CHƯƠNG XXII
NỀN VĂN CHƯƠNG
Ở THẾ KỶ XI VÀ XII.
CHƯƠNG XXII
NỀN VĂN CHƯƠNG
Ở THẾ KỶ XI VÀ XII.
Chỉ có những người thuộc Giáo Hội, đặc biệt các tu sĩ và kinh sĩ dòng mới được huấn luyện đầy đủ và có khả năng theo đuổi học vấn. Các sách vở do những người Giáo Hội viết, thường chỉ bàn luận về các vấn đề tôn giáo, và là thành phần chính yếu của nền văn chương thời đại. Sau khi nhận được nền giáo huấn bằng tiếng La tinh và tham dự vào một nền văn học siêu chủng tộc, họ tự đề cao mình, nhiều khi ngạo nghễ, là có La tinh tính, (Latinitas) mỗi khi nói về Âu Châu Tây phương hay Kitô giáo Tây phương. Họ phát biểu bằng một tiếng La tinh hơn kém thứ La tinh của Augustin hoặc (vào thế kỷ XII) của Salluste hay của Suétone. Những kiệt tác của thơ Anglo-saxon và những bài thơ của Edda thứ nhất đã bị che khuất dưới làn sóng đó. Bản hát của Roland (Chanson de Roland) ”tiếng ca bình minh của những con chim vừa thức giấc”, không thuộc về thẩm quyền của chúng tôi. Nền văn chương dưới hình thức thơ, lịch sử, tiểu sử và thư tín đã có ở Âu Châu từ lâu trước khoa biện chứng, bởi vì đã có một truyền thống văn chương liên tục từ khi đế quốc sụp đỗ. Nhưng phải có nhiều thời gian để phục hồi, và nó chỉ đạt tới tuyệt đỉnh gần một thế kỷ sau.
Trong khoãng mấy thập niên cuối cùng của thế kỷ XI, những hậu quả của nền phục hưng Ðức, được hoàn thành dưới triều Otton Cả, đã tiếp tục xuất đầu lộ diện và những tu viện miền Nam nước Ðức đã trở thành những trung tâm hoạt động văn chương nổi tiếng. Người ta có thể đan cử một thí dụ trong tác phẩm của Otloh người saint Emmeran và người Fulda (1010-1070), trong đó tính nhạy cảm rất gần với cuốn Trần tình của thánh Augustin (Confessions de Saint Augustin). Những hồi ký của ông được liệt vào hàng đầu trong những truyện tự thuật thời Trung Cổ. Những truyện này rất hiếm. Mặc dầu các sách của ông rất dồi dào về những nét tâm lý và những câu trích dẫn văn chương làm cho ông được xếp vào hàng các nhà nhân bản học, Otloh đã trắng trợn tỏ ra mình là một người phản biện chứng và một người chống đối - đúng hơn là không xác tín và tin tưởng - nền giáo dục dựa trên thơ phú ngoại giáo.
Hay hơn nữa là tu sĩ thành Reichenau, Hermannus Contractus, ”Kẻ Bại Liệt” (L'Impotent, 1013-1054). Bị liệt từ thuở nhỏ, không thể cử động được, chỉ nói ú ớ trong cuộc đời vắn vỏi, ông đã được coi là nhà thiên văn học xuất sắc và nhà toán học danh tiếng nhất trong thời đại ông sống. Những công việc ông làm về số học, về cách đo thời gian và máy đẳng cao là những bản văn cổ điển cho nhiều thế kỷ và được hoàng đế Henri III và giáo hoàng Léon IX lưu ý. Cuốn sử biên niên hoàn vũ của ông về những năm 1040-1054 là một nguồn tham khảo độc đáo, chính xác và rất có giá trị. Ông còn là một thi gia biệt tài, tuy nhiên người ta không còn gán cho ông là tác giả mấy bài tiền ca Alma Redemptoris và Salve Regina.
