Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Nguyễn Ngọc Đỉnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
PHỤ LỤC 2 :
GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH
VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh
Kính thưa quí vị,
Giáo sư Trần Văn Cảnh đã làm gì cho Giáo Xứ Việt Nam Paris ? Đáp lại lời mời của linh mục giám đốc Mai Đức Vinh, Giáo sư Cảnh đã tích cực và liên tục phục vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris, từ năm 1980 đến nay, 2013. Trước khi trả lời chi tiết và cụ thể cho câu hỏi vừa được đặt ra trên đây, thiết tưởng cần giới thiệu vài nét chính yếu về cuộc đời tổng quát của giáo sư.
Sinh ngày 12.03.1943 tại họ Tân Ân, xứ Điền Hộ, địa phận Thanh Hóa (xã Tân Chính, Nga Sơn, Thanh Hóa), cậu Cảnh đã theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn, năm 1954.
Năm 1956, cậu vào tiểu chủng viện thánh Giuse Thanh Hóa tại Tân Thanh, Bảo Lộc, Đà Lạt.
Năm 1960, theo chương trình qui tụ các chủng viện di cư, chú Cảnh và các bạn được chuyển về tiểu chủng viện thánh Phaolô Phát Diệm, tại Phú Nhuận Sài Gòn.
Năm 1963, tốt nghiệp tú tài toàn phần, theo chương trình sát nhập các chủng sinh Bắc Việt vào các địa phận Nam Việt, thầy Cảnh gia nhập địa phận Nha Trang và được chọn lên học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt.
Năm 1967, mãn chương trình 4 năm triết học kinh viện ở Giáo Hoàng Học Viện, với tiểu luận « Quân tử, lý tưởng giáo dục cổ truyền Việt Nam », thầy Cảnh được gửi đi thực tập tại Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Hai tháng sau, thầy được chuyển về Bình Tuy giúp xứ Tân Lập với 2 công việc chính coi giới trẻ và dậy học. Việc coi trẻ em, thầy đã lập đoàn Hùng Tâm Dũng Chí và lập toán tráng Hướng Đạo để đào tạo trưởng. Trong bảy tráng sinh, một trở thành linh mục, sáu người khác trở thành trưởng đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, hay thành phần Ban Hành Giáo, trong đó 4 người thành giáo sư. Về dậy học, thầy dậy triết học cho các lớp đệ nhất A, B, C tại trường Trung Học tỉnh Bình Tuy và giúp cha chính xứ mở trường Trung Học tư thục đệ I cấp HY VỌNG. Năm thực tập hoàn tất, trở lại Giáo Hoàng Học Viện học thần học, thầy Cảnh lo sợ không xứng đáng với chức linh mục, không dám dấn thân chịu chức cắt tóc, đã theo lời khuyên của cha linh hướng Lacretelle SJ, xin xuất tu. Lúc đó vào khoảng tháng 09 năm 1968.
Xin được dậy học trong ba trường Trí Đức, Thiên Hương và Phanxicô Đà Lạt, giáo sư Cảnh ghi tên học Văn Khoa Triết và Sư Phạm tại Viện Đại Học Đà Lạt. Đồng thời, ông không quên ơn gọi đào tạo giới trẻ công giáo. Là Hạt Trưởng Hùng Tâm Dũng Chí Hạt Đà Lạt, theo lời đề nghị của cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, ông đã lập một đoàn Hùng Tâm Dũng Chí cho các con em nhân viên Viện Đại Học Đà Lạt mà chính cha Viện Trưởng làm tuyên úy đầu tiên. Và cũng trong niên khóa 1968-1969, theo lời đề nghị của linh mục Hoàng Kim Đạt, bề trên Tiểu Chủng Viện Nha Trang ở Đà Lạt, ông đã lập Tráng Đoàn Trường Sơn với 2 toán tráng, một cho các thầy Phanxicô, một cho các chú Tiểu Chủng Viện Chúa Chiên Lành Nha Trang ở Đà Lạt. Ba năm sau, 1971, tốt nghiệp á khoa cử nhân giáo khoa triết, ông được tuyển dụng làm Phụ tá Giám đốc Sinh Viên Vụ Viện Đại Học Đà Lạt. Năm sau, 1972, tốt nghiệp thủ khoa Sư Phạm Triết, ông được Viện Đại Học Đà Lạt tuyển dụng làm Giáo Sư Giảng Nghiệm hai môn Triết lý Giáo dục và Động Lực Đoàn Thể, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Phụ Tá Khoa Trưởng Sư Phạm, đặc trách Học Vụ. Cuối năm 1973, Giáo sư Cảnh được Hội Đồng Viện tuyển đi du học ở Pháp với học bổng Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, để tu nghiệp dọn tiến sĩ về Nghiên cứu Giáo dục tại Đại Học Lyon, Pháp. Theo chương trình, ông sẽ lấy tiến sĩ vào năm 1976 và sẽ trở về Việt Nam phục vụ tại Viện Đại Học Công Giáo Đà Lạt. Quốc gia đại loạn vào năm 1975. Việc học hành giang giở. Việc về nước khó khăn, xa vời.
