ROMA VÀ CONSTANTINOPLE
CHƯƠNG XXVI
ROMA VÀ CONSTANTINOPLE
I. QUAN ÐIỂM TÂY PHƯƠNG,
1204-1439.
Chống lại ý muốn rõ rệt
của đức Innocent III, nghĩa quân thánh giá đã rẽ đường tiến thẳng tới Constantinople.
Giáo hoàng hoảng hốt khi được tin họ đã chiếm kinh thành (1203). Lý do chính
thức của sự lệch đường này là việc tấn phong Alexis IV Ange. Còn kẻ ngấp nghé ngai
vàng đã bị đưa đi đày. Nghi lễ đã thực sự được cử hành. Nhưng trước khi
giáo hoàng và các vua Âu Châu đang chuẩn bị thích nghi với tình thế mới, nghĩa
là sự thống nhất giữa Ðông phương và Tây phương do Alexis hứa, thì tân hoàng đế
bị ám sát trong một vụ nổi loạn. Một trong những người đồng lõa âm mưu được tấn
phong lên thay. Việc này lại làm cho các nghĩa binh tấn công một
trận mới vào kinh thành (1204). Lần này thành phố bị cướp phá, xúc phạm,
triệt hạ và có nhiều tội ác đủ loại. Những kẻ chiến thắng đã đặt Baudoin de
Flandre lên ngai Ðông phương, lập nên một đế quốc latinh. Nhưng vẫn còn một
hoàng đế Hy Lạp, Théodore Lascaris, con rể của Alexis III, được đặt lên ở Nicée.
Thành phố này và cả Trébizonde và Épire đều cầm cự chống quân xâm lược.
Théodore Lascaris rảo khắp nơi để triệu tập những nhóm quân chính yếu còn lại
của đế quốc Ðông phương. Nhưng rồi Macédoine, Thessalie, Hy Lạp và các quần
đảo, thảy đều bị các đạo quân thánh giá chiếm đóng và tìm cách thu vét của
cải.
Baudoin vội vã đưa tin cho giáo hoàng
biết việc mình lên ngôi và thề hứa trung thành. Không biết gì về Constantinople
bị triệt hạ, đức Innocent nhận tin một cách hào hứng. Ngài mong cho Giáo Hội Hy
Lạp mau trở về thần phục Roma. Mặc dầu ngài rất bực bội khi biết cách ăn ở rợ
mọi và xấu hổ của các nghĩa binh của ngài. Nhưng tính ngài mềm dẻo. Ngài cũng là
người của thời đại. Ngài coi viễn cảnh một đế quốc La tinh ở Ðông
phương là phù hợp với ý Chúa và là hiệu quả tốt của công việc ngài làm. Nhưng
đạo quân nghĩa binh đã thoát ra khỏi tay ngài và hơn nữa đã thay đổi chí hướng.
Sau khi chiếm đóng và phá hủy một cộng đồng Kitô giáo quan trọng và có văn hóa
cao, và cả dòng tộc cai trị, các nghĩa binh Tây phương đã trở thành quân xâm
lược. Họ cai trị những miền mới đây còn thuộc về hoàng đế Byzance. Hình như
giáo hoàng không hiểu ý nghĩa những điểm tai hại này. Sau những xúc động
ban đầu, đế quốc La tinh, tuy không đáng, đã được thịnh vượng hơn bởi vì
nó đã được thiết lập bằng sự cướp phá. Thượng phụ La tinh và những nước Balkan
nói chung đều ở trong vùng ảnh hưởng của giáo hoàng. Ðức Innocent III quyết tâm
bảo vệ Giáo Hội và những lãnh thổ của mình khỏi mọi cướp phá và tranh dành đất
đai có thể xảy ra. Nhưng Giáo Hội Chính Thống vẫn chưa chết. Thượng phụ
Nicée và hoàng đế Hy Lạp có nhiều thực quyền và quan trọng hơn các người La
tinh ở Constantinople. Ðức Innocent III lẽ ra phải được thông báo để đi tìm
một thỏa hiệp với Giáo Hội Ðông phương. Nhưng không, ngài lại toan tính trói buộc thượng
phụ La tinh và những giám mục phụ thuộc vào với Tòa Thánh Roma. Dầu sao
ngài đã tỏ ra có những đức tính một chính khách, và rất ôn hòa trong những đòi
hỏi về giáo lý và phụng vụ. Nhưng, như tất cả những người đồng thời, ngài không
muốn thương thuyết với người Hy Lạp, chỉ trừ khi những người này đầu
hàng không điều kiện về những điểm tranh chấp thuộc giáo lý và kỷ luật, và
công nhận đế quốc La tinh như một việc đã hoàn thành. Những đòi hỏi này không
thể nào nhận được đối với quần chúng các Kytô hữu Hy Lạp có học thức. Do đó
những viễn cảnh thống nhất thì còn xa.
