CHƯƠNG XXVIII
CÁC ANH EM
I. NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN.
CHƯƠNG XXVIII
CÁC ANH EM
I. NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN.
Ðức Innocent III và các chứng nhân có thẩm quyền khác đã phàn nàn rằng cả Âu Châu đang rơi vào cuộc khủng hoảng về sinh hoạt mục vụ và về đời sống thiêng liêng mỗi ngày một trầm trọng, đang suy thoái về sinh hoạt tôn giáo cả phẩm chất lẫn thực hành; đồng thời nhu cầu của đời sống thành phố gia tăng và giữa giai cấp trưởng giả phát sinh nhiều tà giáo. Các vị không thể đoán trước được trào lưu mới sẽ làm cho thế kỷ XII thành một thời kỳ có nhiều hăng say và sáng kiến mục vụ, tông đồ, có nhiều sinh hoạt trí thức sôi động, hình thành một mẫu đạo đức mới, tràn đầy ân sủng huyền nhiệm.
Chúng tôi đã nhắc tới những nhóm người, nam cũng như nữ, trong các đô thị, họ sống chung khó nghèo và họp nhau để cầu nguyện và nghe giáo huấn. Một số ly khai. Một số khác được Giáo Hội cứu vãn, nhờ đức Innocent III đã có tinh thần quảng đại, không coi họ là những người ly khai nhưng coi họ như luôn ở trong Giáo Hội. Sống nghèo khó và nghe giáo huấn thị đã nằm trong chương trình. Nhưng thánh Phanxicô và thánh Ðaminh không chỉ làm cho trào lưu hiện có được phát triển. Ðaminh nhiều tuổi hơn Phanxicô và được chính thức công nhận trước. Nhưng Phanxicô có một bản ngã và một sứ điệp xem ra hoàn toàn mới mẻ và quyết định. Chính ông khai sáng hình ảnh và ơn gọi ”làm anh em”. Hơn nữa Ðaminh vẫn là con người của thời đại mình, mặc dầu thánh thiện và sáng suốt ít ai có. Phanxicô là một trong những nhân vật làm biến chuyển lịch sử. Ông mở ra những nhãn quan mới trong thế giới bao bọc ông, trong tâm tưởng loài người, trong sứ điệp Phúc âm và trong đời sống tôn giáo tự nguyện của rất nhiều Kitô hữu. Mặc dầu đều hoàn toàn là người thời Trung Cổ, nhưng thánh Bernard, thánh Phanxicô và Dante là ba nhà khai sáng mà thế giới thời nay đã tiếp nhận một phần tu đức của các ngài, mà con người hiện đại tự nhận thấy mình có một chút gì của ba nhân vật ấy.
Phanxicô (1181/2-1226) là con một thương gia giàu có ở Assise. Ông đã bỏ tuổi thanh xuân vui thú và dễ dãi, những tham vọng sự nghiệp binh đao, để đi ẩn tu. Rồi ông đi làm không công nơi cư trú để rồi cuối cùng đi rao giảng. Nhiều người khác đi theo ông. Nhóm anh em nguyên thủy sống trong nghèo khó hoàn toàn, phù hợp với bản văn Phúc âm. Anh em làm việc để sinh sống và không có chỗ cư trú nhất định. Họ rao giảng sám hối (nghĩa là việc trở lại hoàn toàn) và yêu thương nhau như anh em. Sau khi bị từ chối lần đầu, phương án của Phanxicô được đức Innocent III chuẩn y bằng miệng năm 1210. Ban đầu, Phanxicô không có ý định sáng lập một tổ chức, nhưng vì ông là một người có bản ngã hết sức quyến dũ và vì ông hô hào một lối sống mà hàng nghìn người đang phấp phỏng chờ mong, nên ông thu hút được rất nhiều người ở vùng Trung nước Ý. Thế là ông thấy cần phải cung cấp cho phong trào một thứ qui luật rõ rệt và có tính cách một thể chế. Năm 1217 các ”tỉnh” được thành lập với các ”anh trưởng”. Các nhóm anh em được phái đi truyền giáo ngoài nước Ý, bên kia nước Alpes. Phanxicô chống đối mọi hình thức tổ chức quá chặt chẽ và ông trẩy đi Palestine. Trong khi vắng ông, các anh em có trọng trách về phong trào liền xin đức Honorius III công bố một sắc chỉ bắt phải có một thời gian thực tập một năm, tuyên thệ lời khấn và kiểm soát việc giảng dạy. Phanxicô đã thôi, không cai quản trực tiếp anh em nữa. Ông chống đối sự khép vào luật lệ như thế. Nhưng, vì