CHƯƠNG XXXVIII
THẾ KỶ XV.
CHƯƠNG XXXVIII
THẾ KỶ XV.
I. NHỮNG HẬU QUẢ CỦA CUỘC LY KHAI.
Sự yếu thế lâu dài của giáo triều và sự khai triển các lý thuyết chính trị của thời công đồng trị gây nên nhiều hậu quả rất quan trọng và rất tai hại: quyền bính thế tục đã hiên ngang kiểm soát các Giáo Hội quốc gia. Hiện tượng này mang những hình thức khác nhau trong mỗi nước.
Chúng ta thấy ở Anh, từ thời người Normands xâm chiếm, đã có một sự tranh chấp lâu dài: một bên là các vua và chính quyền, họ chủ trương theo cổ tục, nhà vua kiểm soát các cuộc bầu cử, các vụ rút phép thông công và các huấn thị giáo triều; một bên là những giáo sĩ uyên thâm giáo luật. Cuối thế kỷ XII, Giáo Hội Anh phục tùng các luận đề của giáo triều trên quan điểm lý thuyết. Trừ những người sống bên lề, người ta công nhận: giáo luật và những giáo lệnh đều ràng buộc hàng giáo sĩ Anh và chịu các tòa án Anh xét xử. Ðiều này không có nghĩa là không có đối kháng. Từ triều Edouard I (1272-1307), triều đình và nghị viện thường lên tiếng phản đối những lạm thu và tiền bảo chứng của giáo triều. Trào lưu này lên tới chóp đỉnh với qui chế các thủ quản (1351) và sắc lệnh Praemunire (1353) cấm người Anh không được nhận một bổng lộc nào từ Roma, cũng cấm việc nại tới Roma về các vụ kiện còn đang được cứu xét ở Anh, cấm cả việc chấp nhận các sắc chỉ giáo triều. Những luật này còn được nhắc lại năm 1380. Cấm không được đưa ra khỏi nước những món tiền gửi tới giáo hoàng. Thực ra những biện pháp này, trước hết chỉ để tự vệ và do chính phủ ban hành để làm thỏa mãn dư luận quần chúng bất mãn, để cho Roma không còn có toan tính bóc lột và đặt nhà vua vào một vị trí thuận lợi để điều đình. Ðó là cách đáp lại sắc lệnh Clericis laicos, nhưng không giải quyết được vấn đề liên hệ giữa hai quyền bính. Các biện pháp này có rất ít hiệu quả thực tế trực tiếp. Chúng không hề nhắm vào việc chống quyền thiêng liêng của giáo hoàng. Thế nhưng, đó là những biện pháp táo bạo và ảnh hưởng tới lục địa Âu châu.
Như đã nói ở trên, Giáo Hội Pháp đã tuyên bố không qui phục các giáo hoàng Avignon từ 1398. Rồi lại quy phục để rồi lại chối bỏ năm 1403, và cuối cùng quy phục lại năm 1406. Chính sách này không lâu bền. Năm 1406 có một công nghị, phần lớn do đại học Paris chủ trương, với các phát ngôn viên như Pierre le Roy, viện phụ Mont Saint Michel và Jean Petit. Công nghị đã ra những quyết định cốt tử được Charles VI chuẩn y năm 1407. Các khoản bảo chứng của giáo triều, các khoản thuế bổng lộc, các khoản ủy quyền, các khoản thu khi có tòa khuyết vị, thuế thập phân và các thứ thuế khác, tất cả đều bị coi là không thể chấp nhận được. Công nghị tái khẳng định hoàn toàn qui phục giáo hoàng vì là thủ lãnh thiêng liêng của Giáo Hội, trừ một điều quan trọng: uy thế công đồng chung được đặt lên trên uy thế các sắc lệnh giáo triều. Cũng đúng, người ta đã coi khẳng định đó đánh dấu bước đầu của chủ thuyết Gallican. Về mặt lý thuyết thì khẳng định này dựa trên hai định đề: thứ nhất là vua nước Pháp trong rất lâu đời đã có quyền đánh thuế, quyền lợi tức và quyền chỉ định trên Giáo Hội Pháp; thứ hai là quyền của giáo hoàng bị hạn định bởi bộ giáo luật cổ xưa, đặc biệt dựa trên những quyết định công đồng. Như vậy, nhà vua được thuận lợi rút từ định đề thứ nhất. Thực vậy, ông có quyền kiểm tra hành chánh và tài chánh của Giáo Hội. Tự do của Giáo Hội Gallicăng thì dựa vào định đề mới: các sắc lệnh và sắc chỉ của giáo triều sẽ không có hiệu lực nếu chúng đối nghịch hay vượt quá các sắc lệnh công đồng hoặc giáo luật có trước bộ luật Gratien. Hệ luận rút ra từ đó là các điều tuyên bố của giáo triều chỉ có tính cách không thay đổi được và vô ngộ khi chúng được công đồng chung phê chuẩn, hệ luận tiêu biểu cho việc khai triển nguyên tắc sau đây: các quyết định của công đồng có quyền đầy đủ và bất khả kháng.
