CHƯƠNG XXVII
GIÁO HỘI VÀ NGAI VÀNG -
CHƯƠNG XXVII
GIÁO HỘI VÀ NGAI VÀNG
- CHÍNH ÐỀ VÀ PHẢN ÐỀ.
Trong khoảng sáu chục năm, từ cuộc bầu đức Innocent III cho tới khi đức Innocent IV qua đời (1189-1254), tất cả là những vị giáo hoàng có bản lãnh cương nghị, đã cai trị Giáo Hội. Ðó là những người trung thực, thông minh và có lý tưởng tông đồ cao cả. Các ngài đã hiến thân trọn vẹn để duy trì và gia tăng quyền tối thượng của Ngai Tông Ðồ. Hơn nữa, tất cả, các ngài rất thông thạo Giáo Luật, môn này được giảng dạy ở Bologne và thi hành ở giáo triều. Chúng ta đã thấy đức Alexandre III, vì đi trước các giáo hoàng ấy cũng đã được đào tạo kỹ lưỡng về giáo luật. Chúng ta cũng đã thấy vị giáo hoàng lỗi lạc hơn cả, đã lên ngôi năm chục năm sau, đức Boniface VIII. Trong một dịp có đủ bá quan, ngài đã nhắc cho các đối thủ biết, ngài đã bỏ ra bốn chục năm để học bộ sắc lệnh của Gratien và các bản sắc chỉ (1). Xét chung, bấy giờ căn bản giáo luật rất quan trọng cho việc bành trướng chính sách giáo triều. Thật vậy, các luật gia là những người đầu tiên (cho dầu công cuộc chỉ được hoàn thành do các chính luận gia của học đường Paris) áp dụng rộng rãi giáo thuyết cổ xưa và cơ bản về quyền tối thượng của giáo hoàng, và từ đó đức Grégoire VII và những người kế vị ngài đã rút ra các điều khoản truyền thống của Giáo Hội. Những khảo cứu mới đây cho thấy rõ ràng: những quan niệm giáo luật bấy giờ không thống nhất (2). Chúng ta sẽ thấy sau rằng nhiều nhà giáo luật chủ trương thuyết công đồng hay tập đoàn trong việc thành lập Giáo Hội. Nhưng trong thế kỷ giữa triều đại đức Alexandre III và sự trưởng thành của Benedetto Caetani (Boniface VIII), thì trào lưu chính trong tư tưởng giáo luật cứ dần dần hướng về việc khẳng định quyền phổ quát của giáo hoàng. Trong trường hợp ba vị trên bốn giáo hoàng đang nói ở đây (trừ đức Honorius III), đều giảng dạy ở Bologne và đều áp dụng cho Roma. Những quan điểm đã được đưa ra thể hiện bằng hành động, và mỗi lần hành động lại tạo nên những quan điểm mới. Ðược bầu làm giáo hoàng sau một thời gian giảng dạy đại học nổi tiếng, đức Innocent IV không những đã thực hành những điều mình dạy, mà khi là giáo hoàng, còn tiếp tục dạy bằng những thực hành cụ thể nữa. Mối liên quan chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành này, mà người ta gọi là ”hai thân thể” của giáo hoàng bấy giờ, phải được quan tâm cách đặc biệt khi muốn phân tích những tham vọng của giáo triều thời Trung Cổ. Với tất cả những dè dặt phải có, người ta có thể coi việc đào tạo các nhà giáo luật như việc ủ trái cây trong phòng nóng cho mau chín muồi, và đừng vội lấy ra kẻo trái cây bị chín ép. Công việc sưu tầm mới đây đã thay chiều đổi hướng nhiều quan niệm lịch sử; nhiều sử gia đồng ý coi việc cải cách Grégoire như một trào lưu đưa đến sự phân chia đạo và đời, để hiểu rằng giáo hoàng là cha về phần đạo của hết mọi người, còn quyền của hoàng đế luôn nhằm mục đích mưu ích cho Giáo Hội, vì thế, ông có thể bị khiển trách, bị vạ tuyệt thông và bị truất ngôi nữa, nếu ông hành xử quyền bính trái ngược công ích. Các vị giáo hoàng nổi tiếng ở thế kỷ XII, đặc biệt đức Adrien IV và đức Alexandre III, đều nhấn mạnh giáo thuyết ấy trong cuộc chiến với Frédéric Barberousse.
