CHƯƠNG XXXI
TƯ TƯỞNG THỜI TRUNG CỔ.
CHƯƠNG XXXI
TƯ TƯỞNG THỜI TRUNG CỔ.
I. TỪ NĂM 1200 ÐẾN NĂM 1277
Cho tới giữa thế kỷ XII, các nhà tư tưởng Trung Cổ đã xây dựng phương pháp của mình trên lý luận của Aristote đã được phổ biến từ 1140 và những chú thích do Boèce biên soạn hay phiên dịch. Ðây là một việc rất mực quan trọng cho tất cả sự tiến triển tư tưởng Trung Cổ. Thực vậy, lý luận là môn học độc nhất, là nền tảng của hết cả nền văn học cao cấp. Tranh luận cho đúng qui tắc là bài tập thông thường của tất cả sinh viên và là phương pháp dùng trong mọi công trình khảo cứu. Nhờ đó, như mọi người sử gia công nhận, tư tưởng Trung Cổ có những nét độc đáo: sang sủa, chính xác và tinh vi. Nhưng nó cũng vấp phải nhiều nhược điểm: nhiều khi cứng nhắc đến độ dễ thành khô cằn khi kỹ thuật đi trước nội dung và khôn khéo bình luận đi trước tư tưởng và trực giác.
Việc phát triển tư tưởng cách hệ thống đã tạm ngưng sau khi Albert tạ thế và trước khi Aristote bị lên án lần thứ nhất, tức là giữa năm 1142 và 1210. Trong khi đà tiến trí thức tạm ngưng đọng, các trường đại học, đặc biệt ở Paris, đã hình thành một hệ thống và các phương pháp dạy cấp đại học. Ở đây chúng tôi không có ý bàn về các trường đại học và công việc khuếch trương của chúng. Thế nhưng chúng tôi có thể nói, trong thời kỳ mà triết học bị sao nhãng, thì cái mà ngày nay người ta gọi là ngành đại học đã được thiết lập lần thứ nhất trong nền văn minh Âu Châu: các sinh viên đều đặn đi đăng ký và theo một chương trình cố định ở bậc cao học trong một thời gian nhất định. Mỗi môn học được các giáo sư có tín nhiệm và khả năng chuyên môn đảm nhận. Lại có cuộc thi chính thức cho mỗi môn. Thành quả của việc thi cử được tán thưởng bằng một tấm bằng ”cấp tú tài” hay ”giáo sư”, nó minh chứng một qui chế và một trình độ nghiệp vụ có giá trị trong cả giới Kitô Tây Phương.
Một cách kín đáo và lần hồi, các thiên khảo luận triết học của Aristote bắt đầu được đem vào nước Pháp, từ đảo Sicile và từ Tây Ban Nha là nơi các dịch giả đã làm việc hăng say từ giữa thế kỷ. Cuộc cách mạng trí thức tiếp theo được quyết định bởi hai sự việc. Việc thứ nhất là sự tiệm tiến kéo dài trên một thế kỷ, đã cho phép các bản dịch Aristote du nhập tới Paris và Oxford, với số lượng gia tăng mãi và vẫn trung thành với nguyên bản hy lạp. Nói chung, các chuyên luận khoa học về siêu hình vào trước (1170-1180), rồi đến những bộ sách lớn về luân lý học và tâm lý học. Sau cùng là những chuyên luận thực hành về văn chương, để chấm dứt với cuốn Chính trị và cuốn Thi pháp vào khoảng các năm 1250 và 1260. Việc thứ hai là các lý thuyết của Aristote, một phần bị xuyên tạc bởi các tác phẩm tân Platon mạo xưng là của Aristote, nhưng thật ra là những bài chú giải hay bản dịch của người Ả Rập. Họ cắt nghĩa triết học của Aristote theo quan điểm riêng của họ hay những quan điểm của thuyết Tân Platon hoặc theo quan niệm thế tục và thuyết tất định (déterminisme).
