CHƯƠNG XXXIV
CẢI CÁCH HAY SUY ÐỒI?
CHƯƠNG XXXIV
CẢI CÁCH HAY SUY ÐỒI?
Người ta thường hoan nghênh thế kỷ XIII như hoàng kim thời đại, tuyệt đỉnh của nền văn minh Trung Cổ. Thực ra nó là một thời đại trưởng thành và huy hoàng về nhiều phạm vi. Ðã đạt tới những đỉnh cao trong một văn hóa không thấy một triệu chứng suy đồi nào: giáo đường với những điêu khắc và cửa kính ghép màu, tài giảng dạy thần học của thánh Bonaventura và thánh Thomas, ông vua thánh thiện, thông minh và quả cảm, ông hoàng lịch thiệp và cư xử khôn khéo, những vần thơ của Dante đạt tới sự sung mãn trong tập Divine Comédie. Thế nhưng, về nhiều mặt khác, mặt trời đã chuyển quá thiên đỉnh trước khi Dante bắt đầu viết. Ðức trong sạch mùa xuân của thánh Phanxicô đã biến mất rất nhanh. Hậu bán thế kỷ đầy rẫy những tranh luận. Thế rồi đã phát hiện sự khắc nghiệt và tàn bạo trong phạm vi hành động và bất khoan dung luận lý trong phạm vi tư tưởng.
Thế kỷ XIII có một Giáo Hội Tây phương bá chủ hết các phạm vi hoạt động. Nhờ có quy định giáo luật và những sắc chỉ công đồng Latran, giáo sĩ lo việc mục vụ có thể theo những đường lối lãnh đạo sáng sủa. Giữa năm 1214 và 1350, giáo xứ và giáo phận được trải qua một thời kỳ thịnh vượng chung. Các giám mục, nhiều vị làm giáo sư (magistri) có học vấn đại học và được kinh sĩ đoàn bầu lên, tận tâm lo các việc giáo phận. Các ngài thiết lập các hội đồng, đi kinh lý, thành lập các xứ đạo, xây cất hay trang trí các nhà thờ chính tòa giáo phận, giữ sổ sách, ghi chép các sinh hoạt, bảo toàn thư tín. Các dòng anh em xuất hiện, đầy lòng nhiệt tình mục vụ. Họ khuyên răn giảng dạy, giải tội và thu hút một quần chúng đông đảo thực hành đạo lý. Các trường đại học không phải chỉ hạn định trong việc phát hiện những khả năng của một thời đại có rất nhiêu thiên tài, nhiều đầu óc trừu tượng; Tuy không đông đúc, các giáo sư đại học đã cung cấp một nền giáo huấn cơ bản cho giáo sĩ, luật gia và linh mục. Trên đỉnh bậc thang xã hội, nhiều người tỏ ra có sự thánh thiện và thiên tài. Thế kỷ có nhiều vĩ nhân được phong hiển thánh, trong số đó phải kể hai ông vua, một hoàng hậu và hai anh em trợ sĩ ít học vấn. Các nhân vật lỗi lạc không nguyên thuộc các dòng tu mới, như Phanxicô, Ðaminh, Albert, Thomas, Bonaventura, Raymond, Antoine và nhiều vị khác, mà còn trong hàng giám mục triều với ba vị được phong hiển thánh của một nước Anh mà thôi: Edmond de Cantorbéry, Richard de Chichester và Thomas de Hereford. Quả thật nước Anh tiêu biểu cho một khuôn mẫu đặc biệt, (chứ không phải một khuôn mẫu trung bình) của tinh thần cải cách mà đức Innocent III đã để lại. Trong hơn một thế kỷ, người ta giữ trọn vẹn việc tự do bầu giám mục theo giáo luật. Các kinh sĩ đoàn đã khôn ngoan lựa chọn giám mục và thường chọn trong những giáo sư của đại học Oxford. Ba giám mục trong số đã được chọn là ba vị thánh. Còn về Robert Grosseteste de Lincoln, ông là một trong những giám mục nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất thời đại này. Các tòa Giám Mục quan trọng như Cantorbéry, York, Lincoln, Salisbury và nhiều tòa Giám Mục khác ít quan trọng hơn, đều được quản trị bởi các vị chúa chiên tài đức. Nhiều nhà thờ chính tòa, tu viện và nhà thờ giáo xứ đã được kiến thiết theo những kiểu mẫu còn lại