CHƯƠNG XXXII
TÀ GIÁO
CHƯƠNG XXXII
TÀ GIÁO
I. NHỮNG PHONG TRÀO TÀ GIÁO ÐẦU TIÊN VÀ GIÁO PHÁI CATHARE.
Phần lớn lịch sử của Giáo Hội trong đế quốc Roma là lịch sử sức sống và sự chết của các tà thuyết, nghĩa là tất cả những sai lệch về giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội. Khi gặp dịp, những sai lệch ấy lại mặc lấy hình thức nổi loạn về luân lý và kỹ thuật. Những nổi loạn chấn động nhất và gây ảnh hưởng nhất là những vụ liên quan tới các mầu nhiệm cao sâu của Ðức Tin. Chúng gây nên những cuộc tranh luận đối lập với những người rất mưc thông minh và thanh khiết. Từ thế kỷ V cho tới thế kỷ XI, nói chung chưa có tà thuyết nào ở Tây phương làm thành nguy cơ cho quần chúng và đáng đem ra tranh luận. Những cuộc tranh luận ở Ðông phương, về thuyết nhất thần luận và thuyết bài ảnh tượng chỉ nhận thấy trong hoạt động ngoại giao của các cấp cao thuộc giáo triều và hoàng triều. Những vấn đề thuộc nội bộ giáo hội nhiều hơn, như tranh luận về phép thánh lễ của Paschase Radbert, lại được thảo luận giữa các chuyên viên. Nhưng tới thế kỷ XII, xuất hiện nhiều phong trào bình dân và lan tràn rộng lớn. Chúng gây nên những phong trào phản Giáo Hội thực sự và chiếm giữ những vùng nằm ngay trong lãnh thổ của Giáo Hội. Chúng khích động Giáo Hội và Quốc Gia phải thiết lập những guồng máy đàn áp, để lại trong Giáo Hội và xã hội những vết lằn đau thương nhất và thảm hại nhất của thời đại. Nói chung, có ba loại lý thuyết điển hình, không chính thống, pha trộn lẫn nhau nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt nhau. Có cuộc nổi loạn chỉ đơn giản chống lại tôn giáo của những người giầu, tôn giáo thành nề nếp, có giáo phẩm và có các bí tích. Trong trường hợp này, mục tiêu là kích động các tâm hồn lại gần Thiên Chúa hơn, một cách tâm linh hơn, đơn giản hơn và cá nhân hơn. Dị giáo cổ xưa theo thuyết nhị nguyên, từ miền Balkan và xa hơn nữa, lan tràn khắp nơi. Cuối cùng có dị giáo tổ chức quy củ hơn và nội dung phong phú hơn giữa những người có học và có tài. Một sử gia xuất sắc (1) đã ghi nhận rằng mỗi trào lưu tôn giáo thời Trung Cổđều sản xuất và kéo dài chủ thuyết của mình bằng một dòng tu hay một tà giáo. Ông cũng chứng minh rằng nhiều giáo phái đã bắt nguồn từ những nhân tố kinh tế hay xã hội. Việc quý trọng sự nghèo khó và đời sống cộng đồng cũng là một cách tâm linh hóa những điều kiện sinh sống thực tế và phản kháng chống lại người tư bản, giàu có và đa dâm. Khuynh hướng phản giáo sĩ và phản bí tích khởi đầu bằng một phê phán thực tế về hệ thống: các linh mục là những dân vô sản, nghèo khổ, trong khi các giám mục là những người quý tộc; các dòng tu và kinh sĩ là những tổ chức độc quyền tham lam vụ lợi. Những phong trào dị giáo đầu tiên còn rớt lại đều tái phát hiện trong những thập niên đầu thế kỷ XI, trong nhiều vùng ở Pháp, như Champagne, Orléans và Aquitaine, và ở cả Bắc Ý. Nguồn gốc của chúng đến nay còn mập mờ. Chúng giống nhau ở một điểm: chối bỏ Nhập thể. Và như thế, chúng chối bỏ cả giáo thuyết truyền thống về phép tế lễ; sự cần thiết của bí tích rửa tội và quyền truyền chức của giám mục. Với những giáo thuyết tiêu cực này, sự hô hào sống đức nghèo khó và sự cảm thông trực tiếp với Thiên Chúa phối hợp với những quan điểm chuyên biệt hơn: chối hôn nhân, không ăn thịt, nhận chức vụ này hay chức vụ khác bằng phép đặt tay do một vài thủ lãnh lỗi lạc. Hình thức dị giáo này khởi điểm có lẽ từ Ý, nó làm cho người ta tưởng nhiều tới một thứ ảnh tượng thuyết bogomile hay như thời đó người ta nói về tà thuyết manikê”. Hoàn toàn khác, và không bao giờ là dị giáo, theo ý nghĩa kỹ thuật của từ ngữ, đó là phái pataria, phong trào bình dân Milan và Lombard, đứng lên phản kháng hàng giáo sĩ giàu có và buôn thần bán thánh. Các giáo phái hoàn toàn dị giáo, chống tương phản (antinomie) và chống luân lý, được truyền bá bởi những nhà lãnh đạo quần chúng, trong số đó có mấy người tự nhận mình có những quyền Thiên Chúa ban. Riêng vùng Languedoc, từ lâu vẫn là nôi ươm và nơi trú ẩn của dị giáo: nhiều giáo phái tồn tại lay lắt ở đó! Trong khi ở những nơi khác, giáo phái tan biến sau một nửa thế kỷ. Có thể vì các thành viên dị giáo bị thu hút mạnh hơn bởi những người có tinh thần cải cách, đặc biệt kể từ đức Grégoire khởi xướng; cũng có thể vì những giáo phái này rơi vào tình trạng vô danh không còn ai biết tới. Cụ thể là hoàn toàn không có các nguồn liệu liên hệ tới hoạt động của những thiểu số sống rãi rắc tại nhiều nơi.