Ðức Honorius III và đức Grégoire IX tiếp
tục chính sách của đức Innocent III, ủng hộ đế quốc La tinh. Các ngài thấy ở đó
một cơ sở chính yếu cho tất cả đoàn nghĩa binh về sau. Các ngài cũng giữ một
thái độ thù địch đối với hoàng đế Hy Lạp ở Nicée. Trái lại, người Hy
Lạp chỉ thấp thỏm chờ dịp đánh đuổi người La tinh và cương quyết duy trì các
truyền thống của họ. Nhưng những mưu toan chính trị đã thúc đẩy họ thương thuyết
với Roma. Ðức Innocent IV, nhà chính trị khôn khéo hơn hai vị tiền nhiệm, ngài
hiểu rằng đế quốc La tinh không có tương lai. Người ta bắt đầu thương
thuyết để đi tới thống nhất. Ðức Innocent IV muốn xúc tiến việc thương thuyết
bằng những nhượng bộ nhiều hơn các giáo hoàng trước ngài và sau ngài. Hai Giáo
Hội phải có các quyền bính như nhau đối với Constantinople. Một công đồng chung
phải được triệu tập ở Ðông phương. Khi sắp tới một cuộc thỏa thuận thì
Innocent IV qua đời. Mấy năm sau, Michel Paléologue, người sáng lập một
đại dòng họ, lên cầm quyền ở Nicée (1259) và lấy lại Constantinople (1261).
Quyết tâm củng cố địa vị của mình, tân hoàng đế vận dụng mọi cách mở lại việc thương
thuyết với Roma. Cuối cùng đức Urbain IV nhận lời, nhưng, như tất cả những liên
hệ sau này giữa Ðông phương và Tây phương, đó chỉ là những thương thuyết chính
trị hơn là tôn giáo, làm cho cả đôi bên không lưu ý tới thái độ cương quyết của
Giáo Hội Chính Thống: một mực chống đối sự bá chủ của người latinh và mọi
nhượng bộ về mọi nghi thức và các hình thức phụng vụ.
Về phía La tinh, bầu không khí căng thẳng
chính trị này được đánh tan khi đức Grégoire X (1271-1276), là một trong những giáo
hoàng có một đời sống tâm linh cao độ của thế kỷ XIII lên ngôi. Triều
đại ngài có những nét giống như triều đại giáo hoàng Gioan XXIII. Ðức Grégoire
X muốn cải cách Giáo Hội, thống nhất Kitô giáo và thiết lập sự kiểm soát
của Kitô giáo trên lãnh thổ Palestine. Mục tiêu thứ hai nhắm tới mục tiêu
thứ ba. Trong tinh thần ấy đức Grégoire X triệu tập công đồng Lyon năm 1274.
Như ngài, Micchel VIII Paléologue mong mỏi sự hiệp nhất, nhưng lại đặt chính
trị lên trên hết. Theo ông thì việc giáo triều bảo trợ có thể là thành lũy
độc nhất giúp hãn ngữ những tham vọng xâm chiếm của Charles D'Anjou, vua
Naples. Ngay lúc đó, vua này đã có chương trình đánh phá chính sách của giáo
triều. Còn hoàng đế, ông dùng mọi thủ đoạn bịt miệng các giáo sĩ. Ông chỉ thị
cho người đại diện ở Lyon là cựu thượng phụ Constantinople và một giáo chủ
khác: theo đúng thủ tục hứa thần phục giáo hoàng nhân danh hoàng đế
(latinh) và nhân danh mình (Ðông phương), và (trừ một lần) hát Kinh Tin Kính,
trong đó có lời Filioque. Nhưng đây chỉ là mặt bề ngoài. Hoàng đế vẫn giữ hiềm
khích chống Charles D'Anjou. Nhưng hai năm sau, khi Grégoire X mất, thì
thái độ thiêng liêng của ông không được người ta noi theo. Vua Naples lấy lại
được tất cả ảnh hưởng của ông trên chính sách giáo triều và những lực lượng
hoạt động của Chính Thống giáo đứng lên chống đối Constantinople. Cả hai
bên đều tố cáo lẫn nhau. Bảy năm sau, Andronic II làm tan vỡ mọi hiệp
nhất; rồi đức Martin IV ra vạ tuyệt thông cho hoàng đế. Tới thế kỷ XIV, vì thất
thế về chính trị nên các hoàng đế Ðông phương buộc lòng phải toan tính nối liên
hệ với Roma. Những toan tính khác nhau này thuộc về lịch sử Byzance hơn là
lịch sử giáo triều. Tới thế kỷ XV, chúng trở nên khẩn cấp hơn và được nghiêm
chỉnh tiếp nhận ở công đồng Bâle và nhất là qua thái độ của đức Eugène IV.
