CHƯƠNG XXIV
PHẦN THỨ BA
1199-1303
CHƯƠNG XXIV
THẾ KỶ XIII
CHƯƠNG XXIV
THẾ KỶ XIII
I. ÐỨC INNOCENT III.
Sau khi đức Célestin III qua đời năm 1198, các hồng y đồng thanh và hết sức vội vàng bầu một phó tế trẻ nhất, mới 37 tuổi, quý danh là Lotario de Segni, lên ngôi giáo hoàng, lấy tên là Innocent III (3). Thê là một trong những giáo hoàng trẻ tuổi nhất lên nối ngôi vị lão thành đã cửu tuần ra chào đời trước khi thánh Bernard vào Citeaux và hẳn đã được học với Abélard trước khi ông này bị kết án. Trước khi đức Lucuis III, cậu ngài, bổ nhiệm ngài lên chức hồng y, thì Lotario đã học thần học ở Paris và giáo luật ở Bologne với Uguccio. Dưới triều đức Célestin III ngài không thực sự tham gia vào công việc cai trị của giáo triều. Nhưng các đồng sự của ngài biết ngài có những đức tính đặc biệt và am hiểu cơn khủng hoảng trong Giáo Hội cũng như có nhiều khả năng giải quyết các vấn đề. Quả thật, sau khi được bầu, đức Innocent III đem ngay chương trình của mình ra để thi hành, như thể ngài đã nắm quyền từ nhiều năm vậy. Thực ra, một phần nào đó, ngài cũng gặp nhiều may mắn. Ngài không còn phải đối diện với hoàng đế xông xáo có tầm vóc như Frédéric I hay Henri VI nữa. Ngài có thể coi tất cả thế giới Kitô như vương quốc của ngài mà không phải phân chia hay tranh giành với một vua nào cả. Cho dầu có gây tức tối và nguy hiểm, những vụ việc ở Ðức chỉ tiêu biểu cho một khu vực hoạt động của ngài thôi.
Trong một triều đại tương đối ngẳn ngủi, đức Innocent III luôn nhằm ba mục đích: tổ chức nghĩa binh thánh giá; nắm quyền kiểm soát trực tiếp tất cả Giáo Hội, kể cả những dân ngoại giáo và những ông vua quái dị của họ; cải cách Kitô giáo, giáo dân và giáo sĩ. Trước khi đưa vai gánh vác những trọng trách lớn, ngài chưa bao giờ làm việc mục vụ, chưa bao giờ nhận chức vụ linh mục. Ngài đã theo khoa thần học. Nhưng những khả năng của ngài cũng như những quan tâm của ngài đã được biểu lộ ra ở Bologne, và đã được Uguccio rèn luyện ý chí. Ðức Innocent không phải là một nhà tư tưởng uyên thâm, cũng không phải là một chủ chăn đầy nhiệt tình, nhưng là một luật gia biết trình bày các nguyên tắc và đưa ra những nhận định, ban truyền các đường lối và phương pháp để đạt tới những mục tiêu đã ấn định rõ ràng. Khi nghiên cứu triều đại ngài, người ta bỡ ngỡ thấy ngài có rất nhiều hoạt động khác nhau, tính kiên quyết không bị lung lạc vì thất bại, không để hư hỏng vì cố chấp, luôn nhận định nhanh chóng và trong sáng. Ngài không xu thời và không bao giờ làm việc một cách đột ngột thiếu suy nghĩ. Nhưng là một chính khách, ngài nhận ra cái có thể và cái có thực. Tính uyển chuyển và mềm dẻo đặc biệt đã nhiều lần giúp ngài tránh những vố bất ngờ, những hiệu quả rủi ro hay vì sai bài toán. Dưới triều đại của ngài, việc cai trị toàn cõi Giáo Hội giống như một mùa hè ngắn ngủi. Những vị danh tiếng đi trước ngài đã phải đấu tranh để chiếm lại quyền cai trị đích thực. Những người kế vị ngài đã dùng khí giới của quyền lực, càng ngày càng thiếu khôn ngoan thiêng liêng và mọi sáng suốt chính trị. Chỉ một mình đức Innocent đã làm cho người ta vâng phục, bởi vì đó là lợi ích của những người tuân phục ngài. Lùi lại lịch của mấy thế kỷ, chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng quan niệm về giáo triều ngài nhận như di sản phải lo phát triển, đã không gây thảm hại vì ngài đã tìm cho được một mục tiêu không sao đạt được và không nên mong mỏi, đó là quyền chính trị phần đời phải phục tòng thẩm quyền phần đạo. Nhưng quan niệm này có thể được thừa nhận và mong muốn ở thời đại đức Innocent. Giống như ở thời đại chúng ta, người ta mong ước duy trì việc cai trị thê giới trong hòa hợp và thái bình nhờ vào một hợp tác hay liên hiệp quốc.
