Bài 17 - LỜI KẾT
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
LỜI KẾT
Q ua cái nhìn lịch sử biên niên trên đây, cả chiều dài, lẫn chiều rộng của Giáo Xứ Việt Nam Paris đều đã được biểu lộ. Về chiều dài tiến xa hơn và cao hơn đến mức trưởng thành. Từ khởi đầu vào năm 1787 với những bước dừng chân của những người công giáo Việt Nam đầu tiên đến Pháp. Đến hôm nay, tạm ngừng vào cuối năm 2013, với một cộng đoàn đông đảo, gồm những người chỉ dừng chân một thời gian và những người đã nhận nước Pháp là quê hương thứ hai. Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được tiến triển qua 11 giai đoạn trong 3 thời kỳ : Khai phá 1787-1947, Thành lập và phát triển 1947-1980, và Trưởng Thành, 1980-2013. Sau khi đã xem chiều dài lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam Paris, những nét độc đáo sau đây có thể sẽ là mối dây nối kết những biến chuyển của 11 giai đoạn trong 3 thời kỳ của chiều dài ấy.
Nét độc đáo thứ nhất liên hệ đến những người Việt nam công giáo đầu tiên đến Pháp. Cũng như lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã khởi đầu nhờ sự trở lại đạo của những người quan quyền hay hoàng tộc, có hiểu biết. Công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng ; Công chúa Mai Hoa, chị của Hoàng Tử Lê Thái Tông ; Bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng ; Catarina, em gái chúa Trịnh Tráng,.. Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được khai phá, khởi đầu với những người Việt Nam công giáo có học thức, văn hóa và có địa vị trong xã hội và giáo hội Việt Nam : Linh mục Hồ Văn Nghi, Bà Vannier Nguyễn Thị Sen và các con, Các con của ông bà Chaigneau-Hồ, Thầy giảng Lê Húc, Ông Nguyễn Trường Tộ, cha Nguyễn Hoàng, Ông Trương Vĩnh Ký, thầy Ignatiô Nguyễn Ngọc Tuyên và Antôn Maria Nguyễn Hữu Thơ, …và sau này có Cụ Nguyễn Hữu Bài, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, rồi các linh mục sinh viên trong Hội Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Đoàn (mà nhiều vị khi trở về Việt Nam đã được phong giám mục), các học sinh trong đó có Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (Bảo Đại) và Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng Hậu), các sinh viên và chức nghiệp trong các đoàn, như Đoàn Sinh Viên, Đoàn Phụ Nữ, Đoàn Lao Động, Đoàn Chức Nghiệp. Sau này nhiều vị đã đóng những vai trò quan trọng trong các năm 1930-1954 ở toàn nước Việt Nam, và 1954-1975 ở Miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa.
Tiếp đến là khoảng 50.000 lính thợ Việt Nam được mang sang Pháp trong thế chiến 1014-1918 ; Khoảng 1500 thanh niên ưu tú của những gia đình giầu sang quyền quí sang du học Pháp trong giữa hai đại chiến thế giới 1914-1918 và 1939-1945 ; Khoảng 40.000 lính thợ Việt Nam khác được mang sang Pháp vào thế chiến thứ hai, 1939-1945.
Nét độc đáo thứ hai của Giáo Xứ Việt Nam Paris liên hệ đến những động lực gây nên sự thành lập, sự lớn lên, sự phát triển và sự trưởng thành của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Những biến cố khách quan đã được trình bày xác nhận 4 động lực đặc sắc sau đây : 1- Động lực phát xuất từ tình yêu quê hương của những bước chân tiền nhân Công Giáo Việt Nam đầu tiên đến Pháp vì nghĩa vụ quốc gia từ năm 1787, 2- Động lực phát xuất từ ý chí tranh đấu cho độc lập Quốc Gia Việt Nam, được biểu lộ qua điện văn 1945 của 4 giám mục Việt Nam, mà những giáo sĩ và giáo dân Việt Nam ở Pháp trong những năm 40 lúc ấy rất đồng tình ; 3- Động lực phát xuất từ ý thức về bổn phận ái quốc của công dân nước Việt và bác ái của công dân Nước Trời, được biểu lộ qua tuyên ngôn 1946 của 24 giáo sĩ Việt Nam tại Pháp, 4- Động lực phát xuất từ tình liên đới huynh đệ của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, muốn cùng nhau tụ họp lại trong một Hội Công Giáo Việt Nam tại Pháp.