Ðược thừa hưởng những quan điểm của Uguccio de Pise, ông thầy của mình ở Bologne, đức Innocent III ngay ở buổi đầu, chủ trương rằng: quyền đạo và quyền đời đều phải phục tòng giới luật Thiên Chúa, nhưng quyền đạo thì bao quát và cao cả hơn về chức vụ. Với tính tình và thiên tài đặc biệt, ngài đã quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị tại Âu Châu, ngài trở thành người cha thiêng liêng, dung hòa mọi quyền lợi đối lập, nhất là ngài đóng địa vị quan tòa và trọng tài tối cao trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực chính trị cấp cao, là lãnh vực mà những hành động tội lỗi của con người có thể đưa đến những hậu quả rất mực tai hại. Gần như ngài luôn hành động theo quan điểm riêng của ngài. Ngài có óc thực tế. Ngài là một quan sát viên rất sáng suốt, biết nhìn địa trường Âu Châu theo một quan điểm rất cao và biết dùng địa vị cao của mình để phục vụ hòa bình. Những hành động của ngài bao giờ cũng mang một cơ cấu trí thức kiên vững. Người ta nhận ra điểm này của ngài trong việc dàn xếp cuộc tranh chấp dữ dội giữa vua Jean d'Angleterre (kêu cầu tới ngài) và vua Philippe de France. Ngài đã tuyên bố: Ngài không phân xử giữa một ông vua và một chư hầu tranh dành lãnh thổ, nhưng ngài xử giữa hai người đang ở trong trường hợp mà một người đã làm điều sai trái và bị đưa ra tòa (3). Thế là cửa đã rộng mở, ngài đã công khai cứu vãn tính cách tự trị của quyền đời. Nhưng người ta thấy, rải rắc trong các thư của đức Innocent III, những phán đoán mở rộng và đào sâu các tham vọng của ngài. Giáo hoàng là đại diện Ðức Kitô, đại diện Thiên Chúa, được đặt trên các dân, các nước để nhổ và phá, xây và trồng, được toàn quyền của Thiên Chúa hơn là của loài người. Uy quyền của giáo hoàng đối với uy quyền của nhà vua giống như mặt trời với mặt trăng. Tuy có những suy nghĩ như vậy, đức Innocent III vẫn cho rằng: tuy phụ thuộc, quyền của vua chúa là quyền có thực, chứ không phải quyền phụ. Trong sinh hoạt chính trị, về số lượng cũng như về chiều sâu và bề rộng, đức Innocent III vượt hẳn các vị tiền nhiệm và cả những người kế vị về sau. Ðức Innocent III xử dụng quyền bính như một người cha thiêng liêng lỗi lạc, phục vụ những lợi ích lớn lao, đảm nhận các trọng trách nặng nề, hơn cả một ông hoàng chuyên chế độc tài. Vì thế ngài đạt được nhiều thành công và ít khi bị phật ý. Một điều hiển nhiên và không thể bỏ qua, là vào thời đó, cả Tây âu đều xác tín mình phải nên một với Giáo Hội Ðức Kitô và giáo hoàng thực sự được Thiên Chúa ủy nhiệm cầm đầu Giáo Hội. Người ta cũng xác tín rằng: có những quyền tự nhiên, quyền thuộc phạm vi xã hội và chính trị, cũng do Ðấng Tạo Hóa thiết định trong chính cơ cấu của tạo vật có lý trí. Nhưng xác tín này đã bị suy yếu từ lâu, chỉ còn sót lại trong những mảnh vụn vặt của nền học thức cổ xưa hay còn nói tới trong một số trường hợp thật khẩn cấp được bàn giải theo kinh nghiệm. Vì thế, một lý luận gia hay một luật gia, hay nữa một chính trị gia thực tế, khi được chọn làm giáo hoàng, tất nhiên vị ấy được hoàn toàn tự do suy diễn cho tới cùng, những hệ quả cần thiết của lập luận: ”Ðức Kitô là Thiên Chúa, là thủ lãnh tối cao và là vua mọi người. Ngài đã ban mọi quyền cho Phêrô và các người kế vị Phêrô: Do đó...”