mọi sự việc dồn ép, ông đành soạn một qui luật (gọi là Regula prima, đệ nhất luật) năm 1221, trình bày lý tưởng của ông một cách chính xác ngần nào có thể. Nhưng theo nhận định của các luật gia, bấy giờ được coi là phát ngôn viên của anh em, thì quy luật của Phanxicô còn quá khắt khe và quá mơ hồ. Dầu vậy, Phanxicô vẫn giữ vững lập trường trong một thời gian lâu. Sau cùng ông soạn một qui luật khác (gọi là Bullata 1223), ngắn hơn nhưng có những chi tiết mới, liên quan tới tổ chức và lẩy bỏ một số bản văn Phúc âm mà những vị cao cấp trong dòng cho là quá nghiêm khắc. Thế là trong suốt một thế kỷ, nhiều nhóm anh em đã lần lượt manh nha: nhóm anh em ”đồng hành tiên khởi”, nhất quyết theo Phúc âm một cách trọn vẹn và đúng như chữ đã in; phe các ”anh trưởng” muốn hy sinh, đơn giản hóa quy luật để có một guồng máy cai trị mạnh thế và hữu hiệu; sau cùng phe những người có học thức và nhiệt tình, muốn một qui luật chặt chẽ nhưng cũng có thể tham gia vào các hoạt động trí thức và mục vụ của thời đại. Năm 1224, lâm bệnh và chịu đau đớn do những thương tích, Phanxicô từ giã anh em, chỉ đem theo một nhóm đồng chí thuở ban đầu. Ông đã tắt thở ở Assisi năm 1226, ít lâu sau khi đã thảo chúc thư, trong đó nhắc lại một cách hết sức đơn sơ: cấm có tư sản và các đặc ân, phải coi chừng việc học khoa bảng
Trong khi các anh em hèn mọn hăng hái và nhiệt thành, thì các anh em giảng thuyết đóng trụ trong miền Languedoc. Ðaminh, kinh sĩ ở Osma đã từ giã Tây Ban Nha đi theo giám mục giảng Phúc âm cho người ngoại giáo vùng Marches thuộc Ðan Mạch và nhận thấy mình có ơn gọi đi lao động giữa những người thành Albi. Năm 1205-1207 ông chiêu mộ các đồng chí và lập một dòng nữ. Ông qua Roma năm 1215, ngay sau khi công đồng Latran đã quyết định cấm chỉ việc sáng lập tu viện mới. Ðức Innocent III chuẩn y dự án của Ðaminh và khuyên ông nên chọn một qui luật hiện hành. Dĩ nhiên Ðaminh đã chọn luật thánh Augustin. Thế là qui luật Ðaminh được thiết lập từ cơ sở chật hẹp này. Sau 1218 vị sáng lập mở rộn g tầm hoạt động của dòng: một dòng các giáo sĩ được đào luyện kỹ lưỡng về giáo huấn thần học; sau việc thánh hóa bản thân, mục tiêu chính yếu là giảng giáo lý công giáo ở khắp các nơi nào thấy cần. Việc các linh mục được huấn luyện chu đáo và chuyên lo đi rao giảng, là một điều mới lạ ở Âu Châu. Giảng thuyết viên chính thức (ex officis) là giám mục. Nhưng ở đây, đức Innocent đã hiểu các nhu cầu của thời đại và đã ban phép lành cho anh em dòng giảng thuyết. Những hội nghị dòng năm 1216 và 1220 đã hoàn tất về chi tiết các qui chế của dòng. Trước hết một chế độ gần như dòng tu được thiết lập trong các nhà của anh em. Rồi một hệ thống huấn luyện thần học được hiệu chính, mỗi nhà có ”tiến sĩ” của mình, mỗi tỉnh có trung tâm học hỏi. Hội dòng có những trung tâm cao học ở Paris, Oxford, Cologne, Montpelier và Bologne. Ðồng thời một hệ thống phức tạp về đại diện và bầu cử được thiết lập cho các hội nghị nhà dòng, tỉnh và toàn thể. Một bề trên cả được đặt làm đầu dòng. Hệ thống này có một đặc điểm: các bề trên đều phân cấp bậc trong phẩm trật, dầu là lâm thời, trừ ở chóp đỉnh; một tiểu ban có đầy đủ quyền trong hội nghị tỉnh; một hội nghị chung mà các thành viên được bầu cử hai năm trên ba một lần. Ðó là có sự bãi bỏ những nguyên tắc cai trị ”phụ mẫu” để nhận hệ thống điều hành, trong đó người được chọn theo khả năng biết cai quản và theo trình độ học vấn. Chúng ta có thể nói rằng Ðaminh đã sáng chế ra hệ thống hiện đại, cai trị bằng các ủy ban.
