CHƯƠNG XXXIX
SINH HOẠT ÐAN VIỆN VÀ DÒNG
TU VÀO CUỐI THỜI TRUNG CỔ,
1216-1500
CHƯƠNG XXXIX
SINH HOẠT ÐAN VIỆN VÀ DÒNG
TU VÀO CUỐI THỜI TRUNG CỔ,
1216-1500
Chúng tôi đã phác họa tiến trình lịch sử sinh hoạt đan viện và dòng tu cho tới cuối thế kỷ XII. Công đồng Latran IV thường được chọn để đánh dấu khởi đầu một thời đại mới. Công đồng không có ý thử thực hiện và thực ra đã không thực hiện được cuộc cải cách tinh thần của các tu sĩ và kinh sĩ. Nhưng đưa ra các biện pháp và hình phạt theo giáo luật còn tồn tại lâu dài. Công đồng cho áp dụng vào tất cả các tu sĩ, những lối canh tân kỷ luật rất hiệu lực của dòng Citeaux. Có hai dòng tu cổ xưa nhất, dòng Biển Ðức và tổ chức kinh sĩ dòng, cả hai lúc đó hợp thành những tỉnh dòng, tức là đơn vị hành chính và thanh tra, được cai trị bởi các kinh sĩ đoàn nhóm họp bốn năm một lần, theo mẫu các hội nghị dòng Citeaux và Prémontré. Một khoản giáo luật khác đặt định quyền và bổn phận của bản quyền (thường là giám mục) đi thanh tra các tu viện không được miễn chuẩn. Về sau, có một sắc lệnh bắt hết các bề trên phải xuất trình sổ sách của nhà mình trước kinh sĩ đoàn họp hàng năm và phải được kinh sĩ đoàn chấp thuận về hết các khoản chi tiêu quan trọng. Ðó là những sắc chỉ cải cách cần thiết và hữu ích, nhưng chỉ đề cập tới vấn đề hành chánh hơn là sinh hoạt thiêng liêng. Các sắc chỉ cũng không được áp dụng nghiêm chỉnh cả mọi nơi. Có lẽ tại nước Anh, các dòng tu còn giữ được nhiều dấu vết của trào lưu cải cách hơn những nước khác.
Ngoài những vấn đề quy luật nội bộ, các tu sĩ và kinh sĩ, từ thế kỷ XIII, đã bước vào thời đại mới. Trước hết, nếp sống kinh sĩ, tu sĩ và dòng tu, suốt nhiều thế kỷ, đã được coi như cách thế độc nhất để theo những lời khuyên Phúc âm, để sống đời sống tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, thì nay lại có một cạnh tranh: đó là đời sống của các dòng anh em huynh đệ. Vì các tu sĩ Citeaux và Prémontré đã đoạt quyền thu hút nhiều ơn gọi, giống như dòng Biển Ðức và kinh sĩ thời trước. Hơn nữa, khi được phát triển, chính các trường đại học cũng có một hình thức chiêu mộ mới, đặc biệt đối với nhóm thanh niên trẻ tuổi và thông minh ham học hỏi. Con trai có trí thì theo học văn khoa từ tuổi 13. Rồi chúng bước vào ngành hành chánh hay đại học. Cứ như thế cho tới khi dòng các anh em xuất hiện. Nói tóm lại, ngành đại học phát triển ở Âu châu, khi đó đặc biệt có lý luận học, rồi luật học và thần học, cả ba môn đã bóp chết ngành học văn chương và nhân bản nơi các tu viện. Kỷ nguyên văn học dòng tu đã thành lỗi thời. Giữa công đồng Latran và sự gia tăng số các nhà nhân bản thế kỷ XV, thì các đại học đường và các trường cúa các anh em trong khuôn viên đại học là những trung tâm sinh hoạt trí tuệ. Hiện tượng quá hiển nhiên, khiến các tu sĩ bị coi là dốt nát, vì thế vào cuối thế kỷ XIII, họ vùng dậy, đòi theo các trường đại học. Dĩ nhiên trào lưu này hữu ích và cần thiết. Nhưng sinh hoạt đại học không làm thỏa mãn đa số các tu sĩ và kinh sĩ, không được coi như con đường công danh hay địa vị trí thức. Không có tên một tu sĩ nào được đứng vào sổ các nhà kinh viện thời danh.