Ngài vịn lý do là người Hy Lạp yêu cầu một buổi gặp gỡ tại Ý để chuyển công
đồng tới Ferrare, rồi Florence, với hy vọng chính đáng, là giúp giáo triều đổi
mới, bằng cách vì thực hiện sự hiệp nhất các Giáo Hội, sự hiệp nhất mà Tây
phương đang mong muốn hơn bao giờ hết. Hoàng đế Gioan VIII đích thân tới Florence.
Một số rất đông giám mục và thần học gia Byzantins tham gia những cuộc
thảo luận liên tiếp về nhiều điểm thần học, hoàn toàn bình đẳng với
các người La tinh. Ðề tài bàn cãi chính yếu là về câu Filioque. Nhờ vào
trình độ văn hóa mới của mình, các học giả và thần học gia Tây phương đã
trình bày vấn đề cách sáng sủa với những lý chứng vững chắc theo Giáo phụ
và Kinh viện. Người Byzantins còn bị thua bởi áp lực chính trị và sự khôn khéo
của người Tây phương trong những chuyên đề thuộc Kinh viện. Có mấy người,
như Bessarion sau được làm hồng y, đã thành thực xác nhận những luận đề của
công giáo là đích đáng. Cuối cùng, ngày 6 tháng 7 năm 1439, sắc chỉ hiệp
nhất được tất cả các đại biểu Byzantins có mặt ký nhận, trừ Marc Eugène.
Ðối với người Hy Lạp thì đây không phải là việc thần phục Roma, mà chỉ là việc
xác nhận quan điểm của Tây phương không lạc đạo. Vì thế sự hiệp nhất bị các tu
sĩ và đa số dân chúng ở Constantinople và vùng lân cận lên án và không chấp
nhận. Nhiều người đã ký nay rút chữ ký lại. Mặc dầu hoàng đế cương quyết giữ vững
lập trường, nhưng những biến cố bi thảm xảy ra trong mười lăm năm tiếp sau
đã làm cho sự hiệp nhất mất hết ý nghĩa. Mấy tháng sau công đồng, thỏa
hiệp với Giáo Hội Arménie cũng không thành đạt. Nhưng một số đông kitô hữu Ðông
phương, ở Ukraine, ở Transylvanie và các nơi khác, họ giữ hiệp nhất với Roma.
Nhờ đó, có mấy Giáo Hội hiệp thông với Roma như chúng ta thấy ngày nay.
II. QUAN ÐIỂM ÐÔNG PHƯƠNG.
LY KHAI GIỮA KITÔ GIÁO ÐÔNG PHƯƠNG VÀ
KITÔ GIÁO TÂY PHƯƠNG.
Các sử gia đã đánh giá khác nhau về sự
quan trọng đích thực của những biến cố năm 1054. Có lẽ bởi vì các ông đã theo
cách giải thích của những tác giả sau thế kỷ XII, khi họ cho cuộc tranh chấp
giữa Cérulaire và giáo triều như một đoạn tuyệt dứt khoát giữa Giáo Hội Ðông
phương và Giáo Hội Tây phương. Nhưng ngày nay khó nhận quan niệm ấy.
Nếu áp dụng một tiêu chuẩn hoàn toàn thuộc mô thức, thì có thể nói rằng cuộc ly
khai đã bắt đầu từ năm 1009, khi các giáo hoàng không còn được xướng
tên trong sách phụng vụ của Giáo Hội Constantinople nữa.
Thế nhưng năm 1089 một hội nghị của Giáo Hội
Constantinople đã tuyên bố rằng việc bỏ sót này chỉ là một lầm lẫn.
Ðiều quan trọng hơn nữa là sau khi nghĩa binh đã chiếm Antioche năm
1098, thì trong thành phố này có hai hàng giáo phẩm tranh giành nhau, Hy Lạp và
La tinh. Nhưng nếu thượng phụ Antioche đã bị chia rẽ từ 1100, thì thượng phụ
Jérusalem trước 1188 vẫn chưa ly khai, mà thượng phụ chính thống địa phương
không muốn nhìn nhận thượng phụ La tinh nữa. Dư luận quần chúng ở hai phe không
cho là những biến cố năm 1054 đã gây ra cuộc ly khai vĩnh viễn. Thật vậy,
những vạ tuyệt thông được công bố năm đó thì chưa được bãi bỏ (do đó các Giáo
Hội phải chờ cho tới năm 1965), nhưng phải nhớ rằng đây chỉ là những vạ
nhằm vào cá nhân, không liên quan tới các Giáo Hội với tư cách là Giáo Hội.