Theo phán đoán của hậu lai, thì đức Innocent III đã vấp một số lỗi lầm nghiêm trọng. Ngài đã không biết rằng Venise có thể lợi dụng nghĩa binh thánh giá để dành giật những quyền lợi riêng của mình. Với những thành kiến lâu đời nơi người Âu Châu (như ông) và của chức sắc giáo phủ, ngài đã để cho người ta phạm vào tội triệt hạ Constantinople, rồi tha thứ một phần, và ông đã coi thường khả năng phục hồi của đế quốc Ðông phương. Hình như ngài đã hiểu lầm về tính tình và những mục đích của Raymond de Toulouse và Simon de Montfort, và ngài đã thúc đẩy những con quỉ mà thực ra ngài không sao trừ diệt được. Có lẽ ở đây, ngài hãy còn quá là con người của thế kỷ XIII để thi hành công bằng tự nhiên và đức ái Kitô giáo trước khi quyết chí tận diệt ly khai. Về Anh quốc, ít ra hình như người Anh nhìn nhận như thế, ngài cũng coi thường những lực lượng đang hoạt động ở vương quốc hải đảo. Ngài ngả về phía nhà vua, vẫn biết vua này là một chư hầu biết vâng lời nhưng cũng là một ông vua tàn bạo, không đáng tin cậy. Trong những công việc bê bối phức tạp ở Ðức, ngài coi trọng lợi ích chính trị hơn lòng trung tín và sau cùng để lại cho những người kế vị nhiều vấn đề nhiêu khê. Tuy nhiên, trong tất cả những công việc này, ngài giữ được tư thế khởi xướng ở những việc mà các người khác bị đè bẹp.
Bên cạnh những sai lầm này, nếu người ta cho là sai lầm, đức Innocent III đã tỏ ra rằng mình cai trị toàn thế giới Kitô giáo với lẽ khôn ngoan và tài giỏi. Ðể chứng minh, chúng ta có những lá thư của ngài để lại, những vụ kiện ngài phân xử. Trong các sắc lệnh của công đồng Latran, ngài đã tóm tắt hết các đòi hỏi của đời sống Kitô giáo. Ngài đem áp dụng cho hết các tu sĩ những qui chế tốt lành mà các tu sĩ Citeaux soạn thảo. Trên tất cả, ngài tỏ ra có đức khôn ngoan sáng suốt và hoàn toàn với tinh thần tông đồ, khi ngài công nhận và khuyến khích những mục tiêu mới và những lý tưởng mới của thánh Ðaminh và thánh Phanxicô. Người ta nói rất đúng về đức Innocent III rằng :”Ngài năng động hơn là quyến dũ, nên ngài làm cho người ta phục hơn là yêu” (2). Nhưng mấy chú thích chúng ta thấy nói về ngài trong truyện thánh Phanxicô của Gérald de Galles và qua Thomas de Marborough, cho chúng ta hay: Ngài là một người có thể đối thoại với những cá nhân rất khác nhau về tính tình và thích nghi lời nói và phán đoán của mình cho hợp với họ. Cho rằng các văn thư và lời lẽ của ngài như đã được ghi lại, không làm chúng ta xúc động như một số những lời lẽ của đức Grégoire VII, nhưng người ta không thể hạ thấp hoạt động của ngài khi ngài cầm quyền Giáo Hội và coi nó như một biểu dương thế lực hay sự bộc lộ những tham vọng của một người ích kỷ, hay những kết quả của một sự sáng suốt đơn thuần. Ðúng hơn, đức Innocent III hiện ra như một con người chuyên chú xử dụng và tăng cường quyền hành thuộc chức vụ của mình, để mưu ích cho một cái gì vượt quá