CHƯƠNG XXX
SINH HOẠT THIÊNG LIÊNG, 2
CHƯƠNG XXX
SINH HOẠT THIÊNG LIÊNG, 2
Việc suy tôn sự nghèo khó vật chất là một sợi dây quan trọng trong tấm lưới sinh hoạt thiêng liêng thời Trung Cổ. Thực vậy, đây là một trong hai phạm vi mà các anh em Phanxicô đã đem lại như một đóng góp đặc biệt. Phạm vi thứ hai là lòng tôn sùng sự Thương Khó và Thập Giá Ðức Kitô. Tuy nhiên đây không phải là một điều mới lạ trong Kitô giáo. Trào lưu đạo đức này đã gây hứng cho sáng tác nghệ thuật và phụng vụ, đã thu hút nhiều người Âu Châu đi tới Jerusalem dưới hình thức hành hương hay nghĩa binh. Thánh Phanxicô đã làm cho truyền thống này có một chiều sâu và một hướng đi mới. Thánh nhân là người thứ nhất trong lịch sử đã mang các thương tích của Chủa, hay ít ra người đầu tiên được mọi nơi và chính thức công nhận như vậy. Ngài trở thành nguyên mẫu cho một loạt dài ”những trường hợp mang thương tích của Chủa”. Tự đồng hóa mình với Chủa Cứu Thế thống khổ, ngài đã kích động một đám đông người bắt chước ý hướng tận hiến và hy sinh. Lòng đạo đức của thánh Phanxicô đã duy trì phương diện tình cảm hướng về Ðức Kitô suốt thời Trung Cổ và cả đến ngày nay. Bằng chứng, dòng Phanxicô còn là dòng đông tu sĩ nhất, chưa kể con số ”dòng ba”. Nhiều thần học gia Phanxicô trứ danh, đặc biệt thánh Bonaventura, đã phản ảnh sứ điệp của thánh Phanxicô bằng hai cách. Họ chủ trương nhân ái là ưu việt nhất, cho rằng chìa khóa vũ trụ và lý do việc nhập thể nằm trong nhân ái của Thiên Chủa hơn là trong chân lý và sự hiểu biết Thiên Chủa. Theo họ, thần học trước hết là ngọn đuốc hướng dẫn cuộc đời qua từng giai đoạn tới sự ngây ngất chiêm ngắm Thiên Chủa. Mọi việc học hỏi đều hướng tới lòng nhân ái của Thiên Chủa. Tất cả quan điểm thần học này được thu gọn trong cuốn sách rất nổi tiếng của thánh Bonaventura, nhan đề là Hành trình của linh hồn đi tới Thiên Chủa.
Ðối lập với các anh em Phanxicô, các anh em Ðaminh, lúc khởi đầu, không có ”sứ điệp” độc đáo. Họ giảng chân lý công giáo toàn diện. Thật quá đơn giản khi nói rằng các anh em Phanxicô bao giờ cũng lo lắng làm thay đổi các linh hồn và các anh em Ðaminh chuyên tâm soi sáng mọi trí khôn. Khẳng định này khá đúng nếu người ta áp dụng nó vào chương trình những thập niên đầu của mỗi dòng. Cũng là điều tự nhiên, vì cốt lõi của dòng Ðaminh là một quan niệm thần học, nếu không là kinh viện, về sinh hoạt tâm linh; và thánh Thomas d'Aquin không những đã trở thành tiến sĩ của dòng mà còn là thày dạy khoa tâm linh học của dòng nữa. Cách thế thánh Thomas trình bày những nhân đức đối thần, những nhân đức luân lý thiên phú và những ơn của Thánh Linh, giáo huấn về sinh hoạt chiêm ngưỡng, tất cả đều là cơ sở của những giáo thuyết tu thân khắc kỷ và huyền nhiệm cổ điển của các anh em Ðaminh, và đã tạo nên nếp sống của các thánh trong dòng. Thế nhưng ảnh hưởng chính của dòng về mặt thần học tâm linh thì được thực hiện ”ngoại trừ nhà dòng”. Rhénanie là miền chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Miền này mặc lấy những đặc tính không phải từ Aristote hay từ thánh Augustin, nhưng từ Denys l'Aréopagite. Như tất cả những nhà kinh viện thế kỷ XIII, thánh Thomas đã tôn trọng những quan điểm của Aréopagite, cho dù nhận thấy những khó khăn lớn khi muốn dung hòa những đặc tính ấy với quan điểm của Aristote.