mãi cho tới cuối thời Trung Cổ. Các giám mục liên lạc thường xuyên và thân thiện với hai đại học đường. Hai công đồng được triệu tập do những hồng y sứ thần Otton (1236) và Ottobono (1268) đều công bố những qui chế cải cách, với sắc lệnh về việc giảng dạy của tổng giám mục Peckham, tất cả còn được thi hành cho tới thời cải cách. Hai cha dòng Phanxicô là Eudes Rigaud de Rouen và Pierre de Tarentaise ở Pháp, thánh Englebert de Cologne ở Ðức, Julien de Cuenca ở Tây Ban Nha, đều là những giám chức có tài và đạo hạnh. Ở Ý, lần đầu tiên xuất hiện một nghệ thuật kiến trúc sẽ được phát triển trong nhiều thế kỷ. Phần còn lại của Âu châu, cũng có nhiều kiệt tác về kiến trúc, điêu khắc và trang trí sách báo, mỗi năm đều xuất hiện trổi trang tại một miền. Ở Ðức, Thụy Sĩ và Lorraine, người ta tổ chức giáo xứ thành thị, các hội đoàn, các bệnh viện và các ngày đại lễ, tất cả đều góp phần thống nhất đời sống xã hội, sinh hoạt văn hóa của phái trường giả. Nơi các anh em, thì dòng hai và dòng ba tấp nập ơn gọi của giới bình dân, nghĩa là của những người không đủ điều kiện xã hội vào tu những dòng quí phái như dòng nữ thánh Benoit. Ðặc biệt, từ nay phái nữ chiếm một vị trí mới và cộng tác với các linh mục họ đạo nhiều hơn trước kia. Các linh mục cũng giúp các nữ tu nhiều hơn ngày xưa trong việc hướng dẫn đường thiêng liêng.
Tiến trình tập trung việc cai trị của Giáo Hội được tiếp tục. Ðức Innocent III là một luật gia lỗi lạc, một nhà cai trị đặc tài và một chính khách nổi tiếng. Những sáng kiến của ngài đã củng cố quyền giáo hoàng trên các giám mục, các vua chúa và các tín hữu. Ngài không ngần ngại dùng tới biện pháp cực đoan cấm đoán để phạt một xứ hay một miền khi ngài phải ngăm đe cách ăn nết ở bất xứng của ông hoàng này hay bà chúa nọ. Người kế vị ngài, kể cả truyền thống của giáo phủ, cũng bắt chước ngài trong nhiều phạm vi. Ðức Honorius đã lâu năm làm thì lang và đức Grégoire IX nhà giáo luật đã cho ấn hành năm cuốn ghi các sắc lệnh, đều là những giáo hoàng cải cách. Các ngài luôn xử dụng guồng máy giám thị và cưỡng bách trong những mục tiêu mục vụ và vì lợi ích các tín hữu. Dưới triều đức Innocent IV, tức là nhà giáo luật nổi tiếng Sinibaldo Fieschi, những lời lẽ và việc làm của Tòa Thánh đều có tính cách dứt khoát, mạch lạc và lâu dài, giữ khuynh hướng suy tôn quyền tối cao giáo triều, loại trừ hết các quyền khác, và xử dụng những quyền năng tới cả những mục tiêu không hoàn toàn thuộc tôn giáo. Nói cách khác, đức Innocent IV nhiều khi đã dùng các quyền của mình trong những mục tiêu trần tục và chính trị. Các giáo hoàng trước như đức Grégoire VII và đức Innocent III, đã khẳng định cách thành thực nữa rằng: đầu và tứ chi không phải chỉ tồn tại vì lợi ích tương hỗ, mà còn không thể tồn tại nếu không có liên hệ săn sóc tương hỗ. Còn đức Innocent IV thì hé mở cho thấy: Giáo Hội được thành lập vì lợi ích của giáo hoàng. Người ta thường khẳng định và cũng từ chối rằng: triều đại ngài đã đánh dấu thời điểm trong đó giáo triều đã ngưng nuôi dưỡng để bắt đầu cắt xén. Khẳng định dốc đứng này không đúng hẳn. Thực ra, đức Innocent và các đấng kế vị đã ra tay làm nhiều việc và rất chuyên cần mục vụ. Nhưncg có ít điều đúng và có thể ít điều đúng này lại có mức quan trọng lịch sử lớn.
