CN LỄ CHÚA BA NGÔI - Năm B
31.05.2015
"Khi thấy Người, các ông bái lạy"
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Nhị Luật (4, 32-34. 39-40).
Ông Môisen nói cùng dân chúng rằng : "Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng ? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng ? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng ? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng ? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng : "Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác". Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi.
ĐÁP CA (Tv. 32)
Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.
Vì lời Chúa là lời chân chính,
bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực,
địa cầu đầy ân sủng Chúa.
BÀI ÐỌC II
Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Roma (8, 14-17).
Anh em thân mến, quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa ; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên : "Áp-ba! Cha ơi !" Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (28, 16-20).
Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Ð.ô. Mai Ðức Vinh
SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Một trong hai điều tin căn bản của đạo Công Giáo chúng ta là -1) ‘Một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’. -2) ‘Việc Chúa Giêsu xuống thế làm người, chịu chết, sống lại và lên trời’. Chúng ta tuyên xưng hai tín điều này mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá.
Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tín điều ‘Thiên Chúa Ba Ngôi’ và mỗi Kitô hữu đều chịu phép Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy đọc lại lời Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ trước khi về trời : ‘Các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, chúa Con và Chúa Thánh Thần’.
Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài yêu chúng ta vô tận. Chính vì yêu chúng ta mà Ngài đã làm cho chúng ta bao nhiêu điều kỳ diệu mà chúng ta không thể hiểu được, như việc Chúa Giêsu xuống thế làm người, hay việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể … Cũng vậy, chỉ vì yêu chúng ta, Chúa dạy chúng ta những điều vượt trí hiểu của chúng ta, và chúng ta gọi là những ‘mầu nhiệm’, như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Quan Phòng … Do đó, có thể nói, ‘Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm Tình Yêu’.
Vậy muốn hiểu phần nào ‘Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi’, chúng ta phải ‘đi vào mầu nhiệm tình yêu giữa ba Ngôi Thiên Chúa’.
Vâng, ‘Thiên Chúa là Tình Yêu mà tình yêu thì sáng tạo, tình yêu thì cứu chuộc, giải thoát, và tình yêu thì thánh hóa và nâng cao. Tình yêu ấy xuyên suốt từ khai thiên lập địa, từ đỉnh điểm khởi đầu của lịch sử nhân loại và còn kéo dài cho tới ngày viên mãn nơi Đức Kitô’ (Lm Nguyễn Trí Dũng).
Như vậy, không phải chỉ để tin mà thôi, còn phải để sống Mầu Nhiệm chúa Ba Ngôi, chúng ta vừa phải thực hành bác ái và sống ngợi khen.
* Thực hành bác ái : nhịn nhục lẫn nhau, tha thứ cho nhau, giúp đỡ tha nhân, chia cơm sẻ áo cho người nghèo cô đơn …. Lấy bác ái đáp trả Tình Yêu, lấy bác ái làm chứng cho Tình Yêu.
* Sống ngợi khen với tiên tri Daniel : ‘Lạy Chúa, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh, và tán tụng muôn đời.Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa… Chúc tụng Chúa trong đền thánh vinh quang… Chúc tụng Chúa trên ngai vàng vinh hiển …Chúc tụng Chúa, Đấng thấu suốt mọi vực thẳm và trên mọi chư thần… Chúc tụng Chúa ngự trên trời cao thẳm…’ (Dn3,552-55).
--------------
Ðô. Mai Ðức Vinh (2012)
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
Bản tính của Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu sáng tạo, tình yêu quan phòng, tình yêu cứu chuộc, tình yêu thánh hóa, tình yêu vĩnh cửu. Vì thế có thể nói, mừng lễ Chúa Ba Ngôi chính là mừng lễ Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi là Thiên Chúa, nhưng là một Thiên Chúa duy nhất, hằng hữu và yêu thương. Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là tập họp mọi người trong tình yêu duy nhất. Một tình yêu có nguồn gốc xuất phát từ Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu hiệp thông giữa ba Ngôi Thiên Chúa.
Vì là mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo, nên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vượt quá trí hiểu và sự suy luận của con người. Nhưng nếu bình thản trong tâm hồn, nếu khiêm tốn cầu nguyện, và nỗ lực sống bác ái phúc âm, chúng ta sẽ nhận ra rằng : Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không nghịch lý, và tình yêu hiệp thông giữa Ba Ngôi thật kiểu mẫu cho đời sống người Kitô hữu.
Chân phước Elisabeth de Trinité : Cách tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi dễ dàng và thực tế nhất là sống bác ái Tin Mừng : Yêu tha nhân như chính mình, đó là tình yêu giữa Ba Ngôi.
Ông Daniel Rops, văn sĩ công giáo và thuộc Hàn Lâm Viện Pháp : Bạn là Kitô hữu, bạn muốn cắt nghĩa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho anh chị em Hồi Giáo ư ? Đừng lý luận và không thể lý luận. Nhưng hãy sống tình yêu trong gia đình, giữa chúng bạn và ngoài xã hội. Đó là cách chứng minh hiệu lực nhất.
Linh mục Giuse Nguyễn Trí Dũng : Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng, hướng cao ngàn trùng mà tình yêu Phúc Âm muốn dẫn chúng ta đến, quy tụ chúng ta về, đó là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Phải chăng vì thế mà Chúa Giêsu muốn mỗi người phải được Rửa Tội Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.
Với tất cả niềm tin yêu, chúng ta hãy dâng lời ca ngợi Tình Yêu Sáng Tạo, Tình Yêu Quan Phòng của Chúa Ba Ngôi :
Hỡi người công chính, hãy reo hò mừng Chúa,
Hỡi kẻ ngay lành hãy cất tiếng ngợi khen,
Vì tình yêu Chúa chan hoà trên hoàn cầu.
Lời Chúa sáng tạo mọi công trình,
Phán một tiếng, tầng trời xuất lộ,
Thở một hơi, tinh tú lóe ra,
Đại dương trữ nưóc tồn kho,
Thuỷ triều thu lại đắp bờ quai đê,
Lời Chúa phán mọi loài đều có,
Lệnh người truyền, muôn loài dựng nên.
Từ trời cao trông xuống, Chúa nhìn khắp phàm nhân,
Tự ngai vàng Chúa ngự, Chúa quán xuyến toàn dân,
Lòng họ Chúa dựng nên, Việc họ Chúa thấu tỏ.
Chúa quan phòng cho người kính sợ Chúa,
Người biết trông cậy nơi Tình yêu của Ngài
Lạy Chúa, chúng con sẽ vui mừng hạnh phúc,
Được tình yêu Chúa chan đầy trên chúng con,
Như chúng con ấp ủ cậy trông nơi Chúa, Chúa ơi !
(Tv 32).