Trong phạm vi này thánh Thomas tùy thuộc vào thánh Albert Cả là người, khi ở Cologne, đã chuyên chú nghiên cứu thuyết của Aréopagite. Thánh Albert (mất năm 1128) là thày dạy của Dietrich de Freiberg (mất vào năm 1310). Tới lượt mình, Dietrich lại gợi hứng cho Eckhart (mất năm 1327). Nhờ ông này mà thần học huyền nhiệm thời Trung Cổ đã thấm nhuần tinh thần tân Platon qua ảnh hưởng của Denys. Vào cuối thế kỷ XIII, nhiều tu viện nữ Ðaminh đã được thành lập trong vùng Rhénanie và được các anh em thuyết giáo hướng dẫn về đường thiêng liêng. Miền Nam Ðức cũng là một địa trường rất phì nhiêu. Trong một thế kỷ, các nhà dòng và các giáo xứ thành thị của vùng này đều được giáo huấn đầy đủ bởi các cha dòng Ðaminh, mà hai người danh tiếng nhất là Tauler (mất năm 1361) và Henri Suso (mất năm 1366). Sau khi thày mất, thì giáo lý của Eckhart một phần bị lên án nhưng Tauler, học trò và người ngưỡng mộ ông, đã thành công trong việc gạt bỏ những yếu tố nghi ngờ và xây dựng nên một hệ thống tổng hợp triết thuyết chính thống của Thomas với thuyết tân Platon của Aréopagite. Ðặc biệt là điểm giáo lý ông mượn ở Denys: ông nhấn mạnh tới chỗ tối tăm và tính cách siêu nhiên lúc gần tới chiêm ngưỡng. Ông gọi đó là ”ánh sáng tối tăm”. Các thị kiến, các từ ngữ và xuất thần đều xa lạ đối với hệ thống này. Quan niệm chung của thần học huyền nhiệm và khắc kỷ, nơi các cha dòng Ðaminh và dòng Carmel, đều múc lấy từ Tauler. Nhưng, thường người ta không nhấn mạnh tới những yếu tố lấy ở Aéropagite. Kết luận, ”chiêm ngưỡng” tự bản thể là sự hiểu biết tiên thiên và lòng nhân ái được ban cho linh hồn do hành động các ơn của Chủa Thánh Linh. Những ơn này hiện hữu trong mỗi linh hồn có ơn thánh; nhưng chúng chỉ được nhận thấy khi các nhân đức đối thần đã đạt tới một mức độ nào đó. Ðời sống huyền nhiệm là sự tăng cường, sự kéo dài ơn thánh hóa mà phép rửa đã ban cho. Nó là thành phần trong toàn bộ sinh hoạt ”hoàn thiện” theo thần học, cho dầu hiếm có những biểu lộ cụ thể. Nó vẫn luôn là ơn tự do Chủa ban, chứ không thể nào ”được” vì nổ lực hay vì công lao xứng đáng. Tới đây, giáo thuyết hoàn toàn phù hợp với truyền thống. Nhưng nhiều thần học gia và huyền nhiệm gia nhấn mạnh tới những nguyên lý thuộc về Aréopagite hơn là về Phúc âm. Họ coi sinh hoạt huyền nhiệm như sự toàn thiện độc nhất và cần thiết cho sinh hoạt Kitô giáo và do đó, như cứu cánh các nỗ lực của mỗi người. Kết luận, người thất bại là người không cố gắng đủ. Vì thế, Tauler khuyên mọi người hãy tìm hoàn thiện huyền nhiệm. Theo nhiều dấu hiệu, thì người ta có thể thấy ở miền Nam Ðức, rồi ở Hòa Lan, xuất hiện nhiều vị thánh huyền nhiệm tương tự như ở Tây Ban Nha thế kỷ XVI. Những sử gia thần học huyền nhiệm đã cho rằng: trong phong trào này có hai cách diễn tả hiệp nhất thần nhiệm với những cấp bậc khác nhau. Một là ”huyền nhiệm hôn nhân”, nhấn mạnh tới hiệp nhất tình yêu, căn cứ vào cuốn Diễm Tình Ca và vào tư tưởng của thánh Bernard. Hai là ”huyền nhiệm bản thể”, nhấn mạnh tới hiệp nhất của linh hồn với kiểu mẫu của mình là Lời Chủa và chuẩn bị hiệp nhất bằng cách phơi bày linh hồn ra, chỉ trừ hữu thể đơn thuần có thể bị thấm hút vào thiên tính mà vẫn giữ được đặc tính thụ tạo. Cả hai cách diễn tả này đều không khai trừ nhau. Cả hai đều muốn diễn tả cái bất khả diễn tả. Những huyền nhiệm gia về sau này, như thánh Jean de la Croix, đều xử dụng cả hai.