Hai vị kế tiếp đức Innocent III luôn tiếp tục chính sách đó, nhưng không quảng diễn nhiều về lý thuyết. Ðã không có cái thiên tài của vị tiền nhiệm, lại thừa hưởng di sản các lỗi lầm và thất bại của ngài, nên (nhất là Grégoire IX) các ngài công bố và sử dụng quyền hành của mình một cách tàn nhẫn và ít có tình phụ tử. Ðức Innocent IV lại hoàn toàn khác. Là giáo sư đại học nổi tiếng, ngài còn nổi tiếng là đi xa hơn đức Innocent III trong việc khẳng định quyền giáo hoàng. Nói về con người, ngài tỏ ra có ý chí mạnh mẽ, thiếu tinh thần thiêng liêng nhưng khôn khéo về chính trị. Theo ngài, Ðức Kitô và thánh Phêrô, cùng các người kế vị đã tiếp tục khai sáng một mẫu mực về việc cai trị thế gian với một quyền tối cao. Mọi quyền bính khác, ít ra là ở Tây phương, kể cả quyền của hoàng đế, đều ở dưới quyền của giáo hoàng. Giáo hoàng chuẩn y mọi cuộc bầu cử hoàng đế và truất phế những kẻ không xứng đáng. Hoàng đế có chức vụ là do giáo hoàng. Nhưng quan điểm trọng đại của triều đại đức Innocent IV trước hết không phải việc ngài trình bày một lý thuyết, nhưng là cách thức ngài xử dụng trọn vẹn quyền bính của ngài. Ðức Innocent IV mở rộng những yêu sách kinh tài của giáo triều. Ngài xử dụng quyền ban bổng lộc cho các giáo sĩ Roma hay cho những người khác, trong hết các nước Âu Châu. Không tha thứ, ngài dùng tới những vũ khí ”vạ tuyệt thông và cấm đoán” trong một vụ tranh chấp mà rốt cuộc, nó thuộc về phạm vi chính trị hơn là phạm vi thiêng liêng. Thế là ngài đã đem đến một biến chuyển tế nhị trong việc hành xử chức vụ giáo hoàng. Ít ra đó là ý nghĩ của những người có liên hệ với đức Innocent IV hay với các dịch vụ kinh tài của ngài. Họ còn cho rằng: nếu đức Innocent III đã đòi quyền tối thượng và xử dụng quyền đó để cai trị cho tốt (theo phán đoán riêng của ngài) đối với những người thụ quyền, thì đức Innocent IV lại dùng quyền tối thượng chỉ để mưu lợi ích cho chính giáo triều, cho mục tiêu chính trị của ngài, cho những quan điểm và những ai được ngài bao che. Không kể Kitô giáo thời nguyên thủy, ở mọi thời đại các giáo hoàng đều phải hành động trong những phạm vi rất khác nhau của Giáo Hội phổ cập (phạm vi đời cũng như đạo). Vì thế, luôn có thể tìm thấy nhiều ít lầm lỗi nơi những vị được tiếng là khôn ngoan nhất, cũng như nhiều ít hoạt động tốt nơi những vị mang tiếng là trần tục nhất, chỉ lo tìm kiếm những lợi ích thuần túy vật chất. Ðức Innocent IV cũng có những quyết định khôn ngoan và dấn thân làm nhiều việc hữu ích. Ngài là người mà Grosseteste trách móc, đã đến thăm thánh nữ Clara trên giường hấp hối. Nhiều sử gia đã theo sự công bằng, bênh vực ngài trước lời tố cáo chung: ”ngài là nguyên cớ đổ xuống giáo triều quá nhiều tai họa”. Dẫu sao triều đại ngài đã đánh dấu một khúc ngoặt trong lịch sử giáo triều. Từ đức Léon IX tới đức Grégoire IX, người ta có thể nói rằng: Nếu chỉ nhìn vào thế chế Âu Châu, ai cũng thấy giáo triều đã mưu lợi ích lớn cho Âu châu và đặc biệt cho những dân tộc công nhận quyền bính của giáo triều. Có thể nói: cách này hay cách khác, giáo triều không ngưng nghỉ tạo ích lợi cho các dân tộc. Nhưng phải nhìn nhận: kể từ triều đức Innocent IV, giáo triều bị chỉ trích và chống đối mỗi ngày một nhiều, đôi khi không phải là không có lý do.