Về mặt lịch sử, giáo luật và thần học, quan điểm này không thể đứng vững. Việc nó được chấp nhận và duy trì, trước hết vì có sự phát triển tinh thần quốc gia được nền quân chủ khai thác, sau là vì giáo triều ở vào vị trí quẫn bách trong thời đại ly khai, và cuối cùng là do ảnh hưởng của một tư tưởng tai hại xâm nhập vào hết mọi cấp bậc và bắt nguồn từ Marsile de Padoue, Guillaume d'Occam và các đồ đệ của hai ông.
Các hòa ước 1406-1407 không bao lâu trở thành vô hiệu. Ðức Martin V cố gắng khẳng định lại những quyền của giáo hoàng mà toàn thể Giáo Hội công nhận. Tại Pháp, vua và đại học đường sẵn sàng giảm bớt các yêu sách để có những mối lợi trực tiếp. Một qui chế dài hạn hơn đã được khởi thảo ở hội đồng giáo sĩ Bourges và quyết định tức thì được thông qua do bản ”phê chuẩn thực tiễn” (Pragmatique Sanction) năm 1438. Bản văn này không đến nỗi cách mạng như người ta tưởng. Nói chung nó tiếp nối những tuyên bố của công đồng Bâle và cố gắng thiết lập lại tình trạng đã có trước khi các giáo hoàng tới Avignon. Có thể tóm tắt như sau:
1. Sắc lệnh Frequens (đòi hội công đồng mười năm một lần) được chuẩn y, khẳng định công đồng có ưu tiên trên giáo hoàng khẳng định, với hệ luận: vua nước Pháp không ở dưới quyền nào trong lãnh vực chính trị.
2. Các cuộc bầu cử và ban phát bổng lộc phải ”tự do” và thuộc về những nhóm người như thời xưa. Công nhận những khoản dành riêng cho giáo triều đã được định đoạt trước đây bởi các Pháp lệnh và bởi Ðệ lục Quyển (Libers Lextus), còn những gì được ban hành vào một niên hiệu mới đây đều bị bác bỏ.
3. Bãi bỏ hết các thuế bổng lộc và các khoản thuế giáo triều đặt ra, trừ thuế bảo chứng được thành lập để yểm trợ những nhu cầu của đức Eugène IV.
4. Thủ tục khiếu nại phải là thủ tục có trước thời đức Boniface VIII. Tất cả các sự vụ đã được điều tra trong một miền ở vào hơn bốn ngày đàng từ giáo phủ thì phải được xử tại chỗ, trừ những vụ quan trọng được ấn định trong giáo luật và những việc liên quan tới tòa Giám Mục và những tu viện miễn chuẩn.
5. Các sắc lệnh cải cách khác khẳng định lại chế độ độc thân, bắt buộc cư trú và các kinh sĩ chuyên cần kinh sách v.v...
Bản Phê chuẩn thực tiễn Bourges được kể như đại hiến chương của Giáo Hội Pháp. Mặc dầu bị giáo triều phản kháng thường xuyên, nó vẫn được thi hành mãi cho tới khi bị Louis XI bãi bỏ năm 1461. Việc bãi bỏ này được khẳng định lại trong hòa ước ký kết giữa vua Francois I và đức Léon X năm 1516.