sức mình, đó là Giáo Hội của Ðức Kitô ở Âu Châu và hạnh phúc vĩnh cửu của các con cái Người. Người ta sẽ sai lầm nếu cho ngài là vị giáo hoàng vĩ đại nhất. Nhưng chắn chắn đức Innocent III phải được coi như một trong các giáo hoàng có khả năng nhất. Chúng ta có thể tưởng tượng ra sự nghiệp của ngài sẽ lớn lao biết bao nếu ngài sống thêm hai chục năm nữa. Ðể là ”giáo hoàng vĩ đại nhất” thì chắc chắn cũng phải là một đấng thánh, như một Léon Cả, một Grégoire Cả, hoặc một Gregoire VII. Tuy rất đạo đức, đức Innocent III không xuất sắc về sự thánh thiện theo tinh thần Phúc âm. Thế nhưng dư luận muốn giới thiệu ngài như một nhà chính khách đội mũ giám mục, một Richelieu trở thành giáo hoàng, một nhà thẩm quyền vô nhân, thì không hợp với những chứng từ mà chúng ta được biết về ngài. Con người chuyên chú làm chính trị, biết công nhận và chúc lành cho thánh Phanxicô là con người vô danh với những đòi hỏi triệt để, coi như không có một nguồn lợi nào, con người ấy không phải chỉ sáng suốt, mà còn tỏ ra thông suốt về tâm linh. Ngài đã khuất đi trong khi thế giới còn đang cần đến ngài, vào lúc ngài sắp cứu giáo triều như đã cứu Giáo Hội thoát khỏi tai họa đang đe dọa. Ngài mất ở Pérouse. Triều đình ngài bỏ rơi ngài. Gia nhân cướp hết quần áo, đồ đạc của ngài và đến cả thi hài ngài. Thế nhưng ngài không chết đơn độc, bởi vì lúc đó chắc có thánh Phanxicô ở gần bên ngài.
II. BỐN NGỌN ÐUỐC CỦA THỜI ÐẠI HOÀNG KIM.
Thế kỷ XI và XII là một thời kỳ gieo hạt và năng động. Chúng làm nảy nở những tư tưởng và những thể chế để làm thành cơ cấu cho nền văn minh Trung Cổ mới và nền văn hóa Âu Châu mới. Những người đầy thiện chí và chỉ theo đuổi một mục đích như Hildebrand, thánh Bernard, Thomas Becket, đã khai trương những đường lối mới, với nghị lực và chịu đựng những cơn đau đớn của người mẹ sinh con. Chung chung, người ta công nhận rằng thế kỷ XIII là một trong những giai đoạn hiếm có trong lịch sử Âu Châu, nơi một văn hóa đã có thể chín muồi và sinh hoa kết trái dồi dào, với hòa hợp và toàn thiện về hình thức để đạt tới những tuyệt đỉnh của thiên tài trong nhân loại, một trong những thời điểm qui tụ hết các yếu tố có thể nói được là đã nắn đúc thành tâm trạng và nhân cách riêng của mình. Thời đại Periclès ở Athènes, thời đại Auguste ở Roma, thời đại Medicis ở Florence, thời đại Elisabeth ở Anh, đều là những thời điểm quan trọng khác nhau trong lịch sử Âu Châu. Theo một mức độ nào đó, thế kỷ XIII là một thời điểm quan trọng và đầy đủ hơn những thời điểm vừa được kể. Thật vậy, thế kỷ này đã phát xuất một nền văn hóa bao trùm tất cả Tây âu với hai bên của một trục chính từ đảo Sicile tới Ecosse. Văn hóa này có hơn một trung tâm bành trướng và đạt tới những tuyệt đỉnh trong hết các phạm vi hoạt động của con người, trừ những gì thuộc riêng về khoa học. Tự nó, lịch sử Giáo Hội không trực tiếp liên quan tới sự tiến triển