Phần đông các vị giáo hoàng liên tiếp lên lên ngôi giữa đức Innocent IV và đức Bonifac VIII, không phải là luật gia chuyên nghiệp hay chính trị gia đại tài. Hơn nữa, vì không có hoàng đế nào được công nhận như hoàng đế thực sự, nên các ngài không bận tâm tiếp tục cuộc tranh luận về quyền bính. Thế nhưng, những nhà giáo luật, như Hostiensis đại nhân, vẫn tiếp tục diễn giảng lý thuyết của mình. Hostiensis có ảnh hưởng sâu xa và lâu dài. Ông theo đức Innocent IV và chủ trương ưu việt tính của quyền đạo, quyền đời chỉ hành động nhân danh quyền đạo, như cánh tay hành pháp của quyền đạo thôi. Ðiều đó có nghĩa là quyền đời (của hoàng đế và vua chúa) lệ thuộc trực tiếp vào quyền đạo. Ông cho quyền đời một phạm vi hoạt động thông thường và riêng biệt. Nhưng khả năng này vẫn là phụ và có thể bị quyền đạo thu hồi vì những lỗi lầm trong việc xử dụng.
Nhưng cái mà ngày nay chúng ta gọi là tư tưởng chính trị, lại được du nhập trong địa trường học hỏi của các nhà thần học. Có nhiều lý do. Trước tiên là cuộc tranh luận giữa Roma và Frédéric II, rồi việc đón nhận cuốn Chính trị của Aristote (Politique d'Aristote). Ðây là một trong những phần cuối cùng của toàn tập Aristote ít người đọc tới, trong đó các nhà kinh viện khám phá ra một lý thuyết và một xã hội được thiết lập trên quan niệm ”con người là một con vật xã hội, có những quyền lợi và những nhiệm vụ, trong đó, vấn đề tôn giáo theo nghĩa Kitô giáo không có chỗ đứng. Giữa thế kỷ XIII, các thần học gia và giáo luật gia không đồng tình thỏa thuận với nhau. Sự diễn tả cái ác cảm ấy nơi thánh Thomas d'Aquin là một trong những biểu lộ hiếm có về quan điểm riêng tư của mỗi người (4). Nên không có gì phải bỡ ngỡ khi thấy rất ít tiếng vang của những quan điểm cực đoan của đức Innocent IV hay của Hostiensis nơi các giáo sư Paris. Trong tác phẩm xuất bản lúc đã trưởng thành, thánh Thomas hình như đã chịu ảnh hưởng cuốn Chính trị của Aristote,là tác phẩm mới được truyền bá trong thế giới văn học của thời đại. Khi nhấn mạnh tới hành động chính trị, tự nhiên và căn bản của con người, thánh nhân đã đưa ra một lối giải thích mới về ”hai quyền” của Gélase. Nhưng đây là thời của các quan điểm cực đoạn. Ptolémée de Lucques, đồ đệ của thánh Thomas, chủ trương bào chữa quyền lợi của giáo triều: ông quảng diễn lý thuyết của ông trong cuốn về Thể chế các nguyên lý (De regimine Principium), bằng việc xử dụng tiền đề của Aristote về nguyên nhân độc nhất tối cao. Làm như vậy, ông muốn chủ trương quan niệm coi mọi quyền hành có thể được quy về một nguồn gốc duy nhất, nghĩa là quyền đạo (quyền thiêng liêng). Quyền này tự bản tính cao hơn quyền đời, như đầu đối với tứ chi và linh hồn với thân xác. Ðể trình bày lý thuyết của ông, Ptolémée đã lý luận dựa theo một hành động lịch sử của hoàng đế Constantin: ngài trao đế quốc Tây phương trong tay đức giáo hoàng Sylvestre.