Có nhiều thích thú, khi so sánh những giải pháp mà nước Pháp và nước Anh đưa ra để giải quyết những vấn đề gây nên do yêu sách của giáo triều đòi thi hành quyền tối cao đại đồng trong các việc đời và đạo. Các biên bản của nghị viện Anh vẫn còn hiện hành trong phạm vi chính trị. Chúng là những vũ khí nằm trong tay nhà vua và nghị viện. Từ đó có một thỏa hiệp làm hài lòng cả đôi bên. Các giám chức và hội đồng giáo phận không bao giờ chấp nhận minh nhiên qui chế chống giáo triều, còn trong thực hành, thì không được áp dụng. Trái lại, trào lưu Pháp nhận được những cơ sở lý thuyết và tạo nên một liên minh giáo sĩ và nhà vua chống giáo hoàng và giáo phủ.
Ở Ðức, các cuộc điều đình kéo dài đã đi tới hòa ước Constance (1418); sau nhiều khó khăn và tranh cãi, phần chính yếu đã được đổi mới trong hòa ước Vienne (1448). Về căn bản, các hòa ước này là một trở lại nguyên trạng (Statuquo) như giáo triều vẫn hiểu, với một vài ngoại lệ. Những khoản dành cho giáo triều được kể như đã có từ thế kỷ XIII. Các cuộc bầu cử theo giáo luật được cải tổ và các bổng lộc không do dân bầu thì thay nhau, khi thuộc về giáo hoàng, lúc thu về quyền dân sử. Có mấy bổng lộc được dành cho các tiến sĩ về nghệ thuật.
II. GIÁO TRIỀU THỜI PHỤC HƯNG.
Từ buổi đầu lịch sử phê phán và lịch sử văn chương, nghĩa là ngay từ đầu thế kỷ XIX, đã có những tranh luận về ý nghĩa hai chữ Phục hưng và nhân bản, rồi những liên quan của hai từ ấy trong văn học Trung Cổ, trong tín ngưỡng tôn giáo thế kỷ XV. Trong một mức độ nào đó, người ta có thể thiết lập những giai đoạn theo niên đại, nếu không sợ coi lịch sử là cóp nhặt các biên niên sử. Nhưng các sử gia mới đây đều phê bình những cách chia và định nghĩa quá dứt khoát. Ðiều chắc chắn là những mầm mống và cả những hoa trái của phục hưng và cải cách đã thấy phát hiện từ khoảng 1350, đó là mới chỉ nói tới một ”phục hưng” và một ”nhân bản” đã manh nha quá sớm vào thế kỷ XI và XII. Bằng những cách khác nhau, thế hệ ”hiện đại” đã ngoi lên từ thời Dante, Pétrarque, Occam, Marsile và Boccace. Mặt khác, có nhiều đặc tính của Trung Cổ vẫn tồn tại mãi cho tới 1650. Vào thế kỷ XIX, người ta có thể chủ trương đồng hóa song song giữa nhân bản Ý và chủ nghĩa tự do tôn giáo hay tự do tư tưởng nữa. Trong lãnh vực tâm tình tôn giáo và khoa thần học, người ta dễ nhận thấy ở thế kỷ XIV và XV có những triệu chứng báo hiệu cải cách và chống cải cách. Nhiều khi, yếu tố tinh thần và đạo hạnh của việc chống cải cách chỉ là một phát triển tự nhiên các việc thực hành và những quan niệm của nước Ý và các nước Tây phương Trung Cổ. Như chúng tôi đã nhấn mạnh, ở thế kỷ XV, những nhóm quốc gia lớn của Âu châu đã làm sáng tỏ những viễn cảnh khác nhau trong mọi lãnh vực sinh hoạt và tư tưởng loài người.