Ðiều người ta biết được, đó là một làn sóng thứ hai khởi sự từ Ý và miền Nam nước Pháp vào tiền bán thế kỷ XII. Hầu hết các phong trào cải cách đều ép buộc hàng giáo sĩ trở về với đức nghèo khó tông đồ. Trong những nhà lãnh đạo hoàn toàn dị giáo, phải kể đến Pierre de Bruys (mất vào năm 1130). Ông giảng đức nghèo khó và đề ra một thứ thanh giáo không có bí tích. Arnaud de Brescia (mất năm 1155) và Ugo Speroni (mất sau 1174) cùng đi theo một đường hướng. Pierre de Bruys gặp phải những đối thủ như Pierre le Vénérable và thánh Bernard, cả hai đứng lên chống đối bằng sách vở và lời đối chất. Ông bị quần chúng điên rồ thiêu sống. Arnaud de Brescia không mệt mỏi giảng về đức nghèo khó của các linh mục và các tu sĩ. Ông tỏ ra chống đối Giáo Hội quy chế. Có lẽ thánh Bernard đã lầm khi coi ông là kẻ liên minh với Abélard. Arnaud de Brescia nhảy sang làm chính trị và tham gia vào việc thành lập ở Roma một công xã để hồi phục tinh thần cổ xưa. Cuối cùng ông bị treo cổ như người làm cách mạng, theo sự xúi giục của Adrien IV và Fredéric Barberousse. Ugo Speroni, mới được phát giác là luật sư dị giáo, ông tiêu biểu cho những giáo sư đơn phương hằng chống đối quyền hành và những kẻ cầm quyền (2).
Làn sóng thứ ba lâu dài hơn, đã nổi dậy vào hậu bán thế kỷ XII. Ðây là con đẻ của dị giáo bogomile ở Bulgarie. Dị giáo này phát sinh từ giáo huấn nhị nguyên và duy trì thuyết của phái Manikê. Bắt rẽ từ Constantinople, phong trào học được một số điều sơ lược của hệ thống tín lý và khắc kỷ. Nó lan tràn khắp Bulgarie và Bosnie, dọc các trục đường thương mại. Dần dần nó du nhập vào những vùng đông dân ở tại Ðông âu và Nam âu, luôn luôn theo những trục đường thương mại. Kể từ 1140, các môn đồ lúc nhúc ở mọi hướng, ở Rhénanie với trung tâm Cologne, ở Perigora, tại Reims, ở Lombardie, ở Trung Ý và nhất là ở miền Nam nước Pháp, chung quanh Albi, Toulouse và Carcassonne. Phong trào có đặc tính: một tổ chức Giáo Hội chặt chẽ và một năng động thừa sai làm cho họ đủ sức mạnh và khả năng vừa chống đỡ vừa phát triển. Cuối thế kỷ XII, nó tràn qua Ý, tới tận miền Bắc Roma nhờ vào hoạt động rao giảng Phúc âm của Pierre de Lombardie. Phong trào ở trong bóng tối: các nhóm rải rác và núp ẩn, mỗi nhóm có một người lãnh đạo được truyền chức nhưng không có liên hệ cơ chế nào với nhau. Trong khi Giáo Hội này ở Ý chưa được củng cố đủ, các tông đồ đã vượt dãy núi Alpes hoặc theo đường biển mà vào tới thung lũng sông Rhône. Vào một thời điểm nào đó, người ta dùng từ cathares (những kẻ tinh tuyền) để chính thức chỉ một nhóm nhỏ trong giáo phái, là những người toàn thiện, nay được áp dụng cho tất cả các thành viên. Ở Ý các môn đồ được chọn giữa những nhà buôn và thợ thủ công. Ở miền Languedoc, có những người thuộc gia đình phong kiến trở lại theo giáo phái, như Raymond VI bá tước Toulouse. Có các tu sĩ và cả giám mục cũng đi theo phong trào. Trong xã hội tương đối khá giả và đa dâm, xuất hiện nhiều nhà thơ trữ tình (troubadours), Rồi trường trung cổ thứ nhất dạy âm nhạc đời được khai trương. Việc giảng dạy và sự thực hành âm nhạc vừa mới mẻ vừa thanh tao này đã được phổ biến cách rất mau chóng.