Cho dù người ta dùng cách nào để định nghĩa và giải quyết dứt khoát vấn đề, thì những huyền nhiệm gia vùng Rhénanie vẫn là một nhóm xuất sắc, hoàn toàn lành mạnh và rất có ảnh hưởng. Ðặc biệt phải kể đến các nữ tu Ðaminh. Nhiều nữ tu đã để lại những huấn dụ, những điều mặc khải viết ra và những tích truyện (hay tiểu sử) mà truyện danh tiếng nhất là truyện Suso do chị Elsbeth Stagel viết. Chị Hadewijch d'Anvers cũng thuộc số các nữ tu thánh thiện này.
Liên hệ chặt chẽ với vùng Rhénanie, có các nam nữ tu sĩ thuộc các tu hội huyền nhiệm (bégard, béguines). Họ ở đông đúc trong các thành thị và vùng ngoại ô, giữa Cologne và Anvers. Cả hai phái đều làm thành một phong trào ở miền Bắc, xuất hiện muộn hơn phong trào ở Bắc Ý và thường mang danh là những người ”thấp hèn”. Nguồn gốc của họ còn mập mờ. Nhưng từ thế kỷ XIII, họ trở thành một hiện tượng quen thuộc. Thường họ là những thành phần thuộc giới trung lưu hay tiểu tư sản. Họ sống một mình hay thành từng nhóm nhỏ, làm các thứ tiểu công nghệ như dệt vải, hoặc làm các việc từ thiện như dạy dỗ trẻ em hoặc săn sóc thiếu nhi. Họ giầu lòng đạo đức và thường tỏ ra có một đời sống tâm linh sâu xa. Ðộc lập đối với các dòng tu, họ thiết lập cho mình một nền đạo đức riêng. Vì thế họ thường bị người ta ghen ghét và chỉ trích. Có lần, họ bị tố cáo về tội tà giáo. Ðặc biệt tội theo phái Cathares và phái thiên khải (illuminisme). Béguine và tổ chức Béguine trở thành những từ ngữ khinh bỉ và thóa mạ. Thường những tố cáo này không có căn bản. Người ta kể các nam nữ tu sĩ này là những đồ đệ xuất sắc nhất của Tauler và của Suso. Phong trào kéo dài khá lâu. Nhiều tổ chức Béguin phối hợp với các huynh đệ hội sống chung; có những nhà khác, sau này còn phối hợp với một số giáo phái Tin lành độc lập.