Nét độc đáo thứ ba là những sinh hoạt của người Việt Nam công giáo tại Pháp ở lúc đầu, phần nhiều đến từ sáng kiến cá nhân giáo dân, mà đặc sắc nhất là hành động của Michel Đức Chaigneau, con của ông bà Chaigneau-Hồ và là tác giả cuốn « Souvenir de Huê, và của 2 mẹ con bà Vannier Nguyễn Thị Sen là bà Sen và con gái út là Marie Vannier, từ Lorient lên Paris thăm phái đoàn Phan Thanh Giản, được vua Tự Đức gửi sang Pháp thương thuyết về việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, Nam Việt là : Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Điều này nói lên tinh thần tích cực và trách nhiệm của những giáo dân công giáo Việt Nam đầu tiên ở Pháp, nhất là trong thời chưa có tuyên úy. Sự thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, chắc chắn đã được các linh mục sinh viên làm tuyên úy tự nguyện cố vấn. Nhưng vai trò của giáo dân, nhất là những giáo dân sinh viên, có tinh thần « Công Giáo Tiến Hành » cao, đã vẫn là nét đặc sắc nổi tiếng của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Truyền thống này vẫn còn rõ nét trong Giáo Xứ hiện nay. Các Linh mục, Phó tế và Nữ tu trong Ban Giám Đốc giữ vai trò tuyên úy, để giữ hướng đi cho đúng tinh thần Phúc Âm, còn việc hành động thì trao cho giáo dân. Tất cả các thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ đều là giáo dân. Tất cả 8 địa điểm mục vụ và hơn 30 hội đoàn, phong trào, ban, nhóm,.. đều do giáo dân trách nhiệm.
Nét độc đáo thứ tư là tinh thần tông đồ, bất vụ lợi của các cha Tuyên Úy. Là sinh viên du học tại Pháp, các cha không có bổn phận phải giúp giáo dân và lương dân Việt Nam. Nhưng đứng trước những hoàn cảnh xa nhà xa quê, trước những nhu cầu, những đề nghị, những lời mời của các giáo dân và lương dân, nhiều vị đã dấn thân phục vụ, phục vụ không công, phục vụ tận tâm, tận tình, tận lực và tận sức. Đó là trường hợp những giáo sĩ đã nhận lời mời làm cố vấn và tuyên úy cho các địa điểm, như Cha Cao Văn Luận, cho 5 địa điểm Paris, Moulins, Grenoble, Privas và Villeurbanne ; Cha Nguyễn Văn Thiện cho 2 địa điểm Marzagues và Tarascon ; Cha Nguyễn Ngọc Quang cho 2 địa điểm Carcassonne và Toulouse ; Cha Hoàng Mạnh Hiền cho 2 địa điểm Agen và Albi ; và Cha Đinh Văn Hưởng cho 2 địa điểm Bergerac và Bordeaux. Bên cạnh đó, các linh mục khác, nhất là những vị trong Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Đoàn, dẫu không nhận trách nhiệm tuyên úy, cũng hỗ trợ và xa gần cố vấn các giáo dân.
Nét độc đáo thứ năm liên hệ đến việc tổ chức sơ bộ trong thời kỳ Khai Phá. Thực tế, vào những năm 40, tình hình chính trị ở Việt Nam rất căng thẳng với phong trào tranh thủ độc lập. Tại Việt Nam, ở Hà Nội, ngày 04-11-1945, bốn Giám Mục Việt Nam : Nguyễn Bá Tòng, Giám Mục Việt Nam tiên khởi ; Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục Bùi Chu ; Ngô Đình Thục, Giám Mục Vĩnh Long ; Lê Hữu Từ, Giám Mục Phát Diệm, đã gởi "Điện Văn" cho Giáo Hội toàn cầu và hai Nước Anh - Mỹ xin "ủng hộ nền Độc lập của Tổ quốc Việt Nam », kêu gọi lòng quảng đại khắp Giáo Hội đối với nước Việt Nam, và hô hào hai Cường quốc Anh–Mỹ can thiệp cách hiệu quả để Việt Nam khỏi lâm vào nạn binh đao chiến tranh ghê sợ.
Tại Pháp, ở Paris, vào mùa Đông năm 1945, khi nhận được một Bản Tuyên Ngôn của bốn Giám Mục Việt Nam đòi hỏi nước Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam, Cha Cao Văn Luận có ý định dựng lên một tổ chức mới lấy danh hiệu là Hội những người Công Giáo Việt Nam tại Pháp (Association des catholiques Vietnamiens de France) để có danh nghĩa và lý do phổ biến cái tuyên ngôn hay thông điệp này. Ngày mồng 04 và 05-01-1946, "Hai mươi bốn Giáo sĩ Việt Nam ở Pháp" nhóm họp nhau đã khẳng định nghĩa vụ ái quốc của người có đạo Thiên Chúa rằng : " Các Đức Giám mục Việt Nam, vì nghĩa vụ đối với quốc gia đã đứng lên ủng hộ Chính phủ tạm thời Việt Nam dân quốc và đồng thanh cùng 25 triệu đồng bào yêu cầu độc lập cho tổ quốc. Việt kiều hải ngoại phải noi gương con đường chính đáng ấy chẳng vậy sẽ mắc tội vong gia phản quốc. Dầu tương lai Tổ Quốc phải đảo điên, chúng tôi nguyện sống chết bênh vực nền tự do độc lập Quốc Gia". Ngày 31.01.1946, Cha Cao Văn Luận, lấy danh nghĩa là Trung Ương Lâm Thời Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris, gửi cho các Hội Công Giáo có từ lâu ở các tỉnh thơ vận động xin họ góp ý về việc lập ra một «Hội Công Giáo Việt Nam » (Association Catholique Annamite) và đến dự hội nghị dự trù trong hạn ba tháng sau. Sau đó, trong hai ngày 31-03 và 01-04 năm 1946, Đại Hội Nghị Toulouse đã được tổ chức tại trại Saint Cyprien. Quý Cha Cao Văn Luận, Nguyễn Ngọc Quang, Hoàng Mạnh Hiền, Nguyễn Văn Lập, Đinh Văn Hưởng và Lê Văn Bộ hiện diện tham dự Đại hội. Hơn 30 đại biểu của 17 Hội Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã về dự Ðại Hội. Kết quả Đại Hội đã biểu quyết thành lập LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP. Chính từ Liên Đoàn này, mà từ năm 1947, khi Liên Đoàn được Giáo Quyền Pháp chính thức công nhận, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã từ từ được thành lập, lớn lên, phát triển và trưởng thành.
