CHƯƠNG XXIX
CÁC ANH EM
II. NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN
CHƯƠNG XXIX
CÁC ANH EM
II. NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN
Thật là chính đáng khi người ta coi thế kỷ XIII như thời đại của các anh em. Bằng những phương tiện khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, thánh Phanxicô và thánh Ðaminh đã cho Giáo Hội một hình thức mới về sinh hoạt tôn giáo với một thành công lớn lao và lâu dài. Lý tưởng cao đẹp ấy đã thu hút một loại tân binh mới, những người này, đến lượt mình, lại nhiệt tình làm việc tông đồ nơi giáo dân, với người ly khai và kẻ ngoại giáo. Không những các anh em đã cứu vãn Giáo Hội Tây phương thoát khỏi những khuynh hướng về tà giáo và ly giáo, mà nhờ vào lòng sốt sắng kiên trì giảng dạy, giải tội và hướng dẫn các linh hồn ngày lại ngày, họ đã mang lại một sức lực mới nơi kitô hữu bình dân. Các anh em là những tác nhân có nhiều ảnh hướng làm tiến triển đời sống thiêng liêng và hợp nhất xã hội. Do đó một cách vô hình, họ đã bù trừ cái khuynh hướng quá tôn trọng pháp lý và những mưu cơ chính trị đang thịnh hành ở các vị cao cấp trong Giáo Hội. Lại nữa, các anh em đã đóng một vai trò quyết liệt trong việc làm nẩy nở cách kỳ diệu những thiên tài thần học nơi các học đường. Như vậy họ đã gây được hai ảnh hưởng trong phạm vi trí thức. Ðặc biệt thánh Phanxicô và các đồng chí gần gũi của ngài đã làm cho Kitô giáo ý thức nhiều hơn về đời sống trần gian của Ðức Kitô, trong tình yêu, đức khó nghèo và mọi đau khổ của Ngài. Lý tưởng này được trình bày như một mẫu mực phải theo cho tới cùng. Ðồng thời, họ đưa ra một cách diễn tả mới về thần học và thông điệp của Ðức Kitô trong cả giới Kitô giáo. Những công việc mà đạo quân các anh em thuộc bốn dòng, giữa công đồng Latran IV và nạn đại dịch hạch, không thể đếm hết và vô cùng hữu ích. Phải luôn luôn ghi nhớ những điều đó trong tâm trí khi nghiên cứu sự biến chuyển của Giáo Hội ở thời đại ấy.
Thế nhưng, là con người ở giữa con người, các anh em đã trải qua nhiều cuộc tranh luận làm rầu lòng nản chí. Hoặc họ hợp nhau chống đối giám mục và trường đại học, hoặc họ đấm đá lẫn nhau, thành phe phái tranh giành; hoặc họ gieo chia rẽ giữa các người cùng dòng vì những vấn đề lý thuyết và thực thành. Nhất là, các anh em Phanxicô bị xâu xé vì chia rẽ. Ở thế kỷ XIII, xét về nhiều khía cạnh lịch sử, các dòng là một tấn bi kịch thường có những tia chói sáng anh dũng và thánh thiện.