Giáo thuyết của thày Eckhart và của Tauler, kể cả những phương thế huyền nhiệm miền Rhénanie, đã dần dần thấm vào miền Flandre. Một trung tâm đạo đức đã được mở ở Groenendael, gần Bruxelles. Ðây là một ẩn tu viện do Jean de Ruysbroeck chọn (1343) và trở nên viện trưởng của một cộng đồng Augustin đông đảo cho tới 1381, năm ông mất. Theo dư luận, Ruysbroeck là một trong những đại văn gia huyền nhiệm, bàn luận về sự hiệp nhất chiêm ngưỡng Thiên Chủa theo ánh sáng của kinh nghiệm bản thân. Chỉ một mình ông được xếp ngang hàng với thánh Jean de La Croix và theo nhiều người nhận định, ngang hàng với cả thánh Augustin. Mặc dầu không phải là tu sĩ Ðaminh, nhưng rõ ràng và chắc chắn, ông chịu ảnh hưởng của thày Eckhart về những nhãn quan và văn thể thần học. Nhưng trong cách thức tìm hiểu để sát lại gần, thì ông rất có bản sắc, gần với Suso hơn, tuy về mặt tâm tình thì ít ướt át hơn, nhưng lại vững chãi hơn. Một cách nào đó, ông đã kéo dài trường phái Rhénanie, đem chuyển sang một địa trường khác và diễn dịch nó ra. Có một nhóm huyền nhiệm gia đã tôn ông làm bậc thày. Ruysbroeck còn là nguồn gốc cho một trào lưu khác, rất khác biệt, thường gọi là devotio Moderna (đạo đức hiện đại). Trào lưu này đã có một ảnh hưởng khác với ảnh hưởng của mọi trường phái đạo đức, nên chúng ta sẽ bàn luận nhiều hơn ở chỗ khác Hãy tạm ghi nhận rằng trường phái này được coi như một phản ứng chống lại trường phái Rhénanie, hoàn toàn tập trung về việc tu thân khắc kỷ và công khai lên tiếng chỉ trích những phương thức tự nguyện và những tham vọng quá kích trước tưởng tượng hay có thực, của Eckhart, của Suso hay của Ruysbroeck. Ruysbroeck được Gérard de Groote khâm phục, nhưng ông không hề lập trường phái.
Trong phần lớn thế kỷ XIV, ở Anh quốc có mấy văn gia tâm linh kỳ cựu được mang huy hiệu theo qui ước là ”những nhà huyền nhiệm Anh”. Có tất cả 4 người danh tiếng, mà ba là Richard Rolle, Walter Hilton và tác giả vô danh của cuốn sách ”Mây mù của sự vô tri” (Nuage de l'inconnaissance). Họ liên hệ mật thiết với nhau, thiện cảm hay chống đối. Người thứ bốn là Julienne de Norwich, thuộc về khuynh hướng khác và chúng ta sẽ nghiên cứu sau. Rolle là sinh viên đại học khi ông đi tu làm ẩn sĩ ở Yorkshire. Ông vừa viết bằng la ngữ vừa viết bằng Anh ngữ. Ông đem lại nhiều ích lợi cho các nhà ngữ học, bởi vì ông là một trong những bậc thày đầu tiên dạy các bản văn Anh ngữ, thứ Anh ngữ đã bị quên lãng kể từ khi người Normand xâm chiếm. Theo cái nhìn của chúng ta thì ông là một văn sĩ có bản ngã thu hút và rất cương quyết. Trong tác phẩm đầy dẫy những chi tiết tự truyện của ông. Ông biện hộ cho lối sống đơn độc và chiêm ngưỡng. Ông trình bày các phương pháp rất tư riêng và những kinh nghiệm cầu nguyện của ông. Nếu muốn biết những bậc thày của ông là ai thì hẳn là những người nổi tiếng ở Âu Châu về kiến thức, đặc biệt thánh Bernard và Richard de Saint Victor. Nhưng chính những kinh nghiệm riêng của ông về thánh ca, về nhiệt tình và về hoan lạc trong Chủa đã làm cho ông rất nổi tiếng ở thời Trung Cổ và cả ở thời đại chúng ta. Tác giả vô danh của cuốn Mây mù của vô tri và nhiều bài bình luận ngắn thuộc về số người khác. Như Rolle, ông cũng là một học giả đại tài; nhưng khác với Rolle, ông còn là thần học gia xuất sắc. Ông viết cho những cá nhân, theo một bút pháp rất đặc biệt và hùng mạnh. Ông đưa ra những giáo huấn liên quan tới những giai đoạn đầu tiên của sinh hoạt huyền nhiệm. Như Rolle, ông biết các