CHƯƠNG XXXVI
PHẦN THỨ BỐN
1304-1500
CÁC GIÁO HOÀNG
NGỤ TẠI AVIGNON.
CHƯƠNG XXXVI
CÁC GIÁO HOÀNG
NGỤ TẠI AVIGNON.
Có nhiều lý do giải thích tại sao các giáo hoàng lưu trú lâu năm ở Avignon. Việc di chuyển giáo triều luôn là việc bất thường. Khi được các hồng y bầu lên ngôi giáo hoàng tại Pérouse, tổng giám mục Bordeaux chưa lên đường đi Ý, còn tiếp tục thương thuyết ở Avignon với Philippe le Bel. Cuộc trì hoãn này kéo dài, vì phải chuẩn bị họp công đồng Vienne (1311-1312). Thế rồi, Henri VII xâm chiếm nước Ý. Thế là giáo triều bị tê liệt vì ba áp lực: một là có loạn ở Ý, nhiều nước thuộc Tòa Thánh nỗi loạn, ngay tại Roma cũng có phiến loạn chống giáo hoàng; hai là giáo triều cần được nước Pháp ủng hộ, bởi lẽ đế quốc và nước Ý đã trở thành thù địch; ba là giáo triều dần dần trở nên tổ chức hành chính phức tạp và triều đình xa hoa trong một lâu đài có thành quách bao quanh, nằm giữa một thành phố có tường cao lũy dày. Mặc dầu có những áp lực như vậy, sự kiện giáo hoàng vắng Roma lâu dài gây nhiều tai hại. Về mặt chính trị, giáo triều thiếu an ninh, thiếu nguồn lợi kinh tế thu được từ các lãnh thổ thuộc quyền. Giáo triều rơi vào ảnh hưởng bất lợi và nguy hiểm của nước Pháp, khó tìm ra lối thoát. Thật là một gương xấu kéo dài, nếu giám mục Roma cứ tiếp tục ngự trị trong một điện đài xa hoa ở bên kia dãy núi Alpes. Vì đây là cơ hội gây nên cuộc đại ly khai ngay sau đó và còn kéo dài mãi. Nhiều người đương thời, trong đó có nhà hùng biện Pétrarque và mấy vị nỗi tiếng nhân đức như thánh nữ Catherine de Sienne, họ lên tiếng khiển trách các giáo hoàng Avignon và than vãn buồn sầu. Cho tới ít lâu sau, hầu hết các sử gia đều lập lại một luận điệu. Trong vòng sáu chục năm vừa qua, đức ông G. Mollat đã đem hết tâm lực khảo cứu mới nêu lên một nhận định mới. Ông đã chứng minh rõ rằng: đa số các giáo hoàng ở Avignon có một đời sống tư rất đạo hạnh, đa số đã cố gắng làm một cuộc cải cách và đã cho thiết lập một hệ thống hành chánh và kinh tài hữu hiệu hơn hệ thống của các vua chúa Âu châu. Cũng còn có những nhà bác học giải thích và bênh vực kỹ thuật thuế má của giáo triều và hệ thống bảo chứng, dự trữ thường bị phê phán một cách dữ dằn. Về việc lệ thuộc vào nước Pháp, người ta đã tìm thấy có nhiều thí dụ trong việc làm và ý định muốn được tự trị về chính trị. Ngay giáo triều có nhiều nhân vật không phải là người Pháp. Như khi ở Roma, giáo triều đã cố gắng biệt lập với nước Ý thế nào thì khi ở Avignon trong ảnh hưởng chính trị của Pháp, giáo triều cũng cố gắng mở rộng quyền tự lập, tự trị như vậy. Thế nhưng vẫn thường xuyên có những gương xấu: đó là quang cảnh ông hoàng giàu sang và quyền thế, sống trong sa hoa, giữa một tổ chức bàn giấy công chức, trong một lâu đài có tường lũy bao vây, không có liên quan gì tới kinh thành vương quốc các Tông Ðồ, từ xưa tới nay vẫn là trung tâm của niềm tin. Chắc hẳn là trong thời gian lưu trú lâu dài này, giáo triều và giáo phủ đã phương hại nhiều đến thanh danh, bởi đã chạy theo các khuôn mẫu và mục tiêu phần đời; và điều này có phương hại tới Giáo Hội hơn là những sai lầm trước đây do các cá nhân gây nên.
