CHƯƠNG XXXIII
NGƯỜI DO THÁI VÀ VIỆC CHO
VAY ĂN LÃI
CHƯƠNG XXXIII
NGƯỜI DO THÁI
VÀ VIỆC CHO VAY ĂN LÃI.
Âu châu thời hạ Trung Cổ đã coi như một chân lý tiền đề: Âu châu làm thành Giáo Hội phổ quát (họ không nói gì tới Kitô giáo chính thống) và toàn thể xã hội Tây phương đều theo Kitô giáo. Nhưng, bên cạnh những người tà giáo như phái Albigeois và phái Vaudois, đôi khi lập thành nhóm thù địch với Giáo Hội, còn có cả một khối không theo Kitô giáo, nhưng xác tín mình vẫn tồn tại suốt mười thế kỷ Trung Cổ và còn hơn thế nữa. Ðó là khối người Do thái. Mặc dầu không bao giờ họ đứng vào vị trí quan trọng về nhân khẩu ở Âu châu, nhưng họ kiên trì trong tự do chủng tộc và bảo tồn những khả năng vĩnh cửu của họ trước những cách đối xử tàn tệ nhất. Họ là một thách đố cho Kitô giáo và một cách thụ động, họ được coi như thước đo về lòng nhân đạo và đức khoan dung để xem những người thời Trung Cổ có thể làm được tới đâu. Thật là một điều nghịch lý và kỳ lạ, một khối người Do thái vẫn còn tồn tại ở Rôma; dưới thời đế quốc và trong nhiều thế kỷ Roma vẫn còn luôn là đất dụng võ của một tập đoàn Do thái khá quan trọng. Người ta nhận thấy rằng dân Do thái ở Roma thường được đối xử khoan dung và các giáo hoàng, bằng lời nói cũng như bằng việc làm, còn xử đối nhân đạo hơn tất cả các vua chúa Âu châu. Nói chung, người Do thái thường đi theo các cuộc di chuyển của dân và thường lần theo những trục đường buôn bán. Mãi tới cuối thời Trung Cổ và ở Trung âu, họ mới thành lập những cộng đồng rộng lớn trong các làng mạc, các tỉnh nhỏ về ở thôn quê.
Ðã từ lâu, trước thời đại chúng ta, luật đạo và luật đời đã có những biện pháp kỳ thị chống người Do thái, như cấm kết hôn giữa người Do thái với người Kitô; như không cho họ được nhận vào hàng các công chức. Nhưng vì họ khéo kinh tài và khéo buôn bán nên người ta cần đến họ. Với những truyền thống bất dịch, với nền học vấn pháp lý, thần học và kinh tế vững chắc, dân Do thái luôn là một nhân tố xã hội hoạt động và phức tạp. Các chính quyền đều nản chí không muốn bắt bớ họ. Từ thời này qua thời khác, các Kitô hữu giầu kiến thức thường quan tâm thuyết phục và tranh luận với họ. Rửa tội được một người Do thái là một dịp vinh quang lớn, còn việc bỏ đạo của một Kitô hữu lại là một nguy cơ chết chóc.
Tây Ban Nha thời Wisigoth ở thế kỷ VII là nơi duy nhất đã có những cuộc bắt bớ. Lúc đó nước này là một tỉnh thuộc Roma giàu có nhất và có thể nói là văn minh nhất. Ở đây người Do thái vừa đông vừa thịnh vượng nhưng một sự kiện có từ lâu đời là họ bị dân chúng ghen ghét và thù hằn. Nhiều công đồng ở Tolède, thần phục quyền nhà Vua và quyền đời hơn quyền giám mục, đã dùng biện pháp trục xuất để bắt người Do thái chối bỏ Ðức Tin, xin chịu phép rửa tội hay bỏ xứ đi nơi khác. Ðó là dấu hiệu đầu tiên của các chính sách kỳ thị nguy hại đã kéo dài lâu năm trong lịch sử Tây Ban Nha. Cũng như sau này, những biện pháp ấy đã gây nên hai hậu qua tệ hại: dồn những người Do thái trung thực nhất và có tài cán nhất trở thành thù địch của Tây Ban Nha, còn những người Do thái khác lại trở thành những Kitô hữu giả tạo, những tên phản phúc dấu tay. Chính người Do thái đã khuyến khích người Hồi giáo xâm chiếm Tây Ban Nha. Khi người Hồi giáo đã xâm chiếm rồi, người Do thái coi họ như những ông chủ dễ chịu hơn người Kitô hữu. Thực ra, trong lịch sử Kitô giáo, tài ba và văn minh của người Do thái chỉ phát sinh được những hoa trái tốt đẹp nhất dưới triều các vua Hồi giáo ở Cordoue mà thôi. Nhiều thi gia, học giả và triết gia đã xuất hiện. Hãy kể Salomon lbn Gabirol (Avicebron 1021-1070) và một thế kỷ sau, Moise ben Maymon (Maimonide 1135-1204), cả hai người đã ảnh hưởng sâu xa tới những nhà tư tưởng và thần học gia Kitô giáo thế kỷ XIII. Trước hết cuộc bắt bớ xẩy ra theo từng kỳ. Rồi nó được phổ biến và số người Do thái sống lén lút càng ngày càng đông.