Trong tiền bán thế kỷ XI, không nước nào có thể sánh vai với miền Nam nước Ðức. Nhưng người ta có thể ghi nhận rằng Adam de Brême, Raoul Glaber de Dijon và Pierre Damien, trong một thời kỳ, cũng là những người đồng thời với hai tu sĩ Ðức. Adam, viết biên niên sử của các tổng giám mục Hambourg cho tới 1075, là một sử gia chính xác và có óc phê phán. Raoul Glaber (”Ông Sói” 985-1050) là một nhân vật kiểu mẫu giữa các tu sĩ thời Trung Cổ, mà trước đấy Rathier người Veronne và sau đấy Fra Salimbene cũng là những nhân vật kiểu mẫu. Tài ba, xáo động, cả tin và liến thoắng, ông viết cuốn Lịch sử nước Pháp và miền Bourgogne, một nguồn liệu giá trị. Nhưng còn giá trị hơn nữa là bức tranh đầy nhựa sống của ông, muốn phác họa các thứ dị đoan và tinh thần bất khuất nơi dòng tu. Cũng vì ông và mấy người cộng sự của ông mà các sử gia thường có cảm tưởng là tu sĩ thời Trung Cổ sống trong một thế giới quỉ ma đầy sự lạ lùng. Pierre Damien (1007-1072) là một nhân vật có tầm vóc lịch sử rất quan trọng. Lúc còn trẻ làm giáo viên, rất tinh thông văn chương latinh cổ điển, có tài bình luận thơ phú và tài hùng biện, ông là một chứng nhân xuất sắc về nền học vấn được áp dụng trong các trường công lập miền Bắc Ý, vào thời kỳ tại miền Bắc núi Alpes, hàng giáo sĩ và các tu sĩ, trong phạm vi thực hành đã nắm độc quyền về học vấn. Lúc còn thanh niên, ông gia nhập dòng khắc khổ Camaldule ở Fonte Avellana. Không bao lâu, ông tỏ ra là một nhà khổ tu và một nhà cải cách thuộc loại hăng say nhất và cương quyết nhất, ông dự tính đòi mọi thành viên thuộc hàng giáo sĩ phải sống theo kỷ luật dòng, và tịch thu tài sản của những tu viện giàu có để bù đắp cho những nhà dòng ẩn tu miền Abruzzes. Trong cuốn Liber Gomorrhianus, ông lên án những kẻ buôn thần bán thánh và những linh mục cặp kè với đàn bà bằng một ngòi bút chấm dấm chua và sinh diêm, cũng cay độc như ngòi bút của Juvénal hay của Swift. Các sách của ông nhan nhản những lời thóa mạ chua cay chống lại nền học vấn ngoại giáo và thế tục, chống thơ phú và biện chứng. Như Jérôme trước đây và Bernard ít lâu sau, Damien đem hết tài năng đả phá nghệ thuật. Ông chọn sống đơn độc, nhưng lại được mời đi nhiều nơi để thương thuyết; muốn sống thinh lặng, nhưng lại vướng vào hết các cuộc tranh luận của thời đại; là thù địch của văn chương nhưng bẩm sinh đã là văn sĩ; là nhà tu hành và sứ ngôn khải huyền, nhưng với một nguồn cảm hứng đích thực về một thể thơ âm luật - như bài Ad perennis fontem vitae rất phổ thông và nhiều bài thánh ca khác. Damien hẳn là một trong những người tiêu biểu nhất và có ảnh hưởng nhất của thời kỳ ấy.
Những khả năng văn chương đang bành trướng của Giáo Hội đã gặp ngay một địa trường phát triển là những cuộc tranh luận mà chính mình gây ra. Tranh luận về phép Thánh Thể do Bérenger đặt ra, đã được giải quyết với hòa ước Lanfranc và uy thế của Giáo Hội. Tuy nhiên, như một ngọn lửa heo hắt, những văn thư mà phần nhiều do các tu sĩ viết, còn kéo dài thêm năm chục năm. Rộng lớn hơn và ảnh hưởng lâu dài hơn, đó là sản phẩm văn chương phát sinh từ cuộc tranh cãi về các vụ tấn phong. Không kể những bộ sưu tập giáo luật và những thư riêng gửi các tu sĩ, còn có một trăm ba mươi thiên chính luận và bài đả kích đã được các học giả thời nay sưu tầm và cho ấn hành. Trong những sách chuyên luận, có năm chục từ Ðức, năm chục từ Ý, hai chục từ Pháp và dăm ba bài khác từ Anh và Tây Ban Nha. Riêng những người chống đối, họ tỏ ra có nhiều tài năng văn chương và lý luận khôn khéo. Nói chung, các bài đả kích rất tinh tế, nhiều kinh nghiệm bút chiến và thuyết phục, hiếm có tính cách lăng mạ và mỉa mai. Thường thường, các bài đả kích việc tấn phong chĩa mũi dùi vào các Libelli de Lite (Các đơn kiện) và cho thấy rõ rằng ở Âu Châu có nhiều người xử dụng cây bút. Trong hết các trung tâm hành chính và tu viện có khả năng tham gia, người ta xử dụng một kỹ thuật khá phiền phức, để các cuộc tranh luận vận dụng đến những nguyên lý trí thức và pháp luật rất bao quát.
