CN 11 THƯỜNG NIÊN - Năm B
14.06.2015
"Khi gieo rồi, thì nó mọc lên, lớn hơn
mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê."
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Êdêkiel (17,22-24).
Ðức Chúa là Chúa Thượng phán như sau : Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Ðức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.
ĐÁP CA (Tv. 91)
Thú vị thay được tạ ơn CHÚA,
được mừng hát danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao.
Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng
được trồng nơi nhà CHÚA,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta.
BÀI ÐỌC II
Thư thứ hai thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (5,6-10).
Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô (4,26-34).
Khi ấy Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
SUY NIỆM LỜI CHÚA :
Pt. Tạ Đình Chung
« Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. » Chúa Kitô đã không dành cho mình trách nhiệm gieo vãi hạt giống Nước trời. Người hẵn là người đầu tiên đã gieo vãi. Nhưng Người còn giao phó cho các môn đệ, cho các tín hữu làm như Người. Khi Người chọn các ông, Người đã có ý định giao cho các ông loan báo sứ điệp như Người cùng chữa lành kẻ bịnh tật, xua đuổi thần ô uế (Mc 3,14). Do đó, ngụ ngôn này cũng liên quan đến mỗi người tín hữu chúng ta.
Chúng ta chú ý tới từ ngữ thánh Máccô dùng : « Một người vãi hạt giống xuống đất ». Đúng là người ấy liệng vật gì đó xuống đất, nhưng cử chỉ của người này không phải là một cử chỉ tầm thường. Vật người ta liệng xuống đất ở đây không phải là một hòn sỏi, một mãnh giấy dơ, một tàn thuốc lá, tóm lại, một vật người ta không còn cần tới nữa. Đây là 1 hạt giống nghĩa là 1 vật cất giữ trong mình một động lực sinh động khó tưởng tượng, khó hiểu nỗi, sẽ biến đổi, tiến hóa để phát sinh ra một vật mới. Một hạt giống liệng xuống đất, nghĩa là một đồ vật sẽ làm biến đổi bề mặt trái đất. Đó là hạt giống Vương Quốc của Thiên Chúa, Vương Quốc mới của Thiên Chúa mà mọi người được mời gọi đi vào và tham gia : tham gia cuộc sống mới, sự sống của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bắt ép một ai.
Người ta có thể làm gì cho hạt giống vãi gieo xuống đất ? có thể làm gì cho Vương Quốc Chúa phát triển mở rộng như người ta tưởng nghĩ ? Người ta không làm gì được : « Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. » Và một ngày nào đó bông lúa chín mùi, tới ngày gặt hái. Người gieo đã vãi hạt giống xuống đất chẳng còn làm gì hơn được nữa cho hạt giống.
Chúng ta chưa tới thời gặt hái. Chúng ta còn đang trong thời gieo vãi hạt. Đây không phải chuyện nhỏ ! Khi gieo, thì người gieo đã thấy mùa gặt tới rồi nếu không ông ta đã chẳng đi gieo làm gì. Và trong khi chờ đợi mùa gặt tới, ông ta làm lụng vất vả, nào đào xới đá sỏi, nào cầy bừa ruộng nương, nào nhổ cỏ. Ông ta không ngừng ngày ngày rảo bước trên khắp ruộng vườn của mình. Ông ta có thể tự đặt đủ thứ câu hỏi, tự hỏi rồi mùa gặt tới sẽ ra sao, sẽ tốt đẹp ? Và nếu lở gặp phải 1 năm mất mùa, ông ta cũng sẽ không ngần ngại bắt đầu lại một năm mới vì tương lai của mình, vì tương lai gia đình. Ông ta luôn sống trong hy vọng.
Chúa Kitô mời gọi chúng ta luôn tin tưởng vào Ngài, luôn can đảm vì có Người ở với ta mỗi ngày cho đến tận thế. Tương lai Vương Quốc Chúa là chuyện của Chúa. Nước Chúa có phát triễn thế nào là chuyện của Chúa. Chỉ một điều Chúa Kitô mời gọi chúng ta, những người nông dân của Thiên Chúa, là gieo vãi hạt giống Lời Chúa như Người. Khi mà Chúa có vẻ như vắng mặt, khi ta nghĩ rằng chẳng có gì xảy ra cả, khi ta cảm thấy đang trong bóng đêm, tất cả đều đen tối, dù vậy Thiên Chúa vẫn đang hoạt động, Ngài đang làm việc như hạt giống đang nẩy mầm, đang mọc lên. Và cho dù hạt giống có nhỏ như hạt cải là hạt nhỏ nhất trong các hạt, nhưng khi gieo rồi thì nó mọc lên, cành lá xum xuê cao lớn đến nỗi chim trời đến ẩn núp và làm tổ. Bước khởi đầu của các cộng đoàn tín hữu có vẻ nhỏ bé. Nhưng Đức Kitô đã Phục Sinh cho hết mọi người và Tin Mừng Chúa phải được loan báo đến cho mọi người anh em khắp nơi.
