CHƯƠNG XXV
ƯU THẾ CỦA GIÁO HOÀNG VÀ
TRUYỀN BÁ ÐỨC TIN
CHƯƠNG XXV
ƯU THẾ CỦA GIÁO HOÀNG
VÀ TRUYỀN BÁ ÐỨC TIN
I. ROMA VÀ ÐỨC QUỐC 1190-1253
Dưới triều Henri VI, một biến cố chính trị đã mở đầu giai đoạn thứ bốn và cuối cùng trong cuộc tranh chấp giữa Tòa Thánh và đế quốc. Vua Guillaume de Sicile mất vào tháng một năm 1189. Sicile là đất phong phú của giáo triều, nhưng theo pháp luật và sự thỏa thuận chung, lãnh thổ này trở về tay Henri VI là phu quân của Constance, người thừa hưởng di sản của ông vua quá cố. Vì sợ quyền giám hộ Ðức, các người thuộc quí tộc Naples liền bầu bá tước Tancrède de Lecce thay Henri VI. Vì trọng quyền lợi chính trị của giáo triều, nên Clément III đã chấp thuận. Lập tức Henri VI bắt Sicile phục quyền và phế bỏ việc thề trung thành với giáo hoàng.
Vấn đề Sicile đã chiếm đoạt hết hoạt động chính trị của giáo triều trong hơn năm chục năm. Ở phía Bắc các nước giáo hoàng, đế quốc vẫn luôn đòi giữ xứ Lombardie dưới quyền mình. Những lãnh thổ Toscane mà bà bá tước Mathilde (+1115) đã trối lại cho giáo triều, vừa bị chiếm đóng. Nếu đế quốc lấy lại Sicile thì giáo triều bị cô lập hóa và bị các lãnh thổ dưới quyền đế quốc bao vây. Cuộc tranh chấp trường kỳ phát sinh từ tình thế này khó mà tránh được. Và nó sẽ gây nên những hậu quả tai hại và lâu dài cho cả giáo triều lẫn đế quốc.
Vua Henri VI qua đời khi cuộc tranh chấp bắt đầu (tháng 9 năm 1197), và mấy tháng trước khi thù địch của ông được đức Innocent III lên thay thế (tháng 1 năm 1198). Một trật tự mới miễn cưỡng được đặt trên vương quốc Ðức và ấn định tương lai của Sicile. Hai đối thủ tranh giành vương miện Ðức: Otton, con Henri le Lion, công tước Saxe và Philippe, con út Frédéric Barberousse, bào đệ của vua quá cố.
Ðức Innocent III đòi cho được quyền tuyển chọn. Sau nhiều do dự, ngài quyết định chọn Otton. Các sứ thần phong vương cho Otton sau khi đã nhận được lời thề của ông bỏ hết quyền trên đảo Sicile và trên phần lớn Bắc Ý. Các hoàng thân Ðức từ chối không nhận cho giáo hoàng có một quyền tuyển chọn nào cả. Họ liền bầu Philippe và phong vương cho ông. Sau cùng ông này đã thành công, nắm quyền trền phần lớn nước Ðức cho tới năm 1208. Tới lúc này, khi vừa được tin giáo hoàng sẽ công nhận mình, thì Philippe bị ám sát. Ðức Innocent III đành quay lại với ứng viên mà ngài đã bỏ rơi. Về phần mình, Otton một lần nữa lại nhận những điều kiện Roma đã bắt buộc. Giáo hoàng đã lợi dụng thời cơ đưa ra những tham vọng mới trong một nước Ðức đã quá chia rẽ không còn sức chống đối. Roma đòi các cuộc bầu cử phải được tự do và chỉ được điều hành bởi kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa hay bởi nhà dòng và theo hệ thống giáo luật về những quyền di lưu (réservations) và chuyển tiếp của giáo hoàng phải được công nhận. Ðể được sự ủng hộ của các giáo phẩm Ðức, Otton chấp thuận thủ tục khiếu nại tới Roma và việc thi hành hết các quyền thiêng liêng, ngay sau cuộc tuyển cử. Hơn nữa, ông bỏ cả những quyền regalia (thuộc nhà vua) và spolia (tước đoạt). Ðây là một giai đoạn quan trọng trong việc biến chuyển các giáo phận lãnh thổ dưới quyền đời. Nhưng một lần nữa, các chương trình của đức Innocent III đã thất bại? Chẳng bao lâu Otton không giữ lời hứa từ bỏ đảo Sicile. Ông cho quân chiếm đảo và phần lục địa thuộc vương quốc này. Như thế, ông đã liều mình bị vạ tuyệt thông và bị giáo hoàng truất phế. Ông mất năm 1218.
Hoàng hậu Constance, quả phụ của Henri VI cầm quyền nhiếp chính đảo Sicile, theo pháp luật, nhân danh con mình là Frédéric. Rồi bà qua đời và để Frédéric dưới quyền giám hộ của đức Innocent III. Không được phép của giáo hoàng, các hoàng thân Ðức chọn người thanh niên Frédéric thay thế Otton, kẻ bị vạ tuyệt thông. Ðức Innocent III công nhận sự việc đã rồi, nhưng để đáp lại việc chuẩn y này, ông đòi Sicile phải thề làm chư hầu và bảo đảm độc lập của mình đối với đế quốc. Ngài bắt phải nhân danh vị hoàng đế mới, xác nhận những chỉ thị của Otton liên quan tới sự tự do bầu giám mục Ðức. Trong một hội nghị họp ở Eger (12 tháng 7 năm 1213), Frédéric cho kết thúc phần cuối cùng của cuộc trao đổi bằng một lời thề, khiến cho sự hứa hẹn của ông trở thành một điều luật của đế quốc. Việc này được tiếp sau bằng đặc ân năm 1220, cũng khá cách mạng mà Frédéric nhượng bộ để đổi lấy lời hứa là con ông sẽ được bầu làm vua. Ðặc ân này cho hàng giáo sĩ hoàn toàn thoát khỏi mọi quyền pháp lý phần đời và tránh được mọi can thiệp của nhà vua và hoàng đế. Có lẽ Frédéric bó buộc phải bỏ mọi quyền pháp lý. Và sự kiện này đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử đế quốc. Từ nay Giáo Hội Ðức liên kết với Roma và tuân thủ giáo luật như những Giáo Hội Âu Châu khác. Trong những cuộc tranh chấp sau này, các giám mục Ðức có thể nhiều khi chia rẽ nhau, nhưng không bao giờ có thể đoàn kết với hoàng đế chống lại giáo hoàng nữa.
Ðức Innocent III mất trước khi người được mình che chở đủ tuổi để nghiêm trọng đe dọa ngài. Dầu có tính hiếu hòa, Honorius III đã tiếp tục chính sách tập trung quyền giáo hoàng, ở Ðức và các nơi khác. Ðã thành thói quen, các giám mục mỗi năm tới viếng Roma để báo cáo các việc giáo phận và lãnh ý chỉ đạo. Người ta tập thành thói quen bổ nhiệm các chức sắc Roma vào những chức vụ ít trách nhiệm ở Ðức và bắt phải có những tổ chức Giáo Hội để gánh chịu các phí tổn về nghĩa binh thánh giá. Việc tôn trọng các qui chế giáo luật, việc đón tiếp các sứ thần và việc nhóm họp hội nghị đã trở thành những công việc thông thường. Người ta không còn để ý tới thái độ của vua về tôn giáo, vì thực ra trong suốt triều đại, vua Frédéric đã tôn trọng lời thề Eger, hầu như thế và trong toàn bộ, trừ những lúc có sự căng thẳng tột bực, về những câu truyện riêng tư của vua. Nếu trừ đi một số phương diện lý thuyết, thì cuộc tranh chấp giữa vua và giáo triều không giống như vụ Eigenkirchentum thuở trước.
Cuộc tranh chấp giữa giáo hoàng và hoàng đế lại công khai xảy ra và trước hết là do sự chậm trễ mà Frédéric gây nên vì ông không giữ lời hứa lên đường tham dự cuộc viễn chinh của nghĩa binh thánh giá, lời hứa mà ông đã thốt ra năm 1215 và ông trì hoãn không thi hành trong mười hai năm. Nhưng đối tượng cuộc tranh chấp có tính cách triệt để và lâu dài này chính là việc ông từ chối không bỏ quyền kiểm soát đảo Sicile. Frédéric đã phong vương cho con là Henri năm 1212. Ông đã hứa với đức Innocent là nhường đảo Sicile cho giáo hoàng. Không những ông không giữ lời mà khi phong cho con làm vua người Roma ở Aix-la-Chapelle năm 1222, ông tỏ rõ ý định để cho con ông thừa hưởng tất cả đế quốc, kể cả đảo Sicile. Là một người tài giỏi, quyến dũ và hay thay đổi. Tuy vậy, Frédéric tỏ ra là con người có mạch lạc trong đường lối chính trị, gồm có hai yếu tố đối nghịch nhau: giữ lại đảo Sicile và làm hòa với Giáo Hội và với giáo hoàng. Hai điều kiện lớn phải có để tiếp tục đường lối chính trị ấy cũng đối nghịch nhau và không thể thi hành được. Ðó là sự hòa hợp giữa hết các lãnh thổ ở Ðức và sự ủng hộ của các giám mục Ðức. Một chính sách như vậy thì làm sao tránh khỏi tranh chấp với Roma. Với đức Innocent III, giáo triều cương quyết giữ vai lãnh đạo trong các vấn đề chính trị ở Âu Châu và như thế là đừng ra làm đối thủ chính trị của đế quốc. Giáo triều không thể để cho đế quốc bá chủ cả đất Ý, Bắc cũng như Nam. Thực ra, phải công bằng mà nói, những tham vọng của giáo triều muốn nắm quyền bá chủ toàn diện làm cho đế quốc trở nên vô dụng và thành một thực thể chính trị không thể chấp nhận được. Ít lâu sau khi Frédéric mất, liên minh các đô thị miền sông Rhin đã hình thành. Các liên minh khác cũng lần lượt ra đời và trào lưu này đi tới kết quả là làm thành đại liên minh phường buôn. Thế là đã gây nên ở Ðức tất cả các yếu tố chia rẽ rất mực ảnh hưởng trong thế kỷ XVI và còn kéo dài mãi tới khi bị các biến cố một trăm năm mới đây triệt hạ. Frédéric mong muốn một nước Ðức không có xáo trộn. Nhưng một yếu tố cơ bản của chương trình ấy, là sự cộng tác của hàng giáo sĩ mà không sao thực hiện được, bởi vì Giáo Hội từ đây gần như được hoàn toàn độc lập và vì các hoàng thân cũng đã tranh đấu được độc lập và được một quyền lập pháp gần như tương đương, nhờ vào hiến pháp năm 1231.