Khuynh hướng chuyên chế chúng tôi nói đây có thể thấy rõ ràng hơn trong hệ thống thuế khóa giáo triều và ban bố bổng lộc. Cho tới cuối thế kỷ XII. Giáo Hội với tính cách là Giáo Hội, thì không có hệ thống thuế khóa. Về sau, với danh nghĩa là ông hoàng địa phương và phong kiến, giáo hoàng đặt ra thuế khóa và thu lệ phí. Trong hơn hai trăm năm, các giáo hoàng chỉ bắt nộp một số tiền hằng năm rất nhỏ đối với các tu viện và các thánh đường thuộc về Tòa Thánh (tức nộp bổng lộc cho giáo triều). Trong nhiều thế kỷ, các giáo hoàng nhận được từ Anh (và sau là miền Scandinavie) của dâng cúng nhỏ mọn tự nguyện gọi là đồng tiền thánh Phêrô. Ở Tây Ban Nha, Hung Gia Lợi, Ba Lan, Ðan Mạch và sau cùng, cách phô trương hơn ở Anh, các vua nhận làm chư hầu. Ðiều này bao hàm việc hàng năm nộp một số tiền khiêm tốn. Ðể nhanh chóng nhận được một đặc ân hay mau chóng kết thúc một vụ kiện cáo, dĩ nhiên phải nộp tiền thù lao và quà cáp. Giáo phủ trở thành tòa thượng phẩm tối cao và cơ quan bổ nhiệm các chức vụ cao cấp. Từ đó không tránh được những tố cáo về tội mua chức tước chống giáo phủ. Khi Jean de Salisbury ngay thẳng chỉ trích đức Adrien IV, thì đó không phải lần đầu tiên lòng tham của cải của Roma bị đưa ra ”đấu tố”. Thế nhưng, hết các nguồn nhuận lợi không làm sao đủ cho những nhu cầu của bộ máy hành chánh và pháp lý của một Giáo Hội mở rộng khắp Âu châu. Khi cùng với những nhu cầu này lại còn thêm vào những tổn phí cần tiêu vào những công cuộc chính trị và tôn giáo của những phái đoàn giáo triều, nghĩa binh đủ loại, chiến tranh và hành quân, thì rõ ràng là giáo triều không sao đủ sống với những lợi tức của gia sản hay những của dâng cúng nhỏ mọn thường nhận được. Việc đánh thuế trực thu hình như bắt đầu có dưới triều đức Innocent III, với ”lệ phí” cho nghĩa binh, được thành lập năm 1194, lên tới một phần bốn mươi lợi tức của tất cả các bổng lộc và tất cả các nhà dòng. Người ta lại tái lập cách xoay sở này. Rồi có hai thứ thuế khác: thuế niên lộc giáo sĩ (bằng giá phỏng định của một bổng lộc và mọi người mới nhận chức phải đóng) và một phần mười tất cả các lợi nhuận, lợi tức Giáo Hội. Các thuế này được lập từ năm 1225 trong chiến tranh giữa đức Grégoire IX và Fréderic II, và cứ giữ như vậy suốt thời Trung Cổ. Cũng còn có những thu nhập khác tùy việc, như những món khá nặng mà các tu viện trưởng các nhà được miễn trừ phải trả khi mới được bầu. Bên cạnh thuế, còn phát triển việc giáo triều kiểm soát dịch vụ ban hành các bổng lộc.
Về việc bầu giám mục, giáo triều luôn luôn thi hành nguyên tắc để cho giáo sĩ và các chức sắc địa phương tham gia tự do theo đúng giáo luật. Thế nhưng trên thực tế, lại thu hẹp vào số phiếu của kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa mà thôi. Nhiều hòa ước khác nhau đã chấm dứt cuộc tranh luận về tấn phong và nhiều khi để cho việc bầu giám mục được làm trước mặt nhà vua, thế là nhà vua, trên thực tế, kiểm soát việc bầu. Ðức Innocent III và công đồng Latran lấy lại nguyên tắc là bầu theo giáo luật. Ở Anh và trong mấy nước khác, các cuộc bầu hoàn toàn tự do trước thế kỷ XIII. Nhưng ngoại trừ những cuộc bầu không đúng theo giáo luật và những yêu sách cổ xưa của các ông hoàng, giáo triều còn có thể kiểm soát các cuộc bầu giám mục bằng nhiều cách khác. Theo một truyền thống đã có từ lâu, khi một giám mục được thuyên chuyển tới một địa phận khác, khi ngài từ chức, bị giáo hoàng truất chức, hay chết ở dọc đường hoặc khi lưu trú ở giáo phủ, thì giáo hoàng có quyền đặt người thay thế. Lại nữa, nếu cuộc bầu bị chống đối và đưa tới Roma xét xử, như thường xẩy ra, và nếu giáo hoàng phát hiện có vi phạm luật, thì ngài có thể chỉ định người khác. Thế nhưng vào thế kỷ XIII, hệ thống bầu theo giáo luật qua kinh sĩ đoàn thông dụng hơn cả, trừ khi giáo hoàng dựa theo giáo luật can thiệp vào hay nhà vua dùng võ lực để cưỡng bách.