Phanxicô không muốn lập một dòng. Ban đầu, Ðaminh không nghĩ rằng các đồ đệ của mình sẽ trở thành anh em. Nhưng hai chục năm sau khi hai vị sáng lập qua đời, thì cả hai tổ chức, trước mắt một quan sát viên hời hợt, chỉ có sự khác biệt nhau ở mầu sắc áo mặc. Cả hai vị thánh đều biết nhau và khâm phục nhau. Các đồ đệ hai bên đều gặp nhau trên đường và trong các chợ ở Âu Châu. Người ta nói rằng các anh em hèn mọn đã biến đổi các giảng thuyết viên thành anh em và thành hành khất, còn các giảng thuyết viên thì biến đổi các kẻ hèn mọn thành dòng chăm chú học hành. Cả hai dòng đều phủ nhận những khẳng định này, những khẳng định sỗ sàng này có thể bị phản kháng. Dĩ nhiên Ðaminh đã chọn nghèo khó cho dòng mình, trước khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng Phanxicô. Ðúng hơn phải nói cả hai dòng đều được lên khuôn theo những nhu cầu và tư tưởng của thời đại, cả hai đều hiện diện ở những thành phố có đại học, các nhà thuyết giáo thì để học hỏi và suy tầm, còn các anh em hèn mọn thì để đưa các linh hồn về với Ðức Kitô. Họ đều là những nam châm thu hút sinh viên và giáo sư xuất sắc nhất. Chỉ trong mấy năm, các nhà của anh em đã có những thần học gia lỗi lạc nhất Âu Châu. Từ mỗi dòng đã phát sinh một vĩ nhân để làm khuôn vàng thước ngọc cho những thế hệ tiếp sau. Với cuốn Truyện Thánh Phanxicô và những hiến chế ở Narbonne (1260) thánh Bonaventura chấp nhận đường lối trung dung (via media), thỏa hiệp chặt chẽ giữa chúc thư và lối giải thích khoan hòa. Mặc dầu không bao giờ tham gia vào việc điều khiển dòng mà mình là thành viên, thánh Thomas d'Aquin trong những tác phẩm của ông, đã mang lại những hướng dẫn rành mạch về đời sống cụ thể theo tinh thần Kitô giáo, và định nghĩa đời sống tu trì với những bổn phận phụ thuộc. Thế là ông đã đề ra một hình thức sống lý tưởng thiêng liêng và thực hành của các anh em thuyết giáo, điều mà cho tới bấy giờ vẫn còn thiếu. Cả hai dòng đều phát triển nhanh chóng theo đuổi những mục đích như nhau. Nhóm thừa sai tiên khởi đã đi tới các đô thị chính của địa phương và từ đó tỏa ra những thành phố quan trọng. Trong số đó nhiều nơi có trường đại học. Rồi từ đó các anh em tràn đi hết các thành phố lớn và một số đô thị nhỏ. Thường thì trong một thành phố không có hai nhà, cho dầu thành phố đó có dân cư đông đúc. Rất sớm, cả hai dòng đều chia thành tỉnh do các bề trên nhà hay các bề trên tỉnh quản trị. Vì thế, trong mỗi dòng có ba cấp bậc. Nhà các anh em, dưới sự điều khiển của cha giữ nhà (O.F.M.) hay bề trên (O.P.) là thành viên của tỉnh, do một bề trên tỉnh quản trị. Tỉnh lại ở dưới quyền bề trên cả. Nhà, tỉnh và dòng họp hội nghị thường