Vọng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Đức Maria Hiện Diện Trong Hội Thánh
"Các tông đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện
cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su
và với anh em của Đức Giê-su."
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ (1, 12-14).
Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
ĐÁP CA (Tv 11)
Những kẻ ngay lành sẽ chiêm ngưỡng nhan Người.
Có Yavê nơi thánh điện của Người,
Yavê, ngai của Người đặt ở trời cao.
Mắt Người hằng trông nhìn xuống,
nhãn quang dò xét đám người phàm.
TIN MỪNG
Bài trích Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 7, 37-39).
Vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, Chúa Giêsu đứng lên giảng lớn tiếng rằng: "Ai khát nước hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông". Người nói điều ấy về Chúa Thánh Thần mà các kẻ tin nơi Người sẽ lãnh lấy, vì bởi Chúa Giêsu chưa được tôn vinh.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Hôm nay xin được chia sẻ Lời Chúa của Thánh Lễ Vọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, kết thúc mùa phục sinh. Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi trên đây, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, đã công bố một khẳng định rất quan trọng xuất phát từ chính Chúa Giêsu, một khẳng định về Tin Mừng sự sống, một sự sống đời đời. Bối cảnh của bài Tin Mừng là ngày bế mạc tuần lễ lều, và cũng là ngày long trọng nhất. Trong một tư thế không như thường thấy nơi Chúa Giêsu đó là tư thế ngồi giảng dạy, nhưng trong một tư thế trang trọng, Người đã đứng lên giữa cộng đoàn, ngay trong Đền thờ, và không phải với một cung giọng bình thường, Chúa Giêsu đã lớn tiếng công bố rằng “ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”.
Như thế, Chúa Giêsu đã công bố chính Người là mạch nước nguồn sống, một nguồn sống tuôn chảy không ngừng ngay giữa lòng trần thế này, một mạch nước đem lại cho con người sự sống đời đời. Chỉ cần một tiêu chuẩn duy nhất là phải ĐẾN và TIN thì có được nguồn nước sự sống ấy. Chúa Giêsu nói ‘ai khát hãy đến, ai tin sẽ được uống’ chứ Người không nói là dân Do Thái hay một dân nào khác, Người cũng không gọi ông này bà kia đến và tin để có được nước hằng sống. Nhưng Người nói ‘ai đến, ai tin’ nghĩa là bất cứ ai, không phân biệt sang hèn, chủng tộc hay màu da, không phân biệt trí thức, chức sắc hay thường dân. Chúa Giêsu là suối nước nguồn sống cho tất cả mọi người chúng ta. Chúng ta chỉ cần đến với Chúa Giêsu và tin vào Người thì tâm hồn chúng ta sẽ được tưới mát bởi mạch nước hằng sống xuất phát từ chính Người.
Trong câu cuối của đoạn Tin Mừng trên đây lại cho ta một lời giải thích về lời công bố về nước hằng sống của Chúa Giêsu, rằng Người muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Chúng ta biết rằng, khi Chúa Giêsu còn ở với các Tông Đồ thì các ông chưa nhận được Thánh Thần, nhưng các Tông Đồ là cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi sẽ được Chúa Giêsu trao ban cho Thánh Thần sau khi Người đã phục sinh. Chúa Thánh Thần chính là hoa quả, là ân ban, là hồng ân cao trọng nhất, là quà tặng tình yêu của Chúa Giêsu phục sinh. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn suối tình yêu, là mạch nước hằng sống đã vọt lên từ Đấng Phục Sinh và trào tràn ra tưới mát nhân loại chúng ta, một nhân loại đã, đang và vẫn còn luôn cần đến mạch nước hằng sống, cần đến nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa xuất phát từ Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự chết, phục sinh khải hoàn.
Để đón nhận được nguồn nước hằng sống là Chúa Thánh Thần thì điều kiện cần có là phải đến và tin vào Chúa Giêsu. Các Tông Đồ là những người đã đến với Chúa Giêsu ngay khi Người bắt đầu cuộc sống công khai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã tin theo Chúa Giêsu và lòng tin của các ngài được củng cố vững vàng bởi Đấng Phục Sinh khi Người trao ban Thánh Thần. Từ đó Hội Thánh được thiết lập và hoạt động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Thưa anh chị em, giữa cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi ấy có sự hiện diện của Mẹ Maria. Các Tông Đồ là những người đầu tiên đến và tin vào Đức Giêsu, nhưng còn hơn hẳn các Tông Đồ nữa, sau lời thưa xin vâng trong ngày truyền tin, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng của Mẹ Maria để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ Maria đã mở rộng cung lòng đón Ngôi Hai Thiên Chúa và Thánh Thần đã ngự xuống và bao phủ lấy Mẹ. Vì Mẹ đã được Thiên Chúa chọn, đã đắc sủng và đẹp lòng Thiên Chúa, nên chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với Mẹ và từ sau lời xin vâng ấy thì Mẹ Maria vẫn luôn tin vào con của Mẹ và phó thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận chân cây thập giá trên đồi Sọ, Mẹ Maria vẫn vững tin trước cuộc khổ hình Chúa Giêsu phải chịu, trong khi các Tông Đồ dường như đã bỏ đi hết. Và sau khi phục sinh Chúa Giêsu đã hiện ra để củng cố lòng tin cho các Tông Đồ, còn Mẹ Maria thì không cần Đấng phục sinh phải hiện ra với Mẹ vì Mẹ vẫn tin. Lòng tin của Mẹ Maria là một mẫu gương tuyệt vời nhất cho chúng ta. Mẹ vẫn luôn hiện diện giữa cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi và cùng cầu nguyện để đón chờ Chúa Thánh Thần.