Cũng vì người Normands tấn công các xứ Balkans, vì chế độ đế quốc của các
đô thị thương mại ở bờ biển Ý, nhất là vì các nghĩa binh thánh giá, mà sự thù
địch tương hỗ càng ngày càng mạnh hơn trong thế kỷ XII. Nhưng ở Ðông phương cũng
như ở Tây phương, đa số Kitô hữu và giáo sĩ sáng suốt, vẫn tin tưởng vào một
Kitô giáo duy nhất, bất khả phân chia. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ XI,
Théophylacte, tổng giám mục Bulgare, một trong những học giả Byzantins lừng danh
nhất, đã nhiệt liệt khiển trách các người đồng hương của ông về tội thóa mạ các tập
tục của Giáo Hội La tinh. Ông viết: ”Tôi không nghĩ rằng những sai lầm của
người La tinh lại nhiều đến thế và gây nên ly khai đâu”. Cả từ Filioque, tín
điều độc nhất của Tây phương mà ông quyết liệt từ chối, Théophylacte cho đó là
vì ”dốt nát hơn là vì ác ý”, dốt nát là vì tiếng La tinh không đủ phong
phú để diễn tả những tinh vi, tế nhị của tư tưởng (1). Cũng có những người lên
tiếng hòa giải bên giới Kitô giáo La tinh. Đầu thế kỷ XII, thánh Brunon người Segni,
tu viện trưởng Monte-Cassino, đã viết cho cộng đoàn dòng Biển Ðức ở Constantinople:
”Chúng tôi cho là bảo đảm và chúng tôi xác tín, dầu có những tập tục khác
nhau giữa các Giáo Hội, nhưng chỉ có một Ðức Tin, hiệp nhất, bền chặt với đầu
là Ðức Kitô, chính Người cũng chỉ là một và vẫn như thế trong thân thể Người”
(2).
Chắc chắn không thể nào ấn định một
khởi thủy rõ rệt cho sự ly khai giữa hai Kitô giáo Hy lạp và La tinh. Quá nhiều
nhân tố ngẫu nhiên, chính trị, kinh tế và văn hóa, đã tác động tới liên hệ
tương hỗ, ở nhiều điểm khác nhau trong không gian và thời gian. Sử gia không
thể quyết định một cách hoàn toàn xác thực về năm tháng đã bắt đầu xảy ra
ly khai giữa hai giới Kitô giáo, mỗi bên tự coi mình như một khối tự lập, tự chủ.
Về mặt cảm tình nhân dân thì nghĩa binh thánh giá chắc chắn là đã đánh dấu một khúc
ngoặt quyết liệt, với di sản họ để lại là sự thất vọng trong những điều họ mong
muốn, những hiểu lầm và những đối xử tàn nhẫn với nhau. Ðệ tứ nghĩa binh đã đi
quá xa, đã dám cướp phá thành
Constantinople và trong hơn một nửa thế kỷ (1204-1261) việc La tinh hóa cưỡng
chế Giáo Hội Byzantin và việc chia các lãnh thổ Âu Châu của đế quốc trong tay
những người Francs và người Venise, đã để lại trong Giáo Hội Hy Lạp một dư vị cay
đắng không dễ tiêu tan đi được. Dầu sao, nếu dân Byzantin càng thêm thù địch
với Tây phương, khi thấy những kẻ tự xưng là kitô hữu lại xâm phạm đến
các thánh đường, giáo đường và thành thánh của họ, thì người ta còn có thể
tự hỏi: sự phản trắc và bất nhân của người La tinh năm 1204, đã xóa khỏi tâm
hồn của các nạn nhân và của chính kẻ xâm lược, điều xác tín ”Kitô giáo vẫn
còn hiệp nhất”. Lịch sử của Giáo Hội Byzance có nhiều thí dụ về nhiều liên
hệ hòa bình và hữu ích giữa hai truyền thống Ðông phương và Tây phương.
Thật ra không thể ấn định vào đúng lúc nào đã
xảy ra cuộc ly khai giữa hai khối Kitô. Có quá nhiều yếu tố ngẫu nhiên, chính
trị, kinh tế và văn hóa đã làm hoen ố các mối liên lạc, tùy từng địa phương và
thời điểm khác nhau. Sử gia không thể quyết định chắc chắn, từ lúc nào phải bắt
đầu lịch sử của hai nửa, mỗi bên như một khối tự trị. Dưới mắt đại chúng
thì các đạo binh thánh giá chắc chắn đã đánh dấu một khúc quặt quyết định với
những hành động tiêu cực: phá đổ mọi hy vọng, không hiểu nhau, tàn sát lẫn nhau.