Vào thế kỷ VII lại có những cuộc ép buộc người Do thái trở lại đạo Công giáo hay những vụ đánh đuổi người Do thái ra khỏi xứ Gaule và xứ Lombarđie. Nhưng từ thời Charlemagne, người Do thái ở Âu Châu dần dần đông hơn ở Ðông phương. Các thương gia Do thái thường đi lại dọc theo những trục đường thương mại. Họ được che chở và ưu đãi. Xứ Lombarđie, Provence, thung lũng sông Rhône, Rhin, Danube và Elbe đều đón nhận nhiều nhóm Do Thái. Sau cuộc xâm chiếm của người Normands, người Do thái cập bến nước Anh. Thế kỷ XI đánh dấu cao điểm vận hội may mắn của người Do thái. Rồi các tai họa dồn dập tới. Ở Pháp có những vụ bắt bớ lẻ tẻ. Trên đường đi qua, các đoàn quân đệ nhất và đệ nhị nghĩa binh thánh giá đã phạm những tội ác và sát hại dân lành, khiến người ta phẫn nộ, nhất là ở miền Rhénanie. Tất cả những cuộc bắt bớ này đều là những hành động của dân chúng địa phương. Các giám mục và chính thánh Bernard, người giảng vận động đệ nhị nghĩa binh, đã làm đủ cách để che chở người Do thái. Các vua nước Anh và nhiều nước khác cũng làm như vậy. Họ cần người Do thái để làm chủ ngân hàng. Dù vẫn có những cuộc tàn sát vì ganh tị, người Do thái vẫn gia tăng dân số và mỗi ngày giầu thêm về của cải. Trong những cộng đồng Do thái, người ta khuyên cần học hỏi Kinh Thánh và văn chương Talmud. Một loại văn chương được người Kitô hữu học thức ưa chuộng đó là đối thoại giữa người Do thái và người kitô hữu. Như từ xưa tới nay, người Do thái rất thành công trong ngành y khoa. Ở thế kỷ XII (thời kỳ của thuyết Cathare và các tà thuyết khác, nhất là ở Ý và miền Nam nước Pháp) người ta phao lời tố cáo hãi hùng là người Do thái đóng đanh trẻ con và phạm tới phép Thánh Thể. Tin đồn này làm cho nhiều người lo sợ, kể cả các cấp cao trong Giáo Hội, và có những phản ứng hung dữ. Ðó là những vụ ám sát và tàn sát. Thế là như lần đầu tiên ở Tây phương, người ta có những biện pháp nghiêm khắc chống tà giáo như thế nào, thì các công đồng giáo triều cũng bắt đầu thiết lập những biện pháp đàn áp người Do thái như thế. Côn g đồng Latran III, 1179, cấm người Do thái không được nuôi người ở theo Kitô giáo và cấm người Kitô hữu không được sống giữa người Do thái. Công đồng Latran IV, 1215, bắt người Do thái phải nộp thuế thập phân và cấm các chính phủ Kitô giáo không được bổ nhiệm những người Do thái vào những chức vụ cao. Hơn thế, công đồng còn bắt người Do thái phải mang một dấu hiệu riêng, mặc một thứ y phục vàng hay đỏ, hoặc như ở Ý, đội mũ mầu riêng biệt. Hai thứ luật này đã đào sâu hố kỳ thị. Còn dấu hiệu riêng của người Do thái thì đưa tới cái mà ngày nay người ta gọi là ”apartheid” (tách biệt chủng tộc). Hậu quả là có ”hệ thống biệt cư” ở các thành phố lớn của Âu châu (người Do thái sống riêng biệt với nhau trong một khu phố). Thế là họ bị tấn công về mọi mặt và bị mọi thứ tàn sát. Chính vào thời kỳ này các nghệ sĩ thuộc dòng tu Âu châu bắt đầu bỏ lối vẽ những nhân vật tôn giáo uy nghi thần thánh hay những nhân vật lý tưởng để vẽ những nhân vật có thực sống chung quanh họ. Họ vẽ những cảnh thương khó với những bộ mặt mang những nét đặc sắc nơi những người Do thái mà họ thấy chung quanh họ và vì thế họ đã góp phần vào việc ”kết án dân Do thái đã phạm tội đóng đanh Chúa Giêsu”.