Trong bài sách Công Vụ Tông Đồ trên đây đã kể lại bối cảnh của Hội Thánh sơ khai một cách khá rõ nét. Cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi quy tụ với nhau ở nhà tiệc ly, đã đồng tâm nhất trí với nhau và chuyên cần cầu nguyện. Thánh Luca, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ, đã không nêu tên các người phụ nữ như vẫn thường thấy trong sách Tin Mừng của ngài, nhưng ngài chỉ nêu rõ tên một người phụ nữ đó là Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu cùng hiện diện với các Tông Đồ.
Sự hiện diện của Mẹ Maria giữa Hội Thánh tiên khởi đã có một vai trò rất quan trọng. Với cuộc hiện xuống sứ mạng của Mẹ vẫn chưa kết thúc, Hội Thánh vẫn luôn cần sự hiện diện của Mẹ. Mặc dù việc quản trị Hội Thánh không phải là được trao cho Mẹ, nhưng Tông Đồ Phêrô mới là người nhận quyền bính tối thượng trong Hội Thánh từ Đức Kitô. Mẹ không thuộc giai cấp các Tông Đồ nhưng hơn hẳn và luôn có một ảnh hưởng sâu xa đối với Hội Thánh. Chính Chúa Giêsu nơi cây thập giá đã trao Gioan là đại diện của cả Hội Thánh cho Mẹ và Người đã chỉ cho Gioan biết đây là Mẹ của con, và như thế Mẹ Maria đã trở nên là Mẹ của cả Hội Thánh, và Gioan đã rước bà về nhà mình, nghĩa là Mẹ về trong nhà Hội Thánh. Giữa lòng Hội Thánh Mẹ Maria đã trở nên mẫu giương cho lòng tin và sự cầu nguyện.
Thưa anh chị em, sau khi đã đồng hành với con để thực hiện chương trình cứu độ, Mẹ Maria lại tiếp tục đồng hành với các đồ đệ của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, sau khi Người khuất bóng, về cùng Chúa Cha, không hiện diện một cách hữu hình nữa. Sự hiện diện của Mẹ Maria nơi nhà Tiệc Ly cho thấy vài trò rất đặc biệt của Mẹ. Mẹ không chỉ hiện diện đấy, nhưng lời cầu xin của Mẹ còn có giá trị rất cao trong sự chờ đợi Chúa Thánh Thần.
Chắc hẳn Mẹ Maria đã có kinh nghiệm riêng về Chúa Thánh Thần. Mẹ đã được Chúa Thánh Thần bao phủ trong ngày truyền tin, Chúa Thánh Thần lại thúc đẩy Mẹ lên đường đến thăm người chị họ là bà Êlisabét, để rồi bà cũng được tràn đầy Thánh Thần mà cất lên lời chúc tụng Mẹ là thân mẫu Chúa tôi. Và đây trong nhà Tiệc ly, Mẹ lại hiện diện với các Tông Đồ, sự hiện diện của Mẹ đã tạo nên sự hiệp nhất, sự đồng tâm nhất trí giữa các Tông Đồ. Khi Chúa Thánh Thần đến như tiếng gió mạnh ùa vào nhà Tiệc ly, và dưới hình lưỡi lửa tản ra trên đầu mỗi người trong nhà, hẳn Mẹ đã nhận ra những nét quen thuộc của Đấng đã đến trong tâm hồn Mẹ vào ngày truyền tin để Mẹ được cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ đã biết Chúa Thánh Thần là Đấng nào, Mẹ đã biết về mọi kỳ công Ngài đã thực hiện nơi Mẹ và qua Mẹ cho Hội Thánh. Mẹ tin chắc Ngài sẽ thực hiện những kỳ công mới trong cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi mà Mẹ đang hiện diện. Chính vì thế, Mẹ Maria đã trở nên chỗ dựa vững chắc trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và cũng là ngày Hội Thánh chính thức được khai sinh. Từ điểm xuất phát là nhà Tiệc vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh đã bung ra lan rộng khắp thế giới. Hội Thánh lan rộng tới đâu thì cũng có Mẹ Maria hiện diện ở nơi đó, giữa cộng đoàn Hội Thánh.
