CHƯƠNG XXXVII
CUỘC ÐẠI LY KHAI
CHƯƠNG XXXVII
CUỘC ÐẠI LY KHAI
Khi đức Grégoire XI chuyển giáo phủ Avignon về Roma, chấm dứt cuộc lưu đày Babylon đài hạn, thì ngài mới 49 tuổi. Nếu có nhiều thời gian và kiên quyết, ngài đã có thể đưa giáo triều về ngôi nhà xưa và hoàn thành công việc đào tạo một thế hệ mới các nhân viên giáo phủ. Nhưng, về Roma được mười bốn tháng, ngài đã quyết định trở lại Avignon và mất ở đó.
Có mười sáu hồng y trong kinh thành. Trừ một vài vị, còn lại là những giám chức giàu có và theo thế tục, thuộc giòng quý tộc về nguồn gốc và tính tình. Có bốn người Ý, một người Tây Ban Nha, còn lại là người Pháp. Những người Pháp này chia làm hai phe hoàn toàn thù địch nhau :”Người Limousin” (1) phò bốn giáo hoàng đầu tiên, và những người khác. Họ bị vây hãm và thường bị dân Rôma và vùng lân cận hành hung, đòi cho được giáo hoàng người Roma hay ít ra là người Ý. Trước khi vào mật viện, họ đã dàn trận để bầu cử; và như đã thấy, họ đã chọn Bartolomeo Prignano, một chức sắc lớn của giáo phủ, một người Ý đã lâu năm lưu trú ở Avignon và lúc đó làm tổng giám mục Bari. Họ đã nhanh chóng cho tiến hành việc bầu cử, giữa những báo động và ẩu đả. Giáo hoàng lên ngôi và được tấn phong với danh hiệu Urbain VI. Nhưng ngay sau đó, vị giám chức coi như ôn hòa trước kia, nay tỏ ra là một người chuyên chế tàn bạo, độc tài và hung dữ. Ngài đánh thuế các hồng y, xỉ nhục họ để trừng phạt và tra tấn những kẻ bất khẳng. Do đó các hồng y Pháp đồng tình bỏ đi, rồi các hồng y người Ý cũng ra đi. Sau khi thương lượng mà không có hiệu quả, trong đó có công của thánh nữ Catherine de Sienne, họ nhất trí bầu hồng y Robert de Genève, một người còn trẻ, có khả năng, cứng cỏi, kiêu kỳ, có họ với vua nước Pháp. Tân giáo hoàng lấy tên là Clément VII và trẩy đi Avignon. Hai phe đều bắt đầu xin toàn cõi Âu châu giúp một tay, mỗi phe đều đặt hồng y và ra vạ tuyệt thông cho các thù địch của mình. Trong mấy năm, Âu châu chia thành hai phe gần như đồng đều nhau. Nói chung đế quốc, hung Gia Lợi, Bohême, Flandres, Hòa Lan, Anh, Castille (lúc đầu) và một số miền ở Ý thì nhận Urbain VI. Còn Pháp, Ecosse, Savoie, Áo và sau này, Aragon và Navarre thì nhận Clément VII. Mỗi bên đều hăng say tuyên truyền cho phe mình. Có những lý do chính trị xen vào. Sau mấy năm, cả hai đều bỏ mọi hy vọng thỏa thuận về vấn đề ai là giáo hoàng đích thực.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi, cuộc ly khai xẩy ra chưa? Tại sao, cố gắng hòa giải bị ngừng trệ? Ai là giáo hoàng hợp pháp?
Về câu hỏi sau cùng, vấn đề phải giải quyết, đó là vấn đề có sự sợ hãi đích thực bắt phải bầu Prignano, cuộc bầu hoàn toàn theo đúng giáo luật. Cho dầu có mấy sử gia danh tiếng còn do sự, nhưng tất cả những chứng cớ hiện có, hầu như minh chứng rằng các áp lực mà đại quần chúng Roma hăng hái đem ra thi hành không thể cản trở hoạt động của những người thực tâm trung thực và can đảm. Khi bắt đầu tự bảo vệ mình, các hồng y chỉ cho áp lực là điều phụ. Thực ra, vấn đề nan giải không thuộc phạm vi lịch sử mà thuộc phạm vi tâm lý. Tại sao những người nhiều kinh nghiệm lại có thể lầm về tính khí và khả năng của một người mà họ biết từ lâu năm? Hoặc tại sao một tính tình lại có thể thay đổi và tha hóa nhanh như thế được?