Thế nhưng, thái độ đối với đời sống (nếu chỉ hạn định riêng vào một mình nước Ý) đã bộc lộ một thay đổi lớn: Chủ nghĩa cá nhân, quan tâm tới cá nhân, quan tâm của cá nhân đối với chính mình, đối với những công việc mình thực hiện, và đối với vinh quang sau khi chết của mình, sở trường về cái đẹp vật thể, văn chương và nghệ thuật (được coi như một hoàn tất chứ không phải một ảo tưởng), quan tâm đến con người và những sự nghiệp của nó, quan tâm đến vẻ đẹp tự nhiên, đến nghệ thuật sống hơn là trốn lánh cuộc đời tạm bợ và giả dối. Tất cả là những đặc tính của mẫu người mới: người biết thưởng thức, có tinh thần trầm lặng và thông thái, người nghệ sĩ, kiến trúc sư, họa sĩ hay nhà điêu khắc, con người đại đồng, trong lành và hoàn bị về thể xác và tinh thần; con người thành công, con người có đức (virtù) trổi vượt về các khả năng trí tuệ hơn là về sức lực thể xác hay đạo hạnh. Nhưng trong tất cả những khía cạnh đó, nước Ý rất khác với các nước Âu châu
Về tương quan hay đối lập giữa nhân bản và tôn giáo, các sử gia còn tiếp tục tranh luận. Mặc dầu có ngoại giáo tính giả tạo nơi một số học giả, mặc dầu có những phản bội tinh vi, những tội ác và thói xấu mà những người cao cấp trong xã hội thường mắc phải, nhưng giai cấp trung lưu và hạ lưu trong xã hội Ý vẫn còn hầu như trước: có một ít người đạo hạnh, nhiều người say mê đời sống và rất nhiều người mê tín đến độ lố lăng. Cũng có những người tài cán và lỗi lạc, những người nổi tiếng. Các nhân viên của hàn lâm viện Platon ở Florence, như Marsile Ficin và Pic de la Mirandole, đều tiêu biểu cho chủ nghĩa ”nhân bản đạo đức” được coi như đặc tính của thế kỷ sau, nếu Luther và Calvin không làm thay đổi thời cuộc.
Tóm lại, Bắc Ý và Trung Ý ở thế kỷ XV là một lò hun đúc các đam mê nhân bản và chính trị, một làn óng ánh mầu sắc chói lọi, một trường sở phát sinh các nhân tài, một khối chằng chịt văn học và văn hóa. Ðó là những yếu tố ngoại hạng, không có gì tương đương trong lịch sử Tây âu. Xã hội này được phân chia thành nhiều trung tâm tự trị, mỗi trung tâm lại có những nhóm phụ thuộc khác nhau. Không có một thể chế nào, một qui chế nào, một nhân vật nào chi phối tất cả hay áp đặt sự thống nhất. Cho nên, mọi tóm tắt và mọi mô tả đều hoàn toàn không đúng. Ðây là một bất hạnh cho Giáo Hội vì hàng giáo sĩ và nhất là triều giáo hoàng vốn là tiêu biểu cho tất cả những bộ mặt sinh hoạt xã hội thời đó, tốt và xấu, và những nhân vật cao cấp của Giáo Hội, cũng là những con cái ánh sáng và bóng tối, không thể làm bừng sáng sứ điệp Phúc âm là sức mạnh duy nhất có thể ngăn cản cuộc cách mạng sắp xảy ra.