Nét độc đáo thứ sáu liên hệ đến giai đoạn Thành lập, trong đó sự kiện Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp được chính thức công nhận là một biến cố rất quan trọng. Sự công nhận đầu tiên là việc Hàng Giám Mục Pháp, ngày 01.10.1947, đã xem, duyệt y và công nhận bản Nội Quy của Liên Đoàn. Sự công nhận này đã được xác nhận qua thư ngày 10.02.1949 của ĐC Henri Chappoulie biên cho cha Trần Văn Hiến Minh, công nhận Liên Đoàn như một Tổ chức Công Giáo Tiến Hành. Sự công nhận thứ hai là do Bộ Nội Vụ Pháp qua công văn số 13-579, ngày 22.02.1949 và được đăng trong công báo journal officiel ngày 24.03.1949. Sự công nhận thứ ba là do Hàng Giám Mục Việt Nam ngày 09.11.1951 trong Đại Hội Đồng 16 giám mục, tại Hà Nội, 5-9/11/1951. Các Đức cha đã bàn luận về Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và đã có quyết định là cử Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, GM Bắc Ninh, làm Đại Diện Hàng Giáo Phẩm VN để bảo trợ Liên Đoàn. Như vậy sự Thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã chính thức được công nhận bởi mọi công quyền và giáo quyền liên hệ. Liên đoàn, từ nay, có đủ tư cách pháp nhân đạo, đời để sinh hoạt.
Thêm vào đó, hai tài liệu giáo hoàng, là Tông huấn Gia Đình Xa Cách (Exsul Familia) do Đức thánh cha Piô XII ban hành năm 1952 và Tự sắc Mục Vụ Di Dân (Pastoralis Migratorum Cura) do ĐGH Phaolô VI ban hành năm 1969, đã đưa ra những áp dụng mục vụ cụ thể cho những cộng đoàn ngoại kiều. Tựa vào những áp dụng này, cha tuyên úy Trần Văn Hiến Minh, trong thơ đề ngày 20.06.1949, đã đệ lên Hàng Giáo Phẩm Pháp những chương trình mục vụ đã và đang thực hiện và nhu cầu tương lai của Liên Đoàn. Về những nhu cầu tương lai, « Khẩn thiết xin lập Sở Truyền Giáo Việt Nam tại Paris ». Khi Ngài về Việt Nam, Cha Trần Thanh Giản, với tư cách là tuyên úy lâm thời, đã gửi thơ, ngày 07/04/1951, cho Đức Khâm Sứ John DOOLEY ở Hà Nội, trình bày 2 nhu cầu khẩn thiết là: Liên Đoàn cần có một tuyên úy được bổ nhiệm chính thức và cần được yểm trợ tài chánh, đặc biệt về tiền thuê trụ sở. Đáp lời đề nghị khần thiết của cha Giản, Đức Khâm Sứ John DOOLEY đã liên lạc với Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và các Giám Mục Việt Nam đã lấy 2 quyết định: bổ nhiệm cha Nguyễn Quang Lãm làm tuyên úy của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp từ ngày 01.07.1951 và cử Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, GM Bắc Ninh, làm Đại Diện Hàng Giáo Phẩm VN để bảo trợ Liên Đoàn từ ngày 09.11.1951. Như vậy, trong Giai Đoạn Liên Đoàn, 1947-1952, đã có 3 nhiệm kỳ tuyên úy của cha Trần Văn Hiến Minh, Trần Thanh Giản và Nguyễn Quang Lãm. Nhưng chỉ có cha Nguyễn Quang Lãm là đã được bổ nhiệm, trong nhiệm kỳ tuyên úy thứ ba, 1951-1952. Dẫu được công nhận, Liên đoàn Công Giáo Việt Nam chỉ mới được công nhận như một phong trào Công Giáo Tiến Hành.