Còn vấn đề thứ hai, người ta có thể thấy lý do ngay trong một nhóm nhỏ gồm các hồng y thiếu lòng đạo hạnh và tinh thần thiêng liêng. Ðó là những người giàu có và ham hố chức quyền, cùng chịu một nền giáo huấn như nhau, có những ý kiến như nhau, nhưng lại chia rẽ nhau vì những tranh chấp thuộc cá nhân và chủng tộc quốc gia. Ðó là cái nhầm lẫn riêng của các giáo hoàng Avignon: các ngài đã thu hẹp hồng y đoàn thành một nhóm bé nhỏ gồm những người mới chen chân vào hàng quan chức, có khả năng, nhưng ý chí yếu kém, thường thuộc về cùng một chủng tộc, bám víu chặt chẽ vào nhiệm vụ hồng y của mình, nhưng không hiểu biết về các nhu cầu sâu xa của Giáo Hội với những trọng trách tinh thần rộng lớn. Trong những bản văn thuật lại mật hội bầu vào chung kết, người ta không thấy một dấu vết nào đề cập tới mối ưu tư về đời sống thiêng liêng của giáo đoàn Kitô. Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao cuộc bầu năm 1378 lại gây ra một chia rẽ toàn diện và lâu dài, trong khi những cuộc ly khai có trước đây chỉ có tính cách địa phương, ngắn hạn hay không sâu sắc. Lời đáp là thế này: có một tâm tư bất lực và thất vọng nằm trong lòng Âu châu thời đó như một thứ sương mù vào mùa thu năm 1378 và tâm tư này trực tiếp phát sinh do cuộc ly khai, không phải ly khai giữa hai giáo hoàng do hai phe hay hai ông hoàng bầu lên, nhưng là giữa hai giáo hoàng được bầu lên do một nhóm nhỏ độc nhất mà thôi. Vì thế, tất cả những người bảo quản việc bầu thứ nhất thì cũng vướng vào vụ bầu thứ hai. Hơn nữa, khi các đối thủ có một số đông hồng y vừa được bổ nhiệm, thì những quyền lợi của họ khá quan trọng khiến họ không thể nhận định sự việc một cách khách quan được.
Nhưng đã có những toan tính để giải quyết vấn đề bằng những việc làm tích cực và bằng võ lực (per viam facti). Ngay sau cuộc bầu thứ hai, các hồng y liền công bố một tuyên cáo để thanh minh việc làm của mình. Giáo phủ của Urbain VI đã đáp lại bằng một giác thư cứng rắn, dựa vào những tài liệu chính thức; văn kiện này là một trong những chứng từ quan hệ nhất vào thời kỳ này. Giác thư của phe Urbain được sự ủng hộ của Catherine de Suède đứng lên làm chứng trước một ủy ban thiết lập năm 1379. Thánh nữ Catherine de Sienne, lúc này đang ở Roma, cũng nghĩ rằng giáo hoàng hợp pháp là đức Urbain. Phe bên kia, có bài tường thuật của thánh Vincent Ferrier. Thế là cả hai phe phái đều có những người đồng tình có trình độ đạo hạnh rất cao. Chính các sử gia hiện đại, mặc dầu đã có những chứng cớ được thiết lập trước họ, mà cũng không thể tuyệt đối nhất trí với nhau được. Huống hồ những người đồng thời thiếu dữ kiện điều tra đầy đủ và chính xác. Lại nữa, khi Âu châu chia thành những chủng tộc quốc gia, thì mọi hy vọng dàn xếp hợp lý đều không thể có. Cả hai phe phái đã dùng tới việc ra vạ, tuyên truyền, mưu kế, thậm chí cả võ lực. Rồi thấy rõ rằng tất cả những toan tính để thiết lập các sự kiện hay để áp đặt một giải pháp trong thực tế đều thất bại.
Thế là có hai triều giáo hoàng, mỗi bên đều có một giáo phủ hữu hiệu và hoạt đồng theo khuôn mẫu truyền thống, mỗi bên đều bám vào quyền pháp lý phổ cập của mình, mỗi bên đều bám chặt vào Âu châu. Thế là có hai mẫu toan tính để ra khỏi ngõ cụt. Cách nhượng bộ (via cessionis) là cách đòi một trong hai hoặc cả hai phải từ chức; và cách hòa giải (via concilii) là cách thay thế cả hai địch thủ bằng một công đồng chung. Toan tính thứ nhất là toan tính tuyệt vọng, không giáo hoàng nào chịu nhượng bộ. Khi có giáo hoàng nào chết trong một phe phái thì luôn luôn có người kế vị. Ðã có những hứa hẹn và tự nguyện từ chức, nhưng không bao giờ thực hành. Sau ba chục năm, vẫn còn có hai giáo hoàng đối diện.
Các nhà giáo luật và những người bình luận chính trị đều năng nổ hoạt động. Các sử gia hiện đại, vì hiểu rõ hơn về Giáo Hội sau công đồng Trente và sau năm 1870, về thời đức Gregoire VII và đức Innocent III, và về thời đại ly khai, nên thường khẳng định rằng: Giữa 1076 và 1378, việc thay đổi chính thể để bảo toàn chế độ quân chủ của ngôi giáo hoàng, tức là chế độ của đế quốc đang suy tàn và cuối cùng đã sụp đổ. Quả thực, tình hình xã hội và Giáo Hội cũng như những suy tư của các nhà giáo luật đều làm nảy sinh một lý thuyết gần với lý thuyết quân chủ. Theo đó, Giáo Hội là một phường hội, hay đúng hơn một hàng ngũ các phường hội mà phường hội thấp kém nhất là đoàn các tín hữu và cao cấp nhất là đoàn các hồng y. Theo quan niệm này, giáo hoàng được Thiên Chúa ban cho quyền cai trị tối cao, nhưng các tập đoàn khác vẫn giữ những quyền lợi không thể mất hiệu lực được. Bản tính các quyền này khác nhau tùy theo các nhà giáo luật. Ðối với Hostiensis, thường được coi là ”phe giáo hoàng”, hồng y đoàn làm thành một tập đoàn với giáo hoàng. Do đó, khi khuyết ngôi giáo hoàng, thì các hồng y thi hành quyền tập đoàn. Nếu các hồng y chết hết thì quyền nằm trong Giáo Hội họp thành công đồng chung. Từ quan niệm này, người ta có thể dễ dàng đưa ra kết luận, như Jean de Paris đã làm, rằng: quyền của giáo hoàng được giới hạn theo các nhu cầu của Giáo Hội. Một giáo hoàng vô tài, sai lạc hay tội lỗi thì có thể bị truất chức. Ở đây có một ý hướng diễn đạt tư tưởng, có thể được khai triển bằng nhiều cách, về việc các hồng y đã bầu Clément VI và về những suy tư của các nhà tư tưởng đang quan tâm đến vấn đề chia rẽ trong Kitô giáo. Cũng có nhiều ý hướng suy nghĩ khác. Chẳng hạn Marsile và Occam bày tỏ ý kiến cực đoan hơn và cá nhân hơn. Mỗi người đều theo cách riêng của mình mà suy tôn công đồng chung đại diện cho tập đoàn các tín hữu đối lập với giáo hoàng. Thực ra những tư tưởng này đã xâm nhập vào các câu lạc bộ đại học nhiều năm trước 1378.