Thế nhưng vào cuối thế kỷ XII và XIII, tập đoàn Do thái ở Ý, ở Pháp và ở Anh, đã hưởng một thời kỳ tương đối hùng mạnh và thịnh vượng. Những áp lực bên ngoài và bên trong đã thúc đẩy người Do thái quy tụ thành những cộng đồng riêng biệt ở mỗi địa phương. Còn trên bình diện quốc gia, người Do thái lại thành một tổ chức vững chãi và có qui chế ”toàn cầu Do thái” (universitas Judeorum). Họ sống tự lực, tự cường, tự trị tốt đẹp hơn mọi sắc tộc và khối dân khác. Ở đâu có hòa bình, thì sinh hoạt trí thức, việc nghiên cứu chuyên về Luật Do thái và cả về triết học, văn chương được phát triển rầm rộ. Lịch sử dân Do thái với những đặc tính thuần túy lịch sử thì không nằm trong công việc học hỏi của chúng ta. Nhưng trong những nét chính, nó có liên quan tới sinh hoạt Giáo Hội. Ở Pháp và ở Anh, các vua che chở người Do thái và đòi quyền tối cao đối với họ. Trước hết điều này có lợi cho người Do thái. Nhưng trong hai nước, việc khai thác thái quá, sự tịch thu tài sản và tham nhũng rồi cũng đã làm cho cạn con suối vàng. Sự phát hiện những nhà kinh tài ở Lombarđie và Cahors, rồi ở Florence và Gênes rất giàu có và rất khôn khéo, chứng tỏ người Do thái mất một nhưng lại tạo cơ nghiệp hai ba lần hơn. Sau khi đã thử cưỡng ép người Do Thái giầu có phải đi buôn bán, và người Do thái nghèo túng phải làm tiểu công nghệ, vua Edouard I ở Anh đã bước qua một bước quyết liệt. Năm 1290 ông trục xuất họ. Chính sách này được Philippe le Bel bắt chước năm 1306, kém trung thực và kém khôn khéo hơn, nhưng lại man rợ hơn. Những biện pháp trục xuất này lại làm cho những cộng đồng Do thái ở những nước nói tiếng Ðức thêm đông đúc. Trong những miền này, vì quyền hoàng đế và trung ương suy nhược, nên người Do thái vừa không được che chở vừa không bị trục xuất từng đoàn từng lũ. Thay vào đó, như một sử gia Do thái đã viết năm 1931 với những lời lẽ đã nhanh chóng được kiểm chứng, thì nước Ðức đã trở thành ”nước cổ điển của tử đạo Do thái; việc trục xuất chỉ được xử dụng như việc bổ túc cho cuộc tàn sát” (1). Ðể làm cho mọi thành kiến chủng tộc và cơn giận của quần chúng bốc lửa, người ta vu khống cho người Do thái đã giết trẻ con và phạm tới bánh thánh, đã gieo bệnh dịch năm 1348-1349. Những cuộc tàn sát ở giữa thế kỷ XIV cũng có những hậu quả như những biện pháp trục xuất ở Pháp và ở Anh. Các người Do thái sống sót thì di tản về mạn Ðông. Tại Áo và tại Bohême, cũng một quá trình như thế được lặp lại trong khoảng mấy năm trời. Những người lưu vong Do thái được hưởng sự bằng an tương đối ở Pologne nơi Casimir Cả (1333-1370) che chở họ. Nhờ đó họ lại có cơ hội làm nảy nở di sản trí tuệ của họ. Cuối thời Trung Cổ, còn rất nhiều người Do thái ở Pologne. Cũng vậy, các cộng đoàn Do thái tại Ý vẫn tồn tại, nhất là Roma, nơi người ta không bao giờ trục xuất họ. Ở Venise, có một điều định riêng biệt với một thứ hợp đồng khoan dung trong thời hạn mười năm. Còn ở miền Calabre, người Do thái là những nhà tư bản độc nhất của cả một vùng.