Các giáo thuyết của giáo phái, cho dầu trên thực tế chúng khác nhau từ nhóm này tới nhóm khác, nhưng nói chung chúng là những cặn bã của thuyết Manikê được thích nghi do phái bogomile, rồi bị Kitô giáo phê phán. Thuyết cathare càng ngày càng trở nên đối thủ của công giáo vì nó bắt chước tổ chức và nghi thức Kitô giáo. Nó dựa trên thuyết nhị nguyên thiện và ác, tinh thần và vật chất. Nguyên lý sự thiện, vị sáng tạo vũ trụ tinh thần, luôn đối lập với nguyên lý sự ác, là người con đồng vĩnh cửu nhưng phản ngụy, hoặc, như nhiều người tưởng, là một thiên thần sa ngã, là một ”tiểu thần”, là vị sáng tạo vũ trụ vật chất. Tóm lại, vì vũ trụ vật chất được sáng tạo bởi một nguyên lý ác, nên các linh hồn loài người là những mảnh tinh thần hay theo nhiều người nghĩ, là những thiên thần bị truất phế vương víu vào vật chất. Ðức Kitô là thiên thần vĩ đại nhất trong các thiên thần (hay là người hoàn hảo nhất) được Thiên Chúa đã nhận làm con. Thân xác Ngài và cái chết của Ngài chỉ là những hiện tượng bề ngoài; hay, nói cho cùng, cái chết của Ngài không quan trọng vì Ngài đã cứu chuộc loài người bằng giáo huấn chứ không phải bằng sự thương khó của Ngài. Giáo Hội Công Giáo là con đẻ trụy lạc của một cộng đồng từ nguyên thủy. Mọi giáo lý của Giáo Hội đều sai lầm, mọi bí tích đều không hiện thực. Cựu ước thì xấu xa, Tân ước thì thần diệu. Giáo Hội cathare chia làm hai ngành; ngành nhỏ và ngành lớn. Ngành nhỏ gồm những ai ”toàn thiện” hay ”tinh tuyền”, tên của họ là tên của phong trào (cathare), mà trước tiên là những người hữu trách thuộc hàng giáo phẩm, cũng là những người đi rao giảng. Những vị này được thụ phong bằng một bí tích kết nạp, sau khi đã qua một giai đoạn đào tạo nghiêm khắc để được xá tội, đón nhận Thánh Linh và những quyền hạn thuộc chức vụ. Bí tích này, gọi là ”an ủi” (consolamentum), đòi đương sự phải có một đời sống khắc khổ, trinh khiết trọn đời và kiêng mọi thứ thịt. Cấm các người tinh tuyền không được tham gia chiến tranh và thề bồi. Những người khác, là các ”hội viên”, có nhiều tự do hơn và có thể rộng rãi xử dụng của cải đời này. Khi nào có đủ khả năng, họ có thể chịu bí tích ”an ủi” dưới một hình thức vắn tắt, trên giừơng hấp hối. Vì từ coi khinh việc sáng tạo vật chất, cho nên trên lý thuyết họ khinh chê sự sống. Vì thế thường có việc tự nguyện quyên sinh bằng tuyệt thực. Theo lý thuyết cũng như thực hành, ban đầu, những người toàn thiện phải sống khắc khổ và đạo đức. Các người khác có thể sống theo một luân lý ít nghiêm khắc hơn. Hôn nhân bị coi là xấu xa và phái nữ như một phần của tạo vật xấu hơn phái nam. Với thời gian, cách phân biệt cấp bậc cũng được nới rộng ra. Lý thuyết coi mọi người đều được mời gọi đạt tới bậc toàn thiện, một đời sống luân lý tốt đẹp hơn. Trên thực tế, hôn nhân được chấp nhận. Có nhiều biến đổi lớn trong giáo thuyết, đặc biệt ở Ý. Có người khẳng định rằng, nếu một ”giám mục” phạm tội nặng, thì phép ”an ủi” ông đã nhận được sẽ trở nên vô hiệu quả và phép này cũng vô hiệu nếu ông ban cho người khác. Các nhà bút chiến công giáo tuyên bố rằng phái Cathare lên án hết các mối liên lạc nam nữ, nên không biết phân biệt giữa cái thông thường và cái trụy lạc, giữa sự ăn nằm hợp pháp và ăn nằm phóng túng, và vì thế mà các ”hội viên” không biết luân thường đạo lý là gì nữa. Những khẳng định trên có thể có căn bản, nhưng một cách chung, không được đúng hẳn.
Phái cathare có một phụng vụ công cộng trong đó nổi bật phụng vụ tế lễ. Họ trở nên đông đúc một cách nhanh chóng lạ lùng ở vùng Languedoc, miền Provence và vùng Bắc Ý. Họ xây cất trường học và tổ chức những xưởng làm việc cho những tín hữu được chiêu mộ trong mọi giai cấp, với chủ đích tạo nên một xã hội thịnh vượng và học thức. Sức thu hút mạnh mẽ của giáo huấn, ngày nay chúng ta coi là xa lạ, nhưng đáng được nhìn nhận như một sự kiện lịch sử hiếm có. Giáo Hội Công Giáo đã mất ảnh hưởng trong nhiều miền và giữa nhiều giai cấp. Hàng giáo sĩ Languedoc chính thống sống trong sự giầu sang và suy đồi. Trong khi phái Cathare chú trọng nhiều tới sinh hoạt cộng đồng và tương thân tương ái, là những sự kiện yếu kém trong xã hội công giáo thời đó. Tính cách bí truyền và nghi thức khô khan của giáo phái Cathare hình như không làm giảm sức quyến dũ đối với dân chúng.