Thực ra, các đại học (và đặc biệt đại học Paris) sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong những cuộc tranh luận đã được khai trương. Từ gần hai thế kỷ, đại học Paris chi phối Châu âu về phạm vi trí thức. Các đại học khác, nhất là đại học Oxford, luôn tìm cách sánh vai ngang đại học Paris, nhưng không thành công. Mãi tới nửa thế kỷ XIV mới có sự thay đổi. Cuộc đại chiến giữa Anh và Pháp đã cắt đứt liên lạc giữa Oxford và Paris và ba chục năm sau, cuộc ly khai không cho phép nhiều miền chịu ảnh hưởng Paris. Thế là đại học đường trở thành cơ sở giáo dục và lệ thuộc quốc gia Pháp hoàn toàn. Trong số sinh viên của đại học có nhiều giáo sĩ lỗi lạc và nhiều nhà giáo luật danh tiếng. Ðịa trường ảnh hưởng của đại học Paris bị thu hẹp lại. Nhưng khi thấy mình bị mất thanh thế, Ðại học lại được thúc đẩy dấn thân, nhập cuộc vào một thời kỳ chiến đấu trí tuệ và nhờ đó, nổi bật những nhân vật lỗi lạc. Người thứ nhất là Conrad de Gelnhausen (1380), ông viết Bức thư hòa giải (Epistola concordiae) đòi tổ chức hội một công đồng chung. Ông chủ trương Giáo Hội đại đồng, ở trên có giáo hoàng và các giám mục, nhưng những ”điều gì có hệ tới mỗi người thì phải được mọi người bàn luận”. Chống lại nguyên tắc ”chỉ mình giáo hoàng được triệu tập công đồng”, Conrad, đồ đệ của Occam, đưa ra lý luận là sự tất yếu không lệ thuộc vào luật và coi trường hợp ly khai không ở thuộc phạm vi của các nhà giáo luật. Sau Conrad, có Henri de Longenstein, ông viết Bức thư Hòa Bình (Epistola Pacis) chủ trương rằng: Giáo Hội có quyền truất phế một giáo hoàng được bầu không đúng cách thức và có phương hại. Hai nhà tư tưởng này dẫn đầu một nhóm quan trọng những nhà chính luận. Ở thế hệ tiếp theo sau, có Pierre d'Ailly và Jean Gerson. Nhưng hai ông này không gây nhiều ảnh hưởng.
Khi đức Urbain VI, giáo hoàng người Roma mất năm 1389, được thay thế ngay bằng đức Boniface IX. Không xẩy ra tai biến nào. Nhưng tới năm 1394, khi đức Clément VII mất ở Avignon, thì vua nước Pháp cương quyết ngăn cản cuộc bầu cử, nhưng thất bại: Mặc dầu mỗi hồng y đều tuyên thệ từ chức khi được bầu làm giáo hoàng, nhưng khi Pedro de Luna người Tây Ban Nha được bầu và lấy tên là Benoit XIII, ngài lại cương quyết không từ chức nữa. Ngài chống lại những nỗ lực của vua nước Pháp và của các địch thủ muốn ép ngài từ chức. Thế là, khi một giáo hoàng người Tây Ban Nha tìm mọi cách để khai thác các nguồn lợi ở Pháp, thì hàng giáo sĩ Pháp và đại học Paris tổ chức một phong trào mới. Trong một hội đồng nhóm họp năm 1396, người ta đề nghị bất tuân phục Benoit XIII để làm áp lực đòi ngài từ chức. Nhưng cũng thất bại. Rồi trong một hội nghị khác họp năm 1398, trường đại học được chính phủ ủng hộ nên tha hồ tung hoành. Cho rằng giáo triều đã tha hóa những tự do có từ thời xa xưa, nhà vua có quyền đánh thuế trên hàng giáo sĩ hưởng các bổng lộc, phải bãi bỏ hết các bổng lộc của Giáo Hội Pháp, và hội nghị long trọng tuyên bố không tuân phục tòa thánh, tuy nhiên vẫn công nhận quyền thuần túy thiêng liêng của giáo hoàng. Ðây là lần đầu tiên bày tỏ khuynh hướng mà sau này người ta sẽ gọi là chủ thuyết Gallican. Chủ thuyết này được hình thành do sự liên kết của hai trào lưu tư tưởng: sự phát triển tinh thần thế tục và quốc gia nơi các vua nước Pháp từ thời Philippe le Bel, và sự ghen tuông của đại học đường đối với giáo triều, ghen tuông càng tăng thêm khi các giáo hoàng ủng hộ các dòng Anh Em chống lại đại học đường và hàng giám mục. Mỗi phe, đều có những lý do kinh tài hướng dẫn hoạt động: nhà vua mong chiếm các thứ thuế và lệ phí thường thuộc về giáo hoàng. Ðại học đường muốn chiếm lấy mọi quyền tiến cử vốn thuộc về giáo hoàng. Lúc này, hình như phong trào đã thành công. Các hồng