Về điểm này cũng như về rất nhiều điểm khác, Tây Ban Nha đã đứng ra ngoài lệ thường, do lịch sử quá khứ của mình. Như đã thấy, dưới thời chiếm đóng của Hồi giáo, người Do thái ở đây đã chịu một số phận trôi nổi, bị đối xử một cách nhập nhằng nước đôi. Họ bị coi hoặc như những kẻ liên minh với người Hồi chống Kitô giáo, hoặc như những kẻ thừa hưởng một truyền thống tôn giáo và văn hóa gần với Kitô giáo. Những nhà đại học giả và đại thi nhân như Abraham Ibn Ezra (Rabli ben Ezra, 1092-1167) và Maimonide đã đánh dấu thời đại Kitô giáo. Vua Alphonse VI người Caslille (1063-1109) đã đặc biệt tỏ thiện cảm với họ. Quân đội của ông là một trong những quân đội hiếm có thời Trung Cổ đã tuyển dụng một số lính Do thái. Trong thời kỳ này và nhất là ở Tolède, người Do thái đã góp phần vào những cuộc khảo cứu mà những học giả Ý và Nordiques đã lấy lại được trong những kho tàng nghiên cứu khoa học và triết học của người Ả Rập. Chính sách khoan dung và bảo trợ này đã chấm dứt với sự sụp đỗ của thế lực Hồi giáo ở Las Navas de Tolosa (1212). Những người Do thái lại bắt đầu bị coi như những thù địch ngấm ngầm. Các sắc lệnh công đồng Latran năm 1215 đã được đem ra áp dụng, nhưng không bao giờ hoàn toàn. Rồi, trong hơn một thế kỷ, người Do thái được bằng yên và làm các công việc đồng áng và tiểu công nghệ tự do hơn trên khắp Âu châu. Nạn dịch đen đã làm cho tình thế trở nên đen tối cực độ. Ðã có những cuộc tàn sát. Năm 1391 vũ lực nhân dân đã bùng lên hầu khắp bán đảo và bắt buộc cộng đồng Do thái phải chọn giữa phép rửa tội và cái chết. Nhiều người ra đầu hàng. Thế là, lần thứ hai, đa số đông người Do thái tại Tây Ban Nha phải sống lén lút, một số nhỏ trở lại Công giáo thành thật và được thâu dụng vào những chức vụ cao trong Giáo Hội. Sự kiện này tạo nên một vấn đề đặc biệt ở Âu châu. Người Do thái đã thoát chết hay đã trở về Tây Ban Nha muộn màng, họ cùng sốngg chung với những người đã công khai theo Kitô giáo người Marranes. Ðã chịu phép rửa tội nhưng họ vẫn tiếp tục suy nghĩ và sinh hoạt như người Do thái. Những Kitô hữu có tổ tiên Do Thái và nay hồn xác đều thuộc về Giáo Hội Công giáo, được hưởng những danh lợi rất lớn trong Giáo Hội và trong chính phủ. Nữ hoàng Isabelle người Công giáo đã nhận đặt tòa thẩm tra ở miền Caslille, bà ký sắc lệnh trục xuất hết người Do thái khỏi Tây Ban Nha (1492). Bồ Ðào Nha cũng làm như thế năm 1496. Số nhỏ người Do thái liều chết và ở lại. Cuối cùng họ cũng rời bỏ Tây Ban Nha và sát nhập vào các cộng đồng Do thái hiện có tại vùng Tây Bắc Âu châu. Họ ít lấy vợ lấy chồng người Kitô giáo, nhưng tự họ, họ cũng khá hòa nhập vào những quốc gia mà họ đã chọn sống lâu dài.