Thánh Phanxicô không bao giờ có ý định sáng lập hay tổ chức một ”dòng” có cơ cấu hẳn hoi. Các đồng chí cùng ngài chỉ làm thành một huynh đệ. Khi chung quanh ngài có rất nhiều người đến xin gia nhập, ngài đã nhượng bộ vì áp lực và cần thiết, nhưng ngài không vui gì vì đó là điều ngược với những xác tín sâu xa nhất của ngài. Cuối cùng ngài đã giảng và đòi cho được một sự nghèo khó tuyệt đối (cấm hết mọi tiếp xúc vật chất với tiền tài), một tính đơn sơ vật chất và trí thức hoàn toàn, hết lòng vâng phục đức giáo hoàng và các giám mục và tuyệt đối noi gương Ðức Kitô lang thang lưu hành và chịu đóng đanh. Trong Di chúc của ngài, thánh nhân nhắc lại sứ điệp : không tư sản, không đặc ân, tuân theo chữ đen của luật dòng. Trong hơn một thế kỷ, lịch sử nội bộ của dòng được ấn định do sự đương đầu gay go giữa những người muốn phán đoán hết các hoạt động chiếu theo tiêu chuẩn luật dòng và Di chúc, và những người muốn thích nghi luật dòng và làm ngơ Di chúc để thỏa mãn những đòi hỏi của công việc phải thực hiện. Trong giai đoạn đầu, dưới ảnh hưởng của những giáo sĩ có học xin vào làm anh em, thì tổ chức mềm dẻo, đa số là giáo dân và thu tập các nhà thuyết giáo lưu động, đã biến thành dòng tu có tổ chức chặt chẽ và gồm có những tu viện được che chở bởi các đặc ân, hầu tránh mọi can thiệp của giám mục. Các giáo hoàng luật gia chuyên nghiệp đã góp một phần lớn vào việc bãi bỏ các chướng ngại vật do luật dòng gây ra. Như đức Grégoire IX, trong sắc chỉ Quo elongati năm 1230 đã tuyên bố rằng: Di chúc không có giá trị luật pháp và các anh em có thể nhận của bố thí qua trung gian một nhân viên (Nuntius) và gửi tiền dự trữ nơi các bạn hữu thiêng liêng (amici spirituales). Năm 1231 sắc chỉ Nimis iniqua ban cho các anh em được hoàn toàn tự do về điểm này. Khi các anh em vừa tới Paris và Oxford (1231), liền đăng ký học thần học. Năm 1239, khi anh Elia rời chức vụ, dòng đổi hẳn cơ cấu từ nền tảng cho tới chớp đỉnh và nhận hình thức một tổ chức quốc tế với những phụ tá cai quản (làm thành hội đồng lập pháp) và những bề trên được bầu phiếu như các bề trên của các anh em thuyết giáo. Vào khoảng sau 1242, chỉ có các giáo sĩ mới được ứng cử vào một chức vụ. Rồi yếu tố phần đời thực sự đã biến mất, để rồi sau này được tái lập dưới một hình thức qui ước hơn.
Khi tuyên bố rằng tất cả tài sản của dòng đều thuộc về Tòa Thánh và không bị giám mục kiểm soát (tự sắc Ordinem vestrum, 1247), đức Innocent IV đã duy trì luật theo chữ đen. Nhưng chính ngài lại thay đổi cả chữ đen cả tinh thần luật khi ban sắc chỉ Quanto studiosius (1247) thiết lập chức ”quản lý” trong mỗi vùng để trông coi việc kinh tài. Năm 1258, đức Alexandre IV đã củng cố những đặc ân ấy trong sắc chỉ Mare magnum. Những nới giãn này không phải không gặp phản kháng. Dòng đã từ chối Ordinem Vestrum. Từ nay có một nhóm khá đông mà nồng cốt là các anh em ẩn tu người Ý do một nhóm các ”đồng chí tiên khởi” hướng dẫn. Những anh em thuộc nhóm này được gọi là nững người cực đoan hay Zelanti, khác với các anh em theo chế độ dòng tu. May, nhờ thánh Bonaventura (1221-1274), anh em đã tránh được họa ly khai. Thật vậy, thánh nhân đã viết một thiên chú giải luật, một Truyện đổi mới về thánh Phanxicô và soạn những quy chế được hội nghị Narbonne (via media, 1260) giữa khoan hòa và khắc khổ, và thiết lập lý tưởng trong việc ”xử dụng điều hòa” (usus pauper) mọi sự. Người ta thường coi thánh Bonaventura như người sáng lập thứ hai của dòng. Thực ra, giáo huấn của ngài vẫn luôn được coi như khuôn vàng thước ngọc nơi các anh em Phanxicô. Nhưng về mặt lịch sử, ngài được coi như người đã chấp nhận những biến chuyển cơ bản đã xẩy ra, để rồi hệ thống hóa chúng, và đề ra một lối sống có liên hệ mật thiết với thánh Phanxicô, nhưng không phụ thuộc hoàn toàn. Thánh Bonaventura