Thế nhưng, việc cải cách hành chính thực hiện được ở Avignon thì có thật và lâu bền. Ở phòng công quĩ, viên thủ kho và thủ quỹ điều khiển phần lớn các hoạt động ngoại giao và kinh tài. Về chính trị, sự nghiệp của đức Gioan XXII được coi là toàn hảo nhất. Phòng chưởng ấn, tổ chức thành nhiều khu vực, trao đổi văn thư giữa giáo triều và Giáo Hội hoàn vũ. Về công trình cải cách tư pháp, những người có công nhất là các đức Clement V, Gioan XXII và Benoit XIII: cho tới nay, trong những miền xa xôi, người ta còn xử dụng các quan tòa đại diện đi thu tập lời cung, cứu xét chứng từ và thường luận án nữa. Nhưng có nhiều bản án có quyền khiếu nại hay dành riêng cho giáo hoàng. Ðức Clément V cho thiết lập các tòa án thường kỳ. Hội nghị giáo phụ gồm có giáo hoàng và các hồng y làm thành tòa thượng thẩm cho toàn Giáo Hội, còn những tòa án chỉ gồm các hồng y là để xét xử các việc được giáo hoàng ủy nhiệm cho. Tòa thượng thẩm (rote) được thiết lập năm 1331, trước tiên để lo việc cấp ban bổng lộc. Về sau mới trở thành tòa án tối cao lo các vụ hôn phối. Sau cùng có một tòa án xử mọi vấn đề và các tố tụng, đồng thời lo thi hành các bản án. Ngoài ra tòa xá giải với những cơ quan phụ thuộc thì lo về việc miễn chuẩn hôn phối, những nố bất hợp pháp về giáo luật và việc tha giải trong những vụ dành riêng.
Ðể trả lương cho nhân viên hành chánh đông đúc và chi tiêu cho đời sống hằng ngày của giáo triều, lại vì không còn nhận được hoa lợi từ các gia sản ở Ý nữa, nên các giáo hoằng phải đánh thuế nặng hơn về số lượng và về thời hạn, với một hệ thống thu thuế tinh vi hơn. Vào thế kỷ XIII hầu hết các thứ thuế, không cao lắm, đều nộp cho giám mục và các nhân viên phụ thuộc, hoặc cho các nhà ngân hàng Ý được Roma bảo đảm về các nguồn lợi. Từ nay công việc đều do các nhân viên của Tòa Thánh có quyền làm áp lực khá mạnh như kiểm trừng, tuyệt thông, tiền phạt. Tại giáo triều, thì phải nộp lệ phí mỗi lần ghi sổ thỉnh cầu việc gì, mỗi lần tới viếng Tòa Thánh. Mỗi khi giáo triều giúp xong một việc gì đều phải nộp lệ phí. Phần lớn các nguồn lợi lớn lao này dùng để nuôi sống giáo triều hoặc trợ cấp, biếu xén và bố thí. Trong nhiều năm, gần hai phần ba các nguồn lợi của giáo triều dùng để trả lương cho các lính thuê của Tòa Thánh và những liên minh khi có chinh chiến lâu dài và những khi thất trận. Người ta có kinh nghiệm và biết rõ nhiều cách đối xử bất nhân của các nhân viên thu thuế của Tòa Thánh. Từ khắp Âu châu, thường nổi lên những chống đối dữ tợn. Tòa thẩm tra, những lạm dụng trong chế độ đặt tiền bảo chứng, tính tham lam bất nhân và lộ liễu của các nhân viên thu thuế đều làm cho người ta chán ghét giáo triều. Ba hành động trên đây do giáo triều ban hành và dung túng, đã bóp chẹt tự do và quyền tư hữu dưới nhiều thể cách. Vì những thủ tục và lề lối thừa hành pháp lý hệ thống luôn làm lợi cho giáo triều và những tay sai. Hệ thống khai thác này thường là dây liên hệ độc nhất giữa giáo hoàng và Kitô hữu. Do đó đã sinh ra một nỗi cay chua lớn vẫn còn tồn tại cả khi chế độ này được thanh tẩy khỏi những thể thức có tính cách đàn áp nhất.
