn (x Dt 5,8 ; Pl 2,8). Tôi phải noi gương Chúa Giêsu sống đức khiêm nhường phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con đón nhận tình yêu cứu chuộc Chúa dành cho con. Chỉ vì yêu con, chỉ vì muốn cứu độ con, Chúa đã hạ mình sinh ra cơ hàn, lớn lên trong nghèo khổ, tất tả đi rao giảng và vâng lời cho đến chết. Xin cho con biết học với Chúa về đức khiêm nhường phục vụ đối với hết mọi người.
Amen.