1976, bỏ Lyon lên Paris, rảnh rỗi, ông quyết định ghi tên học Cao Học Triết tại Sorbonne Paris I và Thạc sĩ về Khoa học và Kỹ thuật thư liệu tại Conservatoire National des Arts et Métiers Paris. Đồng thời theo lời đề nghị của ông Nguyễn Tấn Hớn và một nhóm bạn Lào gốc Việt, ông đã cùng họ lập một Bầy Sói Hướng Đạo Việt Nam đầu tiên ở Paris với tên là Sói Đoàn Phù Đồng. 1977, tốt nghiệp cao học giáo khoa triết với tiểu luận « Alfred BINET, le fondateur de la recherche pédagogique en France » và thạc sĩ thư liệu với tiểu luận « L’intérêt pour les réalisations étrangères dans la littérature pédagogique française 1965-1975 », ông được một giáo sư Pháp giới thiệu cho trường ANFOPAR, ở Pont-Sainte-Maxence, tỉnh Oise, chuyên nghiệp canh nông và thực phẩm. Trường này đã tuyển dụng ông ngay năm 1977. Khởi đầu, trường trao cho ông thiết lập và điều hành thư viện của trường. Hai năm sau, ông được mời dậy các môn Phương pháp luận, Kinh Tế và Quản trị hành chánh trong các lớp Cán Sự Cao Cấp (BTS). Công việc làm ăn ổn định, ông quyết định hoàn tất và bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 1981 tại Đại Học Lyon II về đề tài : « La recherche pédagogique en France d’Alfred BINET à nos jours et ses difficultés ». Tốt nghiệp tiến sĩ khoa học giáo dục, ông tiếp tục giảng dậy tại trường Cao đẳng Chuyên nghiệp ANFOPAR, làm trách nhiệm lớp, trách nhiệm ngành và giám đốc trường.
1996, trong khuôn khổ đào tạo chuyên nghiệp liên tục, ông xin theo học một khóa Quản lý Chất lượng. 1997 tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Chất lượng trường Kỹ Sư ISMCM Saint-Ouen với tiểu luận « D’une démarche qualité pour FISONS INSTRUMENTS SA à un projet de certification ISO 9002 pour FINNIGAN MAT SARL », ông được một xí nghiệp và 15 trường huấn nghiệp (CFA) ở vùng Paris mời làm tư vấn quản lý chất lượng. 1998, ông được một trường cao đẳng chuyên nghiệp xây dựng mời cộng tác tham dự ban giảng huấn và thành lập lớp Kỹ Sư Kinh Tế Xây Dựng (Ingénieur Economiste de la construction). Ông nhận lời và được bổ nhiệm làm giáo sư quản lý, dậy sáu môn cho 3 năm học trình kỹ sư : năm I : Phương pháp luận, Kinh tế tổng quát ; năm II : Quản lý chất lượng, Quản lý Tri thức ; năm III : Quản lý nhân sự, Phương pháp nghiên cứu và viết tiểu luận. Ông được mời kiêm nhiệm Giám Đốc Học Vụ 2001-2006 và Giám Đốc Nghiên Cứu 2006-2010. Ông về hưu từ 2010. Có thể nói « Gs Trần Văn Cảnh đã cống hiến cả đời mình cho việc giáo dục ». Trong bài thơ « Giáo Dục », Kết bút Đông Nhâm Thìn, viết ngày 09.02.2013, ông tâm tình :
Giáo dục thụ nhân, trọn cuộc đời,
Đi theo mọi giới, khắp nơi nơi.