y đều rời bỏ đức Benoit XIII và đứng ra cai trị Giáo Hội. Giáo hoàng bị áp lực bắt chạy trốn. Nhưng ngài cưỡng lại. Dần dần người Pháp bất mãn về cách cư xử và tham lam của chính phủ và của những người thay thế các nhân viên của giáo hoàng. Ban đầu, có mấy giám mục cương quyết chống lại sự thoái lui. Năm 1403 nước Pháp trở lại nhận sự qui phục. Trong những năm sau, mấy lần hai giáo hoàng toan tính cách thành thực hay giả mạo ”muốn từ chức” (per viam demissionis). Như những con mèo đọ sức, hai giáo hoàng sát lại gần nhau trong dãy núi Alpes vùng Ligurie, mà không bao giờ tiếp xúc thân tình với nhau như mọi người mong muốn. Các ngài khẳng định là có ý định chuẩn bị cùng từ chức. Ðức Grégoire XII, giáo hoàng người Roma thì bên trong coi như bị giật dây. Từ lâu, Âu châu đã nản chí. Năm 1407, lần thứ hai nước Pháp chính thức tuyên bố không qui phục giáo hoàng. Sau cùng mùa xuân năm 1408, các hồng y thuộc cả hai phe đều nổi loạn chống những thoái thác của hai giáo hoàng thù địch và dự tính làm một việc chung. Các hồng y loan báo một công đồng chung sẽ được nhóm họp ở Pise ngày 25 tháng 3 năm 1409. Các ngài cho triệu tập cả hai vị giáo hoàng đối lập tới. Nhưng mỗi giáo hoàng đều đáp lại bằng việc: chính mình sẽ triệu tập một công đồng riêng, đức Benoit XIII ở Perpignan và đức Grégoire XII ở Cividale. Dầu vậy, công đồng Pise vẫn nhóm họp. Các giám mục đến không đông, nhưng đủ túc số tiêu biểu. Công đồng truất phế cả hai giáo hoàng và bầu Alexandre V, một tu sĩ dòng Phanxicô. Vị này nhận được lệnh làm một chương trình cải cách nhưng không bao giờ thi hành. Ngài tạ thế một năm sau, và Balthazar Cossa, một người thiếu hết các đức tính luân lý và thiêng liêng, được bầu lên kế vị, lấy tên là Gioan XXIII. Các hồng y của ngài là Zabarella và Pierre d'Ailly. Kitô giáo như vậy là có ba giáo hoàng. Người thứ ba chắc chắn là một cá nhân thật bất xứng vừa trên phương diện giáo luật vừa theo dư luận chung, là một kẻ tiếm ngôi. Giáo Hội hoàn toàn rơi vào tình trạng không lối thoát. Khi thoát được là nhờ hành động của vua Sigismond. Ông hoàng này đã đứng ra tranh thủ vị trí ở Âu châu suốt ba chục năm, là người con trẻ nhất của hoàng đế Charles IV; ông được liên tiếp bầu làm đại cử tri Brandebourg, vua Hongrie (1387), hoàng đế (1411) và vua Bohême (1419). Có khả năng, có nghị lực, có tham vọng, có nhiều tài để thành công, ông nắm chắc tình thế và bắt Jean XXIII phải triệu tập công đồng vào tháng 11 năm 1414 ở Constance. Sigismond và dư luận chung mong chấm dứt cuộc ly khai, nên được mọi người đồng tình. Công đồng Constance đã khai mạc bằng yên. Có nhiều người tham dự và diễn tiến khá độc đáo. Vì lẽ người ta nghi ngờ các giáo hoàng và hồng y, và vì tinh thần quốc gia đang bùng lên, vì mối thù địch giữa nước Anh và nước Pháp, cho nên công đồng đã đi tới mấy cải tổ quan trọng. Trước hết các nghị phụ tranh luận rồi bỏ phiếu riêng từng nhóm thuộc các quốc gia khác nhau. Thế rồi, nhiều nhà thần học không phải là giám mục cũng được tham dự. Sự kiện này làm cho vị trí gây áp lực của các phần tử thuộc trường đại học được củng cố, họ chủ trương công đồng có ưu tiên trên giáo hoàng và cần phải có những công đồng được triệu tập theo chu kỳ. Ðược làm hồng y, Pierre d'Ailly là một người chủ trương ”công đồng” quá khích. Gerson bảo thủ hơn và đề nghị một cải cách ôn hòa. Zabarella cũng chủ trương thuyết công đồng nhưng trung dung hơn. Dietrich de Niem lại khắt khe và cương quyết hơn. Ông tuyên bố quyền ưu tiên của Giáo Hội đại đồng. Khi tất cả các nghị phụ tới Constance, thì công đồng trở nên khá quan trọng và đủ tính cách đại diện. Các vụ việc của giáo phủ và hoàng đế được bàn luận ngay tại chỗ. Trong ba năm, Constance là thủ đô Châu âu.