Cuộc viễn chinh thứ bốn với việc cướp phá Constantinople và việc
cưỡng ép Giáo Hội Byzantin phải dùng tiếng La tinh trên một nửa thế kỷ
(1204-1261), cùng với việc phân chia các lãnh thổ Âu Châu của đế quốc cho
các người Francs và người Venise, còn để lại trong Giáo Hội Hy Lạp một nổi cay
đắng chưa tiêu tan được. Quả thật, dân chúng Byzance đã coi Tây phương là thù địch
khi họ thấy những người mệnh danh là Kitô hữu đến làm nhơ uế các đền thánh, các nhà
thờ và các thành thánh của họ. Người ta vẫn tự hỏi phải chăng óc nham hiểm và
sự tàn bạo của người La tinh năm 1204, đã xóa nhòa khỏi tâm khảm của các nạn
nhân và cả của những người cướp bóc, điều xác tín: chỉ có một Kitô giáo?
Lịch sử của Giáo Hội Byzantin sau thời ấy vẫn còn ghi lại nhiều ví dụ về
các mối liên lạc hòa bình và bổ ích giữa các truyền thống Ðông phương và Tây
phương. Thật ra người ta cũng vẫn tự hỏi: phải chăng những yếu tố tâm lý, chính trị
và văn hóa, khi góp phần làm cho hai khối kitô xa lạ và thù địch nhau, đã là
yếu tố khiến Ðông Tây ly khai hẳn, nếu không có những khác biệt về tín lý đổ
dầu thêm vào? Rốt cục hai Giáo Hội đối đầu
nhau, chống chọi và chia rẽ nhau về hai vấn đề: một là quan điểm thần học
về Chúa Ba Ngôi, hai là về việc quản trị Giáo Hội. Vấn đề Filioque và tham
vọng của giáo hoàng muốn làm quan tòa tối cao về toàn bộ tín lý và muốn xử dụng
một thứ quyền tài phán trực tiếp và phổ cập trên toàn thể Giáo Hội
Kitô là những điều Giáo Hội truyền thống không chấp nhận được.
Hai điểm giáo lý La tinh trên đây chỉ được hoàng
đế và mấy vị giáo sĩ byzantin chấp nhận tại hai công đồng Lyon và Ferrare-
Florence. Sự kiện này minh chứng sự thật vừa nói ở trên.
TOAN TÍNH THỐNG NHẤT.
CÔNG ÐỒNG LYON (1274)
Về phía Byzance, lý do độc nhất của công đồng
hợp nhất Lyon chỉ vì hoàng đế Michel VIII muốn nhờ sự can thiệp của giáo hoàng
để gây áp lực bắt Charles d'Anjou vua Sicile và Naples phải bỏ ý định tấn công
Byzance với chủ đích tái thiết đế quốc La tinh tại Constantinople. Rất có
thể là nhờ văn kiện thống nhất được ký kết ở Lyon mà hoàng đế đã cứu được nước
Byzance khỏi lâm vào mối đe dọa tử thương đó. Michel VIII đã không giấu giếm thần
dân mình những toan tính chính trị ông đang theo đuổi. Ông đã phải trả rất
đắt cái thắng thế ngoại giao của ông. Giáo Hội Byzance từ chối không nhận
Filioque và giáo lý về tối thượng quyền của giáo hoàng. Việc này làm xáo động
trong xã hội, nhất là vì cuộc bắt bớ các thày dòng. Tình trạng rối reng đó
chứng tỏ cụ thể các hoàng đế thời hạ Trung Cổ không có khả năng bắt Giáo Hội
Byzance công nhận những giải pháp liên quan đến giáo lý, và vì thế ”công trình
hiệp nhất Lyon” không bền lâu được. Chính đức Martin IV cũng hủy bỏ văn kiện
”thống nhất ở Lyon” và nhất quyết ủng hộ Charles d'Anjou chống Michel VIII
(1281). Năm 1282 vụ kinh chiều ở Sicile lại đổ dầu thêm, khiến quân miền Anjou
tấn công Byzance. Năm đó Michel VIII mất, bị ̣Giáo Hội Roma
và Giáo Hội Byzance ra vạ tuyệt thông.
Trong thế kỷ XIV lại có những toan tính
khác để hủy bỏ cuộc ly khai. Một nhóm tương đối ít, gồm những nhà trí thức
Byzantin, họ thành thực muốn thống nhất với Roma. Trong số đó, có thần học gia
Démétrios Cydones (1324-1397), người đã dịch ra Hy ngữ Bộ Tổng Luận Thần Học
của thánh Thomas d'Aquin. Nhưng đa số giáo sĩ và nhân dân Byzantins cương quyết
chống lại việc thống nhất bắt họ phải công nhận những tham vọng của giáo hoàng
và thuyết Filioque. Nhiều hoàng đế đông phương cố gắng thương thuyết cho có sự
hiệp nhất Giáo Hội hầu được Tây phương yểm trợ về quân sự. Nhưng không có kết
quả gì hết, mặc dầu ai cũng nhìn thấy mối đe dọa của đế quốc Thổ Nhĩ
Kỳ mỗi ngày một gia tăng. Vào giữa thế kỷ XIV, họ đã tấn công miền Balkans.