Ðức Clement V thừa tự được nỗi căm thù do Boniface VIII để lại. Là người Pháp, ngài có nhiều lý do mạnh để không cắt đứt những liên lạc với vua nước Pháp. Ngài ở vào một tư thế hết sức nguy hiểm. Theo lời yêu cầu của vua Philippe IV, ngài hủy bỏ hết các tố cáo mà Boniface đã đưa ra để chống đối nhà vua. Năm 1312 ngài đầu hàng một cách nhục nhã khi ngài hủy bỏ hội dòng Ðền Thờ. Hội dòng này không còn lý do tồn tại khi thành Acre đã thất thủ năm 1291. Nhưng họ có nhiều cương thổ trong khắp Tây âu và rất giàu có. Họ thêm giầu có nhờ những hoạt động ngân hàng và tài chính. Không nhiệt tình cũng không có lòng bác ái, họ có ít bạn. Họ không đáp lại những lời kêu gọi của nhà vua và giáo hoàng mà hòa nhập với hội dòng lo bệnh viện. Philippe IV thèm muốn của cải của họ. Ông đón nhận hay chính ông bịa ra những lời tố cáo họ. Năm 1307 ông không chờ đợi giáo hoàng điều tra, và truyền cho Nogaret bắt giữ hết các nhân viên của dòng Ðền Thờ để tra khảo. Cáo gian, tra tấn, bắt thú nhận, tất cả đều là chất liệu để tố cáo họ là ly khai, đồng cốt, lộng ngôn và tội trái luân thường đạo lý, chèn ép dòng Ðền Thờ dưới tay nhà vua. Chuyên lo về việc duy trì công lý, giáo hoàng liền truyền bắt giữ hết các nhân viên dòng Ðền Thờ và trao các tù nhân của người Pháp cho giáo quyền. Thoát khỏi sự kiểm soát của nhà vua, các nhân viên dòng Ðền Thờ đều chối cãi hết. Giáo hoàng đành quyết định làm lại các hồ sơ. Thế là bị lừa, Philippe le Bel liền vận động đe dọa giáo hoàng và báo động dư luận quần chúng Pháp. Họ lại bị lên án một lần nữa, cùng một lúc do các đại diện giáo hoàng và các quan tòa Pháp. Nhiều người bị chết thiêu vì theo ly giáo. Về phần ngài, giáo hoàng đã nhượng bộ đối với Philippe le Bel năm 1312. Tại công đồng Vienne, ngược ý của các nghị phụ ngài đã hủy bỏ dòng Ðền Thờ, cho dù dòng không bị kết án và chỉ có những lời tố cáo không chứng cớ. Mặc dầu họ không còn nhiệt tình như buổi ban đầu, nhưng họ cũng vô tội, họ không phạm những điều người ta tố cáo họ. Ðức Clement V đã nhượng bộ vì bị nhà vua làm áp lực. Sự tàn nhẫn, lòng tham lam và bất công đã rõ ràng xẩy ra trong giai đoạn này, cho thấy một cách ghê tởm những tội ác hoành hành trong các tòa tối cao của thời đại này. Cử chỉ của giáo hoàng còn cho thấy quyền hành đã được tập trung tới một mức độ nào. Ðiều này được thể hiện trong thái độ của đức Clement V trong công đồng Vienne, khi các nghị phụ phản đối việc phế bỏ dòng đền thờ và chống lại việc đem của cải của họ dâng cho dòng bệnh xá.