Một cách chung, các dòng cổ xưa vẫn tiếp tục được phát triển trong suốt thế kỷ XIII. Có nhiều bề trên dòng lỗi lạc và nhiều văn sĩ thời danh. Ở vùng Tây Bắc Châu âu, các tu sĩ, còn là điền chủ, đã lợi dụng sự phát triển kinh tế và đã đứng ra khai thác các đất đai sở hữu của mình. Hệ thống khai thác còn thịnh hành cho tới thế kỷ XIV thì nay nhìn chung đã suy yếu, lại thêm nạn dịch lớn và những hậu quả xã hội và kinh tế làm cho suy yếu thêm. Các dòng cổ thời như Citeaux từ nay chỉ còn rất ít trợ sĩ, nên dần dần phải đi tới một hệ thống kinh tế lĩnh canh và tô tức. Ở thế kỷ XV hầu hết các dòng đều là những ”người thực lợi” sống bằng tô tức và huê lợi thiêng liêng của các đất đai mình làm sở hữu.
Cũng có một biến chuyển tiệm tiến trong khuôn viên nhà dòng. Ở thế kỷ XI, đời sống tu hành chuyên chú vào phụng vụ. Chế độ dòng tu Biển Ðức và Citeaux vẫn tiếp tục chuyên lo phụng vụ. Nhưng những người làm hành chánh và học hành đã bắt đầu thấy ngày làm việc quá ngắn. Một phần các ca vịnh phụ đã bị cắt bỏ. Còn về việc ăn uống, sự cấm tuyệt đối ăn thịt, mặc dầu trong nhiều miền không cấm ăn thịt gà vịt, nay rất khó duy trì. Một cách chung, người ta theo một hệ thống luân chuyển cho phép dự chung bàn ăn với bề trên hay đến ở bệnh xá sau thời kỳ kham khổ thường lệ. Ở thế kỷ XIV việc thành lập ”nhà ăn có thịt” trở nên thông thường. Các thày thay phiên nhau tới, còn món ăn theo luật thì vẫn dùng ở nhà ăn chính. Những đổi mới này và còn nhiều điều nữa đã được ghi thành luật và bắt các dòng tu Âu châu thi hành với một loạt các qui chế mà giáo hoàng Benoit XII đã công bố: Ngài là thày dòng Citeaux. Các ”qui chế Biển Ðức” được ban hành cho các ”tu sĩ áo đen” (1336) và những sắc chỉ tương tự ban bố cho các ”tu sĩ áo trắng ” và các kinh sĩ (1335 và 1339), xét về căn bản là một ”hiệu chính” hợp thức hóa một số ”trường hợp nới rộng”, tỉ như việc được ăn thịt, việc khuyến khích các thày đi học đại học, việc ngăn cấm những vi phạm về đức khó nghèo bản thân và đức vâng lời trong dòng. Chúng tiêu biểu cho công việc cải cách cuối cùng trong cả Giáo Hội do giáo triều thời Trung Cổ ban bố. Nhưng chúng không thành công lâu dài. Sự sa sút mỗi ngày trở nên trầm trọng. Suốt năm chục năm đại ly khai, các ”giáo hoàng đối thủ” vì thiếu tiền, đã bán các thứ miễn chuẩn cho các tu sĩ. Tinh thần thời đại ở khắp nơi là biến mỗi công vụ thành bổng lộc. Các bề trên lâu đời vẫn có các huê lợi riêng và được ở những nhà biệt lập với cộng đồng. Dần dần, các chức sắc khác (hoặc là các thừa quản) của cộng đồng, nhờ vào tục lệ hay sau một sự phân chia hợp pháp, cũng được hưởng một số lợi tức và được nhà ở với đầy tớ riêng. Về những nhu cầu hằng ngày, các anh em tu sĩ, tới đây được dùng chung (lương thực, quần áo và thuốc men), được một món tiền cá nhân và hằng năm gọi là ”tiền công”, với số này họ có thể mua quà bánh (như bánh kẹo, thuốc lá và thuốc men) và sách vở. Thế là những nhà dòng theo luật nghiêm khắc đáng kính bắt đầu giống như những tu hội tập đoàn.