Từ đó tác phẩm của Aristote được phổ biến, nhưng lúc đầu chỉ thấy ích lợi trong các ban văn khoa hay trong môn luận lý học. Nó được chú ý tới để làm chỗ tựa cho việc giảng dạy duy vật và duy phiếm thần của một số tác giả. Vì thế tổng giám mục Sens năm 1210 đã công khai cấm các giáo sư Paris không được xử dụng thuyết Aristote trong việc giảng dạy. Cấm đoán này không liên quan tới các nhà thần học và ban đầu chỉ áp dụng cho Paris mà thôi. Rồi đức Grégoire IX, năm 1231, nhắc lại lời cấm ấy trong sắc chỉ thời danh Parens scientiarum ấn định việc tổ chức và sự độc lập của đại học Paris. Vào thời này, Aristote đã có mặt trong chương trình văn khoa ở Oxford. Các giáo sư thần học Paris cũng xử dụng. Thế là phong trào lan rộng. Các thần học gia và giáo sư văn khoa bắt buộc phải để ý tới tư tưởng của Aristote. Ðầu tiên họ chỉ chấp nhận định nghĩa này hay định nghĩa khác, hoặc chứng cớ này hay chứng cớ kia khả dĩ xác định những quan điểm riêng của họ. Nhưng dần dần, người ta hiểu rằng nơi Aristote, những ý tưởng triết học và nhãn quan duy vật hay tất định, không phù hợp với những nhãn quan thuần túy tôn giáo của Augustin hay với thuyết tân Platon tiềm tàng trong tư tưởng của thánh nhân. Một cuộc tranh luận gây cấn đã xẩy ra vào thập niên 60 của thế kỷ, khi các thần học gia và triết gia lỗi lạc tới Paris. Thánh Bonaventura thì bảo thủ và có một quan điểm Phanxicô và Augustin. Ông ít xử dụng Aristote và cùng với thời gian, ông càng ngày càng trở nên đối nghịch. Albert thuộc Ðaminh thì lại chú giải hết cả bộ sách của Aristote để giúp các nhà tư tưởng Kitô giáo dễ đón nhận. Thánh Thomas d'Aquin, học trò của Albert còn đi xa hơn. Ông đề xuất chấp nhận hệ thống Aristote làm cơ sở chung cho tư tưởng và thần học Kitô giáo, và giải thích nó, mỗi khi có thể làm được, trong một chiều hướng Kitô giáo và sau cùng sửa chữa lại trong một ít điểm. Thực ra thánh Thomas đã soạn thảo lại tất cả hệ thống của Aristote và công nhận một ít yếu tố Platon hay tân Platon. Hệ thống của ngài là một xây dựng độc đáo, trong đó cái khung Aristote được đảo lộn: Aristote tiến hành trong một vũ trụ thực dụng lay chuyển bởi một động cơ tiên khởi phi nhân vị và không gì lay động được. Thánh Thomas thì khởi sự từ một đấng tạo hóa có bản vị và toàn năng mà lòng nhân ái bao trùm cả vũ trụ. Thế nhưng ở Paris, giữa thế kỷ XIII, không thể nào làm cho cuộc tranh luận giữa hai giáo sư đại tài, thánh Bonaventura và thánh Thomas, tìm được giải pháp thỏa đáng vì cuộc tranh luận như rơi vào ngõ cụt. Thế rồi một phe thứ ba lại đến quấy đục thêm. Ðầu não của phe này là Siger de Brabant và địa trường náo động là ban văn khoa. Ở đây Aristote cũng đã xâm nhập tới và chen lấn tất cả. Cho tới đây, chương trình văn khoa chỉ đề cập tới khoa luận lý, nay đón nhận toàn bộ Aristote. Cho dầu người ta đã có ý ngăn cản việc dạy lý thuyết của Aristote ngay từ buổi đầu, cho dầu sự cấm đoán hiện hành bắt các giáo sư văn khoa đứng ngoài các cuộc tranh luận thần học, khoa siêu hình và khoa tâm lý của Aristote đã khai triển cả một lĩnh vực triết học, có tính cách hoàn toàn lý trí. Vì làm việc hoàn toàn ngoài phạm vi thần học, Siger de Brabant và các đồng nghiệp đã giải thích Aristote, là điều không sao tránh được, mà không đá động gì tới mối liên quan của nó với đức tin Kitô (như chính ông đã viết). Họ còn đi xa hơn nữa khi họ đọc bộ sách Chú giải của Averroes, nhà đại triết học Tây Ban Nha Ả Rập đã tìm hiểu Aristote và chủ trương rằng: tất cả tư tưởng loài người (và dĩ nhiên là tất cả hành động luân lý đều bắt nguồn từ ánh sáng của một mình trí tuệ soi dẫn tâm linh con người từ ngoài và từ trên xuống. Lý thuyết bao hàm sự từ chối cá nhân tính, tinh thần trách nhiệm và sự bất tử của con