Cái hệ thống đầy tham vọng này do các giáo hoàng và các luật gia dựng nên đã bị lung lay tới tận nền móng, khi phải đối đầu với thế lực đối lập là tinh thần dân tộc và chính phủ thế tục.
Sau khi đức Nicolas IV mất (1292), một mật hội kéo dài hai năm (để bầu giáo hoàng); hai phe Orsini và Colonna đi dần vào ngõ cụt. Ðể có lối thoát, họ tìm được một giải pháp tuyệt vọng, là bầu lên một ông lão già ẩn tu miền Abruzzes, người đã sáng lập một dòng khắc khổ và hầu như ẩn tu theo luật thánh Biển Ðức. Người mới được bầu lấy tên là Cêlestin V và hoàn toàn tỏ ra bất lực không sao cai trị Giáo Hội và Giáo phủ được. Sau năm tháng, ngài từ chức. Người thế vị gặp nhiều thù địch đứng ra đòi làm sáng tỏ việc bầu cử hợp pháp và lý do rút lui của đức Célestin. Họ cho rằng vị này đã phải từ chức vị vũ lực và mưu gian của hồng y Benedetto Caetani. Vị này lên ngôi giáo hoàng lấy tên là Boniface VIII (1294-1303), đã đưa ra những tham vọng cực đoan nhất để mưu chiếm quyền đời. Việc này làm bùng nổ một cuộc tao loạn, làm suy yếu thanh thế của giáo triều trong hơn hai thế kỷ. Là chuyên viên giáo luật, lại có tài trình bày khúc chiết mọi tư tưởng, trong số các người làm việc với ngài, có nhiều thần học gia nổi tiếng như Ptolémée, giúp ngài trong những vấn đề khó khăn. Tuy tính tình nóng nẩy, ích kỷ và độc đoán, ngài luôn xác tín về giáo thuyết ”quyền thiêng liêng” như đức Innocent IV và Hostiensis đã trình bày. Không may, ngài vừa gặp phải một địch thủ với những mục tiêu và phương pháp hoạt động mới mẻ, vừa có những thủ hạ ít đáng tín nhiệm hơn những người của Frédéric II.
Tuy có lòng đạo đức và không có tham vọng cho bản thân, thánh Louis không ngớt chống đối giáo hoàng bằng cách nêu lên những quyền truyền thống của vua đối với Giáo Hội Pháp, theo như ông quan niệm và theo như trong thực tế. Ðó là những di tích còn lại của chế độ Giáo Hội tư, sáp nhập vào những tập tục phong kiến và quân chủ. Con ông là Philippe III đã bắt chước cha và duy trì truyền thống bang giao tốt với giáo hoàng. Philippe IV le Bel, cháu ông, mạnh dạn hơn, cương quyết và tài giỏi hơn. Nhưng đồng thời, qua cách ông xử trí và làm việc, ông tỏ ra: thiếu đắn đo, hà tiện, thực tiễn, có khuynh hướng duy vật. Do cá tính của ông, do sự quan trọng tột bậc của triều đại ông trong lịch sử pháp chế và hành chính của nước Pháp, Philippe IV có nhiều điểm tương đồng với Henri II, vua nước Anh. Cuộc tranh luận làm cho ông chống đối giáo hoàng, khác với những đụng độ trước đây giữa quyền đời và quyền đạo. Một đàng Philippe IV là vua chứ không phải hoàng đế, đàng khác, chính trị của ông được đặc biệt thể hiện bởi một tinh thần mới mà người ta có thể gọi là duy thế tục hay chính trị thực tiễn (realpolitik). Hai sắc thái chính trị này đem lại cho vua nhiều ích lợi. Vua đã bẻ gãy một trong những cái móc lớn mà các giáo hoàng trước đây vẫn bám níu. Với vua nước Pháp, người ta không thể tựa vào một lý lẽ nào hay một bó buộc nào trước đây đã ngăn cản hoàng đế tuyệt giao với giáo triều. Một lối chính trị rõ ràng thuộc về thế tục đã làm cho giáo hoàng mất hết quyền hành về luân lý hay thiêng liêng đối với thù địch của mình.