Có những nhóm khác, khác với phái cathare về nguồn gốc nhưng thường cũng gần họ và đón nhận một số giáo thuyết và thực hành ngoại lệ. Ðó là những nhóm chính thống, ít ra ở buổi đầu, đã xuất hiện trong nhiều thành thị. Căn cứ vào việc làm và lòng đạo đức của họ, chúng ta thấy họ giống như những nhóm ”không theo thời” và ”không theo hội” (dòng) của các thế kỷ trước. Phải kể tới nhóm các người ”hèn hạ” ở những đô thị miền Lombarđie, họ sống chung, chăm chỉ làm việc và đạo hạnh. Họ chuyên chú rao giảng và đọc Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ. Họ giảm bớt vai trò của linh mục và bí tích, họ suy tôn sự hiệp nhất nội tâm và cá nhân với Thiên Chúa. Có thể nói, họ thiên tả, họ là nhóm người Vaudois miền Dauphiné và Piémont. Họ đã tự mang lấy tên Valdès, tên của một nhà buôn tỉnh Lyon. Họ dấn thân làm các việc đạo đức và từ thiện, đọc Kinh Thánh, rao giảng và đi hành khất. Chính Valdès cũng hoàn toàn chính thống trong những ý hướng đầu tiên của ông. Khi ông bỏ nhà để theo ơn gọi làm tông đồ, ông đưa hai con gái của ông vào tu dòng quí phái ở Fontevrault. Thế nhưng có nhiều nhóm Vaudois đã công khai trở thành dị giáo. Ðó là những người coi Kinh Thánh như quyền tối cao và từ chối sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Có một số đã bắt chước phái Cathare về hình thức tổ chức, hoạt động bác ái và sư phạm rao giảng, nhưng không mượn gì về thần học. Ða số vẫn trung thành với truyền thống của những người ”bị xỉ nhục” và những người ”nghèo công giáo”. Tuy nhiên nhiều người khác đã trở thành và vẫn theo ”dị giáo”: đó là phái Vaudois hay “tiền thân của tin lành”, họ tiếp tục ảnh hưởng tới lịch sử tôn giáo trong cả thời Trung Cổ; tuy bị bắt bớ, họ vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Tà giáo đã bị tấn công bởi nhiều bài viết và bài giảng của những người lỗi lạc như Pierre le Vénérable, thánh Bernard, Vacarius và Adam de Lille, rồi về sau bởi hầu hết các tu sĩ dòng anh em mà chúng ta không rõ danh tánh. Dần dần quyền đời và quyền đạo bỏ sự thuyết phục và đổi sang cưỡng bách. Vì không có thủ tục nhất định, nên người ta ra hình phạt với nhiều cấp bậc nghiêm khắc khác nhau. Luật hoàng triều Byzance đã lên án tử hình những người theo Manikê, riêng những người theo đồng bóng phù thủy thì bị thiêu. Trong một thời gian lâu dài, các giám mục và các nhà tranh luận đã chống lại án tử hình và những hình phạt thể xác quá nghiêm khắc. Sau cùng năm 1163, theo lời yêu cầu của các hoàng thân và các giám mục, công đồng Tours đã thiết lập một thủ tục điều tra Giáo Hội. Phái Albigeois bị liệt vào loại tà giáo, bị cáo nộp cho quyền đời bắt giam tù và tịch thu tài sản. Luật này làm cho họ nổi loạn với vũ trang. Ðể chống lại, công đồng Latran III đã kêu gọi nghĩa binh thánh giá. Năm năm sau, đức Lucius III, được sự thỏa thuận của Frédéric I, đã công bố một sắc lệnh ra vạ tuyệt thông toàn bộ tất cả các tà giáo hiện có và trực tiếp giao cho giám mục bổn phận thẩm tra, gồm có điều tra và tố cáo, trong hết các địa hạt nổi tiếng là sào huyệt của tà giáo. Những kẻ bị tố cáo mà không tự thanh minh được là vô tội thì sẽ bị nộp cho quyền đời. Không một hình phạt nào được xác định rõ ràng. Các hoàng thân tỏ ra rất hoạt động để chống tà giáo, ban đầu họ theo truyền thống bắt bỏ tù và tịch thu tài sản. Theo mấy sử gia, lần đầu tiên án thiêu sinh áp dụng cho tà giáo tại Tây âu là do một sắc lệnh của Pierre miền Aragon năm 1197. Thực ra ngay thế kỷ XI nhiều người theo tà giảo đã bị thiêu sinh rồi. Trong các trung tâm tà giáo, quan trọng nhất là trung tâm phái Albigeois, miền Nam nước Pháp, giữa sông Loire và sông Rhone trong quận của bá tước Toulouse. Trong vùng này, hầu hết các ông bá tước đều hiếu chiến và vô luân, giàu có, học thức và rất ”đông phương”, đã dùng người Cathare trong những chiến dịch chống lại bá tước tỉnh Toulouse. Hàng giáo phẩm quý tộc và một số linh mục kém văn hóa đã bị tà giáo nhiễm độc. Sự khắc khổ đích thực và những việc từ thiện của những người ”toàn thiện”, kể cả thái độ lưỡng lự của Raymond VI, đã khích lệ nhiều cuộc trở lại.