đã giải thích luật dòng chiếu theo tiêu chuẩn những lời tuyên bố và những điều miễn chuẩn của giáo triều, chứ không chiếu theo Di chúc của thánh Phanxicô. Ngài phê chuẩn ”nếp sống tu hội”, có sắc thái dòng tu hơn là ẩn tu. Ngài chủ trương trung dung, chống đối nghiêm khắc không chấp nhận sự buông lỏng. Khi chủ trương sự ”xử dụng điều hòa” và thực hành nghèo khó thiêng liêng và tương đối hơn là nghèo khó vật chất và tuyệt đối, thánh nhân đã đặt nền tảng cho cuộc tranh luận sẽ xâu xé dòng anh em sau khi ngài qua đời và tất cả Giáo Hội Tây phương năm chục năm sau. Con đường trung dung chỉ có thế lực trong lúc thánh nhân còn tại thế. Khi ngài mất đi thì những người thuộc phái khoan hòa và phái tâm linh (như người ta gọi họ) ra mặt điều khiển ”cộng đồng”. Lý tưởng nghèo khó, nơi mỗi người và nơi cộng đồng xuống giốc nhanh chóng: Các anh em tậu ruộng nương nhà cửa, tu viện nhận hoa lợi và xây cất những thánh đường lớn lao. Bên trong, bên ngoài, người ta chống đối lý thuyết về sự nghèo khó. Ðể dẹp tan những chống đối ấy, đức Nicolas III đã soạn sắc chỉ Exiit qui seminat (1279) khẳng định rằng: sự từ bỏ quyền sở hữu theo tinh thần Phúc âm, có thể thực hiện được và đầy công phúc. Ngài cấm không cho tranh cãi quá lố về vấn đề này. Nhưng với sắc chỉ Exsultantes in Domino (1283), đức Martin IV lại cho phép: các vị ”quản lý” được anh em chọn, có bổn phận coi sóc hết mọi tài sản của tu viện. Viên quản lý có thể trở thành con múa rối và quyền Tòa Thánh hoàn toàn hư cấu. Trong khi đó, các anh em tăng lên rất đông. Ðể phản đối, phe tâm linh, hậu thân của nhóm zelanti, bèn ra mặt. Ba lãnh tụ có nhiều tài ba và có bản ngã trổi vượt, là Ange Clareno (1247-1337), Ubertin de Casale (1259- v.1328) và Pierre Olivi (1248-1298). Sống rất khắc khổ, họ là những người tri kỷ của các vị thánh, như Conrad d'Offida, Angèle de Foligno và Marguerite de Cortone. Những điểm chính yếu trong chương trình của họ là: chối bỏ việc nghiên cứu triết học (của Aristole); nghèo khó cá nhân triệt để chỉ cho phép xử dụng những đồ vật thực sự thiết yếu (như của ăn và áo mặc) và thề giữ đức khó nghèo như dòng Phanxicô đòi buộc; luật dòng và Di chúc trở thành bó buộc; những miễn chuẩn của giáo triều đều trái phép. Như Dante đã lưu ý: một phe chối luật, một phe bám níu quá chắc :”Ch'uno lafugge, ed altro la coarta” (1). Vì nhiệt tình, phe tâm linh đã gây ung nhọt trong cộng đồng. Họ đã bị bắt bớ. Năm 1294 đức Célestin V đã nhất định khai trừ họ khỏi dòng. Ðức Boniface VIII lại bãi bỏ việc ấy. Thế rồi, bắt thả, bắt thả cứ tiếp nối nhau. Thế là có những cuộc bút chiến đắng cay, trong đó phe tâm linh bị tê liệt bởi thuyết Joachisme mà một số thành viên tin theo. Nhưng họ được ủng hộ rất mạnh bởi kỹ thuật tranh luận sắc bén của Ubertin de Casale. Sau nhiều cuộc thăng trầm, đức Clément VI cho thành lập một ủy ban điều chỉnh tình hình. Cuối cùng ủy ban công nhận giáo huấn của Ubertin về hầu hết mọi điểm. Ở công đồng Vienne, giáo hoàng công bố sắc chỉ Exivi de paradise (1312) kết thúc tốt đẹp cuộc tranh luận: Ngài lên án những suy thoái chung nhưng chấp nhận việc ”xử dụng điều hòa” (usus pauper) hơn là theo chữ đen và Di chúc. Ðiều này làm thỏa mãn phái tâm linh nhưng trong thực tế từ chối không cho họ mọi quyền rời bỏ dòng. Cả hai phe đều nhận quyết định này. Nhưng rồi bất hòa lại nảy sinh. Ở Ý phe tâm linh lại tỏ thái độ chống đối. Phe ”tu hội” lại tấn công Ubertin và nhiều người khác. Ðức Jean XXII lúc đầu theo phái tâm linh. Nhưng rồi thất vọng vì những cố chấp của họ. Trong sắc chỉ Quorumdam exigit (1317) ngài bắt họ phải hoàn toàn vâng phục bề trên của tu hội. Năm sau, phe tâm linh bất khuất bị kết án, Ubertin ra khỏi dòng. Ange và các đồng chí ly khai và lấy tên là fraticelli. Trào lưu này kéo dài một thế kỷ ở Ý.