Mọi người đều biết sự tương phản giữa nhân bản Ý và nhân bản Ðức. Ở Ý, nhân bản trước hết thuộc về văn chương và mô phỏng. Nó có mục tiêu thu hồi những kiệt tác la tinh đã mất hay bị sao nhãng, sau đó thu hồi những kiệt tác của văn chương Hy lạp, và tái tạo bút pháp và thi pháp trong những tác phẩm muốn biểu lộ sự phục hưng ngành văn chương sau một thời gian ngắt quãng dã man. Ở Ðức, những chú trọng của nhân bản lại là ngữ pháp và ngữ học. Ðó là những học hỏi về tiếng Do thái, tiếng Latinh và tiếng Hy lạp. Cicéron là khuôn mẫu độc nhất của Valla và Bembo, Erasme thưởng thức ngữ pháp của Plaute và Térence lanh lẹ và thân thuộc hơn. Các học giả Ý ở các thế hệ sau cho ấn hành bản văn cổ điển và nghiên cứu Platon, còn các học giả miền Bắc thì quay về với các giáo phụ và tìm học Thánh Kinh. Ý tìm cái đẹp thì quan dưới hết mọi hình thức. Nó theo đuổi lý tưởng nhân bản của cá nhân có nhiều tài khác nhau, sống một đời sống đầy kinh nghiệm và sinh hoạt, tìm cái ”đức” (virtù) và danh giá sau khi chết. Người phương Bắc sống tĩnh tại, theo đuổi những tranh luận gay go và tìm đường trở về với Kitô giáo tinh tuyền của Giáo Hội nguyên thủy. Mặc dầu có sự tương phản thật, nhưng không nên thúc đẩy và phóng đại.
Nhiều học giả thuần túy của phương Bắc và của Ý đã có cảm tình tương hỗ và hiểu nhau. Trong nhiều vấn đề, người phương Bắc tỏ ra trưởng thành và độc đáo không kém người Ý, như Nicolas de Cues, Reuchlin và nhất là Érasme. Nhưng, ít là trong thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu, ở phương Bắc không có một ”việc phục hưng” đích thực nào về sinh hoạt xã hội và văn hóa. Các nhân vật lỗi lạc và kể cả những nhân vật ít quan trọng đều là những ”con cháu” trực tiếp của các ”tiền nhân” thời Trung Cổ. Họ chỉ có học thức uyên bác mới và lòng thù ghét dữ dằn hơn đối với các tu sĩ, các dòng huynh đệ và giáo triều. Nhưng Nicolas de Cues (1401-1464) là một ngoại lệ trong số những nhà nhân bản Ðức cuối cùng. Ông sinh sống liên quan thường xuyên với người Ý và các giáo hoàng. Sở trường trí thức của ông càng ngày càng quay về thuyết tân Platon. Thế là ông đã bắc một nhịp cầu nối liền nước Ý và nước Ðức, với lý tưởng của ông là sự hòa hợp triết học và thần học và (vào cuối đời ông) sự phục hồi uy thế của giáo hoàng. Nicolas de Cues tự khác biệt với các đồng nghiệp hồng y vì ông cố gắng thiết lập những cơ sở siêu hình duy lý của đức tin và hy vọng hòa hợp Aristote với Platon, và có nhiệt tình cải cách nữa. Nhưng ông cũng giống họ là tìm danh vọng, độc đoán trong tranh luận và ham sống xa hoa.
Khi giáo hoàng trở về Roma năm 1417 vào cuối thời đại ly khai, đã mở ra một chương mới trong lịch sử giáo triều. Trong trường hợp này, việc cải tổ hành chánh giáo triều trùng hợp với việc phát triển một đại trào lưu văn hóa và ảnh hưởng quyết liệt tới lịch sử chính trị ở Ý. Một thời đại bắt đầu và chỉ chấm dứt với một loạt các tai họa mà tai họa thứ nhất được loan báo, là Luther xuất hiện, đúng một trăm năm sau.
Trong thời kỳ này, hoạt động nổi bật của giáo triều là càng ngày càng dính líu vào những vụ võ lực và chính trị ở Ý, nhiều giáo sĩ tham gia vào phong trào Phục hưng tại Ý. Hai nhân tố này làm giảm bớt thế lực thiêng liêng và luân lý của giáo triều, và do đó cũng giảm bớt thanh danh và ảnh hưởng.