Vào cuối thế kỷ, một đám cây xanh tốt mọc lên từ mọi ngả. Nhiều người đã tham gia cuộc tranh chấp về các vụ tấn phong, nay lại nổi tiếng trong các phạm vi khác. Như Brunon người Asti, giám mục Segni (1045-1123), ông viết theo hết các thể loại và có lẽ là người chú giải Kinh Thánh lỗi lạc nhất thời đại. Reinold de saint Blaise (1054-1100) đã đóng góp tới mười lăm bài đả kích, nên ông được xếp hạng trong những người khôn ngoan nhất và ôn hòa nhất trong bộ sách De Lite: (Về vụ án). Ông còn là người chép sử biên niên có thế giá. Sống đồng thời với các nhà châm biếm, còn có nhiều tác giả văn chương theo nghĩa đúng của từ ngữ.
Như hầu hết các văn sĩ thời ấy, họ là những người thuộc Giáo Hội, thường là tu viện trưởng hay giám mục, nhưng với những cá tính độc đáo của bản thân, họ được kể là văn sĩ của mọi thời đại. Một trong những người xuất sắc nhất là Baudri (1046-1130), tu viện trưởng nhà dòng Saint Pierre ở Bourgueil năm 1089 và tổng giám mục Dol năm 1107. Là người rảo khắp nước Pháp và Anh mà không biết mệt mỏi, đầy nghị lực, có nhiều tham vọng và tự phụ, có rất nhiều bạn bè kết nghĩa, Baudri khi làm tu viện trưởng đã trở thành nhà thơ được cả nước Pháp biết tới, vì đã thảo những văn bia mộ chí, những văn khắc, những bài tưởng niệm và những thơ tùy hoàn cảnh, phần lớn được viết theo thể lục ngôn hay thể thơ bi thương. Còn là tác giả mấy bài thơ dài, hiểu biết tường tận về các tác giả La tinh cổ điển, ông đã sáng tác hai bộ thư tưởng tượng, coi như đã được trao đổi giữa Pâris và Hélène, giữa Ovide và Flore. Là bà con gần với Marbode thành Tours (1035-1123), giám mục Rennes từ 1096: ông này nổi tiếng nhờ những bài thơ trào phúng, thơ biển khắc, thơ châm biếm và thơ đạo đức của Baudri. Mặc dầu khác với Baudri về đời sống và tính tình, Marbode có những đức tính luân lý và văn chương khá cao. Vì thế các bài thơ của ông được dùng trong sách giáo khoa dạy văn chương.
Người thứ ba thật là một thiên tài. Có lẽ chỉ có một mình ông trong tất cả các nhà làm thơ thời ông, Hildebert de Lavardin (1056-1133), giám mục Le Mans (1096) và tổng giám mục Tours (1125), là một thi nhân đích thực và một giám chức cương nghị và hoạt động. Bên cạnh những bài thư Kinh Thánh và bộ truyện các thánh, có hai bài ngắn làm cho ông nổi tiếng, hai bài ca tụng Roma ngoại giáo và Kitô giáo: Par tibi Roma và Dum simulacra mihi. Thấu triệt ý nghĩa sự cao cả của Roma cổ xưa và thấm nhuần kỹ thuật làm thơ của Ovide, Juvénal và Martial, ông coi những tàn tích của thủ đô đế quốc như những người Roma cuối cùng đã thấy. Nhưng ông cũng cảm súc trước vẻ đẹp và vẻ huy hoàng của Roma đời các tử đạo và giáo hoàng. Là bạn của Anselme, Bernard, Anselme de Laon, Bérenger, Guillaume de Champeaux và Yves de Chartres, Hildebert, cùng với Anselme và Yves làm thành một bộ ba giám mục có học vấn và đạo hạnh, khiến cho Giáo Hội hiên ngang vào hết mọi thời đại.