Về đề nghị của cha Trần Văn Hiến Minh, Hàng Giáo Phẩm Pháp đã bằng lòng nâng "Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam" lên thành "Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp » (Mission Catholique Vietnamienne en France), từ năm 1952, đồng thời bổ nhiệm Linh mục Việt Nam là cha Pacifique Nguyễn Bình An làm "Thừa Sai : Missionnaire", với năng quyền Cha Xứ : « Cura Animarum ». Ngày chúa nhật 14/12/1952, cha Nguyễn Bình An đã dâng lễ tạ ơn, nhậm chức Thừa Sai và khánh thành Giai Đoạn « Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp ». Với tên gọi mới là « Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp », Giáo Xứ Việt Nam Paris, ở giai đoạn này, đã ngang hàng với một giáo xứ, nhưng chưa hoàn toàn. Ngang hàng vì, theo lời của Đức Khâm Sứ John Dooley, thì « bổn phận của cha An sẽ gồm 5 điểm như sau : 1- Hoàn toàn và chỉ lo mục vụ, trước tiên là đối với đồng bào công giáo, nhưng cũng lo truyền giáo cho đồng bào bên lương ; 2- Để tâm đặc biệt đến mọi tín hữu tại Paris ; 3- Chăm lo đến mọi tổ chức công giáo tại Pháp ; 4- Cũng lưu ý theo dõi các báo chí bằng tiếng Việt phát hành tại Paris ; 5- Phải trực thuộc Đức Tổng Giám Mục Paris. Cha An, không chỉ là Tuyên Úy cho LĐCGVN, mà còn là « Cha Sở », trực thuộc thẩm quyền Tổng Giám Mục Paris, có trách nhiệm mục vụ với giáo hữu Việt Nam Paris, theo tông huấn Exsul Familia ». Ðức Ông Rupp, cha chính Ðịa Phận Paris và thư ký của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đã xác định cùng một ý tưởng với Đức Khâm Sứ : « Trong buổi hội tháng 10 vừa qua, các Hồng Y và Tổng Giám Mục đã đồng ý ‘ký thác cho cha Pacifique An Sở Tuyên Úy người Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Pháp. Ðể chứng tỏ rằng Cha An không chỉ là tuyên úy của Liên Ðoàn mà thôi, nhưng còn là ‘Giám Ðốc Tổ Chức Truyền Giáo », thì từ nay thánh lễ tiếng Việt mỗi tháng sẽ không cử hành ở trụ sở Liên Ðoàn nữa, nhưng là ở trong một nhà thờ, nhà thờ Notre Dame de Liban ». Nhưng Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp chưa hoàn toàn ngang hàng với một giáo xứ, vì, theo cha Mai Đức Vinh, « Chưa có qui chế rõ rệt cho các linh mục làm mục vụ. Tổng Giáo Phận Paris chưa trực tiếp giúp đỡ về tài chánh ». Dẫu sao thì sự công nhận cũng đã cao hơn một bậc, từ một phong trào được nâng lên thành một Sở Truyền Giáo, mà vị trách nhiệm được gọi là Giám đốc các thừa sai, và có năng quyền cha sở « Cura Animorum ». Sau cha Nguyễn Bình An (1952-1955), là nhiệm kỳ của cha Trần Thanh Giản (1955-1971) và của cha Nguyễn Quang Toán (1971-1977). Đó là nét độc đáo thứ bảy, nói lên sự lớn lên của Giáo Xứ Việt Nam Paris, ở giai đoạn « Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp », 1952-1977.
Nét độc đáo thứ tám liên hệ đến giai đoạn «Giáo Xứ» của «Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1977-1980 ». Sự công nhận tiến lên một bậc nữa, từ Tổ chức Truyền Giáo tiến lên thành Giáo Xứ, với nét độc đáo quan trọng là các linh mục và tu sĩ làm việc cho giáo xứ đều rõ rệt trực thuộc vào Tổng Giáo Phận Paris hơn, vì tất cả đều được bổ nhiệm rõ rệt qua văn thơ, được trả lương theo quy chế và có bảo hiểm an sinh xã hội. Ngoài ra, giáo xứ còn được Toà Giám Mục trợ cấp quỹ điều hành. Rõ rệt, sự công nhận đã phát triển hơn và có khả năng làm cho Giáo Xứ phát triển hơn. Nhân viên Ban Giám Đốc chính thức rõ rệt hùng hậu hơn, với 8 vị, gồm 6 linh mục và 2 nữ tu.
