CN 24 THƯỜNG NIÊN - Năm B
13.09.2015
"Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng
của Thiên Chúa, mà là của loài người."
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Tiên Tri Isaia (50, 5-9 ).
Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên…
ĐÁP CA (Tv 114)
Tôi sẽ bước đi trước mặt Người,
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Lòng tôi yêu mến Chúa,
vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài,
Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.
BÀI ÐỌC II
Bài trích thư của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ (2, 14-18).
Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết…
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (8, 27-35).
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : "Người ta nói Thầy là ai ?" Các ông đáp : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó". Người lại hỏi các ông : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô trả lời : "Thầy là Đấng Ki-tô". Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : "Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người". Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Phó tế Tạ Đình Chung
« Vậy Đức Giêsu là ai ? » Ngay từ đầu, Phúc Âm thánh Máccô đã quy hướng về câu hỏi này và người đọc thấy câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi khi đọc tới giữa bản Phúc Âm của thánh sử. Một hôm, ở Xêdarê Philipphê, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ : Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai ? Phêrô thay mặt anh em trả lời Thầy là Đấng Kitô. Tước vị mà Phêrô qui gán cho Đức Giêsu chính là tước vị mà Máccô đã dùng ở đầu Phúc Âm (Mc 1,1). Thầy là Đấng Kitô, Phêrô đã trả lời đúng. Đức Giêsu không phản đối ông, Người chấp nhận lời tuyên xưng đức tin của ông (trong bài tường thuật của Mat-thêu, Đức Giêsu còn bảo ông là người có phúc vì được Chúa Cha mạc khải cho điều ấy). Vậy thì Phêrô đã nhận thức được điều gì khi tuyên xưng như thế ?
Đấng Kitô : Vị Vua Cứu Tinh được các ngôn sứ loan báo, như ngôn sứ Isaia _chúng ta vừa đọc một trong những sứ điệp quen thuộc của ngôn sứ (bài đọc 1)_ hay Giêrêmia : Sẽ tới ngày Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị Vua lên ngôi sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Khi Người trị vì, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn… Ta cũng có thể trích ngôn sứ Michée : Phần ngươi, hỡi Bê-lem… từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Ít-ra-en… Hay Amos, hay Za-cha-rie…
Đức Giêsu đã chấp nhận lời tuyên xưng của Phêrô. Thế nhưng Người đã cấm các môn đệ không được nói với ai về Người để người ta khỏi hiểu sai về Người. Người chính là Đấng Kitô, Đấng Mêsia của Thiên Chúa, nhưng không như Phêrô và những người đồng thời trông mong kỳ vọng. « Lần đầu tiên » Chúa Kitô tiết lộ cho các môn đệ biết về số phận của Ngài : chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Không hiểu và không chấp nhận được, Phêrô liền kéo Người ra và trách Người. Phêrô đã nói với những tình cảm của ông dành cho Đức Giêsu, nhưng ông nói như Satan trong sa mạc đã muốn quyến rũ Đức Giêsu xa tránh sứ vụ và vâng phục Chúa Cha. Đức Giêsu đã mắng trách ông : Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người.
Đây là bài học Đức Giêsu để lại cho môn đệ của Người ở mọi thời đại. Tin vào Đức Giêsu là nhận ra Người là Con Thiên Chúa khi Người tắt thở trên thập giá, như viên đại đội trưởng đứng đối diện với Người trên đồi Calvê (Mc 15, 39). Đức tin này đòi hỏi người môn đệ bước theo Ngài trên đường khổ nạn là con đường duy nhất dẫn đến Phục Sinh. Tin không phải là tuyên bố thuộc về Đức Kitô mà hành động, xử sự như Người, là bước theo Người vô điều kiện.
Ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo.
---------------------
Phó tế Nguyễn Văn Thạch (2009)
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?
Một hôm, dọc đường đến vùng Xêdarê Philípphê, trước nhiều ý kiến khác nhau của người ta, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải theo ý nghĩ cùa chính mình mà phát biểu : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phêrô thay mặt cho nhóm, trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Chúa liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (Mc 8, 29-30). Trong Tin Mừng theo Maccô, có đến cả chục lần việc Chúa cấm như vậy. Thái độ này của Chúa có ý nghĩa gì ?