Răn phường trẻ nhỏ học ăn nói,
Dậy lớp thanh niên hiểu thói đời.
Mở trí khai tâm luật phép nước,
Minh thành tri nhất uy quyền trời.
Dẫn ban hào kiệt tâm an định,
Đưa bậc lão thành đức sáng ngời.
Bây giờ xin trở lại câu hỏi « Giáo sư Trần Văn Cảnh đã làm gì cho Giáo Xứ Việt Nam Paris »? Năm 1980, GS Cảnh chuẩn bị lập gia đình. Qua những giờ học giáo lý hôn nhân, ông được gặp Linh Mục Giám Đốc Mai Đức Vinh và được ngài mời cộng tác giúp thực hiện công việc mục vụ. Ông nhận lời. Công việc đầu tiên mà ông giúp cha Giám Đốc thực hiện là điều động và tổ chức Lớp Thần Học Giáo Dân, để dần dà đi đến việc thành lập Hội Đồng Mục Vụ. Trong việc cộng tác với cha Giám Đốc Giáo Xứ, ông đã giúp Ngài thành lập một số cơ cấu mục vụ quan trọng : 1- Hội Đồng Mục Vụ năm 1983 ; 2 Ban Biên Tập Báo Giáo xứ vào năm 1984 ; 3- Ban Phụng Ca Lê Bảo Tịnh năm 1993 ; 4- Ban Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình năm 1995 ; 5- Phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp năm 2000.
I. BAN THƯỜNG VỤ VÀ CỐ VẤN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ
Sau hai năm làm việc (1980-1982), sinh hoạt đều đặn hai tháng một lần, qui tụ mỗi lần trung bình từ 30 đến 50 người tham dự, Ban Thần Học Giáo Dân, mà Gs Cảnh là thư ký và điều hợp viên, đã tạo dịp để những tông đồ giáo dân quen biết nhau, hầu có thể đi đến việc đề cử, chọn lựa và công nhận các đại diện địa điểm và đại diện hội đoàn. Nhờ vậy, cụ thể, yếu tố nhân lực mục vụ căn bản đã được tổ chức, qui tụ khoảng 40 người. Năm 1983 trọng tâm nhắm vào việc viết nội qui Hội Đồng Mục Vụ và điều động thành lập HĐMV. Sau 3 phiên họp, ngày 27.02.1983, ngày 27.03.1983 và ngày 10.04.1983, trong phiên họp thứ tư, ngày 30.10.1983, Hội Đồng Mục Vụ tiên khởi (1983-1985), đã được thành lập. Gs Cảnh được bầu làm Thư Ký Ban Thường Vụ của HĐMV tiên khởi này. Từ 1985 đến ngày nay, Gs Cảnh liên tục được Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ mời tham dự Ban Cố Vấn. Ông đã trung thành và tham dự đầy đủ các Đại Hội Mục Vụ của HĐMV, một năm hai lần, từ 1985 đến nay. Trong 6 dự án lớn phát triển Giáo Xứ, từ 1980 đến hôm nay 2013, Gs Cảnh là một trong những người được tín nhiệm và đã góp công góp sức thực hiện kết quả.
II. BAN BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG ĐIỆN TỬ VÀ TU THƯ
Báo chí, truyền thông và tu thư là những vũ khí quan trọng trong việc giáo dục, như có người đã bảo « Súng ta là thơ, kiếm ta là văn, gươm ta là khúc nhạc hùng ». Cho nên Gs Cảnh đã tích cực trong lãnh vực này. Ở Việt Nam, ông đã làm chủ bút báo « Thông Cảm » ở Giáo Hoàng Học Viện, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo « Văn » của Sinh viên Văn Khoa Đà Lạt. Ở Pháp, ông đã cộng tác với các báo «Sinh viên Lyon», « Chiến Hữu » và « Dân Chúa Âu Châu ». Ở Giáo xứ Việt Nam Paris, ông đã là một trong năm thành viên sáng lập việc tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam từ số đầu tiên, ngày 01.02.1984 và liên tục cộng tác quản trị và viết bài.