Cách người Kitô hữu thời Trung Cổ đối xử với người Do thái vẽ nên một trang sử không hiển hách gì và có nhiều vết nhơ. Nhưng, nói cho công bằng, thì phải nhắc lại rằng ở vào nhiều thời đại, người Hồi giáo cũng tỏ ra vô nhân đạo không kém. Hơn nữa những quốc gia hiện đại chính thức theo Kitô giáo hay công khai vô thần, họ cũng phạm những tội man rợ như vậy. Nếu người ta không kể đến những lý do luân lý hay tâm lý có ở cả đôi bên, thì phải kể đến những lý do hiển nhiên đã gây nên những đụng độ giữa người Do thái và các Kitô hữu. Dân Do thái có một vận mệnh đặc biệt trong lịch sử Âu châu. Họ đã sống sót với một ý chí kiên cường và tự phát triển trong mọi thời kỳ. Họ đã duy trì được sự đoàn kết chặt chẽ với những đặc tính hết sức trổi trang. Trong nhiều miền và vào nhiều thời đại, thí dụ ở Pháp trong thời Mérovingienne và ở Âu châu trong thời hạ Trung Cổ, người Do thái đã tham gia vào việc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên từ ruộng đất. Những đức tính Do thái và hệ thống tổ chức phong kiến Âu châu, thêm vào đó còn có nhiều cấm đoán về pháp lý và giáo luật, là những nhân tố đã dồn người Do thái tập trung vào các đô thị và phát triển các tài năng của họ trong các ngành hoạt động kinh tài và thương mại. Ở những nơi họ được hưởng hòa bình, người Do thái trước sau đều trở thành tư bản và người cho vay ăn lãi. Chỉ một việc này, trong một xã hội mà dân chúng chưa ý thức đủ về việc xử dụng tiền tài làm vốn, đã làm cho người ta nghi kỵ và thèm khát. Ngay trong xã hội hiện đại, việc dùng áp lực để đòi nợ thì tự nó cũng là một điều ghê tởm. Trong những xã hội kém mở mang, quyền bá chủ của người cho vay đối với giai cấp dưới thì vẫn thường là điềm báo nhiều rối loạn sẽ xảy ra. Thêm vào đó còn mối thù địch về ý thức hệ do vai trò người Do thái giữ trong lịch sử nguồn gốc Kitô giáo. Thực ra Giáo Hội Kitô giáo đã coi Kinh Thánh Do thái là thành phần chính yếu di sản của mình. Giáo Hội còn giữ nhiều kinh nguyện và nghi thức Do thái. Cũng còn là sự thực khi các nhà chú giải thời các giáo phụ đã rõ ràng phân biệt giữa một nhóm nhỏ những nhà lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm về việc đóng đanh (Ðức Kitô) và chủng tộc trong đó Ðức Kitô, Mẹ Người, các tông đồ và các môn đệ của Người đã chào đời và sinh sống. Cũng không quá sai khi các giáo phụ, theo gương chính Ðức Kitô và các tác giả được linh ứng, đã coi Do thái là dân tộc chối bỏ và sống ngoài kế hoạch ân sủng, kế hoạch đòi trẻ em chịu phép Rửa tội thay vì chịu cắt bì. Thực ra phải mong mỏi cho người Do thái trở lại, phải cầu nguyện và hoạt động cho ước nguyện này. Nhưng người Do thái không những đã bị coi như không có đức tin Kitô giáo, mà theo một ý nghĩa nào đó, còn như đã chối từ Ðức Tin ấy: Phụng vụ gọi họ là ”bội bạc, phản trắc” (perfide). Bản tính con người ta thường ngả về ghen ghét về kỳ thị chủng tộc và ý thức hệ. Người Do thái cố chấp giữ sự khác biệt. Về phía họ, cũng có ghen ghét và cứng cỏi. Nhưng người ta đã nhẹ dạ không suy nghĩ để đi tới những biện pháp kỳ thị rồi, bị thảm hơn, đi tới bắt bớ và tàn sát.