tác giả cổ điển, thánh Augustin, thánh Bernard và Richard de Saint Victor; ông tự nhận đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của Denys Aréopagite và đã phiên dịch cuốn Thần học huyền nhiệm của Denys. Nhưng qua tinh thần, qua những lời khuyên dạy và nền tảng thần học vững chãi của ông, ông gần với Tauler và các văn gia Rhénanie hơn với nhóm Victorins. Một cách chung, có thể nói rằng ông tiếp tục trường phái Ðaminh. Như các tu sĩ Ðaminh, ông loan báo trường phái Carmel Tây Ban Nha thế kỷ XVI. Walter Hilton làm giáo sư ở Cambridge, làm ẩn tu, rồi kinh sĩ Augustin. Ông cũng gần như chịu ảnh hưởng của những trường phái trước đây, Augustin, Victorins và Ðaminh. Ông đã đọc cuốn Mây mù của sự vô trị, nhưng không thể nói ông đã lấy những nguyên tắc của ông từ tác phẩm này hay từ một nguồn nào khác. Nhãn quan của ông thật rộng rãi, nó bao trùm một quan niệm rất nảy nở về sinh hoạt tâm linh, khắc kỷ và huyền nhiệm. Hilton không có người kế vị. Anh quốc thế kỷ XV rất nghèo nàn về văn chương tâm linh. Nhưng cuốn Thang toàn thiện của Hilton, cho tới thời cải cách và xa hơn nữa, vẫn là một cuốn sách đạo đức được người Anh, nam cũng như nữ, quí chuộng. Cuốn Mây mù của sự vô trị cũng giữ một vai trò tương tự nơi các tu sĩ Chartreux và Brigittines.
Trào lưu truyền thống và đại học trong việc giảng dạy tâm linh, như người ta có thể gọi như thế, đã được diễn tả bằng những công thức cố định nơi thánh Bonaventura. Học thuyết Aristote đã đạt tới trạng thái quân bình nơi thánh Thomas d'Aquin. Ðối với muôn vàn độc giả của mọi thời đại, nó cũng trở nên quen thuộc nhờ những tác phẩm của Dante. Về tác giả này và trên mỗi bình diện tư tưởng của ông, người ta không ngớt bình luận, bàn cãi. Dante không chỉ là người theo phái Aristote và phái Thomas chính thống, ông còn là con người thông minh đa dạng: Dante là nhà thơ sâu sắc và trổi vượt hẳn trong trường phái, hơn cả thánh Thomas và những thi hào trong các trường phái khác. Kết luận, ông đã nhìn thấy thực tại bằng trực giác thi nhân hơn bằng suy tư của thần học gia hay triết gia. Ông thuộc phái Thomas trong cách ông trình bày các vấn đề tâm lý và luân lý, các khả năng thiêng liêng của linh hồn. Ông khẳng định chiêm ngưỡng là lý tưởng cao siêu nhất của linh hồn và trong đó ông nhìn thấy những ”sự vô hình qua xác thịt của con người”, giống như một ”ánh sáng” thuộc trí tuệ chứ không như một thiên phú khôn tả hay một siêu ánh sáng của các nhà thần bí. Giáo thuyết của ông về sinh hoạt hoạt động và sinh hoạt chiêm ngưỡng hoàn toàn thuộc về truyền thống của thánh Augustin và nhóm Victorins. Ở đây cũng như ở nhiều chỗ khác, thi hào Dante đã lấy lại và chi phối được những truyền thống tư tưởng tôn giáo Trung Cổ mà không diễn tả một điều gì giống như quan điểm của một cá nhân hay một trường phái nào trong thời đại ông. Bởi tôn chỉ tâm linh và tư tưởng chính trị của ông mà ông tiêu biểu cho cái tinh hoa thời đại (hay vũ trụ) của ông, thế nhưng ông vẫn tuyệt đối độc đáo. Thánh Thomas d'Aquin và Dante đã không còn là những kẻ hướng dẫn tinh thần vào giữa thế kỷ XIV, vào thời điểm bắt đầu có phân hóa kiến thức. Với thắng lợi của thuyết duy danh, thần học huyền nhiệm truyền thống đã biến khỏi các đại học và học đường thuộc về các dòng tu, ở Ý, ở Pháp và ở Anh. Những giáo sư Paris lỗi lạc thuộc thế hệ mới, như Pierre d'Ailly và Jean Gerson, nhiều khi đã công khai chống huyền nhiệm và hoài nghi giáo huấn của Ruysbroeck là tà thuyết.