Người kế vị đức Clement V chỉ được bầu sau hai năm trống ngôi. Ðây là một người bề ngoài khiêm tốn nhưng nhân cách thật kỳ dị. Dầu vậy, ngài có nhiều tài năng và sinh lực khác thường. Ðược tấn phong lúc 72 tuổi, ngài lấy tên là Gioan XXII. Ngài cũng làm nhiều người bỡ ngỡ, các người ”ưa nói tiên tri” cũng như các địch thù (họ tưởng ngài chết sớm), vì ngài còn sống tới 90 tuổi, qua nhiều bão táp và tranh chấp liên tục. Có biệt tài về hành chính, ngài cải cách hệ thống thu các huê lợi Tòa Thánh. Ngài cho tăng các thứ thuế và để lại cho người kế vị một tổng kết tài chánh rất sung túc. Về chính trị thì ngài nhanh lẹ và ít đắn đo. Ngài vướng vào một tranh chấp vô bổ và tai hại còn kéo dài mãi về sau. Năm 1314 buổi đầu giữa hai triều, có hai người ra ứng cử vào ngôi hoàng đế còn bị tranh chấp: Frédéric de Habsbourg, công tước Autriche và Louis de Wittelsbach, công tước Bavière. Khi lên ngôi giáo hoàng, Gioan XXII, sau nhiều năm vẫn đứng trung lập vì những lý do chính trị. Nhưng khi Louis thắng địch thủ ở trận Muhldorf, liền đe dọa các quyền lợi của Tòa Thánh, và đặt một người thuộc phe ông làm đại diện, thì giáo hoàng lên tiếng (1323) nổi giận và tố cáo Louis, kết án ông vì ông đã hành động như đã là vua và hoàng đế, trước khi việc bầu cử được tòa thánh tra xét và công nhận. Ngài đòi nhà vua phải hoàn toàn phục tòng. Ngài tuyên bố, nếu bất tuân phục, sẽ bị rút phép thông công, vạ này sẽ công bố sau sáu tháng. Tới đây Louis chưa phản ứng. Nhưng nhà vua phản công rất gay gắt trong lời kêu gọi ở Sachsenhausen (1324): Giáo hoàng không có quyền gì trong việc bầu hoàng đế; Gioan XXII thực ra là một kẻ ly giáo, nhất là về đức nghèo khó của Chúa Kitô. Theo một ý nghĩa nào đó, thì cuộc tranh chấp này trường kỳ và không hay ho gì cho cả đạo lý và chính trị. Cuộc đại xung khắc giữa đế quốc và giáo triều kể là đã chấm dứt, vì nước Ðức đã bị cắt xén, và giáo triều bị suy thoái, thì lại thêm tinh thần quốc gia dâng lên vòn vọt. Hơn nữa, tranh chấp không gây được ảnh hưởng trong đế quốc. Phần đông giáo dân và nhiều giáo sĩ không xao xuyến trước những khiển trách của giáo hoàng hay những tố cáo của hoàng đế, họ tiếp tục nhận Gioan XXII là giáo hoàng và Louis là hoàng đế. Thế nhưng sự việc xẩy ra này cũng như những sự việc khác đã làm cho triều giáo hoàng XXII thêm rối loạn và gây tai hại. Sau nhiều bước thăng trầm, Louis gây được đủ thế lực để xâm chiếm nước Ý năm 1327. Dầu năm 1328, ông vào thành Roma và đươc các chức sắc kinh thành làm lễ tấn phong cho ông. Sau lễ này, ông chỉ định và cho tấn phong một ngụy giáo hoàng. Bất hòa với Tòa Thánh, Louis tự tạo cho mình một số thù địch nổi tiếng, họ không có gì đồng thuận với nhau ngoài sự khởi loạn. Bản tuyên ngôn đầu tiên của