Tranh chấp giữa Frédéric và Roma, lần đầu tiên đã đạt tới một điểm quyết liệt, khi hoàng đế bị vạ tuyệt thông và bị truất phế năm 1227. Nhưng tranh chấp vẫn tiếp tục cho tới khi ông thực sự thất bại năm 1245, năm năm trước khi qua đời 1250. Ðược trở lại hiệp thông với Giáo Hội sau khi đưa nghĩa binh thánh giá ra trận năm 1230, hoàng đế lại bị vạ năm 1239. Một mặc trận được tổ chức để chống lại ông năm 1240. Sau cùng người ta lên án truất phế ông tại Lyon năm 1245. Thế là từ nay đức Innocent IV dồn hết lực lượng tấn công hoàng đế, như phái một sứ thần đi xúi nước Ðức nổi loạn, đưa lên một vua ngụy, ra lệnh cấm đoán và phạt vạ những linh mục ủng hộ hoàng đế và ban nhiều đặc ân cho những ai theo giáo hoàng. Tiền của đổ ra như nước để mua chuộc sự phản phúc. Frédéric đáp ứng bằng những lời tuyên bố đòi sự tự do của nhà vua. Nếu đức Honorius III chậm hành động, thì đức Gregoire IX tiếp tục chính sách cương quyết, và đức Innocent IV lao mình vào trận chiến, không chút do dự. Kết quả là đế quốc vốn được coi là thẩm quyền tôn giáo ở Âu Châu, là nhân tố khả dĩ đương đầu hữu hiệu với giáo triều, nay bị tru diệt hoàn toàn. Từ Henri III tới Frédéric II, qua Henri IV, Conrad III và Barberousse, người ta thấy đế quốc mỗi ngày một xuống dốc, đi từ địa vị một đế vương được thụ phong để phục vụ Giáo Hội cho tới một hoàng đế không còn tính chất tôn giáo gì nữa. Tính tình hoàng đế Frédéric, những tín ngưỡng của ông, những mục tiêu và hành động chính trị của ông, đã luôn gây ra những phán đoán rất khác nhau. Có người nghĩ: nếu ông biết ngồi bình thản, nhận định về tiến trình các biến cố và tăng cường nghị lực tinh thần, chắc ông đã có thể tái lập lại được quyền bính của hoàng đế ở Ðức và duy trì được sự đoàn kết. Nhưng sự thể đã không như vậy. Mặc dầu ông có thiên tài lớn, mặc dầu những việc ông làm, những lề luật ông ban bố có giá trị đặc biệt ở Ý, có lẽ Frédéric đã không biết nhìn trước những hậu quả chính trị đương nhiên sẽ xảy đến, nên ông đã làm mất các nền móng của đế quốc. Ông đã để lại cho nước Ðức tình trạng chia rẽ nội bộ kéo dài tới năm 1870 hay 1918. Còn về bốn giáo hoàng, Innocent III, Honorius, Grégoire và Innocent IV, các vị đã triệt hạ được các địch thù, nhờ vào sự điên cuồng của họ: suốt hai thế kỷ họ đã đem hết tâm lực ngăn chặn thế lực của Tòa Thánh. Các ngài đã thu phục quyền cai trị trực tiếp của giáo triều trên các nước Ðức đã mất ba thế kỷ trước đó. Trong tất cả những sự việc này, các ngài đã hành động như những người làm chính trị hơn là như các vị giáo chủ, các ngài ban bố nhiều hình phạt thiêng liêng mà không có lòng thương xót.
Tranh chấp giữa đế quốc và Tòa Thánh, xét đến cùng, là việc cần phải làm, đã có từ Charlemagne là người thu vén vào bản thân cả thần quyền tối cao, cả quyền đế quốc cổ truyền. Trong vòng hai thế kỷ, ông chiếm đoạt và nắm giữ mọi quyền bính, khống chế tinh thần và nghị lực các vua chúa, giáo hoàng và rất nhiều thuộc hạ. Ông giữ một địa vị quan trọng trong lịch sử hiện đại, một phần vì những nhà có sáng kiến kỹ thuật về lịch sử hiện đại đều là người Ðức. Họ lại để ý nhiều đến thời Trung Cổ. Các sử gia của những nước khác thường thiếu chuyên môn và nhẫn nại. Nhưng sau khi cẩn thận đánh giá ảnh hưởng của cuộc đại tranh chấp này, người ta phải nhận rằng: trong phạm vi tôn giáo và chính trị, không có cuộc tranh chấp nào quan trọng bằng cuộc tranh chấp này. Nếu không có tranh chấp, người ta có thể tự hỏi: không biết quyền ủy nhiệm của thánh Phêrô ở Tây âu về mặt tín lý đã mang hình thức bề ngoài thế nào? Và như vậy, cuộc nổi loạn thế kỷ XVI liệu có xẩy ra hay không? Ðiều chắc chắn là hình thể chính trị Âu Châu và quan niệm về vận hội và vai trò của chức vụ giáo hoàng đã không thể được đặt ra ở thời đại chúng ta, nếu không dựa vào những ký ức lịch sử của thời Hildebrand.
Dẫu sao, năm chục năm sau cái chết của Frédéric đã được coi như một cái bản lề cửa. Thật vậy sau đó giáo triều còn bị tấn công sớm hơn với nhiều vũ bảo hơn điều đức Innocent III và đức Innocent IV ngờ tưởng. Nhưng từ nay, kẻ thù của giáo triều là tinh thần quốc gia và chính quyền đời, cả hai là những cột trụ của Quốc gia tân tiến.
II. CÁC NUỚC BALTES TRỞ LẠI.
Ðầu thế kỷ XII, sông Elbe vẫn còn là ranh giới phía Ðông của thế giới Kitô có tổ chức và Ðức quốc. Bên kia thì có dân Slave, chỗ đông chỗ thưa không đều. Balan làm thành một pháo đài giữa người Hung Gia Lợi và các nước Baltes. Từ phía Tây tới Ðông Bắc theo bờ biển, thì có người miền Poméranie giữa sông Oder và sông Vistule, người Prussiens từ Vistule đến Niemen, người Lithuaniens từ Niemen đến Dvina là người Lettons và người Finnois từ Dvina tới vịnh Finlande. Việc giảng Phúc âm bắt đầu trước tiên từ hai giáo phận cạnh sông Elbe, Bamberg và Magdebourg. Otton de Bamberg (mất năm 1139 vì bạo lực) và thánh Norbert (mất cách an bình năm 1134), đều tiến hành công việc truyền giáo về phía Ðông. Thánh Norbert khuyến khích các tu sĩ Prémontrés và Citeaux đi sau và có khi đi trước các nhà giảng Phúc âm. Vì thế Maddebourg đã thấy phạm vi ảnh hưởng của mình lan rộng tới mấy trăm cây số về phía Ðông sông Elbe và vượt quá sông Oder nữa. Năm 1147, các điền chủ Ðức được thúc đẩy bởi lời giảng của thánh Bernard, cho rằng nghĩa binh làm việc nơi người Slave có lợi hơn là dấn thân vào những cuộc viễn chinh xa xôi tận phương Ðông. Võ lực không đem lại kết quả nào. Những cuộc trở lại được tiến triển tuần tự trong hòa bình. Sau ít lâu, người Ðức dần dần đến chiếm phần đất phân chia hai nước Ðức và Balan. Lúc đó, lãnh thổ được phân chia cho hai dân tộc theo sắc lệnh của giáo triều. Người Thụy Ðiển đi truyền giáo miền đất thuộc Phần Lan ngày nay, còn người Ðan Mạch hoạt động ở Esthonie. Meinhard de Holstein giảng Phúc âm dọc theo bờ biển Balte cho tới Lithuanie (1184). Hoạt động của ông được Albert (mất năm 1229) tiếp tục, ông này người cương nghị và có những cái nhìn sâu rộng, ông sáng lập thành Riga (1201) và là giám mục tiên khởi. Năm 1204, Albert sáng lập dòng quân sự những người mang kiếm giữ luật dòng hội Ðền Thờ. Ông được đức Innocent IV ủng hộ, giáo hoàng cũng khuyến khích các thừa sai Citeaux ở Prusse. Ở Prusse việc truyền giáo được tiến triển nhờ sự can thiệp của dòng Bệnh Viện thuộc các hiệp sĩ Teutons. Ðược sáng lập trong thời nghĩa binh thứ ba, theo kiểu mẫu các dòng quân sự để giúp đỡ và bảo vệ khách hành hương Ðức. Chẳng bao lâu, dòng này trở nên giàu có và số hội viên gia tăng. Họ quan tâm nhiều tới các nước Baltes, nơi mà các điều kiện hoạt động quen thuộc hơn và có nhiều may mắn thành công về tôn giáo và vật chất hơn ở Ðông phương. Thế là dây liên kết lịch sử giữa Ðức và dòng Teuton được thắt chặt. Ban đầu, mọi hoạt động đều yên hàn. Nhưng, sau khi đức Innocent IV mất, dân ngoại giáo ở Prusse nổi loạn và dọa phá hủy mọi công trình đã hoàn thành. Cùng lúc đó một tai biến đổ xuống Kitô giáo Ðông âu: người Mông Cổ xâm chiếm sâu vào lãnh thổ, không kém cuộc xâm chiếm trước kia của người Hung Gia Lợi.