Suốt thời kỳ kéo dài trong đó không có sự cai trị trực tiếp của giáo quyền, tất nhiên chân trời chính trị của bán đảo Ý trở nên mờ mịt. Nước Ý được giáo triều cai trị với đầy đủ quyền bính tập trung, chuyên chú chính yếu vào việc hãn ngữ và đẩy lui hoàng đế Ðức ở phía Bắc và những ông hoàng Anjou ở phía Nam. Ðến nay tình trạng đó nhường chỗ cho nhiều quốc gia, lớn hay nhỏ, mà hầu hết do các ông hoàng dần dần trở thành bạo vương cai trị, dưới danh hiệu các công tước hay hoàng tử, hoặc các cá nhân có thế lực, hoặc như ở Venise, các nhóm đầu sỏ bé nhỏ. Ở Trung Ý có một chỗ trống, đó là các nước thuộc giáo triều, khi chìm lặng, lúc nổi loạn, khi lại do một sứ giả nào đó đòi quyền cai trị. Khi đức Martin V trở về Ý, công việc thứ nhất ngài làm là lấy lại quyền kiểm tra các lãnh thổ và tổ chức lại hệ thống thuế khóa. Ngài đã thành công và khi ngài mất, giáo triều đã giàu có và có khả năng thanh toán được các khoản chi tiêu lớn. Dưới triều ngài và các người kế vị, giáo triều là một cường quốc có ảnh hưởng, ở giữa Naples và ba đại quốc gia phương Bắc. Florence, Milan và Venise. Nhưng trước 1500 một chút, nhiều giáo hoàng, do tính tình cá nhân hay tham vọng gia tộc thúc đẩy, đã bị lôi cuốn vào những cuộc phiêu lưu và rắc rối chính trị, quân sự. Do đó đặt giáo triều vào vị trí mới, vị trí một cường quốc chính trị, có những liên hệ hòa bình hay chiến tranh, ngoại giao hay bất hòa, với tất cả các cường quốc mới ở Âu châu, không còn tư cách giáo triều và đạo đức nữa.
Giáo triều còn phải đương đầu với đại trào lưu trí thức, nghệ thuật và tâm lý được gọi là phục hưng Ý. Khác biệt với sự phát triển tiệm tiến về các nghệ thuật và văn hóa trong hai thế kỷ XII và XIII, trào lưu này biểu thị hai bộ mặt mới từ giữa thế kỷ XIV. Trước hết, có một quan tâm mới và một thái độ mới đối với những hoạt động và cảm xúc của cá nhân, được coi như một sinh vật sống động chứ không như một linh hồn được hưởng hay bỏ mất sự sống đời đời. Rồi có mối quan tâm mới khác, vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của quan điểm trên, đối với những kiệt tác văn chương và nghệ thuật của nền văn minh cổ điển, mà người ta tưởng là những biểu thị thiên tài của bản tính con người, trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
Việc tái thiết giáo triều ở Roma và việc giảm bớt sức ép cạnh tranh của công đồng đối với giáo triều cũng dẫn tới một hậu quả: nước Ý trở thành miền quỹ đạo của Âu Châu, vào đúng thời điểm nó được coi như trung tâm văn minh Châu âu và nôi xuất thân rất nhiều thiên tài. Việc tôn sùng văn chương cổ và việc sản xuất những kiệt tác nghệ thuật đã bắt đầu ở thế kỷ XIV với Petrarque, Boccace. Giotto, Simone Martini và Jean de Pise. Sự tiến triển nghệ thuật kéo dài liên tục trong ba thế kỷ. Hội họa và những nghệ thuật tượng hình là địa trường sáng tác độc nhất, chuyển tiếp giữa thời Trung Cổ sang thế giới hiện đại.
Nền văn chương bình dân và hội họa ra đời, lúc đầu là màu keo, sau phết trên gỗ và trên vải, được coi như những nghệ thuật thanh cao. Nhưng có lẽ nó gây ảnh hưởng trên xã hội ít hơn mọi trường phái văn chương hay hội họa khác. Cũng thế, chủ nghĩa nhân bản đầu tiên, với việc sưu tầm các thủ bản La tinh và tìm kiếm sự trong sáng về bút pháp, không làm thay đổi các quan niệm lý thuyết của những người chủ trương duy trì chúng. Nhưng, khi văn chương và tư tưởng Hy lạp được phát hiện, khi cái đẹp dưới mọi hình thức được tìm thấy, khi thời cổ điển ngoại giáo trở thành kiểu mẫu cho mọi phạm vi của đời sống và kỹ thuật phê bình văn chương và lịch sử được phát triển, thì đương nhiên tất cả các trào lưu này cạnh tranh với những ý thức hệ và tập tục của những ”thế kỷ đức tin” nghĩa là của thời Trung Cổ.