Louis (1324) là do Pierre Olivi khởi thảo. Năm 1327 Ubertin de Casale là thành phần đoàn cận thần của hoàng đế. Khi vào thành Roma, Louis đem theo Marsile de Padoue rồi đặt ông này làm tổng đại diện và cùng với Jean de Jandun. Cuối cùng, năm 1328 có thêm Guillaume d'Occam và bề trên cả dòng Phanxicô, Michel de Cézène. Nhóm người có tài làm cách mạng này đã thẳng thắn tuyên chiến với Gioan XXII bằng những cuộc tranh luận dữ dội. Giáo hoàng còn làm cho các thù địch của mình có thêm nhiều chất liệu tranh luận và tự mình làm cái đích cho họ nhắm bắn, khi ngài khẳng định rằng sự hưởng kiến hồng phúc chỉ có vào thời thế mạt. Giáo hoàng đã nhắm mắt lìa đời khi cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài. Tuy khôn khéo hơn, vị kế ngôi từ chối không nhận Louis và bắt nhà vua phải qui thuận vô điều kiện, và như thế, ngài ngầm hứa sẽ ủng hộ ý định chiếm ngai vua của Louis. Năm 1338, hoàng đế vẫn giữ thái độ cứng rắn và cho công bố một tuyên ngôn long trọng được quốc hội Francfort chuẩn y (1338). Vua người Roma có thể được bầu với mọi quyền của một vị vua và hoàng đế mà không cần can thiệp của giáo hoàng. Sự can thiệp này chỉ cần thiết để được tấn phong và được tước hiệu hoàng đế mà thôi. Tân giáo hoàng là đức Clement VI đập lại, bắt Charles de Bohême thực hiện hầu hết những điều đã đòi hỏi Louis. Thế là Charles được bầu. Louis mất ngay sau đó năm 1347, khi vẫn còn bị vạ tuyệt thông. Ðối thủ của ông lên kế vị hoàng đế hai năm sau, lấy tên là Charles IV. Trong lịch sử Âu châu, biến cố quan trọng đánh dấu triều đại hoàng đế là ban hành sắc chỉ thường gọi là sắc chỉ vàng (1356), trong đó xác định những tương quan giữa giáo hoàng và hoàng đế, đồng thời hoạch định tương lai cho Giáo Hội Ðức. Theo sắc chỉ này thì thủ tục bầu hoàng đế được dẫn giải tỉ mỉ. Những lãnh thổ thuộc về các cử tri thì được kể như bất khả xâm phạm và bất khả phân chia. Các cử tri được lập thành một thứ hội đồng thường trực do hoàng đế chủ tọa. Giáo hoàng không bị khai trừ, nhưng không được nhắc tới. Về phía Giáo Hội, hậu quả chính của sắc chỉ vàng là cho các cử tri quyền tự trị hoàn toàn, các vị này là các giáo sĩ cao cấp (các tổng giám mục Cologne, Trèves và Mayence) và cũng nâng cao qui chế nhiều giám mục khác là những ông hoàng làm chủ các lãnh thổ riêng. Ðiều này có ảnh hưởng tới lịch sử tôn giáo ở Ðức mãi cho tới ngày nay.
Từ đức Jean XXII chúng ta liên tưởng tới thời đức Innocent IV: Vị này sinh trước và mất sau Dante. Ngài được 30 tuổi thì thánh Thomas d'Aquin mất, nhưng đã sống khá lâu để phong hiển thánh cho Thomas, năm chục năm sau. Vào lúc già yếu, ông bị hai người lên tiếng chống đối, hai người có những tư tưởng cấp tiến, gây nhiều ảnh hưởng trong xã hội mới họ tiên báo.