Cuộc nổi loạn Prusse đã thúc đẩy các hiệp sĩ Teuton và đồng minh của hội lao mình vào một cuộc chinh chiến kéo dài tới hai chục năm. Ðây là cuộc chiến tranh không thương xót. Nhiều người ngoại bản xứ bị tàn sát, rồi để thay thế, họ cho người Ðức miền Tây đến ở. Sau chiến tranh Prusse, dòng tu Teuton tiến vào xứ Lithuanie, gây chiến tranh suốt một thế kỷ (1283-1383). Mỗi bên đều phạm những tội tàn sát và lúc thắng lúc bại. Năm 1237, dòng hiệp sĩ Teuton thu nhận thêm các tu sĩ mang kiếm (porte-glaive) của Albert. Ðến năm 1291 rời bản doanh từ Acre về Venise, đóng tại Marienbourg, trên bờ sông Victule, trong hậu địa Dantzig. Thế là dòng trở thành một lực lượng lớn. Ðịa trường hoạt động và những nguồn lợi vật chất cứ mỗi ngày thêm gia tăng, bao trùm những miền ở giữa Nga, Balan và Baltique. Từ 1343 tới 1404, là hoàng kim thời đại của dòng, dòng đã xâm chiếm và làm cho hết các dân miền bờ biển trở lại, từ Esthonie tới Poméranie phía Ðông. Trong cuộc xâm chiếm Letthonie làm thuộc địa, các giám mục hưởng hai phần ba đất đai và các tu sĩ mang kiếm hưởng một phần ba. Ở Prusse và ở Poméranie thì ngược lại. Các giám mục và kinh sĩ đoàn giữ thế độc lập đối với dòng. Còn dòng thì đích danh trực thuộc Roma. Vì thế mà các nước Balte đều có cơ cấu phong kiến hỗn tạp như những miền Ðức rộng lớn khác: dòng cai trị tất cả miền, nhưng những vùng thuộc giám mục và các thành phố hưởng quy chế tự do hơn. Về sau dòng Teuton bị giảm uy thế vì xảy ra một cuộc chinh chiến giữa họ và Balan, giữa Lithuanie và Poméranie vào thế kỷ XV. Kể từ đó, đời sống luân lý và tôn giáo của dòng xuống dốc trầm trọng. Trước kia người ta khen ngợi dòng hiệp sĩ Teuton, nhưng mới đây người ta lại chê trách nhiều. Từ buổi đầu, đây là một dòng ”nghĩa binh quân” mà những mục tiêu đệ nhất thuộc phạm vi thiêng liêng và tinh thần Kitô giáo. Nhưng rồi với thời gian dòng dần dần trở thành “dòng chiến tranh”, chống lại mọi thứ thù địch, ngoại giáo cũng như Kitô giáo. Cũng chính đáng thôi, khi người ta có thể phê phán nhiều về những hành động chiến tranh phi nhân, và về nhiều vụ can thiệp chính trị tàn ác của họ. Nhưng dòng cũng có nhiều thành công rực rỡ về chinh chiến và có đường lối cai trị khiến cho người ta cảm phục. Vi thế phải kiểm điểm lại những phê phán khắt khe, ở thế kỷ 20, đã đồng hóa một cách sai lầm dòng hiệp sĩ với thưc chất tàn ác và hiếu chiến của người Prusse. Một sử gia hiện đại, không phải là người Ðức và đã có kinh nghiệm về sự bá chủ của người Prusse ở Âu Châu, đã nhận định rằng: Công việc của các hiệp sĩ Teuton đã là ”một trong những thực hiện vẻ vang nhất của thời Trung Cổ” và là ”thành công lớn nhất của nền văn minh Trung Cổ Ðức” (1).
GIÁO HỘI BULGARIE.
Nước Bulgarie thời Trung Cổ đã được sáng lập năm 681 do Asparuch con của Kowrat. Asparuch đã dẫn người Bungare vượt sông Danube. Ông cho họ định cư trong góc Ðông Bắc bán đảo Balkan, trên một lãnh thổ trước đây thuộc về Byzance và có người Slaves sinh sống. Nước này chính thức theo ”ngoại giáo” và tranh thủ giữ đạo của mình cho tới năm 864. Nhưng, trong tiền bán thế kỷ IX, các thừa sai Byzance đã truyền bá Kitô giáo cho nhóm người Slaves ở Bulgarie. Nguyên do trực tiếp việc trở lại của nước Bulgarie là một biến cố chính trị: hòa ước ký kết giữa ông hoàng Boris, vua nước Bulgarie và vua Louis người Germanie. Liên minh này chứa chấp một nguy cơ. Ảnh hưởng của người Franc có thể tràn qua xứ Thrace và xứ Macêđonie và như thế là sẽ đe dọa những quyền lợi sống còn mà Byzance đang nắm giữ trong vùng này. Hoàng đế Michel III có sẵn một đạo quân ở biên giới Bulgarie (864). Boris liền nhượng bộ ngay tức thời. Ông cam kết không liên minh với dân Franc và chỉ nhận Phúc âm từ Byzance. Boris được rửa tội năm 865, lấy tên là Michel để tỏ lòng tôn trọng người đỡ đầu của mình. Khi ông quyết định bắt hết các thần dân chịu phép rửa, thì hàng quý tộc Bulgare nổi loạn. Nhưng cuộc nổi loạn này bị trừng trị không nương tay. Thượng phụ Photius liền viết một thư dài cho Boris, giải thích cho ông biết về giáo lý của Giáo Hội và những phận sự của một ông vua theo Kitô giáo (2). Có những lý do để nghĩ rằng nhà vua Bulgare không được hài lòng về bài ”xã luận” thông thái đó. Như tất cả các vua những nước mới theo Kitô giáo Byzance, ông phải đương đầu với một vấn đề gai góc: làm thế nào dung hòa việc thừa nhận quyền ưu việt của Byzance và ước muốn tự nhiên làm chủ nơi nước mình? Có một hàng giáo phẩm quốc gia hay phải thần phục thượng phụ Bulgare? Boris muốn giải quyết rõ ràng vấn đề này. Nhưng Photius lại hoàn toàn im lặng về vấn đề này và làm cho Boris lo lắng. Do đó, thất vọng về phía người Hy Lạp, Boris đã quay về với người liên minh đầu tiên là Louis người Germanique. Năm 866 ông yêu cầu phái một giám mục và các linh mục tới Bulgare. Ðồng thời, ông sai một phái đoàn tới Roma để xin giáo hoàng bổ nhiệm một thượng phụ cho nước Bulgare. Ðối với giáo hoàng Nicolas I, đây là một dịp tốt cho phép thu hồi một phần miền Illyricum đặt dưới quyền mình. Ngài nhất quyết đưa Giáo Hội Bulgare còn trẻ trung thần phục Tòa Thánh, giáo hoàng liền phái ngay hai giám mục tới Bulgare và thảo lời đáp gồm 106 câu mà Boris đã viết và gửi cho ngài. Lá thư của giáo triều được các nhà giáo luật Trung Cổ gọi là ”những câu trả lời của Nicolas phúc đáp những câu hỏi của người Bulgare” (Respconsa Nicolai ad consulta bulgarorum) (3), là một tài liệu sáng suốt và minh mẫn. Nó cho thấy rằng, mặc dầu mới chỉ biết Kitô giáo một cách thô sơ, Boris đã hoàn toàn có khả năng khai thác sự cạnh tranh giữa tòa Byzance và tòa Roma, và lấy lại được độc lập và uy thế cho Giáo Hội Bulgare. Nhưng đức Nicolas đã không thỏa mãn hết những điều vua Bulgare tha thiết mong ước. Thật vậy, giáo hoàng đã khôn khéo thoái thác việc Boris xin thượng phụ, ngài khuyên Boris hiện thời cứ nhận một tổng giám mục mà thôi. Nhưng, vì người Byzance đã làm khó dễ không cho Bulgarie một giám mục, nên Boris cho là mình đã thành công trong việc thương thuyết với Roma, và hứa làm tôi tớ trung thành của thánh Phêrô.