-----------------
Lm. Trần Anh Dũng (2012)
HAI DỤ NGÔN VỀ VƯƠNG QUỐC
Dụ ngôn hạt giống mọc trong âm thầm nhấn mạnh đến sự tăng trưởng của hạt giống hay thái độ của người nông dân ? Tại sao Ðức Giêsu dùng hình ảnh cây cải, vốn không lớn lao gì, để nói lên sự uy hùng vĩ đại của Vương triều Thiên Chúa ?
Tất cả sự chú ý đều tập trung vào thời kỳ hạt lúa lớn lên (cc.27-28), các giai đoạn khác nhau của việc tăng trưởng được mô tả một cách không đầy đủ. Ở đây, người ta lưu tâm đến thái độ của người gieo giống hơn là việc tăng trưởng dần dần của hạt giống. Sau khi gieo, người nông phu trở lại với đời sống thường nhật : "ông ngủ, ông thức, ban đêm, ban ngày", chẳng cần quan tâm đến hạt giống đang lớn lên mà "ông không hay biết". Lòng đất tự làm việc. Trong thời kỳ lúa lớn lên, người nông phu không sinh hoạt gì cả trong ruộng đồng của mình; mọi việc xảy ra không cần đến ông. Chỉ có tác giả Maccô ghi lại cho chúng ta dụ ngôn hạt giống âm thầm và tự mình lớn lên.
Với câu 29 : "Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa", tình hình đột ngột thay đổi, người nông dân ra tay ngay khi đến mùa gặt. Mùa gặt mà câu kết của dụ ngôn đề cập đến chính là cuộc phán xét tổng quát trong ngày cánh chung. Sự can thiệp của người nông phu lúc gặt lúa làm chúng ta liên tưởng đến sự can thiệp cánh chung của Thiên Chúa. Dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc giả thiết rằng trước khi Thiên Chúa can thiệp vào ngày phán xét cánh chung, thì có một thời gian Ngài để mọi vật tự phát triển theo con đường của chúng, và cho cảm tưởng là Ngài không quan tâm đến các công việc đang diễn tiến trong đồng ruộng thế gian.
Dụ ngôn thứ hai, bản văn Maccô nhấn mạnh sự tương phản giữa tình trạng hạt cải lúc bắt đầu : "nó là hạt bé nhỏ nhất trong mọi thứ hạt giống trên mặt đất" (c.31), và lúc kết thúc : "nó mọc lên thành to lớn hơn mọi thứ rau cỏ, trổ nhiều cành lớn"(32). Ðể diễn tả tầm vóc to lớn của cây cải, tác giả Maccô cho thấy "chim trời đến núp dưới bóng nó". Cây cải mà chim trời đến đậu biểu hiệu cho tình trạng sẽ ưu thắng khi Thiên Chúa thiết lập vương triều trên trái đất trong tương lai. Cây cải xem ra khiêm tốn để nói lên sự uy hùng vĩ đại của Vương triều Thiên Chúa. Sự tương phản mà trình thuật dụ ngôn thiết lập giữa hạt cải tí xíu và cây cải từ đó mọc ra, tương ứng với sự tương phản giữa tính cách âm thầm của sứ vụ Ðức Giêsu và những biến động ngoạn mục vào lúc Vương triều Thiên Chúa đến.
Hãy trở lại với hai dụ ngôn, chúng ta nhận thấy giáo huấn về tầm quan trọng của giây phút hiện tại; những giây phút này không còn là giây phút của sứ vụ Ðức Giêsu mà là giây phút Giáo Hội đang sống và rao giảng. Chính bây giờ hạt giống bé tí Ðức Kitô đã gieo vào đất đang phát triển thành một cây hùng vĩ; sự phát triển của cây này chứng tỏ sức mạnh của sứ điệp Ðức Giêsu đã đem đến cho thế gian.
Thiên Chúa như dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người, như bàng quan trước bao tội ác, như không lưu tâm đến nỗ lực sống thánh, hành thiện của biết bao nhiêu con người. Ðừng lo, Bên khia thời gian, nơi vĩnh cửu, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem cùng điều khiển nhân loại và vũ trụ. Thiên đàng là kết quả của bao nhiêu tháng ngày sống thánh thiện giây phút hiện tại, chứ chẳng phải là sự lật ngược tình thế nhờ ăn năn thống hối vào khoảnh khắc cuối đời. Dụ ngôn hạt cải âm thầm mọc cũng mời gọi chúng ta tin tưởng và phó thác vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta nhìn vào Giáo Hội của Ðức Kitô để luôn vững tâm. Lm. Giuse Trần Anh Dũng (viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B",