Công đồng bắt đầu lên án Jean Huss và chia thành bốn quốc gia không đều nhau về tầm mức quan trọng, nhưng đều nhau về mặt số phiếu. Sau nhiều thoái thác kéo dài mãi, đức Jean XXIII bằng lòng từ chức với điều kiện là các vị đối lập cũng phải từ chức. Ðức Grégoire XII nhận điều kiện này. Nhưng trước khi đức Benoit XIII lên tiếng, thì đức Jean XXIII vờ thoái lui, bắt chước cách thức của hai địch thủ mình. Còn lại một mình công đồng, nhưng các nghị phụ nhất trí chủ trương rằng mình có toàn quyền tiếp tục làm việc. Ngày 6 tháng 4, công đồng ra sắc lệnh nổi tiếng Sacrosancta, khẳng định công đồng trực tiếp nhận quyền từ Chúa Kitô và đòi cho mình quyền xét xử phổ thế, kể cả đối với giáo hoàng, về mặt đức tin và công trình cải cách. Các nghị phụ liền bắt đầu tố cáo Jean XXIII về rất nhiều tội. Vị này bị lên án (rất đúng) và bị truất chức. Mấy ngày sau, đức Grégoire XII cũng ”bị” từ chức, đức Benoit XIII vẫn đứng vững, hy vọng được sống sót sau hai vị kia. Thực ra ông không bị truất trước năm 1417. Công đồng trở thành uể oải, đỉnh trệ. Vắng bóng Sigismond vỉ cuộc chiến giữa Anh và Pháp, sự chia rẽ giữa người Armagnacs và Bourguignons, và trên hết là vắng bóng một uy quyền độc nhất, tất cả đã làm tê liệt óc sáng kiến. Công đồng trở nên loạn xạ trong những tranh cãi chua cay và vô ích. Nhưng một ủy ban được thành lập để đề nghị những mục đề cải cách. Mỗi quốc gia đều đưa ra một chương trình ưu tiên riêng: Người Ðức đem ra những dự định rộng rãi hơn, thực tế hơn, người Anh ôn hòa hơn, còn người Pháp thì cách mạng nhất. Trở về Constance, Sigismond thấy công đồng mệt mỏi và chia rẽ. Ông cũng cảm thấy chính ông đã mất thế giá. Khi đức Benoit XIII bị khai trừ (1417) thì công đồng được tự do để bầu một tân giáo hoàng. Nhưng công đồng lại chia rẽ nhau về điểm có nên bầu trước khi cải cách hay không. Khi vấn đề được giải quyết, lại nảy ra tranh cãi về vấn đề ai là người có quyền bầu phiếu: đoàn hồng y được củng cố có ủy nhiệm thư không đáng tin cậy, hay công đồng không có quyền theo giáo luật? Người ta đi tới một thỏa hiệp. Nhưng trước khi bầu, các nghị phụ cho công bố một sắc lệnh khác, gọi là Frequens, (9.10.1417). Theo đó, công đồng phải được triệu tập năm năm sau, rồi lại bảy năm. Sau nữa, rồi cứ đều đều mười năm một. Có mấy sắc lệnh khác được công bố, đề hãn ngữ những tệ lạm kinh tài của giáo triều. Trước khi bầu mấy ngày, hồng y Zabarella mất. Ông là người chủ trương quyền tối cao của công đồng, khôn ngoan, ôn hòa, không thể chê điều gì, ông được lòng mọi cử tri. Ngày lễ thánh Martin, công đồng họp rất nhanh, chọn một người Roma chính tông, Odon Colonna, lấy tên là Martin V. Sự lựa chọn này báo hiệu một hành động bảo thủ và tỏ ra không nể nang nước Pháp và vua Sigismond. Thế nhưng cuộc ly khai kéo dài ba mươi chín năm nay đã chấm dứt.