Ðời sống tu trì dần dần cũng suy thoái và càng suy thoái vì những tai ương công cộng và những tệ lạm xã hội. Phải kể những nạn dịch lớn giết chết nhiều người, có khi tới từ 10% đến 30% các tu sĩ cúa đại cộng đồng, và làm tiêu tan hoàn toàn các cộng đồng nhỏ. Cũng phải kể đến những cuộc chiến tranh thời đó, nhất là những vụ cướp bóc và tàn phá trong thời chiến tranh một trăm năm. Sau cùng nhiều đất đai hữu sở bị bỏ bê vì thiếu người làm, như ở Ý. Trong số các tệ lạm, lộc thánh được kể như một tai họa. Như chúng ta đã thấy, đây là một thể chế có lâu đời, người ta đã lạm dụng từ thời đại trước. Thực ra tục lệ này đã bị bãi bỏ vào thời cải cách của đức Grégoire, nhưng nó lại tái hiện để cung cấp việc làm và phương cách sinh sống cho các giám chức đã phải bỏ tòa của mình ở miền Trung Ðông. Trong thời kỳ các giáo hoàng ở Avignon, nó còn lan tràn rộng lớn hơn. Nó được dùng để bù lại cho các hồng y và chức sắc khác đã mất các hoa lợi ở Ý và nói chung, để bảo dưỡng các công chức. Trong thời ly khai, các giáo hoàng đối thủ lại xử dụng dể ân thưởng và bao che các đồng đảng của mình. Các vua nước Pháp và các ông hoàng ít bề thế hơn ở Ý và các nơi khác cũng làm như thế. Trong các hòa ước của thời công đồng trị, đôi khi Roma nhượng các bổng lợi cho các vua chúa và các chức sắc. Tục này hầu như có trên toàn nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Tệ đoan này ít có ở Ðức và không có ở Anh, ít ra trong thời kỳ chúng ta đang bàn tới. Thường thường công việc xẩy ra khi người thay tu viện trưởng bằng một viên chức có hiệu tòa và vắng mặt, có thể là một giám mục hay một giám chức nào, nhưng về sau thường là giáo dân. Người có hiệu tòa giữ chức vụ đó suốt đời. Ít nhất ông được hưởng một hoa lợi hằng năm mà trước đây đã ban cho bề trên nhà đó. Người có hiệu tòa vô lương tâm có thể thu được nhiều tiền bạc và làm cho nhà đó phá sản. Nhà đó được cai quản bởi một tu viện trưởng, thường do bề trên giám hộ cắt đặt. Vì này thiếu thế giá thường có nơi bề trên được tấn phong theo luật dòng và thiếu uy quyền cần thiết để giải quyết những việc trọng đại về cả tinh thần lẫn vật chất. Trong nhiều trường hợp đặc biệt, người có hiệu tòa trở thành gánh nặng cho tu viện, họ để các tu sĩ đói khổ, họ xỉ nhục các tu sĩ, đang khi họ ở lầu đài ngay trong nội địa tu viện, như ở Ecosse vào cuối thế kỷ XV. Tới thế kỷ XIV và XV, tất cả những bất hạnh này, kể cả sự suy thoái chung và sự tục hóa đời sống tu trì trong nhiều lãnh vực, đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Tuy lòng đạo đức sốt sắng giảm sút, nhưng việc giữ luật không bị thả lỏng ở mọi nơi! Trong các vùng quê, nhiều tu viện giống như những nông trại lớn hay những lâu đài nhỏ. Nhiều tu viện trở thành ”ổ” bê bối trái hẳn mọi qui luật dòng. Không có bản thống kê, cho nên không sao đánh giá rõ ràng tình trạng tốt và xấu dưới mọi khía cạnh được. Nhưng nói chung, những nhà lớn hơn hết và danh tiếng hơn hết đều đáng kính hơn hết. Chắc chắn tại Pháp kinh tế sa sút nhiều hơn cả. Ở Ðức và ở một số miền tại Ý, có nhiều gương xấu trầm trọng hơn cả. Không có lộc thánh như ở Pháp và những đặc ân quí phái như tại Ðức, nước Anh có thể tốt hơn nhưng không phải là gương mẫu.