Tiền bán thế kỷ XII là mùa hè rực rỡ của văn chương La tinh Trung Cổ. Những đề tài và sở trường của các văn nhân phản chiếu những kiểu mẫu của kinh viện. Vượt trên đám đông vô danh gồm các nhà phân tích và biên niên thuộc dòng tu, nổi bật những người xứng đáng danh hiệu sử gia: Orderic Vital, tu sĩ Saint Evroul và Guillaume, tu sĩ Malmesbury, người thứ nhất thì chắc chắn, còn người thứ hai thì rất có thể, đều là những người gốc nửa là Normand, gốc nửa là Anh. Cả hai đã diễn tả cho chúng ta một cách sống động, đời sống nơi triều đình và các tu viện trong vương quốc Anh-Normand. Trong hai người này, Guillaume là người dấn thân hơn, sâu sắc hơn. Lối hành văn và từ ngữ ông dùng, hình như vay mượn từ Salluste và Lucain. Ông tìm được kiểu mẫu nơi Bède le Vénérable. Guibert, tu viện trưởng Nogent, làm sống lại nơi chúng ta những cảm xúc của các nghĩa binh thánh giá trong cuốn Gesta Dei per Francos (Những kỳ công của Chúa qua người Pháp). Rồi ít lâu sau, Otton dòng Citeaux, tu viện trưởng Morimond và giám mục Freising, phác họa một bức tranh để phê phán và suy tư về Âu Châu vào thời cháu ông là hoàng đế Frédéric Berberousse.
Gần như bài lịch sử và thường là tác phẩm của một sử gia, loại tiểu sử cũng là một chương chói lọi của nền phục hưng thế kỷ XII. Trong phạm vi này có một truyền thống cổ xưa với hai nguồn gốc: một là truyền thống Plutarque và Suétone mà tiêu biểu là Eginard đã viết tiểu sử Charlemagne, hai là thế hệ tiếp nối Grégoire Cả và Sulpice Sévère soạn tiểu sử các thánh, mà tiêu biểu là Athanase đã viết tiểu sử thánh Antôn. Thế kỷ XI và XII là hoàng kim thời đại của loại này. Chúng ta chỉ việc so sánh số phận Anselme, Bernard, Thomas Becket và nhiều người khác nữa, sau khi họ chết, với số phận của Grosseteste, Albert Cả và thánh Thomas, để thấy sự thay đổi giữa thế kỷ XII và XIII. Tiểu sử hẳn đã được phong phú dồi dào do sự phát triển các dạng văn chương, nhưng ảnh hưởng căn bản là việc người thời đó để ý tới tư cách của các nhà lãnh đạo hay các vị thánh trong một nhãn quan vừa nhân loại vừa tâm linh. Nhiều tiểu sử được viết như thế và đã đạt tới trình độ rất cao. Có thể nhận thấy những thí dụ trong những cuốn truyện về Anselme của Eadmer, Bernard của Guillaume de saint Thierry, Ailred của Walter Daniel và Thomas de Cantorbery của William Fitz Stephen. Nhưng hầu hết các đại lãnh tụ và các vị thánh đều có một người viết tiểu sử, mà cách hành văn thì đi từ điểm kể các sự việc lặt vặt, như Guillaume de Malmesbury đã viết tiểu sử của Wulfstan de Worcester, cho tới lối ký họa của Suger de saint Denis, qua lối vẽ tỉ mỉ chân dung thân mật của Samson de Bury Saint Edmunds. Thể văn tiểu sử đã sống lâu hơn tất cả những thể văn khác của thế kỷ XII. Nhưng bộ sách Ðại Tiểu sử (Magna Vita) của thánh Hugues de Lincoln, và cuốn Ðệ nhất Tiểu sử (Vita Prima) của thánh Phanxicô do Thomas de Celano viết - hai người gần như đồng thời mà lại rất khác nhau - đã chấm dứt một thể văn kéo dài lâu năm. Khỏi kể đến số lượng, những tiểu sử ấy đã được ấn hành trong những miền rõ rệt như ở Bắc Ý, miền sông Loire ở Pháp, Hòa Lan và Anh. Miền Nam Pháp, Tây Ban Nha và Ðức thì ít hơn.