Nét độc đáo thứ 9 liên hệ đến Thời kỳ Trưởng Thành. Đó là sự làm việc có phương pháp minh thị hơn, có phương án và chương trình tiên liệu hơn, có theo dõi công việc và phối kiểm kết quả hơn, có dự án làm tốt hơn và nhất là có độc lập hơn về cơ sở, về sinh hoạt và về nguồn lực tài chánh. Từ 2003, Giáo xứ hoàn toàn tự lập về tài chánh: 1- Không nhận giúp đỡ từ Tổng Giáo Phận Paris nữa; 2- Tự lập quản trị chi thu : lương bổng cho những nhân viên làm việc cho giáo xứ, bảo trì và tân trang cơ sở củng như dụng cụ máy móc ; 3- Đóng góp vào quỹ «Tiền giúp Giáo Hội» của Tổng Giáo Phận Paris.
Trong 33 năm, từ 1980 đến 2013, sáu chương trình đã được thiết kế và thực hiện :
1. 1980-1983 : xây dựng cơ cấu tổ chức
2. 1984-1989 : phát triển văn hoá giáo dục
3. 1990-1996 : Phát triển Ðời sống thiêng liêng gia đình
4. 1997-2001 : Phát triển đời sống văn hoá, cơ sở vật chất và liên đới xã hội
5. 2002-2007 : Phát triển và tự lập tài chánh
6. 2008-2013 : Phát triển hội nhập mục vụ Tổng Giáo Phận Paris.
Và tên Giáo Xứ đã đầy đủ ý nghĩa hơn, vì giám đốc đã được bổ nhiệm với chức vị « Cha Sở » và được đề trong Ordo hàng năm với chức vị này. Tất cả những đặc điểm này nói lên và xác nhận sự Trưởng Thành của Giáo Xứ.
Về chiều rộng với các lãnh vực và số lượng của các hoạt động, nét độc đáo rõ rệt chung là Giáo Xứ biểu lộ sự mạnh khoẻ và cường tráng tốt đẹp trên đường thành lập, lớn lên, phát triển và trưởng thành, từ khởi đầu, năm 1787 đến ngày nay, cuối năm 2013.
Ở thời kỳ Khai Phá, chiều rộng các hoạt động tương đối hạn hẹp. Ở Giai đoạn Những bước chân Khai phá, những sinh hoạt đạo cũng như đời, chính yếu nhất là những sinh hoạt cá nhân. Từ Giai đoạn Những Tổ chức Sơ bộ, sinh hoạt cộng đoàn quan trọng nhất đã được thực hiện là hôi họp nhau lại thành tổ chức. Ba tổ chức đã được thiết kế và thành hình. Tổ chức « Hội Công Giáo ở Paris » lập năm 1942, chung cho mọi người công giáo, với mục đích «giúp đồng bào Công Giáo về đường thiêng liêng, tinh thần và vật chất». Tổ chức « Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Ðoàn », thành lập năm 1945 do 17 linh mục thành viên, với lời tuyên bố rằng : «Phận sự hàng giáo sĩ phải ở ngoài các đảng chính trị để mưu cầu ích lợi chung cho quốc gia và đồng bào về các phương diện : vật chất, luân lý và tinh thần». Và tổ chức «Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp», thành lập năm 1946, với « Mục đích : Giúp hội viên và đồng bào giáo hữu trong việc chu toàn nghĩa vụ Công giáo và Tông đồ. Huấn luyện chiến sĩ công giáo tiến hành. Gây tình liên lạc với đồng bào chưa công giáo. Liên Đoàn đứng trên và ngoài các đảng phái chính trị, cấm tuyên truyền chính trị trong đoàn ». Trong tình thế khẩn trương và cao độ của phong trào đòi độc lập, không kể những sinh hoạt đạo về bí tích, thiêng liêng căn bản, hoạt động quan trọng nhất đã thu hút nhiều người là trong lãnh vực công dân, cổ võ cho nền độc lập của Việt Nam.
Ở thời kỳ Thành Lập và Phát Triển, Giáo Xứ được công nhận qua ba giai đoạn. Những sinh hoạt chung của Giai đoạn Liên Đoàn đã dần dà xoay quanh ba trục căn bản: thiêng liêng có thánh lễ, cấm phòng ; văn hóa có hội học diễn thuyết và xuất bản báo chí với tờ Hiệp Nhất và Thông Tin, (Tờ Thông Tin, đến thời Cha Lãm, đổi tên là Liên Đoàn) ; xã hội có trại hè và lạc quyên giúp cô nhi viện bên Việt Nam.