Một tệ lạm khác rất thông thường trong đế quốc Ðức đó là việc nhà dòng chỉ nhận những người thuộc quí tộc hay những người có phẩm tước cao. Tình trạng chuyên nhất này xảy ra đặc biệt trong các nữ tu viện. Việc chiêu mộ lại làm tăng thêm cái tính cách trần tục cúa những nhà đó. Những tờ biên bản thanh tra cho thấy có một ít cộng đoàn có những xáo trộn trầm trọng do thói kiêu kỳ quí tộc, sự phiền muộn và bệnh cuồng loạn gây nên.
Khi đời sống tu trì nghiêm khắc không thu hút nhiều người nữa, khi các dòng tu hoạt động có nhiều ơn gọi, chúng ta phải nghĩ đến không nguyên những người có ơn gọi sâu xa đích thực, mà cả những người tìm đến tu viện vì muốn có một nếp sống điều độ, yên hàn và chăm chỉ, có bầu khí đạo đức. Ở thời Trung Cổ đã thấy có một sự thay đổi tiệm tiến và rất khác nhau về hoàn cảnh xã hội của những người muốn xin vào tu viện. Năm 1100, đại tu viện kết nạp nhiều người từ giai cấp địa chủ phong kiến, nhiều người từ xa tới. Ðến thế kỷ XV, các tu sĩ phần đông xuất thân từ giai cấp các tiểu chủ trang trại và tiểu tư sản ở vùng lân cận hay cư ngụ trên lãnh thổ cúa nhà dòng. Về phía nữ, ơn kêu gọi sâu xa hiếm hoi hơn. Các nữ tu ở Âu Châu Trung Cổ, tuy có thể làm chúng ta bỡ ngỡ, không đông bằng nam tu sĩ. Hầu như tất cả đều xuất thân từ giai cấp quí tộc hay đại tư sản. Trong những giai cấp xã hội ấy, một người con gái không lấy chồng là một gánh nặng. Người ta viện ra mọi lý do khả dĩ để tìm cho cô một đời sống vững chắc trong một tu viện.
Khi tình trạng kinh tế và đời sống thiêng liêng của hậu bán thế kỷ XII bị sa sút và ảnh hưởng đến các cường quốc Âu Châu, thì các dòng anh em đã mạnh mẽ gây ảnh hưởng tới các giai cấp bình dân mà từ xưa tới nay ít có tương quan với các tu viện. Các dòng tu mới chỉ xuất hiện dưới những hình thức các nhóm người sống khắc khổ, như đã thấy ngay trong nội bộ dòng Biển Ðức. Dòng Sylvestrain hay Biển Ðức xanh được thành lập ở Monte Fano năm 1231 và mang tên vị sáng lập là Sylvestre Guzzolini. Dòng Celestin và dòng ẩn tu (1264) mang tên của vị sáng lập là Pierre de Morrone người bất hạnh, sau làm giáo hoàng Celestin V; dòng Olivetains, thành lập trên Monte Oliveto (núi Olivet) do vị sáng lập là Bernado Tolomei (1344). Các dòng này phồn thịnh trong một thời gian, sau đó chỉ dòng thứ nhất và dòng cuối cùng còn tồn tại.
Trong tất cả các dòng tu, chỉ dòng Chartreux phát triển từ từ nhưng liên tục. Họ cẩn thủ luật dòng và duy trì lòng nhiệt thành suốt thời Trung Cổ. Ban đầu, họ lập nhà trong những miền rừng núi ít người ở. Vào giữa thế kỷ XIV, họ bắt đầu gây dựng giữa trung tâm các thành phố như Paris, Cologne và Londres, với tu viện Chartreuse de La Salutation danh tiếng (1370). Ðó là ”kỷ nguyên những dòng chiêm nhiệm”. Nói chung vào giữa thế kỷ XIV, dòng Chartreux phồn thịnh nhất với 107 nhà và thích nghi tốt đẹp với môi trường sống chung quanh. Trong hàng ngũ của họ phải kể tới Denys le Chartreux, một trong những tác giả huyền nhiệm lỗi lạc nhất thời Trung Cổ. Ngoài dòng Chartreux, thí ít có dòng mới thành lập sau 1300. Trừ một trường hợp dòng Sion danh tiếng, giàu có và rộng lớn, gần Londres, do vua Henri V xây cất năm 1415, cho cộng đồng các nữ tu thánh Brigitte, gốc Thụy Ðiển, cho các linh giám và tuyên úy có chức vị. Ða số các vị này, cũng như các cộng đồng Chartreux ở thành phố, được tuyển mộ từ các giáo sĩ thuộc giới thượng lưu hay có lực học đại học và đi ”tu muộn”.