Loại tự thuật hiếm hơn loại tiểu sử. Trong số những người viết theo loại này thì Guibert de Nogent có khuynh hướng ”Augustin”, nhưng cũng có chỗ giống Atloh người đi trước ông và Ailred kẻ kế tiếp ông. Truyện các tai họa (Historia Calamitatum) của Abélard là một kiệt tác mãnh lực hơn, gây xúc động hơn, tuy kém đơn giản hơn.
Sản phẩm văn chương độc đáo hơn cả của thời đại ấy là thư tín gửi riêng cho nhau. Gần đây, các sử gia mới biết xử dụng những nguồn phong phú của thư tín như sản phẩm văn chương thời đại, và mới chuyên chú nghiên cứu những phương pháp sưu tập và cách thức thiết lập những thư tín ấy. Hơn tất cả các thời đại khác, thư tín riêng (ngày nay người nhận thường xử dụng tới) vào thời đó thường được giữ lại bản ráp hay bản chép lại do chính người gửi làm. Không những ”văn nhân” như Baudri, mà cả những thánh nhân như Anselme, Bernard và Pierre Le Vénérable cũng giữ lại các thư của mình để cho người ta chuyền tay nhau mà coi (có thể nói để ấn hành) trong suốt đời. Những tập thư này không phải chỉ gồm những thư chính thức hay những thư chứa đựng những giáo huấn thiêng liêng hay thần học, mà còn là những thư tư riêng hơn, chứa chấp nhiều xúc động tình cảm hơn, và cũng nảy lửa hơn.
Ða số các thư của Bernard và của nhiều người khác được ấn hành trong lúc người nhận thư còn sống. Do đó nhiều khi làm cớ cho người ta kiện ra tòa án về tội vu khống. Những tập thư này làm thành nguồn liệu chính yếu của lịch sử văn học thời Trung Cổ và giúp hiểu biết các vĩ nhân thời ấy. Các thư của Hildebert, viết bằng thứ la ngữ cổ điển rất trong sáng, đặc biệt cho chúng ta thấy nguồn sức mạnh của trí thức và luân lý, cũng như những tình cảm ngọt ngào của tác giả. Thư của thánh Gioan de Salisbury chất chứa tất cả những yếu tố giúp hiểu biết con người một cách sâu xa. Thư tín trao đổi giữa Abélard và Héloise, cho dầu có những điểm khác nhau về hình thức sáng tác hay về nội dung, vẫn còn là một trong những công trình văn học đồ sộ nhất về ái tình đam mê và sự lựa chọn đôi ngả bi ai. Anselme de Cantorbery giữ một vị trí ưu biệt, không chỉ vì là nhà nhân bản, mà còn là người bạn và người thầy đa cảm và nhân đạo. Là tác giả các thư tín và nhà viết văn giúp suy gẫm, ông đã đạt tới cao điểm như vị trí của ông về thần học. Ông có lối viết rất du dương đặc sắc. Về nhịp điệu, ông gần với lối viết của Augustin, nhưng hòa âm thì đơn điệu hơn Augustin. Về phạm vi lối viết và tư tưởng, Anselme đã đi trước thời đại ông. Khi chúng ta đọc những thư linh hướng gửi cho các tu sĩ hay các bà quí tộc, những thư tâm phúc gửi cho các nữ tu và giám mục, chúng ta hầu như quên rằng chúng ta đang ở thời đại Domesday book và thời đệ nhất nghĩa binh thánh giá, mà đúng hơn chúng ta nghĩ tới thánh Francois de Sales. Trổi vượt hơn cả và đáng được gọi là bậc thầy vĩ đại về lối viết thư linh hướng chính là thánh Bernard, tu viện trưởng Clairvaux. Thư của ông bộc lộ dồi dào mọi tâm tình, từ tức giận khi tố cáo đến bày tỏ tình bạn thật dịu dàng chia sẽ và xúc cảm thiêng liêng sâu xa. Thư tín của ông còn gợi ra những khúc mắc không bao giờ được giải đáp. Như nhiều tác giả khác ít quan trọng hơn, tu viện trưởng Clairvaux dành nhiều tự do cho các thư ký của ông. Những người này đã viết một số thư rồi ”ký lên khi ông vắng mặt”. Nhiều lá thư khác được ấn hành ngày nay, rõ rệt là những bản văn người khác viết và ông sửa đổi lại. Tuy nhiên vẫn còn thấy rõ những ấn tích nguyên thủy của tác giả cho phép nhà nghiên cứu xếp thánh Bernard vào số những nhà viết thư linh hướng thời danh nhất. Người ta có thể khẳng định điều này: không ai xử dụng từ ngữ thật xác đáng, rất táo bạo và cũng rất nghịch lý như ông, không ai đã hô hào người ta đi gặp những khó khăn nguy biến với những giọng điệu thôi miên bùa ngải như ông.