Ðức Innocent III nghe nói đến những người theo tà giáo từ khắp các phía. Ngài biết rõ phái Cathare ở Lombardie và ở Toscane. Ðồng hóa tà giáo với phản bội, ngài tự nhận có bổn phận tiêu diệt và nộp hết các người bị án cho quyền đời. Tuy nhiên ban đầu ngài không nghĩ rằng người ta có thể lên án tử hình, ngài chỉ muốn dùng những phương pháp hoàn toàn thuộc tâm linh. Giáo hoàng cũng phái tới miền Toulouse các tu sĩ Citeaux, có cả viện trưởng và nhiều sứ giả khác. Những người này chỉ thu được những kết quả nhỏ nhoi. Quả thật, lối sống giàu sang và xa hoa của họ làm nổi bật vẻ khắc khổ đáng kính của những người ”toàn thiện”. Như chúng ta sẽ thấy, một liều thuốc dài hạn đã được tìm ra với các anh em khất thực và thánh Ðaminh. Trong khi chờ đợi, mọi nỗ lực đều trở thành vô ích. Bá tước Raymond VI bị vạ tuyệt thông vì là cảm tình viên và gần như theo tà giáo. Sứ thần Pierre de Castelnau bị một trong các cận thần của bá tước ám sát (tháng 1 năm 1208). Tức giận, đức Innocent III khẳng định: Raymond đồng lõa với phái Cathare và xúi vua nước Pháp là Philippe Auguste khởi binh thánh giá, nhà vua đã thoái thác. Nhưng nhiều bá tước đã hưởng ứng lời kêu gọi để được những phần thưởng thông thường đã hứa ban cho các nghĩa binh thánh giá. Thấy vậy, Raymond VI liền tự nguyện làm một việc sám hối động trời: ông xin thân chinh gia nhập nghĩa binh. Nhưng các bá tước phía Bắc không muốn mọi dự tính của mình bị thất bại. Thế là đã xẩy ra cuộc tàn sát hung bạo ở Béziers (21.7.1209). Các nghĩa binh đã chiếm được nhiều chiến lợi phẩm ngay trước mặt các sứ thần. Không được thông tin đầy đủ và không nắm vững tình thế, giáo hoàng chính thức đặt Simon de Montfort làm bá tước Toulouse, mặc dầu Raymond VI đã nhiều lần tỏ ý xin thần phục. Thế là kết thúc màn thứ nhất trong tấn bi kịch tại Albi. Còn về các vụ khác, đức Innocent tỏ ra sẵn sàng chấp nhận phái Vaudois và những kẻ hèn hạ nếu họ nhận kỷ luật và Ðức Tin chung của Giáo Hội. Tại công đồng Latran, vấn đề phái Albigeois đã được giải quyết bằng một thỏa hiệp. Simon de Montfort được phép giữ những đất đai đã chiếm được, nghĩa là Toulouse và Montauban. Còn miền Provence thì trả lại cho Raymond VII.
II. TÒA THẨM TRA HAY TÒA ÁN DỊ GIÁO.
Tà giáo mỗi ngày một lan rộng, trung tâm chính là vùng Albi. Ở Ý, Giáo Hội Cathare vẫn còn sống trong một số cộng đồng rải rắc. Nó còn du nhập vào miền Rhénanie. Ðể đánh dẹp nguy cơ này, các giáo hoàng thế kỷ XIII tổ chức Tòa Thẩm Tra.
Công việc này đã trực tiếp phát xuất từ sắc chỉ của đức Lucius III, rồi được công đồng Latran và đức Grégoire IX nhắc lại, trao cho giám mục bổn phận và quyền truy nã và ra án phạt tà giáo, rồi nộp những người nhận là có tội cho tòa đời, để ra án phạt xứng đáng (animadversio debita). Dưới triều đức Honorius III, cuộc chiến tranh lại tái diễn giữa những đồng đảng của dòng dõi bản xứ Toulouse và những đồng đảng của Simon de Montfort. Nghĩa binh thánh giá lần thứ hai cũng được tổ chức giống như nghĩa binh thánh giá lần thứ nhất (1221). Vua Louis VIII thân chinh đi đánh (1226). Các vua đều hành động theo các sắc lệnh của công đồng Latran IV. Hoàng đế Frédéric năm 1220 và vua Louis VIII năm 1226, công nhận cho giám mục có bổn phận truy nã và kết án những người tà giáo, còn quyền đời thì áp dụng các hình phạt. Năm 1224 hoàng đế đã chọn và cho áp dụng án thiêu sống. Việc này cũng đã thông dụng ở miền Aragon và Languedoc. Ðức Honorius công nhận áp dụng trong nước Ý thuộc hoàng đế trong những năm cuối cùng của triều đại. Ðức Grégoire IX cho sáp nhập phần đất của bá tước Toulouse vào ngai vàng nước Pháp. Ngài biến pháp luật hoàng triều thành giáo luật (1231). Thế nhưng vua Louis đã nhận ”lời khiển trách” (inanasversio debita) năm 