Chúng ta đã bàn về các dòng anh em trong thế kỷ thứ nhất của họ. Khác với các tu sĩ Phanxicô, dòng Ðaminh vẫn chỉ là một dòng đại thệ độc nhất. Nhưng họ cũng suy thoái về đạo hạnh và phải chịu những tai ương ở giữa thế kỷ XIV. Việc tuyển mộ bị chậm lại, các gương xấu tăng thêm, việc giữ đức nghèo khó lỏng lẻo. Số các tu sĩ Ðaminh được hiển thánh hay á thánh ít ỏi. Trong thời đại ly khai dòng bị chia rẽ trầm trọng, nhưng được hai vị thánh: trước tiên là Vincent Ferrier, một người Tây Ban Nha dựa vào giáo hoàng Avignon và dính líu tới hoạt động ngoại giao nơi triều đình Aragon; thứ đến là Catherine de Sienne, dòng Ba Ðaminh tham gia tích cực vào việc bảo vệ giáo hoàng Roma. Thánh nữ Catherine có lẽ là phụ nữ và thánh nữ lỗi lạc nhất thời đại. Có tinh thần quả cảm và biệt ân xuất thần, tâm hồn cao thượng và trí thông minh. Mỗi thư bà viết là một viên ngọc. Bà có một bản ngã sáng ngời, một tình mẫu tử đậm đà đối với ”gia đình” và với những ai cần đến bà như cố vấn. Bà giữ một vai trò trong lịch sử thời đại, không chỉ ảnh hưởng tới Urbain V, mà còn đào tạo một nhóm đồ đệ đi khắp nơi cổ động tinh thần cải cách của bà. Trong số này, có cha Raymond de Capoue sau này trở thành bề trên cả của dòng (1380), và chân phước Jean Dominici (sau làm hồng y) cùng với Conrad de Prusse đã sáng lập dòng Tuân Thủ (Observance), tức dòng anh em giữ luật cách nghiêm nhặt. Ở thế hệ sau, thì có Fra Angelico de Saint Marc ở Florence và thánh Antonin. Cả hai cũng là đồ đệ của Dominici. Trào lưu tràn qua Ðức và Tây Ban Nha nhưng chỉ ở cấp địa phương.
Ðông số hơn cả, các tu sĩ Phanxicô cũng phải chịu những tai ương thời đại. Ðức Jean XXII đã lên án phái ”thiêng liêng”, nhóm này thiếu khôn ngoan và gặp nhiều rủi ro, cho nên phái chính thống luôn nắm phần đa số. Các khuynh hướng ”thiêng liêng” còn phát hiện ở Ý và ở Provence. Trước cuối thế kỷ dòng bị chia rẽ. Một cuộc cải cách dòng được khởi sự năm 1368. Người ta thiết lập nhà các anh em ”tuân giữ”. Sau những bước đầu tiệm tiến, anh em ”tuân giữ” trở thành một tập đoàn quan trọng. Trước hết trong những nhà thuộc nội bộ dòng, rồi sau thành ngành riêng biệt, nhưng vẫn ở dưới quyền bề trên cả Phanxicô. Có ba vị thánh ở thế kỷ XV là tu sĩ tuân giữ: Bernardin de Sienne, Jean de Capistran và Jacques de la Marche. Vì chủ trương phải cẩn thủ quy luật nên các tu sĩ nhóm tuân giữ sống tách biệt khỏi dòng và chỉ trích mọi nhân vật, chỉ trích phong hóa chính trị.