người. Cũng vậy Siger đưa ra lý thuyết coi vũ trụ đã có từ thuở đời đời. Ðây cũng là lý thuyết do Aristote chủ trương và người Ả Rập khẳng định. Ý tưởng này dĩ nhiên bị các thù địch của Siger de Brabant chống đối vì họ tuyên bố là trái với Kinh Thánh. Phái Aristote ở Paris, mà các sử gia mới đây còn gọi là phái Averrois latinh, đã gặp hai thù địch là thánh Thomas và thánh Bonaventura. Giáo huấn của họ đã bị Etienne Tempier, giám mục Paris lên án năm 1270. Siger de Brabant và các bạn của ông đã tự bênh vực mình và cho biết họ giảng dạy như các nhà triết học, những gì Aristote, hiện thân của lý trí trung thực, đã giảng dạy mà thôi. Là những Kitô hữu, họ nhận phán quyết của Giáo Hội. Siger de Brabant đã rất xao xuyến về cái án năm 1270 về những luận chứng của thánh Thomas. Tuy nhiên, trường phái của ông cứ tiếp tục giảng dạy thuyết Thomas đồng thời cũng tiếp tục giảng dạy nguyên vẹn thuyết Aristote. Chắc chắn là ông đã đóng góp rất nhiều vào tư tưởng duy tự nhiên và gần như ngoại giáo nơi các giáo sư và sinh viên ban văn khoa. Trong những năm trước vụ án 1270, các anh em Phanxicô ở Paris, với Jean Peckham cầm đầu và Bonaventura ủng hộ, đã tấn công một số luận đề Aristote mà thánh Thomas đã nhận. Ðặc biệt về cách Thomas giải thích tâm lý khoa của Aristote. Aristote đã trình bày linh hồn như ”mô hình” của con người trong việc phân tích những thành phần siêu hình của con người (hồn=mô hình, thân xác=vật chất). Lý thuyết này thoát thai từ tiền đề thứ nhất của học thuyết Thomas (hữu thể và đơn nhất tính có cùng một nguyên nhân là nguyên lý độc nhất) xem ra gặp nhiều trắc trở về mặt triết lý và thần học. Do đó khi giám mục Tempier lại can thiệp vào năm 1277 và lên án một loạt các mệnh đề khác nhau, trong đó có mấy mệnh đề của Aristote, nhưng người ta đem gán cho thánh Thomas.
Những vụ kết án của Paris đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng về tư tưởng Trung Cổ. Thật vậy, ít lâu sau, Siger đã qua đời, để Paris lại trong tình trạng bất ổn, còn Thomas thì được ”minh oan” và được phong hiển thánh năm chục năm sau. Thế nhưng việc cấm theo thuyết Aristote nguyên vẹn là một thắng thế đối với các thần học gia bảo thủ. Từ nay, Aristote bị gạt ra ngoài, trừ phần lý luận. Nhiều giáo sư, trong đó có Duns Scot là người có ảnh hưởng nhất, đều cố gắng thiết lập một hệ thống mới hòa hợp hơn với Ðức Tin Kitô giáo. Một truyền thống cổ xưa từ hơn một nghìn năm nay đã bị bãi bỏ, theo đó tư tưởng Hy Lạp là chính lý trí được diễn tả bằng từ ngữ kỹ thuật. Nó không bao giờ được lấy lại nữa. Cũng biến đi một xác tín phổ biến mà người ta vẫn có kể từ sau thánh Augustin cho đến thời thánh Thomas. Người ta xác tín: trí thức triết học và trí thức thần học là thành phần của một toàn thể chân lý, trí khôn loài người có thể đạt tới được và khởi sự từ vật chất để tới Ba Ngôi Thiên Chúa và từ kinh nghiệm cảm xúc tới trực giác huyền nhiệm và trí thức siêu nhiên. Xác tín này đặt nền tảng trên một sự xác thực chủ yếu hơn, đó là tâm trí của loài người có khả năng thiết lập một tiếp xúc thích hợp với thực tại bên ngoài và do đó sự hiểu biết thực tại ấy, trong khoa siêu hình cũng như khoa luân lý, có thể được diễn tả trong những công thức có giá trị mãi mãi. Trong nhãn quan này, có một triết học bất di bất dịch (philosophia parennis) mà người ta có thể trình bày một cách luôn luôn đầy đủ hơn và chính xác hơn, như truyền đạt cả ngữ pháp hay toán học. Sự chắc chắn này được củng cố vững mạnh trong một thời kỳ, do sự hiểu biết mới mẻ về Aristote và về những nhà đại tư tưởng Ả Rập, họ đã nhận thấy trong những lời của Aristote lối phát biểu lý trí của con người. Những lối phát biểu ấy đã mất tính cách phổ cập của nó trong các phân khoa ở đại học.