Toan tính giải hòa thành thực nhất, đó là toan tính của hoàng đế Jean V khi ông
hành trình đến Roma năm 1369. Nhưng việc ông quyết định trở lại với đức
tin của Giáo Hội La tinh đã không tạo được ảnh hưởng trên dân chúng và
không đem lợi ích gì cho đế quốc.
CÔNG ÐỒNG FLORENCE.
Ở công đồng Florence mới
thấy rõ những nỗ lực cuối cùng và mãnh liệt nhất để giảm thiểu những khác
biệt giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Byzantin. Công đồng này được nhóm họp ở Ferrare
tháng 1 năm 1438, rồi chuyển qua Florence năm 1439, và kết thúc với văn kiện
hợp nhất công bố ngày 6 tháng 7 năm 1439. Một phái đoàn quan trọng Hy Lạp do
hoàng đế Jean VIII Paléologue và thượng phụ Constantinople dẫn đầu, tới tham
dự. Người Hy Lạp phải thương thuyết trong một tư thế suy yếu. Bởi họ tuyệt vọng
trước sự đe dọa càng mạnh của quân Thổ muốn chiếm Constantinople và họ mong ước
được quân đội Tây phương đến tiếp cứu. Họ không đủ tiền để bảo dưỡng lâu dài phái
đoàn tham dự công đồng. Giáo hoàng Eugène IV và các cố vấn thần học của ngài do
hồng y Cesarini hướng dẫn, đã đòi Giáo Hội Byzantin phải nhận hoàn toàn
quan điểm Roma về mọi vấn đề tranh luận. Thực ra, chỉ những tranh luận về giáo
lý, đặc biệt về Filioque, là chủ yếu, sôi động nhất và chiếm nhiều thời
gian nhất. Trừ Marc Eugène, giáo chủ Ephèse, các thần học gia lỗi lạc Byzantin,
nhất là Bessarion, giáo chủ Nicée và Isiđore, giáo chủ Kiev và cả nước Nga, đều
tỏ ra rất quan tâm tới việc phục hồi nền thống nhất Giáo Hội Kitô. Cuối cùng,
mọi người Hy Lạp có mặt ở công đồng, trừ Marc Eugène, trước đây vốn bảo vệ những
quan điểm giáo lý Byzance, nay lại tỏ ra nhiệt tình và tất cả ký vào bản văn hiệp nhất.
Như thế, họ đã nhân danh Giáo Hội Ðông phương, công khai nhìn nhận giáo lý
Roma về Filioque về tối thượng quyền giáo hoàng và về luyện ngục, cho dù
công thức định nghĩa quyền giáo hoàng trong Giáo Hội, và cả văn kiện thống
nhất đã được soạn thảo với nhiều chỗ mập mờ hai ý để tránh né sự nghi
ngờ của người Hy Lạp. Văn kiện công đồng chấp nhận cho người Hy Lạp được tiếp
tục dùng bánh có men trong thánh lễ.
Trong nỗ lực chấn hưng nền thống nhất
Kitô giáo, việc làm của công đồng Florence còn nhiều thiếu sót và do đó, cũng
như công đồng Lyon, không tạo nên sự thống nhất lâu bền. Các Giáo Hội Chính Thống không theo Byzance, như thượng phụ Alexandrie,
Antioche, Jérusalem, Nga, Roumanie và Serbie, ngay sau đó đã từ chối không
nhận. Nhưng ở Byzance, vì hy vọng nhận được viện trợ dồi dào về quân sự của Tây
phương, nên một thiểu số các giáo sĩ, các nhà trí thức và dân chúng, vẫn tiếp
tục ủng hộ việc phục hưng nền thống nhất, như hai hoàng đế cuối cùng Jean VIII
và Constantin XI đã làm. Nhưng một lần nữa, uy thế của hoàng đế không còn đủ uy
tín bắt Giáo Hội phải theo ý mình. Nhiều người Byzantins cho rằng chính quyền của
họ đã hy sinh Ðức Tin Chính Thống trong sáng để mưu cầu lợi ích chính trị mập mờ.
Do đó, khi trở về xứ sở, nhiều giám chức đã ký bản văn ”phục hưng thống
nhất” đã rút lại chữ ký, và vì thế phải đợi mãi
12.12.1452, văn kiện mới được chính thực công bố trong giáo đường
thánh nữ Sophia. Và hơn năm tháng sau, Constantinople bị rơi vào tay đạo
quân của Mahomet II. Việc hiệp nhất Florence đã chết theo đế quốc Byzance.
CÁC NHÓM VÀ BÈ PHÁI TRONG GIÁO HỘI BYZANTIN TRƯỚC NGÀY CONSTANTINOPLE THẤT THỦ.