Khó đưa ra một nhận định chung về tình trạng các dòng tu suốt hai thế kỷ cuối cùng thời Trung Cổ. Cũng khó ấn định thanh thế và danh thơm của họ. Từ khi hoạt động văn chương được phổ biến, các tu sĩ luôn luôn bị các văn sĩ trào phúng chỉ trích. Cách ăn ở xa hoa trần tục, áo quần lộng lẫy, ẩm thực no say... của các dòng tu, tất cả đã gợi hứng cho nhiều tác giả tiếp nối ngòi bút của Gérald de Galles. Với Wyclif và những người theo ông, sự chỉ trích có phần nghiêm khắc và đe dọa hơn. Nhưng khó phân biệt được những tố cáo về những hình thức tổ chức và sinh hoạt với những tấn công chống lại chính những nguyên tắc của đời sống tu trì. Có một tố cáo mọi người quan sát xã hội đều nhìn thấy, là các anh em quá đông và có mặt khắp mọi nơi. Theo cách nói của Chaucer, các tu sĩ cũng ”đông như bụi bay trong ánh sáng mặt trời”. Chắc chắn rằng sự hiện diện của tu sĩ ở khắp nẻo đường và cả trong mọi nghĩa trang đã làm cho nhiều quan sát viên phải bực mình. Như thế chứng tỏ, đời sống của anh em, nếu chưa phải là ơn kêu gọi, vẫn còn thu hút được nhiều người. Anh em tham gia vào các việc của thành phố và hiện diện tích cực giữa đám quần chúng sinh sống tại các chợ búa và vùng ngoại ô.
Mặc dầu trong thế kỷ XV, những ý muốn mờ nhạt đã vô hiệu hóa công trình cải cách, tuy nhiên cũng có những trung tâm tuân giữ mới. Một hình thức thiết lập dòng tu mới được khởi xướng. Cho dù nhiều lần bị ngưng đọng, hình thức tổ chức mới này sau cùng vẫn tồn tại và đã khai nở những tổ chức dòng quan trọng trong thời hiện đại. Ðó là khuôn mẫu mới mà nhà tiêu biểu là thánh nữ Justine de Padoue. Cựu tu viện Cluny đã sớm suy sụp. Năm 1412, kinh sĩ người Venise là Ludovico Bardo (mất năm 1443) được đức Grégoire XII ủy quyền canh tân lại. Nhà dòng trở nên thịnh vượng và cải tổ được mấy nhà khác. Chủ ý tránh ”nạn lộc thánh”, Bardo sáng lập một hội dòng mà tổ chức cuối cùng được đức Eugène IV phê chuẩn năm 1431. Không có bề trên được bầu mãn đời và các nhà không có quyền tự trị. Quyền tối cao thuộc về tổng hội và ban quản trị gồm chín người, có toàn quyền lập pháp và hành pháp. Ngoài ra, những đại biểu có quyền bầu bề trên, hưởng nhiệm kỳ ba năm, và bầu hết các chức sắc khác của nhà dòng. Giữa các khóa hội, có những người được bổ nhiệm đi thanh tra từng nhà xem các quyết nghị của hội dòng đã được thi hành đến đâu. Các tu sĩ thuộc về hội dòng chứ không thuộc về nhà dòng. Nếu thành công, làm được việc, thì các bề trên được chuyển từ nhà này qua nhà khác, theo nhiệm kỳ ấn định rõ rệt. Ðây là một biến chuyển triệt để và nhiều người gọi là một lệch lạc, nếu đối chiếu với hình thức tổ chức của thánh phụ Benoit. Theo thể chế quân chủ, bề trên là thân phụ mãn đời của mọi tu sĩ trong dòng, nay được thay thế bằng một người có tước hiệu tạm thời, do tổng hội nghị bầu lên và các hoạt động bị thu hẹp và bị kiểm soát bởi một ủy ban và những vị thanh tra có trách nhiệm trước công nghị của dòng. Có mục đích tránh hệ thống bổng lộc và có lẽ chịu ảnh hưởng tư tưởng thời ”công đồng trị”, tổ chức dòng cách mạng này, về tinh thần, thì trước đây đã có hệ thống tổ chức của dòng Ðaminh. Các tu viện Biển Ðức ở Ý chấp nhận sự tuân giữ này và qui chế được hội dòng sốt sắng Valladolid ở Tây Ban Nha chấp nhận năm 1492. Khi Mont Cassin chấp nhận (1504) thì tổ chức lấy tên là hội dòng Mont Cassin. Nhiều hội dòng thời Phản Cải Cách cũng chấp nhận các nguyên tắc ấy.