Việc học hỏi về Aristote và sự nghiệp của thánh Thomas còn đánh dấu tư tưởng Kitô giáo về một quan điểm khác nữa. Ðối lập với Platon và còn hơn cả với Plotin và thánh Augustin, Aristote là triết gia của bản tính và đặc biệt là bản tính con người trong tất cả những biểu tượng sinh hoạt xã hội. Các nhà tư tưởng thuộc truyền thống Platon được củng cố bởi lý thuyết Kitô giáo, nhấn mạnh tới tính cách tạm thời và bất toàn của sự đời này, sự yếu hèn và bất túc của bản tính con người, họ tìm kiếm thực tại ở cấp cao nhất của đời sống. Aristote thì hoàn toàn giới hạn học hỏi của mình vào vũ trụ hữu hình và vào bản tính con người vì là bản tính con người. Bởi vậy, đây là lần đầu tiên từ khi nền văn minh cổ sụp đổ, các nhà tư tưởng được đặt trước một quan niệm về đời sống lấy chính trị và những liên hệ giữa con người làm giá trị tuyệt đối. Chính trên các cơ sở này, thánh Thomas đã phân biệt rõ ràng tự nhiên và siêu nhiên, và phác họa ra cái mà người ta gọi là tiền đề thần tình nhất của ngài: ân sủng và quan phòng Kitô giáo không hủy bỏ mà trái lại còn suy tôn bản tính con người (Gratia non tollit naturam sed perficit). Như thế, thánh Thomas đã gán cho sinh hoạt của con người, chính trị và đời sống xã hội một giá trị tuyệt đối, và chủ trương tư tưởng tự lập của con người trong địa trường riêng của mình. Nếu ngài đã duy trì đúng (và điều nào cũng có thể được kiểm soát và được công nhận), nhà triết học là vô địch trong địa trường của mình. Lý trí tự nhiên vẫn luôn tự lập trong địa trường của mình. Lẽ phải không thể mâu thuẫn với lẽ phải. Thế nhưng quan niệm này về vũ trụ đã không phải là quan niệm của xã hội mới ở thể kỷ XIV.
II. ROGER BACON.
Hầu hết các nhà tư tưởng thế kỷ XIII đều có địa vị trong việc phát triển đều đặn các học đường. Nhưng có mấy nhân vật nhắc cho chúng ta biết rằng không phải chỉ có một loại độc nhất tinh thần Trung Cổ. Như đã có anh Roger Bacon (vào khoảng 1220 tới vào khoảng 1292). Về đời sống bên ngoài, anh cũng giống như mọi người khác. Anh là một trong những người tiên khởi đã giảng dạy Aristote, vì anh làm giáo sư văn khoa ở Paris. Anh là đồ đệ của Grosseteste ở Oxford, rồi vào tu dòng Phanxicô. Anh chia sẻ nhiều mục tiêu và thành kiến của những người thuộc loại như anh và có cùng những đặc tính trí thức như anh. Anh đã chạm trán với thẩm quyền và vâng theo chỉ thị của thẩm quyền. Thế là anh sống một đời sống giống như đời sống của những người đồng thời và các anh em Phanxicô đạo đức. Những điều anh lên tiếng phản đối các vị cầm quyền chính thức, tuy khác về cường độ, nhưng vẫn giống hệt với những phê phán đã được diễn tả trước và còn được diễn tả về sau bởi những tâm hồn cay chua hay miệt thị. Việc anh tức giận chống lại thần học chính thức, một phần lớn là do những thất vọng riêng của anh. Ðiều quan trọng nơi Bacon chính là chỗ sáng suốt nhận ra những sai lầm cơ bản của tinh thần kinh viện: quá đề cao biện chứng, coi nó như chìa khóa đi vào sự hiểu biết, quá tôn sùng uy thế của sách vở, tách rời cuộc sống khỏi những sự kiện của vũ trụ vật lý. Anh ước mong người ta học tiếng Hy Lạp và Do Thái, mong có những bản dịch chính xác được dịch từ những bản văn rõ ràng và, khẩn trương hơn, phải có kinh nghiệm và phải ghi nhận kinh nghiệm trong hết các ngành khoa học tự nhiên. Sau cùng anh đòi người ta phải công nhận giá trị của trực giác, tự nhiên hay hầu như huyền nhiệm, trong hết các ngành trí thức.