của các nền văn minh, không liên quan tới cả sự thăng trầm của thiên tài loài người. Nhưng, trong tất cả những giai đoạn chín muồi, thì thế kỷ XIII là vô song, bởi vì nó là đóa hoa tinh tế của một xã hội nhuốm mầu tôn giáo một cách sâu xa, với những hoạt động cao cả, trừ một ít trường hợp, hoặc thuộc tôn giáo hoặc gắn bó chặt chẽ với tôn giáo. Ðó là một thời kỳ dồi dào về các vĩ nhân, những người có thiên tài mà lịch sử Giáo Hội thời ấy phải nói rõ danh tánh, ít ra một số trong những người đó. Chúng tôi sẽ không ra ngoài đề, nếu chúng tôi chú ý tới bốn nhân vật vẫn luôn luôn được kể là những bộ mặt tiêu biểu cho thời đại: thánh Francois d'Assise, thánh Louis, thánh Thomas d'Aquin và Dante Alighieri. Ba trong số bốn là bậc thánh, được hiển phong do toàn dân tung hô trước khi được Tòa Thánh đưa lên bàn thờ. Nếu không phải là thánh, người thứ bốn thường được coi như một nhà huyền nhiệm. Theo nghĩa rộng, hẳn ông là một nhà thần học và trong nhóm nhỏ bé gồm các thi sĩ đại tài của thế giới, thì ông là người độc nhất và trước hết là một thi sĩ tôn giáo. Bốn người này tiêu biểu cho tinh hoa của thời Trung Cổ. Ba trong số đó, ít ra về mấy bộ mặt quan trọng trong sự nghiệp, là những thiên tài trường tồn và như vậy các ngài luôn hiện đại, những thiên tài đầu tiên trong thứ loại này, mỗi người trong lãnh vực riêng của mình.
Thánh Phanxicô, mọi người đều công nhận ngài là một trong những vị thánh được biết đến và được yêu mến nhiều nhất. Vào thời hiện đại, có thể là vị thánh rọi sáng nhất trong tất cả, dầu không phải chỉ nguyên vì sự thánh thiện của ngài. Trong tất cả các thánh, ngài được coi và người đồng thời cũng coi ngài như thế, là vị thánh có tinh thần Phúc âm nhất. Thành công của ngài là đã lập nên dòng các Anh Em Hèn Mọn. Thánh Phanxicô có thể được kể như là người thứ nhất, mặc dầu ngoài ý muốn của ngài, đã làm thỏa mãn toàn thể làn sáng hầm hầm bốc nóng của những yêu sách đã tràn vào thế giới tôn giáo thời đại ngài, và là người đã đưa về Giáo Hội một đại trào lưu đạo hạnh đang đứng bên bờ sai lạc và nổi loạn. Thế nhưng danh tiếng lẫy lừng của ngài không phải chỉ do công việc lớn lao là đã thành lập một dòng tu mà từ lúc mới lập vẫn là một trong những dòng đông người nhất. Danh thơm tiếng tốt của ngài nơi quần chúng còn do cái tinh tế thanh cao và vẻ tao nhã thân thương của ngài, kể cả niềm cảm thông với cái đẹp của vạn vật. Chúng tôi còn phải thêm, cái thái độ coi như mới của thánh nhân đối với Ðức Giêsu Kitô, với sự thương khó của Người và với đời sống toàn thiện. Với thánh Bernard, thánh Phanxicô là nguồn cội phát sinh lòng đạo đức của thời hiện đại cũng như thời hạ Trung Cổ. Bằng đời sống cụ thể, bằng lý tưởng nghèo khó, ngài luôn là một người của thời đại, một người con của miền Ombria: vững chãi, sốt mến như Thiên Thần Sêraphim, người đau khổ, thị kiến gia, người nghèo khó, il poverello.