Nhiệt tình công đồng trị còn làm phát sinh hai cải cách khác. Cải cách thứ nhất thoát thai từ hoạt động của công đồng Constance. Công tước Albert V d'Autriche đã lấy cựu tu viện Melk trên sông Danube để làm thành một nơi tuân giữ nghiêm nhặt, theo khuôn mẫu tu viện Subiaco (1418). Trào lưu lan qua nước Áo, Bavière Souabe và kéo dài một thế kỷ. Nhưng không bao giờ được tổ chức theo những qui chế vững chãi và đã biến mất khi có cải cách. Cuộc cải cách thời danh Bursfeld bắt nguồn từ buổi họp của các bề trên tại Bâle. Jean Dederoth và Jean de Rode đã thực hiện cải cách. Jean Dederoth là tu sĩ Chartreux trở thành Biển Ðức (1434). Bursfeld trở thành nhà mẹ của một hội dòng được điều khiển bởi một bề trên được bầu lên mãn đời. Tổng hội nghị có quyền lập pháp khi bề trên chủ tọa. Nhưng quyền hành pháp thông thường thì thuộc về bề trên ở Bursfeld, như vị tổng thanh tra. Bursfeld là một tu viện cải cách cổ truyền. Mặc dầu với thời gian trào lưu này giảm bớt nhiệt tình, nhưng hội dòng còn sống lâu dài mãi cho tới thời Napoléon.
Mặc dầu là thời đại suy thoái và buông thả, thế kỷ XV là cơ hội phát sinh nhiều trào lưu cải cách, giúp nhiều dòng vượt qua cơn giông bão cải cách. Hơn nữa, những trào lưu này làm tiến triển cả một guồng máy rộng lớn, cho dù bất trung với những điểm quan trọng trong huấn giới của thánh Benoit. Chúng còn đem lại cho thời gian sau cải cách một khuôn mẫu khả dĩ chống lại hầu hết các nguy cơ của thời đại.
Như chúng tôi đã nói, con số và ảnh hưởng cúa nữ tu sĩ ít hơn của nam tu sĩ. Từ thế kỷ XI đã có nhiều tu viện mà những người được chiêu mộ thuộc giai cấp phong kiến, rồi sau là tiểu tư sản. Các nữ tu lấy cuộc đời chiêm ngưỡng, lễ nghi phụng vụ và luật thánh Benoit làm cương chỉ. Tới thế kỷ XII, các nữ kinh sĩ Augustin xuất hiện. Họ hơi khác biệt với Biển Ðức. Mấy dòng nữ khác được thành lập tiếp nối nhau. Giảng viên lỗi lạc Robert Arbrissel lập một nhà lớn ở Fontevrault, bao gồm ba nữ tu viện khắc khổ và một nhà theo luật thánh Benoit, dưới quyền một nữ tu viện trưởng (1106). Trong nhà này, chức vụ chính của phái nam là làm cha giải tội và tuyên úy cho các nữ tu. Mấy thập niên sau, một linh mục người Anh tên là Gilbert trong làng Sempringham (Lincolnshire) đã lập một dòng riêng cho nữ giới, nhưng cũng gồm có một nhóm nhỏ các kinh sĩ làm tuyên úy, và nhiều các anh và các chị trợ sĩ. Suốt hơn một thế kỷ, dòng này trổi vượt về số lượng và về các đặc ân thiêng liêng các tu sĩ của dòng đã nhận được. Khi dòng Citeaux và dòng Prémontré lan rộng, thì các nhà sáng lập được yêu cầu lập thêm chi nhánh cho nữ giới. Ban đầu, các ngài từ chối. Nhưng sau cùng, cả hai dòng đều có nhà cho nữ tu, và không bao giờ số nữ tu đông bằng nam tu sĩ. Từ đó, mỗi dòng thường có chi nhánh cho nữ giới. Nhưng xã hội không bằng lòng thấy các nữ tu làm việc ngoài