Trong ba dòng anh em khác ở thời kỳ này, không dòng nào bị khủng hoảng xâu xé như dòng Phanxicô. Nhưng nói chung, các anh em phải đương đầu với hai quyền lực bên ngoài, là các trường đại học và các giám mục. Tới Paris và tới Oxford để giảng và thuyết phục người ta trở lại, anh em đã trở thành, bất dĩ thôi, giáo sư và sinh viên. Họ tranh đấu để giữ được sự tự do trong khi vẫn muốn hưởng những đặc ân thuộc qui chế đại học. Ðặc biệt, họ muốn học thần học mà không phải thi lấy bằng về các môn khác; họ muốn lập các ghế giáo sư và thi lấy bằng đại học trong trường riêng của họ. Về phía bên kia, các giáo sư người đời không chỉ muốn bắt các anh em qui thuận. Họ chống đối các quyền thành lập một dòng vừa là sinh viên vừa là giảng viên. Cho rằng mình có một thánh Bonaventura và một thánh Thomas, các anh em không phải khó khăn để bảo vệ những lý tưởng của mình, nhưng các anh em vướng phải một nhóm đồng chí, như Gerardo da Borgo san Donino. Ông này xử dụng những lời tiên tri của Joachim de Fiore để giới thiệu các anh em hèn mọn như những tông đồ của vương quốc tương lai của Thánh Linh. Các anh em rất có thể bị đánh tơi bời, nếu không có sự bảo trợ của giáo triều qua tư thế của đức Alexandre IV: giáo hoàng đã dùng hết uy quyền của mình, nhảy vào vòng chiến và lên án các địch thù của anh em. Ngài củng cố vị trí của họ đang có ở Paris qua sắc chỉ Quasi lignum vitae (1257). Từ đó các anh em giữ được một vị trí chắc chắn về mọi mặt chính yếu. Khi muốn chống đối các giáo sư đời, đức Alexandre IV cũng tuyên bố một cách long trọng như trước đây đức Grégoire IX đã làm, trong sắc chỉ Parens scientiarum (1231). Sắc chỉ này đã trở thành đại hiến chương của đại học. Nhiều người cho rằng thuyết Gallican đã múc nguồn từ cái mối hận thù mà những người thuộc giới đại học đã hậm hực khi tỏ ra chống đối quyết định của giáo hoàng trong cuộc tranh luận này. Thánh Phanxicô đã nhắn nhủ các anh em phải giảng sám hối trong tinh thần hoàn toàn phục tùng giám mục giáo phận mình đang lưu trú. Về phần mình, thánh Ðaminh cũng chuẩn bị các anh em giảng thuyết chống người ly giáo để ủng hộ nghĩa binh, chống đối phái Albigeois. Khi hai dòng đã cho người đi khắp Âu Châu, vừa giảng vừa giải tội, được hưởng đặc ân và các miễn chuẩn giáo triều, thì một tình trạng mới dần dần xuất hiện: các giám mục và linh mục giáo xứ thấy rằng các anh em xâm lấn vào chức vụ và nguồn lợi tức của mình. Trong mấy thập niên, giáo triều tiếp tục ban nhiều đặc ân cho các anh em. Như chúng ta đã thấy, mọi cuộc tấn công chống đối lý tưởng và quyền của các anh em chọn làm kẻ hành khất và người tông đồ đều thất bại. Nhưng còn lại những khó khăn thực tế. Trước nỗi bất bình mỗi ngày mỗi gia tăng của các giám mục, đức Innocent IV trong sắc chỉ Etsi animarum (1254), đã không muốn giáo dân tự