Ban đầu giáo triều chấp nhận thế giới mới mà không phê phán. Các nhà đại nhân bản như Poggio Bracciolini và Enea Silvio Piccolomini được làm bí thư Tòa Thánh. Luân lý của họ có thế nào đi nữa, cái đó không hệ, nhưng niềm tin tôn giáo của họ thì luôn chính thống. Ðức Eugène IV, tuy không phải là người thích thẩm mỹ, cũng được Benozzo Gozzoli và nhiều người khác ca tụng. Thế nhưng, khi phục hưng thêm tốc độ và bắt đầu thay đổi xã hội, thì giáo triều phải có một thái độ rõ rệt. Giáo hoàng Nicolas V, tên thật là Tormmaso Parentucelli, là một học giả và một nhà nhân bản nhiệt tình, đã có một hành động quyết liệt. Ngài nhất định phục hồi tinh thần thời đại, lấy lại thanh thế cho giáo triều, làm cho Roma trở thành thủ đô văn hóa của nước Ý. Ngài có chung quanh một nhóm các đại học giả như Poggio, Filelfo và Lorenzo Valla. Hơn nữa, ngài theo đuổi hai dự định có tầm quan trọng lâu dài. Thứ nhất ngài biến thư viện nhỏ bé của giáo triều thành bộ sưu tập lớn các thủ bút La tinh và Hy lạp. Ðầu tiên là đi tới các vùng xa thu tập các đồ vật và tác phẩm quý, lạ và đẹp, đem về chưng trong các phòng điện Vatican. Thứ hai, ngài cho tái thiết đền thánh Phêrô, điện Vatican và chính thành Roma nữa, với một vẻ lộng lẫy vô song. Ðức Nicolas triệu tập Fra Angelico và Benozzo Gozzoli về Roma. Ngài truyền cho họ làm lại họa đồ kinh thành Léon (cité léonine) trên một sơ đồ còn giữ nguyên mãi cho tới ngày nay. Nhưng đức Calixte III (1455-1458) kế vị đức Nicolas V cho đình chỉ và bác bỏ một phần công trình này. Dầu vậy, các phương án vẫn còn và tiếp tục sinh hoa kết trái.
Ðức Calixte được bầu lên cho dầu ngài là một nhân vật không có gì nổi bật. Lý do, đó là cách thức để các nhóm chia rẽ nhau giải quyết các khó khăn của mình. Ngài làm cho giáo triều thế kỷ XV mang nhiều vết tích thảm hại nhất. Ngài là người Tây Ban Nha và là người thứ nhất thuộc giòng họ Borgia. Ngài đặt hai người cháu làm hồng y và người thứ ba làm đô trưởng kinh thành và đại diện Terracine và Bénévent. Khi đức Calixte mất, một công đồng nhóm họp bầu một người khác, người vui thứ ba (Tertius gaudens). Lần này không phải là một lựa chọn thông thường. Enea Silvio Piccolomini, nghĩa là Pie II (1458-1464), làm rạng danh thời đại ngài như Innocent III làm vẻ vang thời đại mình. Là nhà ngoại giao khôn khéo và nhà văn có tài, ngài làm cho người ta quên tuổi thanh xuân phóng đãng của ngài trước kia. Ngài là một lãnh tụ phần đời hơn là một lãnh tụ tinh thần. Lâu năm ngài vẫn chủ trương theo phái công đồng. Nhưng khi được bầu làm giáo hoàng, ngài công bố sắc lệnh Exsecrabitis (1460) tái khẳng định quyền tối cao của giáo hoàng. Trong nhật ký và tự thuật của ngài, ngài đã tỏ ra là một thiên tài, được yêu chuộng và được thán phục nhất thế kỷ. Ngài có tài ngoại giao, nhờ đó ngài đã củng cố thanh danh của giáo triều. Nhưng ngài thất bại thảm hại khi tổ chức nghĩa binh chống người Thổ Nhĩ Kỳ. Người kế