Người ta đã bắt họ chịu những đối xử rất mực nghiêm khắc, bởi vì họ chuyên môn cho vay ăn lãi, việc mà giáo luật thời Trung Cổ cấm các Kitô hữu bằng những đe dọa và những hình phạt rất nặng.
Mặc dầu người ta cho việc cấm đoán là sự thiếu khôn ngoan về mặt kinh tế và xã hội, nhưng không thể đổ trách nhiệm này cho các giáo hoàng thời Trung Cổ. Thật vậy, trong nền văn minh cổ, thuộc Sémitique và Hy-la, việc dùng vốn và tín dụng (cho vay), việc tính toán bảo hiểm và cho vay ăn lãi đều là những hoạt động kinh tài thông thường. Nhưng những lý thuyết gia cùng với Aristote, đã nhất quyết coi tiền như thứ kim khí chết, không sản xuất, như một tượng trưng kế toán hay một phương thế trao đổi, nhưng không phải là hàng hóa tương đối với một của cải có thực hay của cải tư nhiên (những của mà người ta coi là vật có giá trị sản xuất). Về mặt pháp lý người ta không sao kiểm tra tỷ xuất lợi tức (lãi) được. Trong lịch sử Hy Lạp và Roma đầy dẩy những thí dụ cho vay nặng lãi gây tai tiếng và không thể chấp nhận được. Có thể cũng là điều tự nhiên, khi các giáo phụ đầu tiên đã nỗ lực nhổ tận rễ vấn đề nhiêu khê này, bằng cách cấm hết mọi hình thức cho vay ăn lãi. Các ngài đã dựa vào một bản văn Luật Maisen và lời khuyên của Ðức Kitô (lời khuyên mà các ngài coi như một điều luật, một giới răn) là cho vay không lấy lãi. Về điểm này cũng như về những tranh luận sau này liên quan tới sự nghèo khó của Ðức Kitô và quyền tư hữu, mọi toan tính viết ra thành văn bản pháp luật những giáo huấn thiêng liêng của Ðức Kitô, đều đi vào ngõ cụt không lối thoát.
Nhưng, nhờ vào uy thế rất lớn của các ngài, thánh Basile và thánh Grégoire de Nysse, rồi sau đó thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Ambroise và thánh Augustin đã thành công. Công đồng Nicée và thánh Léon I đã cấm các linh mục không được cho vay ăn lãi, mặc dầu pháp luật đế quốc và luật Justinien công nhận việc cho vay ăn lãi trong các vụ việc đời. Vào đầu thời kỳ này, khi sinh hoạt kinh tế suy thoái và khi tiền tài mỗi ngày trở nên hiếm hoi đến độ hầu như biến mất về những món lớn, trừ khi dùng làm ký hiệu kế toán, thì tỷ xuất lãi cao hơn lên và việc cho vay ăn lãi trở nên thái quá và đáng chê ghét. Trong một sắc chỉ soạn thảo ở Aix la Chapelle năm 789, Charlemagne (đã lẫn lộn việc đời và việc đạo) đã nới rộng điều khoản giáo luật và cấm cho vay ăn lãi cả trong những việc đời. Từ đó, truyền thống này đã được chấp thuận bởi các công đồng, đặc biệt dưới triều đức Grégoire VII và công đồng Latran năm 1139. Trình bày quan điểm thông thường, Gratien và Pierre Lombard đã nhận điều cấm đoán, và đem phổ biến trong các học đường. Nhưng đà phát triển tư bản (vốn) và thương mại lại làm phát hiện nền kinh tế tiền tệ phức tạp của thế giới cổ xưa. Người ta cứ tưởng rồi ra vấn đề sẽ hoàn toàn được xét lại. Nhưng truyền thốngg nhất trí vẫn còn quá nhiều sức mạnh và việc am hiểu lý thuyết về thực tại kinh tế còn chưa được hoàn bị. Một cuộc cách mạnh chưa thể xẩy ra được. Việc cấm đoán lại được củng cố bằng những hình phạt nghiêm khắc: huyền chức và vạ tuyệt thông. Tình trạng này làm cho người Do thái tự do hoành hành. Mặc dầu trong phạm vi kinh tài cấp cao, họ không địch lại được với người Lombards, Cađurciens và Florentins (mà người Do thái không muốn liên kết trong các nghiệp vụ kinh tài của các chính phủ và giáo triều), cho tới khi bị trục xuất, họ vẫn là những người cho kẻ nghèo vay tiền và những người cầm đồ trong xã hội Trung Cổ.