Sang Giai Đoạn Tổ Chức Truyền Giáo, những sinh hoạt chính yếu đã rõ rệt xoay quanh ba trục và dần dà nhiều hơn, rộng lớn hơn, để mở ra năm trục : Về thiêng liêng, hành hương, dậy giáo lý cho các trẻ em và người lớn, Tĩnh tâm và thành lập các Hội Đoàn công giáo, như Đạo Binh với 4 tiểu đội và 1 curia, Các bà mẹ công giáo. Về văn hóa có phát hành tờ Nhận Định thay tờ Liên Đoàn, rồi tờ Hừng Đông, sau lại có tờ Vào Đời và Xuyên Việt, thuyết trình hội thảo. Về xã hội hướng về Việt Nam, có quyên tiền gửi về viện mồ côi bên Việt Nam, tổ chức những sinh hoạt xã hội cứu trợ các nạn nhận lụt và chiến tranh bên Việt Nam. Và Xã hội hướng về kiều bào, lúc đầu có trại hè, mở quán cơm xã hội, thăm viếng các gia đình và giúp đỡ sinh viên; từ 1975, đặc biệt hướng về những người tỵ nạn cộng sản mới đến, có : tiếp đón các người tỵ nạn từ 1975 bằng nhiều hình thức : tiếp tại văn phòng, giúp xin thẻ cư trú và các giấy tờ hành chánh, giúp tìm việc làm và nhà ở, giúp trẻ em tìm gia đình bảo trợ, tiếp tế thực phẩm, cho quần áo, giúp tiền mua vé xe, tem thư, tổ chức các lớp học pháp văn, thăm viếng các trại tỵ nạn, dậy giáo lý, làm lễ chúa nhật, cung cấp tràng hạt, sách kinh bổn, sách giáo lý, sách Thánh kinh. Thêm hai trục thứ tư và thứ năm mới ló ra. Đó là trục phương pháp quản trị hướng về tổ chức nội bộ với việc Tu chính Bản điều lệ Liên Doàn ; và trục quản trị cơ sở với việc trả nhà ở 36bis Raspail, về Ave de l’Observatoire, rồi Boissonade, quận 14. Quả là giai đoạn mà Giáo Xứ lớn lên.
Đến Giai Đoạn Giáo Xứ, các sinh hoạt, tất cả đều tương tự như giai đoạn Tổ chức Truyền Giáo và rõ rệt xoay quanh năm trục. Trục thiêng liêng, có : hành hương, dậy giáo lý cho các trẻ em và người lớn, Tĩnh tâm, và thành lập các nhóm Ca Đoàn Giáo Xứ, Cầu Nguyện, Sống Đạo, Đạo binh Đức Mẹ trẻ, Xã hội, Văn nghệ, Nhạc động, Trang trí, Thư viện, Hành hương, Thể Thao. Mỗi nhóm có một sinh hoạt riêng. Trục văn hóa có phát hành tờ báo hàng tuần « Giáo Xứ Việt Nam », lớp Pháp văn, các buổi thuyết trình. Trục xã hội rõ rệt hướng về kiều bào hơn, đặc biệt là những người tỵ nạn cộng sản mới đến, có: tiếp đón các người tỵ nạn bằng nhiều hình thức : tiếp tại văn phòng, giúp xin thẻ cư trú và các giấy tờ hành chánh, giúp tìm việc làm và nhà ở, giúp trẻ em tìm gia đình bảo trợ, tiếp tế thực phẩm, cho quần áo, giúp tiền mua vé xe, tem thư, tổ chức các lớp học pháp văn, thăm viếng các trại tỵ nạn, dậy giáo lý, làm lễ chúa nhật, cung cấp tràng hạt, sách kinh bổn, sách giáo lý, sách Thánh kinh. Trục phương pháp quản trị hướng về tổ chức nội bộ với việc thiết kế có phương pháp hơn, có tiên liệu hơn và được tổ chức, phân bổ trách nhiệm rõ ràng hơn, theo khả năng hơn, trong một tổ chức tổng quát thống nhất hơn. Trục quản trị cơ sở với việc chỉnh trang lại cơ sở giáo xứ cho ngăn nắp, sạch sẽ và khang trang hơn. Quả là Giai đoạn mà Giáo Xứ phát triển hơn.
Ở thời kỳ Trưởng Thành, Giáo Xứ phát triển mọi mặt, nhiệm kỳ của Đức Ông Mai Đức Vinh, về các hoạt động mục vụ chiều ngang, cánh quạt mở to hơn, với việc thành lập Hội Đồng Mục Vụ bao gồm 8 địa điểm mục vụ và h ơn 30 hội đoàn, phong trào, ban, nhóm. 12 trục sau đây đã được thực hiện :
1) Những sinh hoạt thiêng liêng giáo huấn : giáo lý, thánh kinh, thánh truyền, đức tin, giáo luật, tuyên xưng đức tin, hội học có mục tiêu truyền giáo,…. Được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau : bài học, kể truyện, bài khảo, diễn tuồng, diễn thuyết, diễn nguyện, bài báo, ca hát, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm…
2) Những sinh hoạt thiêng liêng thánh hoá qua bí tích, từ rửa tội, thêm sức, thánh thể, thống hối, xức dầu bệnh nhân, truyền chức, đến hôn phối. Được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau : học hỏi, cử hành, diễn tuồng, diễn thuyết, bài báo, ca hát, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm…
3) Những sinh hoạt thiêng liêng thánh hoá qua phụng tự khác, kinh nguyện, cầu nguyện, giờ chầu thánh, cấm phòng, hành hương, thi hang đá Giáng Sinh, rước kiệu, ngày bệnh nhân, lộc Lời Chúa đầu năm, liên lạc, thăm viếng, truyền giáo, diễn nguyện thánh ca, hoạt cảnh Phục sinh, tuồng thương khó, bó hoa thiêng cho bệnh nhân mùa chay.