vị ngài là đức Paul II (1464-1471), cháu của đức Eugène IV, một người độc đoán ôn hòa, xa lánh các nhà nhân bản, nhưng được lòng dân chúng Roma vì cho tổ chức hội Carnaval và xây cất kinh thành. Ngài cho dọn công trường Venezia và cho xây điện đài Venezia làm tư dinh. Người kế vị ngài là Francesco delle Rovere, tức là đức Sixte IV (1471-1488). Khi được bầu làm giáo hoàng, ngài là Bề trên Cả dòng Phanxicô. Tuy thuộc gia đình bình dân, ngài là một học giả và có tài giảng thuyết. Mấy lần ngài thất bại trong việc tổ chức nghĩa binh chống quân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rồi vượt một bước quyết liệt, ngài biến nền quân chủ giáo triều thành một đại cường quốc Ý. Ðể làm việc này, ngài bổ nhiệm nhiều cháu chắt làm sĩ quan. Hai người cháu làm hồng y bị tai tiếng về đời sống luân lý bê bối và không có lòng đạo đức. Cả ba người cháu đều là giáo dân. Họ áp dụng khôn khéo chính sách ngoại giao của giáo hoàng và như vậy là làm cho nước Ý thường xuyên ở trong tình trạng rối loạn. Ðức Sixte IV là người rộng rãi bao che các nghệ sĩ. Ngài cho xây cất nhà nguyện nổi tiếng khắp năm châu, quen gọi là nhà nguyện Sixtine. Ngài chiêu mộ nhiều thiên tài để trang trí, như Ghirlandaio, Botticelli, le Pérugin, Pinturicchio và Melozzo da Forli. Ngài cho xây cất, hay ít ra là bắt đầu xây cất nhiều thánh đường, trong đó có Santa Maria delle Pace. Ðức Sixte IV và cả thủ thư viện Platina đều có hình trong bức họa của Melozzo. Ngài mất năm 1484, và Battista Cybo được bầu lên kế vị, mang tên là Innocent VIII (1484-1492). Nhưng cuộc bầu có nhiều mặc cả mờ ám. Vì thế dưới triều ngài, thanh danh của giáo triều bị giáng cấp nhanh chóng. Chính ngài nhìn nhận đã có một con trai và một con gái ngoại hôn trước khi làm linh mục. Ngài tổ chức một bữa tiệc lớn mừng lễ hôn phối của cháu gái của ngài. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo triều, có nhiều bà lớn đến dự tiệc giáo hoàng tổ chức. Tham nhũng và mua bán chức vụ ở giáo phủ là việc thông thường. Cũng rất nhiều sắc chỉ và đặc ân giả mạo. Ðức Sixte IV và Innocent VIII đã đặt nhiều bà con họ hàng hay những người đồng đảng làm hồng y. Vì thế hồng y đoàn gồm những người hám danh và giàu có, chia thành phe đảng, kéo dài những thủ đoạn của giáo triều trong kinh thành và vùng lân cận. Ðức Innocent VIII mất ít lâu sau khi các vua công giáo tái chiếm Grenade và trước khi Christophe Colomb khám phá ra Mỹ châu, năm 1492. Người ta thường chọn niên hiệu này để đánh dấu bước đầu lịch sử thế giới hiện đại. Từ cuộc ly khai, các giáo hoàng đã làm cho giáo triều mang những dấu ấn thuộc thời đại kéo dài trong bốn chục năm: những thủ đoạn chính trị, sự sa sút về luân thường đạo lý, và chỉ biết lo cho giòng họ. Các ngài ngự trong một thành đô luôn thu hút các nghệ sĩ danh tiếng nhất của thế kỷ vĩ đại nhất về nghệ thuật Âu châu. Vào cuối thế kỷ XV, đức Alexandre VI (1492-1503) lên ngôi giáo hoàng.