Thế nhưng, năm 870 Boris và thần dân của ông đã vào chuồng chiên của Byzance. Thực ra, cuộc trở mặt này là công trình ngoại giao của Byzance. Anastase thủ thư viện đã tỉ mỉ và không giấu sự buồn khổ, nói tới những ”lễ vật” (Munera) và những ve vãn (sophistica argumenta) mà người Hy Lạp dành cho người Bulgare trong bốn năm trời để kéo họ tách rời khỏi Roma (4). Năm 870 người Byzance đã rất cẩn thận không lập lại những sai lầm đã phạm bốn năm trước đây làm cho Boris ngã vào tay giáo hoàng. Từ đó Giáo Hội Bulgare có một tổng giám mục đứng đầu. Vị này tuy thạo giáo luật thuộc quyền thượng phụ Constantonople nhưng được hưởng rộng rãi quyền tự trị. Thế là: sự cạnh tranh giữa Roma và Constantinople, cách xử khôn ngoan tinh tế của Boris, đường lối ngoại giao mềm dẻo của đế quốc Byzance, tất cả là những thuận lợi cho phép thành lập Giáo Hội quốc gia Slave tiên khởi.
Chừng mười lăm năm sau, Giáo Hội Bulgare trẻ trung lại bước thêm một bước mới nữa để được tự trị về phụng tự. Boris đã hiểu rằng chỉ khi nào có một hàng giáo sĩ quốc gia, một phụng vụ và một tự mẫu Slave thì thần dân ông mới có thể tiếp tục thu nhận nền văn minh Byzance mà không làm hại tới nền độc lập văn hóa và chính trị riêng của mình. Khi bị trục xuất khỏi Moravie, các đồ đệ của Méthod xuôi dòng sông Ðanube và tới Bulgarie, và đã được Boris thân tình đón tiếp. Clément, một trong các thủ lãnh của họ, được gửi đến Macédoine. Ở đây ông làm việc trong ba chục năm giữa các công dân Slaves của Boris: giảng Phúc âm bằng tiếng Slavon, cử hành phụng vụ Slavon theo nghi thức Byzance và huấn luyện giáo sĩ quốc gia. Nhờ thánh Clément (được bổ nhiệm giám mục năm 893) và người bạn đồng hành của ông là thánh Naum, Macédoine đã trở thành một trọng điểm nổi tiếng của nền văn hóa Slavon-Byzance. Achrida, đô thị chính yếu, đã trở thành cái nôi của Kitô giáo Slave miền Balkan. Ở Preslav, thủ đô Bulgare, đã phát triển một trường phái văn chương Slave khác dưới sự bảo trợ của Syméon, người con và kẻ kế vị Boris (893-927). Ở đây, vào những năm cuối cùng thế kỷ IX, chữ viết Glagolilique được thay thế bằng tự mẫu Cyrillique, đơn giản hơn và trực tiếp dựa theo Hy ngữ. Trong một trăm năm sau, các trường ở Ochrida và Preslav đã phát hành rất nhiều sách đời và đạo. Thường là những bản dịch hay bản thích nghi các bản văn Hy Lạp, nhưng cũng có một số sách độc đáo, như cuốn ngữ Pháp Slavon và một cuốn ca tụng mẫu tự Slavon. Trào lưu văn chương này có tầm quan trọng lớn hơn nền văn hóa bản xứ ở miền Anglo-Saxon Northumbrie. Khi làm cho văn chương Byzance, đời cũng như đạo, được phổ biến giữa dân Slaves, thì trong nhiều thế kỷ tiếng Slavon đã nuôi dưỡng nền văn hóa của các dân Ðông âu.
Chắc chắn truyền thống dùng tiếng bản xứ của Cyrille và Méthod đã là một yếu tố quyết liệt làm cho Kitô giáo tiến triển nhanh chóng ở Bulgarie. Việc phát triển quá mạnh về dòng tu cũng là một dấu hiệu của những sự tiến triển này. Dưới triều đại hoàng đế Pierre (927-969) các tu viện mọc lên như nấm tại Bulgarie, nhất là miền Macédoine. Niềm khao khát sự thánh thiện và tu thân khắc kỉ được biểu lộ qua những người như thánh Gioan người Rila (mất năm 946). Ngài đã sống nhiều năm trong một thân cây sồi rỗng, rồi trong một hang núi vùng Rila và đã trở thành thánh quan thày nước Bulgarie. Nhưng hiện tượng dòng tu nảy nở quá nhanh cũng là một nhược điểm. Từ giữa thế kỷ X, vì tính cách tạm bợ của nhiều dòng tu, vì tính cách tạm thời của các lời khấn dòng, vì sự suy thoái chung của kỷ luật dòng, nhiều tu sĩ đã mê theo trần tục hay trở thành kẻ lang thang, dễ bị tiêm nhiễm những giáo lý sai lạc. Hơn nữa, di sản của Cyrille và Méthode, với sự phối hợp rất độc đáo của truyền thống Byzance và Slaves, đã bị nứt rạn và biến chất. Các cuộc chinh chiến trường kỳ Syméon phải đương đầu chống đế quốc Byzance làm cho nước Bulgarie tới bờ kiệt quệ. Chúng để lại trong dân nước một mối thù cay đắng đối với Byzance. Theo sau là những tập tục và qui chế Byzance du nhập một cách xô bồ, gây sâu thêm cái hố phân chia các giai cấp lãnh đạo và dân quê càng ngày càng nghèo khổ và sôi động hơn. Hai nhân tố này - tình hình nguy cấp của chế độ dòng tu và người dân quê mất tin tưởng - đã làm nảy sinh giáo phái “bogomiles”, là trào lưu ly giáo quan trọng nhất trong lịch sử các miền Balkan thời Trung Cổ.
Giáo phái ”bogomiles” do một linh mục Bulgare cùng tên sáng lập vào khoảng các năm 927 và 969. Ðây là sự phối hợp của hai yếu tố: một là thuyết nhị nguyên tân Mani từ miền Cận Ðông được đưa vào miền Balkan (đặc biệt do ”phái Paulicien” ở Arménie và Tiểu Á), hai là một thứ Kitô giáo ”Phúc âm”, chống giáo phẩm, chống bí tích và giữ một thái độ nổi loạn chống quyền Giáo Hội và Nhà Nước. Giáo lý cơ bản của phái bogomiles là chủ trương vũ trụ hữu hình và vật chất do ma quỉ dựng nên. Do đó họ từ chối việc Nhập thể và mọi quan niệm Kitô giáo coi vật chất như dụng cụ chuyên chở ân sủng, họ bãi bỏ phép Rửa Tội và phép Thánh Thể, họ khinh chê các chức thánh và tổ chức hữu hình của Giáo Hội. Giáo huấn luân lý của họ, dĩ nhiên là theo thuyết nhị nguyên như phái Mani nguyên thủy, thì một phần múc từ những khuynh hướng phản giáo tiềm tàng trong chế độ dòng tu Bulgare thế kỷ X. Họ lên án tất cả những việc làm trong đó con người trực tiếp tiếp xúc với vật chất: lấy vợ lấy chồng, dùng đồ ăn, uống rượu. Cho dầu chưa chắc là tất cả các thành viên của giáo phái có giữ tiết dục cùng một mức độ như nhau, phần bogomiles đã sống trong khắc khổ tới thế kỷ XIV, điều mà những thù địch hung dữ nhất của họ đã công nhận. Cũng là chính đáng thôi, khi người ta miêu tả họ như những tín hữu Thanh giáo (puritains) đông đảo nhất thời Trung Cổ. Linh mục Cosmas, người Bulgare, viết vào năm 972, đã tố cáo những người bogomiles về tội bất tuân mệnh lệnh nhà nước như sau :”Họ dạy cho dân họ không được vâng lời chủ, họ thóa mạ người giàu, thù ghét phái quí tộc, chế giễu những người nắm chính quyền, khiển trách lớp quyền quí, coi việc phục vụ nhà vua là việc hèn trước mặt Thiên Chúa và cấm nông nô không được làm cho chủ!” (5). Chắc chắn là giáo thuyết bogomiles đã biến chuyển cách này hay cách khác, qua nhiều thế kỷ và khi tràn tới tất cả bán đảo Balkan, thâm nhập vào Giáo Hội Byzance, và trở thành nguồn cội phát sinh ly giáo Cathare hay Albigeois ở Ý và ở miền Nam nước Pháp. Ít là trong giai đoạn cuối cùng, phần Bogomiles là một trào lưu của dân quê: nó đã dựa vào những nguyện vọng tôn giáo và xã hội của phần đông dân quê bất mãn mà dồn họ vào thế ly khai. Lịch sử cho biết giáo phái này đã tan rã hoàn toàn khi người Turcs xâm chiếm vùng Balkan.