1229. Ðức Grégoire IX là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc cho sáp nhập thủ tục thẩm tra vào trong giáo luật, với những án phạt kèm theo. Thế là cho đem ra thi hành ngay tức khắc. Cả ở Roma và ở Sicile, giáo hoàng cho phép chuyển khoản luật đó từ luật đạo qua luật đời. Những đô thị Bắc Ý cũng theo phong trào. Cùng lúc đó giáo hoàng ủy nhiệm các quyền riêng cho vua nước Ðức là Conrad de Marbourg để trong một năm ông phải bắt đầu chiến dịch chống bọn tà giáo Lucifer ở vùng chung quanh thành Trèves. Tại Ý giáo hoàng và hoàng đế đồng tình cho áp dụng những phương pháp thẩm tra đối với người Cathare và những người tà giáo khác. Trong những năm cuối cùng triều đức Grégoire IX, tòa thẩm tra đã hoạt động hết tốc độ tại các nước Pháp, Ý, Ðức, Hòa Lan và miền Bắc Tây Ban Nha. Tại vùng Languedoc và miền Nam nước Pháp nói chung, các sứ thần giáo hoàng và các viên thẩm tra địa phương đã làm hết sức để khai trừ tà giáo vẫn còn nhiều người theo, họ rất hoạt động và thường nêu gương đạo đức nữa. Ở Bắc nước Pháp, cha dòng Ðaminh là Robert le Bougre, kẻ phản đảng Cathare, đã gieo hãi hùng và khiếp đảm nổi tiếng giống như vua Conrad de Marbourg bên Ðức, đã bị ám sát năm 1233. Từ từ tòa thẩm tra được giáo hoàng, các giám mục và các cha Ðaminh ủng hộ, tuy bị quần chúng hãi sợ và gớm ghét, đã khai trừ được phái Cathare khỏi miền Nam và Bắc nước Pháp. Ở Ý thì có ảnh hưởng hòa bình hơn của thánh Phanxicô và các anh em. Từ đó, tòa vẫn tồn tại, nhưng qui chế và sự nghiêm khắc đã có phần giảm bớt.
Trước tiên tòa thẩm tra bổ túc, rồi thay thế tòa án giám mục thông thường. Từ nguồn gốc, tòa thẩm tra có mục đích xử các vụ tà giáo như phái Cathare, đã được thiết lập trong một số vùng có nhiều đồng đảng tà giáo quyền thế và giàu sang, kể cả hàng giáo sĩ cấp cao. Việc truy nã bắt đầu bằng một khuyến khích đi xưng tội, kèm theo những lời hứa khoan hồng; người ta nhắc cho các tín hữu biết bổn phận tố giác những kẻ có tội. Thủ tục thông thường do tổng phó tế điều hành chống một cá nhân nào đó, được thay thế bằng lệnh tố cáo hết mọi người bị tình nghi theo tà giáo trong một vùng riêng biệt. Những người tố cáo thường phải dấu tên và một cuộc điều tra được thực hiện đối với những người bị tố cáo. Chính họ có bổn phận minh oan. Nếu họ không thể tự mình làm được, lập tức họ bị một phiên tòa tra hỏi để họ phải tự thú tội. Khi họ đã thú tội rồi thì người ta ấn định hình phạt nặng hay nhẹ. Hình phạt nặng nhất mà các tòa án có thể công bố được là bỏ tù, mà hình thức nghiêm nghị nhất là tù đơn độc chung thân. Quá đi nữa thì có án thiêu sinh dành cho những kẻ theo tà giáo từ chối không chịu ”bỏ đạo” hay tái phạm sau khi đã ”bỏ đạo”. Hình phạt thiêu sinh do quyền đời áp dụng, nói chung thì được thi hành mau chóng và với sự chuẩn y chính thức của quyền đạo. Suốt thời làm thủ tục, thì số phận của bị can đã được xếp đặt cả rồi. Tất cả những sự bào chữa mà bị cáo được hưởng trong giai đoạn đầu, như luật sư không thể nhận những bằng chứng do vũ lực cung cấp, như được bảo vệ chống tra tấn và chống kéo dài thời gian tra tấn, dần dần bị giảm bớt bằng pháp luật, bằng giải nghi học và bằng việc trực tiếp hay công khai dùng tới những lối tránh né. Các giáo hoàng như đức Clément V, đã đưa ra nhiều cách thế đòi buộc phải xử sự công bình đối với bị cáo, nhưng tiếc là người ta không đếm xỉa tới. Những người thời đại này có một kinh nghiệm về quá khứ, bề ngoài coi như không thể tránh được: guồng máy pháp lý biến thành cạm bẫy khi được một quyền tối cao xử dụng để đạt tới những mục tiêu chính trị hoặc khi được bất cứ người nào chủ trương rằng họ có thể dựa vào lý lẽ của nhà nước, của ý thức hệ hay của tôn giáo để chống lại sự thật và chống lại công lý.