Như để phản ứng, giáo thuyết truyền thống về sinh hoạt chiêm ngưỡng, mà chúng ta đã thấy rất được ái mộ ở Rhénanie và ở Anh, đã tìm được các ngôn sứ và thuyết giảng viên giữa các giáo dân. Tại Anh, nhà thờ đơn độc lỗi lạc William Langland nhìn đời và nhìn hoàn vũ bằng những từ ngữ làm tốt và làm tốt hơn, bằng việc làm của Marthe và ”phần tốt hơn” của Marie. Ở Ý, Catarina de Siena đem các khía cạnh huyền nhiệm của thần học truyền thống áp dụng cho giáo sĩ và giáo dân trong phong trào của bà. Thực tế mà nói, từ 1350, các vị thánh, kể cả những người chiêm ngưỡng và những người tầm thường, đều coi mình như được các ơn tiên tri. Chuyện này thường gặp thấy ở ngoài khuôn viên nhà dòng. Có thể đan cử: Catarina de Siena, Brigitte de Suède và con gái bà là Catherine, Julienne de Norwich dễ yêu và Margery Kempe đáng nghi ngờ. Nhìn lại chín thế kỷ đã qua, chúng ta thấy hơn phân nửa thời gian lâu dài này, cách phát biểu nền đạo đức của dòng tu theo đường lối và giáo lý của thánh Augustin đã gây nhiều ảnh hưởng, nhưng chưa phân chia rõ rệt giữa tự nhiên và siêu nhiên. Tới thế kỷ XII thì chia làm hai ngã. Một đàng, quan niệm tu trì bị tan rã với lối phân tích kinh điển. Ảnh hưởng của Denys Aréopagite và giáo thuyết của ông về tăm tối và xuất thần, kết cấu với quan niệm của Augustin về sự tiến triển trong ”giác ngộ” (illumination). Ðàng khác, thánh Bernard, nhấn mạnh về nhân ái hay tình yêu và xử dụng một tôn chỉ huyền nhiệm về hôn nhân ám dụ, đã trực tiếp mời gọi đi tới chóp đỉnh và lấy tự truyện để xác nhận giáo thuyết của mình. Thế là ngài khai trương đường lối đạo đức mới. Tới thế kỷ XIII, giáo thuyết đại học bung ra thành nhiều trường phái, Phanxicô, Augustin, ”tình cảm” và cả trường phái ”trí tuệ” Thomas-Aréopagite nữa. Trường phái cuối cùng này còn chia ra mấy trào lưu khác nhau. Trào lưu chính được thu hẹp và hạn định vào các anh em đại học. Nhưng nhánh Rhénanie phong phú hơn nhờ những đóng góp của phái tân-Platon, rồi trở thành trường phái của Eckhart, Tauler và Suso. Từ đây nó tràn qua Hòa Lan và gợi hứng cho Ruysbroeck. Trong tất cả các trường phái đại học của thời đại ấy, người ta đã phân danh rõ rệt giữa tự nhiên và siêu nhiên.
Thế nhưng tôn chỉ đạo đức dòng tu của thánh Anselme vẫn cứ tiếp tục dưỡng nuôi các tu sĩ dòng thánh Benoit và dòng Citeaux. Ða số họ đứng ngoài thuyết huyền nhiệm của thế kỷ XIV và khai thác tới cùng các tác giả thế kỷ XII và XIII.