Thánh Louis, ngài vừa là người dễ hiểu hơn, vừa là người kém hiện đại hơn trong bốn người. Các sử gia ngày nay coi ngài như một trong những cột trụ của nền quân chủ Pháp, một người đã làm cho quốc gia được hùng mạnh nhờ vào nền hành chính pháp lý và kinh tài vững chắc. Ngài được người đồng thời cảm phục và tôn kính. Họ đã có thể coi ngài như một người trong nhóm họ, hành động như chính họ đang mong muốn, nhưng với một sức mạnh và một ý thức vô song về đức công bằng. Ðối với hết mọi thời, thánh Louis vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc của nhà vua và của hiệp sĩ Kitô giáo, biết điều hòa công bằng với nhân ái, cương quyết duy trì những quyền lợi truyền thống của mình trước một hoàng triều hống hách và một chư hầu xâm lược, biết nghiêm khắc với kẻ gian ác và phản phúc, nhưng trung thành và dịu dàng trong tình bang giao kết nghĩa. Thế nhưng cứ theo những nét Trung Cổ của ngài, thì ngài là người khó hiểu nhất. Lòng quả cảm hiệp sĩ của ngài, tính nồng nàn và nhiệt tình của ngài khi ngài tổ chức nghĩa binh thánh giá thì đối với chúng ta là những con người thuộc thời đại mới, chúng ta coi như một phản bội, trước những phận sự ngài phải làm đối với nước ngài và chức vụ làm vua của ngài. Những nét này nằm trong quan niệm lãng mạn thời Trung Cổ, nhưng không tương hợp với quan niệm chúng ta có ngày nay, và cả người Hy Lạp thời xưa nữa, về vai trò của vương đế và người của quốc gia. Trong trường hợp thánh Phanxicô, đó là cái ý tưởng lãng mạn mà chúng ta có, làm cho chúng ta xa cách con người đích thực và những đau khổ tinh thần và vật thể của nó. Còn về thánh Louis, chúng ta vấp phải chướng ngại vật là lòng hiệp sĩ ham thích nghĩa binh thánh giá và chúng ta khó khám phá ra con người dưới cái riềm mũ lính. Cả hai, theo cách của họ, như hết các vị thánh, đều tỏ cho chúng ta thấy một biến tượng của Ðức Kitô vĩnh cửu. Cả hai đều là những Kitô hữu đạo hạnh, chính thống, vâng lời, nhưng khá xa kinh nghiệm của chúng ta.
Thánh Thomas d'Aquin: Nơi ngài chúng ta tìm thấy một người đã có một ngôn ngữ sáng sủa, biết trực tiếp nói thẳng vào tâm trí chúng ta. Ðiều này có thể coi như nghịch lý, nhưng theo một thể cách nào đó, thì đây là người thông thường nhất và dễ hiểu nhất trong bốn nhân vật của chúng ta. Nếu chúng ta không nói tới những thiên tài và sự thánh thiện chói lọi, và nếu chúng ta chỉ xét đến đời sống và lý tưởng của tu sĩ, thì chúng ta có thể thấy nhiều thánh Thomas ngày nay ở Fribourg và ở Saulchoir. Sự nghiệp lớn lao của thánh Thomas, đó là suy nghĩ lại toàn thể tư tưởng Hy Lạp theo ánh sáng lề luật và Phúc âm, và xử dụng kỹ thuật triết học đơn giản nhất và sáng sủa nhất để làm cho thần học Kitô giáo có một bộ khung sắt. Sự nghiệp lớn lao của ngài còn ở chỗ trả lại cho hoạt động con người, cho tư tưởng, cho nghệ thuật và cho chính trị, một tinh thần tự lập và những giá trị đã mất đối với các nhà thần học qua lịch sử, đã chịu ảnh hưởng của phái tân Platon và cái ý thức về tội. Nơi thánh Thomas, cái dụng cụ bên ngoài mới là cái không thường: bài thuyết trình đều tiến triển bằng câu hỏi và điều khoản lớn nhỏ, kết luận, bắt bẻ và trả lời cho hết các đề tài lớn và nhỏ, cao cả và kỳ dị. Chúng ta không thấy trong sự nghiệp đó những lợi ích cho con người và các sự vật, cho văn chương và cuộc đời, là những cái mà các nhà đại tư tưởng và thần học gia khác như thánh Augustin và Platon đề cập tới. Nhưng đối với những ai công nhận các nguyên tắc, thì tư tưởng của thánh Thomas là vĩnh cửu.