Nền độc lập của Giáo Hội Bulgare, mà quyền tối cao đã nhận được qui chế thượng phụ từ Byzance năm 927, đã chấm dứt khi Byzance xâm chiếm Bulgarie, vào cuối thế kỷ X và đầu thế kỷ XI. Từ 1018 tới 1187, Bulgarie chỉ còn là một tỉnh thuộc Byzance. Trong thời kỳ này, các thượng giáo chủ Bungare, các tổng giám mục Ochrida, trên lý thuyết, tất cả được hưởng một qui chế tự trị, nhưng trong thực tế đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi thẩm quyền Constantinople. Một số sử gia chủ trương rằng quân xâm lược Byzance đã có ý diệt trừ truyền thống Cyrille-Méthode và áp đặt Hy ngữ trong phụng vụ Giáo Hội Bulgare. Các nguồn tài liệu chưa cung cấp đủ bằng chứng hiển nhiên. Nếu chính sách ấy đã được áp dụng thì nó đã hoàn toàn thất bại. Nhưng nếu dựa vào giọng văn khinh khi của tổng giám mục Hy Lạp Ochrida là Theophylacte (giữ chức vụ từ 1080 tới khoảng 1108), viết về con chiên của mình trong những thư gửi về Constantinople (6), thì hàng giáo sĩ Byzance điều hành công việc của Giáo Hội Bulgare lúc đó, không mấy có thiện cảm đối với những truyền thống văn hóa của xứ này. Năm 1187, Bulgarie đã nổi lên chống Byzance, thành công mỹ mãn là dành lại nền độc lập quốc gia. Tới thế kỷ XII, Bulgarie trở lại vị trí như đã có vào những thế kỷ IX và X, nghĩa là một đại thế lực Âu Châu. Hoàng thân Kalojan (1197-1207) đã tìm cách làm cho người ta chính thức nhìn nhận nước ông. Ông đã xin Roma giúp một tay. Ðức Innocent III gửi cho Kalojan một lá thư (1199) và từ đó thư đi thư lại thường xuyên suốt năm năm trời. Sáng suốt nhận thấy tình hình bấp bênh của đế quốc Byzance mà thủ đô đã bị bao vây (1203) và bị phá bình địa (1204) do các đạo quân nghĩa binh IV, Kalojan ngỏ ý muốn đặt nước mình dưới quyền giáo triều, nếu đức Innocent III chịu công nhận tước hiệu hoàng đế mà ông đã tự xưng và nâng tổng giám mục Tarnovo (tân thủ đô Bulga) lên hàng thượng phụ, tước hiệu mà chính ông đã tự đặt cho. Giáo hoàng thấy rõ: Kalojan theo đuổi chính sách mà Boris đã khởi sự từ thế kỷ IX: tạo nguyên nhân cho Byzance và Roma chống đối nhau. Ngài liền quyết định cho thiết lập quyền Roma trên nước này và chỉ nhượng bộ cho hoàng thân Bulgare một vài điều, như được tự trị về mặt Giáo Hội (7) (Theo nhiều thư tín đôi bên, không có một vấn đề nào thuộc giáo lý hay phụng vụ được đặt ra); Kalojan được phong vương (nhưng không phải là hoàng đế) do một sứ thần giáo triều và giáo hoàng công nhận tổng giám mục Bulgare là thượng giáo chủ nước Bulgarie (nhưng không phải là thượng phụ), vào tháng 11. 1204. Hoàng thân Bulgare đã đáp lễ bằng việc công nhận quyền tối cao của Roma.
Một sự liên kết phát sinh từ những thủ đoạn chính trị và lớn lên trong những thái độ nước đôi về giáo lý, thì không thể tồn tại lâu dài. Văn hóa Bulgare từ cơ bản vẫn thuộc Byzance. Không chú trọng tới những điểm tế nhị về quy chế, Kalojan vẫn tiếp tục tự khoác cho mình cái tước hiệu hoàng đế (tsar) và coi thượng giáo chủ là thượng phụ. Giáo hoàng thất vọng khi Kalojan quay lưng chống lại những lãnh đạo La tinh tại Constantinople và còn đánh bại họ năm 1205. Từ đó, liên hệ giữa Bulgarie và Roma ngày càng suy thoái. Jean Asen II (1218-1241), ông hoàng nổi tiếng nhất ”thời đệ nhị đế quốc Bulgare” đã chấm dứt sự lệ thuộc của nước ông đối với Giáo Hội Roma. Năm 1235, ở Nicée, các chính quyền Byzance đã công nhận qui chế tự trị của thượng phụ giáo phẩm Bulgare miền Tarnovo, với điều kiện là giáo phận này chính thức công nhận quyền tối cao của thượng phụ giáo chủ Byzance.
Giữa thế kỷ XIV, một cuộc phục hưng lớn về văn chương, nghệ thuật Kitô và đời sống dòng tu chiêm niệm được khai sinh dưới ảnh hưởng một nền văn hóa Byzance đổi mới và vững mạnh. Trào lưu này đạt tới tuyệt đỉnh dưới triều hoàng đế Bulgare, là Jean Alexandre (1331-1371) và tiếp tục cho tới 1393 dưới sự lãnh đạo của thượng giáo phụ Bulgare, là Euthyme. Ở Tarnovo một học đường văn chương được phát triển dưới sự bảo trợ của nhà vua. Ngoài các công trình khác, học đường còn xuất bản những bản dịch ra từ tiếng Byzantin ra tiếng Slavon những tác phẩm về lịch sử, truyện thánh và phụng vụ. Trào lưu dòng tu Byzantin lại đua nở dưới sự thúc đẩy của phong trào những người ”tĩnh tọa” (hésychaste), đã lan tràn khắp Ðông âu vào thế kỷ XIV (8). Bên cạnh những tu viện Bulgare nổi tiếng, sáng lập vào thế kỷ X và XI, có tu viện Rila trong vùng núi về phía nam, tu viện Sofia và Bachovo trong dãy núi Rhodope, rồi tu viện Zographu trên núi Athos. Nhiều tu viện mới khác đã trở thành những trung tâm có ảnh hưởng về linh đạo tĩnh tọa. Những ”tu viện tĩnh tọa” quan trọng hơn cả là nhà dòng ẩn tu Paroria trong dãy núi Strandja phía Bắc Andrinople và nhà Kilifarevo cạnh Tarnovo. Nhà thứ nhất do vị thiền sư danh tiếng sáng lập, thánh Grégoire người Sinai, tu viện này ảnh hưởng tới Constantinople, xứ Serbie và những miền Bắc sông Danube; nhà thứ hai được sáng lập vào năm 1350 do thánh Théodose người Tarnovo, một đồ đệ của Grégoire. Nhà này có tầm quan trọng quốc tế! Hiện tượng phát triển đời sống tu trì và văn chương Bulgare vào thời Trung Cổ này đã chấm dứt vào năm 1393, khi Tarnovo rơi vào tay người Thổ. Ðất nước trở thành một tỉnh của đế quốc Hồi giáo. Thượng phụ giáo phận bị bãi bỏ và Giáo Hội Bulgare trực thuộc vào ngai tòa Constantinople.
Tới thế kỷ XIV, những liên hệ chặt chẽ được nối lại giữa các tu viện Bulgare và những vương công Roumanie ở về phía Bắc sông Danube. Nguồn gốc việc giảng Kitô giáo cho người Roumanie hãy còn mờ mịt, nhưng chắc chắn là từ thời thượng Trung Cổ, Kitô giáo Byzantin, phụng vụ Slave và mẫu tự Slave đã từ Bulgarie, bành trướng đến những vùng nằm giữa hạ lưu sông Danube và miền Karpates. Tới thế kỷ XIV, tại các vương công Valachie và Moldarie, chính quyền Byzantin đặt dưới quyền mình các vị trưởng giáo chủ ”Hongro-Valachie” ở Arge (1359) và trưởng giáo chủ ”Moldo-Valachie” ở Suceava (1401). Tiếng Slavon vẫn là tiếng của Giáo Hội Roumanie cho tới thế kỷ XVI.
IV. GIÁO HỘI SERBIE.
Giáo Hội Chính thống Serbie chỉ được sáng lập vào đầu thế kỷ XIII. Nhưng người Serbie đã chịu đạo Kitô sớm hơn nhiều. Vì như chúng ta biết, họ đã được rửa tội, tuy một cách không bền đỗ, bởi những thừa sai do Roma phái tới, theo lời yêu cầu của hoàng đế Heraclius (9). Chúng ta tìm thấy những bằng chừng xác đáng về việc truyền giáo cho người Serbie trong thế kỷ IX. Thật vậy, họ đã được đưa vào quĩ đạo của Byzance nhờ chính sách tháo vát của hoàng đế Basile I. Giữa 867 và 874 họ theo Kitô giáo Hy Lạp. Thế là các giáo phận được thiết lập ở Belgrade và ở Ras (gần Novi Pazar hiện nay). Dọc bờ biển Dalmatie, ảnh hưởng Byzance đã thành công trong việc chống đối sự bành trướng của người Francs cho tới năm 879, là năm Giáo Hội Croate công nhận quyền Roma. Trong hai thế kỷ tiếp sau, người Serbie chịu ảnh hưởng rất nhiều của Roma lúc đó có uy thế trên những đô thị La tinh gần bờ biển Adriatique. Một hoàng thân Serbe ở miền bể Zeta (nay là Montenigro) đã công nhận quyền tối cao Giáo Hội của giáo hoàng Grégoire VII. Chính ông và người kế vị ông đã nhận được từ Roma cái tước hiệu là vua. Nhưng tới thế kỷ XII, Kitô giáo Byzance mở rộng ảnh hưởng tại Serbie và tiếp tục củng cố trong miền nội địa Raska là trung tâm tương lai của vương quốc Serbie Trung Cổ. Từ cuối thế kỷ IX, vì nằm cạnh Ochrida và những trung tâm văn hóa khác của xứ Macédoine, miền Raska trở nên phong phú nhờ ảnh hưởng của nền phụng tự Slave, do các đồ đệ của Cyrille và Méthode du nhập vào.
Vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, tôn giáo và văn hóa của quốc gia Serbie phối hợp với nhau cách bền vững giống như ở Bulgarie thế kỷ IX và ở Nga thế kỷ X. Serbie lại nằm trên trục lộ giữa Ðông phương và Tây phương, giữa Byzance và Roma. Về chính yếu, ba người đã đặt nền móng cho quốc gia hùng mạnh thời Trung Cổ này: Etienne Nemanja, sáng lập quốc gia Serbie Trung Cổ và hai con ông là Etienne và Sava. Mặc dầu được một linh mục Roma rửa tội cho, Nemanja là một thành viên xác tín và hoạt động của Giáo Hội Byzantin. Năm 1196 ông thoái vị, nhường ngôi cho con là Etienne. Ông vào tu dòng ở Studenica ông đã sáng lập, rồi đi ẩn tu trên núi Athos. Con ông là Sava đã sáng lập trên núi thánh tu viện Serbe ở Chilandari, sau này trở thành một trong những trung tâm văn hóa tu viện Serbe. Tại Chilandari, hai cha con đã nghĩ ra đường hướng chung cho công đồng Kitô giáo Serbe, trong khuôn khổ Giáo Hội Byzantin. Etienne, con trưởng của Nemanja, trở thành lãnh tụ quốc dân Serbie, ông tiếp tục chính sách truyền thống giữ thế quân bình chặt chẽ giữa Byzance và Roma. Năm 1204, muốn thành lập đế quốc Roma ở Constantinople, đệ tứ nghĩa binh đã triệt để làm thay đổi tương quan giữa các lực lượng ở Ðông Nam Âu Châu và chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã củng cố những vị trí của phe thân Roma ở Serbie. Vì thế, Etienne rẫy bỏ bà vợ thứ nhất là một công chúa Byzantine, rồi cưới cô cháu gái của viên thống đốc cộng hòa Venise. Ông hứa trung thành ”thiêng liêng” với đức Innocent III và năm 1247 ông được sứ thần giáo triều đến phong vương.
Nhưng sức quyến rũ của Giáo Hội Hy Lạp đối với Serbie còn quá mạnh đến nỗi những thủ đoạn tinh vi không thể làm suy yếu. Hai năm sau khi Etienne được tấn phong, Sava đã từ núi Athos tới Nicée, nơi các nhà cầm quyền Byzantin lưu vong đã bắt đầu tái lập những cơ chế bị tan vỡ của đế quốc Hy Lạp. Sau khi đã được hoàng đế Théodore Lascaris chấp thuận, Sava được tấn phong tổng giám mục Serbie năm 1219 bởi thượng phụ giáo chủ Nicée. Có thể là ông đã hành trình tới đây với sự đồng tình của anh ông là Etienne, vua Serbie. Thế rồi ông trở về xứ sở để tổ chức Giáo Hội quốc gia non nớt. Từ nay, Giáo Hội Serbie theo qui chế tự trị, được bảo đảm về quyền tuyển chọn và tấn phong tổng giám mục của mình. Các nhà cầm quyền Byzantin chỉ giữ một quyền trên danh nghĩa để kiểm soát, và trong phụng vụ, Giáo Hội Serbie phải xướng danh thượng phụ giáo chủ Byzantin trước tổng giám mục Serbie. Thế là chúng ta thấy trong việc thành lập Giáo Hội quốc gia Serbie một thí dụ điển hình về những thỏa hiệp được ký kết giữa sức bành trướng của Byzance và nền độc lập của Serbie, thỏa hiệp bao giờ cũng có lợi cho cả đôi bên.
Muốn cho Giáo Hội mình đâm rễ trong toàn thể Kitô giáo Ðông phương, trong truyền thống tu trì trên núi Athos và trong sinh hoạt của quốc gia, thánh Sava đã đem đến cho Giáo Hội Serbie Trung Cổ những đức tính lớn lao mà chính ngài đã sống. Dây liên hệ chặt chẽ ràng buộc Giáo Hội Serbie và những con cháu dòng họ Nemanja cai trị nước cho tới 1371, đã được thể hiện hữu hình trong các tu viện được sáng lập và cung dưỡng bởi các vua Serbie. Kiến trúc và nghệ thuật họa trên tường các thánh đường của nhà dòng Studenica, Zica, Mileseva, Sopocani, Gracanica và Decani là những thí dụ lừng danh quốc tế, được liệt vào những sáng tác nghệ thuật giá trị nhất của Kitô giáo Ðông phương. Tòa Tổng Giám Mục, ban đầu đặt ở Zica, trong thung lũng Ibar, được chuyển về Pec năm 1233. Nhiều hoàng thân Serbie vào thế kỷ XIII và XIV có vẻ ngã theo hay ít ra còn thiện cảm với Giáo Hội Roma. Nhưng tâm tình chống Roma tăng lên ở Serbie sau khi công đồng Lyon (1274), đồng tình với hoàng đế Michel VIII, quyết chí xóa bỏ quy chế tự trị của các Giáo Hội Serbie và Bulgare. Trong một tài liệu chính thức được công bố năm 1354 tại Serbie, quen gọi là ”bộ luật của Etienne Dusăn”, đã mô tả công giáo Roma như là ”tà giáo latinh” (herésie latine).
Dưới triều Etiene Dusăn (1331-1355), Serbie trở thành nước mạnh nhất trong các nước Balkan. Macéđoine, Albanie và Epire đã tách rời khỏi đế quốc Roma. Theo đuổi ước mộng thành lập một tân đế quốc Serbie-Hy Lạp, Dusăn tự xưng là hoàng đế và bắt dân gọi mình là hoàng đế các người Serbie và Hy Lạp. Ông cần phải được chính thức tấn phong thì tước hiệu của mình mới hợp pháp. Theo quan niệm Byzance, chỉ có một mình thượng phụ được quyền tấn phong hoàng đế mà thôi. Thượng phụ Constantinople chỉ có thể coi việc Dusăn nhận tước hiệu hoàng đế như một việc cướp quyền thô kệch. Lấy quyền riêng của mình, Dusăn nâng thượng giáo chủ của mình, tổng giám mục Pec, lên hàng thượng phụ. Mấy ngày sau, ở Skopje, thượng phụ Serbie tấn phong cho Dusăn làm hoàng đế (1346). Các nhà cầm quyền Byzance phản ứng rất mạnh và cho đó là một cuộc phiến loạn tôn giáo và chính trị. Năm 1350, Calliste, giáo chủ Constantinople, ra vạ tuyệt thông cho Dusăn và tất cả Giáo Hội Serbie. Thế là xẩy ra cuộc ly khai giữa Giáo Hội Byzance và Giáo Hội Serbie. Cuộc ly khai này chỉ chấm dứt năm 1375. Lúc này hoàng thân Lazare cai trị trên phần Bắc vương quốc Serbie, phải đương đầu với sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ trong miền Balkan. Ông thuyết phục giáo chủ Constantinople cởi vạ cho Giáo Hội và quốc dân Serbie, đồng thời công nhận thượng phụ Serbie.
Nhưng dự tính phục hồi sự hiệp nhất giữa các dân Kitô giáo miền Balkan, trước hiểm họa Thổ, đã đến quá muộn. Năm 1389 quân binh Serbie bị người Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại tại Kosovo. Biến cố này đã trở thành huyền thoại cách mau chóng và nhiều bài thơ phú đã nêu bật hẳn ý nghĩa: Người ta đã hết sức ca ngợi dân tộc Serbie anh dũng và bền vững sống Ðức Tin. Trong bảy mươi năm tiếp sau, một vương công lãnh thổ thu hẹp còn sống sót ở phía Bắc. Nơi đây nghệ thuật và văn chương Serbie Trung Cổ được nẩy nở một lần cuối cùng nữa. Ngay những ”bạo chúa” miền Bắc Serbie cũng vội vàng cho thiết lập và cung dưỡng các nhà dòng như các ông vua trước đây đã làm. Các bức họa trên tường nhà thờ ở Ravanica (1377) và ở Manasija (1406-1418) cho thấy các nghệ sĩ Kitô giáo Serbie, trước khi người Thổ đến tấn công lần cuối cùng năm 1459, đã suy tính muốn biến chuyển những ảo ảnh của một thế giới loạn ly thành viễn tượng tốt đẹp thiêng liêng.
V. GIÁO HỘI NGA.
Những năm 860-870 chắc chắn là một thập niên chủ yếu. Cyrille và Méthode được phái tới Moravie, Boris người Bulgare được rửa tội và có chương trình làm cho nước Nga trở lại. Chương trình thực hiện quá vội vã đã trở thành biến cố gây nguy hiểm cho đế quốc Byzance. Năm 860, một hạm đội Viking tấn công Constantinople. Cuộc tấn công bị đẩy lui, nhưng không phải là không có nhiều khó khăn lớn. Cuộc tấn công này được điều khiển bởi người Thụy Ðiển chư hầu dân Slave Ðông phương có tên là Rhos. Bấy giờ dân này hùng mạnh, bá chủ con đường biển nối liền biển Baltique với biển Noire (Hắc hải). Nhà cầm quyền Byzance đã nhanh chóng hiểu rằng để bảo đảm an toàn cho đế quốc, thì phải mau đưa những dân Mandi Nga vào ranh giới văn minh Roma Ðông phương. Không để mất thời giờ, họ liền thu xếp cho dân Nga trở lại đạo. Từ năm 867, thượng phụ Photius đã có thể tuyên bố rằng quốc dân Nga thời xưa mang tiếng là man di hung dữ, nay theo Kitô giáo và chịu quyền thiêng của một giám mục Byzance, là thần dân và bạn hữu của đế quốc. Cũng như trường hợp Bulgarie, ở đây phải nhắc lại rằng: theo con mắt của người Roma Ðông phương, một quốc gia man di theo Kitô giáo Byzance luôn bao hàm sự thần phục quyền tối thượng về chính trị của hoàng đế. Mấy năm sau, thượng phụ Ignace bổ nhiệm cho người Nga một tổng giám mục. Ðó là tất cả những gì chúng ta có thể biết được từ những tài liệu hiếm hoi lấy trong các nguồn Byzantin về vấn đề mà các sử gia gọi là ”sự trở lại đầu tiên của người Nga”. Chúng ta không biết gì về số phận dành cho địa phận tiên khởi Byzănce của Nga. Ðiều chắc chắn là nhà thờ chính tòa được đặt ở Kiev, thủ đô chính. Có thể nhà thờ đã bị cuốn đi khi nước triều ngoại giáo trở lại quét sạch nước Nga vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ IX. Nhưng từ những năm đầu thế kỷ X cho tới khi toàn nước Nga đã trở lại hết, dưới triều Vladimir, thì người ta thấy một chuỗi liên tục các dấu hiệu minh chứng sự có mặt của một cộng đồng Kitô giáo ở Kiev. Năm 957, công chúa Olga, nhiếp chính vương quốc, đã đến Constantinople để bàn về hòa bình. Trong buổi tiếp tân linh đình do triều đình khoản đãi, công chúa được thượng phụ Byzantin rửa tội. Dù có muốn, Olga cũng không thể bắt thần dân theo đạo được. Hơn nữa, hai năm sau, công chúa không thành công trong việc xin Otton I cho một giám mục Ðức đến. Nhưng những liên hệ với đế quốc Ðông phương đã vạch đường cho Kitô giáo Byzance đi tới toàn thắng, dưới triều người cháu là Vladimir.