Tòa án dị giáo thời Trung Cổ là sản phẩm của những hoàn cảnh lịch sử và môi trường trí tuệ của thời đại. Một đàng, có một xã hội hoàn toàn thuộc Kitô giáo trong các thể chế, các tin tưởng, các định đề và tập tục của mình. Cái xã hội ấy lần đầu tiên đã ý thức và nhận ra rằng ngay trong tập thể của mình có một nhóm đã đi sai đường lối, một nhóm có khá đông đồ đệ, mới thành lập, có tinh thần chiến đấu và đa số hoạt động trong bóng tối. Những nhóm ly khai này đã hăng hái truyền bá các giáo thuyết và đề cao những việc họ bắt chước mọi nghi thức rất thiêng liêng; họ đã công khai chối bỏ đức tin Kitô giáo; một cách nào đó, họ là một thách đố đối với nền luân lý Kitô giáo. Ðàng khác, Giáo Hội và giáo sĩ đoàn mà vị thủ lãnh tối cao là giáo hoàng, đã dụng ý thi hành (với nhiều thành công nhờ kết quả của đại phong trào gọi là cải cách Grégoire) một uy quyền tối cao và thực sự trên các sinh hoạt chính trị của thế giới Kitô giáo. Ðặc biệt người ta nhận thấy rằng giáo triều (và giáo triều sẵn sàng đảm nhận) có trọng trách bảo vệ và thi hành kỷ luật trong toàn Giáo Hội. Các chính quyền đời ở trong Giáo Hội phải phục tòng giáo hoàng. Thế là, nắm trong tay những vũ khí thiêng liêng của vị đại diện Ðức Kitô, giáo hoàng đã đòi và thực sự đã giữ, ít ra trong nhiều khu vực và ở nhiều cấp bậc, uy thế của một quyền chuyên chế. Tự chúng, những hoàn cảnh này có thể là không cần dùng tới án thiêu sinh hay những phương pháp thẩm tra mới để diệt trừ tà giáo. Nhưng cũng có xác tín của cả một xã hội, họ tin rằng phải làm những việc như thế. Những cuộc tấn công chống phe tà giáo thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII có tính cách quần chúng và khá náo động. Giám mục và nhà vua chỉ cần chuẩn y. Ở miền Bắc nước Pháp và các nơi khác, dân chúng rất sợ kẻ tà giáo, nửa vì dị đoan, nửa vì óc bài ngoại. Trong những thập niên cuối thế kỷ XI và trong tất cả thế kỷ XII, hoàng đế, vua nước Pháp và các hoàng thân khác đều ra tay đàn áp rất độc ác về pháp lý, không cần ai xúi giục; họ sẵn sàng ủng hộ giáo hoàng và sau này ủng hộ việc thẩm tra. Cuộc đàn áp này chắc chắn đã được cải tiến vì người ta hiểu biết nhiều hơn, người ta thấy mới mẻ hơn khi đối chiếu với những khoản luật chống thuyết Manikê trong luật Roma. Luật này cho phép áp dụng án tử hình và coi tà giáo như một tội phản quốc hay một tội phản bội. Lại phải thêm vào đó sự biến chuyển của dư luận trong hầu hết các nước Âu Châu có học thức: người ta có khuynh hướng quí chuộng quyền chuyên chế và ít quan tâm đến tình nghĩa nhân đạo và công bằng tự nhiên. Thế kỷ XII và những thế kỷ trước thì đầy rẫy hung bạo và phủ nhận công bằng trong nhiều trường hợp. Nhưng sự tàn nhẫn hợp pháp và hữu ý trong thế kỷ XIII là một hiện tượng mới. Việc xử dụng tra tấn mà thế hệ trước gớm ghét thì nay tha hồ thi hành không đắn đo. Ý nghĩa về lòng nhân đạo, mà văn chương các giáo phụ cũng như văn chương cổ thời đã để cập tới, nay biến mất. Khẳng định triết học về những quyền tự nhiên chưa được phổ biến. Ðộc giả ngày xưa và ngày nay nổi loạn và phẫn nộ khi được biết các thủ tục làm việc của tòa thẩm tra. Không cần nhắc lại rằng, vì sợ địch thù bên trong, vì những ý thức hệ chiến tranh và vì thế lực của quyền chuyên chế, người ta đi đến những hung dữ thái quá như thề nào. Lo cứu vãn một xã hội và trách nhiệm duy trì nguyên tuyền kho tàng đức tin trong Giáo Hội Ðức Kitô, niềm xác tín, những người không được rửa tội và những kẻ theo tà giáo thì không có quyền lợi gì, tất cả những quan niệm đó rất phổ biến nơi dân gian. Tất cả những so sánh với bầu không khí trí thức ngày nay hay bất cứ thời kỳ nào sau thế kỷ XV đều giả dối. Người tà giáo thời Trung Cổ không phải như những người cố gắng hành động theo lương tâm hay lý trí của mình, giữa nhiều tín ngưỡng và vô tín ngưỡng. Nhiều khi họ là một người, một cách ý thức và có khi trong nổi loạn, đã đứng lên chống lại tín ngưỡng chung của người chung quanh, có khi họ còn thóa mạ nặng lời. Thế nhưng không phải vì vậy mà họ công nhận một giải thích song song với sứ điệp Kitô giáo. Ðối với người thời đại, “hình ảnh” người tà giáo được dựng nên từ phái Cathare hơn là từ phái Vaudois. Nói như trên không có nghĩa là muốn thanh minh cho những phương pháp và việc làm của tòa thẩm tra hay tòa dị giáo, cũng không cho đó là phù hợp về mọi điểm với giáo huấn của Ðức Kitô. Ðặc biệt, đa số các thẩm tra viên không phân biệt giữa kẻ đã có ý thức bỏ Ðức Tin Kitô giáo và kẻ đã được dưỡng dục từ thời ấu nhi giữa những người ”tà giáo”, như trường hợp nhiều người ở miền Nam nước Pháp. Họ cũng không phân biệt tí nào giữa kẻ đã chọn nổi loạn và người có một tâm trí hay một tình cảm bệnh hoạn. Ðiều kỳ lạ là nhiều người hành động nhân danh quyền lực công cộng lại sao lãng việc thi hành công bằng và nhân ái Kitô giáo, đang khi chính đời sống tư của họ nổi bật đức công bằng và lòng nhân ái.