do vào nhà thờ của các anh em và cấm anh em không được giảng hay giải tội trong những nhà thờ giáo xứ khi chưa được linh mục đón mời. Mấy ngày sau, giáo hoàng qua đời. Nhiều anh em đã khai thác biến cố này. Vị kế ngôi, đức Alexandre IV bãi bỏ sắc chỉ bị thù ghét kia. Dầu vậy những vụ đụng độ vẫn tiếp diễn, và lên tới tuyệt đỉnh tại công đồng Lyon II (1274): ở đây người ta đề nghị một sắc lệnh bãi bỏ hết các tổ chức dòng tu mới. Vì trong số các hồng y xuất sắc có thánh Bonaventura (ofm) và Pierre de Tarentaise (op) và nhiều nghị phụ cũng là các anh em, cho nên việc đề nghị một sắc lệnh như vậy chỉ đưa đến thất bại. Thế nhưng, sắc lệnh lại miễn trừ vô điều kiện các anh em hèn mọn và anh em giảng thuyết. Còn các ẩn tu sĩ thánh Augustin và dòng Carmel thì tạm hoãn, nhưng thực tế là hoãn mãi mãi. Các anh em ở Sac và những nhóm nhỏ khác bị bãi bỏ dứt khoát. Nhưng có mấy nhóm, như các anh em Thánh Giá ở Anh, đổi thành các kinh sĩ và sống mãi tới thời cải cách. Sau công đồng, còn có mấy dự tính hòa giải khác. Nhưng tất cả hy vọng đều bị đức Martin IV đánh tan hết: ngài ban bố sắc chỉ Ad fructus uberes (1281) cho phép các anh em được giảng và giải tội khắp nơi và không cần phép tắc gì cả. Ngài còn cho các bề trên khất thực được độc quyền thanh tra và bổ nhiệm các linh mục giảng thuyết và giải tội. Người ta không thể đi xa hơn trong các đặc ân Ad fructus uberes. Ðây là ngọn sóng cuối cùng của đại thủy triều quyền chuyên chế của giáo triều: dưới triều đức Innocent IV, đã xâm chiếm tất cả các quyền hành của giám mục địa phương. Thời điểm thật nghiêm trọng. Với quyền phổ quát thường, giáo hoàng đã lấn át hết các quyền, giám mục chỉ còn là những cha sở, hoàn toàn lệ thuộc giáo triều với quyền truyền chức và tấn phong mà thôi. Mọi bổng lộc đều nằm trong tay các ”quản lý”. Còn các anh em lo việc giảng Phúc âm, giải tội và chôn cất các giáo dân trong chính khu vực của mình. Nhiệm vụ truyền thống của giám mục theo chế độ quân chủ đã biến mất dần dần. Có điều nghịch thường là đức Boniface VIII đã cứu vãn tình thế. Ngài đặt định các sự việc cho có trật tự nhờ vào sắc lệnh khôn ngoan Super Cathedram (1300). Trong số những điều qui định, ngài bắt buộc các anh em khất thực phải xin phép linh mục trước khi giảng và giải tội trong một giáo xứ, còn giám mục thì chỉ ban phép cho một số người nhất định đến xin phép mình. Super Cathedram bị đức Benoit XI (op) bãi bỏ, nhưng đức Benoit không sống lâu. Ðấng kế vị công bố lại sắc lệnh của đức Boniface. Sắc lệnh được thi hành suốt thời Trung Cổ. Các linh mục xứ và các giám mục còn tranh chấp với các anh em khất thực trong những năm tiếp theo. Nhưng các anh em không bao giờ còn đe dọa làm quân binh giáo triều với những đặc ân để phục vụ giáo dân trên đầu trên cổ các giám mục và linh mục giáo xứ nữa.