Marsile de Padoue cho ấn hành cuốn Defensor pacis (người bênh vực hòa bình) năm 1724. Ông là một nhà đại tư tưởng nhưng không có tinh thần đạo hạnh. Ông muốn dùng mỏ hàn gọt cắt lâu dài thế giới bao quanh ông. Ông là một người thuộc phái Aristote, coi thế giới vũ trụ không có thần thánh và ân sủng nào cả. Ông chủ trương giáo triều là một thể chế loài người đã từ từ chiếm được quyền thế bằng võ lực và xảo trá. Bằng lời nói, ông công nhận quyền Ðức Kitô và Kinh Thánh, và thế giá đầy đủ của Giáo Hội. Nhưng ông không nhận phạm vi thiêng liêng, vì ông theo quan niệm duy thực chủ nghĩa và thế tục chủ nghĩa. Chỉ có thế lực thể chất và vật chất mới thiết lập được quyền thực sự giữa loài người. Thế lực này thuộc về dân và do dân trao quyền đại diện cho các ông hoàng ông chúa hoặc cho các nhà lập pháp và chỉ có quyền cưỡng bức mới thực sự có hiệu lực. Những khiển trách thuộc phạm vi thiêng liêng có giá trị trong thế giới vô hình và vị lai mà thôi. Vì thế bằng một lý luận giống lý luận cuả các nhà thần học phái Occan Marsile xếp tôn giáo vào loại các tín ngưỡng xửa xưa. Bằng cách tập trung tất cả ý nghĩ vào quyền năng cao cả của Thiên Chúa, các nhà thần học phái Occam không còn cho luật Thiên Chúa có một nội dung thực tiễn và một ý nghĩa nào nữa. Khi chỉ tôn trọng các hình phạt và các bí tích về mặt hình thức mà thôi, Marsile chỉ nhận thực tại nơi vua chúa phần đời và coi Giáo Hội hữu hình như một yếu tố của Quốc gia, một thứ phường hội tôn giáo. Trong Giáo Hội, quyền tối cao thuộc về công đồng chung, do cộng đồng công dân và ông hoàng triệu tập và nhờ đấy giáo hoàng mới có quyền bính. Ðức Kitô chỉ thiết lập các linh mục. Hàng giám mục và giáo hoàng đều là những thể chế loài người. Những quan niệm của Marsile đã được thể hiện trong một thời gian ngắn: là đại diện của hoàng đế Louis IV về các vấn đề tôn giáo, Marsile đã tham dự việc bầu cử một giáo hoàng do dân Roma bầu lên, là giáo hoàng kế vị Jean XXII ”kẻ ly khai”. Marsile đã bị vạ tuyệt thông. Năm 1327, giáo hoàng đã lên án những gì người ta cho là lý thuyết của Marsile. Thế nhưng lý thuyết này được phổ biến và có ảnh hưởng thực tế, trước hết trong thời kỳ đại ly khai, rồi trong thời cải cách ở Anh Quốc.
Chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến tên Guillaume d'Occam. Ðời sống ông này được chia làm hai phần, giữa hai phần có nhiều năm lưu trú ở Avignon. Khi tới triều giáo hoàng, thì Occam là một ông tú trẻ tuổi thấm nhuần các Châm Ngôn. Ông sốt sắng đề nghị một thứ lý luận mới. Trước mặt ông, mở ra một sự nghiệp mới. Khi rời Avignon, vào một đêm tháng năm năm 1328, ông mang theo nhiều tâm tình chua cay, vướng víu trong vụ các tu sĩ Phanxicô ly khai, vụ Marsile và Louis IV và cho Jean XXII là người ly giáo. Từ đó, suốt hai chục năm, ngòi bút của ông không bao giờ ngơi. Ông bỏ khoa lý luận và thần học. Ông dấn thân vào cuộc bút chiến và suy tư chính trị. Dần dần ông diễn giải các luận đề