Truyền thông điện tử được phát triển mạnh từ những năm 2000. Giáo xứ Công Giáo Việt Nam cũng theo nhịp tiến kỹ thuật ấy. Sáng kiến thiết lập một mạng tin học giáo xứ đã được một nhóm chuyên gia đưa ra từ năm 2000. Qua nhiều cuộc họp và dưới sự hướng dẫn tích cực của Đức Ông và Ban Giám Đốc trong năm 2001, đầu năm 2002 một Ban Biên Tập gồm cha Sách, Gs Cảnh, thầy Nha và một Ban Kỹ Thuật gồm anh Bình, anh Lộc, chị Diệu Huyền đã được thành lập. Ngày 01.05.2002, trong Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp, mạng lưới giáo xứ « http://www.giaoxuvnparis.org » đã được ra mắt, với bốn mục tiêu : Công bố và chia sẻ Tin Mừng ; giới thiệu và cung cấp phương thức bảo toàn đời sống Kytô hữu, Thông tin liên lạc và học hỏi, mở rộng giới tuyến truyền giáo. Gs Cảnh là một trong những ký giả viết đều đặn cho mạng lưới của Giáo Xứ.
Từ báo, qua mạng Internet, công việc biên soạn và xuất bản sách đã được Giáo xứ chính thức thực hiện vào năm 1997 với tác phẩm tập thể đầu tay là « Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris 1947-1997 ». Hôm nay, cuốn sách thứ 30 của giáo xứ vừa được xuất bản đầu năm 2013 với đầu đề là « Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam ». Trong đời đi học, Giáo sư Cảnh đã viết 4 tiểu luận và một luận án. Trong đời đi dậy ông đã viết nhiều thủ bản cho sinh viên. Trong đời sống mục vụ của Giáo Xứ, ông đã cộng tác viết gần 30 cuốn sách lớn nhỏ, trong đó 2 cuốn chính yếu là do ông : « Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình Đức Tin, 1947-2010 » và « Công Giáo Việt Nam tại Pháp 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010 ». Hôm nay chúng ta họp mặt nơi đây để trao đổi thân hữu với nhau về hai cuốn sách này.
III. BAN PHỤNG CA LÊ BẢO TỊNH
Nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Ban Thường Vụ đề nghị và Ban Giám Đốc đã quyết định tổ chức thêm lễ 10 giờ cho mỗi chúa nhật. Một số người đã tự nguyện đến hát lễ này và đưa đến việc thành lập ca đoàn lễ 10 giờ với tên là Ban Phụng Ca Lê Bảo Tịnh. Những người đầu tiên tham dự gồm Sơ Liên, Bác Hộ, chị Thư Hương, Bác Sĩ Đỉnh, Gs Cảnh,.. Ban Phụng ca Lê Bảo Tịnh đã được chính thức hóa ngày 26.09.1993 với lời chúc lành của Đức Ông Mai Đức Vinh ghi vào sổ của Ban Phụng Ca như sau : “Rất vui mừng có một ca đoàn mới được thành hình để giúp Cộng Đoàn ca ngợi Chúa trong thánh lễ Chủ nhật 10 giờ sang. Xin chúc lành cho mọi người thiện chí”.
Tại sao lại gọi là Phụng Ca ? Xin thưa vì để nhấn mạnh đến mục tiêu phụng tự bằng thánh ca ; Mọi người cùng hát. Nhưng không quên lời thánh Augustinô dặn : « Hát hay là cầu nguyện hai lần ». Tất cả cộng đoàn cùng chung lời cầu nguyện, cầu nguyện theo các nghi thức thờ phượng công cộng, đặc biệt là trong thánh lễ với hai phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Lê Bảo Tịnh, Ban Phụng Ca muốn noi theo hai lời khuyên của Ngài là :
1- Khi anh em xem lễ thì phải nhớ sự tế lễ, nhớ lại những sự thương khó Ðức Chúa Giêsu đã chịu, nhất là trên cây thánh giá để giục lòng ăn năn tội và lòng kính mến trong giờ xem lễ. Lễ Misa là chính việc thờ phượng tạ ơn Ðức Chúa Trời Ba Ngôi, nên lúc xem lễ thì phải chú tâm vào việc thờ phượng.
2- Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được.
Từ ngày thành lập, Gs Cảnh và Bs Đỉnh là hai người thay nhau điều hành Ban Phụng Ca Lê Bảo Tịnh.
IV. BAN MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH VÀ BAN MỤC VỤ GIỚI TRƯỞNG THÀNH
Do sáng kiến của Ban Giám Đốc Giáo Xứ, Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã được thành lập trong phiên họp tối ngày 27.10.1995. Mục đích là mở rộng các đề tài học hỏi cho việc chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ và mở rộng ban giảng huấn bằng cách mời các giáo dân có chuyên môn cộng tác. 10 đề tài do 10 giảng viên chuyên môn phụ trách với những vị sau đây : Lm Mai Đức Vinh, Lm Đinh Đồng Thượng Sách, Gs Tạ Thanh Minh Khánh, Bs Nguyễn Văn Ái, Gs Nguyễn Văn Thạch, Bs Tạ Thanh Minh, Gs Trần Văn Cảnh, Ls Lê Đình Thông, Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh và Gs Phạm Bá Nha. Một ban điều hành đã được bầu : Trưởng ban là Bs Nguyễn Văn Ái ; Thơ ký là Gs Trần Văn Cảnh.
Mỗi năm có hai khóa : Khóa Giáng Sinh và khóa phục sinh. Khóa đầu tiên là khóa giáng sinh 1995, được thực hiện trong 6 tối : Năm tối học từ 20 đến 22g, 1 tối tổng kết và một thánh lễ mãn khóa.
Từ những khóa chuẩn bị hôn nhân này, nảy sinh ra ba sinh hoạt khác liên hệ đến hôn nhân và gia đình :
1- Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân từ ngày 29.12.1996 ;
2- Khánh nhật thượng thọ từ ngày 31.12.1999 ;
3- Ngày gia đình từ ngày 22.12.2002, do nhóm gia đình trẻ gồm các cựu khóa sinh khóa hôn nhân khai sinh.
Từ đó, ba sinh hoạt mới này cùng với sinh hoạt khóa chuẩn bị hôn nhân cần có một tên chung thích đáng hơn. Đó là lý do khiến Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã được đổi tên là Ban Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình. Trong những sinh hoạt này, Gs Cảnh là một trong những thành viên tích cực. Ông dậy môn « Giáo Dục con cái », điều hành các buổi tổng kết khóa, viết bài phóng sự về các sinh hoạt này, thuyết trình về các đề tài chuyên biệt, như « Quan niệm truyền thống Việt Nam về gia đình ».
Ngoài sinh hoạt Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình ở Giáo Xứ, Gs Cảnh còn được mời thuyết trình nhiều lần cho các khóa Mục Vụ Giới Trưởng Thành và trong các cuộc Đại Hội do Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp tổ chức : 1- Giáo dục giới trẻ Việt Nam từ tuổi dậy thì (1994), 2- Gia đình và giáo dục (1995), 3- Vai trò người phụ nữ Việt Nam trong xã hội Pháp (1996), 4- Những thách đố trong đời sống Đức Tin (2006) 5- Những thách đố cho gia đình hôm nay (2008), 6- Đức ái trong gia đình (2009), 7- Thoáng nhìn lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử các cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Pháp (2010),
Từ 2011 ông được mời làm thành viên của Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành này.
V. PHONG TRÀO LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP
Đức Ái là nhân đức cao trọng hơn cả. Trong cao trào chuẩn bị chương trình mừng đón Ngàn Năm Thứ Ba lịch sử cứu chuộc, để đáp lại lời mời gọi của ĐHY Lustiger, TGM Paris, phổ biến ngày 16.01.1998 về chương trình Năm Bác Ái 2000, và để cổ võ sức sống và tinh thần hiệp nhất, huynh đệ, tương thân tương ái giữa các giáo hữu với nhau, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã chọn suy nghĩ và thực hiện « việc sống bác ái qua liên đới nghề nghiệp ».