Anh chị em thân mến, chúng ta cùng nhìn lại một chút lịch sử của Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy Mẹ Maria luôn hiện diện trong dòng lịch sử ấy. Sau thời các Tông Đồ là các thánh Giáo phụ, chúng ta nhận thấy nơi các thánh giáo phụ như thánh Inhaxiô thành Antiôkia, thánh Irênê, thánh Xiprianô, thánh Augustinô … nơi các ngài đã có một lòng tôn kính đặc biệt đối với Mẹ Maria. Bản kinh cổ xưa nhất về Đức Mẹ là kinh Trông cậy mà chúng ta vẫn đọc khi cầu nguyện với Mẹ Maria “chúng con trông cậy rất thánh đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chế chớ bỏ lời nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn…” đó là những lời kinh đã có từ khoảng năm 300. Năm 431 Công Đồng Êphêsô đã dâng tặng Mẹ tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Rồi rất nhiều thánh đường đã được xây dựng lên để dâng kính Mẹ và nhiều ngày lễ được thiết lập để kính Mẹ vào thời Trung Cổ. Khoảng từ năm 1100-1200 kinh cầu Đức Bà và Kinh Kính Mừng xuất hiện. Năm 1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 1950 đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Và trong suốt chiều dài của lịch sử của Hội Thánh Mẹ Maria đã nhiều lần hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới, để che chở, để nhắc nhở, để khuyên bảo, để dạy dỗ con cái của Mẹ trong Hội Thánh.
Điểm lại một chút lịch sử như thể để chúng ta nhận ra rằng, sự hiện diện của Mẹ Maria trong Hội Thánh quả thật là một hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Mẹ Maria đã trở nên như một nhịp cầu không thể thiếu để chúng ta đến được với nguồn ơn cứu độ là chính Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Khi huấn giáo về Đức Maria, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói: “Chiều kích Maria của Hội Thánh đã tạo thành một yếu tố không thể chối được của cảm nghiệm dân Kitô hữu. Chiều kích này được bộc lộ qua nhiều hình thức phát biểu của đời sống các Kitô hữu, chứng tỏ vị trí mà Đức Maria đã chiếm được trong tâm hồn của họ. Đây không phải là một thứ tình cảm hời hợt, nhưng là một mối dây thân tình sâu đậm và có ý thức, đâm rễ sâu trong đức tin, và thúc đẩy các Kitô hữu hôm qua cũng như hôm nay hãy năng chạy đến cùng Đức Maria, ngõ hầu kết hiệp chặt chẽ hơn với Đức Kitô.”
Quả thật, thưa anh chị em, trong mối dây thân tình sâu đậm, có ý thức và đâm rễ sâu trong đức tin, mỗi người chúng ta hãy năng đến với Đức Mẹ. Thật là đẹp khi ta thấy hình ảnh con cái của Đức Mẹ khắp nơi đây đó trên thế giới quy tụ hành hương, dâng hoa kính Mẹ, đặc biệt trong tháng 5, tháng 10. Đó là hình ảnh của từng Hội Thánh địa phương đang tụ họp cầu nguyện cùng với sự hiện diện của Mẹ Maria.
Có lẽ không chỉ những người Kitô hữu chúng ta cầu nguyện với Mẹ đâu, nhưng tôi cũng gặp nhiều người chưa là Kitô hữu mà đã biết cầu nguyện với Mẹ Maria rồi và họ đã nhận được ơn và đã đến tạ ơn Mẹ. Một người bạn trong một lớp học của tôi cũng đã khiến tôi ngỡ ngàng và có phần xấu hổ nữa khi cô nói, cô rất thường xuyên đến cầu nguyện với Đức Mẹ ở núi đá trong sân đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn. Hỏi thêm câu nữa thì tôi được biết cô không ở giáo xứ nào vì cô không có đạo. Cô rất vui vẻ mà nói với tôi: em cảm thấy rất bình an mỗi khi cầu nguyện, tâm sự với Đức Mẹ. Tôi cảm thấy cũng hơi chột dạ vì mình cũng là người đi tu mà nhiều khi chưa cảm nghiệm được như thế.
Có lẽ chúng ta cũng cần phải ý thức lại về sự hiện diện của Mẹ Maria giữa cộng đoàn chúng ta, cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình chúng ta. Chúng ta có nhận ra sự hiện diện và vai trò nâng đỡ cứu giúp của Mẹ cho chúng ta chưa? Chúng ta cũng cần phải gây lại ý thức cho những người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình về sự hiện diện của Mẹ Maria. Mẹ có đó giữa cộng đoàn chúng ta là để cứu giúp chúng ta, là để chuyển cầu cho chúng ta. Và đặc biệt Mẹ Maria quy tụ chúng ta bên Mẹ là để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Mẹ, Đấng sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta và cho chúng ta được ở trong nguồn ân sủng tuôn chảy từ Người là Thánh Thần.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ làm cho chúng con biết chạy đến với Mẹ, để cùng Mẹ, chúng con vững tin và cùng Mẹ cầu nguyện với Chúa Giêsu, xin Người tuôn đổ nguồn ơn Thánh Thần xuống trên chúng con. Amen.
Gioan Vũ Minh Sinh CSsR.