của ông nhờ vào phương thức tế nhị Sic et non. Trong tác phẩm đầu tiên của ông, cuốn Opus nonaginta dierum (Tác phẩm 90 ngày) mà ông đã biên soạn rất nhanh. Trong đó, ông phản đối những phán đoán của giáo hoàng về sự nghèo khó của Ðức Kitô và về nhiều vấn đề khác. Jean XXII còn giúp ông, khi đưa ra những ý kiến mập mờ nước đôi về sự thưởng kiến hồng phúc. Sau khi đã viết xong tác phẩm thứ nhất, Occam hăng hái tung ra cuốn Ðối thoại bàn về các sai lầm của giáo hoàng. Trong cuốn này, Occam đặt thành bản kịch có đối thoại giữa một thày và một trò đệ tử của giáo hoàng. Ông tra xét hết các tham vọng của giáo hoàng. Ông đặt lại vấn đề về thể chế Thiên Chúa thiết lập ngôi giáo hoàng và về tính cách vô ngộ của Giáo Hội. Ông đưa ra ý kiến coi Giáo Hội là cộng đồng của các tín hữu, chứ không phải của các linh mục. Lạc giáo có thể tàn phá Giáo Hội hoàn toàn. Ðức tin vào Chúa Kitô vẫn còn y nguyên nơi một số cá nhân. Sau những lý luận chính yếu này, vẫn luôn còn có cái chua cay của các tu sĩ Phanxicô, gây ra bởi cách phán đoán của giáo hoàng về sự nghèo khó của Ðức Kitô. Ðây cũng là tâm trạng của người mới bước vào khoa thần học mà không bao giờ trở thành giáo sư. Tiếp theo phần thứ nhất của cuốn Ðối thoại là bài công khai phản đối những điều sai lạc của đức Jean XXII. Vị này vẫn còn sống. Nhưng cái chết của ngài không chấm dứt những bút chiến của Occam. Trong phần thứ ba của cuốn Ðối thoại, Occam trở lại phê phán, phá đổ ngôi giáo hoàng và Giáo Hội. Ông khẳng định vua nước Ðức có quyền do Thiên Chúa trao ban. Ông qua đời tại Munich năm 1349 mà không hòa giải với giáo hoàng (1).
Ðức Jean XXII cũng là con chim bay trong gió lốc. Ngài chịu đựng những tấn công của mấy người gieo rắc bất hòa. Chính ngài cũng gây nên hỗn loạn với quan niệm về sự trì hoãn phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Một cách bất thần, giáo hoàng giảng một số bài tại giáo triều trong đó ngài đưa ra ý kiến: phúc hưởng kiến Thiên Chúa (nhưng không phải sự hiện diện nhân tính của Ðức Kitô) còn giấu ẩn đối với các linh hồn, cho mãi tới cuộc phán xét chung. Những ai muốn kiếm chác đều chủ trương luận đề ấy. Các nhà thần học bảo thủ thì phản đối. Còn tác giả của luận đề thì mỗi ngày một giảm hăng say, và trên giường chết, ngài đã chối bỏ luận đề. Ðức Benoit XII kế vị đức Gioan XXII, đã định nghĩa tín điều chung năm 1326 trong hiến chương Benedictus Deus (Chúc tụng Thiên Chúa). Nhưng những tranh luận này không làm cạn nghị lực của ông già bát tuần bất khuất. Ðức Jean XXII còn là người hoàn tất hệ thống thuế khóa, chống đối các tệ lạm của giáo phủ, chỉ huy các cuộc chiến ở Ý, tổ chức hoạt động thừa sai cho các tu sĩ Phanxicô. Người ta phê phán khác nhau về sự khôn ngoan và các phương pháp tranh luận của ngài. Nhưng, với nghị lực, nhân cách và nhờ tài ba của ngài, ngài đã để lại nhiều ấn dấu cho Giáo Hội Trung Cổ. Triều đại giáo hoàng của ngài hẳn là thời kỳ vẻ vang nhất ở Avignon.