Sau hai năm chuẩn bị, ngày 01.05.2000, một Đại Hội quyết định đã được tổ chức. Gs Cảnh điều hợp trao đổi của năm nhóm thảo luận và làm tổng hợp đúc kết chung của Đại Hội. Tất cả 200 hội thảo viên tham dự đều đồng ý đề nghị Đại Hội làm một bản nghị quyết, để :
1- Khẳng định việc thành lập 5 nhóm Liên Đới Nghề Nghiệp là cần thiết ;
2- Đề nghị một chương trình sinh hoạt chung với Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ ;
3- Xác định ngày tổ chức Liên Đới Nghề Nghiệp hằng năm vào Lễ Thánh Giuse Thợ, 01.05. Bản Quyết Nghị đã được Ban Thơ Ký thực hiện ngay tại chỗ. Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh đã chuẩn y và Bác Sĩ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Nguyễn Ngọc Đỉnh phó thự. Và như vậy, Phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã chính thức được thành lập vào ngày 01.05.2000.
13 năm sinh hoạt, từ 2000 đến 2013, Phong trào LĐNN đã đưa đến cho Giáo Xứ nhiều kết quả tốt đẹp. Với bên ngoài, LĐNN đã đích thân thực hiện và cổ võ các thành viên thực hiện nhiều việc bác ái liên đới với đồng bào Việt Nam lương cũng như giáo, với Giáo Hội Việt Nam, với Giáo Hội và Xã hội Pháp. Với bên trong, LĐNN đã góp phần nâng cao Đức Tin và thăng triển Đức Mến nơi các tín hữu Giáo Xứ Việt Nam Paris. Tri hành đồng nhất, Nội ngoại hòa đồng. Kể từ năm 2006, Đức Ông Giám Đốc đã đề nghị Giáo sư Cảnh làm Đại Diện Liên Ngành cho Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp.
Kính thưa quí vị,
Thay mặt Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris và được quí vị cho phép, chúng tôi đã tóm tắt giới thiệu Giáo sư Trần Văn Cảnh về cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của ông. Đặc biệt chúng tôi đã lựa ra năm đóa hoa đẹp, thơm mà ông đã đóng góp tài sức dâng cho Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Xây dựng cơ cấu Hội Đồng Mục Vụ để làm việc hữu hiệu. Thông tin, liên lạc, truyền thông, phổ biến thư liệu để thông cảm và hiệp nhất trong văn hóa và Đức Tin. Cầu nguyện và sống đạo bằng thánh ca, để thêm lòng sốt sắng, thêm hiểu biết Lời Chúa, thêm mộ mến Thánh Thể. Đào tạo giới trẻ và giúp họ giữ nghĩa vợ chồng, hòa thuận với nhau, hiếu thảo với cha mẹ, nhân từ và thân thương dậy bảo con cái, kính nhường với anh em, trung tín với bạn bè. Sống bác ái qua liên đới nghề nghiệp.
Công đức của Giáo sư Trần Văn Cảnh đã được Giáo Hội chính thức công nhận qua huy chương do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban. Chúa nhật 30. 12. 2007, ngày đại lễ kết thúc Năm Hồng Ân mừng Ngọc Khánh 60 năm thành lập Giáo Xứ và mừng Ngân Khánh 25 năm sinh hoạt của Hội Đồng Mục Vụ. Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Michel Pollien, giám mục phụ tá Paris đại diện Đức Hồng Y André Vingt-Trois, chủ tế, giảng Lời Chúa và trao huy chương và bằng khen của Tòa Thánh « Bênh Giáo Hội và Phò Giáo Hoàng » cho ba giáo dân trong giáo xứ. Bãy tỏ niềm vui chung, Ðức Ông Mai Ðức Vinh giới thiệu ba vị nhận huy chương trong đó có Giáo Sư Trần Văn Cảnh.
Xin trân trọng cảm tạ chư quí vị.
Paris, ngày 16.03.2013
Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh
Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942