Người ta thường tranh luận về đại kết tính của các sắc lệnh công đồng Constance. Chắc chắn là trong những khóa họp (42 tới 45) có đức Martin V tham dự, cả trong những khóa họp lên án giáo huấn của Wyclif và khóa XV kết án giáo thuyết của Jean Huss. Thực ra những quyết định ấy đã được giáo hoàng lấy lại và công bố trong sắc chỉ Inter cunctas, ngày 22.2.1418. Ðàng khác, đức Eugène IV công nhận cả hai công đồng Constance và Bâle, nhưng từ chối mọi sự bớt xén các quyền lợi, chức vị và quyền ưu tiên của Tòa Thánh. Vấn đề còn treo lơ lửng đó, vì sắc chỉ Sacrosacta của khóa V (5.5.1415) tuyên bố: công đồng trực tiếp lấy quyền từ Ðức Kitô và mọi người, kể cả giáo hoàng, đều ở dưới quyền của công đồng về mặt Ðức Tin và cải cách. Về phương diện hoàn toàn thần học, sắc lệnh này không phải là một phán quyết vô ngộ: thật vậy, trên thực tế không một giáo hoàng nào công nhận quan điểm này. Nếu xét riêng về điểm ấy, người ta có thể không công nhận đó là một định nghĩa đích thực về Ðức Tin. Ngoài các hồng y quan trọng lên tiếng phản đối và nhiều người tránh hay không dự vào việc bỏ phiếu thì sắc lệnh là một quyết định chưa chuẩn bị đủ, chủ ý đương đầu với một tình thế bất ngờ, một thời điểm mà công đồng bị Jean XXIII bỏ và thành ra không có lãnh tụ. Nhiều sử gia mới đây còn chủ trương rằng vì sự bấp bênh trong hoàn cảnh lúc đó và do những nguyên tắc giáo luật cổ truyền, nên một công đồng có một quyền toàn diện (cách tạm thời) và do đó Jean XXIII là một giáo hoàng được bầu cách hợp pháp. Vì thế công đồng Constance có thể là chính xác không những suốt thời kỳ giáo hoàng tham dự mà cả trong suốt thời kỳ lộn xộn tiếp theo sau việc đức Jean XXIII tẩu thoát và bị lên án. Nếu nhận lập trường này, thì phải công nhận công đồng bị đe dọa biến mất. Công đồng công bố sắc lệnh Sacrosancta để giải quyết vấn đề, bằng cách cứu vãn chính sự hiện hữu của mình. Sau đó các nghị phụ khẳng định rằng vấn đề đã được giải quyết. Chắc chắn rằng nhiều vị có mặt trong công đồng đã muốn đi tới một giải pháp. Cũng chắc chắn rằng, nếu cuộc ly khai còn kéo dài và nếu sắc lệnh Frequens được đem ra thi hành, thì sắc lệnh Sacrosancta sẽ được phổ biến và công bố lại dưới một hình thức hợp lệ hơn. Nhưng các sự việc lại không xẩy ra như thế. Phải đợi tới gần hai thế kỷ, Sacrosancta mới trở thành một lời truyền lệnh của các nhà thần học theo thuyết Gallican.
Rất nhanh, tân giáo hoàng rõ ràng tỏ cho thấy rằng tất cả các thứ cải cách triệt để đều không thể tưởng tượng được. Những biện pháp ngài đưa ra liên quan tới giáo phủ đều trì hoãn những việc mà hết các chương trình cải cách cho là đáng chê trách. Nhưng, nhờ những biện pháp cải cách nhỏ và nhờ vào một cải tổ hữu hiệu guồng máy giáo phủ, giáo hoàng đã cố gắng từ từ nhưng chắc chắn trở lại nếp sinh hoạt bình thường. Ngài dành hết nghị lực xếp đặt lại guồng máy hành chánh Tòa Thánh cho có khuôn khổ và đặc biệt giữ thăng bằng ngân sách. Mặc dầu vào đầu triều đại, ngài tuyên bố quyền ưu tiên tuyệt đối cổ truyền của Tòa Thánh, nhưng ngài đã theo những sắc lệnh của công đồng Constance và cho triệu tập một công đồng ở Pavie năm 1423. Công đồng này có ít người tham dự, được chuyển qua Sienne kéo dài lê thê cho đến lúc chính đức Martin V cho giải tán vào tháng 3 năm 1424. Nếu toan tính cải cách thất bại thì phần trách nhiệm thuộc về giáo hoàng. Sự bất bình tăng thêm. Phái Hussites ở Bohême không nhượng bộ. Khắp nơi người ta quyết liệt đòi một công đồng mới vào niên kỳ đã định trong Frequens. Giáo hoàng phải nhượng bộ và công bố một sắc chỉ cho triệu tập một công đồng ở Bâle năm 1431. Ngài đặt hồng y trẻ tuổi Giuliano Cesarini làm sứ giả; đây là một người trong sạch, thông thái và cởi mở, đã chuẩn bị điều khiển một thánh chiến chống phái Hussites. Ðức Martin V qua đời trước khi khai mạc công đồng.
Lịch sử công đồng Bâle (1431-1449) còn phức tạp hơn lịch sử công đồng Constance. Công đồng này có ít người dự hơn, ít giám mục và nhiều nhân viên đại học. Nhưng nó đại diện rộng rãi Giáo Hội Âu châu, với những người điều hành có tầm vóc, như Ailly và Gerson. Nhưng khuyết điểm này được bù lại bằng ảnh hưởng xuất chúng của một người ôn hòa là Cesarini. Ða số các nghị phụ đều đã hay sẽ đối nghịch với quyền tuyệt đối quân chủ của giáo hoàng. Nhưng có nhiều quan điểm rất khác nhau, từ những chủ trương giáo triều là một thể chế do Thiên Chúa thiết lập, nhưng không vô ngộ, cho tới những chủ trương đoàn thể các giáo sĩ hoặc cả đoàn thể các tín hữu đều có tối thượng quyền về mặt Ðức Tin và cai trị. Hầu hết đều công nhận rằng, trong tình thế hiện thời, công đồng chung có quyền trên quyền của giáo hoàng. Nhưng cũng không được quên điều mọi người đều xác tín: Giáo hoàng bao giờ cũng có quyền hành pháp và là thủ lãnh của Giáo Hội. Mặc dầu có những sai lầm và không thành đạt như ý, công đồng Bâle vẫn để lại một ấn tích thời danh: Ðây là một hội nghị quan trọng quốc tế đã kéo dài và tiếp tục hoạt động kiên trì trong mười tám năm.