Những người soạn thư tín danh tiếng này còn được người đồng thời biết tới qua những bài giảng thuyết hơn bởi những thư từ họ viết. Quả thật, đây là đại của các nhà thuyết giáo. Nhưng khi so sánh Yves và Hildebert với Bossuet và Bourdaloue, người ta quên rằng những bài giảng (Sermons) và bài giải thích Phúc âm (Homélies) in trong bộ Migne thì đã được viết ra để cho người ta đọc. Nếu có một số đã giảng thực sự thì đó là giảng trước những cử tọa nhỏ, cho kinh sĩ đoàn hay tại nhà thờ chính tòa, hoặc trong một công nghị. Các nhà giảng thuyết, như Orphée, đã thu hút quần chúng tại rừng vắng, không để lại bút tích. Chúng ta không thể gợi lên những giọng điệu của Robert d'Arbrissel. Trong phạm vi này, thánh Bernard cũng đứng hàng đầu. Các bài giảng của ông còn nóng hổi; nhưng đó là những bài ông giảng cho các tu sĩ của ông chứ không phải những bài ông hô hào người ta gia nhập nghĩa binh thánh giá.
Ðể kết thúc bài biên khảo về việc phục hưng của thế kỷ XII này, chúng ta phải ghi nhận: Con người đứng vào trọng tâm của cả thời kỳ này, là Jean de Salisbury, qua đời khi đang làm giám mục Chartres. Ông là nhà nhân bản xuất sắc nhất; ông không phải là người hướng dẫn tâm linh, không phải là một triết gia, cũng không phải là nhà thần học hay nhà giảng thuyết, mặc dầu ông rất tinh thông trong hết các bộ môn ấy. Theo cái nhìn của ông, thì việc luyện tập văn chương là một phương thế chuẩn bị và sống đời sống Kitô giáo trong sung mãn của nó. Chúng tôi nghĩ rằng, suốt đời nhà nhân bản thời danh này thích làm khán giả hơn làm diễn viên, làm thính giả hơn thuyết trình viên. Là học trò của Abélard và Gilbert, bạn của giáo hoàng người Anh là Adrien IV, thư ký của tổng giám mục Theobald và Thomas de Cantorbéry, người đối thoại và phê bình thánh Bernard, Jean de Salisbury hiểu biết và quan sát nhiều nhân vật trọng yếu của thời đại này, thời đại có nhiều bậc vĩ nhân. Ông trình bày những nguyên tắc pháp luật và công bằng cách chặt chẽ và nghiêm chỉnh. Ông không phải là một nhà cách mạng cũng không phải là người bốc đồng theo thời. Những phán đoán ông đưa ra về các người đồng thời vừa ôn hòa vừa tế nhị như những phê phán của một saint Simon hay một saint Beuve. Ông có một sự hiểu biết sâu xa về văn chương La tinh và ông biết thưởng thức những cách nói tinh vi hơn tất cả các văn sĩ thời Trung Cổ. Thánh Bernard de Claivaux là một vị thánh và một nhà khổ tu tinh thông nghệ thuật tu từ và điều khiển con người. Còn Jean de Salisbury là một nhà bác học và một nhà viết văn trau chuốt, cũng là một giáo sĩ có xác tín và một nhà nhân bản Kitô giáo. Cả hai người này đều tiêu biểu trọn vẹn cho tất cả nguồn phong phú và mọi nét độc đáo của thời đại ấy.