xuyên. Trong mỗi dòng, hội kinh sĩ có nhiệm kỳ ba năm (O.F.M.) hay một năm (O.P.) và có toàn quyền trong thời gian hội họp. Nhưng bề trên cả dòng Phanxicô có nhiều quyền rộng rãi hơn bề trên cả dòng Ðaminh. Dòng Ðaminh đã nhanh chóng tổ chức một hệ thống học tập cho dòng. Mỗi nhà dạy văn chương cấp sơ đẳng, dĩ nhiên bao hàm triết học và thần học cơ bản. Mỗi tỉnh có một hay nhiều ngành chuyên biệt (studia particularia) có các sinh viên thông thường theo thần học đến học. Cuối cùng thường có một số ngành học tổng quát (Studia generalia) tại những thành phố có trường đại học như Paris, Bologne và Oxford, và người ta có thể gửi những sinh viên giỏi ở các trường tỉnh đến đó. Như vậy, lần đầu tiên, Giáo Hội Tây phương có một dòng hoàn toàn có cơ cấu và siêu quốc gia mà không một thành viên nào có cư trú riêng và cố định. Trái lại, mỗi người có thể và thường thường là di chuyển từ nhà này qua nhà khác, và cả từ tỉnh này qua tỉnh khác hoặc được phái đi truyền giáo theo lệnh của bề trên cả, ra ngoài cả ranh giới tỉnh. Hơn nữa, trong khi các dòng tu sĩ và kinh sĩ quan tâm đến những tiến triển tâm linh của cá nhân, căn cứ vào việc tuân giữ phụng vụ và luật dòng, thì các bề trên dòng anh em, chủ yếu quan tâm đến việc phân phối các phần tử của dòng chiếu theo nhu cầu giảng dạy và truyền giáo. Trong khi các tu sĩ và kinh sĩ ở yên học hành thì các anh em lại đi hoạt động. Họ có thể được tung ra và được xử dụng như những toán quân theo mục tiêu nhằm tới. Một việc ít có trong lịch sử, cả hai dòng sớm nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của giáo triều. Những liên hệ này đã được xác nhận về sau. Thế là giáo triều nắm trong tay một kiểu mẫu quân đội mới và có thể xử dụng như chưa bao giờ làm được với các tu sĩ, kinh sĩ hay giáo sĩ triều nói chung.
Như các tu sĩ Citeaux một thế kỷ trước, những dòng anh em tiên khởi đã được nhiều người bắt chước. Ðặc biệt có hai tổ chức ẩn sĩ đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi hai dòng anh em. Tổ chức thứ nhất là nhóm các ẩn sĩ núi Carmel, bị người Hồi giáo trục xuất khỏi Palestine và tới định cư tại Sicile, miền nam Ý, bên Tây Ban Nha và nhất là tại Anh quốc. Dần dần những nhóm này đón nhận tinh thần và chương trình sống của hai dòng anh em và một qui chế tương tự như quy chế của các anh em thuyết giáo. Tổ chức thứ hai gồm các nhóm ẩn sĩ Ý mà mấy vị giáo hoàng, như đức Innocent IV và đức Alexandre IV, đã thống nhất và lập thành dòng hành khất (1256) gọi là các ẩn sĩ Augustins. Họ cũng nhanh chóng đồng hóa với các dòng anh em. Nhiều nhóm bé nhỏ khác cũng xuất hiện và đáng trọng kính, trong đó phải kể đến các anh em dòng Thánh Giá.