Cho dầu có độc đáo, Bacon, như Wyclif một trăm năm sau, vẫn là một người của thời đại và của môi trường anh sống. Anh đã xử dụng phương pháp kinh viện và đặt mọi trí thức loài người dưới quyền mặc khải của Thiên Chúa. Anh không có đồ đệ. Ở Oxford cũng như ở Paris, các khoa học tự nhiên đã không nhờ anh mà có một phát minh nào và một tiến triển nào. Nhưng Bacon cũng như người anh em trẻ tuổi của anh là Duns Scot, cả hai đã đánh dấu việc đoạn tuyệt với tư tưởng của các thế kỷ trước, với triết học trường cửu. Có lẽ không phải không có ý nghĩa khi cả hai, cùng với Guillaume d'Occam, nhà cách mạng thứ ba, xuất xứ từ hải đảo và không thuộc dòng giống La tinh.
III. RAYMOND LULLE.
Ramon (Raymond) Lulle là một thiên tài nổi bật nhưng có tính khí kỳ quặc, gốc Catalan. Ông khác với Bacon về tính tình, về sứ mệnh và về các phương pháp làm việc. Nhưng ông giống Bacon về những toan tính đã làm để cải cách toàn bộ hệ thống trí thức và học đường ở Âu Châu: ông đưa ra một phương pháp mới và
nghiêm khắc phê phán những lợi ích lớn lao đang chi phối thời đại. Những lợi ích được phanh phui ra trong chiến lược nghĩa binh thánh giá và cách làm cho người ngoại giáo trở lại. Lulle sinh tại Majorque khoảng năm 1231. Sau một thời sống bê bối, ông lập gia đình, ông có kinh nghiệm của một cuộc trở lại nội tâm vào năm 1262. Ông đã hiến thân đi chinh phục người ngoại giáo và gia nhập dòng ba thánh Phanxicô. Thế là ông tấn công thuyết Averroès mà ông coi như đại thù địch công cộng. Ông liền viết về vấn đề này trong mấy tác phẩm và cũng thiết lập phương pháp của ông về kiến thức phổ cập, nghệ thuật phổ quát (Ars
generalis). Bằng những cách khác nhau, hệ thống này phối hợp nhiều quan niệm siêu hình hay tư tưởng để đạt tới những nhận xét thông suốt về bản thể và về những nguyên lý của tất cả các khoa học cấp dưới. Ðể cho trí tuệ trung bình hiểu được cái quá trình siêu hình phức tạp ấy, Lulle tưởng tượng ra một hệ thống các chữ và các vòng tròn có ý nghĩa (tượng trưng những ý tưởng lớn), nhờ đó người ta có thể (một khi đã xếp đặt các thay đổi và điều chỉnh cần thiết) nhận ra phương pháp tiến hành phải tuân theo. Sau đó Lulle lên đường tuyên truyền cho nghĩa binh. Ông đi giảng khắp nơi. Lần kia đi giảng, ông bị dân ngoại Bắc phi hành hung dữ dội, đến nỗi ông đã tắt thở sau đó ít lâu, khoảng năm 1315. Lulle là một văn sĩ không biết mệt mỏi và viết lách dài dòng. Ông có một tâm hồn phức tạp. Sự nghiệp quan trọng của ông là các sách huyền nhiệm. Các nhà tư tưởng đã nghĩ ra những phương thức dễ dàng hầu đọc được những bí ẩn của vũ trụ, thường dễ bị người ta chế diễu cũng dễ được người ta thán phục. Lulle nhận được cả hai nơi người đồng thời của ông và nơi hậu thế. Ông vẫn được các nhà tư tưởng và các học giả mến chuộng. Nhưng người ta chỉ có thể đánh giá con người và vốn trí thức của ông, khi nào các nhà khảo cứu đã sưu tầm đầy đủ về sự nghiệp của ông.