Về những bổng lộc nhỏ bé lại có những khác biệt. Ở đây phải phân biệt quyền tiến cử để nhận một giáo đường và việc chỉ định để hưởng một bổng lộc mà không có nhiệm vụ coi sóc các linh hồn như chức kinh sĩ hay chức quản hạt. Trường hợp thứ nhất, các nhà cải cách bỏ chế độ giáo đường tư bằng cách chỉ để cho sở hữu chủ phần đời quyền tiến cử với giám mục mà thôi. Ngay cả khi không có sự mại thánh, thì vẫn chỉ là một quyền tiến cử bậc cao. Trường hợp thứ hai, việc chỉ định vẫn thuộc quyền giám mục, hay nhà vua hoặc một người đời. Tới thế kỷ XII, giáo triều bắt đầu can thiệp vào, giới thiệu ứng cử viên hay chỉ định đích danh, thậm chí tới việc chỉ định cưỡng bách. Ban đầu việc can thiệp này diễn tiến qua bốn giai đoạn: yêu cầu, cảnh cáo, truyền khiến và ra lệnh kiên quyết. Ở mỗi giao đoạn, công việc có thể được bãi bỏ. Nhưng dần dần cả bốn công văn đều được gửi đi một trật. Từ triều đức Innocent III những ”món tiền đặt trước để giữ chức” là việc thông thường. Tệ lạm này lan tràn nhanh chóng. Tới thế kỷ XIII người ta càng ngày càng xử dụng nhiều hơn như phương thế thưởng công cho các chức sắc Giáo phủ, lớn cũng như nhỏ. Ðức Innocent IV và nhất là đức Clément IV cho phổ biến việc dùng ”tiền giữ chức”. Ngài cũng đã khẳng định các quyền giáo hoàng đối với đại học đường và dành cho Tòa Thánh hết các bổng lộc trống ngôi ở giáo phủ. Thế là nhiều bổng lộc đã được giữ trong thời gian vô hạn định và đã được dùng làm lương bổng. Các thuế khóa và tiền ”đặt trước để giữ chức” của giáo triều lần đầu tiên đã gây nên ở Tây âu một bất mãn tập thể và có tổ chức, ngay cả ở những nơi người ta hoàn toàn chấp nhận những đòi hỏi về quyền phổ quát của giáo hoàng. Những người đã được đề cử hưởng bổng lộc đủ loại nổi giận vì mất các quyền lợi. Các giám mục và những người ái quốc la ó vì có sự xâm nhập vào nội bộ các giáo xứ, những người đóng ”tiền giữ chức” không xứng đáng, tuổi không đúng giáo luật và là người ngoại quốc. Các vua chúa phản đối vì có những vi phạm vào các quyền lợi truyền thống. Sự phản kháng có linh cảm của Grosseteste de Lincolm năm 1245 và của các giám mục Pháp dưới triều Louis IX năm 1247 có nhiều tiếng vang. Do đó các giáo hoàng không đánh ”thuế” vào những quyền đề cử các tư nhân đời nữa. Các giám mục là những nạn nhân chính. Các nhóm quan trọng hơn cũng phẫn nộ vì có nhiều thứ thuế khác đánh trên họ. Nhiều lần nhà biên niên sử người Anh tên là Matthieu Paris đã tố giác chính sách thuế khóa này một cách nghiêm khắc. Sự bất bình còn nặng thêm vì những phương pháp mà những nhân viên thu thuế, thường là các chủ ngân hàng Ý, xử dụng, vì họ thiếu khả năng và vì họ hà lạm công quỹ và vì họ dùng nhiều vũ khí thiêng liêng để bắt ép người ta nộp thuế. Chắc chắn, những lời người ta than phiền đều có bằng cớ. Những giọng điệu chua cay, ít ra một phần, cũng do lòng oán hận của người Trung Cổ đối với mọi thứ thuế khóa. Nói chung, các thứ thuế của giáo triều và hoàng triều không nặng nề theo ý nghĩa hiện đại của từ ngữ, nhưng những người thời Trung Cổ hình như không bao giờ hiểu rằng hành chính của giáo triều, mà họ thường chạy đến, chỉ có thể hoạt động nhờ vào sự yểm trợ của những người được hưởng thụ các dịch vụ hay được bao che bởi cơ quan hanh chính mà thôi. Thế nhưng giáo triều xem ra quá chuyên chú khai thác những nguồn lợi kinh tài của Giáo Hội hoàn vũ, và tệ hơn lại xử dụng những người môi giới và các chủ ngân hàng mà dân chúng vốn ác cảm. Những người này còn được quyền dùng tới những hình phạt thiêng liêng để đi tới mục đích ”thu cho được nhiều tiền”. Hậu quả đau thương: đến ngày thanh toán thuế khóa, mọi hận thù của dân chúng đều đổ trên Roma!