Theo cái nhìn của người viết sử Giáo Hội, công
đồng Florence quan trọng, trước hết vì nó biểu lộ thiện chí cương quyết muốn lấp
đầy cái hố sâu ngăn cách giữa Giáo Hội Ðông phương và Giáo Hội Tây phương. Khi
muốn tập trung và đổi mới tận gốc những quan điểm dị biệt trong xã hội Byzantin
để xây dựng nền thống nhất, công đồng cũng đã ghi một dấu quan trọng trong lịch
sử nội bộ của Kitô giáo Ðông phương. Trong hai thế kỷ trước, người ta nhận
thấy có bốn lập trường trong thế giới Hy Lạp Chính Thống. Cực đoan, có
nhóm người xu thời: họ coi vấn đề thống nhất chính yếu thuộc chính trị và
việc cứu vãn đế quốc, nhờ vào viện trợ quân sự của Tây phương, nên họ
chấp nhận nhượng bộ một vài quan điểm thần học. Ðối lập với nhóm cực đoan,
có những người bảo thủ ít sáng suốt: họ chỉ luôn tố cáo ”lạc giáo latinh”.
Còn lại hai nhóm nữa, thì gồm nhiều nhà đại trí thức: họ ít sôi nổi và
nhiều xây dựng, chuẩn bị đi vào hợp nhất. Người ta gọi các thành viên của
nhóm thứ nhất trong hai nhóm này là những ”anh em La tinh” (latinofronoi),
có thể gọi chung là nhóm ”hợp nhất”. Họ bàn luận những vấn đề giáo thuyết theo
truyền thống cực bảo thủ, nêu lên đặc tính của thần học Byzantin
kể từ khi phong trào bài ảnh tượng không thành công cho tới giữa thế kỷ XIV.
Truyền thống này ghê sợ những công thức mới về giáo thuyết, việc xử dụng máy móc
các bản văn giáo phụ và những luận chứng sáo ngữ. Họ xác tín rằng hợp nhất với
Roma là thiết yếu để cứu vãn đế quốc Byzance và sứ mệnh tối cao của họ là duy
trì truyền thống Hy Lạp cổ điển. Nên biết rằng truyền thống này đã được Byzance
tinh lọc, đặc biệt từ thế kỷ XI. Ngay trong những thời kỳ Giáo Hội Roma
lên án người ta vẫn tỏ ra nhiệt tình với truyền thống và ái mộ các triết gia cổ
xưa của Hy Lạp. Việc xử dụng một nền thần học ”chính thức” và khuynh hướng đồng
hóa văn hóa Hy Lạp với vận mệnh lịch sử của đế quốc Byzance, đã cho
thấy những nét đặc thù của những người cầm đầu phái Hợp Nhất Hy Lạp ở
Byzance, nổi nhất là Bessarion de Nicée. Dựa vào thần học vụ hình thức của
mình, nhóm hiệp nhất có thể chấp nhận cách thành thực, những gì phù hợp về hình
thức, giữa những giáo thuyết của Giáo Hội La tinh và Giáo Hội Hy Lạp được diễn
tả trong văn kiện hợp nhất. Vì họ rất hâm mộ văn hóa Hy Lạp là văn hóa mà họ
truyền bá sâu rộng tại Ý, nên họ đặt quyết tâm hợp nhất của họ lên trên mọi
khuynh hướng duy quốc gia và duy chính trị.
Nhóm cuối cùng gồm
các nhà thần học, các học giả, các giáo sĩ và những người hướng
dẫn tâm linh, họ thành tâm cập nhật hóa tư tưởng và kinh nghiệm của các
giáo phụ và trình bày giáo huấn của các ngài một cách thích thời và có óc sáng
tạo. Việc thống nhất với Roma không phải là quan tâm chính yếu của họ. Nhưng,
vì đã khám phá ra và đã tích cực hiện đại hóa các truyền thống giáo
phụ, nên họ cho rằng, sau những thế kỷ tranh luận vô bổ, nay chính họ đã mở ra
con đường đối thoại về chiều sâu. Cơ sở tâm linh chung của họ là truyền thống các tĩnh
tọa sĩ (thiền tọa sĩ).
Lý thuyết và lối
thực hành kinh chiêm ngưỡng, có mục đích đạt tới trạng thái an tĩnh và
thinh lặng nội tâm. Sau khi đã lướt thắng các dục vọng của mình, người ta bén
rẽ sâu vào những truyền thống rất cổ xưa của chế độ tu trì Kitô giáo Ðông
phương. Dần dần ”kinh nghiệm của tâm hồn” được phối hợp với việc đọc đi
đọc lại lời kinh ”Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con”.