Thực ra việc cấm cho vay ăn lãi vẫn còn thịnh hành và được nhiều nhà chú giải danh tiếng chủ trương như Gilles de Lessines, đồ đệ của thánh Thomas và hơn một thế kỷ sau, hai anh em Bernardin de Sienne và tổng giám mục Antonin de Florence. Thế nhưng những nhu cầu cụ thể của nền kinh tế thương mại dựa trên tín dụng và ngân hàng đã đòi hỏi (và để được chấp nhận) áp dụng luật cấm đoán một cách mềm dẻo. Những nhà giải nghĩa các nố luân lý và hơn nữa những chuyên viên dân luật đã cố gắng làm việc. Họ dựa trên bản văn của bộ luật Justinien và những chú giải thành văn đã giả định trước về việc lấy lãi trên món tiền cho vay.
Ban đầu, có sự khoan dung đối với những khoản bồi thường lời lãi tình cờ (damnum emergens) và những việc mất mát hậu quả của việc cho vay (lucrum cessans). Thế là, nếu không trả đúng kỳ hạn, sẽ bị phạt tiền vạ. Người ta có thể được nhận bồi thường về sau trong những trường hợp sinh lời lãi, thông thường hay đặc biệt, đã bị mất. Người ta cho phép hoạt động ngân hàng và cái mà ngày nay chúng ta gọi là ngân hàng gửi tiền. Người gửi tiền hay xuất vốn có thể lấy lãi. Vì tiền của họ theo nghĩa hẹp thì không phải là cho vay mà chỉ là gửi, nên người ta có thể lấy ra bất cứ lúc nào. Như vậy người ta không áp dụng sự cấm đoán nói trong Kinh Thánh (dựa trên những đòi hỏi của lòng nhân ái, yêu thương kẻ thân cận) trong những trường hợp có yếu tố hành động (như trao đổi) hay rủi ro bất thường như bảo hiểm đường biển.
Tô tức hằng năm hoặc tiền cầm cố có lời còn đặt ra những vấn đề tế nhị hơn. Nhưng trong thực tế, người ta đã làm tổn thương nhiều đến pháo đài truyền thống. Các đô thị ở Ý và những tỉnh miền Bắc cần tới việc cho vay ép buộc (prêt forcé) để duy trì việc bảo dưỡng. Việc cho vay này chỉ được trả lại cùng với lời lãi. Ðiều này khuyến khích việc thành lập các hội (mà khởi đầu là các anh em Phanxicô) giúp người ta dễ dàng vay tiền với một tỷ xuất lãi tương đối nhẹ cho người dân nghèo khổ và thường bị bóc lột quá đáng bởi những chủ nợ chuyên bóp méo luật pháp. Những ”núi đạo đức” (monti di pietà, như người ta thường gọi) ban đầu đã bị các nhà luân lý bảo thủ phản kháng. Nhưng cuối cùng Giáo Hội cũng chuẩn y (2). Người ta không biết rõ những cấm đoán của Giáo Hội, trên thực tế, đã cản bước việc phát triển các xí nghiệp thương mại hợp pháp hay đã ngăn chặn được những hình thức thương mại quá lạm dụng, đến mức độ nào. Dĩ nhiên, nếu dựa trên lý luận và giải thích ngày nay thì những cấm đoán kia không còn giá trị nữa. Ðiều chắc chắn, đây là một đề tài đã làm hao tổn nhiều nghị lực trí tuệ và đã chất thêm vào khối những cái bất tiện (gravamina) mà các nhà cải cách và các nhà nhân bản phải lên tiếng chống lại các nhà thần học thời Trung Cổ.