Chúa biết, đối với đa số người do thái ngày xưa, cũng như đối với chúng ta ngày nay, tư tưởng về Đấng Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến, không được hiểu cách đúng đắn, nhưng thường mang đầy ý nghĩa duy vật, nặng ham muốn trần đời. Biết bao lần các tông đồ hỏi Chúa « Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự theo Thầy !” (Mc 10, 28). Có nghĩa là Thầy sẽ trả công cho chúng con gì, sức khỏe, công ăn việc làm hay danh phận gì ? Sách Maccô kể lại: « Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: « Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây. « Người hỏi: Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?’ Các ông thưa : ‘Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Các tông đồ rất thiết thực và xin điều rất trần thế. Chỉ dần dần, qua đau khổ, qua bách hại mà các ngài được nâng lên bình diện đức tin. Tiên tri I-sai-a đã tiên báo về “Người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa”, khí phách khác thường. Những bách hại và những lăng mạ sĩ nhục không thể nào lay chuyển được ý chí trung thành với ơn gọi và sứ mệnh được giao phó. Người Tôi Trung “trơ mặt ra như đá”, không chút thẹn thùng, vì “Thiên Chúa tuyên bố rằng tôi công chính, và Ngài luôn ở kề bên.” Chúa Giêsu biết phần lớn con người chúng ta đều có tư tưởng không mấy hiểu biết về Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế, về con đường Chúa đi, để cứu sống chúng ta khỏi ách tàn bạo của bao hệ thống tư tưởng dối trá loài người, khỏi ách tàn bạo của tội, của cái chết, để mang chúng ta về lại với sự thật và thần khí, về cõi sống đời đời của Thiên Chúa. Chúa chấp nhận lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô. Nhưng cũng là lần thứ nhất, Chất mạc khải cho các môn đệ Người biết : “Người phải chịu đau khổ nhiều”, “bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ”, “bị giết chết” và “sau ba ngày, sống lại.” Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! " (Mt 16, 22)
Phản ứng của Phêrô chắc là do cảm tình tốt mà ra. Nhưng bị Chúa quở trách nặng, vì Phêrô không biết, nghĩ và nói như thế là nghĩ và nói theo Satan, ngày trong hoang địa, nó đã cố ý thuyết phục Chúa đừng tiếp tục sứ mệnh, đừng vâng lời Thiên Chúa, Cha của Người. Đấy là nòng cốt đức tin được tông truyền cho các môn đệ Chúa của mọi thời, nghĩa là cho mỗi một anh chị em chúng ta hôm nay. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô, chính là nhận biết Người là Con Thiên Chúa đã chết cho tôi, trên Thập Giá. Chính kinh nghiệm được Chúa Giêsu yêu thương. Được Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, yêu thương đến cùng, là đầu mối của sự biến đổi triệt để cuộc đời thánh Phaolô, làm ngài nói lên : “Đời sống “trong xác thịt” hiện nay của tôi, tôi sống nó trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20).
Chính đức tin này vừa đòi hỏi, vừa làm phấn khởi người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta được Chúa kêu gọi đi theo Người, sống như Người, trên con đường Thương Khó, con đường duy nhất dẫn tới Phục Sinh. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo." Chúa Giêsu đã cho, đã cho đi tất cả, cả đến mạng sống của Người để chiếm hữu cho mỗi anh chị em chúng ta sự sống đời đời. Nếu nhận biết mình được Chúa yêu thương đến cùng, thì sự sống đời đời không chỉ là sự sống sau khi chết, nhưng chính là sự sống Chúa mời gọi chúng ta sống ngay từ đời này, để yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
----------------------
Ð.ô. Mai Ðức Vinh (2006)
1. Giáo huấn Tin Mừng
Chúa Giêsu là đối tượng của dư luận Do Thái. Người ta đặt nhiều câu hỏi về thân thế và sứ mệnh của Ngài : “Ngài là Gioan Tẩy giả”, là “ngôn sứ Elia”, là “một ngôn sứ nào đó”. Chỉ các Tông đồ đi theo Chúa mới nhận ra “Ngài là Đức Kitô”, nhưng còn nhiều khía cạnh khác họ chưa hiểu được, nhất là ‘việc Ngài sẽ phải chịu thương khó và chịu chết…”. – Quả thật, cho tới ngày nay và cho tới tận thế, người ta vẫn còn phải tìm học, tìm hiểu về Chúa Giêsu, nhưng không ai hiểu hết được Ngài, thậm chí còn bao nhiêu người không nhận ra Ngài…: Đức Kitô là một mầu nhiệm lớn đối với mọi người !
2. Câu chuyện giúp hiểu Lời Chúa
* Nhiều cái nhìn về Chúa Giêsu : Tôi là sinh viên triết học năm thứ ba tại Sorbonne. Trong một buổi trao đổi về Chúa Giêsu, nhóm sinh viên đã có cái nhìn rất khác nhau về Ngài. Mấy sinh viên thiên tả, hay đi biểu tình gọi Chúa là “nhà cách mạng siêu đẳng”, mấy sinh viên nghiền sách cho Ngài là “nhà đại tư tưởng, đại triết gia”, mấy sinh viên có khuynh hướng xã hội chủ trương Chúa Giêsu là “nhà cách mạng xã hội, là người bình dân”, mấy sinh viên có tinh thần khoa học thì nhận Chúa là “ông trùm ảo thuật”. Sau cùng những sinh viên có nền giáo dục kitô vững chắc thì công khai tin Chúa Giêsu là “Ngôi Hai Thiên Chúa làm người”, là “Đấng Thiên Sai”, là “Đấng đã chết và sống lại” (Nguyễn Gilbert).
* Ngài luôn là mầu nhiệm đối với tôi : Một ngày kia có người hỏi ông Daniel Webster, một chính trị gia và một nhà hùng biện nổi tiếng Mỹ quốc (1782-1852) như sau : - “Ông có hiểu Đức Giêsu không ?” . Ông Daniel Webster trả lời: “Không, tôi rất lấy làm xấu hổ mà nhận Ngài làm Chúa của tôi, nếu tôi có thể hiểu được Ngài. Tôi cần một Chúa Cứu Thế siêu nhân, một Đấng tuyệt đối vĩ đại và tuyệt đối vinh hiển mà tôi không thể hiểu được” (CHYĐ4 tr.32).
3. Xin ơn
Lạy Chúa Giêsu, xin mở tâm trí mọi người để tất cả nhìn nhận giới hạn của mình trước mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con xác tín vào niềm tin : Chúa là Thiên Chúa làm người, là Đấng Cứu Chuộc trần gian. Xin Chúa gìn giữ, đừng để chúng con bị lôi cuốn vào tà thuyết. Xin Chúa thứ tha cho những người xúc phạm đến thân thế của Chúa. Amen.
4. Nằm lòng
Chúa Giêsu cũng là Thánh Giá tôi phải vác, bởi vì chẳng bao giờ tôi hiểu được Ngài như lòng tôi mong muốn.