Sau đức Jean XXII còn có năm giáo hoàng thay thế nhau ở Avignon, tất cả không quá tám hay mười năm cho mỗi triều đại. Vị thứ nhất là đức Benoit XII (1334-1342), thuộc Dòng Citeaux, rất giỏi về thần học. Ngài có trí óc của một nhà cải cách. Ngài để ý tới giáo phủ và việc phân phát các bổng lộc một cách thành công. Nhưng ngài đánh dấu thời đại bằng những sắc chỉ cải cách liên quan tới các tu sĩ Citeaux, Biển Ðức và kinh sĩ Augustins. Ðó là toan tính cuối cùng của giáo triều thời Trung Cổ để hãm bớt sự suy thoái của các dòng cổ xưa. Trong công cuộc cải cách này người ta hy vọng điều chỉnh và ổn định những dòng tu trong mức độ hiện thời chứ không phải lùi lại với sứ mệnh khắc khổ thuở ban đầu. Ðức Clément VI (1342-1352) là một nhà quí tộc dịu dàng thích những sự huy hoàng và giầu lòng quảng đại. Ngài làm cho Avignon trở thành triều đình vui vẻ tưng bừng nhất Âu châu, nơi gặp gỡ các thi hào, nghệ sĩ và học giả. Khi tới chóp đỉnh vinh quang, đô thành Tòa Thánh mắc phải bệnh dịch đen (1348). Giáo hoàng đã thoát được cơn bão táp trong đền, đem cứu trợ quảng đại khi có thể. Ðức Innocent VI (1352-1362) lên kế vị. Ngài là một luật gia đã về già và ba phải, không có khả năng lớn về chính trị. Ngài cam chịu những hậu quả của những việc lố lăng các người đi trước đã làm và cả những cuộc chiến tranh ở Ý. Ngài cũng còn đương đầu chịu những chiến trường lớn tàn sát ở miền Provence sau cuộc hưu chiến Bordeaux (1357) và hòa ước Brétégny (1360). Avignon bị đe dọa và phải vội xây thành quách. Ðức Innocent cũng làm được một vài việc cải cách. Ngài rất nghiêm khắc đối với ”nhóm thiêng liêng” và các tiểu huynh đệ (fraticelli), làm cho Brigitte de Suède (Thụy Ðiển) phải nghiêm nghị phê phán. Ðức Urbain V (1362-1370) kế vị. Vị này là giáo hoàng Avignon thánh thiện nhất. Ngài vốn là tu sĩ Biển Ðức và gốc người quí tộc. Suốt thời giáo hoàng, ngài tiếp tục theo các việc đạo đức riêng của dòng. Ngài được thi hào Petrarque quí mến. Giáo triều đã củng cố được các vị trí của mình tại Ý, nhất là nhờ nghị lực, tài chiến lược và chính trị của hồng y người Tây Ban Nha là Egidio Albornoz. Ðức Urbain V ban hành một hiến pháp cho lãnh thổ thuộc Tòa Thánh mới được tái chiếm, hiến pháp này còn giá trị cho tới thời hiện đại. Ngài đã có quyết định can đảm là trở về Roma năm 1367. Ngài ở lại Ý ba năm rồi lại về Avignon để chết ở đó. Còn về Giáo Hội nói chung, thì công việc danh tiếng nhất của đức Urbain V là sắc chỉ Horribilis (1366) hạn chế việc kiêm nhiệm các bổng lộc. Ðức Grégoire XI (1370-1378) là cháu của đức Clement VI, là một chuyên viên lỗi lạc về Giáo Luật. Ngài có một đời sống gương mẫu và để ý tới các khoa học. Ðược Catherine de Sienne khuyến khích, ngài trở về đóng đô ở Roma vào đầu năm 1377, nhưng ngài chỉ sống một năm nữa thôi.
Như vậy thời kỳ giáo triều ở Avignon dài sáu chục năm. Tây âu đi vào thời kỳ khốn đốn còn kéo dài một thế kỷ. Năm 1337 bắt đầu cuộc chiến tranh trăm năm rất tàn khốc. Nó làm cho nước Pháp tiều tụy và chia rẽ lâu dài và rồi gây thiệt hại cho cả nước Anh. Vì nó mà cả Âu châu phải gánh chịu bao nhiêu dã man của các binh đoàn đánh thuê. Năm 1348-1349, nạn dịch đen làm chết tới một phần ba dân số và lôi theo những thay đổi nhanh chóng về mặc kinh tế và xã hội. Những hậu quả tai hại và lâu dài đối với tôn giáo lại còn là một vấn đề phải tranh luận. Nhưng chắc chắn là suốt nhiều thập niên, các tu sĩ và giáo sĩ, kể cả giáo dân, tất cả đều giảm sút nhiều về lượng. Âu châu bị xáo trộn và trở nên nghèo nàn vì chiến tranh, số dân giảm bớt và chán nản vì bệnh dịch, không còn trung tâm sinh hoạt đổi mới nào, lại còn phải chịu một thử thách kinh khủng khác nữa là: cuộc đại ly khai.