III. JOACHIM DE FIORE.
Có lẽ đến lúc nên nêu lên một người tà giáo thuộc một mẫu rất khác biệt. Joachim de Fiore (hay Flore) đi tu làm thày dòng Citeaux vào tuổi nửa đời người và trở thành tu viện trưởng ở Corazzo miền Calabre. Ông bỏ tu viện này năm 1190 để sáng lập một dòng mới ở San Giovanni in Fiore, nơi đây ông tạ thế năm 1202. Trong những năm cuối đời ông, ông viết nhiều sách chú giải Thánh Kinh theo lối Khải Huyền và một tập bút chiến chống lại thần học Chúa Ba Ngôi của Pierre Lombard mà ông coi là tà giáo. Riêng ông, ông chủ trương có một Thiên Chúa gấp bốn, gồm ba ngôi và thiên tính của Ba Ngôi. Ðể xác chứng thuyết của mình là chính thống, ông chối không nhận duy nhất tính đích thực của ba ngôi. Nhưng chính lúc đó, ông bị vạ tuyệt thông bởi công đồng Latran IV, khi công đồng công khai chuẩn y quan điểm thần học của Pierre Lombard (3). Ông này được đích danh ghi nhận trong sắc chỉ định nghĩa. Nhưng Joachim qua đời để lại danh thơm thánh thiện, sau khi đã giao nộp những điều ông viết cho quyền phán đoán của Giáo Hội.
Ba tác phẩm chính yếu của ông: Hòa hợp Tân ước và Cựu ước, chú giải sách Khải Huyền và Ca vịnh tập thập huyền, đưa ra một đại sơ đồ lịch sử vũ trụ gồm ba phần: thời đại Chúa Cha và Lề luật, từ sáng thế tới cứu thế; thời đại Phúc âm và Chúa Con đã đạt tới đích của mình; thời đại Phúc âm vĩnh cửu và Thánh Linh. Thời kỳ cuối cùng này, mà người ta phải chuẩn bị từ 1200 và bắt đầu từ 1260, là thời kỳ của sự hiểu biết mới mẻ và thiêng liêng về sứ điệp Phúc âm. Một dòng mới gồm những người tâm linh, dưới sự điều hành của một thủ lãnh sống theo Phúc âm, sẽ thay thế các giám mục. Bên cạnh những chi tiết, sản phẩm của một người ảo tưởng hoàn toàn, người ta tìm thấy một ý nghĩa tôn giáo rất sâu xa trong những tác phẩm của Joachim. Những tác phẩm này đã được tác giả sửa đi chữa lại liên tục. Ông quan niệm là có biến chuyển tiệm tiến từ một thời kỳ này tới một thời kỳ khác, ông cũng cho biết có những soi sáng luôn luôn rõ rệt hơn về sứ điệp của Thiên Chúa. Như vậy là ông nhận thấy sự quan trọng của một quá trình lịch sử theo ”đường dài” không tĩnh cũng không lộn vòng. Những lời tiên tri của ông mà người ta đã sao nhãng trong nhiều năm thì đã thành sự thực khi các anh em, nhất là các anh em hèn mọn, nhận thấy nơi thánh Phanxicô và trong dòng của ông, con người thủ lãnh đó và những con người tâm linh kia phải cai trị thế giới mới kể từ 1260. Chương trình này được Gerardo da Borgo san Donnino trình bày trong cuốn Phúc âm vĩnh cửu nhập môn (1254). Cuốn này bị một ủy ban giáo triều kết án, nhưng cũng không phải không gây nên cuộc tranh luận. Thế là từ đó, những lời tiên tri của Joachim vẫn không ngừng nhận được tiếng vang nơi các tu sĩ Phanxicô có đời sống tâm linh cao độ và các Fraticelli: Jean de Parme, Pierre Olivi, Ubertin de Casale và nhiều anh em khác ít tên tuổi hơn, đã bị tố cáo là theo thuyết Joachim. Phần chứa đựng các lời tiên tri khải huyền trong chương trình của họ, đã làm cho nhóm người cải cách mất nhiều tín nhiệm trong cuộc tranh chấp giữa họ với các anh em sống chung và với giáo hoàng. Theo một dòng chữ của Ðante (4) cho biết, thì Joachim còn ám ảnh trí tưởng tượng con người lâu dài, cho dù vị tu viện trưởng miền Calabre đã bị người đồng thời với ông quên lãng và chôn vùi theo lịch sử.