Những hoàn cảnh trong cuộc trở lại của Vladimir thì còn mờ mịt về nhiều khía cạnh quan trọng. Một phần vì những nguồn tư liệu Byzance của thời đại không hề nói tới. Ðàng khác lại có mâu thuẫn giữa hai nguồn tư liệu chính yếu, là Ðệ nhất biên niên sử Nga và sử gia Ả Rập Yahia thành Antioche. Biên niên, hẳn là chính đáng hơn, nhấn mạnh tới những lý do tôn giáo của việc trở lại; nhưng thêu dệt thêm khi khẳng định rằng ông hoàng Nga đã chọn Kitô giáo Byzance bởi vì viên đại sứ của ông đã nói tới vẻ đẹp siêu việt của nền phụng vụ được cử hành tại nhà thờ thánh Sophia ở Constantinople (10). Còn ông Yahia lại giải thích: việc Vladimir chịu phép rửa tội là do những thương thuyết đã xẩy ra giữa Byzance và Nga năm 988. Ông hoàng nước Nga đã nhận ủng hộ hoàng đế Basile II chống lại đối thủ của ngài là đại tướng ngụy tặc Bardas Phocas; hoàng thân đã nhận theo Kitô giáo để đổi lấy tay người em gái hoàng đế! (11) Những thương thuyết này đã được chứng minh. Nhưng không có lý do đích đáng để chối rằng: Vladimir đã chịu phép rửa tội năm 988 hay 989, sau đó các giai cấp lãnh đạo Nga đều chịu rửa tội theo; Dĩ nhiên những vụ việc này đều có những lý do tôn giáo và chính trị, giống như cuộc trở lại của Boris ở Bulgarie.
Người ta cũng chưa biết gì về năm chục năm đầu của Giáo Hội mà Vladimir đã thành lập. Giáo Hội được đặt dưới quyền nào? Vì thiếu tài liệu minh chứng trực tiếp và đồng thời nên cuộc tranh luận tha hồ diễn biến. Có mấy nhà sử học chủ trương rằng giữa các năm 988 và 1039 Giáo Hội Nga thuộc Giáo Hội Bulgare, có sử gia khác lại cho là chịu quyền Roma, người khác nữa lại cho là đã tự lập. Tác giả những trang sách này lại nghĩ rằng từ buổi đầu, Giáo Hội Nga phụ thuộc thượng phụ Byzance. Ðể minh chừng, tác giả dựa vào lời khẳng định của Yahia thành Antioche: Hoàng đế Basile II đã phái các ”giáo chủ và giám mục” rửa tội cho Vladimir và thần dân của nhà vua; hàng giáo sĩ Hy Lạp ở Crimée đã góp công vào việc truyền giáo cho nước Nga, vua Vladimir cho dựng ngôi thánh đường thứ nhất ở Kiev do các kiến trúc sư Byzantin; còn có cuộc xe duyên kết tóc của Vladimir với người em gái hoàng đế Basile II; và sau cùng, Vladimir trở thành người con thiêng liêng của hoàng đế và nhận tên rửa tội là Basile.
Từ 1039 tới 1448, Giáo Hội Nga do các giáo chủ Kiev (thường trú ở Moscova sau 1328) lãnh đạo, là một tỉnh giám tổng của tòa thượng phụ Byzance. Thế kỷ XI và XII, một trong những nhiệm vụ chính của hàng giáo sĩ Nga là thiết lập các giáo phận trong những đô thị chính yếu và đương đầu với dân ngoại giáo Slave; mặc dầu bị Vladimir ra lệnh diệt trừ, ngoại giáo vẫn còn còn nhiều ảnh hưởng trong dân chúng. Ở Nga, cũng như ở các miền Slave thuộc vùng Balkan, việc gia nhập Kitô giáo đều do từ trên bắt buộc. Trong gần một thế kỷ, Kitô giáo chỉ là đạo của các giai cấp lãnh đạo. Có lẽ phải chờ tới thế kỷ XV, việc trở lại mới hoàn toàn được thiết lập tại Nga và mới tái đúc nền văn hóa nông thôn một cách rõ rệt. Giữa những giai cấp có văn hóa, Giáo Hội lại một lần nữa là cơ quan truyền bá nền văn minh Byzance trong quần chúng. Nhờ việc dịch ra tiếng Slavon bộ Nomocanon Hilạp (tóm tắt giáo luật và sắc dụ hoàng đế), người Nga đã tiếp thu, cũng như người Bulgare và người Serbie, hai nguyên tắc cơ bản của triết học chính trị Byzantin: Thuyết về những liên hệ ”hòa hợp” giữa Giáo Hội và Quốc gia, và thuyết về đế quốc Kitô phổ quát mà trung tâm là Constantinople (12). Nguyên tắc thứ nhất thiết lập một cách lý tưởng sự cộng tác chặt chẽ của Giáo Hội Nga Trung Cổ và các hoàng thân Nga. Còn theo nguyên tắc thứ hai, mặc dầu nó đã bị một hoàng thân Nga từ chối không nhận vào cuối thế kỷ XIV, sự việc tạm thời và không xác đáng, thì trước mắt người Nga, hoàng đế được ủy quyền làm lãnh tụ tự nhiên và theo luật Thiên Chúa, để cai quản cộng đồng Kitô giáo, làm nhà hành pháp tối cao của Kitô giáo. Quyền này còn được lan rộng, ít ra theo một ý nghĩa thiêng liêng và ”siêu chính trị”, tới hết các hoàng thân và các dân Kitô giáo. Nghệ thuật Byzantin đã phổ biến rộng rãi trên đất Nga, trước hết ở Kiev, rồi vào thế kỷ XIV và XV, khi có sự ”phục hưng các nhà cổ ngữ học”. Từ thế kỷ XI, nghệ thuật đã chịu ảnh hưởng của những trường phái địa phương về kiến trúc và hội họa. Bằng nghệ thuật, người ta đã đem vào nước Nga những truyền thống phụng vụ và thần học của Giáo Hội Ðông phương. Người ta cũng rõ ràng nhận thấy ảnh hưởng của truyền thống nghệ thuật Byzantin ở Nga Trung Cổ trong việc trang trí thánh đường thánh nữ Sophia ở Kiev. Nền móng đã được đặt từ năm 1037. Các tranh ghép kính mảnh có khắc chữ Hilạp xếp theo một kiểu mẫu rất có phẩm trật, Ðức Kitô toàn năng (Pantocrator) hiển trị ở vòm bát úp và Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa ở hậu cung, tất cả đều tiêu biểu những đặc sắc của nghệ thuật Byzance Trung Cổ. Những bức tranh tường kỳ lạ trang trí cầu thang lên tháp chuông, diễn tả những cảnh phức tạp ở triều đình Byzance, các lễ hội, đua xe và nhào lộn. Ðó là những chứng cớ hiển nhiên về sức quyến rũ của Constantinople xa xôi và huy hoàng đối với người Nga, như ”đô thị mà thế giới thèm muốn”. Kitô giáo Byzance đã ảnh hưởng rất sâu đậm tới văn chương Nga, cũng như nghệ thuật và pháp luật Nga. Vào thời bình minh của lịch sử Kitô giáo, người Nga đã có thể xử dụng được những khả năng trong truyền thống bản xứ Cyrille-Méthod, như người Bulgare và người Serbie. Ðặc biệt từ Bulgarie, ở thế kỷ X, các bản dịch slave của Cyrille, Méthod và các đồ đệ đã được phổ biến nhiều tại Nga. Một thư viện quan trọng gồm các tác phẩm đời và đạo, dịch ra từ tiếng Hy Lạp, đã được thiết lập lại Kiev. Các nhà bác học Nga, nhất là dưới triều Jaroslow, con của Vladimir (1019-1054) đã thêm bản dịch của mình vào. Tới thế kỷ XI, các nhà trí thức Nga đã bắt đầu sáng tác các sách văn chương độc đáo viết bằng tiếng slavon (dần dần phối hợp với tiếng bình dân địa phương). Nhiều tác phẩm, trong số đó các bộ ”Ðệ nhất Biên niên”, ”Bài giảng về Ðức Tin và Ân sủng” của Hilarion, giáo chủ ở Kiev, và sách ”truyện các vị thánh tiên khởi Nga” (Boris, Gleb và Théodore) - đều được xếp vào sổ những sách quan trọng trong lịch sử văn hóa Nga thời Trung Cổ. Văn hóa Nga vào thời Thượng Trung Cổ này không bị hạn chế và đóng kín. Nó phát triển dưới sự bảo trợ của Byzance và liên hệ trực tiếp với Trung âu và Tây âu. Trước khi bị quân Mông Cổ xâm chiếm vào thế kỷ XIII, nước Nga đã có liên hệ về thương mại, ngoại giao và ý thức mình thuộc về Kitô giáo.