khuôn viên nhà dòng, trong các trường học và bệnh viện. Hết các dòng đều phải để cho các nữ tu làm việc phụng vụ và chiêm ngưỡng. Các nữ tu dòng thánh Phanxicô (hay dòng thánh Clara) có nếp sống nghiêm nhặt khắc khổ hơn các nữ tu khác. Không đông hơn các nữ tu Ðaminh. Ở khắp nơi, họ cũng không đông bằng các nam tu sĩ Phanxicô. Thí dụ ở Anh, có chừng một nghìn tám trăm anh em hèn mọn và giảng thuyết, nhưng chỉ có ba cộng đoàn nhỏ thánh Clara. Về nữ tu Ðaminh, họ chỉ có một nhà cỡ trung bình thôi. Chóp đỉnh phát triển của các dòng nữ tại Anh có lẽ vào năm 1320: mười hai nghìn nam tu sĩ và hai nghìn nữ tu sĩ. Và Anh là nước độc nhất ở Âu châu cho chúng ta những con số đích xác. Trên lục địa Âu châu, nhất là tại các tỉnh Flamands và Rhénan, nhiều nhà Béguin (tu sĩ khất thực) dành cho các phụ nữ muốn sống đời thiêng liêng tích cực hơn. Trong mấy thế kỷ thời Trung Cổ, có nhiều nhóm phụ nữ tận hiến không thuộc về dòng nào cả, họ làm việc bác ái tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão.
Vào thế kỷ cuối cùng thời Trung Cổ, có hai dòng mới cho phụ nữ đã xuất hiện. Dòng Carmélites, chi nhánh nữ của dòng Carme, đã bắt đầu thành lập tại Ý và lan sang Tây Ban Nha, nơi một thế kỷ sau, có nhiều chi nhánh được cải tổ, nơi đã trở thành một nôi ươm trồng các thánh nữ và một dụng cụ hữu hiệu của phong trào Phản Cải Cách. Dòng thứ hai được gọi là dòng thánh Brigite, tên vị sáng lập người Thụy Ðiển. Như trong quá khứ ở Fontevrault, dòng này dành riêng cho phụ nữ; họ được ” các cha giải tội”, các anh và các chị trợ sĩ giúp đỡ. Nhà mẹ ở Vadstena, là một vinh quanh của Thụy Ðiển ngay trước khi có cải cách. Vị sáng lập trở thành thánh quan thày của Thụy Ðiển. Nhưng có ít nhà được lập ở miền Scandinavie. Ngoài Vadstena, chỉ có một đại tu viện độc nhất ở Sion, trong vùng Middlesex.
Hai thế kỷ cuối cùng thời Trung Cổ còn thấy tăng thêm các tập đoàn và các cơ sở, là những vết tích cuối cùng của tổ chức dòng tu. Những tập đoàn (collège) này là những cộng đồng giáo sĩ triều sống chung với nhau và cam kết giữ một ít luật dòng, nhưng không thành một dòng. Có ba thứ: nhóm các linh mục đặc trách một nhà thờ và một giáo xứ lớn, hoàn toàn lo việc phụng vụ; nhóm coi một hay nhiều nhà nguyền của nhà thờ lớn nào đó, không có trách nhiệm đối với giáo dân, nhưng chỉ lo việc lễ lạy và kinh phụng vụ giúp đỡ vị sáng lập hay người kế vị; và cuối cùng là hội sinh viên hay đại học, nhóm các linh mục hay giáo sĩ đang theo học và dạy học. Xét về nguồn gốc, hai nhóm sau là những ”hội thiện” (Fondations) hơn là tập đoàn (Collège). Nhiều thiện hội do một hay hai linh mục phụ trách lập thành một ”cơ sở nhỏ” (sous espèce). Các hội đại học danh tiếng ở Paris Oxford và Cambridge, vẫn đứng vững sau bao nhiêu xáo trộn và vẫn là khuôn mẫu tập đoàn (collège) mà thế giới hiện đại còn biết tới.