Dante là nhân vật thứ tư của chúng ta, chúng ta đứng trên ranh giới của hai thế giới. Ngài là con người của thời đại, vì những quan tâm, những đam mê và những phiêu lưu của ngài. Ngài cũng là người thuộc ”Trung Cổ” như thánh Phanxicô hay thánh Louis. Thế nhưng, giữa một bối cảnh với những vấn đề chính trị của thời đức Boniface VIII và Ange Clareno, thi sĩ Dante đã rung lên một dây đàn mới, bày tỏ một mối tình vũ bão, tư riêng, đam mê nhưng tuyệt vời. Ngài quảng diễn trong một ngôn ngữ rõ ràng cái đẹp của thiên nhiên mà thánh Phanxicô cũng đã cảm thấy nhưng không diễn tả ra được. Chúng ta khám phá ra cả một chuỗi cảm xúc mà người ta không thấy nơi bất cứ thi sĩ nào, từ Lucrèce, Virgile đến Catulle. Tất cả nước Ý Trung Cổ đều hiện ra trước mắt chúng ta trong những trang sách đó. Nhưng thiên tài của Dante, là đã làm thơ với thần học, tự nâng mình vượt trên những sự tầm thường của đời người để đạt tới những chân lý Ðức Tin, những nhân đức thần học, những mối phúc thật, tình yêu huyền nhiệm, Mẹ Thiên Chúa và cả với Trời nữa. Ðối với nước Ý và đối với mọi người có văn hóa cao, Dante đã diễn tả đúng hình ảnh thánh Bernard, thánh Phanxicô, thánh Daminh, thánh Bonaventura và thánh Thomas, đến nỗi người Âu Châu không còn hình dung ra những nhân vật ấy bằng một cách nào khác hơn. Ðã thế, Dante còn chuyển tín lý Kitô giáo và thần học thành thơ. Do đó ông đã ném vào huyết quản thơ Tây phương những quan niệm và những lý tưởng mà các thi sĩ phương Bắc núi Alpes chưa biết tới, nhưng chúng trở nên quen thuộc với những người yêu chuộng ngành văn chương cao cấp và đã đóng góp nhiều trong việc truyền bá thuyết Thomas ra ngoài ranh giới Giáo Hội Công giáo. Người ta có thể coi Dante như một vị thánh quan thày, nếu không là của giáo dân thì ít ra của những hoạt động tông đồ giáo dân. Mặc dầu không có gì cho phép người ta coi ngài như kẻ xu thời hay như kẻ đánh đổ các giáo hoàng, nhưng ngài đã viết cuốn về Quân Chủ (Monarchia) như thể chưa có cuốn Giáo Hội Duy Nhất (Unam Sanctam). Quả thật, tự thâm tâm ngài vẫn trung thành với giáo triều, bởi vì trong mọi phạm vi ngài vẫn giữ ”tinh thần Giáo Hội”. Mặc dầu, như người ta có loan tin, ”ngài không phải người theo thuyết Thomas tinh tuyền”, ngài cũng xa thuyết Duy danh hay thuyết Pélagus như xa thánh Thomas. Mặc dầu trong một mức độ nào đó, ngài là một nhà trí thức có óc bài giáo sĩ, Ngài vẫn được nhiều giáo hoàng, hồng y và giám mục coi như một thi nhân thượng thặng, một thi nhân tối cao của nền văn hóa công giáo Trung Cổ, Trung Cổ vì những tâm tình trung tín và cảm nghĩ của ngài; trung cổ vì những gì ngài mong mỏi cho nước Ý và vì ngài mơ ước một trật tự hòa hợp phổ quát; công giáo tới xương tủy vì nền thần học và vì những thị kiến huyền nhiệm của ngài về thiên đàng; thi nhân của mọi thời vì cách ngài biểu lộ những cảm xúc và tình yêu lý tưởng của con người, vì mọi vẻ đẹp của thiên nhiên và nghệ thuật, vì Ðức Tin Kitô và cứu cánh vĩnh cửu của Kitô hữu.