Những bất hạnh và những lầm lạc của các anh em hèn mọn đã không tránh được sự soi bói của các sử gia thế kỷ XIII. Tuy nhiên không vì thế mà coi nhẹ những công trình vững chãi và xuất sắc mà dòng đã thực hiện được. Hoàn toàn biệt lập với những học đường, trong đó họ cùng với các anh em thuyết giáo, đã chi phối sinh hoạt trí thức Âu Châu, các anh em Phanxicô còn là những thừa sai mạo hiểm nhất và có hiệu quả nhất trong suốt thời Trung Cổ. Hơn một thế kỷ trước đó, họ đã đi sâu vào Trung Quốc, họ đã gầy tạo và duy trì được một Giáo Hội thịnh vượng với một hàng giáo phẩm xuất thân từ người bản xứ. Ðã có những anh em, với tính cách cá nhân, đi tới nhiều miền ở ngoài ranh giới Kitô giáo. Nhờ việc giảng dạy và dẫn dắt tâm linh, qua trung gian ”dòng ba” người đời làm việc sám hối, chỉ không đầy một nửa thế kỷ, họ đã gây được một ảnh hưởng rộng rãi và hữu ích trên mỗi nước tại Âu Châu. Các dòng anh em, đặc biệt anh em Phanxicô, luôn là những dòng đông tu sĩ nhất. Họ luôn luôn sống thiện cảm và thân thiết với quần chúng. Họ làm phát triển những trào lưu có nhiều ảnh hưởng kín đáo nơi giáo dân đạo đức và cho bén rễ sâu vào những hoat động tông đồ của các gia đình thành thị. Các anh em là bộ phận trong toàn bộ sinh hoạt tôn giáo và xã hội của thế kỷ XIII và XIV. Các anh em Phanxicô có mặt trên cả thế giới, trong mọi sinh hoạt xã hội, hơn hẳn các dòng anh em khác.
Tuy con số Ít hơn, anh em Ðaminh cũng gần như có mặt ở khắp nơi. Nhưng nhờ cách tổ chức sát với đời sống tu trì hơn, nhờ lòng ái mộ việc học khoa thần học, anh em thuyết giáo có phần gần lối tu viện cổ điển hơn. Từ những buổi đầu, các giáo hoàng thường dùng họ làm phái viên và các vua chọn họ làm linh mục giải tội. Họ giữ trong các triều đình thế kỷ XIII một vai trò tương tự như vai trò dòng Tên vào thời kỳ Phản Cải Cách. Nhờ có thuyết chính thống vững chắc, có những qui chế tuyệt hảo, và có lập trường lý luận chín chắn, các ngài yên tâm đứng ngoài những tham vọng, vượt được những âu lo và những tranh luận làm xáo động các anh em Phanxicô.
Hai dòng khác, dòng Carmel và dòng ẩn tu thánh Augustin, không được tổ chức theo qui chế dòng quốc tế. Họ chỉ có quy chế này vào hậu bán thế kỷ XIII. Giai đoạn họ có ảnh hưởng lớn hơn cả là thế kỷ XIV, như chúng ta sẽ thấy sau. Mặc dầu có một số điểm độc đáo trong cách tổ chức, các nguồn tư liệu không cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa hai dòng này, xét về mặt tinh thần, hoạt động và lý tưởng; cũng không có những tương phản giữa hai dòng này với hai dòng anh em. Ðến muộn hơn, nên họ tham gia ít hơn vào giai đoạn sáng tạo thần học kinh viện. Tuy ít nhưng không kém phần xuất sắc.