Những khó khăn đã bắt đầu khi Boniface thử bãi bỏ tục bắt các giáo sĩ nộp thuế mà không có phép của giáo triều, bằng việc công bố sắc chỉ khiêu khích Clericis laicos ra ngày 24 tháng 2 năm 1296 (”giáo dân hay người đời bao giờ cũng tỏ thái độ thù ghét giáo sĩ”). Philippe IV đã đối lập và phản ứng bằng cách cấm đưa ra khỏi nước Pháp một đồng bạc nhỏ. Tới lượt giáo hoàng đáp lại bằng một sắc lệnh đe dọa Ineffabilis (không thể nói lên được) (20 tháng 9 năm 1296) trong đó ngài khẳng định có quyền giám sát hết các việc làm của nhà vua. Thế rồi có một cuộc ngừng chiến bốn năm. Trong thời gian này Philippe cứ tiếp tục đánh thuế hàng giáo sĩ, tịch thu các lợi bổng của những tòa ”trống ngôi” và cầm tù các giám mục trong thời gian chờ đợi ra tòa. Thái độ độc lập và cuối cùng hung bạo đối với giáo hoàng cũng như cách xử tàn nhẫn trong nội bộ của nhà vua lại được khuyến khích bởi một nhóm các bộ trưởng tài giỏi nhưng không có truyền thống, không nguyên tắc, thiếu lương tâm: đó là thủ tướng Pierre Flotte, Guillaume de Nogaret, Pierre Dubois và Guillaume de Plaisians.
Boniface đã chống đối những người này bằng sắc chỉ Ausculta Fili (ra ngày 5 tháng 12 năm 1301), trong đó ngài nói về nhà vua như một đứa con phung phá sắp sửa múc cạn những nguồn mạch khoan dung của cha mình và sắp khích động lòng giận dữ của người cha, nếu nó không sám hối. Thấy sắc chỉ này không ảnh hưởng được với Philippe, nên giáo hoàng cho triệu tập tại Roma một công đồng các giám mục Pháp để khuyến dụ các ngài tìm cách đưa nhà vua trở về với đời sống tinh thần tốt đẹp hơn và cải thiện cách ăn nết ở của nhà vua và của các bộ trưởng trong triều. Các cố vấn của Philippe đã cho lưu hành một bài văn nhại lại sắc chỉ Ausculta Fili với những lời thóa mạ. Thế là mỗi phe đều tung ra đủ loại bài bình luận với nhiều hình thức, nhiều ý kiến. Tất cả đã làm cho cuộc tranh luận này trở nên gay gắt và náo động hơn mọi cuộc tranh luận đã xảy ra từ đức Grégoire VII. Về phe nhà vua, phải kể cuốn sách danh tiếng “Songe du Verger” (Giấc mộng của Vườn cây ăn trái) và cuốn Rex pacificus (Ông Vua hiếu hòa). Cuốn thứ hai đứng đắn hơn nhưng không kém vũ bão. Về phe giáo triều, nhiều thần học gia đã đẩy quan niệm tối thượng quyền của giáo hoàng cho tới mức cực đoan: trước hết là Henri de Crémone và hai tu sĩ dòng Augustin là Gilles de Rome và Jacques de Viterbe. Trong số các bài chuyên luận, nhiều bài đã được viết vào đầu năm 1302. Ngày 18 tháng 11, Boniface còn tung ra như sét đánh sắc chỉ Unam Sanctam, một kiệt tác về lối diễn tả cương nghị và sáng sủa dựa nhiều vào những sách vở của Gilles de Rome. Bản văn này công bố rằng việc cai trị tối cao thế giới phải được trao phó cho một quyền độc nhất và khẳng định những tham vọng của giáo triều như là nguồn suối độc nhất về mọi quyền hành phát nguyên từ Thiên Chúa mà nhà vua phải lãnh ý và tuân phục. Ðối với quyền bính tối cao đó, nhà vua chỉ có một quyền hành pháp mà thôi. Sắc chỉ được kết thúc bằng một định nghĩa dựng đứng, theo đó việc thần phục giáo hoàng là thiết yếu cho việc cứu rỗi hết các thụ tạo.