Muộn lắm là từ thế kỷ XII, việc đọc kinh này lại kèm theo mấy cử động
thân xác (như điều hòa hơi thở) với chủ đích tập trung tâm trí. Tới thế kỷ
XIV, phương pháp tĩnh tọa được phổ biến rộng rãi trong thế giới
Byzance. Người ta nhận thấy có một cuộc canh tân quan trọng trong ngành ẩn tu
và cộng tu trong khắp miền Ðông âu. Bậc thầy vĩ đại dạy phương pháp này là
thánh Grégoire người Sinaite (mất năm 1346), ngài tổng hợp giáo huấn
thiêng liêng của thánh Jean Climaque (mất năm 670 và 680) với những truyền thống chiêm ngưỡng của Mont-Athos.
Thuyết tĩnh tọa đã được sáng nghĩ và đưa vào nền thần học của Giáo Hội
chính thống bởi thánh Grégoire Palamas (1296-1359), tổng giám mục
Thessalonique. Giáo huấn của thánh nhân được công nhận bởi hai công đồng nhóm
họp tại Constantinople năm 1341 và 1351. Những cơ sở bí tích trong linh đạo của
thánh Grégoire Palamas múc ra từ những tác phẩm cổ xưa, đặc biệt những
sách của thánh Syméon, nhà thần học mới (949-1022), nhà thần bí Byzantin. Thần
học của Palamas, vì được xây dựng trên sự nhập thể và giáo thuyết kinh
thánh về con người có khả năng được ”thần linh hóa” bởi ân sủng, chắc chắn đã
đặt nền tảng trên truyền thống giáo phụ. Palamas đã lấy ra từ thánh Basile
và thánh Maxime hiển tu những yếu tố phân biệt giữa bản thể và những ”năng lực”
của Thiên Chúa, nhờ đó, ngài là người đầu tiên đã đưa ra một cách cắt nghĩa
chính xác về tín điều và một hình thức thần học rất rõ rệt. Theo sự phân biệt
này nhất thiết phải hòa giải niềm tin ”Thiên Chúa tự bản thể, hoàn toàn không
thể hiểu biết được” với giáo thuyết cho rằng: ”dựa vào ơn Chúa, loài người có
thể “tham dự vào bản thể Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Thiên Chúa thì hoàn toàn
không thể đạt tới được trong bản thể của Người, nhưng Người tự mặc khải và tự
mình thông truyền ra bằng những ”năng lực” hay ”tác động” của Người. Những năng
lực này không thể tìm thấy ở ngoài Thiên Chúa. Chúng là chính Thiên Chúa tác
động và bày tỏ ra trong vũ trụ thụ tạo. Liên quan huyền nhiệm giữa bản thể và
những năng lực của Thiên Chúa, liên quan vừa là đồng nhất vừa là phân
biệt, thì duy trì được tính hoàn toàn siêu việt của Thiên Chúa và đặt nền móng
cho thực tại của kinh nghiệm huyền nhiệm (và của hiệp nhất) mà con người
có được là bởi Thiên Chúa và nhờ vào những năng lực của Người.
Sự phân biệt giữa bản thể của Thiên
Chúa và những năng lực của Người đã giữ một vị trí quan trọng trong giáo thuyết
chính thống về Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, nếu theo bản thể của Thiên Chúa, Thánh
Linh phát xuất (procedere) từ một mình Chúa Cha, Thánh Linh vì là năng lực của
Thiên Chúa thì ”tự thổ lộ từ Cha qua Con” và nói (cách khác), ”từ Con” (3). Thế
là giáo thuyết của Palamas ”về những năng lực tự hữu của Thiên Chúa đem lại
thời cơ”, như Grégoire de Chypre, thượng phụ Constantinople (1283-1289) đã
thoáng nhận thấy, để hai bên Tây phương và Ðông phương xích lại gần nhau,
nếu chưa phải là thỏa thuận hoàn toàn, giữa giáo thuyết La tinh về Filioque và
thần học Ðông phương về Ba Ngôi. Có lẽ đây là một tai họa, vì giáo huấn của Grégoire
Palamas không được đưa ra bình luận cho đúng mức tại công đồng Florence. Nhưng sử
gia còn phải nhớ rằng: trong thế kỷ cuối cùng của lịch sử Byzantin, khi đế
quốc về chính trị đang nửa sống nửa chết, thì Giáo Hội Byzance đã làm tiến
triển một nền thần học vừa theo truyền thống vừa thích nghi tuyệt vời vào những
nhu cầu của thời đại. Ðó là nền thần học có thể lấp đầy hố sâu giữa hai
nửa phần của Kitô giáo. Trong những thế kỷ mờ mịt mà từ đây họ phải sống,
các Kitô hữu Hy Lạp và cả những anh em trong Ðức Tin thuộc Ðông âu, đã tìm
thấy trong thần học này giáo thuyết về những năng lực của Thiên Chúa và về thứ
ánh sáng tự hữu. Giáo thuyết ấy giúp con người tham dự vào bản thể của
Thiên Chúa và hoán cải thế giới.