Giai đoạn thứ nhất thành công hơn cả. Nhờ ở những buổi tranh luận và một ngoại giao khôn khéo, công đồng đã làm dịu và dàn xếp tạm thời cuộc tranh cãi đối nghịch giữa phe Hussites và Công giáo Chính thống. Uy thế của hội nghị lớn lao đến nỗi đức tân giáo hoàng Eugène IV, chính khách sành sõi và cố tình chủ trương quyền tối cao của giáo hoàng, đành phải bỏ ý định cho giải tán công đồng và trong một thời gian đã chuẩn y các đề mục của công đồng. Toan tính lên tới tuyệt đỉnh với những sắc chỉ năm 1433, bãi bỏ các bổng lộc dành riêng cho giáo hoàng, và những sắc chỉ năm 1435 bãi bỏ hết các bổng lộc mà giáo phủ đã chiếm đoạt, kể cả những bổng lộc phải trả khi trao và ấn định các hoa lợi, kể cả thứ thuế giáo sĩ. Ðức Eugène IV có cơ may là hoàng đế Hy Lạp cần được viện trợ và ước mong hiệp nhất với Tây phương. Ðiều này cho phép giáo hoàng đứng ra lấy sáng kiến. Công đồng đã phá vỡ các cuộc thương thuyết. Nhưng giáo hoàng đã làm thỏa mãn các đòi hỏi Hy Lạp, là cho chuyển công đồng về Ferrare (rồi về Florence) và ấn định một chương trình nghị sự. Một thiểu số các nghị phụ đi theo hội nghị mới. Sau một buổi tranh luận lớn, công đồng Florence ký một hiệp ước giả tạo (1438-1439). Nhưng công đồng Bâle đòi giáo hoàng xuất trình sổ sách và cuối cùng, năm 1439, đã truất phế ngài vì lạc giáo. Công đồng bầu một ngụy giáo hoàng là công tước Savoie, tên là Félix V, ngài không nhận cầm quyền. Nhưng nhờ vào thành công nơi người Hy Lạp và khôn khéo ngoại giao, làm thỏa mãn các vua, các chúa bằng việc ký kết các thỏa ước khác nhau, nên đức Eugène IV làm cho công đồng mất mọi ủng hộ và mọi thanh thế. Thế nhưng hội nghị sau mười năm nữa mới chấm dứt. Năm 1449 giai đoạn các công đồng và các giáo hoàng đối thủ mới hết. Ðây là buổi bình minh của thời chuyên chế phần đời và cách mạng thần học.
Ðộc giả hẳn sẽ bỡ ngỡ về lý thuyết quyền tối cao quân chủ của giáo hoàng, được các giáo hoàng thế kỷ XIII đồng thanh công bố, kể cả các nhà thần học và nhà giáo luật, nay xem ra bị tan rã mới chưa đầy năm chục năm, để nhường chỗ cho những chủ trương gần như đối lập hoàn toàn, và nhiều quan điểm lại còn được coi như giáo lý Kitô giáo do những cơ quan tự nhận mình là tiêu biểu Giáo Hội đại đồng đưa ra. Nếu trả lời rằng: có một đám quần chúng quan trọng nhưng âm thầm gồm các giáo sĩ và giáo dân, họ không dính dáng gì tới trào lưu này, thì câu trả lời không giải quyết hoàn toàn nỗi khó khăn.
Thứ nhất chúng ta phải phân biệt lý thuyết cơ bản và cấu trúc thượng tầng. Niềm tin chung muốn cho Tòa Thánh có quyền ưu tiên tuyệt đối vì vừa là tảng đá Ðức Tin vừa là nguồn gốc quyền bính, niềm tin này đã thông thường trong Giáo Hội Tây Phương, kể từ cổ thời xa xưa. Còn cấu trúc thượng tầng do các nhà giáo luật và các chính luận gia thế kỷ XIII diễn giải thì một phần là cái gì thuộc quan điểm tư riêng và tạm bợ được đưa ra, như tất cả các trào lưu quan điểm và tư tưởng triết học, để nhiều người khác nhau phản ứng. Xét theo lịch sử, những phản ứng này, như qua các tác phẩm của Marsile và Occam, thì cũng quan trọng và cũng sâu sắc như trào lưu tập trung hóa (centralisation) ở hai thế kỷ trước, và chúng được hưởng ứng bởi vì giáo triều Avignon đã làm mất thanh thế của mình. Thế nhưng nhiều sử gia cho rằng, nếu không có hai cuộc bầu cử năm 1378, thì không bao giờ có giai đoạn ”công đồng”. Tóm lại, cuộc ly khai đã kéo dài từ mười hai năm, khi các ”người chủ trương công đồng trị” (conciliaristes) nghĩa là, không những các người ủng hộ việc triệu tập công đồng, mà còn cả những người bằng lòng cho công đồng một thứ quyền tối cao, trở nên những lãnh tụ có ảnh hưởng để gây thành một đại trào lưu tư tưởng. Trào lưu này trở nên quan trọng, không phải chỉ bởi sức quyến rũ nội tại của lý thuyết, mà còn ở việc người ta thất vọng vì không tìm ra những cách thức khác để chấm dứt một tình trạng không thể chịu nổi và chấm dứt sự ghê tởm sâu xa trước cách ăn ở của hầu hết các người ngấp nghé