Cũng như bao dòng tu đã có trước trong lịch sử, lý tưởng của các anh em đã lôi cuốn phái nữ rất nhiều. Ngay trước khi thành lập dòng anh em thuyết giáo, thánh Ðaminh đã thiết lập dòng chị em ở Prouille, gần Toulouse. Các nữ tu này yểm trợ thánh Ðaminh và các đồng chí của ông, bằng lời cầu nguyện và công việc phục dịch. Cũng vậy, thánh Clara thành Assisi và các nữ đồng chí đầu tiên đã khấn nơi thánh Phanxicô, khi tu hội hãy còn rất bé nhỏ. Về sau các bà nghèo khó hay Clarisses đã trở thành một dòng chiêm niệm khắc khổ. Có một tương phản rất rõ rệt giữa những đồ đệ tiên khởi của thánh Phanxicô luôn di chuyển và không sống cộng đồng theo qui chế, với đời sống kín cổng cao tường và theo qui chế tu viện (có thể thêm là theo ”quy chế cộng đồng”) các nữ tu. Dĩ nhiên là thế kỷ XIII không thể nhận các nữ tu không kín cổng cao tường. Nhưng thánh Phanxicô đã tỏ ra biết nhìn xa thấy rộng và chủ yếu không làm cách mạng, khi nhận, ít ra trong phạm vi này, để các chị em sống đời sống ”tu viện” truyền thống. Còn các nữ tu Carmel mãi cuối thế kỷ XIV mới ra mắt. Dòng này chỉ đạt tới vinh quang khi được thánh nữ Têrêsa cải cách ở Tây Ban Nha.
Các anh em đã đánh thức tinh thần truyền giáo của Kitô giáo Âu Châu. Họ đã lưu ý giáo triều về địa trường truyền giáo bao gồm Hồi giáo và Ðông phương. Thánh Ðaminh đã đi giảng Phúc âm cho dân ngoại miền Nam Âu Châu, khi ông khởi sự công việc của đời ông ở Languedoc. Còn thánh Phanxicô, ngài đi Ai Cập để thuyết phục ông vua Hồi giáo và những anh em Phanxicô đầu tiên được khuyến khích đi giảng Phúc âm cho người Maures và người Hồi. Cả hai dòng đều lập các tỉnh dòng trên Ðất Thánh (Phanxicô năm 1220, Ðaminh năm 1228). Ðaminh và Phanxicô đều học tiếng Ả Rập để giảng cho người Hồi. Dưới sự hướng dẫn của anh Elia, các anh em hèn mọn trẩy qua xứ Géorgie, tới Damas và Bagdad. Ít lâu sau các anh em Thuyết Giáo đến giảng ở Syrie và Batư. Cả hai dòng đều tiến vào Maroc, mỗi dòng đều có người tử đạo vào những năm đầu. Vào thời điểm Mông Cổ chiếm đóng năm 1241, giáo hoàng đã truyền cho anh em giảng về nghĩa binh thánh giá. Bốn năm sau, tu sĩ Phanxicô tên là Jean de Plan Carpin được đức Innocent IV phái tới vua Hồi ở Karakorum, bên Mông Cổ, phía Nam Irkoutsk ngày nay. Hai năm sau, anh Guillaume de Rubrouck lại được thánh Louis phái đi tiếp. Các anh khác vẫn còn tiếp tục được phái đến và làm cho người Trung Hoa trở lại đạo, thiết lập một tòa Tổng Giám Mục với mười tòa Giám Mục thuộc hạt. Các giáo hoàng ở Avignon và nhất là đức Jean XXII đã hết sức quan tâm tới địa trường truyền giáo Á Châu. Các giáo đoàn được thiết lập tại Ba tư với một tổng giám mục tại Turkestan và ở Ấn Ðộ. Trong hơn một thế kỷ, cho tới khi vua Thổ Nhĩ Kỳ là Tamerlan lên ngôi (1369) mới có một sợi dây liên lạc sơ sài về thương mại và truyền giáo vượt qua Trung Á, và đó là lần thứ hai Trung Quốc thấy qua loa thế nào là Kitô giáo. Sự xa cách và những cuộc xâm lăng đã cắt đứt cái dây liên hệ đầu tiên và làm tan biến dần những cộng đồng Ðông phương. Nhưng nhiều anh em đã vượt qua những khu vực rộng mênh mông để đi tới những dân tộc xa lạ chinh phục họ trở lại, mặc dầu có khó khăn về ngôn ngữ và về phong tục ngoại lai. Tất cả, họ được kể vào số những thừa sai xuất sắc và táo bạo nhất trong lịch sử Giáo Hội.