Sắc chỉ Unam Sanctam đã được coi như tuyệt đỉnh, ”không hơn quá được nữa” (nec plus ultra) trong nhiều tham vọng của giáo triều thời Trung Cổ. Hầu chắc đức Boniface đã coi nó như một khẳng định về quyền bá chủ, nếu không nói là chuyên chế và độc quyền, mà giáo hoàng được hưởng trong cả hai phạm vi đời và đạo. Nhưng theo từ ngữ phê phán thần học chặt chẽ, thì định nghĩa sắc chỉ đưa ra chỉ có ý khẳng định lại cái quyền dựa trên bản văn của Phêrô trong Matthêu XVI: nghĩa là quyền thiêng liêng của giáo hoàng trên toàn Giáo Hội Ðức Kitô mà mọi người được gọi đến như tới con tàu cứu rỗi.
Thực ra Unam Sanctam không trực tiếp nhắc tới vua Philippe. Những cuộc thương thuyết vẫn được tiếp tục để có thể đi tới một hiệp ước. Nhưng Boniface lại đe dọa ra vạ tuyệt thông. Về phía mình, vua Philippe công bố một danh sách tỉ mỉ các lời tố cáo (trong đó có tội ly khai) gán cho giáo hoàng. Ông gửi bảng danh sách này cho các hồng y và các vua chúa. Tháng chín, đức Boniface công bố sắc chỉ Super Petri solio cho phép thần dân của Philippe không phải vâng phục đối với vua mình. Mấy ngày sau, Nogaret được phái đi Ý và đã dụ được một nhóm người đánh thuê và chơi du kích, tới chiếm thành Anagni ngày mồng 7 tháng 9 và bắt giáo hoàng làm tù nhân. Ðược nhanh chóng giải thoát, nhưng một tháng sau ngài đã qua đời vì quá xúc động và mệt mỏi.
Người kế vị đức Boniface được bầu lên ít lâu sau. Ðó là một người nhu mì, chỉ trị vị chín tháng đã vội ra đi, chưa kịp làm được việc gì. Rồi, sau mười một tháng rối rắm về các thủ đoạn, tổng giám mục Bordeaux, công dân của Philippe, lên ngôi giáo hoàng. Ngài chọn các hồng y người Pháp làm việc thân cận và ngụ tại Avignon là đất thuộc giáo triều. Avignon trở thành trụ sở hành chính của giáo triều trong gần bảy mươi năm (1309-1378).
Những biến cố này làm chướng tai gai mắt và ảnh hưởng sâu rộng tới dư luận Âu Châu; chúng đánh dấu một khúc quặt trong vận hội giáo triều. Thật ra các chính luận gia và thần học gia thuộc phe giáo triều vẫn còn tiếp tục những quan niệm của mình về tối thượng quyền của giáo hoàng và còn đi xa hơn những quan niệm của tác giả Unam Sanctam. Ptolémée de Lucques, Agostino Trionfo và nhiều người khác đã suy tôn những đặc quyền của giáo hoàng, với tất cả phương sách của lối văn ngoa dụ. Không hề có một giáo hoàng nào đã lên tiếng không tán thành, dù một điểm nhỏ, về những tham vọng của Unam Sanctam. Hơn nữa, tình hình giáo triều và những hoàn cảnh lịch sử không cho phép rút ra hết các hậu quả thực tiễn và những kết luận chính trị. Giáo triều thành mồi cho những cuộc tấn công và bao nhiêu tai họa trong hơn một thế kỷ. Cuộc ”đi đày Babylon”, phương hướng mới của triết học và thần học đi tới thuyết duy danh, sự phát hiện một quan niệm ”tục hóa” của sinh hoạt chính trị trong những tác phẩm của Marsile de Padou và Guillaume d'Occam, tất cả làm cho thế kỷ XIV thành thời kỳ chuyển tiếp trong phạm vi tư tưởng và thời kỳ nhiều khó khăn khác đổ xuống giáo phủ Avignon.