Sau khi Jean XXII đã làm cho phe tâm linh phải im hơi lặng tiếng, các anh em hèn mọn vẫn chưa hết truyện. Cho dầu có giải thích và thi hành luật đó thế nào đi nữa, các anh em Phanxicô vẫn nghĩ rằng sự nghèo khó của mình là noi gương bắt chước đặc biệt sự nghèo khó của Ðức Kitô, mà sự nghèo khó này của Người thì tuyệt đối. Từ đó, họ có thể tưởng tượng rằng việc họ bắt chước sống nghèo khó như Ðức Kitô, là việc làm có giá trị nhất. Họ cho rằng điều này đã được đức Nicolas III khẳng định trong sắc chỉ Exiit. Công việc đã đi tới một khúc quặt nghiêm trọng khi một viên thẩm tra Phanxicô từ chối không lên án một người anh em thuộc phe tâm linh là tà giáo, vì người này nhất quyết Ðức Kitô đã chối bỏ hết mọi quyền tư hữu. Ðức Jean XXII nhất định dập tắt cuộc tranh chấp một lần cuối cùng. Sau khi đã thăm dò các thần học gia, đức Jean XXII cho công bố sắc chỉ Quia nonnumquam (3.1322), trong đó ngài tuyên bố rằng Ðức Kitô và các tông đồ là thủ lãnh và hoàng thân của Giáo Hội, đều có những tài sản, cho dầu về tư cách cá nhân, các ngài có quyền từ bỏ. Ðiều này gây tai tiếng trong hết các câu lạc bộ Phanxicô. Trong hội nghị Pérouse, tháng 6, dưới sự điều hành của thừa tác viên cả là Michel de Cézène, dòng khẳng định rằng sự nghèo khó tuyệt đối của Ðức Kitô là một giáo thuyết được mọi kitô hữu công nhận. Ðức Jean XXII đáp lại bằng sắc chỉ Ad conditorem canonum (tháng 12 năm 1322) bãi bỏ mọi quyền sở hữu của giáo triều trên những cơ sở của dòng Phanxicô và trả lại cho anh em những cơ sở mà anh em xử dụng nhưng vẫn chối quyền sở hữu. Các anh em cực lực phản đối. Giáo hoàng liền thay đổi cách xử sự, chiếm lại các bất động sản của các anh em mà ngài đặt đối diện với những của dễ hư hỏng. Nhưng khi phong Thomas lên bậc hiển thánh (thường thánh nhân rất dè dặt khi giảng dạy về sự nghèo khó) và hơn nữa, khi công bố sắc chỉ Cum inter nonnullos (1323) long trọng lên án giáo thuyết chủ trương Ðức Kitô không có của cải gì cả, thì ngài đưa ra một quan điểm rất rõ ràng. Các anh em hèn mọn bước vào một giai đoạn rất khó khăn. Nhiều người chấp nhận những lời tuyên bố và việc làm của đức giáo hoàng. Khá đông những người khác, theo ý riêng của họ, được hoàng đế khuyến khích và chuẩn y từ xa. Michel de Cézène đứng vào phe đối lập. Ðược triệu tập về Avignon để thanh minh, ông đã trốn mất vào ngày 26 tháng 3 năm 1328, tố cáo giáo hoàng theo tà giáo và gia nhập vào phe hoàng đế. Ðức Jean XXII theo đuổi ông và công bố sắc chỉ Quia vir reprobus (16 tháng 11 năm 1329) tái khẳng định quyền sở hữu của Ðức Kitô. Nhưng trong suốt giai đoạn còn lại của triều đức Jean XXII, nhiều nhóm anh em hèn mọn vẫn ở trong ly khai, đặc biệt ở Ðức, đang khi đó, Guillaume d'Occam tung ra những bài đả kích quan điểm của giáo hoàng.