4) Những sinh hoạt văn hoá tổng quát : báo chí của giáo xứ và của các đơn vị mục vụ, thuyết trình hội học ở mức giáo xứ và ở mức đơn vị địa phương hay ban nhóm, thư viện, mạng lưới tin học, sáng tác và dịch thuật, xuất bản và tu thư, các buổi văn nghệ ca nhạc kịch. Tìm học nơi người khác và giúp người khác học với mình.
5) Những sinh hoạt văn hóa giáo dục khởi đầu cho các lớp tuổi ấu nhi, thiếu nhi, giới trẻ ; về tổng quát, như giáo lý, tiếng việt, thánh lễ, sinh hoạt ; hoặc về chuyên biệt hay liên tục, như các lớp pháp văn, các lớp chuẩn bị hôn nhân, các lớp đàn tranh, các lớp ca trưởng, các ca đoàn,…
6) Những sinh hoạt văn hóa phương pháp quản trị : xác định rõ rệt đường hướng Phúc Âm Kytô và 8 mối Phúc Thật, tìm ra những điểm chung : một dòng giống, một ngôn ngữ, một niềm tin, một hoàn cảnh ngoại kiều ; tìm hiểu những nguyên tắc quản trị tổng quát ISO 9000, và tổ chức mục vụ chung của Giáo Xứ là Hội Đồng Mục Vụ với văn bản Nội Quy Đơn Giản.
7) Những sinh hoạt xã hội tổng quát và vật chất : tiếp đón người việt tỵ nạn và giúp ổn định về công ăn việc làm, nhà ở ; cứu trợ Việt Nam trong các tai nạn chiến tranh, bệnh tật, lụt lội bão tố ; giúp các quĩ truyền giáo, các đại chủng viện, một số cơ quan giáo dục và xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ; các sinh hoạt xã hội truyền thống : tiếp và giúp đỡ các sinh viên mới từ Việt Nam qua, quán cơm, thăm viếng, chiến dịch giúp người nghèo mùa chay.. ; liên đới nghề nghiệp, hướng nghiệp, tư vấn luật pháp, tài chánh, gia đình, xã hội, sức khoẻ ; tìm kiếm và chỉnh trang cơ sở vật chất.
8) Những sinh hoạt Xã Hội Văn Hóa Việt Nam Công Giáo : các lễ hội dân tộc, các lễ hội công giáo, các lễ hội xã hội Pháp, các lễ hội giáo xứ.
9) Những sinh hoạt Xã hội Gia Đình : Khóa chuẩn bị Hôn Phối, Nhóm Gia Đình trẻ, Ngày Gia Đình Trẻ, Khánh nhật hôn nhân, Khánh nhật thượng thọ, lễ nghi cưới hỏi, tang chế, giỗ chạp, hội Tobia.
10) Những sinh hoạt xã hội quản trị cơ sở vật chất : vệ sinh và an toàn hàng ngày, bảo trì và chỉnh trang hàng tháng, hàng năm.
11) Những sinh hoạt xã hội quản trị tài chính : Sổ chi thu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm, kiểm kê hàng năm và mỗi 3 năm, đồng thời dự án năm tới và ba năm tới, tiền giúp Giáo hội, nguồn tài trợ. Không ỷ lại, nhưng tìm nguồn tài chánh. Đi đến và Giữ độc lập tài chánh, tự quản, tự lo, và có thể giúp Giáo Hội Paris, Pháp, Giáo Hội Việt Nam,…
12) Những sinh hoạt mục vụ hội nhập Tổng Giáo Phận Paris : tổng kết và báo cáo mục vụ và tài chánh hàng năm, tham dự những buổi họp và sinh hoạt mục vụ liên hệ, tham dự chương trình mục vụ hàng năm và ba năm.