Tính cách hỗn hợp tứ xứ của nền văn hóa nguyên thủy đã bị xóa bỏ trong những thế kỷ Mông Cổ chiếm đóng (1237-1480). Những liên hệ với Byzance vẫn tiếp tục và được củng cố thêm trong thế kỷ XIV. Nhưng cuộc tranh đấu cho sự sống còn của đất nước, kể từ khi vương quốc Moscova ra đời, đã hạn chế nhãn giới văn hóa và tôn giáo của người Nga. Giáo Hội Nga được ưu đãi đặc biệt dưới thời Mông Cổ đô hộ, như được miễn thuế năm 1270. Các thủ lãnh, đặc biệt các giáo chủ bản xứ là thánh Pierre (1308-1326) và thánh Alexis (1354-1378), đều cương quyết ủng hộ các hoàng thân Moscova trong việc đấu tranh đòi quyền lợi và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống người Mông Cổ. Thái độ Nga đối với Giáo Hội Roma, tương đối thân thiện trong thời kỳ Kiev là thủ đô, từ nay ra mặt thù địch. Trong những năm 1240, các liên hệ giữa Nga và Kitô giáo Tây phương đã tới một khúc ngoặt. Ông hoàng xứ Novgorod, thánh Alexandre Nevski, đã đẩy lui được những cuộc tấn công của người Thụy Ðiển, người Livoni và các hiệp sĩ Teuton đánh phá những ranh giới Nga miền Balte.
Còn về phạm vi tu trì thì Giáo Hội Nga thời Trung Cổ đã đóng góp rất lâu bền và rất độc đáo vào lịch sử Kitô giáo Hy Lạp. Vào cuối thế kỷ X và đầu thế kỷ XI, ở buổi bình minh lịch sử của mình, chế độ tu trì tại Nga, nhờ những liên hệ chặt chẽ với núi Athos và với Constantinople, cũng nhờ những bản dịch các tác phẩm tu đức cổ điển ra tiếng slavon, đặc biệt cuốn Historia Monacorum (Lịch sử các Ðan sĩ), Histoire dédiée à Lausos (Truyện kính tặng Lausos) của Palladios, Pré Spirituel (Cánh đồng thiêng liêng) của Jean Mosch và những cuốn Vitae (Sách chuyện) của Cyrille de Scythopolis, đã tiếp nhận được những nguyên tắc tổ chức trong ba trào lưu khác nhau của chế độ khổ tu Byzantin: lối sống cô tịch, lối sống bán ẩn tu (Sémi-érémitique) và lối sống ẩn tu cộng đồng (cénobitique). Việc lựa chọn không phải dễ dàng gì. Vẫn có những mối căng thẳng ngấm ngầm giữa ba trào lưu và không bao giờ giải quyết được trong nước Nga Trung Cổ, ngay cả trong các chế độ tu trì Ðông phương cũng vậy.
Trên bảy mươi tu viện được công nhận là hiện hữu ở Nga trước thế kỷ XIII, thì gần hai phần ba là do các hoàng thân sáng lập, theo kiểu mẫu các tu viện Byzantin mà các hoàng đế hay các gia đình giàu có đã cho xây cất để giữ cho mình một nơi chôn cất và bảo đảm lời cầu nguyện vĩnh viễn cho linh hồn mình được siêu thoát. Nhưng tu viện lớn nhất, tu viện Cryptes ở Kiev, không do người đời sáng lập, cũng không do một nhà giàu bảo trợ và nuôi dưỡng. Tu viện được xây cất vào tiền bán thế kỷ XI bởi một tu sĩ Nga tên là Antoine, thầy đã khấn dòng ở tu viện Mont-Athos, rồi đã trở về bản quán để lập một ẩn tu viện trên vùng đồi núi gần tỉnh Kiev. Tu viện Mons-Athos đã có nhiều ảnh hưởng và đã trở thành khuôn mẫu cho tu viện Cryptes. Thực ra, trong suốt thời Trung Cổ, tu viện Mons-Athos là trường dạy khoa tâm linh của Nga và là nơi gặp gỡ các văn hóa Slave và Byzantin. Giai đoạn thứ hai trong lịch sử tu viện Cryptes gắn liền với tên một người Nga khác là Théodore, làm tu viện trưởng từ 1062 tới 1074. Ông đem về từ Constantinople cuốn luật pháp dòng và thiết lập một lối sống ẩn tu cộng đồng. Ðó là mẫu tu trì tổ chức thành cộng đồng tu sĩ sinh hoạt, cầu nguyện và lao động chung dưới sự hướng dẫn của một tu viện trưởng, lối tu trì này, ít ra trong một thời gian, đã thay thế lối sống ẩn tu cá nhân của thánh Antoine. Tư cách, đức khiêm tốn sâu xa và đơn sơ, sự ôn hòa và ”kín đáo” của thánh Théodore được nhiều thầy dạy tâm linh học khen phục và đã gây ảnh hưởng lớn trong công trình phát triển cơ chế dòng tu Nga sau này.
Sau khi thoát khỏi nạn chiếm đóng của Mông Cổ, chế độ dòng tu được phục hồi và đổi mới vào thế kỷ XIV. Nhưng đa số các tu viện ở thế kỷ XIV và XV rất khác với các tu viện ở thế kỷ XI và XII. Vào những thế kỷ XI và XII, các tu viện bao giờ cũng được dựng gần các đô thị hay vùng kế cận. Trái lại, đa số các nhà dòng Nga thành lập vào thời hạ Trung Cổ (thế kỷ XIV, XV) lại được kiến thiết xa nơi dân chúng nhộn nhịp. Những người sáng lập đều tìm chốn cô tịch và lặng lẽ. Thường là những khu rừng thăm thẳm chạy từ Bắc Moscova cho tới Bạch hải (Mer Blanche) và biển Arctique. Việc ẩn tu trong ”Sa mạc” đã mang tầm vóc quan trọng kể từ cuối thế kỷ XIV. Thánh Serge, nhân vật nổi bật của trào lưu này, đã lập vào giữa thế kỷ một tu viện nổi tiếng, tu viện Chúa Ba Ngôi, trong khu rừng về phía Bắc Moscova. Ông có một linh đạo rất giống đường lối của thánh Théodore. Ông đã trở nên vị thánh được sùng kính nhất trong các vị thánh của Nga. Từ nơi ông và từ tu viện của ông đã phát sinh hai trào lưu lớn về chế độ tu trì ở Nga, Theo ngài cộng đồng tu trì phải có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm túc. Ngài nhấn mạnh tới việc tuân thủ phụng vụ và phục vụ xã hội. Ẩn tu chiêm ngưỡng theo kiểu Hy Lạp gọi là Laure và ở Nga gọi là Skit với những lý tưởng chiêm niệm và khắc khổ, chịu ảnh hưởng truyền thống tĩnh tọa (hésychastes, (thiền) Byzantin. Trong hậu bán thế kỷ XV, hai người tiêu biểu nhất của hai trào lưu này là thánh Joseph Volokolamsk và thánh Nil người La Sora.
Vấn đề tự quyết đã chi phối những thập niên sau cùng trong lịch sử Giáo Hội Nga thời Trung Cổ. Miền Moscovie đã không nhận công đồng Florence năm 1441, ngay khi Isidore, giáo chủ Hy Lạp của tất cả các nước Nga trở về. Tại Ý, ông đã ký sắc lệnh thống nhất và do đó, ông đã được bổ nhiệm hồng y và sứ thần của giáo hoàng. Do lệnh đại công tước Basile II, Isidore bị truất phế và bị bắt tù. Cũng năm đó, ông vượt ngục và bị lưu đày. Tiếp sau đó là thời kỳ tình thế bấp bênh. Dân miền Moscovie bị phân tán giữa hai ngả: một đàng không muốn chịu quyền cai trị thiêng liêng của một thượng phụ chủ trương liên hợp và một đàng, lại sợ bỏ mất quyền tự quyết theo giáo luật của Giáo Hội Nga đối với Constantinople. Các giám mục Nga họp công đồng do Basile II triệu tập ở Moscova, không có phép của Byzance, đã bầu giám mục Jonas de Riazan giữ chức vụ giáo chủ trên cả các nước Nga (1448). Nhưng các nhà cầm quyền Moscova vẫn còn tỏ lòng vâng phục Giáo Hội Mẹ ”trừ những điều bất bình mới xẩy ra”. Việc Constantinople bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng (29.5.1453) và việc bãi bỏ sự hợp nhất với Florence đã chấm dứt tình hình nước đôi này. Khi thấy Giáo Hội Hy Lạp từ nay nằm trong tay một hoàng thân Hồi giáo chủ quyền tấn phong cho thượng phụ, thì Giáo Hội Nga quyết duy trì qui chế tự trị đã được năm 1448. Năm 1589 với thỏa ước hoàn toàn nhất trí của các Giáo Hội Chính thống, qui chế tự trị này đã đổi thành qui chế thượng phụ tự trị (autocéphale).