bước lên ngôi giáo hoàng. Thế nhưng, phái ”công đồng trị” phần đông là các giáo sư đại học hay các chính khách. Những phần tử khác của Giáo Hội không lên tiếng, chắc hẳn cũng không biết Gerson hay Occam, giống như tiên tổ của họ không biết đức Innocent IV và Ptolémée de Lucques. Họ không theo công đồng, cũng không theo giáo hoàng. Họ thất vọng về những xáo trộn của cuộc ly khai. Họ còn là những tín đồ chính thống, không hề tỏ ra trung thành riêng với giáo hoàng và trên thực tế, không coi giáo triều có ảnh hưởng tới tín ngưỡng và các việc sống đạo. Nhưng họ biết rằng bộ máy Giáo Hội đòi hỏi và cần có một người chỉ đạo và một ông thầy để dẫn dắt họ trong đường ngay nẻo chính. Việc đức Martin V dễ dàng cải tổ thế đứng của giáo triều là biểu hiện thể chế đã chi phối được ý thức chính trị của thời đại. Thật rõ ràng là các công đồng đã tỏ ra bất lực để hàn gắn mọi chia rẽ giữa Kitô hữu và những trào lưu cải cách. Quan trọng hơn, tuy trong thầm lặng, đó là việc trở về tư tưởng cổ truyền, được biểu lộ trong những cuộc tranh luận với người Hy Lạp ở công đồng Florence, trong thuyết minh giáo của Thomas Netter và trong các tác phẩm của trường phái Thomiste mới..
Thế nhưng các công đồng cũng có một ảnh hưởng nào đó. Người ta có thể tự hỏi: nếu không có các công đồng thì làm thế nào tái lập được hòa hợp thống nhất. Ðàng khác, công đồng Constance vì tin tưởng vào Sigismond, và công đồng Bâle, vì cố chấp bám víu vào những quan điểm khó nắm giữ được, cả hai đều giúp cho quyền đời chi phối quyền đạo. Ðây sẽ là một đặc điểm của hai thế kỷ tiếp sau.
Chắc hẳn rằng, những gương xấu và sự tan rã về sinh hoạt thông thường của Giáo Hội trong thời ly khai, đều là những hiện tượng quan trọng. Nhưng hình như sinh hoạt của Giáo Hội ít bị bế tắc hơn người ta tưởng. Sự chia rẽ ở Âu châu chỉ có tính cách địa phương chứ không thuộc địa trường hay ảnh hưởng đến mọi người, trừ một ít trường hợp. Ít ra cho tới 1409, việc qui phục được thể hiện có hiệu quả. Khá rõ ràng là Âu châu nói chung còn kiên quyết theo Công giáo và vì thế Ðức Tin không bị xao xuyến. Bên dưới phẩm trật, hàng giáo sĩ và giáo dân ít bị dao động bởi cuộc ly khai. Ít ra là đối với Anh quốc, phải nhớ rằng những người đọc các trường thiên của Chaucer (1340-1400) và của Langland (? 1330- ? 1400) và những suy tư của Julienne de Norwich (1342-1416), họ không thể tưởng tượng được rằng Giáo Hội đang sống trong một cơn bão khủng hoảng về ngành cai trị, từ xưa chưa hề có. Thế nhưng, cuộc ly khai đã gây ảnh hưởng ở cả hai mặt. Vì nhu cầu, các dòng tu tập trung đã phân làm hai: bề trên cả của dòng hay nhà mẹ bị mất tới một nửa số tu sĩ. Theo giòng thời gian, có hai tổ chức được thành lập trong một số khu vực (như nơi các dòng huynh đệ). Trong những trường hợp khác, có một sự chuyển giao các quyền hành. Như ở Anh, các tu sĩ Cluny, tu sĩ Citeaux và Prêmontrés đều do các bề trên người Anh hay do các nhà chính yếu ở Anh điều khiển trong một thời gian (như Welbeck). Khi thống nhất đã được tái lập thì các anh em dễ dàng trở lại tình trạng cũ. Nhưng những dòng cố cựu hơn và ít bị tập trung hơn đã có khuynh hướng phân tán thành những nhóm quốc gia. Một hiệu quả chung nữa của cuộc ly khai là việc giảm giá các đặc ân và miễn chuẩn. Lý do là có nhiều giáo hoàng rộng lượng ban phát các ơn nếu có tiền. Kỷ luật dòng và kỷ luật Giáo Hội cũng suy yếu và những lãnh vực đã mất thì không bao giờ thu hồi được nữa.
Bao lâu Tòa Thánh dung túng sự suy thoái kỷ luật thiêng liêng và duy trì hoặc tăng thêm gánh nặng các thuế khóa, thì cuộc ly khai còn cho thấy sự khẩn trương phải có cuộc cải cách, từ chóp đỉnh và từ nền tảng Giáo Hội. Năm tháng càng trôi đi, thì đòi hỏi này càng thêm sức mạnh và đạt tới chóp đỉnh vào giai đoạn đầu tiên của công đồng Bâle. Nếu Âu châu nhận được một bài học của ”thời công đồng trị”, thì đó là các công đồng đã không thể và các giáo hoàng đã không muốn đáp ứng nhu cầu khẩn trương phải cải cách.