Nhìn chiều dài cũng như chiều rộng, tất cả mọi hoạt động thực hiện trong Giáo xứ đều gọi là hoạt động mục vụ. Những hoạt động mục vụ này, tùy theo mức độ phát triển, có thể chỉ ở mức độ căn bản, hay có thể tiến triển hơn, chi tiết hơn, phong phú hơn ; nhưng tóm tắt, tất cả những hoạt động mục vụ đều xoay quanh ba trục chính : xã hội, văn hóa và thiêng liêng. Mục vụ vừa là công việc của mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc mang về đoàn chiên, vừa là công việc của hiểu biết, tài khéo, sáng kiến và phương pháp của cả cộng đoàn. Mục vụ là một công việc « đưa đạo vào đời, dẫn đời về đạo ». Công việc này có mục tiêu là làm tốt hơn, đúng hơn, đẹp hơn, trên đường TIN, CẬY và YÊU Thiên Chúa Tình Yêu và Anh em chung quanh như mình. Muốn được như vậy, cũng như bao nhiêu công việc khác, như chính trị, kinh doanh, giáo dục,…công việc mục vụ 1- hướng về những khách hàng lương giáo, những người tiêu dùng đạo đời, trong và ngoài giáo xứ mà đáp ứng nhu cầu và mong ước của họ, hầu đưa họ về gần Chúa và Giáo Hội hơn ; 2- có gương mẫu của một lãnh đạo, chủ chăn dám dấn thân quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình ; 3- có tận tâm và nhiệt tình của những cán bộ cố vấn, quyết định, hành động, vừa biết việc, vừa khéo làm ; 4- có kết quả là mang lại lợi ích và phát triển cho cộng đoàn, thỏa mãn mọi người cộng tác và thăng tiến cho môi trường ; Để được như vậy, 5- các quyết định phải dựa vào những dữ kiện, thực tế, khách quan, chứ không phải vì những hứng khởi bốc đồng, chủ quan ; 6- các tiếp cận vấn đề phải toàn diện, đa nguyên, đa chiều, chứ không phiến diện, một chiều, một góc, một hướng ; 7- các thực hiện phải theo một tiến trình mạch lạc, hữu lý, thiết thực, có phương pháp, đủ thời gian và nguồn lực, phương tiện ; 8- các phối kiểm trước, trong và sau khi làm phải nghiêm nhặt, hầu cảnh giác mà biết sửa đổi, thích hợp và thăng tiến, làm tốt hơn mãi luôn.
Giáo Xứ Việt Nam Paris là Giáo Hội thu nhỏ của tôi. Tôi yêu Giáo Xứ của tôi, vì, cũng như Giáo Hội thế giới to lớn, Giáo hội thu nhỏ này có một sức sống là tình yêu, bác ái và một văn hóa là sự sống, sự thật, sự đẹp và sự thiện. Giáo Xứ Việt Nam Paris của tôi gồm những người có nguồn gốc Việt Nam, yêu quê hương, vàng da văn hóa Việt Nam và yêu Giáo Hội, đỏ máu đức tin công giáo. Là người Việt Nam Công Giáo ; vì là Việt Nam, bám sâu vào văn hóa Việt Nam, nên dù ở ngoại quốc cũng biết nói, đọc và viết tiếng việt, nặng tình huynh đệ giống nòi rồng tiên, có tâm tính khoáng đạt siêu thoát, ưa cương thường hiếu thảo ; vì là Công Giáo, được đào luyện trong khung nhân bản, thuần lý và đức tin, nên khăng khít với Giáo Hội, trung thành với đức tin, sẵn sàng tham dự các hoạt động tông đồ.
Giáo Xứ Việt Nam Paris của tôi là một Giáo hội loài người, có đam mê, tranh dành, ghen tị, có độ lượng, thứ tha ; có dấn thân, tích cực, hy sinh, khiêm nhường hiền lành, có dửng dưng, lãnh đạm, nóng nảy, giận hờn. Khác nhau về tâm tính, về gia phong văn hóa, về giáo dục, nghề nghiệp, về địa vị, hiểu biết, kinh nghiệm, sản nghiệp, nhưng đều cùng có chung một hướng đi : yêu Thiên Chúa, yêu người đồng loại.
Tôi yêu Giáo Hội của tôi, Giáo Xứ của tôi, vì nó là của tôi và tôi là của nó, với những tốt, đẹp và thật của nó, cũng như với những xấu xí, bất toàn của nó. Qua nó, tôi liên kết với cha ông, tiền nhân của tôi, với những thế hệ con cháu của tôi, tôi thông cảm với giáo hội hoàn vũ, tôi kết hợp với các Thánh Tử Đạo tiền nhân, với Chúa Cha tạo dựng đất trời, Chúa Con cứu chuộc tử đạo, Chúa Thánh Thần an ủi, soi sáng. Cùng với nó, tôi gặp gỡ các anh em, bạn bè, đồng hành, đồng chí, tôi chấp nhận và tiếp xúc với mọi người như họ là, cả với những người mà tự nhiên tôi không thích, cả với những người tự nhiên không ưa tôi. Chúng tôi gặp gỡ nhau, trong các lễ hội chung đạo đời, qua các lễ giỗ tư sinh tử, cưới hỏi và liên đới với nhau trong các ngành nghề, cộng tác, xây dựng với nhau và cùng nhau trong những công việc, hoạt động chung của giáo xứ. Tôi góp sức sống của tôi với và cho Giáo Xứ Việt Nam Paris của tôi, theo sức của tôi, cùng với mọi người khác, bất kể tuổi tác, trình độ, giầu nghèo, sang hèn.
Paris, ngày 01 tháng 02 năm 2014
Trần Văn Cảnh
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942